Người theo dõi

Thứ Sáu, 28 tháng 7, 2017

Chiến tranh Biên giới 1979 trong SGK

Chiến tranh Biên giới 1979 trong SGK đã bị cắt từ 4 trang xuống 11 dòng

http://doilinh.net/chien-tranh-bien-gioi-1979-trong-sgk-da-bi-cat-tu-4-trang-xuong-11-dong.dl/amp


Trong suốt chiều dài lịch sử, đã rất nhiều lần dân tộc Việt Nam phải chiến đấu, hi sinh chống lại sự xâm lăng của quân xâm lược phương Bắc. Nhưng cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979 lại vẫn đang có một khoảng trống ngay trong sách giao khoa Lịch sử phổ thông khác hẳn những cuộc kháng chiến oanh liệt khác của dân tộc ta…
Không thể lãng quên Chiến tranh biên giới 1979 (ảnh: Mạnh Thường)

Cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc chống Trung Quốc năm 1979 đã trôi qua được 35 năm, nhưng những nỗi đau từ cuộc chiến vẫn còn vẹn nguyên đối với toàn dân tộc ta và là nỗi mất mát to lớn với gia đình thân nhân các liệt sỹ cũng như những người bạn chiến đấu. Về bản chất, đây là một cuộc kháng chiến chống xâm lược của dân tộc Việt Nam.
Tuy nhiên, cuộc kháng chiến kéo dài 17 ngày năm 1979 này hiện vẫn vắng bóng trong sách giáo khoa phổ thông, đặc biệt là nếu so sánh với những cuộc kháng chiến oanh liệt khác của dân tộc trước giặc phương Bắc như nhà Lý chống quân Tống, nhà Trần chiến thắng quân Nguyên, nhà Lê tiêu diệt quân Minh, và Quang Trung Nguyễn Huệ đánh tan quân Thanh vốn vẫn được sử sách ghi lại đậm nét. Tại sao lại như vậy?
Trong cuộc phỏng vấn với báo, GS Vũ Dương Ninh, đồng chủ biên cuốn sách Lịch sử lớp 12, đã tiết lộ thật ra sách giao khoa lịch sử đã bị cắt gọt từ thời lượng 4 trang được biên soạn ban đầu xuống còn vỏn vẹn 11 dòng. Cụ thể như sau: vào thập niên đầu năm 2000, một trại sáng tác sách giáo khoa đã được tổ chức nhằm biên soạn giáo trình sách giáo khoa mới cho học sinh phổ thông. Một trong những vấn đề đã được đưa ra thảo luận tại hội trại chính là các sự kiện liên quan đến hải đảo và biên giới đất liền giữa Trung Quốc và Việt Nam. Khi đó, đã có một số ý kiến chỉ đạo không nên đưa vào sách giáo khoa bởi khi đó chúng ta vừa bình thường hóa quan h-..ệ với Trung Quốc. Tuy nhiên, một số thầy giáo đã không đồng tình mà vẫn chủ trương viết đầy đủ sự kiện đã xảy ra trong khuôn khổ 4 trang sách. Khi nhận được bản biên tập, các thầy giáo đã tỏ ra không hài lòng bởi nội dung này đã bị sửa đi sửa lại nhiều lần, cuối cùng chỉ còn vẻn hẹn 11 dòng trong sách giáo khoa.
GS Vũ Dương Ninh (ảnh: Xuân Trung)
Nên dạy lịch sử như thế nao
Theo GS Vũ Dương Ninh, sách Lịch sử phải tôn trọng sự thực khách quan. Nếu bưng bít thông tin hậu quả sẽ trở nên nguy hiểm khôn lường “khi thế hệ sau sẽ không được tiếp nhận thông tin đúng đắn để có định hướng rõ ràng”. Các học sinh, sinh viên từ chỗ không biết sẽ không phân biệt được đúng sai dẫn đến bị động trong việc nhìn nhận đúng nguy cơ khi đất nước có biến. Là một người dạy Lịch sử, GS Vũ Dương Ninh đã thẳng thắn chỉ ra rằng: “Trong một thời gian dài chúng ta chỉ coi Lịch sử, Văn học như công cụ để giáo dục tư tưởng mà không phải là một khoa học, do đó có thể cắt xén theo ý mình muốn. Chính sự không khách quan này là một lý do khiến học sinh chán học sử.”
Bày tỏ lo ngại trước sự lãng quên của giáo dục Việt Nam đối với cuộc chiến tranh Biên giới phía Bắc 1979, Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên viện trưởng Viện chiến lược, Bộ công an cho biết, các nước trên thế giới vẫn thường xuyên tổ chức những ngày kỷ niệm tương tự như vậy: “ Nhật Bản và Mỹ hiện là đồng minh chặt chẽ. Nhưng chẳng hạn với sự kiện Trân Châu Cảng 7/12/1941, hàng năm nước Mỹ vẫn kỷ niệm và thế hệ sau vẫn hiểu rất sâu sắc thảm họa. Còn thanh niên Nhật vẫn tỏ tường tội ác của Mỹ khi ném 2 quả bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki. Nước Nhật ghi rõ sự kiện này trong SGK và cũng tưởng niệm hàng năm.”
Thiếu tướng Lê Văn Cương (ảnh: Báo)
Thiếu tướng cũng cho rằng, đưa sự kiện 1979 thành từng chương/phần trong sách giáo khoa phổ thông giống như các cuộc chiến khác “chính là để các thế hệ hiện tại khắc cốt ghi tâm, tưởng nhớ đến những người đã chiến đấu bảo vệ đất thiêng. Và cũng là để hun đúc cho họ ý chí quật cường yêu nước”. Ngoài ra Thiếu tướng cũng đề nghị chính phủ nên tổ chức kỷ niệm trang trọng chiến thắng oanh liệt này, đồng thời tiến hành rà soát và kiểm kê lại những người có công trong cuộc kháng chiến.
Thiếu tướng, PGS-TS Nguyễn Xuân Thành (Học viện Quốc phòng) thì bất bình trước những luận điệu xuyên tạc từ phía Trung Quốc về cuộc chiến tranh 1979 trong sách giáo khoa Lịch sử được giảng dạy tại nước này. Thiếu tướng cho biết, trong khi Việt Nam hạn chế đưa sự kiện 1979 vào sách lịch sử, phim ảnh, báo chí…thì Trung Quốc vẫn thực hiện tuyên truyền, xuyên tạc sự thật về bản chất cuộc chiến tranh khi coi đó là cuộc chiến chính nghĩa nhằm tự vệ của Trung Quốc.
Thiếu tướng Nguyễn Xuân Thành (ảnh: Pháp luật đời sống)
Thiếu tướng Nguyễn Xuân Thành nhấn mạnh: “Mục đích của việc đưa cuộc chiến tranh biên giới 1979 vào sách lịch sử và giáo khoa chỉ nhằm mục đích là làm rõ sự thật cho nhân dân ta, nhân dân Trung Quốc, nhân dân thế giới và các thế hệ sau hiểu rõ sự thật chứ không nhằm kích động hận thù, gây hấn giữa hai nước. Mỗi bên cần rút ra các bài học kinh nghiệm xương máu để tránh những nguy cơ xung đột về sau.” Thiếu tướng cũng cho rằng chúng ta cần phải có sự đáp trả chính thức tương xứng về mặt ngoại giao nếu phía Trung Quốc tiếp tục xuyên tạc bản chất cuộc chiến tranh 1979.
Theo GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, việc biên soạn sách giáo khoa phổ thông về Chiến tranh Biên giới 1979 nên được giao cho các cơ quan có chuyên môn: “Theo tôi, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam (thuộc Bộ Quốc phòng) hay Viện Sử học Việt Nam (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) là những cơ quan có trách nhiệm và có năng lực thực hiện các công việc quan trọng này. Các cơ quan này là nơi có điều kiện tốt nhất để khai thác, tập hợp, công bố những tư liệu lịch sử đó. Vì vậy, nhà nước phải giao nhiệm vụ cụ thể cho họ.” GS Nguyễn Quang Ngọc cũng cho rằng: “Phải tập hợp được những tư liệu lịch sử khách quan, chân thực, phong phú và toàn diện làm cơ sở đưa ra được những nhận xét, đánh giá một cách chuẩn xác, giúp cho các chuyên gia giáo dục nghiên cứu chắt lọc đưa vào sách giáo khoa lịch sử phổ thông.”. Ngoài ra, nhà sử học cũng bày tỏ sự tin tưởng vào công tác truyền thông khi trước đây chúng ta cũng ít công bố tư liệu về Hoàng Sa, Trường Sa, nhưng hiện nay đã công bố rộng rãi.
GS, TS, NGND Nguyễn Quang Ngọc (ảnh: VTC)

1 nhận xét: