Người theo dõi

Thứ Bảy, 25 tháng 2, 2017

Mùi Thời Gian

Mùi Thời Gian


Một trong những lần uống café với cô tiếp thị thực phẩm chức năng, tôi buộc miệng nói lên cụm từ “mùi thời gian” mà trong đầu chưa có một ý niệm nào về nó. Mục đích nói ra là để tránh né những thuyết phục của cô ấy về việc nên sử dụng thực phẩm chức năng.
Nhưng rồi khi về nhà, cái cụm từ ấy cứ đeo đuổi tôi. Tôi biết là không phải tự nhiên mà nó đến. Bài thơ Màu Thời Gian của Đoàn Phú Tứ thì tôi đã đọc từ thời vừa mới lớn không để lại cho tôi một ấn tượng gì ngoài vần điệu và cấu trúc của bài thơ.
“... Màu thời gian không xanh
Màu thời gian tím ngát
Hương thời gian không nồng
Hương thời gian thanh thanh...”
(Màu Thời Gian. TNVN. Tr 113.in lần thứ XXI.2003. Nxb Văn Học)
Mơ màng như là bản chất của những nhà thơ. Tôi biết màu ấy có thật, hương ấy có thật, nhưng cụ thể thế nào thì đành chịu. Hơn năm mươi năm tôi chưa nhìn thấy màu thời gian, ngửi được hương thời gian. Nhưng tôi biết nó quẩn quanh đâu đó, và hình như bản thân có cảm nhận. Nhưng là một người tập làm thơ, tôi chưa bao giờ đưa cái màu và cái mùi hương ấy trong thơ. Thế mà hôm ấy tôi lại nói với cô bé tiếp thị, không dính dáng gì với thơ, như vậy. Hóa ra tôi nói dóc ư? Tôi không nói dóc, nhưng để chứng minh thì làm cho tôi nhức đầu.
Trong phần ghi chú, không biết là của ông Hoài Thanh hay của nhà sách, cho là cái Màu Thời Gian mang tính triết học, như vậy Hương Thời Gian cũng thế. Như cái Mùi thời gian của tôi thì sao?
Nhưng cuộc sống chừng như không nỡ phụ ai. Chỉ cần một chút để ý thì nhận ra thôi. Chỉ cần có một chút gì đó để gọi là mở mắt (khai thị).
Tôi vốn thích ăn chuối, nhất là chuối xiêm. Nhưng đã lâu rồi tôi không ăn được nữa. Thấy nó cứ làm sao ấy, trái chuối trông rất ngon mắt nhưng vị thì nhàn nhạt, mùi thì vắng bặt và khi cắn một miếng thì nghe cái miệng mình cho ra một thứ cảm giác sò sột mà nhão nhoét. Cứ tưởng mình già nên khẩu vị đổi thay. Thôi chẳng ngon miệng thì tội gì mà ăn. Rồi một ngày tôi về thăm quê, ghé nhà người bạn cũ, ngồi trà lá tào lao một mạch, thằng cháu hắn từ phía sau vườn mang vào một quày chuối xiêm không giống ai, Quày chỉ có ba nãi, mỗi nãi chừng dăm bảy trái, trái nhỏ như chuối cao đã chín vàng mà da lại ửng mốc. Hắn bảo thằng cháu mang quày chuối lại rồi nói với tôi:
- Làm bậy vài trái mày, chuối xiêm lão đấy.
Nể tình bạn tôi cũng bẻ lấy một trái. Rồi khi cắn vào một miếng tôi nghe như cái gu ăn chuối của tôi bất chợt trở về, ngọt thơm và nhất là không có cái cảm giác sồn sột, nhao nhão trong vòm miệng. Rồi trái thứ hai, thứ ba...
Bạn tôi nhìn tôi:
- Ngon miệng thì làm sạch đi.
Và tôi làm thật, tôi không ngờ mình tham ăn đến vậy khi nhìn quày chuối còn chỏng chơ những cùi. Thằng bạn già nhìn tôi:
- Bộ lâu rồi không ăn chuối hả?
- Đúng vậy. Chuối bán vàng cả chợ, nhưng nhìn vào thì ngán, ăn vào thì chán.
Hắn cười nhìn tôi:
- Phải vậy mới đúng điệu nhà quê.
Tôi và hắn nhìn nhau cười, hắn lại ề à:
- Chuối này đem ra chợ thì bán cho ma. Nhưng được cái nó có cái mùi của nắng gió, vắng tiệt cái mùi phân bón, thuốc trừ sâu. Thôi mày ở đó mà trà lá một mình rồi ngẫm nghĩ cái gì đi. Tao đi nấu cơm, mày ăn với tao nghen.
Tôi cười cười, hắn đứng dậy đi nấu cơm và tôi thì ngẫm nghĩ cái gì đi như hắn bảo. Và cái mùi của nắng gió ướp trong quày chuối của hắn lại nhanh chóng trở về. Đúng rồi cái mùi của thời gian. Những bụi chuối tơ theo thời gian hóa lão, gìa thì năng xuất thấp… mà chất lượng lượng cao (!). Có chắc thế không. Có thể đúng với cái này nhưng sai với cái khác? Tôi không là một nhà khoa học, nhưng cảm tính mách bảo cho tôi biết rằng tôi không lầm. Những hạt gạo lúa mùa bao giờ cũng cho một mùi vị rất đặc trưng làm ngon miệng người ăn, kể cả lúa Tàu Binh cho gạo màu tím tím và làm cho người ăn ngọt miệng. Và tôi kết luận rằng; cây trái và con người cũng thế, cần phải có một thời gian nào đó để tạo ra mùi, tất nhiên là một thứ mùi đẹp như những trái chuối xiêm hóa lão.
- Nào nghĩ ra cái gì chưa?
- Nghĩ ra rồi.
- Nghĩ ra cái gì nói tao nghe.
- Tất cả mọi thứ cần thời gian để ngon, để đẹp, để nồng nàn. Ngoại trừ con người. Con người càng ngốn nhiều thời gian thì hóa xấu như tao với mày. Yếu ớt, lụm cụm và lắm cằn nhằn.
Hắn cười nhìn tôi, đặt mâm cơm xuống bàn:
- Cơm gạo trắng tép, nấu nồi đất; canh rau tập tàng và cá kho quẹt nước mắm đồng mày có cằn nhằn không?
- Cái gì?
Tôi nhìn mâm cơm và không tin vào mắt mình. Cái mâm cơm quê trớt đậm mùi thời gian ấy không làm cho cái “mùi thời gian” của một lão già như tôi có thể cằn nhằn.
Bổng dưng không biết cái gì xui tôi buông ra một tiếng thở dài. Thằng bạn già hỏi:
- Cái gì vậy?
- Tao nghĩ tới chiều nay về Rạch Giá.
- Rồi sao mày thở dài?
- Vì Rạch Giá cũng như cả nước đang có cái mùi rất ư kỳ cục.
- Mùi gì?
- Mùi rác thối hòa với cái mùi hôi mồm của những thằng bố láo ở chốn Thiên Đình.
- Tao lạy mày
Quán Tâm Nguyễn Hiền Nhu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét