Người theo dõi

Thứ Ba, 19 tháng 1, 2021

Ca Dao Và Lịch Sử

 


 

Ca Dao Và Lịch Sử

Tuệ Chương - Hoàng Long Hải

 ó lẽ trong cuộc sống cũ trước năm 1975, sau khi rời ghế nhà trường, chúng ta không có thì giờ, không có cơ hội để trở lại với văn chương bình dân mà chúng ta đã được học trong chương trình giáo khoa. Qua tới Mỹ, vấn đề văn hóa bỗng trở nên có sự cọ xát mãnh liệt giữa chúng ta và con cái, giữa văn minh Âu Mỹ và văn minh Việt nam nên có nhiều người muốn tìm hiểu lại văn hóa của dân tộc, nhất là trong lãnh vực giáo dục con cái. Điều đó không phải không có khó khăn

Chúng ta lãnh hội ý nghĩa ca dao tục ngữ một cách dễ dàng vì chúng ta lớn lên trong môi trường văn hóa Việt nam. Nói chi xa, chúng ta được giáo dục không những chỉ ở cha mẹ ông bà mà ngay cả nơi bà con, hàng xóm láng giềng. Nói như thế, có nghĩa là chúng ta không chỉ học văn chương bình dân ở ghế nhà trường mà thôi mà ngay cả trong cuộc sống hàng ngày, khi con đi học hay khi đã vào đời

Sự cọ xát giữa hai nền văn minh làm cho chúng ta thấy văn chương bình dân VN là hay, nhất là trong ca dao, tục ngữ và muốn truyền thụ lại cho em chúng ta những tinh hoa của người xưa mà một thời vì công ăn việc làm, vì đeo đuổi công danh sự nghiệp, mà chúng ta hầu như lãng quên


Theo các nhà tây phương nghiên cứu văn học VN thì họ cho rằng tục ngữ là cái túi khôn của người VN. Họ tìm thấy trong đó những kiến thức mà một đứa bé mới chập chững biết đi đã được dạy dỗ. Chẳng hạn như câu "Con mèo con chó có lông, ống tre có mắt, nồi đồng có quai." Người lớn, ai chẳng biết như thế. Nhưng với trẻ em mới bắt đầu biết nhận xét, thì những câu nói như thế lại rất ích lợi cho nó. Đứa bé thấy cái lông con chó, thấy cái mắt ống tre, nhưng chưa biết gọi những cái ấy bằng tên gì. Đó là cách dạy cho đứa bé gọi tên những đồ vật trong nhà. Đó chỉ là một ví dụ đơn giản. Ngoài ra, tục ngữ còn dạy ta bao nhiều tri thức khác. Chẳng hạn như về thời tiết thì "Vàng gió, đỏ mưa". "Tháng bảy heo may, chuồn chuồn bay thì bão." Nước ta là một nước nông nghiệp. Thời xưa, chưa có đài khí tượng, việc xem xét "thiên văn" để trồng trọt là điều rất cần thiết. Không có kinh nghiệm đó, gieo mạ, cấy lúa (hoặc ra khơi nếu ở vùng biển làm nghề đánh cá) vào lúc chuồn chuồn bay thì sẽ gặp bão


Những cái hay hay túi khôn của người Việt chúng ta, tôi sẽ nói trong một bài khác. Bài này, tôi muốn nói về ca dao có liên hệ đến lịch sử mà mới đây vài người bạn thân có than phiền với tôi là rất nhiều khi họ không hiểu tron vẹn những câu ca dao đó. Tôi cũng không gì hơn. Nhờ có 10 năm dạy văn chương bình dân cho học sinh, tôi có để tâm đọc một số sách, báo, thâu thập vài ý kiến đã nghe từ các bậc lão huynh nói lại. Cho nên tôi trích lại đây và giải thích một vài câu mà tôi thấy hay và rất phổ cập, để làm quà cho độc giả


Nếu nói tục ngữ là sự khôn ngoan của người VN thì ca dao thuộc đời sống tình cảm của họ. Người Việt chúng ta có một đời sống tình cảm khá phong phú và họ thường gởi gắm tình cảm đó vào ca dao. Dân tộc chúng ta có những đặc thù mà đời sống tình cảm lại phong phú hơn các dân tộc khác. Tại sao? Điều đó rất khó giải thích. Tuy nhiên căn cứ vào lịch sử (lịch sử bao giờ cũng đóng một vai trò quan trọng trong đời sống dân tộc) thì có lẽ vì tổ tiên chúng ta sống bên cạnh một anh khổng lồ, mà anh khổng lồ đó luôn luôn chực chờ cơ hội để đè đầu cưỡi cổ chúng ta, bóc lột chúng ta tận xương tủy, thì việc đoàn kết để sinh tồn là điều bắt buộc. Sự đoàn kết đó phải chặt chẽ, bền vững và lâu dài mới có kết quả. Sự đoàn kết nếu chỉ như bong bóng, thì nước ta không thể tồn tại sau một ngàn năm Bắc thuộc, không thể có ba lần đánh tan quân Mông cổ ở thế kỷ thứ 13, không thể có "mười năm bình định giặc Minh" của Lê Lợi. Sự đoàn kết đó không những nảy sinh từ cái đã có mà còn phát triễn mạnh thêm ra. Đó chính là tình cảm dân tộc vậy. Chỉ nói chừng đó thôi, chúng ta đã thấy dân tộc chúng ta khác với các dân tộc khác rồi


Bên cạnh đó, cuộc Nam tiến của cha ông chúng ta không phải là không quá nhiều gian lao. Cứ những câu như "Cọp Khánh Hòa, ma Bình thuận" thì ta cũng đã thấy rõ sự ghê rợn của cuộc Nam Tiến. "Tới đây đất nước lạ lùng, nghe con chim kêu cũng sợ, con cá vùng cũng kiêng". Đó không phải là tâm trạng sợ hãi của cha ông chúng ta khi tới một vùng đất mới? Hay "Xứ đâu như xứ Cạnh đền, muỗi kêu như sáo thổi, đĩa lội lền như bánh canh." Đó không phải là những khó khăn ghê gớm khi cha ông chúng ta vào tới Miền Tây Nam bộ. Đọc "Hương rừng Cà Mâu", "Tìm hiểu đất Hậu Giang" của Sơn Nam mới thấu hiểu những khó khăn vô cùng của cha ông chúng ta ngày trước. Tiếc rằng, dân tộc chúng ta quá nhiều "bận bịu" với chiến tranh mà không có thì giờ nghiên cứu, tìm hiểu thêm những nỗi gian khổ và nhọc nhằn của cha ông chúng ta trong cuộc Nam tiến để mô tả lại thành những cuốn phim như loại phim Western của Mỹ. Điều này cần hơn những loại phim như "Hà nội ta đánh Mỹ giỏi" hay "Lấy thân mình lấp lỗ châu mai". 

Có lẽ không ít người không đồng ý với tôi khi tôi cho rằng dân tộc ta có khuynh hướng chia rẽ. Tự ái dân tộc khiến cho chúng ta nhiều khi rất chủ quan. Nhưng thử đặt một câu hỏi: Nếu không có sự chia rẽ thì sao lại phải kêu gọi đoàn kết, ngay từ khi đất nước mới hình thành. Đừng nói là chúng ta không kỳ thị hay phân biệt đối xử với các sắc tộc khác cùng ở trong nước mà đó không phải là điểm khở đầu cho sự chia rẽ đó sao?! Ngay như truyện Tiên Rồng, truyện cổ tích về nguồn gốc dân tộc, thì khởi thủy cũng là một sự chia lìa giữa 100 đứa con của ông vua Rồng (Lạc Long Quân) và bà vợ Tiên (Âu Cơ). Chúng ta thường tự hào về nguồn gốc Tiên Rồng của mình, nhưng suy cho kỹ thì Tiên Rồng phải chia rẽ nhau. Đã nói chia rẽ thì còn đoàn kết ở đâu. Sách Việt Nam Sử Lược, trang 12, Trần Trọng Kim viết: 

"Lạc Long Quân lấy con gái vua Đế Lai tên là Âu Cơ, đẻ một lần được một trăm người con trai (* -TTK chú thích: "Có sách chép rằng Âu Cơ đẻ ra một trăm cái trứng nở ra một trăm người con trai"). Lạc Long quân bảo Âu Cơ rằng: "Ta là dòng dõi Long quân, nhà ngươi là dòng dõi thần tiên, ăn ở lâu với nhau không được. Nay được trăm đứa con thì nhà ngươi đem năm mươi đứa lên núi, còn năm mươi đứa ta đem xuống bể Nam Hải


Thần thoại Mường cũng nói: "Một ngày kia có một cây si to lớn mọc trên núi cao, bị bão đổ xuống, trong đó bay ra một đôi chim lớn. Chúng đến ở động Hào, ngày nay là hang đá Ma Chung Diên, ở về xóm Phú Nhiên làng Ngọc Hào, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Đôi chim này đẻ ra một trăm cái trứng, trong đó có ba cái lớn dị thường. Đẻ xong, đôi chim biến thành người, gọi tên là Ay và Ua tức là hai con người đầu tiên ở trên mặt đất


“Đã năm tháng qua mà không một cái trứng nào nở cả, thất vọng, Ay và Ua mới vào rừng. Gặp hai bà tiên tên là Dam Cha Cu và Gia Cha Cang, hai người liền bày tỏ nỗi lo âu. Hai bà tiên bảo


"Hai con hãy về xếp lớp, cứ mỗi lớp năm chục quả trứng. Lấy thứ cỏ huyền diệu này về để ấp trứng. Cứ năm ngày lại thay đổi, lớp trên xuống dưới, lớp trứng ở dưới để lên trên. Cứ thế, sau năm mươi ngày cả trăm trứng sẽ nở ra con." Ay và Ua chưa kịp tạ ơn, hai bà tiên đã biến mất trong rừng. Trở về hang, Ay và Ua làm y theo lời các bà tiên, và năm mươi ngày sau, chín mươi bảy quả trứng nở thành người: năm mươi người về đồng bằng thành người Kinh, còn bốn mươi bảy người ở mạn ngược..." (Việt Nam Văn Học Toàn Thư- cuốn I -Thần Thoại - Hoàng Trọng Miên - trang 111). 

Cũng thần thoại Mèo nói trời đất sinh ra một trái bầu, có trăm đứa trẻ. Trời bèn lấy dùi sắt nung đỏ dùi vào trái bầu một lỗ cho trẻ chui ra. Những đứa gần lỗ dùi, vì nóng nên da chúng đen, ấy là người miền núi, những đứa ở xa lỗ dùi, không bị nóng nên da trắng. Ấy là người Kinh


Nói chung thì bao giờ cũng có một sự chia rẽ trong thần thoại hay cổ tích như trên. Hoặc vì tiên rồng mà xa nhau, hoặc vì da đen da trắng mà xa nhau.


Xem như vậy, kêu gọi đoàn kết là vì có chia rẽ. Nếu không có chia rẽ, không ai phải kêu gọi đoàn kết làm gì. Sự kêu gọi đó, đã xuất hiện từ lâu lắm, ngay từ khi hoặc trước khi ông cha chúng ta lập quốc. Ngay như cộng đồng VN ở Mỹ, ở rất nhiều thành phố, sự chia rẽ là rất rõ ràng. Người qua đã lâu, giàu có; người mới qua sau, còn nghèo; người có chức quyền trong chế độ cũ, người không có gì, thậm chí ngày trước là đào binh, trốn quân dịch hay Việt Cọng hay từ miền Bắc VN tới, v.v... và v.v... Trong một dịp khác, tôi sẽ nói tới vấn đề này. 


Khi người Tàu qua đô hộ ta, kể từ năm 111 trước Tây lịch, thì đã không ít người chạy theo người Tàu mà kiếm vinh hoa phú quí, nhẫn tâm sống trên sự đau khổ của đồng loại. Do đó, ngay khi khởi nghĩa chống Tô Định, hai bà Trưng đã phải kêu gọi


Nhiễu điều phủ lấy giá gương

Người trong một nước phải thương nhau cùng


Sử chép rằng: 


"Năm giáp ngọ (34), là năm Kiến Võ thứ 10, vua Quang Vũ (nhà Hán -tg) sai Tô Định sang làm thái thú quận Giao chỉ. 

Tô Định là người bạo ngược, chính sách tàn ác, người Giao chỉ đã có lòng oán giận lắm. Năm canh tý (40), người ấy lại giết Thi Sách, người ở quận Châu Diên (Phủ Vĩnh Tường, trước thuộc Sơn Tây, nay thuốc Vĩnh Yên.


Vợ Thi Sách là Trưng Trắc con gái quan lạc tướng ở huyện Mê Linh (làng Hạ Lôi, huyện Yên Lãng, tỉnh Phúc Yên), cùng với em gái là Trưng Nhị, nổi lên đem quân về đánh Tô Định. Bọn Tô Định phải chạy trốn về quận Nam Hải. 

Lúc bấy giờ những quận Cửu Chân, Nhật Nam và Hợp phố cũng nổi lên theo về với hai bà Trưng thị. Chẳng bao lâu, quân hai bà hạ được 65 thành trì. Hai bà tự xưng làm vua, đóng đô ở Mê Linh, là chốn quê nhà.


Dân tộc VN chúng ta sống trên một dãi đất hẹp, phía Đông là biển, phía Tây là núi. Muốn tồn tại, cha ông chúng ta phải chiến đấu ở cả hai mặt Bắc và Nam. Mặt Bắc thì chống lại người Tàu xâm lăng, mặt Nam thì phải đánh nhau với người Chiêm Thành, người Chân Lạp, người Lão qua và cả người Xiêm la (Thái Lan ngày nay) để mở mang bờ cõi. Do vậy mà người đàn ông lắm khi phải đi xa, để tham gia chiến tranh. Ngay trong thời bình cũng phải ra biên ải để canh phòng. Trong viễn ảnh đó, một mặt thì người đàn bà khuyên chồng mạnh dạn lên đuờng, một mặt thì kiên trì chờ đợi: 

Anh ơi phải lính thì đi, 
Cửa nhà đơn chiếc đã thì có em. 

Tuy khuyên chồng hăng hái lên đường nhưng trong lòng thì đau đớn lắm. 

Sống bên cạnh anh khổng lồ, luôn luôn tìm cơ hội nhòm ngó xâm chiến nước ta nên việc canh phòng biên ải không thể bỏ ngơ. Người đàn ông phải đi thú, ba năm một kỳ mới về. Người lính thú: 

Ngang lưng thì thắt bao vàng, 
Đầu đội nón dấu vai mang súng dài. 
Một tay thì cắp hỏa mai, 
Một tay cắp giáo quan sai xuống thuyền. 
Thùng thùng trống đánh ngũ liên, 
Bước chân xuống thuyền nước mắt như mưa. 
Ba năm đẵn gỗ trên gàn, 
Hữu thân hữu khổ phàn nàn cùng ai. 
Miệng ăn măng trúc măng mai, 
Những giang cùng nứa lấy ai bạn cùng 



Bao vàng: thắt lưng màu vàng. Nón dấu: gần giống như nón lá nhưng nhỏ hơn, có chóp đồng. Súng dài # súng hỏa mai: Súng ngày xưa, bắn phải châm ngòi. Trống đánh ngũ liên: Trống đánh năm tiếng một liền nhau, thúc gịuc quân lính lên đường. Măng trúc măng mai: Một loại măng miền núi. Giang và nứa: Một loại tre thân dài mọc theo triền núi. 

Miền núi không đủ gạo ăn nên người vợ: 

(Con cò lặn lội bờ sông), Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non. 

Nàng về nuôi cái cùng con, Để anh đi trẩy nước non Cao bằng. 

Đi trẩy là đi lính thú, ra ngoài biên ải để canh phòng bọn xâm lăng. Ngày nay đi lính còn được lãnh lương tiền nuôi vợ con. Ngày xưa thì coi như lính... quân dịch, có nghĩa là lính không lương, còn phải nhờ tiếp tế của gia đình. 

Trong ca dao, con cò thường tượng trưng cho người đàn bà Việt nam, phải nuôi con thay chồng khi chồng đi lính thú, khi chồng không có việc làm, chưa có sự nghiệp. Với Nguyễn Công Trứ thì: 



Con cò lặn lội bờ sông, 
Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non. 
Lộ diệc vũ tùng trung chi nhất, 
Thương cái cò lặn lội bờ sông, 
Tiếng nỉ non gánh gạo đưa chồng. 
Ngoài nghìn dặm một trời một bước. 
Trông bóng nhạn bâng khuâng từng bước... 

Với Trần Tế Xương, khâm phục và thương xót vợ vì: 

Lặn lội thân cò nơi quảng vắng,
 
Eo sèo mặt nước buổi đò đông 



Sự tích núi Vọng Phu có lẽ nhiều người biết, nhưng chúng ta cần hiểu thêm một sự phi thường khác của người đàn bà VN. Ôm con chờ chồng là một sự kiên nhẫn bình thường. Ôm con chờ chồng đến hóa đá là sự kiên nhẫn phi thường mà chỉ có người đàn bà VN mới làm được. Các dân tộc khác không thể có được.


Vậy mà, đâu chỉ là một Hòn Vọng Phu ở Lạng sơn mà thôi. 



"Đồng Đăng có phố Kỳ lừa, 
Có nàng Tô thị, có chùa Tam thanh." 

Dọc theo chiều dài đất nước, có biết bao nhiêu là núi Vọng phu. Núi Vọng phu ở Thanh hóa, ở phía trong đèo Cả (thuộc Phú Yên) và đèo Mẹ Bồng con ở Long Khánh. Nỗi chờ chồng khổ đau của người đàn bà cao như núi, không chỉ là một núi mà rất nhiều núi, từ những ngọn núi ở Lạng Sơn ở cực bắc chạy dài cho tới những ngọn núi cuối cùng của dãy Trường Sơn


Chuyện nàng Tô thị, chuyện núi Vọng phu thì nhiều, mỗi nơi một cách. Tuy nhiên, nhìn chung, người ta vẫn thường nghĩ rằng đó là câu chuyện một người đàn bà chờ chồng đi chinh chiến lâu ngày không về, khiến người vợ phải chờ chồng lâu đến hóa đá. Có lẽ người ta chịu ảnh hưởng "Chinh Phụ ngâm" chăng? Nhạc sĩ Lê Thương cũng nghĩ như vậy. Ông còn cho rằng người chồng đó là người lính -một chinh phu- đi mở mang bờ cõi về phía Nam. Ông còn dùng những hình ảnh, những địa danh trong bài hát Hòn Vọng Phu (bài 1, 2 và 3) là những địa danh trong "Chinh Phụ Ngâm" hay trong lịch sử lấy đất Chiêm Thành. 



"Bên Man khê còn trong gió buị mịt mờ, Bên Tiêu Tương còn thương tiếc nơi ngàn trùng. (Hòn Vọng Phu 1). 

Thì trong "Chinh Phụ Ngâm" cũng có: 

"Tới Man Khê bàn sự Phục Ba" 

Phục Ba Tướng Quân là Mã Viên, người cầm quân đi đánh Man Khê. Cũng trong "Chinh Phụ Ngạm": 

Khói Tiêu Tương cách Hàm Dương, 
Cây Hàm Dương cách Tiêu Tương mấy trùng." 

"Nơi phía Nam, giữa núi mờ." Có phải đó là Hòn vọng Phu ngang đèo Cả. "Đường Cổ Lũy, đường Ải quan, đường Rừng lá Nước trong," là địa danh những vùng đất phía nam Trung Việt hay vùng khởi đầu đất Nam Việt. 

Tiếng ai trên núi véo von, 
Phải chăng chú lính trên hòn Cù Mông. 
Xa xa em đứng em trông, 
Hỏi chàng lính mộ thử chồng em đâu. 



Kể từ Hải Vân trở về Nam, chúng ta có nhiều quan ải. Có lẽ sau khi chiếm cứ một vùng nào đó, nhà vua sai lập một quan ải đẻ giữ gìn bờ cõi. Ví dụ Ải Vân Quan ở trên đèo Hải Vân, (Ải Vân là tên cũ, ghi trong sách sử, Hải Vân là tên thường gọi ngày nay), cao 510 mét, giữa Thừa Thiên và Quảng Nam. 



"Chiều chiều gió thổi Ải vân, 
Chim kêu ghềnh đá gẫm thân em buồn." 

Đó là tâm trạng người vợ thương chồng nơi ải quan. 

Cứ theo sử thì đời Trần Anh Tông, bờ cõi phía Nam của ta đã mở tới Ải Vân. Và Ải Vân trở thành một quan ải để giữ bờ cõi phía nam. 

Hai Châu Ô Lý vuông ngàn dặm, 
Một gái thuyền quyên đáng mấy mươi. 



Hai câu này không phài là ca dao mà là thơ cổ. 

Năm Tân Sửu (1301), Thượng hoàng (Nhân Tông) đi sang Chiêm Thành xem phong cảnh, có ước gã Huyển Trân Công Chúa cho vua Chiêm là Chế Mân. Được ít lâu Chế Mân cho người đem vàng bạc và các sản vật sang cống và xin cưới. Triều thần có người không thuận. Chế Mân lại xin dâng châu Ô và châu Ri (Lý) để làm lễ cưới, bấy giờ Anh Tông mới quyết ý thuận gã. Đến tháng sáu năm Bính Ngọ (1306) cho công chúa về Chiêm Thành. 

Sang năm sau (1307) vua Anh Tông thu nhận hai châu Ô và Ri, đổi tên là Thuận châu và Hóa châu...

(Việt Nam Sử Lược- Cuốn I-

Trần Trọng Kim- trang 167) 

Đâu có riêng gì "Triều thần có người không thuận" như Trần Trọng Kim viết mà trong dân gian cũng có nhiều người thương tiếc: 

"Tiếc thay cây quế giữa rừng, 
Để cho thằng Mán thằng Mường nó leo. 

Hay: 

Tiếc thay hột gạo trắng ngần 
Đã vo nước đục lại vần lửa rơm 

Cây Quế là ám chỉ Huyền Trân công chúa. Giữa rừng là giữa xứ Chiêm. Người nước ta coi thường Chiêm thành, xem họ như thổ dân miền núi (Mán, Mường). 

Hột gạo trắng ngần là Công Chúa Huyền Trân. Nước đục là vua Chiêm, lửa rơm ám chỉ Trần khắc Chung. 

Huyền Trân Công Chúa lấy vua Chiêm Chế Mân được một năm thì Chế Mân mất. Theo tục lệ Chiêm Thành, vợ phải thiêu theo chồng. Vì vậy vua nhà Trần mới sai Trần Khắc Chung, trước là giả đi đám tang, sau là bắt cóc Công Chúa Huyền Trân đem về Bắc. Trần Khắc Chung là người yêu cũ của Công Chúa Huyền Trân. Hai người trốn đi bằng thuyền, gặp bão bị "lạc", phải một năm sau mới về tới Thăng Long. 

Ai bảo là tổ tiên chúng ta không kỳ thị, không phân biệt đối xử? 

Công lao của công chúa Huyền Trân rất to lớn. Ngày nay có ai về Huế, khen ngợi nơi này phong cảnh đẹp đẽ hữu tình, non xanh nước biếc thì hãy vui lòng nhớ rằng có được nơi này là nhờ công lao của một gái thuyền quyên. Một gái thuyền quyên đáng gì với hai châu Ô-Lý vuông ngàn dặm như câu thơ trích dẫn ở trên. 

Đoạn sử ở trên có viết: "Đổi làm Thuận châu và Hóa châu." Sau này gọi chung là Thuận Hóa. Hóa, nói trại là HUẾ vậy. Vậy mà người Huế có ai biết đến công lao của một công chúa Huyền Trân, có một ngày lễ húy nào trong năm để nhớ công ơn của bà? 

Trong ca Huế có bài Nam Bình nói về Công Chúa Huyền Trân như sau: 

Nước non ngàn dặm ra đi, 
Cái tình chi, 
Mượn màu son phấn 
Đền nợ Ô Ly, 
Tiếc thay vì đương độ xuân thì 
Số lao đao hay nợ duyên gì 
Má hồng da tuyết 
Cũng như liễu hoa tàn trăng khuyết 
Vàng lộn theo chì 
Khúc ly ca, sao còn mường tượng nghe gì 
Thấy chim hồng nhạn bay đi 
Tình lai láng 
Hướng dương hoa quì 
Dặn một lời Mân quân 
Như chuyện mà như nguyện 
Đặng vài phân 
Vì lợi cho dân 
Tình đem lại mà cân 
Đắng cay muôn phần./

Giữa thế kỷ thứ 17, vì chiến tranh trong cuộc "Nam Bắc phân tranh", dân ở phía Bắc bèn bỏ vào vùng Mô Xoài và Lộc Dã (Biên Hòa- Đồng Nai ngày nay) để làm lụng sinh nhai. Tuy nhiên, họ thường bị người Chân Lạp quấy phá. 

Để bảo vệ dân gian của mình, chúa Nguyễn, lại dùng "Mỹ nhân kế" một lần nữa, gã Ngọc Vạn công chúa cho vua Chân Lạp. Tiếc rằng, việc hy sinh của "gái thuyền quyên" này không thấy sách sử hay một câu ca dao nào như trong câu chuyện công chúa Huyền Trân


Hải Vân là một chặng đường Nam Tiến. Cù Mông là một chặng đường Nam tiến khác. Ở đó có chàng lính mộ giữ gìn biên ải và có người vợ lặn lội đường xa đi tìm thăm chồng: "Tiếng ai trên núi véo von... ". Cù Mông thuộc tỉnh Bình Định. Đèo Cả (có nghĩa là đèo lớn nhất) ở ngay ranh giới tỉnh Bình Định và Phú Yên


Năm 1470, vua Chiêm là Trà Toàn đem quân đánh phá Hóa châu. Vua Lê Thánh Tôn bèn thân chinh cầm quân dẹp giặc. Quân ta đánh vào cửa Thị Nại (Qui Nhơn) rồi vây thành Đồ Bàn, bắt được vua Chiêm là Trà Toàn. 

Bấy giờ vua Thánh Tông muốn cho Chiêm Thành không còn sức quấy phá nước ta nữa, bèn lấy đất Đồ Bàn (Bình Định) sát nhập vào nước ta, lập thêm đạo Quảng Nam, còn phần đất còn lại (gồm Phú Yên-Khánh Hòa-Phan Rang-Phan Thiết ngày nay) thì dùng chính sách chia để trị, phân làm 3 nước nhỏ là Chiêm Thành, Hóa Anh và Nam Phan với 3 ông vua không thuận thảo với nhau. Từ đó, coi như Chiêm Thành bị tiêu diệt, không bao giờ nổi lên được để chống phá nước ta nữa. Ai bảo rằng chính sách thực đân của ông cha chúng ta là không "độc địa"? 

Sau chiến công này, vua Thánh Tông lên đèo Cả, viết một bài thơ rồi cho khắc vào núi đá, kể công lao của ông. Núi đá này gọi là Thạch Bi Sơn, nôm na là Núi Đá Bia. 

Tiếng ai trên núi véo von? Đó là Hải Vân, Cù Mông, Đèo Cả, những chặng đường Nam tiến


Cũng lại có một nàng công chúa về làm dâu Bình Định: 



Gió đưa mười tám lá xoài, 
Lấy chồng Bình Định cho dài đường đi. 



Xoài Bình Định nổi tiếng ngon. Lấy chồng Bình Định là trường hợp Ngọc Hân công chúa lấy Nguyễn Huệ, ông quê ở Bình Định. Nhưng tại sao "mười tám lá xoài". Cô gái ấy lấy chồng khi mười tám tuổi chăng? Nhưng Ngọc Hân công chúa lấy Nguyễn Huệ khi bà mới mười sáu tuổi


Cũng về phía Nam, cuộc đời chiến binh đưa tôi đi nhiều nơi. Nghiệm với "Hương Rừng Cà Mâu" của Sơn Nam, tôi cũng tìm ra vài điều tương ứng với sách. Khi "Gia Long tẩu quốc" -có nghĩa là ông bị Nguyễn Huệ đuổi riết phải chạy trốn sang Xiêm la (Thái lan ngày nay). Ông để lại nhiều lính tráng và cả "cung tần mỹ nữ" không kịp theo ông. Những người này không dám về quê cũ ở ngoài kia nữa (Thuận Hóa- Quảng Nam) vì sợ nhà Tây Sơn bắt tội. Họ đã định cư ở vùng đất mới. Rồi ngược lại, khi "Gia Long thống nhất sơn hà" thì những người dân Bình Định từng theo Tây Sơn đành trốn lại miền Tây Nam bộ. (Có nghĩa là những đối thủ cũ đã "hòa hợp hòa giải" khi họ không còn quyền lực, không còn vũ khí, không còn chủ nghĩa (theo Nguyễn Ánh hay Nguyễn Huệ). Họ chỉ còn là những người dân bình thường. Có biết như thế mới hiểu được câu ca dao: 



Rồng chầu ngoài Huế, 
Ngựa tế Đồng nai. 
Nước sông xanh sao lại chảy hoài, 
Thương người xa xứ lạc loài đến đây. 



Nhà Nguyễn đã lên ngôi (Rồng chầu ngoài Huế). Việc cai trị đã ổn định ở Miền Nam (Ngựa tế Đồng Nai). Người lính Tây Sơn vốn đã lăn lộn nhiều nơi, nay cũng không dám trở về quê cũ (Bình Định) như dòng nước xanh vẫn trôi mãi không ngừng, trở thành kẻ xa xứ lạc loài, gây lòng thương cảm cho người khác


Mấy chục năm trước đây, đọc "Chú Tư Cầu" của Lê Xuyên, tôi thấy có câu ca dao rất hay nhưng chỉ là của dân Nam bộ: 



Tàu xúp lê một còn thương còn nhớ. 
Tàu xúp lê hai còm đợi còn chờ 
Tàu xúp lê ba, tàu ra biển Bắc 
Tay vịn song sắt nước mắt chảy ròng ròng. 
Đôi ta mới ngộ (1) mà ông Trời không thương.


(1) Ngộ là gặp gỡ. 

Tàu có xúp lê là tàu chạy bằng hơi nước, tàu Tây, là thời kỳ Tây đã đô hộ ta. Tàu ra biển Bắc là tàu đi Tây (Pháp). Xúp lê hồi một: Lòng còn thương nhớ. Xúp lê hồi hai: Còn chờ đợi. Xúp lê hồi ba: Tàu đã đi xa rồi, là vĩnh biệt. Còn chăng chỉ là tay vịn song sắt nhớ về cố hương, nhớ người yêu cũ mà khóc ròng. 

Khi tôi bị đổi về miền Tây, có dịp hỏi thăm các cụ già về câu ca dao trên. Họ cho biết đó là câu ca dao tả lòng người niềm Nam đi tham gia đánh Đức bên Pháp hồi thế giới chiến tranh, không rõ là cuộc chiến thứ nhất hay thứ hai. 

Ở Trị Thiên có câu hò: 



Gió đưa cây cải về trời, 
Rau răm ở lại chịu lời đắng cay. 



Trong 10 năm dạy môn Văn Chương Bình Dân cho học trò trung học Đệ nhị cấp (cấp 3 bây giờ), mặc dù tôi có đưa câu ca dao này vào sách giáo khoa của tôi nhưng tôi không hiểu rõ nghĩa lắm. Tôi có hỏi vài người quen ở quê nhưng họ cũng đành chịu. Tôi lại ra đề cho học trò đi sưu tầm nhưng cũng không có kết quả. Tôi hiểu lờ mờ bằng cách đoán chừng rằng ở nhà quê của ta, phía vườn sau, thường là chỗ "ảng nước" có đặt lu nước rữa mặt, chân tay, chủ nhà thường đánh một vồng đất nhỏ để trồng ít rau răm (gần ảng nước cho dễ tưới). Tiết kiệm đất, tới gần tết, người ta "dăm" thêm vào đó ít cây cải để ăn Tết. Hết mùa lạnh, người ta nhổ cải, chừa rau răm lại. Cải chỉ trồng theo mùa (mùa lạnh, hết lạnh cải không được tốt). Rau răm thì có tính "lưu niên", có thể trồng một lần nhưng để được một năm hay lâu hơn. Có thể ví hai người vợ bé, lẽ mọn một chồng, theo tục đa thê ngày xưa. Một người đã qua đời (Cây cải về trời) nhưng một người còn đó để chịu lời chì chiết của bà vợ cả (chịu lời đắng cay). Có thể là hai con ở (mari Sến), một chị đã mãn mùa (ngày xưa người ta thuê người ở theo mùa, không theo năm như sau này), đã về làng cũ, cũng có thể là đã chết, còn một chị ở lại chịu lời đay nghiến của bà chủ. 

Hiểu vậy là sai. 

Cách đây mấy hôm, khi tôi dịch cuốn "Văn Chương Bình Dân Việtnam" mà tôi đã soạn cách đây bốn mươi năm để dạy học trò, đọc lại cuốn "Thần Thoại Việt Nam" của Nguyển Tử Năng, trong có truyện "Đức Bà An Hải" là truyện nói tới bà Răm và con là cậu Cải và câu ca dao Răm Cải ở trên, tôi mừng hết sức, như bắt được vàng. Một câu ca dao đeo đẵng tôi gần nửa thế kỷ, nay mới hiểu hết ý nghĩa của nó, không mừng sao được. 

Truyện kể rằng

Đời Hiển Tông nhà Lê, Nguyễn Ánh bị quân Tây Sơn đánh đuổi vào Nam, rồi chạy ra Côn Đảo (Pulau Condor). Bấy giờ Nguyễn Ánh thua thất điên bát đão nhiều trận, thế cùng lực tận. Ông bèn nói với giám mục Bá Đa Lộc (Pignau De Behaine) đem con trai của ông là Hội An, tên tục là Cải, về Pháp để xin viện binh (Việc này xảy ra trước việc Hoàng tử Cảnh). Mẹ của Hội An (tức Cải) là bà Phi Yến, tên tục là Răm mới can rằng: 

- “Việc đánh nhau với Tây Sơn là việc trong nhà, nên dấy nghĩa binh mà chống lại. Rước người ngoại quốc (Việt Cộng gọi là người nước ngoài) vào có thể gây hậu họa, sau nữa dân chúng chê cười

Nguyễn Ánh không những không nghe, còn nổi giận đùng đùng, cho rằng Phi Yến tư thông với giặc, ra lệnh chém. Quan quyền xông lại can, Nguyễn Ánh mới cho đem giam bà Phi Yến vào hang đá, chờ hậu xét. Khi bị đem đi giam, bà Phi Yến chỉ đem theo ít bánh, đủ ăn trong mười ngày (cũng giống như đi cải tạo, đem theo lương thực 10 ngày!!!) và một con vượn trắng làm bạn

Ít bữa sau, quân Tây Sơn đánh tới. Nguyễn Ánh vực gia quyến và một ít tàn binh lên thuyền tính chạy ra Phú Quốc. Khi lên ghe, cậu Hội An đòi đem mẹ theo cho được, không thì cho cậu ở lại với mẹ. Nguyễn Ánh giận lắm, cho là giống phản phúc, cũng theo mẹ mà tư thông với giặc thôi, bèn ném cậu xuống biển, nói

- “Mày muốn theo mẹ mày thì tao cho theo.” 

Cậu Hội An chết đưối. May nhờ có con cọp đen mà cậu nuôi từ nhỏ, nhảy theo cậu xuống biển rồi lôi xác cậu vào bờ, moi đất mà chôn. Dân làng biết, bèn đến đắp mộ tử tế. 
Do vậy mới có câu ca dao: 

Gió đưa cây Cải về trời, 
Rau Răm ở lại chịu lời đắng cay. 

Cậu Cải (Hội An) chết sớm, mẹ cậu là Răm (tức bà Phi Yến) còn sống. Còn lời đắng cay thì do đâu mà ra? Sách của NTN cũng viết là "lời". Có thể đó là "Đời" mà không phải là "Lời" chăng? Chịu đời đắng cay là đời cô quạnh, con chết, chồng bỏ đó chăng? Người đàn bà có hai nỗi khổ lớn nhất trong đời họ: Một là con chết, hai là chồng bỏ. Bà Phi Yến gặp cả hai cảnh ngộ khổ đau này, không phải là "Đời đắng cay" đó sao? Còn "lời đắng cay" là lời trách mắng, chì chiết, chê bai... thì đâu có ai nói điều đó với bà Phi Yến đâu? 
Chuyện kể tiếp rằng: 
Một hôm cọp đi lang thang gặp vượn đi hái trái cây về cho bà Phi Yến, bèn nhận ra nhau là "bạn" (vì được nuôi cùng một nhà từ nhỏ). Vượn đưa cọp về hang. Cọp lấy lưng mà đẩy tảng đá che cửa hang lại rồi cả ba về làng. 

Một hôm, làng An Hải mở hội, bèn mời bà Phi Yến đến dự. Lúc đó bà mới 23 tuổi. Một tên vô lại họ Biện, thấy bà đẹp bèn đến nắm tay bà. Làng bắt tội nó, phải đòn. Riêng bà Phi Yến, theo tục lệ xưa, có chồng mà để cho người lạ nắm tay cũng là thất tiết với chồng nên bà cắn lưỡi tự tử. Dân làng chôn cất tử tế và xây đền thờ cả hai mẹ con. 

Người ta đồn là hai mẹ con bà hiển thánh, thường hay cứu độ dân làng. Những đêm mưa to gió lớn, họ nghe vọng từ trên trời xuống tiếng hai mẹ con khóc than vì số phận đắng cay của họ. 

Sau khi Pháp cai trị nước ta, chúng cho xây một nhà tù thật lớn ở Côn Đảo (Việt cộng gọi là traị cải tạo, không gọi là nhà tù). Đinh quang Giáo, Đinh Công Tráng, Tống Duy Tân là những người làm cách mạng chống Pháp, bị tù đầu tiên giam ở nhà tù nổi tiếng này, coi như là "tù trưởng". 
Đinh Quang Giáo đóng bè vượt ngục. Giữa biển, sóng đánh rơi mất lu nước ngọt ông mang theo, cơ hồ chết khát. Nghe danh Đức Bà An Hải (danh xưng dân làng An Hải gọi bà Phi Yến) linh thiêng, ông liền khấn nguyện. Chỉ một lúc sau, trời mưa xuống. Ông hứng được nước ngọt mà thoát chết. Đinh Quang Giáo được thuyền buôn của người Tàu chạy đường Hongkong-Singapor cứu thoát, đưa về Tàu. Sau ông đổi tên là Hiếu Văn, tốt nghiệp trường võ bị Hoàng Phố, đóng lon "Trung Tá" và tử trận khi ông đêm quân tấn công quân đội của Trương Tác Lâm ở Hoa Bắc. 
Bà Phi Yến quê ở đâu? 
Không có sách nào nói tới. 
Trong nam, tôi đi đã nhiều, từ Long An, Gò Công về tới Hà Tiên, Rạch giá, Cà Mâu, v.v... Người miền Nam không có tục đặt "ảng nước" trồng rau răm và cải chung một luống như ở miền Trung hay miền Bắc. Ở phía ngoài, dân đông, đất ít, tiết kiệm đất mới phải trồng chung rau răm và cải một luống như vậy. 
Sau khi Thái Thượng Vương và Tân Chính Vương bị nhà Tây Sơn giết, anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ rút về Trung thì Nguyễn Phúc Ánh (Nguyễn Ánh) mới hội binh với Đỗ Thành Nhân, Tống Phước Khuông, Lê Văn Câu v,v... lấy lại Saicôn (Saigon bây giờ). Đó là năm 1778, Nguyễn Ánh mới 17 tuổi. Ba năm trước, 1775, khi Nguyễn Nhạc khởi binh chống chúa Nguyễn, chiếm Qui Nhơn rồi Quảng Nam, Nguyễn Ánh theo gia đình chạy vào nam, mới 15 tuổi, có lẽ lúc ấy ông chưa có vợ. Chắc là ông lấy bà Phi Yến lúc sau này, khi ông chạy vào đất Gia định rồi. 
Cách đặt tên nôm na theo các sự vật gần gủi là một tục lệ xưa của người Việt Nam: Thằng Tre, Con Măng, Ỗi, Xoài, Ruộng, Lúa, Mạ, v.v... Bà Răm (Phi Yến) cậu Cải (Hội An) cũng được đặt tên theo thói tục đó, không kể là người Nam hay người Bắc. Chỉ khi làm bà vương bà tướng thì mới đổi là Phi Yến (Chim yến đang bay) nghe cho hay. Không lý có bà Chúa Răm? Đó cũng là thường tình, thiên hạ thiếu chi! Tuy nhiên bà Răm cũng là người hay chữ, có nghĩa là bà con nhà quan (không chắc là nhà giàu vì ngày xưa nhà giàu chưa chắc đã hay chữ). Khi con chết, chồng bỏ, bà có làm bài thơ oán than cho số mệnh như sau: 

Đốt nén hương thề lạy hóa công, 
Vì can mắc tội tiếng thông đồng. 
Ngai vàng một thuở ngồi chưa vững, 
Hang đá nghìn năm lệ nhỏ hồng. 
Máu chảy ruột mềm đau phận thiếp, 
Nồi da xáo thịt thỏa tình ông. 
Sầu sông thảm núi hờn hoa cỏ 
Con hỡi hồn con, chồng hỡi chồng. 

Nhưng tên thành phố Hội An thì đã có từ lâu, thời "Nam Bắc phân tranh", sau khi Chúa Nguyễn cai trị và mở mang vùng Quảng Nam (Phía nam nói chung, không riêng gì tỉnh Quảng Nam bây giờ). Đằng Ngoài thì có Phố Hiến (Thứ nhất kinh kỳ, thứ nhì Phố Hiến), Đằng trong thì có Hội An. Faifo chỉ là tên thời thực dân sau này. 
Khi đặt tên cho cậu Cải là Hội An, có nghĩa là "hoài cố hương" đó chăng? Tên đó do Nguyễn Ánh hay bà Răm đặt cho con? Không biết được! 
Vấn đề tuy còn mơ hồ nhưng cứ căn cứ vào những ý vừa trình bày, có lẽ bà Phi Yến không phải là dân... Nam bộ. 
Hiểu ca dao như tôi nói ở trên không hẵn là đúng. Xin nhờ các vị nào hiểu thâm sâu hơn, hay chính là người nơi câu ca dao xuất xứ, xin cho lãnh hội. 

Bài này tôi viết ra cũng để tạ ơn học giả Thái Văn Kiểm. Năm 1958, tôi có đọc một bài của học giả đang trên tờ Phụng Sự, giới thiệu chặng đường Nam tiến của dân tộc ta có liên quan đến ca dao. Bài viết của học giả hồi ấy đã gợi hứng cho tôi thực hiện một cuộc hành trình vào ca dao kể từ khi đó cho tới bây giờ. 

Worcester, Mass 
hoànglonghải/tuệ chương. (vietno.com)

http://e-cadao.com/Tieuluan/Lichsu/lichsutheocadao.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét