Người theo dõi

Thứ Năm, 8 tháng 12, 2016

Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam Chương V Phần 1

Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam
Chương V  Phần 1

Bình Nguyên Lộc

Dấu vết Mã Lai trong xã hội Việt Nam ngày nay 

A - Trống đồng
 


Chúng tôi nói hơi dài ở chương IV nhưng vẫn chưa phải là kiểm soát tiền sử học đúng. Nhưng những cái đã được nói ra, vẫn phải nói, và chỉ bắt đầu từ đây mới là kiểm soát.
Như đã nói, công việc khảo tiền sử trình ra ở trước, đã được giới khoa học thế giới kiểm soát rồi. Nhưng họ chỉ kiểm soát xem công việc làm có đúng phương pháp tiền sử học hay không.
Viết sử phải kiểm soát lại bằng cách khác. Trên nguyên tắc thì tất cả các chủng xưa còn để dấu vết tại đất Việt, đều phải được theo dõi, và chúng tôi đã theo dõi tất cả. Nhưng chỉ có sọ chủng Mã Lai là giống hệt sọ của người Việt Nam, còn sọ Mê-la-nê, sọ Négrito, sọ Miêu, sọ Trung Hoa đều khác, và sẽ trình ra sau, vì thế trong sách nầy chúng tôi cho de tất cả các chủng ấy mà chỉ theo dõi Mã Lai, vì các chủng đó không có để dấu vết trong xã hội ta, trong cơ thể ta. Cuộc theo dõi tất cả các chủng, chỉ làm để mà loại trừ, tốn công bao nhiêu, cũng không được phép viết vào đây, vì nó chẳng dính líu gì đến nguồn gốc dân tộc ta.
Viết sử, như đã nói, phải đo sọ của ta để đối chiếu với sọ của các cổ dân nằm trong lòng đất ta, phải học ngôn ngữ của họ để đối chiếu với ngôn ngữ của ta và nhiều việc phụ thuộc nữa, mà ở chương trước, chúng tôi đã xét đến một mớ chuyện phụ thuộc, đó là sử Tàu về dân Lạc, từ sông Bộc, di cư đi Triều Tiên, nó ăn khớp với tiền sử học.
Nhưng chưa lấy gì làm chắc là dân Lạc đó là ta, mặc dầu xâu chuỗi mà chúng tôi đưa ra rất vững:
Lê = Lạc bộ Trãi = Lại Di

Trong chương nầy, chương lớn nhứt của quyển sách, ta sẽ thấy những chứng tích mà không ai chối cãi được gì nữa hết: Cuộc đối chiếu sọ Việt với sọ của tất cả các dân tộc ở Á Đông, và cuộc đối chiếu ngôn ngữ Việt – Hoa – Mã.
Nếu ta nói tiếng Mã Lai thì tiền sử học và chúng tôi đúng. Bằng như ta nói tiếng Tàu thì sử gia Nguyễn Phương và giáo sư Lê Ngọc Trụ có lý. Còn như mà ta nói một thứ ngôn ngữ riêng biệt thì phải xem ông H. Maspéro và đệ tử của ông là thánh tổ vì các ông cho rằng ta là một chủng riêng biệt.
Xin nhớ. Chương nầy là tất cả quyển sách, và là chương quan trọng nhứt của tác phẩm, vì chứng minh không xong là đổ vỡ hết, và người khác sẽ lập ra một thuyết khác nữa, còn chúng tôi phải thủ phận đi học lại tất cả trong mười năm nữa, cũng như đã học trên 10 năm rồi để viết quyển sử nầy.
Hai ông Lê Văn Siêu và Nguyễn Phương đều tin mạnh rằng không còn dấu vết nào về xã hội Việt Nam cổ thời. Đồng quan điểm, nhưng hai ông lại có hai thái độ khác nhau.
Ông Lê Văn Siêu chủ trương “phi phương pháp”. Không ai hiểu ông Lê Văn Siêu sẽ làm việc thế nào khi ông cần viết một cuốn sử với quan niệm phi phương pháp đó. Cho tới nay, ông chỉ viết luận thuyết, muốn bàn rộng tán hẹp gì, tùy thích ông, chớ một khi ông viết sử mà bất kể chứng tích như ông chủ trương thì thử hỏi ông làm thế nào để biết cây Nỏ là phát minh của chủng Việt hay chủng Hoa, nếu không tưởng tượng và quả quyết theo chủ quan của ông.
Người Tàu có di cư quá nhiều vào Cổ Việt hay không, muốn biết, phải thấy bằng chứng giáo sư Nguyễn Phương đã thoáng thấy, mà còn sai, huống hồ gì là ông không cần thấy thì nó sẽ ra sao?
Giáo sư Nguyễn Phương lại có thái độ khác hơn ông Lê nữa. Ông chơi nghịch, thách đố tất cả giới khoa học tìm cho ta chứng tích. Ông viết: “Nếu cho rằng chủ nhân của văn hóa trống đồng là tổ tiên của dân Việt Nam, vậy sao ngày nay người Việt Nam không còn duy trì bất cứ gì của phong tục Lạc Việt, kể cả việc trọng kính trống đồng?”.
Đó là một câu đố bắt bí của một người lầm tưởng rằng bọn kia sẽ phải câm miệng, vì không còn chứng tích nào cả để mà cãi lại.
Nếu người Huê Kỳ chơi ác, hỏi người Pháp một câu na ná như thế: “Các anh nói tổ tiên các anh là người GÔ LOA, nhưng đâu là dấu vết GÔ LOA trong đời sống các anh? Chúng tôi chỉ thấy các anh là La Mã mà thôi”.
Người đố như vậy ngỡ mình ăn chắc một trăm phần trăm bởi bọn kia còn làm sao mà tìm ra được chứng tích nào kia chớ.
Nhưng rủi cho ông Nguyễn Phương là còn quá nhiều chứng tích. Ông Lê Văn Siêu không tìm tòi cho tới nơi nên mới tin là không có, riêng sử gia Nguyễn Phương thì còn chịu khó đọc cổ thư Trung Hoa, chớ ông Lê Văn Siêu thì không đọc, vì tin là Tàu bịa, đọc vô ích.
Dân Việt Nam còn duy trì phong tục Lạc Việt, Anh Đô Nê-Diêng hay không, tưởng sử gia nên theo dõi các nghiên cứu của các nhà bác học mà chúng tôi đã ám chỉ trong nhiều chương, hơn là hỏi suông một cách quá tự tin như thế.
Riêng về trống đồng thì oái oăm thay, chính sử gia phản lại sử gia.
Quả thật thế, quyển V.N.T.K.S. ra đời năm 1965, nhưng từ năm 1963, sử gia cho xuất bản quyển Hải ngoại kỷ sự do chính sử gia dịch, đó là du ký đến viếng nước Đại Việt của chúa Nguyễn Phước Châu hồi thế kỷ 17, tức chỉ mới đây thôi (đối với chuyện ngàn năm thì thế kỷ 17 rất là mới).
Thỉnh thoảng sử gia lại dịch: “Trống đồng nổi lịnh”.
À, nếu ta không còn dùng trống đồng, sao sư T.Đ.S. lại nói như thế? Bằng như họ cho rằng nhà sư ấy bịa láo thì sao sử gia còn dịch du ký của ông ấy làm gì?
Lạ lắm là hai năm trước, sử gia đã dịch như vậy, hai năm sau, sử gia lại hỏi thế kia là làm sao?
Tuy nhiên, ta có dùng trống đồng mà không có trọng kính trống đồng thì e sử gia không hài lòng. Vậy ta phải nỗ lực tìm dấu vết của sự kính trọng đó nữa, mặc dầu nội cái việc có dùng trống là đủ bác bỏ luận điệu của sử gia họ Nguyễn rồi.
Trong tác phẩm Kiến văn Tiểu Lục, Lê Quý Đôn đã viết như sau: Nước nhà, vua Thái Tông nhà Lý dựng miếu thờ Thần Đồng Cổ Sơn ở đằng sau chùa Thành Thọ. Hằng năm cứ đến ngày mồng bốn tháng Tư lập một đàn ở trước miếu nầy rồi dàn binh lính, đọc lời thề để quần thần cùng thề. Đến vua Nhân Tông thì hợp Quân nhân trong thiên hạ thề ở Long Trì. Vua Nhân Tông lại định lệ hàng năm cũng theo ngày mồng bốn tháng tư. Sáng sớm hôm ấy đức vua ngự ra cửa bên điện Đại Minh, quần thần đều mặc binh phục tới lễ hai lễ rồi lui ra. Các quan đi đều có xe ngựa binh lính đi theo ra lối cửa Tây thành rồi đến hội thề ở miếu Đồng Cổ Thần. Quan kiểm chánh đọc lời thề rằng:
“Vi thần tận trung, vi quan thanh bạch”.
Thề xong quan tể tướng kiểm điểm từng người, nếu ai vắng mặt phải phạt năm quan tiền. Lễ nầy thời ấy cho là một lễ rất thịnh vậy.
*
*       *
Đại Nam nhất thống chí viết: Đền thờ Thần trống đồng, Đồng Cổ thần từ, ở trên núi Đan Nê thuộc huyện An Định (có tên gọi là núi Khả Lao).
Sợ e sử gia Nguyễn Phương không tin Lê Quý Đôn, không tin Đại Nam nhất thống chí, chúng tôi xin cầu viện ông V. Goloubew, ông nầy hiện còn sống (1966).
Ông V. Goloubew rất đáng tin vì chính ông là người đã không nhận dân Đông Sơn Mã Lai là tổ tiên của chúng ta, y như sử gia Nguyễn Phương. Trong tập kỷ yếu B.E.F.E.O. vol XXXIII, 1933, ông V.G. kể những gì ông ta đã thấy: Làng Đan Nê, huyện An Định, phủ Thuận Hóa, tỉnh Thanh Hóa, là một vùng hoàn toàn Việt Nam, và gần đó không có dân Mường. Trong đền thờ trên đường Phủ Quảng, gần bến đò An Định đưa sang sông Mã, có trống đồng cùng loại trống Hòa Bình để ở Bảo tàng viện Hà Nội, mặt trống rộng 0,85 và cao 0,58th.
Trống nầy chỉ để thờ chớ không được đánh, bằng vào lớp bụi dày trên mặt trống.
Trong đền có bài vị gỗ khắc chữ Nho, và bản dịch của ông Trần Văn Giáp cho biết nội dung của bài vị như sau: “Phía Tây Thanh Hóa, làng Đan Nê, huyện Yên Định, có núi Đồng Cổ, núi có ba đỉnh hình ngôi sao nên cũng có tên là núi Tam Thai. Trong thung lũng gần núi, có đền cổ thờ thần núi rất linh thiêng”.
Câu chuyện trên đây, xác nhận Đ.N.N.T.C. và đại cương ăn khớp với truyền thuyết thứ nhứt về thần trống đồng trên núi Khả Lao ở vùng An Định, vị thần đã giúp vua Hùng Vương khi vua Hùng đi đánh Chàm, để thống nhứt Cửu Chân vào Cổ Việt, Cửu Chân là đất của dân Chàm đồng chủng với dân Lạc nhưng còn kém mở mang như chúng tôi sẽ chứng minh ở một chương sau. Có lẽ nhờ điều động binh sĩ có quy củ, và được như vậy là nhờ kẻ chỉ huy có trống đồng nên lịnh nghe xa được, mà vua Hùng thắng trận, rồi thì dân chúng bịa lần, câu chuyện hóa ra vua Hùng thắng trận nhờ thần trống đồng trên núi Khả Lao.
Tuy nhiên, rồi vua Hùng vẫn cho lập đền thờ thật sự chiếc trống đồng ấy, đền lập lại thung lũng gần núi, như bia cổ (cổ nhưng vẫn sau việc thờ trống hàng ngàn năm) đã ghi.
Nhưng xem ra thì cái đền mà ông V. Goloubew đã thấy thờ trống đồng, không phải là đền vua Hùng. Theo lời bịa thì là bia nói đến một cái đền khác. Nhưng ở đền mới nầy lại có trống thì là sao?
Nhưng lại có một truyền thuyết thứ nhì về chiếc trống đồng ấy. Tích rằng khi Nguyễn Huệ đánh Bắc Hà xong, về ngang qua đền (đền thứ nhứt) bèn lấy trống đồng đưa về miền Trung. Sau, có người nhìn ra, bèn đưa trống trở về nguyên quán.
Có lẽ người đưa trống đã thừa một dịp loạn nào đó trong anh em Tây Sơn mà sử quên nói đến, và khi đưa về thì đền thờ cũ có lẽ bị hỏng không ai cất lại, nên cho vào cái đền thờ mới mà ông V. Goloubew đã viếng.
Dầu sao, năm 1933, một người Âu Châu cũng có thấy tận mắt một đền thờ trống đồng trong vùng lịch sử ấy, và thấy tận mắt một chiếc trống đồng đang được người đương thời thờ, chớ không phải là trống đồng đào được trong lòng đất và cất ở bảo tàng viện.
Những câu hỏi đố của sử gia Nguyễn Phương đã làm vất vả bao nhiêu người. Các ông Tây cũng đã phải khổ công lắm, nhứt là về kiến trúc. Về trống đồng thì người phải đổ mồ hôi là ông R. Mercier.
Ông R. Mercier đã làm một công việc khác người là không buồn tìm hiểu dân Đông Sơn như các ông Tây khác, mà lại đối chiếu cách chế tạo trống đồng của cái dân Đông Sơn đó và cách chế tạo đồ đồng của dân Việt Nam ngày nay ở Thanh Hóa, Sơn Tây, Bắc Ninh, Hà Đông, Nam Định, và thấy cả hai dân tộc đều dùng một kỹ thuật y như nhau, dụng cụ thô sơ đến mức không còn thể nào mà thô sơ hơn được, mà trên thế giới không có dân tộc nào làm thế cả.
Ông R. Mercier đã tỉ mỉ đến mức nầy thì quý vị biết là ông có đi sâu vào cuộc đối chiếu hai kỹ thuật đó hay chăng.
Ông nghiên cứu chiếc trống lớn nhứt ở Bảo tàng viện L. Finot, mà ông không thèm biết là trống Ngọc Lũ, trống Hoàng Hạ hay trống gì, ông nói đó là trống đánh số D.8.214 – 36, nặng 86 kí lô.
Đó là một cái trống đúc nguyên khối, không có ráp mối. Ông quan sát ở hông trống và đếm được 280 cái vết đen hình vuông, một phân tây mỗi cạnh. Nhờ những dấu ấy mà ông biết được kỹ thuật của thợ Đông Sơn, họ làm hai cái khuôn, một lớn một nhỏ, cái nhỏ nằm trong cái lớn, hai cái cách nhau một khoảng trống lối ½ phân Tây, khoảng trống ấy được các khúc gỗ nêm.
Thế rồi các cụ Đông Sơn nhà ta nấu đồng pha, đổ vào khoảng trống ấy. Nêm gỗ bị cháy, nhưng vẫn còn để dấu vết lại trên hông trống.
(Có lẽ đó là cái trống độc nhứt được đúc nguyên khối, chớ cái trống ở Bảo tàng viện Sài Gòn mà chúng tôi nghiên cứu thì có ráp mối).
Ông R. Mercier nói rằng chỉ có dân Việt Nam ở các tỉnh trên mới đúc nguyên khố những vật quá to lớn bằng kỹ thuật và dụng cụ thô sơ như thế mà thôi.
(Thế nên ta rất có thể tin Hậu Hán thư khi sách viết: “Dân Lạc Việt có đúc thuyền bằng đồng”).
Như thế, không biết đã đủ cho sử gia Nguyễn Phương hay chưa về dấu vết trống đồng và tôn kính trống đồng?
Sử gia chỉ bắt bí về trống đồng vì sử gia ngỡ ta không dùng và không thờ trống đồng, còn những thứ khác, sử gia tránh không nói tên, như là tục nhuộm răng, tục búi tóc, tục chít khăn, tục thờ âm dương vật của chủng Nam Ấn anh em chú bác với Việt Nam, và cứ tồn tại đến nay từ Bắc Việt cho tới Nha Trang (theo nghiên cứu mới nhứt của ông Toan Ánh và ông Lê Quang Nghiêm) vì những câu hỏi ấy quá dễ bị lạc.
Nhưng trống đồng vẫn không bắt bí ai được hết, vì rủi ro có kẻ quá tò mò là ông V. Goloubew và ông R. Mercier.
Trống đồng là nhạc cụ, về nhạc thì trên thế giới, hiện nay chỉ có ba dân tộc là có cây Độc huyền cầm, đó là dân Việt Nam, dân Mã Lai ở Anh Đô Nê-Xia, và dân Malayalam ở Nam Ấn.
Sự kiện đó cho thấy ba điều:
1.      Ta có gốc Mã Lai.
2.      Ta đồng chủng với Anh Đô Nê-Xia, chi Lạc.
3.      Thuyết O.J. cho rằng dân Lạc Việt đã chạy xuống Phi Luật Tân khi đã bị Mã Viện săn đuổi, chưa bao giờ được chứng minh, mà cây Độc huyền cầm lại chứng minh khác vì ở Phi không có Độc huyền cầm.
Lại còn hai chứng minh khác nữa cho thấy người Mã Lai ở Indonésia và ở Madagascar (tức người Hovas ngày nay) là người Lạc Việt từ Việt Nam di cư tới đó, bằng vào một truyện cổ tích ở Anh Đô Nê-Xia đối chiếu với một truyện cổ tích Hòa Bình, sẽ được nói rõ trong chương Người Mường, và bằng vào việc “Vác nước” của người Hovas. “Vác nước” là phương pháp lấy nước mà trên thế giới chỉ có hai dân tộc là có làm là dân Mường và dân Hovas, mà người Mường là cái gạch nối liền giữa dân Đông Sơn Lạc Việt và dân Việt Nam ngày nay, như ta sẽ thấy ở một chương sau.

B - Kiến trúc

Ngôi nhà cổ Việt độc nhứt, tìm được ở bờ sông Mã năm 1927 do ông Tây đoan Pajot, nhân viên tài tử của Viện Bác Cổ Viễn Đông. Nhưng cuộc nghiên cứu kéo dài, và mãi cho tới 17 tháng giêng D.L. năm 1938, nhà khảo cổ V. Goloubew mới báo cáo trong một buổi thuyết trình, mà bản văn được đăng trong tập kỷ yếu B.E.F.E.O. số 14, 1938.
Sở dĩ việc nghiên cứu đòi hỏi lắm thì giờ như vậy là vì sự định tuổi rất khó khăn của vật liệu cổ dùng cất nhà.
Ông V. Goloubew định tuổi ngôi nhà ấy đồng thời với ngôi mộ gần đó.
Theo sự trình bày của nhà khảo cổ nói trên thì đó là một ngôi nhà sàn mà cột cái cao 4,50th, sàn cao 1 thước. Mái nhà dài xuống tới sàn, và vì thế mà cửa phải trổ ra ở vách hồi. Sàn bằng tre sặt, một loại tre giống tầm vông ở miền Nam, tre còn xem xét được nhờ vật liệu đó đã gần hóa thạch, còn cột thì bằng gỗ lim nên còn bền.
Sườn nhà không có trính, tức là đó là loại sườn nhà mà miền Nam gọi là nọc ngựa, miền Trung gọi là nhà chữ Đinh.
Ông V. Goloubew còn nói nhiều nữa, nhưng đó là điều mà ta đã biết như ông, rằng nếp nhà khai quật được giống nhà khắc trong trống đồng, và đó là lối kiến trúc của tất cả các nhóm dân Cổ Mã Lai và cả Kim Mã Lai nữa.
Ông V. Goloubew có cho biết rằng trong một chiếc gương đồng cổ của Nhựt, có khắc hình một nếp nhà như vậy. Ngày nay nông dân ở nhiều đảo của nước Anh Đô Nê-Xia vẫn còn cất nhà như vậy, và người Chàm, cũng gốc Mã Lai, giữ lối kiến trúc đó cả đến trong những xây cất bằng gạch nữa, những xây cất nầy, ngày nay còn thấy với những cái cửa trổ ra ở bức hồi.
Loại nhà đó, người Chàm gọi là Thang giơ. Danh từ Thang giơ do tiếng Mã Lai Nam Dương Tanga mà ra và có nghĩa là cái Thang. Dân Việt Nam cũng nói tiếng Mã Lai Nam Dương và biến như sau:
Tanga = Thang
Nhà Tanga = Nhà sàn
Người Chàm ngày nay không còn cất nhà như vậy nữa, nhưng khi nào cử hành một lễ tôn giáo là họ cất sơ sịa một cái nhà như thế để hành lễ trong đó, cho đúng cổ tục Mã Lai.
Đó là kiến trúc Cổ Mã Lai, Kim Mã Lai đã hết cho mái nhà xuống tới sàn và nhờ vậy mà trổ cửa ở dưới mái được, thôi trổ cửa ở bức hồi, nhưng còn giữ lối kiến trúc chữ Đinh, đặc thù của kiến trúc của họ mà Tàu tuyệt đối không biết.
Người Tàu cất nhà luôn luôn có chái, từ cổ chí kim đều như vậy. Tường hồi là do họ bắt chước kiến trúc của Mã Lai vào đời Đường, chớ trước kia thì họ không có, còn các nhóm Mã Lai thì bắt chước cái chái của Tàu, tùy theo thời điểm họ chịu ảnh hưởng Tàu.
Tóm lại tường hồi và lối trổ cửa ở tường hồi, với lại lối nhà chữ Đinh với cây cột giữa là đặc thù của kiến trúc Mã Lai mà cho đến đời Đường thì Tàu mới theo, mà cũng chỉ theo tường hồi mà thôi, còn lối chữ Đinh thì họ không bao giờ theo cả. Nhưng Việt Nam thì luôn luôn dùng lối chữ Đinh.
Chỉ có một điểm nầy mà ông V. Goloubew để cho ta đoán mà thôi vì ông không có bằng chứng, là đỉnh nóc nhà của tất cả mọi nhóm dân Mã Lai đều oằn, riêng nhóm Nhựt thì mô, còn nếp nhà ở Đông Sơn thì không thể biết là oằn hay mô bởi cây đòn dông (thượng đống) không còn nữa. Nhưng bằng vào hình nhà cửa khắc ở trống đồng thau thì đỉnh nóc nhà Đông Sơn phải oằn.
Hình nơi trống đồng thau lại còn cho thấy một điểm khác nữa mà ông V. Goloubew không có nói, nhưng các nhà khảo cổ khác như L. Bézacier thì có nói, đó là góc mái nhà cong quớt lên.
Đó là bài nghiên cứu đầu tiên về nhà cửa của người Đông Sơn. Về sau những ông L. Bézacier, J. Y. Claeys, H. Maspéro tiếp tục nghiên cứu thêm và khám phá được nhiều điều hay lạ.
1. Kiến trúc Mã Lai giản dị hóa, tức không còn nóc oằn mái cong nhưng còn cái vỉ kèo là có cây cột giữa, ta gọi là nhà chữ Đinh hay Nọc ngựa. Tàu không bao giờ có lối kiến trúc nầy.
2. Kiến trúc Trung Hoa với đặc điểm không có cây cột giữa, gọi là nhà chữ Hợp mà ta chỉ mới bắt chước chừng 500 năm nay đây thôi.
3. Mái nhà Tàu các đời Thương, Chu, Tần, Hán, Tấn, ngay thẳng như nóc nhà Tây. Luôn luôn có chái. Chái là một mái độc nhứt, hình tam giác. Nhà Mã Lai không bao giờ có chái còn nhà Tàu thì không bao giờ có hồi.
4. Nhà của Trung Hoa ngày nay, đã biến dạng, hình bánh ít của nóc nhà.
5. Nhà Mã Lai ngày nay, biến dạng, tức lấy chái nhà của Tàu, nhưng cứ còn giữ một chút xíu đầu hồi của cổ thời, mái lại hình thang chớ không phải hình tam giác. So sánh với nhà số 4 để thấy hai lối biến dạng khác nhau.
6. Rong của đồng bào Thượng và các nhóm Mã Lai Nam Dương, có tánh cách đình Việt Nam ở điểm:
1) Cấm đàn bà
2) Nơi họp việc làng
3) Nơi thờ thần làng
7. Chính Xương Viện, ngôi nhà ngói cổ nhứt có nóc oằn, mái cong, còn sót lại đến ngày nay tại Nhựt Bổn, nhưng xây cất từ đời Đường.
Đây là một cuộc dung hòa kỹ thuật Tàu với kiến trúc Mã Lai, và Tàu cất nhà nóc oằn, mái cong bắt đầu từ đời nầy, tức bắt chước theo Mã Lai Nhựt Bổn ở 2 điểm nóc oằn và mái con quớt lên.

1. Mái nhà
Trong quyển ‘Về vài món đồ đời Hán”, ông H. Maspéro cho thấy rằng nóc và mái nhà của người Trung Hoa bằng thẳng, y như nóc và mái nhà của người phương Tây. Hình nhà bằng sành xưa đào được trong các ngôi mộ nhà Hán nặn rất trung thành, một con cừu trong sân cũng được nặn kỹ lưỡng, thì không thể bảo rằng thợ cẩu thả làm không giống.
Không tìm thấy nhà sành đời Đường, nhưng nhà đời Đường có chạm trên nhiều bia đá ở Trung Quốc, có thay đổi chút ít về nóc và mái, tức nóc bắt đầu hơi oằn, mái bắt đầu hơi cong quớt lên.
Nhưng trong vài bức tranh đời Tống thì nóc đã oằn, mái đã cong lên hẳn, giống nóc và mái nhà của tất cả các nhóm Mã Lai hiện kim.
Một bài văn danh tiếng của Trung Hoa cũng cho biết mái nhà đời Tần Hán ra sao. Đó là bài phú “A phòng cung” của Đỗ Mục: “… mái nhà cong như mỏ quạ” tức quặp xuống chớ không phải là cong quớt lên.
Yếu tố kiến trúc nóc oằn và mái cong như mái chùa, ai cũng ngỡ là của Trung Hoa, có dè đâu đó là của chủng Mã Lai Bách Việt và của Cổ Việt mà Tàu bắt chước.
Chỉ có người Nhựt gốc Mã Lai là đôi khi làm đỉnh nóc mô, vì xứ ấy có tuyết, làm nóc mô cho tuyết đổ, kẻo sập nhà, nhưng chính hình dạng mô ấy cũng là hình thức trái nghịch với hình dạng oằn của đỉnh nóc Mã Lai, hễ không oằn thì mô, chớ nhứt định không thẳng, tại mỹ quan của chủng Mã Lai về kiến trúc nóc đó như vậy.
Trong quyển “Archacological Research in Indochina” của ông O. Jansé, người cầm đầu phái đoàn khai quật Đông Sơn, do nhà in Bruges St. Catherine Press (Bỉ quốc) tái bản năm 1955 có in hình nhiều kiểu nhà ở và nhà mồ của đồng bào Thượng ở Việt Nam, nhà ấy giống nhà trong trống đồng thau và giống nếp nhà do ông V. Goloubew hồi phục bằng vào vật liệu khai quật được, và công cuộc khảo sát về dân tộc học, nhân thể tính cho biết rằng người Thượng ở Cao nguyên cũng thuộc chủng Cổ Mã Lai (Anh-Đô-Nê-Diêng).
Trong quyển “Introduction à l’étude de l’Annam et du Champa” (BAVH số một và hai, 1934) ông Claeys viết: “Nếu cần phải kết luận thì người ta có thể nói mà không cần dè dặt (on pourrait facilement déclarer) rằng nóc oằn, mái cong lên, ở bên Tàu là do bắt chước người Cổ Mã Lai, còn ở xứ Annam thì đó là cái gì còn sót lại của cổ tục bổn xứ”.
Nhưng người Tàu đã bắt chước của ai hồi đời Đường? Ta có một chứng tích khá rõ. Các nhóm Mã Lai đều cất nhà lợp lá. Biến nóc lá oằn và mái cong thành nóc ngói oằn mái cong là chuyện khó lắm, vì vật liệu khác, không ai biết sẽ làm được hay không thì Tàu hẳn không có thử làm.
Nhưng một nhóm Mã Lai kia đã thử làm, đúng vào đời Đường, họ gởi hàng ngàn sinh viên đi sang Tàu để học đủ thứ môn kể cả kiến trúc gỗ và công nghệ ngói gạch.
Về nước, họ bắt đầu cất nhà lợp ngói, nhưng vẫn giữ nguyên mọi biệt sắc Mã Lai cố hữu là nhà sàn, nóc oằn, mái cong quớt lên. Đó là Chính Xương Viện ở cố đô Nại Lương (có hình cạnh đây).
Chính Xương Viện là ngôi nhà ngói nhưng cất trên sàn, có nóc oằn và mái cong, cổ nhứt của nhơn loại, mà chính người Mã Lai Nhựt cất lên bằng cách dung hòa hai thứ kiến trúc: kỹ thuật bên trong học của Tàu, còn thì cái gì của Mã Lai đều được giữ nguyên vẹn.
Cũng nên nhớ rằng dưới đời nhà Đường, Nhựt đi học của Tàu, nhưng vẫn có trao đổi văn hóa qua lại với nhau và hẳn Tàu đã có bắt chước Nhựt ở vài điểm mà loại nóc oằn mái cong là một.
Thế là Mã Lai Nhựt đã thành công trong việc dung hòa kiến trúc ngộ nghĩnh và đẹp hơn kiến trúc Tàu nhiều lắm! Chắc chắn là Tàu đã bắt chước Chính Xương Viện, nhưng bỏ cái sàn, vì họ chỉ thích cái nóc và cái mái lạ và đẹp thôi, còn sàn thì không có gì đặc sắc cả.
Cũng nên nhớ rằng Chính Xương Viện chỉ được xây cất vào năm 743 S.K. còn bức tranh Tàu của Li Sseu Hiun (Lý Tư Hùng) trong đó lâu đài cung điện Trung Hoa lần đầu tiên có nóc oằn, mái cong quớt lên, hiện được tàng trữ tại Bảo tàng viện Museum of Fine Arts ở Boston thì được họa vào khoảng năm 700.
Như vậy cho rằng Tàu học của Nhựt có mâu thuẫn chăng? Xin thưa rằng không. Vì sao?
Nhựt đã phái chuyên viên đi học kỹ thuật của Tàu siêng cần nhứt là từ năm Đại Nghiệp dưới đời nhà Tùy (607 S.K.) và kể từ năm đó thì hai quốc gia ấy trao đổi văn hóa với nhau không ngớt.
Như thế Chính Xương Viện chỉ là ngôi nhà ngói nóc oằn và mái cong còn sót lại của Nhựt, chớ trước đó, tức trước bức tranh năm 700 của Li Sseu Hiun, Nhựt phải có nhiều ngôi nhà loại ấy, nghĩa là họ đã bắt đầu nhờ kỹ thuật Trung Hoa từ năm 657, và Trung Hoa cũng bắt đầu cóp nóc oằn mái cong của họ từ năm 607.
Nhà của bức tranh năm 700, không là chứng tích Tàu thình lình phát minh nóc oằn và mái cong trước Mã Lai Nhựt Bổn.

2. Hồi và chái
Ông Maspéro và ông L. Bézacier lại còn cho biết rằng người Tàu không hề biết vách hồi, từ cổ thời cho đến đời Tống, cũng cứ dựa vào những nhà bằng sứ nói trên, có ảnh đăng trong quyển L’Art de la Chine, nhà xuất bản Larousse, Paris. Bức hồi chỉ thấy nơi nhà của người Cổ Mã Lai và Kim Mã Lai thôi. Cũng tới đời Tống, Tàu mới bắt chước bức hồi của Mã Lai.
Trái lại, các nhóm Mã Lai thì không bao giờ biết cái chái nhà và chỉ bắt chước Trung Hoa tùy theo năm họ bị Trung Hoa cai trị, còn nhóm nào không hề chịu ảnh hưởng Trung Hoa thì mãi cho đến ngày nay vẫn không biết cái chái là gì.
Ông L. Bézacier đi sâu thêm, trong quyển L’art Vietnamien, và cho biết rằng nhóm Mã Lai Việt Nam, mặc dầu bắt chước chái nhà của Trung Hoa, vẫn còn để lại bức hồi. Quả thật vậy, chái nhà của Trung Hoa hình tam giác và chỉ gồm có một tấm nằm nghiêng từ trên xuống dưới, trong khi đó thì chái nhà Việt Nam gồm hai phần phân biệt, phần trên là đầu hồi hình tam giác, nhưng đứng chớ không nghiêng như chái nhà Tàu, rồi tới cái chái hình thang nghiêng, chớ không phải hình tam giác như của Tàu. Loại chái nhà của ta, cổ Trung Hoa không có. Đầu hồi của ta là cái gì còn sót lại của vách hồi thời Đông Sơn vậy.
Ông L. Bézacier nói rằng ngày nay Trung Hoa cũng bắt chước ta mà làm chái nhà hai phần như ta, nhưng vẫn không giống được, bởi đầu hồi của Việt Nam để trống trơn, còn đầu hồi của Trung Hoa thì luôn luôn bít kín (vì xứ họ lạnh).

3. Sườn nhà
Ông L. Bézacier, nguyên quản thủ các di tích lịch sử Việt Nam cho đến năm 1945, rất thạo về kiến trúc. Ông cho biết rằng lối nhà Nọc ngựa của ta, Tàu không bao giờ có, còn ta thì chỉ bắt chước Tàu để cất nhà có trính về sau nầy thôi, và mãi cho đến ngày nay, ta vẫn còn tiếp tục cất nhà Nọc ngựa ở vài nơi, khi người cất nhà vì ít tiền nên phải tiết kiệm gỗ. Và hầu hết các Đình xưa của ta đều không có trính.
Ở đây, ta thấy rõ một hình thức tiêu cực đề kháng của tổ tiên ta rất là ngộ nghĩnh. Phàm khi một dân tộc bị trị mà bất khuất dưới một sức mạnh thống trị chưa có thể đương đầu nổi thì cuộc đề kháng rút vào vòng bí mật, hoặc dưới trăm ngàn hình thức tiêu cực nho nhỏ mà kẻ thống trị không thấy được.
Chúng tôi còn giữ được một kỷ niệm về câu chuyện sau đây xảy ra trong làng chúng tôi cách đây nửa thế kỷ, thuở chúng tôi còn bé dại.
Nhà giàu ta, hễ cất nhà thì có khuynh hướng cất có trính mà miền Nam gọi là Đâm trính, vì nhà có trính rộng hơn nhà Chữ Đinh mà miền Nam gọi là Nọc ngựa. Nhưng đàn ông các gia đình có nền nếp theo phong tục tổ tiên thì luôn luôn chống lại khuynh hướng đó. Xung đột thường xảy ra trong các gia đình bắt đầu mới có tiền chuẩn bị tậu nhà mới. Người đàn ông luôn luôn thua trận, bởi họ chỉ biết đưa ra một luận điệu có vẻ huyền bí là “Không nên”. Từ ngữ không nên ở miền Nam có nghĩa là chạm đến ma quỷ, thánh thần. Luận cứ đó không vững nên các bà luôn luôn thắng và những ngôi nhà cổ Nọc ngựa lần hồi biến mất hết, năm chúng tôi lên bảy thì nhà cửa trong làng hết 95 phần trăm là nhà  trính mà các nhà kiến trúc Tàu gọi là nhà ChữHợp.
Chắc chắn là tổ tiên ta xưa, không biết làm thế nào để chống lại ảnh hưởng ngoại lai về kiến trúc đó nên mới bịa ra cái vụ “không nên” nói trên, dùng có hiệu quả trong nhiều ngàn năm, nhưng đến thời Tây tà thì không còn ai nghe nữa vì ta đã hết tin nhảm.
Sở dĩ toàn thể đàn bà theo khuynh hướng có trính vì họ không có nhiệm vụ tế lễ nên không hề hay biết có lời di chúc truyền miệng của tổ tiên. Còn đàn ông mà không biết là vì họ mồ côi quá sớm hoặc vốn là con nhà bần nông ở nhà tranh, trong gia đình người gia trưởng không có dịp nói lên lời di chúc ấy lần nào hết.
Câu chuyện nầy, chúng tôi tin chắc rằng cũng đã xảy ra ở Trung và Bắc Việt, nhưng không có ai nói ra, vì nhơn chứng không có viết lách gì, còn những người viết lách thì lại không thấy hoặc quên đi, hoặc không có quan sát thuở họ còn bé.

4. Ngói và nhà bếp
Theo ông L. Bézacier thì nhà bếp của Trung Hoa luôn luôn dính lại với nhà ở, còn nhà bếp Việt Nam thì luôn luôn cách xa nhà ở bằng một cái sân, lớn nhỏ, tùy khả năng tài chánh của chủ nhà và tùy nơi cất nhà có nhiều hay ít đất. Ngày nay ở các thành phố người ta cất nhà liên kế, rất hẹp, vậy mà nhà bếp cũng cách nhà ở bằng một cái sân bé tí teo.
Về ngói thì Trung Hoa luôn luôn dùng ngói ống. Ta chịu ảnh hưởng Trung Hoa rất nặng vậy mà ta lại chế tạo ngói dẹp để lợp nhà, những đình, chùa, đền cổ của ta chứng minh điều trên đây, và ngay cả ngói lợp nhà của thành Đại La, cái thành do người Trung Hoa xây cất, mà cũng đã dùng ngói dẹp rồi. Điều đó chứng tỏ rằng người Việt là người Việt, người Trung Hoa là người Trung Hoa, bởi từ bà Tây Thái Hậu về trước, Trung Hoa không hề chế tạo ngói dẹp, thì không có lý nào mà một nhóm Trung Hoa ở Giao Chỉ lại dùng ngói dẹp để xây cất Đại La.
Đành rằng đó là phát minh về sau của thợ Việt Nam, chớ vào thời Đông Sơn Lạc Việt tổ tiên ta chỉ lợp nhà bằng tranh, bằng cói, nhưng nó cũng chứng minh được rằng ta không phải là Trung Hoa.

5. Nhà rầm
Năm chúng tôi lên bảy, trong vùng chúng tôi sanh trưởng, mỗi làng còn được vài cái nhà rầm.
Các nhà khảo cứu Pháp, khi nói đến những ngôi đình ở Bắc Việt đã dùng từ ngữ sai là Edifice sur piloti. Trong ngôn ngữ của họ chỉ có từ ngữ đó thôi, họ không làm sao mà diễn tả hơn được, chớ thật ra Maison sur piloti là nhà sàn, nó khác nhà rầm ở điểm nầy là nhà sàn, khoảng trống bỏ không, từ mặt đất lên tới sàn, cao lắm, còn nhà rầm thì chỉ cao lối sáu tấc Tây là cùng.
Nhà rầm chỉ là một hình thức nhà sàn, không còn mục đích phòng thủ chống thú dữ như vào cổ thời, hoặc như nơi người Thượng trên núi rừng ngày nay nữa. Người Việt Nam biến nhà sàn ra nhà rầm vì mục đích vệ sinh, tránh đất ẩm ướt, mà nếu nền có lót gạch Tàu cũng không hết ẩm.
Nhưng cho đến năm 1925 thì tất cả những ngôi nhà rầm xưa trong vùng tôi đều mục nát hết và con cháu các chủ nhà đời xưa, dỡ bỏ, cất lại thì cất trệt, tức không rầm, vì bấy giờ họ đã tìm được một lối vệ sinh hơn là xây nền bằng đá rồi đổ cả mấy mươi thước khối cát trong thành đá ấy đoạn mới dựng nhà lên đó. Sự ẩm ướt, nhờ cát hút hết, mà không phải lo rác rến dưới rầm không thể quét dọn được vì rầm quá thấp, không làm sao để chui vào đó. Trên cát, họ lót gạch cho sạch sẽ.
Nhưng hiện nay thì tại Nhựt Bổn, cứ còn rầm như thường. Đất Nhựt Bổn không ẩm, nhưng họ có óc tồn cổ, và đó là di tích nhà sàn Mã Lai xưa chớ không có gì lạ. Nhiều du khách ta, không biết lẽ đó, ngỡ người Nhựt mới phát minh ra nhà rầm khi họ đã văn minh rồi, học đòi vệ sinh.
Chúng tôi tin chắc rằng, ở Bắc và Trung cách đây năm sáu mươi năm, cũng còn nhà rầm (không kể các ngôi đình), nhưng không thấy ai ghi chép gì, cũng cứ vì cái lẽ đã nói ở khoản nhà Nọc Ngựa, là tại không có một chú bé tò mò ở đó, hay có rất nhiều chú bé tò mò đã chứng kiến sự sống sót của nhà rầm và sự biến mất của nhà rầm, nhưng các chú không có viết lách như chúng tôi, chớ không có lý nào mà, cũng cứ như đã nói rồi, Nam Kỳ lại bảo hoàng hơn ông vua, giữ mãi nhà rầm, trong khi Trung Bắc đã bỏ từ nhiều trăm năm rồi, như các nhà khảo cổ Pháp đã nói sai riêng về vấn đề sur pileti Bắc Việt.
Người Pháp cai trị Trung, Bắc chỉ có 80 năm mà 40 năm đầu, họ chưa khảo sát kỹ đến chuyện xa vời như vậy đối với tư cách kẻ thống trị. Chừng họ bắt tay vào việc thì không còn nhà rầm nữa để cho họ thấy.
Sự kiện nhà rầm tồn tại ở Nam Kỳ cho tới năm 1925 là một sự thật do chúng tôi quan sát tại chỗ, và sự kiện Nam gần gốc Mã Lai hơn Trung, Bắc lại không thể có được, thì chỉ còn một lối kết luận là vào năm 1925 ở Trung, Bắc cũng còn chút đỉnh nhà rầm, chỉ có điều là những người thuở bé có quan sát thì ngày nay đã quy tiên rồi hoặc không viết lách.
Và ông L. Bézacier kết luận rằng chắc chắn đó là di tích Lạc Việt. Ông không hề dám kết luận Lạc Việt = Mã Lai vì ông không gom đủ được bằng chứng như chúng tôi, nhưng nội cái kết luận rằng Nọc Ngựa, bức hồi, mái cong, nhà rầm là di tích Lạc Việt cũng đã giúp cho thuyết của chúng tôi nhiều lắm.
Ông nói khi một dân tộc bị mất văn hóa, họ cố bám víu vào một vài điểm nào đó, trong trường hợp kiến trúc thì họ bám víu trong kiến trúc cất đình, vì đình là nơi thiêng liêng, giúp họ nhớ gốc tổ Lạc Việt, nếu không phải như vậy thì không sao cắt nghĩa được hiện tượng lạ lùng là ngôi đình của làng nào ở đất Bắc cũng cất theo lối nhà rầm hết, không hề có ngoại lệ bao giờ, trong khi cung điện, chùa, miếu thì không có rầm, là vì Phật giáo là tôn giáo ngoại quốc du nhập vào xứ ta do trung gian Trung Hoa, còn miếu mạo thì thường cũng thờ các vị thánh thần Trung Hoa; chỉ có đình là gốc chánh vì hiện nay người Sơ Đăng cũng còn đình, chỉ có khác là họ không thờ thần làng mà chỉ dùng làm việc buôn, y hệt như ở Bắc mà cái đình cũng dùng cho việc làng.

C. - Cái đình
Tự trị thôn xã và thần làng

Hầu hết các sách khảo cứu đều cho rằng thôn xã ta chỉ mới được tự trị từ năm 1740, tức dưới thời vua Lê, chúa Trịnh, còn trước đó thì vẫn bị trực trị do chánh quyền trung ương.
Sự quả quyết ấy bắt nguồn từ năm một nhà khảo cứu Việt Nam, viết sách bằng tiếng Pháp, gặp được tài liệu chúa Trịnh cho các xã thôn tự trị, ghi rõ trong Khâm Định Việt Sử thông giámcương mục.
Tài liệu lịch sử ấy chỉ ghi sự kiện và ngày tháng trả tự do cho thôn xã, mà không có nói gì thêm hết, nhưng nhà học giả ấy lại suy luận giản dị rằng trước đó hẳn luôn luôn trực trị mà quên rằng từ thời Hùng Vương đến năm 1740, hai ngàn năm đã trải qua mà trào đại thăng trầm, không biết có bao nhiêu thay đổi trong khoảng thời gian quá dài đó.
Khi mà sử liệu thiếu, thì nhà nghiên cứu chỉ còn biết suy luận để tái tạo sự cố, nhưng suy luận cũng phải dựa vào dấu vết nào, chớ có đâu mà chỉ bằng vào một đạo luật vắn tắt vài dòng chữ.
Đó là đa số. Một vài học giả thì lại cho rằng làng là dấu vết các bộ lạc xưa.
Nhưng dựa vào sự phân biệt giữa bộ lạc và thị tộc của chúng tôi ở chương “Những cái họ Việt Nam” thì làng không thể là bộ lạc xưa được, mà chỉ là thị tộc cổ thời mà thôi.
Có sách lại cho rằng làng chỉ mới thành hình từ thời nhà Lý, tức là từ ngày nền độc lập của ta đã vững sau ngót một ngàn năm bị trị. Thế thì trước khi bị trị, cả nước Văn Lang không được chia thành từng đơn vị nhỏ à? Như vậy làm thế nào vua Hùng Vương trị nước thì thật là không thể biết.
Còn bảo rằng làng chỉ có từ đời Lý, bắt chước theo Tàu thì không đúng, vì làng của ta tổ chức không giống của Tàu, trước 1740 hay sau 1740 gì cũng đều không giống.
Cứ bằng vào tên gọi, chúng tôi thấy rằng làng đã có từ cổ thời. Danh từ Mã Lai là T’lang, mà T’lang thì tổ chức giống hệt một thái ấp của người Mường ngày nay, tức đó là một lãnh địa nho nhỏ của một lãnh chúa địa phương theo chế độ phong kiến mà T’lang với Làng hai danh từ đó quá giống nhau.
Thái ấp Mường có tên riêng nhưng không có danh từ để chỉ thái ấp. Nhưng người lãnh chúa lại được gọi là Quan Lang. Ta phải hiểu rằng Quan Lang là ông Quan cai trị một Lang mà một Lang là một T’lang vậy.
Chữ Quan mới được thêm sau, do ảnh hưởng Trung Hoa, qua trung gian người Việt Nam, chớ xưa có lẽ là Xà Lang hay gì gì Lang chớ không thể là Quan được, bởi Quan là tiếng Tàu, Xa, danh từ Mã Lai và Xả, danh từ Thái, cả hai danh từ đều đồng gốc Mã Lai, chỉ người lãnh chúa địa phương.
Xin nhấn mạnh về điểm nầy mà trí thức Việt Nam không chú ý đến. Quan Lang chỉ là lối nói tắt mấy tiếng Quan đầu Lang, Quan cai trị một lang, chớ không phải là một danh từ kép có nghĩa riêng là một chức vị. Không bao giờ có danh từ Quan Lang cả đâu.
Mà lối nói tắt đó, chỉ mới có về sau, chớ vào cổ thời, thuở mà ta chưa học danh từ Quan của Tàu, hẳn Mường và ta đã nói Xà Lang hay gì gì Lang đó.
Trong Việt lý tố nguyên, giáo sư Kim Định cho rằng tên nước Văn Lang có lẽ là Văn Làng.
Nhưng thuở ấy ảnh hưởng Tàu chưa tới thì không làm sao mà ta có danh từ Văn được? Vả lại cũng không thấy ai ghép nôm với nho, trong những việc quan trọng. Dân chúng có ghép, vì dốt chữ nghĩa, chớ tới cấp bực quan vua thì không còn ghép kỳ dị như vậy nữa.
Vả lại ta có bằng chứng đích xác rằng tiếng ta và tiếng Mường chỉ mới tách rời nhau từ thế kỷ 17, tức là trước thế kỷ đó vẫn nói Lang, chớ chưa nói Làng, trong khi đó thì danh xưng Văn Lang đã có trước rồi, không phải có trong sách Tàu, mà có trong sách vở xưa của ta nữa.
Nhứt định là Văn Lang phải do cái gì khác mà ra chớ không thể nào mà do Văn Làng được, vì chính Lang biến thành Làng, chớ không phải Làng biến thành Lang, mà sự biến hóa ấy thì chỉ mới xảy ra vào thế kỷ 17. Lẽ thứ nhì là ta không có chữ Văn, trước khi ta học chữ Nho.
Chúng tôi có thể giải thích nghĩa của quốc hiệu Văn Lang và giải thích tại sao, trước khi học chữ của người Tàu, vào các trào Hùng Vương, mà ta lại biết chữ Nho để đặt quốc hiệu đó là Văn Lang. Nhưng đó là một câu chuyện khác sẽ trình bày ở chương khác.
Chúng tôi sẽ trưng ra bằng chứng rằng đó là một Quốc Hiệu hoàn toàn Việt, được Hoa hóa về sau, khi mà dân chúng chịu ảnh hưởng Trung Hoa.
Lối Hoa hóa ấy cùng tánh cách với lối phiên âm các danh xưng “man di” của Tàu, nó có nghĩa, nhưng cái nghĩa đó là nghĩa cưỡng ép chỉ cốt giống danh xưng bổn xứ, còn hiểu theo chữ Nho thì không thấy được ý thật của danh xưng, thí dụ danh xưng Chân Lạp, Tàu họ phiên âm như vậy, có nghĩa lắm, nhưng nghĩa đó quá vô lý. Chân Lạp là sáp ong thứ thiệt chăng? Có hàng trăm nước có sáp ong tốt, sao chỉ gọi nước đó là Sáp ong thứ thật. Nhưng về Chân Lạp thì ta may mắn biết được sự thật nhờ người Cao Miên nhớ tên cũ của nước họ và cái nghĩa đúng của nó. Đó là Chanh Ra. Trường hợp Văn Lang thì quá cổ, không còn ai nhớ gì nữa hết.
Dầu sao, ta cũng thấy sự liên hệ rõ rệt giữa T’lang của Mã Lai, Lang của Mường và Làng của ta, về cơ cấu tổ chức, tức tự trị, chỉ có khác là làng của ta không còn phong kiến như T’lang và Lang của Mã và của Mường, đó là do toàn quốc Việt Nam đều thoát khỏi chế độ phong kiến thật sự lâu rồi, không như nơi xứ Mường chẳng hạn.
Dấu vết thứ hai của sự trì hoãn xã thôn cổ thời là tục riêng các làng, tồn tại cho đến năm 1945 ở Việt Nam. Đại khái họ đóng thuế, và chịu lịnh triều đình như nhau, các nhà lãnh đạo mang chức tước đồng đều với nhau, nhưng các làng không giống nhau, mà những cái lệ làng khác nhau ấy, xem ra không có vẻ gì là mới có từ năm 1740 cả.
Ta nên nhìn rõ cái năm 1740. Đó là một chuyện quá mới, đối với lịch sử. Mà lệ làng thì đã thâm căn cố đế, không thể bắt rễ quá sâu như vậy được từ thế kỷ 18 đến nay.
Cũng nên nhớ là năm mà Pháp bỏ Hội đồng kỳ dịch ở các làng, lập ra Hội đồng hương chính thì việc chống đối của dân và làng mạnh mẽ cho đến nỗi họ phải lui bước sáu năm sau đó.
Một dân tộc bị trị, đã chịu đầu hàng rồi, các cuộc nổi loạn cứu vãn nền độc lập kể như đã chấm dứt, tức họ đã đi vào thái độ cầu an, vậy mà họ chống đối mạnh như thế thì chắc chắn không phải là vì những tục lệ mới có từ năm 1740.
Dấu vết đáng kể hơn hết là các thần làng. Những vị dâm thần, nhứt định không phải là chuyện mới bày năm bảy trăm năm mà là chuyện cũ hai ba ngàn năm. Nếu các làng không tự trị trước năm 1740 thì cả thần thánh cũng bị chánh phủ hóa hết rồi, không còn làm sao mà những dâm thần còn được dung thứ.
Chánh phủ can thiệp vào sự thờ thần đã được ông Nguyễn Văn Khoan dẫn chứng rõ ràng trong B.E.F.F.O. bài “Essai sur le Đình et le culte du génie tutélaire des villages du TonKin. Nhưng can thiệp vẫn không toàn thắng thì đủ biết cái quyền tự trị của xã thôn không phải chỉ mới có từ năm 1740. Vua chúa chỉ thành công trong việc ban chức tước cho các thần cũ mà vua chúa cho là xứng đáng vì công trạng hiển hách nào đó, như Thánh Gióng chẳng hạn, và phong thần cho quan của vua chúa vừa quá cố, phong cho các làng mới lập (sự kiện nầy vua chúa đã thành công một trăm phần trăm ở Nam Kỳ vì toàn thể các làng Nam Kỳ, không có làng nào được lập trước 1620 hết), còn các thần bậy bạ, vua chúa không nhìn nhận thì thôi chớ cũng không dám chạm tới họ.
Thế thì ta phải kết luận rằng xưa kia thôn xã của ta tự trị, y như các Lang của Mường và T’lang của Mã Lai, rồi thì trào đại nào đó không biết đã cướp mất nền tự trị ấy mà không còn để dấu vết. Dấu vết trả lại tự trị của Khâm Định tuy là dấu vết đúng, nhưng lại thiếu cái khoen giữa, hóa ra nó gạt gẫm người suy luận liều lĩnh.
Và các làng của ta xưa là các thị tộc chớ không phải là bộ lạc. Truyền thuyết Mường đã đưa con số quá chính xác là 1960 cái, không thể tin được, nhưng chắc không xa sự thật bao nhiêu.
Xin nghiền ngẫm lại định nghĩa của bộ lạc và thị tộc ở chương Cái Họ thì thấy rõ là bộ lạc to lắm, chính thị tộc mới là nhỏ, trái với tưởng tượng thông thường của phần đông.
Hễ nói tới làng Việt thì không sao quên được cái Đình và Thần Làng đã có nói sơ qua rồi trên kia, nhưng cần nói rõ hơn.
*
*       *
Toàn thể các học giả ta đều sai lầm khi gọi thần làng của ta là Thần Thành Hoàng.
Hai thứ thần ấy khác nhau quá xa, một đàng của ta, một đàng của Tàu, mà Tàu cũng chỉ mới có từ đời nhà Chu đây thôi thì không thể lầm lẫn với nhau được. Những học giả Việt viết bằng tiếng Pháp cũng đã lầm lẫn y như những học giả Việt viết bằng tiếng Việt.
Thần làng của ta là thần riêng của dân làng. Đó là điều nên nhớ vì đó là điều quan trọng nhứt, vì các làng Trung Hoa không bao giờ có thần riêng cả, từ thời cổ đến nay (Maspéro). Nếu vị thần ta mà chống xâm lăng đi nữa, tức là có công chung đối với toàn quốc như ông Thánh Gióng đã chống giặc Ân, tức giặc Tàu trào đại Thương cuối mùa, thì ông cũng cứ là thần riêng của làng sinh quán của ông. Toàn quốc sùng bái ông nhưng không có lập đền thờ cho ông như làng sinh quán của ông. (Về Thánh Gióng tưởng đâu là chuyện hoang đường, nhưng không. Sử Tàu có chép rằng nhà Ân quả đã có chiến tranh với một nước ở phương Nam tên là nước Quỹ Phương, nay không ai biết ở đâu hết, chỉ biết là ở Hoa Nam. Nhưng không lẽ Việt Nam lại chiến tranh được với nhà Thương vì giữa họ và ta còn quá nhiều nước trung gian? Nhưng nếu ta thấy rằng dân ta xưa làm chủ đất Trung Hoa, cả Hoa Bắc lẫn Hoa Nam, thì câu chuyện hóa ra hết hoang đường. Làng Gióng có lẽ là một làng ở Hoa Nam mà toàn dân hay đa số dân trong làng di cư xuống đất ta ngày nay, rồi ở đó, họ thờ lại vị anh hùng cứu quốc cũ).
Nhưng phần lớn không phải là những bực chống xâm lăng mà cũng không phải là quan nữa, trước khi trào đình xía mũi vào.
Phần lớn chỉ là những nhơn vật đã làm cái gì thoát sáo, độc đáo hoặc giản dị hơn. Thần của làng ta chỉ là tượng trưng cho một quan niệm tôn giáo nào đó thôi, thí dụ các dâm thần.
Đó là tục của người Mã Lai mà hiện Nhựt Bổn và các đảo Mã Lai còn giữ.
Hai ông L. Bézacier và H. Maspéro cực lực binh vực quan niệm rằng đình và thần làng là đặc thù của Việt Nam, (tức của Mã Lai) mặc dầu sách Trung Hoa Ying tsao fa che (?) cho biết rằng họ có đình từ đời nhà Hán.
Đình của Trung Hoa không phải là nơi thờ phượng mà chỉ là cái nhà cất trên đường để bộ hành nghỉ ngơi, nam nữ đều vào được.
Đình của ta là nơi thờ thần làng và nơi hội họp của các nhà lãnh đạo trong làng và phụ nữ không được vào.
Sự trùng hợp của danh từ đình, có thể hoặc là một sự trùng hợp ngẫu nhiên, hoặc là một cuộc vay mượn vì ảnh hưởng Trung Hoa về sau, ta đã vay mượn một cách không cần thiết một số danh từ mà ta đã có rồi.
Chẳng hạn cái Đình thì người Sơ Đăng, một thứ người nói tiếng Mã Lai y như Việt Nam, gọi nó là cái Rong. Có thể tổ tiên ta bỏ Rong vay mượn danh từ Đình. Rong là danh từ Mã Lai đợt I, còn danh từ Mã Lai đợt II là Bahala.
Ông Béacier dựa vào nghiên cứu của ông H. Maspéro trong quyển Les regliions chinoises, để chỉ sự khác biệt giữa thần làng của Mã Lai Việt và thần thành hoàng của Trung Hoa.
Các nhà học giả ta gọi thần làng của ta là thần thành hoàng là không đúng.
Thần thành hoàng của Trung Hoa chỉ mới xuất hiện vào đời nhà Chu, cùng một lượt với những thành quách của các nhà lãnh chúa lớn và chư hầu. Thành là bức tường bao quanh thành phố và Hoàng là cái hào bao quanh bức tường. Đó là thần của thành trì và thành phố.
Thần của ta là thần của làng xóm, chớ không phải là thần của thành phố. Nông thôn ở Trung Hoa có thần hay không? Có, nhưng lại khác hẳn thần của làng ta. Thần của ta là nhơn vật địa phương, còn thần các làng Tàu là thần đất đai. Ta có cất nhà, họ thì thờ lộ thiên. Thần của ta là của riêng mỗi dân làng. Thần của Tàu là của riêng của lãnh chúa mà dân nhiều làng phải cùng thờ với lãnh chúa. Khi mà một lãnh chúa lớn mạnh và nuốt rất nhiều đất của các lãnh chúa khác thì họ hóa ra ở quá xa các làng, và dân các làng không còn đi theo họ được để mà thờ vị thần đất đai đó, thế là thường dân Tàu không còn gì nữa để mà thờ cả, trong các làng. Thế nên cuối đời nhà Chu khi mà 10 ngàn chư hầu sụt xuống còn có 7 chư hầu thì các làng xóm không còn tôn giáo.
Trong khi đó thì thần thành hoàng mới xuất hiện, vì các thành quách lớn mới được xây cất, nhưng hai thứ thần đó cũng lại khác nhau, một đàng là thần đất đai của nông dân, một đàng là thần vách thành và hào của thị dân. Xem thế thì gọi thần của ta là Thần Thành Hoàng là sai. Ta không có thành phố vào cổ thời. Còn làng ta cũng không hề là thành quách lớn hay nhỏ bao giờ.
Ông L. Bézacier lại bác bỏ luận cứ của các học giả Việt cho rằng đình, nguyên xưa kia là hành cung. Ông bác bỏ vì vua ta chỉ mới bắt đầu có tục du hành từ thế kỷ thứ 10, trong khi đình, dựa theo kiến trúc, thì phải có trước Tây lịch.
Vả lại xét ra, những đình cổ bốn trăm năm của ta cũng không có vẻ gì dùng ở được cho có một chút xíu tiện nghi nào cho người thường, chớ đừng nói chi nhà vua.
Ông L. Bézacier quả quyết rằng đình và thần làng của ta là cái gì tối cổ còn sót lại, và lối kiến trúc, cho thấy cái tối cổ đó có tánh cách Mã Lai.
Thần làng của ta xưa kia là anh hùng địa phương, danh nhân địa phương, giống hệt Mã Lai, Nhựt Bổn, mà mỗi làng cũng có đình và cũng chỉ thờ anh hùng địa phương và danh nhân địa phương, chớ không bao giờ thờ thần đất đai hay thờ thần của Tường  Hào (Thành Hoàng) như Tàu.
Về cái đình thì ta rất giống Nhựt mà khác Tàu, lại giống các nhóm Mã Lai.
Chỉ về sau nầy, các vua ta mới bắt thờ quan ở các nơi khác chớ không luôn luôn thờ danh nhân địa phương nữa, nhưng vẫn không phải là thần đất đai hoặc thần Thành Hoàng như Tàu.
Hiện nay, trong các xã hội người Cổ Mã Lai, làng nào cũng có một ngôi nhà quan trọng nhứt như đình ở Bắc Việt, và đó là nơi hội họp của đàn ông để bàn việc công cộng của toàn làng y như ở Bắc Việt. Nơi một vài nhóm, cũng có thờ phượng y như trong các đình ta.
Tóm lại, kiến trúc Việt Nam là kiến trúc Đông Sơn, mà kiến trúc Đông Sơn là kiến trúc Mã Lai. Mã Lai, Đông Sơn và Việt Nam có ba biệt sắc về kiến trúc mà Tàu bắt chước đến hai:
Nhà Nọc ngựa họ không bắt chước
2.      Bức hồi, được họ bắt chước
3.      Nóc oằn, góc mái cong, được họ bắt chước



D.- Thờ mặt trời và âm dương vật

Có rất nhiều nhóm Mã Lai chi Lạc thờ mặt trời hoặc, ông trời, mà riêng về Mã Lai Việt Nam chúng tôi sẽ nói rõ ở chương Bắc Việt. Ở đây xin nhắc lại một lần nữa rằng Mã Lai Nhựt Bổn cũng thờ nữ thần Thái Dương. Tất cả đều ăn khớp với hình trống đồng.
Còn một tôn giáo nữa mà không ai dè là của Mã Lai, và hiện vẫn tồn tại trong xã hội ta.
Tục thờ dương vật và âm vật ở vài làng Bắc Việt (Báo Ngày Nay, tác phẩm của Toàn Ánh và của Lê Quang Nghiêm) khiến nhiều nhà khảo cứu Việt Nam kết luận rằng đó là những làng Chàm, nguyên là tù binh xưa được trả tự do, cho làm dân Việt và là người Chàm, họ theo văn minh Ấn Độ, nên mới có tôn giáo kỳ cục đó.
Nhưng các nhà khảo cứu ấy không biết rằng đạo thờ dương vật, âm vật không phải là của Ấn Độ, mà là của chủng Malayalam ở Ấn. Tôn giáo ấy gồm dâm thần Shiva, dương vật và âm vật mà tượng trưng sau cùng hết là cối và chày có ám chỉ đến trong quyển Ô Châu Cận Lục, tả dân Việt ở Ô Châu có phong tục dâm đãng, và con gái thường lấy cối để trêu con trai.
Đó là dấu vết Mã Lai của xã hội Mã Lai Lạc Việt cổ thời, chớ không hề là dấu vết Chàm.
Tôn giáo ấy không phải chỉ có ở Bắc Việt, mà có cả ở Trung Việt (tác phẩm của Lê Quang Nghiêm) cũng cứ trong các làng Việt Nam một trăm phần trăm, còn trong các làng Chàm thì lại không có. Mã Lai Chàm đã bị đạo Hồi thủ tiêu nguồn gốc rồi, nhưng Mã Lai Việt không có chịu cảnh đàn áp tôn giáo của đạo Hồi, nên còn giữ được.
Chúng tôi đã nói rằng người Thái cũng là người Mã Lai, và tục đánh Còn của họ đúng là biểu diễn âm vật và dương vật.
Trước hôn lễ, bà lãnh chúa phải đưa ra một cái vòng tròn bằng mây, bịt giấy mỏng. Ông mai ném trái Còn lọt được vào cái vòng đó, xé rách được tấm giấy mỏng đi thì hôn nhơn mới được cử hành, và sau đó trai gái dự hôn lễ tiếp tục diễn cái trò ấy, nhưng để chơi cho vui chớ không phải vì tánh cách tôn giáo nữa.
Tất cả các nhóm Mã Lai đều có những nghi lễ và tục lệ liên hệ đến dương vật và âm vật của tôn giáo của chủng Malayalam mà đạo Bà La Môn vay mượn.
Việt Nam, mặc dầu đã nhiễm Khổng Mạnh rất sâu đậm, lại cứ được thờ dâm thần mà vua chúa ta không cấm. Tại sao không cấm? Là vì đó là tôn giáo cố hữu của chủng tộc mà lễ giáo Khổng Mạnh không dám chạm tới.
Người Nhựt còn nhiễm Tàu mạnh hơn ta nữa, nhưng sự trai gái cởi truồng để tắm chung là thường ngày của họ. Dương vật và âm vật là hai thứ thiêng liêng mà tổ tiên họ thờ thì họ chỉ kính trọng chớ không nghĩ xằng.
Ở Trung Hoa chỉ có vua là được thờ Trời vì ông ta tự xưng là con của Trời, mà chỉ có con mới được quyền thờ cha.
Đến thời Đông Chu hễ chư hầu nào muốn quật cường là bắt đầu thờ Trời và tế Dao.
Vua chúa Việt Nam cũng bắt chước vua Tàu, tế Dao, nhưng không có ngăn cấm dân thờ Trời. Hồi tiền chiến, ở nông thôn Việt Nam, nhà nào lại không có bàn thờ ông Thiên?
Tại sao bắt chước Tàu mà vua chúa ta không bắt chước trọn vẹn? Vì đó là tôn giáo của chính dân chúng, vua không cấm được, còn ở bên Tàu thì nó là tôn giáo của ngoại chủng, mà vua Tàu vay mượn, nên lịnh cấm có hiệu quả, bởi dân Tàu đâu có theo tôn giáo của Việt. Chỉ có vua Tàu là theo để bịa ra huyền thoại con Trời.
Trong Nho giáo, Trần Trọng Kim nói rằng bên Tàu có đồng bóng là các bà Vu và các ông Hích. Nhưng họ Trần không biết đó là Tàu bắt chước Việt chớ không phải là của họ.
Đồng bóng là cán bộ, là một thứ mực sư của đạo thờ Trời của chủng Mã Lai Bách Việt, vì lên đồng tức là liên lạc với Thần Thánh mà nhứt là với Trời.
Dân thổ trước ở Mỹ Châu mà người ta gọi là dân da đỏ cũng thờ Trời và mặt trời, và ngày nay toàn thể các nhà chủng tộc học đều xác nhận rằng họ da vàng và từ Á Châu đến. Cứ xem các nghi lễ và các điệu vũ của thổ dân Đài Loan với lại y phục của thổ dân Đài Loan trong nghi lễ là thấy rõ hai bên giống hệt nhau, không khác một nét, một màu.
Mà thổ dân Đài Loan là Mã Lai có lưỡi rìu tay cầm đấy.
Và khả năng văn minh của người da đỏ cũng không kém khả năng của Dravidien tí nào hết. Đền đài, cung điện của Maya và Aztèques còn tráng lệ hơn là của hai thành phố chôn vùi Harappa và Mohanjo Daro của Mã Lai ở Ấn Độ nữa, và cái vật quan trọng nhứt của thổ dân Mỹ châu cũng cứ là cái mặt trời.
Chính vì cái mặt trời ấy mà trước năm 1945 các nhà khảo cổ lầm tưởng nền văn minh rực rỡ của thổ dân Mỹ Châu từ Ai Cập đến, bởi Ai Cập cũng thờ mặt trời. Nhưng rồi họ nghiên cứu dân đó về dân tộc học, chủng tộc học họ mới thấy rằng đó là dân da vàng từ Châu Á di cư tới nhưng chưa biết vào thời nào.
Một dân tộc đi bằng xuồng nhỏ từ Nam Dương đến Madagascar, vượt qua hết Ấn Độ Dương được thì dân tộc ấy cũng đã vượt Thái Bình Dương bằng xuồng nhỏ được dễ dàng phương chi ở Thái Bình Dương lại có những đảo dọc đường mà Ấn Độ Dương không có.
Xem ra thì chủng Mã Lai văn minh hơn cả Hoa chủng nữa, vì dân Maya và Aztèques đã giỏi thiên văn, toán học một ngàn năm trước Trung Hoa, mà họ giỏi thật sự, chớ không phải chỉ dùng thiên văn để bói như Tàu.
Người Mỹ thấy rằng ngày nay hậu duệ của Maya và Aztèques mặc dầu đã thoái hóa rất xa vẫn còn giỏi về thiên văn.

Đ. Đối chiếu chỉ số sọ

Qua nhiều chương rồi, những chứng tích mà chúng tôi trình ra, mặc dầu có chặt chẽ bao nhiêu, cũng không đầy đủ. Phải có thêm hai chứng tích không thể chối cãi là chứng tích thuộc chủng tộc học, mà từ xưa đến nay chưa có nhà nghiên cứu nào sử dụng hết, và chứng tích ngôn ngữ.
Quý vị sẽ đối chiếu và sẽ thấy Việt, Thái, Cao Miên thuộc chủng Mã Lai chớ không thuộc Hoa chủng.
Phần lớn các dân tộc ở Á Đông và nhứt là Đông Nam Á từ cổ chí kim đều đã được đo sọ cả rồi, nhưng từ xưa đến nay các sử gia, các nhà học giả ta chưa ai sử dụng, vì có vị không hay biết rằng tài liệu nầy, có vị hay biết, nhưng đó là sách hiếm có nên tìm không được, có vị tìm được nhưng không biết rằng cái sọ là yếu tố căn bản để phân biệt các chủng tộc, thành thử chưa có sử gia nào khai thác chứng tích chủng tộc học cả.
Chúng tôi xin trích đăng tất cả các bản chỉ số sọ của tất cả các dân tộc ở Á Đông có thể liên quan đến ta để vị nào cần thì có tài liệu mà tham khảo, bởi không dễ gì tìm được quyển sách nầy đâu.
Những tài liệu nầy trích ở quyển Étal actuel de la crânologie indochinoise của các bác sĩ P. Huard, F. Saurin, Nguyễn Xuân Nguyên và Nguyễn Văn Đức, Hà Nội, 1938, tuy tên sách là thế, nhưng các tác giả trên có trích đăng trong sách, những con số về các dân tộc ở ngoài “Đông Dương” do các nhóm bác học khác nghiên cứu từ Tây Bá Lợi Á đến đảo Tân-ghi-nê. 


Chỉ số sọ của người Việt
Tên nhà bác học đo sọ
Tên dân
Chỉ số
Trung bình




Breton
Người Bắc Việt Hà Nội
81,60
84,22
Madrolle
Người Bắc Việt Châu thổ
82,03

- -
Người Bắc Việt Châu thổ
83,00

Deniker
Người Bắc Việt tổng quát
82,70

Holbé
- -
83,17

Bonifacy
- -
83,20

Nhóm Huard
- -
80,02
82,49
Chúng tôi để người Việt miền Trung và miền Nam riêng, vì người Việt miền Bắc gần với người Việt nguyên thỉ hơn và mới là tiêu biểu cho chủng của ta, về phương diện chủng tộc học. Tuy nhiên, người Việt hai miền khác cũng có mặt, sau đây:
 Tên nhà bác học đo sọ
Tên dân
Chỉ số
Trung bình




Holbé
Người Việt Quảng Trị
79,36

--
Huế
80,81

Madrolle
Nghệ An
84,62

Bernard
Người Trung Việt tổng quát
83,80

Madrolle
Miền Nam tổng quát
79,98

Mondrière
- -
83,33

Mondrière
Người miền Nam tổng quát
79,29

P. Neis
- -
81,50

Deniker
- -
82,80

Holbé
- -
84,40
81,76
Tổng trung bình: 82,13

Dung lượng sọ Việt

Nhóm B.S. Huard                               Bắc Việt tổng quát            1.341,48




Chỉ số sọ người Thái
Tên nhà bác học
Tên nhóm được đo sọ
Chỉ số
Holbé
Xiêng Mai
81,84
Deniker
Hạ Lào
83,60
J. Harmand
Lào tổng quát
83,87
- -
Thai Phu
82,58
- -
Nam Nao
85,05
- -
- -
92,90
- -
Lào Pou Wa
82,09
Hamy
Lào Attopeu
83,13
Bác sĩ Haurd cho biết rằng người Thái Lan, người Lào và người Thái Bắc Việt đồng chủng với nhau, nên chúng tôi ghi tất cả vào đây để lấy con số trung bình (người Thái Bắc Việt chia ra làm nhiều nhóm, mang tên khác nhau như Thổ, Lô Lô, nhưng cũng thuộc độc một dòng máu Thái):
Tên nhà bác học
Tên nhóm được đo sọ
Chỉ số
Ginad
Thổ Lạng Sơn
80,51
Holbé
Thổ Lạng Sơn
81,82
Madrolle
Thổ Lạng Sơn
80,50
Madrolle
Thổ Phủ Quỹ
82,30
Harmand
Thái tổng quát
82,84
Legendre
Lô Lô tổng quát
80,20
Holthé
Nùng tổng quát
81,58

Trung bình: 82,25
Chỉ số sọ của các nhóm Mã Lai
Tên nhà bác học
Tên nhóm Mã Lai được đo sọ
Chỉ số
Tschepourkovsky
Mã Lai ở Mã Lai Á
81,00
Cole, Nanagas, Jenks
- - Phi Luật Tân
81,84
Bean, Montano
- -
81,84
Snell, Hagen, Garrett
Java
84,70
Hage, Mijsberg
- - Sumatra
82,80
Halden, Mc Dongall
- - Bornéo
80,60

Trung bình: 82,19
Chỉ số sọ Cao Miên
Tên nhà bác học
Tên nhóm người được đo sọ
Chỉ số
Bonifacy
Cao Miên tổng quát
80,00
Deniker
- -
83,60
Madrolle
- -
83,60
Mondière
- -
83,70
Holbé
Cao Miên tổng quát
84,10
Simon
- -
84,70

Trung bình: 83,28
Chỉ số sọ người Hẹ và người Thục
Tên nhà bác học
Tên dân
Chỉ số
Zaborowski
Hẹ Hoa Nam (gốc Thục)
76,66
Legendre
Trung Hoa Tứ Xuyên (gốc Thục)
79,30

Trung bình: 77,98
Chỉ số sọ của các thứ người Hoa
Tên nhà bác học đo sọ
Tên dân được đo
Chỉ số
Trung bình




Black
Người Cổ Trung Hoa tức Mông Cổ lai với da trắng Tây Vức (sọ Cam Túc)
75,70

Koganet
Người Hoa Bắc (Trung Mông Gô Lích)
80,20
78,30
Shirokogoreff
- -
81,70

Quatrefages
- -
75,97

Zaborowski
Một người ăn mày chết đường ở Bắc Kinh
66,66
79,04
Veisbaces
Người Hoa Nam (Trung Mông Gô Lích lai Việt ở châu Kinh và Dương)
79,50

Legendre
- -
79,50

Shirokogroff
- -
80,20

Hagen
- -
81,80

Patte
- -
76,97

Hamy
- -
77,22

Haberer
- -
78,80
79,14
Shirokogoroff
Hoa Đông Di tức Việt thuần chủng
81,70


Tổng trung bình: 78,27
Dung lượng sọ Hoa
Tên nhà bác học
Tên dân
Dung lượng



Flower
Trung Hoa tổng quát
1.424
Keicler
- -
1.456

Trung bình: 1.440
Chỉ số sọ những dân tộc gọi là Mông Gô Lích tức có lai giống với Trung Hoa hoặc Mông Cổ
(Không có mặt các dân Đông Nam Á trừ Việt Nam)

Tên nhà bác học
Tên dân
Chỉ số
Trung bình
Đã có tên ở bản trước
Bắc Việt
82,49

Deniker
Nhựt (Mã Lai + Mông Cổ + Aino)
78,20

Matsumura
- -
80,80

Adachi
- -
78,30

Baelz
- -
80,30
79,40
Skirokogoroff
Mãn Châu (Mông Cổ + Tongouse)
83,52

Kabo
Đại Hàn
83,40

Ivanoski
- -
83,64

Deniker
- -
81,60
82,88

Trung bình: 81,21
Chỉ số sọ của những chủng đã hợp thành Hoa chủng
Tên nhà bác học
Tên chủng tộc
Chỉ số
Hrdhichka
Mông Cổ thuần chủng
81,40
Bacot
Tây Tạng
77,07
Jochelson
Tongouses (Mãn Châu thuần chủng)
79,0
Maliev
Thát Đát
79,0
Lygin
- -
80,80
Mainov
- -
81,40

Trung bình = 66,61
Chỉ số nầy giống hệt chỉ số 66,66 của một người ăn mày ở Bắc Kinh mà chúng tôi bỏ ra không cho vào số trung bình của người Tàu.
Chỉ số sọ người Mường
Tên nhà bác học
Tên dân
Chỉ số



Holbé
Mường (Tổng quát)
79,66
Madrolle
Mường (Bắc Việt)
79,60
Madrolle
Mường (Trung Việt)
80,68

Trung bình = 79,98
Trong bản chỉ số của ông Madrolle, thấy ghi là Anh-Đô-Nê-Diêng Bắc Việt và Anh-Đô-Nê-Diêng Trung Việt, và không ai biết nhóm nào mà được ông Madrolle gọi là Cổ Mã Lai như thế. Nhưng khi đọc những bài công kích ông Madrolle của người khác, mới biết ông Madrolle chỉ người Mường.
Nhóm bác sĩ Huard rất dè dặt, tránh trước mọi kết luận bằng lời, hoặc bằng cách đặt tên không có căn bản vững. Nếu nhóm của bác sĩ Haurd mà có đo người Mường thì nhóm ấy chỉ đề là: Người Mường, mà không cho họ thuộc vào chủng nào hết, khi chưa biết gì thêm về họ cho rõ ràng đích xác.
Ông Holbé, trong bản trên đây, đã làm việc theo tinh thần đó và dựa vào bài khích bác của ông L. Aurousseau, chúng tôi dịch lại Anh-Đô-Nê-Diêng của ông Madrolle ra là Mường để trả chỉ số sọ lại đúng cho thứ dân được họ đo sọ.



Tổng đối chiếu

Tên dân tộc
Chỉ số trung bình
Dung lượng trung bình



Mã Lai
82,19

Thái
82,25

Việt (Bắc)
82,49
1.341,485
Cao Miên
83,28

Đại Hàn
82,88

Nhựt
79,40

Thục
77,98

Hoa Nam
79,14

T.B. của Trung Hoa hai miền
77,82
1.440

Nhận xét
Tất cả những dân tộc gốc Mã Lai đều có chỉ số sọ trên 80, trừ Nhựt, Mường và Thục, vì những lý do gì chúng tôi đã giải thích rồi và sẽ giải thích thêm. Chỉ số sọ Trung Hoa luôn luôn dưới 80. Chỉ số sọ Nhựt, gốc Lạc thì thấp nhứt trong đám Mã Lai Bách Việt vì họ bị lai giống với Tàu quá nhiều. Không bao giờ bị Tàu cai trị, họ cũng tự động rước chuyên viên Tàu về xứ họ, nhứt là vào đời Đường, và tất cả hậu duệ của Tần Thỉ Hoàng do con Phù Tô lãnh đạo đều chạy sang Nhựt, toàn dân của 127 huyện Tàu, tức là một cuộc di cư vĩ đại.
Thục vì đất quá tốt (xích thổ) lại có khí hậu hợp với Tàu nên khi họ bị diệt quốc rồi thì Tàu tràn tới như nước vỡ bờ.
Quý vị sẽ thấy ở chương Mường tất cả phụ nữ và bần dân Mường đều thuộc chủng Mê-la-nê, chỉ trừ đàn ông cấp lãnh đạo mới là Cổ Mã Lai, nên chỉ số trung bình của họ mới không giống Việt Nam, mặc dầu họ là Lạc Việt, thờ nai ở trống đồng.
Trong đám Mã Lai Bách Việt thì chỉ số Cao Miên lại cao nhứt, vì theo G. Coedès thì dân Môn và dân Khơ Me khi di cư tới địa bàn mới của họ thì gặp thổ trước Mê-la-nê ở địa phương đó, văn minh cao bằng họ, tức đã tiến đến tân thạch, vì thế mà cuộc hợp chủng Anh Đô Nê + Mê-la-nê nơi hai dân tộc đó lớn lao quá sức, khiến họ phải đen da, mặc dầu họ cũng ở xa xích đạo y hệt như Việt Nam.
Trong chỉ số sọ trung bình của Hoa chủng, chúng tôi loại nhóm Hoa Đông ra, vì họ gốc Việt, họ có chỉ số là 81,70 hơi gần chỉ số của Mã và Việt, vì như đã nói, họ gốc là rợ Đông Di mà yếu tố thổ trước còn mạnh hơn yếu tố thổ trước ở Hoa Nam nữa. Chỉ số sọ đó, đề vào sẽ làm sai con số trung bình nói trên, tại sao thì đã giải thích rồi.
Các vị trong nhóm Bs. Huard còn viết: “Cái sọ không phải chỉ có đặc sắc ở kích thước, mà các chi tiết về sinh vật hình thái (caractères morphologiques) rất có ý nghĩa quan trọng về mặt chủng tộc”.
Rồi các tác giả trên cho biết rằng hơn phân nửa người Việt Nam thuộc loại brachycéphales (54,36 phần trăm) và 30,85 phần trăm thuộc loại mésocéphales, trong khi đó thì đa số người Hoa thuộc loại mésocéphales.
Nhóm bác sĩ trên cho biết thêm ba điều sau đây:
1.      Tánh cách brachycéphalie là biệt sắc của chủng Mã Lai.
2.      Người Việt ở miền Bắc nhiều tánh cách brachycéphalie hơn người Việt miền Nam.
3.      Chỉ số sọ Hoa Nam lớn hơn Hoa Bắc non ba đơn vị. Chỉ số sọ Việt Nam lớn hơn Hoa Nam trên ba đơn vị.
Khoa chủng tộc học phân biệt Trung Mông Gô Lích và Nam Mông Gô Lích thành hai chủng vì cái non ba đơn vị đó thì, tiếp tục công việc của họ, ta có quyền phân biệt Nam Mông Gô Lích với chủng của ta mà ta đặt tên là Cực Nam Mông Gô Lích, cực Nam Mông Gô Lích vì cái già ba đơn vị xuất hiện giữa Việt và Hoa Nam.
Điểm thứ nhì trên đây có hơi lạ vì dân Việt miền Nam, cũng như người Việt miền Trung, có lai Chàm, tức là lai thêm với Mã Lai sau khi đồng gốc.
Nhưng xét cho kỹ thì thật quả đúng như vậy, vì người Việt Nam miền Nam có lai Tàu rất đông, kể từ thời Trần Thắng Tài, Dương Ngạn Dịch, thế nên họ bị lây tánh cách Mésocéphale của Tàu.
Chúng tôi không trích đăng hình dạy cách đo sọ, vì kỹ thuật rất là rắc rối, phải in trên ba tờ giấy mà hai tờ trên là giấy trong suốt và hình phải ăn khớp với hình của tờ giấy thứ ba là tờ giấy thường ở dưới, chỉ có những đại ấn quán cỡ Taupin ngày xưa mới in nổi mà thôi, nhưng những con số và những nhận xét trên đây cũng đã đủ lắm rồi.
Ta đã biết bốn điều quan trọng:
Sọ ta khác với sọ Hoa Bắc và Hoa Nam rất nhiều về chỉ số và dung lượng.
2.      Sọ ta giống hệt sọ Mã Lai.
3.      Sọ ta có tánh cách brachycéphale của Mã Lai.
4.      Tất cả các dân mà tiền sử học nói là Mã Lai đều quả có sọ Mã Lai.
Chúng tôi chỉ dùng chỉ số sọ của người Việt miền Bắc để đối chiếu vì người Việt miền Nam không thuần chủng bằng người Việt miền Bắc.
Xin nhắc lại lời của giáo sư Lê Văn Hảo: “Chủng Nam Mông Gô Lích là chủng của các dân tộc ở Đông Nam Á”. Nhưng không có dân tộc Đông Nam Á nào có sọ Nam Mông Gô Lích cả. Các biểu chỉ số sọ trên đây cho thấy rõ như vậy.
Sử gia Nguyễn Phương cũng đã nói một điều vào năm 1965 mà O. Jansé đã nói rồi năm 1947 là các yếu tố trong máu của dân Việt Nam khác với dân Trung Hoa. Nhưng chỉ số sọ là bằng chứng quyết định hơn. Biểu đối chiếu cuối cùng sẽ làm nổi bật lên sự kiện khác chủng giữa Hoa và Việt.
Hoa trung bình: 77,82
Việt Bắc trung bình: 82,49
Sự khác biệt lên đến năm đơn vị.
Nhưng nếu lấy sọ Chàm Túc mà đối chiếu thì sự sai biệt lại càng to hơn.
Chỉ số sọ người Thục rất giống chỉ số sọ Trung Hoa, mặc dầu họ thuộc chủng Thái.
Nhưng cũng nên biết rằng người Thục ở Hoa Nam (Hakka) đã bị lai giống mạnh với Trung Hoa từ trên hai ngàn năm rồi. Còn người Thục Tứ Xuyên thì đã bị bốn đợt di cư lớn biến họ thành Hoa. Di cư do Tư Mã Thiên tổ chức dưới thời Chiến quốc, sau khi diệt Thục; di cư do Hàn Tín và Lưu Bang tổ chức, rồi do Khổng Minh, Lưu Bị tổ chức, di cư do Tưởng Giới Thạch tổ chức vào trận thế chiến thứ hai, cuộc di cư nầy còn quá mới, chưa thay đổi gì được nhưng cũng xin ghi vào cho đủ bộ.
Chỉ số sọ hơi thấp của người Việt miền Nam, thấp so với sọ miền Bắc chứng tỏ rằng người Việt miền Nam lai Tàu nhiều hơn người Việt miền Bắc.
Câu trên đây có vẻ mâu thuẫn với một khám phá lạ của chúng tôi và bọn lưu vong nhà Minh ở Bắc Việt 10 lần đông hơn ở Nam Kỳ.
Chỉ là có vẻ mâu thuẫn thôi, chớ thật ra thì không, vì khi Pháp chinh phục Nam Kỳ thì họ mở cửa Nam Kỳ cho Tàu di cư đến bao nhiêu tùy thích, khác hẳn ở Bắc Việt mà người Tàu, sau cuộc lánh nạn Mãn Thanh, chỉ di cư đến rất lưa thưa.
Hiện nay thì họ đã đông tới một triệu rồi và số con lai Tàu Việt vô số kể từ năm 1680 cho đến nay.
Lai giống nhiều nhất là người Triều Châu, vì người Triều Châu làm nông nghiệp, len lỏi vào sống trong nông thôn, lẫn lộn với dân chúng, chớ không phải là công nhân và thị dân như người Quảng Đông và Phúc Kiến.
Triều Châu tuy là Lạc bộ Mã, nhưng họ đã lai Tàu từ ngày Tần Thỉ Hoàng diệt Thất Mân ở Mân Việt, thành thử sọ của họ là sọ Hoa Nam.
Lời giải thích nầy, nếu đúng thì nó để lộ cho ta thấy rằng số người Tàu di cư vào Cổ Việt quá ít, chớ không như giáo sư Nguyễn Phương đã chủ trương. Vì quá ít nên từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau càng đi xuống, tánh chất Mã Lai càng ít đi, mà tánh cách Trung Hoa lại càng mạnh hơn.
Lại càng nên phân biệt người Việt gốc Hoa, tức Tàu lai với người Tàu thuần chủng. Thuyết của giáo sư Nguyễn Phương cho rằng ta là Tàu thuần chủng chớ không phải là Tàu lai.
Đó là người Tàu di cư sang Cổ Việt trá hình và tự xưng là Việt.
Ở chương Cái Họ, ta sẽ thấy rằng ở Nam Kỳ chỉ có Tàu lai là có thể làm Việt Nam, còn người Tàu thuần chủng thì tuyệt nhiên không hề làm Việt, cho dẫu sống ở đó mấy mươi đời họ vẫn cứ làm Tàu. Chúng tôi đã nói rằng họ giống người Do Thái lắm về mặt ấy, có bắt họ lấy quốc tịch Việt Nam, họ vẫn cứ làm Tàu như thường, và đa số lại không thèm học tiếng Việt nữa, chớ đừng nói là, tuy làm Tàu nhưng vẫn nỗ lực sơn một lớp sơn Việt lên người họ, để dễ làm ăn, hoặc dễ làm dân biểu.

E. Ngôn ngữ tỷ hiệu

Khoa học chê khoa ngôn ngữ tỷ hiệu, chỉ bố thí cho nó địa vị thứ ba trong các cuộc chứng minh thôi.
Chúng tôi nhượng bộ khoa học cho khỏi phải tranh luận lôi thôi, chớ riêng về trường hợp Việt Nam thì ngôn ngữ tỷ hiệu phải được thủ vai hạng nhì, ngang hàng với việc đo sọ.
Vâng, đúng là phải như vậy. Từ hai ngàn năm nay, thử hỏi dân tộc ta có tiếp xúc với dân tộc Mã Lai hơn một ngày hay không, trước khi ta di cư vào Nam hồi giữa thế kỷ 17?
Nhưng ta lại đã dùng ngôn ngữ Mã Lai hàng ngàn năm trước cái lần tiếp xúc vào thế kỷ 17 ở Nam Việt ấy, mà là dùng tại Bắc Việt kia, thì phải chăng khi hai ngôn ngữ giống nhau là đồng gốc tổ chớ không hề là vay mượn.
Vay mượn hồi nào, và ở tại thành phố nào ở Bắc Việt kia chớ, từ hai ngàn năm nay? Tuyệt đối không có tiếp xúc và ảnh hưởng nào hết.
Vài ông Tây cho thấy rằng trong Việt ngữ có một số danh từ Mã Lai. Họ chỉ nhận xét thế thôi nhưng không kết luận.
Nhưng giáo sư ngữ học Nguyễn Đình Hòa thì kết luận rằng đó là một sự vay mượn, và vài sử gia phụ họa theo cho rằng sự vay mượn đó là dĩ nhiên.
Chúng tôi không thấy tánh cách dĩ nhiên ấy ở chỗ nào cả và không hiểu nổi tại sao lại có sự vay mượn đó, nhứt là khi chúng tôi tìm ra được đến 6, 7 ngàn danh từ Việt giống danh từ Mã Lai thì chúng tôi phải kêu trời, tự hỏi tại sao ta vay mượn nhiều đến thế của một dân tộc không hề có địa bàn gần với ta, mà cũng không hề có tiếp xúc với ta hồi cổ thời, chỉ trừ cuộc tiếp xúc tại Nam Kỳ hồi giữa thế kỷ 17, mà danh từ Việt giống Mã Lai lại có từ thuở dân ta… mới biết nói tiếng người.
Sử ta có chép chuyện Mã Lai liên kết với Chàm, đến đánh Thăng Long, nhưng bị ta rượt chạy không kịp đổ bộ, thì thử hỏi sự vay mượn “DĨ NHIÊN” ấy xảy ra hồi nào  ở đâu?
Chỉ còn có một cách trả lời là nó xảy ra hồi thượng cổ, lúc hai dân tộc còn là một, tức là ta với họ đồng chủng với nhau và có địa bàn chung vào thời thượng cổ.
Mà không phải chỉ có ta với họ, vì Môn, Miến Điện, Khơ Me, Thái đều đồng chủng Mã Lai với nhau cả, thế nên mới có sự giống nhau nó gạt gẫm, các ông Tây họ cho là ta vay mượn lung tung, không có lấy một danh từ nào là của ta hết, vì xem đi xem lại (trong quyển tự vị đối chiếu 10 ngàn danh từ mà chúng tôi đang soạn) thì ta không giống Chàm cũng giống Khơ Me, không giống Khơ Me cũng giống Thái, không giống Thái thì giống người Thượng Cao nguyên, tóm lại, nếu chủ trương là ta vay mượn thì không còn Việt ngữ nữa, bằng chứng chắc một trăm phần trăm là không có danh từ Việt nào mà không giống danh từ của nhóm dân nào đó.
Hai thí dụ điển hình nhứt là con Yểng, con vật nhỏ mọn không đáng kể, vậy mà Đàng Trong gọi là con Nhồng, người Bà Na trên Cao nguyên gọi là con Jồng, và con Mạt (rận gà) thì người Bà Na gọi là con Mạc. Mà đừng tưởng là họ học với ta đâu nhé. Họ đã có hai danh từ đó trước khi ta để chân lên Cao nguyên, mà ta cũng có rồi trước khi họ thấy mặt ta lần đầu trong lịch sử của họ.
Nhưng khi học về nguồn gốc của Mã Lai chủng xong rồi thì những tiếng vay mượn   nhiên không còn đứng vững được nữa, và thắc mắc của những người biết suy nghĩ đã được giải đáp: một dân tộc cường sinh nhứt Đông Nam Á mà lại không có ngôn ngữ, đi lượm danh từ của cả người Thượng để mà dùng, là chuyện không có được, mà tại sao có sự giống nhau đó thì đã rõ.
Chương nầy chắc chắn là chương quan trọng nhất của quyển sách nầy, không phải đối với các nhà khoa học, mà quan trọng vì sẽ được dân chúng nhìn nhận dễ dàng nguồn gốc của mình, bởi nếu những cái sọ khó hiểu, thì ngôn ngữ là cái gì thấy được tức khắc, bất cứ với trình độ văn hóa nào.
Trước khi kết quả của công việc khảo tiền sử được ông G. Coedès đưa ra ánh sáng, trên thế giới không hề có ai biết có Mã Lai đợt I hết. Họ chỉ biết có một thứ Mã Lai mà thôi vì nhóm người đó, đông hàng trăm triệu hiện đang sống tại các đảo Mã Lai và tự xưng là Mã Lai đợt I. Nhưng đó chỉ là Mã Lai đợt II. Đây là dịp mà ta biết Mã Lai đợt I, biết nhiều hơn ông G. Coedès nữa, vì ông ấy không có kiểm soát như chúng ta.
Làm thế nào để biết được? Rất là giản dị. Cứ dựa theo khoa khảo tiền sử thì đại khái Nam Dương và Đa Đảo (trừ Célèbes) với lại Phi Luật Tân, là Mã Lai đợt II, Môn, Khơ Me, Miến Điện, Thái, Việt Nam, Célèbes là Mã Lai đợt I.
Đại khái thì là như vậy, nhưng đi sâu vào chi tiết hơn, sau khi đối chiếu xong hiệp đầu, ta thấy tiền sử học có sai. Ở ba quốc gia Việt Nam, Chiêm Thành và Nhựt Bổn có cả hai thứ Lạc Trãi và Mã. Riêng ở Việt Nam thì lại có đến ba thứ: Trãi, Chuy và Mã.
Có một thứ Lạc bộ Chuy mà không ai chú ý đến, cứ cho rằng Nam Việt Chí viết sai chánh tả.
Đối chiếu xong hiệp đầu, chúng tôi mới thấy rằng sử Tàu quá giỏi. Tiền sử học chỉ biết tổng quát có Mã Lai đợt I mà không dè rằng trong bọn đợt I Lạc ở Tây Hoa Bắc bộ Chuy ngôn ngữ khác hơn Lạc ở Đông Hoa Bắc bộ Trãi một chút xíu.
Đối chiếu xong hiệp đầu, với hàng vạn danh từ, chúng tôi chợt thấy rằng trong Việt ngữ có những danh từ không giống Mã Lai Nam Dương, cũng không giống Thái, Môn, Khơ Me, Miến Điện. Thế là chúng tôi nhờ đến Lạc bộ Chuy mà Tàu thường gọi là Khuyển Nhung hơn, và đó là tổ tiên của Môn, Miến Điện, Khơ Me.
Vậy những danh từ không giống ai hết hẳn là của Lạc bộ Trãi. Đó là cái biết do sự đối chiếu hiệp đầu để lộ ra. Và đó là cái biết căn bản, nó giúp ta rõ được ở quốc gia nào có bao nhiêu thứ Lạc, và có với tỷ lệ nào, vì ở địa bàn nào họ cũng chỉ tìm được có vài mươi cái sọ.
Chúng tôi nhận thấy hai điều rất quan trọng:
Cả hai thứ Mã Lai đều có một số vốn chung về ngôn ngữ, kẻ nầy nói kẻ kia hiểu được, như hai danh từ Lá và Non đã cho thấy.
2.      Sử Tàu rất đúng khi họ ghi chép về ngôn ngữ của dân nước Sở. Dân nước Sở nói tiếng Mã Lai Nam Dương, vì đó là Lạc Hoa Nam, đợt II, bộ Mã (xin nhắc lại câu chuyện Nậu Ô Đồ).
Và chúng ta có thể viết lại thật đúng lịch sử của nước Chiêm Thành mà cho tới ngày nay các sử gia Pháp và Hoa viết sai cả về đoạn đầu, đoạn song đôi với Hùng Vương.
Về thượng cổ sử của Phù Nam và Cao Miên, ta cũng viết đúng được y như thượng cổ sử Chiêm Thành, mà cũng chỉ nhờ ngôn ngữ đối chiếu.
Hơn thế, ta lại biết được rằng có một quốc gia Việt Nam thứ nhì đã bị nước Cao Miên tiêu diệt cách đây trên 2.000 năm và thứ dân đó hiện còn sống, nói tiếng Việt lối cổ, và cái tiếng Việt lối cổ ấy ra sao.
Nhưng hữu ích hơn hết là ta sẽ biết rõ thời đại của vua Hùng Vương mà cho tới nay chưa ai biết cả, trừ một câu sử ngắn và thiếu sót của quyển Giao Châu ngoại vực ký. Việt sử trung điệp, giai đoạn Đông Sơn, cũng được ta biết rõ hơn, những gì mà hàng chục nhà bác học Âu Mỹ đã đưa ra ánh sáng từ 1924 đến 1954.
Mà cũng cứ nhờ ngôn ngữ tỷ hiệu.
Như trong toàn thể quyển sách, chương nầy cũng chia ra làm hai phần, phần thứ nhứt bác bỏ chủ trương Việt ngữ là Hoa ngữ của giáo sư đại học Nguyễn Phương, phần thứ nhì chứng minh Việt ngữ là Mã Lai ngữ.
Giáo sư Nguyễn Phương khẳng định mà không đưa bằng chứng rằng Việt ngữ là Hoa ngữ. Tưởng như thế, ta chỉ nói một tiếng “Không” là đủ rồi.
Nhưng một vị giáo sư khác, không hề cho ta là người Tàu, lại có chứng minh rằng tiếng ta là tiếng Tàu. Đó là giáo sư Lê Ngọc Trụ.
Vậy chúng tôi cần bác bỏ hơi dài, vì giáo sư họ Nguyễn được giáo sư họ Lê ủng hộ một cách vô tình và gián tiếp.
Trong V.N.T.K.S. trang 230 sử gia Nguyễn Phương viết: “Hầu như có thể nói được rằng tiếng Việt Nam ngày nay, sau 10 thế kỷ độc lập, vẫn còn là chính tiếng Tàu, nhưng đọc lên một cách hơi khác với cách đọc của những tiếng địa phương ở Trung Quốc. Cố nhiên, trong Việt ngữ, đôi khi có xen vào một đôi số những tiếng không phải gốc Tàu, như tiếng Mọi, tiếng Chàm, nhưng hiện tượng đó không thể nói lên gì khác, ngoài sự người Việt Nam trên đường bành trướng, đã có gặp người Mọi, người Chàm, cũng một cách như họ đã gặp người Pháp trong thế kỷ vừa qua và họ đã thâu nhận một số tiếng Pháp vào trong kho ngôn ngữ của họ”.
Tiếng Việt do tiếng Tàu mà ra, là chủ trương của một số học giả từ lâu rồi, chớ không riêng gì của sử gia Nguyễn Phương mới nói như vậy. Nhưng đây là lần đầu tiên mà một giáo sư đại học công khai nhấn mạnh về chủ trương ấy và dùng chủ trương đó để làm một trong nhiều chứng minh quan trọng cho giả thuyết rằng người Việt Nam là người Trung Hoa thuần chủng di cư sang đây vào thời Bắc thuộc, còn dân Lạc Việt thì đã “đi ra khỏi lịch sử rồi” nên ta không còn thờ ơ được với quan niệm trên nữa, mà phải cấp tốc đặt thành vấn đề ngay, với một cuộc kiểm soát cẩn thận.
Ngữ vựng của dân tộc nào cũng vay mượn lung tung, Tuy nhiên, các cuộc vay mượn còn để dấu thời gian lại. Xin giải thích rõ. Khi người Tàu đến đánh ta để trực trị ta, không lẽ hai bà Trưng và đồng bào của hai bà lại không có một danh từ để chỉ bàn tay hay sao?
Nếu phải vay mượn của Tàu thì ta chỉ vay mượn những tiếng chỉ những ý niệm phức tạp, những dụng cụ và vật dụng lạ, chớ không thế nào ta lại vay mượn một danh từ để chỉ Nước là chất mà ta uống hằng ngày và ta đã phải có tiếng gọi hàng ngàn năm rồi.
Đó chỉ là mới nói chuyện vay mượn của Tàu không mà thôi, mà nhiều người cũng lạm dụng sự kiện có vay mượn đó, để mà nói quá lố ra, biến tiếng nào của ta cũng thành của Tàu cả, như trường hợp giáo sư Lê Ngọc Trụ mà chúng tôi sẽ xét thật kỹ ở chương nầy.
Chí như nói ta là Tàu thuần chủng vay mượn của Mọi thì lại càng vô lý hơn. Người Tàu đã rất văn minh dưới ba trào đại Chu, Tần, Hán, họ lại có tự tôn mặc cảm quá nhiều, không như các dân tộc văn minh khác. Như vậy nếu có chuyện người Tàu ly khai với chính quốc của họ để tự xưng là Việt Nam thì họ chỉ ly khai về chánh trị mà thôi chớ không bao giờ ly khai về ngôn ngữ, mặc dầu họ có sống với “Mọi” đi nữa như sử gia họ Nguyễn đã nói.
Họ xem cái gì của họ cũng hơn của man di cả, nhứt là ngôn ngữ, vì cái lẽ dễ hiểu rằng họ đã có văn tự còn các thứ man di thì không. Thế thì tại sao, khi tự xưng là Việt, họ lại mượn những danh từ , Trăng, Ngựa, Chòi, Túp, Cơm, Trâu, , Bóng, Chim, Vua của “Mọi” trong khi họ đã có những danh từ đó rồi, và thấy là hay hơn danh từ của Mọi?
Nhưng chắc sử gia đã đổi quan niệm, sau khi xem qua vài thí dụ về danh từ Lá và Non ở đầu sách nầy. Nếu sử gia lại còn chưa đổi ý thì xin cứ xem hết chương nầy thì rõ.
Sử gia Nguyễn Phương nói rất đúng rằng trên đường Nam Tiến ta, tức là theo sử gia thì là người Tàu đấy, có mượn tiếng “Mọi”, nhưng không nên kể đến.
Vâng, nhưng người Tàu tự xưng là Việt mượn tiếng Mọi để chỉ những vật lạ như Cây Dừa mà bên Tàu không có chẳng hạn, chớ sao lại bỏ danh từ Xùi của đại quốc Trung Hoa, rồi mượn danh từ Nước làm gì?
Không có lý nào mà như vậy hết.
Biết trình độ văn hóa của ta dưới thời Mã Viện thì có thể dựng lên được một ngữ vựng Việt vào thời ấy. Chắc ta chưa biết lịch, thì danh từ lịch mới có thể là gốc Trung Hoa, chớ ta đã có biết cái Bàn tay rồi thì danh từ Bàn tay hẳn phải là của ai đó, tức của tổ tiên ta, chớ không thể nào mà là Trung Hoa, cũng không thể nào mà Trung Hoa bỏ danh từ Chưởng của họ để mượn danh từ Bàn tay của “Mọi”.
Chúng ta đã thấy có trường hợp một chủng tộc mất ngôn ngữ của mình và dùng ngôn ngữ của nước khác, nhưng luôn luôn kẻ yếu mất và kẻ cho vay là kẻ mạnh.
Người Tàu di cư, nếu có, là kẻ mạnh, là dân văn minh, thì khi họ ly khai với chính quốc của họ tại Giao Chỉ, theo quan niệm của sử gia Nguyễn Phương, không thế nào mà họ để mất ngôn ngữ của họ, đi mượn ngôn ngữ “man di”, mượn những danh từ thông thường mà họ đã có rồi như ăn, uống, ngủ, v.v.
Vậy khi ngôn ngữ căn bản của ta không phải là ngôn ngữ Tàu thì chắc chắn rằng là ta không phải là người Tàu.
Nhưng trước khi bác bỏ và chứng minh, chúng tôi thấy là cần xóa vài ngộ nhận của trí thức ở các ngành khác mà không có theo dõi khoa ngữ học.
Theo quý vị đó thì văn phạm mới là việc chính của một ngôn ngữ, còn danh từ có thể vay mượn qua lại.
Theo quan niệm sai lầm ấy thì không thể bác bỏ hoặc chứng minh bảo vệ những biểu đối chiếu danh từ.
Thật ra đó là quan niệm đúng… của đời xưa, mà nó chỉ mới được thấy là sai về sau nầy thôi. Và trí thức của các môn khác mà không theo dõi ngữ học, đã sai vì đã dừng chơn lại ở cái biết đời xưa vừa được phổ biến ngày nay ở xứ ta, còn cái biết ngày nay thì chỉ có các nhà chuyên môn mới biết?
Để truy nguyên một dân tộc, sau vấn đề chủng tộc học và khảo tiền sử, vấn đề quan trọng vào hàng thứ ba là ngôn ngữ học. Trong công trình nghiên cứu về chủng tộc Mèo (B.E.F.E.O. 1968), ông G. Moréchand viết đại khái: “Sau chỉ số nọ, ngôn ngữ là dấu vết lâu đời nhứt mà một chủng tộc có thể giữ được qua nhiều ngàn năm chung đụng với các chủng tộc khác. Y phục, phong tục, tôn giáo có thể chịu ảnh hưởng ngoại lai dễ dàng, nhưng ngôn ngữ thì không”.
Nhưng chính chúng tôi lại đã nói, ngôn ngữ chỉ là chứng tích có giá trị hạng ba, vì ngôn ngữ là văn hóa, có thể vay mượn lẫn nhau, ảnh hưởng lẫn nhau. Và trong ngôn ngữ, bất kỳ cái gì cũng biến được hết chớ tuyệt đối không phải văn phạm bất biến còn danh từ thì biến.
Người Đức và người Anh đều thuộc nhóm Nhựt Nhĩ Mạn của chủng Ba Tư Ấn Âu (race Iranienne Indo-Européenne, groupe Germanique). Thế mà người Anh theo văn phạm Nhựt Nhĩ Mạn, còn người Đức thì lại theo văn phạm La Tinh. Trong khi đó thì danh từ Nhựt Nhĩ Mạn của hai dân tộc đó lại cứ giống nhau.
Thế thì cái gì bị biến nhiều hơn? Văn phạm hay danh từ?
Vì biết cái lẽ đó nên khi tìm nguồn gốc các dân tộc da trắng bằng chứng tích ngôn ngữ, chính phương pháp đối chiếu danh từ được áp dụng, chớ không phải căn cứ vào liên hệ văn phạm.
Người Âu Châu đã thành công, vì khi họ dùng phương pháp đối chiếu danh từ, nó cho họ một kết quả ăn khớp với khoa khảo tiền sử và khoa chủng tộc học, còn phương pháp đối chiếu văn phạm thì không.
Thế nên chúng tôi dùng phương pháp đối chiếu danh từ.
Thí dụ: Tiếng BÀN TAY
Pháp: Main   Nga: Ruka        Anh: Hand
Ý: Mano        Balan: Reka       Đức: Hand
Thoạt trông cứ tưởng Pháp, Nga, Anh khác ngôn ngữ nhau. Nhưng không. Qua một biểu đối chiếu khác, ta lại thấy rằng họ đồng tông Ba Tư, Ấn Âu.
Thí dụ về danh từ MẸ:
Pháp: Mère    Nga: Mat       Anh: Mother
Một chủng là cái gì rất là lớn lao, họ chia ra nhiều chi, rồi mỗi chi chia thành nhiều tiểu chi, các tiểu chi đều có một số danh từ khác nhau, nhưng đồng thời cũng có một số danh từ giống gốc mẹ thuở cổ sơ. Người ta dùng phương pháp đó để truy nguyên chủng tộc, căn cứ vào cái gốc mẹ ban đầu ấy.
Nói thế chỉ để nói ra một sự thật kỳ dị mà cho đến trí thức cũng không biết, họ đinh ninh rằng văn phạm, âm thanh là cái gì bất di bất dịch, còn danh từ thì vay mượn qua lại lung tung. Chỉ nói ra cho rõ trắng đen thôi, chớ chúng tôi đã xét ngôn ngữ dưới đủ cả mọi khía cạnh: văn phạm, cú pháp, ngữ vị, âm, thanh và danh từ.
Nhưng chúng tôi đưa ra kết quả của phương pháp đối chiếu danh từ vì chúng tôi thấy những thứ khác sai hết. Thí dụ về phương diện nhân-thể-tính (caractères anthropologiques) là phương diện quyết định hơn cả thì người Lô Lô đích thị là người Thái. Thế mà họ nói “Ông cơm ăn”, khi người Thái nói “Ộng ăn cơm”.
Đó là về ngữ vị (word order). Các thứ khác cũng biến bậy bạ như thế. Chúng tôi đã khám phá ra rằng tiếng Cổ Việt đa âm, y hệt như Mã Lai ngữ và Nhựt Bổn ngữ ngày nay. Quý vị nói sao về vấn đề nầy? Nó đa âm và nó chỉ có 4 thanh. Cái đó mới là phiền, trong khi ngày nay ta có tới 8 thanh và độc âm.
Tóm lại, chỉ có việc đối chiếu danh từ là dùng được, và danh từ, kỳ dị thay, mới là tồn tại lâu dài.
Thế nên khi sử gia Nguyễn Phương cho rằng “Tiếng Việt chính là tiếng Tàu” để chứng minh rằng Việt là Tàu, khi giáo sư Kim Định bảo rằng yếu tố Việt là yếu tố căn bản trong Hoa chủng, chúng tôi không đưa ra sự khác biệt quá rõ ràng giữa văn phạm Tàu và văn phạm Việt để bác bỏ chủ trương của hai ông như bao nhiêu học giả khác đã làm, mà chỉ bác bỏ bằng việc đối chiếu danh từ mà thôi.
Nhưng trước khi trình ra trên hai trăm bản đối chiếu, chúng tôi nói dài thêm về ngộ nhận của trí thức ta là danh từ không phải căn bản. Chúng tôi đi sâu vào các thứ biến để cho thấy rằng chỉ có phương pháp đối chiếu danh từ là dùng được, còn văn phạm, ngữ pháp, ngữ vị, thanh, âm đều không dùng để đối chiếu mà có thể biết sự thật như ai cũng tưởng.
Chúng tôi đã trình ra thí dụ về văn phạm nước Đức và văn phạm Lô Lô, nó gạt gẫm ta chớ không chứng minh cái gì hết.
Giờ xin bước sang vấn đề độc âm và đa âm.
Chúng tôi nói rằng chúng tôi đã khám phá ra tiếng Việt cổ thời đa âm, thì tưởng chỉ cần đưa ra một mớ danh từ cổ thời ấy là đủ rồi, không phải nói dông dài làm gì. Nhưng vẫn phải nói dông dài, bởi cái gì cũng cần được đưa ra cả hết.
Lối sắp loại của các ông Tây cho rằng tiếng Thái, tiếng Chàm và tiếng Mã Lai có hai Xy láp còn tiếng ta chỉ có một, không đúng. Những tiếng mà ta ngỡ là hai Xy láp của Mã Lai, cái tử âm đầu của họ, họ chỉ nói gió mà thôi. Thí dụ danh từ  của ta, tiếng Mã Lai được ghi là Halaa, nhưng thật ra là họ đọc H’laa, không thể gọi là hai Xy láp được.
Nhưng nếu cứ muốn nói chuyện hai Xy láp thì ta vẫn có hai Xy láp. Những tiếng nhị trùng âm của ta đều có thể coi như là gồm hai Xy láp, theo lối Halaa. Thí dụ Chuyên.
Nhưng ngay trong những tiếng chỉ gồm có một Xy láp, cũng là hai Xy láp. Ai không tin cứ nghe tài tử Anh Tuấn nói trong Tivi thì phải tin ngay. Tài tử ấy là người gốc miền Bắc, và đa số người gốc miền Bắc nói như vậy, nhưng ông đó nói rõ hơn ai hết. Thí dụ Lạ Kỳ, ông ấy nói La Ạ Kỳ.
Và ông ấy là người Việt Nam độc nhứt nói đúng tiếng Việt gốc, vì hiện nay người Mã Lai Nam Dương nói là Lu Ạ, tức nói với hai Xy láp chớ không phải với một Xy láp.
Đành rằng ta đã biến âm U thành âm A và nhập hai âm A lại, nhưng thuở mới biến, hẳn ta chưa nhập và ta còn nói là La Ạ, y hệt như ông Anh Tuấn ngày nay đã phát âm.
Nhưng tiếng Thái có hai Xy láp hay không như các ông Tây đã nói mò? Không. Đồng họ nói là Tong luang, các ông Tây viết dính rồi cho là có hai xy láp, nhưng thật ra đó là hai từ: Đồng Luang. Tiếng Thái Luang hoặc Long  màu vàng, Tong luang  Đồng màu vàng, chớ không có hai Xy láp gì hết.
Các ông Tây viết dính lại hết rồi muốn nói ra sao thì nói. Các ông viết Luangprabang, nhưng thật ra đó là ba từ:
Luang:           Vương quốc
Pra:                 Thần
Bang:              Tên của vị Thần.
Luangprabang là Vương quốc của thần Bang, làm gì mà có ba Xy láp được?
Ở biên giới Lào - Việt, gần đèo Mụ Già, có một làng tên là Tân Ấp. Các ông gọi là Letanap. Tiếng Lào đó đa âm hay không? Cũng như Lê Văn Duyệt được gọi là Lê Tả Quân, các ông ấy viết là Letacun thì còn biết ta đa âm hay độc âm?
Bên Lào có một nơi tên là Thakhek.
Tha =              Bến
Khek =            Kẻ lạ
Các ông viết Thakkek rồi nói là tiếng Lào Thái có hai Xy láp. Chẳng những thế, các ông làm cho người khác lầm nghĩa nữa, vì Thaknek có thể đọc là Thak Hek.
Thak =            Thu nhỏ lại
Hek =             Cây sầu đông
Bến của kẻ lạ mặt trở thành Cây sầu đông bị thu nhỏ thì là chuyện động trời.
Ở Trung Việt có một mũi đất mà các ông ghi bằng tiếng Chàm, tức tiếng Mã Lai đợt II. Đó là Cap Batangan. Nhưng chính người Chàm cũng chẳng biết đó là gì, bởi nó gồm ba từ chớ không phải một từ mà ba Xy láp thì người Chàm còn làm sao mà hiểu được!
Vấn đề đa âm  đơn âm cũng không có gì là rõ rệt.
Có trường hợp ngôn ngữ đơn âm biến thành ngôn ngữ đa âm. Trường hợp nầy rất thường xảy ra, và nếu ta muốn, tiếng Việt đã là tiếng đa âm từ lâu rồi. Đó là trường hợp một dân tộc kém văn minh được một dân tộc văn minh khai hóa, ráp nối một tiếng của họ và một tiếng của dân tộc văn minh đó mà họ dùng làm ngữ căn. Trong vòng 10 năm nay, ta thấy xuất hiện trên báo chí những tiếng như lành-mạnh-hóa chẳng hạn mà có người nói là từ ngữ, có người cho là động từ ghép, chỉ vì có hai gạch nối liền, chớ bỏ hai gạch đó, viết dính nó lại thì đó là một tiếng đa âm chớ không có gì lạ.
Dân Việt dùng Hoa làm ngữ căn thì dân Mã Lai dùng Ấn làm ngữ căn, chỉ có khác là tiếng Mã Lai bị ảnh hưởng đa âm của Ấn nên người Mã Lai đọc rất nhanh, người Âu châu phiên âm các Xy láp Mã Lai cho dính lại thì nó có vẻ đa âm hơn tiếng lành-mạnh-hóa của ta, chỉ có thế thôi.
Chúng tôi học tiếng Mã Lai trong mấy quyển tự điển Pháp - Hòa, Hòa - Mã, chúng tôi thấy danh từ Angin. Tự nhiên chúng tôi đọc hơi giống Engine của tiếng Anh.
Nhưng một vị trí thức Chàm đã dạy chúng tôi đọc cho đúng. Nó hoàn toàn không phải như vậy mà là A Ngin, hai từ rời ra xa nhau và Ngin đọc y như Nghin của Việt Nam.
Người Mã Lai quả hiện nay họ đa âm, nhưng đó là ảnh hưởng Ấn Độ, chớ vào cổ thời họ cũng là chủng có nhị âm, và nhị âm y hệt như Việt Nam cổ thời.
Họ nối kết rất là kỳ dị, không còn gì là Ấn Độ nữa, mà cũng chẳng còn gì là Mã Lai nữa hết.
Thí dụ:
Măm: Kẻ
Panaa: Bắn
P’na: Ná
Họ nhập hai chữ P lại cho đứng đầu, rồi cho Măm vào giữa và nuốt mất một M, rồi lại cho Anaa + Na đi sau. Nó hóa ra là Pamanaa. Như vậy là:
Ná kẻ bắn hoặc Bắn kẻ ná
 P có thể thay cho Panaa và P’na.
Họ nuốt mất M, và trong Panaa và P’na có tới bốn chữ A, nhưng rốt cuộc chỉ còn có ba chữ.
Đó là một sự cấu tạo kỳ dị quá sức tưởng tượng, không có ngôn ngữ nước nào mà chuyển hóa lạ lùng như vậy bao giờ.
Tiếng Phạn dài bao nhiêu họ cũng không nuốt. Dưới đây là một danh từ mà Ban điển chế ngôn ngữ của ông Nê Ru đã tân tạo để chỉ cái nhà ga:
Angirahyantraviramsthan
Cả thế giới, và cả người Ấn Độ đều phì cười. Nhưng họ nhứt định để cho nó dài, không nuốt một tiếng, một Xy láp nào hết.
Khi ông Mã Lai tự đa âm hóa theo kẻ khai hóa của ông thì ông đảo lộn điên đầu, không còn biết đâu là đâu nữa. Nhưng đó là những tiếng mới, chớ những danh từ căn bản của dân tộc Mã Lai cứ chỉ có một và hai Xy láp, không bao giờ trên hai cả, mà danh từ Cổ Việt thì cũng thế, như ta sẽ thấy.
Lại có trường hợp ngộ nhận là đa âm, nhưng thật ra chỉ là đơn âm. Thí dụ ngôn ngữ Nhựt Bổn. Ai cũng cho đó là tiếng đa âm. (Và Nhựt cũng gốc Mã Lai). Nhưng thử hỏi có quả nó đa âm hay không? Chúng tôi xin lấy tên một đảo của họ làm thí dụ. Đó là đảo Shikoku, và đó là do người Âu châu phiên âm, chớ phiên âm thật đúng thì chỉ có Việt ngữ mới phiên âm được. Ta phải phiên âm là Shikôku mới không phản giọng đọc của người Nhựt. Mà Shikôkư là gì? Chỉ là: Shi = Tứ. Đó là tiếng Tàu. Và Kôcu = Quốc . Đó cũng là tiếng Tàu nhưng đọc theo Nhựt, họ ưa thêm  ở sau nhiều tiếng lắm. Hồi họ chiếm đóng xứ ta, Thakhek, họ đọc là Takê-Kư.
Như vậy có gì là đa âm? Ta cũng có thể viết Tứ Quốc và cho là tiếng ta đa âm được chứ?
Lại thí dụ: Bonsai. Bon sai chỉ là Bồn Tài của Tàu, mà Bồn Tài  Cây Cảnh, chớ không có đa âm gì hết. Tại Tây viết dính lại và nghe Nhựt đọc nhanh rồi cho rằng tiếng Nhựt đa âm.
Lại thí dụ: Nihonbunka
Ni = Nhựt
Hon = Bổn
Bun = Văn
Ka = Hóa
Đa âm ở chỗ nào? Cũng chỉ cứ là tiếng Tàu đọc quá nhanh.
Quả họ cũng có những tiếng nhị âm, nhị chớ không đa âm, thí dụ Yama là núi, Sima là đảo.
Nhưng sự thật một trăm phần trăm là tiếng Mã Lai cổ sơ chỉ có nhị âm chớ không có đa âm, tiếng Nhựt cũng thế. Tại Tây có tật viết dính làm ta ngộ nhận, mà chính họ cũng ngộ nhận.
Chịu ảnh hưởng Pali và Sanscrit rồi thì Mã Lai ngữ mới đa âm.
Còn tánh cách nhị âm của Mã Lai Việt bị ảnh hưởng Trung Hoa làm cho nó thành độc âm mà không ai ngờ.
Và chúng tôi tìm được một dân tộc đang sống tại biên giới Lào - Việt, họ tự xưng là dân Lạc và họ nói tiếng Việt nhị âm. Đó là một khám phá vô cùng quan trọng đối với việc tìm nguồn dân tộc bằng ngôn ngữ.
Nên nhớ, họ tự xưng là Lạc, và đó là một chi tiết đáng được ta chú ý vì vào đời Hán sách Tàu cũng gọi ta là Lạc, và ngôn ngữ của họ, tuy cổ sơ, nhưng họ nói, ta còn nghe hiểu được họ muốn nói gì, tức họ nói tiếng Việt.
Văn phạm của họ cũng cho thấy rằng không như văn phạm Việt ngày nay, và cho đến cả văn phạm Mường, ít cổ sơ hơn, cũng hơi khác văn phạm ta ngày nay chút ít. Thế thì văn phạm của ta cũng có biến mà không ai hay biết.
Thứ dân Việt tự xưng là Lạc nói trên chỉ có ba thanh, như Mã Lai. Âm, thanh, văn phạm đều bị tiêu tùng hết, sau cuộc khám phá nầy và sau không biết bao nhiêu công trình nghiên cứu ngữ học ở các nước khác.
Nhưng danh từ thì cứ còn, gần như xưa sao nay vậy. Ta đã ngộ nhận nhiều từ về ngôn ngữ, cho rằng cái vĩnh cửu là phù du, và ngỡ cái phù du là chuyện muôn năm trường tồn.
Lại có trường hợp một ngôn ngữ không có thanh, biến thành ngôn ngữ có thanh, và ngược lại. Ngay trong Hoa ngữ mà miền Bắc thì chỉ có hai thanh còn miền Nam thì có bảy thanh thì đủ biết các ngôn ngữ khác cũng biến như vậy được như thường. Sự kiện nầy giải thích được do đâu tiếng Mã Lai chỉ có ba thanh, còn tiếng Việt thì có tới tám thanh.
Cho đến cả ngữ vị, văn phạm, cũng biến được chớ đừng nói là Xy láp và thanh. Và nó chỉ biến không đầy hai trăm năm nay.
Chúng tôi xin đơn cử một câu thơ của Nguyễn Du:
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa
Thường thì thiên hạ đọc câu thơ đó, theo cú đậu (césure) sau đây:
Cành lê trắng / điểm một vài bông hoa.
Cú đậu ấy sai.
Cành lê không bao giờ mang màu sắc trắng, mà là màu xám vàng.
Nếu vì cành ấy mang hoa mà ta thấy nó trắng thì Nguyễn Du đã không phải thêm “Điểm hoa” vào đó nữa.
Có ai nói “Má hồng của cô ấy được tô hồng” hay không? Cái ý “hồng” đó, người ta chỉ được phép nói đến một lần mà thôi. Dùng động từ “điểm hoa” tức là nói lại cái ý trắng lần thứ nhì rồi vậy.
Nguyễn Du không kém cỏi đến phải diễn ý niệm trắng hai lần trong một câu ngắn, bằng tĩnh từ trắng và bằng thành ngữ điểm hoa.
Nguyễn Du cũng không kém cỏi đến phải dùng cú đậu sai. Cú đậu của lục bát luôn luôn nằm sau hai tiếng, cho nó nằm sau ba tiếng là kém rồi, mà Nguyễn Du thì không có kém.
Thí dụ:
Trăm năm / trong cõi / người ta
Chữ tài / chữ mệnh / khéo là / ghét nhau.
Sè sè / nắm đất / bên đàng
Rầu rầu / ngọn cỏ / nửa vàng / nửa xanh.
Sau khi nhận rằng Nguyễn Du không kém cỏi, ta chỉ có thể hiểu rằng câu trên kia phải như thế nầy:
Cành lê / trắng điểm / một vài / bông hoa.
Mà như thế thì Trắng không còn là tĩnh từ nữa mà là trạng từ. Và muốn hiểu câu đó, dịch ra tiếng Pháp là hiểu ngay. Trắng điểm sẽ được dịch ra là Se Parer banchement de…
Trong ngôn ngữ Pháp không có trạng từ blanchement, nhưng ta phải tạo ra trạng từ đó ra để dịch câu thơ của Nguyễn Du.
Hiểu như vậy xong, ta thấy ngay là Nguyễn Du đã biến văn phạm Việt Nam. Trong văn phạm Việt Nam trạng từ luôn luôn nằm sau động từ. Người ta nói Điểm trắng chớ không bao giờ nói Trắng điểm.
Nhưng Nguyễn Du dùng sai cú đậu hay biến văn phạm?
Chúng tôi có bằng chứng là Nguyễn Du đã biến văn phạm Việt Nam.
Chúng tôi xin đưa ra một câu thơ khác của Nguyễn Du mà trạng từ đứng trước động từ, và ở câu thơ nầy thì không còn chối cãi được nữa, vì quá rõ ràng:
Nhà hương / cao cuốn / bức là
Ở đây, rõ ràng là trạng từ cao được đặt trước động từ cuốn không còn ngờ gì nữa, nếu còn cứ ngờ ở câu trước.
Nếu cho rằng Nguyễn Du, vì bí luật bằng trắc, phải viết Cao Cuốn thay vì Cuốn Cao thì đúng, nhưng nếu lại nói thêm rằng đó là trường hợp không tiền khoáng hậu, không đáng kể, thì sai. Chúng tôi đã thấy có vài văn sĩ viết văn xuôi như vậy, và độc giả vẫn chấp nhận, vì hiểu được và nghe không kỳ. Rồi thì lối ấy sẽ thành quen, và văn phạm, ngữ vị của ta sẽ bị thay đổi.
Nó SẼ bị thay đổi thì nó cũng có thể ĐÃ bị thay đổi, nên nếu hiện nay Mã Lai ngữ và Việt ngữ có khác nhau đôi chút về văn phạm, điều đó không hề chứng tỏ rằng hai ngôn ngữ đó không là đồng gốc với nhau.
Đó là trạng từ phong cách (Adverbe de manière). Đến như trạng từ nơi chốn, Nguyễn Du cũng biến khác văn phạm của ta.
Ta nói: “Tôi đi Huế, ghé Nha Trang”. Nhưng Nguyễn Du nói: “Tôi đi Huế, Nha Trang ghé”. Thí dụ: “Tường đông ghé mắt…”
Chúng tôi trích dẫn Nguyễn Du mà không trích dẫn ngôn ngữ của dân chúng mặc dầu dân chúng cũng có cho biến như thường, thí dụ: Ngon ăn, mạnh ăn, nhưng khi dân chúng cho biến như vậy thì đồng thời cũng cho hình thức mới một nghĩa khác, ngon ăn không phải là ăn ngon, mạnh ăn cũng thế, chí như với Nguyễn Du thì Cao cuốn hay Cuốn cao gì cũng thế thôi, tức ông biến văn phạm rõ rệt, còn dân thì không biến văn phạm, vì trong Ngon ăn, ngữ vị (Word order) tuy có bị đổi thật, nhưng hai tiếng đó đã thành ra thành ngữ chớ không còn là một động từ và một trạng từ riêng rẽ như nơi Nguyễn Du.
Chúng tôi cũng không trích dẫn Cung oán chẳng hạn:
Trắng răng đến thuở bạc đầu
mặc dầu ở đây, tĩnh tử trắng cũng đứng trước danh từ răng, nhưng giữa đó có những tiếng ẩn. Câu ấy cần được hiểu như thế nầy: “Từ thuở người phụ nữ còn trắng nơi cái răng đến thuở họ bạc nơi cái đầu”. Tĩnh từ trắng, trong trường hợp nầy đi với người phụ nữ, chớ không phải đi với răng thì không có vấn đề đảo ngữ. Nó cứ là tĩnh từ chớ không là trạng từ.
Bạc đầu cũng vậy. Bạc đầu phải hiểu là: Kẻ nào đó mang màu bạc nơi cái đầu, và bạc cũng đi với kẻ nào chớ không đi với đầu.
Đành rằng vấn đề văn phạm, cú pháp, ngữ vị, âm và thanh cứ còn giữ vai trò quan trọng của nó chớ không mất phần, nhưng ta sẽ không quá nô lệ nó lắm nữa.
Ngữ vựng, ngỡ là ít quan trọng hơn hết trong các vấn đề ngôn ngữ, lại trở nên quan trọng vô cùng khi mà các yếu tố ngữ là quan trọng, hóa ra bấp bênh không chịu nổi sự đào thải của thời gian và danh từ trở nên yếu tố vĩnh cửu.
Văn phạm Mã Lai chỉ khác văn phạm Việt Nam có hai điểm:
Về ngữ vị thì văn phạm Mã Lai đang nằm lưng chừng giữa lối nói ngược và lối nói xuôi.
Thí dụ: Cửa sông họ nói Kưala sôngai, tức nói xuôi như ta, nhưng Sông con họ nói Anak sôngai, tức con nít sông, tức nói ngược, thay vì phải nói Sông con nít.
Khi một ngôn ngữ vừa nói xuôi lại vừa nói ngược thì ngôn ngữ đó tự lật tẩy là đang biến dạng theo ngôn ngữ nào đó, nhưng biến chưa xong.
Không có ngôn ngữ của nước nào mà cú pháp lại vừa ngược vừa xuôi, trừ ngôn ngữ Mã Lai.
Đó là về cú pháp. Còn về văn phạm thì họ có chuyển hóa (dérivation), còn ta thì không. Sự chuyển hóa của họ cũng do ảnh hưởng Phạn ngữ chớ xưa kia thì họ không có.
Thí dụ: Bông (Hoa), họ nói là Bônga.
Nhưng: Hoa dạng, họ nói là Bôngaan.
An thêm sau Bônga, là sự chuyển hóa chớ không là tĩnh từ kép như Hoa dạng của ta, không phải là Bônga-An đâu.
Ta chịu ảnh hưởng độc âm của Tàu nên muốn diễn ý mới lạ ta chỉ có thể tạo từ kép, còn họ chịu ảnh hưởng Phạn ngữ, họ chỉ có thể cho tiếp nhánh, không sao khác hơn được. Nhưng sự khác nhau đó chỉ mới xảy ra từ đầu Tây lịch, còn vào cổ thời thì cả họ lẫn ta đều không có kép, không có chuyển hóa gì cả, vì cả hai đều không có dịp diễn những ý niệm phức tạp.
Chỉ khác nhau có hai điểm ấy mà thôi, còn có hai Xy láp thì chúng tôi sẽ trưng bằng chứng là tiếng Việt lối cổ có hai Xy láp, còn đa thanh là một tai nạn xảy ra cho độc một dân tộc ta mà thôi, vì địa bàn Bắc Việt tạo tai nạn đó ra, trên thế giới không nơi nào có cả. Nhưng đừng tưởng là Mã ngữ chỉ có độc một thanh. Cả Mã ngữ, Nhựt ngữ và Chàm ngữ đều có dấu sắc, dấu huyền, dấu hỏi, dấu nặng, họ chỉ thiếu dấu ngã mà thôi, và họ ít bỏ dấu hơn ta, nhưng vẫn có bỏ các dấu kể trên, và Nhựt Bổn bỏ dấu nặng rất nhiều.
Những thuyết về ngôn ngữ Việt Nam của các ông Tây, ông Việt đều rối loạn khiến ta phải điên đầu:
Ông Kari-Himly cho rằng tiếng ta có bà con với tiếng Môn.
Ông H. Maspéro bỏ Việt ngữ vào bộ Thái ngữ.
Ông E. Souvinget cho rằng tiếng ta có liên hệ đến Mã Lai.
Bs. Reynaud nhấn mạnh về ngữ vựng Miên, Việt giống nhau quá nhiều.
Sử gia Nguyễn Phương khẳng định tiếng ta là tiếng Tàu.
Giáo sư Lê Ngọc Trụ cố chứng minh 10 năm trước, lời khẳng định trên.
Sử gia Phạm Văn Sơn kết luận rằng Việt ngữ và Việt chủng là một chủng tộc và một ngôn ngữ riêng biệt.
Một dân tộc cường sinh nhứt Đông Nam Á là dân tộc Việt Nam mà lại không có ngôn ngữ riêng, đi lượm của đầu nầy một ít, đầu kia một mớ, để ráp lại làm ngôn ngữ của mình là chuyện không thể có được.
Các ông Tây, giống hệt các anh mù thấy con voi. Một anh sờ phải tai voi, cho rằng con voi giống cây quạt, một anh sờ phải chơn voi, bảo rằng con voi là cây cột, anh khác mò vào vòi voi, quả quyết rằng voi là một con đỉa lớn. Truyện tiếu lâm của ta rất là ý nhị.
Các ông ấy thấy phiến diện chỉ vì mỗi ông chỉ học có một ngôn ngữ, trong khi phải học hết tất cả các ngôn ngữ Á Đông kể cả cổ ngữ Ba Thục, Tây Âu, Mân Việt. Và nếu các nhà ngôn ngữ học ấy biết chủng tộc học và tất cả các dân tộc Đông Nam Á đều đồng chủng Mã Lai thì các ông đã học tất cả các ngôn ngữ, để kiểm soát chủng tộc học, và các ông đã không phiến diện như thế.
Ông E. Souvinget có thoáng thấy rằng Việt ngữ giống Mã Lai ngữ, nhưng không dám kết luận. Vài ông Việt cho đó là sự kiện dĩ nhiên, vì Việt có tiếp xúc với Mã Lai.
Ấy, ta có tiếp xúc với Mã Lai hồi nào, và tại đâu, để mà vay mượn?
Ta chỉ có tiếp xúc với Mã Lai vào thời di cư vào Nam cách đây ba trăm năm, mà những danh từ Mã và Việt giống nhau thì đã có từ nhiều ngàn năm. Thí dụ: Cù lao.
Những nhà bác học chủ trương vay mượn, không biết tương đối đủ để mà có được một chủ trương đúng, đó là sự đồng gốc chớ không có ai vay mượn của ai hết.
Vấn đề ta vay mượn của Mã Lai chỉ là một huyền thoại, không kể vay mượn cách đây ba trăm năm, thuở ta di cư vào Nam.
Nhưng cũng đừng tưởng là ta mượn qua trung gian Chàm, vì ta nói tiếng Mã Lai đúng hơn Chàm nhiều lắm, như ta sẽ thấy.
Các ông Tây đã phiến diện vì học chưa tới chốn, lại còn để tình cảm vào chủ trương khoa học. Hễ nghi là có vay mượn thì luôn luôn các ông nói là Việt Nam vay mượn của người khác, không bao giờ có ai vay mượn của Việt Nam cả, mặc dầu các ông không đưa ra được bằng chứng nào hết là Việt Nam là con nợ, còn các dân tộc khác là chủ nợ.
Xin nhận xét sơ về các thuyết ngôn ngữ của các ông Tây.
Nhiều người Việt thường chưởi rằng các nhà bác học Tây ở Đông Pháp đã xuyên tạc, chỉ có chúng tôi là binh vực các ông thôi nhưng về ngôn ngữ thì mặc dầu nhiều thiện chí chúng tôi cũng không còn binh vực các ông được nữa, vì sự thiên vị và xuyên tạc của các ông quá rõ ràng. Các ông đã bị bắt quả tang.
Tại sao sự nhìn thấy giống nhau giữa Cao Miên và Việt không khiến các ông nói tiếng Cao Miên thuộc gia đình Việt, mà lại nói tiếng Việt thuộc gia đình Cao Miên?
Chỉ vì Cao Miên là thuộc địa ngoan ngoãn, còn Việt Nam là thuộc địa hay nổi loạn, nên tao cho tụi bay làm con Cao Miên cho đáng kiếp!
Mà không chỉ làm con Cao Miên, mà làm con của Thái, của Môn, của Mã Lai, của Thượng, của đủ thứ dân hết thảy, không bao giờ có ông Tây nào mà không cho ta thuộc vào ai đó, thay vì ai đó thuộc vào ta.
Sự thiên vị và xuyên tạc trắng trợn trên đây, chúng tôi không thể bỏ qua, chớ đừng nói là binh vực nữa. Chúng tôi nói Sạch, Cao Miên nói Soạt, thế là các ông bảo là chúng tôi thuộc vào Cao Miên, trong khi chúng tôi ăn cơm bằng đũa, còn Cao Miên thì bóc cơm bằng ngón tay để ăn, thì ai học danh từ sạch của ai?
Tiện đây chúng tôi xin lưu ý chính quyền Việt Nam về một chi tiết vô cùng quan trọng đối với tiền đồ của nước ta, do các ông Tây thật tình lầm lẫn, hay cố ý gạt gẫm của ta thì không biết.
Người viết sử không bàn chánh trị, nhưng chúng tôi cũng xin lưu ý chính quyền Việt Nam về vụ nầy. Trang sách nầy là trang sách thêm sau ngày đưa tác phẩm cho nhà xuất bản vì vào đầu năm 1971, Thượng viện ta họp phiên khoáng đại đầu tiên trong năm đã chấp thuận cho hai triệu người Cao Miên ở Việt Nam Cộng Hòa trở về địa vị thiểu số.
Các ông thượng nghị sĩ ta, đa số là trí thức, nhưng lại là trí thức luật học, không có nhà bác học nào cả về chủng tộc học, về ngôn ngữ học, nên đã bị người Pháp đánh lừa.
Sách Pháp cho rằng người Thượng là Cao Miên. Đó là một sai lầm vĩ đại, vì dốt hay cố ý thì không rõ.
Sự thật thì họ là Cổ Mã Lai (Indonésien) tức đồng chủng đồng bào với Việt Nam nhưng tiến trễ. Ngôn ngữ căn bản của họ là ngôn ngữ Mã Lai. Sở dĩ họ có nhiều danh từ giống Cao Miên là vì sự gần gũi. Họ ngăn cách với ta bằng dải Trường Sơn, tức là ta ít gần họ hơn Cao Miên, thế mà đối chiếu thì thấy ngôn ngữ của họ gần Việt hơn là gần Cao Miên.
Nhưng các nhà bác học chơn chính của Pháp đã có cho biết sự thật, còn những ông Tây thì nói càn vì lý do chánh trị, thì có bảo người Thượng là Cao Miên, rồi ta lại quá tin các ông Tây nói bậy.
Như thế làm gì có hai triệu người Cao Miên ở Việt Nam Cộng Hòa? Vì ngộ nhận, ta mới để cho người Mỹ trả quân nhân Thượng, được huấn luyện trong lãnh thổ Việt Nam cho Cao Miên.
Người Thượng là người Cổ Mã Lai, hoàn toàn không phải là người Cao Miên và họ với ta đồng chủng.
Chỉ số sọ (Indice Crânien) của người Thượng y hệt như chỉ số sọ của Việt và Mã Lai, và khác chỉ số sọ của Cao Miên.
Ai không tin về chỉ số sọ xin xem vài bản đối chiếu ngôn ngữ dưới đây thì rõ:
Việt Nam:
Sơ Đăng:
Kaa
Mạ:
Chàm:
Kán (đọc như Bắc Việt tức An đọc như Al).
Khả Thong Long:
Aka
Mã Lai:
Ikán.
Nhưng Cao Miên thì: Trây

Việt Nam:
Cột
Sơ Đăng:
Kơt
Bà Na:
Kơơt
Chàm:
Kaat
Mã Lai:
Ikaat
Nhưng Cao Miên thì: Chơn

Việt Nam:
Mắt
Sơ Đăng:
Mat
Mạ:
Maht
Mã Lai:
Mât
Nhưng Cao Miên thì: Fnéc

Việt Nam:
Mặt trăng
Bà Na:
Mạt tlăng
Mạ:
Maht kăn
Chàm:
Blaăng
Mã Lai:
Bulăng
Nhưng Cao Miên thì: Khe

Người Mỹ mới tới sau, không biết gì hết về chủng tộc học và ngôn ngữ học xứ nầy, cũng bắt chước Pháp mà cho rằng người Thượng là người Cao Miên, khi họ đưa những nghĩa quân Thượng luyện tập trong lãnh thổ của ta cho Cao Miên.
Cái hội bác học của Mỹ, hội Summer Institute of Linguistic ở Sài Gòn, cũng chỉ nhai lại các sách xuyên tạc của Pháp khi họ xuất bản quyển A study of Middle Vietnamese Phonology tại Sài Gòn.
Khi mà cả thế giới đều bị các ông Tây lôi cuốn vào mê hồn trận vĩ đại, chúng tôi thấy cần lưu ý Hành Pháp và Lập Pháp về một mối nguy trong một tương lai không xa lắm.
Khi mà hai triệu người không phải là Cao Miên lại cứ bị ai xúi giục tự xưng là Cao Miên, để tạo thành một khối lớn, yêu sách những điều không thể chấp nhận được thì chánh phủ ta sẽ gặp những khó khăn không nhỏ.
Nếu cứ muốn cho mấy trăm ngàn người Cao Miên ở Hậu Giang hưởng chế độ thiểu số thì cứ cho, nhưng đừng có gộp đồng bào Thượng vào đó và nói là Cao Miên đông hai triệu, vì nó trái với sự thật khoa học, lại mang họa lớn cho ta về mặt chánh trị.
Chế độ Cộng Hòa I đã sai lầm mà phát minh ra chữ riêng cho đồng bào Thượng, trong khi họ chỉ nên học quốc ngữ Việt vì họ với ta đồng chủng, đồng ngôn. Không nên thấy họ tiến trễ mà tưởng họ là “Mọi”. Cứ học ngôn ngữ của họ một cách bác học và học về sọ, về máu của họ là ta sẽ thấy rằng họ là người Việt một trăm phần trăm. Như vậy họ nên học chữ Việt ngữ chớ ta không phải sáng tạo cho họ một thứ văn tự ngôn ngữ giả tạo như chế độ Cộng Hòa I đã làm.
Người Pháp miền Bắc nói ngôn ngữ Oil, người Pháp miền Nam nói ngôn ngữ Oc. Thế mà họ hy sinh một để thống nhứt, trong khi đó thì Thượng và Việt đồng ngôn ta lại tạo cho Thượng một thứ chữ kỳ dị để phiên âm các Lạc ngữ của họ.
Đó là Lạc ngữ thuở xưa mà ta biến khác còn họ thì không biến vì họ ở trên núi, ít tiếp xúc với ai.
Chúng ta sẽ thấy trong chương nầy những tiếng Mã Lai bị ta biến đến mất nghĩa, nhưng họ còn giữ.
Thí dụ: chữ CÁI, trong BỐ CÁI Đại Vương, trong Con dại cái mang. CÁI ấy là Đầu, là Cha, là Thủ Lãnh, còn y nguyên trong Chàm ngữ,  ngữ  Thượng ngữ, chớ không phải là Mẹ như ta đã hiểu lầm.
Con của ông Phùng Hưng chỉ xây đền thờ cho cha, mẹ ông ấy không làm cái gì cả ngoài việc nội trợ, thì không có lý nào mà ông ấy gộp mẹ vào chức Đại Vương được hết.
Vả lại trong Việt ngữ hiện kim cũng còn dấu vết của tiếng CÁI đó trong danh từ Thợ Cái. Đâu có phải là thợ đàn bà hở trời? Đường Cái cũng đâu có phải là đường để dành riêng cho phụ nữ đi dạo mát. Ngón chơn Cái là ngón chơn lớn nhứt chớ cũng không phải là ngón chơn của cô nào hết.
Các nhà ngôn ngữ học Tây sắp Việt ngữ vào gia đình Môn-Khơ Me ngữ vì vấn đề cú pháp, nhưng cú pháp của ta lại không giống cú pháp của Thái hay sao?
Các ông Tây lại bảo rằng tiếng ta thuộc gia đình Miên ngữ, vì lẽ khác nữa. Nếu cứ bắt cả hai làm họ với nhau, thì phải nói rằng tiếng Miên thuộc gia đình Việt ngữ mới đúng. Tại sao?
Về con số, họ chỉ có 5 số, trong khi ta có tới 10 con số. Số 6 họ nói là 5 với 1, số 7 họ nói là 5 với 2, v.v.
Về các bộ phận của thân thể con người, ta chỉ mượn của Trung Hoa một tiếng độc nhứt là Đầu, nhưng cũng không chắc là mượn, như sẽ xét đến, trong khi đó thì họ mượn quá nhiều, thí dụ sơ sơ như là:
Cái ngực họ nói Trung do Tàu: Hung, Hiung, Yiung mà ra.
Cái trán họ nói Thngac do Tàu: Ngạch, Ngạc, Ngớ mà ra.
Da họ nói là Sbec do Tàu: , Pỉa mà ra.
Các nhà bác học Âu Mỹ sai lầm rất nhiều. Chẳng hạn họ nói rằng người Môn-Khơ Me ở Tây Khương không hề tiếp xúc với Trung Hoa lần nào hết trước khi tràn xuống phương Nam lập quốc. Nhưng thử hỏi, sao họ lập quốc được rồi mà chưa có những danh từ cái ngực, cái trán, cái da, đến phải vay mượn sau đó, và nếu phải vay mượn của ai thì hẳn họ vay mượn của nước đã khai hóa họ là nước Ấn Độ chớ sao lại vay mượn của Tàu?
Tất cả các nhóm Mã Lai, xuất phát từ Tây Tạng đều có thọ lãnh ít nhiều ảnh hưởng Trung Hoa và nhóm nào thọ lãnh nhiều hơn mà không bị trị lần nào là nhóm đó kém mở mang nhứt.
Chủng Việt bị trị đến bốn lần: bọn Tàu di cư vào Kinh Việt, rồi mấy lần nhà Hán, thế mà số tiếng cổ vay mượn của Tàu lại ít hơn Cao Miên. Như vậy cho rằng tiếng ta nằm trong gia đình Cao Miên có gượng gạo chăng?
Nói ngược lại, như chúng tôi đã nói, là Miên ngữ nằm trong gia đình cũng không đúng; chúng tôi nói thế để cho thấy cái bất công của các ông Tây mà thôi, chớ thật ra cả hai thứ đều là đồng tông Mã Lai Bách Việt với nhau, anh em, chớ không phải cha con.
Các ông Tây dựa vào vấn đề có thanh và không có thanh, đã bị bác rồi, các ông dựa vào vấn đề ngữ vựng cũng không xong, vì nếu chép hết cả ngữ vựng ra như:
Việt-Chàm 
Việt-Miên
 
Việt-Mã Lai
Việt-Gia Rai
Việt-Thái 
Việt-Bà Na
vân vân, thì ta thấy bộ ngữ vựng Việt Bà Na đồ sộ hơn tất cả mọi ngữ vựng đối chiếu khác, vì mặc dầu trước kia Bà Na chịu ảnh hưởng Cao Miên, ngôn ngữ của họ cũng do gốc Mã Lai Bách Việt như ta, chớ không phải gốc Cao Miên.
Ông G. Coedès cho rằng những ngôn ngữ Sơ Đăng, Bà Na, Ra Đê, Gia Rai, v.v. là dialectes Môn-khmers, tức phương ngữ của chủng Môn-Khơ Me. Nhưng như ta đã thấy, qua những thí dụ điển hình trên đây và sau đây thì không phải thế. Những ngôn ngữ ấy có giá trị ngang hàng với ngôn ngữ Cao Miên và đều cùng gốc Mã Lai Bách Việt mà ra cả.
Mặc dầu là Viện trưởng của Viện Viễn Đông bác cổ, ông G. Coedès còn dốt ngữ học hơn đàn em của ông nhiều lắm trong cái Viện đó, nên mới có sự trống đánh xuôi kèn thổi ngược trong tạp chí của Viện mà giới bác học chợt thấy là ông Viện trưởng nói sai hơn các nhơn viên thường.
Nói một cách khác, về phương diện chủng tộc và ngôn ngữ, đồng bào Thượng không hề là chi phụ của Môn-Khơ Me mà là anh em đồng tông y như Thái, Việt, Chàm và các nhóm Mã Lai hiện nay, bằng chứng là những danh từ gốc của họ chỉ những vật, những ý cổ sơ nhứt nơi loài người đều giống danh từ Mã Lai chớ không giống danh từ Cao Miên chút nào.
Những đồng bào Thượng nguyên là phiên thuộc của Cao Miên xưa, như là Sơ Đăng, Bà Na, Xi Tiêng, Mạ cũng có danh từ gốc Mã Lai nhiều hơn gốc Cao Miên.
Nội một biểu đối chiếu độc nhứt là danh từ Lá, cũng đủ cho thấy rằng đồng bào Thượng gần gốc Mã Lai hơn Cao Miên quá nhiều, không cần phải tranh luận lôi thôi dài dòng.
Dân tộc Cao Miên là một thứ Mã Lai Bách Việt rất là xa xôi, xa Mã Lai hơn Thái, hơn Chàm, hơn Việt, hơn Thượng Việt vì danh từ của họ ít giống với danh từ các nhóm Mã Lai khác trong khi đó thì các nhóm khác rất giống nhau.
Họ bị lai giống với thổ trước Mê-la-nê quá nhiều nên cái sọ của họ có chỉ số gần giống với sọ Mã Lai, nhưng không giống hệt như sọ Việt đã giống, và lại không tròn, tức có tánh cách cổ sơ trong đó.
Ngôn ngữ của họ đi xa dòng Mã Lai hơn ta cũng vì thế, trong khi đó đồng bào Thượng lại thuần Mã Lai hơn cả người Mã Lai ở Nam Dương nữa, vì họ không có chịu ảnh hưởng ngoại lai Ấn Độ và Á Rập như Nam Dương bao giờ hết.
Khi những ngôn ngữ Việt, Sơ Đăng, Bà Na, Xi Tiêng, Mạ không bao giờ bị Mã Lai cai trị và khai hóa lại chứa đựng quá nhiều danh từ Mã Lai hơn danh từ Cao Miên thì tại sao các ông Tây lại sắp Việt ngữ vào Miên ngữ mà không vào Mã Lai ngữ thì đó là một bí mật lớn, nếu không nói là một sai lầm to.
Đành rằng ngữ vựng là chuyện vay mượn được nhưng tại sao Cổ Việt không vay mượn của Cao Miên mà lại vay mượn của Mã Lai, mặc dầu Cổ Việt có biên giới chung với Cao Miên từ trước Tây lịch mà không bao giờ có biên giới chung với Mã Lai?
Chỉ có một lời giải thích: Việt gốc Mã Lai.
Nhưng Cao Miên cũng gốc Mã Lai như đã nói. Và chính là Mã Lai Cao Miên đã học thêm với Mã Lai Việt.
Việc khám phá ra một cổ bia Cao Miên, cổ bia Sek Tà Tay đã cho thấy rằng người Cao Miên đã học tiếng Việt qua trung gian người Mường vào thế kỷ thứ 7.
Nguyên vào thế kỷ đó thì người Cao Miên mượn âm lịch của Tàu để dùng, song song với lịch của họ, cổ bia nói trên đề ngày tháng năm theo âm lịch, nhưng lại ghi bằng tiếng Mường, tuy với văn tự Cao Miên.
Số là người Mường cũng mượn âm lịch của Tàu, qua trung gian Việt, nhưng họ không dùng Tý, Sửu, Dần, Mão mà nói là năm Chuột, năm Trâu, năm Cọp, v.v. bằng tiếng Mường, tức tiếng Việt cổ sơ.
Ấy, cổ bia Cao Miên cũng đã khắc chữ y như vậy, nhưng những con thú đó, không được gọi bằng tiếng Cao Miên mà bằng tiếng Mường.
Dầu sao, đã là đồng chủng với nhau thì phải có một số vốn chung. Nhưng số vốn chung đó quá ít giữa Miên và Việt. Đã hẳn họ là bà con quá xa mà lại. Sở dĩ sau nầy vốn chung nhiều lên một cách tương đối là do sự vay mượn qua tay người Mường mà họ có biên giới chung thuở mà nước họ tên là Chân Lạp và nằm tại đất Ai Lao ngày nay, còn phía dưới nầy là nước của dân Phù Nam mà họ thôn tính hồi thế kỷ thứ 6.
Tuy nhiên, cũng có một nhà ngôn ngữ học sáng suốt, đó là ông Cabaton, ông ấy thì biết rằng Indonésien có nghĩa là Cổ Mã Lai đấy (May thay có một tiếng Pháp mà bao nhiêu ông Tây không hiểu, thì đừng có than phiền khi có nhiều ông Việt không hiểu).
Theo lối tìm biết người Cổ Mã Lai ở Cao nguyên ai thuần chủng nhiều, ai thuần chủng ít (mà chỉ dựa vào ngôn ngữ chớ không dựa vào khoa chủng tộc học) thì ông Cabaton sắp người Gia Rai thuần chủng nhứt, vì họ không biết lấy một tiếng Cao Miên nào hết, mà cũng chẳng biết lấy một tiếng Phạn nào hết, thế nghĩa là ngôn ngữ của họ thuần Mã Lai nhứt thế giới, không kể các nhóm Mã Lai trong rừng sâu Boọt-nê-ô.
Chủ trương của các ông Tây rằng Chàm thuần Mã Lai nhứt Đông Pháp là sai lầm. Trong ngôn ngữ Chàm có quá nhiều ảnh hưởng Phạn ngữ, Lưỡng Hà ngữ mà chúng tôi sẽ nói rõ ở chương người Chàm. Ngôn ngữ Chàm cũng đầy dẫy tiếng Á Rập. Thí dụ danh từ Kafir là danh từ Á Rập dùng để chỉ người không theo đạo Hồi như họ.
Còn Mã Lai hạng ít thuần chủng nhứt là người Phong, thứ người nầy hiện sống ở các tỉnh Bình Long, Phước Long, Quảng Đức, mượn quá nhiều danh từ Cao Miên.
Như vậy, khi thiếu một danh từ Mã Lai trong các biểu đối chiếu, chúng tôi chỉ đưa vào đó một danh từ Gia Rai,  Na hay  Đăng là đủ cho biểu đối chiếu được giá trị rồi, miễn là danh từ Cao Miên phải khác. Có phải thế không? Nhưng không, vì đã bảo Cao Miên cũng là Mã Lai thì cái danh từ Thượng ấy có giống với danh từ Cao Miên, cũng cứ được.
Tuy nhiên, chúng tôi cũng cố tìm những danh từ Bà Na, Sơ Đăng mà Cao Miên tuyệt đối không có, nhưng Việt, Chàm lại có, để không còn ai nói được nữa rằng họ là Cao Miên.
Chúng ta nên đặc biệt chú ý đến ngôn ngữ Khả Lá Vàng. Đó là tiếng Việt Nam tối cổ, cổ hơn tiếng Mường một bực, mà ta sẽ thấy ở chương “Làng Cườm” rằng họ tự xưng là người Lạc, và giống thứ người mà thi sĩ Tàu Tống Ngọc đã tả trong bài thơ Chiêu Hồn: người Điêu Đề.
Nhóm Việt độc nhứt trong thư tịch Trung Hoa có biệt sắc Điêu Đề chỉ được nói đến có một lần trong thư tịch Tàu. Và ta từng gặp lại họ ở Cao nguyên Ai Lao, gần đèo Mụ Già, mà cuộc tái ngộ nầy cho ta biết rõ hơn Tống Ngọc nữa. Tống Ngọc chỉ nói đến chuyện Điêu Đề, còn ta thì được biết thêm rằng họ tự xưng là Lạc, họ nói tiếng Việt tối cổ, họ thuộc chủng Cổ Mã Lai, họ có màu da đất đỏ (Ocre), ăn khớp với truyền thuyết ta cho rằng nước ta xưa tên là Xích Quỷ, họ ăn canh cua đồng, y hệt như người Bắc Việt ngày nay.
Thế nên chúng tôi xem ngôn ngữ Khả Lá Vàng là ngôn ngữ Mã Lai căn bản nhứt trong các nhóm ngôn ngữ Mã Lai ở “Đông Pháp”!
Những danh từ Việt tối cổ còn sót lại trong ca dao của ta hiện tại, ta không hiểu, nhưng nhờ ngôn ngữ của Khả Lá Vàng mà ta hiểu. Thí dụ điển hình nhứt là danh từ Tua xuất hiện trong ít lắm là hai câu ca dao miền Bắc.
Tua với họ, có nghĩa là ngôi sao. (Người miền Bắc khi viết đã viết sai. Họ viết là Tua-rua với một gạch nối liền và chữ rua không hoa, khiến ta ngỡ đó là danh từ Tua-rua. Sự thật Rua là tên của một ngôi sao mà Tàu gọi là sao Mão, ta gọi là sao Mạng và nên viết là Tua Rua, hai chữ không có gạch nối liền và Rua phải viết hoa, vì Tua là Sao, còn Rua là tên của ngôi ấy). 

Vì không biết ngôn ngữ Khả Lá Vàng nên ta không hiểu Tua Rua là gì, mà khi không hiểu thì ta phải viết sai, dĩ nhiên là như vậy.
Danh từ Sao chỉ là danh từ Thái mà ta vay mượn về sau, họ nói là Đao, còn Lạc Việt có thời thì nói là Tua.
Các ông Tây tìm tòi về ngôn ngữ Việt Nam không hề có ai đi qua đủ các lộ trình, và nhứt là không ai kể đến cổ Mân Việt, cổ Tây Âu và cổ Ba Thục hết, và chưa hề có những bản đối chiếu Việt với tất cả các ngôn ngữ để tìm về nguồn Tây Tạng.
Cái nhìn tổng quát mà giáo sư Nguyễn Phương đòi hỏi, chính là cái đó. Nhưng không thể tự nhiên mà bắt đầu có cái nhìn tổng quát được, mà phải lần dò. Chúng tôi đã mất sáu bảy năm học các ngôn ngữ mới nhìn tổng quát được.
Chúng ta thử dựng lên một bộ ngữ vựng cổ Việt trước khi Mã Viện tới để xem sao, coi nó là Trung Hoa hay Mã Lai. (Chúng tôi không nói tới Triệu Đà và Lộ Bác Đức, hai ông đó không có trực trị ta mà chỉ kiểm soát lỏng lẻo thôi. Nếu ta vay mượn của Tàu, thì chỉ vay mượn kể từ Mã Viện mà thôi).
Ngữ vựng nầy chúng tôi đã làm, không những thế, chúng tôi còn biến nó thành các biểu đối chiếu với Hoa ngữ và Mã ngữ ở hai loại bản đối chiếu khác nhau. Hơn thế cột Hoa ngữ của chúng tôi, lại chia thành nhiều cột nhỏ vì người Tàu, tuy là đều nói tiếng Tàu ở khắp nơi trên lãnh thổ Trung Hoa, nhưng giọng của mỗi vùng có khác nhau đôi chút. Những cột nhỏ ấy để dành cho một số giọng địa phương có thể đưa ảnh hưởng tới Việt Nam.
Thí dụ tiếng Nước của ta. Hán Việt là Thủy, tiếng Trung Hoa chính gốc là Xùi, nhưng biết đâu ta lại không phải là người Trung Hoa chánh gốc mà chỉ là người Mân Việt biến thành Việt Nam thành thử giọng Mân Việt Chúi cũng phải được đưa ra để đối chiếu.
Biểu đối chiếu dưới đây trích ở những tập học các giọng Trung Hoa của chúng tôi, trích theo một kế hoạch, tức không phải biết cái gì chép cái ấy, mà đã loại bỏ rất nhiều, không phải chỉ bỏ đi những món đồ mà riêng văn minh Trung Hoa thuở ấy mới chắc có như Lầu, Các, Hài, mà cũng bỏ cả những danh từ rất là thông thường.
Những thứ coi thì như là rất tầm thường, nhưng thật ra đó là những món đồ của một xã hội văn minh cao, chẳng hạn như tiếng Canh (canh để ăn cơm) chúng tôi cũng không ghi vào đây, vì quả thật ta đã vay mượn thức ăn đó của Tàu và vay mượn luôn cả danh từ nữa. (Nên biết rằng mãi cho đến ngày nay mà dân tộc Ấn Độ, văn minh cao là thế, lại chưa biết món canh thì cái thứ ngỡ hèn mọn ấy là dấu hiệu văn minh cao đấy). Trừ nhiều đến thế, trừ cả những tiếng mà ai cũng ngỡ là tiếng Việt thông thường, vẫn còn hàng vạn danh từ Việt gốc, không do Trung Hoa mà ra, và hàng vạn tiếng ấy đủ để làm một ngôn ngữ giúp một dân tộc diễn những ý thường trong một đời sống không cao, nhưng cũng chẳng dã man.
Biết bao nhiêu chữ Tàu để đọc được thơ Đường mà không cần tự điển? Hai ngàn chữ là đủ rồi. Mà đó là thơ, tức chuyện khó. Ta còn lối 10 ngàn danh từ thuần Việt thì hẳn cũng đã khá giàu, không thể nói rằng không có một dân tộc khi 10 ngàn danh từ của dân tộc ấy có.
Cũng không thể nói rằng người Tàu khi ly khai với Trung Hoa đã vay mượn của “Mọi” 10 ngàn danh từ đó để làm ngôn ngữ bởi đó là những danh từ mà họ đã có rồi và họ tin là hay thì còn vay mượn làm gì nữa?
Và tưởng cũng nên trình bày cặn kẽ về ngộ nhận của ta về Hoa ngữ mà nhiều người chỉ có một ý niệm rất mơ hồ.
Từ xưa tới nay, ta hay có thói quen cho rằng có tiếng Quảng Đông, tiếng Phúc Kiến, tiếng Hồ Nam, v.v. nhưng thật ra thì không và chỉ có tiếng Tàu. Các địa phương Trung Hoa có đọc sai chút ít nhưng vẫn cứ những danh từ đó, là vì sự nỗ lực đồng hóa các thuộc địa cổ, liên ranh giới của người Tàu, đã thành công cả về mặt ngôn ngữ từ hai ngàn năm nay rồi.
Ngôn ngữ Trung Hoa là một cái gì rất mơ hồ, chẳng những đối với các nước khác, mà cho đến cả với giới trí thức Trung Hoa, họ cũng ngộ nhận nữa, cả trong những sách vở đúng đắn, là sách giáo khoa của họ.
Ngôn ngữ Trung Hoa chỉ có một, trái hẳn với sự hiểu biết của người Âu châu, họ thường viết: “Dialecte de Canton (Phương ngữ Quảng Đông), Dialecte de Foukien (Phương ngữ Phúc Kiến), v.v. Thậm chí có nhà học giả Âu châu viết: Dialecte de Pékin (phương ngữ Bắc Kinh). Nếu quả đúng như thế thì không kể có Hoa ngữ hay sao, vì nơi nào cũng dùng toàn là ngôn ngữ địa phương, kể cả kinh đô của họ?
Từ Lớn, Quan Thoại tức Trung Hoa chánh gốc, Trung Hoa kinh đô, nói Ta, Quảng Đông nói Tài, Mân Việt nói Tòa, Việt Nam nói Đại, là tại đọc sai chớ không phải là khác ngôn ngữ.
Hôm nay, Quan Thoại nói Chính Thiên (Chíl thél), còn Quảng Đông nói Kim nhựt (Cắm dạch) là cũng nói tiếng Tàu chớ không phải là tiếng của chủng tộc nào khác. Nhựt là trời về phương diện vật chất (mặt trời) còn Thiên là Trời về mặt tôn giáo, vì người Tàu xưa trọng ý niệm Thiên hơn là Nhựt.
Vả lại Quan Thoại ngày nay cũng đã nói Khém dứa y như Quảng Đông.
Buồn cười nhứt là chính sách vở chánh thức, sách giáo khoa của Trung Hoa cũng gọi những “cái đó” là phương ngữ, họ phân biệt tới 9 phương ngữ và một ngôn ngữ trung ương gọi là Trung nguyên ngữ. Thật ra thì có 10 giọng chớ không hề có 10 ngôn ngữ bao giờ hết.
Đó là 9 phương âm, tức thổ âm (Prononciation régionale) chớ không hề là 9 phương ngữ, tức thổ ngữ (Dialecte) và một trung ương âm (Prononciation de base), chỉ có thế thôi.
Nhưng chúng tôi cũng gọi những giọng ấy là ngữ, theo sách của Tàu, vì đây là trích sách, thay đổi sẽ gây lộn xộn phiền phức lắm, xin quý vị hiểu rằng ngữ dưới đây, chỉ có nghĩa là giọng đọc mà thôi.
Sách giáo khoa Tàu phân biệt như sau đây:
Tần ngữ: Giọng Tần ngữ ở tỉnh Thiểm Tây và đó là cái giọng có thể gọi là Tiền trung ương, Tiền Quan Thoại, tức lơ lớ Quan Thoại, lơ lớ Tây Nhung, lơ lớ Mông Cổ. Đó là đất của các chư hầu mạnh đã thay phiên nhau lãnh đạo người Tàu về mặt quân sự và chánh trị, thí dụ chư hầu Chu đã diệt vua Trụ lập ra nhà Chu, chư hầu Tần đã diệt Chu lập ra nhà Tần.
Thục ngữ: Giọng nầy nằm gọn trong tỉnh Tứ Xuyên và đó là Tần ngữ đọc theo giọng Thái cổ. Nước Thái cổ là nước Thục bị chư hầu Tàu chinh phục và đưa giọng đọc của họ vào đó. Thục ngữ còn thấy dấu vết trong ngôn ngữ của người Tàu, mà dân Sài Gòn gọi là người Hẹ. Chính chư hầu Tàu đã diệt nước Thục và làm chủ nước Thục trước khi thống nhứt Trung Hoa.
Dân Thục, như đã nói là dân Âu phía Tây Trung Hoa, chi Âu xưa của Mã Lai chủng, nay được gọi là chi Thái, và Thục ngữ chỉ là tiếng Tàu bị người Thái ở Tứ Xuyên đọc sai (xin xem chương chủng Âu). Chúng tôi học cổ ngữ Ba Thục với người Ba Thục di cư tức người Khách Gia, tức Hakka, tức Hẹ. Nhóm Âu nầy còn giữ được nhiều danh từ Mã Lai hơn nhóm Tây Âu (Quảng Đông, Quảng Tây).
Yên Tề ngữ: Đây là đất của rợ Đông Di gồm Sơn Đông và một phần Hà Bắc. Giọng ở đó là giọng Tàu của người Đông Di bị lai giống hoặc bị đồng hóa.
Sở ngữ: Giọng nầy được nói ở Hồ Bắc và Hồ Nam. Đó là giọng Tàu của rợ Việt ở đất Kinh Man bị lai giống và bị đồng hóa với người Tàu. Cả ba giọng Yên, Tề, Tần  Sở ngày nay đều khá giống Quan Thoại vì họ ở gần Trung nguyên, tức là trung tâm văn hóa của Trung Hoa. Tuy nhiên, hồi đầu Tây lịch thì Yên Tề ngữ  Sở ngữ lại giống tiếng Việt Nam vì như đã và sẽ nói rợ Đông Di và rợ Kinh Man đích thực là Lạc Việt bộ Trãi và bộ Mã.
Giọng Sở ngữ lại còn có một tên nữa mà dân chúng dùng thường hơn, đó là giọng Hồ Quảng. Hồ Quảng là tên xưa của hai tỉnh Hồ Nam và Hồ Bắc.
Ngày nay tuy giọng Sở ngữ không hẳn là giọng của trung ương, nhưng vùng Hồ Quảng lại được xem là trung tâm văn hóa của Trung Hoa chớ trung tâm không phải cái vùng đất mà người ta gọi là Trung nguyên nữa.
Trung tâm văn hóa bị xê dịch là chuyện thường xảy ra trong một quốc gia, nhưng giọng nói không đi theo bước xê dịch đó, hoặc đi theo trễ và có thể vài trăm năm nữa thì giọng Sở ngữ sẽ giống hệt Trung Nguyên vì Hồ Quảng đã già dặn trong vai trò trung tâm văn hóa rồi.
Mân ngữ: Đó là giọng Phúc Kiến, tức giọng của “man di” Mân Việt bị lai giống và đồng hóa với Tàu. Đó là dân Lạc bộ Mã.
Việt ngữ: Đó là giọng Quảng Đông và Quảng Tây, tức giọng của “man di” Tây Âu gốc Thái bị lai giống và đồng hóa với Tàu. Việt nầy viết với bộ Nguyệt mà ta gọi là bộ Mễ.
Giang Hoài ngữ: Ở giữa sông Hoài và sông Dương Tử, là giọng của nước Ngô thời Chiến quốc, cũng thuộc chủng Việt (Bắc Giang Tô).
Ngô Việt ngữ: Giọng nầy được nói ở Nam Giang Tô và Triết Giang, là giọng của nước U Việt thời Chiến quốc, cũng thuộc chủng Việt.
Ở đây có một thắc mắc cho nhiều người. Danh từ Ngô Việt ngữ khiến người ta cứ tưởng địa bàn của Ngô và Việt ở đó còn địa bàn Giang Hoài là của ai khác chưa biết.
Nhưng thật sự, cứ theo sử Tàu thì Ngô và Việt đánh nhau tại Thái Hồ, tức nước Ngô phải ở phía Bắc Giang Tô, và nếu chỉ có Bắc Giang Tô thì quá nhỏ để nước Ngô hùng cường được trong một thời, nên nước Ngô phải kiêm luôn cả vùng Giang Hoài.
Danh từ Ngô Việt ngữ là danh từ cố ý sai, nó chỉ là Việt ngữ mà thôi, nhưng người sắp loại sợ lẫn lộn với Việt ngữ Quảng Đông nên phải thêm tiếng Ngô vào vậy. Hai chữ Việt ấy viết khác nhau.
Điền Kiềm ngữ: Giọng Tàu của người Thái làm chủ đất vùng Vân Nam và phụ cận.
Và sau rốt:
Trung nguyên ngữ: Đây là Hoa ngữ chánh thống mà cái giọng đọc cũng được gọi giọng Quan Thoại được nói ở Đông Thiểm Tây, Bắc Hà Nam, Nam Hà Bắc và Nam Sơn Tây, từ 5.000 năm chớ không phải là Quan Thoại mới xuất hiện năm 1911 như nhiều người Việt cứ tưởng.
Thấy rõ là sách giáo khoa của Tàu còn thiếu sót, họ thiếu mất một giọng quan trọng, giọng Hải Nam, vì đảo Hải Nam to hơn cả Bắc Việt nữa.
Nhưng tuyệt nhiên Hải Nam ngữ không được kể đến trong sách giáo khoa của họ.
Chúng tôi học Hải Nam ngữ (mà phải hiểu Ngữ đó chỉ là giọng đọc chớ không phải ngôn ngữ) thì thấy như thế nầy: Họ cũng nói tiếng Tàu, nhưng đọc sai chút ít, y như bất kỳ man di nào, Mân Việt, Tây Âu, v.v.
Thí dụ Nước, Trung Hoa chánh gốc nói là Xùi, Quảng Đông nói là Xủi, Mân Việt nói là Chúi, nhưng Hải Nam nói là Tùi. Nhưng những tiếng Mã Lai mà họ còn giữ được thì lại giống hệt Mân Việt, giống hệt Chàm, và giống hệt người Đông Hưng trong tỉnh Quảng Đông, tức người Hợp Phố xưa. Đó là người Lạc Lê.
Thế nên Lê Đạo Nguyên, tác giả Thủy Kinh Chú mới nói rằng thổ dân Hải Nam giống hệt thổ dân Nhựt Nam và Victor Goloubew mới nói thổ dân Hải Nam giống hệt người Đông Sơn.
Người Hải Nam có cái đặc điểm nầy là ở sạch nhứt trong các nhóm Trung Hoa, và ở sạch là biệt sắc của chủng Mã, và nhóm nổi danh ở sạch nhứt thế giới là Mã Lai Nhựt Bổn và Mã Lai Mayar ở Mỹ Châu.
Người Trung Hoa phát tích ở ngoài tỉnh Cam Túc rồi xâm nhập vào nước Tàu ngày nay, do ngõ Cam Túc, rồi văn minh lên ở Bắc Hà Nam, Nam Hà Bắc và Nam Sơn Tây.
Khi một dân tộc văn minh rồi thì ngôn ngữ mới định và ngôn ngữ Trung Hoa có quy củ là ngôn ngữ Đông Thiểm Tây, Bắc Hà Nam, Nam Hà Bắc và Nam Sơn Tây đó. Đó là vùng Trung nguyên của họ.
Ta cứ nhìn sơ qua lịch sử nước Tàu thì biết địa bàn của Trung nguyên ngữ, từ Nghiêu Thuấn đến cuối đời Đường, nằm tại đâu.


Đóng đô tại
(vùng)
Nghiêu
Bình Dương
(Nam Sơn Tây)
Thuấn
Bồ Bản
(Nam Sơn Tây)
Hạ
An Ấp
(Nam Sơn Tây)
Thương
Hào Kinh
(Bắc Hà Nam)
Thương
Triều Ca
(Bắc Hà Nam)
Tây Chu
Cảo Kinh
(Đông Thiểm Tây)
Đông Chu
Lạc Dương
(Bắc Hà Nam)
Tần
Hàm Dương
(Đông Thiểm Tây)
Tiền Hán
Trường An
(Đông Thiểm Tây) Trường An tức Cảo đời Chu
Hậu Hán
Lạc Dương
(Bắc Hà Nam)
Tấn
Lạc Dương
(Bắc Hà Nam)
Tùy
Tràng An
(Đông Thiểm Tây)
Đường
Tràng An
(Đông Thiểm Tây)

Quay qua lộn lại thì suốt ba ngàn năm họ không ra khỏi khu tam giác Bình Dương – Tràng An – Lạc Dương.
Đời Tống dời đô sang Đông Bắc Hà Nam là Khai Phong, nhưng vẫn không cách xa Lạc Dương bao nhiêu. Chỉ về sau thì rợ Mông Cổ rồi rợ Mãn Châu mới đóng đô tại Bắc Kinh, ở ngoài khu vực Trung nguyên ngữ mà thôi. Tuy nhiên, giọng Quan Thoại vẫn đi theo trào đình ngoại tộc để đến Bắc Kinh.
Nhưng cái Quan Thoại Bắc Kinh là Quan Thoại lơ lớ Mãn Châu và Mông Cổ, thế nên từ ngày Mao Trạch Đông lên cầm quyền thì Quan Thoại được sửa đổi lại chút ít, gọi là TÂN ÂM.
Nhưng cái Tân âm của họ Mao, thật ra là Cựu âm vì Quan Thoại ngày nay trở lùi về với giọng đọc của khu tam giác nói trên, vì giọng đó mới thật đúng là giọng Trung Hoa chánh gốc, không bị nói lơ lớ như giọng Bắc Kinh.
Cũng như ở xứ ta, khi trào Nguyễn cầm quyền thì xem giọng Huế là giọng chánh, nhưng thật ra giọng chánh gốc của dân tộc ta là giọng Hà Nội, vì người Hà Nội không bị lai Chàm như người Huế.
Quanh Kinh Đô và ngoài trào đình, dân chúng vẫn nói giọng Trung nguyên tức giọng Quan Thoại vì đó là tiếng Tàu chánh hiệu, chớ không phải riêng trong thành vua.
Nhưng những vùng đất xa hơn các kinh đô kể trên chừng vài trăm cây số là đất Mọi. Thí dụ ở Đông Thiểm Tây, tại đất Cảo, tức Tràng An và Hàm Dương người ta nói Quan Thoại, nhưng ở Tây Thiểm Tây, thì người Tàu lai giống với rợ Khuyển Nhung và nói giọng khác gọi là giọng Tần ngữ.
Những vùng đất quanh vùng Trung Nguyên đều là đất của các dân tộc khác mà người Trung Hoa gọi là rợ. Những vùng đất đó mãi cho đến đời Chiến quốc, vẫn còn đang được chinh phục, ở phương Đông, còn ở phương Nam thì công việc ấy mãi cho đến nhà Hán mới xong. Những nước nho nhỏ đó bị chiếm thì dân, lớp bị đồng hóa, lớp bị lai giống với người Tàu, phải nói tiếng Tàu, giọng Trung Nguyên, nhưng không nói y hệt được như người Tàu, họ nói khác không phải vì ở gần hay ở xa Trung Nguyên như có người tưởng, mà vì họ khác chủng. (Lẽ dĩ nhiên là ngày nay các nơi ấy nói gần giống Trung Nguyên hơn xưa bởi ảnh hưởng Trung Nguyên như nhiều đợt sóng liên tiếp, cứ lan lần ra).
Các dân tộc bị lai giống và bị đồng hóa, nói tiếng Tàu lơ lớ, chớ không phải là dùng một ngôn ngữ khác nào hết.
Mặc dầu vậy, nhóm man di nào cũng còn giữ được lối một trăm danh từ Mã Lai như Phúc Kiến, Quảng Đông, Hakkas gì cũng còn nói tiếng Mã Lai hết. Chính một trăm danh từ đó khiến thiên hạ hiểu lầm, ngỡ họ nói một ngôn ngữ khác. Nhưng khác làm sao được khi chỉ còn sót có một trăm danh từ?
Trong các biểu đối chiếu, chúng tôi sẽ cho thấy rằng Quảng Đông, Phúc Kiến vẫn còn nói tiếng Mã Lai, vì họ là Mã Lai đợt II, bọn Austronésien không kịp di cư, ở lại biến thành Tàu.
Dân Trung Hoa rất lớn, nhưng đặc biệt hơn là dân Ấn Độ, là họ chỉ có một bộ lạc độc nhứt, nên họ không bao giờ có phương ngữ như Ấn Độ đã có hằng mấy trăm phương ngữ. Cái ngôn ngữ độc nhứt đó là Trung Nguyên ngữ, tức Quan Thoại. Những giọng khác, quanh khu tam giác đó, không phải là phương ngữ Hoa tộc mà là giọng sai của ngoại chủng bị đồng hóa.
Và công việc đồng hóa của họ hữu hiệu đến nỗi man di nào cũng chỉ giữ được tối đa là một trăm danh từ chớ không hơn. Ta không có bị đồng hóa ở Tây Âu, tức Quảng Đông, nên ta còn giữ gần đủ những danh từ Mã Lai.
Việc đồng hóa bằng cách thống nhứt giọng đọc được thực hiện mãnh liệt nhứt, dưới đời nhà Tần.
Dưới đời nhà Tần, các địa phương phải gởi kẻ sĩ về Hàm Dương để đọc giọng Quan Thoại và học lối viết thống nhứt do Lý Tư bày ra. Trở về quê cũ, họ có phận sự dạy lại từ quan đến dân giọng ấy và lối viết ấy. Nhưng vì là dị chủng nên dân địa phương đọc không giống lắm được theo ý muốn của Tần Thỉ Hoàng. Tuy nhiên, chiến dịch ấy cũng làm cho họ mất luôn ngôn ngữ của họ.
Họ bị mất ngôn ngữ, nhưng không mất hết, còn dấu vết và nhờ thế mà ta biết được vùng nào thuộc “man di” cổ thời nào.
Thí dụ người Quảng Đông có từ ngữ Chẩy nả, có nghĩa là Mẹ con. Chẩy là tiếng Tàu Tử, còn Nả là tiếng Mã Lai đợt II, tức Lạc bộ Mã.
Chàm:                                    Ina
Việt:                            Nạ (Nạ dòng)
Mã Lai Nam Dương: Inang
Vì là “man di” nên họ ghép tiếng Tàu Tử với tiếng Mã Lai Nỏ, chớ Tàu thật thì không mắc chứng gì mà học tiếng Nả khi họ đã có rồi tiếng Mẫu mà họ rất trọng.
Và vì là “man di” nên cổ Tây Âu mới bất kể luân lý Khổng Mạnh, để con đứng trước Mẹ.
Đó là sự đề kháng tiêu cực của các man di xưa, nhưng đề kháng tới mức nào, cũng không đương đầu được với chiến dịch thống nhứt ngôn ngữ của Tần Thỉ Hoàng, hóa ra toàn cõi Trung Hoa đều nói một thứ tiếng với nhau, tuy có đọc sai chút ít ở các địa phương.
Tóm lại, Hoa ngữ chỉ có Một, chớ không có nhiều phương ngữ như chính họ cũng lầm tưởng. Sở dĩ được như vậy là nhờ:
1.      Ưu thế ban đầu. Ở địa bàn cổ sơ của họ chỉ có độc một bộ lạc chớ không có nhiều bộ lạc như chính họ cũng đã lầm tưởng (Xin xem chương Cái Họ của Trung Hoa và Việt Nam).
2.      Các chiến dịch làm mất ngôn ngữ “man di” ở các thuộc địa, mà chiến dịch hữu hiệu nhứt là chiến dịch Tần Thỉ Hoàng.
Sự đọc sai chút ít là phương âm, chớ không phải là phương ngữ như ai cũng tưởng. Và sự sống sót của lối một trăm danh từ trong mỗi nhóm man di biến thành Tàu, không thể gọi là phương ngữ được vì nó quá ít.
Không kể giọng Trung Nguyên tức giọng Quan Thoại, tức giọng Trung Hoa trung ương, chín giọng kia giúp cho ta truy ra các nhóm “ngoại di” bị xâm lăng, bị lai giống và bị đồng hóa với Trung Hoa. Mỗi nhóm “man di” đọc sai tiếng Tàu một cách khác nhau rõ rệt. Chúng tôi lấy tỉnh Giang Tây làm thí dụ. Trong khi các tỉnh khác có một giọng rất thuần nhứt thì giọng của tỉnh Giang Tây lại không thuần nhứt, thành thử biên giới “Man di” ở đó coi vậy mà rất dễ truy tầm, hễ huyện nào đọc giọng Phúc Kiến thì mảnh đất của tỉnh Giang Tây đó hồi cổ thời thuộc “man di” Mân, huyện nào đọc giọng Quảng Đông thì mảnh đất Giang Tây nơi đó thuở xưa thuộc nước Tây Âu.
Đó là những “man di” quan trọng, đã lập quốc rồi, chớ giữa các thứ man di ấy, còn vô số “man di” khác, ngày nay vẫn tồn tại ở Trung Hoa, nhưng họ quá kém không hợp tác được nên rút lên rừng núi, không nói tiếng Tàu nên không có giọng Tàu riêng, thí dụ người Mèo.
Người Tàu thuần chủng Tàu, may mắn hơn người Ấn Độ, và giống Việt Nam vì họ không có những bộ lạc nói khác nhau quá nhiều như Ấn Độ cổ thời, mà chỉ có độc một bộ lạc bành trướng mãi ra, như ta sẽ thấy ở một chương sau.
Chủng Mã Lai cũng may mắn như vậy, nhưng họ lại rủi ro mất địa bàn liên tục ở Trung Hoa, chạy bậy chạy bạ rồi lai giống lung tung với thổ trước, hóa ra tiếng Mã Lai không còn được thuần nhứt lắm như tiếng Tàu. Chỉ có những nhóm Mã Lai nho nhỏ như Việt Nam mới là thuần nhứt với nhau mà thôi. Mã Lai Java cũng thuần nhứt nhưng chỉ trong đảo Java, v.v.
*
*       *
Chúng tôi đã nói rằng Quan Thoại Bắc Kinh đã bị Mao Trạch Đông sửa lại và gọi là Tân Âm, vì cái Quan Thoại trước họ Mao không đúng giọng chánh gốc.
Nhưng cái Quan Thoại của Tần Thỉ Hoàng cũng chẳng đúng gì hơn.
Ta cứ xem lại khu tam giác nói trên, nhao rún của Quan Thoại. Đó là Lạc Dương, An Ấp và Tràng An.
Hàm Dương, kinh đô của Tần Thỉ Hoàng, không nằm trong khu tam giác đó, nó ở dịch về phía Bắc của Tràng An lối 100 cây số.
Tuy nhiên, 100 cây số cũng không xa và Quan Thoại của Tần Thỉ Hoàng gần với giọng chánh gốc hơn là Quan Thoại Bắc Kinh, chính vì sự kiện nó không quá xa nhao rún của dân Tàu như Bắc Kinh, và cũng vì sự kiện không có “rợ” tại Hàm Dương, như đã có “rợ” quanh Bắc Kinh.
Dầu sao, Quan Thoại Hàm Dương vẫn không phải là Quan Thoại chánh gốc 100%, y như ở Bắc Việt, Hà Nội nói Con gà trống thì các tỉnh ven biển nói Con  sống.
Các thuộc địa “man di” nói không đúng Quan Thoại lắm, vì họ là ngoại chủng, mà cũng vì giọng Hàm Dương không đúng là giọng chánh.
Nhưng mà cuộc thống nhứt giọng thì quả đã được thực hiện tới một mức đáng kể, mà danh từ Xùi của Quan Thoại đã cho thấy:
Quan Thoại: Xùi
Quảng Đông:            Xủi
Mân Việt:       Chúi
Hải Nam:       Tùi.
Trong các bản đối chiếu, chúng tôi lấy giọng Quan Thoại làm căn bản, những giọng địa phương Trung Hoa, và cả giọng Hán Việt của ta chỉ là giọng nhơn chứng (prononciation témoin). Nhưng các giọng khác, không phải là có đủ mặt. Người Hồ Quảng, người Yên Tề không bao giờ để chơn tới xứ ta, thì ta không cần biết họ làm gì.
Xem ra thì chỉ có ba giọng là có vào đất cổ Việt, đó là giọng Quan Thoại của sĩ quan, của lính và của quan văn mà trung ương Trung Hoa đã gởi tới trong dịp đánh dẹp hai bà Trưng. Kế đó là giọng Việt Nam Hải, tức giọng Quảng Đông, và giọng Mân Việt vì dân hai địa phương đó có tới lui buôn bán với ta, hoặc di cư đến để tìm sinh kế, từ cổ đến nay cũng y hệt như vậy. Chót hết là giọng Ba Thục của người Hakkas và giọng Lạc Lê của người Hải Nam.
Trước khi trình bản đối chiếu chúng tôi xin nói thêm đến ba ngộ nhận nữa về ngôn ngữ Trung Hoa.
Trong Việt Nam Văn Học toàn thư, quyển I, tác giả Hoàng Trọng Miên viết: “Chữ viết và tiếng nói của Tàu là hai ngữ thể khác nhau, ta học văn của họ chứ không theo ngôn ngữ họ”.
Ngộ nhận thứ nhứt nằm ở đoạn thứ nhì của câu trên đây, là ngộ nhận chung của toàn quốc chớ không riêng gì của ông Hoàng Trọng Miên.
Thử hỏi có một đế quốc nào bắt dân bị trị học tiếng của họ mà không cần bắt họ theo đúng ngôn hay không? Đối với một đế quốc, chính cái việc theo ngôn mới là việc cần thiết để lịnh của họ được hiểu, được tuân mau lẹ, và để phổ biến ngôn ngữ của họ, việc phổ biến đó có lợi cho họ, chớ còn học chữ, học văn, học triết, là chuyện xa vời, ta cố sức học, họ cũng cho ta học nhưng họ không cố sức dạy mà chỉ nỗ lực ở mặt ngôn mà thôi, vì lý do chánh trị và kinh tế.
Không có tài liệu nào về vấn đề nầy cả, nhưng ta cứ suy luận thì đủ rõ sự thật. Một ông thầy từ trung ương Trung Hoa đến dạy ta học tiếng Tàu, sau khi Mã Viện tổ chức xong hành chánh. Ông ấy ra một câu:
Wò txửa  fál
Nếu cậu học trò Việt Nam, thay vì lặp lại y theo ông thầy, lại nói:
Ngã thực phạn
thì hẳn không có ông thầy nào trên thế giới nầy mà chấp nhận cả vì cái lẽ không thể chấp nhận được, bởi ông ấy không biết ta lặp lại lời ông ấy dạy ta hay là ta chưởi ông ấy.
Sự thật thì ta đã phải theo ngôn ngữ của họ y như dưới thời Pháp thuộc, không khác một nét, nghĩa là người được học phải học đúng giọng đọc của ngôn ngữ của kẻ thống trị, chỉ có bình dân mới nói tiếng Tàu ba trợn, nhưng vì không ai dạy, chớ không phải là không theo ngôn của họ.
Nhưng câu văn của Hoàng Trọng Miên loại bỏ bình dân ra, vì có vấn đề học văn (ý tác giả muốn nói học chữ, học tự dạng), như vậy thì ngộ nhận càng lớn hơn bởi bọn có học, không thể nào mà không theo, và cứ đọc ba trợn như bình dân mà yên thân với các ông thầy Tàu.
Sở dĩ sau rồi fál biến thành phạn chỉ vì Tàu mất chủ quyền ở xứ ta, dưới trào Đinh Bộ Lĩnh; sự kiện đó xảy ra y hệt như vậy tại Sài Gòn năm 1954 mà Pháp triệt thối toàn diện, và thiên hạ bắt đầu đọc sai tiếng Pháp một cách buồn cười, kể cả vài kẻ có học.
Ngộ nhận trên đây kéo theo ngộ nhận thứ nhì là chủ trương rằng ta biến tiếng Tàu thành tiếng Hán Việt để mỹ hóa những danh từ vay mượn với cái giọng đọc không hay của Tàu.
Có ai chứng minh được rằng Hương Cảng hay hơn, đẹp hơn Hướng Cỏn hay chăng? Và nếu quả Hương Cảng đẹp thì tại sao, về sau ta lại bỏ Hương Cảng mà đọc là Hồng Kông? Hồng Kôngđẹp hơn Hương Cảng  Hướng Cỏn ở chỗ nào?
Địa danh Tức Mặc mà ta mượn của Tàu để đặt tên cho một nơi của ta ở Bắc Việt, cũng hẳn là không đẹp hơn là Tục Ma nguyên thỉ bởi Tức  Mặc gợi cái ý tức mình  mặc kệ thì hơn gì TụcMa?
Ta chỉ đọc sai mà thôi, chớ không hề mỹ hóa để làm gì cả, bằng chứng là có những danh từ Trung Hoa, Quan Thoại đọc thế nào thì Hán Việt cũng đọc thế ấy, không hề được biến dạng mà cũng không phải vì nó đẹp mà ta giữ nguyên, ta không mỹ hóa, mà vì nó rất dễ đọc.
Không ai chứng minh được rằng Chít xão xấu hơn Chiên xào ở chỗ nào, Điếm đẹp hơn Tiệm ở chỗ nào, thì quan niệm mỹ hóa không đứng vững được.
Có nhiều học giả còn thử đưa bằng chứng mỹ hóa nầy nữa. Thí dụ câu thơ:
Nhân diện đào hoa tương ánh hồng
Họ nói nếu đọc theo Tàu Quan Thoại là:
Dỉt mél thảo wá chál quál hụng
thì ta chẳng nghe sao hết. Đọc theo Quảng Đông cũng thế. Còn đọc theo mỹ hóa của Hán Việt thì nó thấm thía tận đáy lòng ta, đi vào tận tế bào ta.
À, luận cứ trên đây thật là kỳ. Đọc theo Quan Thoại và theo Quảng Đông thì ta hiểu sao được để mà đi vào tận tế bào ta kia chớ?
Đây là vấn đề hiểu và không hiểu, chớ không hề là vấn đề thuận tai và nghịch tai. Dân ta không hiểu Dỉt mél, nhưng đã hiểu Nhân diện từ hai ngàn năm nay, mặc dầu Nhân diện cũng chỉ là tiếng Tàu (đọc sai).
Chắc chắn là cho tới năm Đinh Bộ Lĩnh thu hồi độc lập, dân ta vẫn phải ngâm thơ theo Tàu là:
Dỉt mél thảo wá chál quál hụng
vì người thống trị còn đó để không cho phép ta đọc là:
Nhân diện đào hoa tương ánh hồng
Và hồi thời ấy ta đọc thơ theo Quan Thoại, ta vẫn nghe nó đi vào tế bào ta được, y hệt như ta đọc bài thơ Milly ou la terre natale của Pháp bằng tiếng Pháp, không có mỹ hóa gì hết. Tiếng Pháp không hề thuận lợi tai của ta hơn tiếng Tàu. Đây chỉ là hiểu hay không mà thôi, và chỉ là đọc sai bậy bạ vì dân thống trị đã đi mất, chớ không hề có việc mỹ hóa bao giờ.
Viết tới đây, một câu chuyện vặt nhưng rất ngộ nghĩnh và quan trọng xảy ra tại nhà tôi. Một người bạn đi Đài Loan về, mang biếu tôi một phiến đá nhỏ, trên đó có khắc một bài thơ Tàu, theo lối chữ thảo mà có hơn mười chữ tôi đọc không trôi.
Sau khi người bạn tặng quà đi rồi thì nhiều bạn khác đến, trong đó có một bạn Trung Hoa, một nhà nho và vài sinh viên Văn Khoa, cũng có học chữ nho chút ít.
Tôi yêu cầu người bạn Trung Hoa ngâm bài thơ ấy nghe chơi. Anh bạn ngâm rằng:
Chọt dìa xứng cưới, chợt dìa phúng
Hòa lầu xấy phùng quậy thoòng tùng
Tsần mà xổi phùng xướng phi dực
Dì dậu lìl xì dách tỉm túng.
Ngâm xong, anh bạn kêu lên: Hà! Cái lầy hay quá mà! Nhưng chúng tôi không ai nghe hay cả. Tôi lại yêu cầu ông bạn nhà nho ngâm theo lối mà thiên hạ gọi là mỹ hóa tiếng Tàu. Ông bạn già đó ngâm:
Tạc dạ tinh cư, tạc dạ phong
Hoa lâu Tây bạn quế đường Đông
Thân vô thái phượng, song phi dực
Như hữu linh tê nhứt điểm thông.
Hai anh bạn sinh viên bật cười, vì hai anh ấy chẳng thấy bài thơ ấy hay chỗ nào cả, mặc dầu bao nhiêu tiếng Tàu trong đó đã được “mỹ hóa” hết cả, nó cũng không đi vào tế bào của các bạn không tinh thông chữ nho ấy được.
Vấn đề là hiểu hay không, chớ không phải là sự êm tai. Những tiếng Tàu gọi là được mỹ hóa mà không được phổ biến thì ta nghe y hệt như tiếng Á Rập. Thí dụ không thể chối cãi là hai anh bạn sinh viên ấy hiểu “Tạc dạ” như là Tạc dạ ghi xương. Nhưng Tạc dạ ở đây có nghĩa là Đêm hôm trước.
Tóm lại, sự thuận-tai-tưởng-tượng không làm cho ta cảm khái chút nào hết thì không hề có vấn đề mỹ hóa cho thuận tai. Chỉ là đọc sai, chớ không có việc cố ý mỹ hóa.
Sở dĩ câu:
Nhận diện đào hoa tương ánh hồng
mà đi vào tận tế bào của ta, chỉ vì đó là những tiếng Tàu đã được phổ biến từ lâu, được ta hiểu y như ta hiểu tiếng Việt, còn cả bốn câu thơ Đường được trích trên đây không cảm ta được vì có người không hiểu nó, bởi trong ấy có nhiều danh từ chưa được phổ biến, nhứt là nhiều danh từ đồng âm dị nghĩa với danh từ khác, làm rối loạn hết cả, phải thấy những chữ Tàu đó mới hiểu được.
Nhưng ngộ nhận quan trọng nhứt là ở đoạn đầu câu của Hoàng Trọng Miên. Đó là sự kiện “Chữ viết và tiếng nói của Tàu là hai ngữ thể khác nhau”.
Sự thật thì họ nói sao, viết vậy, hồi cổ thời, đến đời nhà Hán, nhà Tần cũng còn như vậy.
Dân Trung Hoa chánh gốc, tức người Hoa chưa vượt sông Hoàng Hà để tràn vào đất Việt lập ra nước Sở, dân đó là một thứ người rất ít nói, cả đến ngày nay cũng thế, và họ ưa nói tắt. Đó là đặc tánh của các thứ dân ở xứ lạnh và xứ khô cằn. Lòng dạ họ khô khan, họ không có gì cho nhiều để nói ra. Họ văn minh rồi, họ cũng chỉ nói chuyện thực tế, theo lý trí, mà những loại chuyện đó không tràng giang đại hải được, và trái lại nữa, càng nói ít, càng nói ngắn, càng hay.
Tràn xuống phương Nam vào đất Việt ở Hồ Quảng, gặp khí hậu ấm áp, phong cảnh tốt tươi và đất đai màu mỡ ở đó, lòng họ phong phú hơn, tánh họ yêu đời hơn, họ nói nhiều hơn và nhứt là thấy rằng nói vắn tắt không ổn nữa, đã diễn không hết ý, lại gây hiểu lầm.
Chính cái sự kiện diễn ý bằng nhiều tiếng hơn xưa nầy nó khiến cho văn không còn đi chung với lời nữa, văn viết theo cổ quá vắn tắt người dân diễn ý thì lại bắt đầu dài dòng.
Nhưng tình trạng ấy chỉ mới xảy ra từ đời nhà Hán, còn trước kia thì Tàu nói sao viết vậy, không ít hay nhiều hơn một từ nào cả, không bao giờ có vấn đề hai ngữ thể khác nhau, cho đến đời nhà Hán.
Nhưng từ đời nhà Hán thì họ đã lớn mạnh ở phương Nam và chính người Tàu phương Nam mới bắt đầu nói khác văn viết. Như vậy là quả có hai ngữ thể khác nhau, mà cũng chỉ có trong một giai đoạn từ Hán đến Tống mà thôi, chớ không phải luôn luôn có. Nhưng câu văn của Hoàng Trọng Miên lại làm cho ai cũng hiểu là luôn luôn có. Nhưng không phải đó là lầm lẫn riêng của Hoàng Trọng Miên mà đa số người mình đều tưởng như vậy.
Nhưng xét ra thì ngôn ngữ của nước nào cũng thế cả, không riêng gì của Tàu. Nhưng thiên hạ chỉ ngộ nhận đối với trường hợp Tàu là vì nơi các dân tộc khác người ta dùng chữ tượng âm, hễ ngôn ngữ biến thì văn cũng biến theo, còn ở Trung Hoa thì văn không cần biến theo cùng lúc, người đọc chữ cũng hiểu được cổ văn, nhờ nó là chữ tượng hình, thành thử chính quyền không buồn cho văn biến theo ngôn vội.
Nhưng đến đời nhà Tống thì dân chúng tự động biến bằng cách tạo ra Bạch thoại.
Ở đây lại xảy ra ngộ nhận nữa. Rất đông người Việt ngỡ Quan Thoại là Bạch thoại. Nhưng không phải thế, Quan Thoại chỉ là giọng đọc (Prononciation), còn Bạch thoại là lối hành văn (Style).
Bạch thoại là hễ nói dài thì cũng viết dài y như nói, chớ không viết tắt như đã nói tắt hồi cổ thời, nhưng đọc thì cứ đọc y hệt như xưa.
Một câu văn viết theo hành văn Bạch thoại có thể đọc bằng giọng Quan Thoại, bằng giọng Quảng Đông, bằng giọng Phúc Kiến, bằng giọng Hán Việt, y hệt như một câu cổ văn.
Nhưng đừng tưởng là cổ văn đã biến mất, vì có nhiều lối nói cổ thời vẫn được dân Tàu giữ nguyên, không biến khác, thành thử trong hành văn Bạch thoại có nhiều đoạn y hệt như cổ văn, chớ không phải hoàn toàn khác 100% đâu.
Cứ lật một tờ báo ở Chợ Lớn ra đọc thử, ta thấy ngay là cổ kim lẫn lộn, nhiều đoạn văn giống hệt như Sử Ký  Hậu Hán thư. Nhưng một cái tin xe cán chó tại cầu chữ Y thì bắt buộc là phải viết theo hành văn mới. Tàu xưa làm gì có danh từ cầu chữ Y, làm gì có ô-tô, có chó bị cán.
Nhưng khi quân đội Việt Mỹ dàn trải ra để chận tại Mõ Vẹt chẳng hạn thì họ cũng viết như xưa, bởi xưa nay gì cũng chẳng nói khác nhau về chuyện ấy cả.
Đó là nói về hành văn, nhưng tự dạng thì cứ vậy, trừ một cuộc cải cách mới đây của Mao Trạch Đông là bớt nét cho những chữ quá rườm rà và bỏ những bộ Khuyển, bộ Trãi, bộ Thỉ, trước tên các dân tộc, nhưng chuyện vặt ấy cũng chẳng dính líu gì đến Bạch thoại vốn đã có rồi từ đời nhà Tống.
*
*       *
Hán Việt không được dùng để nói, không hề thành ngôn ngữ vì nó không phải là ngôn ngữ của dân Lạc Việt (đó là bằng chứng dân nầy cứ còn có mặt mãi mãi trên lãnh thổ của họ) với lại vì nó quá khó, các nhà đại trí thức cũng không biết cho hết các danh từ Hán Việt. Trong Việt sử tiêu án, Ngô Thời Sĩ, một bậc danh nho của ta mà còn phải thú nhận rằng không biết cây Am la là cây gì. Nhưng nếu nói cây Muỗm hoặc cây Xoài thì toàn thể dân Lạc Việt tức dân Việt Nam đều hiểu ngay tức khắc.
Hàng vạn tiếng Hán Việt đã thành hình, đủ nhiều để làm một ngôn ngữ, nhưng không bao giờ thành ngôn ngữ cả, vì không ai mà nói chuyện với nhau bằng loại tiếng đó, các quan đại thần, các nhà nho nói chuyện với nhau cũng nói bằng tiếng Việt, và chắc chắn là trong Hội nghị Diên Hồng chẳng hạn, người ta nói với nhau bằng tiếng Việt.
Một yếu nhân Việt Nam nói rằng TIẾNG VIỆT do tiếng Quảng Đông mà ra. Đó là sai lầm cùng loại với sai lầm của sử gia Nguyễn Phương nhưng có thêm một chi tiết cố ý muốn xác thực hơn, là định rõ nguồn gốc tiếng ta là phương ngữ Quảng Đông.
Mặc dầu có thêm chi tiết ấy, sự sai lầm vẫn không giảm phần nào.
Đã bảo không bao giờ có tiếng Quảng Đông thì làm thế nào mà tiếng Việt do tiếng Quảng Đông mà ra?
Xin nhắc rằng dân của nước Tây Âu xưa là dân Thái. Dân đó bị đồng hóa thành người Tàu Quảng Đông. Và họ nói tiếng Tàu sai giọng chút ít. Không hề có tiếng Quảng Đông.
Nếu nói có tiếng Tây Âu, tiếng Thái, thì được, nhưng nói có tiếng Quảng Đông thì sai.
Còn một ngộ nhận nữa, và đây là ngộ nhận của toàn thể người Việt, chớ không phải của riêng ai, nên ta cần xét lại kỹ hơn nhiều lắm:
Người ta bảo rằng tiếng Hán Việt do tiếng Quảng Đông gây ra. Ở đây lại còn xác thực hơn trên kia nữa là Hán Việt chớ không phải Việt ngữ.
Họ nói thế là vì họ thấy quả, để chỉ nước, Quảng Đông nói Xủi, Hán Việt nói Thủy. Để chỉ con bò, Quảng Đông nói Ngầu, Hán Việt nói Ngưu.
Nhưng khi ta tìm hiểu về thời Tần, Hán thì sự sai lầm lộ rõ ra liền. Xủi hay Ngầu gì cũng chỉ là Quan Thoại đọc sai. Nhưng sở dĩ ta sai rất gần lối sai của Quảng Đông là vì Quảng Đông là người Tây Âu, tức Thái, tức Cửu Lê, bị Tàu đồng hóa. Họ đồng chủng với ta và sống giáp ranh thì hai thứ dân ấy đọc Quan Thoại phải sai gần như nhau là một chuyện dĩ nhiên, chớ không phải là Hán Việt do Quảng Đông mà ra.
Nhưng những người ngộ nhận như trên lại có một quan niệm sử sai lầm. Họ tưởng Quảng Đông là Tàu mà là Tàu đã khai hóa ta.
Ở một chương trước, ta đã thấy rằng Tây Âu bị chinh phục trước ta có một trăm năm. Vào năm Mã Viện đến đặt nền trực trị tại Cổ Việt Nam thì dân Tây Âu đang bị đồng hóa, học chưa thuộc tiếng Tàu, thì làm thế nào đủ khả năng đi khai hóa ta?
Chúng tôi sẽ trình ra một bản đối chiếu trong đó chỉ có ba thứ tiếng: Hán Việt, Quảng Đông và Quan Thoại, thì ta thấy ngay là Hán Việt giống Quan Thoại hơn là giống Quảng Đông.
Cuộc suy luận trên kia, có thể còn hồ nghi, nhưng bản đối chiếu thì không thể cãi lại được vì nó là chứng tích cụ thể và rõ ràng.
Nhưng quả có lối một trăm danh từ Quảng Đông và Thuần Việt hoặc Hán Việt giống hệt nhau, nhưng đó không phải là tiếng Tàu, mà là tiếng Mã Lai mà cả hai nhóm Mã Lai Tây Âu, tức Thái, và Lạc Việt đều giữ được nhờ tinh thần đề kháng. Viết chữ thì họ viết y hệt như Tàu, nhưng đọc thì họ lại đọc y hệt như Mã Lai.
Thí dụ điển hình nhứt là danh từ Wàl của Quảng Đông và Vân của Hán Việt. Ai cũng ngỡ đó là tiếng Tàu. Nhưng không phải.
Tiếng Tàu, Mây họ nói là Diển, mà Diển không là sao mà biến thành Wàl được cả.
Đó là tiếng Mã Lai Awan có nghĩa là Mây, mà cả Tây Âu lẫn Lạc Việt vẫn cố bám níu, mặc dầu họ viết chữ y hệt như Tàu.
Họ bám níu vào hàng vạn danh từ như vậy, nhưng Quảng Đông bị trực trị và bị đồng hóa mạnh, nên đành phải bỏ rơi gần hết, chỉ còn giữ được có lối 100 danh từ, còn Việt Nam không có chịu cái cảnh đó nên giữ được gần hết danh từ Mã Lai.
Awan là danh từ của Mã Lai đợt II, còn Mây là danh từ của Mã Lai đợt I. Ta dùng cả hai vì Việt Nam là Mã Lai hỗn hợp, nhưng trong trường hợp Mây, ta dùng tiếng Mây để làm quốc ngữ và tiếng Awan để đọc cái chữ Diển của Tàu, khác với các trường hợp khác, thí dụ trường hợp Chơn  Cẳng. Chơn, danh từ Mã Lai đợt I, Cẳng, danh từ Mã Lai đợt II, đều được ta dùng làm quốc ngữ, còn Túc thì ta đọc theo Tàu với sự sai giọng chút ít.
Nhưng mà chỉ có Hán Việt thì mới gần giống Tàu Quảng Đông chớ thuần Việt thì khác Quảng Đông như đen với trắng. Chỉ có những danh từ cổ Tây Âu mà Quảng Đông còn giữ được, mới giống thuần Việt mà thôi, chớ Quảng Đông Tàu, tức Quảng Đông ngày nay, thì tuyệt nhiên không giông.
Có thể nói cổ ngữ Tây Âu  Việt Nam kim ngữ giống nhau vài ngàn tiếng, chỉ có thế thôi, hoặc nói một cách khác, Cổ ngữ Tây Âu và kim ngữ Việt Nam là một.
Sự sống sót của mấy mươi danh từ Tây Âu cổ đó là sự tiêu cực đề kháng một cách tuyệt vọng của dòng Mã Lai Bách Việt, họ gồm hai nhánh lớn nhứt là nhánh Âu tức Thái, như đã chứng minh, và nhánh Lạc.
Thí dụ: Hai, Trung Hoa chánh gốc nói Ơl, đọc như Ơn miền Bắc Việt, nhưng vì bị đồng hóa, dân Tây Âu đề kháng lại, và tiếp tục nói Dzi. Đó là tiếng Mã Lai gốc Tây Tạng mà tất cả các nhóm Mã Lai từ xưa đến nay đều dùng. Riêng Việt Nam thì dùng của hai tiếng Mã Lai là Hai  Nhị. Và Nhị không bao giờ là tiếng Hán Việt như ai cũng ngỡ. Ta cũng đề kháng tiêu cực y như Tây Âu khi ta học tiếng Tàu, và cả hai, Giao Chỉ và Tây Âu, đều không nói Ơn, Tây Âu chỉ dùng có một tiếng Mã Lai là Dzi còn Lạc Việt thì dùng cả hai là Hai  Nhị.
Việt Nam:              Hai, Nhị
Cổ ngữ Tây Âu:    Dzi
Cổ ngữ Ba Thục:   Nhi
Bà Na:                    Ngôi Hai
Cao Miên:              Pi
Khả Lá Vàng:        
Miến Điện:                         Ngi
Tây Tạng:              Ngi
Trung Hoa không bao giờ có Nhi, Pi mà Ơn của họ cũng không thể biến hóa thành Nhi, Pi được.
(Người Mân Việt, Tây Âu và Ba Thục, ngày nay thành Tàu hẳn rồi, nhưng vẫn còn giữ Dzi, Nhi, Ni tức Nó).
Thí dụ: Khi Trung Hoa chánh gốc viết chữ và đọc là Chiều là cái Cổ thì các nhóm Mã Lai Bách Việt lại không chịu đọc theo, sai chút ít như các danh từ khác, mà cứ đọc chữ ấy bằng ngôn ngữ của họ và ngôn ngữ của họ chỉ có một, nghe hơi khác, nhưng vẫn cứ đồng gốc Mã Lai.
Tàu Quan Thoại:                              Chiều
Mân Việt:                                          Kẹ
Cổ Tây Âu (Quảng Đông):              Kẻng
Thái ngày nay:                                 Kủ
Việt Nam:                                         Cổ
Cao Miên và các nhóm Thượng:    Cổ, Co, Ko.
Tuy nhiên, người Tây Âu, người Mân Việt, người Ba Thục chỉ giữ được có non trăm tiếng vì họ đã thành Tàu Quảng Đông, Tàu Phúc Kiến, Tàu Tứ Xuyên tức Hakka, trong khi đó thì ta giữ được cả vạn danh từ.
Thế thì vài tiếng Hán Việt hoặc thuần Việt có giống Quảng Đông, không hề có nghĩa là tiếng Việt do tiếng Quảng Đông mà ra.
Sử gia Nguyễn Phương hỏi khó: “Dựa vào đâu để chứng minh rằng tiếng Việt ngày nay là tiếng Việt của người Lạc Việt?”.
Ông hỏi rất nghiệt, vì ông đinh ninh rằng không ai trả lời được. Nếu ai cắt cớ hỏi dựa vào đâu để chứng minh rằng tiếng Tàu ngày nay là tiếng Tàu đời nhà Hạ thì chắc người Trung Hoa phải đầu hàng.
Nhưng rủi cho sử gia là có những người chịu khó học cổ ngữ Tàu và cổ ngữ Việt, trả lời được.
Về ngoại ngữ Quan Thoại thì đã có sách Tây rồi, còn về cổ ngữ Việt, xin lấy thí dụ sau đây. Ta có câu ca dao:
Tua Rua lặn, chết cá chết tôm.
Danh từ Tua Rua hiện ra trong nhiều câu ca dao tối cổ của ta, ta không hiểu ngỡ đó là một danh từ riêng chỉ một vì sao, nhưng thật ra thì không phải. Đó là hai tiếng riêng ra. Tua là danh từ tối cổ của bọn Mã Lai lưỡi rìu chữ nhựt.
Rua kia, mới là danh từ riêng chỉ con sao Mang mà Tàu gọi là sao Mão.
Theo Việt Nam thì câu ấy như thế đó.
Còn theo Mường thì:
Sao Mang lặn, chêt ka, chêt tum,
Theo Khả Lá Vàng thì:
Tua Rua lăn kêt aka, kêt tum
Có nhiều cái khoen nối kết cho thấy rằng tiếng Việt ngày nay với tiếng Lạc Việt cổ sơ là một, giáo sư ạ!
Sử Tàu không có ghi chép gì về chuyện họ dạy ta học tiếng, nhưng có ghi chép về những ông thái thú đầu như Tích Quang, Nhâm Diên, dạy ta học lễ.
Nhưng không ai thử đặt ra câu hỏi nầy bao giờ: Họ dùng ngôn ngữ nào để làm thừa ngữ (lannge véhicule)? Một nước thống trị dạy dân bị trị, hẳn không dùng ngôn ngữ của dân bị trị để làm thừa ngữ bao giờ, trừ trường hợp độc nhứt Mông Cổ và Mãn Châu vì họ là rợ, nên họ học và nói tiếng Tàu, mà đó là vì tình thế kém cỏi của họ bắt buộc như vậy. Tình thế của Tàu trị ta thì khác.
Họ không dùng Việt ngữ vì họ không muốn dùng, mà cũng vì không thể dùng, bởi họ đâu có buồn học làm gì. Hiện nay ở Chợ Lớn có đến 60 phần trăm người Việt gốc Hoa, không biết tiếng Việt thì vào thời Mã Viện hẳn không có chú nào biết hết.
Trong trường hợp nầy thì tiên học văn hậu học lễ vậy. Nhưng ta học với ai? Quảng Đông không có cán bộ vì cái lẽ dễ hiểu rằng họ chỉ bị trị trước ta có một trăm năm, họ học chưa xong, sức mấy mà họ làm thầy ta được.
Nhưng nếu Quảng Đông đã giỏi rồi, ta cũng không học với Quảng Đông vì nếu Tàu cần gởi cán bộ họ không ngại tốn tiền xe đâu, bởi cán bộ vùng nào, tới xứ Giao Chỉ cũng đi bằng chơn, không tốn tiền xe pháo gì hết thì họ phải gởi người của kinh đô của họ, tức của thành Lạc Dương, bởi Quảng Đông đã nói tiếng Tàu sai bét rồi như đã nói.
Nhứt định là ta học văn, học ngôn với cán bộ trung ương, hay ít ra cũng với những cán bộ quê ở các vùng khác, nhưng được trung ương luyện giọng, việc luyện giọng theo chương trình của Tần Thỉ Hoàng. Và vì vậy mà ta phải học tiếng Tàu, nhưng giọng Quan Thoại, Quan Thoại xin nhắc lại là một giọng đọc, chớ không phải là một ngôn ngữ, và nó đã có từ năm ngàn năm chớ không phải mới có năm 1911.
Bản đối chiếu nhỏ dưới đây cho thấy thật rõ là Hán Việt do giọng Quan Thoại mà ra, chớ không phải giọng Quảng Đông.

Hán Việt
Quảng Đông
Quan Thoại
Thú
Xâu
Chinh
Chil
Chíl
Khách
Hẹc
Khớ
Huy (Chỉ huy)
Fấy
Húy
Chủ
Chuỷa
Chủa
Khảo
Hảo
Khào
Thủ
Thầu
Thủ
Quý (Báu)
Quây
Quý
Đùi
Thủi
Thùi
Hà (Sông)
Hổi
Hài
Giá
Ca
Chá
Chi (Phí)
Chía
Chi
Bỉnh (Bành)
Bẻng
Bing

Thế là rõ. Ta đã học với thầy trung ương Tàu, chớ không phải học với Quảng Đông. Và rõ hơn nữa là không có vấn đề mỹ hóa gì hết ráo. Quy của Quan Thoại vẫn được ta đọc là Quy từ cổ chí kim. Còn Hài bị đổi thành Hà, không hề vì  đẹp hơn Hài bao giờ, mà vì tại ta đọc bậy, sau khi Tàu mất chủ quyền.
Trở lại với lời khẳng định của sử gia Nguyễn Phương, xin đưa ra một bản đối chiếu vài mươi danh từ Việt và Hoa, những danh từ nầy thì chắc chắn là bà Trưng Trắc đã có rồi, bởi nếu không, ta chẳng hiểu bà làm sao mà sanh hoạt được cũng như kêu gọi đồng bào của bà đứng lên chống xâm lăng.



                                                                                                                                    
Tiếng Việt Nam thuần túy
Tiếng Hán Việt
Giọng Mân Việt (Phúc Kiến)
Giọng Việt Nam Hải Quảng Đông
Giọng Quan Thoại
Trời
Thiên
Thi-i
Thil
Thél
Đất
Địa
Tuô ôi
Tẩy
Ti-i
Người
Nhơn
Náng
Dzành
Dỉl
Ăn
Thực
Lim
Xực
Txửa
Uống
Ẩm
Lim
Dẩm
Dil
Nhà
Ốc
Úc
Úa
Cửa
Môn
Mửn
Mùi
Mổl
Ao (Chuôm)
Từ (Đường)
Tì (Tứng)
Xi (Thòon)
Sửu (Thản)
Rào, Dậu
Li
Lỳ
Lỳ
Lỷ
Ghe
Thuyền
Tsùng
Xùi
Tsoal, tsoải
Sông
Hở
Hỏi
Hài
Ruộng
Điền
Txil
Thil
Thẹl
Mưa
Dia
Nắng
(Xem chú thích sau biểu Đ.C)



Gió
Phong
Hon
Fung
Fứng
Mây
Vân
Cuổm
Wàl
Diển
Núi
San
Xoa
Xál
Xál
Nước
Thủy
Chúi
Xủi
Xùi
Lửa
Hỏa
Huổi
Phổ
Khỏ
Đá
Thạch
Chiu
Xẹc
Xửa
Cây
Mộc
Pát
Mục
Mục
Rừng
Lâm
Lím
Lầm
Lỉl
Con chó
Cẩu
Cào
Cẩu
Con heo
Trư
Chuyá
Chứa
Con bò
Ngưu
Củ
Ngầu
Liểu
Con ngựa
Bếc
Mạ
Mả
Con mèo
Miêu
Ni-eo
Méo
Máo
Con gà
Cu-ê
Cấy
Chía
Con vịt
Ấp
À
Ạp
Con cá
Ngư
Hi-ỉ
Día
Con chim
Điểu
Chéo
Niêu
Ni èo
Một
Nhứt
Chi-ít
Dzách
Ý-i
Hai
Nhị; Lưỡng
Lượng; Dzi
Léng; ơl
Ba
Tam
Xa
Xám
Xái
Bốn
Tứ
Xi
Xứa
Năm
Ngũ
Ngóồ
Ưng
Wủ
Sáu
Lục
Lác
Lục
Líu
Bảy
Thất
Sic
Xách
Tsiá
Tám
Bát
Bội
Pạt
Chín
Cửu
Cáo
Cẩu
Chiều
Mười
Thập
Cháp
Xập
Xửa





Chú thích: 
1.   Ở cái ô tiếng Nắng của ta, không có các danh từ Trung Hoa tương đương vì dân Trung Hoa không có tiếng ấy. Để diễn cái ý niệm Nắng của ta, họ nói là Hong. Thí dụ: “Hôm nay nắng tốt”, họ nói “Hôm nay Hong áo thì tốt”.
Họ có tiếng Hải mà ta biến ra thành Hạn  Hanh nhưng không có nghĩa là Nắng. Hạn là không mưa. Hanh cũng không có nghĩa là Nắng. Về sau họ có tiếng Thử, đúng là Nắng. Nhưng họ đã quen nói Hong, nên tiếp tục không dùng Thử trong lời nói. 
Hong của Việt Nam, Quan Thoại nói là Txai, Quảng Đông đọc là Txao, Mân Việt đọc là Xọa, Hán Việt là Sái.
2.   Cột tiếng Mân Việt không bảo đảm là thật đúng, không phải vì chúng tôi không cẩn thận mà vì lẽ sau đây: Hiện người Mân Việt sanh sống tại tỉnh Phúc Kiến, tại một số huyện ở tỉnh Quảng Đông, Giang Tây và Triết Giang. Họ gồm đến 7 nhóm (Thất Mân) giọng nói hơi khác nhau chút ít, chẳng hạn có các nhóm Dầu Phếl, Pháo Lết, Tìa Ía, v.v. rất khó biết là giọng nói của vùng nào là thuần Mân, thành thử chúng tôi chỉ ghi vào đây một giọng mà thôi, giọng của thành phố Phúc Châu.
Nhưng nếu có sai, chỉ sai như giọng Nam Việt đối với giọng Bắc Việt chớ không khác hẳn. Vả lại sai đối với cái gì? Làm sao biết giọng nào thuần Mân hơn giọng nào? 
Nên nhớ rằng nhà Hán đã vét sạch dân Mân Việt, đày đi Triết Giang, còn đất thì bỏ không. Sau bọn bị đày được trở về, nhưng đã rối loạn hết cả rồi, không còn biết Mân nào chánh gốc Mân nữa.
3.   Chúng tôi chủ trương rằng không hề có phương ngữ Trung Hoa, mà chỉ có độc một thứ tiếng Tàu đọc sai chút ít tùy vùng. Nhưng đồng thời chúng tôi cũng cho biết có cuộc đề kháng tiêu cực của các quốc gia “man di” cũ, nhưng rốt cuộc họ chỉ cứu vãn được mỗi địa phương có mấy mươi danh từ và động từ thôi.
Thế nên trong biểu đối chiếu nầy quý vị đừng ngạc nhiên mà thấy ở cột Mân Việt những danh từ và động từ Ăn, Uống, Nhã, Gió, Mưa, Mây, Đá, Cây, Bò, Ngựa, Cá, v.v. của họ không giống Quan Thoại một cách xa gần gì hết.
Cột Việt Nam Hải cũng thế, những danh từ, động từ Gà, Vịt, Hai, Năm của họ cũng không giống gần hay xa gì với Quan Thoại hết.
Đó là những danh từ, động từ cổ Tây Âu, cổ Mân Việt, gốc Mã Lai, như chúng tôi sẽ chứng minh ở các biểu đối chiếu Việt, Mã Lai ngữ.
4.   Danh từ Đất của ta, Trung Hoa đọc là Tì-i, có vẻ do Trung Hoa mà ra lắm, nhưng các nhóm cổ Mã Lai đều nói:
Bà Na:
Tẻ
Gia Rai:
Tơ nả
Mường:
Tất
Thái:
P’tét
Cao Miên:
Đây
Sơ Đăng:
Tơ nẻ
Kơ Yong:
Tơ nả
Mã Lai:
Tanản
Hơn thế không lẽ dân Bách Việt Mã Lai phải đợi biết Trung Hoa mới vay mượn một danh từ để chỉ một món mà dân cổ sơ nào cũng đã có tiếng để chỉ, ngay lúc họ còn ăn lông ở lỗ?
Ta nhận thấy rằng âm Đ của ta do âm T của Hoa và của Mã Lai mà ra thì không thể quyết đoán một chiều mà chọn Trung Hoa, bởi các nhóm Cổ Mã Lai trên đây không hề thấy mặt người Tàu bao giờ, trừ Thái, Cao Miên và Mã Lai.
Xem lại thật kỹ:
Trung Hoa:
Tì-i
Việt Nam:
Đất
Cao Miên:
Đây
Mã Lai:
Tnả
Không có bằng chứng gì để lôi kéo Đất vào Tì-i mà hữu lý hơn là vào Tnả. Trái lại trong các nhóm Mã Lai có Đây (Cao Miên) Tất (Mường) P’tét (Thái) Tẻ (Bà Na) có vẻ là Đất hơn Ti-i rất nhiều.
Nếu quý vị lại còn cho rằng sự biến dạng trình bày như trên, không rõ rệt lắm, thì xin nhắc lại rằng các nhà bác học ngôn ngữ đã tìm thấy những cái luật biến dạng từ ngôn ngữ nầy qua ngôn ngữ khác, chẳng hạn như âm H biến thành âm Ph rồi Ph biến thành BC.
Thí dụ dễ thấy nhứt là giữa ngôn ngữ Bà Na, Sơ Đăng và Việt có sự biến âm nầy: tất cả các âm ĐĐ của họ biến thành NN vào âm Ra Đê, rồi biến thành âm N vào âm Việt:
ĐĐỏ (Bà Na) =                           Nổ (Việt Nam)
ĐĐã (Sơ Đăng) =                       Nẻ (Việt Nam)
ĐĐẮK (Bà Na, Sơ Đăng) =      Nước (Việt Nam)
Mà cả nơi người Mường, được xem là nói tiếng Việt Nam, Nước cũng còn ở dưới hình thức Đak (chỉ còn có một chữ Đ mà thôi).
Ngay trong Việt ngữ ta mà
Trời                      còn biến thành Giời.
Năm ngày            còn biến thành Dăm ngày
Hai mươi năm     Hai mươi lăm
 hai mươi lăm             Hăm lăm
phương chi là giữa hai ngôn ngữ của hai dân tộc.
Như vậy kết luận rằng Đất do Đây, Tất, Tnả mà ra, ít gượng gạo hơn là do Ti-i của Trung Hoa mà ra.
5.   Qua biểu đối chiếu hạn chế trên đây, ta không thấy tiếng Việt nào do tiếng Tàu trung ương chánh gốc, tức Quan Thoại, hoặc Mân ngữ, hoặc Quảng Đông mà ra cả.
Ta chỉ thấy trong bản liệt kê trên, có một tiếng Việt độc nhứt là hơi giống tiếng Trung Hoa mà thôi, đó là tiếng Mèo. Nhưng MÁO hay MÈO của Trung Hoa đều là tiếng nhại giọng (ONMATOPÉE), mà nhại giọng thì dân tộc nào cũng nhại gần giống nhau thì Mèo của ta, có giống MÈO của Trung Hoa, chẳng qua là sự trùng phùng trong việc nhại những tiếng động thiên nhiên, những tiếng kêu của cầm thú.
Còn một tiếng nữa, đó là tiếng Hai. Sử gia Phạm Văn Sơn trong Việt sử tân biên, mặc dầu không chủ trương như sử gia Nguyễn Phương, vẫn ghi rằng HAI là tiếng Trung Hoa. Nhưng có lẽ sử gia họ Phạm đã nghe không rõ giọng trong khi tìm tài liệu, chớ Trung Hoa trung ương (Quan Thoại) hay địa phương, không ai nói HAI cả (Xin xem lại biểu đối chiếu. Vả lại dân Lạc Việt có số 1, số 3 đến số 10, lẽ nào lại không có số 2?).
Cho đến tiếng Nhị mà ai cũng ngỡ là của Trung Hoa cũng không phải là của Trung Hoa, mà đích thị là của Bách Việt. Trung Hoa chỉ có Ớt  Lèng tức Lưỡng, Dzi, Nhị đều là Bách Việt Mã Lai chánh gốc Tây Tạng, Tây Tạng đọc là Gui như đã trình bày.
Những danh từ Việt Nam Hải: Dzi Ạp, những danh từ Mân Việt À, Cuổm, Cu ê, Hi ỉ, Lím không giống tiếng Trung Hoa chánh gốc thật đó, nhưng đó là mấy mươi danh từ hiếm hoi mà Mã Lai, Bách Việt Mân (tức Phúc Kiến) và Mã Lai Bách Việt Tây Âu (tức Quảng Đông) còn giữ được, nhưng nó quá hiếm hoi, chớ không như ngôn ngữ của ta (xin xem chi tiết về những trường hợp vài mươi danh từ Bách Việt Mã Lai còn sót lại ở ngôn ngữ Trung Hoa tại Hoa Nam, từ Hồ Bắc xuống tới Quảng Đông tỉnh lỵ ở những trang sắp tới đây).
Trên đây là những tiếng chỉ những gì thường thấy, đến như những gì ít khi thấy, ta cũng có danh từ thuần Việt của ta. Thí dụ Bão tố. Quan Thoại nói: Tá Fứng, Quảng Đông nói Tài Fúng. Mân Việt nói Toa Hon, Hán Việt nói Đại Phong, nhưng Việt thì nói Bão tố hoặc Gió lớn hoặc Biển động mạnh, hoặc gì gì khác, nhưng không hề mượn của Trung Hoa. Cho đến Pháp cũng vay mượn của Tàu và nói Typhon, nhưng ta thì không.
Chúng tôi cứ nhìn mãi vào bản đối chiếu riêng rất dài của chúng tôi, để thử xem sử gia Nguyễn Phương có tìm được dấu vết cũ nào khác binh vực cho hay không.
Có, chúng tôi có tìm được lối 10 tiếng rất có vẻ Việt cổ nhưng truy ra thì đó là tiếng Tàu. Chẳng hạn tiếng ĐÙI. Quan Thoại, tức Kinh đô Trung Hoa đọc là THÙI, Hán Việt đọc là THÔI. Ai cũng cứ ngỡ ĐÙI là cổ Việt ấy chớ. Cuộc khám phá nho nhỏ nầy làm cho những vị tin theo chủ thuyết Nguyễn Phương mừng lắm. Nhưng xin chớ vội mừng. Quả thật Đùi là tiếng Trung Hoa. Nhưng cổ Việt có một tiếng tương đương. Tiếng ấy thuần Việt. Đó là danh từ Bắp vế.
ĐÙI được dùng song song với BẮP VẾ, tiếng Lạc Việt giàu thêm một danh từ mới, nhưng họ vẫn có sẵn danh từ căn bản ấy rồi.
Chúng tôi lại tìm được vài ba tiếng nữa mà chúng tôi không giải thích được dễ dàng như trên kia, nhưng có vài ba danh từ trong bao nhiêu ngàn danh từ thì làm sao binh vực cho thuyết Nguyễn Phương được? Thí dụ tiếng BẾN (Bến sông) Quan Thoại đọc là Pin. Chúng tôi không tìm được một danh từ thuần Việt có nghĩa tương đương với Bến.
Nhưng như thế, cũng không thể bảo rằng tiếng Việt do tiếng Tàu mà ra, vì cái lẽ là dân Lạc Việt đã giỏi chèo thuyền, đã di cư bằng thuyền biển trên một lộ trình 10 ngàn cây số, đã biết làm ruộng dựa các bờ sông thì lẽ nào lại không có một danh từ chỉ cái BẾN là danh từ sơ đẳng?
Bạn hữu của chúng tôi cho rằng đó là một sự trùng phùng hai dân tộc khác nhau, không hề tiếp xúc nhau, có thể có vài danh từ giống hệt nhau. Nhưng tôi không dám nói như vậy, mặc dầu kiến giải đó rất đúng và thú nhận rằng mấy danh từ thuộc loại BẾN là một bí mật cần được các nhà ngôn ngữ học khám phá ra.
Chúng tôi đã nỗ lực suốt mấy tháng để tìm nguồn gốc kỳ lạ của tiếng BẾN và đã tìm được.
Cái bến, tiếng Mã Lai là Păngka cũng có thể lôi kéo vào Bến, nhưng Bến lại giống Pin của Tàu hơn, nên chúng tôi lương thiện không lôi kéo liều lĩnh. Dân Mã Lai ở Johore nói là Pang thì còn gần hơn là Păngka nữa. Người Cao Miên nói là Kampong, người Thái nói là Pong, tất cả đều có thể lôi kéo vào Bến, nhưng Pin của Quan Thoại vẫn cứ giống Bến hơn là Pang, Pong, Pung.
Ở đây, sự lương thiện rất cần thiết. Thí dụ danh từ Hộp:
Việt Nam:     Hộp
Gia Rai:                     Hip
Chàm:                       Hop
Mã Lai:                     Brhop
Ta có thể lôi kéo Hộp vào Brhop được, nhưng chúng tôi cứ cho là Mã Lai vay mượn của Tàu, y như ta, và vay mượn tại Nam Dương chớ không phải hồi còn là Bách Việt Hoa Nam, và tất cả đều vay mượn Hap của Trung Hoa, bởi trong hàng ngàn món đồ bằng đồng pha Đông Sơn không có cái hộp nào cả, mà chỉ có bình có nắp đậy, thì chắc chắn ta chưa biết chế tạo cái hộp trước khi Mã Viện đến.
Thoạt tiên, chúng tôi lập ra cái giả thuyết rằng người Trung Hoa cưỡng bách chúng ta nói tiếng Tàu. Khi ta độc lập rồi, ta bỏ tiếng họ, nói tiếng ta, nhưng quên loại một mớ danh từ. Nhưng rồi chúng tôi thấy rằng giả thuyết của chúng tôi đứng không vững. Nếu có sự cưỡng bách nói trên, thì sau hơn một ngàn năm, không thể còn tiếng Việt được đâu. Họ có bắt ta nói tiếng Tàu phải giống Tàu, nhưng không hề có bắt ta chỉ được phép nói tiếng Tàu.
Kỳ lạ nhứt là khi chúng tôi nhờ người Tàu viết chữ Bến bằng tiếng Tàu, thì luôn luôn họ viết cái chữ mà các nhà nho ta đọc là Tân.
Họ đọc là n, nhưng sao trí thức đời xưa của ta lại đọc sai quá xa, đọc là Tân, còn chính dân chúng lại đọc gần đúng là Bến?
Thế nên chúng tôi rất bận bịu với Păngka  Pang của Mã Lai nhiều lắm, và rất khổ mà không nối kết được Pang = Bến.
Nhưng vài thí dụ khác lại làm cho chúng tôi không dám nối kết liều với Mã Lai.
Cái Tủ, Quan Thoại viết và đọc là Tu, dân chúng nhại gần đúng, nói là Tủ. Nhưng các nhà nho lại đọc sai quá xa là Độc.
Thế thì Tân có thể cũng ở trong trường hợp đó và quả dân chúng đã mượn Pín, chỉ tại các nhà nho đọc bậy bạ thôi.
Chúng tôi tạm lập ra ức thuyết nầy là những tiếng Tu, Pín, phạm húy trào đại đầu của ta sau thời đô hộ, chẳng hạn mẹ của Đinh Bộ Lĩnh tên là Bín hay Bính gì đó chăng và em của Đinh Bộ Lĩnh tên là Tu?
Mà xin đừng tưởng rằng các nhà nho đọc theo Quan Thoại xưa, còn dân chúng đọc theo Quan Thoại nay. Không. Quan Thoại xưa đã có biến, nhưng người ta đều biết rõ nó biến ra sao và dân ta theo dõi Tàu bén gót. Khi Quan Thoại biến Vút ra  thì ta cũng biến Bụt ra Phật.
Riêng cái danh từ Độc nầy thì bằng chứng lại rất chắc chắn hơn, là dưới trào Hán, mà Mã Viện chinh phục ta, Tàu đọc là Tu thật sự.
Quả thật thế, vào thời ấy họ vừa biết được nước Ấn Độ. Nước ấy tự xưng là Hanh Đu, và họ phiên âm gần đúng là Tsân Tu, chỉ các nhà nho ta là đọc sai là Thân Độc. Nhưng cái sai đó, chỉ mới xảy ra vào thời Đinh Bộ Lĩnh, nếu thuyết của chúng tôi mà đúng, còn trước đó ta vẫn đọc là Hanh Tu, để cho đúng với giọng Tàu vì kẻ thống trị bị bắt buộc như vậy.
(Có một người bạn nói rằng danh từ Bến của ta do danh từ Bạn của Hán Việt mà ra. Như thế thì rất ổn. Nhưng khi tôi yêu cầu nhiều người Trung Hoa viết tên BẾN ra chữ Hán thì luôn luôn họ viết chữ TÂN, không bao giờ có chú nào viết chữ Bạn hết).
Người bạn ấy cũng tiếp tục luận điệu đó và nói Chợ do Thị mà ra. Đành vậy. Nhưng danh từ CHỢ không thể dùng làm tài liệu căn bản được, như đã giải thích rồi. Lúc tiếp xúc với Tàu, ta chưa biết Chợ là gì thì ta phải mượn danh từ ấy của họ. Chỉ có những danh từ gọi là Vietnamese Basic mới có giá trị khảo cứu trong vấn đề nầy. Ta có hay không có những danh từ chỉ những thứ nằm chung quanh ta, trước khi Trung Hoa xâm lăng ta? Những danh từ chỉ những món mà văn hóa Trung Hoa đưa tới không được phép kể vào đây. Và những tiếng sơ đẳng tìm thấy được, có đủ nhiều để thành một ngôn ngữ hay không? Ngôn ngữ gốc của dân tộc là như thế đó, chớ không phải những tiếng vay mượn về sau.
Cũng như bao nhiêu học giả khác, sử gia Nguyễn Phương đã lẫn lộn tiếng Hán Việt và tiếng Việt thuần túy. Hoa là tiếng Hán Việt do tiếng Quan Thoại  mà ra. Quả là tiếng Hán Việt do tiếng Quan Thoại Quò mà ra. Nhưng tiếng Việt thuần túy là BÔNG  TRÁI ấy chớ. Mà Bông là do danh từ Mã Lai Bônga mà ra đấy. Người Chàm được các ông Tây cho là gốc Mã Lai chánh hiệu, nhưng thật ra thì họ ít chánh hiệu hơn ta vì danh từ Mã Lai Bôn ga nầy được người Chàm đọc là Bngư thì tức là đọc sai hơn Việt Nam quá nhiều.
Theo thuyết Nguyễn Phương thì ta, tức Tàu thuần chủng vì lai Chàm, nên ngôn ngữ hơi khác Tàu. Nếu quả đúng như vậy sao ta lại không gọi Hoa  Bngư như kẻ lai giống với ta, mà là đọc gần đúng với một kẻ ở rất xa là Mã Lai?
Chỉ có người Việt mê Tàu mới dùng Hán Việt, còn người thường thì họ nói tiếng Việt thuần túy. Họ nói: đâm bông kết trái, thay vì nói đâm hoa kết quả.
Nếu phân biệt minh bạch Hán Việt và thuần Việt thì không còn chủ trương tiếng Việt là tiếng Tàu được nữa, vì người Tàu không có lý do để vay mượn hai danh từ Bông  Trái của “Mọi” như giáo sư Nguyễn Phương đã tưởng.
Chỉ có tiếng Hán Việt mới do tiếng Tàu mà ra, vậy có Việt ngữ thuần túy không? Nhưng tiếng Hán Việt đâu có phải là ngôn ngữ mà dân Việt Nam dùng để nói. Họ nói bằng tiếng Nôm, tức bằng một ngôn ngữ khác, hoàn toàn không phải là ngôn ngữ Trung Hoa biến dạng.
Nhưng chúng tôi dám quả quyết rằng ta mới chỉ sính tiếng Hán Việt về sau đây mà thôi, còn trước thì không.
Trong Việt Nam văn học sử yếu, trang 188, cụ Dương Quảng Hàm cho rằng có “vài tiếng ngoài Bắc dùng mà trong Nam ít dùng hay không biết hẳn, thí dụ hoa, quả, thuyền…”.
Sự thật thì không phải là người trong Nam không biết đâu. Chỉ tại họ không dùng đó thôi. Mà tại sao vậy?
Giải thích được tại sao người miền Nam không nói Hoa, Quả, Thuyền thì ta sẽ chứng minh được rằng hồi xưa cả người miền Bắc cũng không nói Hoa, Quả, Thuyền kể cả trong thời Bắc Việt bị Tàu đô hộ, mà vẫn nói Bông, Trái, Ghe y như miền Nam.
Người miền Nam, theo sử liệu của ta, số là dân Bắc Bố Chính được mộ vào đây, hay bị cưỡng bách vào đây sau năm 1668. Dĩ nhiên là họ ăn nói theo Bắc Bố Chính của cái thời 1668 ấy. Mà Bắc Bố Chính thì không xa, không khác Bắc Việt bao nhiêu vào thời đó vì chính dân nghèo Bắc Việt bị đưa vào khẩn hoang ở Bắc Bố Chính.
Ta có thể hiểu rằng vào thời đó Bắc Bố Chính và miền Bắc cũng đều nói Bông, Trái  Ghe, chớ chưa nói Hoa, Quả  Thuyền, bằng chứng là trong ngôn ngữ miền Nam, lắm danh từ cổ, gốc Bắc rõ rệt, mặc dầu thuở ấy dân của chúa Trịnh không có di cư vào. Thí dụ: Họ nói Chỉ, nhưng lại nói ngón tay trỏ, họ nói hàng rào, nhưng cũng nói rào giậu, họ nói con heo, nhưng họ chế tạo một thứ bánh tên là bánh da lợn, họ nói Cây, nhưng đặt tên một thị trấn nhỏ kia là Bến Gỗ, họ nói khoai mì, khoai báng, nhưng đặt tên một làng quan trọng kia là làng Bến Sắn, họ nói làm mướn, nhưng cũng lại nói làm thuê.
Ta làm sao cắt nghĩa được hiện tượng đó? Chỉ có một lối giải thích là vào năm 1668, người Bắc Bố Chính ăn nói y hệt như Bắc Việt, còn Nam Kỳ thì nói hệt theo Bắc Bố Chính.
Nhưng Bắc Việt thay đổi, mà lưu dân miền Nam không hay biết, cứ tiếp tục nói như vào năm 1668, chớ quả thật chính họ không hề phát minh ra hai danh từ Bông, Trái  Ghe. Ba danh từ đó, cổ Giao Chỉ đã có, và đó là danh từ Mã Lai.
Một nhà học giả miền Nam cho rằng những kẻ càng đi xa, càng giữ gốc (cụ Vương Hồng Sển, trong một bài diễn văn), nhưng cụ Vương không cắt nghĩa được tại sao mà như vậy.
Sự thật thì không phải họ là công dân tốt, quyết tồn cổ, thích bảo vệ dân tộc tính đâu, mà vì họ không hề hay biết gì về những biến đổi xảy ra ở đất tổ.
Chúng tôi đã tìm được dấu vết làm bằng chứng trong quyển Thi văn đời Trần của hai vị giáo sư Hoàng Xuân Hãn và Nghiêm Toãn. Ta sẽ thấy rằng vào đời Trần, người Bắc Việt nói Bôngthay vì Hoa. Ở trang 11, có hai câu ca dao:
Bao giờ đến tháng giêng hai
Trồng bông, trồng đậu, trồng khoai kịp thì.
Hai câu trên đây, sách nào cũng có, nhưng chúng tôi chỉ trích ở sách trên vì hai vị giáo sư ấy rất cẩn thận trong việc trích lục, ta không lo người trích lục tự ý sửa đổi theo thời trang, theo địa phương hiện đại. (Các sách khác đã tự ý sửa Bông ra Hoa).
Ở hai câu ca dao trên đây, không thể bảo rằng những ông tác giả vô danh đã phải dùng chữ bông để giải quyết một vấn đề bằng trắc, bởi bông hay hoa gì cũng là vần bằng cả.
Còn nhiều bằng chứng nữa. Đọc quyển sách Sổ sang chép các việc của cố đạo P. Bỉnh ghi ký năm 1822 tại Bồ Đào Nha, cố đạo là người Hải Dương, tức người miền Bắc, ta thấy cố đạo viếtBông, Trái thay cho Hoa, Quả, viết , thay cho ô, viết muỗng thay thìa, y hệt như người miền Nam, mà cố đạo thì không có đi giảng đạo ở miền Nam bao giờ cả.
Vậy đã có bằng chứng rằng miền Bắc chỉ dùng Hán Việt thay cho thuần Việt mới đây thôi. Nhưng vì lý do nào, và từ năm nào thì ta cũng biết được.
Ông L. Bézacier, trong quyển “L’Art Vietnamien” đã cho thấy và giải thích hiện tượng kỳ dị đó. Ông ấy là quản thủ các di tích lịch sử Việt Nam cho tới năm 1945, chuyên nghiên cứu và bảo trì các đền, đình, cung, tự, cổ của ta và nhận thấy rằng những kiến trúc đó, càng cổ, càng mang biệt sắc Việt, càng kim, càng mang biệt sắc Hoa, và kiến trúc Trần, Lê ở đất Bắc rất Việt, còn kiến trúc Nguyễn ở miền trung thì rất Hoa, vì kiến trúc Nguyễn được xây cất sau cùng hết.
Ông ấy giải thích rằng sự xâm nhập văn hóa Tàu đi ngược chiều với tinh thần chống ngoại xâm. Khi vững chủ quyền, ta càng tiêm nhiễm văn hóa Trung Hoa vì ta cần kiện toàn văn hóa của ta bằng sự vay mượn, và ta không ngại vay mượn, bởi mối nguy xâm lăng đã bị đẩy lùi đi xa rồi. Tất cả kiến trúc của trào Nguyễn sau 1700 đều rập y khuôn Trung Hoa, không khác một nét, còn kiến trúc Lý, Lê, Trần thì là Việt Nam hơn nhiều.
Sự rập khuôn nầy ắt không do áp lực của kẻ thống trị bởi ta đã độc lập từ lâu (không kể 14 năm của nhà Minh), mà do sự thán phục nó kéo theo sự bắt chước, và phải mất ngót 800 năm, bắt chước mới y hệt được (về kiến trúc) và sự bắt chước văn hóa Trung Hoa mạnh nhứt bắt đầu từ thời xây cất Văn Miếu ở Hà Nội, đến thời tôn sùng các ông Nghè vào triều Lê, những ông Nghè mà Nguyễn Huệ khi ra đất Bắc đã mỉa mai rằng: “Xứ nầy chỉ có ông Nghè là quý nhứt”.
Đành rằng ông Nghè không dùng được vào việc gì hết nhưng đó là sự tượng trưng cho nền văn hóa mà vua chúa ta xưa khâm phục.
Ngôn ngữ cũng chạy theo cái đà bắt chước đó, từ năm 1668, trước kia vào thời Lê Đại Hành, Đinh Bộ Lĩnh, dân ta ở đất Bắc cũng nói Bông, trái, ghe.
Đó chỉ là một lối giải thích của ông L. Bézacier, nghe thì rất hữu lý nhưng chúng tôi cần tài liệu cụ thể để khỏi sai lầm. Chúng tôi tìm tòi và tìm được bằng chứng, chớ không phải là suy luận như ông L. Bézacier nữa.
Sự kiện ngôn ngữ Việt chạy theo Hoa ngữ, chỉ mới xảy ra đây thôi, vào năm Mãn Châu xâm lăng Trung Hoa.
Bản dịch Khâm định Việt sử thông giám cương mục của giáo sư đại học Sài Gòn, ông Langlet đã cho ta biết nguyên do thay đổi kỳ dị ấy.
Khi Mãn Châu xâm lăng Trung Hoa thì bọn lưu vong nhà Minh tràn sang Bắc Việt 10 lần đông hơn ở Nam Kỳ mà dân ta không hay biết. Ở Nam chỉ có ba ngàn quân của bọn Trần Thắng Tài, Dương Ngạn Dịch mà sách vở ta cứ nói đến mãi không thôi, trong khi ấy thì Bắc Việt bị xâm nhập đến 50 ngàn.
Khâm Địch cho biết rằng chúa Trịnh đã lo lắng nhiều, thi hành nhiều biện pháp để chặn đứng ảnh hưởng bọn ấy, họ chi phối cả ngôn ngữ của ta nữa.
Đó là một điều vô cùng mới lạ mà bản dịch Langlet cho biết và hoa, quả, thuyền, thìa đi vào Việt ngữ là vì vậy, và chỉ mới đây mà thôi, và chỉ tại ở đất Bắc mà thôi.
Chúng tôi cho rằng giáo sư Nguyễn Phương lẫn lộn Hán Việt và thuần Việt nên mới chủ trương như vậy. Chúng tôi tưởng là thế vì giáo sư chỉ khẳng định mà không có đưa ra thí dụ nào, hoặc bản đối chiếu nào hết để giúp ta biết giáo sư muốn nói đến tiếng Hán Việt hay thuần Việt.
*
*       *
Nhưng một người bạn Trung Hoa của chúng tôi thì có nói để chúng tôi thoáng hiểu rằng tiếng Sông do tiếng Tàu Súng mà ta đọc theo Hán Việt là Dõng mà ra, và Tàu đọc là Súng. Nhưng chúng tôi kiểm soát lại thì không phải thế. Quan Thoại đọc là Dõng ra Dùng. Quảng Đông cũng vậy. Mân Việt đọc là Yủng. Không có nhóm nào đọc là Súng hết.
Vả lại Dõng không hề có nghĩa là Sông, và xin lấy tự điển Từ Hải làm bằng: “Suối nào ở dưới đất trào lên là Dõng”.
Từ Hải lại trích quyển Nhỉ Nhả, một thứ từ điển tối cổ đời Chu: “Lạm tuyển xuất tức Dõng” nghĩa là “Suối chảy mạnh là Dõng”.
Từ Hải lại trích Hách Dục Hanh: “Nước: từ đất phun lên là Dõng”. Thế là Puits Artésiens rồi vậy.
Tóm lại, Dõng không hề có nghĩa là Sông, cả vào cổ thời, và Trung Hoa cũng không đọc là Sông bao giờ, và danh từ Sông là danh từ của ta rặc ròng, gốc Mã Lai Bách Việt, như ta sẽ thấy ở các biểu đối chiếu.
Người Trung Hoa chỉ có 5 danh từ để chỉ Sông, đó là Xuyên, Hà, Giang, Thủy  Phố.
Nên biết rằng vào cổ thời   Giang là danh từ riêng đấy, dùng để chỉ sông Hoàng Hà và sông Dương Tử, chỉ có về sau, có lẽ trước đời Tống, hai danh từ đó mới biến thành danh từ để chỉ sông.
Hai danh từ chỉ sông của Tàu  Thủy  Phố.
Đó là tình trạng cổ thời. Ngày nay thì   Giang dùng để chỉ sông to, còn Thủy  Phố dùng để chỉ sông nhỏ.
Trong Thủy Kinh Chú thì tác giả là Lệ Đạo Nguyên gọi tất cả sông của nước ta là Phố. 

Không hề thấy sách cổ hay sách kim nào của Tàu gọi sông của ta là Dõng. Mà sông bên Tàu cũng không có cái nào được gọi là Dõng.
Như vậy không có lý nào mà khi dạy ta học, họ lại dạy tiếng Dõng mỗi lần nói đến một con sông lớn hay nhỏ của ta mà họ không khinh rằng nhỏ như cái suối Dõng của họ. Và xin nhắc lại rằng không có nhóm Trung Hoa nào đọc Dõng  Súng cả.
*
*       *
Chúng tôi có ám chỉ đến giáo sư ngữ học Lê Ngọc Trụ, và xin trở lại với giáo sư họ Lê.
Giáo sư họ Lê viết sách trước giáo sư Nguyễn Phương đến 10 năm, không có chủ trương chủng tộc nào hết, nhưng giáo sư đã thấy sai rằng hầu hết tiếng Việt đều do Tàu mà ra.
Một thí dụ khả nghi hơn hết là tiếng Dừa giáo sư họ Lê đã đưa ra một ngữ nguyên động trời nói Dừa do tiếng Hán Việt Da mà ra.
Bên Tàu không có cây Dừa. Nước Việt Nam là quê hương của Dừa. Thế thì tại sao người Việt Nam lại không có danh từ chỉ loại cây ấy mà lại phải vay mượn của một dân tộc không có cây dừa?
Giáo sư họ Lê đã lầm lẫn vai trò chủ nợ và con nợ, không biết ai vay của ai, nên mới nói như thế cho hàng ngàn danh từ như vậy, và cứ bằng vào sách của giáo sư họ Lê thì khó có ngôn ngữ Việt, vì danh từ Việt sơ đẳng nhứt là Dừa cũng là của Tàu.
Người Tàu vay mượn cái gì của ai, vào thời nào, ta đều biết được hết một cách chắc chắn. Ở Đông Nam Á chỉ có dân tộc Việt Nam là gọi trái ấy giống Tàu mà thôi. Ta gọi là Dừa, Quan Thoại gọi là Dẻ, còn thì các dân khác gọi khác quá xa: Thái: Brao, Cao Miên: Đôn, Chàm, Mã Lai: Nyor. Thế thì họ học của ai, đã rõ rồi, chớ không có có ai học của họ cả. Trái xoài đời hậu Hán, Tàu gọi là trái Am-ma-la. Đó là tiếng Tamoul tức Nam Ấn (gốc Mã Lai) thật đúng là Empelam mà hiện nay các nước Mã Lai đều dùng. Mấy trăm năm sau họ mới học thẳng với Bắc Ấn danh từ Mongga mà họ đọc là Mang quò (chữ nho đọc là Mông quả).
Danh từ Thái là Muang, danh từ Bắc Việt là Muỗm, đều một gốc Mangga mà ra, có lẽ Thái Quảng Đông học của Tàu, Giao Chỉ học của Thái Quảng Đông, nhưng danh từ chánh hiệu thì:
Thái không bị đồng hóa: Huài
Cao Miên:                          Sway
Đàng Trong:                      Xoài
Tàu viết sử rằng họ học nghề nấu đường với nước Ấn Độ vào đời Đường. Tại sao họ không học với Giao Chỉ lại đi học chi cho xa thế? Mà đừng tưởng là Giao Chỉ chưa biết làm đường vào thời đó, Giao Chỉ giáp ranh với Chàm mà Chàm đã biết làm đường nhiều trăm năm trước đó rồi.
Cái gì bảnh họ mới nhận, còn không thì thôi, giống hệt Việt Nam nhận Đông Sơn, nhưng phủ nhận Mã Lai.
Họ viết sử rằng họ học nghề làm đường với nước Ấn Độ vào thế kỷ thứ bảy. Ấy, Ấn Độ là nước văn minh, nên họ thấy sang bắt quàng làm họ, sự thật thì họ học với nước Giao Chỉ.
Chúng tôi bắt được tài liệu hiếm hoi sau đây nó sẽ làm cho các sử gia Tàu cứng họng. Mấy câu nầy trích dẫn ở quyển Oriental Commerce của Villiam Milburn, London, 1925, chương nói riêng về nước Việt Nam: Hàng hóa CHÁNH (của xứ Việt Nam) xuất cảng sang Ấn Độ là ĐƯỜNG. Có ba thứ tất cả:
Đường phèn, tốt nhứt thế giới và được TRUNG HOA QUÝ NHỨT.
2.      Đường cát trắng, loại tầm thường, giống như đường Phi Luật Tân.
3.      Đường đen.
(Đường đen là thứ đường rẻ tiền mà Nam Kỳ gọi là đường ta).
Nước Ấn Độ, cho tới năm ấy mà còn phải nhập cảng đường của Việt Nam thì vào thế kỷ thứ bảy họ không thể đủ khả năng dạy Trung Hoa làm đường.
Vả lại chứng tích sau đây còn mạnh hơn nữa. Nếu họ học với Ấn Độ, họ đã gọi món ấy bằng tiếng Ấn Độ phiên âm. Nhưng họ gọi bằng tiếng Giao Chỉ. Danh từ Trung Hoa chỉ món đường, ở Kinh đô Tàu là Thẻl. Còn danh từ Giao Chỉ cổ thời là Tàng. Tàng biến thành Đàng, Đàng biến thành Đường.
Tàng là danh từ Mã Lai chung của hai nhóm Thái, Việt, còn Cao Miên cũng thuộc chủng Mã Lai thì lại gọi là gì không biết, họ vay mượn của ai thì chưa truy ra. (Xin xem chương Làng Cườm sống dậy).
Chàm và Mã Lai thì gọi đường là Gula.
Thế thì Thẻl do đâu mà ra, cũng rõ bông.
*
*       *
Nổi danh nhứt về ngữ nguyên (Etymologie) là giáo sư đại học Lê Ngọc Trụ. Giáo sư họ Lê đã tìm ra được nguồn gốc của một số tiếng Việt mà ai cũng ngỡ là thuần Việt, nhưng lại do tiếng Tàu mà ra.
Nhưng giáo sư Lê Ngọc Trụ đã khám phá sự kiện đó bằng cách đối chiếu tiếng Hán Việt và tiếng thuần Việt, thấy hơi giống giống rồi gán ghép, nên có lắm tiếng ông cho là của Tàu một cách sai lầm, như danh từ Dừa đã cho thấy.
Mãi rồi ông bị ám ảnh về sự hơi giống đó, biến nhận xét riêng rẽ của ông thành một cái luật để tổng quát hóa vấn đề.
Nếu giáo sư kiểm soát cái luật của giáo sư bằng cách đối chiếu giọng đọc của Hoa và Việt, ông sẽ thấy rằng ngữ nguyên của ông không đúng.
Khi nãy chúng tôi có nói rằng giáo sư họ Lê bị vài nhận xét lẻ tẻ vô tình đúng, rồi tổng quát hóa vấn đề một cách sai nguyên tắc khoa học.
Nhưng đọc kỹ tác phẩm của giáo sư họ Lê, ta thấy rằng không phải thế. Cái bộ sử mà giáo sư Lê Ngọc Trụ không hề có viết, giáo sư có âm thầm nghĩ trong bụng, và nghĩ gần như giáo sư Nguyễn Phương, nhưng kém khoa học hơn giáo sư họ Nguyễn nhiều.
Giáo sư họ Nguyễn cho rằng đồng bào của bà Trưng là “Mọi” còn ta đây là người Tàu. Giáo sư họ Lê thì làm cho độc giả rối trí đến muốn điên lên vì họ không còn biết họ là ai nữa hết.
Trong Chính tả Việt ngữ, trang 229, giáo sư viết:
“Nơi đồng bằng Bắc Việt, tổ tiên ta đụng phải ngọn sóng Nam tiến của người Bách Việt. Phải tranh sống với họ, họ mạnh thế hơn. Họ chinh phục nước ta mấy lượt”.
Thế là, theo câu trên đây, ta không thuộc dòng Bách Việt, mà là dân thổ trước Mélanésien (theo khoa khảo tiền sử thì trước Bách Việt là chủng Mê-la-nê).
Nhưng sao giáo sư lại cứ gọi dân ta là dân Việt, tiếng ta là Việt ngữ? Việt chỉ là kẻ xâm lăng thôi chớ?
Quan niệm riêng của giáo sư, trong trường hợp nầy thật là làm ta choáng váng, còn choáng váng hơn cả quan niệm của giáo sư Nguyễn Phương đã cho ta là Tàu thuần chủng.
Theo ông Lê thì ta, Nguyễn Văn Hai, Trần Văn Ba, hiện nay là ai? Thật không sao biết được. Nếu ta là Bách Việt, sao ông lại nói: Ta bị Bách Việt chinh phục? Còn ta là thổ trước Mélanésien, sao ông gọi tiếng ta là Việt ngữ, mà không gọi là Mélanésien ngữ?
Ta không còn biết ta là ai nữa, đó là một tâm trạng khó chịu như kẻ mắc bịnh kiện vong quên mình là ai, mặc dầu vẫn còn sáng suốt, hiểu biết mọi việc trên đời.
Nhưng Bách Việt là ai mới được chớ? Cũng trong câu trên giáo sư giải thích rằng Bách Việt là người Tàu phương Nam. Giải thích như vậy là đúng 70 phần trăm. Nhưng chúng ta cũng là Bách Việt nhưng may mắn hơn không bị đồng hóa như Quảng Đông, chỉ có thế thôi, sao giáo sư lại nói chúng ta bị Bách Việt chinh phục? Chính bọn Hoa Bắc đã chinh phục Bách Việt Hoa Nam ấy chớ, bọn Bách Việt ở Hoa Nam, thuở đó chỉ mới bị trị trước ta có hơn trăm năm, đâu có đi chinh phục ta được bằng quân sự và văn hóa. Thuở đó họ chưa thành Tàu và còn nguyên là Bách Việt, mà là Bách Việt đang bị trị, bị nô lệ hóa, sao lại đi chinh phục ta được? Có lẽ vì hiểu lịch sử như vậy, ta là Mélanésien, Quảng Đông mới đích thật là Bách Việt và nhận thấy khi tiếng Hán Việt và thuần Việt hơi hơi giống nhau, giáo sư mới cho tiếng ta có họ với tiếng Tàu, vì Tàu là Bách Việt Hoa Nam, giáo sư không kể Tàu chánh gốc, nhưng chính Tàu đó mới là đáng kể và ta có là họ hay không là nên nhắm vào Tàu đó.
Theo ý giáo sư họ Lê thì chính Quảng Đông hoặc Mân Việt mới là Bách Việt và mới là kẻ đi chinh phục ta. Quả quân đội của Mã Viện có lấy thêm người ở Quảng Đông, nhưng đó là người Hoa Bắc do Tần Thỉ Hoàng đưa xuống để trồng người không hơn một trăm năm.
Nhưng nếu họ là người Thái Tây Âu đi nữa, họ cũng chỉ là quân bổ sung. Quân chánh quy chủ lực là Hoa Bắc, và nhứt là tất cả cán bộ quân sự, văn hóa đều là Hoa Bắc, bằng chứng rõ ràng là các nhà giáo dục nổi danh: Tích Quang, Nhậm Diên, Sĩ Nhiếp đều là người Hoa Bắc. Chính họ mới đưa văn hóa vào xứ ta, chớ Tây Âu học chưa thuộc bài, làm thế nào để đặt ảnh hưởng vào xứ ta được?
Nhưng nếu Mã Viện, Tích Quang, Sĩ Nhiếp và toàn thể đạo quân viễn chinh đều là Bách Việt như giáo sư họ Lê nói, thì như vậy Bách Việt là quân xâm lăng, còn ta, cứ là dân thổ trước chịu ảnh hưởng của Bách Việt, chớ không thể nào ta lại là Việt và quyển sách của giáo sư cần đổi tên lại là Chính tả Mê-la-nê ngữ mới đúng.
Nhưng nếu thế thì lại hơi lạ, vì lẽ rằng cái văn hóa mà ta học là văn hóa Tàu chớ không phải văn hóa Bách Việt.
Phương pháp của giáo sư đã được áp dụng trong Việt ngữ chánh tả tự vị, và nếu tin theo phương pháp của giáo sư họ Lê thì khó lòng mà có tiếng thuần Việt được và lời khẳng định ngắn của sử gia Nguyễn Phương được củng cố thật mạnh nhờ thuyết của giáo sư Lê Ngọc Trụ, nhờ cả một bộ tự điển của giáo sư họ Lê.
Thỉnh thoảng có gì không biết chúng tôi có tìm giáo sư Lê Ngọc Trụ để học hỏi, thì những trang sách sau đây thật là có vẻ phạm thượng và phản sư lắm.
Nhưng chắc giáo sư không tức giận chúng tôi đâu vì chúng tôi chỉ tìm sự thật chớ không hề chối rằng mình đã có học hỏi nơi giáo sư, đã khâm phục và tôn kính giáo sư.
Hơn nữa chưa chắc gì chúng tôi viết ra ở chương nầy là đúng, và giáo sư sẽ có dịp bác bỏ và như thế thuyết của giáo sư sẽ được vững chãi thêm, và đó là cái lợi cho nền học thuật của ta. Giá trị của một thuyết chỉ được củng cố mạnh sau nhiều thử thách, nhiều bài bác mà thôi, và hai người đưa ra hai thuyết ngược hẳn nhau, không hề là địch thủ có ác ý muốn chống đối nhau như thế để sự thật lòi ra.
Giáo sư Lê Ngọc Trụ, không hề chủ trương như sử gia Nguyễn Phương bao giờ, mà còn trái lại nữa, ông viết trong bộ luật chánh tả Việt ngữ: “Trót ngàn năm bị cai trị, dân Việt Nam có chịu ảnh hưởng sâu xa của văn hóa Tàu, chớ riêng tiếng Việt thì không vì đó mà bị đồng hóa”.
Câu nầy thì rất đúng, nhưng lại quá mâu thuẫn với câu trên. Thế thì trong hai câu, phải có một câu sai. Chúng tôi cho rằng câu nầy đúng thì câu trên hoàn toàn sai.
Giáo sư họ Lê nhận thức đúng lẽ đó, nhưng đáng tiếc thay, khi áp dụng bộ luật của giáo sư để tìm ngữ nguyên thì không hiểu vì lẽ nào mà danh từ nào của ta, giáo sư cũng đều cho là do tiếng Tàu mà ra cả, kể cả những danh từ sơ đẳng nhứt mà một dân tộc bán khai hẳn đã phải có mà không cần vay mượn làm gì nữa hết.
Thí dụ điển hình nhứt là tiếng Nỏ, sau tiếng đó giáo sư ghi là Nôm, nhưng lại thêm một cái dấu riêng, giống hình chữ V nằm. Dấu nầy ở chương Phàm Lệ, được giải thích là “do tiếng Hán mà ra”. Sau cái dấu đó, quả nhiên giáo sư viết chữ NỖ của Trung Hoa.
Vậy Nôm Nỏ do Nỗ của Tàu, và như thế thì đâu còn là Nôm nữa? Lại mâu thuẫn.
Sự thật thì chính Tàu đã học tiếng Nỏ của Mã Lai Việt chớ Nỗ không phải của họ.
Các nhóm Mã Lai Bách Việt đều có danh từ đó, xin kể ra đây, nhưng không phải vì đa số đó mà chúng tôi chủ trương rằng   Nỏ là của ta, mà vì một luật tạo tự dạng Trung Hoa:
Việt Nam:
Ná, Nỏ
Cao Miên:
Snả
Mạ:
Na
Bà Na:
Hna
Sơ Đăng:
Mnaá
Gia Rai:
Hnaá
Thái:
Nả
Mã Lai:
Pnả
Người Trung Hoa khi họ bày ra một tự dạng mới, họ theo những cái luật bất di bất dịch, chớ không phải viết càn. Ta thử chiết tự chữ Nỗ của họ xem sao.
Chữ ấy gồm ngữ căn Cung để tượng hình, tức chỉ nghĩa, và tiếp vĩ ngữ  (Nô bộc), dùng chỉ giọng đọc (Hài thanh).
Theo luật tạo tự dạng của Trung Hoa thì danh từ đó là danh từ tân tạo chớ không phải là danh từ nguyên thỉ của dân tộc Tàu. Cung mới là nguyên thỉ vì không có ngữ căn và ngữ phụ gì cả trong Cung.
Mà tân tạo thì có hai loại:
Loại hoàn toàn nội lực. Thí dụ chữ Dẫn, gồm ngữ căn Cung để tượng hình và một sổ cũng tượng hình sự giương cung, không có ảnh hưởng ngoại lai vì cả hai yếu tố đều có nghĩa, và đều là chữ Tàu.
Loại phiên âm ngoại ngữ thì chữ tượng hình thứ nhứt vẫn là Cung nhưng chữ tượng hình thứ nhì được thay bằng chữ hài thanh, hoàn toàn vô nghĩa đối với Trung Hoa nhưng lại chỉ được cái âm ngoại quốc mà họ phải theo.
Có lý nào mà cây Nỗ là một thứ Cung do Nô bộc hoặc Nô lệ sử dụng hay không? Không, không thể nào mà có chuyện như vậy. Nô bộc không phải là chiến sĩ, còn nô lệ có thể là chiến sĩ, nhưng không sao mà được phép sử dụng một loại khí giới quá lợi hại (của thời đó).
Vậy  hoàn toàn vô nghĩa, và chỉ để phiên âm giọng đọc của chủ nhơn môn võ khí ấy mà thôi, và Ná, Nỏ của ta không bao giờ do Nỗ của Tàu mà ra, mà trái lại chính Tàu đã vay mượn của Mã Lai Việt cả món vũ khí lẫn cái tên.
Lộ trình vay mượn có thể được hồi phục như sau đây. Sự vay mượn xảy ra khi dân Trung Hoa di cư vào đất Kinh của chủng Việt, họ vay mượn cả vật dụng lẫn lối đọc tên vật ấy. Pnả biến thành Nỗ. Riêng các nhóm Mã Lai Bách Việt thì cứ tiếp tục dùng Na, Ná, Phả, Hná, Nỏ của họ. Người Tàu viết chữ, ta đọc sai là Nỗ, chớ Quan Thoại thì đọc là Nũa.
Chữ Noa cũng viết theo lối đó, nhưng với chữ Tử. Nhưng chữ Noa thì có nghĩa hẳn hòi vì phụ hệ Trung Hoa xem vợ con như tôi tớ, về mặt tinh thần. Nô + Tử là chữ tân tạo có nghĩa hẳn hòi, chí như Nô + Cung thì chắc chắn là chữ phiên âm không còn ngờ gì nữa, cũng như chữ Phật chỉ là chữ phiên âm mà thôi: Nhơn + Phất.
Nhưng ta cũng cố tìm xem coi Trung Hoa cổ thời có vũ khí Nỗ hay không? Tài liệu tìm được ở trong một quyển sách thuộc loại rất cổ của họ, đó là quyển Chu Lễ. Chu Lễ tả cây Nỗ khá tỉ mỉ, nhưng ta đừng nên thấy Chu Lễ có tả cây Nỗ mà vội kết luận rằng Tàu đã phát minh ra Nỗ.
Trung Hoa đã tiếp xúc với Việt ở Kinh Man từ đời nhà Hạ, mà Chu Lễ thì hơn một ngàn năm sau mới được soạn thảo. Đến cuối đời Tần, Tàu vẫn còn kém về Nỗ. Có phải chăng là Triệu Đà đã rất sợ Nỗ của An Dương Vương? Câu chuyện Nỏ thần có hoang đường bao nhiêu, cũng còn lại cái vũ khí rất lợi hại của Bách Việt mà Tàu rất kinh sợ.
Tàu học của Việt ở đất Kinh Man rất nhiều, nhưng ít ai chú ý đến. Trường hợp Nỏ  Nỗ nhắc ta nhiều danh từ khác. Thí dụ danh từ Đỗ của ta mà ai cũng bảo là do Hán Việt Đậu mà ra. Không có bằng chứng nào như thế hết mà còn có bằng chứng trái lại:
Việt Nam:              Đỗ
Bà Na:                    Tở
Gia Rai Pleiku:       Tả
Gia Rai thuần Mã Lai nhứt ở Đông Nam Á, thuần hơn cả Chàm và Java nữa.
Trong trường hợp nầy, y như trong trường hợp trước, ta nói được rằng Cổ Mã Lai cho vay, Trung Hoa là con nợ.
Chiết tự chữ Đậu, ta cũng thấy có sự lạ kỳ. Ngữ căn trong chữ đó chỉ là bộ Thảo đầu, còn phần dưới không dính dáng gì tới một món ăn nào hết, mà lại tượng hình một dụng cụ thờ phượng mà Pháp gọi là Compotier, Tàu dùng đựng trái để cúng trên bàn thờ mà họ gọi là cái Đậu (món đó Hán Việt và Hoa ngữ, đều đọc là Đậu). Thành thử cái phần tưởng là chánh yếu, lại chỉ để tượng thanh mà thôi, chính cái bộ Thảo đầu mới là chỉ thực vật mà chỉ như thế là chỉ tổng quát, không có nghĩa gì hết. Đó là một tự dạng vô nghĩa, kể cả phần tượng thanh lẫn tượng hình thì nó chỉ có thể là một chữ phiên âm mà thôi.
Ráp nối liên hệ họ hàng đã khó, mà đặt cho thật đúng địa vị kẻ vay mượn và chủ nợ, còn khó hơn khi ta không đi sâu vào vấn đề.
Đã bảo dân Cổ Mã Lai làm chủ đất Trung Hoa trước người Tàu thì người Tàu chắc chắn phải có vay mượn của Cổ Mã Lai trước khi đồng hóa họ hoặc đuổi họ thiên di, và chúng tôi đã ám chỉ đến những vay mượn của Tàu đối với Việt, trong Sở từ.
Trong quyển Études des phonènes Vietnamiens, bác sĩ Reynaud lại xác nhận sự kiện đó. Và đây là thí dụ của ông: Chữ Bạn của ta, ai cũng cho là Bạn hoặc Bằng của Hán Việt mà ra, nhưng bác sĩ Reynaud lại bảo rằng ngữ căn M'Bang của Mã Lai tràn ngập Đông Nam Á và có nghĩa là Bầy, Bạn, Nhóm, và bằng chứng sơ sơ là:
Việt Nam:              Bạn
Mường:                  Ban
Khả văn minh:       Bơn
Gia Rai:                  Baan
Bà Na:                    Baan
Cao Miên:              Bôn, Pốut
Mã Lai:                   Bang
Mà đừng tưởng là Gia Rai, Bà Na, Cao Miên đã học với ta hay với Tàu vì Gia Rai chỉ chịu ảnh hưởng của Chàm tức Mã Lai còn cho tới ngày nay. Bà Na vẫn chưa hề thấy mặt Trung Hoa, còn ta thì cũng mới đến xứ họ sau đầu thế kỷ XX mà danh từ đó họ đã có hàng ngàn năm rồi.
Danh từ Ván của ta, ai cũng cho là do Bản của Hán Việt, nhưng bác sĩ Reynaud cũng nói là do P’pan của Mã Lai.
Thoạt tiên chúng tôi không thể tin bác sĩ Reynaud cũng như đã không tin giáo sư Lê Ngọc Trụ. Nhưng một tài liệu khác lại cho chúng tôi thấy rằng bác sĩ Reynaud nói đúng.
Cách đây 300 năm, dân ta không nói Cửa mà nói Pan do P’Pan của Mã Lai mà ra, không phải Pan biến ngay thành Cửa đâu mà nó được ta đọc ra là Ván hiểu là Ván, rồi lại đồng hóa Ván với một món đồ (Cái cửa).
Đây là bằng chứng:
Năm 1792, một du khách Ăng Lê có viếng Việt Nam (miền Trung) có chép du ký Voyage à la Cochinchine. Quyển du ký nầy đã được dịch ra tiếng Pháp. Trong ấy tác giả có dành một chương cho ngôn ngữ Việt. (Con chó, thấy được ghi là Con Koo, y hệt như nơi người Thượng hay người Mường ngày nay).
Nhưng danh từ quan trọng hơn hết là danh từ Cửa, thấy ghi là Pan.
Người phê bình sách đó, bà Martine Piat cho rằng tác giả chép sai, hoặc chép theo lời phu bến tàu ở Tourane vốn là người Tàu, hoặc nhà in đã in sai. Nhưng không. Tác giả đã chép đúng. Người Tàu không bao giờ gọi Cửa là Pan hết. Hiện nay, cái Cửa, người Thượng Bà Na gọi là Mbang, người Chàm gọi là Bơng, người Tu Nong gọi là Mbang, người Kơlua gọi là Mbơng, người Mang Buk gọi là Mbong, và người Mã Lai gọi tấm ván là Pan. Ván  Cửa là hai thứ đi đôi với nhau, biến nghĩa qua lại với nhau.
Không phải Pan biến thành Cửa như đã nói mà nó biến ra Pan, Bơng, Bong, Ván rồi bị đồng hóa với một món đồ là Cửa. Danh từ Cửa chắc chắn chỉ xuất hiện sau năm 1792, tức chỉ mới đây thôi, và cũng chắc chắn không phải do Hộ mà giáo sư Lê Ngọc Trụ đã viết.
Chúng tôi đối chiếu Cửa  Môn để phủ nhận nguồn gốc Trung Hoa của tiếng Cửa, nhưng ông Lê Ngọc Trụ cho rằng Cửa do Hộ mà ra. Để xem coi các thứ giọng Trung Hoa có giọng nào đọc Hộ giống Cửa hay không.
Quan Thoại đọc Hầu
Việt Nam Hải đọc Hẩu
Mân Việt đọc 
Hộ cũng không may mắn gì hơn Môn.
Sự thật thì Cửa là tiếng Mã Lai Kưala. Danh từ đó không chỉ Cửa của cái nhà mà được định nghĩa như sau: Kưala là tên chỉ những nơi sông đổ ra biển, hoặc đổ vào một con sông khác. Cửa sông họ nói là Kưala Sôngai, mà cửa sông danh tiếng khắp thế giới là Kưala Lumpur được dùng làm thủ đô cho nước Mã Lai Á.
Tất cả các cửa sông của họ đều được gọi là Kưala và tất cả các cửa sông của Việt Nam đều được gọi là Cửa, trái hẳn với Tàu mà các nơi đó luôn luôn được gọi là Khẩu.
Còn cái cửa thì họ gọi là Pan, đúng nghĩa là tấm ván. Giáo sư họ Lê lại cũng nói Ván do Bản của Tàu mà ra, nhưng ta là Mã Lai thì nó phải do Pan của Mã Lai.
Mà đừng tưởng là Mã Lai đã học của Tàu. Mã Lai Nam Dương là Mã Lai thuần chủng tuy từ Hoa Nam di cư, nhưng họ không có chịu ảnh hưởng của Tàu, như khoa khảo tiền sử đã cho thấy.
Còn Mã Lai Hoa Bắc thì lại di cư vào thời mà Trung Hoa chưa biết cưa gỗ để làm ván.
Tóm lại, cả hai thứ Mã Lai đợt I (Lạc bộ Trãi) và Mã Lai đợt II (Lạc bộ Mã) không có ai học Trung Hoa tiếng nào cả trước khi họ chịu ảnh hưởng Tàu từ đầu Tây lịch về sau. Mà những danh từ Kưala Sôngai  M'Pan thì Mã Lai đã có từ muôn vạn thuở.
Dân Mã Lai không có danh từ để chỉ cái cửa, nên đồng hóa Pan là Ván với một món đồ là cái cửa.
Dân Việt Nam là Mã Lai nên cũng đã làm y hệt như thế.
Xin nhắc lại một lần nữa là danh từ Kưala của Mã Lai chỉ để gọi Cửa Sông mà không hề có nghĩa nào khác hơn, và Việt Nam chỉ mới đồng hóa Kưala để chỉ Cửa nhà không lâu, bằng chứng là đến năm 1792 mà ta còn gọi Cửa nhà là cái Pan.
Có lẽ sự đồng hóa đã xảy ra lâu hơn nữa, nhưng đến năm 1792, ta còn dùng song song cả hai danh từ, danh từ Pan chưa mất hẳn như ngày nay.
Chúng tôi tìm những sách viết trước năm 1792 bằng chữ nôm thì thấy danh từ Cửa đã xuất hiện rồi, để chỉ cái Cửa nhà. Như thế thì sự đồng hóa Kưala (cửa sông) ra Cửa nhà xảy ra trước khi người du khách Ăng Lê ghi chép. Nhưng người ấy mà ghi chép như thế tức vào năm 1772 Pan vẫn còn được thịnh dụng.
Ở Nghệ An có một giang khẩu tên là Cửa Lò. Từ hai ngàn năm nay nơi đó không có xí nghiệp nào, công nghệ nào, dựng lò nào cả.
Nhưng nếu chúng tôi nói rằng Cửa Lò là Kưala thì không ai tin. Chúng tôi phải đưa ra một chứng tích không thể chối cãi được. Trong Việt sử tiêu án Ngô Thì Sĩ gọi nó là Cô La.
Nếu địa danh Cửa Lò mà có trước Ngô Thì Sĩ thì sử gia họ Ngô đã dịch ra là Lô Khẩu, chắc chắn không sai, vì thói quen của nhà nho ta là thế, Bến Nghé ở Saigon đã được các ông dịch làNgưu Tân.
Khi mà một nhà nho Việt Nam không dịch là nhà nho đó có tinh thần trọng thực và Kưala = Cô La = Cửa Lò.
Sử ta lại chép rằng ở phía dưới Cửa Lò ở Nghệ An trong tỉnh Hà tĩnh, có một giang khẩu nay tên là Cửa Khâu, nhưng xưa tên là Kỳ La.
Hết Cô la đến Kỳ la, chung quy cũng chỉ là Kưala mà thôi.
Đối với lịch sử, những biến dạng như thế có thể xem là câu chuyện hôm qua, vì danh từ Pan của năm 1972 không lâu đời lắm, còn Ngô Thì Sĩ thì cũng không phải cổ nhơn như Lê Văn Hưu.
Đến đời Tây Sơn, Cửa Thuận An còn được gọi là Cô la Eo và Tourane còn được gọi là Cô la Han. Ở đó có một cái tháp Chàm đổ nát, nên Pháp gọi là Tour Han, sau biến thành Tourane.
Chỉ phiền là ta biết Kưala Eo là cái gì còn Kưala Han thì chúng tôi chưa truy ra nghĩa của danh từ Han.
Tất cả các địa danh ở miền Trung mà chưa bị Việt hóa đều là địa danh Mã Lai, vì đó là đất của Chàm, mà Chàm là Mã Lai.
Dấu vết Mã Lai xuống tới Cù My Lagi là hết và ai muốn biết Cù My Lagi là gì xin đón đọc bộ Tự vựng Mã – Việt mà chúng tôi đang soạn.
Lắm địa danh bị các ông Tây viết dính lại, như Cap Bantangan ở Quảng Ngãi, khiến chính người Chàm cũng điên đầu, không còn biết là gì nữa. Nhưng học xong tiếng Mã Lai, thì ta sẽ hiểu. Đó là Ba-Ta-Ngan chớ không phải là Batang-An đâu, lại càng không phải là Batangan như các ông Tây đã viết, vì các ông ấy mắc bệnh viết dính các danh từ độc âm, y như Việt Nam mắc bịnh viết ngắn những danh từ đa âm.
Fermetur éclair bị ta thâu lại thành Nút le.
*
*       *
Nhưng xuống tới Nam Kỳ thì Kưala biến mất, hóa thành Piam, một danh từ Mã Lai đợt I, mà người Nam Kỳ biến thành Vàm: Vàm Cỏ, Vàm Lôi Lạp (Piam Soarap).
Có lẽ xưa hơn, các Piam ở Nam Kỳ cũng được gọi là Kưala, vì người Phù Nam dùng ngôn ngữ của Mã Lai đợt II, tức y như Chàm. Nhưng ảnh hưởng Cao Miên đến thay thế cho Phù Nam, thành thử ta mới nhảy từ Kưala sang Piam một cách đột ngột.
Tuy nhiên, thuyền biển ở Nam Kỳ vẫn được tiếp tục gọi là Ghe Cửa, tức Gay Kưala, chớ không phải Ghe Vàm. Ghe Vàm là danh từ rất ít được dùng, và tuyệt đối không được dùng ở Bình Tuy, Biên Hòa và Bà Rịa, vì ba nơi đó còn là đất Chàm mãi tới năm ta di cư vào Nam mặc dầu với giấy phép của vua Cao Miên, vì thuở ấy ở ba nơi đó Cao Miên chỉ làm chủ trên giấy tờ mà thôi, người Chàm còn đông đảo, địa danh chàm cũng được ta giữ nguyên cho tới nay, thí dụ Cù My Lagi ở Bình Tuy.
Riêng ở Biên Hòa thì toàn là địa danh của người Mạ mà chúng tôi nghi là hậu duệ của Phù Nam.
Tên Đồng Nai, không phải là tên Việt Nam đâu. Đó là tên của Mạ, họ gọi con sông đó là Đạ Đờng.
Đạ là hình thức đầu tiên sẽ biến thành Nước trong ngôn ngữ ta, qua Nác ở Huế và Đák của người Mường.
Mạ:                                     Đạ
Xi Tiêng:                             Đá
Bà Na, Sơ Đăng, Mường:            Đák
Việt Nam Thừa Thiên:      Nác
Việt Nam:                          Nước
Cao Miên:                          Tứk
Đờng được biến thành Đồng.
Nhưng cụ Trương Vĩnh Ký lại cho rằng tên cũ của sông Đồng Nai là một tên Cao Miên, cụ có viết ra chữ rõ ràng. Không biết cụ đã thấy điều đó ở đâu, chớ chúng tôi nghe tận tai người Mạở Biên Hòa gọi con sông ấy là ĐẠ ĐỜNG.
Mà đừng tưởng họ bắt chước ta, biến Đồng thành Đờng. Có hằng lô, hằng tá địa danh ở Biên Hòa là địa danh của họ mà ta phiên âm, chớ chủ mới bắt chước chủ cũ thì có, không bao giờ chủ cũ bắt chước chủ mới cả.
Nếu biến Kontum thành Công Tâm chẳng hạn, người Sơ Đăng ở đó cũng bất kể, cứ gọi nơi ấy là Kontum.
Bằng chứng chủ mới bắt chước chủ cũ còn dấu vết rành rành vì Nha Trang (chủ mới Việt) chỉ là EA TRAANG (chủ cũ Chàm) có nghĩa là con sông đầy lau lách, sậy, đế.
(Danh từ Trang trong Việt ngữ biến thành Tranh  Trảng).
Lại bằng chứng ở Hội An. Fai Fô (chủ mới Pháp) chỉ là Hoài. Phố (chủ cũ Việt). Hoài là tên, còn Phố là con sông nhỏ. Con sông nhỏ ở đó xưa kia tên là Hoài Phố.
Vậy sông Đồng Nai, chỉ là sông Đờng mà lưu vực có nhiều nai, chớ không phải là đồng bằng có nhiều nai, như ta hiểu theo ngày nay.
Cũng nên nhắc rằng đất Phù Nam xưa ăn tận ra tới Nha Trang mà Chàm chỉ mới chiếm sau thế kỷ thứ 9 còn Cao Miên thì không có bao giờ chiếm được Nam Kỳ cả, theo khám phá mới nhứt của ông Pierre Dupont (B.S.E.I.).
Có rất nhiều người cho trạng từ Xa của Việt Nam do Hán Việt  mà ra, và quả Quan Thoại đọc   Xa. Nhưng thử hỏi đó là trùng hợp ngẫu nhiên hay vay mượn? Trong các nhóm dân gốc Mã Lai, chúng tôi thấy người Cao Miên nói Xangai có nghĩa là Xa, mà Cao Miên là Lạc bộ Chuy. Nhưng có thể nào mà Cao Miên cũng học của Quan Thoại như ta hay không? Chúng tôi có bằng chứng là không.
Thí dụ tiếng Xẻ của Quan Thoại bị ta biến thành Xe, nhưng Cao Miên biến thành Te, các âm X của Quan Thoại đều bị Cao Miên biến thành âm T. Nhưng Xangai không bị biến thành Tangailà làm sao? Chỉ có một lối trả lời độc nhứt là trạng từ Xa là trạng từ Mã Lai đợt I mà bộ Chuy nói là Xăngai, còn bộ Trãi nói là Xa chớ nếu bộ Chuy cũng đã vay mượn thì họ đã nói là Tangaitheo luật biến âm trong ngôn ngữ của họ.
Có những trùng hợp ngẫu nhiên trong ngôn ngữ như thế đó mà chúng tôi đã trình ra quá nhiều rồi, thí dụ Đua của Mã Lai đợt II và của La Tinh đều có nghĩa là Hai, và đều đọc y như nhau, nhưng Mã Lai đợt II không bao giờ mà là La Tinh hoặc vay mượn của La Tinh được. 

Đôi khi giáo sư Lê Ngọc Trụ cũng có dựa vào H. Maspéro để nhìn nhận rằng có một số tiếng Nôm ta gốc Thái. Thí dụ: Trăng, Cổ, nhưng như thế lại cũng chẳng là Nôm gì hết, tức chẳng là Việt Gốc gì hết mà cứ là gốc của kẻ lạ, không Tàu thì Thái. (Nhưng sự thật thì Trăng là danh từ chung của chủng Mã Lai mà tất cả các dân tộc ở Đông Nam Á đều nói y nhau, kể cả Tây Tạng.
Chúng tôi đã đi xa hơn H. Maspéro mà lên tới tận nguồn là Mã Lai và Tây Tạng, chớ không dừng chơn ở giai đoạn chót như ông H. Maspéro mà giáo sư Lê Ngọc Trụ dựa theo.
Ông H. Maspéro, như chúng tôi đã chứng minh, không hề biết Thái ngày xưa tên là Âu, và Âu và Lạc là hai Chi của chủng Mã Lai. Ông cũng không hề biết rằng chủng Việt đích thị là chủng Mã Lai. Thế nên thay vì chủ trương rằng Thái ngữ và Việt ngữ đồng gốc, ông chủ trương rằng Việt ngữ do Thái ngữ mà ra. Vài ông khác lại cũng chẳng hề biết rằng Cao Miên và Việt đồng gốc, cho rằng Việt ngữ thuộc gia đình Miên ngữ. Các ông Tây sai hết về ngữ học Việt Nam.
Thái và Việt chỉ là hai chi của Mã Lai, chi Thái xưa kia được người Tàu gọi là Âu, chỉ có thế thôi.
Bắt ta làm họ với Thái, với Miên, các ông Tây không hoàn toàn sai, mà chỉ vì các ông chỉ biết có giai đoạn cuối. Dầu sao các ông Tây cũng thấy đúng một chặng đường của lộ trình, còn ông Lê Ngọc Trụ thì lại đi theo lộ trình hoàn toàn khác.
Chúng tôi đối chiếu Ăn với Xực và thấy là khác, nhưng giúp Lê Ngọc Trụ nói Ăn do Xan mà ra.
Nhưng Xan không phải là ăn mà chỉ là Bữa ăn mà thôi. Động từ Ăn là của chủng Mã Lai. Họ chia ra ba động từ như sau:
Việt Nam: Ăn         Việt Nam: Xơi           Việt Nam: Nhắm
Cao Miên: Ănh       Cao Miên: Xi             Sa Mường: Lam
Mường: Ăn             Cao Miên: Xi Sa        Cao Miên: Nham
Khả Lá Vàng: Ăn    Mạ: Saa                     Ra Đê: Mnam
Mã Lai: Mak-An      A-Ka-Lông: Haa       Bà Na: Nyơm
Khả văn minh: Cha
Cổ ngữ Đông Âu (Bắc Phúc Kiến): Lím
Gia Rai:   Nyam
Mã Lai:    Miniom
Chú ý: Trong động tác Nhắm, phần uống quan trọng hơn phần ăn, nhưng vẫn có ăn. Thế nên Đông Âu (Bắc Phúc Kiến) mới dùng Lím để chỉ cả ăn lẫn uống và có lẽ động từ Liếm của Việt Nam cũng cùng gốc đó mà ra vì Liếm ngoài cái nghĩa Liếm, còn là ăn như chó ăn, tức cũng bằng cách Liếm và uống.
Chúng tôi đã nói rằng bộ luật ngữ nguyên của giáo sư họ Lê không theo sự đối chiếu giọng đọc Hoa Việt mà chỉ dựa vào sự hơi giống nhau giữa Hoa và Hán Việt.
Ở đây ta lại có thể thêm rằng luật đó không theo luật ngôn ngữ tổng quát.
Quả thật thế, âm X của Trung Hoa cứ còn nguyên vẹn trong Việt ngữ. Thí dụ: Xé = Xe, Xảo = Xào.
Âm X không hề biến mất thì tại sao trong Xan, nó lại biến mất để thành Ăn?
Nếu theo quan sát ngoài đời và theo luật ngôn ngữ, giáo sư đã chủ trương khác rồi.
Giáo sư cho rằng Trẻ do Trĩ mà ra, ăn do Xăn, nhưng Già   Uống thì theo giáo sư, lại là thuần Việt.
Tại sao một dân tộc có tiếng Già mà không có tiếng Trẻ, có tiếng Uống lại không có tiếng Ăn?
Còn nói họ bỏ tiếng họ để vay mượn thì sao trong cặp Già, Trẻ chỉ bỏ Trẻ mà giữ Già, còn trong cặp Ăn, Uống chỉ bỏ Ăn mà giữ Uống.
Thật ra Già và Trẻ đều là tiếng Mã Lai.
Việt Nam:
Trẻ

Mã Lai đợt I
Mường:
Tlẻ
Khả Lá Vàng:
Plẻ
    *
*      *
Việt Nam:
Già




Mã Lai đợt II
Thái:
Mường:
Gia
Khả Lá Vàng:
K’rà
Mạ:
Kra
Bà Na:
Kra (Người già)
Bà Na:
Ya (Bà già)
Mã Lai Célèbes:
Ya
Các đảo Mã Lai khác:
Tu À

còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét