Người theo dõi

Thứ Tư, 28 tháng 3, 2018

NHÂN ĐỌC MỘT BÀI THƠ CỦA NGUYỄN TRÃI

NHÂN ĐỌC MỘT BÀI THƠ CỦA NGUYỄN TRÃI

關海

樁木重重海浪前
沉江鐵鎖亦徒然
覆舟始信民猶水
恃險難憑命在天
禍福有媒非一日
英雄遺恨幾千年
乾坤今古無窮意
卻在滄浪遠樹烟

Quan hải
Thung mộc trùng trùng hải lãng tiền ;

Trầm giang thiết tỏa diệt đồ nhiên[1].
Phúc chu thùy tín dân do thủy ;
Thị hiểm nan bằng mệnh tại thiên.
Họa phúc hữu môi phi nhất nhật ;
Anh hùng di hận kỷ thiên niên.
Càn khôn kim cổ vô cùng ý,
Khước tại thương lang viễn thụ yên.

Nguyễn Trãi

Cửa Biển
Trước biển trùng trùng muôn cọc gỗ

Sông ngầm lưới sắt cũng đành thôi
Thuyền chìm mới biết dân như nước
Đất hiểm sao so được ý trời
Phúc họa đều do manh mối cả
Anh hùng đành để hận hờn xuôi
Bao la trời đất vô cùng ý
Mây khói, cây xanh, sắc nước ngời
QT. Nguyễn Hiền Nhu

Nghĩa:
Cọc gỗ lớp lớp trồng trước sóng biển ;

Xích sắt ngầm dưới sông cũng vậy thôi.
Thuyền bị lật mới tin rằng dân là như nước ;
Cậy đất hiểm cũng khó dựa, mệnh là ở trời.
Họa phúc có manh mối không phải một ngày ;
Anh hùng để mối hận mấy nghìn năm sau.
Lẽ của trời đất và xưa nay, thực là vô cùng.
Vẫn là ở chỗ sắc nước bát ngát, cây khói xa vời

Trên đây là bài thơ Quan Hải của cụ Nguyễn Trãi khi đến thăm lại phòng tuyến mà Hồ Quý Ly chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống quân Minh (có lẽ là cửa sông Bạch Đằng). Bài thơ nói lên sự quan hoài của ông trước những cố gắng gần như tuyệt vọng của Hồ Quý Ly và cái lẽ thắng thua của một con người chí thì lớn mà tài thì hèn.
Nhìn lại tình hình lúc bấy giờ. Vận mệnh đất nước như ngàn cân treo sợi tóc. Tâm tư tinh cảm của dân tộc lúc đó đang chán ngán nhà Trần đến cực độ. Thay đổi triều đại là cần thiết, nhưng cái cách thay thế triều đại của Hồ Quý Ly (1400-1407) lại không đáp ứng được yêu cầu của dân tộc mà làm cho nó phân hóa thêm, kèm theo những cải cách đi trước thời đại nhưng lại mang tính áp đặt một cách tàn khốc và hoàn toàn đi ngược lòng dân, rốt cục đẩy đất nước vào tay quân xâm lược. Câu nói của Hồ Nguyên Trừng đã xác định một cách rõ ràng sự bại vong của nhà Hồ: “Thần không sợ đánh, chỉ sợ dân không theo”
Tiếp theo là cuộc khởi nghĩa của các thân vương nhà Trần; Giản Định Đế (1407-1409), Trần Trùng Quang (1403-1413). Quan hệ của hai người này cũng không thuận thảo và cái chết của Đặng Tất, Nguyễn Cảnh Chân đã đẩy cuộc kháng chiến đi đến thất bại. Rất nhiều thành phần đục nước béo cò, bọn phản bội xuất hiện. Và nhân dân thì bị "nướng trong lò bạo ngược" vừa của quân thù vừa của chính những lãnh đạo của mình.
Những yếu tố đoàn kết, quyết chiến quyết thắng và không ngại hy sinh mang tính quyết định của quá khứ như HN Diên Hồng, HN Bình Than, vết xăm Sát Thát không thể triệu tập được, vì từ Hồ Quý Ly đến Giản Định Đế, Trần Trùng Quang đều không đủ tư cách và nhân cách để cố kết lòng dân. Dù trong tay họ không thiếu tướng tài, có binh lực mạnh với đầy đủ những phương tiện chiến tranh (Thung mộc trùng trùng hải lãng tiền ;Trầm giang thiết tỏa diệt đồ nhiên/ Trước biển trùng trùng muôn cọc gỗ, Sông ngầm lưới sắt cũng đành thôi)
Nhưng rồi cũng đành phải ngậm ngùi:


Phúc chu thùy tín dân do thủy;
Thị hiểm nan bằng mệnh tại thiên

Thuyền chìm mới biết dân như nước

Đất hiểm sao so được ý trời

Đây là uy lực tuyệt đối, là chân lý mà người lãnh đạo buộc phải nhìn thấy và nó chứng minh ngay sau đó, mùa xuân năm 1418, bằng một nhúm người chỉ với hai tay không. Lê Lợi và 18 tấm lòng trong hội thề Lũng Nhai giữa núi rừng thâm u Thanh Hóa. Những con người ấy, bình thường, không danh vọng. Họ chỉ có hai thứ thôi; Yêu Nước và Kiên Trì.
Từng bước, từng bước họ đáp ứng được lòng dân và cũng là ý trời để viết nên bản Bình Ngô Đại Cáo mà kẻ thù phương Bắc mỗi lần đọc là toát mồ hôi, mỗi lần nghe là rùng minh kinh sợ.
Khi nhìn lại những gì đã qua. Cụ viết bài thơ trên như là một sự quan hoài cho những Hồ Quý Ly, Giản Định Đế, Trần Trùng Quang ư? Không phải vậy. Một tấm lòng đầy nhân hậu, Cụ quan hoài và xót thương cho những người chết một cách oan khuất, bị hy sinh không đúng chỗ vì những người lãnh đạo bất tài kém đức. Và cũng là lời cảnh báo dành cho những thế hệ các nhà lãnh đạo mai sau.
Càn khôn kim cổ vô cùng ý,

Khước tại thương lang viễn thụ yên

Bao la trời đất vô cùng ý

Mây khói, cây xanh, sắc nước ngời.

Đọc lại lịch sử là ôn cố. Nhìn lại hiện tình đất nước hôm nay là tri tân. Thế chúng ta tri được cái gì đây. Chắc có lẽ không mong, vì nó không đủ điều kiện để xảy ra, một hội nghị Diên Hồng. Đành phải làm một cuộc hội thề Lũng Nhai vậy. Dù như thế là vô cùng gian khổ.
NHƯNG ĐẤT NƯỚC THÌ KHÔNG THỂ MẤT, DÂN TỘC THÌ 

PHẢI TRƯỜNG TỒN. VẬY THÌ LÊN ĐƯỜNG GÌN GIỮ LẤY QUÊ 

HƯƠNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét