NGUYỄN ĐÌNH CHIỂU (1822-1888)
Khi Mỗi
Câu Thơ Là Một Luống Cày
Năm 1858. Quân Pháp vào Việt Nam đánh chiếm Đà
Nẳng
Năm 1861. Quân Pháp tiến chiếm Gia Định,
Thủ Dầu Một, Tây Ninh, Mỹ Tho
Năm 1862. Quân Pháp chiếm Biên Hòa,
Vĩnh Long.
Năm 1862. Ký kết hòa ước năm Nhâm Tuất,
triều đình Huế nhường ba tỉnh Nam Kỳ là Biên Hòa, Gia Định, Định Tường tiếp
theo là hàng loạt hòa ước nhưng thực chất là những văn kiện xâm lược
Năm 1887. Chính phủ Pháp lập phủ
Toàn Quyền Đông Dương. Việt Nam
chính thức rơi vào tay thực dân Pháp. Cũng trong năm này, cuốn tiểu thuyết “Thầy
Lazarô Phiền” của Nguyễn Trọng Quản (1865-1911). Có thể xem đây là quyển tiểu
thuyết đầu tiên viết bằng chữ Quốc âm
Những biến động liên tục ấy đã làm biến đổi tư tưởng, tình cảm của giới trí thức đất nước trong đó có Nguyễn Đình Chiểu.
Và những người tiếp theo Uy Viễn Tướng Công thì bắt đầu đối diện với một nền văn hóa mới và kèm theo vận nước ngã nghiêng tạo nên một nỗi trăn trở cho Nguyễn Khuyến, nỗi bực dọc cho Tú Xương, nỗi đau của Nguyễn Đình Chiểu và những thái độ gần như, tôi nói gần như, buông xuôi của Dương Khuê, Dương Lâm, Chu Mạnh Trinh… Cũng song song theo đó thì có một thứ khác lớn lao hơn, mạnh mẽ hơn thổi vào vào thơ để làm thành một thứ thơ hoàn toàn khác. Những vần thơ yêu nước. Tôi xin mạn phép được nói kỹ càng hơn về giòng thơ này trong một dịp khác.
Đất nước đang từng bước đối diện trước một thế lực ngoại xâm hoàn toàn mới. Thực dân Pháp. Một nền văn hóa Việt Hán, mà đại biểu lúc này là các nho gia, chưa đủ sức để thấu hiểu một cách tận tường kẻ thù mới. Một kẻ thù không quen thuộc. Họ có một lực lượng tiên phong tưởng chừng như vô hại. Các giáo sĩ. Vương triều nhà Nguyễn có hiểu, có cảnh giác, nhưng hiểu không hết, mức độ cảnh giác cao, thậm chí rất cao, nhưng biện pháp thì có lắm sai lầm. Và đất nước phải trả một giá rất đắt. Nhưng như là một cuộc Tái Ông thất mã. Trong suốt quá trình cuộc kháng chiến giành lại độc lập chủ quyền dân tộc ấy. Con người phải khôn hơn gấp ba lần, một lần để sống trong hoàn cảnh nhiểu nhương và một lần nữa để bằng quân thù, và lại một lần nữa để chiến thắng kẻ thù. Trong quá trình khôn lên đó. Văn hoá, trong đó có thơ vẫn nắm một vai trò chủ đạo.
Nếu sự du nhập tương đối dễ dàng, thì sự đào thải lại vô cùng khắc nghiệt. Chữ Hán Việt bị đào thải một cách nhanh chóng, chữ Nôm cũng ngậm ngùi chìm trong bóng tối sau hai lần được chính thức xem là văn tự quốc gia vào năm 1401 thời Hồ Quý Ly. Năm 1789 thời Quang Trung. Có nhiều chứng cứ cho thấy vua Quang Trung là hậu duệ của Hồ Quý Ly. Hai con người hùng tài đại lược chung giòng máu này, một người thì mất nước, một người thì mất sớm. Điều đó làm cho chữ viết riêng của dân tộc dù đã được hoàn thiện, được nâng niu, chiu chắt gần một ngàn năm, đã được sử dụng để viết hàng trăm kiệt tác văn học, hàng vạn câu thơ vẫn luôn bị đứng vào vị trí thứ hai rồi chìm vào trong bóng đêm của lịch sử. Chữ quốc ngữ được viết bằng ký tự La tinh nhanh chóng trở nên chính thống trong một thời gian kỷ lục. Đây không phải là một công trình của người Việt. Nhưng chính nó tạo ra cái khôn thứ ba và cái khôn ấy nhanh chóng nhận ra đây là một con thuyền có tốc độ cao. Chữ Quốc Ngữ sẽ thừa sức chuyển tải những gì cần thiết đến mọi hang cùng ngõ hẽm của lòng người. Chỉ cần hoàn thiện thêm để vượt ra khỏi các khuôn viên nhà thờ. Lại một lần nữa lịch sử cho ta một sự thú vị. Những bài thơ Việt Nam đầu tiên mà ta được biết xuất phát từ các thiền viện Phật Giáo. Chữ quốc ngữ vươn ra đại chúng từ các khuôn viên nhà thờ Công Giáo.
Thế nước trong cơn nghiêng ngữa. Các phong trào Cần Vương, Văn Thân nổi lên khắp nơi. Hầu hết các lãnh tụ là các quan lại, tướng lĩnh, các sĩ phu. Một giòng thơ mới xuất hiện kêu gọi kháng chiến chống Pháp. Đặc biệt có ông đồ mù xứ Bến Tre. Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888). Giá như ông không bị mù, rất có thể ông sẽ trở thành một lãnh tụ nghĩa quân như Trương Công Định, Nguyễn Hữu Huân, Nguyễn Trung Trực, Võ Duy Dương… Mù lòa không thể cầm gươm ra trận ông lựa chọn một mặt trận khác. Vũ khí của ông rất đặc biệt; ngọn bút lông và dao cầu, thuyền tán. Trong số các nhà nho không trực tiếp kháng chiến thì ông là người năng nổ nhất. Uy tín của ông vang dội khắp Nam Kỳ. Pháp và tay sai chẳng những lo sợ, kiêng dè mà còn kính phục ông, không dám làm gì ông. Chẳng những thế, còn dịch Lục Vân Tiên đăng báo ở Pháp. (Aubaret. Journal Asiatique. Paris 1864) (Abel des Michels 1883) (Eug Bajot. Paris . Histoire du grant lettré Louc Vian Teian). Năm 1873 bản quốc ngữ được nhà xuất bản Jeanneau in ở Paris . Năm 1889 bản Trương Vĩnh Ký in ở Sài Gòn. Và ông được người dân Nam Bộ gọi bằng một cái tên trìu mến cũng rất Nam Bộ. Ông Già Ba Tri.
Tôi xem thơ như là không khí. Chắc có lẽ sẽ có người không đồng ý. Bởi vì vẫn có người suốt một đời không đọc lấy một câu thơ. Nhưng tôi cũng biết không có ai trong cuộc đời chưa từng nghe một câu thơ. Thậm chí nghe rồi yên lặng chẳng nói một câu nào. Có thể họ không tìm để nghe. Nhưng bất chợt trong một buổi trưa hè giữa cái yên ả của làng quê. Một con người thành thị đi đâu đó chợt nghe ông già nằm đong đưa trên cái võng giăng trước hàng ba ề à nói thơ:
Trước đèn…ờ… xem chuyện Tây Minh,
Nực cười hai chữ…ớ… nhân tình… mà… éo le.
Ai ai…ừ… lẳng lặng mà nghe,
Dử răn việc trước…ớ… lành dè… mà… thân…ớ… sau.
Trai thời trung hiếu ớ … làm đầu
Gái thời tiết hạnh ớ… là câu trau mình.
... … …
Nguyễn Đình Chiểu ( Lục Vân Tiên)
Tôi tin rằng cái con người dị ứng với thơ ấy sẽ cảm thấy cái nắng bớt oi nồng, bầu không khí trong hơn và họ sẽ có cảm giác tiếng lá đang thì thào cùng gió. Tôi không chủ quan theo cái cảm nhận của mình để buộc người khác phải có một cảm xúc nào đó khi nghe cái giọng nói thơ khề khà đậm chất thời gian và quê trớt ấy. Nhưng tôi biết những con người, đã quen với hip hop, rốc ráp, sẽ chùng lòng xuống khi phải nghe giọng nói thơ ấy ở một khoảnh khắc mà họ chẳng có gì để nghe. Tôi chưa bao giờ đọc hết Lục Vân Tiên. Nhưng tôi đã nghe ông nội tôi nói thơ hay ngâm thơ, thậm chí hát thơ, hò thơ Lục Vân Tiên, tùy theo cảm xúc của ông. Cứ mỗi ngày vài đoạn. Tôi đã nghe hết Lục Vân Tiên như thế. Thành ra, tôi đã quen thở bằng cái không khí trộn thơ từ ngày còn tí nị. Tôi may mắn nhận biết mình từng giây thở không khí đó và chưa dám ngưng nghỉ bao giờ.
Tôi vốn là một thằng nhóc loi choi lóc chóc. Nhưng không hiểu sao mà ông nội tôi lại cưng chiều tôi nhất trong đám cháu nội, ngoại 28 đứa của ông.Vì vậy mà tôi gần như là đứa cháu duy nhất được nghe ông nói thơ Lục Vân Tiên. Tùy theo cảm xúc, mà khúc thì ông ngâm, rồi đoạn khác ông hò, thỉnh thoảng vài câu ông hát. Cứ trưa hay tối mà không việc gì thì ông nói một đoạn, cứ lần sau tiếp lần trước. Tôi thì có nhiệm vụ châm trà và nghe. Ông thuộc lòng hết cả Lục Vân Tiên. Nhưng cái đoạn tôi được nghe nhiều nhất là…
Tiên rằng: Ông quán cười ai?
Quán rằng : Cười kẻ bất tài đồ thơ.
Cười người Tôn Tẫn không lừa,
Trước đà thấy máy không ngừa Bàng Quyên.
Trực rằng: Lời nói hữu duyên,
Thế trong kinh sử có tuyền cùng chăng?
Quán rằng: Kinh sử đã từng,
Coi rồi lại khiến lòng hằng xót xa.
Hỏi thời ta phải nói ra,
Vì chưng hay ghét cũng là hay thương.
Tiên rằng: Trong đục chưa tường
Chẳng hay thương ghét ghét thương lẽ nào.
Quán rằng: Ghét việc tầm phào.
Ghét cay ghét đắng, ghét vào tới tâm.
Ghét thời Kiệt Trụ đa dâm,
Để dân luống những sa hầm sẩy hang.
Ghét đời U, Lệ đa đoan,
Khiến dân luống những lầm than muôn phần.
Ghét đời Ngũ Bá phân vân,
Chuộng bề dối trá làm dân nhọc nhằn.
Ghét đời Thúc Quý phân băng,
Sớm hòa tối đánh lằng nhằng hại dân.
Thương thì thương bậc thánh nhân,
Khi nơi Tống, Vệ, lúc Trần, lúc Khuông.
Thương thày Nhan Tử dở dang.
Ba mươi mốt tuổi tách đàng công danh.
Thương ông Gia Cát tài lành,
Gặp cơn Hán mạt đã đành phui pha.
Thương ông Đổng Tử cao xa,
Chí thời có chí ngôi mà không ngôi.
Thương người Nguyên Lượng ngùi ngùi,
Lỡ bề giúp nước lại lui về cày.
Thương ông Hàn Dũ chẳng may,
Sớm dâng lời biểu, tối đày đi xa.
Thương thày Liêm, Lạc mới ra,
Gặp thời loạn mới về nhà dạy dân.
Xem qua kinh sử mấy lần,
Nửa thương nửa ghét muôn phần vấn vương.
Nguyễn Đình Chiểu (LVT)
Tôi nghe mà có hiểu là chết liền và tôi hỏi, khi thì ông nội giải nghĩa, khi thì ông nội trợn mắt:
- Mày để nội nói xong đoạn này rồi hỏi mậy.
Nhưng thường thì nửa chừng thì tôi lại lăng quăng đi đâu đó, hoặc là ông nội lại ngủ khò hoặc tôi ngủ khò.
Tôi đã sống hết quảng đời trẻ con của mình trong những vần điệu của những truyện thơ Nôm, mà chủ yếu là của Lục Vân Tiên,
Rồi khi lớn lên, vỏ vẻ làm thơ, làm thẩn. Có một lần tôi đem khoe với ông nội bài thơ của tôi được đăng báo. Ông đọc xong rồi bảo:
- Mày viết cái giống gì, tao chẳng hiểu gì ráo.
Tôi như bị dội một gáo nước. Trong khi đó thì ông nội lại nói thơ Lục Vân Tiên. Và tôi chuồn mất. Đến giờ tôi cảm thấy rất hối hận. Không hối hận vì hành động chuồn mất mà hối hận vì lý do chuồn mất. Tôi chuồn mất vì khi tôi vỏ vẻ thơ thẩn thì tôi thấy giọng nói thơ của ông nội và văn phong thơ Lục Vân Tiên sao mà quê trớt. Đến khi tôi hiểu ra thì ông nội không còn nữa. Và tôi nhớ vô cùng giọng nói thơ, ngâm thơ, ru thơ, hát thơ… của ông nội. Lục lọi trong đống sách của ông, ngoài mấy bộ Truyện Tàu mà tôi đã đọc sạch thì còn những quyển thơ dầy như Nhị Thập Tứ Hiếu (Lý văn Phức), mỏng như Thoại Khanh Châu Tuấn, Bạch Viên Tôn Các của Huỳnh Tịnh Của, Phạm Công Cúc Hoa (Dương Minh Đức 1880), Chàng Nhái Kiển Tiên, Cậu Hai Miêng, Thạch Sanh Lý Thông, Lục Súc Tranh Công… (không nhớ tên tác giả) và cả Truyện Kiều. Nhưng không có Lục Vân Tiên. Ông nội đã mang đi rồi. Tất cả cái hơi thơ lục bát như dồn tụ trong khoảng không gian, thời gian mà tôi lớn lên. Nó cũ càng, xưa xưa và quê trớt. Hầu hết những tập thơ ấy, trừ Kiều, đều na ná như Lục Vân Tiên. Thế là buồn buồn tôi lôi mấy quyển thơ ra rồi ề à nói thơ như ông nội. Ai đó nghe, rồi nhìn tôi ngạc nhiên. Lắm khi tôi cà khịa:
Thạch Sanh… ơ… ngồi tựa gốc đa,
Thấy nàng công chúa… ớ… Quỳnh Nga… mà đỏ lòm.
Thạch Sanh nhướng mắt… ớ… lên dòm,
Rõ ràng công chúa đỏ lòm bay qua…ơ
Thạch… à Sanh…a vội vã buớc ra
Thấy nàng công chúa ớ… bay qua đỏ lòm
… … …
Sức ảnh hưởng của Nguyễn Đình Chiểu thì rộng mênh mông. Hơi ca dao Nam Bộ gần như quyện chặt vào, thẳng thắn, bộc trực, nghĩa hiệp và lục cục, lòn hòn như đất cày từng lớp, từng lớp trùng trùng điệp điệp nối nhau đến bốn phía chân trời Nam Bộ khi nồm nam đưa đón mưa về. Nhân vật ông Quán trong Lục Vân Tiên là một ông nông dân Nam Bộ chính cống dù ông bán quán ăn ở giữa kinh thành. Hãy nghe ông Quán trả lời Trịnh Hâm:
Quán rằng: Sấm chớp mưa rào,
Ếch ngồi đáy giếng thấy bao lăm trời.
Sông trong cá lội thảnh thơi,
Xem hai con mắt sáng ngời như châu.
Uổng thay đàn gãy tai trâu,
Nước xao đầu vịt ngẫm âu nực cười.
Thông thường thì con người đứng trước thiên nhiên, nhìn vào và thưởng ngoạn một lúc nào đó rồi thôi. Ít ai nhớ là mình đang sống trong thiên nhiên. Bởi thế, khi nhìn một người nông dân, ông tiều phu, người ngư phủ hay cả một người bán quán… Ta thường cảm thán cho những nhọc nhằn mà họ phải trải qua, chúng ta nghĩ thế. Qua lời ông ngư phủ, Nguyễn Đình Chiểu đã chỉ cho chúng ta thấy, hay thức tỉnh chúng ta, là chúng ta đang sống cùng thiên nhiên. Hiểu được điều đó thì ta không ngạc nhiên khi có người chọn những cái nghề cực khổ ấy, ngoài việc tìm kiếm miếng ăn ra còn là ý thích. Vô hình chung khi họ lựa chọn những việc làm cực nhọc như vậy, thì sự lựa chon ấy lại mang tính nhân bản cao nhất
… …
Rày doi mai vịnh vui vầy,
Ngày kia hứng gió đêm này chơi trăng,
Một mình thong thả làm ăn,
Khỏe quơ chày lưới mệt quăng câu dầm.
Nghêu ngao nay chích mai đầm,
Một bầu trời đất vui thầm ai hay.
… …
Những người làm thơ cùng thời với ông ở Nam Bộ cũng có những câu như thế. Nhưng sức thẩm thấu vào nhau giữa con người và thiên nhiên thì không bằng.
Tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu, ngoài Lục Vân Tiên, còn có Dương Từ Hà Mậu, Ngư Tiều Vấn Đáp… Nguyễn Đình Chiểu cũng đã làm rất nhiều bài Văn Tế, mà lại là những bài văn tế rất quan trọng. Văn Tế Trương Công Định, Văn Tế Phan Công Tòng, Văn Tế Nghĩa Quân, Văn Tế Lục Tỉnh Tử Sĩ Dân. Những bài thơ điếu Phan Thanh Giản, Trương Định, Phan Công Tòng và rất nhiều thơ Đường Luật. Ông còn là một danh y. Nhưng trước hết, ông là một nhà yêu nước tích cực, văn chương của ông không ưu thời mẫn thế như Nguyễn Khuyến, Dương Khuê, Dương Lâm, không châm chọc như Tú Xương. Nghè Tân, Học Lạc lại càng không có thái độ lập lờ, nước đôi như Tôn Thọ Tường. Một người tật nguyền mà làm được ngần ấy việc, là bởi vì ông có cái Tâm. Cái Tâm ấy được thể hiện bằng…
Nhớ câu kiến nghĩa bất vi,
Làm người thế ấy cũng phi anh hùng. (LVT)
Hay…
Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm,
Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà.
Vì thế, các tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu là phản ảnh sinh động tấm lòng người trong một giai đoạn rất khó khăn của đất nước. Ở đó ông lựa chọn cho mình một thái độ sống, trong thái độ sống tích cực ấy ông chọn một văn phong rất Nam Bộ. Và cũng từ cái văn phong ấy tạo ra một loại hình văn nghệ rất mới, rất đặc trưng Nam Bộ. Nói Thơ. Bởi thế, muốn cảm nhận được Nguyễn Đình Chiểu thì không phải cầm lấy tác phẩm của ông trên tay đọc rồi ngẫm nghĩ là được. Nhưng nếu như ta ề à lên một đoạn, đoạn mà ta không thích ấy, thì ta sẽ cảm nhận một cách rất thích thú những gì Nguyễn Đình Chiểu viết. Nguyễn Đình Chiểu là người viết ca dao hay nhất mọi thời. Có lẽ trong những tháng ngày ở Nam Bộ, Nguyễn Bính từng nghe ai đó hay chính bản thân mình đã từng nói thơ Nguyễn Đình Chiểu. Bàng Bá Lân cũng thế. Nhưng hai người này viết Ca Dao rất Bắc Bộ.
Rất nhiều người nhìn về thơ của Nguyễn Đình Chiểu bằng cặp mắt nghi ngờ tính nghệ thuật trong thơ Ông. Nhưng tôi không cho như vậy. Các tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu có sức lan tỏa rất nhanh như là khi trời sa mưa thì cả đồng bằng Nam Bộ đi đến đâu cũng thấy loang loáng những mảnh ruộng mới cày. Những vạt đất lục cục lòn hòn ấy, màu nâu nâu ấy cứ vươn xa, vươn xa vượt qua kinh, qua rạch, qua những rặng cây xanh mượt. Nhìn những cục đất ấy chẳng những vô cảm mà còn buồn chán. Nhưng nếu mở rộng lòng ra một chút thì sẽ thấy những vạt đất ấy đẹp đến ngần nào. Mỗi một cục đất sẽ cho và nuôi nấng một bụi lúa xanh mượt mà như một câu thơ, và những cánh đồng mênh mông ấy là của ca dao, của gần ba trăm năm tay cày tay cuốc hành Phương Nam rồi kết tinh thành Nguyễn Đình Chiểu. Thơ như thế mà có vấn đề trong nghệ thuật sao?
Là một người sinh ra và lớn lên ở Nam Bộ. Chứng kiến biết bao nhiêu cảnh vật đổi sao dời. Chịu đựng biết bao đau thương trong cảnh nước mất nhà tan. Tính cách, văn phong, ngôn ngữ của Nguyễn Đình Chiểu không là Nam Bộ thì mới là lạ. Ông là một người Nam Bộ nhất Nam Bộ. Có người nói ông không tỉ mỉ, không dụng công vì không lưu tâm đến hình thức. Tôi không nhìn nhận như thế. Viết được như Nguyễn Đình Chiểu không phải là một việc dễ dàng. Phải sống, nghe ngóng, cảm thụ thật thấu đáo ở một nơi mình sống mới viết được như thế. Tôi nghĩ, khi đọc lại những ý tứ của mình cho học trò, cho vợ con viết lại, ông phải khó khăn nhường nào khi phải loại bỏ những câu chữ mà người nghe không hiểu được hay chỉ hiểu lờ mờ. Những người làm thơ thời xưa, và có lẽ cả mọi thời nữa, thường hay bị khu trú trong quan điểm “lời hay ý đẹp”, thậm chí lời thơ cho thật diễm lệ mà không cần biết là phải nói cái gì, bởi vì trong quá trình học tập, và cả khi luyện tập, họ đã được truyền đạt như thế. Nguyễn Đình Chiểu cũng không khác. Cho nên, chuyển từ quan điểm “lời hay, ý đẹp” sang “lời nôm, ý đúng” thì quả là một kỳ công. Nguyễn Đình Chiểu là một người làu thông kinh sử, ngoài tứ thư ngũ kinh, chắc chắn Nguyễn Đình Chiểu cũng đã đọc qua rất nhiều tác phẩm văn học nổi tiếng của Trung Quốc và Việt Nam, thì việc ông bị ảnh hưởng ắt phải có. Thậm chí có thể trở thành tính cách cũng nên. Biết bao nhiêu nhà thơ như thế (trừ Nguyễn Công Trứ và Hồ Xuân Hương). Chỉ có những người có cá tính thật mạnh và tài năng thực sự thì mới khẳng định được sự tồn tại của mình. Do đó, việc lựa chọn một văn phong trơn tru, mượt mà như những nhà nho khác, đối với ông không khó. Nguyễn Đình Chiểu đã lựa chọn cho mình một con đường khó để tạo ra một loại hình nghệ thuật rất nghệ thuật mà tưởng chừng như chẳng có gì nghệ thuật cả.
- Thế sự ngẫm ngán trâng, người trong cõi dần lân tân khổ;
Cuộc đời xem lãng nhách, kẻ dưới trần lạch ạch gian lung.
… … …
- Ăn muốn ăn cho tiệt, của ông cha gì sắm để, mà nghĩ tình dãi nắng dầm mưa;
Phá muốn phá cho tiêu, vật mồ tổ chi sẵn dành, mà đoái sức cày sâu cuốc bẫm.
(Hoàng Trùng Trập Khởi)
- Tấc đất ngọn rau ơn chúa, tài bồi cho nước nhà ta;
Bát cơm manh áo ở đời, mắc mớ chi ông cha nó.
(Văn Tế Nghĩa Quân)
Lũ giặc Lang sa
Nhiều phường quỷ quái.
Giăng dưới nước tàu đồng, tàu sắt, súng nổ quá bắp rang;
Kéo trên bờ ma ní, mã tà, đạn bắn như mưa vãi
Dầu những đại đồn thuở trước, cũng khó toan đè trứng ngàn cân;
Huống chi cô lũy ngày nay, đâu dám chắc treo mành một giải.
(Văn Tế Trương Công Định)
Trong thơ, nhất trong những bài hịch, phú, văn tế. Nguyễn Đình Chiểu đã sử dụng những từ ngữ mà chúng ta thấy ít khi xuất hiện trên thơ ca Ngán trâng, dần lân, lãng nhách, lạch ạch, gian lung, tấc đất ngọn rau, tài bồi, bát cơm manh áo, mắc mớ, súng nổ quá bắp rang, đạn bắn như mưa vãi, dầu những. huống chi… những từ đó, nếu ai khác sử dụng thì chỉ nhằm mục đích để làm những bài thơ châm chích, nhưng Nguyễn Đình Chiểu sử dụng để viết văn tế, khóc những con người xả thân vì nước bằng một thái độ nghiêm chỉnh và cũng chính những ngôn từ ấy đã làm cho mạch văn gần gũi hơn, hình tượng hơn, dễ hiểu hơn và cảm động hơn, đi vào lòng người sâu hơn. Phải là có một bút pháp vững chắc, một bút lực mạnh mẽ mới làm được.
- Kể mười mấy năm trời khốn khổ, bị khảo, bị tù, bị đày, bị giết, trẻ già nào xiết đếm tên;
Đem ba tấc hơi mỏn bỏ liều, hoặc sông, hoặc biển, hoặc núi, hoặc rừng, quen lạ thẩy đều rơi nước mắt.
(Văn Tế Lục Tỉnh Tử Sĩ Dân)
Có còn thứ nghệ thuật nào hơn hai câu trên nữa không? Còn từ ngữ nào cảm động hơn chăng? Mà có gì là diễm lệ, trau chuốt đâu?
Ngoài ra cũng cần lưu ý điều này. Trong cuộc sống có hai loại ngôn ngữ; ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết. Tôi không biết gì về ngôn ngữ học, nhưng tôi nghĩ viết thì có sự lựa chọn. Ta ngẫm nghĩ, viết xong không vừa ý, xóa, viết lại. Thậm chí viết xóa như thế cả chục lần trong một câu. Rốt cục rồi lấy lại câu xóa bỏ lần đầu. Nhưng ngôn ngữ nói thì khác, âm thanh đã phát ra là vô phương lấy lại, vì nó còn đọng lại trong tai người. Bởi thế nên ông bà mới dạy “uốn lưỡi bảy lần trước khi nói”. Nhưng mấy ai làm được, thành ra ngôn ngữ nói nhiều khi có bị thiếu, bị thừa và bị… trớt he. Cái ưu điểm lớn nhất và cũng là duy nhất của ngôn ngữ nói là dễ đi vào lòng người nhờ âm điệu. Vì vậy, có thể nói Nguyễn Đình Chiểu là người duy nhất đem ngôn ngữ nói vào thơ ca một cách rất thành công. Còn tại sao Nguyễn Đình Chiểu lại chọn ngôn ngữ nói. Do hoàn cảnh đặc thù của ông hay tại ông muốn thế. Có lẽ cả hai. Ông nói một đoạn cho vợ, con hay học trò viết thơ của mình. Vì vậy, cái sức lan tỏa truyền cảm ấy lấn át mọi hình thức câu chữ. Thành ra, muốn hiểu thơ ông, cảm nhận thơ ông thì nên “Nghe Bằng Tai”. Nghĩa là không nên đọc thơ Nguyễn Đình Chiểu “Bằng Mắt”. Ai đó hay mình tự nói thơ cho mình nghe. Và thơ của Nguyễn Đình Chiểu đã tạo ra một bộ môn nghệ thuật mới. Nói thơ.
Các tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu thẩm thấu trong tôi từ rất sớm, nhất là Lục Vân Tiên, nhưng cảm thụ thì phải có một thời gian rất lâu. Hơn hai mươi năm và tôi mới ngộ ra là; khi đọc Nguyễn Đình Chiểu thì tấm lòng phải thanh thản thì muốn nói thơ, ngâm thơ, hát thơ hay hò thơ Nguyễn Đình Chiểu thì tùy; ta sẽ cảm thụ hết những cái đẹp cái hay của một thứ nghệ thuật mà đọc bằng mắt thôi thì không cảm thụ được. Không tin mời thử xem. Tính cách của Nguyễn Đình Chiểu thế nào thì thơ của ông như thế đó. Thế nên, đừng đòi hỏi ở ông sự mượt mà, uyển chuyển của Đoàn thị Điểm. Bóng bẩy, sang trọng của Nguyễn Du. Nghịch ngợm, tinh tế của Hồ Xuân Hương. Cái hào sảng hay lãng mạng chân tình của Nguyễn Công Trứ. Thơ của Nguyễn Đình Chiểu là thô ráp là lục cục, lòn hòn mà lớp lang bàng bạc, lan tỏa trong cái mênh mông khoáng đạt của đồng bằng Nam Bộ.
Dù sinh ra và lớn lên ở Nam Bộ, nhưng tôi không dám viết một bài thơ nào bằng ngôn ngữ của Nguyễn Đình Chiểu, dù rất kính trọng và ngưỡng mộ ông. Tôi sợ thơ tôi không là những vạt đất cày mà là một đống xà bần, nên đành viết một chút về Lục Vân Tiên.
LỤC VÂN TIÊN *
Võ Thể Loan
Một hẹn thề xưa đã mất rồi.
Công danh lập bập cánh bèo trôi.
Người trong đêm tối mờ nhân ảnh,
Ai giữa ngày đen chẳng ngậm ngùi.
Ước thệ đành vò cho rối rắm,
Mảnh tình lại xé rách làm đôi.
Mặc ai nuốt lệ vào trong bụng,
Khi ước thề xưa sạch bách rồi.
Quán Tâm Nguyễn Hiền Nhu
Kiều Nguyệt Nga
Một tiếng chào nhau một khối tình.
Không dưng lại nặng bóng sơn minh.
Người nơi khuê các đèn hiu hắt,
Kẻ chốn chân mây sóng bập bềnh.
Nét vẽ mà nên tình tấm mẳn,
Tấm lòng đã vướng nợ ba sinh.
Cợt đùa chi thế trời xanh thẳm,
Đổ nặng phong ba xuống gánh tình.
Quán Tâm Nguyễn Hiền Nhu
* Tôi định viết thêm phần Lục Vân Tiên. Nhưng chẳng còn một chữ. Bèn thôi. Rốt cục nhân vật chính chỉ có cái tựa thôi mà chẳng có một giòng nào. Hổng biết Lục Vân Tiên có buồn không nhỉ?
Dù không quan tâm lắm, nhưng thỉnh thoảng tôi vẫn đọc được những quan điểm của người này người khác về thơ, đại khái như: nghệ thuật vị nghệ thuật, nghệ thuật vị nhân sinh… rồi nảy sinh ra những tranh luận, bàn cãi gay gắt. Với tôi, điều đó không cần thiết, người nói lên nỗi lòng mình bằng những câu có vần có điệu để rồi trở thành ca dao thì có quan tâm gì đến nghệ thuật, đến nhân sinh. Người đó chỉ nói lên nỗi lòng mình thôi mà, ai nghe cũng được, không nghe thì thôi. Và cái tính cách ấy cũng đi theo đến những người làm thơ. Thơ viết ra, trước nhất là bày tỏ lòng mình. Chính vì thế mà ca dao hay, chính vì thế mà có thơ hay. Những cái gì không hay thì sẽ mất thôi. Lúc Nguyễn Du viết Truyện Kiều, tôi nghĩ ông cũng đâu có quan tâm gì đến nghệ thuật, đến nhân sinh đâu. Nguyễn Du viết là vì Nguyễn Du thấy cần phải viết. Nguyễn Đình Chiểu cũng thế, khi viết những tác phẩm của ông. Còn việc hay hay không hay, người đồng cảm nhiều hay ít thì lại là chuyện khác. Văn phong của hai Cụ hoàn toàn trái ngược nhau. Một thì mượt mà uyển chuyển như là tấm lụa, một thì lục cục lòn hòn như vạt đất cày thế mà tại sao ai cũng ngâm nga. Nội dung của hai câu chuyện thì cũng là thế thái nhân tình mà hai Cụ muốn nhân đó nói lên tấm lòng mình. Nếu có gì khác hơn thì cũng chỉ “Mua vui cũng được một vài trống canh” hoặc để mà “Gẫm cười hai chữ nhân tình éo le”. Vì vậy, theo tôi, những bài thơ được viết ra trước nhất là để đáp ứng những yêu cầu của chính bản thân người viết. Nghĩa là nhà thơ vì mình. Tôi viết những giòng này cũng thế. Trật trúng, dở hay gì cũng phản ảnh chân thực tấm lòng tôi. Và khi ai viết thì cũng vậy thôi. Còn cái chuyện mài văn, gọt chữ thì ai mà không làm. Có điều mỗi người có cái kiểu mài gọt của riêng mình. Mài dao thì phải sắc, mịn. Mài lưỡi hái thì phải làm cho lởm chởm và nhọn. Thế thôi.
Quán Tâm Nguyễn Hiền Nhu
Thursday, October 10, 2013
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét