TRẦN TẾ XƯƠNG (1870-1907)
Vẳng
nghe tiếng ếch bên tai,
Giật
mình còn tưởng tiếng ai gọi đò.
Tôi đã
đọc hết những gì ông để lại. Không nhiều, bởi vì cuộc đời của ông không dài,
nhưng thơ ông làm cho tôi khoái, rồi khi va vấp thì tôi đau. Rồi khi không còn
sức để bon chen nữa, tôi mới thấy tôi buồn. Những bài thơ mang đầy tính châm
chọc của ông như là những bức ký họa thật buồn của một giai đoạn giao thời.
Nhưng lại là một giai đoạn giao thời của một thế nước ngã nghiêng. Biết bao
nhiêu cảm xúc không vui dồn tụ nơi tâm hồn nhạy cảm làm ông không chịu nổi. Để
giờ đây, ngồi viết những giòng này về ông thì tôi cũng không thể nào phân định
rõ những xúc cảm của mình, nghĩa là vẫn khoái, vẫn đau, vẫn buồn như mọi khi.
Tất nhiên là không thể nào vui vì những câu thơ đầy tính châm chọc.
THƯƠNG VỢ
Quanh năm buôn bán ở nom sông.
Nuôi đủ năm con với một chồng.
Lặn lội thân cò khi quảng vắng,
Eo xèo mặt nước buổi đò đông.
Một duyên hai nợ âu đành phận,
Năm nắng, mười mưa, dám quản công.
Cha mẹ thói đời ăn ở bạc,
Có chồng hờ hững cũng như không.
Tú Xương
Có lẽ
đây mới là tấm lòng thực có của ông. Ông ray rức vì vợ mình, ông thấu hiểu tình
yêu mà vợ dành cho mình. Ông muốn đáp lại tình yêu đó và ông… bó tay. Lựa chọn
cho đủ năm mươi sáu từ thật chân tình để viết cho vợ, đối với ông, là một sự cố
gắng phi thường trong một niềm đau cùng cực. Kết thúc bằng ba từ “… cũng như không.” nhẹ như cơn gió thoảng,
ấy thế mà làm đau buốt tận tâm can.
Đọc hết
những gì mà ông viết, quả tình tôi không chịu nổi, dù rằng tôi đã nhiều lần đọc
hết. Bởi vì những cảnh đời ông vẽ ra, nó trần trụi, nó thô thiển đến tức cười,
nhưng cũng làm cho người có cái tâm, đầm đìa nước mắt. Nghe ông khóc em gái mà
nhói long, vừa nhói lòng vì cái chết của một con người còn trẻ tuổi. Nhưng càng
nhói lòng hơn khi mà ông đưa ra một tương lai rất bấp bênh mà cô em sắp có, mà
ông lại ngỡ là tươi sáng và cả cái khốn cùng của ông khi không thể làm được cái
điều nhỏ nhất là dựng một tấm bia cho người em mệnh bạc.
KHÓC
EM GÁI
Mệnh
sao bạc thế hỡi em ơi!
Hai
bốn, hai lăm cũng một đời.
Bảng
Hổ vừa treo cầu Thước bắc,
Cành
hoa đã rụng phím đàn rơi.
Cây
tương tư héo, chồng rầu rĩ,
Thuyền
độ sinh đưa, Phật rước mời.
Những
muốn dựng bia làm kỷ niệm,
Lòng
anh thương xót biết bao nguôi.
Tú Xương
Bài thơ
tình thật sự của ông viết cho người yêu cũ,
sẽ làm cho người ta quên đi ông là một người thất chí. Và cũng có lẽ là
một bài thơ tình duy nhất có những hương sắc của một bông hoa
ÁO BÔNG CHE ĐẦU
Ai ơi, còn nhớ ai không?
Trời mưa một mảnh áo bông che đầu.
Nào ai có tiếc ai đâu!
Áo bông ai ướt khăn đầu ai khô?
Người đi Tam Đảo, Ngũ Hồ,
Kẻ về khóc trúc thương ngô một mình.
Non non nước nước tình tình,
Vì ai ngơ ngẩn cho mình ngẩn ngơ.
Tú Xương
Một bài
thơ tình nữa, một thứ tình vay mượn, bán mua. Ông đi hát ả đào mà không có
tiền, nên bị lấy mất ô. Và ông đã có một bài thơ tình rất chân thành để lấy
lại… cây dù. Và cũng có thể lấy lại một mối tình.
ĐI HÁT MẤT Ô
Đêm qua anh đến chơi đây
Giày chân anh dận, ô tay anh cầm
Rạng ngày sang trống canh năm
Anh dậy, em hãy còn nằm trơ trơ
Hỏi ô, ô mất bao giờ
Hỏi em, em cứ ậm ờ không thưa
Chỉn e rày gió mai mưa
Lấy gì đi sớm về trưa với tình ?
Tú Xương
Có một
thời tôi đọc thơ ông chỉ nhằm làm cho vơi sự bực bội mà bản thân mình nhìn
thấy, như tìm một sự đồng cảm của người đi trước, thậm chí còn mượn thơ ông để
chửi xiên, chửi xéo cuộc đời mà không phải chịu một trách nhiệm nào. Ông không
chăm chút thơ mình, sự tinh tế của mình là vì thế. Ông chửi tất tần tật những
chướng tai gai mắt mà ông gặp phải, chẳng qua là để vơi đi bực bội. Ông rất
muốn hướng cái bút lực tài hoa, cái nhìn tinh tế của mình vào một hướng khác
hơn kia. Nhưng cái hướng ấy thì rất mịt mờ. Và ông quạu. Quạu đời bát nháo,
quạu mình kỳ cục. Những cái bát nháo ấy che lấp phần nào những sôi sục lòng
người trước cảnh nước mất nhà tan. Ít nhất là trước mắt ông (?!)
Nhưng
hình như ít ai chịu khó tìm xem trong lòng ông còn lại những gì. Ông bị thời
cuộc vùi dập, ông bế tắc, nhưng không có nghĩa là trái tim ông không còn nhịp
đập. Trái lại là khác. Chính vì nó ứ nghẹn lại mà trong dăm ba bài thơ tình của
ông thực sự làm cho người ta dễ xúc động.
Ông nhìn
thời gian trôi đi, nhìn cảnh vật chung quanh mình và không phải bằng một một
niềm vui, lại càng không phải là một nỗi buồn man mác. Mà tất cả mọi thứ đập
vào mắt bằng những cái gai nhức nhối, tuôn vào lòng ông bao nỗi chua cay. Sức
cảm thụ của ông bị bào mòn. Tình cảm chất chứa trong lòng ông vơi dần theo năm
tháng. Nhưng chính vì khi mà đã vơi đi nên những chút gì còn sót lại ấy đã tạo
nên những câu thơ thật đẹp.
DẠ HOÀI
Kià cái đêm này mới gọi đêm
Mắt giương, trong bụng ngủ không thèm
Tình này ai tỏ cho ta nhỉ?
Tâm sự năm canh một ngọn đèn
Tú Xương
ĐÊM DÀI
Sực tỉnh trông ra ngỡ sáng lòa
Đêm sao đêm mãi thế ru mà
Lạnh lùng bốn bể ba phần tuyết
Xao xác năm canh một tiếng gà
Chim chóc hãy còn nương cửa tổ
Bướm ong chưa thấy lượn vườn hoa
Nào ai là kẻ tìm ta đó
Đốt đuốc mà soi kẻo lẫn nhà
Tú Xương
Và ông
đã làm cho người thưởng thức thơ thực sự cảm động về nỗi quan hoài về một giòng
sông bị lấp. Giòng sông bị lấp vì cái cảnh đất chật người đông cũng chưa chắc
làm cho người ta thảng thốt đến thế. Sự biến thiên này nó còn gói ghém một điều
gì đó xót xa hơn.
SÔNG
LẤP
Sông
kia rày đã nên đồng
Chỗ làm nhà cửa, chỗ trồng ngô khoai.
Vẳng nghe tiếng ếch bên tai,
Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò.
Tú Xương
Và rồi
ông thây kệ. Một thái độ của một người đớn đau cùng cực.
CHỢT GIẤC
Nằm nghe tiếng trống, trống canh ba
Vừa giấc chiêm bao chợt tỉnh ra
Thiên hạ dễ thường đang ngủ cả
Việc gì mà thức một mình ta?
Tú Xương
ĐÊM HÈ
Trời không chớp bể với mưa nguồn
Đêm nảo đêm nao tớ cũng buồn
Bối rối tình duyên cơn gió thoảng
Nhạt nhèo quang cảnh bóng trăng suông
Khăn khăn áo áo thêm rầy chuyện
Bút bút nghiên nghiên khéo giở tuồng
Ngủ quách sự đời thây kẻ thức
Bên chùa chú trọc đã hồi chuông
Tú Xương
Tôi
thường hay đọc mảng thơ này của Tú Xương. Bởi vì đó là tấm lòng đích thực của
ông. Những bài thơ được viết trong đêm hay viết về đêm. Có lẽ trong yên ắng của
màn đêm làm cho tâm hồn ông dịu lại. Ở đó ông mới thực là ông. Không có cảm
giác gì khoan khoái hơn là mình cảm nhận ra mình chính vì thế mà ông không muốn
thức. Một ngọn đèn, một cơn mơ, một ngẫm nghĩ yên bình được gợi nên bởi ánh
trăng suông, cơn gió thoảng, một hồi chuông hay tiếng ếch bên tai gợi nhớ tiếng
gọi đò trong quá khứ của một giòng sông bị lấp. Biến thiên của tạo vật hay bởi
giòng đời thay đổi, nên tiếng ếch lạc loài làm ông giật mình nhớ lại một chuyến
đò xưa. Có bao nhiêu tiếng ếch mà ông đã từng nghe. Những hình ảnh, âm thanh ấy
mơn man tâm hồn ông. Và cuối cùng là hai câu thực trong bài thơ Thiếu Nữ Đi Tu:
Nhạt màu son phấn, say màu đạo,
Mở cánh từ bi, khép cánh tình.
Hai câu
thơ thật đẹp từ lời tới ý. Ông trách cô thiếu nữ ấy hay tự trách mình. Không ai
biết, nhưng từ trong hai câu thơ ấy có thể báo cho ông biết là có một thứ ánh
sáng nào đấy đang hiện ra trong lòng. Và chinh ánh sáng đó đã khẳng định ông là
một người tài hoa. Thậm chí rất tài hoa. Một điều mà ông suốt đời phủ nhận
Tôi định
không viết thêm nữa về ông. Nhưng lại phải viết vì nghe có một cơn gió chướng
đang giành ngọn, có nghĩa là một mùa Xuân sắp đến. Việc Tết đến mà phong lưu
kiểu này thì ai ai cũng gặp một vài bận trong đời. Hãy xem cái tết phong lưu
của ông Tú.
CẢM TẾT
Anh
em đừng tưởng tết tôi nghèo.
Tiền bạc trong kho, chửa lĩnh tiêu.
Rượu cúc nhắn đem, hàng biếng quẩy
Trà sen mượn hỏi, giá còn kiêu.
Bánh đường sắp gói, e nồm chảy,
Giò lụa toan làm, sợ nắng thiu…
Thôi thế thì thôi, đành tết khác,
Anh em đừng tưởng tết tôi nghèo.
Trở
ngược lại ta xem coi cái giàu có của ông Nghè Nguyễn Khuyến đến độ nào khi bạn
đến nhà?
BẠN
ĐẾN CHƠI NHÀ
Đã bấy lâu nay bác tới nhà.
Trẻ thời đi vắng, chợ thời xa.
Ao sâu nước cả khôn chài cá,
Vườn rộng rào thưa khó đuổi gà.
Cải chửa ra hoa, cà mới nụ,
Bầu vừa rụng rốn, mướp đương hoa.
Đầu trò tiếp khách, trầu không có,
Bác đến chơi đây ta với ta.
Nguyễn Khuyến
Về quá
khứ xa thêm chút nữa để chiêm ngưỡng cái sang trọng của cụ Trạng Nguyễn Bỉnh
Khiêm khi đi dự một lễ mừng gì đó của bạn.
Gượng đến mừng nhau một mặt không.
Nhiều thì chẳng có, ít chăng thông.
Hươu nai; hãy đợi trên rừng Bắc,
Thu vược; còn chờ dưới bể Đông.
Nam Sách rượu nồng còn mượn cút,
Tây Chân quýt ngọt mới đâm bông.
Cực mong, rắp đợi song còn muộn,
Vậy đến mừng nhau… một mặt không.
Nguyễn Bỉnh Khiêm
Ôi những
người làm thơ. Một ông Tú kiết xác, ăn cái Tết giàu có bằng nụ cười cay đắng.
Một ông Nghè tay không nên đón bạn bằng một nụ cười nhẹ nhàng hơn. Một ông
Trạng Nguyên ở lều với một nụ cười cười thói rởm đời. Cái không có của ba ông
sao mà giàu có và sang trọng đến thế
Tôi nhận
ra điều này từ rất lâu. Nhưng quả tình không thể nào mà ngọ ngoạy được, dù dữ
liệu thì quá thừa.
Hôm nay
mượn cảnh người xưa để nói cảnh mình khi đứng trước thế nước chông chênh mà cái
thói rởm đời thì nhiều hơn rất mực trong một xã hội bị phủ trùm bởi thói gian trá,
tham và nô lệ. Một nền tảng văn hóa bị xói mòn bởi những xu hướng ngoại lai.
Nếu như Tú Xương sống lại chẳng biết ngòi bút của ông sẽ phải viết những gì? Và
tôi không mong điều đó, cũng không mong những ai đó thay ông (nhưng không được)
để rồi những thế hệ mai sau lại thừa hưởng một di sản “văn học cay đắng” khổng
lồ.
Quán Tâm Nguyễn Hiền Nhu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét