Người theo dõi

Thứ Tư, 28 tháng 2, 2018

VUI THÔI MÀ


VUI THÔI MÀ

Hồi nãy thì đã trôi xa
Lát nữa thì chẳng biết ra thế nào
Bây giờ đang thở với nhau
Cằn nhằn nặng bụng tào lao nhẹ lòng
Chẳng biết mắc gì mà tôi làm một loạt gần trăm bài thơ Đường, cũng lại thơ Đường. Ôi sao mà cái đầu tôi lại cũ mèm thế nhỉ? Mà cũng chẳng biết ở đâu mà nó lại tuôn ra lắm thế. Gần một tháng
Vô Đề 64
Nghĩ là gìa chát chẳng còn yêu
Sao cái con tim cứ đâp liều
Tưởng huyết áp tăng nên lộn xộn
Ngở tim bọc mỡ mới liêu xiêu
Lẽ đâu đuôi mắt cô hàng ớt
Hay bởi nụ cười chị bán tiêu
Rốt cục vì ai thì chẳng biết
Đem quên gài cửa ả thơ khều
Tôi bị ả thơ khều liên tục như để nhắc nhở mình là ai trong cõi đời này. Tôi một lạch nước con con, à không, một giọt sương mong manh tí xíu bị cuốn vào giòng sông thơ từ bao nhiêu ngàn năm trước. Tôi may mắn hay bất hạnh. Biết chết liền. Nhưng dù sao thì tôi cũng đang sống như vậy. Vậy thì hãy sống như vậy đi. Tôi ơi. Tôi…

Thứ Ba, 27 tháng 2, 2018

ÔI. CƠN GIÓ NGÀY XƯA

ÔI. CƠN GIÓ NGÀY XƯA
 Viết cho Trương thị Huyền Sương

1976
Từ bây giờ mỗi khi trời có gió,
Gió quàng vai em đừng có ngạc nhiên.
Anh đã gởi tình anh trong gió đấy,
Từ phương anh bay về tới Long Xuyên.

 

Thứ Hai, 26 tháng 2, 2018

GIỠN MẶT VỚI TIỀN BỐI

GIỠN MẶT VỚI TIỀN BỐI

Hồi đêm không biết nguyên do nào mà tập thơ Hồ Xuân Hương lại nằm bên gối. Trong khi chờ giấc ngủ, tôi lật ra và đọc lại. Vẫn ngần ấy ngôn ngữ rất nôm na đầy hình tượng. Tất nhiên, với thơ Hồ Xuân Hương thì mỗi người có một cách thưởng thức riêng. Nhưng có một cái chung là:
“Quân tử dùng dằng đi chẳng dứt
Đi thì cũng dở, ở không xong”

Do vậy tôi lại vướng vào cái…
Thân Phận Đàn Bà
Hỡi chị em ơi có biết không?
Một bên con khóc một bên chồng.
Bố cu lổm ngổm bò trên bụng,
Thằng bé hu hơ khóc dưới hông.
Tay những vội vàng thu với vén,
Miệng liền rủ rỉ bống cùng bông.
Chồng con cái nợ là như thế,
Hỡi chị em ơi có biết không?
Hồ Xuân Hương

Thứ Tư, 21 tháng 2, 2018

VỀ RẠCH GIÁ

Không nơi nào đẹp đẽ. Bằng nơi gọi là quê
Không đường nào suôn sẽ. Bằng đường quay trở về


BÀI PHÚ NGÀY THANH MINH

Hôm nay, Thanh Minh tôi về làng Thới An là nơi phát tích của giòng họ. Ngôi làng có tuổi hơn hai trăm năm. Được hình thành từ thời Gia Long tẩu quốc do Cai cơ Nguyễn văn Minh, sau khi mất liên lạc với vua, đã dẫn hơn 100 quân sĩ dưới quyền đến đây khẩn hoang lập ấp vào khoảng thập niên 90 của thế kỷ 18 với tên là xóm Cái Mới, sau này đổi thành Cái Mới lớn. Đến năm 1862 theo lời tấu trình của Cai tổng Kiên Định là ông Nguyễn văn Cui (1832-1898). Vua Tự Đức đồng ý cho thành lập làng Thới An bao gồm xóm Đường Ruồng, Cái Mới lớn, Cái Mới nhỏ.
Trước nghĩa trang với hơn một ngàn ngôi mộ mà hơn phân nữa là những bậc tiền bối. Tôi viết những giòng dưới đây như là một sự tri ân

Đây Tổ Tiên Xưa:
- Tạm bỏ giáo gươm, biến rừng già thành nương nên rẫy. Tìm cơm no áo lành, xóa nơi hoang dã,
Với lấy cuốc cày, lập xóm làng khai kinh mở ruộng. Tạo ấm no sung túc. Ổn định nhân tâm.
- Trong đêm mưa, khơi bếp cùng sưởi ấm lòng, xua loài tàn độc,
Dưới nắng lửa dựng chòi chung che bóng mát, chia nỗi long đong.
- Nhiều khi cắn chặt răng giữa trăm bề khốn khó,
Lắm lúc phơi trần lưng trong bốn phía nhọc nhằn.
- Được ấm no, cũng lắm phen tươm mồ hôi, pha mặn mòi cùng sông nước,
Để yên lành, biết bao lần rơi nước mắt, chan cay đắng vào chén cơm.
- Rồi khi xóm ấp đã khang trang, lập đình làng để giữ gìn phong hóa,
Lúc con cháu đủ đồng đầy, mở trường học mong tạo dựng nhân văn.
- Hướng tới ngày mai, giữ tên xóm để luôn nghĩ về Cái Mới,
Mong muốn yên vui, đặt hiệu làng cho sống mãi trong Thới An.
- Ứng xử bằng Lễ Nghĩa Khiêm Cung. Tự bản thân phải thường thường để trong tâm tường,
Trau dồi thêm Khoan Hòa Trí Dũng. Dạy cháu con nên luôn luôn đặt trong tấm long.

Hôm Nay:
- Về cõi Vĩnh Hằng, gởi nắm xương trong miền đất cũ,
Đến nơi Cực Lạc, Để lại đời một tấm lòng son.
- Trong lòng nấm mộ Vô Ưu, dõi bước hậu nhân vạn đại,
Nương bóng khói hương hoài niệm, nhắc nhở muôn đời cháu con.

Chúng Con nguyện:
- Luôn giữ gìn nhân nghĩa, chí thú làm ăn. Sống đàng hoàng chân thật,
Nay tôn tạo mộ phần, tháng ngày hương khói. Xin theo dấu tiền nhân.
Làng Thới An 9 giờ ngày 5/4/2014


Nỗi Lòng Quê

Sinh ra ở cuối chân trời
Sống nơi góc bể một đời loanh quanh
Ít oi chữ  nghĩa cũng đành
Dăm câu thơ thẩn chút tình quê quê
Lỡ cùng non nước hẹn thề
Vài câu lổm ngổm gởi về… hồi xưa


BÀI HỌC ĐỊA LÝ ĐẦU ĐỜI

Nước Việt Nam hình cong như chữ S
Bắc ải Nam Quan, nam mũi Cà Mau
Bài địa lý đầu đời tôi đã học
Đến hôm nay nhớ lại quặn lòng đau

Ông cha ta mấy ngàn năm giữ nước
Mấy trăm năm cày cuốc hành phương Nam
Một tấc đất một tấc lòng rộng mở
Để muôn đời đẹp đẽ một giang san

Rồi hôm nay, tôi hỏi lòng mình mãi
Ai làm cho đất nước cứ hao mòn
Hào khí cứ nhụt dần trong tăm tối
Giòng máu Rồng Tiên đã mất hay còn

Một câu hỏi, câu trả lời có sẵn
Mà sao chưa thấy ai nói bao giờ
Mồm lắm cái cứ khua môi múa mép
Rồi mù mờ một chủ nghĩa bá vơ

Ải xưa mất mây hờn vương đất Bắc
Ngọn sóng trào uất nghẹn trên biển Đông
Ngày Tây Nguyên mịt mù cơn bụi đỏ
Đất phương Nam lúa đang nghẹn trên đồng

Ôi đất nước tôi buồn như thế đó
Cứ xì xồ “hẩu lớ” khắp quê hương
Ai bán, ai mua, ai buồn, ai giận
Trong tối tăm liệu có một con đường

Nước Việt Nam hình cong như chữ S
Bắc ải Nam Quan, nam mũi Cà Mau
Bài địa lý đầu đời tôi đã học
Đến giờ này nhớ lại quặn lòng đau

Thứ Hai, 19 tháng 2, 2018

HƯƠNG EM

HƯƠNG EM

Trưa 29 một mình lang thang vào chợ, muốn mua mà không biết mua gì? Mà giá như chọn được gì thì chả biết lấy gì mà trả. Thế là lang thang, lang thang trong những tiếng hắt hơi liên tục. Ôi mình bị cảm ư? Không phải vậy?
Có một bàn tay đặt lên vai, tôi quay lại, tròn mắt nhìn, một người đàn ba sang trọng và sực mùi nước hoa, hóa mỹ phẩm đang nhìn tôi cười bằng hai con mắt:
- Anh hai Nhu phải không?
- Vâng, tôi đây. Xin lỗi, chị là ai vậy?
- Sáu Perlon nè.
Một quá khứ 50 năm quay lại một cái ào như cơn lốc, đánh bạt cái mùi chết tiệt vừa làm tôi hắt hơi.
Sáu Perlon, cái nicknam chỉ có hai chúng tôi biết. Lúc tôi từ Rạch Giá về quê, mua cho cô một bàn chãi răng và ống kem Perlon theo lời cô ấy dặn vì cô ấy bị đau răng.
- Anh đi chợ Tết à?
- Không. Đi xem chợ tết.
- Vậy thì café đi.
Thế là chui vào quán, cô sáu kể cho tôi nghe một quá khứ 50 năm của mình với những đổi thay và thăng trầm trong cuộc sống của cô, cũng như nỗi nhung nhớ làng quê và cái ống kem Perlon mà tôi mua tặng khi cả hai vào tuổi đôi mươi. Trong khi tôi vừa lắng nghe vừa phập phồng hai cánh mũi để tìm lại những hình ảnh, những hơi hướm của những hôm hai đứa kề vai nhau dưới rặng dừa ngoài bìa vườn nhà cô ấy, giữa cái không không khí đặc quánh của quán café máy lạnh và cái hương nồng nồng xa lạ tỏa ra từ người cô ấy (và có lẽ cũng để trấn áp những cái hắt hơi). Cuối cùng, Tất cả đều xa lạ hoàn toàn, ngoại trừ cái hàm răng hạt bắp, trắng muốt, lấp lánh dưới ánh đèn, vẫn đẹp mà không biết đó là hiệu ứng của kem Perlon hay là răng sứ.
Bổng dưng cô sáu bảo:
- Sáu vẫn nhớ và theo dõi từng bước chân anh hai và hiểu chuyện chúng ta chẳng qua là số phận. Sáu vẫn biết anh hai vẫn còn viết lách. Chúng ta đều U.70 hết rồi, còn gặp nhau cũng chẳng mấy lần, anh hai viết cho Sáu mấy giòng được không? Kỷ niệm về anh chỉ có ống kem, nhưng đã hết từ lâu rùi.
Và tôi viết:

Thứ Ba, 13 tháng 2, 2018

MỪNG XUÂN MỚI

Mừng Xuân Mới


Không bia rượu, chẳng mồi màng
Vài trăm quyển sách làng nhàng cùng xuân
Ly trà nhạt, khói thơm bưng
Câu thơ cà khịa, lưng tưng ngâm tràn
Gởi người, lời chúc an khang
Cầu mong tất cả bình an trong lòng

Kẻo thôi dơ dáy non sông
Ngưng vây rác bẩn vào lòng quê hương


Quán Tâm Nguyễn Hiền Nhu

Thứ Tư, 7 tháng 2, 2018

Xin Mùa Xuân Bình Yên


Xin Mùa Xuân Bình Yên

Nắng vẫn cứ hồng pha lên muôn nẻo
Mà cỏ cây lại biếc một màu xanh
Cõi diệu hữu chân hai bàn lẽo đẽo
Một niềm vui lan tỏa khắp chung quanh

Khoảng chân như vẫn mênh mông bất tận
Vẳng từ trong là những nụ cười hiền
Cứ như thế quẩn quanh đời lận đận
Kẻo lại làm hao hớt những bình yên

Chủ Nhật, 4 tháng 2, 2018

Huyền Quang thiền sư

Huyền Quang thiền sư
Huyền Quang thiền sư 玄光禪師 (hay Huyền Quang tôn giả, 1254-1334) tên thật là Lý Ðạo Tái 李道載 (có sách chép Trần Ðạo Tái, Lý Tái Ðạo). Ông người hương Vạn Tải, châu Nam Sách, lộ Lạng Giang, sinh năm Giáp Dần (1254), mất ngày 23 tháng Giêng năm Giáp Tuất (1334).
Theo "Tổ gia thực lục" trong "Tam tổ thực lục" thì từ nhỏ ông đã có khiếu văn chương, năm hai mươi tuổi đỗ khoa thi hương và năm sau lại đỗ đầu khoa thi hội. Được bổ dụng vào Viện nội hàn, từng tiếp sứ Bắc, rất nổi tiếng về thơ văn. Nhưng không bao lâu ông một mực xin từ chức đi tu. Được người đứng đầu dòng Thiền Trúc lâm lúc bấy giờ là Trần Nhân Tông rất quý mến, giao cho Pháp Loa hướng dẫn. Về sau ông trở thành vị tổ thứ ba của dòng thiền này.
Huyền Quang là một nhà sư đồng thời là một thi sĩ có tiếng đời Trần. Thơ ông rất đậm chất trữ tình. Các nhà phê bình đời trước như Lê Quý Đôn, Phan Huy Chú đều khen thơ ông "ý tinh tế, cao siêu", "lời bay bướm, phóng khoáng". Có lẽ con người thi nhân trong ông rõ nét hơn con người tôn giáo. Xung quanh thân thế ông có nhiều giai thoại khá hấp dẫn, đã trở thành những câu chuyện dân gian được lưu truyền rộng rãi, và cũng đã từng được nhà văn đương thời ghi lại dưới hình thức một truyện truyền kỳ, lý thú, đi vào kho sách vở nhà Phật từ nhiều thế kỷ nay.
Tác phẩm hiện còn 24 bài thơ, trong số đó có bài "Xuân nhật tức sự" gần đây được xác minh là thơ thiền đời Tống, một bài phú Nôm, sách vở cũ cho biết ông còn có các tác phẩm "Chư phẩm kính", "Công văn tập", thư từ tiếp sứ và tập thơ "Ngọc tiên tập" nhưng nay đều đã thất lạc.
Một số sách còn chép ông chính là tác giả câu thơ nôm cảm khái về nhân tình thái thế khá chua chát sau đây:
Khó khăn thì chẳng ai nhìn,
Đến khi đỗ trạng, tám nghìn nhân duyên.