Người theo dõi

Thứ Năm, 19 tháng 7, 2018

LANG THANG VỀ HAI KHOẢNG LẶNG



LANG THANG VỀ
HAI KHOẢNG LẶNG
Quán Tâm Nguyễn Hiền Nhu



PHẦN I

HỌ HỒNG BÀNG – NƯỚC XÍCH QUỸ VÀ
NHÀ NƯỚC VĂN LANG  (2879tcn - 43scn)

Sách xưa lần giở ra xem lại
Người cũ mờ trong nét chữ mờ
Lời cũ thì thầm bao nhắn nhủ
Người nay liệu có nhớ người xưa

Tục truyền rằng cháu ba đời của vua Thần Nông là Đế Minh đi tuần thú phương nam, gặp nàng tiên ở núi Ngũ Lĩnh (Hồ Nam Trung Quốc) và sinh ra Lộc Tục. Sau Đế Minh truyền ngôi cho con là Đế Nghi làm vua phương Bắc, Lộc Tục làm vua phương Nam. Lộc Tục xưng là Kinh Dương Vương. Đặt tên nước là Xích Quỹ (2879 BC).
Nước Xích Quỹ bắc giáp hồ Động Đình (Hồ Nam), nam giáp Hồ Tôn (sau này là Chiêm Thành), đông giáp Nam Hải, tây giáp Ba Thục (Tứ Xuyên).
Kinh Dương Vương lấy con gái Động Đình Quân là Long Nữ, sinh ra Sùng Lãm. Sùng Lãm nối ngôi xưng là Lạc Long Quân. Lạc Long Quân lấy con gái Đế Lai là nàng Âu Cơ, sinh ra một bọc có trăm trứng, nở ra được một trăm con trai. Một hôm Lạc Long Quân nói với Âu Cơ rằng:” Ta là giống rồng nàng giống tiên, nên chia nhau mỗi người năm mươi con, Ta dẫn xuống biển, nàng đưa con lên núi”. Rồi phong cho con trưởng làm vua. Vua xưng là Hùng Vương, đặt tên nước là Văn Lang, đóng đô ở Phong Châu (Vĩnh Phúc). Tục truyền rằng từ đây ở vùng đất phía Nam sông Dương Tử, còn gọi là sông Trường Giang, có nhiều bộ tộc người Việt sinh sống nên gọi là Bách Việt. Vua Hùng truyền ngôi được18 đời. Quan văn gọi là Lạc Hầu, quan võ gọi là Lạc Tướng, con trai vua gọi là Quan lang, con gái vua gọi là Mỵ nương, các quan nhỏ gọi là Bồ Chính, đời đời cha truyền con nối gọi là phụ đạo. Vua Hùng chia nước ra 15 bộ và cắt cử các anh em đứng đứng đầu mỗi bộ. Mười lăm bộ là; Giao Chỉ, Chu Diên, Vũ Ninh, Phúc Lộc, Việt Thường, Ninh Hải, Dương Tuyền, Lục Hải, Vũ Định, Hoài Hoan, Cửu Chân, Bình Văn, Tân Hưng, Cửu Đức, Văn Lang. Về tên gọi của mười lăm bộ thì các sách Việt Sử lược của Sử Hy Nhan, Dư Địa Chí của Nguyễn Trãi, Lịch Triều Hiến Chương Loại chí của Phan Huy Chú ghi không giống nhau về tên gọi cũng như cương vực. Các tên trên ghi theo Dư Địa chí của Nguyễn Trãi.

Theo những tài liệu Hùng Vương ngọc phả của nhà nghiên cứu Lê Củng vừa được công bố. Thì được biết, không phải là mười tám đời vua Hùng Vương trị vì hơn hai thiên niên kỷ, mà là mười tám chi họ con cháu của Lạc Long Quân thay nhau trị vị vì trong suốt thời gian này với hơn 60 vị. Do đó chúng ta có thể hiểu là Hùng Vương không phải là một niên hiệu như các triều sau này thường sử dụng. Do đó, Hùng Vương là một vương hiệu mà các triều đại của con cháu Lạc Long Quân nối tiếp nhau. Sau này chúng ta khó mà hiểu đuợc những định chế về việc truyền ngôi hay thế tập ra sao. Nhưng có thể hiểu là: Không phải mười tám đời vua Hùng Vương mà là mười tám triều đại Hùng Vương. Có một điều có thể khẳng định ngọc phả ấy xuất hiện sau thời đại Hùng Vương rất lâu, nên tính xác thực của ngọc phả này không cần phải được xem xét lại. Đó chỉ là một hành động của người xưa nhằm mục đích nhắc nhở cháu con đừng quên lửng cội nguồn. Ngoài giá trị ấy, ngọc phả không còn một giá trị nào khác

Những sự tích được lưu truyền xuất phát từ thời kỳ này nhiều lắm, nhưng phổ biến nhất vẫn là:
- Con Rồng, cháu Tiên
- Phù Đổng Thiên Vương phá giặc Ân
- Sơn Tinh Thủy Tinh
- Bánh dày, bánh chưng
- Mai An Tiêm và quả dưa hấu
- Tiên Dung, Chữ Đồng Tử
- Sự tích Trầu Cau và tục nhuộm răng ăn trầu
- Tục vẽ mình
Ngành khảo cổ học đã hé lộ cho chúng ta thấy một số những hình ảnh của thời kỳ đó với những niên đại khá cụ thể như sau:
- Năm 8.000-6.000tcn Văn hóa Hòa Bình. (Hòa Bình là nơi đầu tiên phát hiện di tích thuộc sơ kỳ thời đá mới) Một bộ phận cư dân phân bổ khá rộng ở đồng bằng Bắc Bộ và bắc Trung Bộ gọi là người Việt cổ, đã biết chế tạo những công cụ lao động bằng đá.
- Năm 6.000-5.000tcn Văn hóa Bắc Sơn, đã xuất hiện đồ gốm thô, đồ trang sức. Đã biết chế tạo dụng cụ lao động, sinh hoạt bằng gỗ, tre, nứa Đã có những dấu hiệu của sự định cư và một vài ý niệm về tôn giáo và tín ngưỡng.
- Năm 4.000-3.000tcn Thời kỳ đá mới. Đã xuất hiện những dụng cụ khoan, cưa. Các chủng loại công cụ lao động phong phú hơn. Đã xuất hiện các công cụ làm tiền đề cho ngành dệt may xuất hiện. Dù vẫn còn là nền kinh tế hái lượm, săn bắt. Nhưng nền kinh tế do trồng trọt, chăn nuôi bắt đầu trở nên kinh tế chủ đạo. Ngành thủ công mang tính chế tạo, các dụng cụ lao động, đồ trang sức, đồ gốm, dệt, đan lát càng lúc càng tinh xảo. Nghề đan lát và dệt đã manh nha cho một ngành nghề mới; chài lưới đánh bắt cá.
- Năm 3.000-2.000tcn giai đoạn văn hóa Phùng Nguyên. Đây là nền văn hóa phát triển của thời kỳ đá mới, đã có sự xuất hiện của kim loại trong dụng cụ lao động và sinh hoạt, nhưng rất ít. Việc sống định cư trở nên phổ biến và xã hội bộ lạc đã hình thành. Các bộ lạc đó xuất hiện gần như đều khắp đồng bằng Bắc Bộ và bắc Trung Bộ, sau đó là sự ra đời của văn hóa đồng thau như Gò Mun, Đồng Dậu, tiền Sa Huỳnh, Đông Sơn. Rất có thể nhà nước Văn Lang xuất hiện trong thời gian này. Bởi vì, những điều kiện cấu thành nhà nước sơ khai đã xuất hiện gần như đầy đủ.
- Năm 2.000tcn.
Như niên đại theo truyền thuyết ghi trên thì nhà nước Văn Lang xuất hiện vào giữa giai đoạn văn hóa Phùng Nguyên. Những điều kiện vật chất và văn hóa tương đối đầy đủ để hình thành một nhà nước. Nhưng về mặt lãnh thổ thì quá lớn, vượt khỏi tầm quản lý của một nhà nước sơ khai. Nhưng chắc chắc có một nhà nước ban đầu của dân tộc mang tên Văn Lang, nhưng hình thức văn hóa, kinh tế, xã hội và cả chính trị như thế nào thì cần phải có thời gian thu thập tư liệu, nghiên cứu để xác định. Những khám phá gần đây của Đào Duy Anh, Trương Thái Du, Lê Mạnh Thát…  cũng có thể khái quát được phần nào về dung mạo tương đối chân thật về triều đại Hùng Vương và nguồn gốc dân tộc.
Truớc tiên, nên ngẫm nghĩ một chút về truyền thuyết đầu tiên là Đế Minh là cháu ba đời của vua Thần Nông, một vị vua huyền sử vốn là một ông vua biểu tượng cho ngành nông nghiệp, và đất nước Văn Lang được mệnh danh là một trong những nền văn minh lúa nước thuộc loại sớm nhất nhân loại. Sẽ rất thú vị khi biết một hậu duệ của vua Thần Nông là Lang Liêu thể hiện lòng hiếu thảo của mình bằng cách gói hai cái bánh dày, bánh chưng bằng nếp mang hình tượng trời tròn, đất vuông để dâng cho vua cha ngày đầu năm. Và như để bảo vệ cho truyền thuyết này nhân dân Lạc Việt đã thờ các thần Mây, thần Mưa, thần Sấm, thần Sét đầy uy dũng đã cho nắng, tạo mưa để cho nhân dân Lạc Việt nương theo mà gieo cấy. Rồi sau này nương theo tính hiền hòa của dân tộc mà trở thành Phật Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Điển, Pháp Lôi khi tiếp nhận một tôn giáo hiền hòa đầy lòng từ bi hỉ xả. Phật Giáo
Rồi truyền thuyết tiếp theo. Bà mẹ Âu Cơ sinh một bọc trăm trứng nở trăm con, rồi cùng Lạc Long Quân chia nhau, nửa lên núi rừng, nửa ở ven sông biển. Truyền thuyết này có ý nghĩa gì với thuật ngữ Bách Việt để chỉ các bộ tộc Việt cư trú từ bờ nam sông Trường Giang trải dài về phương nam đến mũi Cà Mau. Qua những trang sử cũ ta có thể sưu tập một số địa danh mang yếu tố Việt như; Lạc Việt, Âu Việt, Việt Thường, Mân Việt, Ngô Việt, Đông Việt, Nam Việt, Việt Đông… để bây giờ thống nhất lại với tên gọi hiền hòa. Việt Nam. Thật xúc động xiết bao nếu nhìn vào bản đồ phân bổ trống đồng mà hậu duệ của bà mẹ vĩ đại ấy đã tìm thấy được. Những cái trống đồng ấy vừa xác định một cách chắc chắn địa bàn cư trú của dân tộc. Cũng có thể là do những con dân nước Việt mang theo đến nơi xa xôi nào đó trong những cuộc hành trình hay là những đổi trao trong giao lưu văn hóa hay kinh tế. Cũng không loại trừ là do bị tước đoạt bởi quân xâm lược.
Những truyền thuyết tiếp theo được biết đến như là một biểu tượng cho những sự kiện rất cụ thể: Phù Đổng Thiên Vương là tinh thần giữ nước; Sơn Tinh Thủy Tinh là công việc trị thủy; Bánh dày bánh chưng là lòng hiếu thảo và sự khẳng định nền kinh tế nông nghiệp đã phát triển; Tiên Dung, Chữ Đồng Tử là tình cha con, là quan điểm hôn nhân trên cơ sở tự do luyến ái; Mai An Tiêm là tinh thần tự lực, sự khám phá, làm giàu cho bản thân và đất nước; Sự tích Trầu Cau và tục nhuộm răng ăn trầu đề cao sự quan hệ của gia đình; tục vẽ mình nói lên tinh thần hoà nhập với thiên nhiên.
Có một điều rất thú vị. Những truyền thuyết của dân tộc Việt, hầu hết đều không mang tính thần thoại. Những nhân vật xuất hiện trong truyền thuyết là những con người cụ thể gần gũi với cuộc sống, dù những nhân vật ấy được xuất thân từ trong vị trí nào của xã hội. Vua, quan, hoàng tử, công chúa hay kể cả những vị thần như Sơn Tinh Thủy Tinh hay Phù Đổng Thiên Vương. Những hành vi của các nhân vật trong truyền thuyết của dân tộc Việt đều mang chung một mục đích nhất quán là phục vụ cho thật tốt đẹp mọi lĩnh vực của đời sống thực tiển. Vì vậy, dù bị hai nền văn minh Trung Hoa và Ấn Độ tác động mạnh mẽ. Nhưng tác động ấy chỉ làm giàu thêm, vững vàng thêm bản lãnh, bản sắc của dân tộc. Và có lẽ dân tộc tộc Việt Nam là một dân tộc duy nhất trên thế giới có những truyền thuyết khởi đầu của dân tộc mình là không mang tính thần thoại. Có thể nhận ra bóng dáng của Tiên, của Rồng, của thần linh. Nhưng không hề có bóng dáng của một thứ quyền năng phi thực tế. Chỉ là những thấp thoáng, nhưng hầu hết lại là phi thường hóa đến một chừng mực nào đó những thành quả lao động nhằm thể hiện khát vọng sống. Như trường hợp của Thánh Gióng, Sơn Tinh-Thủy Tinh.
Những truyền thuyết mang tính hệ thống, như là những niên đại lịch sử sau này, đã được lưu giữ và kể cho nhau nghe suốt mấy ngàn năm, luôn luôn nói lên những ước vọng xây dựng một cuộc sống hòa bình và tốt đẹp. Một sự chuyển tải không cần niên đại, mà như có niên đại, rất cần thiết để trở thành mẫu mực cho cuộc sống hằng ngày. Và đã trở thành nhưng viên gạch văn hóa ban đầu. Cũng như tất cả các dân tộc khác trên thế giới, những truyền thuyết ấy là một sự thật cần và luôn luôn được nhìn nhận trong giai đoạn bình minh của nhân loại. Truyền thuyết của dân tộc nào còn tồn tại có nghĩa là dân tộc đó tồn tại. Những truyền thuyết của nhân dân Lạc Việt rất cụ thể, rất thiết thân, rất hiền hòa mà không có bất cứ một quyền năng phi thực tế nào và vì thế mà luôn luôn tồn tại.
Thử có một gợi ý về kinh tế, xã hội, văn hóa thời Hùng Vương.
Nhìn những hoa văn trên trống đồng, tôi không có diễm phúc được xem trên trống đồng thật, chỉ xem trên ảnh chụp, không biết có ai mường tượng ra đó là cảnh sinh hoạt của một ngôi làng nào đó ở Phong Châu, Đông Sơn… hay không? Nhưng tôi thì không mường tượng mà là tôi đang sống trong ngôi làng đó cùng với tổ tiên mình giã gạo, hát ca và hình ảnh những cánh chim Lạc nối tiếp nhau bay lượn lờ trên bầu trời xanh ngắt như là sự kế tục truyền thống xây dựng  và phát triển đất nước.
Rất dễ để nhận ra một điều, muốn làm thành một cái trống đồng như thế thì cần bao nhiêu người đây; người tìm ra quặng đồng, người khai thác, người tinh luyện, người đúc trống, người tạo mẫu, người vẽ hoa văn lên trống… kể như thế thì hơi ít nhưng mọi người cũng hình dung ra. Một nền kinh tế như thế nào? Một kiến thức lao động ra sao? Để có thể làm nên cái trống đồng. Sinh hoạt văn hóa, xã hội được những hoa văn thể hiện và cuối cùng, mục đích đúc trống đồng? Không cần phải những số liệu, chứng cứ hay niên đại gì cả. Bản thân của cái trống đồng là một cuốn sách hay là một cuốn phim tài liệu diễn tả một cách trung thực những sinh hoạt văn hóa, kinh tế, xã hội thời ấy. Nghĩa là nhân dân Lạc Việt đã có thể sản xuất được lương thực, thực phẩm và tất cả những dụng cụ lao động, hàng hóa để phục vụ cho yêu cầu cần thiết của đời sống và cả yêu cầu văn hóa.

CÓ HAY KHÔNG CÓ
NHÀ NƯỚC ÂU LẠC (257-207 tcn)

 Hầu hết sử sách đều công nhận có nhà nước Âu Lạc với An Dương Vương Thục Phán và các sự kiện xoay quanh như: thành Cổ Loa, người xây thành Cao Lỗ, thần Kim Quy, nỏ thần, Trọng Thủy-Mỵ Châu, cuộc chiến với Triệu Đà… Niên lịch, nhân vật, sự kiện thật rõ ràng đến kinh ngạc dù có pha thêm một chút thần thoại. Nhưng cũng chính những yếu tố đó làm cho sự hiện diện của nhà nước này trở nên không hợp lý. Người xưa viết sử trong điều kiện thiếu thốn tư liệu, gom góp những chuyện kể trong dân gian rồi suy luận, đối chiếu và viết theo… ý mình. Nhưng trên tất cả, việc làm đó xuất phát từ lòng yêu nước. Vì lý do đó mà năm 1272, Lê văn Hưu (1230-1322) khi viết cuốn sử đầu tiên “Đại Việt Sử Ký” chỉ viết từ thời Triệu Việt Vương. Sau này Ngô Sĩ Liên viết thêm phần ngoại kỷ về Họ Hồng Bàng và An Dương Vương Thục Phán. Hôm nay, đặt lại vấn đề không phải là để chứng minh người xưa thế này thế khác, mà để tìm hiểu một cách đúng đắn một giai đoạn lịch sử còn mơ hồ trong điều kiện có nhiều hơn những tư liệu xác đáng hay chí ít cũng tin cậy được.
Trở lại vấn đề nhà nước Âu Lạc. Rất có thể nhà nước Âu Lạc hình thành theo dạng liên minh của Lạc Việt và Âu Việt theo yêu cầu củng cố lực lượng để tự bảo vệ trước sự kiện nhà Tần diệt sáu nước Hàn, Tề. Sở. Yên. Triệu. Ngụy thống nhất Trung Quốc vào năm 221. Liên minh Âu Lạc đã không thừa. Năm 214tcn, Tần Thủy Hoàng sai Sử Lộc đào kinh vận lương cho Đồ Thư đưa quân xâm chiếm Âu Lạc. Quân đi đến đâu, dân Bách Việt bỏ vào rừng đến đó. Không quen thủy thổ, chẳng thuộc địa hình, chẳng cướp phá được gì lại phải luôn luôn đối phó với những trận tập kích, không bao lâu, quân hao quá nửa, còn bị quân Bách Việt ngầm đặt kiệt tuấn làm tướng trong quân. Khi thời cơ đến, quân dân Bách Việt tung ra đánh trận quyết định. Quân Tần tan rã, Đồ Thư bị giết. Chỉ đôi giòng ngắn ngủi, nhưng cũng cho người sau thấy có rất nhiều điều lôi cuốn: Một là; Bách Việt là những bộ tộc người Việt đã trải rộng trong một cương vực khá lớn từ các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây (Trung Quốc) Bắc Bộ và bắc Trung Bộ (Việt Nam). Hai là; các bộ tộc Bách Việt có một liên kết khá chặc chẽ. Ba là; lần đầu tiên trong lịch sử của dân tộc đã chống lại quân xâm lược bằng với chiến thuật mà bây giờ gọi là tiêu thổ kháng chiến kết hợp với chiến tranh du kích. Dù vậy, nhà Tần cũng kịp thiết lập một chế độ quận huyện ở khu vực này đặt Nhâm Ngao (hay Hiệu) làm Nam Hải úy. Triệu Đà làm Long Châu lệnh. Nhà nước liên minh Âu Lạc vẫn tồn tại ở Tượng Quận. (Bắc Bộ và bắc Trung Bộ). Nếu như có một Thục Phán đánh chiếm Văn Lang thành lập một nhà nước mà chỉ làm có hai việc là đặt quốc hiệu là Âu Lạc và xây thành Cổ Loa nhằm củng cố quốc phòng mà lại không có một hành động nào để thiết lập một định chế quan lại cho phù hợp với một quốc gia vừa được mở rộng mà lại giữ nguyên xi một hệ thống quan lại của một đất nước Văn Lang vừa chiếm được. Sử cũ không nói gì về điều này trong suốt nửa thế kỷ tồn tại của nhà nước Âu Lạc(?). các chức danh Lạc hầu, Lạc tướng, Quan lang, Bồ chính… vẫn còn xuất hiện đến thời Trưng Nữ Vương, nghĩa là sau 200 năm. Chưa kể những tập tục văn hóa, kinh tế mang tính đặc trưng của khu vực đồng bằng Bắc bộ và bắc Trung bộ. Không có một An Dương Vương Thục Phán nào trong lịch sử. Nhưng chắc là có một liên minh mang tên Âu Lạc mà mục đích của liên minh này thì quá rõ. Ở đây sử dụng từ “liên minh” cho dễ hiểu. Thế thì lãnh tụ của liên minh này là ai? Rất có thể là trưởng một bộ tộc nào đó trở nên một vua Hùng. Biết đâu vì thế hai câu ca dao dưới đây đã được khai sinh để gởi đến hôm nay:
Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn.
Tất nhiên hình thức diễn đạt của câu ca dao này thì không như thế, bởi vì ngôn ngữ thời ấy không như bây giờ.

NHÀ NƯỚC NAM VIỆT (207-111tcn)
Tháng 10 năm 210tcn. Tần Thủy Hoàng chết ở Sa Khâu. Trần Thắng dấy quân ở đất Kỳ (An Huy), Hạng Vũ ở đất Ngô (Giang Tô), Lưu Bang ở đất Bái (cũng trong tỉnh Giang Tô). Nhâm Ngao lại chết, nhân cơ hội này Triệu Đà cũng xua quân khởi nghiệp ở vùng Ngũ Lĩnh, giết các trưởng lại của nhà Tần, thôn tính Quế Lâm, Tượng Quận và xưng đế năm 207tcn, đặt quốc hiệu là Nam Việt. Đóng đô ở Phiên Ngung (bờ nam sông Tây Giang, gần thành phố Quảng Châu của Trung Quốc,  hiện nay vẫn còn huyện Phiên Ngung).
Năm 206. Hạng Vũ tự sát ở Ô Giang (An Huy) Lưu Bang thống nhất Trung Quốc, lên ngôi năm 202tcn lập ra nhà Hán.
Có hai luồng ý kiến khác nhau về nhà nước này: 1. Xem như là một triều đại thuộc lịch sử Việt Nam; 2. Không xem như là một triều đại thuộc lịch sử Việt Nam.
Trước khi ngã về một trong hai ý kiến trên, có mấy vần đề sau cần phải suy nghĩ:
1. Triệu Đà là người Trung Quốc quê ở Chân Định. Hà Bắc, xuất thân là Long Châu lệnh làm việc dưới quyền của Nam Hải úy Nhâm Ngao, đóng ở Ngũ Lĩnh. Khởi nghiệp ở vùng đất mà hầu hết là dân của các bộ tộc Bách Việt. Đó là lý do để Triệu Đà đặt quốc hiệu là Nam Việt. Nhưng hầu như mọi hoạt động của nhà nước này, nhất là Triệu Vũ Đế, đều hướng về phương Bắc.
2. Đặt quốc hiệu là Nam Việt có hàm ý đất nước phương Nam của người Việt, bản thân Triệu Đà cũng cắt tóc, ngồi xổm như dân Việt, quan lại trong triều đình đa số là người Việt. Phải chăng Triệu Đà muốn có một quốc gia độc lập mà trong đó mang theo một hàm ý độc lập dân tộc. Chắc chắn là không. Xem xét những hoạt động của nhà Triệu suốt thời gian Triệu Đà tại vị, cho thấy ông chỉ là một thành phần thừa cơ dấy lên để tạo sự nghiệp cho mình và không bao giờ quên cái nôi là Chân Định (Hồ Bắc) với mồ mã cha ông. Điều này cũng đúng thôi.
3. Đóng đô ở Phiên Ngung, một vị trí không phải là trung tâm của một đất nước có tên Nam Việt mà là ở một vị trí ngoài rìa của lãnh thổ, lại gần sát biển Đông, kề cận phương bắc, chỉ cần chèo thuyền qua sông Trường Giang và về đến quê hương. Một việc làm không bình thường, nhưng lại có lý. Vì dân chúng mà Triệu Đà cho là thần dân của ông không phải là đồng bào ông.
4. Tất cả các bộ tộc Bách Việt vẫn giữ nguyên các phong tục tập quán của họ. Chẳng những thế các bộ tộc như Lạc Việt, Âu Việt, Việt Thường vẫn giữ nguyên những định chế quan lại đã được thiết lập từ thời nhà nước Văn Lang.
Dường như có vẻ mâu thuẩn, nhưng không phải vậy. Bản thân Triệu Đà muốn xây dựng một lực lượng đối trọng với nhà Hán bằng binh lính và lương thảo của Bách Việt để tiến về phương Bắc dưới danh nghĩa của một nhà nước Nam Việt. Nhưng điều đó không thực hiện được dù nhà Hán có một số lủng củng trong nội bộ. Nếu ước muốn của Triệu Đà trở thành hiện thực thì chẳng biết điều gì sẽ xảy ra, nhưng chắc chắn là không có lợi cho nhân dân Bách Việt.
Thế thì đã rõ, nhà nước Nam Việt không phải là nhà nước chính thống của chúng ta, mà là một loại nhà nước mang đầy tính cơ hội: Cơ hội loạn lạc sau khi nhà Tần diệt vong, đó là thiên thời. Cơ hội vùng đất phương nam đầy tài nguyên nhưng khí hậu khắc nghiệt, địa hình hiểm trở, đó là địa lợi.  Cơ hội nhân dân Bách Việt vốn hiền hòa không thích chiến tranh, đó là nhân hòa.

THỜI KỲ KHÁNG CHIẾN CHỐNG
VĂN HÓA NÔ DỊCH TÂY HÁN (111tcn-39scn)
Năm 111tcn. Nhà nước Nam Việt bị nhà Hán thôn tính. Nhà Hán gọi nước ta là Giao Châu.
Điều đó không có nghĩa là lãnh thổ mênh mông của nhà nước Nam Việt là sở hữu thực tế của nhà Hán. Sự xuất hiện của các quan lại nhà Hán chỉ mang tính tượng trưng. Những thái thú Thạch Đái (110tcn), Chu Chương (91tcn) Ngụy Lăng (78tcn), Tích Quang (40tcn), Nhâm Diên (32tcn) Thái Thú Cửu Chân, Đặng Nhượng (6tcn), những thứ sử Lã Hoằng, Hà Xưởng…  Ngoại trừ có một lần nhân việc biến pháp của Vương Mãng (5-25scn) Đặng Nhượng mưu toan khởi binh ngăn chận các quan ải mưu sự cát cứ, với ý đồ tái hiện một Triệu Đà thứ hai. Nhưng rồi xét thấy thế lực chưa đủ đành thôi
Sử cũ ghi “Năm 9scn Thái Thú Tích Quang ở Giao Châu, Nhâm Diên làm Thái Thú Cửu Chân. Hai người này chính sự khoan hoà, dạy dân lễ nghĩa, cày cấy trồng trọt. Cuộc sống nhân dân có đỡ hơn về phần cực nhọc. Các sách sử cũ đều cho rằng bắt đầu từ hai vị thái thú này mà dân Giao Châu bắt đầu có văn minh (?)”
Cứ cho rằng không có Lang Liêu, không có An Tiêm, nhưng chắc chắn đã có lúa nếp để gói bánh dầy bánh chưng, có dưa hấu, cây cau, dây trầu, cục vôi để làm đỏ thắm những ân tình. Không có thì làm sao tạo ra truyền thuyết. Như vậy thì nền nông nghiệp đã phát triển đến một chừng mực nào đó. Những nông cụ, vật dụng lao động cả những binh khí bằng đồng, có niên đại trên 2500 năm đã chứng minh cho chúng thấy cái trò Tích Quang, Nhâm Diên dạy dân cày cấy là vô lý.
Xin trích đôi giòng trong “Thủy Kinh chú” của Lệ Đạo Nguyên (?-529) “Giao Chỉ xưa khi chưa có quận huyện đã có ruộng Lạc, ruộng ấy tùy nước triều mà lên xuống. Dân khẩn ăn ruộng ấy, nhân vậy gọi là Lạc dân, đặt ra Lạc vương, Lạc hầu làm chủ các quận huyện. Huyện phần nhiều do Lạc tướng làm. Lạc tướng có ấn đồng giải xanh”. Trong “Giao Châu ký” của Lưu Hân Kỳ được viết vào khoảng những năm 380-420 có đoạn như sau “ Phong tục Giao Châu thích đánh trống gảy đàn, những đứa mục đồng cưỡi trâu ở đồng lạch cũng hát nghêu ngao những bài ca xa xa, trẻ con nhóm lại dưới trăng, vỗ tay tạo nhịp rầm rộ để khiến cho bài ca hay…”. Nông nghiệp thì như thế, văn hóa như thế mà phải cần Nhâm Diên, Tích Quang dạy nữa ư? Thế thì Tích Quang, Nhâm Diên dạy dân Lạc Việt cày cấy, cưới gã hay học dân Lạc Việt cấy cày, gã cưới. Ấn đồng ấy từ đâu mà ra, có phải từ trong lòng đất nước mà có, cái ấn ấy tạo nên nên quyền uy và trách nhiệm, giải lụa xanh ấy được dệt từ những sợi tơ óng ả và những âm thanh của trống đồng đã vang xa khắp vùng Đông Á. Một cuộc sống mà nhân dân Lạc Việt đã đổ mồ hôi xây dựng, vắt óc tìm tòi. Vậy thì bọn quan lại xâm lược ấy dạy cái gì? Phải chăng sự “dạy dỗ” ấy là khởi đầu cho việc áp đặt một nền văn hóa nô dịch.
Nhà Hán sau khi thống nhất Trung Quốc thực sự không yên ã. Giết Anh Bố, Bành Việt, kềm chế Trường Sa, giết Hàn Tín, loạn Lã Hậu, phương Nam thì Triệu Đà cũng là một nỗi lo. Đến khi dứt được Nam Việt của Triệu Đà lại phải canh cánh mối nguy của Hung Nô ở Phương Bắc luôn luôn đè nặng. Tiếp theo là loạn Vương Mãng, đảng Xích My. Lưu Tú sau khi bình định xong thiên đô về Lạc Dương. Năm 34 Tô Định làm Thái Thú Giao Châu. Bộ mặt tàn ngược của quân xâm lược lộ ra khi cái mặt nạ văn hóa nô dịch của bọn quan lại thời Tây Hán rơi xuống. Hơn 140 năm, một thời gian quá dài để chờ đợi mà kết quả đã không tới, nhân dân Lạc Việt vẫn giữ vững bản lĩnh văn hóa của mình. Một chính sách bóc lột, đàn áp được bọn quan lại Đông Hán thực thi. Năm 39. Tô Định giết chết Thi Sách là Châu mục ở Châu Diên (nay là thuộc Vĩnh Yên), Lạc hầu Phạm Danh Hương (chồng của Bát Nạn) ở Duyên Hà, thân phụ của nữ tướng Lê Chân, Nguyễn Công Tính ở Gia Bình… để gọi là trấn áp một mầm mống “phản loạn” chống lại chính sách tàn ác.

TRƯNG NỮ VƯƠNG (40-43)
Năm 40. Trước cảnh nhân dân lầm than, chồng bị giết. Trưng Trắc (vợ Thi Sách) cùng em là Trưng Nhị  huy động nghĩa binh đánh đuổi Tô Định. Các châu quận Nam Hải, Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố cùng khởi binh hưởng ứng. Bát Nàn ở Tiên La (Thái Bình), Lê Chân ở Đông Triều (Hải Dương), Đô Dương ở Châu Diên. Bốn chị em Đạm Nương, Hồng Nương, Thanh Nương, An Bình Lý. Vợ chồng Cao Doãn, Nguyễn Đào Nương và Trương Quán Lê ở Gia Bình, Châu Bá ở Cửu Chân, Thiều Hoa ở Phú Thọ… Cả nước đứng lên dưới ngọn cờ Trưng Nữ Vương, khí thế lẫy lừng. Tô Định phải bỏ cả ấn chạy về Tàu, không mấy chốc hạ 56 thành trì trong toàn cõi Lĩnh Nam. Khôi phục lại toàn cõi Văn Lang. Rồi tự lập làm vua xưng là Trưng Nữ Vương đóng đô ở Mê Linh.
Đây không phải là lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc, câu ca dao: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương. Người trong một nước phải thương nhau cùng”, đã được thể hiện một cách trọn vẹn. Không thấy bóng dáng của một tên Lạc gian hay một tên phản bội nào. Triều đình nhà Hán rúng động. Một kế hoạch phản kích được chuẩn bị và chuẩn bị đến ba năm với những tướng lãnh kiệt hiệt Mã Viện, Đoàn Chí, Lưu Long với một lực lượng quân thủy bộ cực lớn.
Năm 41. Vua nhà Hán chuẩn bị tiến đánh Giao Châu. Cuối năm 42. Mã Viện sai quân bạt núi đắp đường đưa quân tiến về Lãng Bạc (Hà Tây). Trưng Nữ Vương lui quân về Cẩm Khê. Năm 43. Chính quyền non trẻ của Trưng Nữ Vương chưa đi vào ổn định lại phải làm chủ một đất nước mênh mông nên khi đối phó với binh lực thiện chiến của Mã Viện đã lộ ra cái thế yếu. Thấy khó lòng chống đỡ nên hai bà gieo mình xuống sông Hát Giang tự vẫn ngày 6 tháng 2. Đất nước độc lập được 3 năm. Hầu hết các tướng lãnh đều hy sinh hay tuẫn tiết. Đô Dương, Châu Bá kéo về Cửu Chân tiếp tục kháng chiến. Bát Nàn nhận ra thế cục không xong, trở về chùa Nam Liên ẩn thân, tu hành bắt đầu một một cuộc kháng chiến mới nhằm chống lại một nền văn hóa nô dịch.
Tiếp theo là một giai đoạn để lại nhiều điều không rõ ràng với hai  “nhân vật lịch sử” Thục Phán (257-207tcn) và Triệu Đà (207-111tcn) tiếp theo là thời kỳ chống văn hóa nô dịch nhà Tây Hán (111tcn-43scn). Tình hình nhà Tây Hán không êm ã, những cuộc đấu tranh nội bộ liên tục xãy ra. Chính sách của nhà Tây Hán ở phương Nam xem chừng không bạo liệt nhưng lại chứa đựng những nguy hiểm không lường. Nhân dân Lạc Việt vốn bản tính hiếu hòa, nếu như những định chế xã hội mang tính truyền thống không bị xâm phạm. Biết thế, bọn quan lại Tây Hán vẫn giữ nguyên quyền thế tập của các Lạc hầu, Lạc tướng, Bồ chính… để cho họ những quyền lợi nhất định và cho họ có quyền điều hành một số công việc. Đẩy mạnh bằng cách thuyết phục, chiêu dụ nhân dân Lạc Việt học chữ Hán và thực hiện một số nghi lễ tập tục theo nhà Hán như dạy cách dựng vợ gã chồng… điều chỉnh dần dần để nhân dân Lạc Việt dễ chấp nhận. Đặng Nhượng còn có mưu đồ tự lập nhân khi Vương Mãng cướp ngôi. Tích Quang, Nhâm Diên là hai nhân vật đi đầu trong việc áp đặt thứ văn hóa nô dịch này. Hầu hết các quan lại của nhà Hán cũng không quá đỗi tham lam. Nhưng tất cả đều chỉ khu trú trong một phạn vi thật nhỏ hẹp. Tuyệt đại bộ phận cư dân Lạc Việt vẫn giữ vững sự độc lập của mình. loại trừ ra khỏi chính sử sự mơ hồ của An Dương Vương Thục Phán. Xác định lại vai trò của nhà nước Nam Việt của Triệu Đà và khu trú sự chiếm đóng của bọn xâm lược Tây Hán trong các phủ trị của chúng. Thì có thể nhận ra trong ba thế kỷ ấy nhân dân Lạc Việt không cần biết nhà nước Nam Việt ấy làm gì? Chính quyền nhà Tây Hán cai trị và áp đặt một thứ văn hoá nô dịch ra sao? Nhân dân Lác Việt và nhà nước Văn Lang vẫn gìn giữ những định chế quan lại, xã hội và phong tục tập quán của mình, trầu vẫn ăn, răng vẫn nhuộm, mình vẫn vẽ, lúa vẫn xanh, trái dưa hấu vẫn đỏ lòng, bánh dày bánh chưng vẫn gói trong những dịp lễ lạc hay lúc xuân về. Các Lạc hầu, Lạc tướng, Bồ chính vẫn đời thế tập, vẫn làm công việc lãnh đạo nhân Lạc Việt trong mọi cồng việc của làng nước. Và tất nhiên ruộng Lạc vẫn được cấy cày theo con nước của hai mùa mưa nắng, theo nước lên xuống của sông Hồng, sông Mã, sông Cả, sông Chu. Và…
Trời mưa nước trắng sông Đoài
Cỏ đè lên lúa cá trôi lềnh bềnh
Do đó, cũng không thể chấp nhận lập luận cho là nhờ Tích Quang, Nhâm Diên, Triệu Đà mà nhân dân Văn Lang biết thêm lễ nghĩa thi thư. Nếu có chăng là lễ nghĩa thi thư đặc sệt kiểu Tàu đã ngấm vào máu tể tướng Lữ Gia, vốn là con dân Lạc Việt, làm cho ông có những hành vi quẩy đạp trong tuyệt vọng nhằm cứu vãn một triều đại đã đến lúc diệt vong để thể hiện lòng trung với giòng họ Triệu thay vì bình tỉnh tìm một kế sách thích hợp làm một cuộc kháng chiến tái lập một nhà nước Văn Lang mà nhân dân đang âm thầm gìn giữ và phát huy truyền thống của dân tộc.
Tại sao có cuộc khởi nghĩa của Trưng Nữ Vương? Trong mấy trăm năm nhân dân Lạc Việt dù sống trong một hoàn cảnh chính trị không bình thường, nền độc lập đã bị mất nhưng vẫn còn đó quyền tự chủ trong cuộc sống. Quan lại Tàu cũng không quá tham lam và tàn bạo. Nhưng khi Tô Định sang làm thái thú thì tình hình đã khác. Bộ mặt thật của bọn xâm lược lộ ra. Tàn ác, tham lam chính là bản chất của những tên ăn cướp, cái lễ nghĩa thi thư là một thứ mặt nạ bằng sáp đã bị cái nắng Lạc Việt nung chảy. Bộ mặt xấu xí ấy đã tác động mạnh mẽ lên ý thức độc lập, tự chủ đã âm ĩ từ lâu có cơ hội bùng phát. Hàng loạt những nhân vật có uy tín với nhân dân bị giết hại. Thế là cả nước vùng lên dưới ngọn cờ của Trưng Nữ Vương. Cả một giang sơn Văn Lang trở về với nhân dân Lạc Việt. Dù thời gian tồn tại có ba năm, nhưng tinh thần Lạc Việt đã được khẳng định. Mặc cho sự ve vãn Triệu Đà, ru ngủ của Tích Quang, Nhâm Diên.
Không có một chứng cứ mang tính sử liệu một cách chắc chắn nào nhưng chúng ta có thể hình dung ra một đôi điều về tình hình kinh tế văn hóa xã hội thời Hùng Vương.
Kinh Tế:
Nền kinh tế Lạc Việt là một nền kinh tế nông nghiệp. Ngoài cây lúa nước, nhân dân Lạc Việt đã biết thuần dưỡng và nâng cao phẩm chất một số cây trồng như nhãn, cam, quýt, vải thiều, dâu tằm, đay, dưa hấu, trầu, cau, … và khai thác các loại cây cỏ có sẵn trong những cánh đồng bạt ngàn, những cánh rừng mênh mông như tre, trúc, mây, nứa, tranh… để phục vụ cho cuộc sống.

THỜI KỲ KHÁNG CHIẾN
CHỐNG NÔ DỊCH ĐÔNG HÁN (43-554)

Nếu như các quan lại thời Tây Hán chỉ chú trọng về mặt văn hóa, có chính sự tương đối khoan hòa dạy dân lễ nghĩa thi thư, tìm cách xóa sổ ngôn ngữ và chữ viết của nhân dân Văn Lang thì thời kỳ sau Trưng Nữ Vương. Đông Hán, mà Mã Viện là tiêu biểu. Chúng tàn ác hơn, bạo liệt hơn sau khi chiếm Giao Châu, Mã Viện đã mở một cuộc tàn sát đẫm máu những toán nghĩa quân không khuất phục, bắt đày đi Linh Lăng hơn ba trăm đầu lĩnh. Cắt đặt bộ máy cai trị hoàn toàn mới. Triệt hạ toàn bộ những cơ cấu chính quyền hạ tầng cũng như những định chế xã hội đã tồn tại mấy ngàn năm. Mã Viện đã thay đổi tận gốc rễ, chấm dứt hoàn toàn những định chế xã hội, hệ thống quan lại thế tập được thiết lập từ thời Hùng Vương. Sau khi Trưng Nữ Vương mất, Mã Viện phải ở lại Giao Châu ba năm mới bình định và thiết lập xong bộ máy cai trị. Áp đặt văn hóa nô dịch bằng bạo lực. Cấm sử dụng chữ viết địa phương. Sử dụng Hán tự trong hệ thống quan lại. Loại bỏ hết các Lạc hầu, Lạc tướng, , Bồ chính Hào trưởng, Hào mục, quan lang… đã từ lâu thế tập. Mã Viện còn thu tất cả trống đồng, các đồ thờ tự và cả những sách vở mang về Tàu nhằm tiêu diệt văn hóa Giao Châu. Cho đắp thành Kiển Giang ở Phong Khê để trấn áp toàn cõi Giao Châu (thành này sau đó được tu sửa nhiều lần, đến nay vẫn còn tàn tích mà người ta gọi là di tích thành Cổ Loa). Mã Viện còn dựng hai cột đồng có khắc mấy chữ “Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt”.
Nhưng đến năm 46, khi Mã Viện về Tàu, Dân chúng lại lập đền, thờ phụng Trưng Nữ Vương ở xã Hát Giang, huyện Phúc Lộc, Sơn Tây, bãi Đồng Nhân gần Hà Nội, rồi cả ở Phiên Ngung. Hàng loạt các đền thờ các tướng lãnh hy sinh cũng được dựng lên. Cuộc kháng chiến chống văn hóa nô dịch lần hai vẫn tiếp tục và cường độ càng lúc càng mạnh mẽ hơn. Có một việc mà sử cũ ghi lại rất thú vị. Nhân dân Lạc Việt khi đi ngang qua cột đồng quăng vào chân cột một hòn đá nhỏ không phải vì sợ nó xiêu đổ mà nhằm vùi lấp một tàn tích nô dịch, chẳng bao lâu sau mất hẵn dấu tích.
Năm 84 Nhà Hán bắt dân chúng Nhật Nam cống nạp tê sống và trỉ trắng cùng các sản vật quý hiếm, số lượng mỗi năm mỗi cao.

CUỘC NỔI DẬY CỦA NHÂN DÂN
NHẬT NAM VÀ TƯỢNG LÂM
THÁNG 4-100
Tháng 4 năm 100 khởi nghĩa ở Nhật Nam và Tượng Lâm. Cuộc khởi nghĩa có lẽ rất mạnh mẽ và khốc liệt, nên những năm sau đó vua Hán phải làm động tác chiêu an như phát chẩn cho người đói, cho người nghèo vay tiền. Miễn thuế 2 năm cho Tượng Lâm
Từ đây cho đến năm 136 tình hình lắng dịu lại, một phần do chính quyền nhà Hán đã ổn định được việc nội trị và các quan lại địa phương không quá tàn ác bạo ngược.
KHỞI NGHĨA KHU LIÊN VÀ
CHU ĐẠT (137-160)
Năm 137 Khu Liên huy động binh lính hai quận Nhật Nam và Tượng Quận đánh phá khắp nơi. Thứ sử Phàn Diễn mang quân đến trấn áp, nhưng nghĩa quân lánh hết vào rừng. Lúc này thế lực nghĩa quân càng lúc càng mạnh hơn, đánh đốt quận ấp, truy giết bọn quan viên, trưởng lại người Hán và cả Phàn Diễn cũng vong mạng. Đến năm sau (138). Giả Xương lại mang quân đến bị nghĩa quân vây đánh hơn cả năm trời. Quân Giả Xương phần bị thương vong lại không được tiếp tế quân lương. Vua Hán phải cho Trương Kiều làm thứ sử Giao Châu, Chúc Lương đến làm thái thú Cửu Chân. Thương lượng với nghĩa quân và hứa sẽ thay đổi chính sự. Mọi việc tạm yên.
KHỞI NGHĨA CHU ĐẠT (158-160)
Năm 144. vua Hán mất. Nghĩa quân lại đánh phá Nhật Nam, vua Hán lại sai Hạ Phương đến thương lượng. Xong việc giao lại cho Lưu Tảo làm thái thú Giao Châu.
Năm 158 huyện lệnh Cư Phong tham lam tàn ngược. Chu Đạt tụ tập nghĩa quân giết chết huyện lệnh Cư Phong, tiến đánh Cửu Chân giết thái thú Nghê Thức. Vua Hán sai Nguỵ Lãng đưa quân tiến đánh Chu Đạt, giết hại cả ngàn nghĩa quân. Chu Đạt rút quân về Nhật Nam liên kết cùng nghĩa quân tại đó giải phóng toàn bộ Nhật Nam. Đến năm 160, cuộc khởi nghĩa lan rộng đến Cửu Chân. Tháng 11 vua Hán lại sai Hạ Phương sang làm Thứ sử Nhật Nam việc mới tạm yên.

KHỞI NGHĨA LƯƠNG LONG  (178-181)
Năm 178, Chu Ngung làm thứ sử Giao Châu, Ngung là người tàn ngược. Lương Long liên kết với tộc Ô Hử ở Quảng Tây tập hợp được mấy vạn nghĩa binh đánh phá các châu huyện, chiếm toàn cõi Giao Châu. Năm 181, Vua Hán sai Chu Tuấn tiến vào Giao châu giết được Lương Long. Nhưng đến năm 184, Dân Giao Châu lại khởi binh giết chết Chu Ngung. Vua Hán sai Giả Tông làm Thứ Sử mọi việc tạm yên.
Năm 187. Lúc này nhà Hán suy vi. Hán Hiến đế chỉ là hư vị. Giặc giả nổi lên khắp nơi. Tào Tháo lộng quyền. Lưu Bị chiếm Tây Thục (Tứ Xuyên). Tôn Quyền chiếm Đông Ngô. Vua Hán cử Lý Tiến là người Giao Châu thay Giả Tông.
LIÊN MINH HÁN VIỆT VÀ
CHÍNH QUYỀN SĨ NHIẾP (188-226)
Năm 188 lại cử Sĩ Nhiếp làm thái thú Giao Châu. Sĩ Nhiếp là người Hán nhưng định cư lâu đời ở Giao Châu, đến đời ông là đời thứ sáu. Khi nhận chức ông cử em là Sĩ Nhất làm Thái thú Hợp Phố, Sĩ Vĩ  làm Thái Thú Cửu Chân, Sĩ Vũ làm thái thú Nam Hải. Ý định thầm kín của Sĩ Nhiếp đã rõ. Muốn thể hiện vai trò của Triệu Đà. Sĩ Nhiếp là một người được học hành khá chính quy, tinh thông lễ nghĩa thi thư của Hán nho, nhưng cũng thừa hưởng đầy đủ văn hóa Lạc Việt vì đã 6 đời sống ở Giao Châu. Ông cũng đã từng chú giải “Tả Thị”, “Công Dương”, “Cốc Lương” trong “Tả Thị Xuân Thu” theo quan điểm riêng của mình. Quan điểm đó là quan điểm nào? Chắc không phải là quan điểm của Hán nho rồi, bởi vì như thế thì còn riêng làm sao được. Văn hóa Lạc Việt đã làm thành quan điểm riêng chăng? Tiếc rằng hậu thế không được biết gì về nội dung của quan điểm ấy.
Để củng cố thế lực. Sĩ Nhiếp chọn giải pháp tôn phù nhà Hán, xây dựng lực luợng, cưu mang những sĩ phu từ phương Bắc lánh nạn về Giao Châu đồng thời với việc thực hiện một chính sách hoàn toàn có lợi cho nhân dân Lạc Việt. Thế lực của Sĩ Nhiếp càng lúc càng lớn mạnh. Năm 210. Ngô Vương là Tôn Quyền sai Bộ Chất làm thứ sử Giao Châu. Thấy tình thế chưa vững mạnh. Sĩ Nhiếp dẫn anh em ra nghênh tiếp và cho con là Sĩ Nẫm làm con tin. Tôn Quyền cho Sĩ Nẫm làm Thái thú Vũ Xương
- Năm 220. Con Tào Tháo là Tào Phi dứt nhà Hán lập nhà Ngụy.
- Năm 221. Lưu Bị lên ngôi lập nhà Thục.
Năm 226 Sĩ Nhiếp mất. Ngô Tôn quyền lấy Hợp Phố thuộc vào Quảng Châu cho Lữ Đại làm thứ sử. Nam Hợp Phố thuộc Giao Châu cho Đái Lương làm thứ sử. Sai Trần Thì làm thái thú thay Sĩ Nhiếp, nhưng Sĩ Huy là con Sĩ Nhiếp đã tự lập mình làm thái thú đem binh ra chống cự, nhưng nội bộ bất hoà nên bị bọn Lữ Đại, Đái Lương giết cả.
Suốt thời gian Sĩ Nhiếp làm thái thú Giao Châu. Những cuộc khởi nghĩa vũ trang tạm lắng. Nhưng những cuộc đấu tranh về văn hóa và tư tưởng trở nên mạnh mẽ. Tiếng Việt còn đó, nhưng chữ Việt đang dần mai một. Nhân dân Lạc Việt đã sử dụng chữ Hán như là một vũ khí để giữ vững và phát triển nền văn hóa dân tộc, mà đi đầu là các tăng sĩ Phật Giáo. Trung quốc chia ba trong loạn lạc. Giao Châu trở thành một nơi an bình. Các sĩ phu nhà Hán chạy sang lánh nạn lên đến hàng trăm. Việc Sĩ Nhiếp giữ yên Giao Châu suốt 38 năm và bản thân ông không đặt quá nặng việc truyền bá một thứ văn hóa nô dịch lên nhân dân Lạc Việt mà chấp nhận cho các luồng văn hóa khác cùng tồn tại và phát triển, chủ yếu là văn hóa Lạc Việt và văn hóa Phật Giáo. Điều rất thú vị là trị sở của Giao Châu là Luy Lâu và cũng đã phát triển thành một trung tâm Phật Giáo lớn nhất ở Đông Á thời bấy giờ với hơn 500 tăng sĩ. Và Luy Lâu cũng trở thành một trung tâm giao lưu về văn hóa, kinh tế cho cả Giao Châu. Những đoàn người từ Ân Độ. Java, Srilanca, các nước ở bắc Ấn như Khương Cư (Turkestan)… Thật ra, Phật Giáo đến Lạc Việt rất sớm, có thể là trước Công Nguyên và nhanh chóng được nhân dân Lạc Việt chấp nhận vì nó phù hợp với tính cách hiền hòa và tự do. Trong cuộc chiến tranh vệ quốc của Hai Bà Trưng đã xuất hiện một ni sư tham gia kháng chiến, đó là Bát Nạn. Và ngôi chùa đầu tiên được sử sách biết đến là chùa Nam Liên ở Tiên La nơi Bát Nạn đã tu hành. Thiều Hoa tu hành ở chùa Phúc Khánh (Phú Thọ) từ năm19scn. Do đó, một cuộc đấu tranh trực diện đã nổ ra tại Luy Lâu giữa bọn Hán nho đầy những giáo điều và những người Phật tử luôn luôn tự tại bao dung, mà lúc này, Phật Giáo đã trở thành văn hóa ở Lạc Việt. Từ những cuộc tranh luận ấy tác phẩm Lý hoặc Luận của Mâu Tử ra đời. Tác phẩm này công kích nhưng không bài bác Nho giáo. Lý thú nhất khi Mâu Tử  đã sử dụng những lập luận của Nho gia để khẳng định “ Đất Hán chưa chắc là trung tâm của trời đất” và chỉ cho bọn Lưu Hy, Tiết Tôn, Đổng Phụng, Hứa Tĩnh… biết rằng “Thi thư chưa hẵn là lời thánh hiền“. Đặc biệt là Mâu Tử đả phá kịch liệt thứ Đạo Giáo huyễn hoặc mà Đổng Phụng mang tới. Thứ Đạo Giáo thoát khỏi tầm kiểm soát của Đạo Đức kinh. Kết quả của những cuộc tranh luận ấy là có rất nhiều người Hán, chủ yếu là quan lại, đã nhận ra vấn đề và đã thực hiện chính sự ôn hòa theo tinh thần của Phật Giáo như Sĩ Nhiếp, Đào Hoàng nhưng cũng làm nhiều tên điên tiết như cha con Tiết Tôn. Hứa Tĩnh
Tính tự chủ trong chính quyền của Sĩ Nhiếp khá cao, điều quan trong nhất mà Sĩ Nhiếp thực hiện trong những năm cầm quyền của mình. Sự xuất hiện của trung tâm Phật Giáo Luy Lâu với những tên tuổi sáng chói như Mâu Tử, Đạo Hinh, Thiền sư Khương Tăng Hội (?-280) là một nhà sư, cha ông là người Turkestan, mẹ ông là người Lạc Việt đã dịch Lục Độ Tập Kinh, Tạp Thí Dụ Kinh và Cựu Tạp Thí Dụ kinh… từ chữ Việt cổ sang chữ Hán. Nội dung của những bản kinh này chứa đựng khá nhiều những sinh hoạt, phong tục, tập quán và tín ngưỡng của nhân dân Lạc Việt.
 Sử ta đã từng nhiều lần tôn Sĩ Nhiếp là Nam Giao học tổ. Nhưng lại không cho biết là Sĩ Nhiếp cụ thể làm gì chỉ nói chung chung là dạy dân lễ nghĩa, thi thư. Qua sự kiện Luy Lâu trở thành một trung tâm Phật Giáo lớn ở Đông Á với 20 ngôi bảo sát (chùa), 15 bộ kinh được dịch ra và sự xuất hiện của Mâu Tử, Khương Tăng Hội, Đạo Hinh... và những tăng sĩ Ấn Độ mà một thái thú của nhà Hán như Sĩ Nhiếp (sau này là Đông Ngô), được đào tạo bài bản đã thi đỗ hiếu liêm, mậu tài, vẫn để yên là một điều khá thú vị. Ngoại trừ một khả năng ông ấy đã bị một “trung tâm của trời đất“ khác thuyết phục. Còn nếu không thì có phải tinh thần tam giáo đồng nguyên được khai sinh ở Giao Châu từ thời Sĩ Nhiếp chăng? Đúng vậy. Thế thì học hàm Nam Giao học tổ mà các nhà nho Đại Việt phong cho ông là không đúng. Nếu có đúng thì rất có thể ông ta chính là thủ phạm thủ tiêu chữ Việt(?) Không có một thông tin nào cho thấy ông dạy dỗ cho ai được chữ nào. Nhưng cũng chính ông tạo điều kiện cho Mâu Tử, Khương Tăng Hội và Đạo Hinh… lật mặt bọn hủ nho vong gia thất thổ mà còn lên mặt dạy đời.
Tóm lại Sĩ Nhiếp chỉ vì quyền lợi của chính bản thân ông và giòng họ ông. Nói theo ngôn ngữ hiện đại thì ông là một tay cơ hội chủ nghĩa bậc thầy.

TRIỆU TRINH NƯƠNG KHỞI NGHĨA.
Năm 248 Triệu thi Trinh cùng anh là Triệu Quốc Đạt phất cờ khởi nghĩa đánh phá Cửu Chân đánh đuổi Thứ Sử Giao Châu là Lục Dận. Khí thế rất dũng mãnh nên bà được tôn làm Nhụy Kiều tướng quân. Giặc Tàu thua nhiều trận liển xiểng đến độ phải kêu lên.
“Hoàng qua anh hổ dị. Đối diện Bà Vương nan”
Múa giáo bắt cọp dễ. Đương đầu với Vua Bà thì khó”
Khi bà 19 tuổi, có người đề cập đến việc chồng con Triệu thị Trinh đã trả lời ”Tôi chỉ muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở biển Đông, đánh đuổi quân Ngô, cỡi ách nô lệ, há chịu cúi đấu làm tì thiếp cho người ta u?”
Và hình ảnh thao luyện quân sĩ và voi chiến của bà đã làm cho nhân dân vô cùng ngưỡng mộ:
Ru con con ngủ cho lành
Mẹ đi gánh nước rửa bành ông voi
Muốn coi lên núi mà coi
Coi bà Triệu tướng cưỡi voi đánh cồng
Nhưng vì thế cô sức yếu nên bà tự tận ở xã Bồ Điền (nay là Phú Điền Thanh Hóa). Lúc ấy bà mới 23 tuổi.
Từ năm 263 đến năm 541. Tình hình Trung Quốc vô cùng rối ren. Nhà Tấn phá vở thế Tam Quốc thống nhất Trung quốc vào năm 265. Nhưng rồi không bao lâu nhà Tấn cũng tiêu vong, Trung Quốc lại chia năm xẻ bảy với cái loạn Nam Bắc Triều.
Niên biểu các triều đại ở Trung Quốc tác động đến Giao Châu:
Đông Ngô 229. Đông Tấn 265. Tây Tấn 317. Tống 420. Tề 479. Lương 502.
Bọn quan lại của các thế lực cát cứ vẫn nắm chặc lấy Giao Châu. Chúng giành giật, đánh đấm nhau liên miên làm nhân dân vô cùng khốn khổ. Đã thế chúng còn vơ vét tài nguyên, bắt thợ thuyền đưa về phương Bắc.
Năm 311 Triệu Chỉ chiêu mộ nghĩa binh mưu đồ độc lập nhưng không thành công. Đến năm 353. nước Lâm Ấp bắt đầu đánh phá Giao Châu. Cuộc chiến cứ khi đánh khi hoà mãi cho đến năm 436 mới tạm yên.
THỜI KỲ GIÀNH QUYỀN TỰ CHỦ (468-516)
Năm 468. Nhân thứ sử Lưu Mục chết. Lý Trường Nhân người Giao Châu) đưa nghĩa binh giết hết quan lại nhà Tống tự xưng là thứ sử. Đến năm 479. Lý Trướng Nhân mất. Vua Tống cho Trần Hoán sang thay. Lý Thúc Hiến là em chú bác với Lý Trường Nhân đưa quân trấn giữ các nơi hiểm yếu. Trần Hoán về Uất Lâm rồi chết. Năm ấy nhà Tống bị Tề diệt đến 845 vua Tề sai Lưu Khải đưa quân sang hỏi tội Lý Thúc Hiến vì không cống nạp.
Năm 490. Phục Đăng Chi (người Giao Châu) bức chết thứ sử Phòng Pháp Thừa rồi lên làm thứ sử. Năm 502 Tề bị Lương diệt. Vua Lương sai Lý Nguyên Khải thay Phục Đăng Chi đến năm 505 Phục Đăng Chi xui Lý Nguyên Khải dấy quân tạo phản. Năm 505 Vua Tề sai Lý Tắc mang quân sang đánh, giết Phục Đăng Chi.
Năm 516 Nguyễn Tông Hiếu khởi binh chiếm Giao Châu nhưng chẳng bao lâu lại bị giết.
Trong vòng 48 năm có ba cuộc giành quyền chính sự và một cuộc khởi nghĩa. Điều này chứng tỏ nhân dân Lạc Việt không phải dễ dàng khuất phục dù con đường từ trong quá khứ và cả trong tương lai còn đầy những gian nan.

NHÀ NƯỚC VẠN XUÂN 541-602

A. Lý Nam Đế (541-547)
Năm 541. Thứ sử Giao Châu là Tiêu Tư là một tay tham lam, tàn ngược. Vua vốn là một hào trưởng giỏi võ nghệ lắm mưu lược, lại được sự giúp sức của Tinh Thiều, Phạm Tu cùng vua mưu việc dấy binh, liên kết với Triệu Túc, Triệu Quang Phục là tù trưởng Chu Diên. Tiêu Tư biết việc, nhắm không chống cự nổi nên trốn về Quảng Châu. Vua chiếm lấy Long Biên. Năm 542. Bọn Thứ Sử Việt Châu là Trần Hầu, La Châu là Ninh Cự, An Châu là Lý Trí, Ái Châu là Nguyễn Hán do vua Lương phái sang bị Lý Nam Đế đánh tan tác phải bỏ chạy về Bắc. Thanh thế nước Vạn Xuân càng lúc càng vững mạnh. Năm 543. Lâm Ấp xâm phạm Nhật Nam. Vua sai Phạm Tu đánh tan quân Lâm Ấp ở Cửu Đức. Vua Lương lại sai Tôn Quýnh, Lư Tử Hùng mang quân sang một lần nữa và bị đánh tan tác phải chạy về Quảng Châu, lại bị vua Lương khép vào tội chết.
Năm 544 Tháng giêng, vua lên ngôi xưng là Nam Việt Đế (Sử thường gọi là Lý Nam Đế), đặt niên hiệu Thiên Đức, lập trăm quan, đặt quốc hiệu là Vạn Xuân, đóng đô ở Long Biên (Hà Nội) xây điện Vạn Thọ. Dựng chùa Khai Quốc. Lấy Triệu Túc là Thái Phó, Tinh Thiều đứng đầu quan văn, Phạm Tu, Triệu Quang Phục đứng đầu tướng võ. Vua cho đúc tiền để lưu hành trong dân. Có lẽ đây là đồng tiền đầu tiên của nước ta. Lý Nam Đế còn phong Lý Phục Man làm tướng quân có trách nhiệm canh phòng biên giới.
Năm 545. Vua Lương sai Dương Thiều làm thứ sử Giao Châu, Trần Bá Tiên làm tư mã hợp quân với thứ sử Định Châu là Tiêu Bộ sang xâm phạm. Dù nội bộ quân xâm lược có lấn cấn, nhưng chúng vẫn tiến quân. Vua bị thua ở Chu Diên, lại thua ở cửa sông Tô Lịch. Vua phải lui quân về Gia Ninh (Vĩnh Phú ngày nay)
Năm 546 Quân Lương truy đuổi, vua lui quân về đông Khuất Lạo chỉnh đốn quân lương. Tháng 8 vua đem hai vạn quân ra đóng ở hồ Điển Triệt chuẩn bị đối địch. Bá Tiên lại tấn công, vua thiếu phòng bị nên phải rút về Khuất Lạo và giao toàn bộ binh quyền cho đại tướng Triệu Quang Phục.

B. VIỆT VƯƠNG TRIỆU QUANG PHỤC (548-570)

Năm 547. Triệu Quang Phục tiếp tục chiến đấu, nhưng quân của Trần Bá Tiên đông và tinh nhuệ. Triệu Quang Phục lui về đầm Dạ Trạch đóng quân. Đây là một vùng đất hiểm, um tùm lau sậy, bốn bề là bùn lầy, ở giữa có một gò cao có thể đóng cả hai vạn quân.. Ban ngày giấu kín tông tích, ban đềm dùng thuyền nhỏ đánh phá doanh trại của Trần Bá Tiên, giết và bắt sống rất nhiều quân giặc và thu lấy lương thực, khí giới làm kế lâu dài. Trần Bá Tiên bị hút theo lối đánh này hao binh, tổn tướng không bao nhiêu mà kể. Dân chúng gọi Triệu Quang Phục là Dạ Trạch Vương.
Năm 548. tháng 3 Lý Nam Đế mất ở Khuất Lạo. Năm 550 Nhà Lương gặp loạn Hầu Cảnh. Vua Lương cho triệu Trần Bá Tiên về. Giao cho tỳ tướng là Dương Sàn đánh nhau với vua. Dạ Trạch Vương tung quân ra đánh, giết được Dương Sàn, quân Lương tan vỡ chạy về Bắc. Vua về lại kinh đô Long Biên, thiết lập triều chính. Nguyên vua Lý Nam Đế có người anh là Lý Thiên Bảo. Lúc Lý Nam Đế tránh ở Khuất Lạo, Thiên Bảo cùng tỳ tướng là Lý Phật Tử đem ba vạn quân vào Cửu Chân. Bị Trần Bá Tiên truy đuổi lại chạy sang Ai Lao, ở tại động Dã Năng đầu nguồn sông Đào Giang rồi đắp thành để ở rối lấy tên đất ấy mà đặt quốc hiệu, xưng là Đào Lang Vương.
Năm 555. Đào Lang Vương mất ở Dã Năng, quân chúng tôn Lý Phật Tử nối ngôi.
Năm 557 Lúc này nhà Trần cướp ngôi nhà Lương. Lý Phật Tử mang quân đánh nhau với vua ở Thái Bình nhiều lần không phân thắng bại nên giảng hoà. Triệu Việt Vương nghĩ tình Lý Nam Đế không nỡ cự tuyệt nên chia địa giới để cả hai cùng làm vua. Lý Phật Tử đời về thành Ô Diên ( nay là xã Hạ Mỗ, huyện Từ Liêm, Hà Nội). Sau cả hai kết thông gia con trai của Lý Phật Tử là Nhã Lang lấy Cảo Nương con gái Triệu Việt Vương. Năm 570. Nhân lúc Triệu Việt Vương không phòng bị. Lý Phật Tử đưa quân đánh úp chiếm lấy nước. 
       
C. HẬU LÝ NAM ĐẾ (571-602)
Năm 571 Triệu Việt Vương không ngờ mình bị phản đến đỗi bại vong, nên chạy đến cửa Đại Nha (nay thuộc huyện Nghĩa Hưng) nhảy xuống biển tự vẫn. Hiện nay vẫn còn đền thờ
Năm 580 Nhà sư Ấn Độ Tì Ni Đa Lưu Chi từ Quảng Châu sang Giao Châu truyền Phật Pháp cho nhà sư Pháp Hiền ở chùa Pháp Vân, Chu Diên ( Bắc Ninh)
Năm 589 . Nhà Tùy khởi nghiệp
Năm 602. Lúc này nhà Tùy đã thống nhất Trung Quốc. Vua Tùy sai Lưu Phương đem quan sang Giao Châu. Lý Phật Tử chưa đánh đã hàng bị đưa về Trung quốc rồi chết ở đấy.
Năm 603. Lưu Phương bắt các tướng của Lý Phật Tử và đem giết hết. Năm 605. Lưu Phương lại mang quân đánh Lâm Ấp. Vua Lâm Ấp là Phạm Chí không chống cự nổi, bỏ chạy ra biển, Lưu Phương giết người vô số tàn phá kinh đô Lâm Ấp lấy 18 vị thần chủ rồi rút quân. Nhưng gặp bệnh dịch quân sĩ chết quá nửa. Lưu Phương cũng chết.

Kể từ sau Trưng Nữ Vương, Lý Nam Đế là một cuộc khởi nghĩa quy mô nhất, tập hợp lực trong cả nước. Khi thành công đã thiết lập định chế nhà nước độc lập trên mọi phương diện, lập thủ đô, đặt niên hiệu, cho đúc tiền. Xác định tư tưởng Phật Giáo là tư tưởng chủ đạo cho dân tộc bằng cách dựng chùa Khai Quốc, điều này có nghĩa là khai tử gần như toàn bộ thứ văn hóa nô dịc bị áp đặt hơn 5 thế kỷ. Nhưng tiếc rằng, các hậu duệ của Lý Nam Đế tính khí còn nhỏ nhen, chưa xứng tầm của bậc quân vương, đặt quyền lợi cá nhân lên trên quyền lợi đất nước, gây chia rẻ trong chính quyền và tạo nên cái chết oan khuất của Triệu Quang Phục. Để rồi khi giặc đến lại vội vã đầu hàng, đẩy dân tộc vào vòng nô lệ.
Mã Viện tưởng rằng những hành vi bạo liệt và tàn khốc của mình sẽ làm cho nền văn hóa Lạc Việt bị triệt tiêu, bẻ gãy ý chí chiến đấu của dân tộc ta. Nhưng thực sự thì trái lại. Những cây cột đồng, biểu tượng của thế lực xâm lược, của nền văn hóa nô dịch đã nhanh chóng bị vùi lấp. Bọn quan lại cứ điên cuồng giết chóc, thả sức vơ vét… Những cuộc nổi dậy liên tục chống phá những âm mưu đen tối của bọn xâm lược Đông Hán. Cuộc khởi nghĩa của Lý Nam Đế là một cuộc khởi nghĩa có quy mô hoàn chỉnh nhất đã thành lập nhà nước Vạn Xuân. Những dịnh chế quan lại và xã hội được thiết lập cho phù hợp với đương đại. Dựng chùa Khai Quốc, ngôi chùa mang cấp nhà nước đầu tiên trong lịch sử, đánh dấu cho niềm tin mở nước từ đây. Song song với các cuộc kháng chiến vũ trang, nhân dân Lạc Việt có cách tồn tại và phát triển của mình để tự nâng tầm. Trong điều kiện lúc bấy giờ, để chống lại nền văn hóa nô dịch Hán nho, nhân dân Lạc Việt đã chọn tư tưởng đại hùng, đại lực đại từ bi của Phật giáo làm đối trọng và đã thành công rực rỡ khi chứng minh cho bọn xâm lược thấy rằng “Đất Hán chưa hẵn là trung tâm của trời đất” “ Lễ nghĩa thi thư chưa hẵn là lời của thánh hiền“ Một chính quyền Việt Hán đã tồn tại suốt 40 năm và tạo thành một khái niệm rất hòa bình. Tam giáo đồng nguyên. Phải trung hoà trong sự cộng sinh giữa thiên nhiên và vạn vật (trong đó có con người), để làm cho cái “chấp hữu” cứng ngắc của nho gia trở nên thông thoáng và chuyển hóa cái “nhược vô” của Lão Trang thêm màu sắc. Từ đó, mặc cho sự ngoan cố của quân xâm lược, nhân dân Lạc Việt từng thế hệ mạnh lên về lực, hòa nhuận về tâm, vững chắc về thần. Trên thực tế, các tên gọi châu, quận là do vua quan của bọn xâm lược đặt, hầu hết các thứ sử, thái thú và một nhúm quân là người của chúng, chỉ khi nào cần trấn áp thì chúng mới huy động binh lính từ chính quốc sang. Dù những định chế quan lại, xã hội đã bị Mã Viện triệt tiêu, nhưng thực sự điều hành công việc ở cấp cơ sở hoặc cao hơn thì vẫn là người Lạc Việt, hoặc nguời Hán đã cư trú nhiều đời trên đất Việt. Đã xuất hiện nhiều thái thú, thứ sử như thế trong hệ thống cai trị của bọn xâm lược. Sĩ Nhiếp, Đỗ Viện, Đỗ Tuệ Độ mà tổ tiên đã nhiều đời ở Lạc Việt, Lý Trường Hưng, Lý Thúc Hiến, Phục Đăng Chi là những con dân Lạc Việt. Cũng có một số quan lại bị văn hóa Lạc Việt thuyết phục như Đào Hoàng, Đào Khản, Tông Xác, Lưu Phương… Do đó, cơ hội để xây dựng và bảo tồn, phát triển văn hóa Lạc Việt là rất lớn. Ngoài ra, thái độ tham lam tàn bạo của bọn quan lại ấy cũng như những cuộc đấu đá tranh giành quyền lực giữa bọn chúng cũng là một cơ hội tốt để cho quân dân Lạc Việt lượng định sức lực của mình.

THỜI KỲ KHÁNG CHIẾN CHỐNG
VĂN HÓA NÔ DỊCH TÙY ĐƯỜNG (603-907)

Cũng trong năm 603 ở Trung Quốc, Tùy Văn Đế Dương Kiên mất. Tùy Dạng đế Dương Quảng nối ngôi. Một ông vua hùng tài thao lược, đầy tính nghệ sĩ, nhưng cũng có thể coi quái đản nhất trong các ông vua Trung Quốc. Ông cho đào Kinh Vận Hà dài hàng ngàn cây số nối Thiên Tân với Hàng Châu, một công trình có quy mô chỉ sau Vạn Lý Trường Thành, mục đích chỉ là để đi chơi, nhưng lại tạo nên một kết quả thật bất ngờ, cộng thêm là việc đánh Triều Tiên và điều này đẩy Trung Quốc vào cảnh khánh kiệt, rối ren. Loạn lạc khắp nơi. Quan lại mạnh ai nấy đánh nhau giành ảnh hưởng và triều đại nhà Tùy nhanh chóng sụp đổ sau 26 năm tồn tại.
Năm 617. Tuỳ Dạng đế bị Vũ văn Thành Đô xiết cỗ chết sau khi cho uống thuốc độc. Năm 618 Lý Uyên lại bắt vị vua 13 tuổi, mới lên ngôi ở Tràng An thoái vị nhường ngôi và lập ra nhà Đường. Thái thú Giao Châu là Khâu Hòa hàng nhà Đường
Năm 622. Nhà Đường đổi Giao Châu làm An Nam Đô Hộ phủ
Năm 628 Đường Lý Thế Dân sai Lư Tổ Thượng làm đô đốc Giao Châu thay Lý Thọ mắc tội tham ô. Thượng không đi, khuyên dụ mãi không được, Đường Thế Dân chém Thượng rồi sai Lý Đạo Hưng làm đô đốc Giao Châu.
Năm 629. Trần Huyền Trang đi thỉnh kinh
Năm 635. Lý Đạo Hưng chết.
Năm 645. Trần Huyền Trang đi thỉnh kinh về
Năm 679. Cao Tông Lý Trị chia Giao Châu ra là 12 châu và đặt An Nam Đô Hộ Phủ:
1. Giao Châu 8 huyện: Tống Bình (Hà Nội), Nam Định, Thái Bình, Giao Chỉ, Chu Diên (Bắc Ninh), Long Biên (Hà Nội), Bình Đạo, Vũ Bình (vùng Hà Nội, Nam Định, Lạng Sơn… ngày nay)
2. Lục Châu 3 huyện; Ô Lôi, Thanh Hoa, Ninh Hải ( Quảng Yên, Lạng Sơn ngày nay)
3. Phúc Lộc châu có 3 huyện: Nhu Viễn, Đường Lâm (Sơn Tây)
4. Phong Châu có 5 huyện: Gia Ninh, Thừa Hóa, Tân Xương, Cao Sơn, Chu Lục (Sơn Tây, Hưng Hóa)
5. Thang Châu có 3 huyện: Thang Tuyền, Lục Thủy, La Thiều
6. Trường Châu có 4 huyện: Văn Dương, Đồng Sái, Trường Sơ, Tư Thường 
7. Chi Châu có 7 huyện: Hân Thành, Phú Châu, Bình Tây, Lạc Quang, Lạc Diệm, Đa Văn, Tư Long
8. Vũ Nga có 7 huyện: Vũ Nga, Như Mã, Vũ Nghĩa, Vũ Dị, Vũ Duyên, Vũ Lao, Lương Sơn. (Thái Nguyên)
9. Vũ An có 2 huyện: Vũ An, Lâm Giang
10. Ái Châu có 6 huyện: Cửu Chân, An Thuận, Sùng Ninh, Quân Ninh, Nhật Nam, Trường Lâm ( Thanh Hóa)
11. Hoan Châu có 4 huyện: Cửu Đức, Phố Dương, Việt Thường, Hoài Hoan (một phần Nghệ An, Hà Tĩnh))
12. Diễn Châu có 7 huyện Trung Nghĩa, Long Trì, Tư Nông, Vũ Lang, Vũ Dung, Vũ Kim (một phần Nghệ An):
Đó là mười hai châu do quan lại nhà Đường trực tiếp cai trị và đặt ra số lượng cùng chủng loại sản vật để nộp thuế. Ngoài ra còn một số châu mang tính ràng buộc gồm hơn 40 châu cho thủ lĩnh là người địa phương làm thứ sử hay đô đốc cho thế tập. Có thể kể các châu, Lâm Châu (Bình Định, Phú Yên) Đức Hóa, Lang Mang, Long Vũ, Quy Hóa, Châu Lang, Châu Lục, Tân An, Châu Long… nay có thể là vùng Hưng Hóa, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Cao Bằng, Sơn La ngày nay
Năm 685. Thẩm Thuyên Kỳ sang An Nam đến Chùa Tỉnh Cư ở Cửu Chân thăm Vô Ngại Thượng Nhân là một nhà sư nổi tiếng đạo cao đức trọng người Lạc Việt.
Năm 687. Đô hộ Lưu Diên Hựu tham lam, tàn ngược. Thu thuế quá mức không ai chịu nổi. Lý Tự Tiên và Đinh Kiến tập hợp quân khởi nghĩa bao vây Đô hộ phủ. Diên Hựu giết được Tự Tiên nhưng cũng bị Đinh Kiến giết chết. Nhưng sau đó Kiến lại bị Tào Trực Tĩnh giết chết.

KHỞI NGHĨA MAI THÚC LOAN (722)
Năm 722. Mai Thúc Loan là người huyện Can Lộc (Hà Tĩnh ngày nay) chiêu tập 30 vạn nghĩa quân đánh chiếm phủ đô hộ dưới sự hưởng ứng của các châu quận và liên kết cả với Lâm Ấp, Chân Lạp. Dân chúng tôn xưng là Mai Hắc Đế. Nhà Đường sai Dương Tư Húc và Quang Sở Khách chiêu mộ được 10 vạn quân, đưa sang đàn áp. Mai Hắc Đế không chống cự nổi, phải thua chạy, được ít lâu sau thì mất. Dân chúng nhớ ơn lập đền thờ ở núi Vệ ở Nam Đường (Nghệ An).
Năm 758 Vua Đường lại đổi An Nam thànhTrấn Nam đô hộ phủ.

KHỞI NGHĨA ĐÀO TỀ LƯỢNG (766)
Năm 766. Đào Tề Lượng chiêu tập nghĩa binh đánh phá khắp nơi. Thanh thế rất lớn. Quân nhà Đường lắm phen khốn đốn. Vua Đường phải nhờ mẹ Đào Tề Lượng dụ hàng, nhưng Đào Tề Lượng không nghe. Nên mẹ Đào Tề Lương từ con. Lại đem vàng bạc chu cấp và buộc quan sai phải thường xuyên thăm hỏi
Năm 767 Người Côn Lôn (?), Chà Bà (Java) đến cướp phá châu phủ. Trương Bá Nghi và Cao Chính Bình đánh dẹp được rồi cho xây La Thành.
Năm 768 lại đổi Giao Châu thành An Nam đô hộ phủ.

BỐ CÁI ĐẠI VƯƠNG (784-791)
Năm 784. Giao Châu lúc này loạn lạc khắp nơi. Phùng Hưng vốn là một hào phú ở Đường Lâm (Ba Vì, Hà Tây ngày nay) cùng em là Phùng Hải triệu tập nghĩa quân phất cờ khởi nghĩa, đánh nhau với Cao Chính Bình nhiều năm bất phân thắng bại.
Năm 791. Tháng 4, theo kế của Đỗ Anh Hàn. Phùng Hưng, Phùng Hải, Bồ Phá Lặc đem quân vây đánh châu phủ, lại được Đỗ Luân đem quân hội chiến. Cao Chính Bình lo sợ quá nên phát bệnh mà chết. Phùng Hưng chiếm lấy La Thành. Chưa được bao lâu thì chết. Con là Phùng An tôn xưng làm Bố Cái Đại Vương, lập đền thờ ở Thịnh Quang (nay là quận Đống Đa Hà Nội)
Tháng 7 năm 802 Triệu Xương sang làm Đô hộ cho người chiêu dụ Phùng An ra hàng.

KHỞI NGHĨA DƯƠNG THANH (819-828)
Tổ tiên Dương Thanh đời đời là hào trưởng, ông vốn là hậu duệ của thứ sử Hoan Châu (vào khoảng năm 713-742) có uy tín và đức độ lớn làm cho quan tướng nhà Đường phải kiêng nể. Để thu phục lòng người, năm 819, đô hộ Lý Tượng Cổ mời Dương Thanh làm nha tướng. Vốn bản chất tham lam bạo ngược, Lý Tượng Cổ thả sức vơ vét tàn hại nhân dân Lạc Việt. Lại sai đem quan đánh Hoàng Động. Dương Thanh cùng con là Dương Chí Liệt khởi binh giết chết Lý Tượng Cổ. Vua Đường sai Quế Trọng Vũ đưa quân sang đánh, nhưng bị Dương Thanh đánh bại, phải rút quân về. Dương Thanh xua quân đánh cướp phủ thành. Vua Đường lại sai Bùi Hành Lập mang quân sang rồi cũng phải rút quân về rồi chết. Đến năm 823 lại sai Nghiêm Công Tố làm kinh lược sứ, Thôi Kết làm phó. Dương Thanh liên kết với họ Hoàng ở phía nam Quảng Châu đánh đuổi Nghiêm Công Tố. Lại sai Lý Nguyên Gia sang làm đô hộ An Nam. Nguyên Gia sai người dụ hàng, nhưng Dương Thanh vẫn cương quyết không đến mà còn liên kết với nước Hoàn Vương (Chiêm Thành) thanh thế càng lúc càng lớn mạnh. Năm 824 Lý Nguyên Gia phải cho đắp phủ thành ở nơi khác, nhưng đắp mãi không xong. Sử cũ không cho một thông tin nào về số phận của cha con Dương Thanh. Thế là cuộc khởi nghĩa của cha con Dương Thanh, Dương Chí Liệt lại chìm trong im lặng mà không ai biết số phận ra sao.
Năm 820. Nhà sư Vô Ngôn Thông đến Giao Châu truyền tâm pháp cho sư Cẩm Thành ở chùa Kiến Sơ. Năm 828 Đô hộ Hàn Ước đánh đuổi Vương Thăng Triều, nhưng lại bi Dương Thanh đánh đuổi về Quảng Châu. Năm 841 Vũ Hồn thay Hàn Ước làm Kinh lược sứ. Năm 843. Tướng sĩ nổi loạn đốt thành. Vũ Hồn chạy về Quảng Châu. Đoàn Sĩ Tắc vỗ yên.
Từ năm 846 đến khi nhà Đường diệt vong năm 907. Tình hình ở An Nam không yên tĩnh. Trong những ngày tháng dãy chết. Binh tướng nhà Đường ở An Nam luôn luôn phải đối phó với những cuộc nỗi loạn của dân An Nam, sư quấy nhiễu của Nam Chiếu, của Hoàn Vương (Chiêm Thành) và của cả sự tranh giành quyền với nhau. 
Năm 880. Hào trưởng Khúc Hạo khởi binh, tiết độ sứ Tăng Cổn bỏ chạy khỏi La Thành, các đội quân khác cũng tháo chạy khỏi Giao Châu.
Năm 907. Chu Toàn Trung cướp ngôi nhà Đường lập nhà Hậu Lương. Trung quốc lại bước vào thời Ngũ Đại tương tự như thời Nam Bắc Triều.

Những gì sử cũ còn để lại đã làm cho hậu thế phân vân và tạo nên một nỗi ngậm ngùi. Trong giai đoạn khốc liệt nhất, biết bao xương máu của cha ông đổ xuống để làm nên một đất nước hôm nay. Người xưa viết sử theo lời truyền lại của nhân dân, vốn đã không chính xác về niên đại, sử dụng tư liệu của quân xâm lược, lại càng không chính xác vì không thể hiện đúng thực chất của sự kiện, cộng thêm quan điểm của nho gia đầy khinh xuất của những nhà sử học tiền bối. Triệu thị Trinh trở thành ”Triệu Ẩu vú dài ba thước” với ý nghĩ miệt thị. Cuộc khởi nghĩa năm 100-101, 160, 168, 184, thì chìm trong quên lãng. Cuộc khởi nghĩa của Khu Liên (134) thì ghi chép không rõ ràng. Chu Đạt (158-160) Lương Long (181), Triệu Chỉ (301), Lương Thạc (318-323), Lý Trường Nhân (468-479), Lý Thúc Hiến (479-485), Phục Đăng Chi (490-505) trở thành những người tranh giành quyền lực. Nguyễn Tông Hiếu (516) Lý Tự Tiên, Đinh Kiến (687) Mai Thúc Loan (722), Đào Tề Lượng (767) Phùng Hưng, Phùng Hải, Đỗ Luân, Đỗ Anh Hàn (784-791), Dương Thanh (819-828), Đỗ Tồn Thành (858), Đỗ Thủ Trừng, Đỗ Thủ Đăng (861) trở thành quân phản loạn, man đi. Và những quân tướng của quân xâm lược như lại được tôn xưng. Đành vậy, nhưng dù sao cũng để lại cho hậu thế những tín hiệu, dù đáng buồn. Rồi khi lần theo dấu cũ đã nhạt nhòa theo bụi thời gian, hậu thế sẽ bình tĩnh hơn và sẽ nhận ra những hình ảnh đáng trân trọng của ông cha mình đã giữ gìn tôn tạo nơi mình đang sống.
Ba trăm năm cuối cùng của giai đoạn đáng buồn này, dưới áp lực của nhà Đường, nhân dân Đại Việt phải luôn luôn đối diện với rất nhiều khó khăn. Chính sách của nhà Đường đối với Giao Châu khắc nghiệt hơn. Văn minh Trung Quốc rực rỡ hơn tất cả các thời trước nhưng lại tỷ lệ thuận với sự bạo liệt, hung tàn. Đường Thái Tôn luôn luôn ấp ủ và luôn luôn hành động, mở ra hàng loạt những cuộc chiến tranh xâm lược. Đặt ra bốn phủ thành đô hộ An Bắc (Nội Ngoại Mông hiện nay), An Nam (Giao Châu, Nam Chiếu), An Đông (Triều Tiên hiện nay), An Tây (Tây Tạng, Tân Cương hiện nay) để khẳng định Trung Quốc là trung tâm của văn minh nhân loại. Khái niệm đó vẫn còn rơi rớt lại đến hôm nay. Những bộ kinh Phật do Trần Huyền Trang mang về không làm dịu đi bản chất hung tàn của bọn thứ sử, thái thú, tiết độ sứ đến An Nam. Nhưng điều đó không có nghĩa là nhân dân Lạc Việt bị khuất phục. Những cuộc khởi nghĩa vũ trang ít đi và nhỏ hơn về quy mô. Nhưng trong giòng chảy của dân tộc, những đợt sóng ngầm càng lúc càng mạnh hơn. Bản lĩnh văn hóa dân tộc được gầy dựng từ thuở ban đầu vẫn được giữ gìn và tôn tạo, với sự chắt lọc mang tính lựa chọn rất cao, trong quá trình gian nan ấy khi tiếp xúc với các nền văn minh Ấn Độ, chủ yếu là Phật Giáo, và Trung quốc với mọi lĩnh vực, đã gia thêm sức mạnh và bản lĩnh. Cuộc khởi nghĩa mang tính toàn quốc của Mai Hắc Đế (722) và Phùng Hưng (784-791) nhanh chóng bị tàn lụi. Các cuộc nổi dậy ở các địa phương thì gần như liên tục, dù đã chìm trong biển máu và lãng quên. Trên mặt trận văn hóa thì một phong trào Phật Giáo yêu nước âm thầm mà khẩn trương xây dựng, nhưng lại không được quan tâm. Năm 580 thiền sư Tì Ni Đa Lưu Chi đến chùa Pháp Vân (Chùa Dâu) của thiền sư Quán Duyên nhận thiền Sư Pháp Hiền làm đệ tử, năm 594 sau khi thiền sư  Tì Ni Đa Lưu Chi thị tịch. Thiền Sư Pháp Hiền khai sơn thiền phái Nam Phương tôn thầy mình làm tổ sư. Trong những năm 785-805. Thiền sư Nguyễn Định Không (?-808) đặt viên gạch đầu tiên cho kế hoạch tạo dựng một nhà nước hoàn toàn độc lập cho nhân dân Đại Việt. Các thiền sư Thông Thiện, La Quý An (?-936) đã nối tiếp kế hoạch này cho đến ngày thiền sư Vạn Hạnh xuất hiện. Năm 820 thiền sư Vô Ngôn Thông đến Đại Việt mang theo Bách Trượng thanh quy thành lập thiền phái Kiến Sơ. Song song theo đó là những chuyến xuất dương cầu pháp, các cuộc giao lưu văn hóa, giao lưu Phật pháp của sáu thiền sư Khuy Xung, Huệ Diệm, Đại Thừa Đăng, Giải Thoát Thiên, Vận Kỳ, Trí Hành. Các thiền sư Trung Hoa cũng ghé Đại Việt trên đường đi Ấn Độ như Minh Viễn, Huệ Mạng, Vô Hành, Đàm Nhuận, Trí Hoằng… Còn có một thiền sư Tăng Già Bạt Ma (Samghavarma) người Turkestan đến cứu giúp nạn đói đang hoành hành. Nhưng thú vị nhất là Thẩm Thuyên Kỳ đã đến viếng Thượng Nhân Vô Ngại ở chùa Tĩnh Cư. Thanh Hóa. Vua Đường Đức Tông Lý Quát (780-805) đã mời thiền sư Định Không và thiền sư Duy Giám sang thuyết pháp trong cung. Ở đây hai vị thiền sư đã có dịp kết giao và thù tiếp văn thơ với nhà thơ Giả Đảo, Dương Cự Nguyên. Sự kết giao giữa Nhật Nam Tăng và Trương Tịch cũng như địa danh Nhật Nam xuất hiện khá nhiều lần trong thơ Trương Tịch cũng là một điều rất thú vị. Điều này, chứng tỏ tinh thần dung thông của nhà Phật đang phát huy mạnh mẽ tác dụng trong công việc xây dựng và củng cố vững chắc nền tảng văn hóa Lạc Việt để chuẩn bị cho công cuộc giành lấy quyền tự trị để tiến đến một nền độc lập hoàn toàn.
Như một cái lò xo bị nén, khi sức chịu lực bị nén xuống đến tận cùng thì chỉ cần lực nén giảm đi một chút thì sức bật của cái lò xo sẽ trở nên khủng khiếp. Mặc cho Mã Tổng, Cao Biền dựng thêm cột đồng, xây thêm thành quách, trấn yễm long mạch và bọn quan lại mặc sức vắt kiệt tài nguyên, áp đặt càng lúc càng bạo liệt một nền văn hóa nô dịch.
Sức bật ấy chắc chắn là to lớn, nhưng những thông tin mà chúng ta nhặt nhạnh từ trong sử cũ lại quá ít oi. Điển hình là cuộc khởi nghĩa của Mai Hắc Đế. Quy mô của cuộc khởi nghĩa này mang tầm vóc quốc tế với 30 vạn nghĩa quân, có sự liên kết của các quốc gia láng giềng như Lâm Ấp, Chân Lạp mà được tổ chức, chiến thắng và bại vong không tới một năm là một điều không thể chấp nhận. Tình hình lúc đó muốn huy động 30 vạn quân không thể làm trong một vài năm, muốn liên kết với Lâm Ấp, Chân Lạp thì cuộc thương thảo này cũng đâu phải nói một tiếng là xong. Để huy động 300 ngàn con người và khí tài, lương thực đủ để chiến đấu không phải chỉ hô lên một tiếng là xong. Khi đã chiếm được Long Biên, giải phóng hoàn toàn đất nước bất cứ một lực lượng nào cũng phải nghĩ đến việc thiết lập chánh quyền và xây dựng một phòng tuyến phòng thủ để đề phòng phản kích. Lẽ nào Mai Hắc Đế lại không biết điều này. Bọn Nguyên Sở Khách, Dương Tư Húc nhặt nhạnh 10 vạn quân ô hợp mà phản kích bằng cách nào mà tài vậy? Lực lượng quân khởi nghĩa là 30 vạn người chiến đấu cách gì mà lúc khởi binh thì thắng như chẻ tre mà lại thua nhanh như một ván cờ? Đọc sử cũ mà cứ nhắm mắt nhắm mũi mà tin thì cũng hơi rối. Thử đọc một tư liệu trong Tân Đường Thư của Trung Quốc nói về sự kiện này “Khai Nguyên năm đầu (713). Cừ soái mọi An Nam là Mai Thúc Loan làm phản, tự gọi là Mai Hắc Đế đem chúng 32 châu, bên ngoài liên kết với nước Lâm Ấp, Chân Lạp  và Kim Lân (?), chiếm đóng An Nam, quân hiệu 40 vạn. Tư Húc xin đem chiếu đi mộ tử đệ các thủ lĩnh, dược 10 vạn, cùng quan đô hộ, Quan Sở Khách, do đường cũ của Mã Viện xuất kỳ bất ý đánh. Giặc sợ chạy không kịp bàn mưu. Chúng đại bại. Húc chất thây làm đài chiến thắng mà trở về”. Đúng là giọng điệu của quân xâm lược mang đầy tính phi lý và tự tôn, ngạo mạn. Buồn thay, trong giai đoạn lịch sử này, các nhà viết sử đã căn cứ vào những sử liệu mang đầy tính phiến diện đến buồn cười như thế. Không phải trong sử liệu của Trung Quốc thiếu thông tin mà là người viết sử của chúng ta gặp những khó khăn về tìm kiếm, về quan điểm. Trong “Tăng đính hiệu bình Việt Điện U Linh tập“ (1774) Gia Cát Thị viết rõ ràng và hợp lý hơn nhưng lại không kê cứu nguồn thông tin. Và Mai Thúc Loan phải trở về dã sử. Do đó mà hậu thế phải phân vân. Có rất nhiều cuộc kháng chiến nổi đã bị chìm trong lãng quên một cách không ra sao cả.
Nhưng dù sao, qua những thông tin rất thiếu sót, nhưng cũng đủ để hậu thế có một cái nhìn khá chính xác về những lãnh vực sau:
KINH TẾ: Là một trung tâm lúa nước thuộc loại sớm nhất của nhân loại. Có thể nhận thấy, trong giai đoạn này kinh tế Lạc Việt khá sáng sủa, nông nghiệp, ngư nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phát triển rất mạnh mẽ so với các khu vực chung quanh. Năm 650 Nhà Đường lấy Giao Châu đặt làm An Nam Đô Hộ phủ. Năm 679 Cao Tông Lý Trị đặt An Nam Đô hộ phủ chia Giao Châu thành 12 châu, áp đặt định chế quan lại theo nhà Đường, ghi rõ các châu phải nạp thuế cống từng loại và khối lượng sản vật. Các châu phải nạp các loại sản vật nông, lâm nghiệp như chuối, trầu cau, đậu khấu, vải …. Dù chính sử không ghi nhưng ta cũng biết trái vãi thiều (lệ chi) Hưng Yên suýt nữa đã phá tan tành cơ nghiệp nhà Đường thời Đường Huyền Tôn. Năm 865 Cao Biền đã từng xua quân đến huyện Nam Định (Gia Lương Hà Bắc) thuộc Phong Châu cướp thóc lúa trên một cánh đồng có đến 5 vạn nông dân đang thu hoạch. Từ những thông tin đó, có thể nhận thấy nông nghiệp Lạc Việt đã phát triển rất mạnh về sản lượng, về chủng loại cây trồng.
Cũng trong bảng liệt kê ấy, còn thấy các loại thổ hải sản và cả những hàng hóa tiểu thủ công nghiệp như: vàng, bạc, bột vàng, cánh kiến, sáp trắng, da cá sấu, lông chim trả, đồi mồi, da tê tê, lông đuôi chim công, ngà voi, trầm hương, đồ dùng bằng mây, the (một loại vải mỏng)… và đặc biệt một loại vãi Triều Hà. Những sản vật mà ngày hôm nay hầu hết đều thuộc hàng quý hiếm. Ngoài ra, ngay từ thời Triệu Đà Hán Vũ Đế đã cử một Quất quan sang Giao Châu chỉ chuyên việc trồng cam, quýt, vãi để tiến vua. Ở Lạc Dương không trồng được vì không hạp thủy thổ.
Nhân dân Lạc Việt cũng biết trồng dâu, nuôi tằm từ rất sớm, chậm nhất cũng từ thế kỷ thứ I sau công nguyên. Chắc chắn việc này phải xuất hiện theo yêu cầu cung cấp nguyên vật liệu cho ngành dệt.
Từ thời dựng nước, việc xây dựng nhà cửa hầu hết chỉ sử dụng những vật liệu có sẵn gỗ, đá, tranh tre, nứa, lá… Gạch gốm thô cũng đã xuất hiện từ lâu, mãi đến cuối thế kỷ thứ VIII mới có ngói.(ĐVSK tiền biên nói là do An Nam tiết độ sứ Lý Phúc dạy (?!)
Trong suốt 1000 năm ấy, thấy rất ít thông tin nào nhân dân Lạc Việt bị đói vì mất mùa, dù rằng bọn quan lại Phương Bắc thả sức vơ vét. Những trận đói xảy ra hầu hết là do chiến loạn và bị bóc lột quá mức. Lần đầu tiên xảy ra vào năm 100-101 trong cuộc khởi nghĩa ở Tượng Lâm, Nhật Nam dân bị đói vì chiến loạn và khoảng những năm 660-670 ở Giao Châu có một trận đói lớn mà thiền sư Tăng Già Bạt Ma (Shanghavarma) là người Turkestan đã ngày tìm kiếm và kêu gọi nhân dân chung tay cứu đói, thông tin này lại tìm thấy trong “Đại Đường cầu pháp cao tăng truyện”. Năm 852 vì bọn quan lại vơ vét qua mức, nên xảy ra một trận đói nữa kéo dài đến năm 858 mới tạm khắc phục được.
Không phải ngẩu nhiên mà mà các triều đại phương Bắc đã đặt cho nước ta cái tên Giao Châu (交州). Trong tiếng Hán chữ Giao có nghĩa là giao tiếp. Điều kiện giao thông tốt nhất lúc đó là đường thủy. Ngay từ thời Hùng Vương, đã có những thông tin khá thuyết phục là khoảng giữa thế kỷ thứ IIItcn có một đoàn truyền giáo của vua Asoka dùng thuyền đến Văn Lang qua “con đường hương liệu” của vương quốc Phù Nam với nền văn minh Óc Eo (tứ giác Rạch Giá-Long Xuyên hiện nay). Không có nhiều thông tin về việc Phật Giáo hoằng pháp ở Văn Lang nhưng có thể là do các thương nhân qua lại Văn Lang mua bán và mang theo tín ngưỡng của họ. Các thương nhân, không riêng gì người Ấn mà còn các thương nhân của các quốc gia khác đã đến Văn Lang bằng đường biển, các thương thuyền ấy mang theo hàng hóa và mua lại những hàng hóa của địa phương, cũng không loại trừ những thương nhân Lạc Việt cũng mang hàng hóa của mình ra nước ngoài  và mua vê các sản phẩm khác. Nhưng chắc chắn nhất là vào thế kỷ thứ III sau công nguyên thân phụ của thiền sư Khương Tăng Hội là một thương nhân người Turkestan đã đến định cư ở Giao Châu và sinh ra ông. Các thiền sư Trung Quốc muốn sang Ấn Độ cũng phải đến Giao Châu rồi mới đáp đi thuyền Ấn Độ. Trong thời kỳ này Trung Quốc có ba con đường để vươn ra ngoài; một là con đường tơ lụa, hai là Quảng Châu, ba là Giao Châu. Con đường thứ nhất thì quá hiểm nguy vì giặc cướp và vì phải xuyên qua nhiều quốc gia mà không phải lúc nào cũng thuận thảo với Trung Quốc. Quảng Châu thì quá xa, vùng biển từ Quảng Châu đến Giao Châu đầy sóng gió, thuyền bè ít có những nơi trú bão, chỉ có Giao Châu là tiện nhất, từ Giao Châu đi về phía nam có hàng ngàn đảo nhỏ ở vịnh Hạ Long, những hải cảng tự nhiên đi suốt về phương nam là một lộ trình lý tưởng cho ngành hàng hải. Do đó, trong suốt 1000 năm ấy Giao Châu nghiễm nhiên trở thành một thương cảng quan trọng. “… các nước ngoài thường chở vật quý từ đường biển đến buôn bán, nhưng thứ sử Giao Châu và thái thú Nhật Nam phần nhiêu tham lợi cướp đoạt. Mười phần hao tới hai ba… lại khám thuyền sách nhiễu, các nước khổ vì chuyện đó” (ĐVSKTB. Tr 93. Nxb KHXH 1997). Đây là tình hình Giao Châu trong những năm chịu áp lực của nhà Tấn. Dù phải chịu đựng sự sách nhiễu của bọn quan lại tham lam, nhưng không vì thế mà tình hình ngoại thương ở Giao Châu bị ngưng trệ. Thuyền buôn các nước Java, Srilanca, Chân Lạp, Phù Nam, Ấn Độ… lui tới tấp nập và Phật Giáo cũng qua con đường này mà tới Luy Lâu, rồi từ đó theo đường bộ và đường sông tới Trung Quốc. Điều này đã kích thích các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp phát triển. Do yêu cầu của sự đi lại trên sông nước và của ngoại thương. Công nghệ đóng thuyền chắc chắn đã có những bước tiến mạnh mẽ.
Từ những thông tin trên, cộng với khả năng cần cù, nhẫn nại lại được thiên nhiên ưu đãi, có thể hình dung cuộc sống của nhân dân Lạc Việt là khá sung túc, dù phải sống trong cảnh áp bức bóc lột.

VĂN HÓA.
Một ngàn năm sống trong bóng đêm khốc liệt, bị tấn công, đàn áp trên mọi mặt, kể cả về mặt chủng tộc. Giờ đây, nhìn ánh bình minh của độc lập đang rựng sáng phía chân trời. Nhân dân Lạc Việt chắc chắn tự kiểm tra lại trình độ văn hóa của mình trước khi vươn vai đứng dậy để đường hoàng đi trên con đường mới, bỏ lại sau lưng hơn ngàn năm đau đáu một quê hương.
 Về mặt văn hóa khi những nét chữ ban đầu đã không còn nữa, thì những truyền thuyết mang tính thiết thân vẫn còn ấp ủ trong lòng. Một ngàn năm chắt lọc những tinh hoa phù hợp với tự tình dân tộc là hành trang đi vào con đường mới. Chữ Hán được sử dụng theo cái cách của người Lạc Việt đã dần hình thành một loại hình văn hóa mới Hán Việt. Tư tưởng Phật Giáo của được chấp nhận mà không một chút đắn đo vì phù hợp với nếp nghĩ của dân tộc và cũng địa phương hóa một chút như trường hợp thần sấm, thần sét, thần mây, thần mưa đã trở thành Phật Pháp Lôi, Pháp Điển, Pháp Vân, Pháp Vũ, cả tới ánh sáng cũng trở thành Phật Phật Quang. Phật đã từng bước hòa nhập vào tín ngưỡng mang tính ngẫu tượng và trở thành một đối trọng với Hán Nho dù không khốc liệt nhưng không hề khoan nhượng. Thế là cái bản chất hiền hòa được gia thêm tư tưởng dung thông của của Phật Tổ.
Có thể có ai đó cho rằng dân tộc Lạc Việt suốt ba ngàn năm tồn tại mà không có lấy một học thuyết, một nhà triết học, nhà tư tưởng nào. Ai đó đã nói đúng, bởi vì người ấy không hiểu được rằng: một con người sống và một dân tộc tồn tại thì phải nhờ vào cái gì? Một con người mà sống được đàng hoàng thì rất đơn giản; phải ăn cho đúng cho đủ, phải ngủ cho thẳng giấc và một tấm lòng. Một dân tộc muốn tồn tại phải có một quê hương. Một ngàn năm qua, dân tộc này đã phấn đấu cho mấy yêu cầu thiết thân đó và sắp đạt được. Đó là một thứ văn hóa mà dân tộc Lạc Việt đã chắt lọc được hơn một ngàn năm trong bóng đêm của sự áp bức. Đó là học thuyết, là triết học, là tư tưởng mà nhân dân Lạc Việt là tác già, vì vậy mà nó không bao giờ lạc hậu, luôn luôn hóa giải một cách thần kỳ những yếu tố ngoại lai. Không cần phải phát minh hay sáng chế ra thần linh hay gì gì đó để mà tôn thờ để mà tranh luận, để khích bác nhau. Nếu có cần thêm một thứ gì đó để làm cho tâm hồn nhẹ nhàng ra, thanh thản thêm một chút thì cái nên cần là… Thơ. Mà thơ Lạc Việt đã có từ thuở có người Lạc Việt với một thứ tiếng nói líu lo có tới sáu thanh. Nền văn hóa đầy chất thơ ấy đã, đang và sẽ mãi mãi làm bằng một tinh thần đại hùng đại lực đại từ bi, kể cả khi chưa nhìn thấy ngón tay chỉ đường của Đức Phật. Nếu như có ai cắc cớ đi tìm kiếm văn thơ của thời kỳ này thì chắc là buồn lắm. Nhưng thử ngồi ngẫm mà xem, các tác phẩm đó là gì và ở đâu? Chồi non đang ươm, lộc non đang biếc và… chút xíu nữa là đơm hoa kết trái thôi. Đã có những bài thơ xuất hiện. Nếu như bài thơ Bạch Vân Xuân Hải của Khương Công Phụ là một kiệt tác về văn học nhưng nội dung là một sự cam phận của một thành phần trí thức được đào tạo bởi một nền văn hóa không phải của đất nước ông. thì bài thơ Địa Trình Pháp Khí của nhà thơ thiền sư Định Không lại là một kế hoạch gầy dựng nền độc lập. Tưởng như là hai thái độ ấy đối lập nhau, nhưng không phải vậy. Đó là sự hỗ tương cần thiết để làm nên tính cách. Cần phải nói thêm một chút về bài thơ Bạch Vân Xuân Hải (xin tìm đọc ở Việt Nam Văn Học Sử của Lê văn Siêu), chúng ta sẽ nhận ra một tính cách độc lập trong thái độ cam phận của một người trí thức được đào tạo bởi một nền văn hóa nô dịch. Ở đấy chúng ta nhìn thấy một thứ hình thức rất thú vị của bài thơ. Sử dụng chữ Hán để làm thơ mà không vướng một chút Tàu nào. Khương Công Phụ chỉ có thể làm được như thế và bao nhiêu đó cũng đủ xóa đi cái hành vi một đời cúc cung tậy tụy cho nhà Đường. Tại sao ông ấy làm thế? Câu trả lời cũng dễ tìm thôi. Tàu tất tần tật, nhưng không thể chối bỏ cái gốc Lạc Việt.
Từ đó chúng ta cũng cần phải có một lời cám ơn cái học thuyết Khổng Mạnh cứng ngắc, cái tư tưởng Lão Trang mơ màng. Khi mà hai thứ đó đã thẩm thấu được tinh thần Lạc Việt thì Khổng Mạnh sẽ trở nên uyển chuyển và Lão Trang đã có thêm màu sắc lãng mạng của sự mộng mơ. Không cần đợi đến năm 1070 khi vua Lý Thánh Tông lập Văn Miếu mới hình thành khái niệm tam giáo đồng nguyên.
Đó Là Lý Do Tại Sao Mà Một Dân Tộc Bị Đè Dầu Cuỡi Cổ Suốt Một Ngàn Năm Mà Không Bị Đồng Hóa.
Và không có gì phải ngạc nhiên khi các nhà thơ nổi tiếng của Trung quốc đã đề tặng cho nhiều thiền sư Lạc Việt vì kính trọng tài năng và đức độ.
Tóm lại, giai đoạn một ngàn năm cay cực ấy, nếu như không có sự kiên trì, cực khổ ươm trồng này thì hoa Lý Trần không nở và hạt lúa ban đầu không xanh rồi vàng rượm tới phương Nam. Người ta thường thưởng thức các tác phẩm văn hóa mà không bao giờ quan tâm ngó ngàng đến những trang bản thảo nằm trong sọt rác hoặc thụ hưởng những thành quả lao động thì lại chê những giọt mồ hôi lao động là không thơm. Thậm chí là trề môi, bịt mũi chê hôi.
Đâu phải ngẫu nhiên mà những con người uyên bác từ khắp nơi tụ hội về Lạc Việt như Ma Ha Kỳ Vực (Ấn), Sĩ Nhiếp, Mâu Tử (TQ), Khương Tăng Hội (Turkestan), Chi Lương Cương Tiếp (Nhục Chi), Đạt Ma Đề Bà (Ấn), Tinh Thiều, Khâu Hòa, Đào Hoàng, Tông Xác, Lưu Phương (TQ), Tì Ni Đa Lưu Chi, Tăng Già Bạt Ma (Ấn), Thẩm Thuyên Kỳ, Trương Tịch, Dương Cự Nguyên, Giả Đão, Triệu Xương, Vô Ngôn Thông (TQ), Mahamaya (Chiêm Thành)… và sau này còn có Hồng Hiến, Lý Giác, Thảo Đường… đã đến hoặc đã cùng nhân dân Lạc Việt để cảm thụ, rồi chung tay tôn tạo một nền văn hóa. Vậy mà có vài con dân của nền văn hóa đó gọi là Không Có Gì (?!)
Tại sao lại phải tự ti giữa hai nền văn minh Trung Ấn. Lại càng không phải là tự cao tự đại rồi khoe khoang hay khuyếch trương những gì mình có mà là phải biết tôn trọng một sự thật. Sự thật đó chính là sự tồn tại của một quốc gia, một cộng đồng dân tộc sống trên quốc gia đó. Văn minh là một thành quả của cả nhân loại chớ không phải của riêng ai. Nhưng sự tồn tại của một quốc gia, một cộng đồng dân tộc sống trên quốc gia đó lại là một chuyện khác. Chấp nhận Phật Giáo không có nghĩa là phải trở thành người Ấn, mở cửa cho tư tưởng Khổng Mạnh, Lão Trang và sử dụng chữ Hán không có nghĩa là phải trở thành người Tàu. Một ngàn năm sống trong sự áp bức của văn hóa Hán Đường, nhân dân Lạc Việt đã chấp nhận có chọn lọc trong quá trình giao thoa giữa hai nền văn minh Trung Ấn để làm nên một bản sắc Lạc Việt. Và bản sắc ấy đã được tôn tạo thành một bản lĩnh để tồn tại.

Hầu hết những người viết sử trên thế giới, dù viết với tư cách nhà nước hay cá nhân đều vướng vào một định kiến rất đáng buồn. Tất cả đều quan tâm đến những sự kiện mang tính chính trị, biên niên một cách khá chính xác các triều đại theo một quan điểm nào đó mà bỏ qua cái nền tảng làm nên lịch sử. Đó là quá trình xây dựng, bảo vệ và phát triển để tồn tại của một dân tộc, từ đó để làm nên một quốc gia. Có thể không có một hoàng tử Lang Liêu, nhưng trong thực tế có rất nhiều Lang Liêu vô danh đang đón chờ con nước lên xuống để có hạt gạo mà ăn hàng ngày, hạt nếp để gói bánh dày trời tròn, bánh chưng đất vuông dâng lên ông bà cha mẹ thể hiện lòng hiếu đạo của mình. Có thể không có Mai An Tiêm bằng xương bằng thịt, nhưng vẫn có những Mai An Tiêm không tên không tuổi đang miệt mài trồng những dây dưa hấu hay tìm kiếm cái gì đó cho nhân gian. Chắc chắc là không có Sơn Tinh trị thủy, nhưng vẫn có những con người cụ thể hàng tháng, hàng năm quai đê sông Hồng hoăc khơi kinh, xẻ rạch dẫn nước, mở đường… Một ngàn năm có biết bao nhiêu con người nâng niu giữ gìn cái cũ, kiếm tìm cái mới với một tấm lòng đau đáu một giang sơn. Bên cạnh gươm giáo sáng ngời, cờ xí rực trời trong những cuộc kháng chiến giành độc lập còn có một thứ mà các quyển sử ít khi nào nói tới, đó là cái ruột tượng đựng gạo. Nhớ một chiến sĩ dũng cảm mà quên anh thợ rèn rèn gươm, không nhớ kẻ trồng dâu, chị nuôi tằm, cô thợ dệt, chị thợ may may cái áo trấn thủ, may cờ lá cờ thúc quân hay anh nông dân làm ruộng thì e là hơi… bậy. Thế mà rất khó mà tìm một cuốn sử mang tính văn minh như vậy. Mà nếu có, những quyển sách đầy công tâm như thế lại không được rành rọt và liên tục lắm vì thiếu tư liệu, thậm chí không có. Đã vậy lại rất ít được phổ biến và đưa vào chương trình giáo dục. (đại loại như lịch sử văn minh… của Will Durant hay Đại Nam nhất thống chí) Và người ta chỉ dạy cho học trò biên niên của triều đại, của chiến tranh. Người tiếp nhận sẽ sôi lên bầu máu nóng, lao vào cuộc sống bằng thái độ của một dũng sĩ, tốt thôi. Nhưng khi biến tướng sẽ trở thành tên cướp, buồn thật. Và vì thế, mà hậu sinh khi nhìn về tổ tiên mình có rất, rất nhiều khiếm khuyết. Nhiều khi còn phải tự hào những điều đáng ra không nên tự hào cho lắm. Và những trang viết này cũng bị bó vào vào những điều như vậy. Dù đã rất cố gắng. Ôi. Buồn hiu.

THỜI KỲ TỰ CHỦ
HỌ KHÚC VÀ DƯƠNG ĐÌNH NGHỆ
(906-939)
Tình hình Trung Quốc sau khi nhà Đường diệt vong. (chỉ ghi nhận những sự kiện có liên quan đến Đại Việt)
Năm 907 nhà Đường diệt vong. Chu Toàn Trung dứt nhà Đường, lập nên nhà Lương giao cho Tiết độ sứ Quảng Châu là Lưu Ẩn kiêm lĩnh chức Tĩnh Hải quan tiết độ sứ. Trung Quốc lại rơi vào loạn Ngũ Đại kéo dài 53 năm. Năm 911. Lưu Ẩn chết, em là Nham lên thay. Năm 917. Lưu Nham lập nhà Nam Hán ở Quảng Châu. Năm 919. Lưu Nham liên tục đổi tên, từ Nham sang sang Thiệp, rồi Cung, lại đổi là Nghiễm. Năm 923 Nhà Lương mất.
KHÚC THỪA DỤ (880-907)
Năm 880, khi nhà Đường sắp diệt vong, hào trưởng Khúc Thừa Dụ người Hồng Châu (làng Cúc Bồ, huyện Ninh Thanh, Hải Dương ngày nay) đuổi Tăng Cổn, chiếm lấy La Thành tự xưng là tiết độ sứ, Ông thuộc giòng họ lớn, nhiều đời làm hào trưởng, là người có chí lớn, mưu sự tự trị cho Giao Châu, chính sự khoan hòa, gầy dựng lực lượng nhằm đối phó với Lưu Ẩn đang là tiết độ sứ Quảng Châu. Được dân xưng tụng là Khúc Tiên Chúa
KHÚC THỪA HẠO (907-917)
Năm 907 Khúc Thừa Dụ mất. Con là Khúc Thừa Hạo lên thay. Khúc Thừa Hạo thành lập lộ, châu, xã các nơi, cắt đặt quan lại. sửa sang thuế má, định lại sưu dịch cho vừa sức dân. Một mặt sai con là Khúc Thừa Mỹ làm Hoan Hảo sứ sang Quảng Châu thăm dò tình hình. Mặt khác thì nổ lực xây dựng chính quyền, chỉnh trang vũ bị. Thu phục nhân tài giao cho binh quyền trấn giữ các nơi hiểm yếu. Cả An Nam có một chính quyền của riêng mình hoạt động như là một quốc gia độc lập. Được dân tôn xưng là Khúc Trung Chúa
Năm 911 Lưu Ẩn chết, Em là Lưu Nham thay
KHÚC THỪA MỸ (917-930)
Năm 917 Khúc Thừa Hạo mất. Con là Khúc Thừa Mỹ lên thay. Sức mạnh của An Nam càng cày càng vững mạnh. Khúc Thừa Mỹ còn sang nhà Lương xin tiết việt nhằm tạo thế chân vạc với nhà Nam Hán của Lưu Cung.
Lưu Nham chiếm Quảng Châu, phía nam Quảng Tây và một phần tỉnh Triết Giang lập nước Nam Hán. Nham đổi tên liên tục từ Nham, rồi Thiệp, Cung, Nghiễm.
Năm 923. Nhà Lương mất.
Năm 930 Lưu Cung bất ngờ sai Lý Khắc Chính sang đánh Giao Châu bắt Khúc Thừa Mỹ đưa về Quảng Châu. Khắc Chính cùng thứ sử Lý Tiến ở lại Giao Châu. Nhưng lại bị bộ tướng của Khúc Thừa Mỹ là Dương Đình Nghệ tiến đánh. Vua Nam Hán phải nuốt giận giao chức tiết độ sứ cho Dương Diên Nghệ nhưng vẫn để Lý Tiến làm thứ sử Giao Châu cùng Lý Khắc Chính giữ lấy trị sở, đến năm 931, biết Dương Đình Nghệ từ lâu đã chuẩn bị binh lương mưu đồ việc khôi phục. Lý Tiến sai người mang biểu về báo cho vua Hán. Vua Hán sai Trần Bảo mang quân sang giúp nhưng chưa đến nơi thì Dương Đình Nghệ đã lấy thành. Tiến bỏ trốn. Trần Bảo đến, xua mang quân vây thành. Dương Diên Nghệ xông ra đánh và giết chết Bảo.
DƯƠNG ĐÌNH NGHỆ (931-937)
Dương Đình Nghệ người Ái Châu là một người dũng lược, rất trung thành với Khúc Hậu Chúa. Sau khi đánh đuổi quân Nam Hán Ông giữ chức tiết độ sứ  nhưng không thần phục ai cả, cư xử và điều hành đất nước như một bậc vương giả, cho con rể là Ngô Quyền trấn Ái Châu để ngăn ngừa Lưu Cung cấu kết với Chiêm Thành. Tiếp tục sự nghiệp của họ Khúc.
Tháng ba năm 937. Kiều Công Tiển làm phản giết Dương Diên Nghệ rồi làm Tiết Độ Sứ.
Tháng 12 năm 938, Ngô Quyền từ Ái Châu cất quân đánh Tiển. Trước đó, Tiển đã cầu cứu Nam Hán. Vua Nam Hán cho con là Thái tử Hoằng Tháo làm Tĩnh Hải quân tiết độ sứ, tước Giao Vương đem quân sang cứu Tiển. Vua Hán đóng ở Hải Môn chi viện. Vua Hán hỏi kế Tiêu Ích, Ích nói ” Mưa dầm mấy tuần, đường biển lại xa xôi nguy hiểm, Ngô Quyền là người kiệt hiệt, không thể khinh xuất. Đại quân nên thận trọng, dùng nhiều người hướng đạo rồi sau mới tiến quân”. Vua Hán không nghe, sai Hoằng Tháo đem thủy quân tiến vào sông Bạch Đằng đánh Ngô Quyền, nhưng Ngô Quyền đã giết Kiều Công Tiển rồi.
Nghe tin  giặc đến Ngô Vương Quyền chuẩn bị nghênh tiếp. Ông nói với tướng sĩ của mình bắng một niềm tin tất thắng ” Hoằng Thao là một đứa trẻ khờ dại, đem quân từ xa đến, quân lính còn mỏi mệt, lại nghe Công Tiễn đã chết, không có người làm nội ứng nên đã mất vía trước rồi. Quân ta lấy  sức còn khỏe địch với quân mỏi mệt, tất phá được. Nhưng bọn chúng có lợi ở chiến thuyền, ta không phòng bị trước, được thua chưa biết ra sao? Nếu sai người đem cọc lớn vạt nhọn, đầu bịt sắt, đóng ngầm trước cửa biển, thuyền của chúng theo nước triều lên vào trong hàng cọc thì sau đó ta dễ bề chế ngự, không cho chiếc nào ra thoát “ Vương bèn cho người mang cọc bịt sắt nhọn đóng ngầm xuống lòng sông Bạch Đằng. Chờ khi nước triều lên cho quân cưỡi thuyền nhẹ ra khiêu chiến dụ quân Nam Hán vào sâu rồi khi nước rút xua đại quân ra đánh rát. Quân Nam Hán rút chạy, thuyền bị vướng vào cọc chìm vô số, quân lính chết quá nửa Ngô Quyền bắt sống Hoằng Tháo và đem giết đi. Vua Nam Hán nghe tin khóc ngất rồi rút quân về.

Họ Khúc và các tướng lĩnh của mình đã xây dựng một nền tảng thực thụ cho nền tự chủ, từ lãnh thổ, chính quyền và cả kinh tế nữa. Sự thoái trào của các thế lực xâm lược là một thời cơ. Họ Khúc, rồi Dương Đình Nghệ, Ngô Quyền từng bước xây dựng, củng cố quân đội. Quân tướng trên dưới một lòng, bẻ gãy mọi thế lực vọng ngoại, phản bội. Sẵn sàng đối phó và đối phó trong tư thế của người có niềm tin tất thắng để đạt được một kết quả hơn một ngàn năm xây dựng và củng cố một niềm tin. Lấy lại một Giang Sơn. Vậy mà hậu thế biết về họ Khúc, về Dương Đình Nghệ chẳng là bao và biết về Ngô Vương Quyền cũng chẳng được rõ ràng? Thế mà Ngô Sĩ Liên lại có đôi giòng cảm thán cho… Lưu Cung. Còn Ngô thì Sĩ thì trách Dương Đình Nghệ nuôi tới ba ngàn con nuôi nên mới bị mới bị “một thằng con nuôi” Kiều công Tiễn làm phản.
Đây là một thời kỳ quá độ, tạm sử dụng thuật ngữ của hiện đại, của lịch sử, cần phải có những con người như thế, đủ bản lĩnh để dứt khoát với quá khứ, nhưng không quá hãnh tiến để đưa những bước chân cập rập đến tương lai.

THỜI KỲ ĐỘC LẬP

VƯƠNG TRIỀU  NHÀ NGÔ

NGÔ VƯƠNG QUYỀN (939-944)
Sau khi đánh thắng quân Nam Hán ở Bạch Đằng Giang. Bẻ gãy toàn bộ ý đồ xâm lược của phương Bắc. Ngô Quyền xưng vương, lập quốc, lên ngôi vua, chấm dứt thời kỳ Bắc thuộc gần mười thế kỷ. Đặt nền móng độc lập,  tự chủ dài lâu cho đất nước.
Ngô Quyền sinh năm 899 người làng Đường Lâm. Cha là Ngô Mân châu mục Đường Lâm. Ông là nha tướng của Dương Diên Nghệ được Dương Diên Nghệ gã con gái cho và trấn thủ Ái Châu. Mùa Xuân, sau khi giết Kiều Công Tiển, đuổi xong quân Nam Hán. Ngô Quyền xưng vương, lập Dương thị làm Hoàng Hậu, đặt trăm quan, định chế triều phục phẩm hàm, đóng đô ở La Thành
Năm 944. Ngô Vương Quyền mất thọ 47 tuổi. Trước khi mất. Ngô Vương có di chúc cho Dương Tam Kha giúp rập con mình là Ngô Xương Ngập. Dương Tam Kha là con Dương Diên Nghệ, em Dương Hậu. Tam Kha cướp ngôi. Xương Ngập chạy về Nam Sách Giang trú ngụ ở nhà Phạm Lệnh Công. Tam Kha nuôi con thứ hai của Ngô Vương là Ngô Xương Văn làm con mình. Rồi sai Dương Cát Lợi, Đỗ Cảnh Thạc đi bắt Xương Ngập, nhưng không bắt được.
- Năm 950. Tam Kha sai Xương Văn và Dương Cát Lợi, Đỗ Cảnh Thạc đem quân đánh hai thôn Đường Nguyễn ở Thái Bình. Đến Từ Liêm, Xương Văn bảo Dương, Đỗ quay ngược trở lại đánh úp Tam Kha. Mọi người muốn giết, Xương Văn nói: Bình Vương có ơn với ta không nỡ giết” rồi giáng làm Chương Dương công, nhân đó ban cho thực ấp.
Năm 951. Vua lên ngôi xưng là Nam Tấn Vương, sửa sang triều chính, rồi cho rước anh là Xương Ngập về kinh cùng coi việc nước. Xương Ngập xưng là Thiên Sách Vương.
Lúc này, trong nước khá rối ren. Thiên Sách Vương lại chuyên quyền. Nam Tấn Vương buồn phiền không màng tham gia chính sự.
Năm 954. Thiên Sách Vương mất. Nam Tấn Vương nắm lại chính sự và sai sứ sang  Nam Hán thỉnh mệnh. Nhưng khi sứ sang thì cho người chận lại ở biên giới và bảo không cần sang nữa vì giặc bể làm loạn, đường đi không được an toàn.
- Năm 960. Triệu Khuông Dẫn lập ra nhà Tống. Trung Quốc lại thống nhất.
- Năm 965. Nam Tấn Vương khi đem quân đánh giết Chu Thái vì tên này khởi loạn, rồi đánh tiếp hai thôn Đường, Nguyễn ở Thái Bình, rồi bị trúng tên tử trận
            PHỤ: THẬP NHỊ SỨ QUÂN (966-968)
            - Năm 966. Ngô Xương Xí nối ngôi, nhưng các hùng trưởng đua nhau cát cứ các nơi. Ngô Xương Xí chỉ còn giữ được Bình Kiều (Triệu Sơn, Thanh Hoá); Kiều Công Hãn chiếm Phong Châu (Bạch Hạc); Nguyễn Khoan tức Nguyễn Thái Bình chiếm Tam Đái (Vĩnh Phú); Ngô Nhật Khánh chiếm chiếm Đường Lâm (Ba Vì, Hà Tây ); Đỗ Cảnh Thạc chiếm Đỗ Động Giang (Thanh Oai, Hà Tây); Lý Khuê chiếm Siêu Loại ( Thuận Thành, Hà Bắc); Nguyễn Thủ Tiệp chiếm chiếm Tiên Du; Lữ Đường chiếm Tế Giang (Mỹ Văn, Hải Hưng) Nguyễn Siêu chiếm Tây Phù Liệt ( Thanh Trì, Hà Nội); Kiểu Thuận chiếm Hồi Hồ (Sông Thao, Vĩnh Phú); Phạm Phòng At chiếm Đằng Châu (Kim Thi, Hải Hưng ) Trần Lãm chiếm Bố Hải Khẩu ( Thành phố Thái Bình).
           
VƯƠNG TRIỀU  NHÀ ĐINH
ĐINH TIÊN HOÀNG (968-981)
Năm 968. Đinh Bộ Lĩnh dẹp yên các sứ quân thống nhất đất nước, lên ngôi vua xưng là Đinh Tiên Hoàng, đóng đô ở Hoa Lư, Đạt quốc hiệu là Đại Cồ Việt. Trăm quan tôn xưng là Đại Thắng Minh Hoàng Đế. Năm 969. Tháng 5 nhuận phong cho con trưởng là Đinh Liễn làm Nam Việt Vương. Năm 970. Đặt niên hiệu là Thái Bình, lập năm hoàng hậu. Đan Gia, Trinh Minh, Kiểu Quốc, Cồ Việt, Ca Ông. Đúc tiền Thái Bình Hưng Bảo
Năm 971. Quy định cấp bậc trăm quan văn võ, tăng đạo. Lấy Nguyễn Bặc làm Định Quốc Công, Lưu Cơ làm Đô hộ phủ sĩ sư coi việc hình án, Lê Hoàn làm Thập Đạo tướng quân, Tăng thống Ngô Chân Lưu được ban hiệu Khuông Việt Đại Sư, Trương Ma Ni làm Tăng Lục, Đạo Sĩ Đặng Huyền Quang trao chức Sùng Văn Uy Nghi. Gã Công chúa Minh Châu cho Trần Thăng (em Trần Lãm), cho Thăng làm Phò Mã Đô Úy. Năm 972 sai Đinh Liễn sang sứ nhà Tống
Năm 973. Nhà Tống phong vua làm Giao Chỉ Quận Vương. Đinh Liễn làm Tĩnh Hải quân Tiết Độ sứ.
Năm 974 Quy đinh về mười đạo quân. Lý Công Uẩn sinh.
Năm 975. Quy đinh về áo mũ các quan văn võ. Sai Trịnh Tú sang sứ nhà Tống mang theo cống phẩm
Nhà Tống sai Cao Bảo Tự dẫn bọn Vương Ngạn Phù mang chế sách sang gia phong Đinh Liễn làm Giao Chỉ Quận Vương. Từ đấy về sau sứ nhà Tống sang đều xem Đinh Liễn là chủ.
- Năm 976. Tháng 10. Tống Thái Tổ Triệu Khuông Dẫn mất, em là Thái Tông Triệu Khuông Nghĩa lên ngôi.
Năm 978. Lập con nhỏ là Đinh Hạng Lang làm Hoàng thái tử, phong con thứ là Toàn làm Vệ Vương. Năm 979. Nam Việt Vương Liễn sai người ngầm giết Hạng Lang. sau hối hận nên nhờ Khuông Việt đại sư khắc dựng 100 thạch bi vừa nhằm mục đích hối lỗi và cầu nguyện cho vua cha và bản thân được bình yên. Nhưng đến tháng Mười, Đỗ Thích giết vua ở sân hậu cung, lại giết luôn cả Nam Việt Vương Đinh Liễn rồi trốn trên máng xối cung điện. Đinh Quốc Công Nguyễn Bặc lùng bắt được đem chém, đập dập xương, rồi cùng ngoại giáp Đinh Điền, thập đạo tướng quân Lê Hoàn rước Vệ Vương Đinh Toàn mới 6 tuổi lên ngôi, tôn mẹ đẻ vua mới là Dương Thị làm Hoàng Thái Hậu. Thập đạo tướng quân Lê Hoàn trở thành Phó Vương. Nguyễn Bặc, Đinh Điền , Phạm Hạp nghi ngờ bèn xuất quân muốn tiến về kinh đô. Nhưng Lê Hoàn ra tay trước giết Đinh Điền tại trận, bắt Nguyễn Bặc về kinh kể tội rồi đem chém bêu đầu. Phạm Hạp chạy đến Cát Lợi (Bắc Giang) rồi cũng bị bắt.
Phò Mã Ngô Nhật Khánh, trước kia lấy con gái Đinh Tiên Hoàng. Còn mẹ Khánh thì lấy Đinh Tiên Hoàng đườc phong làm Hoàng Hậu. Nhưng Nhật Khánh lạ mưu phản giết vợ rồi trốn sang Chiêm Thành nay dẫn quân Chiêm theo đường biển mưu toan đánh chiếm Hoa Lư, nhưng đến cửa Đại Ác và Tiểu Khang bị gió bão đánh đắm thuyền. Nhật Khánh và quân Chiêm đều chết cả. Chỉ còn thuyền của vua Chiêm thành chạy thoát.
PHẾ ĐẾ ĐINH TOÀN
Là con thứ của Đinh Tiên Hoàng, ở ngôi 8 tháng, bị Lê Hoàn cướp ngôi.
Năm 980. Tháng 6 Vua Tống Thái Tôn sai Hầu Nhân Bảo làm Giao Châu lục lộ thủy lộ chuyển vận sứ cùng bọn Tôn Toàn Hưng, Hác Thủ Tuấn, Trần Khâm Tộ, Thôi Lượng, Lưu Trừng, Giả Thục, Vương Soạn hợp quân chuẩn bị tiến đánh Đại Cồ Việt. Dương Thái Hậu sai Lê Hoàn chọn dũng tướng ngăn giặc, lấy Phạm Cự Lạng (em Phạm Hạp) làm đại tướng quân. Phạm Cự Lạng và các tướng sĩ khác đi thẳng vào nội điện tôn thập đạo tướng quân Lê Hoàn làm vua. Dương Thái Hậu lấy áo long cổn khoác lên người Lê Hoàn, mời lên ngôi Hoàng đế. Lê Hoàn lên ngôi, đổi niên hiệu là Thiên Phúc, giáng Đinh Toàn làm Vệ Vương
Tháng 8, vua Tống xuống chiếu tiến quân. Lại còn sai Lư Đa Tốn mang chiếu thư phủ dụ.
Trong năm này một người Việt là Quản Giáp Lưu Kế Tông đánh chiếm phần phía Bắc Chiêm Thành. Tự xưng làm vua. Sai sứ sang Tàu cầu phong.
Tháng 10 vua Lê Đại Hành, nha hiệu Giang Cự Vọng và Vương Thiệu Tộ mang giả thư Vệ Vương Toàn sang Tống xin nối ngôi cha. Vua Tống lại sai Trương Tông Quyền mang thư sang đòi Đinh Toàn và vua Lê Đại Hành sang chầu để ban mệnh.

VƯƠNG TRIỀU NHÀ TIỀN LÊ (981-1009)
LÊ ĐẠI HÀNH
Năm 981. Tháng 3, Nhà Tống chính thức khởi binh xâm lược. Hầu Nhân Bảo, Tôn Toàn Hưng đưa quân đến Lạng Sơn. Trần Khâm Tộ đến Tây Kết, Lưu Trừng đến sông Bạch Đằng. Vua Lê tự mình làm tướng, sai quân đóng cọc ngăn sông Bạch Đằng. Quân Tống còn sợ cái chết của Hoằng Tháo nên lui về sông Chi Lăng. Vua sai quân trá hàng rồi bắt sống Hầu Nhân Bảo đem chém. Trần Khâm Tộ run sợ dẫn quân về. Vua dẫn các tướng truy đuổi. Quân Tống chết quá nửa, bắt sống Quách Quân Biện, Triệu Phụng Huân mang về Hoa Lư
Vua Tống đành xuống chiếu rút quân, sai sứ quở trách bọn Lưu Trừng, Giả Thực, Vương Soạn. Trừng lo rầu ốm chết, Soạn bị giết ở Ung Châu, Tôn Toàn Hưng bị chém bêu đầu.
Năm 982. Lập 5 Hoàng Hậu; Dương thị (là Hoàng hậu của Đinh Tiên Hoàng, mẹ Vệ Vương Đinh Toàn) làm Đại Thắng Hoàng Hậu, Phụng Càn Chí Lý Hoàng Hậu, Thuận Thánh Minh Đạo Hoàng Hậu, Trịnh Quốc Hoàng Hậu, Phạm Hoàng Hậu. Tục dân tô tượng hai vua Đinh Tiên Hoàng và Lê Đại Hành và tương Dương Hậu cùng ngồi. Đến Lê sơ, Lý Thúc Hiến mới bỏ.
Trước đó vua sai Từ Mục, Ngô Tử Canh sang sứ Chiêm Thành, bị người Chiêm bắt giữ. Vua giận, thân đánh Chiêm Thành, giết Bê Mi Thuế tại trận. Bắt sống quân sĩ, kỹ nữ, lấy các đồ trân quý, sang phẳng thành trì, phá sạch tông miếu vua Chiêm mới quay về.
Năm 983. Tháng 2, đúc tiền Thiên Phúc. Xây dựng cung điện. Vua sai người con nuôi đi truy bắt Lưu Kế Tông, trốn ở Chiêm Thành với âm mưu phản loạn, rồi đem giết chết. Năm 985. Tháng 8, điểm dân để tuyển quân. Lấy Từ Mục làm Tổng Quản Tri Quân Dân Sự. Lấy Phạm Cự Lạng làm Thái Úy.
Năm 986. Mùa xuân, lần đầu tiên vua cày ruộng Tịch Điền ở núi Đọi xã Đội Sơn. Lại cày ở núi Bàn Hải. Tạo nên một tiền lệ thật đẹp cho các triều đại phong kiến sau này.
Nhà Tống lại sai Lý Giác sang. Khi Giác đến chùa Sách Giang, vua sai thiền sư Pháp Thuận[1] giả làm người coi sông ra đón. Giác rất thích nói chuyện văn thơ. Nhân thấy hai con ngổng đang lội trên mặt nước. Giác ngâm:
Nga nga lưỡng nga nga
Ngưỡng diện hướng thiên nga
Pháp sư đang cầm chèo, theo vần đọc nối hai câu cho Giác nghe:
Bạch mao phô lục thủy
Hồng trạo bãi thanh ba
Giác lấy làm lạ, khi về đến dịch quán làm thơ gởi tặng:
Hạnh ngộ minh thì tán thịnh du.
Nhất thân nhị độ sứ Giao Châu.
Đông đô lưỡng biệt tâm vưu luyến,
Nam Việt thiên trùng vọng vị hưu.
Mã đạp yên vân xuyên lãng thạch,
Xa từ thanh chướng phiếm trường lưu.
Thiên ngoại hữu thiên ưng viễn chiếu,
Khê đàm ba tĩnh kiến thiềm thu. [2]
Pháp Thuận đem thơ dâng lên vua. Vua gọi sư Ngô Khuông Việt[3] đến xem. Khuông Việt nói” Thơ này tôn bệ hạ không kém gì vua Tống” Vua khen ý thơ hay, tặng cho rất hậu. Khi Giác về, vua sai Khuông Việt làm bài hát để tiển:
Tường quang phong hảo cẩm phàm trương
Dao vọng thần tiên phục đế hương
Vạn trùng sơn thủy diệp thương lang,
Cửu thiên quy lộ trường.
Tình thảm thiết
Đối ly trường
Phan luyến sứ tinh lang
Nguyệt tương thâm ý vị biên cương
Phân minh tấu ngã hoàng [4]
Năm 988. Thái sư Hồng Hiến mất. Hiến là người Trung Quốc, thông hiểu kinh sử, từng giúp rập vua, mưu bàn việc nước.
Năm 989. Đổi niên hiệu Hưng Thống. Đại xá
Nguyên vua sai Quản Giáp Dương Tiến Lộc đi thu thuế hai châu Hoan, Ái. Tiến Lộc lấy hai châu ấy dâng cho Chiêm Thành. Vua Chiêm không nhận. Vua thân chinh giết Lộc và người hai châu vô số.
Năm 992. Sai Phụ Quốc Ngô Tử An đem ba vạn người mở đường bộ từ cửa biển Nam Giới đến châu Địa Lý. Năm 994. Tháng giêng, đổi niên hiệu là Ứng Thiên. Sai Phí Sùng Đức sang sứ nhà Tống. Vua Chiêm sai cháu là Chế Cai vào chầu.
Năm 995. Vua buông thả kỷ cương vùng biên giới, để dân sang Trung Quốc cướp bóc. Chuyển vận sứ lộ Quảng Tây là Trương Quan, Binh Mã Giám Áp trấn Như Hồng (thuộc Khâm Châu) là Vệ Chiêu Mỹ đều tâu là hơn một trăm chiến thuyền Giao Châu sang trấn Như Hồng cướp bóc lương thực mang đi. Mùa hạ, châu Tô Mậu nước ta (Lạng Sơn) đem 5000 hương binh xâm phạm Ung Châu nước Tống bị Dương văn Kiệt đánh trả phải quay về. Vua Tống không muốn động binh nên không hỏi đến. Nhưng cũng sai Trần Sĩ Long làm Thái Phỏng Sứ sang hỏi.
Năm 996. Tháng giêng, vua thân đi đánh lấy bốn động ở Ma Hoàng
Nhà Tống xử tội bọn Trương Quan, Vệ Chiêu Mỹ. Lấy Trần Nghiêu Tẩu làm Quảng Tây chuyển vận sứ. Nghiêu Tẩu đã điều tra và mang giao trả cho bọn Văn Dũng và 113 người, trước đây làm loạn, giết người ở trấn Triều Dương (Quảng Ninh) trốn sang Trung Quốc
Năm 997. Vua Tống phong vua làm Nam Bình Vương. Tháng 7, vua thân đi đánh bọn loạn đảng ở Đỗ Động Giang. Năm 999. Vua thân đi đánh Hà Động (Thạch Thành, Thanh Hóa) thu phục 49 động và phá được động Nhật Tắc ( Cao Bằng).  Năm 1000. Xuống chiếu đi đánh giặc châu Phong là bọn Trịnh Hàng, Trần Lệ, Đan Trường Ôn. Cả bọn chạy trốn vào núi Tản Viên
Dương hậu mất. Sai Từ Mục đi tuần Hải Tây, Ngô Hải An đi tuần cõi Bắc.
Năm 1001. Vua thân đi đánh Cử Long. Giặc tan vở nhưng Vệ Vương Đinh Toàn chết trận, hưởng dương 18 tuổi. Năm 1003. Vét kinh Đa Cái (nay là Hoa Cái, Hưng Yên, Nghệ An) nối Kinh Sắt với sông Lam. Năm 1005. Tháng 3 vua mất ở điện Trường Xuân, chôn ở sơn lăng châu Trường Yên
TRUNG TÔNG HOÀNG ĐẾ (983-1005)
Tên là Long Việt, con thứ ba của Lê Đại Hành, sinh năm 983, ở ngôi được 3 ngày bị em là Lê Long Đỉnh giết cướp ngôi.
KHAI MINH VƯƠNG (986-1009)
( Vua tên húy là Long Đỉnh, lại có tên là Chí Trung, là con thứ năm của Lê Đại Hành và là em cùng mẹ với Lên Trung Tôn. Trước được phong là Khai Minh Đại Vương, Trung Tôn lên ngôi dược 3 ngày, vua giết Trung Tôn mà cướp ngôi. Vua có bệnh trĩ, phải nằm mà coi chầu, ở ngôi được 4 năm thì chết, thọ 24 tuổi. Giết vua, cướp nước thỏa tính hoang dâm bạo ngược, tự đưa đến chỗ diệt vong)
Sử thần Ngô Thì Sĩ bàn: Xét việc Long Đỉnh cướp ngôi, không đáng được thụy hiệu đẹp, mà cái tên Ngọa Triều cũng không đúng. Có lẽ Lý Thái Tổ muốn dùng thụy hiệu xấu để gán cho, mà không biết rằng từ xưa những đế vương nào không đàng là vua thì gọi là phế đế, mạt đế hoạc lấy cái tên khi bị phế mà chép. Còn như cái tên Ngọa Triều thì thô bỉ không căn cứ, hơn nữa Long Đỉnh cướp ngôi của anh mà được nước, thì nên theo cách chép của Cương Mục về Tề Vương Trọng Quý, chỉ tước bỏ hiệu đế, vẫn chép Khai Minh Vương, không được xưng là Đế.
Khi cướp ngôi, truy tôn mẹ đẻ làm Hưng Quốc Quảng Thành Hoàng Thái Hậu, lập 4 hoàng hậu. Phong Lý Công Uẩn làm Tứ sương quan phó chỉ huy sứ. Giặc Cử Long kéo binh vào cửa Thần Đầu. Khai Minh Vương kéo binh đi Ái Châu đánh Cử Long.
Bính ngọ năm thứ 13 (1006) (vẫn theo niên hiệu Ứng Thiên; Tống Cảnh Đức năm thứ 3), mùa xuân tháng 2, Khai Minh Vương phong cho con trưởng là Sạ làm Khai Phong Vương, con nuôi Thiệu Lý làm Sở Vương, Thiệu Huân làm Hán Vương.
Đổi lại quan chế, triều phục, phẩm cấp cho các quan văn võ và tăng đạo, theo đúng như nhà Tống.
Mùa ha, tháng 6, nhà Tống sai Thiệu Việp đưa thư sang dụ. Trước đó, khi vua Lê Đại Hành mất, các vương tử giành nhau lên ngôi, trong nước rối loạn. Vua Tống nghe tin, sai tri châu Quảng Châu là Lăng Sách và Duyên Biên an phủ sứ là Thiệu Việp xem xét công việc mà tâu lên. Lăng Sách dâng thư tâu rằng:” Cứ như theo lời bọn Hoàng Khánh Tập và hơn nghìn người Giao Chỉ từ Liêm Châu đưa lên thì các con của Nam bình Vương mỗi người đều phân tán đặt trại sách, quan thuộc chia lìa, nhân dân lo sợ, xin đem quân sang đánh dẹp. Khánh Tập nguyện làm tiên phong, hẹn ngày có thể lấy được. Xin lấy lính đồn ở các châu ở Lĩnh Nam và cho thêm 5 ngàn quân tinh nhuệ ở Kinh Hồ, dường bộ dường thủy cùng tiến, có thể lập tức bình định được” Vua Tống nghĩ họ Lê lâu nay vẫn giữ lễ cống, không nỡ đánh trong lúc có tang. Ban chiếu cho bọn Sách vỗ về như trước, cốt cho được yên ổn, đồng thời sai Việp đưa thư nói rõ uy đức của triều đình, bảo anh em đừng giết hại lẫn nhau, nếu để lâu không định ngôi thứ, khi đó quân thiên triều hỏi tội, thì hối sao kịp. Khai Minh Vương là Long Đỉnh sợ xin được sai em sang cống.
Sử thần Nguyễn Nghiễm bàn: Long Đỉnh hung hãn, cướp ngôi, anh em tàn hại lẫn nhau, khắp thiên hạ đều căm ghét. Tống Chân Tôn nếu vì có họ Lê vẫn giữ chức phận tiến cống đáng mất thoì xô đổ đi, đáng còn thì giữ lấy có lẽ cũng là để nói rõ nghĩa lớn làm cho sáng tỏ tội cướp ngôi, rồi chọn người tốt trong các vương mà lập nên, thì cái nghĩa cứu tai nạn, thương láng giềngt, cả hai bề không ai chê được, mà giòng dõi của Lê Đại Hành quyết không mất ở đời Ngọa Triều và việc làm của Thiên tử cũng không ai chê được. Nhưng Tống Chân Tôn lại điềm nhiên nhìn như người người nước Việt chẳng để ý  đến sự béo gầy của người nước Tần, mà ban sứ chiêu an, sai sứ hiểu dụ. Thế lànm cho Long Đỉnh làm được việc cướp ngôi, cương thường  bị mất hết, lại ban ấn tước vương, đặt tên là Chí Trung sao mà xằng bậy quá thế.
Hành Quân Vương Minh Đề về nước. Từ cuối niên hiệu ứng thiên, Đề vâng mệnh sang nước Tống, rồi vì nước loạn không về được, ở lại Quảng Châu. Đến bây giờ, vua Tống ban chiếu cho Thiệu Việp khuyên Đề về hay ở cho được tự chọn. Minh Đề về nước, Việp muó6n nhân dịp này mưu cướp nước ta, bèn dâng vua Tống bản đồ vẽ dường thủy bộ từ Ung Châu đến Giao Châu. Vua Tống sợ phí tổn nên thôi.
Mùa đông, tháng 10, Khai Minh Vương nhân ngày sinh làm núi trúc, ban yến cho quần thần
Châu Vị Long dâng ngựa trắng, 4 vó đều có cựa.
Đinh Mùi năm thứ 14 (1007) (vẫn theo niên hiệu Ứng Thiên; Tống Cảnh Đức năm thứ 4), mùa xuân. Khia Minh Vương sai em là Minh Xưởng và trưởng thư ký Hoàng Thành Nhã dâng con tê trắng cho vua Tống và xin kinh Đại Tạng.
Mùa thu, tháng 8 Nhà Tống sai sứ ban sắc phong Khai Minh Vương tước Giao Chỉ Quân Vương, lĩnh Tỉnh Hải Quân tiết độ sứ, ban tên là Chí Trung, ban tước mệnh cho Minh Xưởng và Thành Nhã. Đúc ấn Giao Chỉ Quận Vương giao chuyển vận sứ Quảng Tây mang sang.
Mậu thân (1008) Cảnh Thụy năm thứ 1, Tống Đại Trung, Tường Phù năm thứ 1) Khai Minh Vương đổi niên hiệu. Tự làm tướng đi đánh Động Man, bắt được nhiều người, nhiều của rồi về. Lại đi đánh châu Đô Lương và Long Vị (Tuyên Quang)  bắt được người Man và 100 con ngựa. Đánh Ấn Động bắt được người Man rồi lấy gậy đánh. Người Man kêu gào tên húy của Lê Đại Hành. Lại đi đánh Hoan Châu và Thiên Liễu, bắt được người rồi nhốt vào chuồng đốt.
Kỷ Dậu (1009) Cảnh Thụy năm thứ 2, Tống Đại Trung, Tường Phù năm thứ 2) Sai sứ sang biếu vua Tống con tê ngưu đã được thuần dưỡng. Lại xin áo giáp, mũ trụ và các đồ dùng bằng vàng, vua Tống cũng cho. Lai xin thông thương với Ung Châu. Vua Tống chỉ cho thông thương với Liêm Châu và trại Như Hồng.
Sai quân dân Ái Châu (Thanh Hóa) đào kênh, đắp đường, dựng bia (như trụ cây số) từ cửa Văn Long qua Đỉnh Sơn đến Vũ Lũng theo lời xin của Đô Đốc Kiểu Hành Hiến. Lại nghe sông Vũ Lũng có thủy quái, Khai Minh Vương cho lập bốn bến đò, cho đóng thuyền để cho người qua lại.
Mùa thu, tháng 7, lại tự làm tướng đi đánh các châu Hoan Đường, Thạch Hà (Nghệ An), đến Hoàng Giang, Khai Minh Vương sai Hổ Thủ Ích dẫn 5 ngàn quân sửa đường từ Châu Giáp đến cửa Nam Giới.  Khi thuyền ra biển bổng mưa giông nổi lên mù mịt, só gió dữ dội, bèn quay thuyền vào bờ, lên đường bộ về kinh sư.
Mùa đông, tháng 10, Khai Minh Vương băng.
Trước đây, Long Đỉnh xin làm thái tử, Lê Đại Hành không cho, Long Đỉnh mưu phản, Lê Đại Hành không nỡ giết. Khi cướp ngôi mới tha hồ làm điều ác, tính thích giết người. Khi coi chầu sai bọn hề nhại theo lời tâu của các quan, thường róc mía lên đầu sư Quách Ngang, giả vờ lỡ tay trượt dao xuống đầu cho chảy máu. Long Đỉnh hoang dâm rượu gái, lâu dần thành bệnh trỉ, phải nằm mà coi chầu. (tôi chép gần đúng nguyên văn phần Khai Minh Vương trong ĐVSK tiền biên)

Ba triều vua nối tiếp nhau trong một thời gian ngắn ngủi (939-1009). Nhưng có đủ tất cả những bi tráng. Hai lần Bạch Đằng Giang dậy sóng, đầu Hoằng Thao chưa kịp rữa thì đầu Hầu Nhân Bảo đã rơi. Đất nước vẫn vẹn toàn. Đinh Tiên Hoàng đã xác định Phật Giáo là hệ tư tưởng chính thống của dân tộc khi phong Khuông Việt Đại sư Ngô Chân Lưu làm tăng thống, các thiền sư Trương Ma Ni làm Tăng Lục, Đặng Huyền Quang làm Sùng Chân uy nghi. Vua Lê Đại hành đã tạo nên một truyền thống mới, cày ruộng Tịch Điền ở núi Đọi như để xác định nhân dân Lạc Việt (bây giờ là Đại Cồ Việt) là con cháu của Thần Nông hay chính xác hơn khẳng định dân tộc này sống và tồn tại bởi một nền văn minh gọi là văn minh lúa nước. Thiền sư Pháp Thuận đã đường hoàng đối đáp với sứ Tàu trên tư cách là một trí thức Đại Việt không hề thua kém. Thế là sau 1000 năm nhân dân Lạc Việt xây dựng một nền văn hóa hoàn toàn độc lập để đối trọng và bóp chết loại hình văn hóa nô dịch. Nhân dân Lạc Việt đã cùng Phật Giáo khẳng định một cách hùng hồn “Đất Hán chưa chắc là trung tâm của trời đất” “Hán địa vị tất vi thiên trung dã”. Lê Long Đĩnh lập núi tre nhân ngày sinh nhật là muốn nói làng xóm (biểu hiện là các lũy tre) gộp lại đã làm thành sông núi để khẳng định tính thống nhất của quốc gia và dân tộc.
 Nhưng kèm theo đó thì cũng đầy những mưu mô tranh giành quyền lực hay tàn dư của tư tưởng nô dịch còn rơi rới lại. Một Kiều Công Tiễn phản bội giết chết cha nuôi, một Dương Tam Kha quên lời ủy thác, loạn 12 sứ quân, một Đỗ Thích giết vua. 10 vị hoàng tử của vua Lê Đại Hành giành ngôi chém giết nhau suốt 8 tháng, Lưu Kế Tông, Dương Tiến Lộc bán nước. Tất cả vì một thứ danh lợi, quyền lực mơ hồ đưa đất nước vào cảnh nồi da xáo thịt rồi cũng nhanh chóng lụi tàn. Điều này cũng dễ hiểu, phép nước chưa rõ ràng, ân uy không đúng chỗ. Làm chủ một đất nước không phải là chuyện dễ dàng gì khi mà cái thế nhân dân vẫn chưa ổn định hay nói đúng hơn là ba triều đại này chưa có được kinh nghiệm nắm vững cái thế nhân dân trong cuộc sống tự do. Ngô Vương Quyền, Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành đã khai thác một cách hiệu quả cái thế ấy khi đất nước lâm nguy, nhưng con cháu (ngoại trừ Lê Long Đỉnh) thì không biết khai thác cái thế ấy trong quá trình xây dựng một đất nước. Đành phải chờ vậy. Nhưng dù sao thì đất nước cũng đủ mạnh để đứng vững chờ thời gian ổn định.
Những trang sử cũ, vì một điều khách quan hay chủ quan nào đó, đã không phản ảnh hết những sự kiện, những tự tình của dân tộc. Mà điển hình là cuộc khởi nghĩa của Mai Hắc Đế đã nói ở trên và tư cách của Lê Long Đĩnh dưới đây.

LÊ LONG ĐĨNH:
BẠO CHÚA HAY MINH QUÂN?
            Lê Long Đỉnh là một ông vua kỳ dị nhất trong lịch sử. Kỳ dị vì thời gian trị vì ngắn ngủi và tàn ác nhất dưới mắt các nhà sử học (?).
            Nhân vật lịch sử đều là những con người với những thuộc tính y như những con người bình thường khác. Những hành vi của họ luôn luôn có đúng có sai. Sự khác biệt của những nhân vật lịch sử đối với những người thường chính là những hành vi của họ. Hành vi đó đúng hay sai cũng đều ảnh hưởng với mạnh mẽ đến cộng đồng. Người đương thời thì có những thái độ tương ứng và hậu thế thì nhìn vào và phán xét. Nhưng trường hợp của vua Lê Long Đĩnh thì… hơi lạ.
Những hành vi của Lê Long Đỉnh mà Đại Việt Sử Ký tiền biên và ĐVSK toàn thư thì không sai khác gì mấy. Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim thì lược bỏ gần hết những sự kiện dưới đây, nếu có ghi thì cũng không rõ ràng, Trước tiên chúng ta hãy xem những việc làm của Lê Long Đĩnh trong bốn năm làm vua. (căn cứ vào ĐVSK tiền biên và ĐVSK toàn thư)  Tạm gác qua một bên các hành động tàn sát anh em để lên ngôi:
1. Dù đã tận mắt nhìn thấy Lý Công Uẩn ôm xác Lê Long Việt mà khóc rống lên để tỏ lòng trung nghĩa. Nhưng Lê Ngọa Triều vẫn tin dùng và trao cho một chức vụ quan trọng nhất trong triều. Các trọng thần như Nguyễn Đê, Đào Cam Mộc, Trần Cảo, Ngô Đinh, Đào Thạc Phụ, Đặng văn Hiếu, Bùi Xa Lỗi, Vệ Trúc, Đàm Thản, Đỗ Giản, Lương Nhậm Văn, Lê Tái Nghiêm… vẫn bình yên với vị trí của mình. Không thấy Lê Long Đỉnh giết hay đày ãi một người nào và cũng không thấy ai phản đối chính sự của ông hay treo ấn từ quan.
2. Khi mới lên ngôi, đặt lại quan chế, phẩm phục cho trăm quan và tăng đạo theo như nhà Tống. Điều này là đúng hay sai mà không thấy ai tán đồng hay phản ứng.
3. Các trọng thần nhà Tống đòi đưa quân đánh Lê Long Đỉnh nhưng vua Tống không bằng lòng, còn phong làm Giao Chỉ Quận Vương. Khi Lê Long Đỉnh xin kinh Đại Tạng và giáp trụ cùng đồ trang sức bằng vàng thì vua Tống cũng gởi sang cho. Lại xin đặt người lập chợ trao đổi hàng hóa sang Trung quốc, vua Tống cũng bằng lòng. Thế không mạnh, nước không vững sao mà vua Tống kinh sợ thế.
4. Khi đô đốc Ái Châu Kiểu Hành Hiến xin đào kinh, đắp đường, cắm cột mốc (như trụ cây số bây giờ) từ Chi Long đến Đỉnh Sơn, Vũ Lung thì Lê Long Đỉnh cho thực hiện ngay. Lại nghe nói ở bến sông Vũ Lung có thủy quái hại người Lê Long Đỉnh sai hai ba người lội qua mà không có ai ra sao cả. Việc này là ngăn chận những tin đồn nhảm nhí hay là vua Lê Long Đĩnh “Đức trọng quỷ thần kinh”. Chẳng qua là sông sâu, nước xiết gì đây, nên cho lập bốn bến đò ở Vũ Lung, Bạt Cừ, Động Lung,  đóng ghe thuyền để đưa người qua lại. Lại sai Hồ Thủ Ích mang 5000 quân sửa chữa đoạn đường từ châu Hoan Đường đến cửa Nam Giới. Một chi tiết thú vị đây. Một ông vua bạo ngược mà tiến bộ ghê. Đi trước thời đại quá xa.
5. Róc mía lên đầu nhà sư Quách Ngang vì ghét hay ham vui? Thế mà các nhà sư Khuông Việt, Pháp Thuận, Vạn Hạnh và các nhà sư khác lại yên lành. Đại Cồ Việt lúc này như là một quốc gia Phật Giáo, nên tăng sĩ nhiều lắm mà sao chỉ có một Quách Ngang bị như vậy (cái tên cũng không có vẻ gì là nhà sư rồi, nghe giống thầy cúng thì đúng hơn) Hay là nhà sư Quách Ngang này là sư hỗ mang. Có sự mâu thuẩn nào không khi sai một sứ bộ sang Tống xin kinh Đại Tạng mà lại cư xử với người “tu hành“ Quách Ngang như thế.
6. Đã mang bệnh ngồi không nổi mà vẫn nằm để thiết triều, tháng 7 năm 1009 còn “nằm” thuyền. ngồi ngựa đi tiễu trừ bạo loạn ở Thanh Hoá, Nghệ An (đến tháng 10 mất) Ôi. Ông bạo chúa này cũng chăm lo việc nước đấy chứ.
7. Chỉ bốn năm ở ngôi vua mà đã 6 lần tự thân làm tướng đi tiễu trừ bạo loạn; năm 1005 đánh bọn phỉ ở Cử Long (Thanh Hoá), năm 1006 đi đánh bọn phỉ ở Đô Lương, Vị Long (Hà Tuyên), lại đi đánh An Động, đánh Hoan Châu và châu Thiên Liễu, năm 1009 cũng trong năm này lại đi tiễu trừ bọn phỉ ở Hoan Đường (Nghệ An). Hai lần tuần du xem xét dân tình thế nước. Một ông vua bị bệnh trỉ phải nằm để thiết triều mà trong vòng ba năm lại 6 lần dẫn quân đi đánh trận thì chuyện này hơi lạ.
8. Trong suốt 4 năm ở ngôi vua. Triều đình của Lê Long Đỉnh gần chỉ có… một mình ông. Không thấy những ông quan đại thần giúp rập hay phản đối. Cũng chẳng thấy ông quan nào bức xúc trước những hành vi “tàn ác” của Lê Long Đỉnh. Lại càng không thấy một âm mưu phế truất nào. Cả triều đình ấy im lặng hay những trang sử im lặng.
Bốn năm ở ngôi vua với một lịch làm việc dày đặc như thế, xen kẻ là những vụ giết người, những trò bạo ngược (?). Còn cái bệnh trĩ thì sử cho là ông dâm dục quá độ. Điều này e là không đúng. Nguyên nhân gây bệnh trỉ không phải là do dâm dục quá độ. Có nên bình tâm mà xem xét lại hành vi của Lê Long Đĩnh chăng? Nếu căn cứ trên những thông tin do sử cũ để lại, có thể nhận ra rất nhiều điều không hợp lý khi khẳng định Lê Long Đỉnh là một ông vua bạo ngược.
Có những vấn đề cần phải xét thêm:
- Đinh Tiên Hoàng quăng tội nhân và vạt dầu sôi, vào chuồng hổ đói thì cho là mọi người sợ và phục. Lê Long Đĩnh trói bọn phỉ rồi đốt lửa, nhốt vào chuồng quăng xuống sông thì cho là ác.
- Các ông vua khác se mình. thậm chí chẳng bệnh hoạn gì mà bỏ phế triều chánh thì không sao. Lê Long Đĩnh bị bệnh trỉ mà cũng ra nằm thiết triều thì lại chê. Mà biết vua Lê Long Đỉnh có bị bệnh trỉ không?
- Việc các vua khác tranh giành ngôi báu mà anh em giết nhau thì lấp liếm cho qua. Lê Long Đĩnh thì bảo là vô đạo.
- Ngô Thì Sĩ không hiểu căn cứ vào đâu mà nói Lý Công Uẩn vì căm giận Lê Long Đỉnh giết Lê Long Việt nên nhân lúc Lê Long Đĩnh đau mà sai người hạ độc rồi dấu kín việc đó, không cho sử chép. Nếu biết chắc thì tại sao không đưa vào chính sử. Thông tin này được để trong lời bàn thì có ý gì đây? Thật tình hơi khó hiểu (?!) Mà điều này cũng rất có thể. Vì tháng 7 còn đi đánh trận, tháng 10 thì băng.
- Một người vì rượu chè, dâm dục quá độ, lại bị bệnh trỉ thì không thể nào có thể có một lịch làm việc dày đặc và di chuyển liên tục như thế được.
Tóm lại, hậu thế phải hiểu sao đây? Cách chép sử của mấy ông nhà Nho này thâm thật. Khen Lê Long Đỉnh mà như chê. Chê Lê Long Đỉnh mà như khen.  Cái tốt của Lê Long Đỉnh hóa bình thường, cái xấu, cái tàn ác thì làm cho thêm ác. Hệ thống một cách rất vô lý các hành vi của một ông vua, mà chính bản thân ông, nếu như ông đọc được, cũng không tài nào hiểu được mình là ai. Ông Lê văn Siêu đã nhận ra vấn đề mà còn phải viết “ Chúng tôi nghĩ rằng chẳng nên lập dị mà đưa ra một nghi án lịch sử làm gì cho thêm rắc rối“ rồi chua chát nói thêm “ Mà tiện đây chúng tôi chỉ muốn đưa ra làm tỉ dụ để nói rằng lịch sử không chắc đã thực, mà truyền thuyết hoang đường của người nghệ sĩ mới nói hết cái băn khoăn của một thời đại. Cho nên học lịch sử văn học, người ta đỡ bị lừa dối hơn học lịch sử” (Việt Nam Văn Học Sử. Tr 214. Nxb Văn Học 2006). Lại thêm một hành vi thâm thúy nữa? Riêng tôi thì chắc là không còn ý kiến gì rồi. Xin lỗi Đức Vua. Hãy ngủ yên. Đừng thức dậy.
Cũng nói thêm một chút về lời bàn của các sử gia. Hầu hết cách nhà viết sử như Lê văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô sĩ Liên, Nguyễn Nghiễm, Ngô Thì Sĩ… thường dùng các điển tích hay các định chế của Truing Quốc để làm mực thước lấy tư tưởng Khổng Mạnh làm kim chỉ nam mà nhận định về những hành vi của các nhân vật lịch sử Đại Việt hay những sự kiện lịch sử đã xảy ra. Điều này, làm cho nội dung của những trang sử trông có vẻ khập khiểng. Đồng ý là người viết sử khó tránh khỏi để quan điểm riêng của tác động. Nhưng gì thì gì, sự thật của lịch sử vẫn phải được thể hiện đúng mức như có thể. Danh dự quốc gia, dân tộc phải được tôn trọng. Đọc những lời bàn của các sử thần làm tôi có cảm giác như các vị ấy, có đôi lúc quên mình là con Hồng, cháu Lạc.
Tôi đã lang thang tìm lại những dấu chân xưa cũ, mà bụi trần ai đã che khuất suốt ngàn năm, không phải là chuyện dễ dàng gì. Những gì còn sót lại của tổ tiên thì vẫn nhạt nhòa trong sương khói, nếu còn chăng thì chỉ có một quê hương đẫm đầy mồ hôi, nước mắt và máu xương. Nhưng nếu chỉ có thế thì đất nước đâu phải là quê hương. Còn một thứ vẫn bàng bạc xuyên suốt quá trình một ngàn năm ấy. Đó là những cây lúa vẫn xanh, rừng cây vẫn biếc, những giòng sông vẫn thì thào, biển vẫn mênh mông mang theo tiếng vọng của ngàn xưa. Tổ tiên không dạy dỗ cháu con bằng lời khuyên bảo hay răn đe mà bằng những gì đã để lại. Hành vi “để lại” đó, tổ tiên cũng không cần một lời tri ân, nếu có cần là một nơi cho cháu con mình sống. Những tiếng vọng ấy làm thành lời thơ câu hát đi suốt theo chuyến hành phương Nam vĩ đại. Nền tảng cho những tiếng vọng ấy cái bánh dày bánh chưng gói bằng lá dong từ thời Hùng Vương khi đi về phương Nam đã làm thành bánh ích, bánh tét gói bằng lá chuối cho nhẹ đôi vai của những người đi mở đất. Đó là hai khoảng lặng trong suốt hơn 4000 năm của lịch sử. Nhưng chính hai khoảng lặng đó đã làm nên những trang sử mang đầy tính văn hóa của một dân tộc hiền hòa. Tìm lại nơi này với những chứng tích và tư liệu ít oi. Nhưng tôi cũng nhận ra có một điều gì đó làm lòng tôi xao động. Nếu như 1000 năm xây dựng một bản lĩnh của sự hiền hòa bị lãng quên vì đã trôi dài theo lớp bụi thời gian, thì 219 năm của chuyến hành phương Nam ấy bị lãng quên vì định kiến. Cha ông không phiền trách, nhưng con cháu phải biết trân trọng. Phải hiểu rõ nơi mình đang sống để tự hào mà giữ gìn, tự hào mà tôn tạo. Đừng lãng quên, vì như thế là có tội với tiền nhân và có tội với bản thân mình.














PHẦN II

CUỘC HÀNH TRÌNH 219 NĂM CỦA
CHÚA NGUYỄN. (1558-1777)

Nâng chai rượu đế lên và rót
Trong suốt vành ly thơm ngát hương
Hạt nếp của thời đi mở nước
Ngàn năm hào sảng đất Nam Phương

Từ những năm trước ngày đất nước hoàn toàn độc lập, năm 939, vùng đất Địa Lý, Ma Linh, Bố Chính (nay là Quảng Bình, Quảng Trị) thuộc quận Nhật Nam của Lạc Việt. Do những biến thiên của lịch sử, khi đất nước hoàn toàn độc lập thì lại thuộc về Chiêm Thành. Các triều đại của vương quốc này có một quan hệ thường không hòa thuận với Đại Việt. Năm 1069 trước sự quấy nhiễu liên tục của Chiêm Thành, vua Lý Thánh Tông đã làm một cuộc nam chinh, bắt Chế Củ mang về Thăng Long. Vua Chiêm dâng phần đất này, hay trả lại,  để tạ tội.
Năm 1306. sau ba lần đánh tan tành bọn xâm lược Nguyên Mông năm 1257 đời Trần Thái Tôn, năm 1284,1288 đời Trần Nhân Tôn. Để giữ yên thế  nước, năm 1306, vua Trần Nhân Tông, lúc này là Thái Thượng Hoàng gã công chúa Huyền Trân cho vua Chiêm Thành là Chế Mân để nhận về hai châu Ô, Lý (nay là Quảng Trị và Thừa Thiên Huế).
Năm 1470 Chiêm Thành lại sinh sự, nhiều lần đưa quân xâm phạm phía nam đất nước. Vua Lê Thánh Tôn thân chinh đánh chiêm Thành, bắt Trà Toàn và lập phủ Quảng Nam. Vua Lê Thánh Tôn lại chia Chiêm Thành làm ba nước nhỏ để dễ bề kềm chế. Sự diệt vong của Chiêm Thành được chính các vương triều của họ ươm mầm.
Trải qua ba triều đại Lý, Trần, Lê với biết bao biến thiên mang đầy những hào hùng, phá quân Tống, tiêu diệt xâm lược Nguyên Mông, quét giặc Minh ra khỏi đất nước, rộng mở về phương Nam, khẳng định một giang sơn bằng lời thơ hào hùng trên bờ sông Như Nguyệt năm 1079 vang vọng khắp non sông:
Nam quốc sơn hà nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm pnhạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.
Một lần nữa, sau ba lần dạy cho Hốt Tất Liệt thế nào là chiến bại và cuối cùng đích thân vua Trần Nhân Tôn viết gởi cho Hốt Tất Liệt một lời giảng dạy cách làm vua:
Thiên tứ hoàng đế
Đế tứ thứ dân
Thần chúc thánh thượng
Ức vạn niên xuân
Trời cho làm vua
Vua làm cho dân
Thần chúc thánh thượng
Mãi mãi là xuân.
Đi xâm lược và buộc phải chống xâm lược thì không thể nào gọi là “đế tứ thứ dân” nên lại càng không thể có “ức vạn niên xuân”.
Năm 1228, khi quét sạch quân Minh ra khỏi bờ cõi. Nguyễn Trãi lại khẳng định lại lời dạy dỗ đó trong Bình Ngô Đại Cáo và khẳng định nền độc lập của đất nước trên mọi lĩnh vực:
…Như nước Việt ta từ trước, vốn xưng văn hiến đã lâu. Sơn hà, cương vực đã chia, phong tục bắc nam cũng khác
Từ Đinh Lê Lý Trần gây nền độc lập, cùng Hán Đượng Tống Nguyên hùng cứ một phương. Dẫu cường nhược có lúc khác nhau, nhưng hào kiệt đời nào cũng có…( Trích bản dịch của Phan Kế Bính)
Sau khi vua Lê Hiến Tông băng hà. Nhà Lê bước vào ngưỡng cửa suy vong. Đất nước lại rơi vào loạn lạc. Để rồi năm 1558, trước tình hình đất nước vô cùng rối ren, thế mà những đôi chân hành phương Nam được cất lên tiếp bước cha ông, theo lời khuyên của một người đang rủ tay áo nhìn xem thế sự, Nguyễn Bỉnh Khiêm, cho một người đang bị dồn đến đường cùng. Nguyễn Hoàng.
           
            HƯNG QUỐC CÔNG NGUYỄN KIM (1467-1545) TRIỆU TỔ TĨNH HOÀNG ĐẾ.
            Nguyễn Kim sinh năm 1467 là con trưởng của Trừng Quốc Công Nguyễn Hoàng Dụ. Giòng dõi Đinh Quốc Công Nguyễn Bặc thời Đinh Tiên Hoàng và Quan Phục Hầu Nguyễn Trãi, người đã giúp Bình Định Vương Lê Lợi trong cuộc kháng chiến đánh đuổi quân Minh.
            Năm 1527. Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê. Ông dẫn gia quyến sang Ai Lao. Vua Ai Lao là Sạ Đẩu cho ở Sầm Châu. Ở đây, ông thu nạp hào kiệt, chiêu mộ binh lính chuẩn bị trung hưng.
            Năm 1532 ông tìm được Lê Duy Ninh là con út của vua Chiêu Tông lập lên làm vua tức vua Lê Trang Tông.
            Năm 1540 đem quân về đánh Nghệ An.
            Năm 1542 đánh chiếm Nghệ An, Thanh Hóa.
            Năm 1543 đánh chiếm Tây Đô.
            Năm 1545 khi đánh Sơn Nam, ông bị hàng tướng nhà Mạc Dương Chấp Nhất đánh thuốc độc chết. Quyền hành thuộc về tay con rể là Trịnh Kiểm.

CHÚA TIÊN NGUYỄN HOÀNG (1558-1613) THÁI TỔ GIA DỤ HOÀNG ĐẾ.
Ông là con trai thứ hai của Nguyễn Kim, sinh năm 1524 tại Gia Miêu ngoại trang, huyện Tống Sơn, phủ Hà Trung, Thanh Hóa.
- Năm 1558. Trước cái chết đầy nghi vấn của cha là Nguyễn Kim (1467-1545) và anh là Nguyễn Uông (1554). Để tránh họa sát thân, ông nhờ cậu mình là Nguyễn Ư Dĩ đến hỏi ý kiến và theo lời khuyên của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ông xin về Thuận Hóa mang theo cả gia đình, họ hàng trong đó có con của Nguyễn Uông là Nguyễn Uyên và những nhân tài gốc Thanh Nghệ, tháng 10 chúa đặt lỵ sở tại làng Ái Tử, huyện Triệu Phong (Quảng Trị ngày nay) và bắt đầu xây dựng nền móng đầu tiên cho công cuộc Hành Phương Nam Các tướng Nguyễn Ư Dĩ, Tống Phước Trị, Mạc Cảnh Huống, Nguyễn Triều Văn… bắt tay vào xây dựng lực lượng, hoạch định kế sách được Chúa tin dùng và cho thực hiện, đặt đồn trấn giữ các cửa biển để phòng chống quân nhà Mạc thường hay vào cướp phá. Đến năm 1569 ông được vua Lê giao trấn nhậm luôn cả đất Quảng Nam. Cũng trong năm Mạc Mậu Hợp sai Mạc Kính Điển đem quân xâm phạm Thanh Nghệ. Năm 1570 lại dời dinh phủ về làng Trà Bát, tức Cát Dinh. Vua Lê triệu trấn thủ Quảng Nam là Nguyễn Bá Quýnh về, giao cho ông kiêm lĩnh trấn thủ Quảng Nam. Trịnh Kiểm chết. Trịnh Tùng (con Ngọc Bảo) lên thay.
Năm 1571 Trịnh Tùng mật sai bọn Mỹ Lương, Văn Lang, Nghĩa Sơn làm loạn tiến đánh Minh Linh (Gio Linh Quảng Trị). Ông sai Trương Trà đem quân chống cự và tự mình đem quân đánh úp vào Cầu Ngói giết được Mỹ Lương. Trương Trà bị chúng giết, vợ là Trần thị xua quân bắn chết Nghĩa Sơn.
Cũng trong thời gian này có bọn thổ mục gây loạn ở Quảng Nam, ông sai Mai Đình Dũng dẹp yên.
Năm 1572. Tướng nhà Mạc là Lập Bạo đem quân xâm phạm Ái Tử. Lập Bạo là tên háo sắc. Ông sai thị nữ Ngô thị Ngọc Lâm (người làng Thế Lại) làm mỹ nhân kế giết chết Lập Bạo. Tất cả quân tướng của Lập Bạo đầu hàng. Ông đưa hết vào Quảng Nam cấp tiền, ruộng, ngưu canh, điền khí cho làm ăn, ai muốn về quê thì cấp lương thực cho về. Ông gã Ngô thị Ngọc Lâm cho Vũ Doãn Trung
Hơn 10 năm trấn nhậm, vừa xây dựng lực lượng vừa phát triển kinh tế, ông đã làm thay đổi bộ mặt của Thuận Hóa, Quảng Nam. Các thương nhân nước ngoài tìm đến càng lúc càng đông hơn. Hội An dần dần trở thành một trung tâm thương mại nổi tiếng.
Năm 1578 Chúa Nguyễn sai Lương văn Chính đem quân đánh lấy thành An Nghiệp (Tuy Hòa)
Năm 1585. Có 5 chiến thuyền của người Hà Lan vào đánh phá Cửa Việt và cướp bóc các làng ven biển. Người con thứ sáu của Chúa Nguyễn là Nguyễn Phúc Nguyên đã đưa thủy quân với 10 chiến thuyền đánh và đốt cháy 2 chiến thuyền của giặc. Những chiếc còn lại bỏ chạy và không dám đến nữa.
Năm 1592. Trịnh Tùng đưa quân đánh Mạc Mậu Hợp chiếm được Đông Đô
Năm 1593. Chúa trở ra Bắc và ở lại 8 năm giúp Trịnh Tùng đánh đuổi nhà Mạc. Dù lập được nhiều công to, đã giúp vua Lê bình định xứ Bắc nhưng không vì thế mà sự nghi kỵ của Trịnh Tùng đối với cậu mình giảm đi. Trong chiến dịch Sơn Nam năm 1594 đánh Mạc Kính Chương, người con thứ hai của Chúa là Lỵ Quận Công Nguyễn Hán tử trận.
Năm 1596. Giáo sĩ người Tây Ban Nha là Diego Adverte được các chiến thuyền đưa vào giảng đạo. Chúa Nguyễn lúc đó đang ở Bắc Hà, Công tử Nguyễn Phúc Nguyên lo sợ có sự quấy nhiễu nên đuổi đi
Năm 1600. Nhân việc Phan Ngạn, Ngô Đình Hàm, Bùi văn Khuê khởi binh chống lại Trịnh Tùng ở cửa Đại An. Ông đem cả tướng sĩ thuộc quyền giả cách nói là đi đánh dẹp, rồi men theo đường biển về Thuận Hóa. Tháng 5 Chúa về đến Thuận Hóa. Công cuộc Nam Tiến thực sự bắt đầu bằng việc xây dựng kinh tế, ổn định nhân tâm, phát triển lực lượng. Từ đấy ông ở hẵn Thuận Hóa.
Năm 1601. Ông cho xây chùa Thiên Mụ huyện Hương Trà và cũng trong năm này một hạm đội Hà Lan đổ bộ vào cửa Thuận An quấy phá cư dân vùng ven biển và lại bị quân Chúa Nguyễn do Nguyễn Phúc Nguyên chỉ huy đánh tan. Sau khi vùng Thuận Hóa đã thực sự ổn định về chính trị, kinh tế đã phát triển, chúa Nguyễn Hoàng nhìn về phương Nam và chuẩn bị bị nền móng để bắt đầu chuyến hành Phương Nam và sau sự kiện công tử Nguyễn Phúc Nguyên đánh chìm hai tàu Hà Lan xâm nhập hải phận để cướp phá, chúa Nguyễn Hoàng nhìn ra biển đông để tìm cách xác lập chủ quyền quốc gia.  Chúa tìm cách giao hiếu với hoàng gia Nhật Bản bằng công hàm gởi cho tướng quân Tokugawa Ieyasu nhằm tìm kiếm sự giao thương. Và Chúa đã thành công. Không riêng gì Nhật Bản, đối với các quốc gia phương Tây, ông cũng làm thế nhưng cẩn trọng hơn. Năm 1602. Ông cho xây chùa Sùng Hóa huyện Phú Vang. Ông đi thị sát Quảng Nam, đến đèo Hải Vân xem xét địa thế rồi cho dựng trấn Cẩm Húc (Duy Xuyên) lập kho chứa lương thực rồi sai con thứ sáu là Nguyễn Phúc Nguyên trấn thủ Quảng Nam. Cũng trong năm này vua Chiêm Thành sai sứ sang thông hiếu. Dựng chùa Long Hưng
Năm 1607. Ông cho xây chùa Bảo Châu ở Trà Kiệu Quảng Nam
Năm 1608. công cuộc giao thương với Nhật Bản càng ngày càng phát triển. Chúa Nguyễn Hoàng đã có nhiều công hàm chính thức đến hoàng gia Nhật Bản để nâng tầm và củng cố quan hệ giao thương. Và chúa Nguyễn Hoàng cũng đã nhận một thương nhân Nhật Bản là ông Hunamoto Yabeiji làm con nuôi. Không riêng gì Nhật Bản, Chúa còn mở rộng cửa giao thương với tất cả thương nhân các nước.
Năm 1609. Ông cho xây chùa Kính Thiên, Thuận Trạch Quảng Bình.
Năm 1610. Ông cho xây dựng chùa Long Hưng ở Quảng Nam. Những ngôi chùa được xây dựng liên tiếp, ngoài việc sùng đạo của bản thân Chúa Nguyễn còn có một ý nghĩa khác là nhằm xây dựng, củng cố một chỗ dựa tinh thần cho nhân dân trong quá trình xây dựng và phát triển mà cũng là đối phó lại với một tôn giáo khác với những giáo điều hoàn toàn xa lạ với phong tục tập quán của dân tộc. Thiên Chúa giáo.
Năm 1611 Chiêm Thành đem quân gây hấn. Chúa sai Văn Phong đưa quân chiếm lấy, đặt phủ Phú Yên chia ra làm hai huyện Đồng Xuân và Tuy Hòa. Để tạo dựng một giang sơn cho riêng mình một cách cơ bản và vững chắc. Chúa đưa những lưu dân từ miền Bắc vào cấp ruộng đất cho họ định cư. Thiết lập hệ thống hành chánh, bổ dụng thêm quan lại để đáp ứng yêu cầu phát triển và ổn định vùng đất mới. Chú trọng đặc biệt vào công cuộc phát triển nông, thương nghiệp và tuyển dụng nhân tài. Song song theo đó là tổ chức binh bị vừa để bảo vệ trị an và phòng ngừa bị chúa Trịnh tấn công dưới sự giúp rập của Nguyễn Ư Kỷ, Tống Phúc Trị, Nguyễn Triều Văn, Bùi Tá Hán và một số quan lại Bắc Hà theo về như Lương văn Chính, Nguyễn Cửu Kiều, Nguyễn Dương Hưu, Nguyễn Đức Tráng, Nguyễn Đức Bảo, Mạc Cảnh Huống, Trần Đức Hòa... Tất cả những việc làm ấy được đặt trên cơ sở lấy dân làm gốc. Lời dặn dò trước phút lâm chung dành cho con trai Nguyễn Phúc Nguyên vào năm 1613 “ Đất Thuận, Quảng này bên bắc thì có núi Hoành Sơn, sông Linh Giang, bên nam có núi Hải Vân, núi Bi Sơn thật là nơi trời cho để cho người dụng võ. Vậy ta phải thương yêu nhân dân, luyện tập quân sĩ để mà gầy dựng cơ nghiệp muôn đời ”. Lời dặn dò này được ghi nhớ và thực hiện xuyên suốt gần hai trăm năm từ năm 1613 đến năm 1777. Làm tiền đề cho một cuộc thống nhất vĩ đại của đất nước năm 1802, từ một cơ đồ bao gồm cội nguồn của dân tộc và hành phương nam khai hoang phục hóa lớn nhất lịch sử.

CHÚA SÃI NGUYỄN PHÚC NGUYÊN (1563) (1613-1635) HY TÔNG HIẾU VĂN HOÀNG ĐẾ
Ông là con thứ sáu của Chúa Tiên. Ông lên ngôi Chúa năm 1613 lúc đã 50 tuổi. Ông thừa hưởng một nền tảng vững chắc của cha để lại và phát triển với sự ủng hộ tuyệt đối của nhân dân mà đại biểu là những nhân vật kiệt xuất như Trần Đức Hoà, Đào Duy Từ (1572-1631), Nguyễn Hữu Dật (1603-1681), Nguyễn Hữu Tiến (1602-1665). Nguyễn Phúc Khê (1589-1646). Lúc này các quan lại nhà Lê bất mãn thói lộng quyền kiêu ngạo của Trịnh Tùng bỏ Bắc Hà dẫn theo gia đình thuộc hạ và cả binh lính vào Thuận Hóa càng lúc càng đông. Binh lực được tăng cường. Công cuộc khai hoang được thêm sức lực. Năm 1614 Chúa Nguyễn Phúc Nguyên bắt đầu cho xây dựng lại hệ thống hành chánh và bổ dụng quan lại. Đặt ra tam ty: Ty Xá Sai coi về văn án, từ tụng; Ty Tướng Thần lại coi việc thuế má, lương bổng; Ty Lệnh Sử coi việc lễ tiết, tế tự. Cũng trong năm này, Chúa cứu một người Bồ Đào Nha tên Jean de la Croix và cho đến Huế lập lò đúc súng. Sai con trưởng là Cai Cơ Tôn Thất Kỳ trấn giữ Quảng Nam
Năm 1615 lập ra những quy chế về chức vụ và quyền hạn của phủ huyện. Cũng trong năm này có giáo sĩ người Tây Ban Nha P.Busomi đến giảng đạo.
Nhằm phát triển kinh tế tạo ấm no cho nhân dân và củng cố tiềm lực chiến đấu để bảo vệ những thành quả đã đạt được. Năm 1617 Chúa cho đặt Nhà Đồ thu mua các hàng hóa phẩm, khoáng sản giao cho Nội Lệnh Sử Ty giữ. Ngoại thương phát triển mạnh dần, các thương nhân từ Phúc Kiến, Quảng Đông, Nhật Bản đến Hội An, Thanh Hà càng lúc càng đông mang theo, vũ khí, hàng mỹ nghệ, thực phẩm, kẽm bạc, đồng và mua đi tơ lụa, lâm sản, đường, nông sản, yến sào
Năm 1618 cho đo đạc lại ruộng của dân để cấp sổ khoán và thu thuế.
Năm 1619 Trịnh Tùng giết vua Lê Kính Tông rồi lập con là Duy Kỳ lên làm vua tức vua Lê Thần Tông.
Chúa Nguyễn Phúc Nguyên gã công nữ Ngọc Vạn cho một thương gia người Nhật là ông Araki Satano và ban cho cho quốc tính, để tăng cường và củng cố quan hệ giao thương. Đến năm sau 1620 Chúa Nguyễn Phúc Nguyên lại có một đông thái ngoại giao mang tính quyết định cho công cuộc Nam tiến. Thiết đặt một quan hệ thân thiện với Chân Lạp bởi cuộc hôn nhân của công nữ Ngọc Khoa và vua Chây Chittâ II. Vua Chân Lạp đã đồng ý cho người Việt đến mua bán và tổ chức khai hoang lập ấp ở khu vực đồng bằng Sông Cửu Long. Nhiều làng xã người Việt được hình thành ở Mô Xoài (Đồng Nai) tạo nên một đầu cầu cho các cuộc di dân liên tục suốt mười mấy thập kỷ sau. Cũng trong năm này Chưởng Cơ Nguyễn Phúc Hợp, Chưởng Cơ Nguyễn Phúc Trạch là con thứ 7 và thứ 8 của Chúa Nguyễn Hoàng âm mưu nổi loạn. Họ câu kết với chúa Trịnh, nếu thành công sẽ chia đôi Thuận Hóa. Nhưng âm mưu bại lộ bị bắt giam rồi đổ bệnh mà chết trong ngục. Năm 1621 các thổ hào của Ai Lao thả quân qua sông Hiếu cướp bóc. Chúa sai Tôn Thất Hòa đi đánh và bắt hết mang về răn dạy rồi tha.
Năm 1622 Đặt dinh Ai Lao, mộ dân chia là 6 thuyền quân để trấn giữ, mở ra con đường giao thương về hướng tây
Năm 1623. Trịnh Tùng đổ bệnh, con thứ là Trịnh Xuân nổi loạn đốt Đông Đô, bức Tùng đến Thanh Xuân (Thanh Oai). Tùng chết dọc đường. Trịnh Tráng lên thay. Các tướng đòi xuất binh. Chúa bảo “ Tùng không biết có vua, Xuân không biết có cha, đạo trời báo ứng thật chẳng lầm vậy… Ta cũng muốn nhân cơ hội này nổi nghĩa binh để phò vua Lê. Nhưng lúc đánh người lúc có tang là bất nhân, thừa lúc người lâm nguy là bất vũ. Huống chi, ta với Trịnh có nghĩa thông gia, chi bằng trước hết đem lễ phúng để xem tình hình rồi hãy liệu kế”
Năm 1624 lại có giáo sĩ người Pháp Jean Rhodes đến Phú Xuân lập giáo đường giảng đạo.
Năm 1625 Đào Duy Từ là người Hoa Trai, huyện Ngọc Sơn, Thanh Hoa, thông suốt kinh sử, giỏi thiên văn, thuật số, vì cha là kép hát Đào Tá Hán nên không được đi thi. Nghe tiếng Chúa Nguyễn là người trọng nhân tài nên tìm vào Nam. Ở Vũ Xương hơn tháng không ai biết. Nghe tiếng khám lý Hoài Nhân Trần Đức Hòa là người mưu trí, được Chúa tin dùng, bèn vào Hoài Nhân làm người chăn trâu cho một phú ông ở Tuần Châu. Phú ông biết là người có tài bèn tìm cách nói với Trần Đức Hòa. Trần Đức Hòa vời đến và nhận ra là bậc kỳ tài bèn gả con gái cho. Đào Duy Từ làm Ngọa Long Cương Ngâm.
Năm 1626 dời lỵ sở vào Kim Long (Thừa Thiên). Phong văn chức cho Nguyễn Hữu Dật (con của Nguyễn Triều Văn),
Năm 1627 Trịnh Tráng giả tiếng vua Lê mang chiếu vào phủ dụ cho con ra chầu và đòi thuế. Ông tiếp sứ nhưng không đóng thuế. Lấy lý do đó, Trịnh Tráng sai Nguyễn Khải và Nguyễn Danh Thế đem quân đi tiên phong còn tự mình rước vua Lê vào đánh. Chúa Nguyễn sai cháu là Nguyễn Phúc Vệ làm tiết chế cùng Nguyễn Hữu Dật, Nguyễn Phúc Tuyên đem quân trấn giữa các nơi hiểm yếu. Quân Trịnh tiến đánh bị chết hại rất nhiều. Nguyễn Hữu Dật sai người phao tin Trịnh Gia, Trịnh Nhạc làm phản. Trịnh Tráng lo sợ phải rút quân về. (lần thứ nhất)
Trần Đức Hòa tiến cử Đào Duy Từ cho Chúa Nguyễn Phúc Nguyên. Khi Chúa gặp và trọng dụng Đào Duy Từ, cục diện nhanh chóng thay đổi theo hướng tích cực. Binh lực ngày càng hùng mạnh
Sau việc này. Chúa Nguyễn và các tướng, với sự tham mưu của Đào Duy Từ, thấy rằng cần phải giữ yên mặt Bắc mới có thể rảnh tay mà hướng về Nam.
Năm 1628 tuyển mộ và huấn luyện binh sĩ.
Năm 1629 Văn Phong cấu kết với Chiêm Thành làm phản. Chúa Nguyễn sai Nguyễn Hữu Vinh (Con trai Mạc Cảnh Huống, cho mang quốc tính và cũng là con rể, chồng của Trưởng công nữ Ngọc Liên) đánh dẹp và lập nên Dinh Trấn Biên
Năm 1630. Đào Duy Từ cho đắp lũy Trường Dực ở huyện Phong Lộc Quảng Bình. Đồng thời, Đào Duy Từ vâng lệnh Chúa Nguyễn lập mưu trả lại sắc phong, từ chối việc đóng thuế và đưa con về Đông Đô chầu vua. Chúa sai Văn Khuông mang về Đông Đô mâm đồng hai đáy, đựng sắc phong và một tấm thiếp có bốn câu thơ “Mâu nhi vô dịch. Mịch phi kiến tích. Ái lạc tâm trường. Lực lai tương địch”. Bốn câu thơ này làm theo lối chiết tự có nghĩa là “ Dư bất thụ sắc “. Tức là “ Ta không nhận sắc”. (Chữ mâu không có dấu phẩy ở nách là chữ dưlà ta. Chữ mịchkhông có chữ kiếnlà chữ  bất là không. Chữ áirơi mất chữ tâmthành chữ thụ là nhận. Chữ lựcđứng sau chữ lailà chữ sắc)  Cũng trong năm đó sai Nguyễn Đình Hùng đem quân đánh chiếm bắc Bố Chính.
Năm 1631 xây tiếp lũy Thầy từ cửa Nhật Lệ. Đồng Hới đến núi Đâu Mâu và cho lập thêm sở đúc súng và mở trường huấn luyện binh sĩ. Cũng trong năm này Chúa Nguyễn cấm không cho người phương Tây đến giảng đạo. Đào Duy Từ tiến cử Nguyễn Hữu Tiến.
Năm 1632 cho thi hành phép duyệt dân tuyển quân, làm sổ chính hộ và khách hộ. Đặt thành lệ cứ 6 năm một lần tuyển lớn, 3 năm một lần tuyển nhỏ.
Trong khoảng thời gian này. Thủy Quân của Chúa Nguyễn rất mạnh và có thể Chúa đã cho lập đội thủy quân Hoàng Sa trong giai đoạn này.
Lấy Tôn Thất Tuấn trấn thủ Quảng Nam
Năm 1633. Người con thứ ba của Chúa là Anh đang là trấn thủ Quảng Nam có ý tranh đoạt vương vị, sai người đưa thư cho Trịnh Tráng xin làm nội ứng. Trịnh Tráng nhận được thư liền mang đại binh vào đóng cửa Nhật Lệ chờ Ánh làm nội ứng. Biết được mưu gian Chúa một mặt không cho Anh ra trấn thủ Quảng Bình và sai Nguyễn Mỹ Thắng, Nguyễn Hữu Dật đem quân chống giữ. Trịnh Tráng chờ đợi nội ứng lâu ngày không được, quân lính sinh ra lơ là. Quân chúa Nguyễn xuất kỳ tiến đánh. Trịnh Tráng thấy không xong cho rút quân về ( lần thứ hai )
Năm 1634. Chúa sai con nuôi là một thương nhân Nhật Bản là Toba mang thư chính thức mời các thương nhân Nhật Bản đến làm ăn và dành cho họ nhiều thuộn lợi tại thành phố cảng Hội An. Nước Mặn (Bình Định) Tháng 10 Đào Duy Từ mất. Ông chỉ giúp Chúa hơn bảy năm nhưng đã xây dựng được một nền tảng vững chắc cho một chính quyền với một sách lược xuyên suốt cho một quá trình hành phương Nam và xây dựng một giang sơn.
Năm 1635. Chúa mất
CHÚA THƯỢNG NGUYỄN PHÚC LAN (1601) (1635-1648). THẦN TÔNG HIẾU CHIÊU HOÀNG ĐẾ
Ông là con thứ hai của Nguyễn Phúc Nguyên, cháu ngoại Mặc Kính Điển
Năm 1635. Ông cho dời lỵ sở từ Ái Tử vào Kim Long, huyện Hương Trà vừa lúc đó từ Quảng Nam, Anh phát binh làm phản bị chú là Nguyễn Phúc Khê phát binh bắt được Anh và đem giết đi.
Năm 1637 Thuận Hóa bị đói. Chúa sai mở kho chẩn cấp.
Năm 1638. Tổ chức lại triều chính gồm bốn  chức vụ quan trọng Nội Tả, Ngoại Tả, Nội Hữu, Ngoại Hữu. Năm 1640 sai Nguyễn Phúc Kiều, Trương Phúc Phấn đánh lấy Bắc Bố Chính. Trịnh Tráng viết thư nói tình nghĩa. Chúa trả lại Bắc Bố Chính.
Tháng 11 năm 1641 hai tàu Hà Lan xâm phạm lãnh hải gần cù lao Chàm (Quảng Nam) bị quân Chúa Nguyễn đánh chìm và bắt giữ 82 tù binh về giam ở Hội An
Năm 1642 Chúa ra cửa Thuận An thấy thủy quân luyện tập không nghiêm chỉnh lệnh cho ba huyện Hương Trà, Quảng Điền, Phú Vang làm trường thao diễn thủy quân ở xã Hoằng Phúc (Phú Vang). Từ đấy thủy quân càng ngày càng tinh luyện và trở thành lực lượng thủy quân hùng mạnh nhất vùng Đông Nam Á thời bấy giờ.
Năm 1643 Trịnh Tráng lại rước vua Lê vào Bắc Bố Chính. Trịnh Tránh thấy nội tình Chúa Nguyễn không yên bèn phát binh vào đánh Nam Bố Chính và giết Bùi Công Thắng rồi tiến quân vào Nhật Lệ. Nhưng lại vào mùa nóng nực, quân lính không quen thủy thổ bị bệnh chết rất nhiều. Trịnh Tráng phải rút quân. (lần thứ ba)
Năm 1644 tháng 7 một hạm đội gồm năm tàu thuyền Hà Lan liên kết với chúa Trịnh do Pitre Baek chỉ huy vào cửa Thuận An cướp phá các thương thuyền. Công Tử Nguyễn Phúc Tần đem thủy quân đánh dẹp. Đánh chìm tàu chỉ huy, Pitre Baek bị giết Và lần này lệnh cấm giảng đạo được thi hành triệt để, có một số giáo sĩ phương Tây bị bắt và bị trục xuất.
Năm 1646 tổ chức khoa thi đầu tiên. Khoa chính đồ chọn người ra làm quan. Thi Hoa văn chọn người viết chữ tốt làm thư lại. Tôn Thất Khê mất
Năm 1648 Trịnh Tráng lại sai Tiến Quận Công Lê văn Hiểu đem quân thủy bộ vào đánh Quảng Bình gặp phải sự kháng cự quyết liệt của anh em Cai Đội Trương Triều Lương, Trương Triều Nghị. Quân Trịnh tiến binh đến Võ Xá nhưng lại gặp sự phòng thủ chắc chắn của cha con Trương Phúc Phấn tại lũy Trường Dực nên cũng không làm gì được. Chúa Thượng sai con là Nguyễn Phúc Tần đem quân ra chống Trịnh, tự mình theo quân đốc chiến. Khi ra đến Quảng Bình. Nguyễn Phúc Tần hội các tướng lại và giao nhiệm vụ phá giặc. Nhờ một người đàn bà tình nguyện do thám quân tình của Trịnh Tráng về báo lại đầy đủ nên đại thắng Quân Trịnh thua to và bị đuổi mãi đến sông Lam Giang. (lần thứ tư) Quân Chúa Nguyễn thắng lớn bắt được nhiều tướng lãnh và hơn ba ngàn quân Trịnh. Chúa chu cấp tiền bạc, ngưu canh diền khí và đất ruộng cho canh tác. Trên đường về lỵ sở  Chúa lâm bệnh, về đến Phá Tam Giang. Chúa mất trên thuyền
CHÚA HIỀN NGUYỄN PHÚC TẦN (1619) (1649-1687) THÁI TÔNG HIẾU TRIẾT HOÀNG ĐẾ
Năm 1649 Vua Lê Chân Tông mất, không con nối ngôi. Vua Thần Tông trở lại ngôi.
Năm 1650. Đào kinh Mai Xá
Năm 1651. Sau một thời gian khá dài lưu hành trong các giáo dân. Cuốn tự điển đầu tiên bằng chữ Quốc Ngữ viết bằng ký tự Latin “Việt-Bồ La” (Việt Nam- Bồ Đào Nha-Latin) của giáo sĩ Alessandre De Rhodes đã hoàn thành. Hơn hai trăm năm sau, chữ Quốc Ngữ được truyền bá rộng rãi trong cả nước và trở thành chữ viết chính thức của Việt Nam.
Tháng 3 năm 1653 Chúa mở cuộc duyệt thủy binh lớn ở An Cựu, xét việc bảo quản khí giới quân dụng mà thưởng phạt. Lúc này lực lượng thủy binh của Chúa Nguyễn rất mạnh có 278 chiến thuyền với 19.220 quân. Tạo tiền đề cho các phương pháp luyện quân sau này. Cũng trong thời gian này vua Chămpa là Bà Thấm đem quân đánh phá đòi lại Phú Yên. Quân Chúa Nguyễn dồn họ về tận Phan Rang. Vua Bà Thấm phải cắt đất xin hàng. Chúa Nguyễn nhận hàng và lập Dinh Thái Khang (Khánh Hòa) giao Cai Cơ Hùng Lộc trấn giữ. Đắp đồn Sa Chủy và lũy Mũi Dùi
Tháng 2 năm 1655, Chúa Nguyễn sai Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Hữu Dật mang quân tràn qua sông Gianh đánh chiếm Nghệ An và khu vực phía nam Thanh Hóa. Trịnh Đào chết. Tướng Trịnh là Đặng Minh Tắc cùng với Triều Lô, Tú Long, Toàn Võ, Ninh Lộc đem quân ra hàng. Tháng 5, Trịnh Tráng sai Thái bảo Trịnh Trượng cùng Bồi Tụng Nguyễn văn Trạc, cấp sự trung Nguyễn Tín thống lãnh 18 tướng để tiến đánh Hà Trung. Sai Võ văn Chiêm dẫn 50 chiến thuyền đến cửa Kỳ La. Tháng 8 Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Hữu Dật sai Chánh Đạo Trương Phúc Hùng, Phù Dung, Thuần Đức dẫn quân tiên phong đánh thẳng đến Lạc Xuyên Hạ, phá dinh Trịnh Trượng. Thượng đạo là Tống Hữu Đại, Xuân Sơn, Phù Tài, Cống Giác tiến đáng quân Trịnh ở Lạc Xuyên Thượng. Quân Trịnh thua tan tác, thu nhiều khí giới, voi, ngựa, quân lương. Nguyễn Hữu Dật đem thủy quân đánh Võ văn Chiêm ở cửa Kỳ La. Chiêm lui quân về đóng cửa Nam Giới. Các tướng Trịnh là Nguyễn Hữu Sắc, Lê Sĩ Hậu chưa đánh đã chạy. Quân Chúa Nguyễn thừa thắng tiến đến Bàn Xá (Thiên Lộc). Cả xứ Bắc rúng động. Trong năm này thiền sư Nguyên Thiều đến Phú Xuân
Tháng 9 Trịnh Tráng sai con là Trịnh Tạc xuất đại binh đóng ở An Trường. Lại sai con út là Trịnh Ninh cùng Võ văn Thiêm, Đào Quang Nhiêu tiến đến Kỳ La. Quân Chúa Nguyễn lui về Hà Trung. (lần thứ năm)
Năm1656. Bắt đầu công cuộc khai hoang đất Thủy Chân Lạp. Chúa Nguyễn thay vì giải quyết dứt điểm con đường suy vong của vương quốc Chiêm Thành thì Chúa Hiền bắt đầu gây ảnh hưởng vào Chân Lạp, vốn đã có quan hệ tốt đẹp từ trước bằng cuộc hôn nhân của công chúa Ngọc Khoa, Chúa đưa quân vào Mỗi Xuy (Biên Hòa) yễm trợ cho Batom Reachea lên nắm quyền. Bốn năm sau ông này trở thành Quốc vương Paramaraja VIII. Ông vua này cho phép người Việt định cư trên đất Chân Lạp và công nhận quyền sở hữu đất đai mà họ khai phá được. Lưu dân Việt trước đó đã tìm đến khai hoang đồng bằng sông Cửu Long. Nhân cơ hội này tiến độ và quy mô khai hoang lập ấp trong khu vực này phát triển càng ngày càng lớn.
Năm 1658 - 1659 Cũng trong thời gian này quan tư thiên giám Chu Hữu Tài là người Nghệ An vào đầu Chúa. Dâng sách lược giữ đất an dân. Trong đó có việc đề nghị mở các khoa thi văn võ để tuyển chọn nhân tài. Chia đất cho dân, nới rộng lệ thuế. Chúa cho Chu Hữu Tài làm Tham chính Giám hộ quân.
Tháng 9 Chân Lạp xâm lấn biên thùy. Chúa sai phó tướng dinh Trấn Biên Tôn Thất Yến, cai đội Xuân Thắng, tham mưu Minh Lộc mang 3.000 quân đến Mỗi Xuy (Biên Hoà) bắt được vua Chân Lạp là Nặc Ông Chân mang về Phú Xuân. Chúa ai ủi, ủy lạo rồi ban cho vải lụa và cho hộ tống về nước khiến làm phiên thần và hàng năm triều cống. Đổi lại Nặc Ông Chân phải để cho người Việt được làm ăn, sinh sống trên đất Chân Lạp. Thực ra là vùng đất Thủy Chân Lạp, dù được mang tên như vậy nhưng thực ra là vùng đất hoang hóa úng ngập đầy thú dữ và côn trùng độc địa. Chính người Chân Lạp còn phải ngán ngại. Những lưu dân, hàng binh, tù binh đều được chính quyền chu cấp và bảo vệ cho khai khẩn đất hoang, phục hóa ruộng đất, đào kênh xẻ rạch, tạo lập xóp ấp càng lúc càng đông. Tình hình kinh tế càng lúc càng phát triển.
Năm 1660. Trịnh Căn đánh chiếm lại Nghệ An. Quân Chúa Nguyễn rút về nam Bố Chính (lần thứ năm) sau sáu năm chiếm giữ. Đây là lần duy nhất chúa Nguyễn ra quân đánh Trịnh. Xét về tình hình lúc bấy giờ cũng như tương quan lực lượng hai bên. Chúa Nguyễn đủ mạnh để tiến quân ra Bắc. Nhưng xét thấy không có lợi, trong khi cần phải dành tâm lực cho cuộc hành phương Nam.
Năm 1661. Nguyễn Hữu Dật làm Chưởng Cơ trấn thủ Dinh Bố Chính. Nguyễn Hữu Dật sửa sang đồn lũy, vỗ yên bá tánh. Thao luyện quân sĩ, tăng cường hệ thống phòng thủ. Chu Hữu Tài cùng Cổn Lương lai trốn về Bắc. Tháng 12 Trịnh Tạc lại mang quân xâm phạm
Năm 1662. Nguyễn Hữu Dật đưa dân về đại lũy, đặt quân bảo vệ, bỏ trống dinh Bố Chính. Đào Quang Nhiêu chiếm lấy thành không. Tháng 2 Đào Quang Nhiêu đưa thư khiêu khích. Nguyễn Hữu Dật sai Trương văn Vân đem quân giả trang làm quân Trịnh đang đêm lẻn ra khe Động Hồi kéo thẳng vào dinh Đào Quang Nhiêu đánh phá giết hơn 100 quân Trịnh. Đào Quang Nhiêu bỏ dinh chạy về Bắc. Nguyễn Hữu Dật đem quân thủy bộ cùng tiến, Trịnh Căn cũng bỏ dinh chạy. Nguyễn Hữu Dật đuổi theo đến sông Gianh bắt hết voi, ngựa, thu giữ rất nhiều khí giới. Tháng 9 Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Hữu Dật đắp lũy Trấn Ninh. Vua Lê mất. Thái tử Duy Vĩ lên ngôi là Lê Huyền Tôn. (lần thứ sáu)
Năm 1663. Cho lập trường luyện tập và thi bắn cho thủy binh ở Hoàng Phúc. Chưởng Dinh tiết đạo Lưu Đồn Nguyễn Hữu Tiến bệnh, cho về trấn Cựu Dinh. Và lấy Trương Phúc Hùng làm Chưởng Cơ trấn thủ dinh Bố Chính.
Năm 1664. Nhà sư Nguyên Thiều xây dựng chùa Long Thiền ở Đồng Nai Biên Hòa. Các đệ tử của ngài sau đó đã xây tiếp những ngôi chùa nổi tiếng khác như Bửu Long, Đại Giác, Khải Tường, Từ Ân, Giác Lâm, được sự hỗ trợ và bảo vệ của chính quyền.
Năm 1665. Tháng 3, thao diễn thủy bộ binh ba trấn Chính Dinh, Cựu Dinh và Quảng Nam tại phủ Đông Trì. Tháng 7 trấn thủ Cựu Dinh Nguyễn Hữu Tiến mất. Tháng 12 lấy Tôn Thất Tráng làm trấn Thủ Cựu Dinh. Chúa Trịnh lại đem quân vào đánh Nam Bố Chánh nhưng nửa chừng phải rút quân về. Cũng trong năm này, Tạ Nguyên Thiều một nhà sư lưu vong vì nhà Minh bị diệt, thuộc thiền phái Lâm Tế đến Quy Nhơn truyền bá đạo Phật, xây chùa Thập Tháp Di Đà ở Quy Nhơn, rồi đến núi Phú Xuân (Thuận Hóa) dựng chùa Quốc Ân, tháp Phổ Đồng
Năm 1667. Mở khoa thi 5 người trúng cách Chính Đồ, 15 người trúng cách Hoa Văn. Xây chùa Hoà Vinh ở cửa Tư Dung.
Năm 1668 kinh Hồ Xá thường hay bị lấp nghẽn, Chúa cho vét kinh và định lệ hàng năm phải nạo vét để thông suốt lưu thông.
            Năm 1669. Võ Phi Thừa và Hồ Quang Đại hoàn chỉnh chính sách ruộng đất, thuế má, quy định phép đo đạc ruộng đất, đo lường sản phẩm nông nghiệp, lập sổ bộ tạo điều kiện thuận lợi cho việc khai hoang lập ấp và phát triển kinh tế. Nông nghiệp phát triển mạnh mẻ. Chúa cho lập hẵn một Ty Nông để lo về việc ruộng đất. Đây là một việc làm mang tính quyết định. Vai trò của Ty Nông có một tầm vóc tương đương của bộ Nông Nghiệp.
Năm 1670 Trịnh Tạc sai người đến Nhật Lệ hỏi việc cống phú. Chúa từ chối. Trịnh Tạc muốn phát binh nhưng đô đốc Thông can “ Tôi trộm nghe ở Nam Hà trên dưới thuận hòa, binh giáp tinh mạnh, ta chưa nên kinh động “  Trịnh Tạc nghe theo, không phát binh nữa. Năm 1671. Vua Lê Huyền Tông mất. Em là Duy Khoái nối ngôi là vua Lê Gia Tông.
Định thể lệ trạm đường thủy và đường bộ. Đường thủy cấp 4 thuyền cho mỗi trạm có 6 phu chèo. Có 16 độ đường thủy; Bao Vinh đến Văn Khốt, đến Cương Giản, đến Tam Giang, đến Vân Trình, đến Tháp Quán, đến Phương Lang, đến Cầu Ngói (Hội An), đến An Tiêm, đến Đông Giám, đến Hội Môn, đến quán Nhĩ Hạ, đến An Mỹ, đến Câu Phụ (Cồn Câu) , đến Độ Thị (Chợ Đò), đến Châu Thị, đến Hồ Xá lên đường bộ. Trạm đường bộ cấp mỗi trạm bốn ngựa chia làm 17 độ từ Vinh Quang đến Kiều Thị, đến Kinh Thị, đến Hồ Xá, đến Hà Kỳ, đến Phật Quán (Quán Bụt), đến Liên Quán, đến Cát Quán, đến Ba Nguyệt, đến Dâm Hương, đến Trà Quán, đến Thị Quán, đến Bối Phụ, đến Tráng Kiện, đến Miếu Mít, đến Cừ Hà, đến Sa Phụ.
Năm 1672 Trịnh Tạc lại phát binh vượt qua sông Gianh đóng ở xã Đông Cao và Thanh Hà. Triều Tín đánh không lại đem hết dân binh vào lũy Động Hồi chống giữ. Thanh thế quân Trịnh rất lớn. Nguyên soái Tôn Thất Hiệp sai tham tướng Tài Lễ đắp pháo đài ở lũy Trấn Ninh. Tham mưu Đồng Giang mộ dân binh trấn giữ các nơi hiễm yếu. Chúa đích thân đốc xuất đại quân thủy bộ tiến ra. Cắt thủy quân trấn giữ cửa Eo, cửa Minh Linh. Huy động hương binh năm huyện đóng ở bờ biển Trường Sa. Thuyền chúa đến Kim Đôi chạy thẳng ra Cựu Dinh đóng tại phủ Toàn Thắng. Tạo thành một thế phòng thủ vững chắc. Quân Trịnh Tạc tiến công mãi không thắng đươc, quân sĩ lớp bị giết, lớp ra hàng, lớp thì rả ngủ đầu hàng  để ở lại phương Nam. số còn lại vừa thiếu thốn lương thực lại đau yếu nhiều. Đào Quang Nhiêu cũng chết. Bản thân Trịnh Tạc cũng bị bệnh khi vào sông Gianh nên rút về Thăng Long (lần thứ bảy)
Năm 1674 Paramaraja VIII bị ám sát, tình hình Chân Lạp rất rối ren tạo điều kiện cho Chúa Nguyễn gây ảnh hưởng càng lúc càng mạnh vào vương triều Chân Lạp vừa để khai phá vùng đất mới và tạo thế cân bằng với nước Tiêm La (Thái Lan) càng lúc càng mạnh lên đang tìm cách tiến về đông. Theo yêu cầu của Chân Lạp, Chúa Hiền sai Cai Cơ Nguyễn Dương Lâm cùng với tham mưu Nguyễn Đình Phái sang giải quyết những xung đột trong hoàng gia Chân Lạp, đánh Nặc ông Đài ở Sài Gòn, rồi tiến về Tây vây thành Nam Vang. Nặc Ông Đài chết, Nặc ông Thu ra hàng. Chúa Nguyễn cho Nặc ông Thu làm chánh quốc vương đóng ở Long Úc, cho Nặc ông Nộn làm nhị quốc vương đóng ở Sài Gòn. Bắt hàng năm phải triều cống. Đây là giai đoạn mang tính bản lề. Một số ít người Hoa lánh nhà Thanh, người Việt là các lưu dân bất mãn Chúa Trịnh tìm về Nam, cả những tù hàng binh của Chúa Trịnh không muốn về Bắc. Các thành phần này đến càng lúc càng đông, cùng nhau khẩn trương khai hoang phục hóa, lập làng xóm, đặt một nền tảng kinh tế, văn hóa, xã hội vững chắc cho vùng đất mới.
Năm 1675 lại mở khoa thi Chính Đồ và Hoa Văn.
Vua Lê Gia Tông mất em là Duy Hợp lên ngôi tức Lê Hy Tông. Tháng 6 Hoàng Tử Tôn Thất Hiệp mất.
Năm 1677 trong khoảng thời gian này ở Trung Quốc, nhà Minh hoàn toàn bị nhà Thanh tiêu diệt (1644) những phần tử trung thành của của nhà Minh, một số tiếp tục kháng chiến, một số khác không phục triều đại mới bắt đầu cuộc sống lưu vong. Trong số ấy có một bộ phận không nhỏ dẫn dắt gia đình, thuộc hạ chạy vào đàng trong Đại Việt
Năm 1679. Các cựu thần nhà Minh như Dương Ngạn Địch, Cao Liêm Lôi, Hoàng Tiến, Trần Thượng Xuyên, Trần An Bình đem hơn 50 chiến thuyền và 3000 quân sĩ đến thần phục. Chúa Nguyễn phong cho chức tước và cho họ vào Đông Phố (Biên Hòa) và Mỹ Tho để khai khẩn đất hoang, làm ăn mua bán. Họ đã biến hai nơi trở thành hai trung tâm thương mại sầm uất. Cao điểm của công cuộc khai hoang khu vực đồng bằng Sông Cửu Long được chính thức bắt đầu.
Năm 1680. Mạc Cửu, một di thần của nhà Minh đến khai phá đất Mang Khảm (Hà Tiên) nhưng lại nằm trong tầm ảnh hưởng của Xiêm La.
Dựng hai kho Trường Xá (Minh Linh) và Tân An (Đăng Xương)
Đào kinh Lệ Kỳ ( Phong Lộc)
Năm 1681 tháng 3 Chưởng Cơ tiết chế đạo Lưu Đồn Nguyễn Hữu Dật mất. Dân Quảng Bình gọi ông là Bồ Tát, lập đền thờ ở Thạch Xá. Lấy Chưởng Cơ Trương Phúc Cương thống suất đạo Lưu Đồn.
Tháng 5 cho đào kinh Trung Đan. Cho thao luyện và đặt lệnh thao diễn kỵ binh.
Tháng 8 lấy dân hai huyện Vũ Xương và Hải Lăng đào kinh Mai Xá, lại sai đo đất chỗ đào kinh là bao nhiêu để trừ ngạch thuế hai xã Mai Xá và xã Lâm Xuân
Năm 1685-1686. Ruộng rẫy được mùa, cả nước vô sự. Chúa cho sửa sang chính trị. Bớt lao dịch thuế má. Trong năm 1686 một người Pháp là Verret được mở cảng giao thương tại Côn Đảo

CHÚA NGHĨA NGUYỄN PHÚC TRĂN (1648) (1687-1691) ANH TÔNG HIẾU NGHĨA HOÀNG ĐẾ
Năm 1687. Chúa Hiền mất. Chúa Nghĩa nối ngôi, nhưng bước chân tiến về phương Nam càng lúc càng dài hơn, nhanh hơn. Thế nước càng lúc càng mạnh mẽ hơn. Chúa Nghĩa dời phủ về làng Phú Xuân tức là kinh đô Huế sau này. Việc làm đầu tiên là giảm thuế, nhẹ hình phạt
Năm 1688. Một người Hoa là Hoàng Tiến làm loạn giết Dương Ngạn Địch rồi liên kết với Nặc ông Thu đào hào đắp lũy chống lại Chúa Nguyễn.
Năm 1689 quốc vương Chân Lạp là Jayajettha III (Nặc ông Thu) lại làm phản cho quân giăng xích sắt ngang sông Mékon. Chúa Nguyễn lại phải sai Chúa sai Mai Vạn Long mang quân đánh dẹp. Mai Vạn Long giết được vợ con Hoàng Tiến, Tiến chạy về Lôi Lạp. Vạn Long bị trúng kế mỹ nhân của nữ sứ Chiêu Dao Luật, bị bãi quan. Rồi sai Cai Cơ Thống Binh Nguyễn Hữu Hào thay Mai Vạn Long rồi cũng bị như Mai Vạn Long.
Năm 1690. Tình hình vương quốc Chân Lạp càng lúc càng rối ren. Trước đó Chúa Nguyễn nâng đỡ hoàng thân Ang Non để kềm chế Nặc ông Thu. Ang Non chết (1687) Một lần nữa Chúa Nguyễn lại có dịp củng cố ảnh hưởng của mình
QUỐC CHÚA NGUYỄN PHÚC CHU (1675) (1691-1725) HIỂN TÔNG HIẾU MINH HOÀNG ĐẾ
Năm 1691 Chúa Nghĩa mất.
Năm 1692 sửa sang Văn Miếu Trấn Biên, sửa chùa Mỹ Am
Năm 1693 vua Chămpa là Bà Tranh bỏ không tiến cống mà còn đưa quân đánh phá phủ Diên Ninh. Quốc Chúa Nguyễn Phúc Chu sai Nguyễn Hữu Cảnh (1650-1700) đem quân đánh Chămpa và bắt được Bà Tranh và các cận thần như Tả trà viên Kế Bà Tử, Bà Ân mang về Phú Xuân. Quốc Chúa lại phong cho họ quan tước và buộc phải thay đổi phong tục, cho phèp mặc y phục như người Việt để phủ dụ dân Chiêm Thành, lấy đất Chiêm Thành lập Thuận Phủ. Năm 1694 lại đổi làm trấn Thuận Thành. Năm 1697 đặt phủ Bình Thuận, lấy đất Phan Lang (Phan Rang), Phan Lý (Phan Rí) lập ra hai huyện Yên Phúc và Hòa Đa. Phần đất cuối cùng của Chiêm Thành đã trở thành giang sơn Đại Việt. Những Tả trà viên Kế Bà Tử, Bà Ân đã trở thành những người Việt và toàn tâm toàn ý với Đại Việt. Vương quốc Chămpa không còn nữa, nhưng dư đảng vẫn còn và bị A Ban là một người Thanh cùng với Hữu trà viên Óc Nha Thát ở Thuận Thành nổi loạn lôi kéo thêm Chế Vinh đánh cướp Phố Hài giết Cai Đội Nguyễn Trí Thắng. Cai đội dinh Bà Rịa tên Dực và Thư ký Mai đem quân cứu viện đều bị chết cả. Bọn chúng đánh vào Phan Rí bỏ thuốc độc giết chết cai cơ Nguyễn Tân Lễ rồi kéo quân đến Phan Rang. Cai đội Chu Kim Thắng vì quân ít nên cố thủ
Tháng 5 đào kênh Trung Đan (có lẽ là nối dài thêm)
Năm 1694 tháng 1, Chưởng cơ Tôn Thất Huệ, Tôn Thất Thông mưu phản. Kịp bắt giao lên xét tội chết cùng với 7 người đồng mưu. Bà Tranh chết, cấp 200 quan tiền và gấm vóc hậu táng. Tháng 2 Trấn thủ Nguyễn Hữu Oai và Lưu thủ Nhuận tiến binh theo thượng đạo cứu viện. A Ban lui về Bào Lạc. Phan Rang được giải vây. Đức Oai bị bệnh mất.  A Ban tiến giữ lũy Ô Liêm. Lưu thủ Nhuận và Cai cơ Tống Tuân, Nguyễn Thành chia quân đánh. Giặc chạy về Thượng Giả. Chúa ra lệnh cho Nguyễn Hữu Cảnh và văn chức Trinh Tường tùy nghi xử trí. Cai cơ Nguyễn Thắng Hổ đem quân đánh dẹp yên. Thăng Nguyễn Hữu Cảnh Chưởng Cơ trấn thủ dinh Bình Khang
Mở khoa thi lấy 133 người trúng cách Chính đồ và 97 người trúng cách Hoa văn
Thao diễn voi trận, thao diễn trận pháp
Năm 1695. Quốc Chúa cho mời thiền sư Thạch Liêm từ Quảng Đông sang dạy Phật Pháp và được Thiền Sư dâng cho bản Lập Quốc Chính Ước gồm 18 điều. Cũng trong năm đó Quốc Chúa cho mở khoa thi trong phủ.
Năm 1697. Đặt phủ Bình Thuận lấy đất từ Phan Rang, Phan Rí trở về tây chia làm hai huyện Hòa Đa và An Phúc
Năm 1698 Nguyễn Hữu Cảnh vào Kinh Lược đất Đồng Nai, đặt phủ Gia Định và Nguyễn Hữu Cảnh đã chứng tỏ một cách kiệt xuất tài kinh bang tế thế của mình. Ông cho thành lập các xã thôn, phường ấp, tổ chức chính quyền, ấn định thuế, lập sổ đinh, sổ điền. Trước lấy xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long nay làm phủ Phước Long, dựng dinh Trấn Biên (Biên Hoa, thăng huyện Tân Bình (SàiGòn) làm phủ Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn (Gia Định). Mở rộng đất hơn 4.000 dặm, được 4 vạn hộ, chiêu mộ dân phiêu tán từ Bố Chính trở về Nam cho đến định cư. Thành lập hai xã Thanh Hà và Minh Hương để quy tụ những người Hoa. Công việc tiến hành một cách nhanh chóng và hòa bình.
Năm 1699. Nặc Thu lại làm phản lần thứ ba. Tháng 10 Nguyễn Hữu Cảnh làm thống suất, Phạm Cảm Long làm tham mưu, Nguyễn Hữu Khánh làm tiên phong lãnh quân hai dinh Trấn Biên và Bình Khang, thủy binh thuyền dinh Quảng Nam cùng với tướng sĩ Long Môn của Trần Thượng Xuyên tiến đánh
Năm 1700 mở trường thao diễn ngựa, lại cho thao diễn voi trận ở Thọ Khang.
Nguyễn Hữu Cảnh đem quân đến Giá Khê (Rạch Giá) cùng Trần Thượng Xuyên tiến đánh lũy Bích Đôi và Nam Vang. Nặc Thu bỏ chạy, Nặc Yêm ra hàng. Nặc Thu cũng ra hàng nốt và xin triều cống
Tháng 5 Nguyễn Hữu Cảnh mất ở Sầm Khê (Rạch Gầm)
Bắt đầu định sắc cờ cho các thuyền vận tải. Lệnh cho các thuyền chở thuế mỗi hạt có màu riêng. Có thể gọi đây là một hình thức đăng kiểm phương tiện giao thông vận tải đầu tiên của đất nước chăng (?)
Chúa Nguyễn sai Nguyễn Khoa Chiêm soạn sách Nam Triều Công Nghiệp Diễn Chí
Năm 1701. Thao diễn Thủy quân. Vẽ bản đồ Đàng Trong. Lại mở khoa thi.
Năm 1702. Theo lời khuyên của Thiền Sư Thạch Liêm. Chúa Nguyễn Phúc Chu sai Hoàng Thần, Hưng Triệt (hai người này là người Hoa theo thiền sư Thạch Liêm vào Đàng Trong) mang cống phẩm sang Trung quốc cầu phong với ý định thành lập một quốc gia riêng, độc lập và tự chủ trên phần đất mà vương triều mình khai phá được. Việc không thành. Nhưng Chúa cũng xưng là Quốc Chúa, đúc ấn “ Đại Việt Quốc Nguyễn Chúa Vĩnh Trấn Chi Bảo” Cũng trong năm này Công Ty Đông Ấn của Anh xâm chiếm đảo Côn Sơn dựng pháo đài, lập kho hàng và cắt cử 200 lính Mã Lai canh giữ.
Nạo vét kinh Lệ Kỳ (huyện Phong Lộc)
Năm 1703 Trương Phúc Phan nhận lệnh chúa đưa chiến thuyền đánh tiêu diệt quân Anh và chiếm lại đảo. Phúc Phan thay vì đem thủy quân tiến đánh thì dùng mưu trong ứng ngoại hiệp. Chiêu dụ các công nhân, thủy thủ người Mã Lai làm phản và giết các sĩ quan Anh.
Năm 1705 đào kinh Bảo Định nối Vũng Cù và Mỹ Tho. Sau này đến đời Minh Mạng được nạo vét lại và nới rộng ra và gọi là sông Bảo Định. Cũng trong năm này.
Tướng Ai Lao là Tạo Vỹ đưa quân cướp phá ở biên giới.
Nặc Thu già yếu, truyền ngôi cho con là Nặc Thâm. Thâm nghi ngờ em rể là Nặc Yêm nên nổi binh và nhờ Xiêm La giúp. Yêm chạy sang Gia Định cầu cứu với triều đình. Chúa sai Nguyễn Cửu Vân đem quân đánh bại quân Xiêm La ở Sầm Khê (Mỹ Tho). Nặc Thâm cùng em là Nặc Tân chạy sang Xiêm. Nguyễn Cửa Vân đưa Nặc Yêm về La Bích. Dẹp xong Xiêm La, nhân lúc rỗi Vân cho quân khẩn ruộng ở Cù Ao (Định Tường) và đắp lũy để phòng ngự.
Năm 1707 lại mở khoa thi Chính Đồ và Hoa văn
Năm 1708. Mạc Cửu, một cựu thần nhà Minh đã khai thác đất Mang Khảm từ những năm 1680 dưới sự bảo hộ của Xiêm La, đã tìm ra Thuận Hóa thần phục Chúa Nguyễn, dâng đất Mang Khảm và đảo Phú Quốc. Chúa Nguyễn phong Mạc Cửu làm Tổng Binh và lập Trấn Hà Tiên. Mạc Cửu cũng cho xây những ngôi chùa nổi tiếng trong khu vực mình trấn nhậm như Phù Dung Tự, Tam Bảo Tự, Chùa Địa Tạng, Chù Hang ở Hòn Chong.
Duyệt tuyển lớn. Thao diễn Thủy Quân.
Năm 1709. Thao diễn bộ binh. Kiểm tra vũ khí quân dụng. Duyệt khí giới công tư tại các dinh.
Mùa hè, Trịnh Căn chết. Trịnh Cương lên nối.
Năm 1710 đúc chuông chùa Linh Mụ. Sai hai dinh Lưu Đồn và Quảng Bình sửa sang các lũy, cầu cống, đường sá.
Năm 1711. Sai người đo đạc và cắm mốc quần đảo Trường Sa. Cho Kiêm Đức mang thư hiểu dụ Đôn vương và Nga vương ở Gia Lai.
Nguyên hai dinh Trấn Biên và Phiên Trấn là nơi có nhiều đất hoang hóa, nên dân phiêu tán tụ tập về xin cấp ruộng đất để khai khẩn rất đông mà hầu hết đều nghèo. Chúa cho thiết lập thôn xã và lệnh tha các thứ binh, lao, tô, thuế trong ba năm.
Tháng 10, Nặc Thâm từ Xiêm về cùng với Ốc Nha Cao La Hâm mưu hại Nặc Yêm. Nặc Yêm sai người về Phiên Trấn và Trấn Biên báo tin. Phó tướng Nguyễn Cửu Vân và Tổng Binh Trần Thượng Xuyên trình xin ý Chúa. Chúa trả lời ” Nặc Yêm đã theo mệnh xưng thần, nên an ủi dung nạp. Nhưng Nặc Thâm là con Nặc Thu mà Nặc Thu không bỏ triều cống, sao nỡ đem quân đánh được. Bọn khanh nên xét tình hình mà tùy cơ ứng biến, khiến cho Nặc Thâm bỏ mối thâm thù. Đó là thượng sách”
Năm 1712 Đốt vương xứ Tà Bôn cho sứ tiến cống
Năm 1713 Nặc Thu lại mưu phản. Chúa đưa thư phủ dụ. Nhận được Nặc Thu từ bỏ ý định làm phản.
Thi Nhiêu học lấy 97 người trúng Chính Đồ, 41 người trúng Hoa Văn.
Năm 1714 tình hình tranh giành quyền lực ở Chân Lạp cứ diễn ra liên tục. Đô đốc Phiên Trấn (Gia Định) là Trần Thượng Xuyên và phó tướng Trấn Biên (Biên Hòa) Nguyễn Cửu Phú lại phát binh can thiệp.
Cũng trong năm này Chúa Nguyễn cho trùng tu chùa Thiên Mụ.
Năm 1715. Ai Lao đến triều cống. Sai trấn thủ Nguyễn Phan Long, Ký Lục Phạm Chánh Đức xây dựng văn miếu Trấn Biên.
Năm 1719. Duyệt binh ở Quảng Nam, đến Hội An thăm cầu Lai Viễn ban cho bảng viết chữ vàng.
Năm 1721. Xây chùa Hoàng Giác ở Hiền Sĩ (huyện Phong Điền). Mở khoa thi.
Năm 1722 Hồ Xá (truông nhà Hồ) thường hay xảy ra đạo tặc chận đường để trộm cướp, sai Nguyễn Khoa Đăng kinh lược lại. Đến nơi, Nguyễn Khoa Đăng tìm bắt nghiêm trị theo từng mức, còn lại thì an ủy vỗ về. Đường sá lại yên tĩnh, thông suốt
MINH VƯƠNG NGUYỄN PHÚC TRÚ (1696) (1725-1738) TÚC TÔNG HIẾU NINH HOÀNG ĐẾ
Năm 1726. Đúc thêm tiền đồng. Nội tán Nguyễn Khoa Đăng bị cướp giết chết.
Nguyên trước kia việc cắt đặt quan chức ở các vùng đất mới khai phá còn rất nhiều tùy tiện. Nguyễn Đăng Đệ đặt ra những thể lệ cắt đặt và tuyển dụng các quan chức ở các cấp hạ tầng. Nhân dịp này cũng giảm bớt thư lại, quan chức thừa. Nguyễn Đăng Đệ cũng xin Chúa nghiêm cấm tệ nạn cờ bạc, trốn xâu, lậu thuế.
Tháng 11 Trịnh Cương chết, con là Trịnh Giang nối.
Năm 1728. Lập đội Mộc Thán gồm 195 người để khai thác than gỗ, chỉ nộp thuế than gỗ miễn thuế thân và lao dịch.
Năm 1731. Chiếu theo thời khắc đồng hồ để nghiệm xem đường xá gần xa. Tức là áp dụng phép vận tốc nhân với thời gian để đo khoảng cách. Đặt thêm chức Điều Khiển ở phía nam dinh Phiên Trấn. Đóng 11 thuyền Ô Tất để khai thác sơn ở khu vực Gia Định, Đồng Nai.
Năm 1732. Vua Chân Lạp Nặc Thu nhường cho Mỹ Tho và Long Hồ. Sai Cai Cơ Nguyễn Hữu Doãn hành chức Điều Khiển Gia Định. Lấy Nguyễn Cửu Triêm trấn thủ dinh Trấn Biên. Thấy thế đất Gia Định rộng rải. Chúa sai khổn thần chia đất đặt châu Định Viễn và dựng Dinh Long Hồ
Tháng 8, Trịnh phế vua Lê, lập Lê Duy Tường làm vua, tức Lê Thuần Tông.
Năm 1733 Thống nhất giờ giấc. Trước đó đã đặt ở đài Thiên Văn. Nay đặt thêm ở các dinh trấn và các tấn dọc theo ven biển. Nguyên trước có một người tên là Nguyễn văn Tú sang các nước Tây Phương học nghề sửa đồng hồ hai năm, sau đó trở về trở thành một nhà sản xuất đồng hồ mức độ tinh xảo hơn cả người phương Tây thời bây giờ.
Năm 1735. Mạc Cửu mất. Mặc Thiên Tích (1706-1780) kế tục sự nghiệp cha, được Chúa Nguyễn phong làm Tổng Binh Đại Đô Đốc.
Năm 1736. Mạc Thiên Tích viết Hà Tiên Thập Vinh. Một phong trào văn học rộ lên với việc Mạc Thiên Tích thành lập Chiêu Anh Các quy tụ nhiều nho sĩ người Việt và người Hoa và có quan hệ rất tốt với Nguyễn Cư Trinh, Ngô Thế Lân

NGUYỄN PHÚC KHOÁT (1714) (1738-1765) THẾ TÔNG HIẾU VŨ HOÀNG ĐẾ.
Năm 1739. Chân Lạp lại gây hấn đưa binh xâm lấn Hà Tiên. Mạc Thiên Tứ đưa quân đánh đuổi đến tận Sài Mạt. Vợ là Nguyễn thị chịu trách nhiệm hậu cần, cung cấp lương thảo, quân dụng, quân khí. Sau đó Mạc Thiên Tứ lập bốn huyện Kiên Giang (Rạch Giá), Long Xuyên (Cà Mau) Trấn Giang (Cần Thơ). Trấn Di (Bạc Liêu, Sóc Trăng)
Năm 1741. Kiểm tra thuế trong ba năm 1738 đến 1740.
Năm 1744. Chúa Nguyễn Phúc Khoát chính thức xưng vương. Sai Nguyễn Đăng Thịnh thiết lập định chế triều nghi, triều phục, quan chế và xây dựng một hệ thống hành chính hoàn chỉnh chia đất nước ra là 12 dinh, một trấn:   
* Vùng Thuận Hóa-Quảng Nam
1. Chính Dinh ( Phú Xuân )
2. Cựu Dinh (Ái Tử)
3. Quảng Bình Dinh (An Trạch)
4. Lưu Đồn Dinh (Vũ Xá)
5. Bố Chính Dinh ( Thổ Ngoạ)
6. Diên Khánh Dinh (Quảng Nam)
* Nam Trung Bộ và Tây Nguyên :
7. Phú Yên Dinh.
8. Bình Khang Dinh
9. Bình Thuận Dinh
* Nam Bộ
10. Trấn Biên Dinh (Biên Hoà - Phước Long)
11. Phiên Trấn Dinh (Gia Định - Tân Bình)
12. Long Hồ Dinh (Vĩnh Long - Định Viễn)
13. Riêng Hà Tiên trấn là một trấn riêng biệt.
Mỗi dinh có quan Trấn Thủ, Cai Bạ, Ký Lục. Riêng Hà Tiên trấn thì do một Tổng Binh Đại Đô Đốc
Chính quyền trung ương có lục bộ; Lại Bộ (Ký Lục cũ), Lễ Bộ ( Nha Úy) Hình Bộ (Đô Tri), Hộ Bộ (Cai Bạ Phó Đoán Sự) đặt thêm hai bộ Binh và bộ Công. Đổi văn chức thành Hàn Lâm Viện
Dù chưa chính thức nhưng đã từ lâu xứ Đàng Trong hoạt động với tư cách một quốc gia hoàn toàn độc lập với đầy đủ chủ quyền về mọi mặt.
Năm 1746 Người Man Thuận Thành (Chămpa) Dương Bao Lai và Diệp Mã Lăng làm phản. Lưu thủ Trấn Biên là Nguyễn Cương đem quân đánh dẹp bắt được và giết đi
Năm 1747. Một khách buôn người Mãn Thanh tên Lý văn Quang đánh úp Trấn Biên. Tống Phúc Đại đánh dẹp bắt được Văn Quang và đồ đảng 57 người. Chúa không giết cho giam vào ngục.
Bắt đầu đặt đường trạm ở Gia Định. Sai Nguyễn Hữu Doãn ngắm đo địa thế bắt đầu từ phía bắc Tất Kiều đến Hưng Phúc tuỳ chỗ đặt trạm, chỗ sông lớn thì sai dân sở tại lập bến đò, gọi là đường thiên lý
Tháng 8 Giặc biển Vịnh Thái Lan vào cướp bóc Long Xuyên. Mạc Thiên Tứ sai bộ tướng Từ Hữu Dụng đem 10 chiếc thuyền đánh dẹp bắt được đầu đảng đem giết đi
Năm 1749 Một tàu buôn Pháp là Machault do Poivre làm thuyền trưởng, ghé Hội An dâng phẩm vật xin được giao thương. Chúa chấp thuận.
Năm 1750 người thiểu số khởi loạn ở Đá Vách (Quảng Ngãi) Chúa Nguyễn sai Tuần Phủ Nguyễn Cư Trinh (1716-1767)  đưa quân đánh dẹp. Mạc Thiên Tứ cho xây dựng Thụ Đức Hiên
Năm 1751. Nguyễn Cư Trinh dâng sớ nêu ra bốn điều cần thực hiện để ổn định nhân tâm
Năm 1753. Sai Mai văn Hoan định lệ kế toán hàng năm. Lấy Nguyễn Cư Trinh làm ký lục dinh Bố Chính.
Năm1754. Lúc này chủ quyền của Đại Việt đã được xác lập ở quần đảo Hoàng Sa Trường Sa, Côn Lôn, Thổ Chu, Phú Quốc và các đảo trong Vịnh Thái Lan. Trước đó đã có lập đội Hoàng Sa có 70 người ở Quảng Ngãi để kiểm soát và thu nhặt hải vật ở Hoàng Sa. Sau đó lại mộ dân thôn Tứ Chánh thuộc Bình Thuận lập đội Bắc Hải cho thuộc đội Hoàng Sa đi thu nhặt hải vật suốt các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, Côn Lôn.
Năm 1755 có sự xung đột giữa người Chân Lạp và Côn Man (dân Chămpa phiêu tán sang Chân Lạp) Nguyễn Cư Trinh đem quân đến giải thoát cho 5.000 người Côn Man đưa về núi Bà Đen (Châu Đốc)
Năm1756. Sau vụ xung đột với người Côn Man, bị Nguyễn Cư Trinh đánh bại. Vua Chân Lạp Nặc Nguyên chạy về Hà Tiên nương nhờ Mạc Thiên Tích, nhờ Mạc Thiên Tích tâu giúp và xin nhường hai phủ Tầm Bôn, Lôi Lạp (tức Long An, Gò Công) để chuộc tội và xin về nước. Chúa Nguyễn không muốn nhưng Nguyễn Cư Trinh tâu “ Từ xưa việc dụng binh chẳng qua là để trừ diệt bọn đầu sỏ và mở mang thêm đất đai. Nặc Nguyên nay đã biết ăn năn xin hàng nộp đất, nếu truy mãi thì nó tất chạy trốn. Nhưng từ Gia Định đến La Bích đường xá xa xôi, nghìn rừng muôn suối, không tiện đuổi đến cùng. Muốn mở mang đất đai cũng nên nhận hai phủ này trước để củng cố mặt sau của hai dinh. Nếu bỏ gần cầu xa e rằng hình thế cách trở, binh dân không liên tiếp, lấy được tuy dễ, mà giữ được rất là khó. Khi xưa mở mang đất Gia Định tất phải mở trước đất Hưng Phúc, rồi đến đất Đồng Nai khiến quân dân đông đủ mới mở đất Sài Gòn, đó là cái kế tầm ăn dần. Nay đất cũ từ Hưng Phúc đến Sài Gòn chỉ hai ngày đường, dân cư còn chưa yên ổn, quân còn chưa đủ giữ nữa là. Huống từ Sài Gòn đến Lâm Bôn những sáu ngày đường, địa thế rộng rải, dân số hơn vạn người, quân chính quy đóng giữ sợ chẳng đủ. Thần xem người Côn Man giỏi bộ chiến, người Chân Lạp cũng đã sợ lắm. Nếu cho họ đất ấy khiến họ chống giữ, lấy người Man chống người Man cũng là đắc sách. Vậy xin cho Chân Lạp chuộc tôi, nhận hai phủ ấy, ủy cho thần xem xét hình thế, đặt lũy đóng quân, chia cấp ruộng đất cho dân và quân, vạch rõ địa giới cho lệ vào châu Định Viễn, để thu lấy toàn khu” Chúa Nguyễn bằng lòng. Nguyễn Cư Trinh cấp ruộng đất, ngư canh điền khí cho 5.000 người Côn Man ở Tầm Phong Long (Tân Châu, Châu Đốc, Sa Đéc)
Tháng 7, có viên thiên tổng Mân Chiết (Phúc Kiến và Triết Giang) là Lê Huy Đức, thuyền bị bão dạt vào. Chúa cho trợ cấp và hậu đãi, nhân tiện cho đưa về nước bọn Lý văn Quang và 17 người.
Năm 1757 Nặc Nguyên chết. Chú họ là Nặc Nhuận lên thay. Nặc Nhuận xin hiến đất Trà Vang (Trà Vinh, Bến Tre). Chúa y cho Khi ấy Nặc con rể Nặc Nhuận là Nặc Hinh giết Nặc Nhuận để cướp ngôi, con Nặc Nhuận là Nặc Tôn chạy sang Hà Tiên. Thống suất Trương Phúc Du đưa quân sang đánh, Nặc Nhuận chạy đến Tầm Phong Xuy thì bị quan phiên là Óc Nha Uông giết chết. Chúa sai Mạc Thiên Tứ  cùng tướng sĩ năm dinh đưa Nặc Tôn về làm vua Chân Lạp. Nặc Tôn dâng đất Tầm Phong Lông tạ ơn. Nguyễn Cư Trinh, Trương Phúc Du bắt tay vào việc hoạch định biên giới. Xin dời dinh Long Hồ về Tầm Bào (nay là thôn Long Hồ, thị xã Vĩnh Long) Rồi lập nên ba đạo Sa Đéc, Tân Châu, Châu Đốc. Lấy Giá Khê (Rạch Giá) làm đạo Kiên Giang, huyện Cà Mau bao gồm Trấn Giang (Cần Thơ) và Trấn Di, (Sóc Trăng, Bạc Liêu) làm đạo Long Xuyên. Để bảo đãm trật tự trị an. Nguyễn Cư Trinh lại cho đăng kiểm tất cả các phương tiện giao thông đường thủy toàn ba dinh Phiên Trấn, Trấn Biên, Long Hồ. Buộc các chủ phương tiện phải khắc tên họ, quê quán của chủ thuyền lên mũi thuyền và ghi vào bộ sổ quan sở tại. Trước kia việc đăng ký chỉ áp dụng cho tàu thuyền công bằng cách định sắc cờ. Nay được nhân rộng ra các phương tiện tư nhân với những phương pháp cụ thể và tiến bộ hơn.
Năm 1761. Nước Vạn Tượng cho sứ sang triều cống.
Sau khi giúp Nặc Tôn làm vua. Nặc Tôn chính thức dâng hẵn cho Chúa Nguyễn đất Tầm Phong Long (Châu Đốc, Sa Đéc) và để tạ ơn giúp mình. Nặc Tôn tặng cho Mặc Thiên Tích 5 phủ Hương Ức (Kompong Som), Cần Bột (Kam Pot), Sài Mạt (Cheal Meas), Chưng Rừm, Lình Quỳnh (Hòn Đất. Kiên Lương. Kiên Giang hiện nay). Mặc Thiên Tích sát nhập vào trấn Hà Tiên. Công cuộc Nam Tiến bắt đầu từ Chúa Tiên Nguyễn Hoàng (1558) hoàn thành. Hai trăm lẻ ba năm cho một chuyến hành phương nam vĩ đại.
NGUYỄN PHÚC THUẦN (1754) (1765-1777) DUỆ TÔNG HIẾU ĐỊNH HOÀNG ĐẾ
Năm 1765. Minh Vương Nguyễn Phúc Khoát mất. Quyền hành nằm trong tay quyền thần Trương Phúc Loan. Trương Phúc Loan không lập Nguyễn Phúc Luân theo di chiếu mà lập Nguyễn Phúc Thuần mới 12 tuổi lên ngôi.
Năm 1767. Đất Tiêm La có loạn. Vua Tiêm La và gia đình bị quân Diến Điện bắt. Có hai người chạy thoát là Chiêu Xỉ Khang sang Chân Lạp. Chiêu Thúy sang nương náu với Mạc Thiên Tích ở Hà Tiên. Tháng 5 Nguyễn Cư Trinh mất
Năm 1769. Trần Thái, người Triều Châu (Trung Quốc) câu kết với Mạc Sùng, Mạc Khoan tạo phản ở Hà Tiên, bị Mạc Thiên Tứ  lập kế mai phục bắt được Sùng, Khoan. Trần Thái chạy sang Tiêm La.
Năm 1770 Phạm Lang họp đảng với người Java là Vang Ly Ma Lư và ngưới Chân Lạp là Ốc Nha Khê, tụ tập hơn 800 người và 15 thuyền chia làm hai cánh thủy bộ đánh úp Hà Tiên. Mạc Thiên Tứ đem quân chống cự đâm chết Phạm Lang, bắt được Lư, Khê đem chém
Năm 1771 Tiêm La vây đánh Hà Tiên. Tổng Binh Mạc Thiên Tứ không chống nổi phải bỏ chạy. Vua Tiêm La lập Nặc Non lên làm vua Chân Lạp.
Năm 1772. Chúa Nguyễn sai Nguyễn Cửu Đàm lãnh chức Điều Khiển đem quân sang đánh Nam Vang. Quân Tiêm La bỏ chạy về Hà Tiên, Nặc Non chạy về Cần Bột. Nặc Tôn lại về làm vua Chân Lạp. Vua Tiêm La đưa thư mời Mạc Thiên Tích về giảng hoà. Mạc Thiên Tích không chịu. Vua Tiêm La bắt Chiêu Thúy là vua cũ của Tiêm La và con gái Mạc Thiên Tích đem về nước để Trần Liên ở lại Hà Tiên. Cũng trong năm này một con kinh được đào từ sông Cát ra phía bắc Chợ Lớn, vì con kinh đào theo đường thẳng nên gọi là kinh Ruột Ngựa. Đến đời Minh Mạng lại được nới rộng và nạo vét lại.
Năm 1773 Mạc Thiên Tích thấy việc không xong nên chấp nhận giảng hòa. Vua Tiêm La gọi Trần Liên rút quân về, cho người đưa trả con gái Mạc Thiên Tích còn Chiêu Thúy thì đem giết đi. Nhà Tây Sơn khởi nghiệp ở Bình Định. đưa quân đánh chiếm thành Quy Nhơn.
Năm 1774. Quân Trịnh do Hoàng Ngũ Phúc, Hoàng Phùng Cơ, Hoàng Đình Thể, Hoàng Đình Bảo qua sông Linh Giang đánh vào lũy Trấn Ninh với chiêu bài đánh dẹp quyền thần Trương Phúc Loan. Các quan ở Phú Xuân là Tôn Thất Huống và Nguyễn Cửu Pháp bắt Trương Phúc Loan và hộ bộ Thái Sinh đem nộp.
Năm 1775. Quân Hoàng Ngũ Phúc tiến đánh lấy Phú Xuân. Chúa Nguyễn chạy vào Quảng Nam. Đặt Hoàng Tôn Dương làm Thế Tử
Năm 1777. Chúa Nguyễn Phúc Thuần và Tân Chính Vương (Hoàng tôn Dương) bị quân Tây Sơn bắt giết ở Long Xuyên. Nguyễn Phúc Ánh (1762) (con Nguyễn Phúc Luân, cháu nội Nguyễn Phúc Khoát) thoát được chiêu tập quân tướng khôi phục nghiệp cũ. Năm 1780 Nguyễn Phúc Ánh xưng vương ở Sài Gòn. Mở đường cho công cuộc thống nhất đất nước vĩ đại nhất trong lịch sử (1802).

            I. ĐIỀU KIỆN NÀO ĐÃ TẠO RA MỘT CHÍNH QUYỀN ỔN ĐỊNH DÀI NHẤT TRONG LỊCH SỬ CỦA CÁC CHÚA NGUYỄN.
            Khi Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm chỉ hòn non bộ và nói “Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân”. Chân trời phương Nam bắt đầu rộng mở. Con cháu đời sau cho rằng câu nói này mang tính sấm truyền. Nhưng thực ra thì không phải thế. Cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm đã nhìn thấy được đại cục và tính cách của một con người có đủ dũng lược, đủ ý chí để thực hiện một cuộc hành phương Nam vĩ đại.
Trở lại thời kỳ tự chủ. Sau khi giành được độc lập, các triều đại nhà Ngô, Đinh và tiền Lê tồn tại ngắn ngủi. Điều này cũng dễ lý giải. Khả năng dựng nước thì có thừa. Nhưng kinh nghiệm giữ nước và xây dựng một chính quyền ổn định thì chỉ dừng lại ở chỗ làm tới đâu rút kinh nghiệm tới đó. Ngô Vương Quyền, Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành anh hùng, tài trí bao nhiêu thì liền ngay sau đó với biết bao mâu thuẩn nội bộ đã tạo nên những hậu quả đáng buồn. Tính kế thừa đã không được các vương triều quan tâm, hay có quan tâm nhưng chẳng biết làm cách nào. Điều đó trở thành một bài học đắt giá cho những triều đại kế tiếp. Sau đó là những triều đại có tính ổn định cao đã xuất hiện để đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước.
Triều đại nhà Lý (1010-1225) tồn tại 215 năm. Đã giữ được sự ổn định được từ ngày khởi nghiệp đến năm 1138. Nguyên nhân của sự mất ổn định là quốc nạn quyền thần và vua Lý Anh Tông lên ngôi khi còn quá nhỏ, 3 tuổi. Một vị vua trẻ con không quyền lực đã sản sinh một Đỗ Anh Vũ làm cho nền móng sự ổn bị lung lay. Nhưng nhờ Tô Hiến Thành mà gượng lại được đến khi Lý Cao Tông, cũng 3 tuổi, lên ngôi thì mọi việc trở nên phức tạp khi mà Tô Hiến Thành mất (1179) và tư cách của vua Lý Cao Tông càng lúc càng trở nên bại hoại. Loạn lạc nổi lên tứ phía. Đến đời Lý Huệ Tông thì quyền thần Trần Thủ Độ xuất hiện. Và một vương triều sụp đổ.
Sau khi dứt nhà Lý, Trần Thủ Độ dồn hết tâm sức vào việc củng cố chính quyền. Rút kinh nghiệm từ những triều đại trước. Ông không từ bất cứ một thủ đoạn nào để đạt được mục đích. Và ông đã đặt ra một loại gia quy vô tiền khoáng hậu là người trong họ lấy nhau (trừ anh em ruột). Điển hình nhất là Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn lấy cô ruột. Triều đại Nhà Trần (1225-1400) tồn tại 175 năm với những chiến công hiển hách, ba lần kháng chiến chống Nguyên Mông là ba lần chiến thắng. Dù triều đại này đã xuất hiện không ít trung thần, lương tướng. Nhưng cũng chỉ giữ vững được sự ổn định được hơn một trăm năm (1225-1341). Dù rằng các ông vua nhà Trần đã nhận ra được điều này, nên đã áp dụng một phương pháp truyền ngôi khá hợp lý. Vị vua tiền nhiệm truyền ngôi cho người con có khả năng nhất của mình khi còn minh mẫn, rồi với tư cách Thái Thượng Hoàng. Ông vua cũ vừa hướng dẫn cho ông vua mới cách làm vua. Nhưng nguyên nhân dẫn đến sự suy vong cũng lại là tài đức và nhân cách của những ông vua càng ngày càng kém đi. Những kẻ có tài xa lánh, quyền thần Hồ Quý Ly đẩy nhà Trần đến chổ diệt vong.
Hồ Quý Ly và những người con thục sự có tài năng. Nhưng cái kiểu cách dựng nghiệp mang quá nhiều tai tiếng, cộng thêm những chính sách cải cách quá cấp tiến trong khi chính quyền chưa thực sự vững mạnh nên chẳng bao lâu đất nước lại rơi vào tay quân xâm lược nhà Minh. Điều đó đẩy nhà khoa học lỗi lạc Hồ Nguyên Trừng sang nhà Minh mang theo một nỗi hờn vong gia thất thổ.
Năm 1428 Bình Định Vương Lê Lợi lên ngôi sau 10 năm kháng chiến chống quân Minh, giành lại quyền tự chủ và độc lập, mở đầu một triều đại dài nhất trong lịch sử (1428-1788) nhưng chỉ giữ gìn được sự ổn định trong ba đời vua Lê Thái Tổ (1428-1433) Vua Lê Thánh Tông (1460-1497) Vua Lê Hiến Tông (1497-1504). Không được 50 năm. Còn lại là triều chính đổ nát, loạn lạc khắp nơi, loạn thần làm giặc, quyền thần lủng đoạn, trung thần bị tàn sát và cuối cùng là Mạc Đăng Dung thoán đoạt, tạo ra cái thế Nam Bắc Triều. Tiếp theo là một hiện tượng mà sau này những nhà viết sử gọi là “Trịnh Nguyễn phân tranh”.
Khi dùng thuật ngữ này, người ta đã đánh đồng vai trò của các Chúa Nguyễn là một thế lực cát cứ và đổ lên đầu của chính quyền này cái tội gây ra cảnh đất nước phân ly và từ đó phủ nhận công sức khai thác, mở rộng một giang sơn. Nên chăng? Khi phải sử dụng một thuật ngữ khác cho thật đúng thực chất của một giai đoạn lịch sử đặc biệt quan trọng này. Trước khi làm điều này, có lẽ nên xác định lại cái thuật ngữ “Tôn phò nhà Lê” và tách rời hẵn chính quyền chúa Nguyễn ở phương Nam với Bắc Hà. Cùng “Tôn phò nhà Lê” nhưng mục đích của Chúa Nguyễn hoàn toàn khác xa với chúa Trịnh. Một đàng tôn phò nhà Lê vì không muốn dứt rời cái nôi của dân tộc, dù rằng cái triều đình ấy không đại diện cho ai và cũng không thể hiện được quyền lực. Nhưng âm vang của Bình Ngô Đại Cáo vẫn còn vang vọng núi sông. Người viết áng hùng văn tuyệt tác này lại là Nguyễn Trãi, ông tổ trực hệ của các Chúa Nguyễn. Trong khi ấy họ Trịnh tôn phò nhà Lê là vì không muốn rơi vào cái thế của họ Hồ, họ Mạc. Không một vị chúa Trịnh nào mà không có ý đồ thoán đoạt. Chẳng qua là họ không dám. Nên cứu cánh duy nhất cho ý đồ này là tiêu diệt chính quyền của Chúa Nguyễn ở Phương Nam và sau đó hạ bệ vua Lê ở phương Bắc. Y đồ đó được thể hiện bằng hành động cụ thể là 6 lần xua quân đánh phương Nam, dù rằng chính sự lôm côm của chúa Trịnh đã làm nội tình của phương Bắc vô cùng rối ren.
Trước khi xét về tư cách và vai trò của các Chúa Nguyễn và phần đất của giòng họ này trấn giữ, mở mang và khai thác có hiệu quả, để tạo thành một giang sơn tú lệ sau này. Có lẽ cũng cần nên xét qua về lai lịch của vùng đất mới của non sông.
Vương quốc Chămpa vào đầu Công Nguyên được hợp nhất (năm 193) bởi nhiều bộ tộc sống ở vùng Thuận Hóa, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận. Trước đó, một phần phía bắc thuộc Quận Nhật Nam gồm 5 huyện, là khu Bình Trị Thiên, trong đó có huyện Tượng Lâm gồm Quảng Nam, Quảng Ngãi. Ban đầu mang tên là Lâm Ấp. Trong suốt thời kỳ Đại Việt phải sống dưới áp lực chính trị và văn hóa của Trung Hoa. Lâm Ấp thường xua quân cướp phá. Sau khi bị tướng nhà Tùy là Lưu Phương đánh bại. Năm 606 vua Lâm Ấp là Chư Cát Địa đổi tên nước là Hoàn Vương. Năm 808 Hoàn Vương Quốc bị Trương Chu của nhà Đường đánh đuổi phải chạy về nam và đổi tên nước là Chiêm Thành. Trong khi đất nước ta vướng vào vòng chiếm đóng của Trung Quốc thì Chiêm Thành là một quốc gia hùng mạnh, độc lập, nhưng lại hay đem quân quấy nhiễu và cướp phá. Rồi đến khi Đại Việt giành được quyền tự chủ thì Chiêm Thành lại suy yếu dần. Năm 1044 vua Lý Thái Tông đem quân đánh thẳng vào Trà Bàn (Bình Định) giết vua Sạ Đẩu. Năm 1069 vua Lý Thánh Tông đưa quân bắt vua Chiêm Thành là Chế Củ, Chế Củ xin dâng ba châu Bố Chính, Ma Linh, Địa Lý (Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình). Năm 1307. Chế Mân dâng hai châu Ô, Lý (Thuận Hóa) cho vua Trần Nhân Tông, làm sính lễ cưới Huyền Trân Công Chúa. Chế Mân chết, Chế Bồng Nga nổi loạn đưa quân cướp phá Thăng Long, bắt đầu từ đó chiến tranh Việt Chiêm cứ nổ ra liên tục. Năm 1470 Vua Chiêm Thành là Trà Toàn đưa quân đánh Thuận Hóa. Vua Lê Thánh Tôn đưa quân đánh, bắt Trà Toàn chiếm lấy Đồ Bàn, Đại Chiêm, Cỗ Lũy lập thành đạo Quảng Nam và phân chia nước Chiêm Thành ra làm ba nước là Chiêm Thành, Hóa Anh, Nam Phan phong cho ba vua cai trị. Bắt đầu từ đây Chiêm Thành càng ngày càng suy yếu. Tính đến đây thì Chiêm Thành đã mất hơn phân nửa lãnh thổ vào tay Đại Việt. Nguyên nhân của sự suy yếu này là một tinh thần hiếu chiến khi thấy mình mạnh. Khi suy yếu thì giới quý tộc lại xem lãnh thổ và dân tộc mình như là một tài sản riêng tư tha hồ mà sử dụng nhằm mục đích bảo vệ cái quyền lực mong manh trên cái ngai vàng ruỗng mục của mình. Mà phương thức sử dụng rất kỳ quặc là cắt đất dâng cho Đại Việt để liên minh hay để cầu hòa.
Nếu như Bố Chánh, Ma Linh, Địa Lý trở về Đại Việt là những cuộc chiến đẫm máu thì Thuận Hóa đến với Đại Việt bằng một số phận oan khiên của công chúa Huyền Trân.
Những cái chết của Sạ Đẩu, Chế Củ, Trà Toàn, Trần Duệ Tông, Đoàn Nhữ Hài, Chế Bồng Nga kèm theo một biển máu cho ý đồ mở rộng biên cương của triều đình hai quốc gia. Điều này là một tấm gương cho những nhà lãnh đạo.
Khi Chúa Nguyễn Hoàng vào Thuận Quảng thì Chiêm Thành đã suy yếu lắm rồi. Trong khi đó thì nội bộ của Chiêm Thành rất rối ren. Những cuộc tranh giành quyền lực luôn nổ ra. Nên việc cắt đất dâng cho Chúa Nguyễn để tìm đồng minh bảo vệ quyền lực là chuyện luôn xảy ra khi có biến động trong nước. Đó là một tất yếu đẩy họ đến chỗ diệt vong.
Trong khi đó các triều đại trước Chúa Nguyễn và kể cả cái chính quyền dị hợm “vua Lê, chúa Trịnh”, dù đã nhận về nhưng luôn xem Thuận Quảng là miền biên địa. Không có một chính sách xậy dựng, bảo vệ, khai thác rõ ràng vì chưa xem đó là một phần của tổ quốc mà chỉ gìn giữ nó như là một vùng đệm, vùng phiên thuộc. Nói theo cách của thời bấy giờ. Các quan lại, binh lính được giao cho nhiệm vụ cai trị. vùng đất này đều thuộc các thành phần không ăn cánh với quyền lực trung ương. Họ đến trấn nhậm là để làm một nhiệm vụ duy nhất là trấn giữ một vùng đất biên thùy. Ngoài việc cai trị cho hết nhiệm kỳ họ không làm một điều gì khác. Cư dân ở đó luôn luôn phải đối diện với chiến tranh. Tầm nhìn hạn hẹp của Trịnh Kiểm, Trịnh Tùng đã bộc lộ vì còn bị che khuất bởi tham vọng vọng cá nhân.
 Hoàn cảnh của Chúa Nguyễn Hoàng và các con cháu của ông cũng thế. Nhưng ông lại có một cái nhìn khác rất cơ bản. Ông cần sự ổn định và phát triển để tồn tại. Ông xây dựng một chính quyền, trong phạm vi quyền lực được phép, vừa để cai trị ổn định, vừa để khai phá, xây dựng và phát triển. Một việc làm như thế lại mang tính đối lập rất cao với chính quyền trung ương của Chúa Trịnh. Ban đầu họ không muốn tách ra khỏi Đông Đô. Nhưng Đông Đô thì càng lúc càng rối ren. Chúa Trịnh đã xây dựng một chính quyền mang đầy tính quyền thần, họ lăm le lật đổ nhà Lê, nhưng không thể thực hiện được. Họ xây dựng một loại chính quyền kỳ quái nhất trong lịch sử và hậu quả của nó là liên miên tranh chấp trong nội bộ chính quyền trung ương, tranh chấp cả trong giòng họ, cha con, anh em giết nhau vì ngôi Chúa, ngoài việc tranh giành lãnh thổ và quyền lực gần như chẳng quan tâm lắm việc ổn định chính trị và phát triển đất nước, điều đó gây ra nội chiến liên miên. Nhưng không vì thế mà họ lơ là với Chúa Nguyễn. Chính quyền của chúa Trịnh luôn luôn xem Thuận Quảng là một cái gai cần phải nhổ bỏ. Chính vì thế mà tính độc lập của các Chúa Nguyễn cần phải được củng cố. Muốn thế Thuận Quảng phải đủ mạnh để ngăn ngừa hiểm họa Chúa Trịnh ở phía bắc đồng thời gây một ảnh hưởng mạnh với Chiêm Thành phía nam. Tất nhiên là cũng kèm theo mục đích loại trừ một hiểm họa sẽ ập xuống một giòng họ song song cùng với công cuộc hành Phương Nam. Từ một chính sách cai trị đứng đắn mang tính chính quyền địa phương. Đến khi chúa Nguyễn Hoàng mất, dưới sự lãnh đạo của chúa Nguyễn Phúc Nguyên, chính quyền ấy càng lúc càng củng cố mạnh mẽ thuộc tính độc lập, tự chủ của một nhà nước.
Trong quá trình ấy các chúa Nguyễn gặp phải một thời cơ rất thuận lợi để tiến sâu về phương Nam. Theo từng bước suy tàn của Chiêm Thành, các Chúa Nguyễn đã tiếp nhận từng vùng lãnh thổ của họ cống nạp để xây dựng chính quyền, phát triển kinh tế, quốc phòng.
Xây dựng một binh lực hùng mạnh để bảo vệ những thành quả đạt được. Năm 1630 sau khi đắp lũy Trường Dực theo ý kiến của Đào Duy Từ và việc trả lại sắc chỉ, từ khước mọi yêu cầu của Trịnh Tráng. Binh lực của Chúa Nguyễn chỉ bằng 1/10 lực lượng của Đông Đô. Chúa Nguyễn Phúc Nguyên phóng tầm mắt nhìn suốt về phương Nam, mà còn nhìn rộng ra biển Đông, vừa đề phòng vừa tìm cách khai thác những nguồn lợi vô tận của biển cả. Các Chúa Nguyễn tiếp theo đã xác lập chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, Cơn Sơn để tạo một hành lang an toàn ở biển Đông và sãi bước tiến về vùng đất mênh mông ở phương Nam, mà chẳng ai có thể sống giữa những đàn muỗi dày đặc như trấu, đĩa vắt như bánh canh, sấu đầy các sông rạch. Dã thú in dấu khắp các núi rừng, đồng cỏ.
TÌNH HÌNH THỦY CHÂN LẠP. VÙNG ĐẤT CŨ MÀ MỚI.
Đây là vùng đất có rất nhiều biến động về địa hình do ảnh hưởng tương tác của các giòng hải lưu của biển Đông và lưu lượng sông Mékông. Trong thiên niên kỷ cuối, những thiên niên kỷ đầu Công Nguyên khu vực này đã xuất hiện nền văn minh Óc Eo với những thương cảng sầm uất tạo ra một “con đường hương liệu” tấp nập, đón tiếp các tàu buôn đến từ Roma, Ba Tư, Trung Hoa… Các nhà khảo cổ đã tìm thấy những tấm gương đồng thời Hậu Hán cùng với những đồng tiền La Mã và medal bằng vàng có hình hoàng đế Antonius Pius (152) khi khai quật vùng Ba Thê trong khu tứ giác Rạch Giá-Long Xuyên. Theo các thư tịch cổ thì đây là một vương quốc hùng mạnh có tên là Phù Nam. Các đoàn truyền giáo của vua Asoka cũng đi con đường này đến phương Đông. Và cũng trên con đường này, các thiền sư Lạc Việt, Trung Quốc đã sang Ấn Độ. Có thể trong khoảng thời gian này những chiếc trống đồng đã tìm thấy ở vùng bán đảo Cà Mau và miền Đông Nam Bộ đã theo các thương nhân Lạc Việt đến đây đây, hoặc các lưu dân Lạc Việt đi tìm vùng da916t mới
Nhưng đến thế kỷ thứ VIII thì nước biển dâng cao, ngăn chận nước sông Mékông thoát ra biển, các sông lạch bị đổi giòng và toàn khu vực Tây Nam bộ bị chìm trong nước. Các thương cảng bị cô lập và nền văn minh Phù Nam lụi tàn. Vào đầu thế kỷ XIV, khi những lưu dân Đại Việt đầu tiên đến đây thì cả vùng Thủy Chân Lạp hầu hết là những cánh rừng trầm thủy. Các vùng gò cao là vùng đất bồi màu mỡ bởi những trầm tích của phù sa sông Mékong nhưng vẫn còn hoang hóa. Điều kiện sống dành cho con người là vô cùng khắc nghiệt. Vì lẽ đó mà các vương triều Chân Lạp chưa bao giờ xem là lãnh thổ của mình.
 Nhưng với một quyết tâm sắt đá, những người đi khai hoang được sự lãnh đạo bởi một chính quyền, càng lúc càng vững mạnh, các Chúa Nguyễn với chính sách dân tộc mang tính chiến lược. Người Việt, người Hoa, người Chiêm Thành, người Chân Lạp, người Java… và cả người Nhật đã chung sống hòa bình, góp tay mở mang và xây dựng một đất nước mới. Tính đa văn hóa thể hiện rất rõ ở phương Nam mà điển hình nhất là thị xã Hội An với văn hóa Nhật-Hoa, Quảng Nam, Châu Đốc với văn hóa Chămpa, thành phố Sài Gòn, Biên Hòa với văn hóa Trung Hoa, Sóc Trăng với văn hóa Khmer, Long Hồ với văn hóa thuần Việt, trấn Hà Tiên với Chiêu Anh Các. Tất cả đều nằm trong một quỹ đạo xoay chung quanh Chính Dinh ở Huế.
Các Chúa Nguyễn phải có và đã có được một lãnh thổ riêng, một chính quyền riêng để họ và nhân dân, những con người bị Đông Đô ghét bỏ, cùng tồn tại. Họ có tham vọng, một tham vọng tất yếu, nhưng chưa vội thực hiện chuyến trở về Đông Đô. Với mục  tiêu đó, các Chúa Nguyễn đã lãnh đạo một chính quyền duy nhất trong lịch sử Việt Nam có một biên độ ổn định dài nhất và phát triển mạnh nhất trong lịch sử và cũng là một chính quyền duy nhất không bị suy tàn vì tư cách của người lãnh đạo cao nhất. Thông thường thì các triều đại phong kiến thì những người khởi nghiệp luôn luôn là những người có một khả năng vượt trội hơn ai hết trong thời đại mà họ đang sống và sau đó là vài ông vua kế tiếp có sự nghiệp tương đối hoặc có thể tốt hơn. Nhưng rồi con cháu họ lại đi theo con đường tha hóa và suy tàn dần để cho một triều đại khác thay thế. Riêng sự nghiệp hai trăm năm của các Chúa Nguyễn được gìn giữ và phát triển liên tục. Tất nhiên có nhiều điều kiện khách quan. Nhưng tư cách của 8 ông Chúa thì không có gì phải bàn. Các Chúa Nguyễn nắm giữ vương quyền khi đã thực sự trưởng thành, từ tuổi tác cho đến nhân cách. Các Chúa Nguyễn trước khi lên ngôi đều nhận được một nền giáo dục tốt, có điều kiện khẳng định được khả năng mình. Họ được giao cho một chức tước với những nhiệm vụ tương đối phức tạp, giữ một vai trò lãnh đạo vừa phải về các mặt kinh tế, chính trị, quân sự. Họ dần trưởng thành về trí tuệ, về nhân cách, về năng lực lãnh đạo. Họ được lựa chọn và là người có năng lực nhất trong số những anh em mình. Người tiền nhiệm luôn luôn chỉ cho những người tham gia cuộc lựa chọn người kế nhiệm thấy những nguy cơ chết người về sự hiểm nguy của quyền lực. Nhưng đến năm 1765 Chúa Nguyễn Phúc Thuần là một cậu bé 12 tuổi bị đẩy lên ngôi với một quyền thần tham lam vô độ kề bên đã làm cho chính quyền này sụp đổ. Ai trách được Chúa Nguyễn Phúc Thuần khi mà tuổi tác không cho phép ông ý thức được vị trí của mình, và đến khi đã có những ý thức thì mọi thứ đã không còn và ông và cháu mình, Nguyễn Phúc Dương, đã chấp nhận cái chết bằng thái độ của một ông Vua.
Những gì mà Lê Quý Đôn (1726-1784 viết trong Phủ Biên Tạp Lục (viết năm 1776) có rất nhiều điều chủ quan khi nói về vùng đất phương Nam. Lê Quý Đôn đánh giá về các Chúa Nguyễn bằng cặp mắt của một quyền lực chính trị đối lập, thậm chí thù địch. Quan trọng hơn là Lê Quý Đôn đã đồng hóa một giai đoạn suy thoái ngắn ngủi và tàn khốc ấy với hai thế kỷ cật lực xây dựng và phát triển. Nếu nói về nhũng lạm, mua quan bán tước thì nên hiểu là các Chúa Trịnh mới là những kẻ có chủ trương và thực hiện việc này một cách công khai. Chính bản thân Lê Qúy Đôn cũng bị cuốn vào việc này khi dùng tiền bạc và quyền lực của mình để làm sai lệch kết quả thi cử có lợi cho con mình. Tất nhiên, sự suy vong của chính quyền Chúa Nguyễn Phúc Thuần xuất phát từ nội tại. Nhưng chưa bao giờ lại là do tư cách, phẩm chất của người lãnh đạo cao nhất. Cũng phải xem lại quan điểm của Lê Quý Đôn. Là một học giả tài ba, nhưng ông không thể tránh được việc để cho những nhận định của mình bị chính quyền Chúa Trịnh tác động. Hơn ai hết, ông nhận ra rõ nhất những bệ rạc của chúa Trịnh Sâm. Nhưng có một điều lạ là có một bộ phận những người viết sử cứ bám riết vào lập luận của Lê Quý Đôn để từ đó kết án, và loại bỏ, và tạo thành một quảng trống trong lịch sử phát triển của đất nước. Bất chấp những công trình, những di tích lịch sử và cụ thể nhất là một nửa giang sơn mà các Chúa Nguyễn đã dày công khai phá. Và họ đang chễm chệ ngồi trên đó thực hiện trò ăn cháo đái bát. Tất nhiên là họ ít xịt, nhưng rất rộng họng nên rất đáng phàn nàn.
Chỉ có hậu thế mới thấy được sự suy tàn của một giai đoạn phát triển hoàn chỉnh cũng đau đớn như là một sự chuyển dạ để hai mươi lăm năm sau các hậu duệ của Chúa Nguyễn khai sinh một giang sơn to đẹp nhất trong lịch sử.
Hai mươi lăm năm đầy những biến động ấy, không ai nghĩ là tại sao với một lối dụng binh, hành binh thần tốc, tạo nên hai chiến thắng vang dội, đánh tan tành hai đội quân xâm lược, lại không thể tiêu diệt được Nguyễn Ánh sức yếu thế cô, không thể thống nhất được giang sơn. Vua Quang Trung, với đức độ và tài năng của mình đã tập hợp gần như hầu hết những nhân tài kiệt xuất thời bấy giờ như Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích, Nguyễn Huy Lượng, Nguyễn Thiếp, Bùi Thị Xuân, Trần Quang Diệu, Vũ văn Dũng, Ngô văn Sở, Bùi Thị Xuân và hàng hàng lớp các sĩ phu, danh tướng. Ngoài cái việc anh em nghi kỵ, tàn sát lẫn nhau thì còn một điều gì nữa? Không ai trả lời được câu hỏi mấu chốt này (Hay trả lời được mà cố quên) để còn có cái mà bài xích triều đại Nguyễn Gia Long và quên béng đi, hoặc như có nhắc nhở, thì cũng là gán ghép cho cái dấu lặng của lịch sử. Các Chúa Nguyễn chẳng qua là một thế lực cát cứ (?!).
Không ai nhìn thấy cái mầm mống phân liệt đã nằm trong ngay trong nội tại của nhà Nguyễn Tây Sơn, không phải vì lóa mắt trước đức độ và những chiến công hiển hách của vua Quang Trung, mà vì quan điểm của một thời đang sống. Đứng trên một góc nhìn thực tế. Nhà Nguyễn Tây Sơn không thống nhất được đất nước. Dứt nhà Lê, diệt chúa Trịnh, đánh dạt chúa Nguyễn để rồi sau đó họ xem đất nước như là một tài sản riêng. Nguyễn Tây Sơn mặc nhiên công nhận sự phân chia đất nước như là một sự phân chia tài sản của riêng mình. Chỉ duy nhất vua Quang Trung là có những động thái xây dựng. Người ta đã cố tình không nhìn vào cái trí lực hẹp hòi và cung cách hành xử có tính lục lâm thảo khấu của Nguyễn Nhạc, cái ươn hèn, mê tín của Nguyễn Lữ và quan trọng hơn là sự thiếu quyết đoán của vua Quang Trung trong cung cách cư xử nội bộ. Cái chết của vua Quang Trung khá bất ngờ có phải chăng là hậu quả của bao nhiêu đêm thức trắng vì phân vân giữa Đại Cục và Tình Anh Em. Có một điểm cần lưu ý là vua Quang Trung không chủ trương và dính dáng gì đến việc xâm phạm mồ mả và thi thể của Nguyễn Phúc Luân (thân phụ, thân mẫu vua Gia Long), cái chết của Định Vương Nguyễn Phúc Thuần và Tân Chính Vương Nguyễn Phúc Dương. Đó là hành vi của kẻ theo đóm ăn tàn theo chủ trương của Nhạc, Lữ. Những hành động này tạo ra tiền đề cho cuộc phục thù tàn bạo sau này. Đó là nhân quả. Người hiện đại mấy ai tin vào nhân quả (!?)
Người ta lên án Nguyễn Gia Long đã trả thù một cách bạo liệt giòng họ Tây Sơn mà không chịu hiểu tại làm sao nó lại như thế. Tất nhiên, hành động trả thù đó đáng bị lên án, nhưng tại sao lại phải tỏ rõ một thái độ thiên vị cho kẻ đã gây thù? Suy cho cùng các chúa Nguyễn chưa bao giờ là một kẻ thù của nhân dân và cũng chưa bao giờ là kẻ thù của giòng họ Tây Sơn. Những việc làm của Nhạc, Lữ mà sau này con cháu, tôi thần và thi thể vua Quang Trung phải bị vạ lây. Phải chăng cái lệch lạc ấy của hậu nhân nằm trong cái suy nghĩ mang tính giáo điều. Và tại vì nhà Nguyễn Tây Sơn được vinh dự mang trên đầu cái “vương miện Nông Dân khởi nghĩa “. Rồi vì lý do đó, chẳng những nhà Nguyễn Trung Hưng bị nhìn bằng một con mắt thiên lệch mà tổ tiên của họ cũng chẳng ai coi ra gì, rồi để mặc cho cái công lao hiển hách, mở rộng một giang sơn bị chìm sâu vào quên lãng. Điều đó, vô hình chung đã biến các thế hệ con cháu mai sau thành những kẻ quên cội, quên nguồn.
Trong bảng niên biểu trên. Chúng ta thấy gì qua 219năm của một chính quyền. Trước khi chúng ta phân tích một cách cụ thể từng lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Chúng ta thử xét lại tư cách của chính quyền này trong bối cảnh chính trị đặc thù của giai đoạn này. Chúng ta có bốn vấn đề cần phải lưu tâm:
1. Tình trạng hỗn loạn bắt đầu từ năm 1533 đã đi đến đỉnh điểm của nó. Nhưng chưa có một lực lượng đủ mạnh để thống nhất một giang sơn hiện có.
2. Sự suy tàn của vương quốc Champa, Lục Chân Lạp và vùng đất hoang hóa Thủy Chân Lạp cùng với sự sụp đổ của nhà Minh ở Trung Quốc.
3. Những bước tiến đầu tiên của khoa học kỹ thuật kèm theo những phát kiến mới về địa lý đã đưa những người Phương Tây tìm đến Phương Đông.
4. Từ trước đến nay, hầu hết mọi người đều gọi sự đối kháng giữa chúa Trịnh và chúa Nguyễn từ năm 1558 đến 1777 là Trịnh Nguyễn Phân Tranh. Liệu gọi như thế có đúng thực chất hay không?
Trong những điều kiện lịch sử như thế. Không riêng gì ở Việt Nam, mà ở các quốc gia khác trong khu vực đã bị cuốn vào trong một cơn lốc mới của sự thay đổi. Những giá trị cũ và mới đang có một sự cạnh tranh quyết liệt từ nội tại của giá trị đó và giá trị đối lập. Đó là điều kiện để cho những tư tưởng cát cứ phát triển. Ở Trung Quốc triều đại nhà Minh suy thoái tạo ra một triều đại mới. Là triều đại thứ hai của Trung Quốc không phải là người Hán, bản thân họ cần phải có một lực lượng đủ mạnh để trấn áp và họ đã làm được sau gần một trăm năm từ khi thành lập triều đại của mình. Trong bối cảnh như thế. Chính quyền của Chúa Nguyễn ở Đàng trong lại phát triển và ổn định trong một thời gian thật dài mà trong suốt lịch sử của Việt Nam chưa có một triều đại nào đạt được tính đến ngày chế độ phong kiến cáo chung (nếu không muốn nói là cho đến bây giờ). Tại sao Chính quyền này làm được như thế? Do hoàn cảnh đặc thù của tình hình thời bấy giờ hay là do tài năng của họ. Điều này được khẳng định ở vế sau. Trước nhất, chúng ta nên nhìn xem Chính quyền này tồn tại với tư cách gì. Một nhà nước Đại Nam độc lập hay là một bộ phận của một nhà nước Đại Việt của một chính quyền nhà Lê Trung Hưng chỉ còn là hư vị (nếu không muốn nói là con rối) Có lẽ là cả hai. Trước nhất chính quyền của Chúa Nguyễn là một nhà nước độc lập về mọi mặt. Nhưng vai trò tôn phò nhà Lê như là một sự gìn giữ một hậu phương tinh thần vững vàng cho công cuộc Nam Tiến mở rộng giang sơn. Chính quyền này không chủ động chia cắt mà mở rộng một đất. Chính Chúa Nguyễn Hoàng đã phải mất tám năm với biết bao nhiêu tâm lực để giúp kẻ tàn hại gia đình mình đánh tan nhà Mạc, thống nhất đất nước, ổn định chính trị và quyền lực của Lê triều. Và khi ông về hẵn phương Nam ông còn để lại phương Bắc một phần ba con cháu của mình.  Hơn ai hết ông biết rõ mình phải làm gì và có trách nhiệm như thế nào đối với lịch sử và sự tồn vong của một đất nước ấy. Đây là một việc làm chưa từng có trong lịch sử hình thành một chính quyền, một quốc gia. Từ đó không thể đánh đồng vai trò của các Chúa Nguyễn như là một sứ quân hay là một chế độ quyền thần khuynh loát một triều đình ruổng mục như của Chúa Trịnh đã làm ở phiá Bắc, lại càng không thể xem là một thế lực cát cứ. Vai trò của các Chúa Nguyễn là vai trò của một nhà dinh điền mang đầy màu sắc chính trị yêu nước, nên phải mang tầm vóc của một nhà nước để mở nước và giữ gìn nước ấy. Vì vậy họ phải sáng suốt lựa chọn những chính sách thích hợp với những con người thích hợp để đạt được mục đích. Mục đích của họ là một quốc gia mới rộng lớn và phồn vinh. Lời dặn dò trước phút lâm chung ở tuổi 89 đã trở thành một kim chỉ nam cho một chính quyền non trẻ. Cuộc chiến tranh duy nhất mà chính quyền của Chúa Nguyễn phát động từ tháng 3/1655 tiến chiếm 7 huyện phía nam Nghệ An và giữ đến cuối năm 1660 là một cuộc biểu dương lực lượng để cảnh báo cho chính quyền Đông Đô, để bảo vệ những thành quả đạt được và hướng đến mục đích cuối cùng. Trong cuộc chiến đó phải thực hiện và phải biết lùi lại đã chỉ cho chính quyền này biết rằng công việc của họ ở phương Nam chưa hoàn tất. Việc cần phải làm là phải giữ vững phòng tuyến phía Bắc để hoàn thành nốt những gì còn lại ở phương Nam. Chính quyền của các Chúa Nguyễn là một chính quyền của một quốc gia độc lập, nhưng vẫn giữ niên hiệu và danh nghĩa tôn phò nhà Lê. Đây là một vấn đề rất tế nhị. Kể cả khi Nguyễn Phúc Khoát xưng vương thành lập triều đình như vẫn không lập quốc hiệu và niên hiệu. Bởi vì, nếu như thế tức là rời khỏi hẵn cái nôi của cả một dân tộc. Cần phải gìn giữ sợi dây liên hệ mang tính tâm linh ấy cho mai sau.
Không có khái niệm phân tranh, cát cứ ở đây. Một phương Nam nổ lực xây dựng đối lập với một phía Bắc nổ lực phá hoại. Bảy lần đánh nhau thì hết sáu lần Chúa Trịnh chủ động tấn công. Lần đánh trả duy nhất được Chúa Nguyễn thực hiện không nhằm mục đích tiêu diệt mà là cảnh cáo.
Ngoài ra cũng nên xem lại, trong hai trăm năm ấy các chúa Trịnh đã làm gì để xây dựng đất nước ngoài những việc tranh giành quyền lực, đưa thế nước đến chỗ rối ren cùng cực. May mắn cho Chúa Trịnh là nhà Minh đang lúc suy vi, rồi mất nước. Nhà Thanh mới dựng nước, cần phải có thời gian ổn định. Nếu không thì mọi việc đã khác. Rất khác.
Chúa Nguyễn đã tạo ra một giang sơn riêng, đất nước riêng. Phát triển và ổn định nó hai trăm năm. Trong khoảng thời gian ấy vừa xây dựng, phát triển, vừa chống chọi với những âm mưu, thôn tính, phá hoại của Chúa Trịnh vừa bảo vệ những thành quả đạt được. Xây dựng và gieo cấy một nền văn hoá Việt trên những vùng đất hoang hóa mênh mông tạo nên một nền tảng vững chắc cho sự thống nhất mai sau như là một thành quả vô giá khi trở lại cội nguồn.
Không thể dùng thuật ngữ “Trịnh Nguyễn phân tranh” để gọi giai đoạn lịch sử này. Gọi như thế là đánh đồng các chúa Nguyễn là quyền thần, là cát cứ, là một trong hai bộ phận tạo nên một cái gọi là nội chiến. Phải nhìn nhận vấn đề cho đúng theo sự kiện của nó. Chúa Trịnh đã đã tiêu diệt nhà Mạc phản động với sự giúp sức của Đoan Quân Công Nguyễn Hoàng, thay vì cố kết lòng người để xây dựng, thống nhất và mở rộng đất nước thì lại nối tiếp con đường quyền thần áp chế triều đình nhà Lê làm tan hoang một miền Bắc suốt hai trăm năm, trong khi các chúa Nguyễn chắt chiu từng mảnh đất con con khai phá được, rồi gom góp lại thành một non sông. Đã thế, Chúa Trịnh còn 6 lần xua binh hỏi tội (?!). Thế thì ai đánh ai? Cuộc tiến binh chiếm bắc Bố chính trong những năm 1655-1660 chỉ là một hình thức tự vệ. Nghĩa là các chúa Nguyễn ở phương Nam không có phân, mà không phân thì làm sao tranh. Chúa Nguyễn động binh để bảo vệ những thành quả mà các Chúa và nhân dân đạt được.
Do đó, có thể khẳng định đây là một nhà nước hoàn toàn độc lập với một chính quyền hoàn hảo. Nhưng lại phải lựa chọn một hình thức nhà nước rất dễ gây hiểu lầm là một lực lượng cát cứ. Tại vì các lẽ sau đây:
Một là, không thể tách rời một dân tộc thành hai dân tộc, trong khi dân tộc đó đang trên đà phát triển thần tốc.
Hai là, tạo ra một chính quyền mang tính nhà nước hoàn toàn mới, đủ quyền lực và năng lực để mở rộng biên cương bằng cách gom góp những gì của thiên hạ để lại và thiên nhiên ban tặng.
Ba là, tạo ra một tiền đề cho sự thống nhất sau này mà không phải đối phó với quá nhiều dị biệt. Cội nguồn dân tộc là một thứ không thể nào chối bỏ mà còn phải luôn luôn gìn giữ và tôn tạo để tồn tại. Trong suốt quá trình tồn tại, chưa bao giờ các Chúa Nguyễn lại quên giòng họ mình xuất thân từ Thanh Hóa, cái nôi của văn minh Lạc Việt mà sau này Đại Việt, Đại Nam rồi Việt Nam. Còn hơn thế, đây là giòng dõi Đinh Quốc Công Nguyễn Bặc thời Đinh Tiên Hoàng, và đã sản sinh ra một nhân vật kiệt hiệt nhất trong lịch sử. Nguyễn Trãi.
            Những sử gia của hậu thế đâu phải không nhận ra điều này. Hơn ai hết họ đã từng hết lời ca ngợi một giang sơn bắt đầu từ Ải Nam Quan đến mũi Cà Mau. Cái khái niệm “…đến mũi Cà Mau” này từ đâu mà có. Tám ông Chúa và những tướng tá, quan lại chung quanh các vị Chúa đã làm gì để cho hậu thế có thể sử dụng cái tổ hợp từ thiêng liêng này. Người ta không quên. Thế thì lý do gì mà họ lại lựa chọn thái độ của một loại người “ăn cháo đái bát”. Thậm chí còn có những “thằng” còn giở trò hỗn láo với tổ tiên. Họ viện dẫn ý muốn thành lập hẵn một quốc gia riêng để kết tội các Chúa Nguyễn mưu đồ tách một nửa đất nước ra khỏi cái nôi của dân tộc mà quên tuốt đi cái công lao vĩ đại khai hoang vỡ hóa. Điều này hoàn toàn sai lầm vì rất nhiều lẽ:
            Một là sau lần xua quân về phương Bắc năm 1655-1660 chiếm giữ 7 huyện của Nghệ An. Tình hình của các Chúa Nguyễn trong Nam có thể xưng vương bất cứ lúc nào mà không nhất thiết phải cần có sự đồng ý của triều đình Mãn Thanh. Mà tại sao lại phải như thế? Nếu có chẳng qua là động thái ngoại giao. Thậm chí tình hình lúc đó, Chúa Nguyễn cũng đủ mạnh để giải phóng Bắc Hà. Khi Trịnh Tráng chết, anh em Trịnh Tạc Trịnh Toàn choảng nhau chí mạng.
Hai là Chúa Nguyễn Phúc Khoát xưng vương năm 1744, trong chiếu lên ngôi ông viết “…Hoàng Tổ một phương hùng cứ, đã có một nửa non sông… Thầm nghĩ nuớc chưa thống nhất, giặc (Chúa Trịnh) chưa dẹp yên, vẫn gắng noi theo tiên tổ…”
Chúng ta nghĩ gì về “một nửa non sông mà Nguyễn Phúc Khoát đã nói. Một nửa non sông ấy là gì? Là từ Móng Cái đến Nghệ An sẽ được nối vào Thuận Hóa, Quảng Nam của những năm 1560-1570, đến mũi Cà Mau, trấn Hà Tiên của năm 1708. Các Chúa đã cùng những lưu dân cộng vào dãy non sông ấy một tâm lực, trí lực tuyệt vời và cả xương máu gần hai trăm năm khai phá, phát triển và chờ đợi thời cơ để hoà nhập vào cái nôi chung của dân tộc.
Nhưng lạ một điều là trong quá trình hào hùng ấy ấy. Không có khái niệm bành trướng, lại càng không là một cuộc chiến tranh xâm lược mà là chắt chiu khai phá và gìn giữ những gì người ta bỏ lại và tiếp nhận sự ban tặng của thiên nhiên dành cho kẻ có lòng. Vương quốc Chămpa đang đi đến điểm cuối của con đường diệt vong mà mầm mống của sự diệt vong ấy đã được các cấp lãnh đạo của họ ươm mầm từ ngày lập quốc và Thủy Chân Lạp là một một vùng đất hoàn toàn mới chưa bao giờ được vương quốc Khmer xem là lãnh thổ của mình, dù rằng trên mảnh đất ấy đã từng xuất hiện một nền văn minh Phù Nam chói lọi với “con đường hương” liệu nối liền hai hướng Đông Tây. Nhưng giờ đây khi cả một dân tộc đang sống trong một giang sơn tú lệ, vì một lý do “trời ơi” nào đó, mà nảy sinh ra một bộ phận nhỏ, rất nhỏ nhưng đầy uy lực, quên mất tổ tiên mình. Thậm chí cũng không dành một cái tên đường cho những con người đã tạo ra một giang sơn. Sự lãng quên đáng trách ấy đã để lại một quảng trống của lịch sử, nếu không muốn nói là cố tình bôi bác. Lạ thật? Lạ thật? Ôi dân tộc vĩ đại và anh hùng này tại sao lại có một bộ phận cố tình quên lửng ông cha và quên mất cội nguồn thế kia nhỉ? Họ thắp lên một ngọn đuốc dị kỳ bằng một quan điểm ngoại lai để soi đường cho lịch sử. Trong khi yêu cầu thực sự của lịch sử là làm sáng rõ một sự thật. Họ mượn cái từ nhân dân để phủ nhận tất tần tật mọi thứ để rồi họ đứng trên cả nhân dân và buộc nhân dân quên hết tổ tiên mình.
Đọc sử, học sử là để ôn chuyện cũ biết chuyện nay, không phải để phê phán và để… làm bộ quên, những đầu óc thiển cận đã cho chính quyền của Chúa Nguyễn là một thế lực cát cứ, một sứ quân. Tiếc thay, không hiểu vì lý do gì mà con cháu hôm nay nhìn về giai đoạn lịch sử mang tính khai quốc này bằng một cặp mắt của những kẻ… cố quên như thế. Buồn thay, trong số đó có không ít người là hậu duệ của một giòng họ lẫy lừng. Họ nghĩ gì nhỉ? Những suy nghĩ vô ơn đó không nằm trong những trang viết này. Họ đã xem những con người tuyệt vời này không bằng những kẻ nổi loạn đương thời như Nguyễn Hữu Cầu, Hoàng Công Chất, Nguyễn Danh Phương… và cả Phan Bá Vành, Nùng văn Vân… sau này. Ôi những người lãnh đạo nông dân khai hoang lập ấp với tay cuốc tay cày thì làm sao bằng những người làm loạn được phong hàm “lãnh tụ nông dân khởi nghĩa” với tay giáo, tay gươm phá xóm, phá làng(?!). Nhưng họ quên một điều cốt lõi là; giả sử rằng nếu như mấy ông nông dân phá xóm phá làng ấy đoạt đươc chính quyền, họ lên ngôi vua thành lập triều đại mới hay là xây dựng chế độ Cộng Hòa?!
Người ta đã loại bỏ ra khỏi môn lịch sử giai đoạn này trong các chương trình giảng dạy. Nếu có nhắc thì cho các ông Chúa này là một bộ phận cát cứ phân liệt. Đánh đấm nhau vì quyền lợi của mình và sống trên xương máu nhân dân. Đánh đồng với các chúa Trịnh giết vua như giết ruồi, sát phụ, tru huynh như đập muỗi. Quả là hết nói nổi.
            Những trang viết này không phải là viết sử mà là một lời nhắc nhở, là một sự ghi nhận lại những cóp nhặt tản mạn để nói cho chính bản thân người viết biết rằng: “Ngã kim nhật tại tọa chi địa. Cổ chi nhân tằng ngã tọa chi”. như Nguyễn Công Trứ đã khẳng định. Bản thân hai câu thơ này không phải để diễn tả một sự kiện lịch sử, nhưng nó cũng có thể hiểu như thế này; Bây giờ đang thong dong ngồi trên mảnh đất này. Ngày xưa tổ tiên cũng đã từng ngồi. Tất nhiên cái chỗ ngồi của người xưa không bao giờ êm ái hơn chỗ ngồi của người hiện đại. Bởi vì, hôm nay ngồi mà thụ hưởng. Tổ tiên thì tìm một chỗ ngồi là để khẳng định một giang sơn. Sự tìm kiếm ấy thực không dễ dàng gì. Một giang sơn ấy, chỗ ngồi ấy được đổi lấy bằng máu nước mắt, mồ hôi và quan trọng hơn. Lòng nhân ái. Không một ông vua Chiêm Thành, Chân Lạp nào bị giết, tất nhiên cũng không có một cuộc chiến tranh tàn sát đẫm máu nào. Mà là cưu mang đùm bọc người Chăm, vẫn để các phum sóc người Khmer sinh hoạt bình thường với văn hóa của họ. Vẫn còn đó những tháp Chàm, vẫn còn đây ngôi chùa Dơi ngày ngày nghi ngút khói hương và nụ cười an nhiên của Phật. Vẫn những hội quán chùa chiền của người Hoa, vẫn giữ gìn tôn tạo khu phố Hội An với đặc trưng văn hóa Nhật. Những lần động binh về phương nam hầu hết chỉ là những cuộc biểu dương lực lượng, nếu như đem so sánh với việc huy động binh lính đánh phương Nam của Chúa Trịnh
Nên chăng gọi giai đoạn này là Cuộc Dinh Điền Vĩ Đại Của Dân Tộc.

XÂY DỰNG CHÍNH QUYỀN:
Thoạt đầu, khi Nguyễn Hoàng vào trấn Thuận Hóa, ngoài những người thân tín trong giòng họ, ông còn phải tiếp nhận một hệ thống chính quyền khu vực do chúa Trịnh thiết lập. Nhưng có một điều may là hầu hết những người này đều thuộc dạng đi đày y như Chúa Nguyễn Hoàng vậy. Quan điểm của chính quyền trung ương xem Thuận, Quảng như là một vùng ma thiêng nước độc, đầy những hiểm nguy. Nên việc đưa họ vào đây tức là xác nhận họ không phải là kẻ trung thành hay chí ít cũng là người không ăn cánh. Cái tầm nhìn hạn hẹp ấy của triều đình nhà Lê, mà đại biểu là các chúa Trịnh quyền thần.
Hơn ai hết, Chúa Nguyễn Hoàng biết điều này. Ông và những người thân tín như Nguyễn Ư Dĩ, Tống Phúc Trị, Nguyễn Triều Văn, Bùi Tá Hán và một số quan lại Bắc Hà theo về Lương văn Chính, Nguyễn Cửu Kiều, Nguyễn Dương Hưu, Nguyễn Đức Tráng, Nguyễn Đức Bảo, Mạc Cảnh Huống, Trần Đức Hòa... kẻ văn, người võ bắt đầu xây dựng và ổn định chính quyền theo hướng vừa là của nhà Lê, nhưng hoạt động theo một tiêu chí riêng của mình, ổn định nhân tâm, xây dựng chính quyền vững mạnh, phát triển kinh tế, mở rộng đất đai và một binh lực hùng mạnh để bảo vệ những thành quả đạt được. Nghĩa là chỉ muốn biến cái tầm nhìn xuyên hậu thế của Nguyễn Bỉnh Khiêm “Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân” thành hiện thực. Cho đến khi một nhân vật kiệt xuất xuất hiện. Đào Duy Từ. Ông là con của Đào Tá Hán, một kép hát vì thế nên không được đi thi dù học rất giỏi. Do vậy Đào Duy Từ vào Thuận Hóa và tá túc với Trần Đức Hòa. Khi được Trần Đức Hòa tiến cử với Chúa Sãi. Đào Duy Từ có được một niềm tin của Chúa Nguyễn Phúc Nguyên đủ để củng cố chính quyền Đàng Trong. Trước mắt là tăng cường hệ thống phòng thủ, đắp lũy Trường Dực, lũy Thầy. Sau này Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Hữu Dật đắp thêm nhiều tuyến phòng thủ nữa. Lập lò đúc súng. Huấn luyện binh sĩ có phương pháp. Tăng cường binh lực, nâng cao vai trò của Thủy Binh và điểm cuối cùng để xác lập một chính quyền độc lập bằng cách trả lại sắc phong của vua Lê, nói trắng ra là chúa Trịnh, xác lập một chính quyền hoàn toàn tự chủ và độc lập. Ông tiến cử Nguyễn Hữu Tiến, trọng dụng Nguyễn Hữu Dật, Trương Phúc Phấn… thay dần những quan lại do Chúa Trịnh bổ nhiệm để tránh cảnh nuôi ong tay áo. Chọn lựa những người có đức có tài trong tôn thất và trong dân chúng sung vào các vị trí trọng yếu. Ông còn là một thủ lĩnh trong trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ. Một nhà chính trị tài ba và một nghệ sĩ xuất sắc.
Cách thiết lập chính quyền và điều hành công việc đất nước của các Chúa Nguyễn rất cơ động không theo một hệ thống nhất định nào nhưng vẫn có một tiêu chí nhất định là chức vụ và con người phải vừa đáp ứng cho yêu cầu cơ bản hay vừa mới xuất hiện. Nên chúng ta thấy hệ thống chính quyền của các chúa Nguyễn rất phức tạp không có một hệ thống hay quy cũ gì cả. Nhưng tất cả đều trơn tru, bởi vì đất nước của các Chúa luôn luôn mới. Đặc điểm nổi bật nhất là một chính sách ngoại thương rất tiến bộ. Thương nhân nước ngoài tấp nập ra vào các thương cảng sầm uất của phương Nam: Hội An, Thanh Hà, Nông Nại, Mỗi Suy, Mỹ Tho, Long Hồ, Hà Tiên. Tầm nhìn được nhình xuyên suốt về phương Nam và vươn ra biển đông.Hoàng Sa, Trường Sa, Côn Lôn, Hòn Khoai, Phú Quốc… Tất cả đã trở thành đất nước Đại Nam.
Các chúa Nguyễn cho mở khoa thi đầu tiên năm 1664 và liên tục vào những thập niên sau đó để tuyển dụng nhân tài đáp ứng yêu cầu quan lại cho những vùng đất khai phá được càng lúc càng rộng hơn. Chính sách tuyển quân, thuế má càng lúc càng hoàn chỉnh. Bản thân các Chúa và các tướng lĩnh thường xuyên đôn đốc việc huấn luyện quân đội, sản xuất quân khí, quân dụng, lò đúc súng, đóng tàu thuyền. Từng bước hoàn chỉnh việc đo đạc bản đồ, lập nhà kho tích trử lương thực, thực phẩm phòng khi đói kém, mất mùa và cung ứng cho nhu cầu phát triển binh lực, vừa để ổn định chính trị, gìn giữ, bảo vệ những thành quả đạt được. Nhưng công việc ưu tiên hàng đầu vẫn là đẩy nhanh công cuộc Nam tiến, khai hoang lập ấp, phát triển kinh tế, mở rộng giao thương. Và quân đội bao giờ cũng lãnh vai trò đi đầu.
Do hoàn cảnh đặc thù. Chính quyền Chúa Nguyễn mang tính chất một chính quyền quân sự. Nhưng chính quyền mang tímh quân sự ấy không nhằm mục đích xâm lược hay tranh giành ảnh hưởng mà chỉ là bảo vệ những thành quả lao động đã đạt được. Hầu hết những chức vụ quan trọng đều do các tướng lĩnh nắm giữ. Bản thân của các Chúa Nguyễn cũng là những tướng lĩnh đầy mưu lược như Nguyễn Hoàng, Nguyễn Phúc Nguyên, Nguyễn Phúc Tần và những tướng lĩnh xuất thân từ hoàng tộc như Tôn Thất Khê, Tôn Thất Hiệp… Nhất là Tôn Thất Hiệp, tiếc rằng ông tướng tài ba và đức độ này chết khá trẻ, mới 23 tuổi. Có một đặc điểm mà chúng ta không thể không nhìn nhận là chính quyền quân sự này lại không rơi vào cái độc tài sắt máu như những chính quyền quân sự sau này. Họ luôn biết lắng nghe và tuân thủ những sách lược đúng đắn của những nhà chính trị tài năng như Đào Duy Từ, Võ Phi Thừa, Chu Hữu Tài, Nguyễn Cư Trinh, Nguyễn Đăng Thịnh, Nguyễn Quang Tiền, Hoàng Quang, Thạch Liên, Tạ Nguyên Thiều, Liễu Quán…Ngoài ra, cũng không thể phủ nhận khả năng chính trị của những nhà quân sự kiệt xuất như Nguyễn Hữu  Dật, Nguyễn Hữu Tiến, Tôn Thất Hiệp, Trương Phúc Phấn, Nguyễn Cư Trinh, Nguyễn Hữu Hào, Nguyễn Hữu Cảnh, Trương Phúc Phan.
Với một chính quyền như thế, nên binh lực của Chúa Trịnh hùng mạnh hơn về người, về trang bị cũng không thắng nổi dù họ đã sáu lần phát động chiến tranh. Và chính quyền này sẵn sàng đánh đuổi những người phương Tây toan dòm ngó các vùng hải đảo và duyên hải. Nguyễn Phúc Nguyên, Nguyễn Phúc Tần, Trương Phúc Phan đã chứng tỏ cho người phương Tây biết rằng dân tộc này không dễ bị chèn ép, dù đang ở trong một đất nước mới toanh.
Một nhà nước được hình thành trong một hoàn cảnh đặc thù như thế, với một mục đích rõ ràng như thế, hoạt động ra sao để có thể giữ gìn sự ổn định chính trị, văn hóa, xã hội suốt hai trăm năm, bất chấp sự phá hoại của các thế lực; Chúa Trịnh ở phía Bắc, người phương Tây ở Biển Đông và đế quốc Xiêm La ở phía Tây. Nhà nước ấy làm gì để tránh những mâu thuẩn phát sinh giữa các bộ phận dân cư hoàn toàn khác nhau về văn hóa, quan điểm chính trị, ngôn ngữ, tín ngưỡng, tôn giáo… bao gồm lưu dân Đại Việt ở Miền Bắc vào, các dân tộc địa phương như Chămpa, Khmer, Rhadé, Java, người Trung Quốc lánh nạn nhà Thanh, người Nhật đến buôn bán và cả những dân tộc khác ở khu vực nam Á tìm đến. Trong suốt hơn hai trăm năm ấy. Những mâu thuẩn nội bộ có xảy ra nhưng được giải quyết một cách êm thấm như trường hợp Nguyễn Phúc Hợp, Nguyễn Phúc Trạch, Nguyễn Phúc Anh (con Chúa Sãi), của Văn Phong, Hoàng Tiến, Lý văn Quang mà không phải đổ quá nhiều máu và gây phân hóa chính quyền. Cuộc nổi loạn ở Đá Vách, những rối ren của nội bộ hoàng gia Chân Lạp với những con người thay đổi như chóng chóng “sớm đầu tối đánh”. Những thứ bung xung ấy được Nguyễn Hữu Cảnh, Trương Phúc Du và nhất là Nguyễn Cư Trinh giải quyết một cách thỏa đáng. Sự phản loạn của Văn Phong, Hoàng Tiến là hoàn toàn do sự bất mãn về cá nhân không mang tính mâu thuẩn xã hội. Điều này chứng tỏ chính quyền của Chúa Nguyễn hoàn toàn kiểm soát và nắm vững được những chính sách của mình. Hai trăm năm ấy, gần như không tìm thấy những mâu thuẩn dân tộc, xã hội trong một đất nước mới toanh và đa chủng tộc, đa văn hóa thì quả là một điều không ai ngờ được.
Cuối cùng. Sự ổn định chính trị ấy đã bảo vệ hiệu quả lãnh thổ và yễm trợ đắc lực cho công cuộc Nam tiến thành công.

CHÍNH SÁCH DÂN TỘC CỦA CÁC CHÚA NGUYỄN:
Khi tiếp nhận Thuận Hóa và Quảng Nam. Chúa Nguyễn Hoàng nhận ra ngay vùng đất này tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ cộng thêm những nguy cơ mà bản thân và giòng họ sẽ gặp phải. Thế là một chính sách về dân tộc được đề ra “chung sống hòa bình“. Suốt hơn hai trăm năm không có bất cứ một sự tranh chấp nào về vần đề dân tộc xảy ra. Người Chămpa vẫn duy trì những nét văn hoá riêng của mình, dù có lúc họ buộc phải ăn mặc, sinh hoạt và cả việc sử dụng tiếng nói như người Việt. Người Hoa, người Nhật, người Phương Tây… Tất nhiên là có cả những dân tộc bản địa, vẫn được thành lập những hội quán của riêng mình, thậm chí thành lập cả những thành phố như Hội An, Thanh Hà, Mỗi Xuy, Mỹ Tho. Chợ Lớn, Nông Nại, Hà Tiên. Tất cả mọi dân tộc đều có thể làm ăn sinh sống theo sở trường, ý thích của mình như mua bán, khai khẩn đất hoang, khai khoáng, sản xuất hàng tiểu thủ công. Thậm chí đến cả việc mở lò đúc súng, mở xưởng sản xuất đồng hồ. Tất cả tạo nên một bản sắc kinh tế hoàn toàn mới đa dạng, phong phú. Những lưu dân miền Bắc đã đem vào phương Nam hát chèo, chầu văn, quan họ, tuồng mà Đào Duy Từ là một thủ lĩnh. Tất cả các loại hình văn hóa đó chung sống hoà bình pha trộn vào nhau tạo tiền đề để sản sinh, hình thành một nền văn hóa mới. Phong phú nhưng không mất đi bản sắc dân tộc. Chính điều này đã góp phần không nhỏ trong việc củng cố và ổn định chính quyền. Điều đó tạo nên một động lực mạnh mẽ để hình thành một quốc gia mới mà không rời xa khỏi cái nôi của mình. 
Không phải ngẫu nhiên mà Bà Tranh vị vua Chiêm Thành cuối cùng và các quan lại như Kế Bà Tử, Trà Viên hoàn toàn tâm phục khẩu phục chấp nhận làm con dân đất Việt. Phải có một lý do vững chắc và chính đáng mới đủ sức thuyết phục những con người tự nhận là xuất thân từ một giòng giống văn minh nhất nhân loại như họ Mạc ở Hà Tiên. Dương Ngạn Địch, Trần Thượng Xuyên, Trần Đại Định, Cao Liêm Lôi, Trần An Bình… toàn tâm toàn ý phục vụ.
Chúa Nguyễn cấp rất ít ruộng đất cho giới quý tộc và quan lại của mình. Cũng không chấp nhận những sự nhũng lạm, lợi dụng vị thế xã hội và quyền để mưu lợi riêng. Hãy nghe lời chúa Nguyễn Phúc Chu trách cứ Nguyễn Cửu Vân” Khanh là con nhà tướng, được quyền trấn giữ một phương, sao không coi trọng việc vỗ về đối với dân mà chỉ mưu lợi cho riêng mình? Tất cả dân phiêu tán mới về kia, vốn bị thất sở đã lâu, nay lại bắt họ phục dịch, khiến họ bị khuấy nhiễu, làm sao họ chịu nổi. Xưa Tiêu Hà giữ đất Quan Trung. Khấu Chuẩn giữ đất Hà Nội, đều chăm chỉ vỗ về trăm họ và giúp vua làm nên đế nghiệp, khanh hãy noi theo mà cố gắng lên” Rồi Chúa còn ra lệnh cho hai dinh Trấn Biên và Trấn Phiên phải chia đất ruộng cho dân lưu tán trở về cho họ thiết lập thôn ấp, tha hết các thứ binh dịch và tô thuế trong ba năm.
Việc cư xử với các phiên thần, chúng ta nhận thấy có những đặc điểm rất lạ. Gần như suốt hơn hai trăm năm tồn tại. Chính quyền của Chúa Nguyễn rất ít khi giết hại những tù binh bắt được dù người đó là một người lính hay là một ông vua. Trong những tranh chấp quyền lực của các vua chúa, hoàng thân quốc thích của nước Chân Lạp. Khi được yêu cầu can thiệp. Chính quyền luôn luôn tạo cho những người đồng minh của mình sự thắng lợi, nhưng cũng không dồn những đối thủ của họ vào chỗ chết. Hãy nghe Chúa Nguyễn Phúc Khoát dặn dò các tướng lĩnh “ Nặc Yêm đã theo mệnh xưng thần, nên phải an ủi dung nạp. Nhưng Nặc Thâm là con Nặc Thu, Nặc Thu không bỏ triều cống, sao nỡ đem quân đánh được. Bọn khanh nên xét kỹ tình hình bên địch, tùy cơ ứng biến, khiến Nặc Thu bỏ mối thù oán, mà Nặc Yêm cũng được bảo toàn. Đó là thượng sách”. Điều đó hoàn toàn khác hẵn Lê Đại Hành khi san phẳng thành trì, đập phá tan tành tôn miếu vua Chiêm năm 982. Khi vua Lý Thánh Tôn ra nghiêm lệnh không cho giết người Chiêm Thành thì đã có ba vạn thủ cấp rơi xuống trong đó có đầu vua Sạ Đẩu và cái chết oan nghiệt của vương phi Mỵ Ê năm 1044. Lê Thánh Tôn năm 1471 với cái chết của Trà Toàn. Chiến tranh thì chém tướng đoạt thành là điều không thể nào tránh khỏi. Nhưng các chúa Nguyễn thì rất, rất không muốn làm như vậy. Các Chúa chắt chiu từng giọt máu của nhân dân và của cả những kẻ chống lại mình. Phải chăng vì các Chúa Nguyễn là con cháu của Nguyễn Trãi hay đã thấm nhuần tư tưởng đại hùng đại lực đại từ bi. Có lẽ cả hai.
Rút từ trong những kinh nghiệm lịch sử ấy trong công cuộc mở nước về phương Nam. Các chúa Nguyễn chọn cách vua Trần Nhân Tôn đã thực hiện năm 1307. Hôn nhân làm nên sợi dây đoàn kết. không ít các con cái của các Chúa kết hôn với người nước ngoài Việt-Hoa, Việt-Hán, Việt-Chiêm, Việt-Nhật, Việt-Chân Lạp… Những cuộc hôn nhân này đã làm cho mọi việc êm đềm hơn và vững vàng hơn. Những ràng buộc về gia đình, hôn nhân giảm thiểu rất nhiều những mâu thuẩn dân tộc và làm cho văn hóa Việt có điều kiện tiếp nhận, chọn lọc để càng lúc càng phát triển, thấm sâu. Điều này góp phần rất lớn trong việc ngăn chận sự phân hóa trong xã hội có rất nhiều dân tộc cùng cư trú. Điển hình nhất là hai cuộc hôn nhân mang tính bước ngoặt được hình thành năm 1619 của công nữ Ngọc Vạn và thương nhân Nhật Bản Araki Satano, năm 1620 của công nữ Ngọc Khoa với quốc vương Chân Lạp Chây Chittâ II. Hai cuộc hôn nhân ấy từng bước làm cho Đàng Trong càng lúc càng phát triển và vững mạnh.
Thông thường để giải quyết vần đề tù, hàng binh. Các Chúa Nguyễn áp dụng các biện pháp sau đây:
1. Đối với tù hàng binh là người Việt, thường là quan chức, binh lính của nhà Mạc, chúa Trịnh:
- Nếu ai có tài và muốn phục vụ thì ban cho quan tước, nếu không thì cấp đất ruộng, tiền bạc cho định cư.
- Nếu ai muốn trở về Bắc thì phủ dụ, yên ủi rồi chu cấp tiền bạc cho về.
- Thậm chí còn lập đàn tế lễ các tướng sĩ đối phương chết trận như thế tử Thôn Thất Hiệp đã làm..
2. Đối với người nước ngoài như Chămpa, Chân Lạp thì:
- Với các vua chúa, hoàng thân, quan chức thì phủ dụ rồi phong cho quan tước cho về xứ giữ lại quyền bính và triều cống. Nếu ai muốn ở lại phục vụ với chính quyền thì được phép ăn mặc, sinh hoạt như người Việt.
- Đối các binh lính thì cấp tiền, cấp đất cho khai khẩn canh tác. Tạo điều kiện cho họ ổn định cuộc sống.
- Biện pháp hôn nhân được áp dụng khá triệt để trong suốt quá trình Nam tiến.
3. Đối với các người phương Tây, người Hoa, người Nhật, người Malaysia, người Java… thì cho phép họ đến mua bán, mở các xưởng sản xuất. Nhưng lại giới hạn việc giảng đạo của người phương Tây. Đối trọng với việc này là các Chúa Nguyễn cho xây dựng rất nhiều chùa chiền, tạo những điều kiện thuận lợi cho các nhà sư hoằng dương đạo pháp, thậm chí có những Chúa còn là những Phật Tử thuần thành. Còn những trường hợp gây hấn thì dùng binh lực giải quyết khá triệt để và thường thì thành công.
 4. Đối với các bộ tộc ít người ở Tây Nguyên hay Ai Lao thì an ủi, phủ dụ, ban cho  gấm vóc, vải lụa. Miễn giảm mức triều cống.
5. Đối với những người Việt có ý làm loạn thì chỉ giết những kẻ cầm đầu.
6. Đặc biệt là đối với giáo hội Thiên Chúa giáo. Họ vẫn được giảng đạo, nhưng sự cảnh giác dành cho họ thì rất cao. Đây cũng là lẽ dễ hiểu. Khó lòng mà không nghi ngờ và nhanh chóng dung nạp một loại tín ngưỡng hoàn toàn xa lạ.
           
Những việc làm trên là một chính sách với những tiêu chí hẵn hoi và xuyêt suốt chứ không phải chỉ là một hành động nhất thời của một ông Chúa. Những chính sách ấy trở nên cung cách cư xử đã tạo nên một sự ổn định chính trị cần thiết cho việc bảo vệ và phát triển  những thành quả đã đạt được. Chỉ tiếc rằng cả một công trình vĩ đại ấy lại suýt tiêu tan bởi một tay loạn thần Trương Phúc Loan.

CHÍNH SÁCH KHẨN HOANG LẬP ẤP VÀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ:
1. VIỆC KHẨN HOANG LẬP ẤP:
Việc khẩn hoang lập ấp, phát triển kinh tế mà chủ yếu là nông nghiệp, là một công việc mang tính sống còn của chính quyền các Chúa Nguyễn. Do tính đặc thù của chính quyền này mà các yếu tố chính trị, quân sự tác động lên chính sách khẩn hoang lập ấp và phát triển kinh tế một cách đặc biệt.
Ngay từ khi mới vào Thuận Hóa, trong giai đoạn xây dựng và củng cố lực lượng, Chúa Nguyễn Hoàng đã cho các lưu dân dến từ phía Bắc về khai phá các vùng đồng bằng ở khu vực Quảng Nam. Đặt thêm phủ huyện ở đây, tạo điều kiên cho lưu vào khai khẩn, sinh sống. Lập kho lương, thu mua lúa trong những năm được mùa để phòng khi đói kém. Năm 1617 đặt Nhà Đồ để thu mua sản vật như vàng, bạc, dầu ong, sáp hương, ngà voi, chiếu mây, sơn, mật ong… và kiểm tra việc buôn bán với các nhà buôn nước ngoài. Araki Satano, người con rể của Chúa Nguyễn Phúc Nguyên đã biến Hội An trở thành một thương cảng sầm uất nhất thời bấy giờ thu hút các thương buôn người Hoa, người Nhật và cả những người phương Tây…
 Mỗi khi phải đánh nhau với quân Trịnh thì thường bắt được nhiều tù, hàng binh. Các Chúa Nguyễn đều an ủi, ủy lạo cấp cho tiền bạc, đất ruộng để canh tác. Hãy nghe Chúa Nguyễn Phúc Lan giải quyết việc tù hàng binh bắt được của Chúa Trịnh năm 1648 “ Hiện nay, miền Thăng Bình, Điện Bàn trở vào Nam đều là đất cũ của Chiêm Thành, dân cư thưa thớt, nếu đem chúng an tháp vào đấy, cấp cho canh ngưu, điền khí, chia ra từng bộ, từng xóm, tính nhân khẩu, cấp cho lương ăn để chúng khai khẩn ruộng hoang, thời trong khoảng vài năm, thuế má thu được có thể đủ giúp quốc dụng và sau hai mươi năm sinh sản ngày càng nhiều có thể thêm vào quân số, có gì mà lo về sau”  Rồi chia số người này ra cứ 50 người lập thành một ấp, đều cấp cho lương ăn nửa năm, ra lệnh cho nhà giàu bỏ thóc ra cho họ vay và cho họ tự tìm những nơi thích hợp khai khẩn, trồng trọt và đúng như những gì mà Chúa Nguyễn Phúc Lan nói, chẳng bao lâu làng xóm liền nhau, đồng xanh bát ngát.
 Chúa thì như thế, còn tướng thì sao? Chúng ta hãy xem Nguyễn Hữu Dật giải quyết khi thấy Tống Hữu Đại và Tôn Thất Tráng tỏ ý lo sợ tướng sĩ, vốn là hàng binh Nghệ An, có chí khác. Nguyễn Hữu Dật bảo ”Hai ông vừa nói là phép hành binh thôi, chứ việc dụng binh cốt yếu là ở nhân hòa, hễ lòng người hòa thuận thì đánh đâu cũng được. Vậy chỉ nên lấy ân mà kết hợp, lấy tín mà cảm phục thì người ta tự vui mà theo chứ chém giết để làm gì?.
Việc khu xử các tù hàng binh của chính quyền Chúa Nguyễn là một nét nhân bản rất đặc sắc. Các Chúa Nguyễn và các tướng lãnh, quan lại luôn luôn thấu hiểu một cách xuyên suốt là không thể làm nên đại nghiệp nếu như không thu phục được lòng người. Họ không lo việc “nuôi ong tay áo”. Họ thể hiện ân, uy của mình đúng lúc, đúng nơi, đúng đối tượng. Suốt hai trăm năm không phải là không có những âm mưu phản loạn. Nhưng những việc làm phản loạn ấy không thể nào phát triển lớn đến độ gây nên đại họa. Vì tuyệt đại nhân dân đang tin tưởng vào sự lãnh đạo của chính quyền.
Những việc như thế này được thực hiện liên tục mỗi khi thu giữ được những miền đất mới và chính quyền của Chúa Nguyễn đặt hẵn một Ty Nông (như bộ nông nghiệp) giao cho ký lục Võ Phi Thừa để lo việc này (1669) theo lời khuyên của Chu Hữu Tài. Những cánh đồng hoang hóa được khai thác và rộng dần về phương Nam. Việc phân chia ruộng đất cho nông dân và những lưu dân phiêu tán, tù, hàng binh là một việc làm thường xuyên, gần như không có một người dân nào mà không có ruộng.
Có 28 kho lương thực đặt suốt từ Thuận Hóa đến Hà Tiên để tiện việc điều phối lương thực trên cả nước nhằm phục vụ cho yêu cầu kinh tế, quốc phòng.
Chính quyền không sợ thiếu nhân lực. Ở phía Bắc luôn đói kém vì chiến tranh liên miên. Những thanh niên trai tráng luôn bị cuốn hút vào chiến tranh. Họ nhìn về phương Nam như miền đất hứa. Họ tìm vào bằng nhiều cách như là trốn đi hoặc tình nguyện tham gia quân đội của chúa Trịnh mỗi khi có chiến tranh với phương Nam, tham gia không phải để chiến đấu mà để đầu hàng. Trong những lần tiến đánh phương Nam. Không lần nào mà binh lực của Chúa Trịnh không hao quân vì rả ngủ trốn về phương Nam hay lâm trận thì đầu hàng. Ngoài ra còn những nguồn nhân lực khác, người Chămpa, người Lào, người Chân Lạp, Java, người Hoa, người Nhật… và các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên.
Khi đã yên tâm về những hiểm họa từ phía Bắc, thay vì lấy nốt phần còn lại của Chiêm Thành thì các chúa Nguyễn bắt đầu khai phá vùng Thủy Chân Lạp. Trước tiên là tạo ra một mối bang giao hữu nghị. Năm 1620 Chúa Nguyễn Phúc Nguyên đặt một quan hệ thân thiện với Chân Lạp và vua Châychitta đã đồng ý cho người Việt đến mua bán và tổ chức khai hoang lập ấp. Nhiều làng xã người Việt được hình thành ở Mô Xoài (Đồng Nai) tạo nên một đầu cầu cho các cuộc di dân liên tục suốt mấy chục thập kỷ sau. Năm 1679 khi giao cho các tướng lãnh nhà Minh, không đầu phục nhà Mãn Thanh sang lánh nạn, khai khẩn vùng Mỹ Tho, Gia Định, Đồng Nai. Hà Tiên Những nơi này trở thành những trung tâm thương mại sầm uất, giao thương với các nước phương Tây, Nhật Bản, Java.
Chúng ta hãy xem quan điểm và cách giải quyết của chính quyền Chúa Nguyễn Phúc Tần về việc này “ Phong tục, tiếng nói họ đều khác, khó bề dung sai, nhưng họ vào thế cùng bức bách đến đây thì không nỡ cự tuyệt. Nay đất Đông Phố (Gia Định) nước Chân Lạp đồng ruộng phì nhiêu nghìn dặm, triều đình chưa rỗi mà kinh lý. Chi bằng lấy sức của họ mà cho đến khai khẩn để ở, làm một việc mà lợi ba điều” Chúa sai đặt yến tiệc úy lạo, khen thưởng, trao cho quan chức và đưa họ đến Đông Phố.
Năm 1680. Mạc Cửu đến khai thác vùng Mang Khảm (Hà Tiên) Khi đã trở thành một thương cảng sầm uất ở cực Nam đất nước. Mạc Cửu phải chịu hai áp lực là Xiêm La và Chân Lạp. Nhưng cuối cùng, năm 1708, ông đến Phú Xuân thần phục Chúa Nguyễn giao phần đất mà mình khai phá được và đảo Phú Quốc. Qua việc này, thể hiện cho thấy, nếu như ân không bền, uy không đủ thì liệu miền Tây Nam Bộ giờ đây nằm ở đâu trên bản đồ. Campuchia, Thái Lan hay một quốc gia kiểu Singapore. Thế là vùng Thủy Chân Lạp trở thành trọng điểm cho công cuộc khai hoang với sông rạch chằng chịt, đồng ruộng mênh mông. Nhân dân được sự khuyến khích của chính quyền, mở rộng sản xuất tìm thêm giống mới, cây trồng mới. Hơn 23 giống lúa tẻ, 26 giống lúa nếp, chất lượng cao, năng suất cũng cao. Nghề trồng dâu nuôi tằm phát triển mạnh mẻ với một vùng nguyên liệu dồi dào tạo điều kiện cho ngành dệt phát triển. Ngành chăn nuôi cũng phát triển theo, cung cấp một lượng lớn gia súc, gia cầm đáp ứng nhu cầu của cuộc sống. Ở khu vực Đồng Bằng sông Cửu Long có nhiều nhà nuôi đến 300 trăm con trâu để cày ruộng và lấy thịt. Theo Lê Quý Đôn ”… đất Gia Định từ cửa biển đến đầu nguồn phải đi mất 6,7 ngày mà hết thảy đều là đồng ruộng, nhìn bát ngát, ruộng phẳng như thế đấy”
Trong giai đoạn này vai trò của Nguyễn Hữu Cảnh và Nguyễn Cư Trinh trở nên nổi bật. Hai vị tướng lãnh với tài năng của mình đã trở thành những nhà hành chính, nhà dinh điền, nhà quản lý kiệt xuất. Những làng xã, phủ huyện được nhanh chóng thiết lập đáp ứng yêu cầu khai hoang, yêu cầu gia tăng dân số.
Việc giao thông vận tải có tính cách quyết định trong phát triển kinh tế, thương mại, ngoại thương, quân sự và an ninh quốc phòng. Tất nhiên, các Chúa Nguyễn không bao giờ quên việc này mà còn thực hiện một cách chỉnh chu, rất tiến bộ. Đo đạc bản đồ, ấn định giờ giấc thống nhất, đào kênh, lập trạm. Quản lý chặt chẽ nhân khẩu, tàu thuyền. Có lẽ đây là lần đầu tiên trong lịch sử có việc đăng ký phương tiện giao thông với kích thước trọng tải, tên họ, quê quán của chủ thuyền được khai vào sổ bộ của chính quyền sở tại và khắc trên mũi thuyền.
Song song với những việc trên, các Chúa Nguyễn có một chính sách thuế đáp ứng được yêu cầu phát triển. Ban đầu các quan lại chỉ hưởng một phần thuế trong địa phương mình cai quản, nhưng sau khi đã ổn định về thế nước và kinh tế thì được cấp lương bổng vừa đúng với vị trí của mình vừa đủ để cho họ toàn tâm toàn ý với công việc mà không phải gây ra những mâu thuẩn xã hội. Hãy xem phần Chúa Nguyễn Phúc Chu trách cứ Nguyễn Cửu Vân.
Suốt trong hơn hai trăm năm gần như không có bất cứ một cuộc xung đột nào giữa nhân dân và các quan lại. Những quan chức nào có biểu hiện thu vén cá nhân hay sách nhiểu đều được chặn lại kịp lúc. Những lời tâu trình của Nguyễn Cư Trinh về việc này dù không được sự phúc đáp cụ thể của Chúa Nguyễn Phúc Khoát. Nhưng cũng không bị phiền trách mà còn khen ngợi, khi Nguyễn Cư Trinh thực hiện ý định của mình là cho ổn định hơn năm ngàn dân Côn Man (người Chăm) ở Tân Châu, Châu Đốc. Ngoài việc quân đội tham gia sản xuất nông nghiệp được các Chúa Nguyễn thi hành khá tích cực, nhất là lực lượng quân đội đóng ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

2. TIỂU THỦ CÔNG NGHIỆP
Sự phát triển tiểu thủ công nghiệp ở phương Nam có những nguyên nhân sau đây:
A. Gia tăng dân số làm nhu cầu hàng tiêu dùng tăng lên.
B. Mở rộng lãnh thổ đồng nghĩa với vùng nguyên liệu mở rộng và xuất hiện nhiều nguyên liệu mới.
C. Chính sách thuế má hợp lý… nhưng quan trọng nhất là sự xuất hiện càng lúc càng nhiều hơn những thương nhân người phương Tây (chủ yếu là người Bồ Đào Nha), Trung Hoa, Nhật Bản, Java.
Để đáp ứng yêu cầu tăng cường sức mạnh quân đội, bảo vệ những thành quả đã đạt được các Chúa Nguyễn đã thành lập các xưởng đúc súng (đại bác, súng tay) dưới sự trợ giúp của Jean de la Croix (một người Bồ Đào Nha bị đắm thuyền trôi vào bờ được dân cứu sống), các xưởng đóng tàu thuyền. Các công xưởng này thu hút và đào tạo rất nhiều công nhân có tay nghề cao. Sản phẩm của họ tạo ra có độ tinh xảo không thua gì phương Tây. Có một người thợ rất thú vị, Nguyễn văn Tú ở Đăng Xương (Thừa Thiên) ra nước ngoài hai năm để học sửa đồng hồ. Khi trở về ông vừa sửa chữa đồng hồ cho các thương nhân mang vào Đại Nam, rồi dạy lại cho con cháu, lập xưởng chế tạo. Xưởng chế tạo là nơi cung cấp đồng hồ cho chính quyền, trong việc ấn định giờ giấc chung cho cả nước, đặt tại đài Thiên Văn, sau đó là các nha sở và các trạm, tấn ven biển vào năm 1733. Không biết, trong thời điểm này có quốc gia nào ở Châu Á làm được việc này chưa?
Cuộc sống càng lúc được nâng lên, yêu cầu về hàng tiêu dùng càng lúc nhiều, càng cao. Các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp phát triển. Đâu đâu cũng hình thành các làng nghề thủ công như nghề rèn, mộc, nề, dệt vải lụa, kéo tơ, đúc, chạm, tô tượng, khai thác đá, lò gốm, gạch, đồ trang sức, dệt chiếu, đan lát, làm thảm…
Là một nghề truyền thống của nhân dân, phát sinh từ Bát Tràng (miền Bắc). Những người khai phá phương Nam đã kết hợp với người dân bản địa như Chămpa, Chân Lạp, Côn Man lập các lò gốm sản xuất hàng tiêu dùng cấp thấp gần như có mặt đều khắp để sản xuất những mặt hàng tiêu dùng thô sơ như nồi, trách, cà ràng, lò đun, gạch, ngói… Những lò gốm nổi tiếng ở Phù Lãng, Mỹ Thiện, Phú Khang, Biên Hoà sản xuất những mặt hàng tráng men, sành sứ cao cấp như chén dĩa, gạch lát, bình hoa, chân đèn, đồ dùng thờ cúng. Hình ảnh trang trí trên sản phẩm càng lúc càng tinh xảo, mang tính nghệ thuật cao. Chất lượng các loại hàng này làm các thương nhân nước ngoài ưa chuộng và tìm mua với số lượng càng lúc càng lớn.
Nghệ thuật điêu khắc chạm trổ phát triển và nâng lên một tầm cao mới với những nét đặc thù riêng tạo nên một dấu ấn đặc sắc. Rất tiếc, không được bảo lưu và kế thừa do những biến động dồn dập về chính trị, văn hóa, xã hội. Những bia mộ thành quách chùa chiền còn sót lại chứng minh cho điều đó. Những bàn ghế, tràng kỷ, tủ áo tủ thờ được chạm trổ những hoa văn, họa tiết mang tính nghệ thuật cao. Đặc biệt, là ngành khảm xa cừ đã làm cho người phương Tây trầm trồ thán phục. Ngôi chùa Thiên Mụ dựng năm 1601 luôn để lại một ấn tượng sâu sắc vào tâm khảm của những người từng một lần đến thăm.
Ngành dệt đã thúc đẩy nghề nuôi tằm trồng dâu phát triển. Các nơi dệt lụa nổi tiếng như Thăng Hoa, Điện Bàn, Tân Châu. Giáo sĩ Alexande De Rhodes có nhận xét “ Đàng trong có rất nhiều tơ, dân dùng cả tơ để làm lưới cá”. Nhà buôn Boris cùng quan điểm khi viết  “Ở Đàng Trong có rất nhiều tơ lụa, đến nỗi những người lao động cũng dùng thường xuyên hàng ngày” Đến Lê Quý Đôn là người của quê lụa Hà Tây cũng phải thán phục ” Thăng Hoa, Điện Bàn biết dệt vải, lụa, vóc, đoạn, lĩnh. Lá hoa, màu sắc khéo đẹp không thua kém Quảng Đông” Theo Lê Quý Đôn thì ở Phú Xuân có một phường dệt khoảng 30 nhà với hơn 450 thợ dệt.
Nghề làm đường cũng phát triển mạnh mẽ. Đặc biệt ở Quảng Nam, Quảng Ngãi. Hàng năm chính quyền đã thu thuế bằng đường ở châu Xuân Đài (Quảng Nam) khoảng 15.922 cân đường phèn, 7.960 cân đường cát, ở xã Đông Phiên (Quảng Ngãi) 24.438 cân đường phèn. Theo thương nhân Boris “đường Đại Nam thuộc loại đẹp nhất Ấn Độ, đường trắng và mịn, đường phèn tinh khiết, trong suốt, chất lượng tốt”. Còn về mặt sản lượng thì theo Poavre “ trước đây họ chỉ làm đủ sử dụng trong xứ, nhưng vì các lái buôn Trung Quốc đã đem lại cho họ nguồn tiêu thụ, nên họ đã tăng số lượng các lò nấu lên đến mức có thể đủ hàng cung cấp cho cùng lúc 80 thuyền”
Nghề rèn phát triển mạnh không kém khi mà nhu cầu về nông cụ càng lúc càng gia tăng, phảng, cù nèo, dao, rựa, lưỡi cày, len, cuốc… Tất nhiên không thể không nhắc đến việc rèn đúc các loại vũ khí cho quân đội.
Những nghề truyền thống như đan lát, dệt chiếu, làm nón, cà ròn, đệm… mà nguyên liệu là những cánh đồng hoang đầy lát (cói), bàng, lá buôn, lá dừa nước. Với bàn tay khéo léo của mình, những con người đi mở đất đã học hỏi và trao đổi với những thương nhân, những người dân bản địa để sản xuất những mặt hàng tiêu dùng cho mình và cung cấp cho xã hội. Cũng không ít người học được những nghề mới như khắc bản in, tô tượng, khắc bia.
Cuộc sống khá lên, nhu cầu về nhà ở phải đẹp hơn, đồ vật trang trí trong nhà phải tinh xảo và tiện dụng và khi chết đi phải có mồ mả đàng hoàng là động lực làm cho thợ nề, thợ mộc phát triển, nâng cao dần trình độ chuyên môn, văn hóa và mỹ thuật càng lúc càng tinh xảo và sâu sắc. Những nghệ nhân nổi tiếng vùng Bình Trị Thiên gần như phải bôn ba khắp nước để xây dựng, chạm trỗ, trang trí nội thất cho nhân dân. Những tủ thờ, tràng kỷ, tranh thờ chạm xa cừ là sản phẩm đặc hữu của vùng duyên hải từ Quảng Trị đến Phan Rang.
Ngoài ra. chính quyền còn có một chính sách khá hợp lý là gần như không thu bất cứ loại thuế nào với các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp mà chỉ đánh thuế vào những thương lái khi họ đưa những sản phẩm ấy vào lưu thông.
Ngay khi vừa mới vào Thuận Hóa các chúa Nguyễn đã lưu tâm đến việc khai khoáng. Năm 1617 đã đặt Nhà Đồ thu mua sản vật nhưng chủ yếu là khoáng sản. Sách Đại Nam Thực Lục Tiền Biên có ghi “ Ở xứ Thuận Hóa, nguồn Phù Ẩu và núi đất ở xã Nam Phố Hạ, huyện Phú Vang là đất có vàng, hàng năm sai dân lấy để nộp. Những núi ở Quảng Nam càng sản nhiều vàng. Các hộ đãi vàng gọi là liên hộ, người trong hộ mỗi năm nộp 3 hay 2 đồng cân vàng sống. Lại nguồn Lỗ Đồng mỗi năm nôp 70 lạng, nguồn Thu Bồn mỗi năm nộp 38 lạng 3 đồng cân 1 phân. Đầm An Xuân, huyện Quảng Điền mỗi năm nộp 80 lạng bạc. Những nguồn ở phủ Quảng Ngãi mỗi năm nộp 180 lạng. Xã Phú Bài huyện Phú Vang, trang Phúc Điển châu Bố Chính (nam), núi sản nhiều sắt mỗi năm nộp 2.000 khối hoặc 500 khối, mỗi khối nặng 25 cân. Còn ngoài ra như dầu hương, sáp ong, ngà voi, chiếu mây, sơn, mật ong, trầm hương, sơn dầu, nhựa trám, nơi nào sản xuất thì nộp. Xứ Thuận Quảng duy không có mỏ đồng, mỗi khi thuyền buôn Phúc Kiến, Quảng Đông hay Nhật Bản chở đồng đến thì nhà nước thu mua… Lại xã Mậu Tài, huyện Phú Vang làm được dây thau, dây thép…”
Các mỏ vàng ở các thôn Ô Kim, Trung Chỉ (Bình Định), Sông Ba, Cảnh Dương, Phúc Lộc, Tân Dân (Phú Yên), Thu Bồn (Quảng Nam). Đã cung cấp một số lượng lớn vàng để đáp ứng yêu trang sức của nhân dân

3. LƯU THÔNG HÀNG HÓA MUA BÁN TRONG NGOÀI NƯỚC.
Khi kinh tế phát triển, hàng hóa càng lúc càng phong phú thì nhu cầu lưu thông trở nên bức thiết. Chợ búa, đường sá, phương tiện vận chuyển là một vấn đề cấp bách. Tất nhiên, trong thời kỳ này lưu thông bằng đường thủy chiếm vai trò chủ đạo. Để đáp ứng yêu cầu này. Chúa Nguyễn đã làm những việc sau đây;
Một là đào kinh mới kinh Trung Đan (sau có nối dài thêm), kinh Mai Xá (1681), kinh Lệ Kỳ huyện Phong Lộc (1702), kinh Vũng Cù (1705) sau này vua Minh Mạng cho vét lại và nới rộng ra thành sông Bảo Định, kinh Ruột Ngựa ở Chợ Lớn (1772). Nạo vét thường xuyên sông rạch có sẵn. Ngoài ra còn có vô số những con kinh đào do chính quyền sở tại hay dân chúng tự đào đáp ứng yêu cầu nông nghiệp, lưu thông hàng hóa và đi lại hay tháo chua rửa mặn. Song song theo đó một hệ thống đường bộ với những trạm, bến đò được xây dựng suốt từ Thuận Quảng đến Trấn Biên, Phiên Trấn. Đến năm 1747 hệ thống trạm thủy bộ cơ bản đã chạy suốt từ Cựu Dinh đến dinh Long Hồ, trấn Hà Tiên
Hai là thành lập các xưởng đóng tàu thuyền (của nhà nước và của tư nhân) có trọng tải lớn vừa để phát triển thủy binh, vận chuyển lương thực, giao thương… đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, quốc phòng. Năm 1775. Nguyễn Cư Trinh cho kiểm tra và lập sổ đăng ký toàn bộ tàu thuyền ba dinh Trấn Biên, Phiên Trấn, Long Hồ và trấn Hà Tiên. Nghĩa là toàn Nam Bộ. Nhưng thực ra là cho cả nước, bởi vì khối lượng ghe thuyền đáp ứng cho yêu cầu đi lại hay lưu thông hàng hóa phần lớn đều nằm trong khu vực Nam Bộ. Những loại phương tiện vận tải lớn hơn để đi biển hay cung cấp cho lực lượng thủy quân lại càng phát triển mạnh hơn.
Ba là phát triển những trung tâm thương mại có sẵn như Hội An (Quảng Nam), Thanh Hà (Phú Xuân) xây dựng các chợ mới như Biên Hòa, Thanh Hà (Trấn Biên), Minh Hương (Phiên Trấn), Mỹ Tho (Long Hồ), Hà Tiên. Những hội chợ được tổ chúc hàng năm từ tháng 2 đến tháng 5 âm lịch. “Vương quốc các chúa Nguyễn” trở thành trở thành một ưu tiên hàng đầu cho ngành giao thương của Nhật Bản. Và là điểm đến lý tưởng cho các thương nhân phương Tây, Trung Hoa, Malysia, Java…

NHỮNG HOẠT ĐỘNG TÔN GIÁO, VĂN HỌC, NGHỆ THUẬT

TÔN GIÁO:
A. Phật giáo
Phật Giáo đến Việt Nam từ nửa thế kỷ thứ III trước công nguyên, trong thời gian 1000 năm đấu tranh chống áp bức và nền văn hóa nô dịch của phương Bắc, Phật Giáo đã trở thành tư tưởng chủ đạo cho nhân dân Lạc Việt khẳng định nền văn hóa phù hợp với tinh thần hiếu hòa nhưng kiên định của dân tộc và đến thời Lý, Trần, Phật giáo chiếm một vị trí rất đặc biệt trong sinh hoạt chính trị, văn hóa, xã hội Việt Nam. Có rất nhiều nhà vua đã quy y Phật pháp mà điển hình là vua Trần Nhân Tông. Nhưng bắt đầu từ thời nhà Lê, vị trí của Phật Giáo không còn được như xưa, nhưng trong sinh hoạt cộng đồng Phật Giáo đã trở thành một truyền thống trong cuộc sống tinh thần. Khi vào phương Nam các chúa Nguyễn đã tạo điều kiện để Phật giáo phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu tâm linh và tinh thần của cư dân vùng đất mới. Hơn thế vai trò của Phật Giáo còn giữ một vị trí đặc biệt trong xã hội phương Nam. Nó vừa thay thế những tín ngưỡng của dân bản địa vừa là một phương cách Việt hóa mạnh mẽ mọi sinh hoạt trong cộng đồng dân cư mới và ngăn chận một phần sự phát triển của Gia Tô giáo đến từ phương tây. Năm 1695 chúa Nguyễn Phúc Chu sai Trần Thiêm Quang và Ngô Tư Quan sang Quảng Đông mời thiền sư Thạch Liêm mở một giới đàn từ ngày mồng 1 đến ngày 12 tháng 4 quy tụ trên 3000 giới tử, trong đó có hơn 1400 giới tử xuất gia vừa tì kheo vừa sa di, rồi sau đó mở tiếp thêm một giới đàn ở Hội An.
Hầu hết các Chúa Nguyễn đều tôn sùng đạo Phật. Ngoài tính truyền thống ra còn có những yêu cầu về chính trị. Các Chúa Nguyễn cho xây dựng rất nhiều chùa chiền và luôn luôn tôn trọng các nhà Sư. Trong quá trình khai phá, những lưu dân người Việt lại luôn luôn tiếp xúc với các dân tộc có một nền văn hóa khác, niềm tin khác, tôn giáo khác. Ngoài ra, những người phương Tây càng lúc xuất hiện càng nhiều, mang theo các giáo sĩ Công Giáo. Các Chúa Nguyễn nhận ra là phải có một cái gì đó vừa làm đối trọng, vừa để giữ vững nền tảng văn hóa Việt và Phật Giáo đáp ứng được yêu cầu này. Các nhà sư từ Trung Quốc sang như Thạch Liên, Tạ Nguyên Thiều… cùng các nhà sư nổi tiếng người Việt như Liễu Quán… Các tăng sĩ gần như có mặt khắp mọi miềm đất nước để cung cấp và chăm sóc niềm tin cho nhân dân.
B. NHO GIÁO.
Nho giáo không phát triển mạnh trong giai đoạn này ở phương Nam, nhưng lại có một ảnh hưởng nhất định. Các chúa Nguyễn, hầu hết đều tôn sùng Phật Giáo, nhưng cũng luôn luôn xem trọng các nhà nho. Trần Đức Hòa, Đào Duy Từ, Hoàng Quang, Võ Phi Thừa, Chu Hữu Tài, Nguyễn Đăng Đệ, Mạc Thiên Tích, Nguyễn Đăng Thịnh, Nguyễn Quang Tiền, Nguyễn Cư Trinh, Nguyễn Quang Đại, Võ Trường Toản… đều có một vị trí quan trọng trong việc xây dựng, phát triển và củng cố chính quyền. Nhưng cũng khó lòng phân định ai là Phật Giáo ai là Nho Giáo, bởi vì tư tưởng tam giáo đồng nguyên đã thấm sâu trong lòng người. Tùy thuộc vào yêu cầu của cuộc sống mà người ta có thể nhận mình là ai trong tinh thần đồng nguyên ấy.
C. THIÊN CHÚA GIÁO VÀ SỰ RA ĐỜI CỦA CHỮ QUỐC NGỮ
Thiên Chúa Giáo du nhập vào Việt Nam theo con đường giao thương nhưng lại mang theo một sự nghi kỵ lớn. Ngoài việc làm đảo lộn những suy nghĩ mang tính truyền thống, Thiên Chúa Giáo còn mang theo một văn hóa hoàn toàn khác. Do đó, họ không có sự ủng hộ của chính quyền. Riêng ở phương Nam, dù Công giáo đã đi vào tới hậu cung của chúa Nguyễn Hoàng. Một người phi của Chúa Nguyễn Hoàng là Minh Đức phu nhân (1568-1644) có tên thánh là Maria Madeleine đã từng lập một nhà thờ ở khuôn viên trong dinh thự của con là Nguyễn Phúc Khê, đến năm 1645 mới bị phá bỏ.
Con đường hành đạo gặp rất nhiều khó khăn, đã có những giáo sĩ bị trục xuất hay bị giết. Nhưng trong các giáo xứ vẫn được thành lập. Thiên Chúa giáo đã có một ảnh hưởng khá mạnh. Điều đó càng lúc càng tạo ra nhiều mâu thuẩn giữa chính quyền và các cha cố. Đôi lúc đi đến chỗ cực đoan. Nhưng vẫn chưa đến độ nguy hiểm. Trong giai đoạn này, ngoài việc truyền giáo, các giáo sĩ còn có nhiệm vụ mở đường cho các thương nhân tiếp cận thị trường Đại Việt. Sự cảnh giác của chính quyền các chúa Trịnh, Nguyễn là không thừa. Nhưng lại không có một chính sách rõ ràng. Và sau này, mục đích truyền giáo được kèm theo một mục đích khác. Lập một đầu cầu cho cuộc chiến tranh xâm lược của các nước phương Tây và Đại Việt. Có thể gọi đây là một thất bại duy nhất của các chúa Nguyễn trong suốt 217 năm dựng nước.
 Nhưng chính họ đã mang đến Việt Nam một thứ rất quý giá ”Chữ Quốc Ngữ”. Năm 1651. Sau một thời gian khá dài lưu hành trong các giáo dân. Cuốn tự điển đầu tiên bằng chữ Quốc Ngữ viết bằng ký tự Latin “Việt-Bồ La” (Việt Nam- Bồ Đào Nha-Latin) của giáo sĩ Alessandre De Rhodes đã hoàn thành, được in ở Bồ Đào Nha. Nhưng chỉ phổ biến trong các giáo xứ.

VĂN HỌC, NGHỆ THUẬT:
Các tác gia và tác phẩm:
- Đào Duy Từ (1572 -1634) với Hổ Trướng Khu Cơ là một tác phẩm nổi tiếng về quân sự và chính trị. Khúc ngâm Ngọa Long Cương gồm 136 câu lục bát là một tác phẩm văn học xuất sắc. ngoài ra ông cũng còn một tác phẩm Tư Dung vãn và một số thi văn khác.
- Nguyễn Hữu Dật (1603-1681) Ông là một tướng lãnh văn võ kiêm toàn nhưng tính tình ngay thẳng và nóng nãy nên có người vu họa, và ông phải trần tình bằng tác phẩm  Hoa Vân Các Thị, ngoài ra ông cũng có một tác phẩm khác Minh Sơ Anh Liệt chí
- Nguyễn Hữu Hào ( ?-1713) với truyện thơ Nôm Song Tinh Bất Dạ nói về sự tích Ngưu Lang Chức Nữ.
- Nguyễn Khoa Chiêm (1659-1736) ông là người tài hoa, giỏi chính sự là người vạch định mọi kế hoạch cho chúa Nguyễn trong những năm 1724. tác phẩm chính của ông là Nam Triều công nghiệp diễn chí, soạn năm1719.
- Phạm thị Lam Anh. Không rõ năm sinh, năm mất, chỉ biết là con của Phạm Hữu Kính sống vào thời chúa Nguyễn Phúc Khoát. Bà là người có tài văn thơ nên rất kén chọn khi lập gia đình. Sau vì mến tài rồi tư thông với thầy giáo Nguyễn Dũng Hiệu rồi cùng nhau xướng họa có nhiều câu rất hay. Phạm Hữu Kính muốn giết cả hai, nhưng nhờ mọi người khuyên giải nên cho cưới. Trong bài Vịnh Khuất Nguyên có hai câu rất đắc:
Cô phẫn khí thành thiên khả vấn
Độc tinh nhân khứ quốc cơ không
Riêng hờn, khí uất trời nên hỏi
Một tỉnh, người đi nước rổng không
Có tác phẩm để lại là Chiến cổ Đường thi.
- Nguyễn Đăng Thịnh (1696-1755) là một người có tài về văn thơ và chính sự. Chính ông là người chịu trách nhiệm việc tổ chức triều chính và xưng vương của chúa Nguyễn Phúc Khoát. Tác phẩm của ông là Hiệu Tân thi tập, Chuyết Trai thi tập, Chuyết Trai vịnh sử tập.
- Nguyễn Phúc Tứ (1609-1753) Đây là một nhân vật thú vị, là con trai thứ 8 của chúa Nguyễn Phúc Chu. Học hành cực giỏi mà không tham gia chính sự, tính tình ngay thẳng. Là một người làm thơ Nôm xuất sắc với truyện thơ Hoa Tình.
- Nguyễn Đăng Tiến (1701-1747) Em ruột Nguyễn Đăng Thịnh. Ông là một người  thanh liêm, nhàn dật. Nghèo nhưng phóng khoáng. Không ham việc nhưng khi Chúa Nguyễn giao việc thì làm hết lòng. Tác phẩm Minh Khiêm thi tập. Lời thơ phóng khoáng nhàn dật.
- Nguyễn Cư Trinh (1716-1767) Ông là một những nhân vật kiệt xuất trong thời các chúa Nguyễn. Giỏi văn thơ, nghiêm cẩn về chính sự, có tài thao lược trong việc cầm binh, là một nhà dinh điền giỏi, một nhà ngoại giao xuất sắc. Chính ông là người tổ chức việc đăng ký các phương giao thông đường thủy Truyện thơ Nôm Sãi Vãi, Đạm Am thi tập và một số thi văn xướng họa với Mạc Thiên Tứ.
- Nguyễn Phúc Chu (1675-1725) ông là người thích văn thơ và mộ đạo Phật, đã từng quy y vào năm 17 tuổi và xưng là Thiên Túng Đạo Nhân. Trong thời ông làm chúa có những sự kiện quan trọng như dứt Chiêm Thành, thu nhận Mạc Cửu. Ông làm thơ rất nhiều, nhưng chủ yếu là thù tạc với các quan trong triều như bài thơ tặng Tham Chính Trần Đình Ân về hưu, 4 bài thơ thương tiếc vợ là Nguyễn Kính Phi hay với các thiền sư. Thơ ông rất có giá trị về mặt văn chương nhưng nội dung thì chỉ mang tính thù tạc.
- Tôn Thất Dục (1728-1771) là con trưởng của Nguyễn Phúc Tứ, rất giống cha về tài năng, tính tình. Giữ chức Chương cơ lãnh việc bộ Hình. Từng làm giám thí cuộc thi hương khoa Mậu Tý (1768). Là một người rất mực tài hoa, thao lược, rất sành cầm, kỳ, thi, tửu. Chính sự rất nghiêm minh. Ông là người sáng chế ra cây đàn bầu.
- Mạc Thiên Tứ (1706-1780) ông là con Mạc Cửu. Tổng Binh Đô Đốc trấn Hà Tiên. Ông là người thành lập Chiêu Anh Các và cùng các danh sĩ Trung Quốc, Đại Việt xướng họa thơ văn, trong đó có Nguyễn Cư Trinh. Khối lượng tác phẩm của ông và Chiêu Anh các khá đồ sộ: Hà Tiên Thập Vịnh do ông xướng 10 bài và 360 bài họa lại trong đó có 10 bài của Nguyễn Cư Trinh. Minh Bột Di Ngư (đã thất truyền chỉ còn lại một bài Lư Khê nhàn điếu) Hà Tiên vịnh vật thi tuyển, Châu thị trinh liệt tận ngôn, Thi truyện tặng Lưu tiết phụ, Thi thảo cách ngôn vị tập. Mãi đến sau này, còn khám phá ra một tác phẩm nữa của Mạc Thiên Tứ viết bằng chữ Nôm là Hà Tiên quốc âm thập vịnh.
Ngoài ra còn có một tác phẩm nổi bật của nhà sư Trung Quốc Thạch Liêm, đó là cuốn Hải Ngoại ký sự đã mô tả khá trung thực về đời sống tinh thần và kinh tế của nhân dân phương Nam. Cuốn sách được chuá Nguyễn Phúc Chu đề tựa.
Nhìn chung, trong hơn hai trăm năm ấy, văn học nghệ thuật ở Phương Nam không thể so với Bắc Hà, với những nhân vật kiệt xuất như Bùi Huy Bích, Ngô gia văn phái, Phạm Công Trứ, Lê Hy, Đặng Trần Côn, Đoàn thị Điểm, Nguyễn Gia Thiều, Lê Quý Đôn… với hàng loạt những tác phẩm đồ sộ như Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Việt sử ký tục biên, Hoàng Lê nhất thống chí, Chinh Phụ ngâm, Cung Oán Ngâm Khúc, Kiến văn tiểu lục, Phủ Biên tạp lục, Vân Đài Loại Ngữ…
Biết vậy, nên các chúa Nguyễn ngay từ đầu vào phương Nam đã cho đặt một bộ phận gọi là Từ Thần, có chức năng như bộ Văn Hóa, lo việc văn chương thi phú. Những người phụ trách bộ phận này đều giỏi văn thơ như Nguyễn Quang Tiền, Trần Thiên Lộc.
Điều này cũng dễ hiểu, một đất nước được hình thành, được xây dựng bởi những con người tay cuốc, tay cày, lại phải luôn ngay ngáy trước áp lực phá hoại đè nặng từ những người anh em phương Bắc hoặc ngay trong cuộc sống thường nhật. Những văn, thơ, hát, hò, vè chỉ là một thú tiêu khiển sau những giờ lao động mệt nhọc. Những con người tham dự chuyến hành phương Nam vĩ đại đó đã lập đạo, lập ngôn, lập đức bằng chính những con kênh đào, những đồng lúa xanh rờn, nương dâu bát ngát… bằng những câu ca dao, câu hò, điệu lý… bất chợt hoặc đôi khi là những bài thơ mang chút hơi hướng hàn lâm hay những giai điệu được phát đi bằng một nhạc cụ tối đơn giản, cây đàn chỉ có một dây, được làm bằng mấy mảnh ván, một gáo dừa điếc, một thẻ tre và một sợi dây thép, dây tơ hay dây gì gì đó có sẵn trong thiên nhiên. Những loại hình văn học, nghệ thuật ấy sống theo thời gian và trở thành hơi thở của cuộc sống qua biết bao nhiêu thế hệ và cũng vì thế làm cho những người ở mai sau rất dễ lãng quên. Tất nhiên câu ca dao, câu hò, điệu lý hay những giai điệu của các loại nhạc cụ đơn giản ấy chỉ có thể làm cho nguời ta nhẹ lòng hay đăm chiêu dăm phút chứ không làm cho người phải trầm trồ thán phục. Nhưng cũng chính vì thế mà loại hình văn học nghệ thuật này có một kiểu thức tồn tại rất đặc biệt, tồn tại trong sinh hoạt, trong hơi thở của con người mà người thở thì ít khi nhớ rằng mình đang thở. Và cũng chính vì lẽ đó, mà giờ đây muốn đánh giá đúng đắn những thành tựu về văn học nghệ thuật trong giai đoạn này là một việc rất khó khăn. Thậm chí những tác phẩm được ghi trên cũng khó lòng mà tìm kiếm được cho đầy đủ. Nhưng có một điều mà gần như không ai để ý tới. Kho tàng văn học, nghệ thuật dân gian trong thời kỳ này, trên mảnh đất này phát triển rực rỡ không ai ngờ. Phát triển từ loại hình đến khối lượng.
THAY CHO LỜI KẾT
Tôi đã đi qua hai khoảng lặng trong lịch sử của đất nước tôi. Đối với tôi, lịch sử là ông cha, là tổ tiên. Tôi được sinh ra bởi một người cha, một người mẹ, sau khi biết được người cha người mẹ ấy tôi phải biết thêm hai người ông và hai người bà, rồi tôi cũng hiểu là tôi có bốn ông cố và bốn bà cố, thêm bước nữa tôi có thêm tám ông sơ và tám bà sơ và… hết biết. Nhưng cũng từ đó tôi nhận ra là cả một lịch sử dân tộc này đã tạo ra tôi, một thằng tôi cũng tầm tầm như bao nhiêu người khác trong cái cõi nhân gian mênh mông (tất nhiên cũng có những con người kiệt xuất về nhân cách, tài năng ở lĩnh vực này hay lĩnh vực khác và cũng không thiếu những tay “trời thần”). Những trang viết này rồi không biết có ai đọc cho không. Nhưng riêng tôi, trong chừng mực nào đó, đã yên lòng với chính mình. một lần nữa tôi khẳng định tôi chỉ là một kẻ lang thang tìm về chốn cũ bằng sự cảm nhận của chính mình với đôi điều đọc được đó đây về tổ tiên mình,  đất nước mình, do nhà trường dạy hay do vô tình vớ được những quyển sách mình yêu thích. (Đừng ai nghĩ rằng tôi là “nhà gì gì đó”. Tôi là kẻ lang thang, mà kẻ lang thang thì hay nghĩ vẫn vơ.) Trên những trang sách ấy, dấu vết cha ông còn sót lại, khi thì mơ hồ, lúc thì lãng đãng giữa miệng lưỡi nhân gian, thì cũng là miệng lưỡi của cháu con thôi, nhưng ẩn phía sau những trang sách ấy là một quá khứ hào hùng nhưng không sắt máu, một quá khứ đau thương nhưng đầy nhẫn nại kiên trì kèm theo đó mồ hôi, nước mắt và cả máu xương. Hôm nay, tôi ngồi đây, sau cuộc hành trình, ngẫm nghĩ và buồn cười cho chính mình rồi tự hỏi “mình làm chuyện này chi vậy ta?“ Hỏi thì hỏi nhưng trả lời không được. Chỉ biết có một điều viết ra được những suy nghĩ của mình thì làm tôi thoải mái. Thôi thì tự thưởng mình một hơi thở vào thật sâu và thở ra thật nhẹ để mà  thưởng thức…
Những hơi thở cũ càng còn mãi đó,
Của người xưa và của cả muôn loài.
Của vạn đại sống cùng và sống với…
Để bây giờ tôi thở cuộc đời tôi.
Vâng. Tôi đang sống và đang thở bằng hơi thở của người xưa.
          Cái Mới Lớn, tháng 10/2006


[1] Họ Đỗ, trụ trì chùa Cổ Sơn, Ái Quận thuộc thế hệ thứ 11 thiền phái Tì-ni-đa-lưu-chi (dòng Thiền Nam Phương)
[2] Xem bản dịch phần phụ lục
[3] Ngô Khuông Việt (933-1011) tức Ngô Chân Lưu, người hương Cát Lỵ, huyện Thường Lạc, trụ trì chùa Phật Đà, thuộc thế hệ thứ 4 dòng Thiền Vô Ngôn Thông
[4] Xem bản dịch phần phụ lục

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét