Người theo dõi

Thứ Hai, 12 tháng 12, 2016

HOÀNG HẠC LÂU VÀ TÔI

  
HOÀNG HẠC LÂU VÀ TÔI
Sự tương đồng về văn hóa Việt Nam và Trung Quốc đã tạo nên một sự đồng cảm sâu sắc trong các loại hình văn học nghệ thuật. Nhưng sự đồng cảm trong thi ca thì có một vị trí rất đặc biệt, nhất là thơ Đường, những ai có một chút hồn thơ, cho dù không biết làm thơ, đều có thể cảm nhận được Tỳ Bà Hành, Phong Kiều Dạ Bạc, Thanh Bình Điệu, Lương Châu Từ, Bạc Tần Hoài… Nhưng có lẽ Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu lại làm cho các nhà thơ Việt Nam đắm đuối nhất. Bản dịch của Tản Đà đã làm say lòng bao nhiêu người yêu mến thi ca. Nhưng điều đó không làm chùng bước những người đi sau ông. Tất cả bằng sự cảm nhận của riêng mình để vung tay múa bút lao vào một nơi mà chính Lý trích tiên cũng phải rùng mình. Sự hay, dở gần như bị triệt tiêu để cho hồn thơ của những người đi sau tha hồ mà mơ mộng và đưa họ vào giấc viễn du. Kẻ ba trợn này cũng thế. Tôi đã năm lần bị thôi thúc và đã bước đi. Mỗi một bước đi là một niềm kỳ thú của riêng mình. Và cũng không chắc là sẽ dừng bước ở mai sau. Tất nhiên, cũng còn có nhiều cao nhân đã đi rồi mà chưa lên tiếng và có lẽ trên đời này, nếu mộng mơ còn, chắc chắn rằng sẽ còn có người tìm đến Hoàng Hạc Lâu. Biết đâu mai sau sẽ có một trăm, một ngàn hay nhiều hơn nữa những bản dịch mang theo một tâm hồn mộng mơ của thời đang sống.

Nhưng trước khi đọc các bản dịch thì theo tôi, có lẽ nên đọc Hoàng Hạc Lâu của Nguyễn Du
黃鶴樓
何處神仙經幾時,
猶留仙跡此江湄?
今來古往爐生夢,
鶴去樓空崔顥詩。
檻外煙波終渺渺,
眼中草樹尚依依。
衷情無限朋誰訴,
明月清風也不知。

Hòang Hạc lâu
Hà xứ thần tiên kinh kỷ thì
Do lưu tiên tích thử giang mi ?
Kim lai cổ vãng Lư sinh mộng
Hạc khứ lâu không Thôi Hạo thi
Hạm ngoại yên ba chung diểu diểu
Nhãn trung thảo thụ thượng y y
Trung tình vô hạn bằng thùy tố
Minh nguyệt thanh phong dã bất tri

Nguyễn Du
Lầu Hồng Hạc
Thần tiên khuất bóng lâu rồi
Dấu xưa phai nhạt ngậm ngùi bến sông
Lư sinh giấc mộng còn mong
Câu thơ Thôi Hiệu lầu không hạc về
Chập chờn khói sóng lạnh tê
Hàng cây nắng biếc vẫn về long lanh
Lòng đây mang một tấm tình
Làm sao gió mát trăng thanh thấu giùm
Nguyễn Hiền Nhu

Bây giờ, xin gởi đến những bản dịch mà tôi được biết và năm bản dịch trong năm thời điểm khác nhau của tôi như là một sự làm quen.
Tôi không bao giờ dám nghĩ những bước đi của mình như là làm một cuộc so sánh để khen chê. Bởi vì, mỗi con người đều có những cảm nhận của riêng mình trước một bông hoa đẹp, một bài thơ đẹp. Sự cảm nhận của từng người tùy thuộc vào tình cảm và thời đại mà người đó sống. Bước chân đến Hoàng Hạc Lâu bằng một tâm sự của riêng mình, bằng sự gởi gắm tấm lòng mình cho ai đó hay gì gì cũng được. Nếu có, thì chỉ là một điều gì đó như học thêm để biết để hiểu những loại hình ngôn ngữ của một thời đã qua.
Tôi mong rằng sẽ còn được thêm nhiều bản dịch nữa để có thêm người đồng điệu. Xin chân thành cảm ơn.

  
      
      
      
      
      
      
      
    使  
                
   HOÀNG HẠC LÂU
Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ,
Thử địa không dư Hoàng Hạc Lâu ?
Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản,
Bạch vân thiên tải không du du.
Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ,
Phương thảo thê thê Anh Vũ châu.
Nhật mộ hương quan hà xứ thị,
Yên ba giang thượng sử nhân sầu.
                    Thôi Hiệu

Người tiên xưa cưỡi hạc vàng cút,
Ở đây chỉ những lầu hạc trơ.
Hạc vàng đã cút chẳng về nữa,
Mây trắng nghìn năm còn phất phơ.
Sông bọc Hán Dương cây xát xát,
Cỏ liền Anh Vũ bãi xa xa.
Ngày chiều làng cũ đâu chăng tá?
Mây nước trên sông khách thẫn thờ.
               Tùng Vân Nguyễn Đôn Phục


      Hạc vàng ai cưỡi đi đâu.
Mà nay Hoàng Hạc riêng lầu còn trơ.
      Hạc vàng bay mất từ xưa,
Nghìn năm mây trắng bây giờ còn bay.
      Hán Dương sông tạnh cây bày,
Bãi xa Anh Vũ xanh đầy cỏ non.
      Quê hương khuất bóng tà dương, 
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai.
                   10.10.1937 TẢN ĐÀ

  
Người xưa cưỡi hạc đã lên mây.
Lầu hạc còn suông với chốn này.
Một vắng hạc vàng xa lánh hẳn,
Nghìn năm mây bạc vẩn vơ bay.
Vàng gieo bến Hán ngàn cây hửng
Xanh ngát châu Anh lớp cỏ dày.
Trời tối quê hương đâu tá nhỉ ?
Đầy sông khói sóng gợi niềm tây.
                         Ngô Tất Tố

Người xưa cưỡi hạc vàng bay mất,
Lầu hạc vàng trơ đứng chỗ này.
Hạc vàng một đi không trở lại,
Mây trắng ngàn năm vơ vẩn bay.
San sát bóng cây sông Hán đó,
Dầu dầu ngọn cỏ bãi Anh đây.
Quê nhà trời tối nào đâu nhỉ?
Sóng khói tuôn sầu nhớ chẳng khuây.
             Vô Danh (có lẽ là Nguyễn Hiến Lê)

Người đi cưỡi hạc từ xưa
Đất này Hoàng Hạc còn lưa một lầu
Hạc vàng bay mất đã lâu
Ngàn năm mây trắng một màu mênh mông
Hán Dương cây bóng lồng sông
Bi kia Anh Vũ cỏ trông xanh rì
Chiều hơm lai láng lòng quê
Khĩi bay sĩng vỗ ủ ê nỗi sầu
Trần Trọng Kim

Người xưa cưỡi hạc bay đi mất,
Riêng lầu Hoàng Hạc vẫn còn đây.
Hạc đã một đi không trở lại,
Man mác muôn đời mây trắng bay.
Hán Dương sông lạnh cây im thắm,
Anh Vũ bờ thơm cỏ biếc dày.
Chiều tối quê nhà đâu chẳng thấy,
Trên sông khói sóng gợi buồn ai.
                        Trần Trọng San




Người xưa cưỡi hạc đã xa bay.
Hoàng Hạc lầu không vẫn chốn này.
Mây trắng ngàn năm lơ lửng mãi,
Hạc vàng một tếch khuất trùng ngay.
Hán Dương sông tạnh cây phô sắc,
Anh Vũ cồn xa cỏ mọc dày.
Chiều muộn quê nhà đâu khuất bóng?
Trên sông khói sóng gợi buồn thay.
                  Nguyễn Quảng Tuân

Cưỡi hạc người xưa đi đã lâu.
Còn đây Hoàng Hạc chỉ trơ lầu.
Hạc vàng biền biệt từ xưa ấy,
Mây trắng lững lờ đứng mãi sau.
Sông tạnh Hán Dương cây lắng bóng,
Bãi thơm Anh Vũ cỏ tươi màu.
Chiều buồn quê cũ nơi nào nhỉ?
Khói sóng trên sông giục khách sầu.
                     Nguyễn Khuê

Ai cưỡi hạc vàng bay mất hút
Trơ lầu Hoàng Hạc chốn này thôi
Hạc vàng một đi đã đi biệt
Mây trắng ngàn năm bay chơi vơi
Sông tạnh Hán Dương cây sáng ửng
Cỏ thơm Anh Vũ bãi xanh ngời
Hoàng hôn về đó, quê đâu tá?
Khói sóng trên sông não dạ người
                     Khương Hữu Dụng

Xưa hạc vàng bay vút bóng người.
Đây lầu Hoàng Hạc chút thơm rơi.
Vàng tung cánh hạc đi đi mất,
Trắng một màu mây vạn vạn đời.
Cây bến Hán Dương còn nắng chiếu,
Cỏ bờ Anh Vũ chẳng ai chơi.
Gần xa chiều xuống đâu quê quán,
Đừng giục cơn sầu nữa sóng ơi.
               2.12.76  Vũ Hoàng Chương

I

Người xưa đã cỡi hạc vàng bay.
Hoàng Hạc lầu trơ ở chốn này.
Một thoáng hạc vàng không trở lại,
Ngàn năm mây trắng thẩn thơ bay.
Bãi xanh Anh Vũ thơm thơm cỏ,
Sông tạnh Hán Dương sáng sáng cây.
Quê cũ đâu rồi chiều đã xuống,
Trên sông khói sóng não nùng thay.


II
       Hạc vàng ai cỡi ngàn xưa,
Mà đây Hoàng Hạc lầu trơ đứng chờ…
                  Hạc vàng đi, bỏ trời mơ,
Nghìn năm mây trắng lững lờ vấn vương.
       Tạnh sông, cây sáng Hán Dương,
Bãi  xa  Anh  Vũ  xanh  rờn  cỏ  tươi.
       Chiều rơi quê cũ đâu rồi?
Trên sông khói sóng khiến người buồn lây.
                      Trương Đình Tính
           

     Hạc vàng tiên cưỡi bay rồi,
Bãi không còn lại một ngôi lầu vàng.
     Lầu vàng hạc chẳng quay sang,
Ngàn năm mây trắng mênh mang nỗi buồn.
     Tạnh mưa giòng nước xanh tuôn,
Cây xa in bóng, cỏ gần ngát hương.
       Hoàng hôn đâu bóng quê hương?
Trên sông khói sóng buồn thương nỗi lòng.
                       7.11.94 Nguyễn Danh Đạt


Hạc vàng người trước cưỡi đi rồi.
Lầu trống còn tên Hoàng Hạc thôi.
Một thuở hạc vàng không trở lại,
Nghìn năm mây trắng vẫn đang trôi.
Hán Dương cây đứng soi sông sáng,
Anh Vũ cỏ non biếc bãi bồi.
Chiều tối quê hương nhìn chẳng thấy,
Trên sông khói sóng dạ bồi hồi.
                        Nguyễn Huệ Chi


Người xưa cỡi hạc vàng mất hút
Lầu hạc vàng trơ lại chốn này
Một hạc vàng đi chẳng trở lại
Ngàn năm mây trắng bay bay hoài
Hán Dương sông tạnh, cây in rõ
Anh Vũ bãi thơm, cỏ mượt dày
Trời tối quê nhà đâu đó tá?
Sông mờ khói sóng giục buồn thay
                              Chính Tâm

Người cưỡi hạc vàng xưa vắng bóng
Riêng lầu Hòang Hạc cảnh chơ vơ
Hạc vàng một thống đii biền biệt
Mây trắng bao đời vẫn nhởn nhơ
Bến tạnh Hán Dương cây bát ngát
Bãi hoang Anh Vũ cỏ lưa thưa
Chiều tà gợi nhớ đâu quê quán
Khói sóng trên sông khách ngẩn ngơ
                           Thích Đức Nhuận

-LẦU HOÀNG HẠC 
Ai, người cỡi hạc vàng đi mãi
 
Còn lại nơi đây Hoàng Hạc lầu
 
Chim hạc thần bay từ hội ấy
 
Tầng mây trắng toả tới ngàn sau
 
Hán Dương cổ thụ soi sông lạnh
 
Anh Vũ bãi bồi ngát thảo dâu
 
Trời sụp tối quê hương khuất nẻo
 
Buồn vương khói sóng ta thêm sầu...
 
Chân Khanh

Người xưa cỡi hạc vàng bay
Bỏ không lầu hạc đất này chơ vơ
Hạc xa chẳng lại bao giờ
Ngàn năm lơ lửng nỗi chờ trắng mây
Hán Dương cây hửng sông đầy
Bãi xanh Anh Vũ ngút đầy cỏ hương
Chiều tà khuất bóng quê thương
Trên sông khói sóng khơi buồn lòng ai
                             Trương Nam Hương.


Bên lầu Hoàng Hạc 
Người xưa cởi hạc về đâu 
Còn đây Hoàng Hạc dãi dầu nắng mưa 
Hạc vàng đã khuất từ xưa 
Nghìn năm mây trắng hững hờ bay bay 
Hán Dương cây nước u hoài 
Cỏ non Anh Vũ xanh dài nhớ thương 
Quê hương khuất nẻo chiều buôn 
Đầu sông khói tỏa buồn vương vương buồn 
Võ Thị Xuân Đào

Người xưa cỡi hạc đã đi rồi 
Lầu Hạc còn trơ đất cũ thôi 
Một thoáng hạc vàng xa thẳm lánh 
Ngàn năm mây trắng lững lờ trôi. 
Hán Dương sông tạnh hàng cây thắm 
Anh Vũ bờ xanh lớp cỏ tươi (2) 
Lai láng lòng quê chiều lữ thứ 
Trên sông khói sóng dạ bồi hồi. 
Trần Nhất Lang


Thư thả người xưa vui cưỡi hạc 
Bỏ đây lầu hạc trống buồn tanh 
Hạc vàng một vút đà bay mất 
Mây trắng ngàn năm vẫn dạo quanh. 
Nắng rán la đà cây bến Hán 
Thảm xanh phơn phớt cỏ châu Anh. 
Chiều buông mờ nẻo đường quê quán 
Khói sóng buồn dâng dạ lữ hành. 
Nguyễn Phước Hậu

Từ hạc vàng bay quên cánh mỏi 
Để lầu vàng một cõi bơ vơ 
Xa rồi bóng hạc khuất mờ 
Chỉ còn mây trắng lửng lơ lưng trời 
Nhìn Hán Dương cây soi bóng ngả 
Cỏ bãi Anh xanh cả môt vùng 
Tình quê chợt dậy trong lòng 
Lênh đênh khói sóng, não nùng tâm tư 
Nguyễn Tâm Hàn 


Hạc đã xa bay 
Người tiên không trở lại 
Lầu cũ còn đây 
Năm tháng đứng trông ai 
Vỗ cánh biệt tăm hạc vàng không về nữa 
Ngàn năm bàng bạc chỉ mây trắng lưng trời 
Cây chốn Hán Dương 
lạnh lùng soi bóng nước 
Bãi xa Anh Vũ 
Cỏ ngày tháng xanh tươi 
Quê hương giờ đâu… 
bóng chiều dần phủ xuống 
Sương khói mờ sông 
tâm trĩu nặng… tơi bơi 
NguyễnTâmHàn

Người xưa đi mất với hạc vàng, 
Đây lầu Hoàng Hạc đứng trơ gan. 
Một thuở hạc vàng đi biền biệt, 
Nghìn năm mây trắng bay miên man. 
Sông tạnh Hán Dương cây rạng rỡ, 
Cỏ thơm Anh Vũ bãi ngút ngàn. 
Quê nhà mờ khuất chiều lặng tắt, 
Sông sầu khói sóng, dạ nát tan. 
Phụng Hà

Người xưa cỡi hạc xa rồi 
Lầu vàng vẫn đứng trông vời xa xăm 
Hạc bay biền biệt mù tăm 
Lưng trời mây trắng ngàn năm lững lờ 
Hán Dương cây đứng ơ thờ 
Bãi Anh Vũ trải một bờ cỏ xanh 
Chiều buông hẳn nhớ quê mình? 
Nhìn theo khói sóng mông mênh nỗi sầu 
SongNguyễn HànTú

Xa rồi hoàng hạc hút chân mây 
Lầu vắng chơ vơ đứng chốn này 
Từ thuở hạc vàng xa xôi khuất 
Còn đây mây trắng lững lờ bay 
Hán Dương cao vút cây vươn đứng 
Anh Vũ xanh mơn cỏ mọc dầy 
Chiều xuống lòng vương sầu viễn xứ 
Nhìn theo khói sóng chạnh niềm tây 
SongNguyễn HànTú

Người xưa cưỡi hạc vàng bay đi mất 
Để tòa nhà nay gọi Hoàng Hạc Lâu 
Hạc bay đi mãi mãi chẳng quay đầu 
Mây trắng vẫn ngàn năm bay lờ lững 
Bờ sông mát Hán Dương cây còn đứng 
Cỏ thơm xanh bãi Anh Vũ khoe màu 
Trời chiều rồi quê cũ vọng về đâu? 
Trên sông nước khói sóng mờ buồn quá . 
Nguyễn Minh

Người xưa cưỡi hạc đi rồi 
Chỉ còn lầu Hạc lẻ loi chốn này 
Hạc vàng chẳng trở về đây 
Ngàn năm mây trắng còn bay giữa trời 
Cỏ thơm Anh Vũ bời bời 
Hán Dương cây tốt rạng ngời sông sâu 
Hoàng hôn quê ở nơi đâu 
Lặng nhìn khói sóng gợn sầu trên sông. 
Nguyễn Thành Ân

Trần Văn Thường
Người xưa cỡi hạc đi rồi 
Để cho lầu hạc nơi này trống không. 
Hạc vàng đi mãi không hoàn 
Nghìn năm mây trắng vẫn còn bay bay. 
Hán Dương sông tạnh cây bày 
Bãi xanh Anh Vũ rậm dày cỏ thơm. 
Quê nhà đâu nhĩ hòang hôn? 
Trên sông khói sóng khiến buồn người ta! 
Hạ Huyền


Lầu Hạc vàng 
(Bản dịch 1) 
Người xưa cưỡi hạc lên trời 
Để trên mặt đất nằm phơi lầu này 
Hạc vàng về chốn xa xăm 
Ngẩn ngơ mây trắng ngàn năm lạc bày 
Hán dương tạnh rõ từng cây 
Bãi Anh vũ cỏ thơm dày mướt xanh 
Lầu cao, chiều ngóng quê mình 
Sông dày khói sóng, thi nhân nổi sầu 

(Bản dịch 2) 
Hạc vàng đưa người xưa đi đâu  

Trơ giữa chiều vàng hoàng Hạc lâu 
Cõi trời thăm thẳm, xanh ngơ ngác 
Ngàn năm cô quạnh, mây bạc đầu 
Cổ thụ Hán Dương xanh vời vợi 
Cỏ mềm Anh Vũ mượt mà thơm 
Khói sóng sông chiều sầu khôn nói 
Cố hương xa ngóng ngẩn ngơ buồn. 
Trần văn Thường

Hạc vàng, người cỡi di rồi, 
Nơi đây, lầu Hạc bên trời bơ vơ. 
Hạc đi, trở lại bao giờ, 
Nghìn năm, mây trắng hững hờ còn bay. 
Hán-Dương, sông bóng hàng cây, 
Bãi Anh-Vũ vẫn xanh đầy cỏ thơm. 
Quê hương đâu lúc hoàng hôn, 
Trên sông khói sóng khiến buồn người ta!... 
Anh-Nguyên


Hạc vàng người cưỡi đã đi đâu 
Chốn ấy còn trơ dáng Hạc lầu 
Một vắng phượng hoàng biền biệt mãi 
Nghìn năm mây trắng vẩn vơ trầu 
Hán Dương bến nước cây in bóng 
Anh Vũ bờ thơm cỏ xanh màu 
Lữ thứ chiều nhìn quê khuất bóng 
Trên sông khói sóng gợi u sầu 
Hoàng Thiên Kim

Người xưa cưỡi hạc bay đi mất 
Để Hoàng Hạc đứng thật bơ vơ 
Hạc vàng một thuở khuất mờ 
Nghìn năm mây bạc lững lờ bay bay 
Hán Dương sông tạnh cây soi bóng 
Bến châu Anh cỏ óng xanh màu 
Chiều nhìn chẳng thấy quê đâu 
Mênh mông khói sóng gợi sầu lòng ai? 


xxx

Cỡi hạc người xưa vút tận trời 
Đất này lầu Hạc quá chơi vơi 
Một đi cánh hạc không về nữa 
Mây trắng ngàn năm man mác trôi 
Cây bến Hán Dương dòng nước lặng 
Cỏ bờ Anh Vũ vẫn thơm tươi 
Bâng khuâng chiều xuống đâu quê cũ 
Khói sóng khơi buồn sông nước ơi 
Hoàng Hà Vũ Quang Hân


Hạc đã mang người vút bóng mây 
Còn đây Hòang Hạc trơ vơ đài 
Hạc vàng một thuở đi không lại 
Mây trắng ngàn năm bay vẫn bay 
Hán Dương sông biếc cây soi rợp 
Anh Vũ bãi xanh cỏ mọc đầy 
Quê hương đâu hỡi ! chiều hôm xuống 
Khói sóng đầy sông khiến thở dài 
Mặc Thủy

Lầu Hoàng hạc 
Người xưa cởi hạc biết về đâu, 
Hoàng hạc lầu nay đứng dãi dầu. 
Bay mất,hạc vàng không trở lại, 
Du hoài,mây trắng mãi ngàn sau. 
Hán Dương sông tạnh,cây mờ nắng, 
Anh Vũ cỏ thơm,bãi biếc màu. 
Quê cũ vời trông chiều khuất bóng, 
Trên sông khói sóng khiến ai sầu. 
Viên Thu 


Người xưa cỡi hạc đi đâu 
Mái lầu Hoàng Hạc âu sầu còn đây 
Hạc vàng xa mãi ai hay 
Ngàn năm mây trắng còn bay, bay hoài. 
Hán Dương sông lặng hàng cây 
Cỏ xanh Anh Vũ chạy dài bờ xa 
Chiều buông lòng nhớ quê nhà 
Khói giăng đầu sóng lòng ta gợn buồn. 
Thanh Tâm

Người xưa cỡi hạc bay xa rồi 
Đất cũ còn lầu Hoàng Hạc thôi ! 
Hoàng hạc bay đi không trở lại 
Mây trời dịu dặc mãi còn trôi 
Rặng cây rũ bóng Hán Dương ấy 
Cồn cỏ vương hương Anh Vũ ơi ! 
Quê cũ là đâu chiều vẫn ngóng 
Khói mờ sông vắng dạ bồi hồi !!! 
Lâm trung Phú 

LẦU HOÀNG HẠC
Người xưa cưỡi hạc đã xa bay,
Hoàng Hạc lầu xưa dãi tháng ngày .
Hạc vàng đi mãi không về lại,
Mây trắng nghìn năm mây vẫn bay …
Hán Dương sông tạnh, cây trơ gốc,
Anh Vũ bồ thơm, cỏ mượt dầy .
Chiều xuống quê nhà đâu thấy bóng,
Chỉ thấy đầy sông khói sóng bay …
                          HOÀI NAM dịch
                   (Thân tặng Tôn Nữ Dạ Khê)


… Và tôi ăn theo



Dịch lần I tại Đường Xuồng khi ngồi ngóng về ngôi nhà
cũ ở Thới An (Gò Quao) 5.5.2000
      Người xưa cưỡi hạc bay rồi,
Lầu trơ trọi giữa khoảng trời trống không.
      Hạc bay về chốn vô cùng,
Còn chăng mây trắng ngàn năm thẫn thờ.
      Cây soi sông nắng ơ hờ,
Lao xao ngọn cỏ ven bờ thơm thơm.
      Quê xưa khuất, bóng chiều buông,
Sông đầy khói sóng gieo buồn cho ai.
Quán Tâm Nguyễn Hiền Nhu


Dịch lần II  khi đi trên sông Cái Lớn lúc
6 giờ chiều 9-4-2001 khi thấy thất Cao Đài
ở vàm Thầy Quơn (Vĩnh Hòa, Vĩnh Thuận)
Con hạc vàng và người xưa mất biệt,
Để lầu buồn ngơ ngáo giữa trời không.
Hạc bay đi mà đếch thèm trở lại,
Trời hiu buồn chở mây trắng chạy rong.
Giòng sông tạnh xô hàng cây hắt bóng
Cỏ thơm đầy bãi quạnh rối lung tung.
Quê hương ở nơi nào chiều đỏ choét,
Rã ruột rầu khói sóng tỏa trên sông.
Quán Tâm Nguyễn Hiền Nhu

TP. Rạch Giá 10.2.2007 dịch lần III
khi đọc bài viết của Nguyễn Huệ Chi về bản dịch của Vũ Hoàng Chương          
Người cỡi hạc bay biệt vụt rồi.
Mình êng lầu đứng giữa trời chơi.
Hạc bay tuốt luốt không quay lại,
Mây trắng ơ hờ vẫn mãi trôi.
Sông tạnh trong ngần cây hắt bóng,
Bãi  xa  xanh  biếc  cỏ  thơm  hơi.
Chiều buông tịch mịch hồn quê cũ,
Khói sóng trên sông buốt dạ người.
              Quán Tâm Nguyễn Hiền Nhu

Dịch lần IV khi qua phà Tắc Cậu
nhìn về hướng quê nhà Cái Mới Lớn ngày 15.7.2007
            Ai người cưỡi hạc bay rong
     Để lầu Hoàng Hạc trống không thế này
            Hạc không trở lại nữa rồi
     Tội vầng mây trắng buồn trôi xập xùi
            Cây soi sông nắng ngậm ngùi
     Cỏ xanh biếc phập phều phơi bãi buồn
            Bóng chiều gợi nhớ cố hương
     Khói trên sông tỏa nỗi buồn mang mang
                          Quán Tâm Nguyễn Hiền Nhu

TP. Rạch Giá 23.12.2007 dịch lần V
khi đọc bản dịch của Trương Nam Hương          
Người vẽ hạc rồi cưỡi hạc bay.
Lầu không cô quạnh bấy lâu nay.
Vô tình bay tuốt. Ôi con hạc,
Lơ lửng trôi hoài. Ới bóng mây.
Cây đứng ven sông cùng nắng chiếu,
Cỏ thơm bãi quạnh tỏa xanh đầy.
Cố hương vời vợi trong chiều lạnh,
Gieo buốt chi lòng khói sóng ơi.
Quán Tâm Nguyễn Hiền Nhu
           
            Nhưng có lẽ bài thơ mà tôi đắc ý nhất lại là một bài mà tôi viết khoảng tháng 9 năm 1978 khi tôi theo tàu đò đi buôn gạo lậu cò con. Tôi bất ngờ gặp lại khi lục lọi trong cái túi cũ nát của tôi khi dở ngôi nhà trong quê.

ĐỌC HOÀNG HẠC LÂU Ở VÀM THẦY QUƠN VÀ NHỚ VỀ CÁI MỚI LỚN
Lũ chim dòng dọc bay đi mất,
Để thất Cao Đài mãi đứng không.
Chim đã mù bay về biệt vụt,
Mây còn trắng lốp giữa mênh mông.
Sông quê hửng nắng bần soi bóng,
Bãi quạnh thơm hơi cỏ phập phồng.
Quê cũ chìm đâu trong ráng đỏ,
Buốt lòng thương nhớ khói trên sông.
Quán Tâm Nguyễn Hiền Nhu



TP. Rạch Giá ngày 02.12.2015







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét