TẢN ĐÀ
NGUYỄN KHẮC HIẾU
(1888-1939)
Quê
hương khuất bóng tà dương,
Trên
sông khói sóng cho buồn lòng ai.
Báo chí và các ấn bản mà tôi kể ở
phần Nguyễn Đình Chiểu, mở đầu cho hàng loạt những tác phẩm bằng chữ Quốc Ngữ.
Những nhà nho cầm bút sắt xuất hiện càng lúc càng đông; Tất nhiên là thơ được
viết bằng chữ Quốc Ngữ cũng có mặt. Hơn ai hết, Trương Vĩnh Ký và Huỳnh Tịnh
Của biết người Pháp muốn gì. Họ xem chữ Quốc Ngữ như là một phương tiện để cho
họ hiểu người bản địa ra làm sao để mà dễ bề cai trị, cũng như các giáo sĩ tạo
ra nó để dễ bề truyền giáo. Nhưng với hai ông thì lại khác. Dân trí được nâng
cao là phải nhờ Quốc Ngữ. Dễ học, dễ truyền bá. Con đường Độc Lập đến nhanh hay
chậm cũng nhờ vào đấy. Hai ông không nói điều này, nhưng làm điều này. Hai ông
mở ra con đường ấy. Hai ông không vỗ tay khi ai đó muốn vào. Hai ông không nhíu
mày khi có ai bài bác. Nhưng rồi người ta đi vào đông quá; Nguyễn văn Vĩnh,
Phạm Quỳnh, Phan Khôi, Phạm Duy Tốn, Phạm Duy Khiêm, Nguyễn Đỗ Mục, Nguyễn Hữu
Tiến, Diệp văn Cương, Trần Phong Sắc, Nguyễn Chánh Sắt, Nguyễn An Khương,
Nguyễn An Cư, Sương Nguyệt Anh, Lê Hoằng Mưu… và Tản Đà. Tất nhiên với phương
tiện ấy mọi người sử dụng thế nào thì tùy. Trong khi đó, chiếc thuyền thơ càng
ngày càng đông khách.