Người theo dõi

Thứ Năm, 23 tháng 2, 2017

NHỮNG KHI KHÔNG BIẾT VIẾT GÌ


NHỮNG KHI KHÔNG BIẾT VIẾT GÌ



Khi đọc xong một quyển sách, tôi lại suy nghĩ lung tung về rất nhiều điều chẳng có liên quan gì về những điều vừa đọc. Tại sao lại như vậy? Tôi không biết. Nhưng đó lại là những suy nghĩ của tôi. và tôi không thoát ra khỏi nó. Không như thế, khi làm xong một việc gì, tôi lại nghĩ về những việc vừa làm và còn nghĩ đến sẽ làm khác hơn nếu như phải làm lại điều vừa làm xong. Tôi không kiểm soát được tôi trong suy nghĩ. Đôi khi những điều đó làm đầu tôi đau buốt. Tôi đành phải lắc lắc cái đầu và tìm đến một nơi yên tĩnh có thể tìm được và lại suy nghĩ đủ thứ chuyện đầu cua tai nheo. Quái thật.
Cho đến một ngày, tôi lại gặp một người bạn cũ. Và tôi cùng với bạn, cũng như mọi khi. Nhắc nhớ lại toàn những chuyện gì đâu của cái thời còn nhỏ xíu và hốt nhiên đầu óc nhẹ nhàng. Tôi và bạn tôi chợt nhận ra là nên cùng làm như thế để thoát khỏi những đa đoan. Bạn tôi và tôi không còn là hai cá nhân nữa mà là hòa quyện nhau lại trong đời sống. Lúc đó, chúng tôi nhận ra những thứ kỷ niệm gì đâu của thời con nít mới thật sự là đời sống. Cỏ cây hoa lá, sông suối biển rừng và muôn thứ chung quanh mình trở nên đáng yêu và đáng sống xiết bao. Thế là lại thèm viết, nhưng chẳng biết viết gì. Thôi thì cứ để cho cái keyboard tự nhiên phát lên những âm thanh lọc cọc, lọc cọc của nó. Những ngón tay chạm vào keyboard hình như chỉ với một mục đích duy nhất là phát ra được những âm thanh.

BẠN VÀ TÔI ĐANG LÀM GÌ VẬY?
Muôn loài, trong đó có con người, ngay khi xuất hiện đều mang theo bản thân sự an toàn, nỗi hiểm nguy và khả năng điều chỉnh. Hành trang vào cuộc sống chỉ có thế. Hành trang ấy là quán tính. Mọi hành vi, đều đáp ứng cho yêu cầu tồn tại; tồn tại một thực thể, tồn tại cộng đồng của một thực thể ấy. Bạn và tôi đừng nên nhìn một con sói cô đơn trên cánh đồng hoang dã, một con kiến bò quanh miệng ly hay một ngọn cây chơ vơ trên sa mạc mà nói là một con sói, một con kiếng, một cội cây ấy tồn tại một mình trong quá trình đời sống của nó. Và khi chỉ có một mình bạn hay tôi trong một môi trường sống vắng lặng nào đó, không còn có ai nữa, mà vội khẳng định là mình sống một mình. chính cái vị trí một mình mà vẫn tồn tại thì sự tồn tại ấy cũng được bảo toàn bởi những đời sống khác. Đó là sự an toàn.
Tất nhiên là bạn và tôi không thể nào biết được con người đầu tiên xuất hiện từ lúc nào và những gì chung quanh người ấy. Bạn và tôi cũng chẳng can cớ gì mà tìm hiểu, cứ đại khái thế cho đỡ nhức đầu. Con người  xuất hiện do sự tương hợp giữa hai con người khác có cùng một điều kiện, một hoàn cảnh nhất định. (Cứ bắt đầu như thế đi, nếu sớm hơn một chút thì biết gì đâu mà nói.) Kết quả là một sinh linh xuất hiện. Muôn loài cũng vậy. Tự thân người sinh ra sẽ có những hành vi thích hợp để giúp cho sinh linh ấy tồn tại. Bản thân con người được sinh ra đó có một cơ thể hoàn chỉnh để nhận lấy sự giúp đỡ cho tới một chừng mực nào đó. Sự hoàn chỉnh của cơ thể trong suốt quá trình phát triển giúp con người tồn tại mà không cần phải có một chút tư duy nào xen vào. Thở là nhu cầu đầu tiên và liên tục. Ăn là nhu cầu kế tiếp, ngủ là nhu cầu thứ ba, bài tiết là nhu cầu sau cùng. Bốn nhu cầu ấy nằm trên cái nền của nhu cầu được hoạt động, nên thỉnh thoảng cần phải khóc, cười, la hét, quẩy đạp, vươn vai... Những nhu cầu này giúp cho cơ thể con người tồn tại và phát triển trong một chừng mực thời gian nào đó. Tự thân con người ấy có đủ khả năng như một trong hai người, đã tạo ra nguyên nhân cho mình xuất hiện, tùy theo giới tính được mang. Con người đã hoàn chỉnh. Đại khái nó là như thế. Nhưng nếu như thế thì sẽ không là gì hết. Trong quá trình phát triển của thân thể có một thứ xen vào. 
Mọi sinh vật đều có những cơ quan điều hành sự sống, trong đó có những cơ quan mang chức năng nhận biết. Khi còn trong bào thai, tất cả các cơ quan ấy hình thành và đã có một khả năng tương đối đầy đủ trước khi bước ra khỏi lòng mẹ. Những “nhận” ban đầu là ánh sáng, nhiệt độ, nhưng chưa “thức”. Toàn thân đã có những hoạt động tương thích trong môi trường hoàn toàn mới, khác hẵn nơi đã hình thành. Nếu như Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức (ngũ uẩn) có vẻ hơi mơ hồ không rõ ràng thì những nhãn, nhĩ, tỵ, thiệt, thân, ý (lục căn) thì rất cụ thể. Lọt thỏm vào môi trường sống, con người (và muôn loài) nhận biết hình ảnh, màu sắc… (sắc) bằng mắt (nhãn); nhận biết âm thanh bằng tai (nhĩ); nhận biết mùi (hương) bằng mũi (tỵ); nhận biết vị bằng lưỡi (thiệt); nhận biết sự tiếp xúc môi trường (xúc) bằng thân (cơ thể), nhận biết Pháp (một ít hoạt động cơ bản) bằng Ý. Những Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc, Pháp là lục trần. Đó chính là những kiến thức (nhận và biết) ban đầu vẫn còn đầy quán tính. 
Bạn và tôi nên để ý một chút; Ý của lục căn và Pháp của lục trần; Ý chính là dấu hỏi, chính là tư duy và tạo ra Pháp là cơ chế hoạt động của một vật. Vì vậy, sự nhận biết quán tính ấy làm nãy sinh một cái nhận và liền sau là dấu hỏi. Khi dấu hỏi xuất hiện, liền theo đó là một thứ khác xuất hiện theo, đó là Tư Duy. Đây là một quá trình cực ngắn nhưng rất quan trọng. Sự An Toàn ban đầu bị phá vỡ vì một mục đích rất ư logíc nhưng cũng rất kỳ dị. Tìm kiếm một sự an toàn hơn trong hiểm nguy.  Những điều bạn và tôi vừa tìm hiểu tưởng chừng rất đơn giản. Nhưng thực tế thì vô cùng tế vi, cực kỳ phức tạp. Lục trần chính là môi trường sống. Lục căn chính là sự thể hiện những nhiệm vụ mà ngủ uẩn giao cho để sinh vật ấy sinh tồn. Cũng lại rất đơn giản phải không? Nhưng tại vì bạn và tôi cứ hệ thống hóa cho tinh tươm chớ sự thật thì không như vậy. Đơn giản nhất thì nó không là gì hết, nhưng phức tạp vô cùng vì nó rất lu bu. Bạn và tôi thử quan sát của việc ăn của mình vậy. Trước tiên là mắt phải thấy món ăn nằm ở vị trí nào, kế tiếp là dùng tay đưa vào miệng, răng hàm thì nhai, lưỡi thì cảm nhận vị của thức ăn và nuốt. Đó là cách ăn đơn giản một món không thể lựa chọn. Nhưng nếu phải nhìn một món ăn trên một bàn ăn có nhiều món hoặc gặp phải những món ăn lạ thì phải suy tính và lựa chọn, toàn bộ lục căn của bạn và tôi phải làm việc cật lực để nuốt một miếng. Sự lựa chọn chính là Pháp theo quyền lực của Ý, của Tư Duy. Trong cuộc sống bạn và tôi lựa chọn nhiều thứ lắm chứ không riêng gì ăn đâu. Không biết bạn và tôi có hiểu đó là sự hiểm nguy không nhỉ?
Tư duy, với những hành vi là suy nghĩ, là trầm ngâm, là nghiền ngẫm… là sản phẩm tư tưởng, là ý nghĩ… Tư duy là sản phẩm của não, cũng là một trong những bộ phận của cơ thể, nhưng nó chi phối toàn bộ quá trình đời sống của một người. Nó bắt đầu hệ thống hóa hoạt động của thân thể và cũng là của chính nó theo đúng theo yêu cầu. Lúc này nó không còn là nhu cầu nữa. Nhu cầu thở thì có yêu cầu phải tránh mùi hôi, tìm kiếm mùi thơm. Nhu cầu ăn có yêu cầu lựa chọn món ăn và cách chế biến, nhu cầu ngủ phải có yêu cầu chiếu chăn, giường nệm, nhu cầu bài tiết thì có yêu cầu phải đúng nơi, đúng… vệ sinh?... Những bất thường của cơ thể trước môi trường và đời sống gây nên những phản ứng như đánh rấm, hắt hơi cũng bị tư duy kiểm soát theo yêu cầu lịch sự (?!). Rắc rối bắt đầu phát sinh. Mọi quán tính được trang bị lúc ban đầu cho tai, mắt, mũi, miệng, da và tứ chi, não sẽ phát triển rồi lụi tàn, nhưng tư duy thì không theo quy luật đó, dù rằng nó chỉ có thể tồn tại trên một thân thể còn sống. Trong quá trình hình thành và phát triển của mình tư duy lại chia thành hai nhánh: Tình cảm và Trí tuệ
Tình cảm được tỏa ra trong môi trường sống. Tình cảm còn có một tên gọi khác là Tâm.
Trí tuệ là sản phẩm chỉ thỉnh thoảng xuất hiện và không phải ai cũng có.
Cả hai, tư duy và tình cảm, lại có một sự quan hệ vừa tương sinh vừa tương khắc. Vì vậy bốn nhu cầu ban đầu bị thay đổi toàn bộ. Thở, ăn, ngủ, bài tiết phải theo đúng yêu cầu. Lao động cũng thế, không còn là nhu cầu nữa. Mọi hoạt động của các bộ phận ngoại vi hoặc nội tại đều phải tuân thủ theo một quy trình tùy hứng của tư duy. Nhu cầu của cuộc sống bị rẽ theo một hướng không phải là hướng ban đầu mà quán tính được phân công. Tất cả mọi hành vi đáp ứng cho nhu cầu phải chuyển sang đáp ứng theo yêu cầu của tư duy. Tình cảm được phát sinh bởi môi trường sống sẽ được tồn tại dưới một dạng nào đó cũng phải cho phù hợp với tư duy.
Tất cả mọi thứ đều có thể kiểm soát, nhưng tư duy thì không. Một ông vua có quyền uy trùm thiên hạ cũng không thể kiểm soát được tư duy của một tay hầu cận cạnh mình suốt ngày đêm và luôn luôn đáp ứng mọi yêu cầu oái oăm của ông ta. Và điều đó lại chứng minh một cách hùng hồn, ông ta càng muốn kiểm soát tất cả mọi thứ, mọi người chung quanh ông ta là bởi vì ông ta không thể kiểm soát được tư duy của mình.
Vậy tư duy là cái giống quái gì mà kinh thế. 
Loài vật có tư duy hay không thì chưa thể xác định. Vì vậy,  nên có thể xem tư duy là một thứ sản phẩm đặc hữu của con người. Tư duy làm biến đổi mọi thứ có sẵn của thiên nhiên, trong đó có cả con người mang nó. Nó và con người mang nó chính là “Cái Ta”. Không có thân xác thì không có tư duy. Không có tư duy thì thân xác ấy không biết phải gọi là cái gì? Vậy thì đã rõ “ Cái Ta” thì rất khó kiểm soát, hay nói chính xác hơn là Không Thể Kiểm Soát. Bạn và tôi có thể nghĩ đến bất cứ điều gì, dù cho đó là một điều mà bạn và tôi ghê tởm và không muốn nó xãy ra dù chỉ trong ý nghĩ. Nhưng có lúc, thậm chí nhiều lúc nó xãy ra. Nhưng không biến thành hành động được vì không có điều kiện khả thi hoặc đôi khi vì một lý do nào đó chính bản thân tư duy không ra lệnh hành động. Cái này coi bộ được đây.
Không phải ngẫu nhiên mà một bậc Đại Chánh Giác như ông Bụt đã phải cảnh báo ngay trong lời nói đầu tiên khi đản sinh “Thiên thượng, thiên hạ. Duy ngã độc tôn”. Cái Ta mà tiếng Hán gọi “ngã” là trung tâm của vũ trụ dưới con mắt của người mang nó. Hắn chỉ biết có một mình hắn. Những thứ quy luật mà hắn đặt ra để hắn tuân theo hoặc buộc người khác tuân theo hay hắn tuân theo những quy luật mà người khác đặt ra cũng cùng một đích duy nhất là vì hắn. Khi hắn đứng vừa nhìn quanh vừa ngẫm nghĩ; Trên ta là ông bà cha mẹ, dưới ta là con cháu, bên phải bên trái ta là anh em, phía trước phía sau ta là bạn bè và những người khác. Thế là hắn ở chính giữa, ở ngay trung tâm. Tất cả mọi hành vi hắn làm dù tốt hay xấu, dù đúng hay sai, dù vị tha cách mấy thì chung quy lại đều từ hắn, vì bản thân hắn mà làm.
Bắt đầu từ đây, khi Cái Ta xuất hiện thì cái trật tự của đời sống bị xáo trộn. Nếu như, có một ông Trời quyền năng đã tạo ra con người và cho hắn cái ta thì chắc là ông đang khóc thét lên vì hối hận. May thay không có một ông trời đầy quyền năng như thế.
YÊU CẦU CỦA TƯ DUY VÀ VAI TRÒ “CÁI TA”
Hầu hết Tư duy được đặt trên cơ sở Cái Ta. Cái Ta ấy cùng với những Cái Ta khác nắm chặt tay nhau nãy sinh ra khái niệm cộng đồng, bắt đầu cuộc hành trình vô định từ đời này sang đời khác, một cuộc hành trình nín thở cho đến khi hết thở trong đau đớn. Cuộc hành trình làm thiên nhiên biến đổi và vũ trụ cũng biến đổi để phục vụ cho sự liên kết quỷ quái của hàng tỷ Cái Ta.
Cái cộng đồng ấy khu trú trong phạm vi con người, đứng tách biệt hẵn cộng đồng sinh tồn của muôn loài và bắt đầu nãy sinh hành vi khai thác mà mục tiêu là thiên nhiên và muôn loài, kể cả một bộ phận con người bị cộng đồng nào đó đánh giá thấp hơn, yếu hơn.
Yêu cầu đầu tiên mà Cái Ta đặt ra là liên kết lại.  Liên kết đầu tiên là liên kết của gia đình. Hệ quả đầu tiên của sự liên kết là một khái niệm giản đơn nào đó gọi lề thói. Khi sự liên kết có một sự phức tạp hơn một chút thì hệ quả đó gọi là phong tục hay tập quán. Nhiều tổ hợp như thế liên kết lại hay thu phục nhau, chiếm hữu nhau, tàn sát nhau, học tập nhau, truyền đạt hay dấu nhau… vân vân và vân vân thì nảy sinh khái niệm đạo đức và tiếp đó là luật pháp xuất hiện để nhằm đạt được hàng lô hàng lốc mục đích khác nhau, nhưng hầu hết là những mục đích tào lao. Nhưng thực ra, thì sự liên kết ấy đã có ngay trong lúc một con người xuất hiện. Chẳng những con người liên kết với con người mà còn là sự liên kết giữ con người với muôn loài với thiên nhiên. Sự liên kết ấy là một Tổng Hòa của cuộc sống mà thời hiện đại gọi là Cân Bằng Sinh Thái. Nhưng dưới sự điều khiển của tư duy thì… trớt quớt.
Đã có nhiều lần những Cái Ta ấy muốn làm một việc không tưởng là đặt những định chế để gom những Cái Ta lại càng nhiều càng tốt để làm thành một Cái Ta để chống lại một thứ vừa rất cụ thể nhưng cũng rất mơ hồ. Ông Trời. Ông Trời là ai vậy ta? Bạn và tôi có biết không? Không biết. Và mục đích cuối của sự tập kết khổng lồ ấy là Hạnh Phúc cho một Cái Ta (?!). Một khái niệm rất mơ hồ như Ông Trời vậy, nhưng Cái Ta vẫn miệt mài theo đuổi cho đến khi nhìn lại và giật mình. Đó là một thứ Hạnh phúc đau đớn thì lúc đó Cái Ta đã hết hơi, những thứ chung quanh Cái Ta ấy đã bị phá vỡ, đã banh chành. Bởi vì trong cuộc hành trình vô định ấy Cái Ta quên đi nhu cầu đầu tiên phải có để tiếp tục sống. Cái Ta luôn luôn quên thở… Để làm như thế, tư duy đôi khi tách ra khỏi con người một thoáng để xem xét và phân định xem người mang tư duy đó khôn hay ngu, giỏi hay dở, đúng hay sai. Nhưng gì thì gì cũng chẳng là gì cả. Nhưng khi hoà nhập lại thì nó vẫn là một Cái Ta ngoan cố, dù Cái Ta đó là khôn hay ngu, thông minh hay đần độn, tàn ác hay nhân từ, mạnh mẽ hay yếu hèn… Hàng loạt những cặp khái niệm mang tính đối lập nhau được Cái Ta xem xét, săm soi và… nói xàm và làmbậy. Nhưng Cái Ta ấy vẫn cứ, khi âm thầm, khi vênh váo, đứng trên và đứng ngoài mọi thứ. Trên cả ông Trời mơ hồ, nhưng lại rất cụ thể là Sự Tổng Hòa Của Cuộc Sống.
Vậy bạn và tôi cùng tìm xem ông Trời mơ hồ, nhưng lại rất cụ thể là Sự Tổng Hòa Của Cuộc Sống, hay là cân bằng sinh thái là cái gì?. Cần có đủ thực vật để hấp thụ Carbonic do những loài sinh vật như bạn và tôi và con chim, con chó, con cá, con cua… thải ra, để trả lại đủ oxy cho sinh vật như bạn và tôi thụ hưởng. Giữa những sinh vật với nhau và với con người như bạn và tôi cũng cần phải cân bằng. Con mạnh chọn con yếu hay thực vật để làm thực phẩm, ăn no rồi thì thôi, đói bắt tiếp để ăn. Không có khái niệm bắt để dành. Những con vật có hình thể to lớn ăn nhiều thì sinh sản chậm và ít, những con yếu thì sinh sản nhanh và nhiều. Loài vật và thực vật không có khái niệm để dành hay ăn thừa thì bỏ. Còn bạn và tôi thì cứ săn bắt, hái lượm cho thật nhiều, để dành ăn dần, ăn không hết thì bỏ. Và để cho có thật nhiều thì phải tư duy để tìm cách này, thế nọ để chỉ cần một hành động nhỏ, ít cực khổ, hiểm nguy mà thu hái thật nhiều. Ăn không hết thì cho, thì bán, cho bán không hết mà bị hư hỏng thì bỏ… Ăn thì như thế, những nhu cầu khác cũng thế. Dần dần những nhu cầu bi lãng quên để biến thành yêu cầu. Trong suốt mấy ngàn năm tư duy ấy nhân số con người tăng dần, nhưng thực vật và động vật ít đi. Thế là mất cân bằng sinh thái. Ông trời biến mất, cái Tổng Hoà của cuộc sống bị chông chênh. Nhận ra điều đó Cái Ta của bạn và tôi lại làm việc cật cực hơn. Con gì ăn được thì nuôi, cây chi ăn được thì trồng, bắt chúng đẻ nhanh lớn lẹ. Đã vậy những vật, con, cây ít ỏi còn sót lại vẫn cứ cứ bị móc moi, đuổi bắt, chặt chém và… nhai nuốt để trường sinh nhưng mau chết.
Bạn và tôi có thực sự khi nào nhìn thấy Cái Ta của mình không?
Thế có ai không có Cái Ta không? Thưa không. Bạn và tôi có. Tất cả đều có. Chà, thế thì kinh khủng quá hả? Không có gì phải sợ cả. Bởi vì, có rất nhiều lúc, bạn và tôi và rất nhiều người khác cũng để cho tư duy mình đặt ra một câu hỏi “Mình đang làm gì vậy ta?”. Nhất là lúc này, khi mà trái đất đang te tua và chúng ta đang ngộp thở vì cái nóng lên của toàn cầu. Dù gì thì khi đặt một câu hỏi như thế cũng là cách thể hiện Cái Ta mà thôi.

NHU CẦU CỦA CUỘC SỐNG
Bây giờ thì nhu cầu của cuộc sống đành phải chuyển hướng để đi theo yêu cầu của cuộc sống. Thế thì bạn cùng tôi xem xét coi đi theo như thế nào nhé.
- Thở
Ồ chuyện này thì đơn giản đây, cứ hít vào và thở ra liên tục với cái lỗ mủi và buồng phổi cứ automatic. Thế thôi. Nhưng không phải vậy đâu? Thở theo cuộc sống là phải thở theo rất nhiều tình huống chớ không phải là hít vào thở ra đều đều mà được. Khi bạn chăm chú vào một điều gì đó thì bạn nín thở mà bạn có hay đâu? Khi bạn gặp khó khăn thì bạn thở dài. Khi bạn mệt thì bạn thở gấp. Khi bạn gặp người yêu trong lần hò hẹn đầu tiên thì bạn thở làm sao nhỉ? Nhưng chắc không phải là bạn thở bình thường rồi. Khi bạn không giải quyết được vấn đề của bạn thì bạn thở dài… đó là thở theo yêu cầu. Đôi khi bạn cũng sử dụng cái thở của mình để thưởng thức một thứ gì đó, như hương thơm của lọ nước hoa, chai nước khử mùi hay một món ăn. hoặc lắm lúc bạn phải nín thở vì một thứ mùi không quen thuộc… Những khái niệm đầy ắp trong tư duy của Cái Ta như thơm, thúi, hôi, thum thủm, nồng nồng, hăng hắc… nó bắt buộc bạn nhiều khi cũng phải… nín thở để tạo ra thứ mình thích để mà hít hay khịt mũi cho đã. Như vậy thì cái nhu cầu thở để sống ấy bạn đã quên rồi và bạn và tôi cùng thở theo yêu cầu của Cái Ta. Và chúng ta chạy theo cái thở có định hướng ấy cho đến khi… tắt thở.

- Ăn
Nhu cầu ăn là để không đói, ăn những cái mình thèm để đáp ứng cho cơ thể có đủ chất tạo thành năng lượng để hoạt động, để tồn tại. Lần thứ hai bạn và tôi lại ăn theo yêu cầu của Cái Ta. Mà thứ này thì nhiêu khê lắm. Có biết bao nhiêu thứ ràng buộc về cái ăn. Ăn với ai, ăn khi nào, ăn cái gì, ăn ở đâu?… tất cả đều phải đi theo hàng trăm, hàng ngàn khuôn phép gọi là lịch sự, là đúng cái vị trí của người đang ăn, trong cuộc sống. Ví dụ bạn và tôi không thể nhai ngồm ngoàm theo cái kiểu đói lả người trước mặt những người khác dù bạn thực sự đói. Bạn và tôi không thể ăn một ui nước mắm kho phồng khi ai đó mời bạn lên một nhà hàng sang trọng, dù rằng cái nhà hàng ấy sẵn sàng đáp ứng được cho bạn và bạn rất thích. Đó là chưa kể là khi bạn và tôi cho phép bạn thể hiện hết cỡ. Bạn và tôi có thể tiêu tốn công sức, tiền bạc và thời gian để đi đến nơi nào đó ăn một món, mà với khẩu vị thì không ra ôn hoàng gì cả, nhưng bạn và tôi cũng chép miệng khen ngon vì một lý do… trớt quớt. Ăn như vậy mới sang và khi về đến nhà thì… đau bụng. Hoặc khi gia đình thiếu thốn bạn và tôi phải dọn một bữa ăn đạm bạc cho mình, nhưng bạn vội bưng mâm cơm dấu biến đi khi bất ngờ có khách… Chắn chắn là bạn và tôi đã từng trải qua những hoàn cảnh ăn uống như thế. Tóm lại ăn đã từ lâu không còn là nhu cầu mà là ăn theo yêu cầu. 
- Ngủ
Khi cơ thể bạn và tôi mệt mỏi thì cần có một giấc ngủ. Tất nhiên đó là giấc ngủ mang tính sinh học. Nhưng thực tế giấc ngủ của bạn và tôi không bao giờ yên ã. Thao thức, trằn trọc, âu lo, mộng mị. Thậm chí khi bạn và tôi mà có tật ngáy hay nghiến răng thì có mà thức trắng đêm khi phải đến ngủ nhờ nhà ai đó, nghĩa là ngủ cũng phải lịch sự (dù trong giấc ngủ thì bạn không thể tự kiểm soát) cho đến khi bạn… lịch bại.  Bạn và tôi cùng cật lực làm ra nhiều của cải, trong đó có cái phòng ngủ năm sao, vậy mà tại sao mà mình trằn trọc mãi vậy ta?
- Bài tiết
Chắc là bạn sẽ cười cho bằng thích hay lợm giọng khi nghe tôi nói đến hành vi “đái đường” và “ỉa đồng”. Thực ra đó là nhu cầu cấp tập đấy. Nhưng chính Cái Ta đã làm cho trái đất này hỗn loạn đến mức con người ta không thể đái đường và càng không dám ỉa đồng. Nếu nói đó là làm ô nhiễm môi trường vậy thì bạn và tôi đi xây toilet cho hùm, beo, tê, tượng, chim, cua, rùa, rắn, cá, lươn… chúng vẫn cứ ỉa đái suốt ngày kia kìa. Chúng có làm môi trường bị ô nhiểm tí nào đâu. Bạn và tôi đã mất tự do rồi. Cái Ta đã buộc mình phải tiêu tiểu trong toilet. Thậm chí, bạn và tôi còn làm mọi cách để cho mình không phải đổ mồ hôi nữa kia. Bạn và tôi đâu có biết là cặn bã mà cơ thể thải ra, để cho thân thể sạch sẽ, qua đường mồ hôi là 70% không?
Đấy là bốn nhu cầu tất yếu đã bị Cái Ta thay đổi hoàn toàn. Trái ngược hẵn lại nhu cầu tồn tại.
Từ những biến đổi của bốn nhu cầu trên thành yêu cầu. Bạn và tôi thả sức cho Cái Ta tưởng tượng và thực hiện hàng vạn, hàng vạn trò kỳ cục mà trong phạm vi của một Cái Ta không thể nào hiểu nổi, dù rằng Cái Ta ấy vẫn là trung tâm của vũ trụ.
Trong suốt quá trình tư duy, nghiên cứu, thử nghiệm rồi sản xuất và tiêu dùng. Không có bất cứ một tiên liệu nào dành cho những mặt trái của sản phẩm, và cũng nghĩ cho cây cỏ và vạn vật một điều kiện tồn tại nào, thậm chí còn tìm cách hủy hoại để phục vụ cho yêu cầu sản xuất và tiêu dùng. Cái Ta đã thể hiện hết mực vai trò độc tôn của mình.
            Bạn và tôi không tài nào biết được những sản phẩm được tạo ra, sử dụng. Rồi khi nó thành rác thì sẽ được xử lý như thế nào. Những thứ nhỏ nhặt như bao bì bằng giấy, bằng nylon, bằng thủy tinh… thì quăng vào sọt, thậm chí quăng bất cứ nơi nào đó không phải là nhà mình. những thứ lớn hơn như xe máy, tivi, máy tính, xe hơi, xe tăng, tàu lặn, máy bay khi phế thải thì bỏ vào đâu? Nghe nói có vài công ty tái chế, xử lý rác gì đó, ở đâu đó mà chẳng biết ra sao? Nhưng bạn và tôi vẫn thấy rác hình như nhiều hơn hàng hóa. Bạn và tôi không quan trọng hóa vấn đề, bởi vì vấn đề đã thực quan trọng rồi. Cần phải có một cái hướng khác thôi.
Bạn và tôi làm sao mà biết được trong quá trình sản xuất các nhà máy tuôn ra môi trường những thứ gì ? bởi vì bạn và tôi đâu có quan tâm. Hàng ngày, bạn và tôi đi ăn sáng ở một quán ăn nào đó, khi ăn xong mồm mép mỡ dầu nhớp nháp, nước mắt nước mũi nhòe nhoẹt thì không thể quẹt vào tay áo vì như vậy trông có vẻ bẩn thỉu và thổ bỉ nên rút miếng khăn giấy ra lau rồi quăng vô sọt rác hoặc xuống sàn nhà, thậm chí tiện tay còn quẳng ra đường. Bạn và tôi bước vào toilet nhà mình thì có đầy đủ các sản phẩm làm thơm làm sạch từ dầu gội, dầu xả, kem đánh răng, xà bông tắm, nước hoa, keo xịt tóc… Bạn và tôi lại càng không biết những thứ đó có thật cần thiết hay không? Những phế phẩm thải ra có làm cho môi trường bị hủy hoại không?
Tất cả những hàng hóa mà bạn và tôi sử dụng liên tục hàng giờ, hàng ngày có thật phải là những nhu cầu thiết thân hay là giả tạo. Tất cả ngũ quan của bạn và tôi bị vây chặt bởi những thứ phù phiếm độc hại, nhưng vì Cái Ta của bạn và tôi quá lớn, nên đành phải quay cuồng tranh thủ để có. Và để có những thứ lỉnh kỉnh ấy, nên bạn và tôi không thể nghỉ ngơi. Thân xác bạn và tôi tưởng rằng được chiều chuộng nâng niu, nhưng thực ra là bị đày ải dày vò. Bạn và tôi biết tỏng là uống rượu và hút thuốc là bể gan, lủng phổi nhưng vẫn cứ phì phèo say xỉn. Rồi lại phải khổ sở khi quyết tâm từ bỏ say xỉn, phì phèo. Mua cái điện thoại di động thật đắt với hàng đống chức năng, mà chức năng nào cũng phập phều, kể cả chức năng chính là nói và nghe. Và cũng có đôi khi bạn và tôi cũng mua mỗi người một cái laptop mà không biết để làm gì, ngoài cái việc mang ra quán café wireless mở ra bấm bấm cho… oai. Và còn nhiều thứ nữa đã làm cho bạn và tôi luôn luôn quên thở, quên ăn, quên ngủ và quên luôn ỉa đái. Thực đấy, có khi nào bạn và tôi có thể ngồi yên tĩnh mà nghe hơi mình thở? Có khi nào bạn và tôi ngồi thoải mái nhai ngồm ngoàm một món gì đó mà mình thèm? Có khi nào bạn và tôi ngã lưng là có ngay một giấc ngủ không thao thức, không trằn trọc hay chưa? Có khi nào bạn và tôi có nhu cầu bài tiết mà mình có thể thực hiện ngay một cách thật thoải mái chưa? Bạn và tôi đang bị Cái Ta gò bó. Bạn và tôi đang tôn thờ Cái Ta của mình một cách thật kiêu hãnh và cực kỳ ngu xuẩn. Bạn và tôi hoàn toàn mù tịt về những nhu cầu của mình, lao dầu vào tìm kiếm, tạo tác ra những thứ tiện nghi phù hoa và làm triệt tiêu những tiện nghi được ban tặng.
Bây giờ, bạn và tôi trở lại việc những Cái Ta ấy. Nói là liên kết nhưng thực ra là thu phục nhau, chiếm hữu nhau, tàn sát nhau, học tập nhau, trao đổi nhau và cả dấu diếm nhau, rồi ăn cắp của nhau… vân vân và vân vân, để mà gọi là mưu cầu hạnh phúc. Thế mà hạnh phúc ấy cứ dần xa, dần xa vì những bề bộn trong quá trình liên kết tạo ra. Những thứ được tạo ra ấy gọi sản phẩm, là hàng hóa, là phương tiện, là tư tưởng, là thần linh… là hằm bà rằng để phục vụ công cuộc hủy diệt đời sống an bình. Hệ quả của nó là muốn gì được nấy những cái không thực sự cần, và dàn mất đi những thứ thực sự cần. Công việc mà bạn và tôi làm hàng ngày bớt đi cực nhọc, nhẹ nhàng hơn, nhanh chóng hơn, nhưng không có nghĩa là bạn và tôi được thảnh thơi mà vẫn cứ phải thở gấp, ăn nhanh, ngủ ngắn và bấn lên vì nhu cầu bài tiết không được đáp ứng kịp thời. Và cuối cùng là “công việc mà bạn và tôi làm hàng ngày” ấy rồi cũng chẳng biết là công việc gì. Nhưng bạn và tôi vẫn gật gù thán phục sự cái gọi là Sáng Tạo của bạn và tôi và của người khác. Nhưng thực tế thì ”những Cái Ta liên kết” chẳng sáng hơn hay tạo ra cái gì sất. Tất cả đều có sẵn trong thiên nhiên để cho muôn loài sống hay chết đi, rồi tái tạo lại. ”Những Cái Ta liên kết” cứ nhặt đầu này một chút, lượm đầu kia một tí, móc dưới đất một tẹo, vắt trên không một dúm, rồi tư duy thế này, thế nọ. Nắn nắn, chế chế ra một cái gì đó rồi gọi là hàng tiêu dùng, thực phẩm, phương tiện… rồi khoái chí mà xài một khoảng thời gian ngắn rồi vụt bỏ. Hậu quả là những thứ có sẵn càng lúc càng teo tóp đi, những thứ lu bu thì đầy dẫy ra. Không có một nhà máy nào tuyệt vời hơn trái đất. Nhưng cái nhà máy tuyệt vời ấy đang bị xuống cấp, sự vận hành đang bị chệch choạc và đầy ngập phế liệu, thứ phẩm, phế phẩm không phải của chính nhà máy. Nhà máy không còn kiểm soát được khả năng tái chế và sản xuất và những công nhân đang tiếp tục hò reo phá hoại.

Song song đó là một thứ gọi là tình cảm. Tình cảm là sản phẩm của tư duy và môi trường. Nó cũng nằm trong Cái Ta của bạn và tôi. Nó liên kết bạn và tôi trở thành thầy trò, bạn bè, người yêu, đối tác làm ăn… những liên kết ấy rộng ra rộng ra dần bởi những cái gì đó hơi chung, chứ thật ra thì tất cả cái khối ấy chỉ là một Cái Ta riêng lẽ đứng gần nhau. Nhưng khi không còn sự liên kết nào nữa hay là cái chung không tồn tại hoặc không thể chung nữa thì nó biến bạn và tôi trở thành kẻ xa lạ, kẻ đối lập, kẻ thù. Bạn và tôi bài bác nhau, chống đối nhau, chửi rủa nhau và giết nhau. Tình cảm cũng chia hai, đó là tình cảm đẹp, tình cảm xấu khi mà Cái Ta bạn với Cái Ta tôi nhận ra thứ quyền lợi phù phiếm của Cái Ta bạn và Cái Ta ta tôi phù hợp hay xung khắc. Đó là nguồn gốc của chiến tranh. Chiến tranh giữa bạn và tôi, chiến tranh giữa tập thể này và tập thể khác và kinh hoàng là quốc gia này với quốc gia khác, dân tộc này với dân tộc kia. Nếu trong qua trình hợp tác đã tàn phá khủng khiếp ngôi nhà chung thì quá trình chiến tranh lại tàn phá gấp nhiều lần hơn. Bạn và tôi đều đã đọc lịch sử. Lịch sử thì không nói gì khác hơn là chiến tranh. Khi đọc lịch sử, cả bạn và tôi đều không bao giờ để ý tới một chi tiết nào cả ngoài cái việc rút tỉa kinh nghiệm cho Cái Ta của mình. bạn và tôi nếu có viết sử chắc cũng chỉ như vậy thôi. Cọng dây mà bạn và tôi se đã buộc chặt lấy mình rồi, dù cho mỗi người se riêng một cọng, không có một sự hợp tác nào.
Thực ra, thì vẫn còn có một sự liên kết tương đối tốt đẹp đấy. Sự liên kết ấy khá bền chặt bởi những Cái Ta cùng chung huyết thống. Tất nhiên sự xâm hại bởi những yêu cầu của cuộc sống phù phiếm cũng làm lung lay và có rất nhiều cái liên kết ấy đã banh chành.
Có thể bạn và tôi vẫn chưa lâm vào trường hợp ấy. Nhưng bạn và tôi đã cô đơn lắm rồi vì bạn và tôi cứ bám chặt lấy Cái Ta. Bạn và tôi chắc có đọc bài thơ Đăng U Châu Đài Ca của Trần Tử Ngang mà. 
登 幽 州 臺 歌
前 不 見 古 人
後 不 見 來 者
念 天 地 之 悠 悠
獨 愴 然 而 涕 下
           陳子昂
ĐĂNG U CHÂU ĐÀI CA
Tiền bất kiến cổ nhân
Hậu bất kiến lai giả
Niệm thiên địa chi du du
Độc sảng nhiên nhi thế hạ!
              Trần Tử Ngang
       Người xưa thì biệt vụt rồi
Người sau chưa thấy mặt người ra sao?
       Gẫm rằng đất rộng trời cao
Một mình êng đứng lệ trào lên mi
            Bạn và tôi đã thấy rồi đó. Trời vẫn cao, đất vẫn rộng. Nhưng những người chung quanh bạn và tôi, cả những người trước và sau cuộc sống của bạn và tôi cũng đều vướng vào một Cái Ta như thế. Cái Ta làm cho bạn và tôi đứng chỉ có một mình và rơi lệ dù cho bạn và tôi đang nắm lấy tay nhau.
Bạn: Anh cho là tất cả những tiến bộ của nhân loại chỉ làm hại cho loài người à?
Tôi: Không hẵn như thế. Nhưng thật sự thì nó làm cho cuộc sống không yên bình.
Bạn: Tôi đồng ý với anh. Nhưng chí ít cũng phải có những điều gì đó có thể chấp nhận được.
Tôi: Tất nhiên là vậy. Nhưng cái đó sẽ làm cho Cái Ta của bạn và tôi bị tổn thương. Nhưng có một thứ có thể giúp bạn vượt qua sự tổn thương ấy, bạn nói xem cái gì vậy?
Bạn: Đó là Trí Tuệ, một sản phẩm quá độ của Tư Duy.
Tôi: Bạn đã nhận ra đúng vấn đề. Trí Tuệ sẽ thay đổi bạn, đưa bạn trở về sự cảm thụ những thứ được ban cho như là một nhu cầu tự nhiên.
Bạn: Tôi không hiểu anh muốn nói gì? Tôi cũng đang cảm thụ đây.
Tôi: Bạn cảm thụ cái gì?
Bạn: Những sản phẩm tôi mang trên người và những thứ tôi đang có.
Tôi: Không phải. Bạn đang hưởng thụ, đang sử dụng những thứ hàng hóa do Cái Ta mua được hay làm ra hay cướp đoạt được. Xin lỗi. Còn có một việc nữa là bạn và tôi đang bỏ công sức rất, rất nhiều để gìn giữ những thứ bạn và tôi đang có. 
Bạn: Kể cả khi tôi ăn một trái cam rừng vừa rụng xuống. Không có bất cứ loại chế phẩm mang tính hàng hóa nào? Và tôi có gìn giữ cây cam đó đâu?
Tôi: Vấn đề không phải là như thế? Bạn ăn vì đói vì thèm hay vì trái cam trông thấy ngon mắt. Cũng có thể bạn ăn vì muốn chứng tỏ Cái Ta của bạn. Đó là chưa kể bạn và tôi đang manh nha trong đầu một ý nghĩ “có nên bứng cây cam hay mang một hạt cam về nhà không”. Nếu bạn và tôi nghĩ như thế và làm như thế thì…
Bạn: Thế thì theo anh thì sự cảm thụ và sự hưởng thụ khác nhau ở chỗ nào?
Tôi: Tạm ngưng việc này lại một tí bạn nhé. Bạn và tôi đều biết. Con người, cụ thể là bạn và tôi, không thể sống một mình. Trên thân thể bạn và tôi và tất cả mọi người khác đều có các sinh vật khác sống cùng. Có rất nhiều vi khuẩn trong cơ thể của bạn và tôi. chúng giúp bạn và tôi thế này hay thế khác, nhưng cũng làm cho bạn và tôi hắt hơi sổ mũi hoặc gậm nhấm lần hồi cơ thể bạn và tôi cho tới chết. Sự giao tiếp giữa người và người, người và vạn vật bao giờ cũng có sự trao đổi với nhau những điều kiện sống và chết. Nhưng trong hành vi của con người gần như hầu hết đều tỏ rõ một cuộc sống hoàn toàn độc lập và luôn luôn sợ chết nên phản đối cái chết. Vấn đề nằm ở đây. Không phải Trần Tử Ngang không biết. Nhưng ông ấy được tư duy trang bị cho ông trở thành một Cái Ta. Và khi trí tuệ chợt đến, ông nhận ra Cái Ta quái quỷ của mình, nên ông buồn quá và ông khóc. Người trước ông, sau ông. Ông không thấy, không biết đã đành. Nhưng những người chung quanh ông, có lẽ nào ông không thấy, không biết. Trần Tử Ngang chắc chắn có thấy có biết. Nhưng ông vẫn khóc một mình.
Bạn: Tôi hiểu anh muốn nói gì. Anh không muốn sống một mình. Anh muốn cảm thụ sự sống chớ không hưởng thụ sự sống.
Tôi:  Vâng. Bạn và tôi cảm thụ được sự sống khi nào bạn và tôi cùng chấp nhận và hiến dâng nhu cầu sống với chung quanh. Nhưng hưởng thụ thì không như vậy. Bạn và tôi đều biết rằng hơi thở mình đang hít vào thở ra đang nhận oxy do cỏ cây vừa lọc và khi thở ra là dâng hiến carbon lại cho cây cỏ. Những hơi thở ra hít vào ấy luôn luôn được chu chuyển từ buồng phổi này đến buồng phổi khác, từ thuở sinh vật, cỏ cây mới xuất hiện cho đến tận bây giờ và cho đến cả mai sau. Bạn và tôi đang triệt hạ cây cối. Carbon dư ra, oxy đang thiếu.
Bạn: Nhưng anh cảm thụ sao đây khi không có cái nhà cho anh ở, áo quần cho anh mặc, lương thực, thực phẩm cho anh ăn và hàng lô hàng lốc những thứ khác như phương tiện này, vật dụng kia… anh đang ngồi đây với tôi nhưng anh vẫn tiếp xúc được với người khác qua điện thoại di động, anh có thể biết ngay tức khắc chuyện gì xãy ra trên thế giới qua internet… Tất cả mọi thứ đó đều là do Tư Duy con người nghĩ ra, do sức lao động của con người làm ra. Như vậy anh đâu có sống một mình. Tất cả mọi người đang vì anh.
Tôi: Tôi hiểu. Nhưng tôi đã nói chính Cái Ta đã tạo nên những thứ đó và kêu gọi, thuyết phục, dụ dỗ, ép buộc mọi người sử dụng. Cái Ta tạo ra mọi thứ lỉnh kỉnh trên thế gian này bắt đầu từ những ước ao và thiết lập những yêu cầu giả tưởng và tạo tác ra những thứ đó để phục vụ đời sống nhưng thực ra là hủy hoại đời sống khi mà không giải quyết được cái đống lỉnh kỉnh vô tích sự kia lúc nó trở thành xà bần, thành rác. Bạn và tôi đang có rất nhiều món đồ đang cất giấu trong nhà và cố sức gìn giữ nó mà không biết tại sao mình làm vậy. Tất cả những thứ đó là sản phẩm của tư duy chớ không phải là của trí tuệ.
Bạn: Nhưng anh cũng đã nói trí tuệ cũng là sản phẩm của tư duy?
Tôi: Đúng. Nhưng khi tư duy đang hãnh tiến với Cái Ta của mình, nên không sản sinh ra được trí tuệ. Hoặc không muốn sản sinh ra trí tuệ. Vì sao? Vì trí tuệ chấp nhận cùng một lúc hai thứ; sự sống và cái chết. Sống và chết không phải là điều gì ghê gớm lắm. Đó là chu trình tự nhiên của muôn loài. Chính Cái Ta bao gồm gồm thân xác và tư duy chỉ hành động nửa vời nên rất sợ chết. Nhưng cái chết vẫn đến và đến trong đau khổ. Anh thấy có bao nhiêu người chết một cách thật an nhiên với cái ý nghĩ “Tôi đã hoàn thành nhiệm vụ. Về nhà thôi”. Ôi trong giây phút hấp hối mà nghĩ hay nói một câu giả từ như thế có lập dị quá không? Không đâu, đó là một con người hạnh phúc. Thông thường bạn và tôi được nghe những lời trối trăng của những người biết mình sắp chết thông qua lời kể hay di chúc. Hầu hết đều tỏ lộ sự luyến tiếc những gì mình đã tìm kiếm được, thậm chí còn sắp đặt một kế hoạch nào đó để sử dụng nó, dù biết tỏng là ông ta hay bà ta không thể nào còn kiểm soát được nó.
Thế đấy, bạn và tôi đã trao đổi với nhau rất chân thật rồi đấy nhưng coi bộ tình hình vẫn không sáng sủa mấy. Trí Tuệ mà bạn và tôi vừa nói thì tìm ở đâu đây. Có một thứ mà người ta thường nói đến nhưng rất ít khi để ý tới. Đó là cái tâm, cái tấm lòng, Một Cái Tâm, Cái Tấm Lòng Không Có Tư Duy Nhưng trước khi bàn tiếp, tôi có một gợi ý với bạn thế này.
Nếu như một ngày nào đó bạn và tôi ra ngồi ngoài bờ sông, chỉ nhìn giòng sông chảy và chỉ thế mà thôi.
Nếu như một ngày nào đó bạn và tôi ra ngồi trên bờ biển, và chỉ nghe tiếng sóng rì rào và chỉ thế mà thôi.
Nếu như một ngày nào đó bạn và tôi đến yết kiến Đức Trần Nhân Tôn ở một làng quê nào đó chỉ để ngắm “Thôn hậu, thôn tiền đạm tự yên. Bán vô, bán hữu tịch dương biên. Mục đồng dịch lý quy ngưu tận, Bạch lộ song song quy hạ điền.” và chỉ thế mà thôi.
Nếu như một ngày nào đó bạn và tôi ra ngồi trên cánh đồng, chỉ để nghe tiếng gió thổi qua và chỉ thế mà thôi.
Nếu như một ngày nào đó bạn và tôi ra ngồi dưới ánh trăng, chỉ để nhìn những vầng mây bay lơ đãng và chỉ thế mà thôi. 
Nếu như một ngày nào đó bạn và tôi cùng nhà thơ Nguyễn Trãi thức suốt đêm chỉ để biết “Tịch mịch u trai lý, Chung tiêu thính vũ thanh. Tiêu tao kinh khách chẩm, Điểm trích sổ tàn canh…” và chỉ thế mà thôi.
Nếu như một ngày nào đó bạn và tôi ra ngồi bên bờ ao, chỉ để nhìn con cá lội và chỉ thế mà thôi.
Nếu như một ngày nào đó bạn và tôi mở toang khung cửa sổ, chỉ để làn da được mơn man cùng cơn gió và chỉ thế mà thôi.
Nếu như một ngày nào đó bạn và tôi cùng nhà thơ Bùi Giáng đi vào nằm trên bãi cỏ ven rừng, chỉ để thở “mùi gây gây gấy gấy của hương rừng” và chỉ thế mà thôi.
Nếu như một ngày nào đó bạn và tôi cùng nhà thơ Lưu Trọng Lư đi vào mùa thu để thả lòng theo những dấu chân “Con nai vàng ngơ ngác, đạp trên lá vàng khô” và chỉ thế mà thôi.
Vâng. Có rất nhiều nơi như thế. Bạn và tôi sẽ gặp được cái Tâm và Trí Tuệ sẽ lại về.
                                 22.3.2010

TÂM LÀ GÌ?

Bạn và tôi đã nghe nói nhiều về tâm. Nhưng hiểu rõ ràng thì không hề dễ chút nào. Tâm là từ Hán Việt nghĩa cụ thể là tim, trái tim, và cũng có nghĩa trừu tượng là tấm lòng…  Từ chữ Tâm ấy, ngoài những danh từ có tính cụ thể như tâm thất, tâm nhỉ, trung tâm, điểm tâm còn lại bạn và tôi thử xem tính chất của những từ còn lại sau đây: tâm bệnh, tâm cảm, tâm can, tâm bất tại, tâm cảnh, tâm chí, tâm đắc, tâm đầu ý hợp, tâm địa, tâm điểm, tâm giao, tâm hồn, tâm huyết, tâm khảm, tâm linh, tâm lý, tâm lực, tâm hương, tâm khúc, tâm não, tâm niệm, tâm phúc, tâm sự, tâm thần, tâm tính, tâm tình, tâm trạng, tâm trung, tâm tư, tâm ý. Trọng tâm, lưu tâm, toàn tâm toàn ý, động tâm, quan tâm, nhẫn tâm, hảo tâm, yên tâm, ác tâm, kiên tâm, vô tâm…. Bạn và tôi đừng nên nhảy vào phạm trù ngôn ngữ làm gì cho phức tạp thêm. Ngần ấy cũng đủ cho bạn và tôi rối lên rồi. Ngữ nghĩa của một lô từ trên đã làm cho bạn và tôi lờ mờ nhận ra Tâm ngoài nghĩa là tim còn có nghĩa là lòng, là ý chí. Nhưng rồi bạn và tôi cũng kịp nhận ra đó là những xúc cảm mà bạn và tôi từng có trong quá trình sống của mình.
Nhưng có một vị Đại Chánh Giác có một quan điểm rất siêu việt về Tâm. Tâm chính là Cái Ta. Tâm tạo ra mọi hành vi, mọi trạng thái tình cảm từ những cái buồn, cái khổ mênh mông đến cả những niềm vui ít xịt. Nhưng Tâm cũng mang đến một cái nền an lạc vô bờ, nếu như bạn và tôi biết Định Tâm.
Nhưng trước khi Định Tâm, bạn và tôi cần xem Tâm như thế nào. Nếu như chỉ là một khối cơ hình nắm tay nằm trong lồng ngực chỉ có trách nhiệm bơm máu thì chẳng có gì để nói. Nhưng Tâm còn là biểu hiện những trạng thái tình cảm của bạn và tôi. Tim của bạn và tôi đã nhiều lần đập loạn lên vì những cảm xúc yêu thương, giận hờn, run lên vì những ước mơ hoặc đôi khi thắt lại vì những đớn đau, nhói lên vì thù hận. Bạn và tôi không đủ khả năng để phân tích những nguyên lý sinh học của cơ thể người, nhưng luôn luôn cảm nhận được những chuyển hóa phức tạp của cơ thể mình. Chính những chuyển hóa ấy làm thành cảm giác và tạo nên tình cảm rồi cùng cái tư duy chết tiệt kia làm nên Cái Ta. Cái Ta của bạn và tôi sử dụng tư duy và cảm xúc để buộc bạn và tôi phải yêu cái này, ghét cái nọ. Sự yêu ghét chính là cội nguồn của ham hố tham lam, của si dại mê cuồng, của vặt mắc hơn thua. Nó làm cho bạn và tôi quay quắt lo toan giữa hàng núi công việc gì đâu và không bao giờ có những phút giây yên tĩnh. Nhưng nếu như chỉ có riêng bạn và tôi quay quắt lo toan giữa hàng núi công việc gì đâu của riêng mình thì nói làm gì. Chính “cái núi công việc của riêng bạn và tôi” ấy lại báo hại người khác và cứ thế mà đan vào nhau nên cả nhân loại ngập ngụa trong khổ đau và cùng nhau nín thở, quên ăn, thao thức trằn trọc và nín tiểu.
Bạn và tôi đã nhiều lần sử dụng Tâm của mình như để yêu người khác bằng Cái Ta của mình. Mang đến cho cha mẹ một món tiền, những manh quần tấm áo, những chén cơm, viên thuốc... và thuyết phục cha mẹ phải sử dụng theo một cách của bạn và tôi mà không cần biết những cảm nhận của cha mẹ như thế nào. Hoạch định và áp đặt một con đường tương lai cho con cái mà không cần quan tâm đến ý thích và môi trường sống của chúng sẽ phải lăn vào ra sao. Giúp đỡ anh, bạn bè hay ai đó bằng một thái độ của kẻ có ưu thế. Ghét bỏ, giận hờn hay oán thù ai mà không hiểu lý do một cách rõ ràng, thậm chí chỉ vì một lý do trớt quớt “Thấy cái mặt thằng đó khó ưa”. Bạn và tôi cũng đã từng yêu một cô hay một anh nào đó nhưng không chịu nghĩ xem mình có đáng được yêu không? Khi đối tượng ngó lơ, bạn và tôi bèn có một thái độ rất… tức cười, tại sao không bình thản, trước khi đi tìm người khác. Tất nhiên là không thể nào kể cho hết những thái độ và hành động kỳ cục của Cái Ta. Mới chỉ là một cá nhân của bạn và tôi, trên một bình diện lớn hơn, những yêu ghét mang đầy cảm tính như thế đã tạo ra những hậu quả không thể nào lường được.
Từ đó, bạn và tôi không thể nào mường tượng được khái niệm đúng hay sai. Nhưng cuộc đời vẫn trôi qua, có niềm vui và nỗi buồn, có tiếng khóc và nụ cười, có khổ đau và hạnh phúc. Bạn và tôi đã phí hoài chăng khi đi tìm một tí chân lý nhỏ xíu cho mình? Nhưng thú thật, có một điều bạn và tôi không thể nào vui nổi dù đang rủng rỉnh bạc tiền, dù nhà xe hực hỡ, dù gia đình yên ấm. Chắc bạn và tôi biết điều đó mà, làm sao mà bạn và tôi vui nổi khi những giòng sông đầy rác, khi phố phường đầy bụi, khi rừng không còn có thể ngăn cơn lũ tràn về và khi bạn và tôi lúc nào cũng ngai ngái trước những tai họa từ ở đâu đâu rơi xuống. Một sợi dây điện rớt xuống đầu, một cái ổ gà đang ngoác mồm nuốt chửng bánh xe đang chạy, một hạt bụi bay vào mắt… hay người yêu bạn và tôi đã ra đi…
Rốt cục khi bạn và tôi thót tim hay nhói lòng, đứt từng đoạn ruột, tê tái cõi lòng, rợn tóc gáy, lạnh sống lưng, nỗi gai ốc, ù cả hai tai … Hoặc là lòng lâng lâng, háo hức, đôi mắt mơ màng, miệng cười chúm chím… những cảm giác ấy, hành vi ấy đều do não làm ra khi bị Tư Duy tác động. Tóm lại, cái ta đã làm cho bạn và tôi không yên tĩnh. Và càng lúc càng đi xa khỏi những thứ được ban tặng lúc ban đầu.
Ôi. Sao mà đời khổ thế. Bạn và tôi đã từng nhiều lần thở than như vậy. Không ai làm khổ cho bạn và tôi cả, cũng chỉ tại mình. Bạn và tôi đã chạy loăng quăng đến bạc tóc rồi. Sai, đúng thì chưa tường, nhưng hạnh phúc, khổ đau như thế nào thì đã rõ. Vậy thì Định Tâm thôi. Nhưng Định Tâm thế nào đây? 

Chắc bạn và tôi còn nhớ bài thơ của cư sĩ Trần Thái Tôn mà.

鼻 濁 諸 香 舌 貪 味
眼 盲 眾 色 耳 聞 聲
永 為 浪 蕩 風 塵 客
日 遠 家 鄉 万 裡 程
陳 太 宗
Tị trước chư hương thiệt tham vị
Nhãn manh chúng sắc nhĩ văn thinh
Vĩnh vi lãng đãng phong trần khách
Nhật viễn gia hương vạn lý trình
Trần Thái Tôn
Lưỡi tê vị ngọt, tai ù tiếng
Mắt lóa theo hình, mũi ngạt hương
Làm khách bụi đời chi mãi thế
Quê xa nghìn dặm bóng chiều buông

Khi nói tới định tâm thì bạn và tôi nghĩ ngay đến thiền và hàng trăm phương pháp này khác nhằm để loại khỏi đầu óc mình những vướng bận mà bạn và tôi gặp phải trong đời sống hàng ngày kèm theo là một số giới luật, kinh kệ này khác. Tất nhiên rồi, làm việc gì cũng có một phương pháp, rồi một kế hoạch để thực hiện những phương pháp đó; nào là học tập, tham khảo sách vở, trao đổi với người chung quanh… và rồi lại phải sử dụng cái tư duy mà bạn và tôi đã ngán ngẫm để thực hiện một điều gì đó mới mẽ, lại phải bận rộn tranh đấu để từ bỏ những cái cũ càng, phấn đấu để đạt được cái mới, thành ra bận rộn gấp đôi. Nghĩa là vẫn con đường cũ nhưng mục đích hoàn toàn khác. Nên chăng? Ôi thân xác còm cõi bạn và tôi.
Bạn: Theo anh thì sao? Chấp nhận bận rộn gấp đôi hay là y cũ.
Tôi: Chuyện quan trọng thế nên tôi có chút phân vân.
Bạn: Anh là người quyết đoán kia mà. Biết đâu khi mọi sự yên tĩnh thì sự an lạc sẽ tới.
Tôi: Không thể đánh cược như thế được. Có hoặc không.
Bạn: Theo tôi đây không phải là vấn đề có hay không.
Tôi: Vậy thì bạn và tôi phải chấp nhận câu hỏi không cần câu trả lời rồi.
Bạn: Câu hỏi nào vậy?
Tôi: “Bạn đi ngủ mà không cần đóng cửa nhà và cửa phòng và bạn đi ngủ mà phải khóa hết mọi cửa trong ngôi nhà của bạn. Như vậy giấc ngủ nào ngon hơn?”
Rốt cục, bạn và tôi chẳng ra làm sao cả. Nhưng thôi chẳng việc gì phải nghĩ ngợi, chẳng việc gì phải phân vân. Nhưng hôm nào rỗi rảnh, bạn và tôi ra ngồi bên sườn núi và tìm hòn đá hỏi xem “Đá ơi. Làm sao mà đá yên tĩnh thế kia?”. 
29.3.2010. 
Quán Tâm Nguyễn Hiền NHu
(còn tiếp)  






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét