Người theo dõi

Thứ Hai, 2 tháng 1, 2017

Vì sao sau 1000 năm bị phương bắc đô hộ nhân dân ta vẫn giữ được tiếng nói của mình?


 Vì sao sau 1000 năm bị phương bắc đô hộ nhân dân ta vẫn giữ được tiếng nói của mình?


Vì sao sau một ngàn năm đô hộ, bá quyền Trung Quốc vẫn không Hán hoá được Việt Nam?

Từ thượng cổ, người Trung Hoa đã tự tạo cho mình niềm tin rằng vua chúa của họ là “Thiên tử” (con Trời), được ban cho “thiên mệnh” trị vì bàn dân thiên hạ. Từ khi vị hoàng đế đầu tiên (Tần Thủy Hoàng đế) thống nhất các nước nằm trong lưu vực sông Hoàng, nơi này được gọi là Trung Quốc – hàm ý quốc gia ở trung tâm toàn cõi đất. Trăm họ tộc Hoa người Trung quốc được coi là thần dân. Những dân tộc không cùng dòng giống với người Hoa sống ở những khoảng đất chung quanh đều bị coi là man di như Hung Nô phía Bắc, Bách Việt phía Nam. Sau nhà Tần, các triều đại nhà Hán vẫn lấy danh nghĩa làm theo “mệnh trời”, tiếp tục chính sách bành trướng của Tần Thủy Hoàng chiếm hữu đất đai của các dân tộc này sáp nhập vào Trung Quốc. Còn tinh vi hơn, đàn bà con gái của các dân tộc này bị ép lấy người Hán, để rồi con cái họ trở thành người Hán vì mang huyết thống cha theo chế độ phụ hệ một chiều của người Tàu; bằng cách này, chỉ sau vài trăm năm, các dân tộc này đều bị tuyệt giống. Thật ra, đó là cách duy nhất để cung cấp nhân công cho một nền kinh tế có căn bản là nông nghiệp, khi người Hán chỉ là thiểu số so với toàn thể số dân đại lục Trung Hoa thời đó (vào khoảng 50 triệu, bằng dân số đế quốc La Mã cùng thời). Trong khoảng một ngàn năm gần như toàn thể các tộc Bách Việt sống ở phía Nam sông Dương Tử đều đã bị Hán hoá và tuyệt chủng. Chỉ còn lại duy nhất một dân tộc thoát được nạn này là dân tộc Lạc Việt, tổ tiên chủ yếu của dân tộc Việt Nam sau này: không những không bị đồng hoá mà, kỳ diệu hơn, còn giành được độc lập, giữ được một phần đất phía Bắc và tiếp tục bành trướng về phía Nam để tạo thành một quốc gia riêng, biệt lập với Trung Quốc, điều đã khiến cho cuộc Nam tiến của người Hán xuống cực Nam của vùng Đông Nam Á bị khựng lại từ hơn một ngàn năm nay. 


Tôi đã thử tìm hiểu vì sao lại có được cái phép lạ đó. Theo tôi suy nghĩ, đó là nhờ ở bốn nhân tố: 

•Ý thức quốc gia của người Lạc Việt đã rất sớm nẩy nở, đủ sức chống lại ý thức bá quyền Đại Hán ngay từ khởi đầu.
•Tinh thần dân tộc của người Lạc Việt đã vượt qua được giới hạn bộ tộc để đủ sức đương đầu với chủng tộc Đại Hán.
•Truyền thống mẫu hệ của người Lạc Việt đã vô hiệu hoá phương thức đồng hoá bằng hôn nhân của người Hán theo chế độ phụ hệ, giúp cho dân Việt Nam bảo tồn được giống nòi.
•Thể chế lạc tướng - lạc hầu được tồn lưu dưới hình thức cơ chế làng xã đã giúp dân Việt bảo vệ được nền tự chủ của mình.
Tôi cũng xin nói cho rõ hơn là cái nghĩa của từ “quốc gia” tôi bàn luận ở đây không cùng nghĩa với từ “quốc gia” bây giờ, và cũng không đồng nghĩa với chữ “quốc” trong “liệt quốc” thời Chiến quốc, mà có nghĩa “quốc gia Nam Việt” đối lập với “Trung Quốc” nhà Hán.

Theo tôi, chính Triệu Đà, để phục vụ tham vọng của mình, đã là người tạo cho dân Việt ý thức quốc gia và tinh thần dân tộc theo cái nghĩa đó. Trong lịch sử nhân loại có nhiều trường hợp như vậy: Alexandre Đại đế người Macédoine làm rạng danh nước Hi Lạp. Guillaume le Conquérant người Pháp lập ra nước Anh, trong quá khứ luôn luôn thù địch với Pháp. Napoléon người Corse đã đưa nước Pháp tới tột đỉnh vinh quang. Không kể những hung thần như Thành Cát Tư Hãn người Mông Cổ lập ra nhà Nguyên, Staline người Georgie, Hitler người Áo v.v... 

Ý thức quốc gia 

Khi Tần Thủy Hoàng mất, Triệu Đà chỉ là một viên lệnh úy tầm thường gốc người nước Ngụy thuộc tộc Hoa, nhưng là người có chí khí, đã biết lợi dụng thời thế hợp quần một số tộc Việt để xưng đế lập ra nước Nam Việt cùng thời với Trung Quốc của Hán Cao Tổ. Theo các nhà sử học phương Tây, sở dĩ nước Tần thắng được các nước khác, không phải vì có Tần Thủy Hoàng mà vì nước Tần là nước có thể chế, có hành chính qui củ, có quân đội mạnh, vũ khí tân tiến hơn các nước khác thời bấy giờ. Từng là một viên tiểu lại của nhà Tần, Triệu Đà đã lấy kinh nghiệm nước Tần để gây dựng nước Nam Viêt thành một quốc gia tân tiến ngang, nếu không nói là hơn Trung Quốc của nhà Hán thời sơ khai, nhất là về quân sự (đánh chiếm Trường Sa). Có thể nói trên lục điạ Trung Hoa và gần như cả Đông Nam Á thời đó, chỉ có hai quốc gia ngang sức đương đầu với nhau là Trung Quốc và Nam Việt. Cả hai đều có cơ cấu phỏng theo nước Tần. Nhờ vậy người Bách Việt trong nước Nam Việt của Triệu Đà có ý thức quốc gia rất sớm và sau một ngàn năm bị đô hộ vẫn giữ được ý thức đó để tái lập lại nước Việt sau này. Người Hán cho đó là khi quân, một thế giới không thể có hai nước, một điều phạm đến “thiên mệnh” của Trung Quốc, nên dùng đủ mọi phương kế kể cả phương kế bỉ ổi nhất là mỹ nhân kế Cù thị để xoá bỏ cho bằng được nước Nam Việt. Khi tiêu diệt được nhà Triệu, nước Nam Việt bị đổi thành Giao Chỉ bộ và bị chia nhỏ thành 9 quận cho mất tang tích một quốc gia đã dám đương đầu với Trung Quốc. Tuy vậy người Trung Hoa cho tới ngày nay vẫn luôn luôn bị ám ảnh bởi một quốc gia đã dám chống đối mình ngay từ sơ khởi, nên không có gì lạ khi nhà Thanh vì mặc cảm đã bắt Gia Long phải đổi quốc hiệu mà ông dự kiến “Nam Việt” thành “Việt Nam”. Trong thâm tâm, người Tàu vẫn coi Việt Nam là Giao Chỉ quận hay An Nam đô hộ phủ. Chứng cớ là khi người Pháp mới đặt chân xuống miền Nam, hỏi mấy chú Chệt tên nước này là gì, mấy chú vẫn nói tên là “Giao Chỉ”. Tây nghe âm Tàu đọc trại là “Cochin”. Lại sợ lầm với tên đất Cochin bên Ấn Độ, nên đặt lại là “Cochinchine” để phân biệt (từ tố “-chine” có nghĩa là “Trung Quốc”).

Tinh thần dân tộc 

Là một nhà chính trị khôn ngoan, Triệu Đà đưa ra chủ trương liên kết mọi tộc Việt trong nước Nam Việt với nhau (như trong câu “người trong một nước phải thương nhau cùng”), điều đã khiến cho mọi tộc Việt vượt qua được giới hạn bộ tộc của mình, đi đến một ý niệm cao hơn là ý niệm về dân tộc Việt. Tinh thần dân tộc lại càng thêm vững mạnh khi Triệu Đà đem lại cho dân tộc Việt vinh quang đầu tiên bằng chiến công đánh chiếm Trường Sa [1] của Trung Quốc. Hơn một ngàn năm sau Lý Thường Kiệt noi gương đem quân tràn qua Tàu đánh phá các châu Khâm, Liêm. Rồi lại gần 1000 năm sau nữa, sau trận Đống Đa làm nhà Thanh khiếp đảm, Thanh đế Càn Long sợ Quang Trung sang đánh và đòi đất, phải vội vàng hứa gả con gái cho và hứa trả lại Lưỡng Quảng (Quảng Đông và Quảng Tây).


Chế độ mẫu hệ và truyền thống lạc tướng - lạc hầu 

Khi lập Văn vương [2] , cháu đích tôn con Mị Nương và Trọng Thủy, lên kế nghiệp mình, Triệu Đà có ý muốn nương theo chế độ mẫu hệ của người Lạc Việt để Việt hoá dòng giống mình, ngõ hầu triều đại nhà Triệu trở thành triều đại quy mô đầu tiên của dân Việt và sau này có thể dựa vào dân tộc Việt chống lại được sự bành trướng của Trung quốc. Trong lịch sử nhân loại, những dân tộc yếu muốn bảo vê được sự sống còn của nòi giống mình trước những dân tộc mạnh hơn đều chỉ có cách là duy trì liên hệ gia đình theo mẫu hệ. Thí dụ điển hình nhất là dân tộc Do Thái, 2000 năm mất nước, phải di tản đến mọi nơi trên thế giới, trước đó đã bao lần bị lưu đầy qua nhiều nước khác mà vẫn bảo tồn được dân tộc (cùng truyền thống văn hoá) của mình nhờ – không cần biết cha là thuộc dòng giống nào – tự coi mình là người Do Thái nếu mẹ là người Do Thái. Người Hán cũng biết vậy nên đã mưu tính đưa Cù thị vào làm vợ lẽ Anh Tề để con của Cù thị (có với tình nhân của thị là Thiếu Quý) là thái tử Hưng máu Tàu 100% sau này lên ngôi đem đất nước dâng lại cho nhà Hán. Quả nhiên là như vậy: khi Minh vương Anh Tề mất, Hưng lên ngôi (tức Ai vương) tính cùng mẹ đem nước dâng cho nhà Hán. Khi tể tướng Lữ Gia biết, giết mẹ con Cù thị và sứ giả nhà Hán, đưa Dương vương có mẹ người Việt lên thay thì đã quá muộn. Lại gặp tướng giỏi nhà Hán là Phục Ba tướng quân nên dân Việt đành chịu thua. Một ngàn năm sau, khi phản công lại Lý Thường Kiệt ở Khâm châu và Liêm châu, nhà Tống lại đem tích “Cù thị vị quốc hi sinh” như một Chiêu quân cống Hồ ra ca tụng nhằm cổ võ quân sĩ. Đủ biết là sự hiện hữu của nước Nam Việt đối lập với Trung Quốc vẫn là một mối hận trong tâm thức người Tàu. 

Cũng có lẽ nhờ giữ được truyền thống mẫu hệ trong phong tục nên đã có những cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng và Bà Triệu. Noi gương Triệu Đà, nhiều quan lại, sĩ tử người Hán, được cử qua “Hán hoá” dân Giao Chỉ, đã lấy vợ Việt không chịu trở về Trung quốc và con cháu không những đều trở thành người Việt mà còn nổi lên chống lại người Hán như trường hợp Sĩ Nhiếp, hoặc trường hợp Vạn Xuân vương Lý Bôn... Ngoài ra, nhiều tăng thống gốc Việt hay mẹ Việt như Tăng Khương Hội còn trở về Trung Quốc thuyết giảng đạo Phật theo văn hoá và tư tưởng Việt. Có thể suy luận là trong 1000 năm bị đô hộ, sở dĩ dân Việt Nam không bị đồng hoá là vì chính sách Hán hoá “lấy vợ Việt để đẻ con Hán” lại có hậu quả ngược lại, “gậy ông đập lưng ông”, là các con cháu có “mẹ Việt” đều trở thành người Việt, giữ gìn huyết thống Giao Chỉ và truyền thống văn hoá Việt, nhờ vậy đã không những không bị Hán hoá mà ngược lại, còn “Việt hoá” người Tàu qua đô hộ. Khả năng “Việt hoá” mạnh mẽ đó không những đã giúp dân Việt bảo vệ được nòi giống của mình trước người phương Bắc mà còn có thể, trong cuộc bành trướng về phương Nam, đồng hoá những dân tộc khác từng một thời hưng thịnh như Chiêm Thành, Chân Lạp, cũng như sau này đã “Việt hoá” những người Tàu Minh Hương để mở mang miền Nam. 

Truyền thống lạc tướng - lạc hầu ẩn mình dưới những cơ chế làng xã cũng đã giúp cho dân Việt bảo tồn được nền tự chủ của mình trong suốt thời kỳ bị đô hộ, vì “phép vua thua lệ làng”: phép tắc của các quan thái thú Tàu cũng không thể vượt qua được lũy tre làng. Nhờ vậy mà “ý thức quốc gia” vẫn tiếp tục trường tồn tuy bị thu hẹp trong ý thức “làng nước”: làng chỉ là nước được thu nhỏ lại, và vị Thần Hoàng được thờ ở đình làng như những anh hùng dân tộc, những bậc thánh linh thiêng sẽ phù hộ cho người dân giữ làng giữ nước; còn làng là còn nước, bảo vệ làng là bảo vệ nước.


Để kết luận 

Trong lịch sử thế giới từ cổ chí kim, từ Đông qua Tây, không một dân tộc nào như dân tộc Việt Nam, sau một ngàn năm bị đô hộ bởi một nước lớn và mạnh như Trung Quốc, không những vẫn bảo tồn được nòi giống mà còn vẫn giữ được cơ cấu quốc gia, và lại tiếp tục duy trì nền tự chủ của mình trong suốt thời gian một ngàn năm nữa. Đó là nhờ ở những nhân tố mà tôi đã nêu ở trên, cũng như nhờ ở sự khôn khéo của ông cha ta đã biết lúc cương lúc nhu, lúc tiến lúc lùi, tuy giữ hình thức triều cống ba năm một lần nhưng vẫn luôn luôn cảnh giác, coi phương Bắc là giặc, là kẻ thù, không bao giờ coi là bạn cả. 

Tôi đồng ý rằng Lạc Việt đã thành công trong việc duy trì được bản sắc Việt tộc trước sự xâm lấn và đồng hóa của Hán tộc. Theo tôi, những nguyên nhân chính giúp cho bộ này còn tồn tại được là:

- Ý thức quốc gia được xây dựng từ sớm: Nếu để ý có thể thấy là không một nhóm Bách Việt (tên gọi những nhóm cư dân phi Hán cho đến trước thời Hán) có một ý thức quốc gia-dân tộc đúng nghĩa. Mặc dù đều là 'Việt', ý thức của họ mới dừng ở mức độ bộ lạc hoặc liên bộ lạc, một liên kết hết sức lỏng lẻo. Một vài nhóm Việt sau một thời kì dài bị Hán hóa hoàn toàn, họa chăng có một vài nhóm đạt được trình độ phát triển sớm như Ngô Việt, U Việt v.v Cả cái gọi là nước Văn Lang, Âu Lạc cũng không thoát khỏi tình trạng lỏng lẻo đó. Nhưng, sau khi diệt Âu Lạc, dù là kẻ chiến thắng nhưng là nhóm Hoa-Hán thiểu số trong một cộng đồng Việt tộc đông đảo, Triệu Đà đã khôn khéo lấy lòng những lực lượng người Việt thuộc Âu Lạc đã diệt vong. Những người Việt này được liên kết lại dưới trướng của Triệu Đà, dần dà giúp họ vượt qua phần nào giới hạn bộ lạc của mình (dù vẫn bị chế độ lạc hầu, lạc tướng cản trở). 

- Văn minh quốc gia: Như trên đã nói, không một nhóm Bách Việt nào có tổ chức hành chính, thể chế một quốc gia, kể cả Bách Việt. Khi Triệu Đà đến, mang kiến thức tân tiến về tổ chức, quản lí, điều hành một quốc gia thay thế cho một bộ lạc, lúc ấy dân Lạc Việt mới có được sức mạnh về tổ chức kinh tế, chính trị, xã hội, hành chính, quân sự, đủ làm nền tảng cho một quốc gia về sau. Giống như đất Triều Tiên không có Cơ Tử (người nước Yên thời Xuân Thu-Chiến Quốc) thì không mặc mũ áo (theo văn minh Hoa Hạ), sẽ không có một nước Việt Nam đúng nghĩa văn mình như ngày nay nếu không tiếp thu cơ cấu văn minh quốc gia của người Hán. Cũng chính nhờ điều này mà Việt Nam, cũng như Triều Tiên, mới đủ sức đương đầu với sự bành trướng của Hán tộc. 

- Dân số và huyết thống: Dân số Lạc Việt, thời đó là Âu Lạc rồi Nam Việt, lớn gấp nhiều lần dân số Hán tộc di cư đến. Thời Nam Việt dân Việt áp đảo dân Hán dù người cai trị là Triệu Đà. Phải vài thế kỉ sau người Hán mới di cư đến đông đảo hơn, nhưng vẫn không thể vượt dân Việt. Chính điều này đã giúp bảo tồn phần nào huyết thống Việt tộc, thể hiện qua việc đặc điểm di truyền của người Việt hiện đại giống với người Hoa Nam mà có phần khác người Hoa Bắc. Nếu để ý, có thể thấy hầu hết những vùng ảnh hưởng của Hán tộc là những vùng mà người Hán chiếm đa số, kể cả Tây Tạng, Tân Cương, rằng chính sự áp đảo về dân số và huyết thống này đảm bảo sự thống trị của người Hán. Sau thời Triệu Đà và bắt đầu Bắc thuộc, sự hòa huyết gia tăng giữa hai tộc Hán Việt, tạo ra một tầng lớp trung lưu lai Hán-Việt mà lòng trung thành của họ gắn liền với phương Nam (Việt Nam) thay vì phương Bắc (Hoa Hán). Chính điều này, chứ không phải chế độ mẫu hệ chi cả (vì xã hội mẫu hệ đã gần như tuyệt chủng từ lâu), đã giúp bảo tồn dòng máu và bản sắc Việt.

- Vị trí địa lí: Khoảng cách đến địa phận Lạc Việt tính từ trung tâm của đế quốc Trung Hoa (vùng đồng bằng Hoa Bắc), ở thời điểm bị xâm lược, là rất xa. Điều đó khiến chính quyền Trung Hoa khó khống chế được hoàn toàn khu vực này. Hiện tại thì những khu tự trị dân tộc ở Trung Quốc chính là minh chứng cho điều này: chúng quá xa hoặc quá hẻo lánh để có thể thiết lập sự thống trị của Hán tộc. Khoảng cách địa lí giữa một thuộc địa bị đô hộ tính từ trung ương đế quốc tạo cơ hội để dân bản địa được hưởng quyền tự trị với nhiều mức độ. Mặc dù về sau người Hán đã đến đông đảo, nhưng những người Hán di cư dần gắn bó với vùng đất mới đến hơn là nơi họ ra đi, phần nhiều vì giữa hai vùng quá xa xôi. Chính khoảng cách này đã tạo ra một khoảng cách mà chính quyền đế quốc đã không thể nào khỏa lấp, tạo điều kiện để khu vực Lạc Việt phát triển một ý thức độc lập so với chính quốc.

- Bản sắc văn hóa: Nói là bản sắc thì hơi xa vời, nhưng không thể phủ nhận một bản sắc về phạm trù văn hóa: lịch sử, ngôn ngữ, nghệ thuật, triết học, tôn giáo, phong tục-tập quán v.v đã tách rời Việt tộc khỏi Hán tộc. Sự tồn tại và duy trì của Việt ngữ, thứ ngôn ngữ đã được người Việt gìn giữ suốt hàng thế kỉ, là một phần của bản sắc đó. Tiếp đó kể đến nghệ thuật: những loại hình nghệ thuật bản địa của người Việt như hát tuồng, chèo, múa rối, tranh dân gian, thơ lục bát, những lễ hội địa phương v.v đã được phối quyện với văn hóa phương Bắc để tạo thành một nét văn hóa đặc sắc. Về tôn giáo, sự tồn tại và phát triển mạnh mẽ của Phật giáo trong suốt 400 đầu của thời kì tự chủ đã thêm thắt vào bản sắc đó một nét đặc trưng khác. Không dám nói điều này đủ để kéo giãn khoảng cách về ý thức tâm tưởng giữa hai dân tộc, nhưng sự tự nhận thức về nét khác biệt kể trên trong suốt 1,000 năm đã tạo một đặc trưng văn hóa giúp hình thành một dân tộc Việt hiện đại, cùng với dân tộc Hàn, Nhật, thoát khỏi vòng cương tỏa của dân tộc Hán.
Bài của Chưa Đặt Tên


http://cadaotucngu.com/Ngonngu/visao1000biphuongbac.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét