Người theo dõi

Chủ Nhật, 24 tháng 12, 2017

Cuộc tiến hóa của tiếng nước Nam
Chủ nhật 30/05/2010 12:00:00 (GMT +7)
Tác giả: Phạm Quỳnh –


 "Trong một bất ngờ tôi đọc được bài viết trên đây của cụ Phạm Quỳnh. Một bài viết đầy tâm huyết và Cụ cũng đã đem hết tâm huyết của mình ra thực hiện những gì mình đã viết. Và chính vì thế mà người ta đã giết ông. Gởi đến anh chị em trên FB để đọc và tưởng nhớ đến Cụ như là một sự tri ân" LTD
Phạm Quỳnh - hiệu Thượng Chi, bút danh: Hoa Đường, Hồng Nhân - là một nhà văn hóa, nhà báo, nhà văn và quan đại thần triều Nguyễn (Việt Nam). Ông là người đi tiên phong trong việc quảng bá chữ Quốc ngữ và dùng tiếng Việt - thay vì chữ Nho hay tiếng Pháp - để viết lý luận, nghiên cứu.
Các tác phẩm chính: - Thượng Chi văn tập (5 tập) (Bộ Quốc gia giáo dục, Sài Gòn, 1962) - Pháp du hành trình nhật ký (NXB Hội Nhà văn - H, 2004) - Tiểu luận viết bằng tiếng Pháp trong thời gian 1922 - 1932 (NXB Tri thức, H,2007) - Một tháng ở Nam Kỳ - Mười ngày ở Huế - Luận giải về văn học và triết học (Nxb. Văn hoá Thông tin và Trung tâm văn hoá - ngôn ngữ Đông Tây xuất bản, H, 2003) - Hoa Đường tùy bút

Nguồn: www.bee.net.vn
Tôi không có ý trình bày ở đây với quý ngài về quá trình tiến hóa của tiếng nước Nam trong quá khứ, về lịch sử nguồn gốc và sự hình thành của nó. Chắc chắn chủ đề này cũng lý thú và không kém thu hút sự chú ý của cử tọa am hiểu và sành sỏi các vấn đề ngôn ngữ học như quý vị mà vinh dự cho tôi hôm nay là được quý vị lắng nghe. Nhưng vấn đề đó đến nay vẫn chưa được nghiên cứu sâu sắc để có thể trình bày một cách sáng sủa và toàn diện.
Một số nhà bác học ngữ văn như ngài Henri Paspéro, Cha Souvignet, cũng có lần soi rọi qua vào nguồn gốc của tiếng nước Nam. Song các nguồn gốc đó vẫn đang còn mờ mịt; và nếu dựa vào cuốn từ điển của Cha Rhodes, ta có thể so sánh tiếng nước Nam thế kỷ XVI với tiếng nước Nam hiện nay, thì lại vẫn còn thiếu những thư tịch cổ xưa về tiếng nước tôi, điều đó khiến cho ta không lần lại được quá trình tiến hóa của tiếng nói ấy qua các thời đại.
Mặt khác, các văn bản cổ của nước Nam đều viết bằng chữ Nôm, một thứ chữ dùng chữ Hán biến cải đi để ghi âm tiếng Nam, và các ngài nên biết thứ chữ này rất ít bảo đảm, nên người viết văn, người sao chép cũng như người đọc có thể tha hồ tự ý suy diễn, giải thích. Những khó khăn này làm cho việc nghiên cứu một cách khoa học đối với tiếng Nam chưa được đảm bảo chắc chắn lắm.
Đồng thời, dù có quan tâm đến lịch sử của vấn đề, nhưng theo ý tôi nó vẫn chẳng bằng việc nghiên cứu tiếng Nam hiện thời, cái tiếng nói đang trải qua một sự biến đổi sâu sắc, có thể nói là một sự tiến hóa đang diễn ra ngay trước mắt ta. Vì thế câu chuyện tôi đem ra thảo luận với quý ngài hôm nay là sự phát triển hiện thời của tiếng nước tôi chứ không phải sự tiến hóa trong lịch sử của nó.
Hiện thời ở xứ tôi đang có phong trào khôi phục ngôn ngữ dân tộc mà nguồn gốc của nó đáng để ta đi sâu tìm hiểu. Phong trào này phát sinh từ phản ứng chống lại chữ Hán là thứ chữ viết duy nhất của giới nhà nho bao lâu nay, và cũng có nguyên nhân từ ảnh hưởng của văn hóa Pháp.
Chữ Hán ở nước tôi có vai trò gần như chữ Latin ở các nước Âu châu thời trung cổ trước khi hình thành các ngôn ngữ dân tộc khác nhau. Đó là thứ chữ bác học do tầng lớp văn nhân gọi là “nhà nho” sử dụng. Là lớp tinh hoa duy nhất của đất nước, họ tỏ thái độ bề trên coi khinh khẩu ngữ.
Ông chủ trương chiến đấu bất bạo động nhưng không khoan nhượng cho chủ quyền độc lập, tự trị của Việt Nam, cho việc khôi phục quyền hành của Triều đình Huế trên cả ba kỳ (Bắc, Trung, Nam), chống lại sự bảo hộ của Pháp và kiên trì chủ trương chủ nghĩa quốc gia với thuyết Quân chủ lập hiến.
Đối với họ, đó là thứ tiếng tầm thường của dân chúng, không đáng để người có học chăm lo bồi đắp. Không chỉ có sách là viết bằng chữ Hán, mà các giấy tờ hành chính, quan phương, cũng như thư từ cá nhân đều như vậy cả.
Tiếng nói của người Nam, tiếng Nôm, hoặc tiếng nói thông tục chỉ dành cho người thất học, cho dân chúng. Họa hoằn mới có người hạ cố viết văn bằng tiếng Nôm: đó là để soạn những bài ca hay bài thơ ngắn như một thứ giải khuây sau những thời gian đèn sách nghiêm túc.
Chỉ có một ngoại lệ vào hồi đầu thế kỷ XIX: một nhà nho làm quan là Nguyễn Du đã viết Nôm cả một cuốn Kim Vân Kiều, cuốn tiểu thuyết bằng thơ đó thực sự là một kiệt tác, nó cho thấy những khả năng của tiếng Nam và một khi nhà văn có tài sử dụng nó thì có lợi đến đâu.
Bị các nhà nho phớt lờ đi vì nó không được dạy trong trường học, nhưng tiếng Nôm vẫn được nuôi dưỡng trong dân chúng là nơi vẫn có những nhà thơ họ yêu thích giống như các ca sĩ hát rong Phương Tây hát về tình yêu và mùa xuân, ngợi ca quá khứ tốt đẹp và cảnh đồng áng yên bình.
Vì thế mà, bên cạnh nền văn học viết chính thống mà ta có thể gọi là văn học Hán-nôm vì nó bao gồm tất cả những tác phẩm của các tác giả người Nam viết bằng chữ Hán (các sách sử ký, địa dư, triết học, luân lý), còn có một nền văn học dân gian đa phần là truyền khẩu, có thể là một trong những nền văn học phong phú nhất thế giới, một cái mỏ không vơi cạn những điều chỉ dẫn quý báu cả cho những người nghiên cứu ngữ học và những nhà văn hóa dân gian, bởi vì nó phát ra trực tiếp từ dân chúng, nó diễn tả dưới hình thức khi thì mộc mạc đơn giản, khi thì tinh nghịch ranh mãnh tâm hồn dân chúng nước tôi.
Trong khi các nhà nho khép mình trong tháp ngà vui thú viết những bài thơ chữ Hán - giống như các bài thơ chữ Latin vậy - hoặc là bình chú các kinh sách cổ, thì dân chúng làm hình thành tiếng nói và sản sinh ra một nền văn học phong phú bao gồm các câu phương ngôn, ngạn ngữ, tục ngữ nói về những chuyện xa xưa hay các tập tục từng vùng quê, các bài ca dao dài ngắn kể chuyện những người tài, những danh nhân lịch sử của nước Nam, của Trung Hoa, những anh hùng truyền thuyết hay có thật, các bài dân ca huê tình dịu dàng, mượt mà ngân lên trong những đêm hè dưới mái nhà tranh nhỏ bé hay giữa ruộng đồng ao hồ bao la và như dội lại trong không gian vắt vẻo lên tới đỉnh ngọn tre xào xạc.
Những bài ca ấy thật ngọt ngào, quyến rũ. Ai đã một lần nghe các cô thôn nữ cấy lúa ở đồng bằng Bắc Bộ hay những cô gái chèo thuyền tam bản ở Huế hát những câu ca như: 
Núi cao chi lắm núi ơi 
Núi che mặt trời không thấy người yêu
[Montagne, ô montagne, pourquoi êtes-vous si haute? Vous cachez le soleil et vous me cachez le visage de mon bien ai mé!] Hẳn sẽ không bao giờ quên cái giọng buồn man mác không sao nắm bắt nổi kiểu như thơ Lamartine, nó cho thấy chiều sâu của thơ ca nòi giống mình cũng như khả năng tuyệt diệu của tiếng mẹ đẻ trong việc diễn tả những tình cảm như vậy.
Trong khi các nhà nho say sưa vịnh cảnh và người Trung Hoa thì các ca sĩ dân gian đã tìm được chất giọng như thế để thổ lộ tình yêu trắc trở, để gợi nhắc kỷ niệm bùi ngùi.
Nhờ nỗ lực âm thầm của những người bình dân du ca đó, những kẻ sáng tạo thực sự nên tiếng nói của chúng tôi, thứ tiếng này đã có được một cái nền dân gian rất phong phú mà các văn nhân, nho gia chúng tôi đã quá xem thường, quá hạ thấp, và không biết cách vun xới và khai thác nó một cách đúng đắn để sản sinh ra một nền văn học dân tộc vừa độc đáo vừa lý thú như văn học Nhật Bản chẳng hạn.
Bất luận thế nào đi nữa, trước phong trào phục hồi hiện nay, tiếng Nam vẫn chưa bao giờ được giảng dạy và được chăm sóc vì giá trị của bản thân nó. Ngoài một số tác phẩm ghi lại bằng chữ Nôm như Kim Vân Kiều, Cung oán, Nhị độ mai..., - đó là những bài thơ dài do các nhà nho sáng tác, còn lại toàn bộ nền văn học dân gian gần như là hoàn toàn truyền miệng, và không ai bao giờ có ý nghĩ tập hợp, giữ gìn những bông hoa đẹp của xứ sở đã đưa lại cho tiếng mẹ đẻ âm sắc mùi vị quyến rũ ấy.
Để cho tiếng Nôm trở thành một nền văn học đáng gọi là văn chương, nó đang còn thiếu một Ronsard hay một Rabelais, những người ở vào hoàn cảnh tương tự đã biết chối bỏ tiếng Latin, biết hy sinh danh tiếng nhà văn của mình để viết bằng thứ tiếng dân gian thông dụng hồi bấy giờ là tiếng Pháp, nhờ họ và những người kế tục sự nghiệp của họ mà chỉ trong vòng chưa đầy trăm năm tiếng Pháp đã trở nên một thứ tiếng đẹp nhất Châu Âu.
Khi mà hệ thống nhà trường truyền thống chỉ dạy tiếng Hán vẫn còn sống vật vờ, thì tiếng Nam không phát triển lên được và bị liệt vào hàng nôm na mách qué, bị tầng lớp nhà nho coi thường.
Nhưng cái nhà trường lỗi thời không đáp ứng được các nhu cầu hiện đại đó đã biến mất, để nhường chỗ cho nền giáo dục Tây phương đang ngày càng phổ biến trong dân chúng. Phong trào cách tân tiếng Nam tôi nói ở trên chính là được bắt đầu với sự quảng bá của chữ quốc ngữ. Phong trào này đi liền với sự tiến bộ của nền giáo dục kiểu Pháp và sự tàn tạ của lối học kiểu Tàu.
Các ngài đều biết chữ quốc ngữ là gì. Đó là cách dùng chữ cái Latin ghi âm tiếng Nam do các giáo sĩ Âu châu, nhất là các giáo sĩ Pháp, phát minh ra trong khoảng thế kỷ XV-XVII. Dưới dạng thức như hiện nay nó chính là sự nghiệp của một bậc giáo sĩ cấp cao, người đã đóng vai trò rất quan trọng trong những bước đầu xây dựng quan hệ Pháp - Nam và kết liền số phận nước Nam với nước Pháp: giám mục d’Adran.
Chúng tôi chịu ơn ông, con người đáng kính đó, và chịu ơn những bậc sùng đạo trước ông đã đặt chân đến nước Nam, đã tạo ra một công cụ tuyệt diệu giải phóng cho trí tuệ là chữ quốc ngữ, thứ chữ này nhờ sử dụng bảng chữ cái Latin và hệ thống ghi âm vô cùng thích hợp với các ngữ điệu của tiếng nước tôi đã xích chúng tôi lại gần hơn nữa với các chữ viết âu châu và đã cho chúng tôi một ưu thế vô giá đối với các chữ viết Trung Hoa và Nhật Bản.
Người Nhật, người Hoa cũng muốn Latin hóa tiếng nước họ, nhưng ngoài việc hệ thống ngữ âm của họ kém phong phú hơn của chúng tôi và chưa sẵn sàng cho việc ghi âm, thì họ lại không có cơ hội tốt để có được một cách ghi âm đơn giản, tiện lợi, đầy đủ và uyển chuyển như chữ quốc ngữ.
Chắc chắn là người ta vẫn có thể thấy cách ghi âm này còn những chỗ chưa hợp lý, nhưng nó đã được thử thách, nó đã trở thành thứ chữ viết thông dụng khắp nước Nam từ biên giới Trung Hoa đến vịnh Thái Lan; nó đã có một hình hài riêng và người ta không thể nghĩ đến cải cách nó gì hơn như là việc cải cách chính tả tiếng Pháp. Trong những chuyện này, tốt quá hóa xấu, thế gian này không có gì hoàn thiện cả, hãy cứ để cho những sự sáng tạo của con người mang dấu vết dở dang, đấy là dấu hiệu của chính sự sống trong quá trình tiến hóa không ngừng của nó.
Nói đúng ra, những người sáng tạo sùng đạo đã làm ra bộ chữ quốc ngữ không hề ngờ tới một vận may to lớn đã khiến họ một ngày kia trở thành người làm ra chữ viết của cả một dân tộc. Khi phát minh ra chữ quốc ngữ, họ chỉ nhằm mục đích ghi lại những từ ngữ tiếng Nam để đem dùng vì mục đích riêng và tiếp đó là để dạy cho các con chiên của họ các sách giáo lý Cơ đốc cũng như các sách tôn giáo khác. Thực tế là, mãi đến gần đây, chữ quốc ngữ vẫn không vượt qua được bậc cửa của các giáo đoàn và chủng viện, và những người Nam đầu tiên biết dùng thông thạo thứ chữ đó là các giáo sĩ Cơ đốc.
Ban đầu, những người này rụt rè đem dạy thứ chữ đó cho trẻ nhỏ đã, sau mới đến người lớn, như một sự luyện tập hữu ích cho việc giảng đạo của họ, còn trong thâm tâm họ không có ý định phế bỏ chữ Hán hay chữ Nôm.
Nhưng dần dần về sau, cộng tác với các ông thầy và cộng sự người Âu của mình, họ cho xuất bản không chỉ các bản dịch những cuốn sách đạo chỉ dùng cho giáo dân Cơ đốc, mà còn cả những cuốn sách nhỏ về luân lý thông thường, về những câu chuyện kể vui nhộn, thậm chí cả những sách phổ biến khoa học mà tất thảy mọi người đều đọc được.
Với các ấn phẩm đó, chữ quốc ngữ có thể nói là đã được thế tục hóa và ngày càng lan rộng trong dân chúng. Chỉ có một số nhà nho là vẫn cố chấp coi khinh nó vì lý do kép: trước hết vì đó là thứ chữ viết ngoại lai do các nhà truyền giáo Cơ đốc mang tới, tiếp đến vì đó là thứ chữ ghi lại lời ăn tiếng nói thông thường không xứng để giới tinh hoa vun xới.
Chính ở Nam Kỳ mới là nơi chữ quốc ngữ được phổ biến sớm và với tốc độ nhanh chóng nhờ nỗ lực của một nhóm tác giả người Nam sốt sắng và chăm chỉ như Trương Vịnh Ký, Paulus Của, những người được học từ các giao đoàn ra, những người đã làm việc rất nhiều để phổ biến thứ chữ viết mới này thông qua các xuất bản phẩm yếu lược dành cho các trường tiểu học công đầu tiên mở ra ở xứ này, cũng như các sách sưu tầm những bài ca dao, dân ca cho đông đảo dân chúng thích đọc để giải trí.
Vả chăng xứ Nam Kỳ cũng dành sẵn những điều kiện tối hảo cho việc truyền bá chữ quốc ngữ. Trở thành đất thuộc Pháp trước các xứ khác của nước Nam, và lại là nơi ít mang dấu ấn sâu sắc của Trung Hoa như Bắc Kỳ và Trung Kỳ, Nam Kỳ đã khá nhanh chóng bỏ rơi việc học chữ Hán để chuyển qua học chữ Pháp.
Muốn thế thì nhất thiết phải biết chữ quốc ngữ như là khâu nhập môn để làm quen với bảng chữ cái Pháp. Mặt khác, Nam Kỳ không có tầng lớp nhà nho thủ cựu và cố chấp như ở Trung Kỳ và Bắc Kỳ, nó cởi mở hơn đối với mọi cái mới, điều này giải thích vì sao chữ quốc ngữ và chữ Pháp lại được phổ biến dễ dàng trong mọi tầng lớp xã hội ở đây.
Nhưng, như rồi các ngài sẽ thấy, nếu việc thiếu một tầng lớp nhà nho am hiểu văn hóa Trung Hoa, tự phụ về sự hơn hẳn của mình và khư khư bám lấy đặc quyền, nên đã tạo thuận lợi cho sự phổ biến chữ quốc ngữ trên phương diện chữ viết, thì chữ quốc ngữ lại có phần gây cản trở sự phát triển của tiếng Nam trên phương diện một ngôn ngữ.
Bởi vì dù sao đi nữa, tiếng Nam cũng chịu ảnh hưởng nhiều của tiếng Hán, giống như tiếng Pháp đối với tiếng Latin, mà có thể còn ở mức độ rộng hơn. Không có sự góp phần của chữ Hán thì nó không những không thể giàu có lên được, mà còn để mất đi một số lượng lớn những từ đã thông dụng mà nếu không biết chữ Hán thì không thể biết từ nguyên và nghĩa đích xác.
Chính vì thế mà ở Nam Kỳ, mặc dù chữ quốc ngữ được phổ biến nhanh chóng, nhưng tiếng Nam lại không có được những tiến bộ lớn và không có được sự tiến hóa như ở Trung Kỳ và Bắc Kỳ.
Trong hai xứ này, chữ quốc ngữ ban đầu được lớp nhà nho tiếp nhận một cách thù nghịch. Nhưng khi nhận ra tiện ích của thứ chữ viết mới này thì rốt cuộc họ đã chấp nhận nó và ngày càng xa rời chữ Nôm là thứ chữ dần dần bị bỏ rơi hoàn toàn. Đồng thời cũng có một sự biến đổi sâu sắc diễn ra trong tinh thần các nhà nho chúng tôi đối với văn hóa Tây phương nói chung và đối với nền giáo dục Pháp nói riêng.
Vào khoảng năm 1900, sau khi Trung Hoa bị Nhật Bản đánh bại, một nhóm nhà cải cách Trung Hoa đã nhận ra nguyên nhân sự yếu kém của dân tộc mình, nên đã quyết tâm học theo văn minh Tây phương.
Một số lượng lớn các nhà nho Trung Hoa đã sang học tập ở âu châu và Hoa Kỳ và khi trở về họ đã bắt tay vào dịch sang tiếng Hán các tác phẩm tiêu biểu nhất của những nhà triết học và bác học lớn Tây phương.
Có nhiều bản dịch đó, nhất là những tác phẩm của Darwin, Kant, của các nhà triết học Pháp thế kỷ XVIII: Rousseau, Montesquieu, Voltaire, Diderot đã được truyền qua Đông Dương và được các nhà nho chúng tôi ngốn ngấu đọc, qua các tư tưởng mới mẻ đó họ khám phá ra nền văn minh Tây phương ở những cái cao cả và sâu sắc của nó.
Họ kinh ngạc thực sự. Nếu như hồi đầu họ có thái độ kỳ thị cái học Tây phương thì bây giờ họ lại say mê. Không thể dịch thẳng từ tiếng Pháp, họ bèn dịch lại từ tiếng Hán sang tiếng Nam không chỉ các tác phẩm của Rousseau và Montesquieu, của Darwin và Kant, mà cả những sách giáo khoa thường thức khoa học do các tác giả Trung Hoa viết cho các trường học mới ở Trung Quốc, và khi dịch như thế họ dùng luôn chữ quốc ngữ.
Nhờ đó tiếng Nam nhanh chóng trở nên phong phú bởi một loạt từ ngữ mới vay mượn của chữ Hán: các thuật ngữ kỹ thuật, các từ trừu tượng mà bản thân người Trung Hoa và trước họ là người Nhật, nhờ sự phong phú của thứ chữ ghi ý đã dịch thoát hoặc phiên âm được các thứ tiếng âu châu.
Người ta đã tranh luận nhiều về việc du nhập các từ ngữ mới tiếng Hán-nhật vào tiếng Nam: người ta suy tính xem, nên chăng du nhận hoàn toàn và đơn giản vốn từ vựng kỹ thuật của tiếng Pháp thay cho vay mượn qua cái cầu chữ Hán. Có nhiều điều để nói về chủ đề này; lát nữa tôi sẽ đề cập tới.
Nhưng cần phải ghi nhớ một thực tế hiển nhiên là: trước khi ở nước tôi có tầng lớp Tây học có khả năng dịch sang tiếng Nam các tác phẩm Pháp, có khả năng phổ biến bằng tiếng mẹ đẻ những tri thức khoa học mới, thì các nhà nho lớp cũ đã làm việc đó nhờ cảm hứng từ các sách Trung Hoa và họ cũng đã làm phong phú thêm tiếng nước tôi bằng một số lượng đáng kể các từ ngữ mới từ đó đã trở nên thông dụng.
Khi lớp tinh hoa mới được đào tạo trong các trường Pháp đã có thể bắt tay vào việc dịch thuật và phổ biến bằng thứ tiếng dân tộc cần thiết cho việc giáo dục đám đông, nó đã có sẵn một thứ tiếng do các bậc tiền bối là các nhà nho lớp cũ chuẩn bị cho việc tiếp nhận cái mà họ gọi là “tân thư”.
Nói đúng ra, những người Tây học trong lớp tinh hoa này, qua phản ứng rất dễ hiểu chống lại nền văn hóa Hán-nôm cổ xưa, thì ban đầu cũng còn do dự mãi trước việc thừa nhận thứ tiếng mới này và những tiếng vay mượn từ tiếng Hán. Có một thời gian đã xảy ra một thứ “xung đột tân cựu” quanh chuyện ngôn ngữ này, một cuộc xung đột kéo dài không lâu và đã được thu xếp ổn thỏa.
Bằng sự nhân nhượng lẫn nhau, hai phái tân học và cựu học đã đồng ý được với nhau về vấn đề quan trọng này và về việc cùng hợp tác để hoàn thiện ngôn ngữ dân tộc mà trong vòng mươi, mười lăm năm qua đã đạt được sự tiến bộ lớn và đã sản sinh ra một nền văn học mới rất đáng chú ý.
Các tác phẩm viết bằng quốc ngữ xuất hiện ngày càng nhiều và đa dạng: lịch sử, tiểu thuyết, thơ, sân khấu, sách giáo khoa, các bản dịch văn học cổ điển Pháp và Trung Hoa...
Hàng chục tờ báo và tạp chí bằng chữ viết mới được xuất bản ở Hà Nội và Sài Gòn và được đủ mọi tầng lớp xã hội tìm đọc, từ anh phu kéo xe tranh thủ giữa hai cuốc xe ngồi dưới bóng cây đọc các tin vặt trong ngày đến ông quan nằm trên giường, ngồi trong nhiệm sở nhấm nháp một bài viết hay những vần thơ của một nữ thi sĩ trẻ.
Phong trào phục hưng hay đúng hơn là cuộc canh tân tiếng Nam này lại ít được biết đến trong những người Pháp sống ở nước tôi, thậm chí ngay cả lớp công chúng đặc biệt thân với nước Nam.
Trừ một số ngoại lệ đáng quý, những người này thường chỉ bằng lòng với việc học thứ tiếng nói thông thường, khẩu ngữ, và quan tâm rất ít đến các ấn phẩm tiếng Nam. Nếu như họ có khi nào đọc một bài trên báo chí và vấp phải những từ ngữ Hán-nôm khó hiểu, họ sẽ vất tờ báo xuống và nói như đanh đóng cột: "Đây không phải tiếng Nam. Đây là tiếng Hán !" Lời xét đoán này quả là rất thô thiển.
Ngược lại, những người đang thật sự “Nam hoá”, như thường thấy ở các nhà truyền giáo và những người quan tâm thiết thực đến sự tiến hóa của tiếng Nam, thì lại có nhiều cảm tình với phong trào này. Ở cương vị chủ bút một tờ tạp chí, tôi thường nhận được thư từ của các nhà truyền giáo đánh giá cao những nỗ lực của chúng tôi trong việc đổi mới tiếng Nam và khen ngợi những kết quả chúng tôi đạt được.
Một trong số họ, Đức Cha H (*) có lẽ là người Âu duy nhất mà tôi biết đã sử dụng tiếng nước tôi thành thạo bậc thầy, không chỉ khẩu ngữ, mà cả ngôn ngữ văn chương của những người có học. Một hôm ông đã có nhã ý nói với tôi rằng ông đã học được cách viết tiếng Nam qua báo chí của chúng tôi. Quả thực, ông đã viết tiếng Nam hoàn toàn như một nhà nho nước Nam.
Tôi đã đăng cho ông một bài viết về "Các hệ thống luân lý hiện thời", trong đó ông phê phán thuyết khoa học luận và quyết định luận, một vấn đề hóc búa ngay cả đối với một nhà triết học chuyên nghiệp viết bằng tiếng Pháp; cách trình bày của ông bằng tiếng Nam sáng sủa, cách ông dùng thuật ngữ chuyên môn triết học chính xác tới mức dù chủ đề bài viết phức tạp nhưng tất cả độc giả của chúng tôi đều hiểu ông và, do chỗ ông ký một bút danh lấy tên người Nam, cứ ngỡ ông là một nhà văn của dân tộc tôi.
Đức cha H. và tôi, chúng tôi thường nói về sự tiến hóa của tiếng Nam và tương lai của nó. Ông bảo tôi: "Các ngài có cái phúc lớn là có một thứ chữ viết ghi âm khiến các ngài gần với các thứ chữ viết Âu châu. Như vậy các ngài có thể lấy ở tiếng Pháp tất cả những vay mượn cần thiết, chuyển thoải mái những từ tiếng Pháp sang quốc ngữ của các ngài.
Mặt khác, tiếng các ngài phần lớn phát sinh từ tiếng Trung Hoa; những vay mượn mà các ngài có thể lấy từ đó có thể nói là vô tận, bởi vì những từ Hán mà các ngài vay mượn thì các ngài đọc theo kiểu tiếng Nam, do đó chúng như là những từ tiếng Nam vậy. Đấy là những ưu thế vô giá. Tiếng các ngài như vậy là có thể giàu có, đổi mới vô tận. Tôi hoàn toàn tin tưởng vào tương lai của tiếng Nam".
Những lời nói khích lệ này làm yên lòng chúng tôi trước nhưng phán xét vội vã của những người ít nhiều có hiểu biết.
Bây giờ tôi xin quay lại vấn đề đã lướt qua lúc nãy, đó là những sự vay mượn từ tiếng Hán và những từ ngữ mới. Tôi đã nói tới việc tiếng nước tôi vốn bị lớp nhà nho coi khinh một thời gian dài song lại được vun xới trong dân chúng như thế nào và nó có cái vốn dân gian phong phú ra sao. Nó chỉ thiếu vốn từ trừu tượng và kỹ thuật đối với những tri thức hiện đại, một tập hợp thuật ngữ chuyên ngành để biểu đạt các tư tưởng mới và các phát minh mới.
Tôi tin rằng sự thiếu hụt đó không phải chỉ riêng cho tiếng nước tôi: nó là chung cho tất cả các thứ tiếng hạng hai không theo kịp sự tiến bộ chung của các khoa học và của văn minh. Ở trên kia, tôi đã cho thấy việc các nhà nho nước tôi, do hoàn cảnh bắt buộc phải học theo các tư tưởng và tri thức hiện đại đã bổ sung sự thiếu hụt đó bằng cách vay mượn những từ ngữ mới trong tiếng Hán và họ đã nhanh chóng thành công trong việc có thể gọi là hỗn nhập ngôn ngữ.
Nhưng liệu những sự vay mượn đó có hợp lý không, có nên làm không. Hẳn là không bao giờ nên tiến hành việc một ngôn ngữ này vay mượn một ngôn ngữ khác. Nhưng việc tiếng Nam vay mượn tiếng Hán có bản chất rất đặc biệt và nội một việc những từ ngữ mới của tiếng Hán du nhập tiếng Nam không hề khó khăn, hầu như là tự nhiên, đã cho thấy những sự gần gụi sâu xa giữa hai thứ tiếng này.
Vả chăng, nói tiếng Nam vay mượn từ ngữ tiếng Hán là không hoàn toàn chính xác: tiếng Nam không "vay mượn" thô thiển từ ngữ tiếng Hán nằm trong khẩu ngữ, bạch thoại, là thứ tiếng không nói thống nhất như nhau trong tất cả các tỉnh của Trung Hoa; tiếng Nam, cũng như tiếng Triều Tiên, cũng như tiếng Nhật Bản, cũng như chính tiếng bạch thoại, vay mượn ở một cái kho chung là tiếng Hán, một thứ tử ngữ chung cho tất cả các dân tộc vùng Viễn Đông chịu ảnh hưởng văn hóa và văn minh Trung Hoa, giống như tiếng Hy Lạp và tiếng Latin chẳng hạn là hai tử ngữ chung cho các dân tộc Tây phương hay ít nhất cũng góp phần tạo nên phần lớn các thứ tiếng âu châu hiện thời.
Khi các ngài vay mượn chẳng hạn của tiếng Anh những từ như sleeping-car, rocking- chau, smoking-room hay tea-room - điều này hình như bây giờ đang trở thành mốt vì tôi thấy đâu đâu cũng là những Royal-Hotel và những Cinema-palace - thì thế là các ngài đã thực sự vay mượn rồi, bởi vì những từ tiếng Anh này chuyển trực tiếp qua tiếng Pháp mà vẫn giữ nguyên chính tả và phát âm gốc của chúng.
Nhưng khi bị thôi thúc bởi nhu cầu tìm kiếm những thuật ngữ phù hợp để chỉ một phát minh hay biểu đạt một tư tưởng mới, các ngài tìm về lại tiếng Hy Lạp và tiếng Latin để tạo nên những từ mới như électro-dynamique hay psycho-analyse, thì nếu các ngài muốn, đó cũng là những sự vay mượn, nhưng là những vay mượn có bản chất khá đặc biệt, đừng nên lẫn với những vay mượn đối với tiếng Anh.
Và nếu có đôi khi một nhà văn hay nhà báo nào đó chế nhạo thứ tiếng lóng Hy-la của các nhà bác học và các triết gia thì họ đã không nhận biết sự cần thiết và tính hợp thức của việc đó, và nếu có dịp họ lại không ngần ngại sử dụng cũng những từ ngữ ấy để chỉ cũng những sự vật ấy và biểu đạt cũng những tư tưởng ấy.
Những sự vay mượn các thứ tiếng cổ theo kiểu này, miễn là chúng được thực hiện có lựa chọn, có phân biệt, và đáp ứng được các quy luật bí mật của sự hài âm và phát âm - vì tôi nghĩ đấy chính là điều kiện không thể thiếu để tạo ra những từ mới - sẽ làm giàu cho ngôn ngữ thay vì làm cho nó cồng kềnh lên hoặc bị sai lệch đi.
Thế nhưng, những vay mượn của tiếng Nam đối với tiếng Hán lại chính xác và có cùng một bản chất như sự vay mượn của tiếng Pháp đối với tiếng Hy Lạp hoặc tiếng Latin. Khi xem xét vấn đề theo cách đó và đặc thù ngôn ngữ học, vấn đề này không còn quan trọng nữa và trở thành một điều hết sức tự nhiên, sự hỗn nhập tiếng Hán vào tiếng Nam thời nào cũng diễn ra, theo một cách gần như tự phát.
Tuy nhiên nếu như vấn đề này vẫn cứ được nêu ra đó là vì một số khá lớn đồng bào trẻ tuổi của chúng tôi được đào tạo hoàn toàn trong các trường Pháp, bằng phản ứng tự nhiên chống lại nền văn hóa Trung Hoa già cũ và tinh thần nho học cổ xưa, đã bỏ rơi hẳn chữ Hán và như thế là lại rơi vào sai lầm ngược với sai lầm của các nhà nho lúc trước không muốn nghe nói gì đến việc học chữ Pháp.
Song cuối cùng họ cũng đã thừa nhận sai lầm của mình và đã ý thức được rằng việc học chữ Hán là không thể thiếu để có hiểu biết đầy đủ về tiếng Nam, rằng tiếng Nam hoàn toàn độc lập với nền văn hóa kinh viện Trung Hoa già cũ đã bao thế kỷ qua chế ngự giới trí thức nước Nam, rằng cần phải học chữ Hán không phải vì thứ chữ đó mà vì phải chuyển biến theo thứ tiếng dân tộc phát sinh từ đấy ra, một việc không tốn mấy thời gian và cũng không mấy khó nhọc.
Chính vì vậy một số lớn thanh niên Tây học của chúng tôi sau khi có được tấm bằng trong các trường Pháp đã quay sang học chữ Hán, nhưng không học theo cách của các nhà nho xưa dành cả đời bình giảng những cuốn sách cũ, mà theo cách người ta dạy tiếng Latin ở trường trung học hay cao đẳng.
Hình như Chính quyền Đông Dương, trong chương trình trung học và cao đẳng ở thuộc địa, đang có ý định thay tiếng Hy lạp và Latin bằng tiếng Hán, đây sẽ là một biện pháp hoàn toàn đúng đắn và hợp thời, bởi vì những người trẻ của chúng tôi cần văn hóa Hy-la ít hơn là văn hóa Trung Hoa.
Và cũng như ở Pháp việc học tiếng Hy Lạp và tiếng Latin không có nghĩa là các ngài chịu ảnh hưởng của nước Hy Lạp hay nước ltalia hiện thời, thì ở nước tôi việc học tiếng Hán không có nghĩa là chúng tôi đi theo Trung Hoa.
Ảnh hưởng Trung Hoa vốn đã quá tai hại đối với sự tiến hóa tinh thần của dân chúng nước tôi, nó đã đè quá nặng lên chúng tôi, nên chẳng dại gì chúng tôi lại bị rơi vào đó nữa. Nhưng dẫu sao hai mươi thế kỷ của văn hóa Trung Hoa đã để lại những dấu vết không thể xóa nhòa trong ngôn ngữ chúng tôi, và để không bị quên mất hoàn toàn chúng tôi buộc phải học tiếng Hán như một tử ngữ, cái tử ngữ đã và vẫn đang góp phần tạo nên phương ngữ dân tộc chúng tôi.
Nhưng nếu tiếng Nam có phần phát xuất từ tiếng Hán là thứ tiếng vẫn không ngừng làm giàu cho nó bằng các từ ngữ mới, thì hiện giờ tiếng Nam cũng bắt đầu vay mượn tiếng Pháp.
Những vay mượn này gồm có những từ ngữ Pháp dịch sang những từ ngữ Nam tương đương, có khi là phiên âm những từ Pháp sang âm tiếng Nam, hay có khi là đưa nguyên xi các từ Pháp vào tiếng Nam. Mặc dù bản chất hai thứ tiếng khác nhau, một tiếng đa âm tiết còn một tiếng đơn âm tiết, nhưng quy luật cuộc sống thực bắt buộc những vay mượn đó ngày càng nhiều lên và càng ngày càng làm giàu cho tiếng nước

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét