Người theo dõi

Chủ Nhật, 21 tháng 3, 2021

TÔI ĐANG NGỒI ĐÂY TRÊN MẢNH ĐẤT CỦA ÔNG CHA

 


TÔI ĐANG NGỒI ĐÂY TRÊN

MẢNH ĐẤT CỦA ÔNG CHA





Bây giờ tôi ngồi đây, bên giòng sông Cái Lớn, giòng sông không ghềnh thác, cặm cụi chảy về Tây. Trong mênh mông và khoáng đạt của nước trời để cảm nhận lòng mình, để cảm thụ thơ và để… thơ. Tôi viết

 

ÁNH MẮT

 

Còn thơm mãi bàn tay người vỡ đất

Hành phương nam từ ấy bốn trăm năm

Chào người đến con muỗi nâng sáo thổi

Con vắt đo ruộng đỏ máu chân trần

 

Nhưng cánh gió đồng bằng thơm nắng ấm

Vạt năng xanh hóa lúa bởi mồ hôi

Cò trắng muốt, con trích cồ xanh biếc

Những giòng sông tím ngát lục bình trôi

 

Lá dừa nước che cuộc đời nên xám

Cho khói lam quấn quýt lấy khung trời

Mang theo những tấm lòng về  phương Bắc

Những tấm lòng chia sớt những buồn vui

 

Theo năm tháng, mồ hôi thơm ngát gió

Xóm theo làng lớp lớp vệt tre xanh

Tay cày cuốc khơi nâu non của đất

Gió chướng về cho sóng lúa vờn quanh

 

Sông phương nam bình yên không ghềnh thác

Lượn lờ trôi ăm ắp một tình người

Những chiếc ghe, chiếc xuồng luôn  chở nặng

Một vầng trăng khúc khích tiếng ai cười

 

Câu ca dao của một thời lãnh lót

Đồng mênh mông bổng chốc hoá mượt mà

Tỉn rượu đế và cơn say hào sảng

Từng phút từng giờ quyện chặt lấy tình quê

 

Từ nơi ấy dãy Hoành Sơn chất ngất

Hơn bốn trăm năm có đôi mắt dõi nhìn

Trong trùng điệp những cánh đồng thơm ngát

Ánh mắt Người vạn đại vẫn luôn xanh

 

Như ở trên, tôi đã biết văn học của hai trăm năm Đàng Trong không phải ít, nhưng tôi không đọc được giòng nào. Kể cả những gì của Chiêu Anh Các. Một tổ chức văn học lớn xuất hiện ngay trên mảnh đất mà tôi sinh ra. Và có lẽ là một tổ chức văn học duy nhất mang tính quốc tế của lịch sử. Tôi chỉ nghe nói rất nhiều về Hà Tiên Thập Cảnh, Minh Bột Di Ngư và chỉ có thế. Tôi không hiểu tại sao lại thế?

Nếu như tôi cố công xin người này, nhờ người nọ thì có thể, nhưng vài lần như vậy mà chẳng được gì làm tôi đâm chán. Rốt cục tìm được có 2 bài và mấy bài thơ họa lại của Nguyễn Cư Trinh và vài người khác, khi mua được cuốn Kiến Văn Tiểu Lục của Lê Quý Đôn, còn bài Châu Nham Lạc Lộ thì tìm thấy trong cuốn Tìm hiểu Hà Tiên của Trương Minh Đạt;

 

6. CHÂU NHAM LẠC LỘ

Lục ấm u vân xuyết mộ hà.

Linh nham phi xuất bạch cầm tà.

Vãn bài thiên trận la phương trụ,

Tình lạc bình nhai tả ngọc hoa.

Bộc ảnh cộng phiên minh nguyệt tụ,

Vân quang tề táp tịch dương sa.

Cuồng tình thế lộ tương thi kế,

Lục lục thế trì thủy thạch nha.

 

Mây che sẫm đất ánh chiều buông

Nghiêng cánh cò về trắng núi non

Trên cỏ cây giăng ngàn vạn điểm

Trong hoa nắng lóa rực trên cồn

Ghềnh treo thác đổ hòa trăng chiếu

Mây rạng bãi chiều hứng ráng tuôn

Bến nước non đây. Thôi ghé lại

Long rong đã mõi bước chân cuồng

Quán Tâm Nguyễn Hiền Nhu

 

9. LỘC TRĨ THÔN CƯ

Trúc ốc phong qua mộng thủy tinh.

Nha đề thiềm ngoại khước nan thinh.

Tàn hà đảo ảnh diên song tử,

Mật thụ đê thùy tiếp phố thanh.

Dã tính thiên đồng viên lộc tĩnh,

Thanh tâm mỗi tiễn đạo lương hinh.

Hành nhân nhược vấn trụ hà xứ?

Ngưu bối nhất thanh xúy địch đình.


Gió chạm chòi tranh làm tỉnh giấc

Hiên ngoài tiếng quạ réo om tai

Ráng tàn gượng gạo xiên qua vách

Suối chảy thầm thì níu lấy cây

Kê, gié nhẹ tênh lòng đạm bạc

Vượn, hươu hồn hậu cuộc yên vui

Nếu như người hỏi lòng ta ở…

Tiếng sáo lưng trâu vút đỉnh trời

 

10. LƯ KHÊ NGƯ BẠC

Viễn viễn thương lương hàm tịch chiếu,

Lư khê yên lý xuất ngư đăng

Hoành ba yễm ánh bạc châu đĩnh,

Lạc nguyệt sâm si phù tráo tăng.

Nhất lĩnh thoa y sương khí bách,

Kỷ thanh trúc trạo thủy quang ngưng.

Phiêu linh tự tiếu uông dương ngoại,

Dục phụ ngư long khước vị năng.

 

Vời vợi đêm buông sóng nước đầy

Khe Lư lấp lóa ánh đèn lay

Khuất trong sóng trắng thuyền bên bến

Phơi dưới trăng soi lưới lẫn chài

Buôn buốt áo tơi sương phả lạnh

Xôn xao ánh nước nhịp chèo lơi

Tự cười thân phận ngoài muôn dặm

Tài mọn, rồng mây lỡ vận rồi

Nhưng cũng cần nói thêm một chút về giòng họ Mạc ở Hà Tiên. Không thể phủ nhận công khai phá của giòng họ này. Họ Mạc đã nối dài thêm đất nước bằng bán đảo Cà Mau bao gồm Hà Tiên, Rạch Giá, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cần Thơ, Hậu Giang, Phú Quốc và Vịnh Thái Lan với cái tên Hà Tiên Trấn, khi họ Mạc về với chúa Nguyễn Phúc Chu năm 1708. Khi khăn gói từ Lôi Châu (năm 1680) để tránh nhà Mãn Thanh. Mạc Cửu đến Mang Khảm (tên cũ của Hà Tiên) là một vùng hoang sơ, các thế lực của Thái Lan, Chân Lạp và chúa Nguyễn còn chưa vươn tới, Mạc Cửu lập xóm làng, mở thương cảng, thành lập quân đội với “giấc mơ riêng một góc trời”. Khi có một ít thế lực thì Xiêm La, Chân Lạp bắt đầu để ý tới vùng đất hoang hóa nhưng đầy quyền lợi này. Tất nhiên đó là công sức của họ Mạc chớ không phải từ trên trời rơi xuống. Áp lực càng lúc càng đè nặng, thậm chí có lúc Mạc Cửu còn bị Xiêm La bắt đem về Vạn Tuế sơn (1687) Năm sau ông trốn về Lũng Kỳ, chiêu tập dân binh, xây dựng lực lượng, đến năm 1670 ông dời sở lỵ về Phương Thành (tp Hà Tiên hiện nay). Thấy không thể tự thân thành lập một giang sơn riêng, trong khi uy thế Chúa Nguyễn Phúc Chu càng ngày càng lớn mạnh vươn dài về phương Nam. Thêm nữa, nhìn thấy đức độ, lòng bao dung của chúa Nguyễn Phúc Chu khi ông dang tay cưu mang Trần Thượng Xuyên, Dương Ngạn Địch (cũng là những cựu thần nhà Minh như Mạc Cửu). Nhưng mãi đến 18 năm sau Mạc Cửu mới chính thức trở về với chúa Nguyễn năm 1708).

Dù vậy nhưng Mạc thiên Tích (mẹ là người Việt) vẫn còn còn than vãn:

Phiêu linh tự tiếu uông dương ngoại,

Dục phụ ngư long khước vị năng.

Tự cười thân phận ngoài muôn dặm

Tài mọn, rồng mây lỡ vận rồi

Để rồi những biến động của lịch sử và của lòng người, giòng họ Mạc chỉ truyền được 7 đời rồi tuyệt diệt, dù lòng bao dung của người Phương Nam dành cho họ thì vẫn vậy. Tổng thống Ngô Đình Diệm đã cho một ngưới cháu ngoại là Thiềm văn Trọng được thế tập họ Mạc với tên Mạc văn Trọng và đặc cách cho gia nhập quân lực VNCH với quân hàm thiếu úy khi mãn khóa học ở trường Võ Bị Thủ Đức. Không biết sau 8 năm gỡ lịch, bây giờ số phận của anh ta ra sao?

 

 Thế là tôi đành buông thả những cảm xúc của mình để mà tự viết thành mười cảnh Hà Tiên như là một lời tạ lỗi với cha ông. Tôi không thể nào lựa chọn và khẳng định được con số 10. Bởi vì, không riêng gì Hà Tiên mà bất cứ một vùng đất nào trên đất nước này cũng đều có trên con số ấy rất nhiều. Mỗi một ngọn cỏ, một giọt sương, một tiếng gà, một con cá rô be bé… đều có thể thành thơ. Cảnh đẹp theo lòng mà, như Nguyễn Trãi nói vậy “Hải sơn vị ngã xuất tân đồ”, “ âu lộ với ta dường có ý. Đi đâu thì nó cũng đi theo”. Vì vậy mà tôi cố giới hạn những cảm xúc để làm cho đúng cho số 10 vậy thôi. Thay vì chọn thể thê đường luật thì tôi lại chọn theo cách viết của cụ Nguyễn Trãi khi viết thơ Nôm. Nhưng lại viết rất lâu mới đủ.

 

MŨI PHÁO ĐÀI

chơ vơ cửa biển đứng mình êng

mây nước nghìn năm bập bềnh

trơ bãi ngăn từng con sóng réo

phơi sườn chặn mấy ngọn nam rền

cây yên, nhìn bóng chiều suy tưởng

gió lặng, nằm khoe thế vững bền

tạo hóa bao dung như vậy

trời cao đất rộng, nước mông mênh

 

NGẮM NÚI BÌNH SƠN

lần theo dấu cũ đến nơi đây

muôn biếc ngàn xanh lớp lớp đầy

lất phất hạt mưa trong cánh gió

đong đưa sợi nắng giữa ngàn mây

nén hương vạn đại hòa sương sớm

vết tích trăm năm mấy lớp dầy

mát rượi chân trần trên cỏ biếc

ngàn xanh dấp dới với ngàn cây

 

THĂM LĂNG MẠC CỬU

trời vẫn xanh mây, nắng vẫn trong.

biển thì thầm một dãy non sông.

hồn xưa, còn ấm triền núi,

lối  cũ,  chưa  phai  tấm  lòng.

mái Thụ Đức Hiên vào tịch mịch,

lời Chiêu Anh Các vẫn mênh mông.

trăm năm bia đá mờ sương gió,

cỏ vẫn xanh giữa bụi hồng.

 

CHUÔNG CHIỀU PHÙ DUNG TỰ

khói núi hay là bóng khói hương

hay sương giăng mắc lúc chiều buông

lá xanh xào xạc trong yên tĩnh

rêu biếc vờn quanh mấy mảng tường

lấp ló trăng non nhòa sắc núi

bâng khuâng lòng khách ở ven đường

lời kinh chiêu mộ chừng như cũng…

chợt nhẹ lòng, mấy tiếng chuông

 

NHỚ TRỐNG GIANG THÀNH

tiếng trống đêm xưa thôi đã vắng

mà như vọng mãi ở quanh đời

xôn xao Dạ Cổ vào khuya khoắc

ray rức Hoài Lang mấy ngậm ngùi

nhớ thuở ông cha mở nước

buồn cho ai đó quên rồi

ngàn năm tiếng trống còn vang vọng

Ngọc Lũ, Đông Sơn đến chốn này

 

THẠCH ĐỘNG

chừng như tiếp bước dãy Trường Sơn

ở cuối trời nam một hòn

ngắm ngó đông tây đêm gió vắng

vời trông nam bắc lúc mây tuôn

mồ hôi nối liền sông núi

cày cuốc làm nên nước non

mãi đứng chênh vênh cùng tuế nguyệt

nắng mưa, mưa nắng không mòn


CHIỀU Ở MŨI ÔNG CỌP

ngàn mây chấp chới gió liu hiu.

tiếc chút phù hoa ráng đỏ chiều.

buồn chiếc thuyền đơn buồm lãng đãng,

quạnh con nhạn lẻ cánh liêu xiêu.

lối xưa chợt khuất trong hư ảo,

tình cũ òa tan giữa sóng triều.

sương đã khơi mù và nắng lịm,

thôi chiều đã tắt giữa cô liêu.


TRĂNG ĐÔNG HỒ

chén trăng nghiêng đổ bạc hồ Đông.

khoái chí sao mà sóng chạy rong.

lấp phấp con thuyền trên sóng nước,

nôn  nao  ý  tứ  ở  trong  lòng.

giá như cụ Trạng không đưa lối,

sao có ông Hoàng mở núi sông.*

con cháu giờ này đâu thấy được,

vầng trăng đổ bạc xuống hồ Đông.

 

* Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm chỉ lối cho Đoan quân công Nguyễn Hoàng vào Thuận Hóa năm 1558 bắt đầu chuyến hành phương Nam, kết thúc vào năm 1802 với câu nói nổi tiếng “ Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân”

 

BUỔI TRƯA TRÊN BÃI ỚT

gió cùng cây lá cứ nôn nao

chim cũng đùa theo góp tiếng vào

núi biếc nhìn mây lấp lóa

biển xanh gọi sóng xôn xao

mấy con cò trắng bay lơ lững

vài cánh buồm nâu cứ phập phều

nắng đổ long lanh khắp chốn

lòng như  khoai khoái cái gì đâu

 

HÀ TIÊN PHỐ

thôn cũ thành xưa khuất dấu rồi

giờ đây nhộn nhịp phố phường thôi

đổi thay vốn của đời dâu bể

tiếc nhớ về trong nỗi ngậm ngùi

bia đá, hồn xưa lẫn khuất

lối mòn, người cũ xa xôi

nhớ ai, ai nhớ thì xin nhớ

để được làm nên một phận người


Tôi đã viết xong, nhưng lại nhận ra rằng đây chỉ là những cảm xúc của một người thụ hưởng, chớ chưa bao giờ là cảm xúc của sự đóng góp dù chỉ là một giọt mồ hôi. Nếu có chăng chỉ là một nỗi quan hoài, một tấm lòng tri ân, ngưỡng mộ và…

 

NỖI NHỚ BỐN TRĂM NĂM

Từ cái dạo tay cày và tay cuốc

Nóp đeo vai đi làm ruộng phương Nam

Chân giẫm suốt một chiều dài thương nhớ

Bốn trăm năm đằng đẳng một hồ Gươm

 

Hằng ngày, chúng ta đã thấy, đã nghe, đã nhìn và gom vào người chẳng biết cơ man nào là bức xúc. Chúng ta đổ lỗi cho cái gọi là “cơ chế thị trường” là “tư bản chủ nghĩa”. Thực ra, hai cái thứ đó chẳng dính dáng gì tới nhân cách con người. Không mua bán (thị trường) không tích cóp tài sản (tư bản) thì có mà “ăn lông ở lỗ”sao? Nhưng vấn đề là chúng ta mua bán và tích cóp như thế nào. Không ai dạy dỗ cho con cháu chúng ta điều đó. Khi nói đến lễ hội là người ta nghĩ ngay đến việc tổ chức các trò chơi để kiếm tiền. Khi nói đến tâm linh thì người ta “cướp ấn đền Trần” – “cướp phết hội Lim” – Nhét tiền lẻ vào tay tượng Phật” “ nhét thật nhiều tiền vào thùng công đức” – “lấy tiền thấm máu heo trong lễ hội chém Lợn để lấy hên” mà không ai được dạy cho về ý nghĩa của lễ hội, về công đức và hành trạng của tiền nhân, của ông Bụt.. Khi nói đến lịch sử, học và làm theo lịch sử là “lạc hậu” là “hâm” là “âm lịch”. Nói đến tương lai là nói về “thiên đường cộng sản” là “quyền cao chức trọng” là “lưu danh thiên cổ” mà quên đi là “lưu xú vạn niên”. Các thế hê con cháu chúng ta đang chìm sâu trong một nền giáo dục vong bản, lai căng, một nền giáo dục dạy làm tiền chớ không phải dạy làm người. Và ngày hội thơ hàng năm được tổ chức hàng năm ở Hà Tiên cũng không ngoại lệ

Buồn thay. Buồn thay

Khi chúng ta ăn một búng cơm gạo thơm Chợ Đào (Long An), gạo trắng tép (Kiên Giang), ăn một nắm xôi bằng nếp Bông Dừa (Cao Lãnh), chấm miếng nước mắm (Phú Quốc hay Phan Thiết)..., nếm vị cay nồng nàn của hạt tiêu (Phú Quốc), vị mặn mòi của hạt muối (Bạc Liêu), vị ngọt ngào của trái xoài Hòa Lộc, măng cụt (Vĩnh Long), sầu riêng Măng Thít (Trà Vinh), múi bưởi (Biên Hòa) Tất cả những hương vị ấy hàng ngày bày biện trên mâm cơm, trong tủ lạnh của chúng ta, và tai chúng đã lắng nghe điệu Nam Bình (Huế) sâu lắng, điệu hò trạo rộn ràng (Quảng Nam), làn điệu nói thơ (Bến Tre) hát đối đáp trên những giòng kinh, con rạch hay trên những cánh đồng làm nên những cuộc tình hay những bài bản cải lương (Bạc Liêu, Mỹ Tho). Tiếng Độc huyền cầm của hoàng thân Tôn Thất Dục. Tất cả nuôi dưỡng thân xác, tâm hồn chúng ta thì tại sao chúng ta không biết cảm nhận chúng, biết từ đâu đến và trong những hương vị ấy, âm thanh ấy có mùi mồ hôi và xương máu của những ai, để nuôi dưỡng tính cách tốt đẹp của con người mình.

(trích: Chương 14; Múa Gậy Vườn Hoang)

Nguyên Tiêu năm Ất Mùi (5.2.2015)

Quán Tâm Nguyễn Hiền Nhu

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét