Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc
Việt Nam
Bình-nguyên Lộc
Chương II
Những
sai lầm căn bản của quý ông H. Maspéro, L. Aurousseau, Nguyễn Phương, Kim Định và Trần Kinh Hoà
A. Sự
thật về các chủng Mông Gô Lích
I. Bắc
và Trung Mông Gô Lích
Theo sử
gia Nguyễn Phương thì dân ta là người Tàu thuần chủng.
Thật ra,
sử gia không hề có thốt ra hai tiếng “thuần chủng”; nhưng trong sách, sử gia
luôn luôn viết: “Người ta (người Tàu) sẽ loại người man-di (Lạc Việt) ra khỏi
hàng ngũ công dân” (trang 244), hay là: “Sự giống nhau giữa ta và Tàu là một sự
dời chuyển cả người lẫn phong tục, tập quán, tôn giáo” (trang 230). Cũng ở
trang 230, sử gia viết: “Người Trung Hoa đã, đợt nầy rồi đợt khác, sang thực
dân tại đây, và cuối cùng khi mọi sự đã tỏ ra thuận lợi, đã đứng dậy, lập một
nước riêng, nước Việt Nam”.
Thế nên
ngoài quyển sách nói trên, ở các tạp chí, sử gia đã cố chứng minh rằng Lý Công
Uẩn, Đinh Bộ Lĩnh là người Tàu, nhưng ông chưa thành công.
Sử gia
lại viết: “Dân Việt Nam
là người Trung Quốc di cư sang trong thời Bắc thuộc”. Câu nầy được in bằng chữ
đậm, chữ tít (trang 231).
Hơn thế,
ở trang 335, sử gia còn quả quyết rằng, mặc dầu người Tàu ở đất Việt có lai
Chàm và “các thứ dân khác” về sau, nhưng những dân đó không có làm cho Tàu cải
biến (Chính sử gia đã gạch dưới dòng để nhấn mạnh rằng cả đến ngày nay, ta vẫn
cứ là Tàu, không cải biến.
Sử gia
lại viết rằng sau Mã Viện thì ở đất cổ Việt, có sự dời đổi con người, tức dân
Lạc Việt đi mất hết hoặc bị tiêu diệt hết, và dân Tàu đến thay thế. Hai tiếng
dời đổi không thể có nghĩa nào khác hơn.
Những
câu sử như thế có nghĩa không thể chối cãi rằng dân Việt Nam là dân Tàu thuần
chủng, hai tiếng không hề được thốt ra, nhưng ai cũng lắng nghe được, bởi vì
cuộc hợp chủng với thổ dân quá nhỏ, không làm cải biến người Tàu kia mà.
Bao
nhiêu chứng tích mà sử gia đưa ra, đều là chứng tích di cư không hề có chứng
tích hợp chủng, và những tiếng hợp chủng, lai giống, chỉ được thốt ra có một
lần, nhưng được gỡ gạc lại ngay bằng ba tiếng “không cải biến”.