Người theo dõi

Thứ Năm, 16 tháng 2, 2017

AI ĐÃ GIẾT NGƯỜI DÂN HUẾ: CÂU HỎI 40 CHƯA TRẢ LỜI

 bài cũ post lại
Thủ phạm của vụ thảm sát
Hôm nay, chúng tôi xin trình bày bài cuối cùng trong loạt bài gồm 5 phần, do biên tập viên Thiện Giao thực hiện, trong chương trình Tưởng niệm Cuộc Thảm sát Mậu Thân tại Huế năm 1968. Trong 4 phần trước, chúng tôi đã lần lượt điểm qua các giai đoạn của cố đô những ngày trước, trong và sau cuộc thảm sát.

 

Nhiều ngàn người Huế đã bị giết trong vòng chưa đầy 1 tháng phía quân đội Bắc Việt chiếm đóng Huế. Cuộc thảm sát chỉ kết thúc khi quân đội Việt Nam Cộng Hoà và Hoa Kỳ tiến đánh, vãn hồi an bình cho Huế ngày 24 tháng Hai với đỉnh điểm là hai trận đánh tại Đại Nội và Kỳ Đài Phú Văn Lâu. Trong phần trình bày sau đây, qua lời kể của các nhân chứng và cả những người đã từng tham gia Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam lúc ấy, chúng tôi sẽ đặt lại câu hỏi: cuối cùng thì, ai sẽ phải chịu trách nhiệm về vụ thảm sát Mậu Thân. Xin theo dõi qua phần trình bày của Việt Long.


Các nạn nhân xấu số
Cuối cùng, mặt trận Mậu Thân 1968 tại Huế cũng chấm dứt. Ngày 25 tháng Hai năm 1968, những lực lượng cuối cùng của phía Bắc Việt bị đẩy lui ra khỏi thành phố. An bình được vãn hồi. Cờ Việt Nam Cộng Hoà được kéo lên trên tháp Kỳ Đài Phú Văn Lâu thay cho cờ Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam chễm chệ giữa cố đô trong hơn 3 tuần trước đó.
Nỗi kinh hoàng đối với dân Huế qua đi, nhưng trong lòng họ, vẫn còn nỗi đau. Người còn sống vẫn đau với vết thương chưa lành, trong khi người đã khuất vẫn chưa được giải oan. “Vết thương đó vẫn chưa khô máu, vết sẹo đó mỗi lần trái gió trở trời vẫn đau xót xa.” Cho đến nay, chưa bao giờ chính quyền Hà Nội chính thức lên tiếng giải trình những thảm sát xảy ra cho Huế mùa Xuân năm 1968. Nhiều câu hỏi được đặt ra liên quan đến cuộc thảm sát kinh hoàng này: Ai sẽ chịu trách nhiệm cuối cùng trong Biến Cố Mậu Thân? Những cuộc thảm sát xảy ra trong hoàn cảnh nào? Các nạn nhân xấu số đã bị giết ra sao?
“Theo những báo cáo của các cuộc cảnh sát các xã thuộc 13 quận của thành phố Huế và tỉnh Thừa Thiên, do các xã báo cáo, khoảng 5,300 nạn nhân bị chôn sống tại tỉnh Thừa Thiên.” (Nguyễn Phúc Liên Thành, Phó Trưởng ty Cảnh sát Đặc biệt Lực lượng Cảnh sát Quốc gia tại Thừa Thiên). “Tại thành phố Huế và tỉnh Thừa Thiên, 22 địa điểm tìm được là các mồ chôn tập thể. Trong 22 địa điểm này, người ta đếm được 2,326 sọ người. Sau tết, chúng tôi lập Hội Gia Đình Nạn Nhân Cộng Sản trong Tết Mậu Thân. Các gia đình kê khai có người chết, có người mất tích, lên đến 4,000 gia đình. Người ta ước tính vào khoảng 6,000 người. có nhà báo ước tính 5,000. Chúng tôi cho con số 5 đến 6 ngàn là không sai lệch lắm đâu” (Nguyễn Lý Tưởng, cựu Dân biểu khu vực Thừa Thiên)
Thủ phạm của vụ thảm sát


Nhiều nguồn dư luận được đưa ra, liên quan đến thủ phạm của vụ thảm sát. Có người nói rằng, chính những thành phần thiên Cộng tại Huế, đa số là sinh viên, đã thoát ly lên mật khu năm 1966 trong các phong trào sinh viên tranh đấu phải chịu trách nhiệm. Trong số này, những tên tuổi được nhắc đi, nhắc lại gồm có Hoàng Phủ Ngọc Tường, Hoàng Phủ Ngọc Phan, Nguyễn Đắc Xuân, Lê Văn Hảo.
Thật sự, một số thành viên trong nhóm này đã về lại Huế trong những ngày Mậu Thân. Điều này được khẳng định bởi ông Nguyễn Phúc Liên Thành, vào thời điểm 1968 là Phó Trưởng ty Cảnh sát Đặc biệt Lực lượng Cảnh sát Quốc gia tại Thừa Thiên: “Năm 1966, như Hoàng Phủ Ngọc Phan, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Đắc Xuân… đã vượt thoát lên mật khu, đã xâm nhập vào thành phố Huế trong thời gian đó.” Trở về Huế, họ có tham gia vào các cuộc thảm sát trong 25 ngày thành Huế thất thủ? Ông Nguyễn Phúc Liên Thành tin rằng, trên thực tế, trong thành phần sinh viên trở về Huế, một số người đã thực hiện các vụ hành quyết, nhưng chỉ là một số rất ít, vì tư thù cá nhân: “Trường hợp đó chỉ là 1 phần trăm. Như trường hợp các sinh viên tranh đấu cũ, nay trở lại, vì thù hận bạn bè, nay mang ra xử và chôn sống, nhưng rất ít, chỉ khoảng 1 phần ngàn.”
Trong khi đó, ông Lê Văn Hảo, từng là Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân Cách mạng Thừa Thiên–Huế vào thời gian ấy, khẳng định về sự vô tội của ông: “Đó không phải là sự thật lịch sử. Tôi chỉ là một con tin trong thế kẹt, phải nhận một chức vụ để bảo tồn sự sống còn để mong có ngày về với vợ con thôi. Chứ tôi nói thật, trong Tết Mậu Thân, vai trò của tôi hoàn toàn thụ động, chỉ ngồi trên núi thôi. Lâu lâu, các ông lãnh đạo, như Trần Văn Quang, ghé qua thăm, an ủi mà thôi, sự việc diễn tiến như vậy thì mình đi theo Cách Mạng thôi.
Ông Hảo, trong cuộc trả lời phỏng vấn với Đài Á Châu Tự Do hồi năm 2006 cũng nói về vai trò bù nhìn của Mặt Trận Giải Phóng: “Khi lên trên núi, tôi biết ngay Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam chỉ là một trò bịp bợm, một tổ chức hữu danh vô thực của Cộng Sản thôi, do Hà Nội chỉ đạo. Mà họ có giấu điều đó đâu.”
Ai chịu trách nhiệm
Như vậy, thì câu hỏi là: Ai sẽ phải chịu trách nhiệm cho những cái chết oan khuất của nhiều ngàn người Huế cách đây 40 năm? Trước khi thử tìm cách đi vào trả lời câu hỏi này, hãy nghe những phát biểu nói về cố gắng che giấu, hay chính xác hơn, xúc phạm vào nỗi đau của các nạn nhân, từ phía chính quyền Hà Nội. Nhà báo Vũ Ánh, nguyên phóng viên chiến trường Hệ thống Truyền thanh Quốc gia Việt Nam Cộng Hoà trước 1975 nhớ lại: “Một bản tin của đài Giải Phóng mà về sau tôi nghe được qua kiểm thính của nhân viên của đài (Truyền Thanh Quốc Gia Việt Nam Cộng Hoà) thì họ nói đó là cảnh sát và quân đội VNCH khi thua, rút đi thì làm điều đó. Chuyện đổ vạ là điều bình thường của Cộng Sản từ trước đến giờ. Nhân chứng vẫn còn sống đây thôi, cả trong lẫn ngoài nước. Họ không thể xoá được những điều ấy.”
Trong những trận đánh tại chiến trường Huế, người dân cố đô đã chọn cho mình phía bên nào? Một trung uý tiểu đoàn 39 Biệt Động Quân đã tham gia trận tái chiếm Huế, ông Trần Tiễn San, kể lại: “Lúc đánh ở Vỹ Dạ, lực lượng chính của Việt Cộng không còn nữa. Nhưng khó đánh vô cùng. Mình tiến từ nhà này qua nhà khác, nhà thì có kẽm gai, bờ tường. Mình bên này thì dân chúng bên kia thấy là họ đâm đầu họ chạy qua. Không biết làm sao. Dân thì ở giữa làn đạn. Mà họ thấy mình thì họ đâm đầu chạy qua.”
Câu hỏi lại được đặt ra lần nữa: Ai đã giết người dân Huế năm 1968? “Người chịu trách nhiệm cuối cùng về vụ thảm sát? Vụ này không do một cá nhân nào chủ trương, không do một sự tình cờ hay hoàn cảnh bó buộc nào bắt buộc phải làm như vậy cả. Đây là chủ trương của Hà Nội, là dùng bao lực cách mạng trấn áp dân Huế. Hà Nội tin là khi họ chiếm Huế, người dân Huế sẽ nổi dậy theo họ. Đó là một đánh giá sai lầm. “Người Huế sợ cộng sản vô cùng. Vô cùng sợ. Khi Việt Cộng tràn vào Huế, họ đến đâu, dân chúng bỏ chạy đến đó. Mà chạy thì họ bắn. Đó là sự thật không hề nói thêm một lời nào hết. Những ai sống tại Huế thời đó điều biết.”
Họ đã bị giết trong hoàn cảnh nào? “Năm 1972, tôi bắt được một trung tá Việt Cộng, tên Hoàng Kim Loan, là thành uỷ viên hoạt động bí mật tại Huế 20 năm. Tôi hỏi: tại sao các anh thảm sát đồng bào Huế man rợ đến như vậy? Thì Loan nói đây là chủ trương bạo lực Cách Mạng của cấp trên chỉ thị. Thứ hai, khi trên đường rút lui, do không thể đem theo tù nhân, nên phải giết. Loan nói, người Cộng Sản chúng tôi có chủ trương thà giết lầm còn hơn bỏ sót.”
Và, họ đã bị giết ra sao? “Tôi hỏi tại răng không bắn họ, cho họ viên đạn còn dễ hơn lấy búa, dùng vật cứng đập đầu họ và đẩy xuống hố. Loan nói: Đạn chúng tôi để bắn Mỹ Ngụy. Đạn đâu để bắn những đám người như vậy.”

Một vết thương chưa lành
Rồi đến năm 1975, khi quân đội Bắc Việt tiến vào miền Nam, một lần nữa, những người đã khuất vẫn không được yên nghỉ. Nghĩa trang trên núi Ba Tầng, còn gọi là núi Bân, nơi an táng khoảng 400 thi hài tìm được nơi Khe Đá Mài vùng Đình Môn Kim Ngọc tháng 9 năm 1969 bị đập phá cả tấm bia và các bàn thờ. Linh mục Phan Văn Lợi kể lại: “Năm 1975, sau khi chiếm được miền Nam, Cộng Sản đã phá ngay tấm bia dựng ở phía sau và phá hai bàn thờ nằm ở phía trước. Từ đó về sau, người ta có đến cũng chỉ đến trong âm thầm lặng lẽ hoặc cá nhân mà thôi, không dám công khai.”
Đã 40 năm trôi qua kể từ Biến cố Mậu Thân 1968, vụ thảm sát vẫn là một vết thương chưa lành, vẫn còn là đau mỗi khi trái gió, trở trời. Người dân Huế sẽ vẫn tiếp tục sống, tiếp tục vươn lên, đó cũng chính là cá tính của người dân đất Thần kinh. “Thân nhân bị mất, tài sản bị mất, trong một hoàn cảnh như vậy, nhưng người Huế khi nào họ cũng cố gắng vươn mình lên để sống. Thành ra, đời sống ở Huế trở lại rất là nhanh. Khoảng 5, 6 tháng sau, đời sống trở lại bình thường.” Riêng đối với người dân Huế, với sông Hương, với núi Ngự, với Nam Giao, với thành vách Kinh thành cũ, mùa Xuân 1968 vẫn luôn luôn là một ngày đại tang. Đến bao giờ, công lý và công bằng sẽ được trả lại cho người đã chết?
Đến đây là kết thúc bài thứ 5, cũng là bài cuối cùng trong chương trình phát thanh tưởng niệm các nạn nhân của vụ thảm sát Mậu Thân tại Huế năm 1968. Tưởng cũng xin nhắc lại những gì đã được trình bày trước đây, cuối cùng, sẽ không một ai có đầy đủ thẩm quyền để trả lời câu hỏi: ai, bằng cách nào, và tại sao đã giết nhiều ngàn người Huế chỉ trong vòng vỏn vẹn chưa đến 1 tháng?
Có lẽ, chỉ có người dân Huế, với tư cách là nạn nhân của thảm kịch, mới có quyền đòi hỏi công lý, đòi hỏi sự phán xét, và cả quyền đưa ra những lên án. Loạt bài tưởng niệm Biến Cố Mậu Thân tại Huế, xin hãy được xem là một nén hương, được thắp lên, để tưởng niệm những người đã chết, và cũng để chia buồn cùng tất cả những thân nhân đang còn sống, trong một biến cố đã bị chính quyền Hà Nội giữ kín gần nửa thế kỷ qua./.


Hoàng Sơn


Kính thưa quý vị,
Kính thưa quý thân hữu, quý chiến hữu cùng quý niên trưởng,
Kẻ cướp có luật lệ của kẻ cướp và chiến tranh cũng thế, tuy nó là bữa tiệc xương máu tàn khốc,...nhưng nó cũng đặt ra một thứ luật lệ riêng của nó. Chẳng hạn như trong Thế chiến thứ nhất, người ta qui định sau mỗi trận đánh, tổ chức Hồng thập tự sẽ giương cờ trắng yêu cầu hai bên ngừng bắn, để họ thu dọn chiến trường, cứu chữa cho những người bị thương. Đó là luật lệ của chiến tranh thể hiện tính nhân đạo thuần tuý.
Luật lệ chiến tranh còn qui định các bên tham chiến tránh giao tranh ở nơi có đông dân cư sinh sống, cấm giết hại thường dân trong mọi trường hợp, cấm huy động phụ nữ có thai tham gia quân đội hoặc trực tiếp cầm súng, cấm huy động trẻ em dưới 16 tuổi tham gia chiến tranh, tôn trọng ngừng bắn khi có sự thoả thuận ngừng bắn giữa hai bên tham chiến v.v....
Nhưng khi nói đến chiến tranh Việt Nam, người ta liên tưởng đến sự tàn bạo không khoan nhượng của Việt cộng, một mất một còn với hai đối phương Mỹ - VNCH, không có một thứ luật lệ nào được áp dụng cho cuộc chiến, không có hai chữ "nhân đạo" dành cho phía bên kia trong chiến tranh, trái lại họ tìm mọi cách mọi thủ đoạn để giành chiến thắng. Đó là suy nghĩ và học thuyết của những kẻ bạo tàn mất hết tính người trong việc tiến hành cuộc chiến tranh bẩn thỉu tại Việt Nam cách đây hơn 40 năm về trước. Những kẻ chủ mưu trong cuộc chiến tranh đã tận dụng mọi thủ đoạn và cơ hội bẩn thỉu nhất, đê tiện nhất để đoạt được phần thắng. Mà điển hình là biến cố Tết Mậu Thân cách đây tròn 40 năm. Còn theo cách tuyên truyền của kẻ gây chiến, thủ phạm gây nên tội ác đó, chúng đặt cho một cái tên mỹ miều là cuộc "Tổng tiến công tết Mậu Thân lịch sử".
Phải, sự kiện tết Mậu Thân sẽ đi vào lịch sử dân tộc không phải như là niềm tự hào chống quân xâm lược như VC đã từng rêu rao, mà nó là một vết nhơ, một nỗi đau không thể xoá nhoà về tội ác giết hại chính đồng bào mình mà thủ phạm không ai khác chính là đảng VC. Không những vậy, rồi đây Vc sẽ phải trả lời trước toà án La Haye về tội ác đã gây nên tại Huế năm 1968, như một tội ác chống lại loài người. Bốn mươi năm đã qua đi. Nhưng dấu tích của tội ác thì lịch sử không thể nào xoá lấp được. Ký ức hãi hùng về những vụ thảm sát, những bức ảnh, những nhân chứng là một bằng chứng không thể chối cãi.

Hình ảnh những người dân vô tội bị hành quyết một cách man rợ đã cho ta thấy bộ mặt ghê tởm của loài ác thú đội lốt cộng sản. Những trẻ em vô tội, những người già, những phụ nữ bị giết hại mãi mãi là một bằng chứng không thể chối cãi về một tội ác trời không dung đất không tha. Chúng đã không từ thủ đoạn dã man nào để giết hại những người dân tay không tấc sắt, bằng những hình thức giết người dã man nhất: trói bằng dây kẽm gai, hạ sát bằng cách dùng cuốc, báng súng đập vỡ sọ, dí súng bắn vào đầu nạn nhân để hành quyết tập thể… tất cả đã cho thấy mức độ ghê tởm của cuộc thảm sát đó v.v...
Mười chín hố chôn tập thể... Hố ít nhất năm bảy người, hố nhiều nhất lên tới gần ngàn người. Tất cả là 5.800 bộ hài cốt được tìm thấy với đủ các chứng tích về nhân thân, từ bộ quần áo cho tới những dụng cụ cá nhân, từ bức thư của cha cố cho tới những kỷ vật lứa đôi, từ đôi dép của những cụ già cho tới cặp sách của những em bé. Từ những phụ nữ (chắc chắn có những người mang thai) cho đến những học sinh, sinh viên tuổi đời còn trong trắng đã là nạn nhân trong ngày mùng 1 tết bi thương đen tối đó. Cho tới nay, con số những người bị chết và mất tích là bao nhiêu, chưa có ai chính thức công bố cả.

Những lời kể của các nhân chứng sau 40 năm đã tái hiện cho chúng ta thấy một bức tranh khủng khiếp nhất về tội ác. Máu lửa ngập tràn... bầu không khí tang thương chết chóc bao trùm lên Cố đô suốt 26 ngày nằm trong tay những kẻ mệnh danh "cứu nước"! Thì ra họ cứu nước là thế này đây! Từng bầy từng đoàn người được phân tách do danh sách của những cán bộ "cứu nước" nằm vùng lập nên để phân loại. Ai bị cho là Việt gian phản động có nợ máu với Cách mạng, sẽ được đưa ra xét xử và được cách mạng cách cho cái mạng luôn tại nơi xét xử. Ai là kẻ có quan hệ làm việc với Ngụy quyền được tập trung để nghe huấn thị, đoạn đưa đi học tập cải tạo rồi đi luôn ...mãi không về.
Bầu khí khủng bố bắt bớ bao trùm lên một Cố đô nghiêm trang. Những tiếng la hét... những tiếng van xin kêu cứu… như cứa vào lòng chúng ta. Những tiếng nổ chát chúa vang lên từng ngõ xóm, từng nhà thờ chùa chiền v.v…. Đâu đâu cũng ngập tràn tử khí chết chóc.
Những cha đạo và tầng lớp giáo dân, thành phần bị cho là "tôn giáo thuốc phiện ru ngủ" đáng ghét nhất, là nạn nhân chính chiếm số lượng nhiều hơn cả trong vụ thảm sát Huế năm xưa. Tuy là lớp hậu sinh, còn nhỏ lúc xảy ra biến cố Mậu Thân, người viết bài này đã từng được nghe những dũng sĩ "diệt Mỹ" khi đó kể lại thành tích của bộ đội mình (trong đó có mặt người viết) trong cuộc tổng tiến công tết Mậu Thân. Sau khi chiếm được thành phố và thực hiện việc bắt bớ bắn giết tàn sát dân lành, Việt cộng xông vào các nhà thờ chùa chiền, nơi những người dân đang trốn ẩn trong đó. Chúng đã dã man hãm hiếp tập thể một phụ nữ trong nhà thờ Phú Cam, Phú Bài gì đó cho đến chết. Chưa dừng lại ở đó, chúng còn dùng lưỡi lê đâm khoét cửa mình chị, xẻo đầu vú chị một cách lạnh lùng ghê rợn.... Trước khi rút đi, chúng còn không quên gài một quả "lựu đạn" đã tháo chốt mỏ vịt an toàn, rồi gài dưới bụng xác chết nằm sấp, với âm mưu ghê tởm nhằm giết hại các nhân viên cứu thương hay mai táng. Thật là khủng khiếp! Tội ác chất chồng tội ác! Chính một số người đi bộ đội thời đó đã kể cho tôi nghe họ được lệnh cấp trên hạ sát cả một thôn ấp, khi người dân không chịu đi theo bộ đội bắc Việt mà còn có ý định chạy theo "ngụy quân".
Vậy ai, ai là kẻ chịu trách nhiệm chính về tội ác này ?? Có những người do không suy xét thấu đáo, hay vô tình bào chữa bênh vực tội ác, chẳng hạn như tên đại tá VC lưu vong Bùi Tín cho rằng đấy không phải là lỗi cố ý, không phải là chủ trương của bọn đầu sỏ Hà Nội, nhưng do tình thế bức bách phải giữ bí mật nên cấp dưới đã tự ý gây ra thảm trạng này! v.v. và v.v... Xin thưa! Không có một lời biện minh nào cho thủ phạm khi mà chúng ta đi sâu vào xem xét cái nguồn gốc tội ác nó bắt nguồn từ đâu!
Chúng ta, những người VN ai cũng biết, sự thiêng liêng trang trọng của mọi người, mọi gia đình VN đối với ngày tết cổ truyền dân tộc. Trong những ngày đó, mọi người dù đi đâu làm gì, dù vất vả giàu nghèo, dù còn nhiều bất đồng mâu thuẫn, không bằng lòng nhau trong cuộc sống hàng ngày, thậm chí trong các cuộc chiến tranh dẫu cho có khốc liệt đến bao nhiêu, chưa một kẻ bạo tàn nào cho dù đó là ai. Hitler cũng còn phải ngưng chiến (để nhân dân và quân sĩ hai bên tận hưởng ngày lễ Noel trong trận chiến vòng cung Koursk-Stalingrad)
Vượt lên trên tất cả mọi vấn đề còn đang tạm thời ngổn ngang bề bộn, để hướng về ngày tết cổ truyền thiêng liêng đó cho dù là ai đi chăng nữa, cũng không nỡ nói nặng lời với nhau trong ba ngày tết, nhất là ngày mùng một đầu năm mới thiêng liêng. Vậy mà có một người cùng với một nhóm cộng sự của ông ta, đã bất chấp tất cả đạo lý, bất chấp tất cả tình người và luật lệ của chiến tranh, để dắt tay nhau đi vào lịch sử của dân tộc như những tên tội đồ dã man nhất! Người đó chính là tên Hồ Chí Minh!
Có ai ngờ lời chúc đầu năm mới của hắn gửi tới đồng bào cả nước (trong đó có đồng bào miền Nam), lại là hiệu lệnh của tên đồ tể ra lệnh khai hoả... bắn ..giết....dã man chính những người mà hắn vừa chúc tết xong... những người mà trước đó chưa đầy năm phút y (hắn) còn gọi là ĐỒNG BÀO*. Có ai ngờ sau đó hàng ngàn đồng bào trong "trái tim" y, đã bị thuộc hạ của y cướp đi mạng sống một cách oan khuất, đau thương nhất.
Bất kỳ kẻ nào cho dù không trực tiếp nhúng tay vào tội ác, nhưng tội ác gây ra vào thời kẻ đó đang đứng đầu bộ máy chiến tranh thì kẻ đó phải chịu trách nhiệm. Huống hồ hắn là người trực tiếp phát lệnh, thì không có lời biện minh nào cho tội ác mà y đã gây lên. Kẻ chịu trách nhiệm chính trong vụ thảm sát Mậu Thân ở Huế năm 1968 không ai khác chính là Hồ Chí Minh. Tên của hắn sẽ được nêu đích danh và đứng đầu trong danh sách những tên đồ tể đã giết hại gần 6 nghìn đồng bào Huế. Những chứng lý và suy cho cùng nguồn gốc nảy sinh ra thảm hoạ đó, là do chính hắn ta là người phát động và phải chịu trách nhiệm. Hắn ta không xứng đáng với tên gọi Nguyễn Ái Quốc mà lịch sử phải cải tên cho ông ta là Nguyễn Sát Quốc, cho đúng với tội danh của hắn ta thì đúng hơn.
Cho đến nay con số những người bị chết và mất tích trong vụ thảm sát Mậu Thân là bao nhiêu? Chưa có ai chính thức công bố? Cho đến nay, sau tròn 40 năm vụ thảm sát kinh hoàng, vẫn chỉ là những bức ảnh, vẫn chỉ là những bài báo lên án hành động tội ác đó. Chỉ còn lại rất ít nhân chứng sống bằng da bằng thịt, chứng kiến sự kiện Tết Mậu Thân bi thảm. Thử hỏi sau mười mười lăm năm nữa, những nhân chứng mất đi sẽ ra sao nếu chúng ta không đưa lũ Việt cộng khát máu ra ánh sáng nhân loại.
Cho đến nay những nạn nhân của tội ác đó vẫn đang phải ngậm ngùi nơi chín suối. Chưa một ai, chưa một tổ chức nào kể cả chính phủ Việt nam cộng hoà xưa kia, phải có trách nhiệm tố cáo tội ác này trước toàn thế giới, phải có trách nhiệm đưa vụ thảm sát này ra trước toà án La Haye, nhưng họ đã không làm được việc đó và ngày nay, những người Việt có lương tri, những tổ chức đân chủ hải ngoại và những người thân của họ cũng không làm được việc đó! Những việc đáng ra họ phải làm, họ phải thay mặt những người dân vô tội bị chết oan khuất nói lên tiếng nói đau thương, gióng lên hồi chuông kêu gọi toàn thể nhân loại biết đến sự kiện đau lòng đó như một tội ác không thể tha thứ!
Táng tận lương tâm và bỉ ổi hơn nữa, những kẻ gây lên vụ thảm sát Mậu Thân năm xưa đã không hề tỏ ra ăn năn hối lỗi, không hề thấy lương tâm cắn rứt. Nay chúng nó vẫn hãnh diện khua chiêng gõ trống rầm rĩ, dựng dậy cái kỷ niệm dã man năm xưa, như một chiến công oai hùng nhằm lấp liếm xóa nhoà tội ác. Chúng đã xúc phạm linh hồn những nạn nhân đã bị giết hại, chúng đã xúc phạm thân nhân họ, những người đang sống và lương tri tiến bộ trên thế giới.
Chúng đã cố tình che giấu sự thật nghiệt ngã đó. Nhưng còn những người lính Bắc Việt năm xưa đã theo lệnh của chỉ huy, xả súng bắn vào những người dân vô tội họ nghĩ gì đây? Họ không ân hận và đau xót, lương tâm họ không ray rứt hay sao?
Tội ác không thể nào bôi xoá, mong các anh hãy tỉnh ngộ, dũng cảm nhận lỗi trước lịch sử, trước nhân dân, cho lòng mình thanh thản. Suy cho cùng các anh cũng chỉ là nạn nhân cho một cuộc chiến huynh đệ tương tàn bẩn thỉu do những cái đầu bệnh hoạn hiếu chiến ở Ba Đình chủ mưu gây ra. Đồng thời trong mỗi chúng ta phải ghi xương khắc cốt tôị ác này, cũng như có trách nhiệm tố cáo tội ác này trước dư luận thế giới bằng những hành động cụ thể. Nhắc nhở con cháu chúng ta không quên tội ác này, coi nó như dấu tích của tội ác, để mãi mãi cố gắng đấu tranh, không bao giờ cho phép Việt cộng tái diễn tội ác trên mảnh đất Việt Nam thân yêu của chúng ta.
Nhân đây tôi được biết nhân kỳ niệm 40 năm cuộc thảm sát Mậu Thân, đồng bào hải ngoại ở nhiều nơi trên thế giới đã tổ chức kỷ niệm, lên án tội ác dã man của đảng CSVN. Cộng đồng hải ngoại ở Houston đã thành lập một uỷ ban để tổ chức kỷ niệm. Nhưng việc lập lên một uỷ ban không phải chỉ để duy nhất mục đích tổ chức kỳ niệm, mà phải làm sao phải lập lên một uỷ ban có chức năng và nhiệm vụ rộng hơn là thu thập và điều tra tội ác thảm sát Mậu Thân nhằm mục đích đưa vụ án ra trước toà án La Haye để kiện Việt cộng tội ác diệt chủng chống lại loài người, như Saddam Hussein đã từng phạm tội thảm sát người Kurds ở miền Bắc I-Rắc, bị toà án xét xử cách đây hơn 1 năm.
Hôm nay! Nhân sự kiện 40 năm, xảy ra cuộc thảm sát Mậu Thân! Trước giờ phút giao thừa thiêng liêng, tôi xin đề nghị mọi người Việt Nam đang sống ở bất kỳ đâu trên thế giới, không phân biệt thành phần, giai cấp, không hận thù, hãy cùng nhau thắp một nén nhang tưởng nhớ vong linh những người đã khuất! Xin hãy dành một phút mặc niệm để tưởng nhớ đến những người xấu số, những người dân vô tội, những cụ già, trẻ em, phụ nữ và những người bạn không may của chúng ta trong vụ thảm sát tết Mậu Thân năm 1968 !!!!!!!!!!
 http://chauxuannguyen.org/2013/01/26/ai-da-giet-nguoi-dan-hue-cau-hoi-40-nam-chua-tra-loi/amp/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét