Người theo dõi

Thứ Năm, 14 tháng 7, 2016

Quá trình xác lập chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa

Quá trình xác lập chủ quyền của Việt Nam
tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa
Nguyễn Nhã - Ph.D thesis
http://www.nguyenthaihocfoundation.org/lichsuVN/nguyennha2.htm

Phần mở đầu


1. Lý do và mục đích nghiên cứu

Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc lãnh thổ Việt Nam từ nhiều thế kỷ nay. Quần đảo này có tầm quan trọng đặc biệt về mặt chiến lược (nằm trên thủy đạo và đường bay quốc tế) cũng như có tiềm năng quan trọng về kinh tế (dầu khí, các sản vật khác) và hiện đang bị xâm phạm bởi nhiều nước như Trung Quốc (bao gồm Đài Loan), Philippines, MaLaysia, Brunei khiến trở thành điểm nóng chính trị của khu vực.
 Nghiên cứu đề tài này không những là do nhu cầu của giới nghiên cứu khoa học mà còn đáp ứng được nhu cầu thực tiễn đối với quốc dân cũng như các nhà lãnh đạo, nhất là cho cuộc đấu tranh chính trị và ngoại giao bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ngoài ra, bản thân người nghiên cứu vốn quan tâm đến vấn đề này từ hơn 25 năm nay, muốn có cơ hội để hệ thống hoá, tổng hợp tất cả các tài liệu và tìm hiểu đầy đủ, thấu đáo việc xác lập chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Công trình nghiên cứu nhằm mục đích:
 1. Cung cấp tư liệu một cách tổng hợp, hệ thống và cặn kẽ về quá trình xác lập chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Từ đó rút ra những luận điểm vững chắc minh chứng chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
 2 Cũng từ đó, giúp cho việc phản bác những luận điểm biện minh cho sự xâm phạm của các nước ngoài đối với chủ quyền Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, hầu thấy được thực chất của tình trạng xâm phạm chủ quyền để xây dựng các đối sách lâu dài bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
 3. Góp phần xây dựng nhận thức rõ ràng về trách nhiệm tranh đấu giành lại chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa và bảo vệ chủ quyền trên quần đảo Trường Sa của nhà nước và nhân dân Việt Nam.


2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề
 Trước năm 1975

Trước năm 1909, chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa chưa bị Trung Quốc và các nước khác xâm phạm.
 Năm 1907 là năm xảy ra việc người Nhật chiếm đảo Pratas. Trung Quốc đã phản đối sự chiếm đảo Pratas này của người Nhật cho rằng đảo vô chủ. Để ngăn chặn sự bành trướng của Nhật xuống phía Nam và tránh xảy ra sự kiện "Pratas thứ 2", Trung Quốc đã đặt tên một loạt các đảo ở Biển Nam Hải trong đó có Tây Sa và Nam Sa mà Trung Quốc cho là đảo vô chủ. Lúc này, Nam Sa chưa xuống dưới vị trí của Trường Sa của Việt Nam mà chỉ ở vị trí Trung Sa.
 Thời Trịnh Nguyễn phân tranh đã thấy xuất hiện những thư tịch cổ Việt Nam đề cập chung chung đến Hoàng Sa.
 Xưa nhất, ít ra vào cuối thế kỷ XVII như tập bản đồ “Toản Tập Thiên Nam Tứ Chí Lộ Đồ Thư” hay Toản Tập An Nam Lộ của Đỗ Bá Công Đạo [23], [191], có vẽ và ghi chú về “bãi Cát Vàng” tức Hoàng Sa, tiếp đó là Phủ Biên Tạp Lục [28], [192] của Lê Quí Đôn, mô tả chi tiết về các hoạt động của các đội Hoàng Sa, Bắc Hải minh chứng sự xác lập và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
 Sang đến thời nhà Nguyễn, từ triều Gia Long, cả một hệ thống biên niên sử và địa dư chí của Quốc Sử Quán, sách hội điển, châu bản của Nội Các triều đình nhà Nguyễn đã ghi chép những hoạt động của đội Hoàng Sa một cách rất kỹ và rõ ràng thể hiện sự xác lập và bảo vệ chủ quyền của nhà nước Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa cũng như Trường Sa.
 Trong đó có bộ chính sử Đại Nam Thực Lục Tiền Biên [96], [195], Đại Nam Thực Lục Chính Biên [97], [98], [99] , [100], [101] ,[102], [199], [200], [203], [204], [205], [206] cũng như Quốc Triều Chính Biên Toát Yếu [104], [210] và bộ địa chí như Đại Nam Nhất Thống Chí [103], [209], Hoàng Việt Địa Dư Chí [135], [194].

Đặc biệt Khâm Định Đại Nam Hội Điển Sự Lệ (Minh Mạng) [93], [201], Châu Bản Triều Nguyễn (triều Minh Mạng & Thiệu Trị) [5], [6], [7], [8], [9], [196], [197], [198] đã đề cập đến việc dựng bia chủ quyền đảo Hoàng Sa và Trường Sa là bằng chứng hùng hồn Hoàng Sa được vua và triều đình Việt Nam quan tâm và bảo vệ chủ quyền đối với Hoàng Sa ở bậc quyền lực tối cao (điều này khác hẳn với Trung Quốc cũng như các nước khác không hề có chứng tích xác lập và bảo vệ chủ quyền trong suốt các triều đại phong kiến).
 Ngoài nhà nước Việt Nam, các nhà nghiên cứu nước ta cũng đã quan tâm, ghi chép các hoạt động của đội Hoàng Sa, Bắc Hải như Lê Quí Đôn trong Phủ Biên Tạp Lục, Phan Huy Chú trong Dư Địa Chí (Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí), Nguyễn Thông trong sách Việt Sử Cương Giám Khảo Lược (quyển 4, năm 1877)..., [207]
 Cũng trong thời gian chưa có sự xâm phạm chủ quyền ở Hoàng Sa, nhiều tác giả trong đó có cả người Trung Quốc và các nhà nghiên cứu Phương Tây cũng đã đề cập đến Hoàng Sa hoặc đến việc xác lập chủ quyền đối với Hoàng Sa của các nhà cầm quyền Việt Nam như Giám Mục Taberd [185], [186] Gutzlaff [157], quan trọng là những người Pháp từng hoạt động giúp Nguyễn Ánh (tức Vua Gia Long) như Dayot, Chaigneau đã xác định Vua Gia Long đã tái xác lập chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa.
 Ngoài công việc vẽ bản đồ hàng hải trong đó tại Biển Đông có dải đảo Hoàng Sa (Paracels) chạy dài suốt dọc ngoài khơi biển Champa hay Cochinchine, những bút ký, thư từ của người Tây Phương (Bồ, Hoà Lan, Pháp, Anh) về hải trình, các vụ đắm tàu đều được ngư dân và quân lính Đàng Trong đem về đất liền giải quyết.
 Sau năm 1909, tổng đốc Quảng Đông bắt đầu có ý định xâm phạm chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa, cho rằng Hoàng Sa chưa thuộc về nước nào (sic!). Lúc này, Việt Nam đang còn bị ách đô hộ của đế quốc Pháp, bắt đầu mới có nhiều người thực sự quan tâm nghiên cứu về chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa, song mới chỉ là những bài báo. Rộ lên nhất là cuối thập niên 20 đầu thập niên 30. Tiêu biểu là Lapicque viết trong Revue Indochinoise số 38, 1929 [166] sưu tầm một số tài liệu xác định chủ quyền Việt Nam ở Hoàng Sa và trưng bằng cớ chính quyền địa phương Trung Hoa nhân vụ những người Trung Quốc cướp trên tàu bị đắm Le Bellona năm 1895 và tàu Imazi Maru năm 1896 đã từ chối chủ quyền, không trách nhiệm về việc cướp nói trên ở quần đảo Hoàng Sa vì cho rằng “Paracel” không thuộc chủ quyền Trung Quốc.
Sau đó hàng loạt những bài báo của Henri Cuchrousset đăng trên báo Eveil Economique de l’Indochine từ năm 1929 đến 1931 [146 -152] đưa ra những bằng chứng chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa, trách cứ chính quyền Pháp đã quá lơ là trong việc xác nhận và bảo vệ chủ quyền ở đảo Hoàng Sa, đến nỗi đã bị dự thẩm Barbet ra lệnh khám xét ban đêm để buộc nhà báo phải nộp cho toà các hồ sơ liên quan đến Hoàng Sa. Chính vì vậy đã có tác động, chính quyền Pháp, vào những năm sau đó đã tái xác nhận chủ quyền ở Hoàng Sa (Paracel) và Trường Sa (Spratly) với những hành động cụ thể như khảo sát, cắm cọc, thiết lập hải đăng, đài khí tượng và trại lính (vào những năm đầu thập niên 30). Trong những năm này có nhiều công trình nghiên cứu địa lý Hoàng Sa.
 Trong thời kỳ chiến tranh thế giới lần thứ hai và chiến tranh kháng chiến chống Pháp, ít ai quan tâm nghiên cứu đến Hoàng Sa. Sau năm 1954, theo hiệp định Genève, Hoàng Sa, Trường Sa thuộc về chính quyền Sàigòn kiểm soát. Năm 1956, khi quân đội viễn chinh Pháp rút khỏi Việt NamPhilippines lên tiếng đòi chủ quyền của mình ở quần đảo Trường Sa. Năm 1956, Cộng Hoà Nhân Dân Trung Quốc chiếm đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa và sau đó Đài Loan chiếm đảo Itu Aba, vấn đề tranh chấp chủ quyền được đặt ra gay gắt, từ đó nhiều bài nghiên cứu đã được đăng báo.
 Nổi bật hơn cả là hai công trình nghiên cứu về chủ quyền của Hoàng Sa tương đối có hệ thống và dầy công sưu tầm. Đó là công trình ra đời vào năm 1971, L’affaire des Iles Paracels et Spratly devant le droit International, 298 trang đánh máy, luận án tiến sĩ đệ tam cấp của ông Lê Thành Khê, tại Institut International d’Etudes et de Recherches Diplomatiques [161]. Công trình này đi sâu về mặt công pháp quốc tế, chủ yếu theo luật pháp quốc tế của thế giới tư bản chủ nghĩa và những án lệ của toà án quốc tế La Haye. Tác giả trên chưa có điều kiện đi sâu vào những chứng liệu về lịch sử.
 Tiếp đó, năm 1972 xuất hiện công trình luận văn tốt nghiệp Ban Đốc Sự của Học Viện Quốc Gia Hành Chánh (Sàigòn ) của Đinh Văn Cư với đề tài: “Chủ quyền quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”, dày 137 trang đánh máy [24]. Công trình trên dành hơn 1/4 nội dung nói về hoàn cảnh địa lý và trình bày diễn tiến sự tranh chấp chủ quyền của nhiều quốc gia tại Hoàng Sa.
 Tới năm 1974, Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa xâm chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa, nhiều công trình đã được thực hiện trong năm này, trong đó có tập tư liệu bằng tiếng Pháp của Võ Long Tê với nhan đề Les Archipels de Hoang Sa et de Truong Sa selon les Anciens Ouvrages Vietnamiens d’Histoire et de Geographie, in năm 1974 dày 201 trang [187]. Đây là bản dịch tiếng Pháp các đoạn trích những thư tịch cổ Việt Nam về Hoàng Sa.
Tiếp đó “Hoàng Sa, lãnh thổ Việt Nam Cộng Hoà”, dày 96 trang của Bộ Dân Vận Chiêu Hồi (chính quyền Sàigòn) [10] và Sách Trắng của Bộ Ngoại Giao chính quyền Sàigòn vào năm 1975 [170].

Cũng vào năm 1975 đánh dấu một mốc quan trọng trong lịch sử nghiên cứu vấn đề chủ quyền của Hoàng Sa là Tập San Sử Địa số 29 (1975), đặc khảo về Hoàng Sa và Trường Sa, 352 trang gồm nhiều tư liệu, hình ảnh, bản đồ, đã được đánh giá cao.

Sau năm 1975
 Một số cơ quan như Ban Biên Giới Chính Phủ, Viện Nghiên Cứu về Trung Quốc, các trường đại học bắt đầu quan tâm đến vấn đề Hoàng Sa, đặc biệt sau cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Quốc tháng 2 năm 1979.
 Tháng 9 năm 1979, Bộ Ngoại Giao nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam công bố tài liệu “Chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”.
Tháng 1 năm 1982, Bộ Ngoại Giao nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam lại công bố cuốn sách trắng “quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, lãnh thổ Việt Nam”.
Tháng 4 năm 1988, Bộ Ngoại Giao nước Cộng hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam lại công bố tài liệu: “Các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và luật pháp quốc tế”.
Mẫn Khánh Dương Kỵ và Trần Xuân Cầu viết bài “Từ Bãi Cát Vàng đến Hoàng Sa và Trường Sa, lãnh thổ Việt Nam” trong Sử Học số 2 (nhà xuất bản Đại Học và Trung Học Chuyên Nghiệp) [79] đã đưa ra một vài thông tin mới, cách tiếp cận mới qua thực địa tại cù lao Ré.
 Cuốn Hoàng Sa, quần đảo Việt Nam 90 trang của Văn Trọng [134] là đúc kết cô đọng và chú trọng về phần tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc thêm một số hình ảnh, như bia chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa chụp năm 1938, trên quần đảo Trường Sa chụp năm 1961.
 Gần đây có một số đề tài nghiên cứu khoa học cấp quốc gia về Hoàng Sa, Trường Sa đang được tiến hành. Trong đó có đề tài như "Hợp Đồng Nghiên Cứu Khoa Học Về Lịch Sử Chủ Quyền của Việt Nam ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa", mã số BĐHĐ 01 - 01 do PTS Nguyễn Quang Ngọc (ĐHTH Hà Nội) chủ trì đã báo cáo tổng kết ngày 30/4/1995 và Hội Thảo Quốc Gia “Luận cứ Khoa Học Lịch Sử, Địa Lý và Pháp Lý chủ quyền Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa” tại Hà Nội ngày 18/1/1996 cùng một số kết quả được tiếp tục công bố trong những năm sau đó.
 Riêng bản Hợp Đồng Nghiên Cứu Khoa Học trên, bước đầu đã có những đóng góp đáng kể về bản đồ cổ Việt Nam do Trần Bá Chí phụ trách tìm ra được 22 sách cổ có bản đồ vẽ Hoàng Sa và Trường Sa. Về thư tịch cổ Việt Nam do Phạm Kim Hùng, Nguyễn Đăng Na, Nguyễn Hữu Thành phụ trách, ngoài kiểm tra, đối chiếu với nguyên bản 25 cuốn sách chữ Hán đã được dịch, còn phát hiện thêm một số thông tin mới ở Đại Nam Thực Lục và còn tìm thêm 15 cuốn sách như Địa Dư Toát Yếu, Nam Việt Địa Dư Chí, Cao Chu Thần Di Cảo, Chu Nguyên Tập Vựng Khảo, Mân Hành Thi Thảo, Việt Hành Ngân Thảo, Đông Hành Thi Thuyết, Quảng Thuận Đạo Sử Tập, Trung Kỳ Dư Địa Lược Sao, Hải Trình Chí Lược.
Tuy các sách trên không trực tiếp đề cập đến vấn đề chủ quyền ở Hoàng Sa, Trường Sa, song các sách đó đã đề cập đến Hoàng Sa, cũng đã phản ảnh sự hiểu biết và quan tâm của người Việt xưa đối với Hoàng Sa.
Về tư liệu Châu Bản do Võ Văn Sạch, Vũ Văn Quân phụ trách đã phát hiện được một số tư liệu rất qúi về bằng chứng rõ ràng quá trình thực thi chủ quyền ở Hoàng Sa và Trường Sa trong hai triều Minh Mệnh và Thiệu Trị.
Về tư liệu Phương Tây do PTS Nguyễn Thừa Hỷ phụ trách đã có những phát hiện đáng kể trong đó có vụ Dayot giúp xây dựng hải quân và vẽ lại bản đồ Hoàng Sa cho Nguyễn Ánh hay một thương nhân Bồ Đào Nha dâng bản đồ Hoàng Sa cho Nguyễn Ánh. Ngoài ra cuộc khảo sát thực địa ở Cù Lao Ré do PTS Nguyễn Quang Ngọc, PTS Vũ Văn Quân thực hiện đã phát hiện các nguồn tư liệu ở dòng họ, làng xã có liên quan đến hoạt động của các đội Hoàng Sa qua các thời kỳ Chúa Nguyễn, nhà Tây Sơn dưới triều Nguyễn.
Trong Hội Thảo Quốc gia 18/1/1996 trên, gồm 15 bản báo cáo đóng góp đáng kể về việc nghiên cứu lịch sử tranh chấp Hoàng Sa với Trung Quốc cũng như tư liệu về phía Trung Quốc, từ tìm hiểu hệ thống bản đồ của Trung Quốc của Nguyễn Quang Ngọc để chứng minh cho đến 1909 bản đồ Trung Quốc chưa bao giờ vẽ đến Hoàng Sa đến quan điểm của Trung Quốc về Hoàng Sa - Trường Sa của Hoàng Ngọc Bảo, quan điểm của Đài Loan về Hoàng Sa - Trường Sa của Nguyễn Huy Quy hay tìm hiểu về bộ sưu tập tư liệu Hoàng Sa của Hàn Chấn Hoa (Trung Quốc) chủ biên do Phạm Kim Hùng phụ trách.
Ngoài ra vấn đề pháp luật quốc tế về thủ đắc lãnh thổ của Nguyễn Đăng Dũng hoặc án lệ đảo Clipperton của Đinh Ngọc Linh hoặc xây dựng hệ quản trị tư liệu Hoàng Sa - Trường Sa bằng máy tính của Nguyễn Quốc Toản. Một số công trình khác cũng được công bố như vấn đề Hoàng Sa - Trường Sa trong quan hệ Việt Trung trong cuốn Sự Thật về những lần xuất quân của Trung Quốc và quan hệ Việt Trung do nhà xuất bản Đà Nẵng in năm 1996 hay có tác giả tổng hợp lại những tài liệu đã công bố in thành sách như ông Nguyễn Q. Thắng.
Một số luận án phó tiến sĩ, tiến sĩ có liên quan đến Hoàng Sa và Trường Sa hay Biển Đông như luận án cuả PTS Trần Công Trục ở Việt Nam, của TS Nguyễn Hồng Thao ở Pháp (1996), của PTS Đỗ Hòa Bình ở Liên Xô cũng đã được bảo vệ, song chủ yếu về vấn đề pháp lý của Hoàng Sa và Trường Sa hay Biển Đông .
Ngoài ra còn có một số bài báo của nhiều tác giả đăng trên báo Nhân Dân, Tạp Chí Lịch Sử Quân Sự, Tạp Chí Hán Nôm, Tạp Chí Xưa và Nay. Như thế, các nhà nghiên cứu Việt Nam thật sự đã quan tâm và càng ngày càng đóng góp đáng kể vào việc nghiên cứu Hoàng Sa và Trường Sa.
Các nhà nghiên cứu Phương Tây cũng ngày càng quan tâm hơn về vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa. Pierre Bernard LaFont viết phần “Les Archipels Paracels et Spratley” trong cuốn Confit de frontières en mer de Chine Méridionale, xuất bản năm 1989 [165].
Đăc biệt cuốn La souveraineté sur les Archipels Paracels et Spratley của bà M.C. Gendreau [155], chủ tịch Hội Luật Gia Châu Âu là một công trình khoa học có quan điểm khách quan cho rằng Việt Nam là nước có đủ danh nghĩa thực thi chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Trên mạng internet tháng 12-1999 cũng có hơn 900 tài liệu nói đến Paracels và Spratley (hiện nay có 970 tài liệu).

3. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu và giới hạn đề tài
Đối tượng nghiên cứu của luận án là quá trình xác lập chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Tác giả đi sâu nghiên cứu những tư liệu minh chứng và những hoạt động cùng những lời khẳng định của nhà nước Việt Nam về việc xác lập, chiếm hữu, bảo vệ chủ quyền của mình trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong quá trình lịch sử khi chưa có sự xâm phạm của nước ngoài và trong thời kỳ bị xâm phạm chủ quyền.
Qua đó trình bày những luận điểm, luận cứ, luận chứng về chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa .
Trọng tâm nghiên cứu của đề tài là quá trình xác lập chủ quyền Việt Nam về mặt lịch sử trong thời kỳ chưa có xâm phạm của các nước ngoài và khi đề cập đến sự xâm phạm của các nước ngoài trong bối cảnh sự xâm phạm chủ quyền Việt Nam của Trung Quốc là chủ yếu và đưa ra những luận điểm phản bác đối với những biện minh xâm phạm chủ quyền Việt Nam của Trung Quốc vì chỉ có nước này mới thực sự quan tâm đến các luận điểm về lịch sử.
Từ đó đưa ra những đối sách lâu dài về việc bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

4. Phương pháp nghiên cứu và các nguồn tài liệu sử dụng
Phương pháp chủ yếu được sử dụng là phương pháp nghiên cứu lịch sử theo quan điểm duy vật lịch sử. Người nghiên cứu vận dụng phương pháp luận lịch sử và phương pháp nghiên cứu lịch sử cụ thể cùng phương pháp lôgích.

Công tác sưu tầm sử liệu được đặt lên hàng đầu, làm thế nào sưu tầm đầy đủ, phát hiện những tư liệu mới, tiếp cận đến các tài liệu gốc, tài liệu bậc một. Tác giả trước hết dựa vào các sách về thư tịch, những tài liệu tham khảo của các công trình nghiên cứu đã có trước, các tổng mục sách báo, sách dẫn. Tác giả còn đọc trực tiếp từng trang những tài liệu có khả năng đề cập đến Hoàng Sa vàTrường Sa.
Về các nguồn tài liệu được sử dụng, luận án quan tâm đến các nguồn tư liệu gốc, sử liệu bậc một, từ nguồn sử liệu chữ Hán của Việt Nam cũng như của Trung Quốc. Luận án phối kiểm các bản dịch khác nhau, kiểm tra các nguyên bản, xử lý thích đáng đối với các dị bản (phần lớn đã được kèm theo ở phần phụ lục). Tài liệu bằng chữ Hán của Việt Nam rất phong phú, trong đó có phần đã được tác giả sưu tầm và có nhiều chuyên viên chữ Hán phiên âm và dịch thuật vào năm 1975, khi tác giả chủ biên Tập San Sử Địa số 29 đặc khảo về Hoàng Sa, cũng như khi viết bài «Những sử liệu chữ Hán minh chứng chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa qua nhiều thế kỷ» dưới bút hiệu Hãn Nguyên.
Sau năm 1975, được bổ sung từ nguồn tư liệu châu bản rất có giá trị trong thời Minh Mạng và Thiệu Trị của Viện Hán Nôm Hà Nội, cũng như nguồn tư liệu chữ Hán do công sưu tầm của chuyên gia hán học đặc biệt về tài liệu của Trung Quốc như Phạm Kim Hùng hoặc của nhà sử học Tôn Thất Dương Kỵ, Nguyễn Quang Ngọc và Vũ Văn Quân đi nghiên cứu điền dã tại Sa Kỳ, Cù Lao Ré (huyện đảo Lý Sơn) hoặc các tài liệu của Ban Biên Giới Chính Phủ, Bộ Ngoại Giao.
Các nguồn tư liệu phương Tây đã được phổ biến trên sách báo cũng được tác giả sưu tầm, phối kiểm từ nguyên bản, chứ không chỉ qua các bài dịch hay đã được ghi chép lại trong các công trình nghiên cứu trung gian (có kèm ví dụ bản « photocopy » nguyên bản tư liệu ở phần phụ lục).
Công tác khảo chứng, xử lý, đánh giá tư liệu cũng được đặc biệt quan tâm. Người nghiên cứu còn sử dụng các phương pháp liên ngành như nghiên cứu địa lý, khảo cổ học, dân tộc học và luật học. Cuối cùng là tổng hợp lịch sử.

5. Cấu trúc của luận án
Luận án gồm 3 phần:
- Phần mở đầu gồm 6 mục.
- Phần kết quả nghiên cứu gồm 3 chương.
- Phần kết luận.
Sau cùng là danh mục công trình của tác giả, tài liệu tham khảo, chú thích, hình ảnh và phụ lục (xem mục lục).

6. Sự đóng góp của luận án
Luận án là công trình tổng hợp, có hệ thống, có tính đúc kết một cách mới mẻ những công trình nghiên cứu, những tư liệu đã được phát hiện từ trước đến nay, vừa đầy đủ nhất, với một số tư liệu mới và những luận cứ, luận chứng xác đáng góp phần đấu tranh bảo vệ chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa.
Với những kinh nghiệm tập hợp trên qui mô lớn những tư liệu trong và ngoài nước hồi biên tập Tập San Sử Địa số 29, đặc khảo về Hoàng Sa và Trường Sa, người nghiên cứu đã nỗ lực, có những khám phá mới về mặt tư liệu chưa có ai đề cập tới như tài liệu của chính người Trung Quốc, Thích Đại Sán trong Hải Ngoại Ký Sự [116] đã cho biết Chúa Nguyễn sai thuyền khai thác các sản vật từ các tàu bị đắm ở Vạn Lý Trường Sa tức Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam hoặc phát hiện thêm đoạn văn thứ 2 rất dài viết về việc xác lập chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa ở thời Vua Minh Mạng trong cuốn sách rất quan trọng có tính cách luật lệ của triều Nguyễn.
Đó là Khâm Định Đại Nam Hội Điển Sự Lệ, cùng tài liệu vẽ sơ đồ các thuyền buồm đóng theo truyền thống ở Cù Lao Ré được sử dụng đi biển, trong đóù có Hoàng Sa, Trường Sa còn lưu giữ trong dân gian tại thôn Đông, xã Lý Hải, Huyện Đảo Lý Sơn tức Cù Lao Ré khi xưa, do ông Nguyễn Hạp vẽ [38].

Luận án cũng đã trình bày việc Việt Nam quản hạt từ đầu thế kỷ XVII quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc về Quảng Ngãi khi là phủ, trấn, tỉnh trong thời kỳ chưa bị các nước ngoài xâm phạm. Sau đó thuộc quản hạt của tỉnh Thừa Thiên rồi hiện thuộc Đà Nẵng đối với Hoàng Sa và Bà Rịa Vũng Tàu, rồi Phú Khánh , Khánh Hoà đối với Trường Sa. Cũng trong thời kỳ chưa có sự xâm phạm của nước ngoài, vua, triều đình Việt Nam (thời Minh Mạng) đã tuyên bố khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa thuộc cương vực hiểm yếu của Việt Nam.
Luận án cũng đi sâu, trình bày một cách hệ thống những hoạt động mang tính nhà nước, xác lập chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của đội Hoàng Sa (địa bàn ra đời, thời gian hoạt động, nhiệm vụ, tổ chức và nội dung hoạt động khoảng 17 trang), cũng như đội Bắc Hải hoạt động dưới sự kiêm quản của đội Hoàng Sa trong khu vực phía Nam của Biển Đông tức quần đảo Trường Sa và vùng phụ cận (Côn Đảo, Hà Tiên). Luận án cũng đi sâu vào các hoạt động mang tính nhà nước rất cao là thủy quân suốt thời Nhà Nguyễn bắt đầu năm 1816, trở thành lệ hàng năm thời Minh Mạng thứ 17 (1836), với những hoạt động cắm cột mốc, bia chủ quyền xây dựng chùa miếu, trồng cây tại Hoàng Sa và Trường Sa.
Từ năm 1909, Hoàng Sa bắt đầu bị Trung Quốc và sau đó bị các nước khác xâm phạm chủ quyền, luận án trình bày các chính quyền ở Việt Nam có nhiệm vụ quản lý Hoàng Sa và Trường Sa chưa bao giờ từ bỏ chủ quyền của mình và luôn luôn củng cố, bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Tác giả còn phân tích về giá trị pháp lý của sự xác lập chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa cũng như Trường Sa. Tác giả đưa ra luận điểm, luận cứ và luận chứng về sự chiếm hữu thật sự, hoà bình và thực thi chủ quyền một cách liên tục, tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Tác giả phản bác lại những luận điểm sai trái biện minh cho sự xâm phạm của nước ngoài như của Trung Quốc về sự phát hiện sớm nhất, kinh doanh sớm nhất, quản hạt sớm nhất hoặc luận điểm vô chủ và địa lý kế cận của các nước khác ở Đông Nam Á. Tác giả cũng gián tiếp phản bác lại những phản bác của Trung Quốc về tư liệu Việt Nam hay các luận điểm của chính quyền Việt Nam.


Chương 1

Vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên 
của quần đảo Hoàng Sa và Trương Sa

1.1 Tên gọi và vị trí địa lý của quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa
Trước đây trong một thời gian dài, người Việt và người Phương Tây đều tưởng ở giữa Biển Đông chỉ có một quần đảo dài, đều gọi một tên chung, rất nhất quán. Người Việt gọi là Bãi Cát Vàng (   ) hay Cồn Vàng ( ) hoặc Hoàng Sa ( ). Hoặc có khi gọi là Đại Trường Sa (大長 ) hay Vạn Lý Trường Sa (   ).
Bãi Cát (Kát) Vàng hay Cồn Vàng là gốc từ chữ Nôm, Hoàng Sa gốc từ chữ Hán, đều đồng nghĩa (Sa = Cát, Hoàng = Vàng; Trường = Dài; Đại = Lớn; Vạn Lý = Vạn Dặm; Bãi là chỗ đất nổi lên ở ven hay giữa sông , biển; Cồn là gò đống nổi lên ở giữa sông hay biển). Danh xưng từ chữ nôm"Cát Vàng" rất được thông dụng trong dân gian, được dân gian đặt tên sớm. Tên gọi từ chữ Hán “Hoàng Sa” được giới nho sĩ dịch và viết ra về sau.
Người Bồ Đào Nha, Hòa Lan gọi quần đảo là Parcel hay Pracel (tiếng Bồ Đào Nha, Parcel có nghĩa là đá ngầm - ám tiêu; xem Eduardo Pinheiro, Dictionário Da Língua Portuguesa. Porto, Tipografia Sequeira, L.DA, 1948, tr.1042) vào đầu thế kỷ XVI; khi ấy người Phương Tây chưa biết đến các đảo ở phía Nam mà sau này gọi là Trường Sa; trên bản đồ thường ghi “I de Pracell”như bản đồ Bartholomen Velho (1560), bản đồ Fernao Vaz Dourado (1590), bản đồ Van Langren (1595).
Người Pháp, Anh gọi là Paracel vào thế kỷ XVII, XVIII trên các bản đồ hàng hải. Mãi đến năm 1787-1788, khi đoàn khảo sát Kergariou Locmaria xác định rõ ràng và chính xác vị trí của quần đảo Paracel như hiện nay, người Phương Tây mới bắt đầu phân biệt quần đảo Paracel ở phiá Bắc với quần đảo ở phía Nam mà sau này đến thập niên 40 trong thế kỷ XX người Pháp mới gọi là Spratly (1.1) chỉ chung cho quần đảo Trường Sa. Còn đối với người Việt, từ đầu thế kỷ XVIII đã kiểm soát vùng Biển Đông tới tận Hà Tiên, như Lê Quý Đôn trong Phủ Biên Tạp Lục đã cho biết Đội Bắc Hải trực thuộc Đội Hoàng Sa đã phụ trách riêng các đảo phía Nam của Bắc Hải và tới tận Côn Lôn, Hà Tiên.
Tuy sang thế kỷ XIX, đã thấy địa danh Vạn Lý Trường Sa ở phía Nam ghi cùng với Hoàng Sa ở phía Bắc trong Đại Nam Nhất Thống Toàn Đồ, song vẫn chưa phân biệt thật rõ rệt mà vẫn chỉ chung một quần thể. Ngay thời Ngô Đình Diệm năm 1956 cũng thể hiện khái niệm “hai quần đảo là một” khi trong văn bản ghi Hoàng Sa chỉ cả hai quần đảo Paracel và Spratley.
Một điều hết sức đặc biệt là có sự nhất quán hết sức rõ ràng giữa danh xưng quần đảo tên Việt và tên Phương Tây, khi Giám Mục Taberd ghi rất rõ ràng ở bản đồ An Nam Đại Quốc Họa Đồ với hàng chữ: Paracel seu Cát Vàng . (Tiếng Latinh seu = hoặc là). Cũng chính Giám mục Taberd đã viết Paracels được người Việt gọi là Cát Vàng trong cuốn Univers, Histoire et Description de Tous Les Peuples, de Leurs Religions, Moeurs et Coutumes (1833).
Điều này không hề có ở Trung Quốc cũng như bất cứ nước nào khác. Chỉ ở Việt Nam mới chắc chắn Cát Vàng hay Hoàng Sa chính là Paracel do Phương Tây đặt tên. Chính điều này là bằng chứng rất rõ ràng người Phương Tây ít ra từ đầu thế kỷ XIX đã xác nhận Paracel chính là Cát (Kát) Vàng tức Hoàng Sa của Việt Nam.

Thật khác với người Phương Tây hay Trung Quốc, tên gọi được đặt hai quần đảo này chỉ thuần túy do nhu cầu hàng hải, tên gọi Hoàng Sa được người Việt đặt do việc xác lập chủ quyền ở hai quần đảo này, bởi đồng thời “Hoàng Sa” dùng để chỉ tên một tổ chức do nhà nước thành lập khai thác, kiểm soát, làm chủ các hải đảo mang tên “Hoàng Sa”.
Như thế bản thân tên gọi “Hoàng Sa” là bằng chứng cho sự xác lập cũng như thực thi chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa. Quần đảo Hoàng Sa & Trường Sa nằm trong Biển Đông. Đã từ lâu, người Việt đã nói đến Biển Đông trong ca dao tục ngữ: “Thuận vợ, thuận chồng, tát Biển Đông cũng cạn” hay “Dã tràng xe cát Biển Đông”.
Người Trung Hoa thường gọi là Nam Hải, song cũng tùy theo từng thời kỳ lịch sử người Trung Hoa đã tên gọi khác nhau như biển Giao Chỉ (Giao Chỉ Dương).
Ngoài ra, ven tỉnh Quảng Đông, người Trung Hoa còn gọi là Việt Hải, Việt Dương. Các nhà hàng hải Phương Tây từ thế kỷ XVI thường gọi là biển Champa (Ciampa), hay biển Trung Hoa hay Nam Trung Hoa. Cũng như người ta thường gọi biển kế cận Ấn Độ là Ấn Độ Dương. Song chẳng bao giờ Ấn Độ Dương là của Ấn Độ cũng như Biển Trung Hoa là của Trung Hoa cả. Đúng ra, Biển Đông bao quanh hầu hết các nước Đông Nam Á như Việt Nam, Philippines, Indonesia, Brunei, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Campuchia, nên phải gọi là Biển Đông Nam Á mới đúng.
Từ nhiều thập niên qua, đã có nhiều nhà khoa học cố gắng giải thích sự hình thành nền văn hóa hàng hải của dân Việt nói riêng và của dân Đông Nam Á nói chung, có những sắc thái hoàn toàn khác với văn hoá lục địa Trung Hoa.
Một số lý thuyết được tóm tắt như sau: Chrester Norman cho rằng nền Văn Minh Hòa Bình được tạo dựng trong thời gian lục địa Sunda bị ngập nước. Khi đó Vịnh Bắc Bộ và Vịnh Thái Lan lúc trước là hai vùng đồng bằng trũng. Lý thuyết Norman cho rằng một số dân Đông Nam Á khởi sự trước hết bằng cuộc sống ở duyên hải, sau này hội nhập với dân cư vùng cao nguyên, nhưng rồi lại trở về vùng đồng bằng gần biển, sau nữa phát triển về hàng hải (“The Hoabinhian and After: Subsistence Patterns in Southeast Asia during the Late Pleistocene and Early Periods”, World Archaecology 2, No.3, 1971, pp 300-320). [107]
Wilheim G.Solheim cho rằng 6000 năm trước, dân Đông Nam Á đã mạo hiểm ra khơi. Gió bão và hải lưu của Biển Đông và Thái Bình Dương đã cuốn trôi một số người tới Nhật Bản, trong khi các nhóm khác bị quét sang PhilippinesIndonesiaMalaysia.
Tiếp theo, những toán dân chúng di chuyển tới các đảo ở ngoài khơi Thái Bình Dương và sang Madagascar. Cũng theo Solheim, Biển Đông thời cổ còn là nơi phát sinh những đường hàng hải giao tiếp với các nơi ở dọc biển Á Châu, Âu Châu, Phi Châu và cả Mỹ Châu nữa. Solheim lý luận rằng chỉ có sự kiện Đông Nam Á giữ vai trò trung tâm phân tán như trục một cái bánh xe tỏa nan hoa ra khắp nơi mới giải thích được hiện tượng lịch sử là tại sao các chủng tộc khác biệt của loài người sống xa cách nhau trên thế giới lại có nhiều sự tương đồng về sinh hoạt văn hoá như vậy (“World Ethnographic Sample...A Possible Historical Explanation”,American Anthropologist, 70, 1968, p569). [107] 
Hình 1.1: Quan-niệm truyền-bá ngôn-ngữ ĐNÁ đi khắp thế-giới 
theo đường hàng-hải, khởi-sự từ Biển Đông (Paul Rivet, 1929)
Nhà ngữ học Pháp Paul Rivet đã có nhiều cuộc nghiên cứu và kết luận rằng: “Từ Đông Nam Á, một thứ ngôn ngữ đã được truyền bá đi bằng đường hàng hải đến Nhật Bản, Tasmania, Địa Trung Hải, Phi Châu và Mỹ Châu”(Sumerien et Océanien, Collection Linguistique, Paris, 1929). (hình 1.1) [107]
Carl Sauer duyệt xét những biến chuyển về địa lý Biển Đông, ý thức tầm quan trọng của ngư nghiệp và hàng hải trong tiến trình văn minh Đông Á thời cổ, khác biệt hẳn với các nơi khác trên thế giới. Vì Biển Đông có hai vụ gió mùa, nên việc hải hành viễn duyên khi đi cũng như khi về rất tiện lợi. Sự trao đổi hàng hóa nâng cao kỹ thuật chế tạo phẩm vật.
Trước đây 2500 năm, trống đồng chính là thành tích rõ ràng nhất minh chứng khả năng hàng hải của dân Lạc Việt.(Agricultural Origins and Dispersals, Series Two, New York, 1952, pp24-25) [107].


Hình 1.2: Biển Đông (trích bản-đồ của National Geographic March 1971)
Những hoa văn nhiều hình thuyền trên trống đồng, thạp đồng thời đại Đông Sơn, thời đại Hùng Vương đã minh chứng hùng hồn dân Việt thời cổ đã coi trọng phương tiện đi lại bằng thuyền như thế nào! Có những dự đoán của các nhà khoa học, chừng một vài thiên kỷ sắp đến, mực nước Biển Đông sẽ bắt đầu rút trở xuống. Căn cứ vào mực nước biển lên xuống trong quá khứ, nếu không có gì thay đổi, trong vòng dăm ba ngàn năm tới, cả Vịnh Bắc Bộ và Vịnh Thái Lan sẽ trở thành khô cạn, Biển Đông trở thành biển nội địa, đường hàng hải quốc tế không còn qua Biển Đông nữa (Xem bản đồ của National Geographic, March, 1971) . (hình 1.2, hình 1.3) [107]
Hai quần đảo cách nhau khoảng 500km, trải dài từ Bắc xuống Nam khoảng 11 vĩ độ, từ vĩ độ 17o 05B xuống 6o20’9”B, từ Tây sang Đông khoảng 7 kinh độ, từ kinh độ 110o Đ đến kinh độ 117oĐ. Cả hai quần đảo này gồm nhiều đảo, đá, bãi cạn có nguồn gốc san hô. Tổng diện tích phần thường xuyên nổi lên mặt nước của mỗi quần đảo khoảng hơn 10km2.
Tuy hai quần đảo cách xa nhau song mỗi quần đảo lại có một số đảo gần miền bờ biển đất liền nhô ra biển của Việt Nam tức vùng đất từ mũi Ba Làng An đến mũi Kê Gà (từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận). Vị trí này khiến dân từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận có mối liên hệ lâu đời với hai quần đảo trên mà người Việt trong một thời gian dài đã coi gộp chung là một như chúng ta đã biết hoặc gọi là Hoàng Sa, hoặc gọi là Vạn Lý Trường Sa ( Xem hình 1.4, 1.5, 1.6). 
                                        Hình 1.4: Vị trí Hoàng Sa và Trường Sa trong Biển Đông

1.2 Quần đảo Hoàng Sa
Quần đảo Hoàng Sa nằm trong một phạm vi rộng khoảng 15.000km2 , giữa kinh tuyến 111 độ Đ đến 113 độ Đông, khoảng 95 hải lý (1 hải lý = 1,853 km), từ 17o05 xuống 15o45 độ vĩ Bắc, khoảng 90 hải lý; xung quanh là vùng biển có độ sâu hơn 1000m, song giữa các đảo có độ sâu thường dưới 100m. Quần đảo Hoàng Sa nằm ngang bờ biển các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam và một phần Quảng Ngãi. Về khoảng cách với đất liền, quần đảo Hoàng Sa nằm gần đất liền Việt Nam hơn cả: Từ đảo Triton đến Mũi Ba Làng An (Cap Batangan:15độ vĩ B, 108độ 6’ kinh Đ), tức đất liền lục địa Việt Nam đo được 135 hải lý , cách Cù Lao Ré chỉ có 123 hải lý, trong khi đó khoảng cách đảo gần nhất tới bờ đảo Hải Nam xa tới 140 hải lý (đảo Hoàng Sa-Pattle:16 độ vĩ B, 111độ6’ kinh Đ và Ling-Sui hay Leong Soi : 18độ vĩ B, 110 độ 03 kinh Đ); nếu tính tới đất liền lục địa Trung Hoa còn xa hơn nhiều, tối thiểu là 235 hải lý . (hình 1.7) 

Hình 1.7: Quần đảo Hoàng Sa 

Đoạn bờ biển từ Quảng Trị chạy dài xuống tới Quảng Ngãi đối mặt với các đảo Hoàng Sa luôn hứng gió Mùa Đông Nam hay Đông Bắc thổi vô, nên thường tiếp nhận các thuyền bị bão làm hư hại ở vùng biển Hoàng Sa (hình 1.8). Các vua chúa Việt Nam hay chu cấp phương tiện cho các thuyền bị nạn ấy về nước, nên họ thường bảo nhau tìm cách tạt vào bờ biển của Việt Nam để nhờ cứu giúp. Chính vì thế, Hoàng Sa từ rất sớm đã được người Việt biết tới, hết sức quan tâm, cùng xác lập và thực thi chủ quyền của mình. Trong khoảng 30 đảo, đá, bãi, cồn, hòn trên, hiện có 23 đã được đặt tên, gồm 15 đảo, 3 bãi, 3 đá, 1 cồn, 1 hòn. Các đảo trên không cao, cao nhất là Đảo Hòn Đá (50 feet), đảo thấp nhất là Đảo Tri Tôn (10 feet). Các đảo chính gồm 2 nhóm: - Nhóm Lưỡi Liềm (Crescent group) ở Tây Nam. - Nhóm An Vĩnh (Amphitrite Group) ở Đông Bắc.

1.2.1 Nhóm Lưỡi Liềm:
Nhóm Lưỡi Liềm còn gọi là Trăng Khuyết hay Nguyệt Thiềm, theo như Sơn Hồng Đức nếu nhìn từ máy bay xuống , nhóm đảo này trông hình như chiếc bánh “croissant” châu đầu vào nhau. Có 7 đảo chính và vô số mỏm đá.
Đảo Hoàng Sa (Pattle, Shanhu Dao) (hình 1.9, đảo Hoàng Sa) [Tập San Sử Địa số 29] Tuy là đảo chính nhưng không phải là đảo lớn nhất, có vị trí quân sự quan trọng nhất cho việc phòng thủ bờ biển Việt Nam, hơn cả đảo Phú Lâm.
Đảo nằm trên tọa độ 16 độ 32,3 vĩ B , 111độ 35,7 kinh Đ, hình bầu dục, dài khoảng hơn 900m, rộng khoảng gần 700m, diện tích chừng 0,3km2 (30ha) [27, tr.21]gồm cả vòng san hô bao quanh.
Trước ngày 19 tháng 1 năm 1974, ngày Trung Quốc xâm chiếm, đảo này đã được Việt Nam xây dựng căn cứ quân sự, nhà cửa, đài khí tượng, hải đăng, miếu thờ Bà, cầu tàu, bia chủ quyền.
Cho đến ngày Trung Quốc xâm chiếm, bia chủ quyền vẫn còn giòng chữ như sau: “République Francaise - Empire d’Annam-Archipel des Paracels”. Về Đông Bắc Đảo vẫn còn vài ngôi mộ binh lính thời Nhà Nguyễn. Phía Tây Nam đảo có một am thờ gọi là Miếu Bà, có một pho tượng Phật Bà Quan Âm (hình 1.10).
Đài khí tượng với danh xưng “Station d’Observation 838” chính thức hoạt động từ năm 1938 thường với 5 nhân viên thuộc ty Khí tuợng Hoàng Sa do chính quyền Nam Việt Nam quản lý (hình 1.11).
Từ năm 1931 đến 1975 thường xuyên có một trung đội lính từ Quảng Nam (Trung bộ Việt Nam) (hình 1.12, hình 1.13) [Tập San Sử Địa số 29]. Đảo Hữu Nhật (Robert, Canquan Dao hay Cam Tuyền) (hình 1.14, hình 1.15) Đảo mang tên suất đội thủy quân Phạm Hữu Nhật được vua Minh Mạng phái ra Hoàng Sa đo đạc thủy trình, vẽ bản đồ vào năm 1836. Phía Nam đảo Hoàng Sa cách độ 3 hải lý, hình bàu tròn, đường kính 800m, chu vi 2000 m, diện tích khoảng 0.32km2 (32ha) [17,tr.20] có vòng đai san hô bao ngoài xa, giữa là vùng bể lặng. Nằm ở tọa độ 111độ344’ kinh Đ, 16độ 30’60 vĩ B. Chung quanh đảo cây cối um tùm, chính giữa là lòng chảo không sâu cho lắm. Biển quanh đảo có nhiều rong biển, phủ kín cả mặt biển. Nơi đảo này vì không người ở, nên con vích thường lên bờ đẻ la liệt từ tháng 3 đến tháng 8 âm lịch.
Đảo Duy Mộng (Drummond, Jinquing Dao) Đảo ở phiá Đông Nam đảo Hữu Nhật, phía Đông Bắc đảo Quang Hoà, nằm trên tọa độ 111 o 44’kinh Đ,16 o 28’ vĩ B, cũng do san hô cấu tạo thành, bãi san hô ra xa đảo, nhô lên khỏi mặt nước khoảng 4m. Đảo hình bầu dục, diện tích khoảng 0,41km2(41ha) [17,tr.21] không có loại cây lớn, chỉ toàn loại cây nhỏ. Giữa đảo là vùng đất trống, có thể định cư được. Đảo có một con lạch nhỏ, có thể dùng ghe nhỏ vào sâu trong nội địa. Tàu có thể neo cách đảo 200m. Có nhiều chim biển và con vít sống trên đảo.
Đảo Quang Hòa (Duncan, Chenhang Dao) (hình 1.16) Đảo nằm trên toạ độ 111o42’kinh Đ, 16o 26’ vĩ B cũng do san hô tạo thành, là đảo lớn nhất trong nhóm đảo Lưỡi Liềm (Crescent Group). Chung quanh đảo là bãi cát mầu vàng (hoàng sa hay cát vàng). Vòng san hô lan ra rất xa khỏi bìa đảo. Cạnh đảo lớn còn có những đảo nhỏ, nối liền nhau bằng bãi cát dài.
Một vài bản đồ địa chất ghi Quang Hoà thành hai đảo Quang Hoà Đông và Quang Hoà Tây. Quang Hoà Đông có rừng cây nhàu, một loại cây dùng để làm thuốc thường thấy ở Trung Bộ và Nam Bộ Việt Nam và cây phosphorite mọc ở phía Tây của đảo, nhiều cây cao tới 5 m. Phần đảo phía Đông trơ trụi chỉ có dây leo sát mặt đất. Chu vi đảo 2.700m, diện tích khoảng 0,48km2 (48ha) [17, tr.21]

Quang Hoà Tây là một đảo nhỏ, gần hình tròn, chu vi 1000m, chỉ bằng 1/10 đảo Quang Hoà Đông, khoảng 0,09 km2 (9ha), cùng có những loại cây như ở đảo Quang Hoà Đông nhưng chỉ cao khoảng 3m.
Đảo Quang Ảnh ( Money Island, Jinyin dao, Kim Ngân (TQ)) (hình 1.17). Đảo nằm ở trên toạ độ 1110 36’kinh Đ, 1600 27 vĩ B do san hô tạo thành, nhô lên mặt nước độ 6 m, nơi cao nhất trong nhóm đảo Lưỡi Liềm. Chung quanh đảo bờ biển có nhiều đá ngầm sắc nhọn rất nguy hiểm, tàu lớn không thể cặp neo được. Các tàu lớn phải neo ở ngoài khơi, muốn vào đảo phải sử dụng thuyền nhỏ. Vì địa thế hiểm trở và trên đảo không có nước ngọt, nên ít vết chân người lui tới.
Đảo mang tên Phạm Quang Ảnh, một đội trưởng Hoàng Sa được vua Gia Long sai đo đạc thủy trình ở Hoàng Sa năm 1815, hiện có hậu duệ và nhà thờ họ ở Cù Lao Ré. Đảo hình bầu dục, hơi tròn, chu vi khoảng 2.100 m, diện tích khoảng 0,3 km2 (30 ha) [17,tr.21]. Có một số cây lớn mọc ở giữa đảo cao tới 5 m. Ở phía ngoài của đảo có các cây phosphorite và một loại cây khác giống cây mít không có trái.
Nhóm đảo Lưỡi Liềm ngoài 5 đảo trên còn 4 đảo nhỏ như đảo BaBa (Hoàn Thử, 1110 40 kinh Đ, 160 36 vĩ B), đảo Ốc Hoa (Toàn Phủ, 1110 38 kinh Đ, 160 36 vĩ B), đảo Lưỡi Liềm (Crescent Island, Đảo Thạch, 1110 46 kinh Đ, 160 34 vĩ B), đảo Xà Cừ (111o 42 kinh Đ, 16o 33 vĩ B ), và các đá như đá Hải Sâm (Antelope Reef, 111o 34 kinh Đ, 16o 29 vĩ B), đá Lồi (Discovery Reef, Yuzhuo Jiao, 111o 40 kinh Đ, 16o 14 vĩ B), đá Chim Yến (Vuladdore Reef, 112o 04 kinh Đ, 16o 21 vĩ B), đá Bạch Qui (Passu Keah Reef,Panshi Yu, 111o 455 kinh Đ, 16o 03 vĩ B).

1.2.2 Nhóm An Vĩnh (1.2) (Amphitrite Groupe, (1.3)
Nhóm đảo An Vĩnh bao gồm các đảo tương đối lớn và cao nhất thuộc quần đảo Hoàng Sa, cũng là các đảo san hô lớn nhất của Biển Đông. Đảo lớn nhất là đảo Phú Lâm.
Đảo Phú Lâm (Woody Island, YongxingDao) Đảo nằm ở toạ độ 112 20 kinh Đ, 16o 50 vĩ B. Đảo lớn nhất trong quần đảo,bề dài 3.700m và ngang 2.800m [31, tr.185]. Trên đảo cây cối um tùm, có vài cây dừa, nên gọi là Phú Lâm. Ở đây chim hải âu sinh nở từ thế kỷ này sang thế kỷ khác, để lại một lớp guano (phân đen) dày tới 50 cm. Đây là đảo duy nhất từ xa có thể nhìn thấy được. Đảo có cầu tàu lớn, sân bay, đài kiểm báo và nhiều phương tiện quân sự khác.

Các đảo khác:
Tất cả các đảo, bãi thuộc quần đảo Hoàng Sa đều ở dưới vĩ tuyến 17, trừ Đá Bắc (North Reef, Beijiao, 111o 381 kinh Đ, 17o 05 vĩ B), tại bãi này có nhiều xác tàu bị đắm nhiều nhất. Cụm An Vĩnh còn có đảo Cây (Tree Island, Zhaoshudao), 112o16 kinh Đ, 16o 50 vĩ B) Nhà cầm quyền thực dân Pháp đã xây dựng một đài quan trắc khí tượng, số hiệu trong danh sách World Meteorological Organisation là 48859. Đảo Bắc (North Island, Beidao, 112o 183 kinh Đ, 16o 57 vĩ B) Đảo Nam (South Island, Nandao, 112o 197 kinh Đ, 16o 567 vĩ B) Đảo Giữa (Middle Island, Zhongdao, 112o 197 kinh Đ, 16o 567 vĩ B) Đảo Đá (Rocky Island, 112o 19 kinh Đ, 16o 51 vĩ B) ở phía Tây Bắc đảo Phú Lâm. Cồn Cát Tây (West Sand, Xi Shazhou, 112o 12 kinh Đ, 16o 587 vĩ B) Cồn Cát Nam (South Sand, Nan Shazhou, 112o 203 kinh Đ, 16o 57 vĩ B)

1.2.3 Nhóm Linh Côn
Nằm về phía cực Đông của quần đảo Hoàng Sa. Đảo nằm vào kinh độ 112o 44 kinh Đ, vĩ độ 16o 40. Các đảo thuộc nhóm này không mấy quan trọng, chỉ là những mỏm san hô nhấp nhô trên mặt nước biển. Linh Côn là tên một chiếc tàu bị nạn ở đây vào đầu thế kỷ XX.
Lớn nhứt là đảo Linh Côn, diện tích chừng 1,62 km2, trên đảo có nước ngọt. Vùng san hô bao quanh kéo dài về phía Nam tới 15 hải lý. Phía Tây nhóm đảo Linh Côn, còn có Đá Tháp (Pyramid Island, 112o 385 kinh Đ, 16o 345 vĩ B), bãi Thủy Tề (Neptuna Bank, Beibianlang, 112o 31 kinh Đ, 16o 30vĩB ). Phía Nam, Tây Nam còn có bãi Quảng Nghĩa (Jehangir Bank, Zhanhan tan), bãi Châu Nhai (Bremen Bank, Bimmeitan), bãi Tân Mê (112o 32 kinh Đ, 16o 18 vĩ B), bãi Bồng Bay (Bombay Reef, Langhua jiao, 112o 30 kinh Đ, 16o 02 vĩ B), bãi Gò Nói (Dido Bank, Xidu tan, 112o 55 kinh Đ, 16o 49 vĩ B), bãi Ốc Tai Voi (Herald Bank, 112o 16 kinh Đ, 15o 40 vĩ B), Bãi La Mác (111o 34 kinh Đ, 16o 31 vĩ B).
Ngoài ra ở cực Nam còn có đảo Tri Tôn (Triton Island, Zhongjian dao, 111o 12kinh Đ, 15o 46 vĩ B). Đây là hòn đảo đơn độc, ít người lui tới, nhưng rất nhiều hải sản, san hô đủ màu.

1.3 Quần đảo Trường Sa
Người Pháp gọi là Archipel des Iles Spratly (h. 1.18), người Anh, Mỹ gọi là Spratley Islands hay Spratlies. Trung Quốc gọi là Nansha (Nam Sa) hay Nan Wei quần đảo, Philippines gọi là Kalayaan. Nhật gọi là Shinnan Guto.
Quần đảo Trường Sa cách quần đảo Hoàng Sa hiện nay tính đến đảo gần nhất vào khoảng 350 hải lý, đảo xa nhất 500 hải lý, cách Vũng Tàu 305 hải lý, Cam Ranh 250 hải lý, đảo Phú Quốc 240 hải lý, cách Bình Thuận (Phan Thiết) 270 hải lý.
Quần đảo trải dài từ vĩ độ 6o 2 vĩ B tới 11o 28 vĩ B, (1.4) từ kinh độ 112o Đ đến 115o Đ trong vùng biển chiếm khoảng 160.000km2 - 180.000km2 . Biển tuy rộng nhưng diện tích các đảo, đá, bãi nổi lên khỏi mặt nước lại rất ít, chỉ tổng cộng khoảng 11 km2.
Về số lượng đảo theo thống kê của Tiến Sĩ Nguyễn Hồng Thao (Vụ Biển thuộc Ban Biên Giới Chính Phủ) năm 1988 bao gồm 137 đảo, đá, bãi (1.5) không kể 5 bãi ngầm thuộc thềm lục địa Việt Nam (gồm bãi Phúc Tần, Huyền Trân, Quế Đường, Phúc Nguyên, Tứ Chính) (1.6). 

Hình 1.18:Quần đảo Trường Sa 

Theo thống kê của Pháp năm 1933 gồm 9 đơn vị chính và các đảo, đá, bãi phụ cận. Philippines đã liệt kê một danh sách 53 đơn vị gồm hòn đảo và cù lao trong một khu vực 976 dặm vuông. Căn cứ vào hải đồ vẽ năm 1979 của Cục Bản Đồ Quân Sự Bộ Tổng Tham Mưu (Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam), quần đảo Trường Sa có thể chia làm 9 cụm chính kể từ Bắc xuống Nam:

1. 3.1 Cụm Song Tử

Gồm 2 đảo, 2 đá, 2 bãi :
Đảo Song Tử Đông, đảo Song Tử Tây. Song Tử Đông (Northeast Cay, Pei Zi Dao hay Pei -tzu Tao (Trung Quốc), Parola Isl. (Phi), 11o27 vĩ B, 114o 21 kinh Đ) Song Tử Tây (Southwest Cay, Nan Zi Dao hay Nan -tzu Tao (Trung Quốc), Pugad Isl., (Phi) 11o255 vĩ B, 114o 20 kinh Đ)

Hai hòn đảo này như sinh đôi nằm ở cực Bắc của quần đảo Trường Sa, ngang vĩ độ với Phan Rang (Ninh Thuận). Chính vì có vị trí này mà đội Bắc Hải hoạt động ở vùng này từ cuối thế kỷ XVII lấy xuất đinh từ tỉnh Bình Thuận. Trên đảo có những cây cao trung bình, nhiều phân chim có thể chế biến thành phân bón. Vòng quanh hai đảo này, về phía Đông và Nam chừng năm hải lý có nhiều mỏm đá ngầm. Rong biển mọc nhiều ở đây.
Song Tử Đông hơi tròn (hình.1.19), diện tích gần 20 acres, dài 900m , rộng 250m, cao độ 3m, có nhiều bãi cát và san hô xung quanh, nhiều cây cối, một ít dừa. Năm 1963, Việt Nam Cộng Hoà có dựng một bia chủ quyền. Philippines cho quân chiếm đóng từ năm 1968.
Song Tử Tây hình lưỡi liềm, diện tích nhỏ hơn Song Tử Đông, dài 700m, rộng 300m, có nước ngọt, có một vườn dừa và nhiều cây nhỏ. Có tháp rađa thời Việt Nam Cộng Hoà. Hiện Quân Đội Nhân Dân Việt Nam đang trấn giữ cả hòn đảo (hình 1.22) . Cụm Song Tử còn có Đá Bắc (North Reef , Pei Jiao hay Tung - pei -Chiao (Trung Quốc), 11o28 vĩ B, 114o23 kinh Đ), Đá Nam (South Reef, Nan Jiao hay Nai -lo - Chiao, 11o23 vĩ B, 114o 18 kinh Đ) Phía Đông cụm Song Tử còn có bãi cạn Đinh Ba ở phía Bắc (Trident Shoal, Yong deng Ansha hay Yung -teng An - sha (Trung Quốc ), TatLong, Tulis Shoal (Phi), 11o20, 114o 42 kinh Đ) và bãi Núi Cầu (Lys Shoal, Lesi Ansha (Trung Quốc ), Bisugo Shoal (Phi), 11o205 vĩ B, 114o 35 kinh Đ ở phía Nam.

1.3.2 Cụm đảo Thị Tứ
Ở phía Nam cụm Song Tử, gồm đảo Thị Tứ và các bãi đá. - Đảo Thị Tứ (ThiTu Island, Zhong Ye Dao hay Chung -Yeh Tao (Trung Quốc), Pagasa Isl (Phi), 11o027 vĩ B, 114o 17 kinh Đ). Đảo nằm ở phía Đông Bắc của đảo Trường Sa (Spratley) do san hô tạo thành lẫn với cát trắng và đá vôi (hình 1.23). Đảo hình bầu dục, bề ngang 550m, dài 700m, có giếng nước ngọt. Trên đảo có cây mù u, cây bàng, nhiều cây leo chằng chịt. Chung quanh đảo có rất nhiều rong biển và các bãi đá ngầm. Quanh đảo có nhiều cá, đồn đột, rong biển. (Quân binh Philippines bắt đầu đổ bộ năm 1968 song chiếm đóng hẳn năm 1970, xây phi đạo nối dài ra biển, xây dựng thành căn cứ chính).
Phía Bắc đảo Thị Tứ gồm Đá Hoài Ân (Xandi, 11o03 vĩ B, 114o 134 kinh Đ), đá Tri Lễ (Sand Cay, 11o037 vĩ B, 114o 154, đá Trâm Đức (11o045 vĩ B, 114o 22kinh Đ),đá Vĩnh Hảo (11o045 vĩ B, 114o 22 kinh Đ), đá Cái Vung (11o079 vĩ B, 114o 115 kinh Đ). -Phía Nam đảo Thị Tứ là đá Xu Bi (Subi Reef, Zhu Bi Jiao, Zamora Reef (Phi), 10o54 vĩ B, 114o 06 kinh Đ), cách đảo Thị Tứ chừng 14 hải lý (đã bị Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa chiếm đóng năm 1988) .

1.3.3 Cụm đá Loai Ta
Ở phía Đông cụm Thị Tứ, gồm đảo Loai Ta phía dưới và cồn san hô Lancan hay An Nhơn (Lankian Cay, Yang xin Zhou, Panata, 10o45 vĩ B, 114o 33 kinh Đ) ở phía Đông. Phía Bắc cụm là đảo Loai Ta (10o407 vĩ B, 114o 248 kinh Đ, (Loaita Island, Nan Yue Dao (Trung Quốc), Kota (Phi) (hình 1.24) ). Đảo hình tròn, đường kính 300m, cao chừng 2 m, nhiều cây lớn mọc quanh đảo. Phía Bắc đảo có nhiều cây dừa.
Vòng quanh đảo có nhiều bãi cát trắng tạo nên vẻ đẹp nên thơ, Có giếng nước ngọt nhưng rất ít nước. Philippines chiếm đóng đảo sau 1970. Cụm còn có đá An Lão (Menzies Reef, Mong zi Jiao (Trung Quốc), Lakandula Reef, 11o083 vĩ B, 114o 48 kinh Đ), bãi Đường (Chang tan (Trung Quốc), 11o vĩ B, 114o 42 kinh Đ), bãi An Nhơn Bắc (đá cuội) (Ku gui Jiao (Trung Quốc), 10o465vĩ B, 114o 34 kinh Đ) bãi Loại Ta (Loaita Reef, Shuan huan Shazhou, 10o422 vĩ B, 114o 210 kinh Đ), bãi Loại Ta Nam (Loaita Bank, Shuan huan Shazhou, 10o427 vĩ B, 114o 195 kinh Đ). Phía Đông cụm Loại Ta còn có đảo Dừa và Đá Cá Nhám.

1.3.4 Cụm đảo Nam Yết hay Ti Gia
Ở phía Nam cụm Loại Ta, nằm kết một vòng san hô Tizard Bank, gồm đảo Nam Yết (Namyit Island, Hong xiu dao, 10o 11 vĩ B, 114o 217 kinh Đ), đảo Sơn Ca (Sand Cay, Dungian shazhou, 10o 227 vĩ B, 114o 285 kinh Đ), đảo Ba Bình (Itu Aba Island, Taiping dao, 10o 228 vĩ B, 114o 217 kinh Đ), cùng bãi Bàn Than (10o 231 vĩ B, 114o 245 kinh Đ), đá Núi Thị (Petley Reef, Bolan jiao, 10o 247 vĩ B, 114o 348 kinh Đ), đá Én Đất (Eldad Reef, Anda jiao, 10o 21 vĩ B, 114o 41 kinh Đ), đá Lạc (Meiji jiao, 10o 102 vĩ B, 114o 148 kinh Đ), đá Gaven (Gaven Reef, Nan xun jiao, 10o 127 vĩ B, 114o 13 kinh Đ), đá Lớn (Great Discovery Reef, Daxian jiao, 10o 045 vĩ B, 113o 52 kinh Đ), đá Nhỏ (Small Discovery Reef, Xiaoxien jiao, 10o 015 vĩ B, 114o 015 kinh Đ), đá Đền Cây Cỏ (Western or Flora Temple Reef, Fulusi jiao, 10o 147 vĩ B, 114o 375 kinh Đ).
Cụm này có đảo rộng nhất của Trường Sa là Ba Bình và cao nhất là đảo Nam Yết và nhiều lùm cây cao lớn nhất. +Đảo Nam Yết (NamYit Isl., Hong xiu dao (Trung Quốc), Binago (Phi), 10o11vĩ B, 114o 217 kinh Đ) (hình 1.25).
Đảo lớn thứ hai sau Ba Bình, song là hòn đảo cao nhất của quần đảo, ở phía Nam của cụm, hình chữ C, dài khoảng 700m, rộng 250m, cao 4,7m (15ft) (sách China's Boundaries của Ying Cheng Kiang (Illinois, 1984) ghi đảo này cao tới 61ft, Ocean Year Book 10 (Chicago, 1993) ghi kể cả cây cao 20m).
Trên đảo có nhiều loại cây, nhiều nhất là cây xú hương (cao hơn 3 m), cây nhàu (cao hơn 3m), mù u (5m), dừa cao nhất (khoảng 12m) và nhiều giống cây nhỏ, cỏ gai vùng nhiệt đới. Chim, vích ở đây rất ít.
Giếng nước không ngọt hơi lờ lợ. Chung quanh đảo có vòng san hô và nhiều bãi đá ngầm. (Phía Bắc đảo có cầu tàu, đối diện với đảo Ba Bình do Đài Loan chiếm đóng). Tại đây có công sự phòng thủ kiên cố, được đặt Bộ chỉ huy toàn thể quần đảo của quân lính Việt Nam Cộng Hoà trước 1975.
Năm 1975, quân đội nhân dân Việt Nam đã tiếp quản. Đảo Sơn Ca (Sand Cay, Dungian shazhou, 10o 227 vĩ B, 114o 285 kinh Đ). Đảo có hình giống chữ C, dài 391m, rộng 156m, cao 3m (so với mực nước trung bình) (hình 1.26). Đảo có các loại cây như xú hương, bàng, chiếc bạc và cỏ dại, dây leo mọc khắp nơi.
Trước 1975 đều có quân đội Việt Nam Cộng Hoà chiếm đóng và sau đó được Quân Đội Nhân Dân Việt Nam tiếp quản. Đảo Ba Bình (Itu Aba Island, Taiping dao (Trung Quốc), Ligaw I (Philippines) 10o 228 vĩ B, 114o 217 kinh Đ) (hình 1.27).
Đảo lớn nhất của quần đảo Trường Sa, độ cao chừng 4m (13ft) thấp hơn Nam Yết một chút; theo Niên Giám Đài Loan 1993, dài 1360m, rộng 350m, cao 3,8m, diện tích 489.600m2 (gần 50 ha). Có điều kiện sinh hoạt tốt nhất, đất đai mầu mỡ, trồng trọt khoai mì, rau cải, chuối.
Chung quanh có san hô, mặt nước khá yên tĩnh, tiểu đĩnh có thể cập bến khá tốt. Năm 1933, với danh nghĩa "bảo hộ" Việt Nam, Pháp đã cho quân chiếm đóng, thiết lập đài quan trắc khí tượng mang số hiệu là 48919, do World Meteorological Organisation cấp phát cùng với đài quan trắc ở Hoàng Sa (Pattle) mang số hiệu 48860 và Phú Lâm mang số hiệu 48859 [11,41].
Tháng 12 năm 1946, Trung Hoa Quốc Gia chiếm đảo. Sau đó họ rút quân về Đài Loan năm 1950. Khi anh em Cloma, người Philippines tuyên bố khám phá Trường Sa, Đài Loan đã gửi quân trở lại đảo Ba Bình. Ngày 20 tháng 5 năm 1956, Đài Loan đã xây dựng cơ sở quân sự kiên cố. Tại đây có thể thành lập một sân bay nhỏ và hiện có cầu tàu cho các chiến hạm nhỏ cặp bến. Phía Tây Nam cụm Nam Yết có Đá Chữ Thập (Fiery Cross or N.W, Yungshu jiao, KagilinganReef, 9o 353 vĩ B, 114o 542 kinh Đ). Hòn Đá Chữ Thập là chỗ cao nhất của một bãi cạn dài 25km, rộng tối đa 6km, bị quân Trung Quốc chiếm đóng, biến nơi đây là cơ sở quân sự quan trọng.

1.3.5 Cụm đảo Sinh Tồn
Ở phía Nam cụm Nam Yết - Tigia. Gồm có đảo Sinh Tồn (Sin Cowe Island, Hing hong dao, 9o 526 vĩ B, 114o 192 kinh Đ) (hình 1.28), đá Sinh Tồn Đông (9o 525 vĩ B, 114o 347 kinh Đ), Đá Nhạn Gia (9o 532 vĩ B, 114o 202 kinh Đ), Đá Bình Khê (Endmund Reef, 9o 530 vĩ B, 114o 232 kinh Đ), Đá Ken Nan (Mekennan Reef, 9o 535 vĩ B, 114o 273 kinh Đ), Đá Tư Nghĩa ( Hughes Reef, 9o 542 vĩ B, 114o 293 kinh Đ), Đá Bình Sơn (Hallet Reef, 9o 55, vĩ B 114o 308 kinh Đ), Đá Bãi Khung (Holiday Reef, 9o 565 vĩ B, 114o 335 kinh Đ), Đá Đức Hoà (Empire Reef, 9o 573 vĩ B, 114o 348 kinh Đ), Đá Ba Đầu (Whitsun Reef, Weinan jiao (Trung Quốc), 9o 59 vĩ B, 114o 390 kinh Đ), Đá An Bình (Ross Reef, 9o 53 vĩ B, 114o 364 kinh Đ), Đá Vị Khê (9o 517 vĩ B, 114o 33 kinh Đ), Đá Bia (Bamfore Reef, 9o 497vĩ B, 114o 302 kinh Đ), Đá Ninh Hoà (Tetley Reef, 9o 497 vĩ B, 114o 300 kinh Đ), Đá Văn Nguyên (Jones Reef, 9o 407 vĩ B, 114o 285 kinh Đ), Đá Phúc Sỹ (Higgen Reef , 9o 467 vĩ B, 114o 240 kinh Đ), Đá Len Đao ( Lansdowne Reef, 9o 457 vĩ B, 114o 218 kinh Đ), Đá Gạc Ma (Jonhson Reef, Zhang jiao (Trung Quốc), Mabine reef (Phi), 9o 420 vĩ B, 114o 127 kinh Đ), Đá Cô Lin (Collins Reef, Cao lin jiao, 9o 450 vĩ B, 114o 138 kinh Đ),Đá Nghĩa Hành (Lovele Reef, 9o 50 vĩ B, 114o 157 kinh Đ), Đá Tam Trung (9o 511 vĩ B, 114o 160 kinh Đ), Đá Sơn Hà (Gent Reef, 9o 52 vĩ B, 114o 175 kinh Đ).
Ba hòn đảo trên và một số hòn đảo nhỏ nổi lên tạo thành một vòng đai san hô có tên là "Union Reefs".
Trước 1975, do quân đội Việt Nam Cộng Hoà trấn giữ. Sau khi giải phóng miền Nam, quân đội nhân dân Việt Nam trấn giữ các đảo Sinh Tồn, Sinh Tồn Đông, Đảo Len, Đá Côlin. Năm 1988, xảy ra cuộc đụng độ với quân Trung Quốc, 2 chiến hạm vận tải Việt Nam bị chìm, hơn 70 binh sĩ bị mất tích. Quân Trung Quốc đổ bộ và đóng trên đá Kennan và đá Gác Ma, nằm chen kẽ với quân của Việt Nam, khoảng cách chừng khoảng 3 hải lý. Vào đầu năm 1992, Trung Quốc lại chiếm thêm hòn đá Ba Đầu (cực Đông Bắc của Union Reef) và hòn Đá Lạc.

Như thế trên rặng đá ngầm nhỏ có tên Johnson Reefs có quân Việt Nam ở đầu Bắc (đá Côlin) và Trung Quốc ở đầu Nam (đá Gác Ma)

1.3.6 . Cụm đảo Trường Sa
Ở về phía Nam và Tây Nam Cụm Sinh Tồn, trải dài theo chiều ngang, gồm có 3 đảo, các đá, bãi : Đá Lát (Ladd Reef, Riji jiao, 8o 385 vĩ B, 111o 405 kinh Đ), Đảo Trường Sa (Spratly Island, Nan wei dao, 8o 384 vĩ B, 111o 55 kinh Đ) (hình 1.30), Bãi Đá Tây (West Reef (Sand patch), Xi jiao, 8o 52 vĩ B, 112o 14 kinh Đ), Đá Đông (East Reef, Dong jiao, Silangan Reef, 8o 502 vĩ B, 112o 345 kinh Đ), Đá Châu Viên (Cuarteron Reef, Hua yang jiao, 8o 53 vĩ B, 112o 500 kinh Đ), Đá Tốc Tan (Alison Reef, Liumen jiao, 8o 50 vĩ B, 114o 00 kinh Đ), Đá Núi Le (Coznwallis S. Reef, Nan hua jiao, 8o 45 vĩ B, 114o 11 kinh Đ), Đá Tiên Nữ (Tennent Reef, Pigeon, Tian Ian jiao, 8o 52 vĩ B, 114o 39 kinh Đ) Cụm đảo Trường Sa nằm phía Đông, kế cận các bãi, đá thuộc thềm lục địa Việt Nam như Phúc Tần, Huyền Trân, Quế Đường, Phúc Nguyên, Tư Chính.
Đảo lớn nhất là đảo Trường Sa (hình 1.,29), người Pháp gọi là đảo Bão Tố (Ile de Tempête).
Có dạng hình tam giác cân mà cạnh đáy hơi chệch về phía Bắc. Đáy dài 350m, hai cạnh kia, mỗi cạnh 450m, cao độ ở phía Bắc là 3,5m, phía Nam là 2,1m so với mặt nước lúc nước ròng. Có khả năng thiết lập phi đạo. Sau 1975, Việt Nam đã xây dựng sân bay dài 800m. Không có cây lớn, nhiều nhất là nam sâm, có dược tính, các loại rau sam, muống biển. Có loại chim hải âu trắng, sơn ca, chim én. Có giếng nước ngọt, khá sâu, độ 3m, ngọt tốt 9/10, song lại có mùi tanh của san hô.
Trước 1975 có quân trú phòng Việt Nam Cộng Hoà, có cầu tàu về phía tây đảo. Sau khi tiếp quản, Quân Đội Nhân Dân Việt Nam đã xây dựng cầu tàu lớn hơn. Ngoài ra còn có các đảo Trường Sa Đông (Central Reef, Zhong jiao, 8o 55 vĩ B, 112o 21 kinh Đ), Đảo Phan Vinh (Pearson Reef, Bisheng jiao, 8o 58 vĩ B, 113o 415kinh Đ).

1.3.7. Cụm đảo An Bang
Ở phía Nam cụm đảo Trường Sa (Spratley) gồm có 1 đảo và các bãi, đá: Đá Ba Kè (Bombay Castle, Pongpo bao jiao, 7o 56 vĩ B, 111o 440 kinh Đ), Bãi Đất (Orleana Shoal, Aonan Ansha, 7o 41 vĩ B, 111o 440 kinh Đ), Bãi Đinh (Kinhston Shoal, Jin du ansha, 7o 34 vĩ B, 111o 345 kinh Đ), Bãi Vũng Mây (Jonhson Patch, Changpun ansha, 7o 47 vĩ B, 111o 35 kinh Đ), Bãi Thuyền Chài (Barque Canada Reef, Bai jiao, 8o 10 vĩ B, 113o 18 kinh Đ), Đá Hà Tần (Lizzie Webr, Li xei jiao, 8o 045 vĩ B, 113o 10 kinh Đ), Đá Tân Châu (10o 505 vĩ B, 115o 51 kinhĐ), Đá Lục Giang (Hopp Reef, He jiao, 10o 148 vĩ B, 115o 215 kinh Đ), Đá Long Hải (Livok Reef, Nan tang quan jiao, 10o 105 vĩ B, 115o 17 kinh Đ), Bãi Trăng Khuyết (Half Moon Shoal, Banyue jiao, 8o 52, vĩ B 116o 16 kinh Đ) , Đá Công Đo (Commodore Reef, Siling jiao, 8o 22 vĩ B, 115o 13 kinh Đ), Đá Kỳ Vân (Mariveles Reef, Nan hai jiao, 7o 59 vĩ B, 113o 56 kinh Đ), Bãi Kiệu Ngựa (Asdasier Reef, Andu jiao, 7o 37 vĩ B, 113o 56 kinh Đ), Đá Hoa Lau (Swallow Reef, Dan Wan jiao, 7o 24 vĩ B, 113o 40 kinh Đ), Đá Sắc Lốt (Royal Charlotts Reef, Huan lu jiao, 6o 565 vĩ B, 113o 36 kinh Đ), Đá Louisa (Luisa Reef, Nan tong jiao, 6o 209 vĩ B, 113o 154 kinh Đ).
Đảo duy nhất là đảo An Bang (Ambonay Cay, Anbo shazou, 7o 522, 112o 542 kinh Đ). Đảo An Bang giống như một cái túi đáy nằm phía Đông và miệng thắt lại ở phía Tây.
Đảo tương đối nhỏ và dài, chỉ rộng 20 mét so với chiều dài 200m, cao 2m so với mặt nước biển lúc nước ròng (hình 1.30). Ngoài những cỏ dại rất thấp, không có cây cao bóng mát nào.
Trước 1975, đảo An Bang do quân đội Việt Nam Cộng Hoà trú đóng. Sau 1975, quân đội Nhân Dân Việt Nam đóng ở đảo An Bang. Bãi Thuyền Chài nổi lên mặt nước, dài khoảng 32km, rộng tối đa 6 km. Phía Đông Nam của bãi Thuyền Chài, cách bãi này khoảng 40 đến 60 hải lý có quân trú phòng của Mã Lai Á trên các hòn đá Kỳ Vân, đá Kiệu Ngựa, đá Hoa Lau. Ở phía Đông cụm đảo này có quân Philippines đóng trên đá Công Đo.

1.3.8. Cụm đảo Bình Nguyên
Cụm đảo ở về phía Đông, gồm đảo Bình Nguyên (Flat island, Fei xin dao, 10o 49 vĩ B, 115o 495 kinh Đ) và đảo Vĩnh Viễn (Nanshan island, Ma huan dao, 10o 44 vĩ B, 115o 48 kinh Đ). Mỗi đảo diện tích khoảng 15 acres. Đảo Vĩnh Viễn dài chừng 580m, cao khoảng 2m, Đảo Bình Nguyên thấp hơn, rất hẹp bề ngang. Phía Nam gần đảo Vĩnh Viễn có Đá Hoa (10o 32 vĩ B, 115o 432 kinh Đ), Đá Đít Kim - Sơn (10o 325 vĩ B, 115o 472 kinh Đ), Đá Đin (10o 30 vĩ B, 115o 421 kinh Đ), Đá Hàn Sơn (10o 28 vĩ B, 115o 438 kinh Đ), Đá Pet (10o 276 vĩ B, 115o 464 kinhĐ), Cồn san hô Giắc - xôn.
Về phía Nam xa hơn nữa có Đá Vành Khăn (Mischief Reef, Mei ji jiao, 9o 55 vĩ B, 115o 32 kinh Đ), Bãi Cỏ Mây (2nd Thomas Shoal, Ren ai ansha, 9o 44 vĩ B, 115o 515 kinh Đ), Bãi Cạn Suối Ngà (1st Thomas Shoal, Xinyu jiao, 9o 195 vĩ B, 115o 555 kinh Đ), Đá Bốc Xan (Boxall Reef, Pai she jiao, 9o 355 vĩ B, 116o 095 kinh Đ), Bãi Cạn Sa Bin (Sabina Shoal, Xian xin ansha, 9o 45 vĩ B, 116o 29 kinh Đ).
Phía Đông cụm đảo Bình Nguyên và đảo Vĩnh Viễn có Đá Hợp Kim ( Hopkins Reef, Huo xing jiao, 10o 49 vĩ B, 116o 06 kinh Đ) , Bãi Mỏ Vịt (Hirane Shoal, An tang tan, 10o 54, 116o 205 kinhĐ), Đá Ba Cờ (Baker Reef, Pei she jiao, 10o 435 vĩ B, 116o 10 kinh Đ), Đá Khúc Giác (Iroquois Reef, Feng lai jiao, 10o 37 vĩ B, 116o 10 kinh Đ), Đá Bá, Đá Gò Già (North Pennsylvania Reef, Yang ming jiao, 10o 485 vĩ B, 116o 515 kinh Đ), Bãi Cạn Nam ( Southern Bank, Nan fang gian tan, 10o 28 vĩ B, 116o 42 kinh Đ), Đá Chà Và (Brown, 10o 345 vĩ B, 117o 017 kinh Đ), Bãi Cạn Nâu (Brown Bank, Dong tan 10o 44 vĩ B, 117o 189 kinh Đ), Bãi Cạn Rạch Vang (Templer Bank, Zhong xi tan, 10o 40 vĩ B, 117o 165 kinh Đ), Bãi Cạn Rạch Lấp (Carnatic Shoal, Hong shi ansha, 10o 06 vĩ B, 117o 205 kinh Đ), Bãi Cạn Na Khoai (Lord Auckland Shoal, Elan ansha, 10o 205 vĩ B, 115o 165 kinh Đ).
Hiện quân Philippines chiếm đóng cả 2 đảo Bình Nguyên và đảo Vĩnh Viễn và cho phá bỏ hầu hết khu vực bao quanh Bãi Cỏ Rong, Bãi Trăng Khuyết, Bãi Kiều Ngựa. Trung Quốc từ 1995 cũng chiếm đóng đá ngầm Vành Khăn.

1.4 Điều kiện tự nhiên, thảo mộc của quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa
Điều kiện tự nhiên tuy thuận lợi song không phải là yếu tố quyết định cho sự xác lập chủ quyền của Việt Nam. Tuy vậy cũng có những bằng chứng khoa học minh chứng những điều kiện thuận lợi và những chứng tích cho sự xác lập chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa cũng như Trường Sa. Trước hết, quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nằm trong vùng Biển Đông, Ở đó, ngoài độ từ sai bằng zéro, độ sai lệch từ không thay đổi (hay thay đổi rất nhỏ), và còn nằm trong vùng xích đạo từ. Tại vùng xích đạo, gần vùng Côn Đảo, địa từ mới mạnh.
Người Trung Quốc nhận rằng họ sáng chế kim chỉ nam, nhưng không hề biết những đặc tính về từ trường của Biển Đông. Như sách Cổ Trung Hoa ghi rằng vùng đất ma, họ kính ngưỡng cầu khẩn thần núi Linh Sơn vùng Varella (Việt Nam), họ sợ các đảo san hô ở Biển Đông, hút sắt lại, làm tàu thuyền của họ mắc cạn ở Biển Đông. Mặt nước Biển Đông có độ cao tiêu chuẩn trong hệ thống Geoid, trong khi các biển khác có thể cao quá 90m, có biển thấp tới 80m.
Về địa chất, quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đều là những ám tiêu san hô tiêu biểu cho vùng biển nhiệt đới của Việt Nam. Khí hậu ôn đới của Trung Hoa không cho phép có sự cấu tạo của các quần đảo san hô rộng lớn như vậy. Các đảo từ Bành Hồ, Đài Loan trở lên phía Bắc, cấu tạo bằng đất đá của nền đại lục như granit, igneons rock khác hẳn các đảo cấu tạo bằng san hô ở Biển Đông.
Thềm lục địa nếu theo quan niệm nằm trong khu vực có độ sâu nước biển tới 200m, thì thềm lục địa ở vịnh Bắc Bộ lớn, Trung bộ nhỏ hẹp lại, nhất là ở vùng mũi Varella, càng về phía Nam càng rộng. Nếu theo quan điểm của Luật Biển 1982 thì với khoảng cách vùng hải phận 200 hải lý, các bãi san hô như Bãi Tư Chính nằm trong khu vực Thềm Lục Địa Đặc Quyền Kinh Tế của Việt Nam.
Độ sâu của Biển Đông với đường phân thủy 100m bao kín các vùng về phía Bắc và phía Đông. (Nếu mực nước biển hạ xuống chừng 600m - 700m, thì Hoàng Sa sẽ dính vào Việt Nam như một khối thịt liền và cách Trung Quốc bằng một vùng biển nước sâu) Và như thế quần đảo Hoàng Sa là một phần của Việt Nam (theo quan điểm của Krempf, giám đốc Hải Học Viện Đông Dương trong cuộc khảo sát năm 1925).
Các sinh vật trên các đảo và dưới biển quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa như rùa, đồi mồi, vít, đồn đột, ốc tai voi, ốc hương đều tương tự như các đảo ven biển Việt Nam như đảo Cù Lao Ré. Khi ngư dân Việt bắt cạn hết sinh vật ở đảo gần bờ biển, tất họ phải tìm ra xa biển như ở ngoài quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Theo nhà nghiên cứu La Fontaine [61, 209], các cuộc khảo sát cho thấy các thú vật sống ở các đảo Hoàng Sa và Trường Sa đều là các loài đã gặp ở đất liền Việt Nam, có môi trường sinh sống gần với Việt Nam hơn là Trung Hoa, các sinh vật ở Hoàng Sa và Trường Sa không có nhiều liên hệ với sinh vật ở Trung Quốc.
Biển Đông cũng như Việt Nam nằm trong khu vực mà các nhà sinh vật gọi là Wallacca, đặt theo tên của nhà thiên nhiên học người Anh Alfred Russel Wallace. Wallacca là vùng đất sinh sống của các động vật Á Đông mà Trung Hoa nằm ngoài vòng môi sinh Á Đông này (hình 1.31). Tại Biển Đông không giống như Thái Bình Dương, có dòng hải lưu chảy thay đổi theo chiều gió mùa. Trong mùa gió Đông Bắc từ tháng 9 đến tháng 3, hải lưu Biển Đông chảy ngược theo chiều kim đồng hồ (hình 1. 32). 



Hình 1.32:
Hải lưu Biển Đông trong mùa gió tây nam – tháng Tám
Hải lưu Biển Đông trong mùa gió đông bắc – tháng Hai 

Dòng nước biển chảy mạnh từ Đài Loan qua Hoàng Sa vận tốc chừng 1 feet. Khi xuống ngang bờ biển Trung Bộ Việt Nam, vận tốc dòng nước tăng thêm, có khi tối đa tới 3,4 feet trên mặt nước.
Các nạn nhân đắm tàu, hoặc như các nhân viên khí tượng Việt Nam ở Hoàng Sa sau vụ Nhật đảo chính Pháp tháng 3 năm 1945 và quân lính hải quân Việt Nam Cộng Hoà sau khi Trung Quốc đánh chiếm quần đảo tháng 1 năm 1974, đã nhờ dòng nước này thả bè trôi về tới Qui Nhơn và ngoài khơi Cù Lao Ré để được cứu vớt.
Ở phía Tây vùng Trường Sa, nước chảy ngược lại như mặt đối lưu hướng về phía Đông Bắc. Vận tốc đối lưu thường thấp, vùng gần đảo Palawan (Philippines) nước chảy theo chiều Tây Nam. Trong mùa gió Tây Nam, hải lưu chảy theo chiều kim đồng hồ, từ phía Mã Lai đi dọc bờ biển Trung Bộ Việt Nam ra Hoàng Sa với vận tốc chừng 5 feet. Đối lưu từ phía Đông của quần đảo Hoàng Sa chảy về Trường Sa rất yếu.
Quanh năm, hải lưu vùng Hoàng Sa và Trường Sa sẽ thay đổi chiều hai lần. Dòng nước vùng Trường Sa không mạnh như dòng nước vùng Hoàng Sa. Sau trận hải chiến năm 1988, các chiến hạm Quân Đội Nhân Dân Việt Nam bị hải quân Trung Quốc đánh chìm, các thủy binh Việt Nam sống sót trên các bè nổi không trôi đâu xa vì nước chỉ chảy chừng 1/4 đến 1/2 feet. Vùng Biển Đông nhất là Hoàng Sa thường xảy ra bão nhiệt đới hoặc áp thấp nhiệt đới xuất hiện gần 2 quần đảo sinh ra bão, hoặc bão từ Philippines thổi qua.
Đa số các cơn bão khởi sự từ phía Đông Philippines. Không tới 1% giông bão phát sinh từ Biển Đông tiến về Hải Nam, cũng không tới 1% giông bão phát sinh từ ngoài khơi Brunei thổi về vịnh Thái Lan. Có chừng 1/3 các trận đại phong từ Thái Bình Dương thổi về, qua Hoàng Sa và Trường Sa, tức vào bờ biển Trung Bộ và Vịnh Bắc Bộ Việt Nam. Thời gian có bão thường xảy ra vào lúc giao mùa, từ tháng 6 đến tháng 9, gió xoáy đến 90 gút. Bão giảm đi từ tháng 9 nhưng vẫn còn ở tháng 1. (hình 1.33) [107, 37]
Khi có bão xuất hiện từ Philippines, các người đi biển kinh nghiệm đã thấy triệu chứng căn cứ vào làn sóng cao và dài, di chuyển nhanh trước khi bão tới hoặc trời oi, khí áp xuống nhanh, mây cao bay nhanh. Vài giờ sau bầu trời bị che phủ bởi một màng mây rất mỏng (cirros status), mặt trời xung quanh có quầng, rồi dần dần bầu trời trắng nhạt.
Sau đó đến lượt những mây thấp có hình vẩy cá (cirro cumulus), rồi đến một lớp mây đen, dòng cao tới 3000m (altostatus) cả bầu trời trở nên đen, u ám, mưa bắt đầu rơi, gió thổi, khí áp xuống mạnh. Mây thấp dần xuống 100m hay 50m, mây bay nhanh, gió thổi mạnh từng cơn, rồi bão tới. Mỗi khi có triệu chứng bão như vậy, các thuyền bè phải chạy nhanh về phía Nam, tới bờ biển Trung Bộ Việt Nam. [107, 38]
Chính điều kiện thiên nhiên trên đã tạo điều kiện thuận lợi cho mối quan hệ giữa đất liền ở Việt Nam với các hải đảo ở Hoàng Sa. Cũng chính do tàu tránh bão hay bị nạn rồi theo dòng hải lưu chảy tấp vào bờ biển như trình bày trên, nên Việt Nam có dịp biết Hoàng Sa từ những người bị nạn ở Hoàng Sa.
Điều kiện thiên nhiên như thực tế trên đã gắn liền với những hoạt động xác lập chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Những khảo sát về thảo mộc của La Fontaine, vào thập niên 40, 50 tại Hoàng Sa đã đi đến kết luận rõ ràng rằng không có loại thảo mộc nào là tại chỗ cả, tất cả từ vùng đất liền du nhập bằng nhiều cách.
Cũng theo sự phân tích một cách khoa học của H. Fontaine và Lê Văn Hội trong "Contribution à la connaissance de la flore des Iles Paracels" (Khảo cứu Niên San Khoa Học Đại học Đường - Annales de la faculté des Sciences, Sàigòn 1957, pp 133 - 137), thì mỗi thảo mộc hiện có ở Hoàng Sa đều tìm thấy ở Việt Nam nhất là ở các tỉnh Trung Bộ.
Người ta cũng thấy những cây như cây mù u, cây nhàu, cây bàng ở Hoàng Sa, Trường Sa đều thấy có ở Cù Lao Ré hay những nơi khác dọc bờ biển Việt Nam. Thảo mộc ở Hoàng Sa, Trường Sa có gốc ở Việt Nam không những căn cứ vào khảo sát của các nhà khoa học mà chính sử liệu thời Nguyễn như Đại Nam Thực Lục Chinh Biên, đệ II kỷ, quyển 104 cũng như Đai Nam Hội Điển Sự Lệ (1851), quyển 207, tờ 25b, Việt Sử Cương Giám Khảo Lược (1876), quyển 4 của Nguyễn Thông đã viết rất rõ lệnh vua Minh Mạng đã cho trồng nhiều cây cối, để ngày sau cây cối to lớn xanh tốt, người ta sẽ nhận biết, có thể tránh nhiều nạn mắc cạn.
Chính sự kiện triều đình nhà Nguyễn, thời vua Minh Mạng có chủ trương trồng nhiều cây cối trên đã minh chứng chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa cũng như Trường Sa và đã đem đến kết quả về tình trạng thảo mộc như trên mà các nhà khoa học đã khảo sát.

1.5 Tầm quan trọng về chiến lược quân sự và tài nguyên của Hoàng Sa và Trường Sa dẫn đến sự xâm phạm chủ quyền Việt Nam của các nước ngoài
Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nằm trong Biển Đông mà người Trung Hoa gọi là Biển Nam Hải, người Phương Tây thường gọi là Biển Nam Trung hoa, có tầm quan trọng về chiến lược quân sự. Không có một vùng biển nào trên Thế Giới với diện tích tương đương 3/4 Địa Trung Hải mà lại có tầm mức quan trọng về phương diện giao thông như Biển Đông.
Muốn từ Ấn Độ Dương qua Thái Bình Dương, tàu thuyền phải chạy qua Biển Đông. Nếu đi vòng sẽ tốn kém hơn và mất thời gian nhiều hơn. Biển Đông nằm ngay trên ngã tư đường hàng hải quốc tế, nhất là lượng hàng hoá quan trọng như dầu hoả, khí đốt đến Nhật đều qua ngả này. Nếu lấy giữa Biển Đông làm trung tâm nhìn ra thế giới:
-Trong vòng bán kính 1500 hải lý có các cảng quan trọng như Bangkok, Rangoon, Calcutta, Singapore, Djakarta, Manila, Taipei, Hongkong, Shangai, Nagasaki.
-Trong vòng 2500 hải lý, có các cảng quan trọng như Madras, Colombo, Bombay, Bali, Darwin, Guam, Tokyo, Yokohama, Seoul, Beijing...bao trùm hầu hết lãnh thổ các nước đông dân nhất thế giới, bao gồm một nửa nhân loại. [ 107, 19 ]
Đường bay quốc tế cũng thế, từ SingaporeBangkok, qua Hong Kong, ManilaTokyo đều qua Biển Đông. Chính vì vậy hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa không những là nơi hiểm yếu như các chính quyền phong kiến của Việt Nam đã khẳng định mà còn có giá trị chiến lược đối với Việt Nam và quốc tế. Vì thế nên trước khi Nhật Bản xâm lăng các nước Đông Nam Á hồi thế chiến thứ II, quân Nhật đã chiếm đóng hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Đến khi ký kết Hội Nghị San Francisco năm 1951, Nhật Bản mới tuyên bố từ bỏ sự chiếm đóng hai quần đảo này. Tài nguyên thiên nhiên, nhờ sự phát triển khoa học kỹ thuật, nhiều tài nguyên qúy giá dần dần được khai thác từ lòng biển, nhất là khi tài nguyên trên đất liền ngày càng bị khai thác cạn kiệt, lãnh hải càng ngày càng có thêm giá trị.
Hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa tuy diện tích bề mặt nổi lên mặt nước không lớn, song lại rải rác, chiếm diện tích rất rộng. Ai chiếm được nhiều hải đảo có thể kiểm soát nhiều lãnh hải và khai thác được nhiều tài nguyên ở dưới lòng biển. Từ khi có sự thăm dò cụ thể dầu khí ở Biển Đông, các nước trong khu vực bắt đầu quan tâm nhiều hơn trước, dẫn đến tranh chấp chủ quyền với Việt Nam tại hai quần đảo này.
Trước năm 1957, đã có nhiều công ty nước ngoài khảo sát địa vật lý và khoan thăm dò ở thềm lục địa Nam Việt Nam, trong đó có hai giếng đã phát hiện dầu thương mại. Vào cuối những năm 1970, có nhiều công ty như AGIP (Ý), DIMINEX (CHLB Đức), BOW VALLEY (Canada) đã thăm dò 5 lô dầu ở thềm lục địa miền Nam Việt Nam. Sau đó đến 1979, các công ty trên chấm dứt hoạt động. Tháng 9/1975, Tổng Cục Dầu Khí Việt Nam được thành lập nhằm thúc đẩy hoạt động tìm kiếm thăm dò dầu khí.
Thềm lục địa Việt Nam rộng chừng 1,3 triệu km2, được chia thành 171 lô với diện tích trung bình mỗi lô khoảng 8000 km2. Trong đó có 31 lô có độ sâu mực nước biển dưới 50m, 35 lô từ 50 -100m, 10 lô từ 100 - 250m, 38 lô từ 200-2000m và 57 lô là có mực nước sâu trên 2000m.
Trong phạm vi thềm lục địa Việt Nam có nhiều bồn trầm tích đệ tam có triền vọng chứa dầu khí. Cho đến cuối những năm 80, trên toàn thềm lục địa Việt Nam, chủ yếu ở phía Nam, đã khảo sát trên 100.000 km tuyến địa vật lý, khoan hàng chục giếng tìm kiếm thăm dò và đã phát hiện được ba mỏ dầu khí (Bạch Hổ, Rồng và Đại Hùng). Từ năm 1986, mỏ Bạch Hổ bắt đầu được khai thác.
Sản lượng năm 1986: 0,04 triệu tấn, 1988: 0,68 triệu tấn, 1989: 1,5 triệu tấn, 1990: 2,7 triệu tấn, 1991: 3,96 triệu tấn (PTS Nguyên Hiệp, Phó Tổng Giám Đốc Công Ty Dầu Khí Việt Nam, " Thăm dò và khai thác dầu khí ở Việt Nam", Khoa học và Tổ Quốc, (số 93), 1992, tr5). Việc thăm dò và khai thác dầu khí ở thềm lục địa Việt Nam trên khiến người ta thấy tiềm năng vùng Biển Đông có nhiều triển vọng về dầu khí.

Chương 2

Sự xác lập chủ quyền Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa


Sự xác lập chủ quyền Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được minh chứng bằng những tư liệu lịch sử không những của Việt Nam, mà còn của chính Trung Hoa cũng như của PhươngTây, đồng thời bằng quá trình chiếm hữu thật sự, hòa bình và thực thi liên tục của các nhà nước Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử từ đầu thề kỷ XVII sang thế kỷ XIX.

2.1 Các nguồn tư liệu minh chứng sự xác lập chủ quyền Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa
Các tư liệu của Việt Nam cũng như của Phương Tây và ngay cả một số tư liệu của Trung Quốc cũng thật hết sức rõ ràng, cho biết quá trình chiếm hữu thật sự, hoà bình và thực thi liên tục chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là một thực tế, khác hẳn với những tư liệu mà Trung Quốc đã viện dẫn để cố suy diễn chứng minh chủ quyền của mình.

2.1.1. Những tư liệu của Việt Nam minh chứng chủ quyền Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa
Phân tích những tư liệu của Việt Nam, đối chiếu với những tư liệu của Trung Quốc được viện dẫn trong bộ sưu tập Ngã Quốc Nam Hải Chư Đảo Sử Liệu Hội Biên do Hàn Chấn Hoa chủ biên [48], chúng ta có một số kết quả sau:
Hầu hết các tư liệu Việt Nam, đều là tư liệu thuộc nhà nước, đặc biệt là Hội Điển, loại sách ghi điển chế biến thành luật lệ của triều đình hoặc các châu bản, tức những văn bản trao đổi giữa vua và các đình thần hoặc tỉnh thần. Hầu hết tư liệu của Việt Nam đều trực tiếp minh chứng chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Tư liệu Việt Nam đã đề cập đến địa danh Hoàng Sa, tiếng Nôm, cùng nghĩa, gọi là Cát Vàng hay Cồn Vàng, lại rất nhất quán từ đầu thế kỷ XVII, tức từ thời chúa Nguyễn đến thế kỷ XX. Cho đến nay vẫn còn giữ địa danh Hoàng Sa. Địa danh "Hoàng Sa" hoặc chữ Nôm là "Cát Vàng" lại đã được người Tây Phương xác nhận là Paracel vào thế kỷ XIX như đã trình bày ở chương I.
Các tư liệu chứng minh chủ quyền của Việt Nam đã xuất hiện liên tục qua các đời: từ đầu thời Chúa Nguyễn, (tức đầu thế kỷ XVII), sang thời Tây Sơn rồi tới đầu triều Nguyễn (từ vua Gia Long) qua hoạt động của đội Hoàng Sa cũng như sự khẳng định, sự quản hạt hành chánh của chính quyền Việt Nam, và sau đó đến các triều Minh Mạng, Thiệu Trị qua hoạt động của thủy quân. Đại Nam Nhất Thống Chí, (bắt đầu soạn năm 1865, soạn xong 1882, ấn hành năm 1910), vẫn tiếp tục khẳng định Hoàng Sa thuộc cương vực ngoài biển của Việt Nam.
Nếu không kể những tư liệu đại loại như Trung Quốc thường viện dẫn, tức là những người khi đi qua Hoàng Sa rồi cảm tác hay viết tới quần đảo này như Lý Văn Phức đi trên tàu sang Philippines năm 1832 viết “Vọng kiến Vạn Lý Tràng Sa tác” trong tác phẩm Đông Hành Thi Thuyết Thảo, Việt Nam có khoảng gần 30 tư liệu các loại, liên tục qua các đời từ đầu thế kỷ XVII đến khi bị các nước ngoài xâm phạm, đã khẳng định chủ quyền của Việt Nam hết sức rõ ràng.
Trong thời kỳ Đại Việt, thời kỳ Nam Bắc phân tranh và thời Tây Sơn (1672 - 1801), nguồn tư liệu về Hoàng Sa hầu như chỉ còn lại tư liệu của chính quyền họ Trịnh ở Bắc Hà, chủ yếu là Thiên Nam Tứ Chí Lộ Đồ Thư trong Hồng Đưc Bản Đồ hay Toản Tập An Nam Lộ trong sách Thiên Hạ Bản Đồ (Viện Hán Nôm Hà Nội, ký hiệu A2628) của Đỗ Bá Công Đạo, Chính Hoà năm thứ 7 (1686) (2.7) và Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quý Đôn năm 1776.

Trong Thiên Nam Tứ Chí Lộ Đồ Thư hay Toản Tập An Nam Lộ có bản đồ (xem phụ lục 2.1a, 2.1b, 2.1c) là tài liệu xưa nhất, đã ghi phần chú thích của bản đồ với nội dung:
"Giữa biển có một dải cát dài, gọi là Bãi Cát Vàng (Hoàng Sa), dài tới 400 dặm, rộng 20 dặm. Từ cửa Đại Chiêm, đến cửa Sa Kỳ mỗi lần có gíó Tây Nam thì thương thuyền các nước đi ở phía trong trôi giạt ở đấy; gió Đông Bắc thì thương thuyền chạy ở ngoài cũng trôi giạt ở đấy, đều cùng chết đói hết cả. Hàng hóa thì đều để nơi đó. Họ Nguyễn mỗi năm vào cuối mùa Đông đưa 18 chiếc thuyền đến đấy lấy hàng hoá, được phần nhiều là vàng bạc, tiền tệ, súng đạn. Từ cửa Đại Chiêm vượt biển đến đấy thì phải một ngày rưỡi (sic). Từ cửa Sa Kỳ đến đấy thì phải nửa ngày (sic)."
Khoảng cách từ cửa Đại Chiêm đến Bãi Cát Vàng (chữ Hán Việt là Hoàng Sa) một ngày rưỡi đường, cũng như từ cửa Sa Kỳ nửa ngày đường là ghi lộn, vì tất cả các tài liệu khác đều ghi 3 ngày đêm. Vả lại ngoài khơi cửa Đại Chiêm cũng như cửa Sa Kỳ không có đảo nào dài và có những đặc điểm mà tài liệu đã mô tả trên, ngoài Bãi Cát Vàng hay Hoàng Sa tức Paracel.
Còn tài liệu trong Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quý Đôn, năm 1776 (2.8) là tài liệu cổ, mô tả kỹ càng nhất về Hoàng Sa. Lê Quý Đôn được Chúa Trịnh ở Đàng Ngoài cử vào Phú Xuân năm 1775 để lo sắp đặt kế hoạch bình định hai trấn Thuận Hoá và Quảng Nam mới được quân Chúa Trịnh đánh chiếm của Chúa Nguyễn từ năm 1774. Đến năm 1776, ông lãnh chức Hiệp Trấn và viết ra sách Phủ Biên Tạp Lục. Phủ Biên Tạp Lục gồm 6 quyển, trong đó ở quyển 2 có 2 đoạn văn đề cập đến việc Chúa Nguyễn xác lập chủ quyền của Đại Việt tại Hoàng Sa như sau:
Đoạn văn thứ 1: (quyển 2, tờ 78b -79a) (xem phụ lục 2.2): “... Ở ngoài cửa biển lớn thuộc về địa phận xã An Vĩnh, huyện Bình Sơn, phủ Quảng Nghĩa (2.9) có một hòn núi mang tên là Cù Lao Ré (2.10) . Chiều rộng núi này có thể hơn 30 dặm. Ngày trước có dân cư phường Tứ Chính trồng các thứ cây đậu tại ruộng nương nơi đó. Người ta ra biển rồi chèo thuyền đi bốn trống canh nữa có thể đến Cù Lao Ré. Ở ngoài núi Cù Lao Ré có đảo Đại Trường Sa (2.11) ngày trước, nơi đây thường sản xuất nhiều hải vật chở đi bán các nơi, nên nhà nước có thiết lập một đội Hoàng Sa để thu nhận các hải vật. Người ta phải đi 3 ngày đêm mới đến được đảo Đại Trường Sa ấy, như thế là đảo Đại Trường Sa đã gần đến xứ Bắc Hải.” ( tờ 78b - 79a)
Đoạn văn thứ 2: (quyển 2, từ tờ 82b -85a) (xem phụ lục 2. 3a,2. 3b,2.3c,2. 3d)
"Phủ Quảng-Ngãi , huyện Bình-Sơn có xã An-Vĩnh ở gần biển, ngoài biển về phía Đông - Bắc có nhiều cù lao, các núi linh tinh hơn 130 ngọn, cách nhau bằng biển, từ hòn này sang hòn kia hoặc đi một ngày hoặc vài canh thì đến. Trên núi có chỗ có suối nước ngọt. Trong đảo có bãi cát vàng dài ước hơn 20 dặm, bằng phẳng rộng lớn, nước trong suốt đáy, trên đảo có vô số yến sào; các thứ chim có hàng nghìn, hàng vạn, thấy người thì đậu vòng quanh không tránh. Bên bãi vật lạ rất nhiều. Ốc vân thì có ốc tai voi to như chiếc chiếu, bụng có hạt to bằng đầu ngón tay, sắc đục không như ngọc trai, cái vỏ có thể đeo làm tấm bài được, lại có thể nung vôi xây nhà; có ốc xà - cừ, để khảm đồ dùng; lại có ốc hương. Các thứ ốc đều có thể muối và nấu ăn được. Đồi mồi thì rất lớn, có con hải ba, tục gọi là trắng bông, giống đồi mồi mà nhỏ, vỏ mỏng có thể khảm đồ dùng, trứng bằng đầu ngón tay cái, muối ăn được. Có hải sâm, tục gọi là con đột đột, bơi lội ở bên bãi, lấy về dùng vôi xát qua, bỏ ruột phơi khô, lúc ăn thì ngâm nước cua đồng, cạo sạch đi, nấu với tôm và thịt lợn càng tốt.
Các thuyền ngoại phiên bị bão thường bị hư hại [một số dị bản chép nhầm là ỷ (nương đậu) (Xem phụ lục 2.3e, 2.3g )] ở đảo này. Trước họ Nguyễn đặt đội Hoàng - Sa 70 suất, lấy người xã An - Vĩnh sung vào, cắt phiên mỗi năm cứ tháng hai nhận giấy sai đi, mang lương đủ ăn sáu tháng, đi bằng năm chiếc thuyền câu nhỏ, ra biển ba ngày ba đêm thì đến đảo ấy. Ở đấy tha hồ bắt chim bắt cá mà ăn. Lấy được hoá vật của tàu, như gươm ngựa, hoa bạc, tiền bạc, hòn bạc, đồ đồng, khối thiếc, khối chì, súng, ngà voi, sáp ong, đồ sứ, đồ chiên, cũng là kiếm lượm vỏ đồi mồi, vỏ hải ba, hải sâm, hột ốc vân rất nhiều. Đến kỳ tháng tám thì về, vào cửa Eo, đến thành Phú - Xuân để nộp, cân và định hạng xong, mới cho đem bán riêng các thứ ốc vân, hải ba, hải sâm, rồi lĩnh bằng trở về.Lượm được nhiều ít không nhất định, cũng có khi về người không. Tôi đã xem sổ của cai đội cũ là Thuyên - đức - hầu biên rằng: năm nhâm ngọ lượm được 30 hốt bạc; năm giáp thân được 5.100 cân thiếc; năm ất dậu được 126 hốt bạc; từ năm kỷ sửu đến năm qúy tỵ, 5 năm ấy, mỗi năm chỉ được mấy tấm đồi mồi, hải ba. Cũng có năm được khối thiếc, bát sứ, và hai khẩu súng đồng mà thôi.
Họ Nguyễn lại đặt đội Bắc - Hải, không định bao nhiêu suất hoặc người thôn Tứ - chính ở Bình - Thuận, hoặc người xã Cảnh - Dương, ai tình nguyện đi thì cấp giấy sai đi, miễn cho tiền sưu cùng các tiền tuần đò, cho đi thuyền câu nhỏ ra các xứ Bắc - hải, cù lao Côn - lôn và các đảo ở Hà - tiên, tìm lượm vật của tàu và các thứ đồi mồi, hải ba, bào ngư, hải sâm, cũng sai cai đội Hoàng- Sa kiêm quản. Chẳng qua là lấy các thứ hải vật, còn vàng bạc của qúy ít khi lấy được.
Hoàng- Sa chính gần phủ Liêm - châu, đảo Hải - Nam, người đi thuyền có lúc gặp thuyền đánh cá Bắc - quốc, hỏi nhau ở trong biển. Tôi đã từng thấy một đạo công văn của quan chính đường huyện Văn - xương, Quỳnh - châu gởi cho Thuận - hoá nói rằng:
"năm Kiền - long thứ 18 có 10 tên quân nhân xã An - vĩnh, đội Cát - liềm, huyện Chương - nghĩa, phủ Quảng - ngãi nước An - nam ngày tháng 7 đến Vạn Lý Trường Sa tìm kiếm các thứ, có 8 tên lên bờ tìm kiếm, chỉ để 2 tên giữ thuyền, bị gió đứt dây thuyền, giạt vào Thanh- lan cảng, quan ở đấy xét thực đưa trả về nguyên quán . Nguyễn - Phúc - Chu [ chép nhầm , chính là Nguyễn Phúc Khoát] sai cai bạ Thuận - hoá là Thức- lượng - hầu làm thư trả lời" [ 28].

Như thế, một thực tế quan trọng: Phủ Biên Tạp Lục đã chép rất rõ "Hoàng Sa ở gần đất Liêm Châu của Trung Quốc". Sự thực cũng đã rành rành khi Phủ Biên Tạp Lục ghi rất chi tiết, rất rõ những hoạt động của đội Hoàng Sa ở phía Bắc, có lần lính Hoàng Sa bị bão trôi dạt vào cảng Thanh Lan của Trung Quốc. Đội Hoàng Sa vừa kiêm quản đội Bắc Hải ở phía Nam tức Trường Sa ngày nay [28].
Ngoài những tài liệu trên còn có nhiều văn bản hiện còn lưu trữ trong dân gian ở Phường An Vĩnh tại Cù Lao Ré (xem phụ lục 2.4), nay thuộc huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi do Nguyễn Quang Ngọc, và Vũ Văn Quân (khoa Sử, Đại Học Quốc Gia Hà Nội) phát hiện.
Chẳng hạn như đơn của ông Hà Liễu, cai hợp phường Cù Lao Ré, xã An Vĩnh, xin chính quyền Tây Sơn cho phép đội Hoàng Sa tiếp tục hoạt động và tờ chỉ thị ngày 14 tháng 2 Thái Đức năm thứ 9 (1786) của quan Thái Phó Tổng Lý Quân Binh Dân Chư Vụ Thượng Tướng Công đốc suất công việc của đội Hoàng Sa.
Năm 1773, sau 2 năm khởi nghĩa, quân Tây Sơn làm chủ miền đất từ Quảng Nam đến Bình Thuận trong đó có đất Quảng Ngãi. Những hoạt động của đội Hoàng Sa ở xã An Vĩnh được đặt dưới quyền kiểm soát của chính quyền Tây Sơn.
Với truyền thống hoạt động hàng trăm năm, dân xã An Vĩnh, vốn tự lập về phương tiện tàu thuyền, lại quen việc, nên luôn luôn tham gia vào đội Hoàng Sa. Vì thế, cuối thời chúa Nguyễn ở xứ Đàng Trong (Nam Hà), khi quân Tây Sơn nổi dậy, kiểm soát được vùng đất Quảng Nghĩa, dân xã An Vĩnh vẫn tiếp tục hoạt động ở ngoài khơi xã của mình.
Tờ đơn trên của Ông Hà Liễu có đoạn viết như sau:
”Bây giờ chúng tôi lập hai đội Hoàng Sa và Quế Hương như cũ gồm thêm dân ngoại tịch, được bao nhiêu xin làm sổ sách dâng nạp, vượt thuyền ra các đảo, các cù lao ngoài biển tìm nhặt các vật hạng đồng thiếc, hải ba, đồi mồi được bao nhiêu xin dâng nạp.” (xem phụ lục 2.4.1)

Chỉ thị ngày 14 tháng 2 năm Thái Đức thứ 9 (1786) của Thái Phó Tổng Lý Quản Binh Dân Chư Vụ Thượng Tướng Công để gởi cho cai đội Hoàng Sa:
 “Sai Hội Đức Hầu, cai đội Hoàng Sa luôn xem xét, đốc suất trong đội cắm biển hiệu thủy quân, cưỡi bốn chiếc thuyền câu vượt biển, thẳng đến Hoàng Sa cùng các xứ cù lao ngoài biển, tìm nhặt đồ vàng, bạc, đồng và các thứ đại bác, tiểu bác, đồi mồi, vỏ hải ba cùng đá quý đều chở về kinh tập trung, nộp theo lệ. Nếu ngạo mạn càn bậy không đến, lại gian dối lấy bớt các vật qúy hoặc sinh sự với dân làm muối, làm cá đều sẽ bị trị tội.” (xem phụ lục 2.4.2)
Sang thời kỳ Triều Nguyễn từ năm 1802 đến năm 1909, có rất nhiều tài liệu chính sử minh chứng chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trước hết là Dư Địa Chí trong bộ Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí của Phan Huy Chú (1821) và sách Hoàng Việt Địa Dư Chí (1833) ( xem phụ lục 2.5 (a), 2.5 (b) )
Cả hai tài liệu trên đều viết về Phủ Tư Nghĩa mà nội dung hầu hết nói đến Hoàng Sa. Phủ Tư Nghĩa thuộc vào Thừa Tuyên Quảng Nam, được đặt tên từ thời Lê Thánh Tông giữa thế kỷ XV đã được Nguyễn Hoàng đổi thành phủ Quảng Nghĩa từ năm 1602. Sang thời Tây Sơn đổi thành Hoà Nghĩa, đến năm 1801 đổi thành trấn. Đến Minh Mạng thứ 10 (1829) đổi thành tỉnh . Minh Mạng thứ 13 (1832) tỉnh Quảng Nghĩa lại có phủ mang tên cũ là Tư Nghĩa.
Phan Huy Chú viết về phủ Tư Nghĩa thời Lê thay vì Quảng Nghĩa và dùng các địa danh cũ cũng thời Lê như Nghĩa Giang (huyện), Bình Dương (huyện). Điều này chứng tỏ Phan Huy Chú sử dụng tài liệu địa dư của Lê Trịnh ở Bắc Hà. Điều đó cũng hợp lý, vì tác giả biên soạn công trình này hồi đầu triều Nguyễn, trong thời gian Phan Huy Chú còn đang lân đận khoa cử chỉ đậu Tú tài trong 2 kỳ thi (1807, 1819).
Đến năm Minh Mạng thứ 2 (1821) (2.12), Phan Huy Chú mới dâng bộ sách này cho vua Minh Mạng và cho biết ông đã soạn trong 10 năm. Trong khi Hoàng Việt Địa Dư Chí đã cập nhật hoá các địa danh thời Chúa Nguyễn đặt như huyện Chương Nghĩa (ghi chú là cựu Nghĩa Giang) huyện Bình Sơn (cựu Bình Dương), song lại sử dụng địa danh Tư Nghĩa Phủ.
Nội dung về Hoàng Sa của hai cuốn sách trên có nhiều điểm tương tự như trong Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quý Đôn cuối thế kỷ XVIII, chỉ khác ở điểm: “Tiền Vương Lịch Triều trí Hoàng Sa đội ...” thay vì “Tiền Nguyễn thị triù Hoàng Sa đội” - Bởi tác giả viết hai cuốn sách trên sống dưới triều đại Nguyễn, khác với Lê Quý Đôn sống dưới triều đại Lê Trịnh ở Bắc Hà.
Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí của Phan Huy Chú là một công trình biên khảo bách khoa lịch sử lớn gồm 49 quyển, ghi chép đủ mọi phép tắc của các triều đại Việt Nam. Chính Dư Địa Chí quyển 5, ở phần Quảng Nam, có nói đến phủ Tư Nghĩa. Hầu hết nội dung nói về phủ Tư Nghĩa là nói đến Hoàng Sa. Chứng tỏ Hoàng Sa rất quan yếu đối với phủ Tư Nghĩa hồi bấy giờ. Qua nội dung ông viết, thấy rất rõ ông đã sử dụng sách Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quý Đôn, đã tóm gọn bớt nhiều nội dung của Phủ Biên Tạp Lục.
Trong Văn Tịch Chí, Phan Huy Chú cũng đã kế thừa Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quý Đôn. Ngoài tả cảnh vật của Hoàng Sa, ông cũng cho biết: “Tiền Vương Lịch Triều (các chúa Nguyễn) đặt đội Hoàng Sa 70 tên cũng lấy dân An Vĩnh luân phiên sung vào.”
Song có dị bản đã chép nhầm tháng giêng thay vì tháng ba như Phủ Biên Tạp Lục cho biết hàng năm:
"từ tháng ba đội Hoàng Sa đi làm nhiệm vụ cũng 3 ngày 3 đêm bằng 5 chiếc tiểu điếu thuyền đến Hoàng Sa rồi cũng tháng 8 về đến cửa Eo tới thành Phú Xuân và cũng mang theo lương thực cho 6 tháng."
Hoàng Việt Dư Địa Chí (1833) (2.13),( Xem phụ lục 2. 6 (a), 2. 6 ( b) ) không đề tên tác giả, được khắc in vào năm Minh Mạng thứ 14 ( 1833) và sau đó được tái khắc in nhiều lần. Người ta thường gọi là cuốn Địa Dư Minh Mạng.

Nhiều người như Phạm Thận Duật đã ghi Hoàng Việt Địa Dư Chí lại chính là của Phan Huy Chú trong tài liệu tham bác của cuốn Hưng Hoá Ký Lược. Điều này chứng tỏ Hoàng Việt Địa Dư Chí bắt nguồn từ Dư Địa Chí trong Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí của Phan Huy Chú. Đại để nội dung có nhiều điều giống nhau, song đôi chỗ có khác nhau về từ hoặc thêm, bớt và nhất là cách trình bày.
Thay vì Dư Địa Chí gồm 5 quyển, thì Hoàng Việt Địa Dư Chí chỉ có 2 quyển với cấu trúc khác nhau.
Cũng như Dư Địa Chí của Phan Huy Chú, trong phần Quảng Nam, Hoàng Việt Dư Địa Chí đề cập đến phủ Tư Nghĩa mà hầu hết nội dung đều nói về Hoàng Sa. So với Dư Địa Chí, Hoàng Việt Dư Địa Chí viết gọn hơn song cùng một nội dung về hoạt động của đội Hoàng Sa.
Đại Nam Thực Lục, Phần Tiền Biên, quyển 10 (soạn năm 1821, khắc in năm 1844) (2.14), (xem phụ lục 2.9) là loại tài liệu chính thức của nhà nước Việt Nam nói về Hoàng Sa. Thủ phủ chúa Nguyễn là Phú Xuân bị quân Trịnh rồi quân Tây Sơn chiếm đóng nên nhiều tư liệu thời chúa Nguyễn nhất là về Hoàng Sa của chính chúa Nguyễn đã không còn lại đến ngày nay.
Đây là tài liệu đầu tiên viết về Hoàng Sa trong thời chúa Nguyễn mà triều đình nhà Nguyễn đã cho chép lại.
So với Phủ Biên Tạp Lục, Đại Nam Thực Lục Tiền Biên còn có điểm làm rõ hơn là xác định tính chất quần đảo: rằng ngoài biển Quảng Ngãi có một loại hình quần đảo tục gọi là bãi Hoàng Sa có hơn 130 cồn cát không biết dài tới mấy ngàn dặm lại cách xa nhau một ngày đường hoặc vài trống canh. Ngoài ra, Đại Nam Thực Lục Tiền Biên cũng chép:
 “hồi quốc sơ đặt đội Hoàng Sa, hàng năm cứ tháng 3 cỡi thuyền ra đảo, 3 ngày 3 đêm tới nơi, đến tháng 8 về”
và cũng chép về đội Bắc Hải mộ dân Tứ Chính, Bình cố hoặc xã Cảnh Dương sung vào, hoạt động ở phía Nam, Côn Lôn, Hà tiên do đội Hoàng Sa kiêm quản.

Đại Nam Thực Lục Chính Biên (2.14) (khắc in năm 1848) có cả thảy 11 đoạn viết về quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa với nhiều nội dung mới, phong phú, rất cụ thể về sự thực thi chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Đoạn thứ 1: Đại Nam Thực Lục Chính Biên: đệ nhất kỷ , quyển 50 (đời vua Gia Long) chép rất rõ ràng:
 “tháng giêng năm Aát Hợi (1815) [vua Gia Long] sai bọn Phạm Quang Ảnh thuộc đội Hoàng Sa ra đảo Hoàng Sa xem xét, đo đạc thủy trình...” [97] (xem phụ lục 2. 10)
Đoạn thứ 2: Đại Nam Thực Lục Chính Biên: đệ nhất kỷ, quyển 52 (đời vua Gia Long) một lần nữa lại ghi rõ ràng:
 “Năm Bính Tý, niên hiệu Gia Long thứ 15 (1816), vua Gia Long ra lệnh cho thủy quân và đội Hoàng Sa đi thuyền ra Hoàng Sa để xem xét và đo đạc thủy trình...” [97] (xem phụ lục 2.11)
Đoạn thứ 3: Đại Nam Thực Lục Chính Biên: đệ nhị kỷ, quyển 104 (đời vua Minh Mạng ). Lần đầu tiên tư liệu chính sử của triều đình Việt Nam ghi rõ lời của một hoàng đế Việt Nam (vua Minh Mạng) đã khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa, khẳng định Hoàng Sa nằm trong hải phận của Việt Nam và sai người dựng miếu, lập bia, trồng cây [98] (xem phụ lục 2.12 (a),2.12(b) ).
Đoạn thứ 4: Đại nam Thực Lục Chính Biên, đệ nhị kỷ, quyển 122 (đời vua Minh Mạng) chép:
"Năm Giáp Ngọ, Minh Mạng 15 (1834) sai giám thành đội trưởng Trương Phúc Sĩ cùng thủy quân hơn 20 người đi thuyền đến đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Ngãi vẽ bản đồ." [99]
Đoạn thứ 5: Đại Nam Thực Lục Chính Biên, Đệ Nhị Kỷ, quyển 154 (đời vua Minh Mạng) chép rất rõ ràng rằng:
"Năm ngoái vua toan dựng miếu lập bia ở chỗ ấy, bỗng vì sóng gió không làm được. Đến đây, mới sai cai đội thủy quân là Phạm Văn Nguyên đem lính thợ giám thành cùng phu thuyền hai tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định chuyên chở vật liệu đến dựng miếu (cách toà miếu cổ 7 trượng). Bên tả miếu dựng bia đá, phía trước miếu xây bình phong.Mười ngày làm xong rồi về." (xem phụ lục 2.13 a, 2.13 b) [100]
Đoạn thứ 6: Đại Nam Thực Lục Chính Biên, đệ nhị kỷ, quyển 165 (đời vua Minh Mạng) (xem phụ lục 2. 14 (a), 2.14 (b), 2.14 (c) ),viết rất rõ quan điểm của Bộ Công và hoạt động của Bộ này tại Hoàng Sa:
 “Năm Bính Thân, niên hiệu Minh Mạng thứ 17 (1836) (năm Đạo Quang thứ 16 đời nhà Thanh) Bộ Công tâu: “Xứ Hoàng Sa thuộc cương vực mặt biển nước ta, rất là hiểm yếu, từng sai vẽ bản đồ riêng về hình thế xa rộng, ta mới chỉ vẽ được một, rồi lại cũng chưa biết vẽ nên làm thế nào. Hàng năm, thường phái người đi xem xét cho khắp để thông thuộc đường biển. Xem từ năm nay về sau, mỗi khi đến hạ tuần tháng giêng, chọn phái thủy quân biền binh và giám thành đáp 1 chiếc thuyền ô nhằm thượng tuần tháng hai thì đến Quảng Ngãi, giao cho 2 tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định , thuê 4 chiếc thuyền của dân hướng dẫn ra xứ Hoàng Sa. Không cứ là đảo nào, bãi cát nào, phàm khi thuyền đến nơi, tức thì cứ chiếu chiều dài, chiều ngang, chiều cao, chiều rộng, và nước biển, bãi biển xung quanh nông hay sâu, có bãi ngầm, đá ngầm hay không, hình thế hiểm trở bình dị thế nào, phải xem xét đo đạc rõ ràng , vẽ thành bản đồ..."
Chưa bao giờ chúng ta có một tài liệu chi tiết như tài liệu này và sự chỉ đạo của Bộ Công về việc hoạt động của thủy quân biền binh và giám thành trong việc đo đạc, vẽ bản đồ một cách qui mô về quần đảo Hoàng Sa. [101]
Đoạn thứ 7: Đại Nam Thực Lục Chính Biên, đệ nhị kỷ, quyển 165 còn chép:
"Vua Minh Mạng đã y theo lời tâu của Bộ Công sai suất đội thủy quân Phạm Hữu Nhật điều binh thuyền đi đem theo 10 cái bài gỗ dựng bàn dấu mốc, chủ quyền".
Mỗi bài gỗ dài 5 thước, rộng 5 tấc, dày 1 tấc, mặt bài khắc những chữ:
 “Minh Mạng thập thất niên (1836), Bính Thân, thủy quân chinh đội trưởng suất đội Phạm Hữu Nhật phụng mệnh vãng Hoàng Sa đường độ chí thủ lưu chí đẳng tự” [101]
Đoạn thứ 8: Đại Nam Thực Lục Chính Biên, đệ tam kỷ, quyển 49 (đời Thiệu Trị) chép:
"Thiệu trị thứ 5 Aát Tỵ (1845), ngũ đẳng thị vệ Nguyễn Hoán được phái đi đến Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Ngãi, tự tiện quấy rối các làng. Hoán phải tội lưu." [102]
Trong Khâm Định Đại Nam Hội Điển Sự Lệ (1851) (2.15), có đoạn văn đề cập đến Hoàng Sa trong quyển 207, tờ 25b -26a rằng: “Năm thứ 16 (1836) chuẩn y lời tâu cho tỉnh Quảng Ngãi dựng miếu Hoàng Sa một gian (làm kiểu nhà đá) ở phía Tây Nam cồn cát trắng. Bên tả dựng bia đá (cao 1 thước 5 tấc, mặt 1 thước 2 tấc), phía trước xây bức bình chắn, phía tả, phía hữu và phía sau trong các loài cây” (xem phụ lục 2.15 a, 2.15 b).
Cũng trong bộ sách Khâm Định Đại Nam Hội Điển Sự Lệ quyển 221 [93] còn có đoạn chép như sau:
 “Năm thứ 17 (1836) chuẩn y lời tâu rằng: Hoàng Sa thuộc khu vực ngoài biển rất là hiểm yếu. Minh Mạng năm thứ 15, đã phái biền binh thủy quân và giám thành đến nơi xem xét, vì có gió lụt, nên chưa thăm dò được nơi đích xác. Năm qua lại phái ra và đã dựng miếu, dựng bia. Còn việc hoạ đồ chỉ được một chỗ chưa được rõ ràng. Có lẽ hàng năm cần phải đi thám dò khắp chỗ thuộc đường bể. Nay cần tư cho Quảng Ngãi, Bình Định chiếu lệ năm trước, thuê bắt thuyền dân và bắt người đi trước đều đều đến tỉnh Quảng Ngãi, vẫn phái biền binh thủy quân và giám thành cưỡi một chiếc thuyền sơn đen lái đến đích Chữ Hoàng Sa. Không cứ đảo nào, cửa bể nào thuyền chạy đến, sẽ đếm nơi ấy chiều dài, chiều ngang, bề cao, bề rộng, chu vi đều bao nhiêu và bốn bề nước bể nông hay sâu? Có cát ngầm, đá mỏm hay không, ở hình thế hiểm trở hay bình thường, xem đo tỏ tường, vẽ thành dồ bản. Lại chiếu khi khởi hành, do cửa bể nào ra bể, trong phương hướng nào mà lái đến nơi ấy, cứ theo đường thủy đã đi khấu tính ước được bào nhiêu dặm đường? Lại ở chốn ấy trông vào bờ bể đối thẳng là tỉnh hạt nào? là phương hướng nào? Ước lượng cách bờ bao nhiêu dặm đường? Ghi nói minh bạch trong hoạ đồ để vẽ trình lên. Lại từ năm nay trở về sau, mỗi khi đến hạ tuần tháng giêng, chiếu theo lệ ấy mà làm”. [93, 492]
Tài liệu rất quý giá là châu bản triều Nguyễn (thế kỷ XIX) (2.5), ở đó người ta tìm thấy những bản tấu, phúc tấu của các đình thần các bộ như bộ Công, bộ Hộ và các cơ quan khác hay những dụ của các nhà vua về việc thực thi chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa dưới triều Nguyễn như việc vãng thám, đo đạc, vẽ hoạ đồ Hoàng Sa, cắm cột mốc... Cũng có nội dung bản tấu cho biết những hoạt động hàng năm trên bị hoãn tháng khởi hành như năm Minh Mạng thứ 19 (1838) thay vì hạ tuần tháng 3 khởi hành, mãi tới hạ tuần tháng 4 vẫn chưa khởi hành, hoặc năm Thiệu Trị thứ 5 (1845) có chỉ đình hoãn kỳ vãng thám năm 1846.
Trong châu bản triều Nguyễn thế kỷ XIX, có những đoạn nói về sự thực thi chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa sau đây:
Dụ ngày 18 tháng 7 năm Minh Mạng thứ 16 (1835) thưởng phạt những người công tác tại Hoàng Sa. Trong Châu bản tập Minh Mạng số 54, trang 92 có đoạn viết vua Minh Mạng ra chỉ dụ giao cho Bộ Công phạt cai đội Hoàng Sa Phạm Văn Nguyên 80 trượng vì tội trì hoãn thời gian công tác hay phạt 80 trượng giám thành Trần Văn Vân, Nguyễn Văn Tiệm, Nguyễn Văn Hoằng chưa chu tất việc vẽ bản đồ Hoàng Sa.
Trong khi đó lại thưởng dân binh đội Hoàng Sa Võ Văn Hùng, Phạm Văn Sanh, mỗi người một quan tiền vì đã có công hướng dẫn hải trình của thủy quân đi Hoàng Sa. [80]
Phúc tấu của Bộ Công ngày 12 tháng 2 năm Minh Mạng thứ 17 (1836), trong tập châu bản Minh Mạng 55, trang 336 ghi lời châu phê của vua Minh Mạng: Mỗi thuyền vãng thám Hoàng Sa phải đem theo 10 tấm bài gỗ (cột mốc) dài 4, 5 thước, rộng 5 tấc, khắc sâu hàng chữ:
 “Năm Bính Thân (Minh Mạng thứ 17), họ tên cai đội thủy quân phụng mệnh đi đo đạc, cắm mốc ở Hoàng Sa để lưu dấu.”
Vua cũng phê rằng thuyền đi đâu, phải cắm cột mốc đến đó để lưu dấu. Phúc tấu cũng còn ghi chánh đội trưởng Phạm Hữu Nhật được phái từ Thuận An vào Quảng Ngãi để đi công tác Hoàng Sa [5].
Tấu của bộ Hộ ngày 11 tháng 7 năm Minh Mang thứ 17 (1836) xin thanh toán cấp lương thực cho dân phu công vụ Hoàng Sa. [6]
Dụ ngày 13 tháng 7 Minh Mạng 18 (1837) trong tập châu bản Minh Mạng 57, trang 245 có đoạn cho biết trước có phái thủy sư, giám thành, binh dân hai tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định đi Hoàng Sa đo đạc, cắm mốc, vẽ hoạ đồ, trừ bọn Phạm Văn Biện gồm 4 tên can tội đã có chỉ phạt trượng, còn binh dân đi theo lặn lội biển cả cực khổ, thưởng mỗi tên binh đinh một tháng lương dân phu mỗi tên 2 quan tiền. [81] (xem phụ lục 2.7(a), 2.7(b)).
Tấu của bộ Công ngày 2 tháng 4 nhuận năm Minh Mạng thứ 19 (1838) về việc hoãn khởi hành ra Hoàng Sa bởi gió mưa lớn trong tập châu bản Minh Mạng 68, trang 21 có viết xin tấu trình lên vua vào ngày 2 tháng 4 nhuận Minh Mạng 19 (1838), việc phái vãng thám để đo đạc giáp vòng Hoàng Sa kỳ năm nay, ấn định khởi hành hạ tuần tháng 3, nhưng vì gió Đông nổi lên liên tục kèm theo mưa lớn tới hạ tuần tháng 4 vẫn chưa khởi hành được. [7]
Tấu của Bộ Công ngày 21 tháng 6 năm Minh Mạng thứ 19 (1838) về việc thám sát và vẽ bản đồ ở Hoàng Sa. Bản tấu viết rằng những người được phát đi Hoàng Sa do Bộ ty Đỗ Mậu Thưởng và Thị vệ Lê Trọng Ba dẫn đầu và hướng dẫn viên Vũ Văn Hùng. Ông Hùng cho biết Hoàng Sa tất cả có 4 nơi cần khảo sát thì lần này đi được 3 nơi. Còn một nơi hơi xa ơ Phía Nam mà vì gió Nam đương mạnh, nên họ xin đến sang năm đi tiếp. Quần đảo Hoàng Sa có 25 hòn cần khảo sát mà lần này đi tới được 12 hòn, còn 13 hòn chưa đi tới được. Lần này đoàn khảo sát vẽ được 4 bức bản đồ ( 3 bức vẽ riêng và 1 bức vẽ chung).
Tấu của Bộ Công lần này do Thang Huy Thận phụng thảo và Hà Duy Phan và Lý Văn Phức phụng duyệt còn cho biết các đồ bản vẽ lần này chưa rõ ràng và có một bản nhật ký chưa được tinh tường. Bộ Công sẽ cho vẽ lại tinh vi, sẽ tấu trình tiếp ( xem phụ lục 2.8 (a), 2.8(b) ).
Tấu của tỉnh Quảng Ngãi ngày 19 tháng 7 Minh Mạng 19 (1838) xin miễn thuế cho 2 chiếc “bổn chinh thuyền” .
Trong tập châu bản Minh Mạng số 64 trang 146 có đoạn viết rằng ngày 19 tháng 7 Minh Mạng thứ 19 (1838) : Xin chiếu lệ miễn thuế năm nay cho 2 chiếc “bổn chinh thuyền” đã đưa binh dân đến Hoàng Sa đo đạc giáp vòng từ hạ tuần tháng 3 tới hạ tuần tháng 6, hoàn tất công vụ nay đã trở về [112].
Phúc tấu của Bộ Công ngày 20 tháng 1 năm Thiệu Trị 7 (1847) về việc đình hoãn thám sát Hoàng Sa. Trong tập châu bản Thiệu Trị 41, trang 83 có đoạn viết:
 “Ngày 26 tháng 1 năm Thiệu Trị 7 (1847): Tháng 6 Thiệu Trị 5 (1845) ra sắc về việc đình hoãn thám Hoàng Sa. Nay phúc tấu đợi chỉ có nên vãng thám Hoàng Sa kỳ này hay không?” Châu phê: ”Đình hoãn” [8].
Tấu của Bộ Công ngày 28 tháng 12 Thiệu Trị 7 (1847) trong tập châu bản Thiệu Trị 51, trang 235 có đoạn viết trong ngày 28 tháng 12 Thiệu Trị (1847) rằng hàng năm, vào mùa xuân theo lệ phái binh thuyền vãng thám Hoàng Sa thuộc hải cảng nước nhà cho thành thục đường đi lối lại.
Năm Thiệu Trị thứ 5 (1845) có dụ chỉ đình hoãn kỳ vãng thám năm Thiệu Trị 6 (1846) vì công vụ bận rộn, năm nay cũng xin đình hoãn (xem phụ lục 2.8 (c), 2.8(d) ). [9]
Việt Sử Cương Giám Khảo Lược quyển IV của Nguyễn Thông (1877) (2.17) có đoạn viết về Hoàng Sa như sau:
”Vạn Lý Trường Sa : từ đảo Lý Sơn (tục gọi là Ngoại La [tức Cù Lao Ré] đi thuyền về phía Đông , ba ngày ba đêm thì đến. Nước Việt Nam ta ở buổi quốc sơ thường kén những đinh tráng hai hộ An Hải và An Vĩnh, mà đặt đội Hoàng Sa để đi kiếm lượm những vật ngoài biển, hàng năm cứ tháng 2 đi, tháng 8 về. Bãi Cát dăng từ phía Đông mà sang phiá Nam, chỗ nổi lên chỗ chìm xuống, không biết mấy nghìn dặm. Ở trong có vụng sâu, thuyền có thể đậu được. Trên bãi có nước ngọt. Chim biển có nhiều giống không biết tên. Có một cái miếu cổ, lợp ngói, biển ngạch khắc mấy chữ “Vạn lý Ba Bình" [muôn dặm sóng êm], không biết dựng từ đời nào. Các quân nhân đến đây thường đưa những quả Phương Nam mà vãi ở trong và ngoài miếu, mong cho mọc cây để làm dấu mà nhận. Từ khi đội Hoàng Sa bãi, gần đây không ai hỏi đến miếu ấy nữa. Truyện ký của người xưa nói nhiều về cảnh đẹp của “Thập Châu Tam đảo”. Ngày nay suy ra không thể nói là không có những đất ấy, nhưng nói là chỗ ở của thần tiên thì sai.” [120]
Trong bộ sách Đại Nam Nhất Thống Chí (1882 soạn xong, 1910 soạn lại lần 2 và khắc in) (2.18), ấn hành năm Duy Tân thứ 3 (1910), quyển 6: tỉnh Quảng Ngãi có 2 đoạn văn chép rõ quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Đại Nam Nhất Thống Chí lại tiếp tục khẳng định hoạt động đội Hoàng Sa và đội Bắc Hải do đội Hoàng Sa kiêm quản. Đại Nam Nhất Thống Chí cũng cho thêm chi tiết về thực thi chủ quyền của Việt Nam thời Minh Mạng như sai binh lính xây dựng chùa, bia tại Hoàng Sa (xem phụ lục 2.16(a), 2.16(b), 2.16(c) ) [103]
Trong Quốc Triều Chính Biên Toát Yếu (quyển III) của Quốc Sử Quán triều Nguyễn, (2.19) đời vua Minh Mạng, có 3 đoạn văn liên quan đến Hoàng Sa.
Đoạn thứ nhất (QTCBTY, quyển 3, tờ 97b-98a) viết rằng: "Hoàng Sa ở hải phận Quảng Ngãi có một chỗ có cồn cát trắng cây cối xum xuê tươi tốt. Ở trong cồn cát có một cái giếng. Phía tây nam có một ngôi miếu xưa, bia đá khắc bốn chữ "Vạn Lý Ba Bình" (nghĩa là muôn dặm sóng yên). Cồn cát trắng trước kia có tên là Phật Tự Sơn. Các bờ đông, tây và nam đều có san hô. Có một đồi đá nổi lên, chu vi 340 trượng, cao 1 trượng 3 thước, ngang với đồi cát, gọi là Bàn Than Thạch. Ra lệnh xây miếu và dựng bia ở chốn này. Trước miếu có xây bình phong." (xem phụ lục 2. 17a, 17b) [104]
Đoạn thứ hai (QTCBTY, quyển 3, tờ 104a) viết rằng "tháng giêng, năm Bính Thân thứ 17 (1836), triều đình đã khiến thủy quân suất đội Phạm Hữu Nhật đem binh thuyền đến Quảng Ngãi, thẳng tới miền Hoàng Sa, không nệ cù lao nào, cồn cát nào, phàm chiều dài, chiều ngang, chiều rộng, chiều cao, châu vi và bốn phía gần đó có cát ngầm đá mọc hay không; hình thể hiểm dị thế nào, từ cửa biển ra đó đường thủy ước bao nhiêu dặm; bờ biển thuộc địa phương nào, nhất nhất ghi chép rõ ràng. Lại chuẩn bị mang theo thẻ gỗ đến nơi dựng lên làm dấu, vẽ đồ bản đem về dâng lên ngài ngự lãm." (xem phụ lục 2. 17 (c) ) [104]
Đoạn thứ ba (QTCBTY, quyển 3, tờ 110a) viết rằng: "Năm Bính Thân thứ 17 (1836) tháng 12, tàu buôn nước Anh Cát Lợi qua bãi Hoàng Sa, bị cạn ghé vào bãi biển Bình Định hơn 90 người. (Vua) sai tìm nơi cho ở và hậu cấp tiền gạo. Thuyền trưởng, đầu mục tỏ ra rất cảm kích. (Vua) sắc cho phái viên đi Tây. Nguyễn Tri Phương đem mấy người ấy xuống bến ở Hạ Châu đưa về nước." ( xem phụ lục 2.17(d) ) [104] 
Ngoài ra các bản đồ cổ của Việt Nam từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX đều vẽ Bãi Cát Vàng hay Hoàng Sa và Vạn Lý Trường Sa trong cương vực của Việt Nam. Chẳng hạn bản đồ trong Toản Tập Thiên Nam Tứ Chí Lộ Đồ Thư của Đỗ Bá Công Đạo hay bản đồ Đường Qua Quảng Nam đời Lê do M.G Dumontier vẽ lại bản đồ của Đỗ Bá (hình 2.34 ). Bản đồ Đại Nam Nhất Thống Toàn Đồ trong Nam Bắc Kỳ Hội Đồ (hình 2. 35). Rất tiếc những bản đồ chi tiết cũng như tổng quát vẽ các đảo Hoàng Sa thời nhà Nguyễn nhất là thời Vua Minh Mạng do thời tiết khắc nghiệt cũng như chiến tranh tàn phá đã không còn lưu giữ.
2.1.2 Những tư liệu của Trung Quốc và Phương Tây minh chứng chủ quyền Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Những tư liệu của Trung Quốc minh chứng chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa:
Trong thời gian chưa có sự tranh chấp chủ quyền, tức trước năm 1909, rất nhiều tài liệu của Trung Quốc cũng như Phương Tây đều gián tiếp hay trực tiếp xác nhận chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.



Hình 2.34: Bản đồ đường qua xứ Quảng Nam đời Lê, theo Thiên Nam lộ đồ, vẽ lại năm 1741 (bản sao chép của Dumoutier). “Bãi cát vàng” tức là Hoàng Sa

Trước tiên là Hải Ngoại Kỷ Sự của Thích Đại Sán (người Trung Quốc) năm 1696 (2.20). Trong quyển 3 của Hải Ngoại Kỷ Sự đã nói đến Vạn Lý Trường Sa tức Hoàng Sa và đã khẳng định Chúa Ngãi đã hành sử chủ quyền của mình trên quần đảo này như sau:
"Bởi vì có những cồn cát nằm thẳng bờ biển, chạy dài từ Đông Bắc qua Tây Nam; động cao dựng đứng như vách tường, bãi thấp cũng ngang mặt nước biển; mặt cát khô rắn như sắt, rủi thuyền chạm phải ắt tan tành; bãi cát rộng cả trăm dặm, chiều dài thăm thẳm chẳng biết bao nhiêu mà kể, gọi là “Vạn Lý Trường Sa” , mù tít chẳng thấy cỏ cây nhà cửa; nếu thuyền bị trái gió trái nước tấp vào dầu không tan nát cũng không gạo không nước, trở thành ma đói mà thôi. Quảng ấy cách Đại Việt bảy ngày đường, chừng bảy trăm dặm. Thời Quốc vương trước, hằng năm sai thuyền đi đánh cá đi dọc theo bãi cát, lượm vàng bạc khí cụ của các thuyền lui tấp vào. Mùa thu nước dâng cạn, chảy rút về hướng Đông bị một ngọn sóng đưa thuyền có thể trôi xa cả trăm dặm; sức gió chẳng mạnh , sợ có hiểm hoạ Trường Sa". [116,125]


Hình 2.35: Đại Nam nhất thống toàn đồ do Quốc Sử Quán triều Nguyễn (th. k. XIX) ấn hành, có ghi rõ Hoàng Sa và Vạn Lý Trường Sa [xem hình khổ lớn]

Thích Đại Sán đã kể lại kinh nghiệm hải trình qua vùng Hoàng Sa tức Vạn Lý Trường Sa và cho biết ước lượng khoảng cách từ vùng Hoàng Sa đến Đại Việt khoảng bảy ngày đường. Những tài liệu của Việt Nam như đã cho biết giữa các đảo phải đi đến mất 1 ngày đường, nên nếu phải trải qua hàng trăm dặm tới Đại Việt đi mất tới 7 ngày đường, trong khi từ bờ biển Việt Nam đi tới đảo gần nhất của quần đảo Hoàng Sa chỉ mất 3 ngày 3 đêm là hợp lý.

Thích Đại Sán viết:
 “Thời Quốc Vương trước, ở đây hàng năm sai thuyền đi đánh cá đi dọc theo bãi cát, lượm vàng bạc, khí cụ của các thuyền bị đắm ở Hoàng Sa”
cũng phù hợp với các tài liệu Việt Nam về hoạt động đội Hoàng Sa, song rõ hơn là xác định thời gian trước thời Quốc Vương Nguyễn Phúc Chu (1691 - 1725), có nghĩa là ít ra cũng ở thời Nguyễn Phúc Trăn (1687 - 1691) hoặc các Chúa Nguyễn khác. Trong thời gian này, chưa có tranh chấp nên Thích Đại Sán là người Trung Quốc đã có thái độ khách quan ghi nhận chủ quyền của Đại Việt đối với Hoàng Sa như trình bày ở trên. Cũng như các phần lãnh thổ khác của Đại Việt, chẳng bao giờ có các văn bản của triều đình Trung Quốc xác nhận.
Truyền thống chiếm hữu lãnh thổ của Phương Tây cũng chẳng bao giờ công bố cho các nước khác được biết. Chỉ có thực tế lịch sử xảy ra như thế nào thì những người am hiểu tường tận như Thích Đại Sán biết rõ sự việc xảy ra ở Đại Việt xứ Đàng Trong đã ghi nhận như thế.
Các bản đồ cổ Trung quốc do chính người Trung quốc vẽ từ năm 1909 trở về trước đều minh chứng Tây Sa và Nam Sa chưa thuộc về Trung quốc. Khảo sát tất cả các bản đồ cổ của Trung quốc từ năm 1909 trở về trước, người ta thấy tất cả các bản đồ cổ nước Trung quốc do người Trung quốc vẽ không có bản đồ nào có ghi các quần đảo Tây Sa, Nam Sa hay bất cứ các đảo nào mà Trung quốc suy diễn là Tây Sa và Nam Sa có nằm trong các bản đồ cổ ấy. Tất cả các bản đồ cổ ấy đều xác định đảo Hải Nam là cực Nam của biên giới phía Nam của Trung quốc.
Chẳng hạn như "Dư địa đồ" đời Nguyên của Chu Tư Bản được vẽ thu nhỏ lại trong sách Quảng Dư đồ của La Hồng Tiên quyển 1, thực hiện năm 1561, phần cực Nam lãnh thổ Trung Quốc là đảo Hải Nam [58], (hình 2. 36).

"Thiên Hạ Thống Nhất Chi Đồ" đời Minh trong Đại Minh Nhất Thống Chí, năm 1461, quyển đầu, đã vẽ cực nam Trung Quốc là đảo Hải Nam [58], (hình 2.37)
"Hoàng Minh Đại Thống Nhất Tổng Đồ" đời Minh, trong Hoàng Minh Chức Phương Địa Đồ của Trần Tổ Thụ, 1635, quyển thượng đã vẽ phần cực nam Trung Quốc là đảo Hải Nam [58], (hình 2.38).
"Lộ Phủ, Châu Huyện Đồ" đời Nguyên vẽ lại trong Kim Cổ Dư Đồ của Nguyễn Quốc Phụ đời Minh, năm 1638, quyển hạ đã vẽ phần cực nam Trung Quốc là đảo Hải Nam [58], (hình 2.39)
"Hoàng Triều Phủ Sảnh, Châu, Huyện Toàn Đồ" đời Thanh, khuyết danh, năm 1862, vẽ theo "Nội Phủ Địa Đồ" gồm 26 mảnh mang tên Đại Thanh Trực Tỉnh Toàn Đồ đã vẽ phần cực nam Trung Quốc là đảo Hải Nam [58], (hình 2.40)
"Hoàng Triều Nhất Thống Dư Địa Tổng Đồ" trong tập Hoàng Triều Nhất Thống Dư Địa Tổng Đồ (khuyết danh), năm 1894, đã vẽ phần cực nam Trung Quốc là đảo Hải Nam [58], (hình 2.41)
"Quảng Đông Tỉnh Đồ" trong Quảng Đông Dư Địa Toàn Đồ, do quan chức tỉnh Quảng Đông soạn năm 1897, có lời tựa của tổng đốc Trương Nhân Tuấn đều không thấy bất kỳ quần đảo nào ở biển Nam Trung Hoa [58] (hình 2.42).
" Đại Thanh Đế Quốc" trong tập Đại Thanh Đế Quốc Toàn Đồ do Thường Vụ Ấn Thư Quán Thượng Hải, 1905, tái bản lần thứ 4 năm 1910, đã vẽ phần cực Nam lãnh thổ Trung quốc là đảo Hải Nam [58], (hình 2.43)
"Đại Thanh Đế Quốc Vị Trí Khu Hoạch Đồ", (1909), cũng như bản đồ trên đã vẽ phần cực nam Trung Quốc là đảo Hải Nam [58], (hình 2.44).
Sau năm 1909, nhiều bản đồ Trung Quốc đã vẽ Tây Sa, Nam Sa trong lãnh thổ của Trung Quốc, trong đó có "Trung Quốc Cương Giới Biến Thiên Đồ"năm 1939, đã vẽ ranh giới thuộc quốc đời Thanh xuống tận gần Indonesia, gồm cả Triều Tiên [58] (hình 2.45).

Ngoài ra, một số tư liệu cổ mà Trung Quốc trưng ra để chứng minh sự phát hiện sớm của người Trung Quốc (mà thực ra chỉ là suy diễn không có cơ sở vững chắc để chứng minh chủ quyền của Trung Quốc) lại đều là các tài liệu viết về nước ngoài như Giao Châu Dị Vật Chí của Dương Phù. Xứ Giao Châu là Việt Nam cũng chỉ "Bắc thuộc" một thời gian nhất định. Cũng thế các tác giả trên đã dẫn Chư Phiên Chí của Triệu Nhữ Quát (chứ không phải Triệu Nhữ Thích), đời Nam Tống (1225) có nhắc đến Thiên Lý Trường Sa, Vạn Lý Thạch Đường ở Phiên Quốc , có nghĩa nước khác chứ không phải Trung Quốc.
Tư liệu cổ Trung quốc cũng dẫn Phù Nam Truyện của Khang Thái (đời Ngô Tam Quốc), Nam Châu Dị Vật Chí của Vạn Chấn (đời Ngô). Chư Phiên Đồ đời Tống lại xác định giới hạn của Trung Quốc với các nước khác ở Giao Dương tức Giao Chỉ Dương. Giao Chỉ Dương hay Biển Giao Chỉ lại là Vịnh Bắc Bộ trong khi Hoàng Sa, Trường Sa lại cách xa Vịnh Bắc Bộ.…
Như thế các tài liệu cổ trên đã gián tiếp chứng minh Hoàng Sa và Trường Sa mà Trung Quốc gọi là Tây Sa, Nam Sa không thuộc về Trung Quốc mà thuộc các nước khác mà Trung Quốc gọi là Phiên Quốc, hay Giao Châu, Nam Châu.
Sau khi Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng Hoàng Sa tháng 1 nănm 1974, nhiều đoàn khảo cổ Trung Quốc đến các đảo thuộc quần đảo này và gọi là “phát hiện” nhằm nhiều cổ vật như tiền cổ, đồ sứ, đồ đá chạm trổ trên các hòn đảo này, song đều không có giá trị gì để minh xác chủ quyền Trung Quốc bởi đồng tiền La Mã đã từng được phát hiện ở Óc Eo (An Giang), ở miền Nam Việt Nam nhưng không thể chứng minh rằng Óc Eo (An Giang) thuộc chủ quyền La Mã.
Các nhân viên khảo cổ Trung Quốc còn phát hiện được 14 ngôi miếu cô hồn và cho rằng chúng có từ thời Minh Thanh. Trong các ngôi miếu cô hồn ấy lại có 2 ngôi miếu ở đảo Vĩnh Hưng, tức đảo Phú Lâm (Ýle Boisée) đã được nhóm Hàn Chấn Hoa biên chép lại từ bài báo “Từ quần đảo Tây Sa trở về” trên Đại Công Báo Hương Cảng, ngày 31 tháng 3 năm 1957, ghi rõ:

“Trên đảo Vĩnh Hưng [ Phú Lâm ] hiện nay có 2 ngôi miếu mà ngư dân tự xây dựng nên. Miếu mặt Nam gọi là “Cô hồn miếu”, miếu ở mặt Bắc gọi là "Hoàng Sa Tự” (Hàn Chấn Hoa, Lâm Kim Chi, Ngô Phượng Bân, Ngã Quốc Nam Hải Chư Đảo Sử Liệu Hội Biên, thiên thứ 1, trang 115 ).
Hoàng Sa Tự” là bằng chứng hiển nhiên vết tích của việc xác lập chủ quyền của Việt Nam mà các vua chúa Việt Nam, trong có thời Minh Mạng sai thủy quân ra Hoàng Sa xây dựng miếu, chùa như đã trình bày trong chương này.

Tư liệu Phương Tây xác nhận về chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Năm 1494, Giáo Hoàng Alexandre VI đã dùng quyền lực tinh thần để phân các vùng ảnh hưởng trên thế giới cho hai nước Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Sự phân chia này được chính thức hoá trong hiệp ước Tordesillas 1494. Do đấy, các đội thương thuyền của Bồ Đào Nha đã đi về phương Đông tức Ấn Độ và Trung Quốc. Bồ Đào Nha đã thiết lập một thương điếm ở Ma Cao (Trung Quốc) từ năm 1511 và biến Ma Cao thành thuộc địa từ 1557. Từ đó các thương thuyền qua lại Biển Đông và có những nhà hàng hải Bồ Đào Nha thám hiểm vùng Biển Đông trong đó có đảo Hoàng Sa.
Nhà hàng hải Bồ Đào Nha Fernão Mendes Pinto, một giáo sĩ Dòng Tên đã viết cuốn sách du ký Peragrinacão (dịch ra tiếng Pháp là Pérégrination) nói về chuyến du hành năm 1545, được xuất bản tại Lisbonne năm 1614. Trong đó FM., Pinto đã mô tả về quần đảo Hoàng Sa mà ông gọi là Pulo Pracela (Pracela tiếng Bồ Đào Nha có nghĩa là san hô, Pulo có nghĩa là đảo, cù lao).
Cũng trong thời gian này, các nhà truyền giáo đi theo các thương thuyền đã đến truyền đạo vào Đàng Ngoài của Việt Nam vào 1533. Con đường hàng hải vào đầu thế kỷ XVI từ Malacca đến Macao đã bắt đầu gặp trở ngại, các thương thuyền bị đụng vào các bãi đá ngầm ở Biển Đông. Qua những cuộc khảo sát với rất nhiều nhật ký hải trình của các nhà thám hiểm Bồ Đào Nha trong nửa sau thế kỷ XVI đã nói về một dải cao tầng bãi đá ngầm Pullo Sissir (Baixos de Pullo Sissir), (vĩ độ 10) mà người ta thấy rất nguy hiểm, càng ngày người ta càng thấy rất rộng, bao quát cả một vùng đảo Hoàng Sa và Trường Sa ngày nay, tương tự như những hiểu biết của các nhà địa lý của Việt Nam cùng thời.
Càng ngày người ta càng có nhiều thông tin song chỉ lờ mờ rằng có rất nhiều những bãi đá ngầm nổi lập lờ trên mặt nước chỉ cao khoảng chừng một đầu người, luôn luôn bị sóng biển che lấp. Ban đêm, có khi tàu thuyền đi đến sát mũi nó mới nhận ra được. Có một số đảo phủ cỏ và muối, một số bãi cát. Những hải trình không gặp đá ngầm thường rất hẹp và nếu người ta đi qua được yên lành thì chỉ nhờ có Chúa phù hộ cho mà thôi. Các tác giả khuyên các nhà hàng hải chớ bao giờ rời xa bờ biển Champa.
Cũng giống như các nhật ký hải trình, các tấm hải đồ của các nhà hàng hải Bồ Đào Nha trong nửa sau thế kỷ XVI phản ánh một quan niệm, hiểu biết chung về một quần đảo mà họ gọi là Pracel giống như một dải "ruban" dài hay như một lưỡi dao dài cong chứ không gãy khúc, kéo dọc suốt ngoài khơi với bờ biển Đàng Trong lúc bấy giờ.
Những tấm bản đồ hiếm có tìm thấy xưa nhất có ghi nhận quần đảo Hoàng Sa (Parcel) của người Bồ Đào Nha còn là những bản đồ vào giữa thế kỷ XVI. Đó là bản đồ Bartholomen Velho (1560) (hình 2.46) được ghi lại trong sách của P.Y. Manguin và bản đồ khuyết danh trong cuốn Livro da Marinharia, ghi lại trong cuốn Peregrination của F.M. Pinto.(hình 2.47).
Hai tấm bản đồ có ghi niên đại 1560 tương đối giống nhau đã phản ánh trung thực sự hiểu biết lúc bấy giờ của người Phương Tây về Hoàng Sa. Nói chung người Phương Tây lúc bấy giờ mà tiêu biểu là người Bồ Đào Nha chưa hiểu biết rõ về Hoàng Sa cũng chưa biết các đảo này thuộc về chủ quyền của nước nào.
Hình dáng Hoàng Sa mà người Bồ ghi hàng chữ J Do Pracel trên cũng ở phía Bắc một dải dài những chấm nhỏ chạy từ khoảng Cù Lao Chàm ở ngoài khơi Hội An, được gọi là Pulo Campello tới Cù Lao Thu (đảo Phú Quý) được ghi bằng Pulo Sissir, ngoài khơi Phan Thiết ngày nay. Cái dải dài rộng và những chấm đậm ở phiá Bắc, càng về phía Nam càng hẹp lại và tận cùng bằng cái chấm nhỏ giống như một dải “ruban” nhọn phía dưới. Dải “ruban” Pracel ấy trong Livro da Marinharia của FM Pinto được ghi nhiều chấm hơn, phía Bắc đậm hơn, bề ngang phần dưới hẹp hẳn.
Đến cuối thế kỷ XVI, bản đồ Fernao Vaz Dourado (1590) (hình 2.48) cho thấy người Bồ Đào Nha cũng chưa tăng sự hiểu biết gì thêm. Song người Hà Lan đã bắt đầu hoạt động rất mạnh ở vùng này với bằng chứng là bản đồ của Van - Langren năm 1595 (hình 2.49) hết sức phong phú, rất nhiều chi tiết nhất là tại vùng Trung Bộ. Tại Bắc Bộ cũng có nhiều chi tiết rõ hơn nhất là sông Hồng đã được vẽ bắt nguồn từ Vân Nam ghi là Suinam. Ở phía Tây Bắc Pracel có đảo Hải Nam được ghi là L’Ainam. Ở phía Đông Bắc và Đông thì không có ghi địa danh nào cả, song lại được vẽ bởi những chấm đậm và liền nhau.


Hình 2.49 a: Bản đồ do anh em Van Langren vẽ (thế kỉ XVI), 1595, [Les établissement et point de penetration européen en Extrême Orient au 18è siècle] [xem hình khổ lớn] 

Điều đặc biệt ở bản đồ Van - Langren (1595) trên phần đất liền, ngoài địa danh rất đáng lưu ý là mũi Varella còn có bờ biển ghi là Costa da Pracel ở đối diện với Pulo Canton (Cù Lao Ré) thuộc địa phận tỉnh Quảng Ngãi.

Bước qua thế kỷ XVII, do nhiều nguyên nhân, người Bồ Đào Nha đã mất thế độc quyền ở Biển Đông. Một số quốc gia khác đã vượt trội, tăng cường sự có mặt của mình ở vùng biển này, đi lại ngày càng nhiều chung quanh quần đảo Hoàng Sa. Địch thủ có thế lực lớn mạnh nhất của Bồ Đào Nha lúc này là Hà Lan. Tiếp theo là Anh và Pháp.
Khác với phương thức kinh doanh của người Bồ Đào Nha trong thế kỷ trước, các hoạt động hàng hải của Hà Lan, Anh và Pháp trong thế kỷ này chủ yếu dựa vào những công ty thương mại quốc tế, được các chính quyền nhà nước ấy ủy quyền và bảo trợ, điển hình là các công ty Đông Aán - Hà Lan (V.O.C.) thành lập năm 1602 và các công ty Đông Ấn Anh (East India Company) thành lập năm 1600.
Hoàng Sa nằm trên các tuyến đường giao thương quốc tế lúc bấy giờ đã được người Tây Phương coi là một vị trí chiến lược trọng yếu.


Hình 2.49 b: Bản đồ do công ti Đông Ấn vẽ năm 1703 (thế kỉ XVIII) [xem hình khổ lớn]

Sang thế kỷ XVIII, những cuộc khảo sát Biển Đông của các công ty Đông Ấn rất kỹ càng. Từ cuộc thám hiểm đo đạc của phái bộ Kergariou - Locmacria vào những năm 1778 - 1787 ở Biển Đông đã giúp cho người Phương Tây hiểu biết rõ hơn, trung thực hơn, không còn lờ mờ và sợ hãi như những huyền thoại trước đây về Biển Đông. Các hải trình tương đối an toàn hơn, tuy họ không hề phủ nhận sự nguy hiểm và hoạ đắm tàu ở khu vực quần đảo Paracels.
Người Pháp qua các hoạt động của các giáo sĩ, thương gia nhất là từ khi giám mục Pigneau de Béhaine giúp Nguyễn Ánh về quân sự, đã bắt đầu quan tâm đến Việt Nam và kế thừa những hiểu biết của người Bồ Đào Nha, Hà Lan, đã biết rất rõ về nội tình chính trị Đàng Trong cũng như Đàng Ngoài thời phân tranh cũng như khi thống nhất. Từ đó, người Phương Tây mới biết rõ chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa.
Như thế, chính người Pháp mới bắt đầu cung cấp những tài liệu xác thực về sự xác lập chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Sau đây là những tài liệu chủ yếu:
Nhật Ký trên tàu Amphitrite (năm 1701) xác nhận Paracels là một quần đảo thuộc về nước An Nam.
Các thư từ nhật ký của người Tây Phương, trong đó có người Pháp, đã được tập hợp thành bộ Lettres Edifiantes et Curieuses của Archives des Missions Étrangères de Paris, Paris, 1838, 4 vols. Trong tài liệu này, có nhật ký của chiếc tàu Amphitrite chở các giáo sĩ Pháp qua quần đảo Paracels vào năm 1701 ghi như sau:
 “Người ta cho tàu nhổ neo, gió rất tốt. Và sau đó một thời gian đi đến mỏm đá Paracels. Paracels là một quần đảo thuộc về nước An Nam. Đó là một bãi đá ngầm khủng khiếp có đến hàng trăm dặm, rất nhiều lần đã xảy ra các nạn đắm tàu ở đó”. [66]
Le Mémoire sur la Cochinchine của Jean Baptiste Chaigneau (1769 - 1825), viết vào những năm cuối đời Gia Long (1816 - 1819) đã khẳng định năm 1816 vua Gia Long đã xác lập chủ quyền Việt Nam trên quần đảo Paracels. Jean Baptiste Chaigneau (1769 - 1825) được vua Gia Long đặt tên là Nguyễn Văn Thắng, phong là Thắng Toàn Hầu, từng theo giúp Nguyễn Ánh chống Tây Sơn, đã thay J. M. Dayot vào cuối năm 1796 trông coi tàu Phi Long, có dự trận Thị Nại 1801, hoạt động ở Quảng Nam - Huế. Ông trông coi việc tiếp tế cho quân đội ở Phú Xuân (sắc ngày 16 -3 - 1802).
Ông viết hồi ký nhan đề Le mémoire sur la Cochinchine được A. Salles, một viên chức thanh tra thuộc địa công bố trên Bulletin des Amis du Vieux Huế, N. 2, Avril - Juin 1923, trong đó có đoạn viết:
 “Nước Cochinchine mà vua bây giờ xưng đế hiệu (Hoàng đế) gồm xứ Đàng Trong (Cochinchine proprement dite), xứ Đông Kinh (Tonquin), một phần xứ Cao Miên, một vài đảo có dân cư không xa bờ bể và quần đảo Paracels hợp thành bởi những đảo nhỏ, đá ngầm và mỏm đá không dân cư. Chỉ đến năm 1816 đương kim hoàng đế mới lấy chủ quyền trên quần đảo ấy" [36, 13] [177]
Univers, histoire et description de tous les peuples, de leurs religions, moeurs et coutumes của giám mục Taberd xuất bản năm 1833 cho rằng hoàng đế Gia Long chính thức khẳng định chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa năm 1816. Giám mục Jean Louis Taberd trong cuốn Univers, histoire et description de tous les peuples, de leurs religions, moeurs et coutumes, xuất bản năm 1833 viết về Paracels như sau:
 “Chúng tôi không đi vào việc kê khai những hòn đảo chính yếu của xứ Cochinchine. Chúng tôi chỉ xin lưu ý rằng từ hơn 34 năm nay, quần đảo Paracels, mà người Việt gọi là Cát Vàng hay Hoàng Sa (có nghĩa là Cát Vàng) gồm rất nhiều hòn đảo chằng chịt với nhau, lởm chởm những đá nhô lên giữa những bãi cát, làm cho những kẻ đi biển rất e ngại, đã được chiếm cứ bởi người Việt xứ Đàng Trong". “Chúng tôi không rõ họ có thiết lập một cơ sở nào tại đó không; nhưng có điều chúng tôi biết chắc là hoàng đế Gia Long đã chủ tâm thêm cái đoá hoa kỳ lạ đó vào vương miện của ông, vì vậy mà ông xét thấy đúng lúc phải thân chinh vượt biển để tiếp thâu quần đảo Hoàng Sa, và chính là vào năm 1816 mà Ngài đã long trọng treo tại đó lá cờ của xứ Đàng Trong”. [66] [186]

An Nam Đại Quốc Họa Đồ của giám mục Taberd xuất bản năm 1838 khẳng định Cát Vàng (Hoàng Sa) là Paracels và nằm trong lãnh hải Việt Nam. [27] (hình 2.50) Bản đồ này được đính sau cuốn Tự Điển Việt - La Tinh nhan đề Dictionarium Anamatico-Latinum (Serampore,1838) của giám mục Taberd từng làm thông dịch cho vua Minh Mạng từ tháng 11 năm 1826, xuất bản năm 1838. Bản đồ có chiều dài 80cm, ngang 44cm in trên loại giấy thường để in hoạ đồ. Nhan đề bản đồ được in bằng ba thứ tiếng: chữ Hán, chữ Quốc Ngữ và chữ La Tinh.

Hình 2.50: An Nam đại quốc hoạ đồ (1838) - phụ bản in trong: AJ. L. Taberd, Dictionarium Anamatico-Latinum (Serampore,1838), trong đó có ghi đảo Cát Vàng [xem hình khổ lớn]
An Nam Đại Quốc Họa Đồ là một tài liệu phản ảnh sự tổng kết những hiểu biết sâu sắc và chính xác của người Phương Tây từ thế kỷ XVI đến đầu thế kỷ XIX về mối quan hệ giữa quần đảo Hoàng Sa và nước Đại Việt mà tác giả gọi là An Nam Đại Quốc.
An Nam Đại Quốc Họa Đồ là một minh chứng rất hùng hồn khẳng định một cách rõ ràng: Paracels là địa danh mà người Phương Tây chỉ quần đảo ở Biển Đông suốt thế kỷ XVI đến đầu thế kỷ XIX chính là Cát Vàng hay Hoàng Sa của Việt Nam.
Trong bản đồ này có ghi chú: “Paracels Seu Cát Vàng”. Tại Biển Đông không có đảo Hải Nam của Trung Quốc mà chỉ có đảo của Việt. Đảo ở khoảng vĩ độ 170 Bắc và kinh độ hơn 1110 Đông, có vẽ một số đảo (bằng một số dấu chấm) và ghi hàng chữ "Paracel Seu Cát Vàng". Từ Seu ( tiếng La Tinh) = " có nghĩa là", Cát Vàng (tiếng Nôm) tức là "Hoàng Sa" (tiếng Hán Việt). Paracel = Cát Vàng = Hoàng Sa, là một khẳng định rõ ràng nhất quán chứ không phải suy diễn như Tây Sa của Trung Quốc.
Trong bản đồ An Nam Đại Quốc Hoạ Đồ không ghi đảo Hải Nam hay bất cứ đảo nào của các nước láng giềng và chỉ ghi "Paracel Seu Cát Vàng" mà thôi, chứng tỏ Paracel Seu Cát Vàng nằm trong lãnh thổ của An Nam Đại Quốc hay Đại Việt.
Địa danh Paracel ghi bên cạnh những chấm đánh dấu các đảo ở khoảng vĩ độ 160 Bắc (ngang vĩ độ cửa Tư Dung , Thừa Thiên ) lên đến vĩ độ 170 Bắc khoảng Cửa Tùng (Quảng Trị) và kinh độ 111,018 Đông. Điều này đã phản ảnh sự hiểu biết về Hoàng Sa của người Phương Tây đã rất chính xác và Hoàng Sa không còn chung với quần đảo Trường Sa nữa.
Trên phần đất liền ghi hàng chữ dài: "An Nam Quốc Seu Imperium Anamiticum" cùng hàng chữ "Cocincina interior" seu "An Nam Đàng Trong", ở phía Nam "Lũi Sầy" seu "Murus magnus separans Olim Utrumque regne " và "Cocincina exterior", Đàng Ngoài seu "Tunquinum", chứng tỏ nội dung bản đồ được vẽ không phải ở thời điểm 1838, mà đã được vẽ từ trước đó. Song bản đồ lại ghi các địa danh mới ra đời sau này như Bình Định Thành, Định Tường Thành... nên năm vẽ An Nam Đại Quốc Hoạ Đồ phải sau khi Nguyễn Ánh đã chiếm thành Qui Nhơn.
Bản đồ vẽ bờ biển miền Nam Trung Bộ rất chính xác, còn miền Bắc, nhất là giáp ranh với Lào chưa thật chính xác. Sự hiểu biết của người Tây Phương về Việt Nam rất phong phú. Dù sao cho tới đầu thế kỷ XIX, người Phương Tây đã biết rất rõ về Việt Nam và Hoàng Sa.
The Journal of the Asiatic Society of Bengal, Vol VI đã đăng bài của giám mục Taberd xác nhận vua Gia Long chính thức giữ chủ quyền quần đảo Paracels). The Journal of the Asiatic Society of Bengal là tờ báo của Hội Á Châu của người Anh ở xứ Bengal.
Trong số báo 6 và 7 của báo này đã có đăng bài viết dài về Hoàng Sa của Việt Nam bằng Anh ngữ của giám mục Taberd với tiêu đề: “Pracel or Paracels” (Cồn Vàng) có nội dung như sau:
 “Pracel hoặc Paracels (Cồn Vàng). Tuy rằng cái thứ quần đảo này không có gì ngoài đá tảng và những cồn lớn, nó hứa hẹn nhiều bất tiện hơn lợi, vua Gia long đã nghĩ tăng lãnh thổ bằng cách chiếm thêm cái đất buồn bã này. Năm 1816, ông đã tới long trọng cắm cờ và chính thức giữ chủ quyền các hòn đá này, mà hình như không một ai tranh giành với ông”. [36, trg 11] (thực ra đây chỉ là một lần nữa Việt Nam lại tiếp tục tự khẳng định chủ quyền của mình ở quần đảo Hoàng Sa mà thôi).
Trong The Journal of the Geographycal Society of London (năm 1849), GutzLaff ghi nhận chính quyền An Nam lập ra những trưng thuyền và một trại quân nhỏ để thu thuế ở Paracels. GutzLaff đã viết bài báo “Geography of the Cochinchine Empire” đăng trong The Journal of the Geographical Society of London, trong vol. the 19th năm 1849, trang 97 có đoạn khá dài về Hoàng Sa như sau:

”Đây chúng tôi đáng lẽ không kể đến quần-đảo Cát Vàng nó ở gần bờ bể An-nam 15 đến 20 dặm và lan giữa các vĩ-tuyến 15 và 17 độ Bắc, và các kinh tuyến 111 và 113 độ Đông, nếu Vua xứ Cochin-china đã không đòi quần-đảo ấy là của mình, với nhiều đảo và ghềnh rất nguy-hiểm cho người hàng-hải. Không biết vì san hô hay vì lẽ khác mà các ghềnh đá ấy lớn dần; nhưng rõ-ràng nhận thấy rằng các đảo nhỏ ấy càng năm càng cao, và một vài cái bây giờ đã có người ở vĩnh-viễn, thế mà chỉ mấy năm trước sóng đã vỗ mạnh dập qua. Những đảo ấy đáng lẽ không giá-trị nếu nghề chài ở đó không phồn-thịnh và không bù hết mọi nguy-nan cho kẻ phiêu lưu. Từ lâu đời, những thuyền, phần lớn từ Hải-Nam tới, đã hằng năm đến thăm các bãi nổi nầy và tiến-hành cuộc viễn-du xa xa đến tận bờ đảo Bornéo. Tuy rằng hằng năm hơn phần mười bị đắm, nhưng cá đánh được rất nhiều, đến đỗi không những bù hết mọi thiệt thòi, mà còn để lại món lợi rất to. Chính-phủ An-Nam thấy những lợi có thể mang lại nếu một ngạch thuế đã đặt ra, bèn lập ra những trưng-thuyền và một trại quân nhỏ ở chỗ này để thu thuế mà mọi người ngoài tới đây đều phải trả, và để bảo-trợ người đánh cá bản-quốc. Vậy nên một cuộc giao-dịch lớn được dần dà gây nên và có cơ bành-trướng nhờ sự có rất nhiều cá tới trên các bãi nầy đẻ trứng. Một vài đảo có cây-cối cằn-cỗi, nhưng thiếu nước ngọt ; và những thủy-thủ nào quên mang theo nước trữ đầy đủ, thường bị lâm vào cơn khốn-đốn lớn”.

Tác giả còn viết rằng
 “Nếu vua xứ Cochinchina đã không đòi quần đảo ấy là của mình với nhiều đảo và ghềnh nguy hiểm cho ngành hàng hải, thì ông đã chẳng kể đến quần đảo Paracels (Cát Vàng) làm gì” [36,trg 12],[157].

Tuy tác giả ước lượng không chính xác khoảng cách từ bờ biển Việt Nam 15 - 20 dặm (Anh), song điều may mắn là tác giả lại định tọa độ rất chính xác giữa 150-170 vĩ độ Bắc và 1110- 1130 kinh độ Đông.

Như vậy, tác giả đã cho biết rõ rằng chính phủ Việt Nam đã thực thi chủ quyền của mình qua việc lập ra những trưng thuyền và thành lập một trại quân nhỏ để thu thuế và bảo trợ người đánh cá Việt Nam.
Đối chiếu với sử liệu Việt Nam, năm 1816 là năm đầu tiên vua Gia Long sai thủy quân thay vì đội Hoàng Sa hoạt động ở Hoàng Sa. Chính sự kiện này mà người Phương Tây cho rằng rất quan trọng, đáng lẽ phải viết năm 1816 quân của vua Gia Long, lại viết chính vua Gia Long long trọng xác lập chủ quyền ở Hoàng Sa. Khi phân tích các tư liệu Việt Nam và các tư liệu nước ngoài cũng như của Trung Quốc, chúng ta thấy rất rõ hầu hết tư liệu Việt Nam đều là tư liệu của nhà nước, minh xác rất rõ việc xác lập và thực thi chủ quyền Việt Nam qua các hoạt động khai thác kinh tế, cụ thể hoạt động của đội Hoàng Sa, đội Bắc Hải do nhà nước quản lý, các hoạt động của dân các tỉnh miền Trung như Quảng ngãi, Bình Định, Bình Thuận cùng các hoạt động của thủy quân, giám thành như xây dựng miếu, trồng cây, dựng bia, đặt cột mốc, đo đạc thủy trình.
Còn tài liệu nước ngoài trong đó có cả tài liệu Trung Quốc, phần lớn là nguồn tư nhân. Theo đó các nhà tu, nhà buôn, thám hiểm cũng đều khẳng định Cát Vàng (Hoàng Sa) là Paracel và chính quyền Việt Nam đã thực thi chủ quyền của mình qua các thời đại.
2.2 Sự khẳng định chủ quyền và những hoạt động xác lập chủ quyền của các nhà nước ở Việt Nam

2.2.1 Sự khẳng định chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa của vua chúa, triều đình Việt Nam
Trong khi tại Trung Quốc chưa có tài liệu nào nói rõ vua và triều đình Trung Quốc khẳng định chủ quyền của mình ở Hoàng Sa và Trường Sa, thì tài liệu chính sử của Việt Nam cho thấy vua và triều đình Việt Nam đã nhiều lần khẳng định Hoàng Sa và Trường Sa là thuộc lãnh hải Việt Nam. Các tài liệu chính thức của nhà nước Việt Nam, của triều đình Việt Nam như Đại Nam Thực Lục Chinh Biên, Đại Nam Hội Điển Sự Lệ, Châu Bản Triều Nguyễn, Đại Nam Nhất Thống Chí đã ghi nhận rất rõ ràng rằng hoàng đế Việt Nam, triều đình Việt Nam luôn khẳng định Hoàng Sa thuộc về cương vực mặt biển Việt Nam.
Tỉ như tháng 8 mùa thu năm Quý Tị Minh Mạng thứ 14 (1833), vua Minh Mạng bảo Bộ Công rằng: “Dải Hoàng Sa trong vùng biển Quảng Ngãi...” (Đại Nam Thực Lục Chinh Biên, đệ nhị kỷ, quyển 104). Năm Bính Thân, niên hiệu Minh Mạng thứ 17 (1836) (năm Đạo Quang thứ 16 đời Nhà Thanh) Bộ Công tâu lên vua:
 “Xứ Hoàng Sa thuộc cương vực mặt biển nước ta rất là hiểm yếu" ( Đại Nam Thực Lục Chính Biên, đệ nhị kỷ, quyển 165).
Ngày 20 tháng 12 năm Thiệu Trị thứ 7 (1847) phúc tấu của Bộ Công cũng đã khẳng định:
 “Hàng năm, vào mùa xuân, theo lệ phái binh thuyền vãng thám Hoàng Sa thuộc hải cương nước nhà ...” (tập Châu Bản Thiệu Trị tập 51, trang 235). Sách Đại Nam Nhất Thống Chí của Quốc Sử Quán triều Nguyễn cũng đã chép một cách rõ ràng:
 “Phía Đông (tỉnh Quảng Ngãi) chạy ngang đến đảo cát: đảo Hoàng Sa, liền với biển xanh ...”

2.2.2 Việc quản lý hành chánh của các chính quyền Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa
Trong suốt thời chúa Nguyễn, quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là một, luôn được quản lý hành chánh bởi Thừa Tuyên Quảng Nam dưới danh nghĩa Nhà Lê hay Quảng Nghĩa hay Ngãi lúc là phủ, khi là trấn trong thực tế tự trị của Xứ Đàng Trong, tùy theo thời kỳ lịch sử. Bởi từ khi Nguyễn Hoàng trở lại trấn thủ Thuận Quảng (năm 1600) cho tới khi chúa Nguyễn Phúc Khoát (1738-1765) xưng vương năm 1744, trên danh nghĩa chúa Nguyễn vẫn là quan trấn thủ Thừa tuyên Quảng Nam của Đại Việt, do vua Lê trị vì.
Như thế mọi hành động xác lập chủ quyền của các chúa Nguyễn vẫn dưới danh nghĩa nước Đại Việt và trước hết trên danh nghĩa thuộc Thừa Tuyên, Quảng Nam quản hạt. Năm 1602, với tính cách tự trị, tự quản, Nguyễn Hoàng lại đặt thành dinh Quảng Nam, quản hạt phủ Quảng Nghĩa (hay Ngãi) (trước đó là phủ Tư Nghĩa). Cũng từ năm 1602, phủ Quảng Nghĩa có chức tuần phủ và khánh lý cai trị.
Như thế, trên thực tế tự trị trên, Phủ Quảng Nghĩa có huyện Bình Sơn (trước đó là huyện Bình Dương) quản lý xã An Vĩnh. Toản Tập Thiên Nam Tứ Chí Lộ Đồ Thư hay Toản Tập An Nam Lộ đã ghi "Bãi Cát Vàng (Hoàng Sa) trong phủ Quảng Nghĩa". Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quý Đôn chép "Hoàng Sa ở phủ Quảng Nghĩa (thuộc dinh Quảng Nam) huyện Bình Sơn, xã An Vĩnh". Địa Dư Chí của Phan Huy Chú chép "Hoàng Sa ở trấn Quảng Nghĩa". Sang thời Tây Sơn từ 1773, phủ Quảng Nghĩa được đặt tên thành phủ Hoà Nghĩa.
Năm 1801, Hoà Nghĩa đã được gọi lại với tên Quảng Nghĩa, (cùng nghĩa với Ngãi đọc chệch). Tại phủ Quảng Nghĩa ngoài viên tuần phủ, khánh lý còn có một viên chính hộ lý, một viên đề lãnh, một viên ký lục, một viên cai phủ và một viên thư ký. Sau Quảng Nghĩa trở thành trấn, rồi tỉnh.
Năm 1829, tiếp tục quản lý xã An Vĩnh. Dần dần xã An Hải phía Bắc cửa biển Sa Kỳ cũng cung cấp lính Hoàng Sa. Dân hai làng hay xã An Vĩnh, An Hải di dân ra Cù Lao Ré lập 2 phường An Vĩnh và An Hải mà Nguyễn Thông gọi là hai hộ An Vĩnh, An Hải.
Đến đầu triều Nguyễn, khi dân hai phường Cù Lao Ré phát triển, xin tách khỏi hai làng cũ ở đất liền trở thành nơi cung cấp chính dân binh cho đội Hoàng Sa. Chính Phạm Quang Ánh được cử làm đội trưởng đội Hoàng Sa năm 1815 là người thôn An Vĩnh ở đảo Cù Lao Ré, nay thuộc thôn Đông, xã Lý Vĩnh thuộc huyện đảo Lý Sơn.
Nhiều tài liệu như Việt Sử Cương Giám Khảo Lược của Nguyễn Thông và Đại Nam Nhất Thống Chí của Quốc Sử Quán Triều Nguyễn đã xác nhận đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Ngãi.
Hoàng Sa là nơi hiểm yếu và rộng lớn, nên phủ rồi trấn rồi tỉnh Quảng Nghĩa là đơn vị hành chánh luôn trực tiếp can thiệp vào những hoạt động có định kỳ hàng năm của đội dân binh Hoàng Sa để có phương tiện tốt và đảm bảo những yêu cầu của chính quyền trung ương ở Phú Xuân gọi là chính dinh, thủ phủ của xứ Đàng Trong hay kinh đô của Triều Nguyễn sau này.

2.2.3 Sự thành lập và hoạt động của đội Hoàng Sa
từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX
Trước năm 1909, Trung Quốc cũng như các nước khác ở Đông Nam Á không có bằng chứng nào minh chứng họ quan tâm đến việc xác lập chủ quyền của họ trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trong khi đó, suốt trong ba thế kỷ từ thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XIX, một tổ chức dân binh Việt Nam, đội Hoàng Sa đã hoạt động tại Hoàng Sa và Trường Sa, vừa có nhiệm vụ kiểm soát, vừa khai thác tài nguyên ở các hải đảo thuộc Hoàng Sa, Trường Sa.

2.2.3.1 Địa bàn ra đời của đội Hoàng Sa là ở vùng cửa biển Sa Kỳ
(hình 2.51) và Cù Lao Ré.
Trước hết Cù Lao Ré (2.21) (hình 2.52) còn gọi là Lý Sơn, người Bồ Đào Nha gọi là Pulo Catah, người Trung Quốc gọi là Ngoại La. Cù Lao Ré ở vĩ độ 15040 Bắc và kinh độ 1090 Đông, nằm về phía Đông Bắc vịnh Dung Quất, cách thủ phủ Quảng Ngãi 50km, cách cửa biển Sa Kỳ khoảng 27 km. Xa về phía Bắc là Cù Lao Chàm, phía Nam là đảo Phú Quí.
Đảo Cù Lao Ré hình đa giác không đều cạnh, chiều dài lớn nhất 7 km, chiều ngang 3 km, diện tích gần 11km2 (2.22). Núi chiếm 1/4 ở bốn chung quanh, trống ở giữa, gồm 5 ngọn: Hòn Tiền, HònTai, Hòn Sỏi, Hòn Vung và lớn nhất là Thới Lới. Về phía Tây Bắc, ngoài biển còn có Hòn Bé, phía Đông là Hòn Mù Cu. Tại Hòn Bé có đất trồng trọt , có giếng nước ngọt ngay sát bờ biển.
Ở ngoài biển quanh đảo có san hô và có những hải sản quý như hải sâm (đồn đột), đảo trồng nhiều lạc và ngô, bây giờ trồng hành tỏi. Dân cư sống ở đây từ lâu đời, còn di tích văn hoá Sa Huỳnh gồm các mảnh gốm, các mộ chum cách nay hơn 2000 năm(2.23) và văn hoá Chăm. Theo gia phả các dòng ho, những người Việt đầu tiên di dân ra đảo vào đầu thế kỷ XVII từ vùng cửa biển Sa Kỳ ở đất liền tiến ra.

Có 2 nhóm dân chiếm 2 vùng khác nhau của đảo. Sáu họ (lục tộc) của làng An Vĩnh (huyện Sơn Tịnh) ra ở phường An Vĩnh, nay là Lý Vĩnh và bảy hộ (thất tộc) của làng An Hải (huyện Bình Sơn) ra ở phường An Hải, nay là làng Lý Hải (2.24).
Tại chùa Hang còn gọi là “Thiên Khổng Thạch Tự” ở núi Thới Lới, có thờ các vị tiên hiền khẩn hoang, mở đầu của phường An Vĩnh (Lý Vĩnh) và An Hải (Lý Hải). Dần dần, dân các nơi thậm chí cả vùng Gia Định cũng đến đây định cư. Theo gia phả họ Phạm Văn (thôn Tây Lý Vĩnh) cho biết các vị tiên hiền ra đảo lập nghiệp vào năm Hoàng Định thứ 9 (1609). Dân các phường An Vĩnh, An Hải đã nhiều đời sinh ra và lớn lên ở Cù Lao Ré nhưng họ vẫn phải chịu đầy đủ mọi nghĩa vụ với làng quê gốc mình ở đất liền.
Mãi đến năm Gia Long thứ 3 (1804), hai phường An Vĩnh và An Hải mới thực sự được tách ra thành các đơn vị hành chính độc lập với làng quê gốc , theo đơn của các viên chức phường An Vĩnh xin tách khỏi xã An Vĩnh. Tài liệu này còn được lưu giữ tại nhà thờ họ Phạm Quang, phường An Vĩnh, nay là xứ Lý Vĩnh, huyện Lý Sơn [ 87] [88]
Đối diện với Cù Lao Ré ở đất liền là vùng cửa biển Sa Kỳ và mũi Ba Làng An (Batangan) ở vị trí nhô ra biển với kinh độ ở gần quần đảo Hoàng Sa nhất so với các nơi ở bờ biển Trung Bộ của Việt Nam, lại là địa bàn của làng quê gốc của dân Cù Lao Ré. Đóù là xã An Vĩnh ở một bên bờ cửa biển Sa Kỳ thuộc huyện Sơn Tịnh, và phía Bắc là xã An Hải thuộc huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi. Xã An Vĩnh gồm đất liền ở cửa biển Sa Kỳ và phường An Vĩnh, xã An Hải cũng thế, gồm phường An Hải ở Cù Lao Ré mà đến đời Gia Long thứ 3 (1804) mới tách ra như nói trên. Tại phía Nam cửa biển Sa Kỳ còn di tích Vườn Đồn, nơi đồn Biển Sa Kỳ xưa. Tại đây cũng còn di tích miếu Cá Ông và di tích đình của xã An Vĩnh xưa (nay là thôn An Vĩnh, xã Tịnh Kỳ, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi).
Vùng cửa biển Sa Kỳ bao gồm cửa biển, không có sông chảy ra nên không có hiện tượng cát bồi, có độ sâu tương đối tốt để làm cảng (thuyền) thời bấy giờ. Vì thế, hai bên cửa biển thuận lợi cho dân cư sinh sống, nhất là bờ phía Nam, xã An Vĩnh, sống về nghề biển và cả nông nghiệp, cách phủ lỵ Quảng Ngãi gần 30km. Bờ phía Bắc thuộc xã An Hải, ít trù phú, ít dân cư hơn.
Những hải sản quý ở vùng Cù Lao Ré như hải sâm, đồi mồi có nơi tiêu thụ dễ, gần đó là đô thị Hội An ở phía Bắc. Vùng cửa biển Sa Kỳ và Cù Lao Ré cũng dễ dàng được cung cấp các vật liệu làm thuyền buồm như tre, lá, gỗ, kể cả gỗ kiền kiền làm cột buồm từ vùng rừng núi Quảng Ngãi, Quảng Nam ở cách không xa. Hoàn cảnh địa lý tự nhiên, từ vị trí, địa thế cũng như nhân văn nói trên của vùng cửa biển Sa Kỳ- Cù Lao Ré khiến dân cư ở đó giỏi đi biển, thường đi tìm những hải sản quý như hải sâm, ốc tai tượng ngay ở vùng kế cận Cù Lao Ré. Hiển nhiên những nơi như Hoàng Sa đầy ắp những hải sản tất sẽ có sức hút những cư dân trên đi tới. Đó cũng là lý do đầu tiên khiến Cù Lao Ré - cửa biển Sa Kỳ là cái nôi ra đời của đội Hoàng Sa.
Ngoài ra, do hoàn cảnh lịch sử của xứ Đàng Trong, muốn tồn tại, từ thời Nguyễn Hoàng đã nghĩ đến phát triển giao thương ra biển khơi, tạo điều kiện phát triển mạnh của đô thị giao thương quốc tế Hội An với sự có mặt của người Nhật, Trung Quốc, nhất là người phương Tây (từ đầu thế kỷ XVI phát triển giao thương về phương Đông, khi thiết lập được các thương điếm từ Malacca đến Macao).
Trận thủy chiến với người Hà Lan (hợp tác với quân Trịnh) ở gần cửa Thuận An thời Chúa Nguyễn Phúc Nguyên đã thúc đẩy xứ Đàng Trong phải có kế hoạch thường xuyên thu lượm không những hải sản quý mà còn sản vật do đắm tàu, nhất là súng ống để tăng cường sức mạnh trong cuộc chiến tranh với họ Trịnh ở Đàng Ngoài.

2.2.3.2. Thời gian hoạt động của đội Hoàng Sa
Về thời gian bắt đầu ra đời của đội Hoàng Sa, các sử sách Việt Nam và của cả Trung Quốc đều chép đội Hoàng Sa được thành lập vào đầu thời chúa Nguyễn.
Hải Ngoại Kỷ Sự (Trung Quốc) viết năm 1696, chép thời Quốc Vương trước đã có những hoạt động của đội “Hoàng Sa” và Phủ Biên Tạp Lục viết năm 1776, chép “Tiền Nguyễn Thị”. Đại Nam Thực Lục Tiền Biên (1821) chép “Quốc sơ trí Hoàng Sa”. Tất nhiên việc thành lập đội Hoàng Sa phải có trước hoặc trong thời Chúa Nguyễn Phúc Tần (1648-1687), tức là trước -hoặc trong thời ra đời- cuốn sách Thiên Nam Tứ Chí Lộ Đồ Thư (năm 1686), đã chép bắt đầu các hoạt động ở Hoàng Sa. Đó chính là thời chúa Nguyễn Phúc Lan (1635-1648) hay chúa Nguyễn Phúc Nguyên (1613-1635) hoặc chính trong thời Chúa Nguyễn Phúc Tần.
Theo sách Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quý Đôn, Nguyễn Hoàng vào năm Hoàng Định năm thứ 3 (1602) mới đi chơi núi Hải Vân, thấy núi non hiểm trở nói rằng : “Chỗ này là đất yết hầu của miền Thuận Quảng”. Rồi vượt qua núi, xem xét hình thế, đến tận đất xã Câu Húc thuộc Duy Xuyên hiện nay, sai người con thứ 6 là Nguyễn Phúc Nguyên đến trấn giữ dinh Quảng Nam này.
Từ đó cho đến khi mất vào năm 1613, mọi việc ở phía Nam đèo Hải Vân đều giao cho Nguyễn Phúc Nguyên trực tiếp lo liệu.
Ngoài ra, như ta đã biết ở trên, Phủ Biên Tạp Lục cũng như các tài liệu khác đều cho biết đội Hoàng Sa khi trở về đất liền vào tháng tám âm lịch vào cửa Eo hay Tư Hiền rồi nộp sản vật tại chính dinh ở Phú Xuân.
Từ thời Nguyễn Phúc Nguyên tuy không còn ở Ái Tử, Quảng Trị nữa mà mới vào vùng Phước Yên, Quảng Điền, bên bờ sông Bồ, chi nhánh của sông Hương, song chính dinh chưa tới Phú Xuân.
Thời chúa Nguyễn Phúc Lan mới bắt đầu dời chính dinh đến Kim Long vào năm Dương Hoà năm đầu (1635) và thời chúa Nguyễn Phúc Tần mới dời qua Phú Xuân.
Như thế, chúng ta có cơ sở để kết luận đội Hoàng Sa ra đời sớm nhất từ thời chúa Nguyễn Phúc Lan (1635-1648), hay chắc chắn từ thời chúa Nguyễn Phúc Tần (1648-1687), bởi chính vào thời kỳ này, các thuyền của đội Hoàng Sa mới đi vào cửa Eo (Thuận An ) và nộp sản vật tại chính dinh Phú Xuân.
Dù ở thời Chúa Nguyễn nào thì thời điểm lập ra đội Hoàng Sa cũng chắc chắn ít ra là vào nửa đầu thế kỷ XVII, hoặc nói như sử sách vào đầu thời chúa Nguyễn. Đội Hoàng Sa đã hoạt động kể từ chúa Nguyễn Phúc Lan hay Nguyễn Phúc Tần đến hết thời kỳ chúa Nguyễn,cả thảy 7 đời chúa, gần một thế kỷ rưỡi. (2.25)

Phong trào Tây Sơn nổi dậy, Chúa Nguyễn chạy vào đất Gia Định thì đội Hoàng Sa đặt dưới quyền kiểm soát của Tây Sơn mà trong tài liệu còn lưu giữ tại nhà thờ họ Võ tại phường An Vĩnh, Cù Lao Ré đã cho biết năm 1786 Thái Đức năm thứ 9, dân Cù Lao Ré đã xin chính quyền Tây Sơn cho đội Hoàng Sa hoạt động trở lại.[ 88 ].

Đến những năm cuối cùng của Tây Sơn, hoạt động của đội Hoàng Sa cũng bị ảnh hưởng, nên đến khi Gia Long năm thứ 2 (1803) mới cho đội Hoàng Sa hoạt động trở lại như Đại Nam Thực Lục Chính Biên, quyển XXII đã ghi rõ:”cai cơ Võ Văn Phú làm thủ ngự cửa biển Sa Kỳ, sai mộ dân ngoại tịch lập làm đội Hoàng Sa”.Năm 1815, vua Gia Long sai đội Hoàng Sa đi đo đạc thủy trình ở Hoàng Sa.

Từ năm 1816, vua Gia Long bắt đầu cử thủy quân cùng với đội Hoàng Sa, không còn giao phó hoàn toàn cho đội Hoàng Sa lo kiểm soát, đo đạc thủy trình ở Hoàng sa.

Đội Hoàng Sa trở thành tổ chức mang tính dân sự nhiều hơn. Theo truyền thống, dân Cù Lao Ré vẫn tiếp tục đi biển trong đó có vùng Hoàng Sa có nhiều sản vật quý.

Không có một văn bản nào ghi lại việc quyết định bãi bỏ đội Hoàng Sa ngoài Việt Sử Cương Giám Khảo Lược soạn năm 1877 của Nguyễn Thông cho biết đội Hoàng Sa bị bãi bỏ từ lâu, trước năm soạn cuốn sách này (1877).

Thời Tự Đức, người ta không thấy biên niên sử còn chép các hoạt động của đội Hoàng Sa, vì theo phàm lệ của Đại Nam Thực Lục đệ tứ kỷ chép vào đời Tự Đức, những việc thành lệ thường không được chép nữa mà thôi.

Những hoạt động của đội Hoàng Sa cũng như thủy quân từ năm Minh Mạng thứ 17 (1836) đã trở thành lệ thường, như đã chép trong sách Khâm Định Đại Nam Hội Điển Sự Lệ.

Ngoài ra có văn tế sống lính đội Hoàng Sa thời vua Tự Đức còn lưu lại ở đảo Cù Lao Ré.

Tóm lại tuy không biết thời gian chính xác đội Hoàng Sa đã ngưng hoạt động, chỉ biết vào năm 1877, khi Nguyễn Thông viết sách Việt Sử Cương Giám Khảo Lược thì đội Hoàng Sa đã bị bãi bỏ từ lâu rồi. Từ năm 1816, thủy quân đã đảm trách những việc xem xét, đo đạc thuỷ trình, không còn giao phó hoàn toàn cho đội Hoàng Sa như trước nữa.
Về lịch hoạt động ở ngoài đảo, theo những tài liệu như Dư Địa Chí, Hoàng Việt Địa Dư Chí, Đại Nam Thực Lục Tiên Biên, Đại Nam Nhất Thống Chí, hàng năm đội Hoàng Sa bắt đầu đi từ tháng 3 âm lịch đến tháng 8 âm lịch thì về. Riêng theo Thiên Nam Tứ Chí Lộ Đồ Thư hay Toản Tập An Nam Lộ thì lúc đi cuối Đông, không nói thời gian về; theo Phủ Biên Tạp Lục có bản đồ thường đi vào tháng giêng âm lịch đến tháng 8 về (nếu lương thực mang đi có 6 tháng, chép tháng giêng là nhầm). Từ tháng 3 đến tháng 8 tức khoảng từ tháng 4 đến tháng 9 dương lịch ở Quảng Ngãi là mùa khô, có gió Tây Nam rất thuận lợi cho việc đi biển, nhất là vùng Quảng Ngãi lại chỉ có bão trong thời gian từ tháng 8 đến tháng 11 âm lịch (tháng 9 dương lịch đến tháng 12 dương lịch), nhất là hai tháng 9 và 10 âm lịch.
Như thế việc chọn thời gian hoạt động trên của đội Hoàng Sa là một lựa chọn rất khôn ngoan của tiền nhân.
Đến tháng 8 gió Tây Nam yếu, chuyển qua gió Đông Bắc thì thuyền của đội Hoàng Sa trở về vào cửa Eo để nộp sản phẩm ở chính dinh là đúng lúc, hợp lý nhất. Lúc đầu đi sớm quá không thấy lợi, nên dời đến tháng 3 là điều hợp lý. Song chấm dứt vào tháng 8 để tránh bão là điều rất khôn ngoan của tiền nhân ta.
Hầu hết các tài liệu đều viết tháng ba âm lịch đi từ Cù Lao Ré đến nơi bắt đầu hoạt động ở Hoàng Sa là 3 ngày 3 đêm. Riêng Đại Nam Nhất Thống Chí 3, 4 ngày đêm.
Thời gian trên đều là thời gian thực tế đối với loại thuyền buồm nhẹ chạy nhanh khởi hành từ đất liền hay Cù Lao Ré đến đảo gần nhất thuộc quần đảo Hoàng Sa. Dĩ nhiên trong suốt 6 tháng hoạt động, đội Hoàng Sa tiếp tục đi khắp nơi, xa hơn, suốt các đảo từ phía Bắc.
Riêng các hòn đảo xa phía Nam, ở cuối quần đảo Trường Sa hiện nay là Côn Đảo, Hà Tiên thì đã có đội Bắc Hải phụ trách và cũng lệ thuộc vào đội Hoàng Sa.
Hoàng Sa và Trường Sa nằm trong khu vực có nhiều bão tố, nên điều kiện lúc bấy giờ không cho phép trú cả năm mà phải theo mùa.
Như thế, quá trình hoạt động của đội Hoàng Sa cũng là quá trình xác lập và thực thi chủ quyền Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, kéo dài từ đầu thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX và theo luật lệ rõ ràng của nhà nước Việt Nam.

Bảng 2.1 Bảng đối chiếu các dữ kiện của các tài liệu Việt Nam về hoạt động của Đội Hoàng Sa
Tên tài liệu
Số lượngngười (suất đinh)
Số chiếc thuyền
Thời gian đi
Thời gian về
Thời gian đi đường
Thời gian hoạt động
Thiên Nam Tứ Chí Lộ Đồ Thư
hay Toàn Tập An Nam Lộ
Không ghi
18
Cuối Đông âm lịch
Không ghi
Một ngày rưỡi 
(có dị bản ghi nhầm nửa ngày)
Không rõ
Phủ Biên Tạp Lục
70 (xã An Vĩnh)
5 thuyền câu nhỏ
Tháng 3
(có dị bản ghi nhầm tháng Giêng
âm lịch, tháng 2 dương lịch)
Tháng 8 âm lịch 
(tháng 9 dương lịch)
3ngày đêm
6 tháng
Dư Địa Chí
(Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí)
70 (xã An Vĩnh)
5 thuyền nhỏ
Tháng 3 âm lịch 
(tháng 4 dương lịch)
Tháng 8 âm lịch 
(tháng 9 dương lịch)
3ngày đêm
6 tháng 
(lương thực được cấp phát)
Hoàng Việt Dư Địa Chí
70 (xã An Vĩnh)
5 thuyền nhỏ
Tháng 3 âm lịch
Tháng 8 âm lịch
3ngày đêm
6 tháng 
(lương thực được cấp phát)
Đại NamThực Lục Tiền Biên
70 (xã An Vĩnh)
Không ghi
Tháng 3 âm lịch
Tháng 8 âm lịch
3ngày đêm
6 tháng
Việt Sử Cương Giám Khảo Lược, quyển 4
(không ghi số lượng) 
hộ An Hải và An Vĩnh
Không ghi
Tháng 2 âm lịch
Tháng 8 âm lịch
Không ghi
7 tháng 
(ghi nhầm)
Đaị NamNhất Thống Chí
70 (xã An Vĩnh)
Không ghi
Tháng 3 âm lịch
Tháng 8 âm lịch
3,4 ngày đêm
(nếu thuận gió)
6 tháng


2.2.3.3. Nhiệm vụ của đội Hoàng Sa
Về nhiệm vụ, đội Hoàng Sa cần phải làm những công việc sau: Thu lượm các sản vật từ các tàu đắm, các hải sản quý từ vùng biển phía Bắc quần đảo Hoàng Sa (phía Nam tức phần Trường Sa hiện nay do đội Bắc Hải phụ trách). Kiêm quản, trông coi đội khác cùng làm nhiệm vụ song ở địa bàn khác như đội Bắc Hải ở phía Nam. (Phủ Biên Tạp Lục, quyển 2, Đại Nam Thực Lục Tiền Biên quyển 10, Đại Nam Nhất Thống Chí, quyển 6). Ngoài ra, về sau còn đảm trách đi xem xét, đo đạc thủy trình vùng quần đảo Hoàng Sa. Nhiệm vụ này bắt đầu thời Gia Long mới được ghi (Đại Nam Thực Lục Tiên Biên đệ nhất kỷ, quyển 50, quyển 52).
Riêng về nhiệm vụ dọ thám ngoài biển, giữ gìn ngoài biển, trình báo về các bọn thổ phỉ ngoài biển thì đơn xin phường An Vĩnh tách khỏi xã An Vĩnh ngày 1 tháng 2 năm Gia Long thứ 3 (1804) đã đề cập đến ở trên đây, chứng tỏ người dân đã tha thiết tự thấy có nhiệm vụ này. Đương nhiên nhà nước được dân binh tình nguyện thì dễ chấp nhận vì đâu có mất mát gì, vả lại tính chất bán quân sự của đội Hoàng Sa đương nhiên phù hợp với nhiệm vụ này.
Ngoài ra chức cai đội Hoàng Sa kiêm chức cai cơ Thủ Ngự mà Thủ Ngự lại có nhiệm vụ do thám ngoài biển. Nhiều tài liệu cho biết cai đội Hoàng Sa kiêm quản cai cơ thủ ngự như Đại Nam Thực Lục Chính Biên, đệ nhất kỷ, quyển XXII ghi rõ: Võ Văn Phú được sai tái lập đội Hoàng Sa chính khi ấy là thủ ngự cửa biển Sa Kỳ.
Như thế nhiệm vụ của đội Hoàng Sa rất nặng nề, không thuần túy về kinh tế, khai thác tài nguyên mà còn làm công tác xem xét, đo đạc thuỷ trình, dò thám trên quần đảo Hoàng Sa, nhất là trong thời các chúa Nguyễn và thời kỳ đầu nhà Nguyễn.
Chính từ công tác kiêm quản của đội Hoàng Sa kiêm quản đội Bắc Hải cho ta có quan niệm về quản lý Biển Đông của chính quyền Chúa Nguyễn và buổi đầu nhà Nguyễn thời ấy.

Dân vùng cửa biển Sa Kỳ, cũng như dân Cù Lao Ré rõ ràng rất giỏi nghề đi biển xa mà thời nay gọi là “viễn dương”, mà vị trí địa lý vùng này (Sa Kỳ, Cù Lao Ré) lại là nơi nhô ra Biển Đông xa nhất. Cũng như dân đất liền thời mở cõi ấy, dân cửa biển Sa Kỳ và Cù Lao Ré (Quảng Ngãi) được chính quyền thời Chúa Nguyễn tín nhiệm giao trọng trách khai khẩn tới đâu, quản lý tới đó, còn được giao nhiệm vụ khác: kiêm quản. 


2.2.3.4 Tổ chức và nội dung hoạt động của đội Hoàng Sa
Về tổ chức, Đội Hoàng Sa là một tổ chức dân binh vừa mang tính dân sự vừa mang tính quân sự; vừa mang tính tư nhân vừa mang tính nhà nước, vừa có chức năng kinh tế, vừa có chức năng quản lý thời ấy ở Biển Đông, ra đời từ đầu thời chúa Nguyễn trong hoàn cảnh tay cầm cuốc, tay cầm gươm để mở đất khai hoang mà người đứng đầu đơn vị hành chánh lớn nhất là chưởng dinh. Cần có dinh lũy để vừa cai quản về hành chánh, khai hoang vừa chỉ huy quân sự sẵn sàng chiến đấu.
Đây là một tổ chức đặc biệt ở Đàng Trong cũng như những tổ chức khác dưới triều Nguyễn như các sở đồn điền khẩn hoang, mà đứng đầu mỗi đồn điền là một quản cơ.
Thời chúa Nguyễn, theo Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quý Đôn quyển 3, có nhiều tổ chức dân binh như đội thủ ngự (đội coi về canh gác, ngăn chặn trộm cướp), đội thổ binh. Do đội là một tổ chức dân binh nên tổ chức phải thể hiện hình thức tổ chức quân sự của Đàng Trong.
Theo binh chế ở Đàng Trong, ngoài chính binh (tinh binh còn gọi là nội binh), các quan trấn thủ, lưu thủ ở địa phương thường lấy dân địa phương làm binh canh giữ các nơi, gọi là ngoại binh (binh ấy còn gọi là thổ binh hoặc tạm binh, hoặc thuộc binh). Số binh này rất đông, gấp mấy lần chánh binh mà lại không được trả lương tháng như chánh binh, họ chỉ được miễn sưu thuế mà thôi. Phiên chế gồm dinh, cơ, đội, thuyền.
Thuyền là đơn vị thấp nhất. Mỗi đội gồm từ 50, 60 hoặc 40, 50 người. Điều khiển đội có cai đội và đội trưởng. Đứng đầu đội Hoàng Sa là một cai đội, những thành viên trong đội được gọi là quân nhân, đã thể hiện tính quân sự hoá trên. Vì thế có dịch giả Phương Tây dịch đội Hoàng Salà "compagnie Hoàng Sa", phải hiểu là một tổ chức quân đội, chứ không phải là tổ chức hội buôn, mới đúng.
Thời Chúa Nguyễn mỗi năm lấy 70 suất đinh để làm những nhiệm vụ của đội Hoàng Sa theo phép tuyển như trên, song còn dựa vào khả năng đi biển mà tuyển chọn. Số lượng 70 là số lượng đặc biệt cho một đội dân binh như đội Hoàng Sa.
Cũng theo Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quý Đôn đã gọi quân nhân để chỉ những người trong đội Hoàng Sa, trong đó có 2 người bị trôi dạt vào Cảng Thanh Lan (Hải Nam) khi bị bão vào năm Càn Long thứ 17 (1754), còn tám người khác bị mất tích. Như thế mỗi thuyền trong đội Hoàng Sa có số lượng khoảng 10 người.
Tại xã An Vĩnh, nay thuộc thôn An Vĩnh, xã Tự Kỳ còn di tích một ngôi miếu ở cạnh cửa biển Sa Kỳ là ngôi miếu Hoàng Sa vốn thờ bộ xương đầu của con cá voi, (tương truyền do binh Hoàng Sa đưa từ Hoàng Sa về) và thờ lính Hoàng Sa , ngôi miếu này bị phá hủy trong thời kỳ chiến tranh và bộ xương cá voi thần linh ở miếu này được chuyển sang thờ tại lăng Thánh, ngay cạnh ngôi miếu xưa.
Tại Cù Lao Ré nay là huyện đảo Lý Sơn vẫn còn Âm Linh Tự tức miếu Hoàng Sa, ở thôn Tây xã Lý Vĩnh, tức phường An Vĩnh xưa và Âm Linh Tự ngoài trời ở xã Lý Hải tức phường An Hải xưa.
Cũng tại xã An Vĩnh và cả làng An Hải (cả đất liền lẫn ngoài đảo Cù Lao Ré) có tục tế đình và làm lễ khao quân tế sống để tiễn lính đội Hoàng Sa lên đường làm nhiệm vụ hàng năm vào ngày 20/2 âm lịch, tại các đình làng. Hiện nay chỉ còn đình làng xã Lý Hải, tức phường An Hải xưa (xem hình 2.53 ).
Lính Hoàng Sa được tế sống vì nhiệm vụ quá nguy hiểm: "lính Hoàng Sa đi dễ khó về". Trừ các chỉ huy như đội trưởng, thuyền trưởng, các lính thường lấy trai tráng chưa có gia đình, vừa khoẻ mạnh vừa không vướng vợ con.
Tại thôn An Vĩnh thuộc xã Tự Kỳ hoặc tại đảo Cù Lao Ré có nhiều gia đình còn gia phả và bàn thờ những người đi lính Hoàng Sa như nhà ông Phạm Quang Tỉnh ở thôn Đông, xã Lý Vĩnh có nhà thờ (hình 2. 54) và gia phả ông tổ Phạm Quang Ánh, người được vua Gia Long cử làm đội trưởng đội Hoàng Sa năm 1815.
Trong buổi tế sống lính Hoàng Sa đó, họ làm những hình nộm bằng khung tre và dán giấy ngũ sắc để giả hình người và đem tế tại đình. Tế xong họ đốt đi, hoặc đóng thuyền bằng thân cây chuối đặt hình nộm lên và thả trôi ra biển gọi là “khao lễ thế lính Hoàng Sa” còn gọi là "lễ tế sống lính Hoàng Sa" với quan niệm các hình nộm kia sẽ gánh chịu mọi hiểm nguy, tai nạn trên biển thay cho đội Hoàng Sa và cầu mong cho người thân của họ bình an trở về.
Ngày nay tại các nhà thờ tộc họ có người đi lính Hoàng Sa đều có tổ chức tục lễ như thế và hiện tại gia đình các tộc họ cũng còn giữ bài Văn Khao Thế Lính Hoàng Sa gồm một nửa chữ Hán, một nửa chữ Nôm có đoạn:
 “Ngày hôm nay (hoặc đêm nay, buổi sáng nay) có theo ý người ______ ở tỉnh ______ nước Đại Nam, xin cúng thế một cỗ thuyền mô hình, trôi theo đường thủy Hoàng Sa, mấy cỗ bàn, vàng bạc, đáp lễ thần quan, xin dâng lên khảo thủy đạo một tiệc, thành kính bày lễ la liệt...”
Văn tế do ông Nguyễn Xuân Cảnh, 72 tuổi, thôn Tây, xã Lý Hải, huyện Lý Sơn cất giữ. [ 88 ] Về địa bàn hoạt động, đội Hoàng Sa có không gian rất rộng. Khởi đầu những đảo gần bờ biển nhất. Song trong 6 tháng hàng năm từ năm này qua năm khác, đội Hoàng Sa mở rộng phạm vi hoạt động khắp các đảo san hô ở Biển Đông gồm quần đảo Hoàng Sa và kiêm quản đội Bắc Hải ở Trường Sa bây giờ.
Nếu các đảo phía Bắc gần phủ Liêm Châu, Hải Nam (Trung Quốc) thì các đảo ở phía Nam tiếp tới là Côn Lôn, Hà Tiên. Dù chính đội Hoàng Sa không đủ lực lượng tự chính mình đi khắp nơi song lại kiêm quản các đội khác (như đội Bắc Hải) thì phạm vi hoạt động rõ ràng rất rộng, khắp các đảo Biển Đông chạy dài ngoài khơi dọc các tỉnh miền Trung Bộ Việt Nam khoảng Quảng Trị, Thừa Thiên, từ phía Tây Nam đảo Hải Nam xuống tới vùng Trường Sa hiện nay.
Các nhà cầm quyền Việt Nam từ đầu thế kỷ XVII đã biết rằng Hoàng Sa hay Bãi Cát Vàng hoặc Vạn Lý Trường Sa là một dải dài hàng ngàn, vạn dặm chạy dọc Biển Đông. Khái niệm chung nhất này cũng ở việc giao nhiệm vụ cho đội Hoàng Sa, đứng đầu là cai đội hay đội trưởng do nhà nước bổ dụng, được kiêm quản đội Bắc Hải ở Phía Nam cùng nhiệm vụ để thâu tóm vào một đầu mối. Đây cũng là một quan điểm về quản lý các hoạt động kinh tế tại Biển Đông của nước ta thời ấy.
Như trình bày trên, vì đội Hoàng Sa là một tổ chức dân binh có nhiều chức năng, nhiệm vụ đặc biệt ở Biển Đông, nên tổ chức này cũng rất đặc biệt. Đứng đầu là cai đội như Phủ Biên Tạp Lục, quyển 2 đã ghi: “Lịnh cai đội Hoàng Sa tính quản”. Như binh chế thời chúa Nguyễn mà chúng ta đã biết đội có cai đội và đội trưởng chỉ huy. Chức cai đội Hoàng Sa thường được kiêm luôn các chức khác như trường hợp Phú Nhuận Hầu kiêm cai thủ đồn cửa biển Sa Kỳ, kiêm cai cơ thủ ngự, như theo tài liệu tờ kê trình của Phú Nhuận Hầu, ngày 1 tháng 10 năm Gia Long thứ 2 (1803), tài liệu hiện lưu trữ tại nhà thờ họ Võ phường An Vĩnh nay là thôn Tây, xã Lý Vĩnh, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Thủ ngự là đơn vị cai quản, tuần tra chống trộm cướp thời Nguyễn.
Tùy theo mỗi năm, số thuyền đi từ 4 hay 5 chiếc đến 18 chiếc. Mỗi chiếc thuyền do chủ thuyền hay thuyền trưởng cai quản. Thuyền cũng là đơn vị nhỏ nhất trong phiên chế thời Nguyễn như chúng ta đã từng biết. Số lượng 70 suất chia ra ở các thuyền , đều là dân binh được gọi là “quân nhân” như Phủ Biên Tạp Lục, quyển 2 ghi chép như đã trình bày ở trên. Những quân nhân này chủ yếu là dân gốc xã An Vĩnh và một phần là dân xã An Hải ở đất liền và ngoài đảo Cù Lao Ré.
Xã An Vĩnh và xã An Hải ở hai bên cửa biển Sa Kỳ. Cùng với 2 phường An Vĩnh và phường An Hải do di dân đất liền ra Cù Lao Ré, trong đó xã An Vĩnh là chính, cung cấp dân binh cho đội Hoàng Sa. Trong hầu hết các sử liệu chỉ nói đến xã An Vĩnh, chỉ riêng Việt Sử Cương Giám Khảo Lược, quyển 4 của Nguyễn Thông là nói đến hai hộ An Hải và An Vĩnh tức hai phường An Vĩnh và An Hải ở đảo Lý Sơn hay Cù Lao Ré.
Theo lời truyền miệng của dân địa phương Cù Lao Ré để lại, cho biết việc tuyển lựa 70 suất của đội Hoàng Sa theo nguyên tắc định suất cho các dòng họ. Song cụ thể vẫn là theo lệ bổ tuyển quân nhân thời Chúa Nguyễn. Những người gọi là quân nhân ấy được tuyển theo hệ thống xã, huyện, phủ. Do phải luân phiên, nên hàng năm các đội Hoàng Sa phải lo điều chỉnh quân số sao cho đảm bảo lệ này. Các quân nhân đội Hoàng Sa có nghĩa vụ của một dân binh bình thường, không giống như binh lính chính qui, về mặt quyền lợi, ngoài việc được miễn sưu thuế, họ còn được hưởng phần dư, phần còn lại ngoài số qui định phải nộp cho Nhà Nước.
Lương thực mang đi cho 6 tháng được nhà nước cấp phát. Song chủ yếu là gạo còn thức ăn phần lớn họ phải tự bắt cá, bắt chim ở các đảo để sống. Họ phải mang củi lửa và theo lối truyền thống, bọn họ dấu những bếp ở mỗi thuyền bằng các nùi dây dừa khô giữ lửa lâu. Đời sống của quân nhân trong đó có đội Hoàng Sa thời chúa Nguyễn khả quan hơn đời sống của người dân theo như Thích Đại Sán đã tả, rất khổ, phải nộp vào công khố bảy tám phần mười hoa lợi. "Người làm nghề đánh cá đem về nộp cả cho cai trưởng. Bọn này cấp hoàn cho bao nhiêu được bấy nhiêu... Gặp lúc nhà nước có việc công, cai xã bắt dân phu ra ứng dịch, mọi người phải lo cơm đơm, gạo bới đi làm”.
Các quân nhân đội Hoàng Sa còn mang theo một đôi chiếu, 7 sợi dây mây (hay cây ré), 7 cái đòn tre. Nếu chẳng may có mệnh một ở giữa biển thì dùng chiếu ấy quấn xác, đòn tre dùng làm nẹp và lấy dây mây bó lại rồi thả xuống biển. Chiếc thẻ tre nhỏ ghi rõ tên tuổi, quê quán, phiên hiệu đơn vị của người mất được cài kỹ trong bó chiếu, cũng là dấu hiệu nhận biết nếu có ai vớt được [ 88 ]
Đội Hoàng Sa sử dụng các loại thuyền buồm nhẹ và nhanh. Theo J. Barrow viết trong A voyage to Cochichina thì các tàu thuyền xứ Đàng Trong dùng vào việc buôn bán ven biển, chài lưới thu lượm hải sản và tổ yến trong nhóm quần đảo gọi là Paracels thuộc nhiều kiểu dạng khác nhau.
Cũng theo cuốn du ký Suma Oriental của người Bồ (Tomé Pires), được A. Cortesas dịch với nhan đề The Suma Oriental, an account of the East, from the Red Sea to Japan, xuất bản tại London năm 1944, khoảng những năm 1513- 1514 kể lại cuộc hành trình và những nhận xét của tác giả về các miền đất đã đi qua ở Phương Đông từ Biển Đỏ cho tới Nhật Bản, trong đó có tả vương quốc Cauchy - chyna tức Đàng Trong nước Đại Việt thời Lê - Mạc. Tác giả cho biết có rất nhiều cư dân khai phá vùng bờ biển với một số lớn các “lancharas”, một loại thuyền buồm đi nhanh.
Trong các tài liệu cổ của Việt Nam đã dẫn trên cho biết đội Hoàng Sa chèo năm chiếc thuyền câu nhỏ gọi là “tiểu điếu thuyền” (Phủ Biên Tạp Lục) hay “tiểu thuyền” (Dư Địa Chí và Hoàng Việt Địa Dư Chí).
Thích Đại Sán trong Hải Ngoại Kỷ Sự như đã trình bày ở trên, cũng viết
 “Thời quốc vương trước, hàng năm sai thuyền đánh cá đi dọc theo bãi cát, lượm vàng bạc khí cụ của các thuyền buôn tấp vào. Mùa thu nước ròng cạn, chảy rút về hướng Đông, bị một ngọn sóng đưa thuyền đi có thể trôi xa cả trăm dặm; sức gió dâng mạnh, sợ có hiểm họa Trường Sa...”. [ 116 ,125 ]
Cũng trong Hải Ngoại Kỷ Sự, Thích Đại Sán có nói đến thuyền đánh cá ấy gọi là thuyền Điếu Xá. Chính chúa Nguyễn Phúc Chu cũng đã cho thuyền Điếu Xá (thuyền đánh cá) đón tiếp đệ tử và vật hàng của Thích Đại Sán đến sau tại đảo Tiên Bích Sa (Cù Lao Chàm).
Khi Thích Đại Sán rời Quảng Đông đi bằng loại thuyền lớn, chứa tới bốn trăm người phải dùng cả 2 chiếc thuyền nhỏ dẫn đường. Tuy thuyền đi mau như bay nhưng có lần bị mắc cạn, có lần suýt bị nạn vì không theo lối thuyền con chỉ dẫn.
Căn cứ vào ghi chép của sách sử Việt Nam, phạm vi hoạt động của đội Hoàng Sa đi bằng thuyền này, ngoài quần đảo Lý Sơn ở đó có Hoàng Sa Chử, còn bao gồm đảo Chiêm Bà.
Thuyền đánh cá thế kỷ XVII, XVIII ở nước Đại Việt giản dị nhất ở khu vực Sa Kỳ, Cù Lao Ré. Theo tài liệu được lưu lại ở đảo Cù Lao Ré mà ông Nguyễn Hạp xuất thân từ gia đình ngư dân lâu đời ở Cù Lao Ré đã vẽ, thì thuyền loại này có mê hay đáy dưới bằng tre đan rồi quét cứt trâu, rồi dầu rái lên. Song phía trên thành thuyền làm bằng gỗ trò hay sao, có 3 cột buồm bằng gỗ kiền kiền và các bộ phận không quan trọngï như các then thì làm bằng gỗ mù u có sẵn ở địa phương. Chính dân chài tự đóng thuyền lấy. Tuy nhỏ song lại nhẹ dễ chạy nhanh và thường chạy bằng buồm, có loại buồm như Thích Đại Sán kể giống chiếc rìu. Nhỏ, nhẹ, ít người lại chọn thời điểm thuận gió thì thuyền đi nhanh gấp 10 lần như Thích Đại Sán ghi chép như trên.

Thường thuyền ở khu Cù Lao Ré - Sa Kỳ có 3 cánh buồm đan bằng lá, các dụng cụ như lu chứa nước đều bằng tre. Gần đây ở Cù Lao Ré còn thấy một vài thuyền đánh cá có cấu trúc tương tự như những thuyền truyền thống xưa của vùng này, đi biển xa như Hoàng Sa. (xem hình vẽ 2.55 và 2.56).



Hình 2.55: Thuyền buồm dùng đi Hoàng-Sa

Sự thực lịch sử đã cho biết các thuyền đánh cá Việt Nam với vật liệu nhẹ như trên, nhỏ bé đã dễ dàng né tránh các đá san hô cũng như dễ dàng cập được vào bờ các đảo san hô ở Hoàng Sa và cũng thích hợp hoàn cảnh dân chài biển vùng Sa Kỳ - Cù Lao Ré, đã hoàn thành sứ mạng lịch sử của mình.
Với những nhiệm vụ và tổ chức hoạt động kể trên, đội Hoàng Sa thu lượm trước hết những hải vật quý lạ ở Hoàng Sa như hải sâm, ốc hoa, ốc tai voi có chiếc lớn như chiếc chiếu, bụng có châu ngọc lớn như ngón tay trẻ em, sắc đục không bằng sắc con trai châu song vỏ ốc có thể tách ra từng phiến, cũng có thể dùng vỏ ốc làm thành vôi; có thứ ốc xà cừ , người ta có thể dùng để dát các đồ dùng; có thứ đại mạo hay đại mội , tức con đồi mồi rất lớn hay con hải ba (ba ba biển tục gọi là con trắng bông, cũng giống như con đồi mồi, nhưng nhỏ hơn).
Những hải sản quí trên tuy cũng có nộp cho nhà vua theo qui định, song thường vẫn cho đội Hoàng Sa bán, thường thì bán cho thị trường ở Hội An tiêu thụ nhiều và có giá hơn. Quan trọng nhất là các hàng hoá từ các tàu đắm mà Toản Tập Thiên Nam Tứ Chí Lộ Đồ Thư viết rằng hàng hoá thu được phần nhiều là vàng bạc, tiền tệ, súng ống. Phủ Biên Tạp Lục thì ghi:
"những đồ hải vật như gươm và ngựa bằng đồng hoa bạc, tiền bạc, vàng bạc, đồ đồng, thiếc khối, chì đen, khẩu súng, ngà voi, sáp ong , đồ sứ."
Lê Quý Đôn hồi làm Hiệp Trấn Thuận Hoá trong Phủ Biên Tạp Lục có viết: “ông tra khảo sổ biên của cai đội Thuyên Đức Hầu”, người chỉ huy đội Hoàng Sa trong nhiều năm đã vào Phú Xuân nộp các sản vật thu lượm được từ Hoàng Sa cụ thể như sau:
- Năm Nhâm Ngọ (1702) , đội Hoàng Sa lượm được bạc 30 thoi.
- Năm Giáp Tuất (1704), lượm được thiếc 5100 cân.
-Năm Ất Dậu, lượm được bạc 126 thoi.
Còn từ năm Kỉ Sửu (1709) đến năm Quý Tị (1713), tức là trong khoảng 5 năm, thỉnh thoảng họ cũng lượm được mấy con đồi mồi và hải sâm. Cũng có lần họ chỉ lượm được mấy khối thiếc, mấy cái bát đá và hai khẩu súng đồng. Chính P. Poivre viết trong du ký năm 1750 rằng :
 “Người ta đã thấy ở đô thành Huế những khẩu súng thần công bằng sắt cỡ đạn 6 livres, có trang trí chữ ghi của công ty Đông Aán Hà Lan, những khẩu súng này đã thu lượm được ở quần đảo Paracels, trong số các di vật của các tàu đi qua đây bị đắm". ( Journal R.E.O, III, 1885).[66,16]
Chắc chắn trong thời còn chiến tranh, súng đạn thu được ở các tàu đắm ở Hoàng Sa là rất quý giá. Việc đi biển xa (viễn dương) khiến các thành viên đội Hoàng Sa rất giỏi đi biển. Chính từ thời Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị thủy quân hoạt động mạnh ở Hoàng Sa cũng đều nhờ những người hướng dẫn hải trình từ những dân đi biển giỏi trong đó có dân binh đội Hoàng Sa. Chính vì thế, các thuyền thuộc lưu lượng thủy quân triều Nguyễn từ kinh thành Huế trước khi ra Hoàng Sa phải tới tập trung ở Quảng Ngãi.
2.2.4 Đội Bắc Hải hoạt động dưới sự kiêm quản của đội Hoàng Sa trong khu vực phía nam của Biển Đông tức quần đảo Trường Sa và vùng phụ cận
Càng ngày càng có nhiều đội khác cũng có chức năng và nhiệm vụ như đội Bắc Hải được thành lập, vì chính quyền Nhà Nguyễn dần dần tìm ra các đảo san hô hết sức rộng ở Biển Đông. Song các chúa Nguyễn vẫn để đội Hoàng Sa kiêm quản để có một đầu mối, hầu có thể dễ dàng nắm tình hình ở Biển Đông.
Như thế người chỉ huy đội Hoàng Sa là cai đội phải là vị quan lớn như cai đội Thuyên Đức Hầu đã được Lê Quý Đôn tra cứu sổ sách suốt từ 1702 (Nhâm Ngọ) đến 1713 (Quý Tị). Thuyên Đức Hầu đã được phong tước hầu. Hoặc như Phú Nhuận hầu cũng thế trong tờ trình ngày 1 tháng 10 năm Gia Long thứ 2 (1803) đã kiêm luôn “khâm sai cai thủ” cửa biển Sa Kỳ, kiêm chức “cai cơ thủ ngự”, kiêm quản đội Hoàng Sa (tờ kê trình của Phú Nhuận hầu được lưu giữ tại nhà thờ họ Võ, phường An Vĩnh nay là thôn Tây, xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi). Khâm sai cai thủ là chức trông coi cửa biển, Thủ ngự là tổ chức tuần tra, chống trộm cướp thời Nguyễn. Chính Phú Nhuận hầu được giao nhiều chức vụ quan trọng. Cũng từ đó có uy tín để kiêm quản các đội khác như đội Bắc Hải.
Phủ Biên Tạp Lục, quyển 2 của Lê Quý Đôn đã ghi chép rất cụ thể việc đội Bắc Hải như sau:
“Họ Nguyễn còn thiết lập một đội Bắc Hải. Đội này không định trước bao nhiêu suất. Hoặc chọn người thôn Tứ Chính (ở gần bờ biển) thuộc phủ Bình-Thuận, hoặc chọn người làng Cảnh-Dương lấy những người tình nguyện bổ sung vào đội Bắc- Hải. Ai tình nguyện đi thì cấp giấy sai đi và chỉ thị sai phái đội ấy đi làm công tác”…
"Những người được bổ sung vào đội Bắc-hải đều được miễn nạp tiền sưu cùng các thứ tiền lặt vặt như tiền đi qua đồn tuần, qua đò. Những người trong đội đi thuyền câu nhỏ ra các xứ Bắc-hải, cù lao Côn Lôn và các đảo thuộc vùng Hà-Tiên để tìm kiếm, lượm nhặt những hạng đồi-mội, hải-ba, đồn-ngư (cá heo lớn như con heo), lục-quý-ngư, hải-sâm (con đỉa biển)."
Như thế về tổ chức, đội Bắc Hải không định trước bao nhiêu suất, số lượng tùy theo tình hình khả năng các thôn Tứ Chính thuộc phủ Bình Thuận hay làng Cảnh Dương, tình nguyện và được cấp văn bằng và sai phái đi hoạt động.
Quyền lợi cũng như đội khác được miễn sưu cùng các thứ tiền lặt vặt như tiền đi qua đồn tuần, qua đò. Không thấy miễn tiền thuế. Cũng dùng thuyền tư nhân, thuyền câu. Phạm vi hoạt động ở phía Nam, ở quần đảo Trường Sa ngày nay, và cả Côn Lôn, Hà Tiên. Ở phía Nam Biển Đông khu vực Trường Sa hiện nay ít có bão lớn, không nguy hiểm, ít có vụ đắm tàu nên rất ít thu lượm được các sản vật từ tàu đắm như vàng bạc, súng ống mà chủ yếu là hải sản, đặc biệt là loại cá heo (đồn ngư), ... Đội Bắc Hải được các tài liệu ở các thời gian sau (thế kỷ XIX) tiếp tục ghi chép. Đại Nam Thực Lục Tiền Biên soạn xong năm 1844 chép rằng đội Bắc Hải mộ dân thôn Bình Thuận, Tứ Chính hoặc xã Cảnh Dương, được lệnh cưỡi thuyền nhỏ ra các đảo ở Bắc Hải lượm hoá vật, cũng do đội Hoàng Sa kiêm quản.
Đại Nam Nhất Thống Chí quyển 6, tỉnh Quảng Ngãi, soạn xong năm 1882 cũng còn viết
"đội Bắc Hải ra đảo Côn Lôn tìm lấy hải vật cũng do đội Hoàng Sa kiêm quản".
Không có tài liệu nào cho biết đội Bắc Hải ngưng hoạt động trước hay sau đội Hoàng Sa, chỉ biết chắc chắn đội Bắc Hải ra đời sau đội Hoàng Sa và trước năm 1776 tức là trước khi Lê Quý Đôn viết Phủ biên Tạp Lục.
2.2.5 Các hoạt động của thủy quân triều đình Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa

2.2.5.1 Các hoạt động đo đạc thủy trình, vẽ bản đồ về Hoàng Sa và Trường Sa
Từ thế kỷ XVI, các nhà hàng hải và thám hiểm Bồ Đào Nha, rồi sau đó Hoà Lan đã khảo sát và vẽ những bản đồ về quần đảo. Hoàng Sa gọi là Parcel hay Pracel được vẽ trên bản đồ thành suốt một vệt dài hình lưỡi kiếm từ vĩ độ 17 Bắc xuống tới vĩ độ 10 Bắc. Càng xuống phía Nam, càng hẹp như đã trình bày ở trên đây. Sang thế kỷ XVII, các chúa Nguyễn ở Đàng Trong bắt đầu quan tâm đến Biển Đông.
Bản đồ xưa nhất có ghi Bãi Cát Vàng ở Biển Đông còn lưu giữ đến ngày nay là bản đồ của Đỗ Bá Công Đạo trong Toản Tập Thiên Nam Tứ Chí Lộ Đồ Thư (năm 1686). (hình 1. 1)
Tuy nhiên, còn rất ít tài liệu được lưu giữ đến ngày nay, một phần do chiến tranh tàn phá, song chắc chắn các chúa Nguyễn đã có những cuộc khảo sát, đo đạc thủy trình để vẽ bản đồ ở vùng biển Hoàng Sa, bởi không có công việc như thế, làm sao có được bản đồ ghi Bãi Cát Vàng trong Toản Tập An Nam Lộ Đồ hay Toản Tập An Nam Tứ Chí Lộ Đồ Thư hoặc Thuận Hoá Quảng Nam Địa Đồ Nhật Trình có vẽ “Trường Sa” ở ngoài xã Du Trường (Cù Lao Ré và đi mất 2 ngày! Vả lại, Đại Nam Thực Lục Tiền Biên, quyển 8 còn chép:

"Năm Tân Mão, Hiến Minh Hoàng Đế năm thứ 20 (1711), mùa hạ, tháng 4 (âm lịch), sai đo bãi cát Trường Sa dài ngắn, rộng hẹp bao nhiêu".
Cho dù bãi cát “Trường Sa” ở đây chính là Bãi Hoàng Sa ở ngoài biển hay ở đất liền cũng có bãi gọi là “Trường Sa”, thì đoạn văn ghi trên đã khẳng định một điều rằng Chúa Nguyễn đã có kế hoạch đo đạc các bãi cát !
Đo đạc các bãi cát trong đất liền đâu có quan trọng mà còn làm, huống chi bài cát dài ở ngoài biển còn có nhu cầu đo đạc hơn nhiều nhất là cần thiết cho hàng hải, tất cũng phải đo đạc không sớm thì chầy !
Trước khi lên ngôi hoàng đế 1802, Nguyễn Ánh cũng đã được anh em Dayot giúp đo đạc hải trình ở Biển Đông trong đó có vùng quần đảo Hoàng Sa .
Lúc đầu đội Hoàng Sa có trách nhiệm xem xét đo đạc thủy trình như thời Gia Long, tháng giêng, năm Ất Hợi (1815), Phạm Quang Ảnh, thuộc đội Hoàng Sa được lệnh ra đảo Hoàng Sa xem xét đo đạc thủy trình. Phạm Quang Ảnh hiện được thờ tại từ đường tộc họ Phạm (Quang) tại thôn Đông, xã Lý Vĩnh, xưa là phường hay hộ An Vĩnh tại huyện đảo Lý Sơn (Cù Lao Ré). Đến năm Gia Long thứ 15, năm Bính Tí (1816), vua Gia Long lại ra lệnh cho cả thủy quân phối hợp với đội Hoàng Sa đi ra Hoàng Sa để xem xét và đo đạc thủy trình.
Sang đến đời Minh Mạng, việc đo đạc thủy trình chủ yếu giao cho thủy quân có trách nhiệm và thuê thuyền của dân hướng dẫn hải trình. Đại Nam Thực Lục Chinh Biên, đệ nhị kỷ, quyển 165 :
 “Xem từ năm nay về sau, mỗi khi đến hạ tuần tháng giêng, chọn phái thủy quân biền binh và giám thành đáp một chiếc thuyền ô nhằm thượng tuần tháng hai thì đến Quảng Ngãi, giao cho 2 tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, thuê 4 chiếc thuyền của dân hướng dẫn ra xứ Hoàng Sa”. [101]

Đo đạc thủy trình hay hải trình là đo đạc đường đi ngoài biển. Đây là một trong những nhiệm vụ chỉ đạo của Bộ Công cốt để đảm bảo an toàn cho các thuyền bè đi trên biển trong đó có vùng biển Hoàng Sa. Việc đo đạc thủy trình và sau đó vẽ bản đồ ở Hoàng Sa do Bộ Công chỉ đạo cùng với thủy quân phối hợp với giám thành,với địa phương Quảng Ngãi và đội Hoàng Sa. Mỗi lần đi đo đạc phải chọn được thợ lái có năng lực, biết được các nơi đường biển nông sâu, khó dễ, cát ngầm, đá mỏm mà tránh, còn phải biết lấy núi nào làm chuẩn, biết chiều trời, tiết gió để chuyển phương hướng, nên tiến hay dừng.
Theo sách Khâm Định Đại Nam Hội Điển Sự Lệ, quyển 220 của triều Nguyễn thì Bộ Công tâu rằng người nào mười phần am hiểu thông thạo thì cho vào hạng ưu, thạo tám chín phần là hạng bình, thạo năm sáu phần là hạng thứ, châm chước bàn đinh, ai đáng đề bạt bổ nhiệm làm chánh đội trưởng, ngoại ủy đội trưởng, ai đáng cấp tiền gạo gấp đôi... thì kê sách tâu rõ đợi chỉ gia ân. Những lời dụ và bàn được chuẩn y như sau:
"Thơ lại thủy sư thì cửa biển hiểm hay dễ, xem gió, trông khí trời, nghiên núi, dò nước, nhìn kiếm tìm hướng, nhớ rõ địa cầu, ai được mười phần am hiểu thông thuộc là hạng ưu, ai được tám chín phần là hạng bình, ai được có năm sáu phần là hạng thứ. Các tên dư hạng ưu mà nguyên là chánh đội trưởng thì đề bạt bổ nhiệm làm cai đội, nguyên là đội trưởng thì đề bạt bổ nhiệm làm chánh đội trưởng suất đội, ai là ngoại ủy đội trưởng thì đề bạt bổ nhiệm làm đội trưởng, gặp khi có khuyết thì ưu tiên bổ nhiệm ngay" [93].

Khâm Định Đại Nam Hội Điển Sự Lệ, quyển 220 cũng chép:

“Như trong một năm, sai phái đường bể nhiều lần, được xong xuôi ổn thoả cả, hoặc trong một lần mà đi ngoại quốc, cũng là không phái ra ngoại quốc mà hằng gặp sóng gió khác thường, thuyền rất nguy khốn, mà tự mình chủ trì tiến ngừng phải tốt, rốt cuộc được xong xuôi yên ổn thì đều là hạng ưu. Phàm trong năm ấy sai phái đường bể hai lần, không cứ xa gần, được xong xuôi yên ổn cả thì là hạng bình. Sai phái đường bể một lần xong xuôi yên ổn là hạng thứ. Phái đi không được xong xuôi yên ổn là hạng liệt” [93]

Trên đây là quy định chung cho thuỷ quân đi biển và thủy quân đi đến Hoàng Sa vừa là dịp để khảo hạch và cũng là dịp luyện tập thủy quân, căn cứ vào đó mà thưởng phạt. Có thể đối với việc đo đạc ở Hoàng Sa, thưởng phạt đặc biệt hơn. Vì thế từ thời vua Minh Mạng năm thư 17, việc phái thủy quân ra Hoàng Sa hàng năm rất đều đặn. Cũng có khi vì gió bão phải đình lại, sau lại tiếp tục. Tỷ như năm Thiệu Trị thứ 5 (1845) có dụ chỉ của vua Thiệu Trị đình hoãn, đến năm Thiệu Trị thứ 6 (1846) cũng cho đình hoãn do Bộ Công tâu xin hoãn. Sau đó đến thời Tự Đức không còn ghi chép trong sử sách nữa bởi theo phàm lệ sách Đại Nam Thực Lục Chính Biên thời Tự Đức những việc đã thành lệ rồi không còn chép nữa.
Thời gian đi vãng thám đo đạc ở Hoàng Sa thì bắt đầu triều Nguyễn theo lệ khởi đi vào mùa Xuân, (kể từ kinh thành Huế đến Quảng Ngãi), song cũng tùy năm sớm trễ khác nhau. Từ kinh thành Huế, thuỷ quân tới Quảng Ngãi nghỉ ngơi và chuẩn bị cũng mất một thời gian đáng kể . Như năm Minh Mạng 19 (1838) lúc đầu ấn định khởi hành hạ tuần tháng 3, nhưng vì gió Đông nổi lên liên tục kèm theo mưa lớn, tới hạ tuần tháng 4 vẫn chưa khởi hành được . Lúc đầu kế hoạch tính đo đạc giáp vòng Hoàng Sa từ hạ tuần tháng 3 đến hạ tuần tháng 6 là hoàn tất công việc. Sau dù có đi trễ, thời gian hoàn tất tháng 6 vẫn không thay đổi.
Nếu chậm trễ mà có lý do chính đáng thì không sao, song nếu tùy tiện thì bị phạt, hay làm không chu tất cũng bị phạt. Nếu hoàn tất tốt đều được thưởng. Trong khi năm Minh Mạng thứ 16 (1835) , cai đội Phạm Văn Nguyên trên đường công tác đi Hoàng Sa về chậm trễ, đã có chỉ giao Bộ Công trị tội và bị phạt 80 trượng, song cho phục chức cai đội.
Tộc họ Phạm Văn hiện có nhà thờ họ và lăng mộ tộc họ ở thôn Đông xã Lý Vĩnh (trước đây là phường An Vĩnh). Hiện có hàng trăm hậu duệ đang sống tại huyện đảo Lý Sơn. Các viên giám thành Trần Văn Vân, Nguyễn Văn Tiện, Nguyễn Văn Hoằng vẽ hoạ đồ Hoàng Sa chưa chu tất cũng bị phạt mỗi người 80 trượng. Song cùng đi chuyến này những người trong đội Hoàng Sa như Võ Văn Hùng (tộc họ Võ hiện còn từ đường ở thôn Tây, xã Lý Vĩnh, xưa là phường An Vĩnh, thuộc huyện đảo Lý Sơn), Phạm Văn Sanh (hiện họ Phạm Văn còn từ đường và khu "lăng" mộ ở thôn Đông, xã Lý Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn) hướng dẫn, đo hải trình vất vả, được thưởng mỗi người 1 quan tiền Phi Long ngân tiền và bình thệ, dân phu 2 tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định đi theo cũng được thưởng mỗi người 1 quan tiền.
Cũng thế vào năm Minh Mạng 18 (1837), do khởi hành chậm trễ, những người được kinh phái như thủy sư suất đội Phạm Văn Biện, tỉnh phái hướng dẫn Võ Văn Hùng, Phạm Văn Sanh (lần trước được thưởng) đều bị phạt. Trong khi các dân binh hai tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định đi theo vẫn được thưởng 2 quan tiền. Những chi tiết trên đã minh hoạ rất hùng hồn việc thực thi chủ quyền của Việt Nam trong việc đo đạc thủy trình và vẽ bản đồ.
Nhiệm vụ đo đạc ở Hoàng Sa được qui định cũng rất rõ ràng có ghi trong Đại Nam Thực Lục Chính Biên đệ nhị kỷ quyển 165 cũng như Khâm Định Đại Nam Hội Điển Sự Lệ, quyển 221 như sau: ”Không cứ đảo nào, cửa bể nào thuyền chạy đến, sẽ đo nơi ấy chiều dài, chiều ngang, bề cao, bề rộng, chu vi bao nhiêu, rà bên bờ nước bể nông hay sâu. Có cát ngầm, đá mỏm hay không, ở tình thế hiểm trở hay bình thường, xem đo tỏ tường vẽ thành đồ bản, chiếu khi khởi hành, do cửa bể nào ra bể, trông phương hướng nào mà lái đến nơi ấy, cứ theo đường thủy đã đi khấu tính ước được bao nhiêu dặm đường? lại ở chốn ấy trông vào bờ bể đối thẳng là tỉnh hạt nào? và phương hướng nào? Ước lượng cách bờ bao nhiêu dặm đường? Ghi nói minh bạch trong hoạ đồ để về trình lên.
Lại từ năm nay trở về sau, mỗi khi đến hạ tuần tháng giêng, chiếu theo lệ ấy mà làm” [93]. Như thế việc đo đạc phải kết hợp với việc vẽ hoạ đồ mà chuyên viên vẽ hoạ đồ lại là các viên giám thành (2.26).
Việc đo đạc để vẽ bản đồ về Hoàng Sa dưới triều Nguyễn đã được bắt đầu từ thời Gia Long 14 (1815), song đến đời Minh Mạng mới được thúc đẩy mạnh. Năm Minh Mạng thứ 16 (1835) các viên giám thành Trần Văn Vân, Nguyễn Văn Tiến, Nguyễn Văn Hoàng vẽ hoạ đồ Hoàng Sa chưa chu tất đã bị phạt mỗi người 80 trượng như đã nêu trên.
Tấu của Bộ Công vào năm Minh Mạng thứ 17 (1836) cũng chỉ vẽ được một nơi và cũng chưa biết rõ nên làm thế nào. Theo dụ vua Minh Mạng ngày 13 tháng 7 năm thứ 18 (1837), thủy quân đi Hoàng Sa vẽ thành đồ bản 11 nơi, tuy nhiên chưa được chu đáo lắm. Theo Tấu Bộ Công ngày 21 tháng 6 Minh Mạng thứ 19 (1838), thủy quân đệ trình sau khi đo đạc 3 nơi với 12 hòn đảo đã vẽ được 4 bức đồ bản, 3 bức vẽ riêng và 1 bức vẽ chung , song cũng chưa vẽ rõ ràng lắm , Bộ Công phải yêu cầu vẽ lại tinh vi hơn [ xem phụ lục số 2.8 (a) , 2.8(b) ]
Kỹ thuật đo đạc và vẽ bản đồ Hoàng Sa của Việt Nam vào thời kỳ nhà Nguyễn tuy có kỹ, chu đáo hơn trước, song vẫn còn lạc hậu so với kỹ thuật tân tiến của Phương Tây lúc bấy giờ (2.27), nhất là chưa xác định được toạ độ theo kinh độ và vĩ độ trên toàn địa cầu. Vì thế, các hải đồ tuy có nhiều chi tiết, song không phải chỉ có hải đồ là có thể đi biển chính xác mà lúc nào cũng cần đến những người từng trải đã từng lái thuyền đến các vùng biển đã đi qua. Các hải đồ về Hoàng Sa vốn được các giám thành vẽ hoặc được lưu ở vệ giám thành, hoặc ở thủy quân và Bộ Công.
Rất tiếc qua cuộc binh biến ngày 4 - 7 - 1885 và cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp vào năm 1946, kinh thành bị đốt phá, đã không còn giữ lại những tập bản đồ quý giá về Hoàng Sa đã được vẽ rất kỹ lưỡng. Chúng ta chỉ biết chắc từ năm 1838 thủy quân triều Minh Mạng đã vẽ được một bản đồ chung về Hoàng Sa.

2.2.5.2 Các hoạt động cắm cột mốc, bia chủ quyền để xác lập chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ đầu thế kỷ XIX
Sang thế kỷ XIX, sau khi lên ngôi hoàng đế, thiết lập triều Nguyễn, lấy niên hiệu Gia Long vào năm 1802, Nguyễn Ánh đã bắt đầu tiếp tục tái lập chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa bằng các hoạt động của đội Hoàng Sa trong thời gian đầu và của thủy quân.
Những người Pháp cộng tác với vua Gia Long, Minh Mạng như Chaigneau, giám mục Taberd đã viết rất rõ về những hành động của vua Gia long như Chaigneau đã viết trong hồi ký Le mémoire sur la Cochichine:
 “Chỉ đến năm 1816, đương kim hoàng đế đã chiếm hữu quần đảo ấy”, hay giám mục Taberd viết: “Chính là vào năm 1816 mà Ngài (vua Gia long) đã long trọng treo tại đó lá cờ của xứ Đàng Trong. Gutzlaff năm 1849 đã cho biết chính quyền Việt Nam thời Gia Long đã thiết lập một trại quân nhỏ để thu thuế và bảo trợ người đánh cá Việt Nam ".
Những người Phương Tây trên không phải là những nhà nghiên cứu nên chỉ ghi nhận sự kiện trước mắt, đương xảy ra, chứ không biết quá khứ từ lâu việc thực thi chủ quyền của Việt Nam như thế nào ở Hoàng Sa. Đại Nam Thực Lục Chính Biên, đệ nhất kỷ, quyển 50 đã ghi chép hoạt động của đội Hoàng Sa để xem xét, đo đạc thủy trình do Phạm Quang Ảnh làm đội trưởng vào năm 1815.
Đến năm 1816, vua Gia Long lần đầu tiên ban lệnh cho thủy quân với sự hướng dẫn của dân binh đội Hoàng Sa đi xem xét, đo đạc thủy trình ở quần đảo Hoàng Sa (Đại Nam Thực Lục Chính Biên, đệ nhị kỷ, quyển 52).
Chính hoạt động lần đầu tiên của thủy quân này đã đánh dấu mốc thời gian rất quan trọng về việc tái xác lập và thực thi chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa, nên đã khiến cho những người Phương Tây như Chaigneau hay sau này là Taberd khẳng định vua Gia Long đã chính thức xác lập chủ quyền của mình như đã nói trên.
Thực ra sự kiện năm 1816 chỉ đánh mốc là Hoàng Đế Gia Long sử dụng thủy quân thay vì chỉ có đội Hoàng Sa xem xét, đo đạc thủy trình , khai thác hải vật như trước.
Sang thời Nhà Nguyễn, nhất là từ thời Minh Mạng, thủy quân hàng năm liên tục đã thành lệ đều đặn ra Hoàng Sa, Trường Sa đi vãng thám, đo đạc thủy trình, cắm cột mốc, dựng bia chủ quyền, và các hoạt động khác trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Lực lượng thủy quân làm nhiệm vụ xác lập và thực thi chủ quyền này là một “lực lượng đặc nhiệm” gồm kinh phái, tỉnh phái và dân binh địa phương trong có dân binh đội Hoàng Sa. Kinh phái đứng đầu là thủy quân cai đội hay thủy quân chánh đội trưởng chỉ huy cùng với lực lượng thủy quân lấy trong vệ thủy quân đóng ở kinh thành hay ở cửa Thuận An.
Ngoài thủy quân kinh phái còn các viên giám thành trong vệ giám thành, là những chuyên viên vẽ bản đồ như đã trình bày ở trên. Tỉnh phái là các viên chức ở tỉnh Quảng ngãi có nhiệm vụ phối hợp với kinh phái trong công tác hướng dẫn, cung cấp dân công, lo xây dựng, đồng thời còn điều động binh dân ở tỉnh Quảng Ngãi, Có khi gồm cả dân binh tỉnh Bình Định như trong chuyến công tác năm 1835 và 1837 đã dẫn trên đây.
Nhiệm vụ của “lực lượng đặc nhiệm” luôn được hoàng đế Việt Nam theo sát và ra chỉ dụ cụ thể nhất là dưới triều vua Minh Mạng, Thiệu Trị, cho ta thấy nhiệm vụ của lực lượng đặc nhiệm này quan trọng đến chừng nào.
Cũng chính vua Minh Mạng ra chỉ dụ nói rõ việc làm cụ thể của từng chuyến đi. Tỷ như năm Minh Mạng thứ 17 (1836), Bộ Công tâu trình lên vua về chuyến vãng thám Hoàng Sa của thủy quân, chính đội trưởng Phạm Hữu Nhật, vua Minh Mạng phê sửa (châu cải): “Báo gấp cho Quảng Ngãi thực thụ ngay, giao cho tên ấy (Phạm Hữu Nhật) nhận biên" và rồi vua Minh Mạng lại phê (châu phê): “Thuyền nào đi đến đâu, cắm mốc tới đó để lưu dấu”. Cũng chính vua Minh Mạng theo dõi các chuyến đi công tác Hoàng Sa và đã nhiều lần ra chỉ dụ thưởng phạt. Thường dân binh đội Hoàng Sa Quảng Ngãi, Bình Định luôn được thưởng 1 hay 2 quan tiền và miễn thuế về sự cực khổ vất vả theo đoàn. Còn các viên chỉ huy như cai đội, chánh suất đội, các viên chức tỉnh phái mà chậm trễ đều bị tội.

Các chuyến đi công tác ở Hoàng Sa cũng được tổ chức chuẩn bị kỹ lưỡng. Chỉ đạo ở trên có Hoàng đế và Bộ Công, thi hành có vệ thủy quân là chính phối hợp với vệ giám thành, và tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định. Thời gian chuẩn bị, từ năm Minh Mạng thứ 17 (1836) Đại Nam Thực Lục Chính Biên, đệ nhị kỷ, quyển 154 có ghi rõ:
 “Xem từ năm nay về sau, mỗi khi đến hạ tuần tháng giêng, chọn phái thủy quân biền binh (28) và giám thành đáp 1 chiếc thuyền ô, nhằm thượng tuần tháng hai thì đến Quảng Ngãi, giao cho 2 tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định thuê 4 chiếc thuyền của dân hướng dẫn ra xứ Hoàng Sa”.

Như thời gian hàng năm chuẩn bị từ hạ tuần tháng giêng (tháng 2 dương lịch) đến thượng tuần tháng hai (tháng 3 dương lịch) thì có mặt ở Quảng Ngãi, để sang tháng 3 âm lịch (tháng 4 dương lịch) là lúc biển yên nhất thì khởi hành đi Hoàng Sa.

Thuyền ô là thuyền sơn đen từ mũi đến lái dài 4 trượng thước, rộng 8 thước 4 tấc, 3 thước 2 tấc, 30 cọc chèo. Từ thời Minh Mạng thứ 15 (1834), có chỉ dụ các tỉnh có vùng biển như tỉnh Quảng Ngãi nên đóng hai ba chiếc thuyền nhanh, cứ mộ dân ven biển sung làm thợ lái, thủy thủ, mỗi thuyền cần đủ trên dưới 20 người, làm thủy binh thuộc tỉnh khi gặp việc khẩn cấp để tuần tiễu, thông báo, vận tải cho nhanh. Thuyền nhanh này cũng theo qui thức hình dáng thuyền Điếu hải dài 4 trượng thước 5 tấc, rộng 1 trượng 5 thước 5 phân, sâu 5 thước 1 tấc.
Từ Quảng Ngãi, phải thuê 4 chiếc thuyền của dân. Đó là loại thuyền câu, song nhẹ và nhanh hơn, nhỏ hơn thuyền Điếu hải thuộc thủy quân ở các tỉnh trong đó có tỉnh Quảng Ngãi.
Sở dĩ phải thuê vì thuyền của dân binh đội Hoàng Sa vốn nhanh nhẹ, dễ dàng cặp đổ bộ vào đất liền, dễ dàng tránh né các bãi ngầm, các thủy thủ lại quá quen thuộc, chưa kể thuyền ít người mang lương thực cung cấp cho sáu tháng dễ dàng hơn, và việc bắt chim, đánh cá để tự cung ứng cấp dưỡng cũng không còn là vấn đề lớn, để có thời giờ làm việc, đi thu lượm hải vật quý, lấy hàng hoá, súng ống từ tàu đắm. Tài liệu không cho biết rõ thuyền ô có đi theo ra Hoàng Sa hay không. Song ít nhất lực lượng thủy quân trên có 4 chiếc thuyền câu.
Cũng có năm đi 5 thuyền thì có thể cả thuyền ô khi lực lượng thủy quân đặc nhiệm này đã kết hợp với công tác của đội Hoàng Sa. Và như vậy sau này người ta không thấy sử sách nói nhiều về đội Hoàng Sa nữa, vì lực lượng thủy quân đặc nhiệm này trở thành chủ yếu và thường xuyên của nhà nước Việt Nam, và đội Hoàng Sa mang tính dân sự càng ngày càng đậm nét hơn, chủ yếu hoạt động về lợi lộc tư nhân, về kinh tế mà thôi.
Đến đời vua Minh Mạng, thuỷ quân mới được tổ chức thật qui củ có nhiệm vụ ngoài việc đo đạc thủy trình, vẽ bản đồ còn có cắm cột mốc, dựng bia chủ quyền quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đại Nam Nhất Thống Chí, quyển 6 đã ghi chép rằng trước năm Minh Mạng thứ 16, nhà vua sai quân lính ra dựng bia đá làm dấu đã thấy có nơi phía Tây Nam đảo có ngôi cổ miếu, không biết kiến thiết vào thời đại nào và có bia khắc bốn chữ “Vạn Lý Ba Bình”. Như thế trước thời Minh Mạng đã có việc khắc bia, dựng miếu chùa rồi.
Đến năm Minh Mạng thứ 14 (1833), vua Minh Mạng đã chỉ thị cho Bộ Công sang năm Minh Mạng thứ 15 (1834) phái người ra dựng bia chủ quyền. Đại Nam Thực Lục Chính Biên đệ nhị kỷ, quyển 165 cũng đã chép rất rõ từ năm Minh Mạng thứ 17 (1836), Bộ công tâu vua cứ hằng năm cử người ra Hoàng Sa ngoài việc đo đạc thủy trình, vẽ bản đồ và còn cắm cột mốc, dựng bia. Tập tấu của Bộ Công ngày 12 tháng 2 năm Minh Mạng 17 (1836) với lời châu phê của vua Minh Mạng cũng đã nêu rất rõ:
 “Mỗi thuyền vãng thám Hoàng Sa phải đem theo 10 tấm bài gỗ (cột mốc) dài 4, 5 thước, rộng 5 tấc".
Đại Nam Thực Lục Chinh Biên, đệ nhị kỷ, quyển 6 còn ghi rõ: “Vua Minh Mạng đã y theo lời tâu của Bộ Công sai suất đội thủy quân Phạm Hữu Nhật đưa binh thuyền đi, đem theo 10 cái bài gỗ dựng làm dấu mốc. Mội bài gỗ dài 5 thước rộng 6 tấc và dày 1 tấc, mặt bài khắc những chữ:
”Minh Mạng Thập Thất Niên Bính Thân thủy quân chánh đội trưởng suất đội Phâm Hữu Nhật phụng mệnh vãng Hoàng Sa tương đồ chí thử, hữu chí đẳng tư (tờ 25b)”. (Năm Minh Mạng thứ 17, năm Bính Thân, thủy quân chánh đội trưởng suất đội Phạm Hữu Nhật, vâng mệnh ra Hoàng Sa xem xét đo đạc, đến đây lưu dấu để ghi nhớ).

Mỗi năm cột mốc đều khắc rõ niên hiệu, năm, chức vụ, họ tên viên chỉ huy “lực lượng thủy quân đặc nhiệm”, được phụng mệnh ra Hoàng Sa và ghi dấu để nhớ.
Nếu chỉ tính sử sách có ghi rõ tên những người chỉ huy đội thủy quân đặc nhiệm của các năm cụ thể thời Minh Mạng như cai đội thuyền Phạm Văn Nguyên năm Minh Mạng thứ 16 (1835), chánh đội trưởng suất đội Phạm Hữu Nhật năm Minh Mạng thứ 17 (1836), thủy sư suất đội Phạm Văn Biện năm Minh Mạng thứ 18 (1837), thì số đảo được đánh mốc cũng rất đáng kể. Mỗi thuyền 10 bài gỗ. Mỗi năm 4,5 thuyền có thể cắm mốc tối đa 40, 50 cột mốc tại các đảo, song rất khó tổng kết tổng cộng trên thực tế cắm cột mốc được bao nhiêu đảo.

2.2.5.3 Xây dựng chùa miếu và trồng cây tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa
Các vị vua chúa Việt Nam, nhất là thời vua Minh Mạng rất quan tâm đến việc dựng chùa miếu và trồng cây tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Năm Minh Mạng thứ 16 (1835), vua đã chuẩn y lời tâu của Bộ Công cho tỉnh Quảng Ngãi cất miếu Hoàng Sa một gian theo thể chế nhà đá . Việc dựng miếu này theo Đại Nam Thực Lục Chính Biên đệ nhị kỷ, quyển 154, đã cho biết rõ năm Minh Mạng thứ 15 (1834) đã không thực hiện việc xây dựng miếu như dự kiến mà đến mãi đầu tháng 6 mùa hạ, năm Minh Mạng thứ 16 (1835), vua Minh Mạng đã cử cai đội thủy quân là Phạm Văn Nguyên đem lính và giám thành cùng phu thuyền hai tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định chuyên chở vật liệu đến dựng miếu cách toà miếu cổ 7 trượng. Bên trái miếu, phía trước miếu xây bình phong. Mười ngày làm xong việc chớ không như các đoàn khác có nhiệm vụ lâu dài hơn.
Thường ba mặt miếu Hoàng Sa bên trái, bên phải và đằng sau đều trồng các loại cây. Theo Việt Sử Cương Giám Khảo Lược của Nguyễn Thông, thì các quân nhân đến đảo thường đem những hạt quả thủy nam mà rải ở trong và ngoài miếu, mong cho mọc cây để tìm dấu mà nhận.
Như thế cây trồng ở Hoàng Sa chủ yếu trồng bằng cách gieo hạt, quả chứ không trồng theo kiểu trồng loại cây con. Đó cũng hợp lý vì mang cây con ra biển đi trên thuyền nhỏ như thế cũng khó khăn, khó bảo dưỡng được cây sống để mà trồng. Thời gian hoạt động hàng năm của thủy quân vào cuối mùa khô, kéo dài sang mùa mưa nhiều tháng trời, rất thuận lợi cho việc gieo hạt trồng cây.
Ý của vua Minh Mạng sai trồng cây cũng cho rằng gần đây thuyền buôn thường bị hại, nên trồng cây cũng cốt làm dấu dễ nhận ra đảo mà tránh thuyền bị tai nạn đâm vào đảo.

Chương 3

Tiếp tục củng cố, khẳng định và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ khi bị các nước ngoài xâm phạm

3.1 Tiếp tục củng cố, khẳng định và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa từ năm 1909 đến nay

3.1.1 Thời kỳ từ năm 1909 đến 1945
Trong suốt thời kỳ Pháp thuộc, chế độ bảo hộ Pháp có viên Khâm sứ đứng đầu Trung Kỳ, khu vực có trách nhiệm quản lý quần đảo Hoàng Sa. Trong khi Nam Kỳ, quản lý quần đảo Trường Sa, lại ở dưới chế độ thuộc địa Pháp, song thực chất tất cả đều thuộc chế độ đô hộ kiểu trực trị của Pháp. Mọi quyền hành trong tay Pháp. Chính quyền Nam Triều chỉ có trên danh nghĩa, song trên thực tế chính quyền thuộc địa Pháp đã có những hành động cụ thể củng cố, khẳng định và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Trước năm 1909 chưa hề có một bản đồ nào của Trung Quốc ghi tên Tây Sa và Nam Sa. Cuốn sách Trung Quốc Địa Lý Giáo Khoa Thư do Thượng Hải Thượng Vụ Ấn Thư Quán, xuất bản năm 1906 ghi điểm cực nam lãnh thổ Trung Quốc là đảo Hải Nam như sau:
"Phía nam bắt đầu là vĩ độ 18o13 B lấy bờ biển Châu Nhai đảo Quỳnh Châu (tức đảo Hải Nam) làm điểm mút". [58]
Ngay trong những bộ sưu tập tư liệu để minh chứng chủ quyền Tây Sa của Trung Quốc đối với cái gọi là Tây Sa như Ngã Quốc Nam Hải Chư Đảo Sử Liệu Hội Biên do nhóm Hàn Chấn Hoa chủ biên, xuất bản năm 1988, người ta cũngchỉ thấy đến năm 1913 mới bắt đầu xuất hiện bản đồ vẽ Đông Sa, rồi sau đó mới vẽ Đông Sa và cả Tây Sa vào những thập niên 20 của thế kỷ XX. Đến tháng 4 -1935, chính quyền Trung Quốc mới in bản đồ có tên quần đảo Nam Sa song lại là bãi ngầm Macclesfield Bank, và Đoàn Sa là khu quần đảo Spratly tức Trường Sa của Việt Nam.
Sau chiến tranh Trung - Nhật năm 1894 -1895, Nhật chiếm Đài Loan và có chiều hướng bành trướng thế lực xuống Đông Nam Á. Sau đó, Nhật chiến thắng trong chiến tranh Nga - Nhật 1905, Trung Quốc rất e ngại thế lực của Nhật, tìm cách hạn chế thế lực của Nhật xuống phía Nam. Ngày 2 tháng 7 năm 1907, thương gia Nhật Bản tên là Nishizawa Yoshiksugu (Si - Chứa - Cô - Sư) vốn ở Cơ Long thuộc Đài Loan đã liên kết 120 người đổ bộ lên đảo Pratas (3.29) làm nhà, dựng cột dài 70 thước, treo cao cờ Nhật và trồng cây nêu cao 15 thước, ghi chép tỉ mỉ lịch sử phát hiện, đặt tên đảo là Nishizawa (Si- Chức hay Tây Trạch); quần đảo này ở 19042 vĩ độ Bắc và 116042 kinh độ Đông, cách Hương Cảng 108 hải lý. Người Nhật đã cắm cột gỗ có viết ghi tháng 8 năm Minh Trị và mặt sau viết "đảo Tây Trạch". Sau đó chính quyền Đài Loan thuộc Nhật đã cử viên chức đến đây và đuổi thuyền đánh cá thổ dân đi.
Tổng Đốc Quảng Đông lúc bấy giờ là Trương Nhân Tuấn đã nhiều lần trình lên cho triều đình Nhà Thanh ở Bắc Kinh để thương thảo với chính phủ Nhật trả lại. Bộ Ngoại Giao Trung Quốc điện cho Tổng Đốc Trương Nhân Tuấn giao thiệp với lãnh sứ Nhật ở Quảng Châu để giành lại đảo này. Để có căn cứ, Trung Quốc đã lấy tên Đông Sa, một hòn đảo nằm ngoài khơi tỉnh Quảng đông, đã được ghi trên bản đồ “Duyên Hải Toàn Đồ” trong sách Hải Quốc Văn Kiến Lục của Trần Luân Quýnh (1730) để đặt tên cho đảo Pratas.
Đến ngày 7 tháng 10 năm 1907, Nhật trao lại đảo này cho Trung Quốc. Khi xảy ra sự kiện Nhật dòm ngó đảo Pratas vào năm 1907, chính quyền Trung Quốc, nhất là chính quyền Quảng Đông rất nhạy bén về chủ quyền của Trung Quốc, mới bắt đầu đặt tên Đông Sa cho quần đảo Pratas như nói trên, sau đó là Tây sa cho quần đảo Paracels tức Hoàng Sa của Việt Nam, rồi mãi về sau vào thập niên 30 mới đặt tên Nam Sa cho bãi ngầm Macclesfield Bank (sau gọi là Trung Sa).
Như thế sự kiện Nhật nhòm ngó đảo Pratas vào năm 1907 đã khiến Trung Quốc bắt đầu quan tâm đến việc xâm phạm chủ quyền Hoàng Sa (Paracels), trong khi Việt Nam đang bị Pháp đô hộ, quyền ngoại giao hoàn toàn giao cho Pháp theo hiệp ước Patenôtre (năm 1884).

Chính bức thư của lãnh sự Pháp Beauvais ở Quảng Châu gửi Bộ Trưởng Bộ Ngoại Giao Pháp ngày 4 tháng 5 -1909 đã nêu ý đồ của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Hoàng Sa của Việt Nam khi viết:
"Như tôi đã trình bày với ông khi kết thúc bản báo cáo gần đây của tôi (số 86 ngày 1 tháng 5 năm 1909) về vấn đề các đảo Đông Sa (Pratas), vấn đề này khiến chính phủ Trung Quốc chú ý đến các nhóm đảo khác nằm dọc bờ biển của Thiên Triều và tới một mức độ nhất định có thể được coi như một bộ phận của Thiên triều, trong đó có quần đảo Paracels". [ 155, 206]
Cũng trong thư trên đề ngày 4 tháng 5 năm 1909, lãnh sự Pháp ở Quảng Châu gửi cho Bộ Trưởng Bộ Ngoại Giao Pháp có một số nội dung đáng lưu ý sau đây: Do ảnh hưởng của việc Nhật chiếm Pratas (Đông Sa), Trung Quốc muốn chiếm luôn quần đảo Paracels gần Hải Nam. Cuộc khảo sát trái phép đầu tiên là của Đoàn Ngô Kính Vinh đã cho thấy ở mỗi đảo Hoàng Sa đều có một ngôi miếu nhỏ xây kiểu nhà đá (tất cả tường mái là đá san hô và vỏ sò). [155, 207].
Các ngư dân Việt Nam mang cả vợ con đến sống ở Hoàng Sa, bị đối xử tàn tệ, vợ con bị bắt đến Hải Nam.[155, 210]
P.A. La Picque hồi năm 1909 đang cư trú ở Hồng Kông đã thuật lại cuộc khảo sát Hoàng Sa của chính quyền tỉnh Quảng Đông năm 1909 như sau:
"Vào cuối tháng 5 - 1909, hai pháo hạm nhỏ ở Quảng Châu chuẩn bị ra khơi, trên tàu có hai người Đức thuộc Maison Carlwitz, ngoài ra còn có các thủy thủ Trung Quốc, trong đó hình như có một đô đốc "đường sông", nếu như hạm đội nhỏ đó, nhờ có đất liền che chắn, đến được cảng Du Lâm, một cảng ở phía nam đảo Hải Nam một cách khá dễ dàng, thì nó vẫn bị nghẽn ở đó đến nửa tháng, chắc là để chờ ra khơi thì các đợt gió "Fong - sami" trở nên thuần lại và thường làm cho các nhà hàng hải dũng cảm đỡ say sóng".

Cuối cùng, ngày 6 tháng 6 năm 1909 (tức là ngày 19 âm lịch) phái đoàn trông thấy một đảo trong quần đảo Paracel rồi thăm vài đảo, và đến ngày 7 tháng 6 năm 1909, lúc 4 giờ chiều, hai pháo hạm thẳng đường quay lại Quảng Châu như ờ báo Kono Che pao (tờ báo lớn nhất Quảng Châu) cho biết trong một bài báo ngày 20 tháng 6 năm 1909. [166].
Sau việc khảo sát trái phép tượng trưng này, Tổng đốc Trương Nhân Tuấn năm Tuyên Thống thứ nhất liền gởi trát (công văn) ủy cho Tổng Biện Trực Lệ, Nhiệt Hà Đạo Vương Bỉnh Ấn ở Trù Biện Sứ Cục Tư Nghị và Lý Triết Tuấn ở Bổ Phụng Đạo cùng nhau trù liệu đường lối kinh doanh quần đảo Paracels.
Trù Biện Tây Sa Đảo Sự Vụ Xứ đã thiết lập 10 điều đại cương về biện pháp khi xem xét lại Paracels, trong đó điều 1 nói về kế hoạch đo đạc ở Paracels (điều mà Việt Nam đã thực hiện rất kỹ càng từ thời các vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị vào nửa đầu thế kỷ XIX), và điều 10 xin được phái 3 quân hạm: Phục Ba, Thấm Hàng và Quảng Kim cùng đi và mượn chiếc xuồng con của hải quân treo trên quân hạm để đi lại nhanh chóng và thuận tiện.
Hai việc trên đã được Trần Thiên Tích viết lại trong phần Tây Sa Đảo Thành Án Hội Biên trong cuốn Tây Sa đảo, Đông Sa đảo, Thành Án Hội Biên (1928).
Sau đó các ty, đạo của "Trù Biện Tây Sa Đảo Sự Vụ Xứ" trên đã báo cáo lên tổng đốc Trương Nhân Tuấn 8 biện pháp cụ thể, tổng đốc Trương Nhân Tuấn đã gửi tờ tấu lên triều đình nhà Thanh. Song từ đây cho đến khi Pháp nhân danh Việt Nam có những hành động cụ thể thực thi chủ quyền ở quần đảo Paracel tức Hoàng Sa, chính quyền Trung Ương ở Bắc Kinh vẫn chưa mấy mặn mà với vấn đề chủ quyền ở Hoàng Sa mà Trung Quốc gọi là Tây Sa, chưa có những hoạt động cụ thể mà chỉ là những hành động của chính quyền địa phương: tỉnh Quảng Đông. Hành động của chính quyền một tỉnh không khi nào được các nước thừa nhận và có giá trị pháp lý quốc tế cả!
Đáng tiếc là về phía Pháp, theo hiệp ước 1884, lẽ ra phải có nhiệm vụ lên tiếng phản đối những hành động của Trung Quốc (dù đó là của chính quyền địa phương), song lại im lặng.
Đúng như nội dung văn thư số 35 của ông Wilden, đại sứ đặc mệnh toàn quyền Pháp ở Trung Hoa gửi cho Bộ Ngoại Giao Pháp A. Briand ngày 28 tháng 7 năm 1930:
"Mặc dù nước Pháp chưa bao giờ chính thức công nhận các quyền của Trung Quốc trên quần đảo này thì vẫn còn chuyện chúng ta rõ ràng đã bỏ qua không phản đối tất cả các hành vi mà Trung Quốc quan tâm tới việc ngắt quãng định kỳ thời hiệu, có thể chống lại họ, đang tìm cách từ vài năm nay chứng tỏ rằng họ coi quần đảo Hoàng Sa như bộ phận phụ thuộc vào lãnh thổ họ và đang cố gắng đặt chúng ta trước việc đã rồi". [155,232]

Trong khi đó,Triều đình Huế chỉ còn là hư vị từ thời vua Đồng Khánh. Trong thời vua Khải Định, quyền hành ở trong tay viên khâm sứ người Pháp là Le Fol. Sau khi người Trung Quốc sáp nhập hành chánh quần đảo Paracels vào huyện Châu Nhai, đảo Hải Nam, tỉnh Quảng Đông vào ngày 30 tháng 1 năm 1921 bằng một mệnh lệnh của chính quyền quân sự miền Nam Trung Hoa , thì chính quyền thuộc địa Pháp càng ngày càng quan tâm đến Hoàng Sa.
Từ năm 1909 đến 1925, chính quyền thuộc địa Pháp ở Việt Nam tuy càng ngày càng nhận thức tầm quan trọng của Hoàng Sa về mặt chiến lược, nằm trên lộ trình hàng hải từ Sàigòn đi Hồng Kông, rất e ngại một nước nào đó chiếm cứ vị trí chiến lược này, song còn rất mù mờ về quá trình xác lập vương quyền Việt Nam trên quần đảo này.
Tài liệu lưu trữ, tư liệu của Phủ Toàn Quyền Pháp ở Sàigòn cũng như Bộ Thuộc Địa Pháp không có thông tin gì về chủ quyền lâu đời của "vương quốc Việt Nam", chỉ biết Hoàng Sa vẫn còn có những người Việt Nam ở Trung Kỳ "mang cả vợ con" đi đánh cá, sống ở đảo Hoàng Sa và có những xô xát đẫm máu với những người Trung Hoa ở Hải Nam và như thế chính quyền Pháp cho rằng có quyền ngang hàng khi chính quyền Trung Quốc chiếm hữu.

Mãi đến năm 1925, theo Khâm Sứ Trung Kỳ LeFol viết trong thư ngày 22 tháng 1 năm 1926 gởi cho Toàn Quyền Đông Dương, người Pháp mới bắt đầu nghiên cứu sâu quá trình xác lập chủ quyền của "vương quốc Việt Nam" tại quần đảo Hoàng Sa, trước khi cử ông Giám Đốc Viện Hải Dương Học Và Nghề Cá Ở Nha Trang - ông M.A. Krempt đi thám sát Hoàng Sa. [155, 173]
Qua kết quả nghiên cứu tìm hiểu về Hoàng Sa, Khâm Sứ Trung Kỳ LeFol trong thư ngày 22 tháng 1 năm 1929 gửi Toàn Quyền Đông Dương cho biết: "Trong tác phẩm Géographie de la Cochinchine được dịch ra Tiếng Anh và đăng trong tạp chí Journal de la Société Asiatique de Bengale năm 1838, đức cha Jean Louis Taberd, giám mục Ismaropolis (Khâm Mạng toà thánh tại Nam Kỳ, Cao Miên và Champa) đã kể lại việc Hoàng Đế Gia Long đã chiếm hữu quần đảo Paracels năm 1816 và long trọng kéo lá cờ Nam Kỳ trên quần đảo.
Việc chiếm hữu đó đã được các Biên Niên Sử của chính quyền An Nam hay Đại Nam Nhất Thống Chí, Nam Việt Địa Dư tập 2 hay địa dư nước An Nam, xuất bản năm thứ 14 đời Minh Mạng và cuối cùng Đại Nam Nhất Thống Chí quyển 6 hay Địa Dư Duy Tân; các tài liệu trong kho lưu trữ của chính phủ An Nam cung cấp cho ta những chi tiết về hoạt động của đội Hoàng Sa và đội Bắc Hải đặt dưới quyền chỉ huy của đội Hoàng Sa”[155, 173]

Khâm Sứ LeFol viết tiếp:
" Sau khi Trung Quốc có yêu sách vào năm 1909, vì nước Pháp thay mặt nước An Nam về quan hệ đối ngoại theo hiệp ước bảo hộ, đáng lẽ phải khẳng định quyền của nước được bảo hộ đối với các đảo hữu quan. Thì trái lại, hình như hoàn toàn không quan tâm đến vấn đề, như vậy làm lợi cho người Trung Quốc và dường như họ chuẩn bị cho việc nắm quyền sở hữu chính thức đối với các đảo đó" [155, 174]

Và cũng chính trong bức thư kể trên, ông LeFol đã cho biết trước khi mất, ông Thân Trọng Huề, thượng thư bộ Binh của triều đình Huế đã viết một văn thư ngày 3 tháng 3 năm 1925 khẳng định rằng: "Các đảo nhỏ đó bao giờ cũng là sở hữu của nước An Nam, không có sự tranh cãi trong vấn đề này".[155, 174]
Rõ ràng, lúc đầu vì không nắm được lịch sử xác lập chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo, nên chính quyền thuộc địa Pháp ở Việt Nam đã bỏ qua sự phản kháng đối với việc khảo sát trái phép của Trung Quốc. Nhưng sau khi nắm được tình hình về cơ bản thì họ đã có một loạt hành động thực hiện và củng cố chủ quyền quốc gia Việt Nam trên hai quần đảo. Người Pháp cho rằng Hoàng Sa vốn đã thuộc chủ quyền Việt Nam, không cần một hành động chiếm hữu chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa nữa, nên Viện Hải Dương Học Và Nghề Cá Nha Trang (L’institut Océanographique de Nha Trang) đã thực hiện cuộc khảo sát đầu tiên năm 1925 bởi tàu khảo sát kéo lưới Chalutier De Lanessan do M.A. Krempt, giám đốc, cùng các nhà Khoa học như De La Cour, Jabouille.
Sau đó là tháng 7 năm 1927, Sở Địa Chất Và Sinh Học Đại Dương cho người tiếp tục khảo sát ở Trường Sa (Spratley). Các cuộc khảo sát chủ yếu nghiên cứu về những ám tiêu của các bãi ngầm ở Hoàng Sa như ám tiêu Découverte. Từ đó tác giả đưa ra lập luận giải thích về sự thành lập các ám tiêu cùng với ảnh hưởng của gió mùa. Ngày 8 tháng 3 năm 1925, Toàn Quyền Đông Dương đã tuyên bố khẳng định quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ của Pháp. Tháng 11 năm 1928, Thống Đốc Nam Kỳ cấp giấy phép nghiên cứu mỏ ở đảo Trường Sa cho Công Ty Phosphat mới của Bắc Kỳ.
Từ năm 1929, dư luận các báo Pháp tại Đông Dương nêu các vấn đề chủ quyền của Việt Nam về Hoàng Sa. Liên tiếp trong các kỳ báo trên tờ Éveil Économique de l’Indochine (Hà Nội) từ số 606 (27 tháng 1 năm 1929) đến 623 (26 tháng 5 năm 1929), nhà báo Henri Cucherousset đã nhiều lần lược sơ về chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa và trách cứ chính quyền Pháp đã quá lơ là trong việc xác nhận và bảo vệ chủ quyền tại Hoàng Sa và đề nghị các hành động cụ thể của chính quyền thuộc địa.
Trong thư ngày 20 tháng 3 năm 1930, Toàn Quyền Đông Dương gửi cho Bộ Trưởng Bộ Thuộc Địa Pháp cũng đã xác nhận rằng:
"Tôi hoàn toàn đồng ý với những người viết thư cho ông là cần thừa nhận lợi ích nước Pháp có thể có trong việc nhận danh An Nam, đòi chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa" [ 155, 159-160 ].
Câu này trong bản ghi chú cho Vụ Châu Á Đại Dương ngày 15 tháng 5 năm1950, Cố Vấn Pháp Luật Bộ Ngoại Giao Pháp đã viết rất rõ:
"Việc chiếm hữu quần đảo Spartley do Pháp tiến hành năm 1931-1932 là nhân danh Hoàng Đế "An Nam".
Trong trường hợp này cái danh nghĩa duy nhất mà Pháp đòi hỏi ở đây là việc thực thi chủ quyền có từ trước, là những danh nghĩa của "An Nam", và với tư cách là nước bảo hộ, chịu trách nhiệm về các quan hệ đối ngoại của "An Nam", Pháp có thể sử dụng các quyền đó để chặn các nước thứ ba, và có thể nhận được xét xử quốc tế việc thừa nhận các quyền nói trên [155, 183].
Nếu các quan hệ điều ước giữa Pháp và "An Nam" vẫn được xác định bởi Hiệp Ước Bảo Hộ được ký ở Huế ngày 6 tháng 6 năm 1884 thì về phương diện này không thể xuất hiện bất kỳ khó khăn nào; và chính phủ Pháp có quyền bằng cách hành động với danh nghĩa nước bảo hộ, thay mặt nước bị bảo hộ thi hành các thẩm quyền mà nước bị bảo hộ này không thể thi hành.
Ngày 13 tháng 4 năm 1930, thông báo hạm La Malicieuse đã ra Trường Sa và kéo quốc kỳ Pháp trên một điểm cao. Thông cáo ngày 23 tháng 9 năm 1930 đã thông báo cho các cường quốc khác về sự chiếm đóng của Pháp trên quần đảo Trường Sa. Sang năm 1931 và 1932 lại có thêm nhiều bài báo cũng trên tờ Éveil Économique de l’Indochine rất gay gắt chất vấn đích danh toàn quyền Pasquier. Chính những áp lực dư luận báo chí của người Pháp ở Đông Dương mà chính quyền thuộc địa Pháp không thể làm ngơ.

Ngày 29 tháng 4 năm 1932, chính phủ Pháp gởi kháng nghị nêu rõ các bằng chứng về sự chiếm hữu của Việt Nam. Sau đó, lần đầu tiên Pháp đề nghị đưa vụ tranh chấp ra các toà án quốc tế và Trung Quốc đã phản đối đề nghị này.
Ngày 13 tháng 4 năm 1933, một hạm đội nhỏ thuộc các lực lượng hải quân Pháp ở Viễn Đông, dưới sự chỉ huy của trung tá hải quân De Lattre rời Sàigòn đến đảo Trường Sa gồm thông báo hạm La Malicieuse, pháo thuyền Alerte, các tàu thủy văn Astrobale và De Lanessan.
Sự chiếm hữu tiến hành theo nghi thức cổ truyền của Phương Tây. Một văn bản được thảo ra và các thuyền trưởng ký thành 11 bản.
Mỗi đảo nhận một bản, được đóng kín trong một cái chai rồi được gắn trong một trụ xi măng xây trên mỗi đảo tại một địa điểm ấn định và cố định trên mặt đất. Người ta kéo lá cờ tam tài và thổi kèn trên từng hòn đảo.

Ngày 26 tháng 7 năm 1933 , Bộ Ngoại Giao Pháp đã có một thông tin đăng ở Công báo Pháp (Journal officiel de la République Française ngày 26-7-1933, trang 7857) về việc hải quân Pháp chiếm hữu một số đảo thuộc quần đảo và thông báo ghi rõ những hải đảo và tiểu đảo ghi trong thông tri từ nay đã thuộc chủ quyền Pháp quốc.

Tất cả gồm 6 nhóm:
- Đảo Spratly (Trường Sa) 8o,39 vĩ tuyến B – 111o,55 kinh tuyến Đ và các tiểu đảo phụ thuộc chiếm hữu ngày 13 tháng 4 năm 1930.
- Tiểu đảo Caye d’Amboine (7o,52 B – 112o, 55 Đ) cũng như các tiểu đảo phụ thuộc chiếm hữu ngày 7 tháng 4 năm 1933.
- Tiểu đảo Itu - Aba (10o,22 B – 114o, 21 Đ) cũng như các tiểu đảo phụ thuộc chiếm hữu ngày 10 tháng 4 năm1933.
- Nhóm Hai đảo (11o,29 B, 114o,21 Đ) cũng như các tiểu đảo phụ thuộc, chiếm hữu ngày 10 tháng 4 năm 1933.
- Tiểu đảo Loaita (10o,42 B, 114o, 25 Đ) và các tiểu đảo phụ thuộc, chiếm hữu ngày 11 tháng 4 năm 1933.

- Đảo Thị Tứ (11o,7 B, 114o,16 Đ), cũng như những tiểu đảo phụ thuộc, chiếm hữu ngày 12 tháng 4 năm 1933.
Như thế theo hai thông tri Pháp đã công bố, từ đầu tháng 4 năm 1933, Pháp chiếm đầu tiên đảo Spratly và đến 12 tháng 4 năm 1933 chiếm đảo cuối cùng là đảo Thị Tứ.
Ngày 21 tháng 12 năm 1933, thống đốc Nam Kỳ M.J. Krautheimer ký nghị định số 4762, sáp nhập hải đảo Spratly (Trường Sa) và những tiểu đảo Caye d’Amboire, Itu - Aba, nhóm Hai đảo, Loaita và Thị Tứ thuộc quần đảo Spratley nằm trên Biển Đông vào tỉnh Bà Rịa. (phụ lục 19)
Nghị định trên được ký đã chiếu theo thông tri đăng trong công báo Cộng Hoà Pháp Quốc ngày 26 tháng 7 năm 1933 của Bộ Ngoại Giao, liên quan đến việc chiếm hữu một số hải đảo do những đơn vị hải quân, cùng lúc với các thư số 634 và 2243 - AP ngày 24 tháng 8 và 14 tháng 9 năm 1933 của Toàn Quyền Đông Dương, liên quan đến việc sáp nhập những hải đảo và tiểu đảo thuộc nhóm Trường Sa (Spratly) hay Bão Tố (Tempête) và chiếu theo các cuộc thảo luận của Hội Đồng thuộc địa ngày 22 tháng 10 năm 1933, cùng sự tham khảo ý kiến của Hội Đồng Tư Vấn.
Từ năm 1934- 1935, Ủy Ban Thẩm Tra Bản Đồ Thủy Lục do các cơ quan của Bộ Ngoại Giao, Bộ Nội Vụ Trung Hoa Dân Quốc vào tháng 3 năm 1935 âm thầm bắt đầu đặt tên quần đảo Đoàn Sa cho quần đảo Spratley tức Trường Sa của Việt Nam và phiên âm dịch nghĩa tên khoảng 124 đảo đá bãi ngầm của quần đảo Paracels và Spratley trong các hải đồ hàng hải phương Tây.
Lúc này chỉ mới có tên gọi Đông Sa, Tây Sa, Nam Sa và Đoàn Sa, chưa có tên Trung Sa.
Đến tháng 12 năm 1947, mới xuất hiện tên gọi Trung Sa thay thế Nam Sa và Nam Sa thay thế Đoàn Sa.
Ngay cả tên gọi mà cũng bất nhất, cứ thay đổi vị trí từ gần bờ biển với Vạn Lý Thạch Đường rồi Nam Sa tiến dần từ đảo Macclesfield xuống tới Spratly ở phía Nam. Sau những cuộc khảo sát Hoàng Sa của Viện Hải Dương Học Nha Trang từ năm 1925, đến năm 1937, kỹ sư Trưởng công chính Gauthier, nhân danh chính quyền thuộc địa Pháp, bảo hộ Việt Nam, thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khả năng xây dựng một hải đăng trên đảo Hoàng Sa.
Để triển khai các kết quả nghiên cứu của Gauthier, từ năm 1938 Pháp bắt đầu phái các đơn vị bảo an tới các đảo.
Ngày 29 tháng 2 năm Bảo Đại thứ 13 (30 Mars 1938), Hoàng đế Bảo Đại của nhà Nguyễn đã ký dụ số 10 có nội dung chủ yếu như sau :(xem phụ lục 3.19) ”Chiếu theo các cù lao Hoàng Sa ( Archipels des Iles Paracels) thuộc về chủ quyền nước Nam đã từ lâu và dưới các tiên triều , các cù lao ấy thuộc về địa hạt tỉnh Nam Ngãi. Đến đời Đức Thế tổ Cao Hoàng đã vẫn để y như cũ là vì nguyên trước, sự giao thông với các cù lao ấy đều do các cửa bể tỉnh Nam Ngãi.
Đến nay nhờ sự tiến bộ trong việc hàng hải nên việc giao thông ngày nay có thay đổi , vả lại viên đại diện chính phủ Nam Triều cũng phái ra kinh lý các cù lao ấy cùng qua các đại diện chính phủ bảo hộ có tâu rằng nên tháp các "cù lao" Hoàng Sa vào địa hạt tỉnh Thừa Thiên thời được thuận tiện hơn”. ”Dụ” Độc khoản:
 “Trước chuẩn tháp nhập các cù lao Hoàng Sa (Archipels des iles Paracels) vào địa hạt tỉnh Thừa Thiên; về phương diện hành chính, các cù lao ấy thuộc dưới quyền quan hiến tỉnh ấy”. [4 ]
Triển khai dự án nghiên cứu của Gauthier, năm 1938 một bia chủ quyền được dựng trên đảo Pattle (Hoàng Sa ) với dòng chữ : ”République Fran(aise - Royaume d’An Nam - Archipels des Paracels - 1816 - Ile de Pattle 1938”. Cũng năm này, một hải đăng, một trạm khí tượng (OMM đăng ký số 48860) được đặt ở đảo Hoàng Sa (Pattle) (phụ lục 21), số 48859 ở đảo Phú Lâm (Ile Boisée), một trạm vô tuyến TSF trên đảo Hoàng Sa (Pattle). Cùng một bia chủ quyền, một hải đăng, một trạm khí tượng và một trạm vô tuyến cũng được đặt trên đảo Ba Bình (Itu Aba).
Tháng 6 năm 1938, một đơn vị bảo an lính Việt Nam tới Hoàng Sa.
Ngày 5 tháng 5 năm 1939, Toàn Quyền Đông Dương Jules Brévié đã ra nghị định số 3282, sửa đổi nghị định trước và thành lập hai sở địa lý trên quần đảo Hoàng Sa. (Xem phụ lục số 22, nguyên văn nội dung nghị định số 3282 đăng trong Bulletin Administratif de l’Annam năm 1939, số 9, tr 872). Nghị định này để sửa đổi nghị định số 156 - SC ký ngày 15 tháng 6 năm 1932 (ấn định việc thiết lập một đơn vị hành chính tại quần đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Thừa Thiên (Trung Kỳ) mang danh là quận Hoàng Sa) trở thành hai đơn vị hành chính tại quần đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Thừa Thiên với danh xưng là sở đại lý (délégation administrative) “Croissant” cùng phụ cận và sở đại lý Amphytrite cùng phụ cận. Ranh giới giữa hai sở này được phân bởi kinh tuyến 112, trừ rặng đá ngầm Vuladdore hoàn toàn phụ thuộc vào sở đại lý Croissant.
Những phái viên hành chánh đứng đầu hai sở đại lý này với tư cách là ủy viên của công sứ Pháp tại Thừa Thiên ở tại đảo Pattle và đảo Boisée. Mỗi phái viên được hưởng phụ cấp là 400đ,00 dự liệu ở nghị định ngày 28 tháng 12 năm 1934. Phụ cấp này sẽ được ngân sách địa phương Trung Kỳ đài thọ, theo chương 12, điều 6, đoạn 3.
Ngày 31 tháng 3 năm 1939, Bộ ngoại giao Nhật Bản ra tuyên bố Nhật kiểm soát quần đảo Trường Sa. Tuyên bố chuyển tới đại sứ Pháp tại Nhật bằng một thông điệp khẳng định rằng Nhật Bản là người đầu tiên thám hiểm quần đảo Trường Sa vào năm 1917. Nhật Bản nhận rằng ở đó "không có một quyền lực hành chánh địa phương nào, đó là một tình trạng có hại cho các lợi ích của Nhật và về lâu dài có thể gây ra những khó khăn với Pháp".
Ngày 4 tháng 4 năm 1939, Bộ Ngoại Giao Pháp gửi một công hàm phản kháng quyết định của Nhật và khẳng định các quyền của Pháp. Pháp được Anh ủng hộ trong cuộc tranh luận ngày 5 tháng 4 năm1939 tại Hạ Nghị Viện, đại diện Bộ Ngoại Giao Anh đã khẳng định chủ quyền quần đảo Trường Sa trọn vẹn thuộc nước Pháp. Do nhu cầu lập đầu cầu xâm chiếm Đông Nam Á, Nhật đã nhanh chóng chiếm vào năm 1938 đảo Phú Lâm (Ile Boisée) và đảo Itu - Aba (Ba Bình) của Trường Sa vào năm 1939. Mãi đến ngày Nhật đảo chánh Pháp ở Đông Dương ngày 9 tháng 3 năm 1945, Nhật mới bắt làm tù binh các đơn vị lính Pháp đóng ở các đảo Hoàng Sa.
Suốt thời kỳ Pháp thuộc, các nhà chức trách Pháp tuyên bố chưa bao giờ từ bỏ chủ quyền của vương quốc An Nam ở quần đảo Hoàng Sa mà nước Pháp có trách nhiệm bảo hộ [155], song các nhà chức trách Pháp vì quyền lợi riêng tư của nước Pháp có những thái độ bất nhất, khi thì thờ ơ, không phản ứng kịp thời khi chủ quyền này bị nước ngoài (Trung quốc) xâm phạm, thậm chí còn lấy Hoàng Sa làm vật trao đổi trong quan hệ với Trung Quốc như Pasquier thú nhận trong bức thư ngày 20- 03 - 1930 gửi cho Bộ Trưởng Bộ Thuộc Địa [155, 161] hoặc có ý đồ tách các đảo Phía Nam Biển Đông không còn nằm trong khối thống nhất của Hoàng Sa (Paracel) và cho đó là quần đảo Spratly vô chủ để người Pháp chiếm hữu cho riêng nước Pháp, song lại sáp nhập vào Nam Kỳ, mà người Pháp gọi là sự sáp nhập về hành chánh mà thôi. [155, 271]
Thời kỳ từ năm 1945 đến năm 1954.
Quân Nhật đã rút khỏi quần đảo Hoàng Sa cũng như Trường Sa vào năm 1946 và một phân đội bộ binh Pháp đổ bộ từ tàu Savorgnan de Brazza đến thay thế quân đội Nhật từ tháng 5 năm 1946, nhưng đơn vị này chỉ ở đó trong vài tháng. Trong thời gian từ 20 đến 27 tháng 5 năm 1946, đô đốc D’Argenlieu, cao ủy Đông Dương cũng đã phái tốc hạm L’Escarmouche ra nắm tình hình đảo Hoàng Sa (Pattle ) thuộc quần đảo Hoàng Sa.
Vào lúc quân đội viễn chinh Pháp và Chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo đang bận đối phó với cuộc chiến tranh toàn diện sắp xảy ra, thì ngày 26 tháng 10 năm1946, hạm đội đặc biệt của Trung Hoa Dân Quốc gồm 4 chiến hạm, mỗi chiếc chở một số đại diện của các cơ quan và 59 binh sĩ thuộc trung đội độc lập về cảnh vệ của hải quân (tiền thân của quân thủy đánh bộ) xuất phát từ cảng Ngô Tùng ngày 9 tháng 10. Ngày 29 tháng 11 năm 1946, các tàu Vĩnh Hưng và Trung Kiên tới đảo Hoàng Sa và đổ bộ lên đây. Tàu Thái Bình và Trung Nghiệp đến Trường Sa (mà lúc này Trung Quốc còn gọi là Đoàn Sa chưa phải mang tên Nam Sa (tác giả nhấn mạnh)
Trong phiên họp ngày 11 tháng 10 năm 1946, Ủy Ban Liên Bộ về Đông Dương thuộc chính phủ lâm thời Pháp quyết định cần khẳng định quyền của Pháp đối với quần đảo Hoàng Sa và thể hiện việc tái chiếm bằng việc xây dựng một đài khí tượng. Theo ý kiến của đại tướng Juin cho rằng “lợi ích cao nhất” của nước Pháp là phòng ngừa mọi ý đồ của một cường quốc nào muốn chiếm lại các đảo đó là những đảo kiểm soát việc ra vào căn cứ tương lai Cam Ranh, con đường hàng hải Cam Ranh - Quảng Châu - Thượng Hải (Thư số 199/DN/S. col ngày 7 tháng 10 năm 1946 của Đại tướng Juin, Tổng Tham Mưu Trưởng quân đội Pháp tại Paris).
Chính phủ Pháp chính thức phản đối sự chiếm đóng bất hợp pháp trên của Trung Quốc và ngày 17 tháng 10 năm 1947 thông báo hạm Tonkinois của Pháp được phái đến Hoàng Sa để yêu cầu quân Trung Quốc rút khỏi Phú Lâm nhưng họ không rút. Pháp gửi một phân đội lính trong đó có cả quân lính "Quốc gia Việt Nam" đến đóng một đồn ở đảo Pattle ( Hoàng Sa ). Chính phủ Trung Quốc phản kháng và các cuộc thương lượng được tiến hành từ ngày 25 tháng 2 đến ngày 4 tháng 7 năm 1947 tại Paris. Tại đây, chính phủ Trung Quốc đã từ chối không chấp nhận việc nhờ trọng tài quốc tế giải quyết do Pháp đề xuất.
Ngày 1 tháng 12 năm 1947, Bộ Nội Vụ chính quyền Tưởng Giới Thạch công bố tên Trung Quốc cho hai quần đảo và đặt chúng thuộc lãnh thổ Trung Quốc. Trong hoàn cảnh lịch sử cuối năm 1946 đầu năm 1947, Việt Nam đã giành được độc lập từ năm 1945, không còn ràng buộc vào hiệp định Patenôtre (1884) với Pháp song Pháp cho rằng theo hiệp định sơ bộ ngày 6 tháng 3 năm 1946, Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà còn nằm trong khối Liên Hiệp Pháp, về ngoại giao vẫn thuộc về Pháp, nên Pháp vẫn thực thi quyền đại diện Việt Nam trong vấn đề chống lại xâm phạm chủ quyền Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Với hiệp định ngày 8 tháng 3 năm 1949, Pháp gây dựng được chính quyền thân Pháp còn gọi là quốc gia Việt Nam do cựu hoàng Bảo Đại đứng đầu, đối đầu với chính quyền Cách Mạng do chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo, để củng cố cơ sở hình thức pháp lý nào đó dù không có thực chất đại diện thực sự cho Việt Nam, nhất là trên thực tế trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, quân Pháp đang làm chủ Biển Đông trong đó có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Tháng 4 năm 1949, Đổng Lý Văn Phòng của quốc trưởng Bảo Đại là hoàng thân Bửu Lộc, trong một cuộc họp báo tại Sàigòn đã công khai khẳng định lại chủ quyền của Việt Nam đã từ lâu đời trên quần đảo Hoàng Sa. Vào ngày 1 tháng 10 năm 1949, Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa được thành lập ở lục địa Trung Quốc, Trung Hoa Dân Quốc do Tưởng Giới Thạch cầm đầu đã rút lui ra Đài Loan. Tháng 4 năm 1950, đồn lính Trung Hoa Dân Quốc chiếm đóng bất hợp pháp ở đảo Phú Lâm (Ile Boisée) thuộc quần đảo Hoàng Sa đã rút lui. Còn đồn lính của Pháp đóng ở đảo Hoàng Sa (Pattle) vẫn còn duy trì.
Vào tháng 4 năm 1950, quân lính Trung Hoa Dân Quốc rút hết khỏi quần đảo Hoàng Sa, nơi duy nhất đóng quân là đảo Phú Lâm từ năm 1947. Ngày 14 tháng 10 năm 1950, chính phủ Pháp chính thức chuyển giao cho chính phủ Bảo Đại quyền quản lý các quần đảo Hoàng Sa. Thủ hiến Trung Phần là Phan Văn Giáo đã chủ tọa việc chuyển giao quyền hành ở quần đảo Hoàng Sa.
Hội nghị San Francisco có 51 quốc gia tham dự từ ngày 5 tháng 9 đến ngày 8 tháng 9 năm 1951, ký kết hoà ước với Nhật. Ngày 5 tháng 9 năm 1951, họp khoáng đại, ngoại trưởng Gromyko đề nghị 13 khoản tu chính. Khoản tu chính liên quan đến việc Nhật nhìn nhận chủ quyền của Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa đối với đảo Hoàng Sa và những đảo xa hơn nữa dưới phía Nam. Khoản tu chính này đã bị Hội nghị bác bỏ với 48 phiếu chống và 3 phiếu thuận.
Ngày 7 tháng 9 năm 1951, Thủ tướng kiêm ngoại trưởng Trần Văn Hữu của chính phủ Bảo Đại long trọng tuyên bố rằng hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ của Việt Nam:
"Et comme il faut franchement profiter de toutes occasions pour étouffer les germes de discorde, nous affirmons nos droits sur les (les Spratley et Paracels qui de tout temps ont fait partie du Viet Nam” [ 27] Không một đại biểu nào trong hội nghị bình luận gì về lời tuyên bố này. Kết thúc hội nghị là ký kết hoà ước với Nhật ngày 8 tháng 9 năm 1951.
Trong hoà ước này có điều 2, đoạn 7 ghi rõ: Nguyên văn là "Nhật Bản từ bỏ mọi quyền, danh nghĩa và tham vọng đối với các quần đảo Paracels và Spratly". [ 27 ]
Ngày 24 tháng 8 năm 1951, lần đầu tiên Tân Hoa Xã lên tiếng tranh cãi về quyền của Pháp và những tham vọng của Philippines và kiên quyết khẳng định quyền của Trung Quốc.
Khi ra thông báo về bản dự thảo Hiệp Ước với Nhật ở San Francisco, ngày 15 tháng 8 năm 1951, Bộ Trưởng Ngoại Giao nước Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa Chu Ân Lai ra bản tuyên bố công khai khẳng định cái gọi là “tính lâu đời của các quyền của Trung Quốc đối với quần đảo”, trong khi Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa và Trung Hoa Dân Quốc không tham dự hội nghị này. Như thế, lợi dụng tình hình rối ren Nhật đầu hàng đồng minh, quân Tưởng Giới Thạch được giao phó giải giáp quân Nhật từ vĩ tuyến 16 trở ra Bắc theo Hiệp Định Postdam, đã lại chiếm giữ đảo Phú Lâm (Ile Boisée) cuối năm 1946 thuộc quần đảo Hoàng Sa và đảo Ba Bình (Itu Aba) thuộc quần đảo Trường Sa , vào đầu năm 1947.
Đến năm 1950, khi quân Trung Hoa Dân Quốc đã rút ra khỏi Hoàng Sa và Trường Sa và hoà ước San Francisco đã buộc Nhật từ bỏ sự chiếm đóng hai quần đảo này, thì thủ tướng kiêm ngoại trưởng Trần Văn Hữu của chính phủ Bảo Đại đã long trọng tuyên bố rằng hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ Việt Nam. Không một đại biểu nào trong hội nghị bình luận gì về lời tuyên bố này. Cũng lợi dụng cục diện chiến tranh lạnh đang xảy ra, sự giành giật thế lực ở một nơi trong đó có Biển Đông, phái đoàn Liên Xô đề xuất giao cho Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa quản lý hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đã không được Hội Nghị chuẩn nhận, song cũng là cái cớ để Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa lên tiếng.
Dù sau năm 1950, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa không còn quân nước ngoài chiếm đóng ngoài lực lượng trú phòng Việt Nam của Chính quyền Bảo Đại.
Thời kỳ Việt Nam chia cắt (1954 - 1975), phản kháng các nước ngoài xâm phạm chủ quyền Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Hiệp định Genève ký kết ngày 20 tháng 7 năm 1954 chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương, công nhận độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thống nhất của nước Việt Nam.

Điều 1 qui định đường ranh tạm thời về quân sự được ấn định bởi sông Bến Hải (ở vĩ tuyến 17). Đường ranh tạm thời này cũng được kéo dài ra trong hai phần bằng một đường thẳng từ bờ biển ra ngoài khơi theo điều 4 của Hiệp định. Cũng theo điều 14 của bản Hiệp định, trong khi chờ đợi cuộc tổng tuyển cử đưa lại sự thống nhất cho Việt Nam, bên đương sự và quân đội do thoả hiệp tập kết ở khu nào sẽ đảm nhiệm việc hành chánh trong khu tập kết đó. Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở Biển Đông ở dưới vĩ tuyến 17 sẽ đặt dưới sự quản lý hành chánh của phía chính quyền quản lý miền Nam vĩ tuyến 17.
Như thế, quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được đặt dưới sự quản lý hành chánh của chính quyền Việt Nam Cộng Hoà, lúc ấy hai quần đảo này chưa có sự chiếm đóng của bất cứ quân đội nước nào ngoài quân đội Pháp. Chính quyền ở Phía Nam vĩ tuyến 17 phải chịu trách nhiệm quản lý hai quần đảo trên ở ngoài khơi bờ biển Việt Nam dưới vĩ tuyến 17. Tháng 4 năm 1956, khi quân viễn chinh Pháp rút khỏi Miền Nam Việt NamPhilippines nêu vấn đề chủ quyền. Trong thời gian trên cho đến năm 1956, quân đội Quốc Gia Việt Nam sau gọi là Việt Nam Cộng Hoà đã chiếm đóng các đảo phía Tây của quần đảo Hoàng Sa bao gồm đảo Hoàng Sa (Pattle).
Ngày 1 tháng 6 năm 1956, Ngoại Trưởng Chính Quyền Việt Nam Cộng Hoà Vũ Văn Mẫu ra tuyên bố tái khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Vài ngày hôm sau, Pháp cũng nhắc lại cho Philippines biết những quyền hạn mà Pháp đã có đối với hai quần đảo trên từ năm 1933.
Ngày 22 tháng 8 năm 1956, lục hải quân Việt Nam Cộng Hoà đổ bộ lên các đảo chính của quần đảo Trường Sa và dựng bia, kéo cờ. Sau khi trấn giữ ở các đảo phía Tây quần đảo Hoàng Sa, ngày 22 tháng 8 năm 1956, lực lượng hải quân của chính phủ Việt Nam Cộng Hoà đã đổ bộ lên các hòn đảo chính của nhóm Trường Sa, dựng một cột đá và trương quốc kỳ.
Tháng 10 năm 1956, hải quân Đài Loan đến chiếm đảo Ba Bình (Itu Aba).
Ngày 22 tháng 10 năm 1956, sắc lệnh số 143 / NV của Tổng Thống Việt Nam Cộng Hoà thay đổi địa giới các tỉnh và tỉnh lỵ tại « Nam Việt » (Nam Bộ). Trong danh sách các đơn vị hành chánh « Nam Việt » (Nam Bộ) đính kèm theo sắc lệnh có những thay đổi tên mới, trong đó có tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nay được gọi là tỉnh Phước Tuy và đảo Spratly thuộc tỉnh Phước Tuy được gọi là Hoàng Sa cùng tên với quần đảo phía Bắc là Paracels.
Ngày 13 tháng 7 năm 1961, sắc lệnh số 174 / NV của Tổng thống Việt Nam Cộng Hoà đặt quần đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Nam và thành lập tại quần đảo này một xã lấy tên là xã Định Hải trực thuộc quận Hoà Vang. Trong sắc lệnh trên, ghi rằng: "Quần đảo Hoàng Sa trước kia thuộc tỉnh Thừa Thiên, nay đặt thuộc tỉnh Quảng Nam (điều 1). Đặt đơn vị hành chính xã bao gồm trọn quần đảo này được thành lập và lấy danh hiệu là xã Định Hải, trực thuộc quận Hoà Vang. Xã Định Hải dưới quyền một phái viên hành chính ( điều 2).
Tháng 2 năm 1959, nhiều dân chài Trung Quốc định đến đóng trên phần phía Tây quần đảo Hoàng Sa, nhưng không thành công, bị hải quân Việt Nam Cộng Hoà bắt và hoàn trả lại Trung Quốc.
Ngày 13 tháng 7 năm 1971, Bộ Trưởng Ngoại Giao Việt Nam Cộng Hoà, ông Trần Văn Lắm có mặt ở Manila đã lên tiếng nhắc lời yêu sách của Việt Nam và các danh nghĩa làm cơ sở cho những yêu sách đó trên quần đảo Trường Sa.
Ngày 6 tháng 9 năm 1973, Bộ Trưởng Bộ Nội Vụ của chính quyền Việt Nam Cộng Hoà đã sửa đổi việc quản lý hành chính của Trường Sa vào xã Phước Hải, quận Đất Đỏ, tỉnh Phước Tuy mà trước đây vào năm 1956 , thời chính quyền Ngô Đình Diệm đã có sắc lệnh gọi quần đảo Spratly là quần đảo Hoàng Sa.
Ngày 11 tháng 1 năm 1974, Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa tuyên bố việc sáp nhập các đảo của quần đảo Trường Sa vào tỉnh Phước Tuy của Việt Nam Cộng Hoà là sự lấn chiếm lãnh thổ Trung Quốc và khẳng định lại các yêu sách của Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Ngày 12 tháng 1 năm 1974, chính phủ Việt Nam Cộng Hoà tuyên bố bác bỏ yêu sách của Trung Quốc.
Ngày 15 tháng 1 năm 1974, Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa bắt đầu triển khai một lực lượng hải quân mạnh mẽ trong đó có nhiều tàu được ngụy trang thành tàu đánh cá và có phi cơ yểm trợ. Mặt khác, Bộ Tư Lệnh hải quân Việt Nam Cộng Hoà đã điều động tuần dương hạm Lý Thường Kiệt đến Hoàng Sa để tuần phòng và canh chừng. Sau khi phát hiện sự có mặt của quân đội Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa tại vùng Hoàng Sa với cờ dựng trên các đảo Quang Ảnh (Money), Hữu Nhật (Robert), lực lượng quân đội Việt Nam Cộng Hoà được tăng cường với khu trục hạm Trần Khánh Dư, tuần dương hạm Trần Bình Trọng, hộ tống hạm Nhật Tảo. Lực lượng tăng cường của Việt Nam Cộng Hoà có các toán biệt hải được lệnh đổ bộ đến các đảo hạ cờ của quân đội Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa. Vài vụ xô xát đã xảy ra, súng đã nổ trên đảo Quang Hoà (Duncan) và một đảo khác.
Tiếp ngày 16 tháng 1 năm 1974, chính phủ Việt Nam Cộng Hoà đã ra tuyên cáo bác bỏ luận cứ của Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa và đưa ra những bằng chứng rõ ràng về pháp lý, địa lý, lịch sử để xác nhận chủ quyền của Việt Nam Cộng Hoà trên hai quần đảo này. Hai bên bắt đầu phối trí toàn bộ lực lượng, các chiến hạm hai bên cách nhau chừng 200m.
Sau đó hai bên bỗng tách rời nhau để chuẩn bị, cuộc hải chiến bắt đầu diễn ra vào lúc 10 giờ 25 phút ngày 19 tháng 1 năm 1974. Một chiến hạm Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa bị bốc cháy trước hoả lực của hộ tống hạm Nhật Tảo. Các chiến hạm Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa mang số 281, 182 dồn sức đánh trả khiến chiến hạm Nhật Tảo bị trúng đạn trên đài chỉ huy và hầm máy chính, hạm trưởng Nguỵ Văn Thà hy sinh. Sau hơn 1 giờ giao tranh, 2 chiến hạm Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa chìm, 2 chiếc khác bị bắn cháy.
Bên lực lượng Việt Nam Cộng Hoà ngoài hộ tống hạm Nhật Tảo bị chìm, còn có một số chiến hạm bị thương tổn, trong đó có một số binh sĩ bị bắt và mất tích. Một người Mỹ tên Gerald Kosh, một nhân viên dân sự thuộc văn phòng tùy viên quốc phòng toà đại sứ Mỹ ở Sàigòn, được biệt phái làm liên lạc viên cạnh bộ chỉ huy hải quân Quân Khu I Việt Nam Cộng Hoà cũng bị bắt (theo nhật báo Chính Luận, số 2982, ngày 31 tháng 1 năm 1974).
Kosh được trao trả lúc 12 giờ trưa ngày 31 tháng 1 năm 1974.

Ngày 17 tháng 2 năm 1974, chính quyền Bắc Kinh trả tự do cho 43 quân nhân và nhân viên của Việt Nam Cộng Hoà tại Tân Giới ( Hồng Kông).
Văn Trọng, tác giả cuốn Hoàng Sa quần đảo Việt Nam xuất bản năm 1979 viết:

“Quân Trung Quốc đông như kiến ở các tàu nhỏ áp sát bờ, đổ bộ lên đảo. Binh sĩ Sài Gòn rút ra phía rừng bắn trả quyết liệt, lính Trung Quốc không dám tiến vào giữa đảo, chỉ nằm ở các bãi cát. Đến khi binh sĩ Sài Gòn hết đạn, thì quân Trung Quốc chiếm được đảo. Chúng ném chất nổ vào từng căn phòng trong các nhà ở phá hết mọi thứ trong nhà. Tất cả 42 người Việt Nam gồm sĩ quan, binh lính và nhân viên trạm khí tượng của chính quyền Sài Gòn đều bị bắt, xếp thành hai hàng, để bọn xâm lược hỏi cung". [134]

Ngày 18 tháng 1 năm 1974, Đại sứ Đài Loan tại Sàigòn cũng gửi một công hàm ngoại giao khẳng định lại yêu sách của Trung Hoa Dân Quốc.
Ngày 20 tháng 1 năm 1974, quan sát viên của Việt Nam Cộng Hoà bên cạnh Liên Hợp Quốc yêu cầu Hội Đồng Bảo An xem xét việc Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm Hoàng Sa. Trong dịp này, Chính phủ Cách Mạng Lâm Thời Cộng Hoà Miền Nam Việt Nam công bố lập trường của mình cho rằng:
"Vấn đề chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ là vấn đề thiêng liêng đối với mỗi dân tộc. Trong vấn đề biên giới lãnh thổ, các nước láng giềng thường có sự tranh chấp do lịch sử để lại, có khi rất phức tạp, cần được nghiên cứu. Trước sự phức tạp của vấn đề, các nước có liên quan cần xem xét vấn đề này theo tinh thần bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, hữu nghị và láng giềng tốt, và giải quyết bằng thương lượng".
Lầu Năm Góc được chính quyền Sài Gòn yêu cầu can thiệp, quyết định đứng ngoài cuộc xung đột. Trợ lý Bộ Trưởng Ngoại giao Mỹ, Arthur Hummel cho chính quyền Sài Gòn biết Mỹ không quan tâm đến vấn đề Hoàng Sa. Qua thông điệp ngoại giao được gởi đến tất cả các nước ký Hiệp Định Paris (1973), chính quyền Việt Nam Cộng Hoà nhắc lại sự đảm bảo toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, yêu cầu Hội Đồng Bảo An họp một phiên họp đặc biệt.
Ngày 1 tháng 2 năm 1974, chính quyền Sàigòn quyết định tăng cường phòng thủ các đảo ở quần đảo Trường Sa, đưa lực lượng ra đóng ở 5 đảo thuộc Trường Sa. Qua đại sứ ở Manila, chính quyền Sàigòn khẳng định chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.
Ngày 1 tháng 2 năm 1974, đoàn đại biểu của Việt Nam Cộng Hoà ra tuyên bố tại hội nghị của Liên Hợp Quốc về luật Biển Caracas khẳng định lại chủ quyền của Việt Nam trên các quần đảo, tố cáo Bắc Kinh đánh chiếm Hoàng Sa .
Ngày 30 tháng 3 năm 1974, đại biểu chính quyền Sàigòn khẳng định chủ quyền Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa tại Hội Đồng Kinh Tài Viễn Đông họp tại Colombia.
Ngày 14 tháng 2 năm 1975, Bộ Ngoại giao chính quyền Sàigòn công bố Sách Trắng về Hoàng Sa và Trường Sa. Sau chiến thắng Buôn Mê Thuột, thời cơ chiến lược giải phóng Miền Nam đã đến. Bộ chính trị quyết định giải phóng hoàn toàn miền Nam ngay trong mùa khô 1975 bao gồm các đảo và các quần đảo Trường Sa, Côn Lôn, Phú Quốc.
Ngày 5 tháng 4 năm 1975, Bộ Tư Lệnh Hải Quân chủ trương chuẩn bị chiến đấu giải phóng quần đảo Trường Sa. Lực lượng tham gia giải phóng gồm có các tàu của đoàn vận tải quân sự 125, đoàn 126 đặc công, tiểu đoàn 471, đặc công quân khu 5 và tiểu đoàn 407 cùng lực lượng đặc công tỉnh Khánh Hoà. Bộ Tư Lệnh Hải Quân chủ trương nhanh chóng đánh đảo Song Tử Tây trước để làm bàn đạp và rút kinh nghiệm đánh tiếp các đảo Nam Yết, Sơn Ca, Sinh Tồn, An Bang, Trường Sa và các đảo còn lại của quần đảo.
Ngày 9 tháng 9 năm 1975, đại biểu chính phủ Cách Mạng Lâm Thời Miền Nam Việt Nam tại hội nghị khí tượng thế giới tiếp tục đăng ký đài khí tượng Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa. Chính Quyền Việt Nam thống nhất tiếp tục khẳng định chủ quyền Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Ngày 10 tháng 9 năm 1975, Bắc Kinh gửi công hàm cho Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà khẳng định chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (mà Trung Quốc gọi là Tây Sa và Nam Sa).
Ngày 24 tháng 9 năm 1975, trong cuộc gặp đoàn đại biểu Đảng và chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà do Tổng Bí Thư Lê Duẩn dẫn đầu, nhà lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình tuyên bố sau này hai bên sẽ bàn bạc về vấn đề Tây Sa và Nam Sa.
Ngày 12 tháng 5 năm 1977, chính phủ Việt Nam tuyên bố về các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam. Tháng 9 năm 1977, khi thăm Philippines và tháng 10 năm 1977 khi đi thăm Malaysia, thủ tướng Phạm Văn Đồng đồng ý với tổng thống Ferdinand Marcos và thủ tướng Hussein On rằng hai bên sẽ giải quyết mọi tranh chấp và bất đồng bằng thương lượng hoà bình.
Tháng 3 năm1978, Hội nghị hành chính thế giới về thông tin vô tuyến điện thông qua một nghị quyết cho phép Trung Quốc sử dụng một số tần số trên vùng trời Hoàng Sa.
Ngày 30 tháng 12 năm 1978, người phát ngôn Bộ ngoại giao nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam ra tuyên bố bác bỏ luận điệu nêu trong tuyên bố ngày 29 tháng 2 năm 1978 của người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc về vấn đề quần đảo Trường Sa, khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nhắc lại lập trường của Việt Nam chủ trương giải quyết mọi tranh chấp hoặc bất bình bằng thương lượng hoà bình.
Ngày 30 tháng 7 năm 1979, Trung Quốc đã công bố tại Bắc kinh tài liệu để chứng minh rằng Việt Nam đã “thừa nhận” chủ quyền Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Ngày 7 tháng 8 năm 1979, Bộ ngoại giao nước Cộng Hoà Xã hội Chủ Nghĩa Việt Nam ra tuyên bố về quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, bác bỏ sự xuyên tạc của Trung Quốc trong việc công bố một số tài liệu của Việt Nam liên quan đến các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, khẳng định lại chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo này, nhắc lại lập trường của Việt Nam về việc giải quyết sự tranh chấp về 2 quần đảo giữa hai nước bằng thương lượng hoà bình.

Ngày 28 tháng 9 năm 1979, Bộ ngoại giao Việt Nam công bố một số tài liệu về chủ quyền Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa. Ngày 28 tháng 9 năm 1979, Bộ ngoại giao Việt Nam bác bỏ việc Philippines tuyên bố sát nhập hầu hết lãnh thổ Trường Sa vào lãnh thổ Philippines.
Ngày 30 tháng 1 năm 1980, Bộ ngoại giao Trung Quốc công bố văn kiện về Tây Sa và Nam Sa.
Ngày 5 tháng 2 năm 1980, Bộ ngoại giao Việt Nam ra tuyên bố vạch trần thủ đoạn xuyên tạc của Trung Quốc trong văn kiện ngày 30 tháng 1 năm 1980.
Ngày 29 tháng 4 năm 1980, Bộ ngoại giao Việt Nam gửi công hàm cho Malaysia phản đối việc Malaysia công bố bản đồ Malaysia lấn vào vùng biển và thềm lục địa Việt Nam tại vùng Trường Sa.
Ngày 8 tháng 5 năm 1980, nhân chuyến viếng thăm và hội đàm với Malaysia, Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch đã khẳng định đảo An Bang là của Việt Nam. Tháng 6 năm 1980, tại Hội nghị Khí Tượng Khu Vực Châu Á II họp tại Genève, đại biểu Việt Nam tuyên bố trạm khí tượng của Trung Quốc tại Sanhudao (đảo Hoàng Sa của Việt Nam) là bất hợp pháp. Kết quả là trạm Hoàng Sa của Việt Nam được giữ nguyên trạng trong danh sách các trạm như cũ.
Ngày 13 tháng 6 năm 1980, Việt Nam yêu cầu OMM đăng ký trạm khí tượng Trường Sa vào mạng lưới OMM.
Tháng 12 năm 1981, Tổng cục Bưu Điện Việt Nam điện cho Chủ Tịch Ủy Ban đăng ký tần số tại Genève phản đối việc Trung Quốc được phát một số tần số trên vùng trời Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Tháng 12 năm 1981, Bộ Ngoại Giao Việt Nam công bố sách trắng: “Quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa , lãnh thổ Việt Nam”.
Tháng 6 năm 1982, Tân Hoa Xã loan tin là một hải cảng lớn được xây dựng tại Hoàng Sa. Tháng 10, tại Hội Nghị Toàn Quyền của UIT, đại biểu Việt Nam tuyên bố không chấp nhận việc thay đổi phát sóng đã được phân chia năm 1978 tại Genève.
Ngày 12 tháng 11 năm 1982, chính phủ Việt Nam công bố đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải (hình 3.62).

Ngày 4 tháng 2 năm 1982, chính phủ Việt Nam thành lập huyện Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng.
Ngày 9 tháng 12 năm 1982, chính phủ Việt Nam lập huyện Trường Sa.
Đến ngày 28 tháng 12 năm 1982, chính phủ Việt Nam quyết định huyện Trường Sa được nhập vào tỉnh Phú Khánh.
Tháng 1 năm 1983, Hội Nghị Hành Chính Thế Giới về thông tin vô tuyến đồng ý sẽ xem xét đề nghị của Việt Nam về việc phát sóng trên vùng trời Hoàng Sa và Trường Sa tại hội nghị sắp tới. Cũng tháng 01 năm 1983, Hội Nghị Hàng Không Khu Vực Châu Á Thái Bình Dương họp ở Singapore. Trung Quốc muốn mở rộng FIR Quảng Châu lấn vào FIR Hà Nội và FIR TP Hồ Chí Minh, nhưng Hội Nghị quyết định duy trì nguyên trạng.
Từ ngày 4 đến 16 tháng 4 năm 1984, đoàn đại biểu Quốc Hội Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam và đoàn đại biểu tỉnh Phú Khánh thăm huyện Trường Sa. Thứ trưởng Bộ Thủy Sản Việt Nam Vũ Văn Trác đi khảo sát nghề cá tại huyện Trường Sa.
Ngày 25 tháng 4 năm 1984, Ủy Ban Địa Danh Trung Quốc công bố tên mới cho các đảo, bãi, đá trong Biển Đông trong đó có đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Ngày 6 tháng 5 năm 1984, người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Việt Nam phản đối việc đặt tên của Trung Quốc. Tại Hội Nghị Tổ Chức Thông Tin Vũ Trụ Quốc Tế (INTU SAT) lần thứ 13 họp tại Bangkok, đại biểu Việt Nam đã phản đối việc Trung Quốc sử dụng những bản đồ ghi Hoàng Sa, Trường Sa (mà Trung Quốc gọi là Tây Sa, Nam Sa) là của Trung Quốc. Bộ Ngoại Giao Việt Nam phản đối Malaysia chiếm đóng đảo Hoa Lau trong quần đảo Trường Sa.
Việt Nam phản đối việc ngày 1 tháng 6 năm 1984 Quốc hội Trung Quốc tuyên bố việc thiết lập khu hành chính Hải Nam bao gồm cả hai quần đảo Tây Sa, Nam Sa.
Vào đầu năm 1985, Đại Tướng Văn Tiến Dũng, Bộ Trưởng Bộ Quốc Phòng Việt Nam ra thăm quần đảo Trường Sa.
Sang năm 1986, ông Hồ Diệu Bang, Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản Trung Quốc cùng Lưu Hoa Thanh, Trương Trọng Tiến đi thị sát Hoàng Sa.
Tháng 5 năm 1987, đô đốc Giáp Văn Cường, Tư lệnh hải quân Việt Nam ra thăm quần đảo Trường Sa.
Từ 16 tháng 5 đến 6 tháng 6 năm 1987, hải quân Trung Quốc tập trận tại vùng biển Trường Sa.
Tháng 10 năm 1987, hải quân Trung Quốc diễn tập quân sự tại Tây Thái Bình Dương và Nam Biển Đông.
Ngày 10 tháng 11 năm 1987, hải quân Trung Quốc đổ bộ lên đảo Louisa (113 0 - 6 0 8) Tháng 1 năm 1988, một lực lượng lớn tàu chiến, có nhiều tàu khu trục và tàu tên lửa, đi từ đảo Hải Nam xuống phía Nam, trong đó có bốn chiếc được phái đến khu vực quần đảo Trường Sa, khiêu khích và cản trở hoạt động của hai tàu vận tải Việt Nam trong khu vực bãi đá Chữ Thập và bãi đá Châu Viên là hai bãi san hô còn đang lập lờ mặt nước.
Quân lính Trung Quốc cắm cờ trên hai bãi đá trên, đồng thời cho tàu chiến thường xuyên ngăn cản, khiêu khích các tàu vận tải của Việt Nam đang tiến hành những hoạt động tiếp tế bình thường giữa các đảo do quân đội Việt Nam bảo vệ. Trong đợt hoạt động trên, Trung Quốc đã thành lập một bộ tư lệnh đặc biệt, sử dụng lực lượng của hạm đội Nam Hải, được tăng cường một bộ phận của hạm đội Đông Hải và họ thường xuyên dùng trên 20 tàu các loại ở khu vực quần đảo Trường Sa.
Về sự kiện xảy ra ngày 14 tháng 3 năm 1988, Trung Quốc nói rằng: “Trung Quốc buộc phải phản kích để tự vệ”. Theo cách nói đó, có nghĩa là hải quân Việt Nam là kẻ tấn công (bằng hai tàu vận tải!), còn hải quân Trung Quốc là kẻ phòng thủ tự vệ. Trung Quốc sử dụng một biên đội tàu chiến đấu gồm sáu chiếc, trong đó có ba tàu hộ vệ số 502, 509 và 531 trang bị tên lửa và pháo cỡ 100mm, vô cớ tiến công bắn chìm ba tàu vận tải Việt Nam đang làm nhiệm vụ tiếp tế ở các bãi đá Lan Đao, Cô Lin, Gac Ma thuộc cụm đảo Sinh Tồn của Việt Nam.
Ngày 14 tháng 3 năm 1988, giữa Trung Quốc và Việt Nam đã nổ ra cuộc chiến đấu trên biển Nam Trung Quốc. Cuộc chiến đấu này mặc dù chỉ diễn ra trong thời gian 28 phút nhưng nó đã làm cả thế giới quan tâm theo dõi. Tàu vận tải số 64 của hải quân Việt Nam chở đầy binh lính bị bắn chìm tại chỗ, tàu đổ bộ số 505 và một tàu vận tải khác số 605 bị bắn trọng thương, kéo theo đám cháy và cột khói đen ngòm. Tàu đổ bộ số 505 bị chìm trên đường về, còn tàu đổ bộ số 605 thì bị mắc cạn.
Cuộc chiến đấu không cân sức trên giữa các tầu vận tải của Việt Nam với các tầu chiến của Trung Quốc, vẻn vẹn chỉ diễn ra có 28 phút đã kết thúc với kết quả phía Việt Nam có một tàu bị chìm tại chỗ, hai tàu bị thương, chết và bị thương 20 người, mất tích 74 người. Còn phía Trung Quốc chỉ có một số nhân viên khảo sát và nhân viên khác trên đảo bị thương, ngoài ra không bị tổn thất gì. Đây là một trận chiến đấu trên biển mà phía Trung Quốc cho là «đánh gọn và đẹp mắt» (Nhục!).
Sau các va chạm trên, hải quân Trung Quốc tiếp tục ngăn cản các hoạt động tiếp tế do tàu Việt Nam thực hiện. Tính đến ngày 6 tháng 4 năm 1988, Trung Quốc đã chiếm đóng: Đá Chữ Thập, Đá Châu Viên, Đá Ga Ven, Đá Tư Nghĩa, Đá Gạc Ma, Đá Subi. Ngày 3 tháng 1 năm 1989, Trung Quốc đặt bia chủ quyền trên các bãi họ chiếm được trong năm 1988: Đá Chữ Thập, Đá Châu Viên, Đá Ga Ven, Đá Tư Nghĩa, Đá Gạc Ma, Đá Subi.
Năm 1988, Chính phủ Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam đã thông báo cho Liên Hợp Quốc, gửi nhiều công hàm phản đối đến Bắc Kinh và đặc biệt là các công hàm ngày 16, 17, 23 tháng 3 năm 1988 đề nghị hai bên thương lượng giải quyết vấn đề tranh chấp. Trung Quốc tiếp tục chiếm giữ các bãi đá đã chiếm được và khước từ thương lượng.
Ngày 14 tháng 4 năm 1988, Bộ ngoại giao Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam phản đối việc Quốc hội Trung Quốc sáp nhập hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vào tỉnh Hải Nam (nghị quyết ngày 13 tháng 4 năm 1988 thành lập tỉnh Hải Nam). Tháng 4 năm 1988, Bộ Ngoại Giao Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam công bố Sách Trắng "Các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và luật pháp quốc tế".

Ngày 14 tháng 8 năm 1989, chính phủ Việt Nam quyết định thành lập Cụm Kinh Tế Khoa Học Dịch Vụ trên vùng bãi ngầm Tứ Chính, Huyền Trân, Quế Đường, Phúc Tần, Phúc Nguyên thuộc thềm lục địa Việt Nam có toạ độ 7 – 803 B , 109 - 112 020Đ
Ngày 2 tháng 10 năm1989, người phát ngôn Ngoại giao Việt Nam tuyên bố bác bỏ luận điệu trong bản tuyên bố của Trung Quốc ngày 28 tháng 4 năm 1989. Người phát ngôn bộ ngoại giao Trung Quốc đã lên án Việt Nam xâm phạm trái phép một số đảo và cù lao tại bãi Vạn An và Bãi Vạn Nhã thuộc “quần đảo Nam Sa”.

Tháng 5-1989, Trung Quốc xâm chiếm thêm một số đảo nhỏ.
Ngày 9 tháng 3 năm 1990, Trung Quốc kết thúc đợt khảo sát khoa học ở quần đảo Trường Sa bắt đầu từ ba năm trước. Ngày 18 tháng 3 năm 1990, nhiều tàu đánh cá từ Quảng Châu đến đánh cá ở Trường Sa.
Ngày 16 tháng 4 năm 1990, Bộ Ngoại Giao Việt Nam gửi bản ghi nhớ cho đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội, phản đối việc Trung Quốc cho nhiều tàu quân sự, tàu khảo sát, tàu đánh cá đến hoạt động trong vùng biển Việt Nam tại quần đảo Trường Sa.
Ngày 28 tháng 4 năm 1990, Bộ Ngoại Giao Việt Nam gửi công hàm cho đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội, phản đối việc Trung Quốc đã cho quân lính xâm chiếm bãi Én Đất trên quần đảo Trường Sa.
Tháng 8 năm 1990, Thủ tướng Trung Quốc Lý Bằng đề nghị tiến hành khai thác chung khu vực quần đảo Trường Sa.
Ngày 1 tháng 12 năm 1990 trong cuộc đi thăm Philippines, Thủ tướng Lý Bằng nói : “Chúng ta có thể tìm ra một giải pháp thích hợp đối với vấn đề Trường Sa với các bên hữu quan vào lúc thích hợp, nếu không phải là vào lúc này, tôi nghĩ chúng ta có thể gác lại vấn đề này và không để nó gây trở ngại trong quan hệ giữa Trung Quốc với các nước láng giềng hữu quan”.
Ngày 1 tháng 2 năm 1991, Trung Quốc xây dựng nhiều hải đăng trên các bãi đá ngầm mới chiếm được trong quần đảo Trường Sa. Ngày 25 tháng 5 năm 1991, Trung Quốc công bố kết quả 8 năm khảo sát khoa học ở Trường Sa kể từ năm 1984.
Ngày 4 tháng 7 năm 1991 tại KuaLa Lumpur tổ chức một hội thảo không chính thức về giải quyết các tranh chấp trên vùng Biển Đông, Trung Quốc có cử đoàn cán bộ tham gia, người phát ngôn Bắc Kinh tuyên bố việc tham gia như thế không phải là Trung Quốc đã thay đổi lập trường và nói: “Trung Quốc chủ trương giải quyết tranh chấp bằng phương pháp hoà bình, Trung Quốc sẵn sàng cùng các nước liên quan thảo luận con đường và phương pháp cùng khai thác”.
Từ ngày 15 đến 18 tháng 7 năm 1991, do sáng kiến của Indonésia, một hội nghị quốc tế đã được tổ chức tại Bombay giữa các quốc gia trong khu vực về vấn đề quần đảo Trường Sa. Bản thông cáo cuối cùng khuyến khích đối thoại và đàm phán. Ngày 10 tháng 11 năm 1991, các nhà lãnh đạo Việt Nam và Trung Quốc ký tại Bắc Kinh thông báo chung về bình thường hoá quan hệ giữa hai nước.
Ngày 25 tháng 2 năm 1992, quốc hội Trung Quốc công bố luật lãnh hải và vùng tiếp giáp Trung Quốc, quy định lãnh hải rộng 12 hải lý và lãnh thổ Trung Quốc giữa bốn quần đảo Đông, Tây, Nam, Trung Sa và đảo Điếu Ngư. Năm 1994, Việt Nam phản đối Trung Quốc đã xâm phạm thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam khi Trung Quốc ký với công ty Crestones ( Mỹ) cho phép thăm dò khai thác dầu mà Trung Quốc gọi là hợp đồng Vạn An Bắc 21.
Ngày 18 tháng 4 năm 1994, ông R.C. Thompson, chủ tịch công ty Năng Lượng Crestones (Mỹ) ra thông báo với báo chí, nói rằng họ đang tiến hành khảo sát địa chấn và chuẩn bị thăm đảo để đánh giá tiềm năng dầu khí của khu vực, gọi là hợp đồng "Vạn An Bắc 21". Thông báo nói rằng:
"Việc nghiên cứu khoa học và kế hoạch khai thác thương mại trong tương lai là những bước phát triển mới nhất của lịch sử nghiên cứu khoa học và thăm dò ở Biển Nam Trung Hoa và Khu vực vạn An Bắc của Trung Quốc, bắt đầu từ những báo cáo năm 200 trước Công Nguyên vào thời Hán Vũ Đế!"
Mãi đến 1988 bằng vũ lực, Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa mới chiếm một số bãi đá của Trường Sa.

3.2 Cơ sở pháp lý của việc xác lập và bảo vệ chủ quyền Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa

3.2.1 Cơ sở pháp lý quốc tế về sự thiết lập chủ quyền lãnh thổ tại các hải đảo
Từ thế kỷ XV tới đầu thế kỷ XVI, theo quan niệm pháp lý quốc tế của Phương Tây, chủ quyền lãnh thổ được xác định theo các sắc lệnh của Giáo Hoàng. Sắc lệnh ngày 4 tháng 5 năm 1493 do Giáo Hoàng Alexandre VI ký xác định nguyên tắc phân chia các vùng lãnh thổ mới phát hiện ngoài Châu Âu giữa Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha.
Theo sắc lệnh này, tất cả các vùng lãnh thổ bao gồm

“tất cả các đảo và đất liền đã tìm thấy và sẽ tìm thấy, đã phát hiện và sẽ phát hiện ở phía Đông một đường tưởng tượng chạy từ địa cực này sang địa cực khác qua phía Tây đảo Cap Vert 100 hải lý là thuộc Bồ Đào Nha” [82 , 44].

Còn các vùng lãnh thổ ở phía Tây đường đó là thuộc Tây Ban Nha. Theo hiệp ước Tordesillas do Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha ký kết với nhau ngày 7 tháng 6 năm 1494 và được Giáo hoàng Jules II xác nhận năm 1506 thì con đường tưởng tượng được dịch về phía Tây 170 hải lý. [ 82, 44 ]
Trong giai đoạn từ đầu thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX, các nước Hà Lan, Anh, Pháp cũng phát triển dần trở thành cường quốc, bị đụng chạm quyền lợi, không chịu chấp hành sắc lệnh nói trên. Từ thực tế này, các nước đã tìm ra nguyên tắc mới về thiết lập chủ quyền trên những vùng lãnh thổ mà họ phát hiện. Đó là thuyết "quyền ưu tiên chiếm hữu" một vùng lãnh thổ thuộc về quốc gia nào đã phát hiện ra vùng lãnh thổ đó đầu tiên. Đó chính là thuyết "quyền phát hiện" [ 82, 44].

Theo thuyết này thì chỉ cần các nhà hàng hải của một quốc gia cắm một lá cờ lên một hòn đảo, thậm chí một thuyền trưởng của một nước nhìn thấy một vùng đất mới, quốc gia đó có quyền ưu tiên chiếm hữu.
Trên thực tế, việc phát hiện như trên chưa bao giờ tự nó đem lại cho quốc gia phát hiện chủ quyền lãnh thổ vì rất khó xác định chính xác thế nào là phát hiện, xác nhận việc phát hiện và xác định giá trị pháp lý của việc phát hiện ra một vùng lãnh thổ. Vì thế việc phát hiện đã mau chóng được bổ sung bằng việc chiếm hữu trên danh nghĩa, nghĩa là quốc gia phát hiện ra một vùng lãnh thổ phải để lại dấu vết trên vùng lãnh thổ mà họ phát hiện.
Quốc gia nào có một bia hay một mốc chủ quyền hay một dấu hiệu quốc gia có giá trị hợp lệ mới có chủ quyền lãnh thổ.
Thuyết quyền phát hiện đã được thay thế bằng thuyết chiếm hữu về danh nghĩa đã được các quốc gia áp dụng từ thế kỷ XVI đến cuối thế kỷ XIX. Song thuyết chiếm hữu về danh nghĩa càng ngày càng bộc lộ những nhược điểm, xảy ra tình trạng có những nước vô tình hay cố ý lại “phát hiện” và đặt dấu hiệu như cắm cờ, cột mốc, bia về chủ quyền lên những lãnh thổ mà các quốc gia khác đã xác nhận.
Do đó mà nảy sinh ra nhiều vụ tranh chấp. Các luật gia càng ngày càng thấy việc phát hiện, kể cả việc phát hiện có để lại dấu vết chỉ đem lại cho quốc gia phát hiện vùng lãnh thổ một danh nghĩa phôi thai, chưa hoàn chỉnh, cốt để chỉ xí phần. Danh nghĩa này có thể bị mất đi nếu như nó không được củng cố bằng những hành động thực tế tích cực.
Chủ quyền muốn được xác lập thì phải là thật sự, có hiệu quả, tức là đòi hỏi sự có mặt thực tế của quốc gia chiếm hữu trên vùng lãnh thổ đó. Sau hội nghị Berlin về châu Phi năm 1885 của 13 nước Châu Âu và Hoa Kỳ và sau khoá họp của Viện Pháp Luật Quốc Tế ở Lausanne ( Thụy Sĩ) năm 1888, nguyên tắc chiếm hữu thật sự trở thành quan điểm chiếm ưu thế trên thế giới.
Điều 3, điều 34 và 35 của Định Uớc Berlin ký ngày 26 tháng 6 năm 1885 xác định nội dung của nguyên tắc chiếm hữu thật sự và các điều kiện chủ yếu để có việc chiếm hữu thật sự như sau:

“Phải có sự thông báo về việc chiếm hữu cho các nước ký định ước trên".
"Phải duy trì trên những vùng lãnh thổ mà nước ấy chiếm hữu sự tồn tại của một quyền lực đủ để khiến cho các quyền mà nước ấy đã giành, được tôn trọng”.
Tuyên bố của Viện Pháp Luật Quốc Tế Lausanne năm 1888 đã nhấn mạnh “mọi sự chiếm hữu muốn tạo nên một danh nghĩa sở hưũ độc quyền” thì phải là thật sự tức là thực tế, không phải là danh nghĩa. [82, 45]
Chính tuyên bố trên của Viện Pháp Luật Quốc Tế Lausanne đã khiến cho nguyên tắc chiếm hữu thật sự của định ước Berlin có giá trị phổ biến trong luật pháp quốc tế chứ không chỉ có giá trị với các nước ký định ước trên. Nội dung chính của nguyên tắc chiếm hữu thật sự là:
1.Việc xác lập chủ quyền lãnh thổ phải do nhà nước tiến hành. Tư nhân không có quyền thiết lập chủ quyền lãnh thổ vì tư nhân không có tư cách pháp nhân quốc tế, vì quan hệ quốc tế là quan hệ giữa các quốc gia.
2. Sự chiếm hữu phải được tiến hành một cách hoà bình trên một vùng lãnh thổ thật sự là vô chủ (res nullius) hoặc là đã được quốc gia làm chủ chủ động từ bỏ (derelicto). Dùng võ lực để chiếm một vùng lãnh thổ đã có chủ là một hành động phi pháp.
3. Quốc gia chiếm hữu trên thực tế phải thực hiện những hành động chủ quyền ở mức độ tối thiểu phù hợp với các điều kiện tự nhiên và dân cư trên vùng lãnh thổ đó.
4. Việc thực hiện chủ quyền phải liên tục trên vùng lãnh thổ đó.
Ngày 10 tháng 9 năm 1919, công ước Saint Germain đã được các cường quốc lúc bấy giờ ký tuyên bố hủy bỏ định ước Berlin năm 1885 với lý do là trên thế giới không còn lãnh thổ vô chủ nữa và như thế nguyên tắc chiếm hữu thật sự không còn giá trị pháp lý nữa. Song do tính hợp lý của nguyên tắc này, các luật gia trên thế giới vẫn vận dụng nó khi phải giải quyết các vụ tranh chấp chủ quyền trên các hải đảo.

Như phán quyết của toà án trọng tài thường trực quốc tế La Haye tháng 4 năm 1928 về vụ tranh chấp đảo Palmas giữa Mỹ và Hà Lan, phán quyết của toà án quốc tế của Liên Hợp Quốc tháng 11 năm 1953 về vụ tranh chấp các đảo Minquiers và Écrehous giữa Anh và Pháp. Những thay đổi trong pháp luật quốc tế nửa đầu thế kỷ XX đã làm thay đổi phương pháp thủ đắc chủ quyền lãnh thổ trên thế giới.
Sau chiến tranh thế giới thứ 2, Liên Hợp Quốc được thành lập tiếp theo Hội Quốc Liên. Từ các cuộc chiến tranh xâm lược, Hiến Chương Liên Hợp Quốc đưa ra nguyên tắc (điều 2 khoản 14) có giá trị như một nguyên tắc pháp lý áp dụng cho tất cả các quốc gia. Nguyên tắc cấm sử dụng vũ lực trên đã được phát triển và tăng cường trong Nghị Quyết 26 /25 năm 1970:
 “Lãnh thổ của một quốc gia không thể là đối tượng của một cuộc chiếm đóng quân sự do sử dụng vũ lực trái với các quy định của Hiến Chương. Lãnh thổ của một quốc gia không thể là đối tượng của một sự chiếm hữu của một quốc gia khác sau khi dùng đe dọa hay sử dụng vũ lực. Bất kỳ sự thụ đắc lãnh thổ nào đạt được bằng đe dọa hay sử dụng vũ lực sẽ không được thừa nhận là hợp pháp”.

Nghị quyết trên cũng qui định:
 “Các quốc gia có bổn phận không dùng đe dọa hay sử dụng vũ lực để vi phạm các biên giới quốc tế hiện có của một quốc gia khác hay như biện pháp giải quyết các tranh chấp quốc tế , kể cả các tranh chấp về lãnh thổ và các vấn đề liên quan đến các biên giới của các quốc gia.”

Năm 1982, Công ước về luật biển Liên Hợp Quốc gọi là “United Nations Convention on Law of Sea", viết tắt là UNCLOS Convention công bố ngày 10-2-1982 tại Montego Bay ở Jamaica đã được 159 quốc gia ký nhận. Sau khi có đủ 60 quốc gia duyệt y (ratification), kể từ ngày 16-11-1994 thoả ước UNCLOS hay LOS Convention trở thành luật quốc tế đối với các quốc gia phê chuẩn và được mang ra, thi hành, đã xác định về chủ quyền trên biển của mỗi quốc gia.

Như thế trước khi bị các nước ngoài xâm phạm chủ quyền Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, tức đầu thế kỷ XX trở về thế kỷ XVII, theo pháp lý quốc tế theo kiểu Phương Tây lúc bây giờ, sự xác lập chủ quyền Việt Nam một cách thật sự, liên tục, hoà bình là cơ sở pháp lý quốc tế đương thời.
Đến khi chủ quyền của Việt Nam bị xâm phạm, vào thời đểm 1909, pháp lý quốc tế có giá trị phổ biến là Tuyên bố của Viện Pháp Luật Quốc Tế Lausanne năm 1888. Sau đó Hiến Chương Liên Hiệp Quốc và Luật Biển 1982 cũng là cơ sở pháp lý quốc tế mà các thành viên ký kết bao gồm các nước đang vi phạm chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là Trung Quốc, Philippines, Mã Lai, Brunei đều phải tôn trọng.

3.2.2 Tính pháp lý quốc tế của sự xác lập chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa

Vào đầu thế kỷ XVII, từ đời Chúa Nguyễn Phúc Lan hay chúa Nguyễn Phúc Tần đến đầu thế kỷ XX, năm 1909, Việt Nam đã chiếm hữu thật sự, hoà bình và thực thi liên tục theo đúng nguyên tắc pháp lý quốc tế lúc bấy giờ.

Đối với quần đảo Hoàng Sa:
Một là với tính cách nhà nước, đội Hoàng Sa, một tổ chức bán quân sự đã được giao nhiệm vụ, riêng một mình kiểm soát và khai thác định kỳ, liên tục và hoà bình hải sản quý cùng các sản vật kể cả súng ống của các tàu đắm tại các đảo Hoàng Sa suốt thời Đại Việt, trong thời các chúa Nguyễn và thời Tây Sơn, tức từ đầu thế kỷ XVII đến năm 1801 và sau đó là buổi đầu triều Nguyễn từ 1802 đến trước 1815. Từ năm 1816, đội Hoàng Sa phải phối hợp với thủy quân. Hàng năm, đội Hoàng Sa hoạt động trong 6 tháng từ tháng 3 đến tháng 8 âm lịch (tháng 4 đến tháng 9 dương lịch) để phù hợp với điều kiện thời tiết ở vùng biển của quần đảo Hoàng Sa.

Hai là suốt thời nhà Nguyễn, bắt đầu từ 1816 , thủy quân được giao trọng trách liên tục kiểm soát, bảo vệ Hoàng Sa và Trường Sa.
Ba là về mặt quản lý hành chánh liên tục suốt trong 4 thế kỷ từ thế kỷ XVII đến năm 1974 (khi Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm), Hoàng Sa được các chính quyền ở Việt Nam để thể hiện quyền lực tối thiểu của mình, đặt dưới sự quản lý hành chánh của Quảng Ngãi (khi là phủ hoặc là trấn hay tỉnh qua từng thời kỳ lịch sử) hoặc của tỉnh Thừa Thiên (thời Pháp thuộc) hoặc của tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (thời chia cắt Nam Bắc) rồi đến thành phố Đà Nẵng (thời thống nhất đất nước).
Việc xác định sự quản hạt này hoặc đựợc ghi trong các sách địa lý của nhà nước biên soạn như bộ Hoàng Việt Địa Dư Chí hoặc Đại Nam Nhất Thống Chí dưới triều Nguyễn, hoặc do chính hoàng đế hay triều đình (Bộ Công) như thời vua Minh Mạng khẳng định, hoặc bằng các dụ, sắc lệnh, quyết định của chính quyền ở Việt Nam như dụ của Bảo Đại, triều đình Huế, Toàn Quyền Đông Dương ở thời Pháp thuộc, hoặc tổng thống, tổng trưởng trong thời kỳ Việt Nam bị chia cắt, hoặc quyết định, nghị quyết của nhà nước, quốc hội thời độc lập thống nhất. Điều này khác với Trung Quốc, chỉ xác định sự quản lý hành chánh sau năm 1909 tức vào năm 1921 và rồi vào năm 1947, có nghĩa là sau Việt Nam hơn 3 thế kỷ. Còn tất cả chỉ là suy diễn không có bằng chứng cụ thể rõ ràng.
Chính quyền ở Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử, ngay cả thời Pháp thuộc, chưa bao giờ từ bỏ chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa, nên ngay cả khi bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép sau chiến tranh thế giới thứ 2 hay năm 1974, quần đảo Hoàng Sa vẫn được tỉnh Quảng Nam và từ năm 1997 đến nay là thành phố Đà Nẵng quản lý.
Bốn là trước thời kỳ bị xâm phạm, bất cứ dưới thời đại nào, nhà nước ở Việt Nam cũng có những hành động tiếp tục khẳng định và thực thi chủ quyền hàng năm như đo đạc thủy trình, để vẽ bản đồ do đội Hoàng Sa cuối thời chúa Nguyễn hay do thủy quân từ năm 1816 dưới triều Nguyễn (bộ Đại Nam Thực Lục Tiền Biên, Đại Nam Thực Lục Chính Biên hoặc Đại Nam Hội Điển Sự Lệ của Nội Các, hoặc Châu Bản triều Nguyễn đã ghi rất rõ, đã được trình bày trong phần tài liệu). Sau này, từ đầu thế kỷ XX cho đến năm 1974, Việt Nam cũng tiếp tục tổ chức các đoàn thám sát, đo đạc, vẽ bản đồ.
Năm là trước thời kỳ bị xâm phạm, dưới triều Nguyễn, nhất là từ năm 1836 trở thành lệ, hàng năm đều luôn luôn tổ chức xây dựng bia chủ quyền từng hòn đảo. Trong thời bị xâm phạm cũng thế, các chính quyền ở Việt Nam luôn tiếp tục cho dựng bia chủ quyền thay thế bia bị hư hỏng.
Sáu là trước thời kỳ bị xâm phạm, các triều đại Việt Nam, nhất là thời vua Minh Mạng của triều Nguyễn đã cho dựng miếu thờ làm bằng nhà đá (đá san hô), đào giếng mà năm 1909 các đoàn khảo sát đầu tiên của Trung Quốc ở Hoàng Sa đã trông thấy và khẳng định không biết có từ thời nào. Riêng tại đảo Phú Lâm, tài liệu Trung Quốc [48] ghi có miếu ghi rõ Hoàng Sa Tự của Việt Nam. Sau khi có sự xâm phạm, chính quyền ở Việt Nam cũng tiếp tục cho xây miếu và nhà thờ.
Bảy là trước thời kỳ bị xâm phạm, dưới triều Nguyễn nhất là thời vua Minh Mạng đã cho trồng cây tại các đảo để cho thuyền bè ở đàng xa nhận thấy, tránh bị nạn, và các nhà nghiên cứu thực vật như La Fontaine cũng thừa nhận các thực vật cây cối ở Hoàng Sa phần lớn có nguồn gốc ở Miền Trung Việt Nam.
Tám là trước thời kỳ bị xâm phạm, dưới triều Gia Long như tài liệu phương Tây của Gutzlaff viết trong The Journal of The Geographical Society of London, vol 19, 1849, trang 97, đã cho biết Việt Nam đã thiết lập trại binh nhỏ và một điểm thu thuế. Đến thời kỳ bị xâm phạm từ năm 1909, các chính quyền Việt Nam lại là chính quyền sớm nhất đã tổ chức các trại lính đồn trú ở đảo Hoàng Sa (Patlle). Trong khi Trung Quốc chỉ cho quân chiếm đóng một thời gian ngắn sau chiến tranh thế giới lần 2 rồi rút đi (năm 1956, Trung Quốc chiếm lại đảo Phú Lâm (Ile Boisée). Đến năm 1974, Trung Quốc dùng vũ lực chiếm trái phép các đảo còn lại trong các trận đánh trên đảo và ở biển với hải quân Việt Nam Cộng Hoà, kết thúc vào ngày 20-1-1974).
Chín là chính quyền ở Việt Nam đã cho xây trạm khí tượng đầu tiên tại đảo Hoàng Sa (Pattle) vào năm 1938 hoạt động trong thời gian dài cho đến khi Trung Quốc chiếm đóng bằng vũ lực năm 1974.
Mười là trước thời kỳ bị xâm phạm tức năm 1909, chính các hoàng đế Việt Nam như vua Minh Mạng và triều đình, cụ thể là Bộ Công đã lên tiếng khẳng định Hoàng Sa là nơi hiểm yếu trong vùng biển của Việt Nam, nằm trong cương vực của Quảng Ngãi.
Mười một là trước khi bị xâm phạm, chưa có một hải đảo nào được nhiều tài liệu chính thức của nhà nước, từ chính sử địa lý của Quốc Sử Quán Triều Nguyễn như Đại Nam Thực Lục Tiền Biên, Đại Nam Thực Lục Chính Biên, hoặc địa dư như Hoàng Việt Dư Địa Chí, Đại Nam Nhất Thống Chí hoặc sách hội điển, một loại pháp chế ghi những điển chương pháp chế của triều đình như Khâm Định Đại Nam Hội Điển Sự Lệ. Cũng chưa có một hải đảo nào tại Việt Nam lại được những nhà sử học lớn của nước Việt Nam đề cập đến như Lê Quí Đôn trong Phủ Biên Tạp Lục (1776), Phan Huy Chú (1821) trong Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí , Dư Địa Chí, hay Nguyễn Thông trong Việt Sử Cương Giám Khảo Lược. Đặc biệt việc xác nhận chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa lại còn do sách của chính người Trung Hoa viết như Hải Ngoại Kỷ Sự của Thích Đại Sán viết năm 1696. Đó là chưa kể nhiều tác giả tây Phương như là Le Poivre (1749), J Chaigneau (1816-1819), Taberd (1833), Gutzlaff (1849) cũng đã khẳng định rõ ràng Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam! Mười hai là bản đồ An Nam Đại Quốc Họa Đồ Của Giám mục Taberd trong cuốn Tự Điển Việt - La Tinh (Dictionarium Anamatico-Latinum), xuất bản năm 1838 đã ghi rõ: Paracel Seu Cát Vàng ở Biển Đông. Trong khi bản đồ "An Nam" này chỉ vẽ có Paracel Seu Cát Vàng, lại không có vẽ Hải Nam của Trung Quốc trong biển Đông. Rõ ràng bản đồ An Nam Đại Quốc Hoạ Đồ đã minh chứng Cát Vàng tức Hoàng Sa chính là Paracel nằm trong vùng biển của Việt Nam.

Đối với quần đảo Trường Sa:
Điều cần nói rõ rằng hơn 2 thế kỷ từ thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XX, Việt Nam luôn coi quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa là một dải đảo dài hàng vạn dặm ở Biển Đông, nên gọi là Vạn Lý Trường Sa (bãi cát dài vạn dặm) hay còn gọi là Đại Trường Sa (bãi cát dài lớn) hay còn gọi là Cát (Kát)Vàng hay Hoàng Sa (Hoàng có nghĩa là Vàng, Sa có nghĩa là Cát). Chính vì lẽ đó mà chính quyền Ngô Đình Diệm vào năm 1956 gọi các hải đảo được sáp nhập vào tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ở Nam Việt cũng là Hoàng Sa, cùng tên gọi với các hải đảo được sáp nhập vào tỉnh Thừa Thiên ở Trung Việt.
Vào nửa đầu thế kỷ XIX, bản đồ Đại Nam Nhất Thống Toàn Đồ tuy có ghi Hoàng Sa ở phía Bắc và Vạn Lý Trường Sa ở phía Nam của Biển Đông, song hai quần đảo vẫn được vẽ trong một dải kéo dài liên tục từ Bắc xuống Nam, chưa thật sự có sự phân biệt rõ rệt như người Pháp sau này thể hiện ý muốn cho thấy Vạn Lý Trường Sa (tức phần phía Nam) thuộc về Nam Kỳ thuộc xứ thuộc địa, trong khi Hoàng Sa ở Trung Kỳ lại thuộc xứ bảo hộ.
Quan niệm trên cũng giống quan niệm của các nhà hàng hải Phương Tây khi trong các bản đồ do họ vẽ suốt từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XVIII, tên gọi là Parcel hay Pracel hay Paracels đều chỉ một dải dài các hải đảo ở Biển Đông dọc theo bờ biển Miền Trung của Đại Việt, từ vĩ độ 17o xuống vĩ độ 100.
Ngoài ra Phủ Biên Tạp Lục, quyển 2 của Lê Quí Đôn cũng đã xác định một cách rõ rằng vị trí của “Đại Trường Sa gần xứ Bắc Hải”. Mà Côn Lôn với Hà Tiên cũng thuộc phạm vi hoạt động của đội Bắc Hải. Như thế Đại Trường Sa hay Hoàng Sa vào cuối thế kỷ XVIII kéo dài đến ở phía Nam của Biển Đông, tức vị trí của Trường Sa hiện nay. Cuốn Tây Sa Văn Vật do Viện Bảo Tàng tỉnh Quảng Đông Trung Quốc biên soạn và nhà xuất bản Bác Vật tại Bắc Kinh xuất bản năm 1975 cũng xác định rằng “Bắc Hải là vùng quần đảo Nam Sa”, tên Trung Quốc chỉ Trường Sa của Việt Nam.
Về mặt pháp lý quốc tế vào đầu thế kỷ XX, trước khi Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam, quần đảo Trường Sa tức Đại Trường Sa hay Vạn Lý Trường Sa đã được Việt Nam chiếm hữu thật sự, hoà bình và thực thi chủ quyền liên tục, với những bằng chứng sau đây:
- Một là nhà nước ở Việt Nam trong 3 thế kỷ từ cuối thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX đã tổ chức đội Bắc Hải đi tìm kiến hải vật ở khu vực Bắc Hải tức khu vực quần đảo Trường Sa và cả Côn Đảo, Hà Tiên cũng ở phía Nam của Đại Việt.
Phủ Biên Tạp Lục (1776) của Lê Quí Đôn và rồi Đại Nam Nhất Thống Chí (khởi soạn 1848, in năm 1910) của Quốc Sử Quán Triều Nguyễn đều khẳng định “đội Bắc Hải, khiến đội Hoàng Sa kiêm quản, ra Bắc Hải, các đảo Côn Lôn tìm lấy hải vật".
Phủ Biên Tạp Lục, quyển 2 của Lê Quí Đôn còn cho biết thêm rằng sở dĩ nhà nước sai chức cai đội Hoàng Sa kiêm quản đốc đội Bắc Hải này vì chẳng qua họ chỉ lấy được những hải vật kể trên mà thôi tức là những hàng đồi mồi, hải ba, đôn ngư (cá heo lớn như con heo), lục quí ngư, hải sản (con đỉa biển), còn những vàng bạc và các của cải quí báu khác thì ít khi họ tìm kiếm được.
Vậy là do đội Bắc Hải ít khi tìm kiếm được các sản vật quí trong đó có vàng bạc hay súng ống nên các chúa Nguyễn đã để cho cai đội Hoàng Sa kiêm quản. Điều này cũng dễ hiểu, bởi các sản vật quí trong đó có vàng bạc hay súng ống mới là mối quan tâm của các chúa Nguyễn, mà những thứ sản vật ấy chỉ có được do các tàu đắm. Bởi lẽ Đại Trường Sa ở phía Nam tức Trường Sa hiện nay ít nguy hiểm hơn đối với các tàu biển vì vùng này ít xảy ra bão.
Đội Bắc Hải tuy không được chính quyền Chúa Nguyễn coi quan trọng như đội Hoàng Sa, không cần định suất hoặc lấy những người tình nguyện song đội Bắc Hải vẫn do nhà nước quản lý. Phủ Biên Tạp Lục quyển 2 nói rất rõ “ai tình nguyện thì cấp giấy sai đi và chỉ thị sai phái đội ấy (Bắc Hải) đi làm công tác và những người được bổ sung vào đội Bắc Hải đều được miễn nạp tiền sưu cùng các thứ tiền lặt vặt như tiền đi qua đồn tuần, qua đò”. Đây là bằng chứng về tính cách nhà nước một cách rõ ràng của đội Bắc Hải. Đội Bắc Hải do đội Hoàng Sa kiêm quản, mà nhiệm vụ của đội Hoàng Sa không những để khai thác tài nguyên mà còn có nhiệm vụ kiểm soát các hải đảo vùng biển Việt Nam.
Thời gian đội Bắc Hải hoạt động cũng bắt đầu từ lâu, trước khi Phủ Biên Tạp Lục ra đời (1776), cũng như phải sau khi đất Bình Thuận bắt đầu thuộc Đại Việt (1697) đến đầu Nhà Nguyễn.
- Hai là Trường Sa chịu sự quản lý hành chánh của Quảng Ngãi. Bởi quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được coi là một. Tỉnh Bình Thuận chỉ cung cấp suất đinh cho đội Bắc Hải mà thôi. Mà chúng ta đã biết Hoàng Sa nằm trong cương vực, vùng biển của Quảng Ngãi, do Quảng Ngãi quản hạt.
Đến năm 1933, quần đảo Trường Sa mới được tỉnh Bà Rịa (Nam Kỳ) quản lý về mặt hành chánh. Năm 1956, tỉnh Bà Rịa được đổi tên là Phước Tuy (Nam Bộ). Năm 1982 lại do tỉnh Phú Khánh (Trung bộ) quản lý và trở thành một huyện đảo.
- Ba là những hoạt động liên tục, định kỳ của thủy quân từ đầu nhà Nguyễn, cụ thể bắt đầu từ năm 1816 tại quần đảo Hoàng Sa mà như ta đã biết thời kỳ này Hoàng Sa và Trường Sa là một. Đó là những việc đo đạc thủy trình, vẽ bản đồ của thủy quân, việc cắm mốc chủ quyền, dựng bia thành lệ hàng năm đến từng hòn đảo được ghi trong sách Hội Điển triều Minh Mạng.
- Bốn là năm 1933 khi chưa có nước nào, kể cả Trung Quốc đặt vấn đề chủ quyền ở quần đảo Trường Sa, chính quyền Pháp ở Việt Nam đã tổ chức chiếm hữu theo nghi thức truyền thống Phương Tây. Như thế, nhân danh vương quốc An Nam theo hiệp ước Pháp - Việt 1874 cũng như hiệp ước 1884, chính quyền thực dân Pháp ở Việt Nam đã chính thức chiếm hữu Trường Sa trong tình trạng không có nước nào chiếm hữu.
Chính quyền thực dân Pháp đã làm đầy đủ thủ tục chiếm hữu theo nghi thức truyền thống phương Tây với một hạm đội đem đến mỗi đảo một văn bản chiếm hữu do các thuyền trưởng ký được đóng kín trong một cái chai được gắn trong một trụ xi măng xây trên mỗi đảo. Người ta kéo cờ và thổi kèn trên từng hòn đảo Spratly, Caye d’Aboine, Itu - Aba, Loaito, Thị Tứ cùng các tiểu đảo phụ thuộc. Sau đó Bộ Ngoại Giao Pháp đã có một thông tri đăng công báo Pháp ngày 26 tháng 7 năm 1933 về sự chiếm hữu đảo Spratley ngày 13 tháng 4 năm1930 và các đảo Aboine, Itu - Aba, Loai Ta, Thị Tứ và các đảo phụ cận từ ngày 7 tháng 4 năm 1933 đến ngày 12 tháng 4 năm 1933.

Những hoạt động liên tục hàng năm của đội Bắc Hải thời Chúa Nguyễn và đầu thời nhà Nguyễn, cũng như những hoạt động của thủy quân trong suốt triều Nguyễn đã chứng minh một cách hùng hồn quần đảo Trường Sa không phải là đảo vô chủ. Song hành động của chính quyền thực dân Pháp ở Việt Nam tổ chức chiếm hữu theo nghi thức cổ truyền phương Tây chẳng qua là để hợp thức hoá việc chiếm hữu đúng theo pháp lý quốc tế lúc bấy giờ để tránh mọi sự tranh chấp của các nước khác, đồng thời cũng thể hiện ý đồ chính trị của Pháp, sáp nhập Trường Sa vào xứ Nam Kỳ thuộc địa, thay vì xứ Trung Kỳ bảo hộ. Điều cần nói thêm là, khi chính quyền thực dân Pháp tổ chức chiếm hữu theo nghi thức truyền thống phương Tây vào năm 1930 đến 1933, thì cũng chưa có một quốc gia thứ ba nào đặt vấn đề tranh chấp chủ quyền trên quần đảo Trường Sa (Spratley).
Năm 1907, Trung Quốc chỉ mới bắt đầu tranh chấp với Nhật ở quần đảo Pratas và đến năm 1909, Trung Quốc mới khảo sát trái phép theo phương thức cổ truyền Phương Tây chỉ với đảo Hoàng Sa hay Paracels mà Trung Quốc cho là vô chủ (sic! ). Lúc này Trung Quốc chưa có hành động nào đối với quần đảo gọi là Nam Sa hay Trường Sa của Việt Nam. Mãi đến tháng 4 năm 1935 mới xuất hiện địa danh Nam Sa trên bản đồ, song lúc ấy tên gọi Nam Sa chỉ là dùng để gọi bãi đá ngầm Macclessfield (tức Trung Sa).
Mãi đến khoảng năm 1947, Trung Quốc mới đặt Nam Sa ở vị trí quần đảo Trường Sa (hay Spratley) của Việt Nam. Sự tổ chức chiếm đóng theo nghi thức Phương Tây của chính quyền thực dân Pháp ở Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa như thế, rồi Trường Sa được sáp nhập vào đất thuộc địa Nam Kỳ chỉ có ý nghĩa là tái xác lập chủ quyền vốn đã có từ lâu đời của Việt Nam mà Pháp chiếm làm thuộc địa. Ngoài ra khi quân Pháp rút khỏi Việt Nam năm 1956, Trường Sa được bàn giao cho chính quyền ở Nam Việt Nam quản lý đã bảo đảm tính liên tục thực thi chủ quyền một cách hoà bình của Việt Nam đối với Trường Sa.
- Năm là ngoài sự sáp nhập Trường Sa về mặt hành chánh của chính quyền thực dân Pháp vào cảng Bà Rịa, Vũng Tàu, đất Nam Kỳ theo hiệp ước Pháp Việt 1862, 1874, chính quyền thực dân Pháp ở Việt Nam đã có những hành động cụ thể như xây dựng bia chủ quyền, xây dựng trạm khí tượng, trạm vô tuyến ở đảo Itu - Aba cùng trại binh ở quần đảo Trường Sa. Suốt thời gian từ 1927 đến 1945, chính quyền thực dân Pháp ở Việt Nam đã thường xuyên tổ chức khảo sát hay khai thác ở quần đảo này.
- Sáu là các chính quyền ở Việt Nam có trách nhiệm quản lý vùng Biển Đông trong các thời kỳ chủ quyền bị xâm phạm cũng luôn khẳng định chủ quyền của Việt Nam, chưa bao giờ từ bỏ chủ quyền Việt Nam ở quần đảo Trường Sa. Cách Mạng Tháng Tám thành công năm 1945 chấm dứt chế độ thuộc địa và kết thúc sự tồn tại của triều đình Huế, khiến cơ sở pháp lý của các hiệp ước 1874 và 1884 không còn giá trị, song thực dân Pháp đã chiếm lại Sàigòn từ ngày 23 tháng 9 năm 1945, thành lập chính quyền Nam Kỳ tự trị của người Việt thân Pháp và sau đó thành lập chính phủ Bảo Đại thân Pháp, ký kết với Bảo Đại hiệp ước năm 1947 và tranh thủ sự công nhận của các nước Phương Tây để chống lại chính phủ do Chủ Tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo đang tổ chức kháng chiến chống Pháp. Các chính quyền thân Pháp ở Việt Nam hoặc thực dân Pháp đã liên tục quản lý quần đảo Trường Sa với các hải đảo đã chiếm hữu kể trên, kế tục sự chiếm hữu trước đó thời chúa Nguyễn và triều Nguyễn.
Chúng ta cần lưu ý rằng chế độ cai trị ở Nam Kỳ mà quần đảo Trường Sa được sáp nhập là chế độ thuộc địa, trực trị khác với chế độ bảo hộ ở miền Trung. Vì thế cung cách xử lý chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa của Pháp cũng khác với Hoàng Sa, ngoài việc nhân danh vương quốc An Nam theo hiệp định 1884, Pháp còn nhân danh chính quyền thực dân trực trị để chiếm hữu Trường Sa, nên đã làm thủ tục nghi thức truyền thống phương Tây. Song dù với danh nghĩa gì đi nữa thì việc sáp nhập Trường Sa vào tỉnh Bà Rịa, lãnh thổ của Việt Nam là một thực tế, đã có một giá trị pháp lý quốc tế trong khi chưa có một nước thứ ba nào chiếm hữu thực sự quần đảo Trường Sa.
Những tình tiết trên đây là những bằng chứng rõ ràng về sự chiếm hữu thật sự, liên tục và hoà bình của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa, chỉ bị gián đoạn một thời gian ngắn khi bị Nhật dùng vũ lực trái phép đem quân chiếm đóng một thời gian (ngay khi Nhật đảo chính Pháp và tước khí giới quân Pháp đồn trú ở Trường Sa ngày 9-3-1945). Cuối 1946 qua năm 1947, cũng trong một thời gian ngắn, lợi dụng thời gian tranh tối tranh sáng, quân đội, Trung Hoa Dân Quốc lấy cớ giải giáp quân đội Nhật đã đến chiếm đóng đảo Ba Bình (Itu - Aba) vốn bị Nhật chiếm vài năm trước đó. Song đến đầu năm 1950, quân Trung Quốc đã rút. Sau đó đến năm 1956, cũng lợi dụng tình hình tranh tối tranh sáng giao quyền hành, Trung Hoa Dân Quốc đã chiếm đóng đảo Ba Bình (Itu - Aba) của Trường Sa và Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa đã chiếm đảo Phú Lâm của Hoàng Sa. Đó đều là những hành động trái phép đối với luật pháp quốc tế. Nếu các nước ngoài bằng vũ lực xâm chiếm tranh giành chủ quyền ở Hoàng Sa và Trường Sa, thì sự xác lập chủ quyền từ lâu đời của Việt Nam về mặt pháp lý quốc tế vẫn còn có giá trị của nó.
- Bảy là từ sau tháng 4/1956, khi quân Viễn Chinh Pháp rút, các chính quyền ở Nam Việt Nam quản lý Trường Sa, luôn có những hành động bảo vệ chủ quyền ở quần đảo Trường Sa. Đến năm 1975, khi giải phóng Miền Nam Việt Nam, quân đội nhân dân Việt Nam đã tiếp quản, tiếp tục trấn giữ, thực thi chủ quyền của Việt Nam đã có từ lâu đời trên quần đảo Trường Sa. Mọi sự xâm chiếm bằng vũ lực của Trung Quốc cũng như các nước khác trong các thời kỳ đã qua cũng như hiện nay đều vi phạm pháp lý quốc tế.

3.3 Phản bác các luận điểm biện minh cho sự xâm phạm chủ quyền Việt Namtại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa

3.3.1 Phản bác các luận điểm của Trung Quốc biện minh cho sự xâm phạm chủ quyền Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa

Kể từ năm 1909 đến nay, Trung Quốc đã có nhiều thay đổi về luận điểm, luận cứ, luận chứng để biện minh cho sự xâm phạm chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. So với hồi đầu, sự bất nhất về luận điểm, luận cứ, luận chứng cũng như bất nhất về tên gọi khi thì Nam Sa khi chỉ Macclesfield, khi chỉ Spratley, tự bản thân nó đã bộc lộ sự không có thật trong lịch sử.
Những văn kiện ngoại giao của Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa sau Cách Mạng thành công năm 1949 đến nay luôn luôn đưa ra luận điệu: Chủ quyền của Trung Quốc đối với Tây Sa (Hoàng Sa của Việt Nam) và quần đảo Nam Sa (Trường Sa của Việt Nam) là “bất khả tranh nghị”.
Mãi đến ngày 30 tháng 1 năm 1980, Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa lần đầu tiên đưa ra văn kiện có hệ thống đầy đủ của Bộ Ngoại Giao: “Chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Tây Sa và Nam Sa là không thể tranh cãi được”. Tiếp theo, một bộ tư liệu đồ sộ: Nam Hải Chư Đảo Sử Liệu Hội Biên của nhóm Hoàn Chấn Hoa, Lâm Kim Chi, Ngô Phượng Bân (dày 795 trang) được bắt đầu biên soạn từ năm 1985, đến năm 1988 hoàn thành và được nhà xuất bản Phương Đông (Bắc Kinh) xuất bản, minh hoạ cho nội dung văn kiện Bộ Ngoại Giao nói trên.
Đọc kỹ và phân tích văn kiện ngoại giao và bộ tư liệu kể trên, người ta thấy rất rõ những thủ thuật cắt xén, hoặc suy diễn chủ quan, thiếu cơ sở khoa học để minh chứng chủ quyền của Trung quốc hoặc với quan niệm “phi lịch sử” để phản bác các tài liệu lịch sử của Việt Nam.

Trước hết với Tây Sa (Hoàng Sa của Việt Nam):
Luận điểm đầu tiên của chính quyền tỉnh Quảng Đông khi công khai khảo sát Hoàng Sa mà Trung Quốc gọi là Tây Sa vào năm 1909, là cho rằng quần đảo "Tây Sa" là đất vô chủ (res nullius). Bản thân hành động của hải quân tỉnh Quảng Đông cắm cờ trên đảo và bắn 21 phát súng đại bác tại một số đảo ở Hoàng Sa năm 1909, đã nói lên chủ ý hành động của Trung Quốc lúc này cho Hoàng Sa là đất vô chủ.
Sau đó để phản bác những bằng chứng mà chính quyền thuộc địa Pháp ở Việt Nam nêu lên, Trung Quốc lại đưa ra những luận điểm như:
 “Chính phủ đời Thanh năm 1909 đã cử tới đây một đơn vị hải quân để nghiên cứu các điều kiện của các đảo và thực hiện hành vi chiếm hữu thật sự đối với các quốc gia khác trên thế giới, cờ Trung quốc đã được kéo lên và được chào mừng bởi các loạt sứng đại bác trên đảo Vĩnh Hưng (Phú Lâm). Chính phủ Pháp cùng vào thời kỳ đó đã không phản ứng gì”

“Trăm năm trước đây Đông Dương vẫn dưới sự bảo trợ của Trung Quốc, nên các đảo Paracels đã là lãnh thổ của Trung Quốc, Đông Dương không có quyền gì thực hiện những hành động chiếm đóng đất đai của tôn chủ họ”.

Theo “Điều 3 Công Ước Trung Quốc ký kết với Pháp ngày 26-6-1887 hoạch định biên giới giữa Trung Quốc và Bắc Kỳ, Paracels ở về phía Đông kinh độ qui định 108o2 Đ đương nhiên thuộc về Trung Quốc” [ 48 ]
Việc chính phủ Pháp vào thời kỳ ấy chưa phản ứng ngay hành động xâm phạm của chính quyền địa phương Quảng Đông, theo luật pháp quốc tế thời ấy không vì thế mà Việt Nam mất chủ quyền. Không thể coi Việt Nam như nước chư hầu thời phong kiến châu Âu để mà nói “lãnh thổ Việt Nam hay các đảo Paracels đương nhiên thuộc Trung Quốc”. Càng không thể nói: “Việt Nam đã xin thần phục “Thiên Triều Trung Quốc” lại dám xâm phạm lãnh thổ Trung Quốc suốt ba thế kỷ”.
Chẳng khi nào xảy ra các đảo Paracels đã là lãnh thổ Trung Quốc mà các thành viên đội Hoàng Sa làm nhiệm vụ, gặp bão, trôi dạt vào cảng Thanh Lan năm 1754, được chính quyền Hải Nam tra xét thực hư, lại chu cấp cho trở về Việt Nam một cách dễ dàng và được Chúa Nguyễn Phúc Khoát gửi thư cám ơn như Phủ Biên Tạp Lục cũng như Đại Nam Thực Lục Tiền Biên đã ghi rành rành như thế! Công ước Trung - Pháp năm 1887 chỉ quy định biên giới ở “Vịnh Bắc Kỳ” mà Hoàng Sa ở ngoài vịnh Bắc Kỳ, từ vĩ tuyến 17 trở xuống nên dẫn Công Ước 1887 là không đúng.
Đến cuối thập niên 40 thế kỷ XX, sau chiến tranh thế giới thứ hai, Bản Trích Lục Báo Cáo Những Vấn Đề Nghiên Cứu Quần Đảo Tây Sa do Ủy Ban Thu Thập Biên Soạn Về Tây Sa, Nam Sa của chính phủ Quảng Đông vào năm 1947 [ 48 ] đề xuất những luận điểm dưới đây:
- Một là Tổng đốc Quảng Đông Trương Nhân Tuấn vào năm Quang Tự thứ 33, đã phái người ra điều tra Đông Sa rồi cả Tây sa. Năm Tuyên Thống thứ nhất, phó thủy sư đô đốc Lý Chuẩn chỉ huy 2 quân hạm Phục Ba, Thấm Hàng, xuất phát từ cảng Du Lâm đã qua 14 đảo Tây sa, đảo nào cũng đặt tên, khắc đá, cắm cờ, bắn pháo, công bố trong ngoài đã tốn phí hơn 40 vạn lạng quốc tệ, có 1 quyển sách ghi chép về tuần biển, đồng thời có đo đạc, vẽ bản đồ còn cất giữ. Nếu quần đảo này thuộc về nước Pháp, tại sao bấy giờ chưa nghe thấy có sự phản đối.
- Hai là năm Tuyên Thống thứ 1, tổng đốc Quảng Đông Trương Nhân Tuấn kiến nghị mở mang quần đảo Tây sa, sai người điều tra, lấy phân chim và phân bón san hô do đảo sản xuất và quặng lân Đông Sa đem trưng bày ở Nam Dương, Nam Kinh.
- Ba là đầu thời Dân Quốc, thương nhân kinh doanh phân chim quần đảo Tây Sa, qua sự phê chuẩn của nhà đương cục Quảng Đông trước sau 5 lần.
- Bốn là trường Đại Học Trung Sơn cùng cơ quan Thiên Hậu khu Nam Quảng Đông ra điều tra về mỏ lân ở Tây Sa.
- Năm là Tư lệnh hải quân Pháp ở Sàigòn đã trả lời cho Công ty thực phẩm Nam Hương của Nhật Bản ngày 20 tháng 9 năm 1920 yêu cầu cho biết Tây Sa có phải lãnh địa của nước Pháp không? Viên sĩ quan này đã trả lời rằng “Hồ sơ lưu trữ của hải quân Pháp tuyệt không có tài liệu liên quan đến quần đảo Tây Sa”. Đến năm Dân Quốc thứ 27, Pháp thông báo cho Anh biết việc chiếm Tây Sa, lấy lý do cũng chỉ vì Nhật chiếm đảo Hải Nam uy hiếp An Nam mà chiếm chứ không phải là vì chủ quyền của quần đảo này.
- Sáu là căn cứ vào kiến nghị của đài trưởng đài quan sát khí tượng An Nam. Bảy là người Trung Quốc thời Tống, Nguyên đã phát hiện Thiên Lý Trường Sa, Vạn Lý Thạch Đường, căn cứ vào sách Chư Phiên Chí của Triệu Nhữ Thích (Quát) đời Nam Tống có chép rằng;
 “Năm Trinh Nguyên thứ 5, lấy Quỳnh Châu làm đốc phủ. Đến Cát Dương là nơi cùng cực của biển quên về theo đường bộ, bên ngoài có chăng gọi là Ô Lý, là Tô Cát Lãng, phía đối diện với Chiêm Thành, Tây nhìn sang Chân Lạp, Đông là Thiên Lý Trường Sa, Vạn Lý Thạch Đường xa rộng, mờ mịt, không bờ bến, trời nước một mầu”.
 “Thuyền bè qua lại chỉ lấy kim chỉ nam làm chuẩn, ngày đêm coi giữ cẩn thận, mảy may sai lại quan hệ đến sống chết”.
Sau đó, Trung Quốc còn viện dẫn lời Uông Đại Uyên đời Nguyên trong sách Đảo Di Chí Lược (phụ lục 3.24 )viết: “Trên sợ Thất Châu, dưới sợ Côn Lôn” (Thượng phạ Thất Châu, Hạ phạ Côn Lôn) và việc Trịnh Hoà bảy lần xuống Tây Dương, thế tất phải qua quần đảo Tây Sa cũng như việc ông Phí Tín, Mã Hoan viết lộ trình từ Phúc Kiến đi về hướng Tây Nam đến Chiêm Thành xuôi gió 10 ngày, thì hẳn phải qua Tây Sa. Trung Quốc còn viện dẫn phát hiện đồng tiền Vĩnh Lạc Thông Bảo ở Tây Sa năm Trung Hoa Dân Quốc thứ 9. Cũng từ đó các viên chức ngoại giao Trung Quốc luôn khẳng định rằng chủ quyền của Trung Quốc đối với Tây Sa là không thể tranh cãi được.
Hầu hết các luận điểm trên đến nay không còn giá trị và chính Trung Quốc không còn nhắc tới nữa, bởi những bằng chứng về lịch sử xác lập chủ quyền của Việt Nam không thể chối cãi là những phản bác hùng hồn tất cả những luận điểm trên của Trung Quốc. Trung Quốc có kể hàng trăm hành động từ năm 1909 thì cũng vô ích vì đó chỉ là những hành động vi phạm chủ quyền của Việt Nam.
Không thể vì việc lên tiếng phản đối chậm trễ của Pháp như đã trình bày trên theo luật pháp quốc tế thời bấy giờ, mà Việt Nam mất chủ quyền. Còn việc hỏi Tư Lệnh Hải quân Pháp ở Sài gòn thì đúng là đã không hỏi đúng địa chỉ, nếu hỏi viên Khâm Sứ Pháp ở Trung Kỳ như Khâm Sứ LeFol hay hỏi Nam Triều về chủ quyền Hoàng Sa thì chắc chắn sẽ có câu trả lời rõ ràng, xác thực như lời khẳng định “chủ quyền của Việt Nam không có gì để tranh cãi ở Hoàng Sa” của thượng thư Thân Trọng Huề vào năm 1925.
Đến khi Cách Mạng Trung Quốc thành công năm 1949, tài liệu đầu tiên của Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa đưa ra những luận điểm về vấn đề chủ quyền của Trung Quốc trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là bài báo nhan đề “Notes on the Namwei and Sisha Islands” (không ký tên) đăng trong bán nguyệt san People’s China (Nhân Dân Trung Quốc) do nhà xuất bản Ngoại Văn (Foreign Language Press) xuất bản tại Bắc Kinh ngày 1-9-1951. Như thế,so với trước năm 1949, Trung Quốc đã bắt đầu quan tâm hơn đến luận điểm cho rằng chủ quyền về Hoàng Sa của Trung Quốc đã có từ lâu đời, với nhiều luận cứ, luận chứng, còn công việc “chiếm hữu theo cung cách Phương Tây” như cắm cờ, bắn 21 phát súng đại bác vào năm 1909 chỉ là thứ yếu.
Như thế Trung Quốc cơ bản đã thay đổi luận điểm, thay vì cho rằng vào thời điểm năm 1909, quần đảo Tây Sa là vô chủ và Trung Quốc đã có “hành động chiếm hữu”, nay lại cho rằng quần đảo Tây Sa đã thuộc về Trung Quốc từ lâu đời. Sau khi dùng vũ lực một cách bất hợp pháp cưỡng chiếm Hoàng Sa vào trung tuần tháng giêng năm 1974, Trung Quốc đã cố gắng tìm kiếm tài liệu để cố gán ghép bằng cách cắt xén, nếu cần thì xuyên tạc với sự đóng góp của các nhà học giả như Sử Lệ Tổ đưa ra luận điểm cho rằng “các đảo Nam Hải từ cổ xưa đến nay là lãnh thổ Trung Quốc”, do nhân dân Trung Quốc “phát hiện sớm nhất”, “kinh doanh sớm nhất”, do chính phủ các triều đại Trung Quốc “quản hạt sớm nhất” và viện dẫn nhiều tài liệu lịch sử mang tính suy diễn để dẫn chứng (Quang Minh nhật báo, 24 tháng 11 năm 1975).
Sau đó như đã nói trên, ngày 30 tháng 1 năm 1980, Bộ Ngoại Giao Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa đã công bố văn kiện ngoại giao, chính thức hoá những luận điểm đã đưa ra trong bài báo nói trên và năm 1988, đã xuất bản bộ tư liệu đồ sộ của Nhóm Hàn Chấn Hoa như đã nêu trên đây.
Nói gì thì nói, cho dù Trung Quốc tìm kiếm được bằng chứng phát hiện thật sớm hơn đời Hán, chứ không phải chỉ đời Tống như hồi ban đầu, thì người Hán cũng chỉ vượt qua sông Dương Tử xuống đất Bách Việt, rồi tới Hải Nam và Biển Đông rất chậm sau những cư dân bản địa, Bách Việt trong đó có Lạc Việt hay người Lê ở Hải Nam cũng có ở Thanh Hoá Việt Nam và cũng phải đến sau những cư dân dọc miền Trung Việt Nam trong đó có người Chăm, một thành phần của cộng đồng dân tộc Việt Nam hiện nay.
Người Chăm lại là những người rất giỏi đi biển. Các vua Chămpa đã nhiều lần đi biển và có vua đã bị chết trên Biển Đông. Đó là chưa kể hầu hết những tài liệu Trung Quốc dẫn chứng đều là sách viết về nước ngoài “chư phiên”, tức không phải chép việc của Trung Quốc như Nam Châu Dị Vật Chí (phụ lục 3.25) của Dương Phù, Chư Phiên chí (phụ lục 3.26 ) của Triệu Nhữ Quát.
Vả lại với cơ sở pháp lý quốc tế từ đầu thế kỷ XX đến nay, việc chiếm hữu thật sự, hoà bình cùng sự thực thi liên tục mới có giá trị, nên điều đáng quan tâm trong các luận điểm mới của Trung Quốc là những bằng chứng giả tạo về sự quản hạt sớm nhất của Trung Quốc được ghi trong các tài liệu nghiên cứu của nhóm Hàn Chấn Hoa cũng như trong tản mát các tài liệu khác cũng như trong văn kiện ngoại giao sách trắng năm 1980 của Trung Quốc.
Trung Quốc đã cố gắng tìm ra địa danh có trong lịch sử Trung Quốc để cố gán ghép cho quần đảo Tây Sa như Cửu Nhũ Loa Châu, vốn là một hòn đảo ven biển Trung Quốc. Vả lại ngay như tài liệu Trung Quốc viện dẫn, chính Cửu Nhũ Loa Châu lại ở phía Đông của Nhai Châu của đảo Hải Nam như tấm bản đồ “Quảng Đông Dương Đồ” trong sách Dương Phòng Tập Yếu hoặc Thất Châu Dương chép trong một số sách như Tuyền Châu Phủ Chí (đời Thanh) hoặc trong sách Độc Sử Phương Dư Kỷ Yếu, vốn chỉ cách huyện Văn Xương của Hải Nam về phía Đông 100 dặm.
Trong khi đó, phía Đông của đảo Hải Nam lại không phải là quần đảo Tây Sa. Để minh chứng cho sự xác lập chủ quyền của mình ở Tây Sa tức Hoàng Sa của Việt Nam, Trung Quốc lại cũng đưa ra những luận điểm được coi là vững mạnh “nhất” như sau:

- Một là Trung Quốc khẳng định các đảo Nam Hải đã thuộc phạm vi quản hạt của Trung Quốc từ năm thứ 5 niên hiệu Trinh Nguyên đời Đường năm 789. Đúng sử sách Trung Quốc như sách Chư Phiên Chí của Triệu Nhữ Quát có chép những thay đổi về qui chế hành chính từ đời Hán đến đời Tống, trong đó có việc Quỳnh Sơn, một quận của đảo Hải Nam thời đó ( xin nhấn mạnh) (nay thuộc thành phố Hải Khẩu) được đặt thành “phủ đô đốc” vào năm thứ 5 niên hiệu Trinh Nguyên đời Đường tức năm 789. Nhưng qua các sách Đường Thư, Thái Bình Hoàn Vũ Ký, Dư Địa Kỷ Thăng (1221), Quảng Đông Thông Chí (1842) thì vào năm thứ 5 niên hiệu Trinh Nguyên đời Đường tại đảo Hải Nam, chỉ thấy có chuyện kể viên đô đốc nhà Đường là Lý Phục mang quân sang lấy lại đảo Hải Nam sau hơn 100 năm dân bản địa nổi dậy làm chủ đảo và xin vua Đường đặt phủ đô đốc ở quận Quỳnh Sơn, không hề có chuyện “sáp nhập bất kỳ đảo ở biển Nam Trung Hoa vào đảo Hải Nam”. [ 58 ]

- Hai là việc Trung Quốc phái thủy quân đi “tuần tiễu”, Trung Quốc đã viện dẫn các sự kiện để chứng minh. Đó là việc triều đình Bắc Tống “đặt định thủy quân tuần tiễu” ở Quảng Châu, chép trong Vũ Kinh Tổng Yếu của Tăng Công Lượng đời Tống (960-1279, việc viên tướng nhà Nguyên đi qua “Thất Châu Dương, Vạn Lý Thạch Đường” trên đường đi đánh Java năm 1293, chép trong Nguyên Sử, hay việc chính quyền Quảng Đông phái binh thuyền ra biển phòng ngự, chép trong Quảng Đông Thông Chí của Vương Tá, đời Minh (1368-1644); việc viên phó tướng Quảng Đông Ngô Thăng đi tuần từ Quỳnh Nhai đến Tứ Canh Sa khoảng năm 1700-1712, chép trong Tuyền Châu Phủ Chí của Hoàng Nhiệm, đời Thanh (1616-1911).
Trước hết về luận cứ "phái thủy quân tuần tiễu cương giới biển", luận chứng của nhóm Hàn Chấn Hoa chỉ dựa vào một đoạn trong sách Vũ Kinh Tổng Yếu, với nội dung như sau:
"Quận Nam Hải thuộc Quảng Châu là đất Bách Việt xưa đều là nơi người Man, người Đản cư trú. Từ đời Hán về sau đặt thành quận huyện. Đời Đường đặt làm Thanh Hải quân tiết độ. Bản Triều dẹp Lưu Xương, lại đặt phương trấn, làm một nơi đô hội, nắm binh giáp, giặc giã mười sáu châu, người Phiên, người Hán ở lẫn lộn. Sai quân nhà vua ra trấn giữ, đặt dinh lũy thủy quân tuần biển ở hai cửa biển Đông và Tây, rộng 280 trượng cách đồn Môn Sơn 200 dặm. Đóng tàu chiến kiểu đao ngư. Nơi đó (nơi đặt dinh lũy thủy quân) phía Đông Nam đến biển cả 40 dặm, phía Đông đến Huệ Châu 420 dặm, phía Tây đến Đoan Châu 240 dặm, phía Nam đến An Châu 750 dặm, phía Bắc đến Thiều Châu 250 dặm. Đường biển về phía Đông Nam 400 dặm. Đến đồn Môn Sơn 20 dặm, ngày có thể đi 50 dặm, cộng là 200 dặm. Từ Đồn Môn Sơn dùng gió Đông đi về phía Tây Nam bảy ngày đến Cửu Nhũ Loa Châu, ba ngày nữa đến Bất Lao Sơn (thuộc địa giới nước Hoàn Châu - nguyên chú thích của tác giả), lại đi ba ngày nữa về phía Nam đến phía Đông Lăng Sơn (có nước ngọt - nguyên chú thích của tác giả) . Đi nữa về phía Tây Nam là các nước Đại Thực, Phật Sư Tử, Thiên Trúc không tính được hành trình" [58 ]

Những đoạn văn này hoàn toàn không chứng minh được lập luận "Trung Quốc phái thủy quân tuần tiễu quần đảo Tây Sa bắt đầu đời Tống”.
Trước hết nhóm Hàn Chấn Hoa đã cố gán ghép hai đoạn văn vào với nhau gồm đoạn văn nói về lộ trình "Từ đồn Môn Sơn đến các nước Đại Thực, Phật Sư Tử, Thiên Trúc” tiếp liền vào đoạn văn đầu viết về "đặt dinh lũy thủy quân tuần tiễu ở hai cửa biển Đông và Tây".
Điều này không đúng với nguyên bản Vũ Kinh Tổng Yếu [ 58 ]. Đây chỉ là sự cố gán ghép "đầu Ngô mình Sở" để cố minh chứng việc tuần tiễu thủy quân đời Tống qua đất "Cửu Nhũ Loa Châu" mà nhóm này cho là Tây Sa. Song ngay địa danh Cửu Nhũ Loa Châu cũng không có bằng chứng nào chắc chắn là Tây Sa, trong khi có nhiều bằng chứng như đã trình bày chỉ là nhóm hòn đảo ven bờ biển Trung Quốc.
Vả lại, không chỉ có Cửu Nhũ Loa Châu mà còn có những nơi khác cũng được đề cập trong lộ trình đến các nước Đại Thực, Thiên Trúc chẳng lẽ lại cũng thuộc về lãnh thổ Trung Quốc hay sao? Đây là điều thật phi lý.
Về sự kiện tướng nhà Nguyên đi đánh Java năm 1293 thì khỏi phải bàn vì đây rõ ràng là cuộc xâm lược! Vả lại cũng thật hồ đồ, sao có thể chắc chắn đoàn quân xâm lược ấy lại phải đi qua Tây Sa, Nam Sa! Biển Đông vốn rộng mênh mông! Về việc chính quyền Quảng Đông đốc phái binh thuyền ra biển phòng ngự, nhóm Hàn Chấn Hoa dẫn sách Quảng Đông Thông Chí của Hoàng Tá đời Minh có đoạn viết rằng:
"Đốc phái binh thuyền ra biển phòng ngự … Từ cửa Nam Đình,(thuộc huyện Đông Hoàn) ra khơi đến ba biển Ô Chư, Độc Chư, Thất Châu lấy kim la bàn (hướng) Khôn Mùi đến Ngoại La”.
Để từ đó nói rằng từ đời Minh, Thanh trở đi, vùng biển quần đảo Tây Sa, Nam Sa vẫn được đặt vào phạm vi tuần tiễu của thủy quân (Trung Quốc) [58]
Xem đoạn văn trích dẫn trên, người ta thấy nội dung tới từ hai sách khác nhau. Trong Quảng Đông Thông Chí, người ta chỉ thấy một đoạn như sau:
"Cướp biển có ba đường, đặt quân quan chống Ủûy (Nhật Bản) để phòng thủ, cuối Xuân đầu Hạ, khi gió thổi đốc phái binh thuyền ra biển phòng ngự. Đường giữa từ Nam đầu Thành, huyện Đông Hoàn, ra cửa Phật Đường, cửa Chữ Thập, Lãnh Thủy Giác, các vùng biển" [ 58 ].
Tác giả chép việc tuần phòng vùng biển ven bờ tỉnh Quảng Đông để chống nạn cướp biển Nhật Bản. Còn trong Hải Ngữ của Hoàng Trung (1563) thì chép:
"Nước Xiêm La ở trong Biển Nam. Từ cửa Nam Đình (thuộc huyện) Đông Hoàn ra khơi, đi về phía nam đến Ô Chư, Độc Chư, Thất Châu (chú giải của tác giả : tên ba biển), kim la bàn (hướng) Khôn - Mùi đến Ngoại La (Cù Lao Ré), kim Khôn-Thân, 45 trình đến cảng cũ Chiêm Thành (Qui Nhơn ngày nay), qua Đại Phật Linh Sơn (Mũi Đại Lãnh), trên có đài đốt lửa là thuộc Giao Chỉ, kim Mùi đến Côn Lôn Sơn (Côn Đảo ngày nay), lại kim Khôn-Mùi đến Đồi Mồi Châu, đồi mồi ở Qui Sơn, kim Dậu vào cảng Xiêm La" [58].
Tác giả chép đường biển từ cửa Nam Đình (cửa sông Châu Giang) đến Xiêm La, tức Thái Lan ngày nay. Như thế, các tác giả Bộ sưu tập đã cắt xén và ghép lời văn của hai tác phẩm khác nhau trên đây thành lời văn của Quảng Đông thông chí theo dụng ý của mình: Bằng cách gán ghép câu chữ như thế, bản thân tài liệu đã mất đi giá trị chưa nói gì đến cái gọi là bằng chứng chứng minh chủ quyền. [58]
Qua ghi chép ở hai cuốn sách trên,thấy rõ cuộc tuần tra biển của thủy quân Trung Quốc lúc đó chỉ là "phòng ngự" nhằm chống cướp biển đến từ nước Nhật mà thôi, không hề có chuyện tuần tiễu quần đảo Tây Sa, Nam Sa. Còn việc tuần tiễu của Ngô Thăng, trước hết tìm hiểu vị trí các địa danh trên chúng ta được biết Quỳnh Nhai là thủ phủ Quỳnh Châu ở phía Bắc đảo Hải Nam, Đồng Cổ là quả núi cao 339m ở phía Đông Bắc đảo Hải Nam, Thất Châu Dương là phía Đông đảo Hải Nam, Tư Canh Sa là bãi cát phía Tây đảo Hải Nam. Đây chỉ là cuộc tuần tiễu của Ngô Thăng quanh đảo Hải Nam, chứ không đến Tây Sa nên nhớ rằng Thất Châu Dương ở phía Đông đảo Hải Nam nên không hề là Tây Sa tức Hoàng Sa của Việt Nam, vốn cách Hải Nam hơn 350 hải lý về phía Đông Nam. [ 58 ]

- Ba là việc đo đạc thiên văn của Quách Thủ Kính năm 1279. Nguyên Sử chỉ chép rằng "Quách Thủ Kính tiến hành đo đạc thiên văn " bốn biển" năm 1279 theo lệnh của vua Nguyên (quyển 48, tờ 7a -7b) để tìm hiểu vận động của vũ trụ (mặt trời, mặt trăng, các vì sao) để làm lịch mới (quyển 164, tờ 4b - 5a) và tiến hành đo đạc ở 27 nơi trong đó có cả Cao Ly, Thiết Lặc ( thuộc Sibia), Bắc Hải và Nam Hải. Ở Nam Hải, Quách Thủ Kính đo ở 15 0 Bắc cực (tương đương với vĩ độ 14 047 B)" [58]
Chúng tôi cũng xin dẫn thêm các chính sử của Việt Nam như Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục của Quốc Sử Quán triều Nguyễn đã trích thiên Nghiêu Điển trong Kinh Thư mà Khổng Tử đã san định, chép rằng: “Vua Nghiêu lại sai Hy Thúc đến ở Nam Giao (Giao Chỉ tại phương Nam), sắp đặt việc làm ruộng theo thời tiết ở phương Nam, kính cẩn ghi bóng mặt trời ngày hạ chí là ngày dài nhất và xem sao Đại Hoả ở phương Nam để định cho đúng tiết trọng hạ, lúc đó dân cư tản mác." (Quốc Sử Quán nhà Nguyễn ( bài dịch), Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, Tiền biên, quyển nhất, Sài gòn, Bộ Văn Hoá Giáo Dục, 1965, tr 27)
Sự kiện trên đây nếu theo cách lý luận của các nhà nghiên cứu Trung Quốc chẳng lẽ lại giúp cho Trung Quốc khẳng định cương vực Trung Quốc đã bao gồm cả đất Giao Chỉ tự đời Đường Nghiêu (bao gồm cả Tây Sa) chứ không phải chỉ sau này đời Tần, đời Hán! Vì thế, việc đo đạc thiên văn không thể lấy làm cơ sở để xác lập chủ quyền. Điều quan trọng là nhiều tài liệu, trong đó các bản đồ của Trung Quốc xuất bản trước năm 1909 đều xác định cực Nam của Trung Quốc ở đảo Hải Nam ( xem các tài liệu dẫn ở dưới đây).

- Bốn là các đảo Nam Hải đã được vẽ vào bản đồ Trung Quốc. Các tác giả bộ sưu tập do Hàn Chấn Hoa chủ biên cũng rất công phu đưa ra 13 bản đồ và chia làm hai loại.
Một loại là bản đồ Trung Quốc thời Minh Thanh có vẽ các đảo Nam Hải. Một loại khác là bản đồ Trung Quốc thời Minh Thanh và các nước Phiên thuộc, cũng có vẽ các đảo Nam Hải.
Nghiên cứu kỹ các bản đồ mà Trung Quốc viện dẫn, người ta thấy ngay các bản đồ loại 1 trên tức bản đồ Trung Quốc đời Nguyên, Minh, Thanh có vẽ các hải đảo như bản đồ Trực tỉnh hải dương tổng đồ trong Dương Phòng Tập Yếu không những có tên Vạn lý Trường Sa, lại còn vẽ các địa danh khác như Tiểu Lưu Cầu, Đại Lưu Cầu (nay là quần đảo Ryu - Kyu của Nhật), Đối Mã (đảo Tsuma của Nhật). Chẳng lẽ những đảo trên của Nhật Bản có trên bản đồ Trực Tỉnh Hải Dương Tổng Đồ cũng thuộc lãnh thổ Trung Quốc như Vạn lý Trường Sa mà Trung Quốc đã gán ghép hay sao? Hoặc như bản đồ Quảng Đông Dương Đồ cũng trong Dương Phòng Tập Yếu cũng ghi tên Cửu Nhũ Loa Châu của hình núi cao (3 chóp non) và nằm cạnh Lê Đầu Sơn, Nam Bành, hai địa danh này người ta lại thấy trên bản đồ phòng thủ biển trong Quảng Đông Thống Chí Ngũ Nguyên ( 1822) chính lại là tên những đảo ven bờ. Cửu Nhũ Loa Châu chính lại là địa danh của hòn đảo gần bờ biển Trung Quốc, không phải là tên quần đảo Tây Sa Trung Quốc mới đặt sau năm 1907.
Đối với loại bản đồ thứ hai là "loại bản đồ Trung Quốc đời Minh Thanh và các nước phiên thuộc" lại càng khó chứng minh bằng bản đồ, đảo nào thuộc Trung Quốc!
Trong khi ấy tất cả những loại bản đồ cũng như các sách địa dư do nhà nước biên soạn từ đời Tống (960 -1279) đến đời Thanh (1616 - 1911) lại không hề vẽ và ghi các đảo ở biển Nam Hải. Ngược lại có rất nhiều bản đồ chính thức của Trung Quốc từ đời Nguyên, Minh đến Thanh trong đó có bản đồ ấn bản gần thời điểm có tranh chấp như bản đồ Đại Thanh Đế Quốc trong Đại Thanh Đế Quốc toàn đồ, xuất bản năm 1905, tái bản lần thứ 4 năm 1910 đã vẽ cực nam của lãnh thổ Trung Quốc là đảo Hải Nam, không vẽ bất cứ hải đảo nào khác ở Biển Đông và bản đồ Hoàng Triều Nhất Thống dư địa tổng đồ trong cuốn HoàngThanh Nhất Thống dư địa toàn đồ xuất bản năm Quang Tự 20 (1894) đã ghi rõ cực nam lãnh thổ Trung Quốc là Nhai Châu, phủ Quỳnh Châu, Quảng Đông ở 18độ 30phút Bắc, trong khi Tây Sa hay Hoàng Sa được Trung Quốc đặt tên, có đảo ở vị trí cao nhất là 17độ 5phút. Ngoài ra còn rất nhiều bản đồ của Trung Quốc khác, vẽ trước năm 1909 đều xác định điểm cực Nam Trung Quốc là đảo Nam Hải. (Xem các bản đồ của Trung Quốc trong phần hình ảnh) .
Điều này chứng tỏ Tây Sa hay Hoàng Sa chưa hề là lãnh thổ của Trung Quốc.
Năm là vào năm 1883, người Đức tiến hành điều tra quần đảo Tây Sa. Chính phủ Trung Quốc kháng nghị, người Đức đã ngừng công việc này. Đây là luận điểm cũng rất tiêu biểu về sự mơ hồ của Trung Quốc, chẳng có bằng chứng cụ thể về sự kiện này cả. Trong khi có rất nhiều bằng chứng cho biết việc người Đức điều tra đo đạc từ năm 1881 đến 1884 ở hấu hết các vùng biển từ Hải Nam đến Bắc Hải, Vi Châu đến tận Hạ Môn, Phúc Châu không có gì trở ngại, có kết quả tốt mà Sở Thủy đạc hải quân (Pháp) đã sử dụng vẽ bản đồ Mer de Chine Méridionale - Archipel des Paracels, xuất bản năm 1885, mang mã số 4104, ghi rất rõ là"d'après les levés Allemands" (1881-1883).
Trên đây là những luận cứ, luận chứng được “coi là mạnh nhất” của Trung Quốc để dẫn chứng cho việc xác lập chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa.
Không cần nói nhiều đến những luận cứ rất yếu như chính quyền địa phương Trung Quốc đã cứu giúp tàu thuyền nước ngoài lâm nạn, viện dẫn 2 vụ việc thuyền nước ngoài bị đắm ở Cửu Châu Dương (thuộc Vạn Châu) và ở Thất Châu Dương xảy ra vào đời Càn Long thứ 20 (1755) và năm thứ 29 (1762), chính phủ nhà Thanh lệnh cho quan chức địa phương chu cấp cho người sống sót về nước. Những vụ đắm tàu lâm nạn trên cũng được chép cách sau rất lâu vụ đắm tàu của những người lính Hoàng Sa được chúa Nguyễn sai đi làm nhiệm vụ của đội Hoàng Sa, chẳng may gặp bão dạt vào cảng Thanh Lan được chính quyền Quỳnh Nhai thuộc đảo Hải Nam tra xét đúng sự thực đã chu cấp tử tế và đã được chúa Nguyễn Phúc Khoát viết thư cám ơn (như Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quý Đôn và Đại Nam Thực Lục Tiền Biên ghi rất rõ). Đối với Nam Sa (tức Trường Sa của Việt Nam) Khác với quần đảo Hoàng Sa hiện chỉ có Trung Quốc xâm phạm, chủ quyền quần đảo Trường Sa hiện có nhiều nước xâm phạm: Trung Quốc (gồm cả Đài Loan), Philippines, Malaysia, Brunei.
Sự xâm phạm của Trung Quốc đối với chủ quyền Việt Nam ở Trường Sa thật sự xảy ra chậm hơn, chỉ bắt đầu từ chiến tranh thế giới thứ 2 mà lại sau cả Nhật Bản. Nước này, vì nhu cầu chiến tranh cần chiếm các vị trí quân sự chiến lược để kiểm soát Biển Đông. Vào năm 1939, Nhật chiếm đảo lớn nhất Itu Aba mà Việt Nam gọi là Ba Bình, song tại Hội nghị San Francisco năm 1951, Nhật đã từ bỏ sự tranh chấp này. Hiện Đài Loan đã chiếm đảo lớn nhất Ba Bình (Itu Aba), còn Trung Quốc chỉ mới chiếm bằng vũ lực gồm 9 đá ngầm từ năm 1988 , Philippines chiếm 9 đảo và đá ngầm (4 đảo) ở phía Đông quần đảo; Malaysia chiếm 5 đá ngầm ở phía Nam. Brunei đòi chủ quyền vùng biển sát họ.
Indonésia và Việt Nam đã đàm phán nhiều lần về phân định thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế theo Công Ước Biển 1982. Indonésia không có một tham vọng nào về chủ quyền lãnh thổ trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Trong khi đó Việt Nam đang trấn giữ 22 đảo, bãi đá ngầm (6 đảo) (Xem các bản đồ tình hình tranh chấp hình số (3.57), (3.58), (3.59), (3.60), (3.61), (3.62) và danh sách các đảo bị chiếm đóng tại quần đảo Trường Sa ).
Vào năm 1909, Trung Quốc chỉ mới đặt vấn đề và có hành động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Tây Sa tức Hoàng Sa, chưa đề cập đến Nam Sa tức Trường Sa của Việt Nam. Từ năm 1935, để phản ứng hành động của chính quyền thực dân Pháp ở Việt Nam, Trung Quốc mới bắt đầu dịch hết các tên hải đảo ở Biển Đông và gọi Nam Sa là quần đảo Macclessfield.
Đến năm 1947, Trung Quốc mới gọi Nam Sa để chỉ Trường Sa của Việt Nam tức quần đảo Spratley. Như thế, từ thập niên 30 đến 70, ban đầu Trung Quốc chỉ đưa ra luận điểm “Nam Sa thuộc lãnh thổ Trung Quốc từ lâu đời bất khả tranh nghị”, sau đó, cũng như quần đảo Hoàng Sa, Trung Quốc mới đưa ra luận điểm “Trung Quốc là nước phát hiện sớm nhất”, “kinh doanh sớm nhất” và “quản hạt sớm nhất”! Thời gian thì lại bất nhất. Khi thì vào đời Tống, khi thì vào đời Hán.
Từ thập kỷ 80 trở đi, trong văn kiện Bộ Ngoại Giao ngày 30-1-1980, cũng như trong Bộ Tư Liệu của nhóm Hàn Chấn Hoa, Trung Quốc bắt đầu đưa những tài liệu lịch sử để minh chứng những luận điểm, luận cứ của họ. Văn kiện ngoại giao ngày 30-1-1980 đã dẫn cuốn Nam Châu Dị Vật Chí của Vạn Chấn và cuốn Phù Nam truyện của Khang Thái đời Tam Quốc.
Nghiên cứu nội dung của Nam Châu Dị Vật Chí của Vạn Chấn và Phù Nam Truyện của Khang Thái đời Tam quốc, chúng ta không thấy có bằng chứng nào về sự phát hiện quần đảo Nam Sa cũng như Tây Sa. [ 58 ] Các nhà nghiên cứu Trung Quốc như nhóm Hàn Chấn Hoa đã tìm kiếm trong sách sử những địa danh như Từ Thạch, Trường Thạch, Thiên Lý Trường Sa, Vạn Lý Thạch Đường, Trường Sa, Thạch Đường, là những đảo san hô hay cát ven biển hoặc vùng biển ven bờ để chú giải, gán ghép cho Nam Sa mà chính địa danh Nam Sa này cũng chỉ mới đặt ra và lại di chuyển như đã nêu trên, từ đảo Macclesfield (năm 1935) đến vùng Spratly (năm 1947), một khoảng cách xa hơn 500 cây số về phía Nam.
Sự tùy tiện gán ghép của các nhà nghiên cứu Trung Quốc được thể hiện rất rõ khi thì Vạn Lý Thạch Đường chỉ Tây Sa, Trung Sa, lúc thì chỉ Nam Sa. Văn kiện ngoại giao ngày 30-1-1980 còn dẫn các sách Mộng Lương Lục đời Tống, Đảo Di Chí Lược đời Nguyên, Đông Tây Dương Khảo và Thuận Phong Tương Tống đời Minh, Chỉ Nam Chinh Pháp và Hải Quốc Văn Kiến Lục đời Thanh, cho rằng những sách đó không những đã lần lượt đặt cho 2 quần đảo Tây Sa và Nam Sa những tên “Cửu Nhũ Loa Châu”, “Thạch Đường”, “Thiên Lý Thạch Đường”, “Vạn Lý Thạch Đường”, “Trường Sa”, “Thiên Lý Trường Sa”, “Vạn Lý Trường Sa” v.v… mà còn đặt cho các đảo đá ngầm và bãi cát thuộc 2 quần đảo này nhiều tên gọi hình tượng linh động.
Chúng ta thử lật từng trang các sách dẫn trên hoặc coi những đoạn trích mà các nhà nghiên cứu như nhóm Hàn Chấn Hoa đã dẫn ra để chứng minh cho chủ quyền của Trung Quốc. Sách Mộng Lương Lục của Ngô Tự Thu viết năm 1275 không viết gì ngoài việc đề cập đến địa danh Thất Châu và Thất Châu Dương Côn Lôn, trong một đoạn văn như sau: “Nếu dùng thuyền đi vòng ra nước ngoài buôn bán, thì ra biển từ Tuyền Châu, đi liên tiếp qua Thất Châu Dương, ở thuyền dò nước sâu hơn 70 trượng. Từ xưa người đi thuyền đã nói: “Đi sợ Thất Châu, về sợ Côn Lôn” cũng sâu hơn 50 trượng. Nếu người buôn chỉ đến Đài Ôn, Tuyền Phúc buôn bán, không phải qua biển lớn Thất Châu Dương và Côn Lôn. Nếu có ra biển tất phải từ cảng Tuyền Châu, đến cửa Đại Dũ mới có thể ra biển đi rộng ra nước ngoài.”.
Thế mà nhóm biên tập Hàn Chấn Hoa ghi chú rằng Thất Châu ở đây là quần đảo Nam Sa, còn Thất Châu Dương chỉ vùng biển một dải quần đảo Tây Sa và hàm ý minh chứng chủ quyền thuộc Trung Quốc! [ 58 ]. Sách Đảo Di Chí Lược của Uông Đại Uyên đời Nguyên cũng chỉ đề cập đến Côn Lôn, Thạch Đường, Vạn Lý Thạch Đường và cho rằng:
 “ngày xưa núi Côn Lôn còn gọi là quần đồn sơn. Núi cao mà vuông, bệ chân núi mấy trăm dặm rành rành giữa biển cả đứng thành thế chân vạc với Chiêm Thành và núi Tây Trúc, dưới có biển Côn Lôn, nhân đó mà có tên ấy. Thuyền buôn đi Tây Dương phải qua (biển đó) cho nhanh, thuận gió thì 7 ngày đêm có thể vượt qua được. Ngạn ngữ nói “Trên có Thất Châu, dưới có Côn Lôn””. Sách Đảo Di Chí Lược còn chép rằng vỉa đá (xương) Thạch Đường sinh ra từ Thiều Châu liên tiếp như con rắn dài, nằm ngang kéo dài trong biển. Các nước vượt biển có câu: “Vạn Lý Thạch Đường”.
Thuyền từ cửa Đại Dũ treo 4 buồm, cưỡi gió rẽ sóng trên biển như bay đến Tây Dương, có thể mất hơn 100 ngày, lấy số dặm đi được trong một ngày đêm mà tính thì vạn dặm cũng chưa đủ. Một mạch đến Qua Da (30), một mạch đến Bột Nê (31) đến Cổ Lý (địa muộn), một mạch đến đất Côn Lôn xa xôi của Tây Dương cho nên Tử Dương Chu Tử nói rằng đất hải ngoại cùng mạch đất Trung Nguyên liên tiếp nhau có phải thế không? Xem biển cả mênh mông không bờ bến, trong ẩn dấu Thạch Đường, ai mà rõ được? [ 58 ] Thế mà nhóm Hàn Chấn Hoa ghi chú núi Côn Lôn là quần đảo Nam Sa và biển Côn Lôn cũng chỉ quần đảo Nam Sa và hàm ý minh chứng chủ quyền thuộc Trung Quốc!

Nhóm Hàn Chấn Hoa ghi chú rằng “Đăng Điền Phong Bát cho rằng Vạn Lý Thạch Đường là quần đảo Trung Sa. Chúng tôi (nhóm Hàn Chấn Hoa) cho rằng: Thạch Đường đã phân bố tại các khu vực từ Triều Châu đến Java đến Bột Nê (Calimanlan), Cổ Lý địa muôn (đảo Đế Uẩn) và Côn Lôn. Như vậy Vạn Lý Thạch Đường rõ ràng bao gồm các đảo Nam Hải trong đó có các quần đảo Đông Sa, Tây Sa, Trung Sa, Nam Sa”. [ 48 ]
Đông Tây Dương Khảo của Chương Tiếp (đời Minh) quyển 9, Châu Sư Khảo, Tây Dương Châm Lộ, bản có lời tựa năm Mậu Ngọ Vạn Lịch đời Minh (1618) cũng vậy, có đoạn chép rõ vị trí của Thất Châu Dương, Vạn Lý Thạch Đường như sau: “Ở Chư Sơn dùng kim la bàn đến thành Tây Nam, đến khoảng 13 canh đến Thất Châu Sơn, Thất Châu Dương (Quỳnh Châu)",và chỉ nói rằng:
"Trong biển phía Đông huyện Văn Xương 100 hải lý có núi, nhô liền 7 ngọn, trong có suối, nước ngọt ăn được là nơi quân của Lưu Thân nhà Nguyên đánh đuổi Tống Đoạn Tông bắt được người thân của vua Tống là Du Diên Khuê".
 “Tục truyền xưa đây là Thất Châu, chìm xuống thành biển, thuyền qua dùng sinh (Lòng trâu hoặc dê), cháo tế vua đi tuần biển nếu không hung thần làm ác, thuyền qua đó rất nguy hiểm. Hơi lấn sang phía Đông là Vạn Lý Thạch Đường tức là cái mà Quỳnh Chi gọi là Thạch Đường Hải. Thuyền phạm vào Thạch Đường , ít cái thoát được. Thất Châu Dương đo độ sâu nước 130 sải".

“Thuyền đến Thất Châu Dương và Ngoại La gặp mấy ngày này cần nhắc thân thuyền, không được lệch về Tây, Tây không có nước, cần trệch về phía Đông. Phàm đi thuyền, phải xem nước phía Tây sắc xanh, thấy nhiều ‘bãi lãng ngư’ (là lạng sóng), lấn về Đông tất mầu nước đen; mầu xanh, có cây gỗ mục trôi và chim vịt kêu, tiếng như chim trắng đuôi mang đen ấy là hướng đúng (chính chân). Nếu ngại vào mà cho thuyền chạy lệch về phía Đông, chạy trong 7 canh là Vạn Lý Thạch Đường trong có 1 núi đá đỏ không cao. Nếu thân thuyền cạn lại thấy đá phải đề phòng cẩn thận!” [ 48 ].

Đến đây, nhóm Hàn Chấn Hoa ghi chú Thất Châu Dương là Tây Sa, Thất Châu, Vạn Lý Thạch Đường … chỉ chung các đảo Nam Hải.
Sách Thuận Phong Tương Tống chép:
 “Ngày xưa các bậc tiên hiền Thượng Cổ đi trên biển, đều sử dụng phổ biến la bàn 24 vị (ngôi). Đường chính đi Thất Châu Dương trên không rời Cấn (Đông Bắc đến Đông) dưới không rời Khôn (Tây Nam đến Tây)” [58].

Hải Đạo Chân Kinh là hợp biên hai sách Thuận Phong Tương Tống và Chỉ Nam Chính Pháp (cuối Khang Hy nhà Thanh) có đoạn chép:
“Thất Châu Dương nước sâu 120 thác (sải tay). Khi đi và khi về, tế cô (những cô hồn) bằng tam sinh (lợn, trâu, dê) rượu ngọt, cháo. Thuyền lấn sang Đông chim nhiều, lấn sang Tây cá nhiều" [ 58 ].
 “Giao Chỉ Dương thấp phía Tây, có đảo cỏ, nước chảy xiết, có lau sậy nhiều củi, các cá bay, lấn sangTây có bái phong ngư. Đo độ sâu của nước được 45 sải. Lấn sang phía Đông đi thuyền 7 canh có Vạn Lý Thạch Đường” [ 58 ].
Sách Hải Quốc Văn Kiến Lục của Trần Luân Quýnh cũng chép vị trí của Vạn Lý Trường Sa:
"Phía Nam ngấn cát nối tiếp đến Việt Hải là Vạn Lý Trường Sa. Phía nam cách một biển gọi là Trường Sa Môn. Lại từ đầu phía nam cũng sinh ngấn cát đến Vạn Châu ở Quỳnh Hải gọi là Vạn Lý Trường Sa. Phía nam bãi cát ấy lại mọc đá rạng đến biển Thất Châu, gọi là Thiên Lý Thạch Đường. Trường Sa Môn ấy với Nam Áo ở phía tây bắc và với đảo Đại Tinh ở Bình Hải đứng đối nhau như ba chân vạc. Trường Sa Môn từ nam đến bắc rộng ước 5 canh đường. Những thuyền Phiên, tàu Tây qua lại với các nước Nam Dương, Lữ Tông, Văn Lai, Tô Lộc đều do Trường Sa Môn mà ra. Gió bấc thì lấy Nam Aùo làm chuẩn, gió nồm thì lấy Đại Tinh làm chuẩn. Duy từ các tỉnh Giang Tô, Chiết Giang, Phúc Kiến đi sang Đông Nam Dương thì qua Sa Mã Kì Đầu Môn ở Đài Loan mà đến các nước Lữ Tống. Thuyền Tây Dương đi phía Đông biển Côn Lôn Thất Châu ở phía ngoài Vạn Lý Trường Sa, qua Sa Mã Kì Đầu Môn mà đến Phúc Kiến và Chiết Giang. Thuyền Nhật Bản thì lấy thẳng đường dây cung mà đến Trung Quốc, đến Nam Dương thì đi phía ngoài Vạn Lý Trường Sa, mênh mông không lấy gì làm chuẩn được, đều từ Việt dương trong khoảng các đảo ấy mà đến Thất Châu” [58 ].

Đến đây sách Hải Văn Kiến Lục của Trần Luân Quýnh (đời Nhà Thanh) đã bắt đầu viết rõ về vị trí của Vạn Lý Trường Sa song không có cơ sở để nói rằng Vạn Lý Trường Sa chỉ Nam Sa hay Trường Sa của Việt Nam. Càng không thể là bằng chứng về sự xác lập chủ quyền của Trung Quốc trên quan điểm này.
Thật rối mù và tùy tiện! Khi thì các học giả Trung Quốc cho Vạn Lý Thạch Đường chỉ quần đảo Trung Sa (32), có khi là Vạn Lý Thạch Đường lại là quần đảo Tây Sa (đảo “Đá Đỏ” - Hồng Thạch Dữ), lúc là “Thạch đảo” (đảo đá) trong cụm đảo Thượng Thất Đảo thuộc quần đảo Nam Sa, khi Thạch Đường chỉ quần đảo Đông Sa. Đông Sa đã di chuyển đầu tiên từ chỗ gần bờ biển Quảng Đông tới vị trí hiện nay; khi thì cho “Thiên Lý Thạch Đường” chỉ quần đảo Nam Sa. Trong phần chú của Hải Quốc Văn Kiến Lục, khi ghi chú Thiên Lý Trường Sa, Vạn Lý Thạch Đường chỉ chung các đảo Nam Hải.
Trong phần chú các sử sách đời Thanh như trong dẫn chứng Tổng Đồ vẽ phủ châu huyện sách đời Thanh năm 1800, trong Thanh Hội Phủ Châu Huyện sách Tổng đồ do Hiền Phong vẽ năm 1800, lại chỉ Thất Châu Dương là quần đảo Tây Sa. Có chỗ ghi Vạn Lý Thạch Đường chỉ quần đảo Trung Sa và Nam Sa như ghi chú Đại Thanh Trung Ngoại Thiên Hạ Toàn Đồ năm 1709 hay Thanh Trực Tỉnh Phân Đồ năm 1724, Hoàng Thanh Các Trực Tỉnh Phân Đồ trước 1755, hoặc Trường Sa chỉ quần đảo Tây Sa, Nam Sa trong ghi chú Đông Nam Hải Di đồ trong sách Vũ Bị Chí của Mao Nguyên Nghi năm 1621 và nhiều bản đồ khác!
Như chúng ta đã biết, với những dẫn chứng rất mơ hồ và rối mù trên, các nhà học giả Trung Quốc cố gán ghép tùy tiện cho Tây Sa hay Nam Sa. Nếu chúng ta nghiên cứu kỹ thì những sự kiện xảy ra chỉ loanh quanh ở vùng biển gần Phúc Kiến, Quảng Đông, không xa về phía Nam, rồi dần dần sau 1907 các địa danh Tây Sa, Trung Sa, Nam Sa mới bắt đầu xuất hiện.
Chính Nam Sa cũng thay đổi di chuyển từ Trung Sa hiện giờ xuống Nam Sa hiện nay cách hơn 500, 600 km! Côn Lôn được người Trung Quốc sử dụng từ xưa trước Công Nguyên để chỉ một quả núi mà truyền thuyết cho rằng Mục Thiên Tử nước Tần đã đến đây để thăm Tây Vương Mẫu. Sau đó người Trung Quốc đã dùng chữ ấy để chỉ nhiều ngọn núi cao, cuối cùng chỉ cả núi Himalaya.
Từ thế kỷ 17, người Trung Quốc lại dùng chữ Côn Lôn để chỉ một số đảo quốc ở miền Nam Hải. Khi ấy Côn Lôn hiện nay của Việt Nam chưa có tên ấy.
Theo ông Pelliot cho rằng Côn Lôn của Việt Nam hiện nay do phiên âm tiếng Mã Lai gọi đảo này là Pulau (Cù Lao) Kunder hay là đảo Bí, người phương Tây gọi là Poulo Condor (33).
Việc tùy tiện gán ghép địa danh Tây Sa cũng như Nam Sa như trên càng quá rõ ràng khi chúng ta phát hiện tài liệu của Trung Quốc được sưu tầm trong Bộ sưu tập sử liệucủa nhóm Hàn Chấn Hoa, đã xác định rõ ràng vị trí của Vạn Lý Trường Sa như sách Quảng Đông Đồ Chí của Mao Hồng Tân chép Vạn Lý Trường Sa thuộc Việt Hải (ở ngoài biển có huyện Quỳnh Châu) càng chia ra nhiều đảo nhánh, đảo lớn nhỏ lô nhô, có nhiều bãi ngầm, đá ngầm, càng hiểm trở đó là Vạn Lý Trường Sa.
Đây là những tên cửa biển Việt (Quảng Đông) từ Đông Vạn Châu đến tận Nam Áo ( Sách Quảng Đông Đồ Chí, khắc bản Đồng Trị 5 (1860), quyển 67, phủ Quỳnh Châu , tr 3).
Sách Quỳnh Châu Phủ Chí của Minh Nghi, sách Nhai Châu Chí của Chung Nguyên Đệ, sách Cảm Ân Huyện Chí của Chu Văn Hải cũng ghi Thiên Lý Thạch Đường, Vạn Lý Trường Sa thuộc Quỳnh Dương, Việt Hải là biển Đông của Quảng Đông, xứ Bách Việt xưa, Quỳnh Dương là biển Đông cùa Quỳnh Châu thuộc đảo Hải Nam đều thuộc vị trí kế cận tỉnh Quảng Đông, không thể xuống tận Nam Sa hiện nay được [ 58 ].
Rất nhiều sách của Trung Quốc tả lộ trình đi biển đều nói rất rõ về Vạn Lý Trường Sa, Thiên Lý Thạch Đương, không thể nào ở xa như vị trí Nam Sa hiện nay. Sách Hải Quốc Văn Kiến Lục của Trần Luân Quýnh mô tả đường đi từ Hạ Nam đến xứ Quảng Nam khi thấy Ngoại La Sơn (Cù lao Ré) của xứ Quỳnh, nếu chệch về Đông thì phạm vào Vạn Lý Trường Sa, Thiên Lý Thạch Đường mà chệch về Tây sợ rằng thuyền chạy vào vịnh Quảng Nam. Như thế cho tới giữa thế kỷ 19 và mãi cho tới năm 1947, Vạn Lý Trường Sa chưa bao giờ được Trung Quốc chỉ Nam Sa hay Spratley hay Trường Sa của Việt Nam.
Điều này cũng phù hợp với thực tế, cho tới năm 1909, chưa bao giờ nhà cầm quyền Trung Quốc quan tâm đến việc chiếm hữu các quần đảo ở Biển Đông. Riêng quần đảo Nam Sa mà Trung Quốc gọi là Đoàn Sa năm 1935 và đổi tên là Nam Sa từ năm 1947, còn bị chậm hơn Tây Sa ít ra gần ba chục năm. Khi chính quyền thực dân Pháp ở Việt Nam làm thủ tục chiếm hữu theo truyền thống Phương Tây vào những năm 1930 đến 1933 thì Trung Quốc mới thực sự quan tâm và có ý đồ xâm phạm chủ quyền ở quần đảo này với thực dân Pháp đang bảo hộ Việt Nam về mặt ngoại giao. Tên “Nam Sa” cũng không có nhiều bằng chứng dù là giả tạo như Tây Sa mà Trung Quốc viện dẫn về sự phát hiện. Không có gì giá trị vì đại loại cũng giống như những viện dẫn về Tây Sa mà chúng ta đã biết ở trên đây.
Văn kiện Ngoại Giao Trung Quốc năm 1980 cũng như Bộ Sưu Tầm Tư Liệu của nhóm Hàn Chấn Hoa cũng nêu tư liệu văn vật khảo cổ hay tư liệu Canh Lộ Bạ của các ngư dân ở đảo Hải Nam. Thật uổng công, bởi dù có tìm thấy nhiều cổ vật Trung Quốc hay đồng tiền cổ (như tiền Vĩnh Lạc) thì cũng giống như các nhà khảo cổ Pháp tìm thấy nhiều đồng tiền La Mã và cổ vật của thời La Mã cổ đại ở di chỉ Óc Eo (Nam Bộ Việt Nam). Không thể kết luận người La Mã đã phát hiện hay có chủ quyền đối với Việt Nam.
Điều tai hại trong tư liệu văn vật khảo cổ mà Trung Quốc dẫn chứng ở đảo Phú Lâm (Ile Boisée) lại ghi rõ có “Hoàng Sa Tự” là bằng chứng chủ quyền của Việt Nam như đã trình bày. Cũng thế Canh Lộ Bạ của ngư dân đảo Hải Nam lại ghi Đông Hải mà Đông Hải là biển phía Đông. Phía Đông của đảo Hải Nam hay của nước Trung Hoa thì ở đâu ai cũng đều biết. Vị trí của Hoàng Sa, Đoàn Sa đều ở phía Nam của đảo Hải Nam hay Trung Quốc!
Với những luận cứ, luận chứng phi lý, mơ hồ, thiếu xác thực như trên, văn kiện Bộ Ngoại Giao Trung Quốc năm 1980 lại phê phán lập luận trong sách trắng Việt Nam năm 1979 rằng “phần đầu những tư liệu đó một ngón chỉ hươu nói là ngựa, còn phần sau thì hoàn toàn không thể đứng vững được và cũng là không có giá trị luật pháp”.
Văn kiện trên cho rằng quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam vốn hoàn toàn không phải là quần đảo Tây Sa, Nam Sa của Trung Quốc, mà chỉ có thể là những đảo và cồn cát ở ven biển miền Trung Việt Nam, mà nhóm Hàn Chấn Hoa còn nói bừa rằng Hoàng Sa chính là Cù Lao Ré hay Cù Lao Chàm. Trong khi chính ngay Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quý Đôn, tài liệu mà Trung Quốc viện dẫn lại có nhiều đoạn ghi rất rõ Bãi Hoàng Sa ở gần địa phận Phủ Liêm Châu thuộc Hải Nam hay sự kiện hai lính Hoàng Sa trong khi đi công tác bị giạt vào cảng Thanh Lan (Hải Nam) vào năm Càn Long thứ 18 (1754).
Văn kiện ngoại giao Trung Quốc năm 1980 viết rằng cuốn sách trắng của Việt Nam 1979 không tìm ra được bất cứ một tài liệu lịch sử nào có giá trị công nhận Trường Sa tức là quần đảo Nam Sa của Trung Quốc. Điều này là đương nhiên vì Nam Sa của Trung Quốc không có thật, bất nhất: năm 1935 Nam Sa ở bãi đá ngầm Macclesfield, đến năm 1947 Nam Sa lại chuyển xuống phía Nam như đã nhắc đến nhiều lần.
Rồi đây Nam Sa có ngừng ở vị trí 4 độ Bắc hay còn di chuyển thêm nữa? Sách Phủ Biên Tạp Lục đã xác định rõ Đại Trường Sa hay Trường Sa của Việt Nam cũng ở xứ Bắc Hải mà xứ Bắc Hải lại ở phía Nam Biển Đông, tiếp tới đảo Côn Lôn. Như vậy là đủ rồi!
Văn kiện ngoại giao Trung Quốc năm 1980 còn rêu rao rằng nhà cầm quyền Việt Nam đã lật lọng: “Giờ đây, nhà cầm quyền Việt Nam lại tráo trở lật lọng, nuốt trôi những lời họ đã nói, hoàn toàn làm sai trái với lập trường trước đây của họ công nhận quần đảo Tây Sa và quần đảo Nam Sa là lãnh thổ của Trung Quốc. Đó là điều luật pháp quốc tế quyết không cho phép được”.
Trước hết, nếu nói đến luật pháp quốc tế có giá trị cho tất cả các nước (trong đó có cả Trung Quốc) đã ký hiệp định Genève năm 1954, thì Miền Nam Việt Nam ở từ vĩ tuyến 17 trở xuống trong đó bao gồm các đảo Hoàng Sa và Trường Sa do quân đội viễn chinh Pháp sau năm 1956 giao lại cho chính quyền ở Miền Nam Việt Nam quản lý.
Chính quyền Sài Gòn và sau đó chính phủ Cách Mạng Lâm Thời Cộng Hoà Miền Nam Việt Nam mới có trách nhiệm quản lý, bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa. Chưa bao giờ hai chính quyền Cách Mạng Lâm Thời Cộng Hoà Miền Nam Việt Nam cũng như Việt Nam Cộng Hoà đã tuyên bố từ bỏ chủ quyền này cả. Bất cứ chính phủ nào, kể cả chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà, không phải các chính quyền ở Nam Việt Nam, theo hiệp định Genève lúc bấy giờ không trực tiếp quản lý lãnh thổ từ vĩ tuyến 17 trở vào Nam, dù tuyên bố như thế nào cũng chỉ có giá trị về chính trị thời bấy giờ, không ảnh hưởng gì đến chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa!
Chính khi Trung Quốc chiếm Hoàng Sa tháng 1 năm 1974, chính phủ Cách Mạng Lâm Thời Miền Nam đã từng tuyên bố rằng vấn đề này là vấn đề lịch sử để lại, cần giải quyết bằng giải pháp hoà bình Vì thế, bất cứ lời tuyên bố của bất cứ chính quyền nào kể cả chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà cũng không có giá trị pháp lý quốc tế về chủ quyền tại hai quần đảo này. Lập trường của chính phủ Cách Mạng Lâm Thời Cộng Hoà Miền Nam Việt Nam đối với sự kiện Trung Quốc chiếm đóng Hoàng Sa tháng 1 năm 1974 đã phản ảnh trung thực đường lối của Cách Mạng Việt Nam do Đảng Cộng Sản Việt Nam lãnh đạo. Còn bất cứ điều gì khác chỉ phản ánh những hành động cùng nhau đấu tranh chống kẻ thù chung.
Ngoài ra Trung Quốc đã xuyên tạc lời tuyên bố của thủ tướng Phạm Văn Đồng. Thủ tướng chỉ tán thành bản tuyên bố quyết định về hải phận của Trung Quốc, của chính phủ Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa mà thôi. Trong thực tế, Tây Sa và Nam Sa của Trung Quốc không phải là Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, chỉ là sự gán ghép, suy diễn, không hề có sự chiếm hữu trong lịch sử của Trung Quốc trước năm 1909 đối với Tây Sa và trước 1935 đối với Nam Sa. Văn Kiện Bộ Ngoại Giao cũng như Bộ Sưu Tập Tư Liệu của nhóm Hàn Chấn Hoa cũng đã tốn công quá nhiều để dẫn chứng nhiều nước trên thế giới thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc ở Tây Sa và Nam Sa.
Đồng minh thì thời nào, nuớc nào cũng có, sẵn sàng ủng hộ chủ trương ngoại giao của một nước nào. Cũng như tại Hội Nghị San Francisco năm 1951, Trung Quốc cũng được Liên Xô đề nghị Hội Nghị chấp nhận là chủ các quần đảo Tây Sa và Nam Sa. Song Hội Nghị San Francisco 1951 cũng như sau này chưa hề có một hội nghị quốc tế nào thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc ở hai quần đảo này. Chỉ thấy Trung Quốc có hành động vũ lực năm 1974 đối với Hoàng Sa và năm 1988 đối với một số đảo ở Trường Sa, vi phạm hiến chương Liên Hiệp Quốc mà thôi !
Sau văn kiện ngoại giao ngày 31 tháng 1 năm 1980, Trung Quốc còn công bố bị vong lục năm 1988 đồng thời có nhiều công trình nghiên cứu như “bộ sưu tập sử liệu" của nhóm Hàn Chấn Hoa đã dẫn chứng.
Tuy có cố gắng sưu tầm nhiều hơn song luận điểm không có điều gì mới mẻ đáng kể, cũng cho rằng người Trung Quốc phát hiện sớm như kinh doanh, sản xuất sớm nhất và quản hạt sớm nhất. Song vì không có thật nên dù có công phu đến bao nhiêu cũng chỉ là công trình xây lâu đài trên bãi cát và uổng công “dã tràng xe cát biển Đông”.
Và vì thế trong văn kiện ngoại giao của Trung Quốc có đưa ra nhiều bằng chứng về sự bảo vệ chủ quyền cũng như những nước ủng hộ chủ quyền của Trung Quốc đối với Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam đều không đáng quan tâm vì những luận cứ và luận chứng về sự chiếm hữu thật sự của Trung Quốc đã không đứng vững, không có cơ sở khoa học, không có tính thuyết phục.
  
3.3.2. Phản bác các luận điểm của các nước PhilippinesMalaysiaBrunei biện minh cho sự xâm phạm chủ quyền Việt Nam tại quần đảo Trường Sa
Quá muộn màng, gần một nửa thế kỷ sau khi Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa, các nước ở Đông Nam Á khởi đầu bằng Philippines, tiếp tới MalaysiaBrunei mới bắt đầu đặt vấn đề xâm phạm chủ quyền trên một phần của quần đảo Trường Sa. Philippines bắt đầu xâm phạm chủ quyền Việt Nam đầu tiên từ năm 1956, Malaysia từ năm 1979, Brunei năm 1982.
Nguyên nhân bộc phát sự xâm phạm của các nước ở Đông Nam Á chính là ngoài vấn đề chiến lược còn là vấn đề tài nguyên khi mà tài nguyên ở đất liền cạn kiệt dần trong khi tài nguyên dưới biển chung quanh các hải đảo quần đảo Trường Sa lại có nhiều tiềm năng, nhất là về trữ lượng dầu hoả. Trung Quốc mưu toan xâm phạm ngay cả vùng thuộc thềm lục địa của Việt Nam (Xem các bản đồ về tình hình tranh chấp)

Khu vực tranh chấp tại Biển Đông giữa Việt Nam (lằn vạch vàng), Mã Lai (vạch nâu), Philippines (vạch tím), Trung Quốc (vạch xanh), Indonesia (vạch xanh nhạt) [xem hình khổ lớn]
Công Ước Về Luật Biển 1982 của Liên Hợp Quốc năm 1982 qui định: Mỗi quốc gia được phép thiết lập lãnh hải không quá 12 hải lý kể từ đường cơ sở ( Điều 3).
"Ở nơi nào bờ biển bị khoét sâu và lồi lõm hoặc nếu có một chuỗi đảo nằm sát ngay và chạy dọc theo bờ biển, phương pháp đường cơ sở thẳng nối liền các điểm thích hợp có thể được dùng để kẻ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải” (điều 7).
Quốc gia ven biển không được cản trở việc đi qua không gây hại của các tàu thuyền nước ngoài trong lãnh hải, ngoài những trường hợp mà Công ước đã trù định ( điều 24).
Quốc gia ven biển có thể lập một vùng giáp lãnh hải, không rộng quá 24 hải lý kể từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng của lãnh hải ( điều 33).
Một quốc gia quần đảo có thể kẻ những đường thẳng để xác định phạm vi lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế ( EEZ ) và thềm lục địa với điều kiện là tuyến các đường cơ sở này bao lấy các đảo chủ yếu và xác lập một khu vực mà tỷ lệ diện tích nước so với đất kể cả vành đai san hô, phải "ở" giữa tỷ số 1/1 và 9/1. Chiều dài của các đường cơ sở này không được vượt quá 100 hải lý, có thể có tối đa là 3% tổng số các đường cơ sở bao quanh một quần đảo nào đó có một chiều dài lớn hơn nhưng cũng không quá 125 hải lý (điều 47 và 48).
Chủ quyền của quốc gia quần đảo mở rộng ra vùng nước ở phía trong đường cơ sở quần đảo được vạch ra theo đúng điều 47 được gọi là vùng nước quần đảo, bất kể chiều sâu và khoảng cách xa bờ của vùng nước đó như thế nào (điều 49) . Quốc gia có bờ biển được phép có vùng đặc quyền “Vùng đặc quyền về kinh tế không mở rộng quá 200 hải lý kể từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải” ( điều 57)
Vấn đề thềm lục địa, theo công ước 1982 đã chấp thuận cách định nghĩa mới và xác định giới hạn 200 hải lý thay cho tiêu chuẩn 200 m độ sâu. Hiện nay , qui mô của thềm lục địa tương đương với qui mô của EEZ. Người ta qui định rằng thềm lục địa của một quốc gia ven biển bao gồm đáy biển và lòng đất dưới đáy biển bên ngoài lãnh hải của quốc gia đó, trên toàn bộ phần kéo dài tự nhiên của lãnh thổ đất liền của nước này cho đến mép ngoài của rìa lục địa hoặc đến cách đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải 200 hải lý, khi mép ngoài của rìa lục địa của quốc gia đó ở khoảng cách gần hơn ( điều 76.1)
Nếu rìa ngoài của thềm lục địa vượt quá 200 hải lý, công ước qui định rằng có hai cách giới hạn phạm vi của thềm lục địa. Một là mở rộng đến 350 hải lý tính từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng vùng lãnh hải. Hai là mở rộng không quá 100 hải lý tính từ đẳng sâu (150 bath) 2500 mét, là đường nối liền các điểm có chiều sâu 2500 mét (điều 76.5)
Công ước cũng cho phép các đảo có quyền có lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa giống như lãnh thổ trên đất liền. Tuy phủ nhận quyền có thềm lục địa và EEZ đối với những đá không thể nuôi sống con người hoặc không có cuộc sống kinh tế riêng, song rõ ràng công ước đã làm cho sự tranh chấp trở nên phức tạp khi xảy ra đầy rẫy những yêu sách chồng lấn về quyền tài phán quốc gia trong phạm vi cách nhau 400 hải lý.Việt Nam cùng các nước khác trong vùng cũng đã công bố những đường cơ sở của bờ biển cũng như thềm lục địa và EEZ .
Chắc chắn sẽ xảy ra những vùng chồng lấn tranh chấp chỉ với các nước trong khu vực Đông Nam Á. Trung Quốc ở rất xa không hề có hiện tượng chồng lấn ở Trường Sa, nếu có chỉ có thể ở Hoàng Sa mà thôi. Đối với Philippines, lãnh hải trước đây đã được ghi rõ trong bản hiệp định giữa Mỹ và Tây Ban Nha năm 1895 (điều 3 Hiệp định ký 10/12/1898 giữa Tây Ban Nha và Mỹ) xác định biên giới phía Tây của Philippines đi qua kinh gốc 118 o Đông, như vậy là không bao gồm một đảo nào trong quần đảo Trường Sa) và trong hiệp định giữa Mỹ và Anh hồi năm 1930, đã được tính dọc theo các đường kinh tuyến và vĩ tuyến song song tạo thành vùng hình chữ nhật.
Trong hai năm 1949 và 1950, Tomas Cloma, chủ một đội ngư thuyền và thương thuyền đồng thời là giám đốc một trường hàng hải Philippines đã khám phá thấy một nhóm đảo lớn nhỏ ở cạnh đảo Palawan của Philippines khoảng 400 dặm về phía Tây. Ông hy vọng lập một nhà máy nước đá và một nhà máy đóng đồ hộp ở trên một hòn đảo lớn nhất ở đây cũng như là khai thác phân chim trong những hòn đảo kế cận.
Ngày 17 tháng 5 năm 1951, Tổng Thống Philippines lên tiếng đòi chủ quyền quần đảo Trường Sa lấy cớ là Trường Sa ở sát cạnh quần đảo Philippines.
Ngày 24 tháng 8 năm 1951, Tân Hoa Xã tranh cãi về chủ quyền của Pháp và những tham vọng của Philippines và kiên quyết khẳng định chủ quyền của Trung Quốc.

Ngày 15 tháng 3 năm 1956, Thomas Cloma cùng một nhóm tìm kiếm Philippines đổ bộ lên vài đảo ở quần đảo Trường Sa, viện cớ đó là những đảo hoang vô chủ và đặt tên cho những vùng đã chiếm là “Freedomland”. Sau đó Thomas Cloma thông báo cho Ngoại trưởng Philippines biết các sự việc, xin chính phủ Philippines cho vùng đất đã chiếm được hưởng qui chế đất bảo hộ.
Ngày 19/5 Bộ Trưởng Bộ Ngoại Giao Philippines tuyên bố là ngoài 7 đảo được quốc tế biết cái tên là Spratly, tất cả các đảo nhỏ linh tinh khác trong quần đảo này đều là đất vô chủ (res nullius).
Năm 1971, Bộ Tư Lệnh Hải Quân Philippines thông báo là để đảm bảo an ninh cho Philippines, Philippines đã chiếm đóng 4 đảo Vĩnh Viễn, SongTử Đông, Loaita, Thị Tứ mà họ gọi là Lawak, Parola, Kota, Pagasa.
Ngày 16 tháng 7 năm 1971, Tân Hoa Xã lên án việc Philippines chiếm đóng một số đảo của quần đảo Trường Sa và khẳng định các yêu sách của Trung Quốc đối với quần đảo này. Năm 1978, Philippines chiếm thêm đảo Panata trong quần đảo Trường Sa, nâng tổng số đảo họ chiếm lên 7 đảo, ngoài 4 đảo đã chiếm 1971, 2 đảo khác họ lấy tên Likas và Pugad.
Ngày 11 tháng 6 năm 1978, tổng thống Philippines ký sắc lệnh coi hầu hết quần đảo Trường Sa trừ đảo Trường Sa (Spratley), là lãnh thổ Philippines gọi là Kalayaan.
Ngày 2 tháng 3 năm 1978, quân đội Philippines chiếm thêm 1 đảo nữa, đảo Lan Kian Kay trong quần đảo Trường Sa.
Ngày 28 tháng 7 năm 1980, Philippines chiếm đóng đảo Condor trong quần đảo Trường Sa.
Ngày 11 tháng 8 năm 1980, Việt Nam gửi công hàm phản đối.
Ngày 21 tháng 5 năm 1984, Hiệp Ước Phòng Thủ chung Mỹ Philippines không coi quần đảo Kalayaan (tức Trường Sa ) là bộ phận lãnh thổ Philippines. Cũng vào tháng 5 năm 1984, trước sự phản đối liên tiếp của phía Việt Nam, ông Win Naelson, Tổng Thư Ký OMM đã trả lời phía Việt Nam: “Cái tên gọi được dùng trong công bố này và việc trình bày các số liệu ở trong đó không ràng buộc đối với tổng thư ký OMM về bất cứ việc đưa ra quan điểm nào có liên quan đến quy chế pháp lý của các nước, các lãnh thổ, các thành phố hoặc khu vực hay các hoạt động của họ, cũng không ràng buộc về việc vạch ra các đường biên giới hay giới hạn của các nước”.
Malaysia, ngày 21 tháng 12 năm 1979 đã công bố một bản đồ mới qui định ranh giới thềm lục địa và vùng biển của mình, trong đó, có một vùng rộng lớn phía Nam quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Trước đó vào năm 1971, sứ quán của Malaysia gửi công hàm số EJ7-71 ngày 3 tháng 2 năm 1971, hỏi Bộ Ngoại Giao Việt Nam Cộng Hoà các đảo nằm trong lãnh thổ của nước gọi là Cộng Hoà Morac - Songhrati - Meads, nằm giữa vĩ tuyến 90 Bắc và kinh tuyến 1120 Tây có thuộc hay là đối tượng yêu sách của Việt Nam Cộng Hoà không?
Ngày 20/4 trong công hàm trả lời, Chính quyền Sàigòn đã khẳng định quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Ngày 15 tháng 5 năm 1980, Malaysia đã tuyên bố nhận chủ quyền khu EEZ rộng 200 hải lý và đề nghị giải quyết các vùng phân định phạm vi quyền tài phán chồng lên bằng các biện pháp hoà bình. Ranh giới ngoài của thềm lục địa của Malaysia bao gồm một phần phía Nam của quần đảo Trường Sa của Việt Nam, trong đó có các đảo An Bang, Thuyền Chài do Việt Nam chiếm giữ và đá Công Đo do Philippines chiếm đóng. Đây là yêu sách chính thức đầu tiên của Malaysia tranh chấp với Việt Nam.
Ngày 23 tháng 2 năm 1983, Malaysia đưa ra vấn đề chủ quyền của họ đối với 3 hòn đảo trong quần đảo Trường Sa. Ngày 25 tháng 3 năm 1983, Bộ Ngoại Giao Việt Nam bác bỏ mọi đòi hỏi của Malaysia đối với các đảo trên. Và cũng trong tháng 6 năm 1983, Malaysia đưa binh lính chiếm đóng đảo Hoa Lau và bắt đầu những công trình xây dựng, chính phủ Việt Nam phản đối quyết liệt.
Tháng 12 năm 1986, Malaysia chiếm đóng các đảo Kỳ Vân và Kiệu Ngựa thuộc quần đảo Trường Sa. Vì bắt đầu tranh chấp quá chậm, từ cuối thập niên 70 nên Malaysia không có những bằng chứng lịch sử. Từ năm 1978, Malaysia đã cố gắng tìm kiếm lập luận để biện minh. Năm 1988, Thủ tướng kiêm bộ trưởng ngoại giao Malaysia, ông Toh Muda đưa ra lập luận: "Các đảo và đá san hô thuộc chủ quyền của Malaysia và Malaysia trong quá khứ đã khẳng định quyền tài phán của chúng… Chúng nằm trong vùng thềm lục địa của Malaysia và chủ quyền của Malaysia trên các đảo đá đó đã được tuyên bố chính thức qua tấm bản đồ mới của Malaysia và công bố ngày 21-12-1979… Yêu sách này là phù hợp với Công Ước Genève năm 1958 và ranh giới lãnh hải và thềm lục địa và Công Ước của Liên Hợp Quốc về luật biển vũng như thực tiễn quốc tế khác". (New Straits Times, 23-1985).
Năm 1995, Malaysia tuyên bố và tiến hành xây dựng cơ sở du lịch trên các điểm họ chiếm đóng Ngày 27 tháng 6 năm 1996, phát biểu tại buổi khai mạc "Chương trình thị trường du lịch Langkawi", Thủ Tướng Malaysia Mahathir Mohamad nói rằng các đảo san hô ở Biển Đông mà Malaysia đã xây dựng các kết cấu nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia và như vậy Malaysia không hề xâm phạm lãnh thổ của quốc gia nào cả. (TTXVN, Tin Nhanh, ngày 28-6-1996)
Tháng 6-1999, Malaysia chiếm đóng và xây dựng công trình nhà hai tầng và các cơ sở Rađa trên bãi cạn Thám Hiểm (Peninjan) và đá Én Ca (Siput), cách bờ biển phía Đông Malaysia 160-170 hải lý. Brunei thì đã ban hành đạo luật đánh cá năm 1982 rộng 200 hải lý, có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 1983. Vùng này chồng lấn với các vùng đặc quyền về kinh tế mà các nước láng giềng nhận chủ quyền. Còn Indonésia cũng tuyên bố nhận EEZ rộng 200 hải lý tháng 3 năm 1988, song không có sự tranh chấp nào liên quan đến quần đảo Trường Sa.
 Ngày 16/12/1994 Công ước của Liên Hợp Quốc về luật biển có hiệu lực sau khi có 60 nước phê chuẩn Công ứơc.
Ngày 23/06/1994, nước Việt Nam là nước thứ 61 phê chuẩn Công Ước.Trong bối cảnh ra đời luật biển 1982, sự tranh chấp chủ quyền về Trường Sa có nguy cơ tăng lên. Trình bày những sự kiện trên đây cốt để chứng tỏ sự xâm phạm chủ quyền Việt Nam của các nước PhilippinesMalaysia và Brunei với lý do rất đơn giản và quá muộn màng. Luận điểm của Philippines nói chung dựa vào “thuyết kế cận”, cho rằng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa gần nước ấy hơn và là những hòn đảo vô chủ. Còn các nước MalaysiaBrunei đặt vấn đề vùng đặc quyền kinh tế dựa vào qui định của Công Ước Về Luật Biển năm 1982. Trong khi trên thực tế Việt Nam đã có chủ quyền trên quần đảo Trường Sa từ rất lâu trước khi có Công Ước về luật biển. Do hầu hết đều là các đảo đá san hô có lúc thủy triều lên bị chìm xuống dưới biển hoặc không có người ở trong số hơn 100 đảo, đá, bãi ngầm nên các nước đó cho rằng các đảo, bãi ấy còn hoang vu nên có nước chiếm được thì nước họ cũng có quyền chiếm hữu, vì vậy khi có thời cơ thuận lợi là các nước ấy hành động.
Từ khi có Luật Biển năm 1982, các nước trên cho rằng mình áp dụng luật này về thềm lục địa, về vùng đặc quyền kinh tế (EEZ). Song Luật Biển năm 1982 cũng đã qui định khi có chồng lấn với nước đã có chủ quyền ở các hải đảo thì phải giải quyết bằng con đường thoả thuận theo đúng pháp luật quốc tế như đã được nêu ở điều 38 của quy chế Toà Án Quốc Tế, để đi đến một giải pháp công bằng (điều 74, 83). Khác với Việt Nam và Trung Quốc, các nước Philippines, Malaysia, Brunei đều không chủ trương đòi chủ quyền tất cả quần đảo mà chỉ một phần, Philippines đòi nhiều hơn, trừ đảo Trường Sa (Spratly) của Việt Nam, Malaysia lấy các đảo Loaita làm ranh giới, Brunei cũng thế đòi chủ quyền các đảo kế cận nước họ.
Từ những năm thập niên 80, các nước Philippines, Malaysia đã dùng vũ lực chiếm đóng và có những hành động khiêu khích đối với lực lượng bảo vệ của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa, là vi phạm công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 cũng như Hiến Chương Liên Hợp Quốc.


Phần Kết Luận
Hoàng Sa và Trường Sa từ lâu cho đến trước thời Pháp thuộc, được người Việt Nam quan niệm là một, gồm những dãi cát (san hô) dài vạn dặm ở Biển Đông; đến thời Pháp thuộc, mới được tách làm hai quần đảo.
Trái ngược lại với Trung Quốc, tên gọi Hoàng Sa của Việt Nam mà chữ Nôm có nghĩa là Cát Vàng hay gọi là Cồn Vàng rất nhất quán từ đầu thế kỷ XVII đến nay và đã được các người phương Tây từ đầu thế kỷ XIX như Taberd, Chaigneau, Gutzlaff xác nhận chính là Parcel hay Paracels!

Đó là chưa kể các tài liệu Việt Nam như Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quý Đôn đã xác định rất rõ vị trí Hoàng Sa ở gần Liêm Châu, thuộc Hải Nam Trung Quốc. Trong khi Trung Quốc chỉ mới đặt tên Tây Sa và Nam Sa từ đầu thế kỷ XX. Tên gọi Tây Sa, lại được Trung Quốc ra sức gán ghép với những địa danh rất mơ hồ như Cửu Nhũ Loa Châu, lại chỉ là những hòn đảo ở gần bờ biển Quảng Đông của Trung Quốc.
Còn về Nam Sa, Trung Quốc lại rất bất nhất, khi thì chỉ Macclesfield, khi thì chỉ Spratley.
Việt Nam đã có đầy đủ bằng chứng địa lý, lịch sử và pháp lý cụ thể rõ ràng, chứng minh một thực tế lịch sử không thể tranh cãi về sự chiếm hữu thực sự, hoà bình và thực thi liên tục chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Lợi dụng địa hình hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nằm rải rác, khó phòng thủ trong Biển Đông, bị ảnh hưởng khí hậu gió mùa, lại là vùng có nhiều bão tố, lợi dụng tình trạng người Việt sống và khai thác ở hai quần đảo này theo mùa, ít ra trong 6 tháng hàng năm, cũng như lợi dụng thời kỳ Việt Nam bị thực dân Pháp thống trị, mất quyền tự chủ về ngoại giao và thời kỳ Việt Nam có chiến tranh giải phóng giành độc lập, Trung Quốc và các nước khác đã dùng vũ lực chiếm đóng bất hợp pháp từng phần rồi trọn vẹn quần đảo Hoàng Sa, đã và đang tiếp tục xâm phạm chủ quyền Việt Nam trên quần đảo Trường Sa.
Gần một thế kỷ, từ đầu thế kỷ XX đến nay, khi bị nước ngoài xâm phạm, các chính quyền ở Việt Nam kể cả thời bị thực dân cai trị đều tiến hành việc quản lý hai quần đảo này, chưa bao giờ từ bỏ chủ quyền của Việt Nam, tuy cung cách tiến hành có khác.
Cho đến thời điểm bắt đầu có nước ngoài xâm phạm chủ quyền năm 1909, suốt gần 3 thế kỷ từ thế kỷ XVII, Việt Nam đã chiếm hữu thật sự, hoà bìnhï và thựïc thi liên tục, theo đúng nguyên tắc pháp lý quốc tế thời ấy.
Những bằng chứng cụ thể cho sự chiếm hữu thực sư hoà bình và thực thi liên tục ấy là:

Đối với quần đảo Hoàng Sa: Suốt gần ba thế kỷ, khởi đầu từ thế kỷ XVII cho đến khi Trung Quốc xâm phạm (1909), Hoàng Sa đã thuộc quản lý hành chánh của Quảng Ngãi khi là phủ, dinh rồi trấn và tỉnh dưới thời chúa Nguyễn, thời Tây Sơn (đầu thế kỷ XVII - 1801), và thời nhà Nguyễn (từ 1802) đến thời Pháp thuộc.
Chính các vua Việt Nam trong đó có vua Minh Mạng (1836), Thiệu Trị (1845) và đình thần (Bộ Công), đã khẳng định trong tài liệu biên niên sử (Đại Nam Thực Lục Chính Biên, đệ nhị kỷ, quyển 104, 154, 165) hay Quốc Triều Chính Biên Toát Yếu hoặc trong pháp chế (Khâm Định Đại Nam Hội Điển Sử Lệ, quyển 221) hoặc trong văn khố (các tập châu bản 56, 57) rằng Hoàng Sa nằm trong hải phận Quảng Ngãi, cương giới hiểm yếu của Việt Nam .
Chính nhận thức của vua Minh Mạng và triều đình về Hoàng Sa nằm trong cương vực hiểm yếu đã mang ý nghĩa về tầm nhìn chiến lược của tiền nhân ta về các hải đảo ở Biển Đông. Ngoài Thiên Nam Tứ Chí Lộ Đồ Thư, Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quí Đôn, Dư Điạ Chí của Phan Huy Chú cũng có sách địa lý của Quốc Sử Quán Triều Nguyễn như Hoàng Việt Địa Dư Chí, nhất là Đại Nam Nhất Thống Chí đều ghi rõ quần đảo Hoàng Sa vào mục hình thể hoặc cương vực, vùng biển của tỉnh Quảng Ngãi.
Nhà nước ở Việt Nam đã tổ chức đội Hoàng Sa khai thác sản vật ở Hoàng Sa lâu dài hàng năm trong 6 tháng vào mùa có khí hậu thích hợp, liên tục hơn hai thế kỷ từ đầu thế kỷ XVII, dưới thời Chúa Nguyễn sang đến đời Tây Sơn, đến đầu nhà Nguyễn.
Từ năm 1816 thời Gia Long đã bắt đầu, song từ năm Minh Mạng thứ 17 (1836), mới trở thành lệ hàng năm việc triều Nguyễn sai thủy quân cùng với đội Hoàng Sa đi thám sát, đo đạc, vẽ bản đồ, và còn có khi dựng miếu thờ làm bằng đá, dựng bia, cột mốc, trồng cây… Nhiều người phương Tây viết nhật ký, bài viết, vẽ bản đồ khẳng định Paracel là quần đảo thuộc nước “An Nam” hoặc như giám mục Taberd (1838) đã khẳng định Cát (Kát) Vàng (Hoàng Sa) là Paracels, hoặc như Jean Baptist Chaigneau (1820) hay Gutzlaff (1849) đã chép rằng vua Gia Long từ năm 1816 đã cho cắm cờ, dựng bia, đặt trại binh, thu thuế.
Chính người Trung Quốc như Thích Đại Sán trong Hải Ngoại Kỷ Sự cũng xác nhận các chúa Nguyễn, hàng năm cho thuyền khai thác các sản vật các tàu bị đắm ở vùng Vạn Lý Trường Sa (tức Hoàng Sa của Việt Nam).
Ngay bộ tài liệu sưu tập mới nhất của Trung Quốc là Ngã Quốc Nam Hải Chư Đảo Sử Liệu Hội Biên thiên thứ 1, trang 115 do Hàn Chấn Hoa chủ biên cũng ghi lại dấu vết trên đảo Vĩnh Hưng (Phú Lâm) ở Hoàng Sa có miếu đặt ở mặt Bắc gọi là Hoàng Sa Tự. Hoàng Sa Tự chính là vết tích việc xác lập chủ quyền của Việt Nam, các vua chúa Việt Nam như thời Minh Mạng cho xây dựng miếu Hoàng Sa. Từ khi bị nước ngoài xâm phạm, các nhà nước ở Việt Nam kể cả thời Pháp thuộc không bao giờ từ bỏ chủ quyền Việt Nam, tiếp tục có các hành động củng cố, thực thi chủ quyền.
Đối với quần đảo Trường Sa: Theo quan điểm quản lý các hải đảo ở Biển Đông của các triều đình Việt Nam, trong một thời gian dài, quần đảo Trường Sa và quần đảo Hoàng Sa là một. Những bằng chứng cụ thể cho sự chiếm hữu thực sự, hoà bình và thực thi liên tục của Việt Nam như sau: Quần đảo Trường Sa nằm chung trong Quần Đảo Hoàng Sa, thuộc cương vực vùng biển của Quảng Ngãi, nên thuộc quyền quản lý hành chánh của Quảng Ngãi. Song phần đảo Phía Nam chỉ thực sự sáp nhập vào quần đảo Hoàng Sa sau khi Bình Thuận sáp nhập vào Đại Việt năm 1697 và Bình Thuận chỉ quản lý hộ khẩu dân binh đội Bắc Hải.
Mãi đến năm 1933 dưới thời Pháp, Trường Sa mới được thuộc vào tỉnh Bà Riạ thuộc Nam Bộ Việt Nam. Sau này thời chính quyền Việt Nam Cộng Hoà, Trường Sa được đổi thành thuộc tỉnh Phước Tuy. Đến Khi Việt Nam thống nhất, Trường Sa mới thuộc quản lý của tỉnh Khánh Hoà. Nhà nước Việt Nam từ thời chúa Nguyễn, cuối thế kỷ XVII đã tổ chức đội Bắc Hải do đội Hoàng Sa kiêm quản, hoạt động liên tục cũng hàng năm lấy hải vật, vàng bạc ở các đảo ở phía Nam Bắc Hải tức Trường Sa hiện nay và Côn Lôn, Hà Tiên. Sang thời nhà Nguyễn, cũng như tại Hoàng Sa, nói chung, tại Trường Sa ngày nay nói riêng, cũng có những hoạt động khẳng định, thực thi chủ quyền của Việt Nam do thủy quân đảm trách, kể từ năm 1816 trở đi.
Thời Pháp thuộc, Pháp có hành động chiếm hữu quần đảo Trường Sa theo truyền thống Phương Tây và sáp nhập vào tỉnh Bà Rịa thuộc Nam Kỳ, xứ thuộc địa trực trị của Pháp. Cho đến năm 1956, quân Pháp rút khỏi Đông Dương, bàn giao lại cho chính quyền Sàigòn tiếp tục quản lý Trường Sa. Sau thời gian dài gần ba thế kỷ, Việt Nam xác lập và khẳng định chủ quyền, Trung Quốc là nước đầu tiên xâm phạm chủ quyền của Việt Nam trên đảo Trường Sa, khi Trường Sa được tách khỏi Hoàng Sa, và chậm hơn Hoàng Sa ở phía Bắc.
Đến thời gian sau chiến tranh thế giới thứ hai, Trung Quốc mới thực sự xâm phạm quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Vì lúc đầu, Trung Quốc chỉ quan tâm đến quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc gọi là Tây Sa. Nam Sa lúc đầu chỉ Macclesfield mà thôi. Suốt thời gian Trung Quốc và các nước xâm phạm chủ quyền Việt Nam , thời Pháp thuộc đến thời kỳ chiến tranh chống Pháp hay chống Mỹ, các chính quyền ở Việt Nam có nhiệm vụ quản lý quần đảo Trường Sa, đã luôn đóng quân, tổ chức khảo sát khoa học, khai thác tài nguyên ở Trường Sa, tái khẳng định và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa.
Những bằng chứng về sự chiếm hữu thật sự, hoà bình và thực thi liên tục chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã rành rành như vậy, không ai có thể chối cãi, vậy tại sao Trung Quốc và các nước khác lại cố tình xâm phạm chủ quyền ấy của Việt Nam. Đó là hành động thôn tính (debellatio) Họ đã đưa ra những luận điểm rất khiên cưỡng, võ đoán. Hoàng Sa cũng như Trường Sa từ trước không là đất vô chủ (res nullius), cũng không phải là đất từ bỏ (derelicto), mà bị xâm phạm bằng vũ lực. Trung Quốc và các nước khác đã và đang xâm phạm chủ quyền Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và sau đó là Trường Sa, lúc đầu đưa ra luận điểm đất Hoàng Sa vốn vô chủ (res nullius) để tranh chiếm.
Khi chính quyền ở Việt Nam thời Pháp thuộc bắt đầu đưa ra những bằng chứng lịch sử về sự chiếm hữu thực sự của Việt Nam từ thời chúa Nguyễn và thời nhà Nguyễn (Gia Long, Minh Mạng) và có hành động thực thi tái khẳng định chiếm hữu quần đảo Trường Sa vào nửa đầu thế kỷ XX thì Trung Quốc bắt đầu cố tìm cách gán ghép, suy diễn rằng Trung Quốc đã xác lập chủ quyền từ lâu đời, khi thì thế kỷ XV, khi thì thời Tống, khi thời Đông Hán ( Tam Quốc)!
Sau khi Trung Quốc chiếm đóng trái phép trọn vẹn quần đảo Hoàng Sa năm 1974, và năm 1980, Trung Quốc lần đầu tiên đưa ra văn kiện với những luận điểm như Trung Quốc đã phát hiện sớm nhất, khai thác kinh doanh sớm nhất, quản hạt sớm nhất với những bằng chứng suy diễn, vu vơ, bất nhất., thiếu cơ sở khoa học và thiếu thuyết phục.
Từ khi Luật Biển ban hành 1982 đến nay, nguyên nhân kinh tế cũng quan trọng không kém nguyên nhân chính trị, quân sự. Tài nguyên dưới biển nhất là trữ liệu lớn dầu khí, khí đốt ở khu vực biển Đông đã khiến các nước trong khu vực đặt vấn đề chiếm hữu để khai thác. Ngoài ra Luật Biển năm 1982 cũng nảy sinh vấn đề thềm lục địa mới, lãnh hải đặc khu kinh tế (EEZ) của mỗi nước chồng lấn giữa các nước trong khu vực.
Thực chất Trung Quốc và các nước xâm phạm chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là vấn đề tranh giành thế lực kiểm soát biển Đông vào lúc đầu tức chủ yếu là về mặt chính trị quân sự. Sau đó từ vài thập niên gần đây đến hiện nay , thực chất vấn đề xâm phạm chủ yếu là do tham vọng chiếm hữu về tài nguyên dưới biển, nhất là dầu khí.
Riêng đối với Việt Nam, Hoàng Sa và Trường Sa còn là nơi hiểm yếu hay yết hầu, về mặt chiến lược phòng thủ phía biển Đông.
Vì thế đối sách tối ưu của Việt Nam là luôn luôn khẳng định chủ quyền từ lâu đời và mãi mãi trong tương lai trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, chủ quyền này là bất khả tranh nghị, không thể chối cãi. Nếu cần chờ thời cơ đến hàng ngàn năm như thiên niên kỷ thứ nhất thì Việt Nam vẫn phải kiên trì chờ đợi thời cơ thuận lợi để lấy lại chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa và sức mạnh muôn đời bảo vệ lãnh thổ chống xâm lược của Việt Nam vẫn là sức mạnh của nhân dân trên đất liền cũng như ngoài biển. Còn đối với quần đảo Trường Sa, Việt Nam phải kiên quyết bảo vệ đến cùng những đảo Việt Nam đang trấn giữ.
Mặt khác, Việt Nam cũng phải kiên trì theo đuổi giải pháp hoà bình, thương lượng song phương hay đa phương để giải quyết vấn đề chủ quyền. Trong hoàn cảnh thuận lợi, Việt Nam sẽ tiếp tục đề nghị giải pháp đưa ra toà án quốc tế giải quyết vấn đề chủ quyền bị xâm phạm. Việt Nam luôn `chứng tỏ Việt Nam muốn bàn bạc với tất cả các nước, không là mối nguy cho bất cứ nước nào.
Đề nghị Việt Nam phải có chiến lược lâu dài đấu tranh giành lại chủ quyền và bảo vệ chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa:
Đem "lịch sử xác lập, thực thi và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa" vào trong chương trình học ở phổ thông và đại học.
Phong liệt sĩ anh hùng cho những ai hy sinh cho việc bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Đặt tên đường, trường học Hoàng Sa và Trường Sa và các liệt sĩ anh hùng đã hy sinh cho việc bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Phổ biến rộng rãi kể cả trên mạng internet về lịch sử xác lập, thực thi và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Phân chia vùng biển cho các tỉnh địa phương từ tỉnh Quảng Trị đến Cà Mau, Rạch giá, chính quyền cùng nhân dân quản hạt và khai thác tài nguyên, đầu tư xây dựng và bảo vệ lãnh hải vùng quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Tài liệu tham khảo chủ yếu

I. Tài liệu tiếng Việt

1.(1686), Đỗ Bá CÔNG ĐẠO (Bửu Cầm dịch), Toản Tập Thiên Nam Tứ Chí Lộ Đồ Thư quyển 1, Hồng Đức Bản Đồ, tủ sách Viện Khảo Cổ, Sàigòn, 1962, tr. 70 - 102.
2.(1696), THÍCH ĐẠI SÁN (Nguyễn Phương, Hải Tiên Nguyễn Duy Bột dịch), Hải Ngoại Kỷ Sự, Ủy Ban Phiên Dịch Sử Liệu Việt Nam, Đại Học Huế, 1963.
3.(1776) Lê Quí ĐÔN (Lê Xuân Giáo dịch), Phủ Biên Tạp Lục, quyển 2 (tập I), Tủ sách Cổ Văn Ủy Ban Dịch Thuật, Sàigòn, 1972.
4.(1776) Hà LIỄU (cai hợp phường Cù Lao Ré, xã An Vĩnh), “đơn xin chính quyền Tây Sơn cho phép đội Hoàng Sa ở Quảng Ngãi tiếp tục hoạt động”, tài liệu lưu giữ tại nhà thờ họ Võ, phường An Vĩnh, Cù Lao Ré (nay là thôn Tây, xã Lý Vĩnh, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi), nguyên văn chữ Hán, và bản dịch (tài liệu của Nguyễn Quang Ngọc và Vũ Văn Quân sưu tầm)
5.(1786) THÁI PHÓ TỔNG LÝ QUÂN BINH DÂN CHƯ VỤ THƯỢNG TƯỚNG CÔNG, chỉ thị của quan Thái Phó Tổng Lý Quân Binh Dân Chư Vụ Thượng Tướng Công (Tây Sơn), Thái Đức năm thứ 9, ngày 14 tháng 2 (1786), tài liệu lưu giữ tại nhà thờ họ Võ, phường An Vĩnh, Cù Lao Ré (nay là thôn Tây, xã Lý Vĩnh, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi), nguyên văn chữ Hán và bản dịch (tài liệu của Nguyễn Quang Ngọc và Vũ Văn Quân sưu tầm).
6.(1821) Phan Huy CHÚ (Tố nguyên Nguyễn Thọ Dực dịch), Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí, quyển 5, Dư Địa Chí, Tủ sách Cổ Văn Ủy Ban Dịch Thuật, Sàigòn, 1972.
7.(1833) Vô Danh (Lê Xuân Giáo trích dịch), Hoàng Việt Địa Dư Chí, quyển 1, Tập san Sử Địa, (29) (tháng 1-3/1975), tr 128-131.
8.(1835) MINH MẠNG, Dụ ngày 18 tháng 7 năm Minh Mạng thứ 16 (1835), tập Châu bản Minh Mạng số 54, trang 92, Xưa và Nay, Hà Nội, (số 63B), 5-1999, tr 20.
9.(1836) Bộ Công. Phúc tấu ngày 12 tháng 2 năm Minh Mạng thứ 17 (1836),Tập Châu bản Minh Mạng 55, trang 336, Xưa và Nay, Hà Nội, (số 63B), tháng 5- 1999, tr 21.
10.(1836) Bộ Công, Tấu của bộ Hộ ngày 11 tháng 7 năm Minh Mạng thứ 17 (1836), Tập Châu bản Minh Mạng số 57, trang 211. Xưa và Nay, (số 63B), Hà Nội, tháng 5- 1999, tr 21.
11.(1837) MINH MẠNG, Dụ ngày 13 tháng 7 Minh Mạng 18 (1837), Tập Châu bản Minh Mạng 57, trang 245, Xưa và Nay, Hà Nội, (số 63B), tháng 5- 1999, tr 21 (Nguyên văn và bản dịch của Nguyễn Chí Viễn ở phần phụ lục).
12.(1838) Bộ Công, Tấu của bộ Công ngày 2 tháng 4 nhuận năm Minh Mạng thứ 19 (1838), Tập Châu bản Minh Mạng 68, trang 21, Xưa và Nay, Hà Nội, (số 63B), tháng 5- 1999, tr 21 (Nguyên văn và bản dịch của Nguyễn Chí Viễn ở phần phụ lục).
13.(1838) TỈNH THẦN TỈNH QUẢNG NGÃI, Tấu của tỉnh Quảng Ngãi ngày 19 tháng 7 Minh Mạng 19 (1838),Tập Châu bản Minh Mạng số 64. trang 146, Xưa và Nay, Hà Nội, (số 63B), tháng 5- 1999, tr 21.
14.(1844) Quốc Sử Quán (Tổ phiên dịch viện Sử Học), Đại Nam Thực Lục Tiền Biên, quyển 8 & 10. Tập I, Nxb Sử Học, Hà Nội, 1962.
15.(1847) Bộ Công, Phúc tấu của Bộ Công ngày 20 tháng 1 năm Thiệu Trị 7 (1847),Tập Châu bản Thiệu Trị 41, trang 83, Xưa và Nay, Hà Nội, (số 63B), tháng 5- 1999, tr 21(bản dịch).
16.(1847) Bộ Công, Phúc tấu của Bộ Công ngày 28 tháng 12 năm Thiệu Trị 7 (1847),Tập Châu bản Thiệu Trị 51, trang 235, Xưa và Nay, Hà Nội, (số 63B), tháng 5- 1999, tr 21 (Nguyên văn và bản dịch của Nguyễn Chí Viễn ở phần phụ lục).
17.(1848) Quốc Sử Quán (Tổ phiên dịch viện Sử Học), Đại Nam Thực Lục Chính Biên, Đệ nhất kỷ, quyển 50, 52, Nxb Sử Học, Hà Nội, 1963.
18. (1848) Quốc Sử Quán (Tổ phiên dịch Viện Sử Học), Đại Nam Thực Lục Chính Biên, Đệ nhất kỷ, quyển 104. Tập XIII, Nxb Khoa Học, Hà Nội, 1965.
19.(1851) Nội Các Triều Nguyễn (Ngô Hữu Tạo, Nguyễn Mạnh Duân dịch), Khâm Định Đại Nam Hội Điển Sử Lệ, quyển 207, 221 ,(tập 13), Nxb Thuận Hoá, Huế, 1993.
20. (1864) Quốc Sử Quán (Tổ phiên dịch Viện Sử Học), Đại Nam Thực Lục Chính Biên, Đệ nhị kỷ, quyển 49, Tập XXV, Nxb Khoa Học, Hà Nội, 1971.
21.(1864) Quốc Sử Quán (Tổ phiên dịch Viện Sử Học), Đại Nam Thực Lục Chính Biên, Đệ nhị kỷ, quyển 154, Tập XVI, Nxb Khoa Học, Hà Nội, 1966.
22.(1864 ) Quốc Sử Quán (Tổ phiên dịch Viện Sử Học), Đại Nam Thực Lục Chính Biên, Đệ nhị kỷ quyển 165, Tập XVI, Nxb Khoa Học, Hà Nội, 1967.
23.(1877) Nguyễn THÔNG (Ca Văn Thỉnh, Bảo Định Giang dịch), Việt Sử Cương Giám Khảo Lược (Vạn Lý Trường Sa), (trích trong Nguyễn Thông: con người và tác phẩm), Nxb Thành Phố Hồ Chí Minh, 1984.
24.(1879) Quốc Sử Quán (Tổ phiên dịch Viện Sử Học), Đại Nam Thực Lục Chính Biên, Đệ tam kỷ, quyển 122, Tập XIV, Nxb Khoa Học, Hà Nội, 1965.
25.(1882) Quốc Sử Quán (Phan Trọng Điềm dịch), Đại Nam Nhất Thống Chí, quyển 6 : Quảng Ngãi Tỉnh, Nxb Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1970.
26.(1924) Quốc Sử Quán (Lê Xuân Giáo trích dịch), Quốc Triều Chính Biên Toát Yếu, quyển 3. Tập san Sử Địa, Sàigòn, (29) (tháng 1-3/1975), tr 142-144.
27.(1932) Toàn Quyền Đông Dương, “Nghị định số 156 -SC do Toàn Quyền Đông Dương ký ngày 15 tháng 6 năm 1932 thiết lập tổ chức hành chánh tại quần đảo Hoàng Sa" .
28.(1932) Vô Danh, “Nước Pháp muốn đòi đảo Tây Sa cho dân Việt Nam ta. Những chứng cứ và lời biện bạch”, Nam Phong, Hà Nội, (172), tháng 5/ 1932, tr 54 - 457. 2
9.(1932)Vô Danh, “Nhân vấn đề đảo Tây Sa nhớ đến nước cổ của ta. Đính chính lại mấy chỗ sai lầm trong các bộ Sử", Đông Thanh, Hà Nội, (1), 01/07/1932, tr 4 - 7.
30. (1933)Nguyễn Bá TRÁC chủ biên , "Quảng Ngãi tỉnh chí", Nam Phong tạp chí,148 tr (bản dịch tàng trữ tại Bảo Tàng Tổng Hợp tỉnh Quảng Ngãi).
31.(1934) Vô Danh, "Việc trong nước, việc giao thiệp thu hồi quần đảo Tây Sa, Đông Thanh, Hà Nội, (1), 01/07/1934, tr 56 - 50.
32.(1938) BẢO ĐẠI, Dụ số 10 ngày 29 tháng 2 năm Bảo Đại thứ 13, 30 Mars 1938, Nam Triều Quốc Ngữ Công Báo, số 8, tr 233.
33.(1938) HOÀNG ĐẠO,"Người và Việc: Quần đảo Paracels bỗng nhiên hoá ra quan trọng”, Ngày nay, Hà Nội, 24/07/1938, tr 5.
34.(1951) Thủ Tướng Trần Văn HỮU, "Bản tuyên bố tại Hội Nghị San Francisco, ngày 6 và 7 tháng 9 năm 1951, France – Asie, (no 66-67) (Novembre - décembre, 1951), p512 - 505.
35.(1956)Tổng thống VIỆT NAM CỘNG HOÀ, Sắc lệnh số 143 - NV 22 -10-1956 thay đổi địa giới và tên đô thành Sàigòn - Chợ Lớn, của Tổng Thống Ngô Đình Diệm, Quy Pháp Vựng Tập, tập 7, 1956, tt 465 -466.
36.(1961) Tổng thống VIỆT NAM CỘNG HOÀ, Sắc lệnh số 174 - NV ngày 13 tháng 7 năm 1961 do Ngô Đình Diệm ký, đặt quần đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Nam và thành lập tại quần đảo này một xã làng danh hiệu là xã Định Hải trực thuộc quận Hoà Vang. Quy Pháp Vựng Tập,1961, tr 365.
37.(1961) TÂN PHONG, “Vấn đề chủ quyền trên nhóm quần đảo Tây Sa và Trường Sa”, Quê hương, Sàigòn, bộ III, (27), 1961, tr 178 - 190.
38.(1963) THIỆN SINH, “Quần đảo Tây Sa (Paracels) của Việt Nam hay của Trung Hoa”, Phổ thông, Sàigòn, (63), 15/08/1961, tr 109 - 114.
39.(1969) Thủ tướng VIỆT NAM CỘNG HOÀ, Nghị định số 709 - BNV/ HCĐP/26 ngày 21 tháng 10 năm 1969 do Trần Thiện Khiêm ký sáp nhập xã Định Hải thuộc quận Hoà Vang, tỉnh Quảng Ngãi vào xã Hoà Vang cùng quận. Quy Pháp Vựng Tập, 1969, quyển XII, tập 2, tr 1558.
40.(1970) Phạm Quang ĐƯỜNG, "Vấn đề chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa”, Đặc san Địa Dư, Dalat, (4), tháng 11/1970, tr 37 - 40 và 72 - 76.
41.(1971) Phạm Quang ĐƯỜNG, “Vấn đề chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa”, Đặc san Địa Dư, Dalat, (6), tháng 11/1970, tr 33 - 38 và 59 - 62.
42.(1972) Đinh Văn CƯ, “Chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”, Luận văn Tốt Nghiệp Ban Đốc Sự, Học Viện Quốc Gia Hành Chánh, Sàigòn., 137 tr.
43.(1973 Bộ nội vụ VIỆT NAM CỘNG HOÀ , Nghị định số 420 - BNV/HĐCP/26 do Lê Công Chất ký ngày 6 tháng 9 năm 1973, sáp nhập một số đảo vào xã Phước Hải, quận Đất Đỏ, tỉnh Phước Tuy, Công Báo Việt Nam Cộng Hòa, năm thứ 19, (số 51), thứ bảy 29 tháng 9 năm 1973.
44.(1974) Bộ Dân Vận và Chiêu Hồi V.N.C.H., Hoàng Sa, lãnh thổ Việt Nam Cộng Hoà. Sàigòn, tháng 03/1974, 96 tr.
45.(1974) Bộ Tư Lệnh Hải Quân ( Sàigòn), “Chiến thắng Hoàng Sa”, Tin Hải Quân, Sàigòn, Năm thứ năm, bộ mới, (2), ngày 01/03/1974.
46.(1974) HUY BÁCH, “Cuộc tranh chấp về chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam Cộng Hoà”. Quốc Phòng nguyệt san, Sàigòn, (46), Tháng 4/1974 , tr 3 - 41.
47.(1974) Nguyễn Hữu LÀNH, “Luật quốc tế và vấn đề đảo Hoàng Sa và Trường sa”, Quốc Phòng nguyệt san, Sàigòn, (46), tháng 4/1974, tr 71 - 85.
48.(1974) Nguyễn Thành SONG, “Hoàng và Trường Sa đều là Việt Nam”, Thời nay giai phẩm, Sàigòn, 04/03/1974, tr 13 - 42.
49.(1974) “Tuyên cáo của Bộ Ngoại Giao Việt Nam Cộng Hoà về những hành động gây hấn của Trung Cộng trong khu vực quần đảo Hoàng Sa ngày 19-1-1974”. Tài liệu của Bộ Ngoại Giao, Sàigòn, (số 015/BNG/TTBC/ TT).
50.(1974) “Tuyên cáo của Chính Phủ Việt Nam Cộng Hoà về chủ quyền của Việt Nam Cộng Hoà trên những đảo ở ngoài khơi bờ biển Việt Nam Cộng Hoà, ngày 14 tháng 2 năm 1974”, Tài Liệu ronéo của Bộ Ngoại Giao, Sàigòn.
51.(1974) TỪ MINH, “Cuộc tranh chấp chủ quyền trên các quần đảo Hoàng Sa”, Bách Khoa, Sàigòn, tháng 02/1974, tr 9 - 15.
52.(1975) Kỹ sư Trần Hữu CHÂU, “Phúc trình về công tác nghiên cứu phốt phát lần cuối cùng tại quần đảo Hoàng Sa của phái đoàn chuyên viên hỗn hợp Nhật - Việt vào mùa Thu năm 1973”, Tập san Sử Địa, Sàigòn, (29), 1975, tr 19-31.
53.(1975) Trần Đăng ĐẠI, “Các văn kiện chính thức xác nhận chủ quyền Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ thời Pháp thuộc đến nay”, Tập san Sử Địa, Sàigòn, (29), 1975, tr 274 -294.
54.(1975) Sơn Hồng ĐỨC, “Thử khảo sát về quần đảo Hoàng Sa”, Tập san Sử Địa, Sàigòn, (29), 1975, tr 181-202.
55.(1975) Trần Thế ĐỨC, "Hoàng Sa những nhân chứng", Tập san Sử Địa, Sàigòn, (29), 1975, tr 275-321.
56.(1975) Trần Thế ĐỨC, Nguyễn Văn HƯỜNG, Lâm Vĩnh THẾ, Nguyễn Nhựt TẤN và HOÀNG VIỆT TỬ (Nguyễn NHÃ), “Thư Mục chú giải về Hoàng Sa”, Tập san Sử Địa, Sàigòn, (29), 1975, tr 322-348.
57.(1975) Hoàng Xuân HÃN, “Quần đảo Hoàng Sa”, Tập san Sử Địa, Sàigòn, (29), 1975, tr7-19.
58.(1975) HÃN NGUYÊN (Nguyễn Nhã), “Những sử liệu chữ Hán minh chứng chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa qua nhiều thế kỷ”, Tập san Sử Địa, Sàigòn, (29), 1975, tr 115-180.
59.(1975) Nguyễn HUY, “Hoàng Sa dưới mắt nhà địa chất H. Fontaine”, Tập san Sử Địa, Sàigòn, (29), 1975, tr 203 -210.
60.(1975) Thái Văn KIỂM, “Những sử liệu Tây Phương minh chứng chủ quyền của Việt Nam và quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa từ thời Pháp thuộc đến nay”, Tập san Sử Địa, Sàigòn, (29), 1975, tr 32-40.
61.(1975) LAM GIANG, “Hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa giữa Đông Hải”, Tập san Sử Địa, Sàigòn, (29), 1975, tr 44-53.
62.(1975) LÃNG HỒ, “Hoàng Sa và Trường Sa, lãnh thổ Việt Nam”, Tập san Sử Địa, Sàigòn, (29), 1975, tr 54-114.
63.(1975) Nguyễn NHÃ, “Thử đặt vấn đề Hoàng Sa”, Tập san Sử Địa, Sàigòn, (29), 1975, tr 3-6, tr 351.
64.(1975) Nguyễn NHÃ, “Hoàng Sa qua vài tài liệu văn khố của Hội truyền Giáo Ba Lê”, Tập san Sử Địa, Sàigòn, (29), 1975, tr 258-273.
65.(1975) QUỐC TUẤN, “Nhận xét về các luận cứ của Trung Hoa liên quan tới vấn đề chủ quyền hai quần đào Hoàng Sa và Trường Sa”, Tập san Sử Địa, Sàigòn, (29), 1975, tr 215-257.
66.(1975) Võ Long TÊ, “Phương diện địa danh học của hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”, Tập san Sử Địa, Sàigòn, (số 29), 1975, tr 211-216.
67.(1979) Bộ Ngoại Giao Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, “Chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”, (ngày 7-8-1979), Hà Nội, Vụ Thông Tin và Báo Chí , 58 trang.
68.(1979) VĂN TRỌNG, Hoàng Sa, quần đảo Việt Nam. Nxb Khoa Học, Hà Nội 1979.
69.(1980) Bộ Ngoại Giao Nước Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa, “Chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Tây Sa và quần đảo Nam Sa là không thể tranh cãi được”, ngày 30 tháng 1 năm 1980, 15 trang, tài liệu của Ban Biên Giới Chính Phủ (bản dịch tiếng Việt).
70.(1981) MẪN KHÁNH DƯƠNG KỴ & Trần Xuân CẦU, Từ Bãi Cát Vàng đến Hoàng Sa và Trường Sa - Lãnh thổ Việt Nam. Sử học, Nxb Đại Học và Trung học Chuyên Nghiệp, Hà Nội, (số 2), 1981, tr 82 - 89.
71.(1981) Vô Danh, Quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, bộ phận lãnh thổ của Việt Nam. Nxb Sự Thật, Hà nội, 1981.
72.(1982) Liên Hiệp Quốc, Công ước của Liên Hiệp Quốc về luật biển, (United Nations Convention on the law of the sea). Nxb Chính Trị Quốc Gia, Hà Nội, 1999, 864 tr, (bản dịch)
73.(1984) Bộ Ngoại Giao Nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Lãnh thổ Việt Nam. Nxb Khoa Học Xã Hội, Hà nội, 1984, 25 trang và các phụ bản.
74.(1988) Vũ Hải ÂU, “Tình hình tranh chấp hiện nay ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”, Tạp chí Lịch Sử Quân Sự, Hà Nội, (số 6- 30), 1988, tr 23-28.
75.(1988) Bộ Ngoại Giao Nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, Các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và luật pháp quốc tế. Hà Nội, tháng 4 năm 1988 , 26 trang và các phụ lục, sơ đồ.
76.(1988) ĐỨC LẬP, “Trung Quốc xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974”, Tạp chí Lịch Sử Quân Sự, Hà Nội, (số 6 -30), 1988 , tr 29-31.
77.(1988) HẢI ĐÔNG, “Địa danh hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”, tạp chí Lịch Sử Quân Sự, Hà Nội, (số 6-30), 1988, tr 64-66.
78. (1988) Hàn chấn HOA và Lâm Kim CHI, Ngô Phượng BÂN, ( bản dịch của Ban Biên Giới của Chính Phủ), Trung Quốc Nam Hải chư đảo sử liệu hội biên. Nxb Phương Đông, Bắc Kinh, 1985.
79.(1988) Vũ Phi HOÀNG,”Vài nét về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”, Tạp chí Lịch Sử Quân Sự, Hà Nội, (số 6-30), 1988, tr 4-10.
80.(1988) Phan HUỲNH, “Giải phóng quần đảo Trường Sa (4-1975)”, tạp chí Lịch Sử Quân Sự, Hà Nội, (số 6-30), 1988, tr 35-37.
81.(1988) Đinh Xuân LÂM, “Hoàng Sa - Trường Sa trong tâm thức Việt Nam”, Tạp chí Lịch Sử Quân Sự, Hà Nội, (số 6-30), 1988, tr 49-50.
82.(1988) LÊ MINH, “Giới thiệu bản phán quyết của Toà Án Trọng Tài Thường Trực La Haye và vụ tranh chấp đảo Palmas giữa Hoa Kỳ và Hà Lan”, Tạp chí Lịch Sử Quân Sự, Hà Nội, (số 6-30), 1988, tr 78-80.
83.(1988) LÊ MINH, “Giới thiệu bản phán quyết của Toà Án Quốc Tế của Liên Hiệp Quốc về vụ tranh chấp các nhóm đảo Minquiers và Écrehous giữa Pháp và Anh”, Tạp chí Lịch Sử Quân Sự, Hà Nội, (số 6-30), 1988, tr 81-82.
84.(1988) MINH NGHĨA, “Pháp luật quốc tế đối với vấn thiết lập chủ quyền lãnh thổ trên các lãnh thổ vô chủ”, Tạp chí Lịch Sử Quân Sự, Hà Nội, (số 6-30), 1988, tr 43-48.
85.(1988) MINH TRÂN, “Một số tư liệu cổ của Trung Quốc xác nhận quần đảo Hoàng Sa , quần đảo Trường Sa không thuộc lãnh thổ Trung Quốc”, Tạp chí Lịch Sử Quân Sự, Hà Nội, (số 6-30), 1988, tr 71-73.
86.(1988) NGỌC AN, “Một quyết định lịch sử tháng 4 năm 1975: giải phóng quần đảo chiến lược Trường Sa”, Tạp chí Lịch Sử Quân Sự, Hà Nội, (số 6-30), 1988, tr 32-34.
87.(1988) QUANG LỢI, “Vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa và nguyên tắc không sử dụng vũ lực giải quyết tranh chấp”, Tạp chí Lịch Sử Quân Sự, Hà Nội, (số 6-30), 1988, tr 19-22.
88.(1988) Lê SƠN, ”Ba hội nghị quốc tế xử lý vấn đề các lãnh thổ bị Nhật chiếm đóng trong chiến tranh thế giới thứ hai không công nhận quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa của Trung Quốc", Tạp chí Lịch Sử Quân Sự, Hà Nội, (số 6-30), 1988, tr 75-77.
89.(1988) Nguyễn Q. THẮNG, Hoàng Sa Trường Sa. Nxb Trẻ, TP HCM, 1988
90.(1988) Trần Công TRỤC, “Quần đảo Trường Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, bộ phận lãnh thổ thiêng liêng của Việt Nam qua các bằng cứ lịch sử pháp lý”, Tạp chí Lịch Sử Quân Sự, Hà Nội, (số 6-30), 1988, tr 11-18.
91.(1988) Vụ Biển, Ban Biên Giới Của Chính Phủ, Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, Hồ sơ tên đảo Hoàng Sa - Trường Sa, 14 tr, (in ronéo)
92.(1993) Phạm HÂN, “Một lầm lẫn về văn bản học của Phủ Biên Tạp Lục cần được đính chính”, Tạp chí Hán Nôm, Hà Nội, (số 2 - 15), 1993, tr 28-30.
93.(1993) Phạm HÂN, “Địa danh "Bắc Hải" trong Phủ Biên Tạp Lục”, Tạp chí Hán Nôm, Hà Nội, (số 3 - 16), 1993, tr 27-28.
94.(1994) Phạm HÂN, “Tìm hiểu niên đại của Toản Tập Thiên Nam Tứ Chí Lộ Đồ Thư, Tạp chí Hán Nôm, Hà Nội, (số 1- 18), 1994, tr 26-29.
95.(1994) Phạm HÂN, “Điều kỳ lạ trong thông báo báo chí của công ty Crestones”, Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội, (số 11827), chủ nhật 24-4-1994.
96.(1994) Phạm HÂN, “Hoàng Sa và Trường Sa trong lịch sử”, Xưa và Nay, Hà Nội, (số 8 - 09), 11-1994, tr 10-13.
97.(1994) Vũ Hữu SAN, Địa lý Biển Đông với Hoàng Sa và Trường Sa, The Committee for the Protection of Vietnam's Territorial Integrity, Stanford University, 1995, 201 tr.
98.(1995) Phạm HÂN, “Địa danh "Bãi cát Vàng" trong lịch sử”, Tạp chí Hán Nôm, Hà Nội, (số 1), 1995, tr 44-45.
99.(1995) Phạm Kim HÙNG, Nguyễn Văn HỒNG, Nguyễn Thừa HỶ, “Bước đầu nhận xét cuốn Tổng Hợp Sử Liệu Các Đảo Nam Hải Nước Ta (Hàn Chấn Hoa chủ biên), chương trình Biển Đông, Hải Đảo, đề tài BĐ HĐ 01-02, 1995.
100.(1995) Lưu Văn LỢI, Cuộc tranh chấp Việt Trung về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Nxb Công An Nhân Dân, Hà Nội, 1995.
101.(1995) PTS Nguyễn Quang NGỌC, Báo cáo kết quả thực hiện hợp đồng Nghiên Cứu Khoa Học giai đoạn hai đề tài nhánh “Lịch Sử Chủ Quyền Của Việt Nam Ở Hai Đảo Hoàng Sa Và Trường Sa”, Đại Học Quốc Gia Hà Nội, 1995 (Mã số BĐHĐ 01 - 01).
102.(1995)Thông Tấn Xã Việt Nam, Trung Quốc và an ninh khu vực> (tài liệu tham khảo), Hà Nội, (số 6), 1995.
103.(1995) Thông Tấn Xã Việt Nam, Trường Sa - tranh chấp về quần đảo. (tài liệu tham khảo), Hà Nội, (số 10 +11), 1995.
104.(1996) M. CLAGETT Brice, (bản dịch), “Những yêu sách đối kháng của Việt Nam và Trung Quốc ở khu vực Bãi Ngầm Tứ Chính và Thanh Long trong Biển Đông”, Dầu mỏ và khí đốt của Anh. (số 10411), Nxb Chính Trị Quốc Gia, Hà Nội, 1996.
105.(1996) Phạm HÂN, “Tìm hiểu tác giả Toản Tập Thiên Nam Tứ Chí Lộ Đồ Thư, Tạp chí Hán Nôm, Hà Nội, (số 1 - 26),1996, tr 34-36.
106.(1996) Phạm HÂN, “Xuất xứ của Đại Nam Nhất Thống Chí Toàn Đồ, Tạp chí Hán Nôm, Hà Nội, (số 1 - 29), 1996, tr 24-26.
107.(1996) Phan Đình HỘ, “Sơ lược về lễ hội truyền thống Lý Sơn”, Tạp chí Cẩm Thành, Quảng Ngãi, (số 9), tháng 8 -1996, tr 50-52.
108.(1996) Võ Văn HỒNG, "Lý Sơn: Truyền thống và Cách mạng", Tạp chí Cẩm Thành, Quảng Ngãi, (số 9), tháng 8 -1996, tr 13-16.
109.(1996)Phạm Kim HÙNG (Ban Biên Giới Chính Phủ), “Một vài sự thật về những tài liệu lịch sử trong bộ sưu tập do HÀN CHẤN HOA chủ biên”, Báo cáo Hội Thảo Quốc Gia : Luận cứ Khoa Học Lịch Sử, Địa Lý và Pháp Lý Chủ Quyền Việt Nam trên 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
110.(1996) Lê Hồng KHÁNH, "Lý Sơn một vùng văn hoá đầy tiềm năng và triển vọng”, Tạp chí Cẩm Thành, Quảng Ngãi, (số 9), tháng 8 -1996, tr 31-33.
111.(1996) Đoàn Ngọc KHÔI, “Nguồn gốc văn minh cổ xưa trên đảo Lý Sơn”, Tạp chí Cẩm Thành, Quảng Ngãi, (số 9), tháng 8 -1996, tr 28-30.
112.(1996) Nguyễn Yên MÔ, “Đồn đột ở Cù Lao Ré”, Tạp chí Cẩm Thành, Quảng Ngãi, (số 9), tháng 8 -1996, tr 678.
113.(1996) PTS Nguyễn Quang NGỌC, “Quá trình mở rộng ranh giới trên biển trong các thế hệ bản đồ của Trung Quốc”, Báo cáo Hội Thảo Quốc Gia: Luận cứ Khoa Học Lịch Sử, Địa Lý và Pháp Lý Chủ Quyền Việt Nam trên 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Đại Học Quốc Gia Hà Nội, 1996.
114.(1996) Nguyễn Quang NGỌC và Vũ Văn QUÂN, “Thêm vài tư liệu về quê hương và hoạt động của đội Hoàng Sa xưa”, Báo cáo Hội Thảo Quốc Gia : Luận cứ Khoa Học Lịch Sử, Địa Lý và Pháp Lý Chủ Quyền Việt Nam trên 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Đại Học Quốc Gia Hà Nội, 1996.
115.(1996) Nguyễn Thanh TÙNG, “Di sản văn hoá Lý Sơn. Sự định hướng bảo tồn và phát huy các giá trị”, Tạp chí Cẩm Thành, Quảng Ngãi, ( số 9), tháng 8 -1996, tr 21-22.
116.(1996) Đặng VŨ, “Vài nét về văn hoá dân gian Lý Sơn”, Tạp chí Cẩm Thành, Quảng Ngãi, (số 9), tháng 8 -1996, tr 38-43.
117.(1998) Ban Biên Giới Của Chính Phủ, "Khái quát về luật Biển quốc tế và việc áp dụng luật Biển tại Việt Nam”, Tài Liệu Tập Huấn Về Nâng Cao Năng Lực Quản Lý Biển, Trung Tâm Thông Tin Tài Liệu, Hà Nội, tháng 6/1998, 41 tr.
118.(1998) Ban Biên Giới Của Chính Phủ, “Một số vấn đề về tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về biển”, Tài Liệu Tập Huấn Về Nâng Cao Năng Lực Quản Lý Biển, Trung Tâm Thông Tin Tài Liệu, Hà Nội, tháng 6/1998, 53 tr.
119.(1998) Trần Bá CHÍ, “Đỗ Bá Công Đạo với bản đồ Bãi Cát Vàng (Hoàng Sa)”, Tạp chí Khoa Học - Khoa Học Xã Hội. (Đại Học Quốc Gia Hà Nội), t XIV, (no 3), 1998 , tr 21-29.
120.(1998) Phan Ngọc HỒ, Nguyễn Đình HOÈ, “Những nguyên nhân gây biến động lãnh thổ các đảo thuộc quần đảo Trường Sa”, Tạp chí Khoa Học - Khoa Học Xã Hội. Đại Học Quốc Gia Hà Nội, t XIV, (no 3), 1998, tr 56-62.
121.(1998) HỒNG TẬP - Nguyễn Đăng DUNG, “Vấn đề xác lập chủ quyền lãnh thổ trong luật pháp quốc tế”, Tạp chí Khoa Học - Khoa Học Xã Hội, Đại Học Quốc Gia Hà Nội, t XIV, (no 3), 1998, tr 72-88.
122.(1998) Phạm Kim HÙNG, “Tài liệu lịch sử chứng minh các quần đảo ở Biển Đông (Nam Trung hoa) chưa bao giờ là lãnh thổ Trung Quốc”, Tạp chí Khoa Học - Khoa Học Xã Hội, Đại Học Quốc Gia Hà Nội, t XIV, (no 3), 1998, tr 43 -45.
123.(1998) Phạm Kim HÙNG, “Nghiên cứu, phản bác cuốn sách Tổng hợp sử liệu các đảo Nam Hải nước ta do Hàn Chấn Hoa chủ biên”, Công Trình Nghiên Cứu Trong Chương Trình Biển Đông Hải Đảo, đề tài BĐ-HĐ01 - 02B, Đại Học Quốc Gia Hà Nội (bản đánh máy), 367 tr + các phụ bản.
124.(1998) Nguyễn Thừa HỶ, "Quần đảo Paracels và các nhà hàng hải Bồ Đào Nha trong thế kỷ XVI”, Tạp chí Khoa Học - Khoa Học Xã Hội, Đại Học Quốc Gia Hà Nội, tXIV, (no 3), 1998, tr 30-42.
125.(1998) Nguyễn Quang NGỌC & Vũ Văn QUÂN, “Tư liệu về nguồn gốc chức năng và hoạt động của đội Hoàng Sa", Tạp chí Khoa Học - Khoa Học Xã Hội. (Đại Học Quốc Gia Hà Nội), t XIV, (no 3), 1998, tr 10-20.
126.(1998) Iain SCOBBIE (bản dịch của Ban Biên Giới của Chính Phủ), Tranh chấp về quần đảo Trường Sa : một quan điểm khác. Trung Tâm Thông Tin Tài Liệu, Hà Nội, tháng 4/1998, 44 tr.
127.(1998) Cao Xuân THỰ & Nguyễn HOÀN, “Trung Quốc đã vẽ bản đồ của họ hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và đặt tên cho chúng như thế nào?”, Tạp chí Khoa Học - Khoa Học Xã Hội, Đại Học Quốc Gia Hà Nội, t XIV, (no 3), 1998, tr 63-68.
128.(1998) Cao Xuân THỰ & Nguyễn HOÀN, "Bản đồ địa lý - một trang sử về chủ quyền”, Tạp chí Khoa Học - Khoa Học Xã Hội, Đại Học Quốc Gia Hà Nội, t XIV, (no 3), 1998, tr 69-71.
129.(1998) Trần Công TRỤC, “Chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”, Tạp chí Khoa Học - Khoa Học Xã Hội (Đại Học Quốc Gia Hà Nội), t XIV, (no 3), 1998, tr 3 -9.
130.(1999) Trần Bá CHÍ, “Một số sách địa lý cổ Trung Quốc đến thế kỷ XX bị ngụy tạo vị trí địa danh nhằm giành chủ quyền quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam”, Tuyển tập các báo cáo toàn văn hội nghị Khoa Học về Lịch Sử, Địa Lý, Pháp Lý, Chủ Quyền của nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa, (Đề tài BĐ - HĐ -01), Bộ Khoa Học Công Nghệ và Môi Trường & Đại Học Quốc Gia, Hà Nội, 1999, tr 34-41.
131.(1999) CHRISTOPHER C. Joyner (bản dịch của Ban Biên Giới Chính Phủ), Tranh chấp của đảo Trường Sa: suy nghĩ lại về tác động qua lại giữa hoạt động ngoại giao và chính trị trong biển Nam Trung Hoa. Trung Tâm Thông Tin Tư Liệu, Hà Nội, 1999, 86 tr.
132.(1999) Nguyễn Văn DÂN, “Địa danh và chủ quyền Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”, Tuyển tập các báo cáo toàn văn hội nghị Khoa Học về Lịch Sử, Địa Lý, Pháp Lý, Chủ Quyền của nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa, (Đề tài BĐ - HĐ -01), Bộ Khoa Học Công Nghệ và Môi Trường & Đại Học Quốc Gia, Hà Nội, 1999, tr 43-56.
133.(1999) Nguyễn Đăng DUNG, “Thủ Đắc lãnh thổ và luật pháp quốc tế”, Tuyển tập các báo cáo toàn văn hội nghị Khoa Học về Lịch Sử, Địa Lý, Pháp Lý, Chủ Quyền của nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa, (Đề tài BĐ - HĐ -01), Bộ Khoa Học Công Nghệ và Môi Trường & Đại Học Quốc Gia, Hà Nội, 1999, tr 69-75.
134.(1999) Nguyễn HẠP (người dân sinh trưởng trong gia đình có truyền thống lâu đời đi biển ở Cù Lao Ré, nay ở thôn Đông, xã Lý Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn), Sơ đồ thuyền buồm truyền thống tại Cù Lao Ré được sử dụng đi Biển Đông trong đó có Hoàng Sa, (vẽ theo tư liệu còn lưu giữ trong dân gian tại thôn Đông, xã Lý Hải, quận đảo Lý Sơn (trước đây thuộc Phường hay Hộ An Vĩnh, Cù Lao Ré), 1999.
135.(1999) Phạm HÂN, “Hoàng Sa và Trường Sa trong lịch sử”, Lịch Sử Sự Thật và Sử Học (tuyển tập trong báo Xưa và Nay), Nxb Trẻ và Tạp chí Xưa và Nay, Hà Nội, tháng 12/1999, tr 175 -182.
136.(1999) Phạm Kim HÙNG, "Mưu đồ của Trung Quốc thôn tính các quần đảo ở Biển Đông và luận điệu bịp bợm của học giả Trung Quốc”, Tuyển tập các báo cáo toàn văn hội nghị Khoa Học về Lịch Sử, Địa Lý, Pháp Lý, Chủ Quyền của nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa, (Đề tài BĐ - HĐ -01), Bộ Khoa Học Công Nghệ và Môi Trường & Đại Học Quốc Gia Hà Nội, Hà Nội, 1999, tr 18-33.
137.(1999)Nguyễn Quốc HUYÊN, “Thử bàn về những đặc điểm của cuộc tranh chấp hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa", Tuyển tập các báo cáo toàn văn hội nghị Khoa Học về Lịch Sử, Địa Lý, Pháp Lý, Chủ Quyền của nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa, (Đề tài BĐ - HĐ -01), Bộ Khoa Học Công Nghệ và Môi Trường & Đại Học Quốc Gia Hà Nội Hà Nội, 1999, tr 52-63.
138.(1999) Nguyễn Thừa HỶ, “Quần đảo Hoàng Sa trong thế kỷ XVII - XVIII nhìn từ Phương Tây”, Tuyển tập các báo cáo toàn văn hội nghị Khoa Học về Lịch Sử, Địa Lý, Pháp Lý, Chủ Quyền của nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa, (Đề tài BĐ - HĐ -01), Bộ Khoa Học Công Nghệ và Môi Trường & Đại Học Quốc Gia, Hà Nội, 1999, tr 1-2.
139.(1999) Nguyễn Quang NGỌC, “Bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông : một hoạt động nổi bật của vương triều Tây Sơn”, Tạp chí Lịch Sử Quân Sự, Hà Nội, (số 1), 1999, tr 15 - 18.
140.(1999) Võ Văn QUÂN, “Nhìn lại thành tựu nghiên cứu lịch sử chủ quyền Việt Nam ở Hoàng Sa, Trường Sa”, Tuyển tập các báo cáo toàn văn hội nghị Khoa Học về Lịch Sử, Địa Lý, Pháp Lý, Chủ Quyền của nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa (Đề tài BĐ-HD-01), Bộ Khoa Học Công Nghệ và Môi Trường &Đại Học Quốc Gia, Hà Nội, 1999, tr 1-2.
141.(1999) RAMSES, Arner (bản dịch của Ban Biên Giới Chính Phủ), “Các tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và Việt Nam và sự ổn định khu vực”, Đông Nam Á Hiện Đại, tập 19 (số 1), tháng 6/ 1997, 47tr.

II. Tài liệu tiếng Anh - Pháp

142.(1837) Jean Louis TABERD, “Note on the Geography of Cochinchina”, Journal of the Royal Asiatic Society of Bengal, Calcutta, bộ VI, 9/1837.
143.(1838) Jean Louis TABERD, “Additional Notice on the Geography of Cochinchina”, Journal of the Royal Asiatic Society of Bengal, Calcutta, bộ VII, 4/1838, pp 317 - 324.
144. (1849) GUTZLAFF, “Geography of the Cochinchinese Empire”, Journal of The Geographical Society of London, vol the 19th, p 93.
145.(1896) M.G DUMOUTIER, Étude sur un portulan Annamite du XVè siècle”, Bulletin de géographie historique et descriptive. Paris, (no 2), 1896, 64p.
146.(1923) A. SALLES, “La mémoire sur la Cochinchine de Jean Baptiste Chaigneau”, Bulletin des Amis du vieux Huế, X, (no 2), April - Juin 1923, pp 253 - 283.
147.(1927) A. KREMPF, “La forme des Récifs Coralliens et le Régime des Vents Alternants, Rapport du Conseil du gouvernement sur le Fonctionnement du Service Océanographique des P(ches de l’Indochine pendant l’année 1926 – 1927”. Mémoire du Service Océanographique de l’Indochine, Saigon,(no 2), 1927, pp 26 - 28.
148.(1929) Henri CUCHEROUSSET, “La question des Iles Paracels”, Éveil Économique de l’Indochine, Hà Nội, (no 606), 27/01/1929, pp 1- 4; (no 622), 19/05/1929, pp 10 - 11; (no 623), 26/05/1929, pp 10 - 11.
149.(1929) Henri CUCHEROUSSET, "Les droits de l’Annam sur les Iles Paracels et les Devoirs du Gouvernement Protecteur”, Éveil Économique de l’Indochine, Hà Nội, (no 627), 23/06/1929, pp 1 - 2.
150.(1929) P.A. LAPICQUE, “A Propos des Iles Paracels, Extrême – Asie”. Revue Indochinoise Illustrée, Saigon, (no 38), 1929, pp 605 - 616.
151.(1930) J. DE LACOUR, et JABOUILLÉ, “Oiseaux des Iles Paracels”, Mémoire du Service Océanographique de l’Indochine, Gouvernement Général de l’Indochine, Saigon, (no 3), 1930, 24 p.
152.(1931) Henri CUCHEROUSSET, “Les Iles Paracels et la sécurité de l’Indochine”, Éveil Économique de l’Indochine, Saigon, (no 685), 10/05/1931, pp 1- 2.
153.(1931) Henri CUCHEROUSSET, “L’ Indochine aux Paracels”, Éveil Économique de l’Indochine, Saigon, (no 688), 31/05/1931, pp 3- 4.
154.(1931) Gustave SALÉ, “Les Iles Paracels / Les Iles Paracels et la Sécurité en Extrême –Orient”, Éveil Économique de l’Indochine, Saigon, (no 705), 27/09/1931, pp7.
155.(1931) Gustave SALÉ, “Les Iles Paracels et la Sécurité en Extrême-Orient”, Avenir du Tonkin, (no 10495), 17/04/1931, pp 2.
156.(1932) Henri CUCHEROUSSET, “Histoire Moderne des Iles Paracels”, Éveil Économique de l’Indochine, Saigon, (no 744), 03/07/1932, pp1-2; (no 746), 17/07/1932, pp 2 -4.
157.(1932) Alexis Elie LACOMBE,” L’histoire Moderne des Iles Paracels”, Éveil Économique de l’Indochine, Saigon, (no 738), 22/05/1932, pp 5 - 6.
158.(1932) Pierre PASQUIER, “L’histoire Moderne des Iles Paracels”, Éveil Économique de l’Indochine, Saigon, (no 741), 12/06/1932, pp 4 -5.
159.(1933 ) Olivier A SAIX, “Iles Paracels”, La Géographie, (LX), 11/12/1933, pp 232 - 243.
160.(1933) Paul Maurice CLERGET, "Les phosphates des Paracels”, Éveil Économique de l’Indochine, (no 785), 23/04/1933, pp 7 - 12.
161.(1933) Henri CUCHEROUSSET, “À la conquête des Iles Phosphates à Spratley”, Éveil Économique de l’Indochine, Saigon, (no 790), 28/05/1933, pp 1- 3.
162.(1933) Henri CUCHEROUSSET, “La question des Paracels”, Éveil Économique de l’Indochine, Saigon, (no 777), 26/02/1933, pp 1- 3.
163.(1933) Sauvaire - JOURDAN, Commandant. “Les Paracels Infiniment Petits de Notre Domaine Colonial”, La Nature, Paris, 61è année, 2è semestre, (no 2916), 01/11/1933, pp 385 - 387.
164.(1933) Le Gouverneur De La Cochinchine, Officier De La Légion D'honneur, Arrêté le 21 Décembre 1933 de J. Khrautheimer, Kho lưu trữ Trung Ương 2, TP HCM, chưa đề số hiệu.
165.(1933) Ministère des Affaires Étrangères: “Avis relatif à l'occupation de certaines iles par des unités navales pansacrés”, Journal officiel, 25 Juillet 1933, p 7794.
166.(1934) P. CHEVEY, “Iles et Récifs de Coraux de la Mer de Chine”, Bulletin de la Société des Études Indochinoises, Saigon, IX, (no 4), 10/12/1934, pp 48 - 56.
167.(1939) B.B, “Les Iles Spratley”, L’Asie Française, Paris, XXXIX, (no 369), Avril/ 1939, pp 123 - 124.
168.(1939) Gouverneur Général De L'indochine, “Arrêté no 3282 le 5 Mai 1939 de J Brévié”, Bulletin Administratif de l'honneur, Saigon, 1939, pp 872.
169.(1941) Jean Yves CLAEYS, “Journal de Voyage aux Paracels”, Indochine, Hà nội, (no 44), 30/07/1941, pp 7 - 13; (no 45), 10/07/1941, pp 6 - 8; (no 46), 17/07/1941, pp 4 - 7.
170.(1951) Raoul SERENE, “Petit histoire des Paracels”, Sud - Est Asiatique, Bruxelles, (no 19), Janvier , 1951, pp 37 - 42.
171.(1955) E. SAURIN, “Notes sur les Iles Paracels”, Archives Géologiques du Vietnam, Centre National de Recherches Scientifiques et Techniques, Saigon, (no 3), 1955, pp 3 - 39.
172.(1955) Raoul SERENE, “L’institut Océanographique de Nhatrang et la Zoologie Marine au Vietnam”, Contribution, Saigon, (no 15), 1955.
173.(1957) Henri FONTAINE et Lê Văn HỘI, “Contribution à la Connaissance de la flore des Iles Paracels”, Annales de la Faculté des Sciences, Université de Saigon, 1957, pp 133 - 137.
174.(1957) E. SAURIN, “A propos des Galets Exotiques des Iles Paracels”, Archives Géologiques du Vietnam, I.N.D.E.O, Saigon, (no 4), 1957, pp 9.
175.(1958) E. SAURIN, “Faune Malacogique Terrestre des Iles Paracels”, Contribution, l’Institut Océanographique de Nha Trang, (no 39), 1958, pp 69 - 76.
176.(1960) Edmound SAURIN, “Gastéropodes marins des Iles Paracels”, Annales de la Faculté des Sciences, Saigon, 1960, pp 195 - 216; 1961, pp 177 - 198.
177.(1960) Head Quarters, Us Army, Broadcasting a visual activity Pacific, OPO 331. Analysis The Spratley, Paracel Island dispute> 10p. (lưu trữ tại University of California, Los Angeles, Jun 29 1962, library Govt. Publics Room)
178.(1962) E. SAURIN, “Lamellibranches des Iles Paracels”, Annales de la Faculté des Sciences, Université de Saigon, pp 435 - 446.
179.(1971) Lê Thành KHÊ, “L’affaire des Iles Paracels et Spratley devant le droit International”, Thèse 3ème cycle, Institut International d’Études et de Recherches Diplomatiques, Paris, 1971, 298 pages thư viện ASE (2 rue Tournon), (no 3940).
180.(1972) Charles ROUSSEAU, "Chine, France, Japon, Philippines et Vietnam, Différant concernant l’Appartenance des Iles Spratley - Rappel des Controverses Relatives à l’Exercice de la Souveraineté sur cet Archipel Survenues de 1933 à 1939 entre la France et le Japon et depuis 1951 entre la Chine, les Philippines et le Sud Vietnam - Évolution du Différence au cours de l’année 1971 - Difficultés Analogues Survenues de 1931 à 1950 entre la France et la Chine et depuis 1959 entre le Vietnam et la Chine - Relativement à l’Appartenance des Iles Paracels”, Revue Général de Droit International Public, LXXVI, 3, Juillet - Septembre , 1972.
181.(1974)Võ Long TÊ, Les Archipels de Hoàng Sa et de Trường Sa. Selon les Anciens Ouvrages Vietnamiens d’Histoire et de Géographie. Bộ Văn Hoá Giáo Dục và Thanh Niên, Sàigòn , 1974, 201p .
182.(1975) Ministry Of Foreign Affairs, Republic Of Vietnam, White paper on the Hoàng Sa (Paracel) and Trường Sa (Spratly) Island. Saigon, 1975, 103p.
183.(1981) Ministry Of Foreign Affairs, Socialist Republic Of Vietnam, The Hoàng Sa (Paracel) and Trường Sa (Spratley) Archipelagoes Vietnamese Territories. 43p.
184.(1989) P.B. LAFONT, “Les Archipels Paracels et Spratley. Un conflit de frontières en Mer de Chine Méridionale”. Les Frontières du Vietnam. Édition l’Harmattan, Paris, 1989, pp 244 - 260 - 261.
185.(1990) R. Haller -TROST, “The Spratley Island - A study on the limitation of International law”, The occasional Paper, Centre of South - East Asian study, university of Kent at Canterburry, (no 14), 95p.
186.(1991) Mark J VALENCIA, “Malaysia and law of the sea”, The foreign policy issues, the options and their implications. Institut of Strategie and International studies, Malaysia, 1991, 155p.
187.(1995) David HANCOX and Victor PRESCOTT, “A geographical discription of the Spratly islands and Account of hydrographic surveys amongst those islands”, Maritime Briefing, University of DunhanEngland, volume 1, (no 6), 1995, 87p.
188.(1996) M.C. GENDREAU. La Souveraineté sur les Archipels Paracels et Spratley. Édition l’Harmattan, Paris, 1996, 306p.
189.(1996) Lưu Văn LỢI, Les Différends Vietnamo - Chinois sur les Archipels Hoàng Sa et Trường Sa. Editions Thế Giới, Hà nội, 1996, 140 p.
190.(1996) Nguyễn Hồng THAO, “Le VietNam face aux problèmes de l'Extension maritime dans la mer de Chine Méridionale, T 1&2”, Thèse pour le doctorat Droit, l'université de Paris I, Panthéon - Sorbonne, 1996, 994p.

HẾT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét