Người theo dõi

Thứ Ba, 21 tháng 2, 2017

ÔNG HÀNG XÓM


                                         ÔNG HÀNG XÓM

   Không rõ ông già Ba ở cái hẽm nhỏ này từ bao giờ. Khi vợ chồng Văn dọn về đây thì đã có mặt ông rồi. Ông khoảng hơn sáu mươi một chút, phong độ khá chải chuốt, sống một mình trong một ngôi nhà tinh tươm và rộng nhất hẽm. Ngoài nụ cuời và cái gật đầu khi được chào hỏi, thì hầu như ông rất ít tiếp xúc với ai. Mỗi ngày ông thức dậy từ năm giờ sáng, dẫn xe ra đầu hẽm mới nổ máy, đi đâu đó khoảng một tiếng hay hơn nữa tiếng rồi quay về. Lục đục trong nhà khoảng nửa tiếng nữa rồi lại ra đi. Mãi đến khoảng hơn bốn giờ chiều thì lại về. Rồi lại ra đi vào lúc sáu giờ hơn, khoảng một giờ sau thì lại về, đôi ba ngày thì thấy ông già ngà ngà say. Việc ông rời nhà hay trở về cũng có một điều hay hay, không bao giờ nổ máy ra đi hay chạy thẳng từ đầu hẽm vào tới cửa nhà vào giờ nghỉ ngơi. Nhà sáng đèn đến khoảng chín giờ rưỡi thì tắt. Hai tiếng rưỡi ấy không biết ông già làm gì? Ngày chủ nhật hay lễ thì cái thời gian biểu ấy có bị xáo trộn chút ít. Chẳng biết ông làm nghề gì để sống. Nhưng xem ra khá phong lưu.


  Thật ra Văn không để ý làm gì đến việc của người khác, ngoài những giờ dạy ở trường, còn phải đưa rước con, lo toan việc nhà trong những ngày vợ lên ca trực. Nhưng ở sát vách, nên mọi sinh hoạt của ông cứ đều đều diễn ra trước mắt, riết rồi vợ chồng Văn cũng biết khá tận tường. Chỉ có điều là Văn chưa bao giờ qua nhà ông. Bởi vì ông vắng nhà suốt. Ngày chủ nhật thì ông ở nhà nhưng lại ngồi lỳ trên máy vi tính. Một vài ngày có chị hàng xóm, tuổi ngoài bốn mươi có bộ dạng khá tinh tươm, tự mở cửa vào giặt giũ, lau dọn nhà cửa. Khi xong việc, ra về thì khoá cửa cẩn thận. Ngày chủ nhật thì lo cho ông hai bữa cơm. Đôi khi rỗi rãi Văn cũng có suy nghĩ về ông và thấy hay hay. Có một điều nữa làm cho vợ chồng Văn phải cãi nhau, đó là cái tivi. Vợ Văn thì bao giờ cũng thích mở lớn âm thanh, Văn không để ý chuyện này, nhưng về lâu về dài. Văn chợt nhận ra là ông già không như vậy, ông cũng mở nhạc để nghe, mở tivi để xem, nhưng khó mà nghe ké được. Văn hiểu tại sao ông làm vậy, nên Văn bảo vợ nên lưu ý chuyện này. Thế là hai vợ chồng cãi nhau. Nhưng cuối cùng vợ Văn phải nghe thôi. Văn rất muốn tiếp cận ông già, vì dù sao cũng là hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau, nhưng đã hơn năm rồi mà không có dịp.
   Thời gian trôi qua, cái dịp đó cũng tới. Ngày hôm đó Chủ Nhật. Buổi trưa yên ắng bổng có tiếng la hét, khóc lóc om xòm. Tất cả mọi người trong hẽm túa ra nhốn nháo. Thì ra, con của chị Năm, người thường hay giặt giũ, lau dọn nhà cửa cho ông già Ba, thằng bé bị phỏng nước sôi. Tất nhiên là ông cũng có mặt. Ông làm công việc sơ cứu một cách rất bài bản, trong khi làm, chắc có lẽ thấy Văn đứng gần nên ông nhờ Văn tiếp một tay. Sau đó hỏi chị Năm:
   - Cô Năm có tiền không?
    Chị Năm mặt mày thất sắc và nói như mếu:
   - Em chỉ có mấy chục ngàn. 
   Chẳng nói chẳng rằng, ông quay ngược về nhà, rồi nhanh chóng trở lại, đưa cho chị Năm một xấp tiền mà Văn cũng chẳng rõ là bao, nhưng có vẻ hơi nhiều. Thế là chị Năm tất tả đưa con đi bệnh viện. Sau khi cẩn thận đặt thằng bé lên xe lôi, ông quay nhanh về nhà, miệng lẫm bẫm:
   - Nói hoài mà cũng không nghe. Làm gì thì làm cũng phải trông chừng con cái. Đâu phải vì nghèo rồi bỏ mặc.
   Văn lấy làm lạ và đi sau ông đến gần tới nhà. Văn nói nhỏ:
   - Chú Ba ghé nhà cháu uống miếng nước.
   Ông quay lại nhìn Văn không trả lời, nhưng cũng cùng Văn vào nhà. Khi đã yên vị, ông lại đưa mắt nhìn quanh căn nhà của Văn, nhưng không chú ý cái gì. Văn rót nước mời. Ông nói nhỏ :
   - Cám ơn chú. Chà nhà cửa thế này mà hai vợ chồng với hai đứa nhỏ là hơi chật đấy. Nhưng ấm.
   Văn hơi bất ngờ. Thì ra ông cũng không đến nỗi là không quan tâm đến mọi người chung quanh. Văn nói khẽ:
   - Lương ba cọc ba đồng. Có một nơi kín nắng kín mưa là tốt rồi. Thưa chú.
   - Vợ chồng chú cũng khéo sắp xếp đấy chứ? Từ ngày vợ chồng chú về đây, ngôi nhà này sáng sủa hẵn ra. Tôi cũng vơi đi một số bực mình.
   - Dạ. Cám ơn chú ba. Cửa nhà chật chội, cũng phải tính toán một chút chú ơi.
   Ông lại thở dài:
   - Chả bù. Nhà tôi thì mênh mông mà chỉ có một mình, mà lại đi suốt. Về nhà thì lạnh ngắt, trống trơn. Con bé tốt nghiệp xong thì lại tìm việc ở thành phố. Không chịu về.
   Văn lại tò mò:
   - Chú Ba là người xứ này.
   - Tôi người ở đây. Sinh ra, lớn lên ở đây, lu bu suốt cũng ở đây, rồi mai kia ngủm chắc cũng ở đây. Ông già nói như một lời khẳng định.
   Văn phì cười:
   - Chú nói nghe thấy ghê?
   - Cái gì mà ghê. Chết thì ở đâu chẳng chết. Mà ai không chết. Bổng ông chuyển sang chuyện khác. Mấy đứa bé nhà chú được đấy. Nhưng vợ chú hay đánh con quá. Con nít, đứa nào cũng dễ dạy. Nghiêm khắc một chút cho nó sợ, đừng có đánh. Cực chẳng đã, thì đánh một roi vào mông cho thật đau. Mỗi cái mỗi đánh, đụng đâu đánh đó, riết nó lỳ ra. Mai kia mốt nọ, nó tức khí nó làm cho lợi gan. Thế là hỏng. Ủa thiếm nó và mấy đứa nhỏ đâu?
   - Dạ mấy mẹ con về ngoại chơi. Chiều mới về.
   - Ừ. Phải đó, lâu lâu nên dẫn con đi thăm nội ngoại, cô bác. Đừng có để mai kia mốt nọ lớn lên gặp giòng họ bà con thì trơ mắt ngó. Thôi tôi về đây. Chắc phải qua nhà thương coi thằng bé, con cô Năm ra làm sao? Tội nghiệp, làm thuê, làm mướn giáp xóm mà coi bộ nuôi thằng nhỏ không muốn trôi. Thằng bé trông rất dễ thương. Cám ơn chú ly nước.
   - Dạ. Đâu có gì chú Ba.
   Ông im lặng, đứng dậy ra về. Một lát sau Văn thấy ông lại dẫn xe ra đầu hẽm.
   
   Thằng bé con chị Năm đã xuất viện, cũng may là không nặng lắm và chẳng tật nguyền gì. Nhưng vết sẹo để lại trên lưng chắc cũng không nhỏ lắm. Ông già Ba thì gần như không phản ứng gì, chắc có lẽ ông nghĩ rằng mình đã làm tròn bổn phận của một người hàng xóm. Nhưng sự việc ở một cái hẽm nhỏ lắm người vô công rỗi nghề thì lại không đơn giản. Đang có những xì xào về cái quan hệ của ông già Ba và chị Năm làm thuê. Dù mới về ngụ ở đây hơn năm. Nhưng Văn biết khá rõ những người chung quanh. Vợ chồng anh thì lắm việc. Văn là một giáo viên của một trường tiểu học ở ngoại ô thị xã, vợ anh là hộ lý của bệnh viện đa khoa. Lương bổng của hai vợ chồng chỉ vừa vặn cho sinh hoạt hàng ngày tương đối no và lành. Nhà mà có việc gì cần tiền thì gặp rối rắm ngay. Hai vợ chồng phải rất dè sẻn, chi ly. Giao tiếp của hai vợ chồng đối với những người trong hẽm khá chừng mực. Nhưng cả hai cũng biết rõ chị Năm. Chị khoảng ngoài bốn mươi. Sự cực khổ, tảo tần chưa xóa hết được những nét xuân sắc còn đang đeo bám dai nhách trên khuôn mặt, nó không bị mờ đi mà hình như càng lúc càng làm cho sắc sảo thêm ra. Không hiểu trắc trở gì mà một thân, một bóng nuôi con. Ngôi nhà nhỏ xíu với đồ đạc tuềnh toàng, nhưng tinh tươm ra phết. Thằng bé lúc nào cũng sạch sẽ, lễ phép, đang học lớp bốn. Chị Năm làm đủ mọi việc từ giặt giũ, dọn dẹp, lau chùi nhà cửa cho những ai có yêu cầu. Thu nhập của chị cũng không nhiều nhặng gì nhưng nhờ siêng năng, khéo gói ghém, nên hai mẹ con sống cũng khá đàng hoàng. Việc làm ổn định nhất, có lẽ là nhiều nhất, là làm cho ông già Ba. Cứ mỗi tuần hai, ba lần, chị giặt giũ, ủi quần áo, lau dọn nhà cửa. Lâu lâu thì chị lại phải đột xuất nấu nướng, dọn dẹp sòng nhậu ở nhà ông. Bao giờ cũng thế, chị chỉ vào làm việc khi ông già Ba vắng nhà. Nhưng ngày chủ nhật thì phải lo cơm nước cho ông. Vợ Văn cứ thắc mắc mãi về việc này. Có lần vợ Văn bị cảm phải nhờ chị giúp. Vợ Văn gợi chuyện, hỏi chị về việc ông già Ba trả công chị thế nào thì chị trả lời có vẻ như là cho qua chuyện. Thế là không hỏi nữa. Văn không bao giờ chấp nhận việc vợ mình biết quá nhiều về chuyện hàng xóm. Rất dễ mất lòng.
   Rồi Văn cũng biết công việc của ông già Ba, khi anh đi thuê làm một số bảng biểu cho trường. Văn thật sự ngạc nhiên về cái nghề của ông. Ông là chuyên viên đồ họa vi tính cho một công ty quảng cáo khá nổi tiếng ở thị xã. Nghe đâu thu nhập của ông trên hai triệu đồng. Bọn trẻ tuổi như Văn nhào lên máy vi tính thì có cho kẹo cũng không dám lủi vào các phần mềm đồ họa, một phần vì không phải nghề, một phần vì quá khó. Không biết ông già này học từ bao giờ mà hay thế. Một người ở tuổi ông mà ngồi trên vi tính chơi game cũng đã hiếm thấy rồi, chứ đừng nói tới đồ họa. Cũng hay. Khi thấy Văn, ông già chỉ chào thôi chứ không hỏi. Từ đó bổng nhiên. Văn trở nên tò mò, hễ có dịp là anh tìm hiểu thêm về ông già. Cuối cùng thì chân dung của ông cũng hiện ra gần rõ nét. Ông là một người khá tài hoa, gần như ngược lại hẵn cái vóc dáng còm nhom, không lao động gì cực khổ nhưng lại không được trắng trẻo cho lắm. Đôi mắt mí lót hấp háy sau cặp kính làn hai tròng, lúc nào cũng ánh lên nét tinh nghịch hoàn toàn trái ngược với cung cách và tuổi tác của ông. Ngoài ra Văn cũng biết một chi tiết khá lạ lùng về ông. Cuối tuần, khi thì thứ bảy, khi thì chủ nhật ông thường hay vào bệnh viện, không phải để thăm ai. Ông vừa đi, vừa nhìn ngắm như người đi dạo ngoài công viên. Chi tiết này lạ thật. Văn nhủ thầm, phải tiếp cận ông già này mới được. Không chừng có cái gì hay đây. Nghĩ là làm.
   Ngày chủ nhật, khi ông già Ba vừa uống café sáng về tới. Văn chào ông :
   - Chú ba. Chủ nhật có độ nào không chú?
   Ông vừa dựng xe vừa nhìn Văn:
   - Có gì không chú Văn?
   Tôi cười cười:
   - Làm hàng xóm của chú gần hai năm mà không nhậu với chú trận nào thì kể ra coi cũng không được lắm.
   - Nhậu. Ông nhướng mắt qua cặp kính, nhìn Văn.
   - Vâng. Thưa chú.
   - Chà. Thầy giáo mà nhậu nhẹt xem ra không ổn.
   - Sương sương vừa nóng mặt thôi chớ lết bánh, học trò thấy được, chúng coi ra gì chú Ba.
   Ông nhướng mắt nhìn Văn :
   - Vậy thì được. Nhưng bao giờ? Ở đâu?
   - Tất cả mọi cái cháu lo. Nhưng ở nhà chú. Nhà cháu mấy đứa nhỏ lu bu. Mất ngon.
   Ông phang một câu làm Văn chết đứng:
   - Rồi. Năm giờ tại nhà tôi. Nhậu ở nhà tôi. Tôi lo. Chú mà lộn xộn mang cái gì qua thì thôi.
   Văn lí nhí:
   - Thế thì kẹt cháu.
   - Cái gì mà kẹt? Không thì thôi.
   Chẳng cần nghe Văn lý sự. Ông dẫn xe vào nhà. Văn nghĩ thầm “Chết mình rồi. Rủ ổng nhậu mà để ổng bao biện thế này. Ổng biến mình thằng nhậu chùa rồi“.
   Đúng năm giờ kém năm. Ông đứng trước cửa gọi vọng sang :
   - Chú Văn ơi. Nhậu.
   Văn bước sang nhà ông. Văn thật sự ngạc nhiên. Phòng khách khá rộng so với ngôi nhà, khoảng bốn mươi mét vuông chỉ bày trí có một bộ salon nhỏ bằng gỗ và một cái kệ vi tính đúng mốt và một giá sách hết ý chiếm trọn một khoảng tường cao gần ba mét, dài khoảng bảy tám mét. Văn ước lượng khoảng ba ngàn quyển. Tất cả bóng như lau, không một hạt bụi. Cái này chắc là thành quả của chị Năm đây. Nhưng làm cho Văn ngứa mắt là một hàng chữ Goethic rất điệu đàng “Xin đọc tại chỗ. Miễn cho mượn“. Ông chỉ ghế và mời Văn ngồi:
   - Chú chờ khoảng năm phút. Cô ấy mang thức nhắm ra. Chú đừng lo. Cô ấy luôn luôn đúng hẹn. À mà chú uống gì. Rượu hay bia.
   Văn trả lời mà mắt vẫn nhìn quanh:
   - Chú cho gì, cháu uống nấy.
   - Thế thì rượu đi nhé. Để ăn cho nhiều một chút. Khi về khỏi đòi cơm thiếm nhà.
   - Sách của chú nhiều quá.
   - Ôi. Cả đời tích cóp được bấy nhiêu? Khi nào chú cần đọc thì cứ qua. Ngồi đây đọc cho yên tĩnh dễ tiếp thu. Thôi mình nói chuyện chơi.
   Văn nghĩ thầm mà thấy bực “Đúng là không cho mượn thiệt. Nhưng ngồi ở đây mà đọc thì quả là thú vị. Mà ngộ nhỉ. Nhà ông ấy sao mà mát thế. Ơ, mà ông ấy đi tối ngày. Mình đọc làm sao? Đúng là nói cho có“. Tiếng của ông vang lên cắt đứt suy nghĩ của Văn:
   - Khi nào chú muốn đọc. Tôi đưa chìa khóa cho. Đọc xong thì khoá cửa nhà lại là xong.
   - Chú không sợ cháu  dọn nhà chú à?
   - Có gì mà sợ? Chú lấy của người khác thì người mất là chú chớ đâu phải là người khác?
   Văn chới với. Chưa chi mà ông già đã đánh phủ đầu mình, mà suy cho cùng thì cũng phải thôi :
   - Thế thì chú đã mất bao nhiêu sách rồi?
   Ông cười buồn :
   - Khoảng nữa kệ như thế. Tất nhiên, một phần lớn là do thất lạc. Nhưng tôi không buồn vì sách bị đánh cắp. Nhưng tôi buồn ở chỗ người ta đem nhân cách đổi lấy kiến thức. Nhưng khổ nổi kiến thức thì chưa chắc đã nhận được mà nhân cách thì mất tiêu.
   Cô ấy, là chị Năm, bưng vào một mâm đồ nhắm để lên bàn, rồi ra nhà sau lấy bếp cồn, ly tách, chén đủa, rượu mang ra sắp xếp lên bàn. Khi mọi thứ đã đâu vào đấy rồi lại trở vào, mở tủ lạnh lấy nước đá. Xem ra trong ngôi nhà này, mọi thứ đều thông thuộc với chị ấy. Văn lại nghĩ thầm “Hèn chi. Thiên hạ chẳng xầm xì“. Ông già Ba rót rượu ra hai cái chung nhỏ xíu, một chung để về phía ông, một chung để về phía Văn. Xong ông từ tốn đặt chai rượu vào một vị trí thuận tay cả hai người, rồi mời Văn:
   - Nào. Mời chú.
   - Vâng. Xin phép chú ba.
   Cả hai nâng ly. Mùi rượu thật thơm, thật đậm. Văn nuốt ngụm rượu tới đâu ấm tới đó. Để ly rượu xuống Văn nói:
   - Rượu dữ thiệt chú ba.
   Ông cười :
   - Uống như vậy nó mới hay, mới không thể uống nhiều. Rượu là một thức ăn, thức uống cần cho sự sống. Nhưng nếu mình làm khác đi thì rất có hại. Sách nói ” Vô tửu bất thành lễ”. Nhưng cuộc sống thì nói thêm “Quá tửu bất thành nhân” mà chú. Tôi thấy có nhiều người uống sao mà chết lên chết xuống. Tống cho đã vào, rồi móc họng ói ra, rồi lại nốc vào. Mà không biết để làm gì? Họ đâu muốn tự sát phải không chú?
   - Vâng. Thưa chú.
   Ông lại quay sang chị Năm, đang lau lau, quét quét cái kệ vi tính:
   - Cô Năm này. Có để lại gì cho thằng bé ăn không? Hay là bưng hết lại đây? À mà cô cũng về ăn cơm đi chứ? Năm giờ rồi.
   Chị Năm nói nhỏ:
   - Thì ông ba dặn thế nào tôi làm thế đó. Cơm thì đã ăn rồi. Sao lần nào ông Ba kêu làm cái gì cho ông Ba. Ông ba cũng nhắc tới việc phải chừa phần cho thằng nhỏ. Ông cưng chiều riết, nó hư mất. Tôi ngồi đây coi ông ba có cần gì không?
   - À. Tôi nhắc chừng vậy mà. Con nít mà, đứa nào thấy đồ ăn ngon mà không thích. Thôi. Nếu vậy thì ra sau xem ti vi đi? Chỗ đàn ông, đàn ang nhậu nhẹt. Đôi khi có nói lời khó nghe. Có gì nhờ thì tôi kêu.
   Chị Năm không trả lời mà lau dọn xong rồi ra nhà sau. Văn ngồi nhìn mâm đồ nhậu nghĩ thầm: Ông già này này phải công nhận là dữ thiệt. Mọi hành vi đều đúng mực. Kể cả thức nhắm để uống ruợu. Tiếng ông nhắc nhở:
   - Nào chú gắp thức ăn, rồi mình uống tiếp. Chú tự nhiên rót rượu nghen. Cứ rót cho đến khi nào cần thôi thì ngưng. Tôi không biết tửu lượng của chú nên không thể bắt chú theo tôi. Uống ít thôi. Ăn cho nhiều vào. Thức ăn cô ấy làm thì khó lòng bỏ mứa.
   Thế là một già, một trẻ, vừa ăn uống vừa rầm rì đủ thứ chuyện trên đời. Từ ngày biết tập tành chén chú, chén anh đến giờ. Đây là lần uống rượu làm cho Văn rất sảng khoái. Không nài ép, không nói năng vong mạng. Chuyện trò từ tốn. Ăn uống khá nhiều nhưng Văn không cảm thấy say. Chai rượu hơn nửa lít dần vơi, thì sự hiểu biết nhau càng lúc càng nhiều. Văn nghĩ mà tiếc tại sao gần hai năm ở sát vách mà mình mới quen ông. Qua câu chuyện, ông già hé lộ cho Văn biết chút ít về con người ông. Là một người có nhiều tài lẻ và ông sử dụng triệt để cái tài lẻ của mình để làm cho lắm kẻ liêu xiêu. Và có lẽ vì thế mà ông lập gia đình rất muộn. Vợ ông mất khi cô con gái mới muời tuổi, cô con gái duy nhất là lẽ sống của ông. Cô bé học giỏi, cá tính mạnh, nghe ông nói là đang có công việc ngon lành và ổn định ở một thành phố lớn, đã mua được nhà và mấy lần về năn nỉ ông lên trên ấy, nhưng ông không đi. Ông sống bằng đủ mọi nghề, kể cả chạy xe lôi, rồi honda ôm. Cái nghề mà ông đang làm, ông cho là tình cờ. Khi cô con gái than học vi tính khó quá. Ông nổi dịch mua một cái máy second hand và bảo “ Con nói đi. Phần mềm nào khó nhất, ba học cho con coi. Người ta tạo ra cho mình xài, mà xài không xong thì đúng là đồ bỏ“ Thế là cô con gái ông trêu ông “Ba học đồ họa đi. Ba mà học được. Con học được“. Thế là chẳng đến trường, đến lớp gì cả, ông cứ mua sách về mày mò. Đúng một năm sau, vừa làm lụng kiếm tiền nuôi con vừa tự học vi tính. Ông làm cho cô con gái phải le lưỡi, lắc đầu và phải ôm cặp đi học vi tính. Năm đó cô gái tốt nghiệp phổ thông trung học và đỗ đại học, cũng là lúc ông được công ty quảng cáo mời làm việc. Thu nhập khá hơn, đỡ cực nhọc hơn, một phần cho ông, hai phần cho con. Nay cô con gái có việc làm, thỉnh thoảng còn gửi tiền về cho ông, ông sắm thứ này, mua thứ khác mà ông cần. Thế là dư dã ra, ông đóng ngay cái kệ sách, lôi hết sách chất lung tung trong nhà, xếp lên kệ. Sống và vui với nó. Thỉnh thoảng dăm ngày ông cùng vài người bạn già lai rai.
Sau ngày uống rượu ở nhà ông già Ba. Văn cứ đắn đo mãi, con mọt sách trong người nó cứ ngọ ngoạy khi bắt được cái mùi sách ở bên kia bức tường. Biết rằng qua là được. Nhưng mới quen với ông già có một lần, nghe ông già cho xem, mà cái kiểu xem như thế thì quả là khó lòng mở miệng. Quái. Biết thế đừng rủ lão nhậu là xong. Thà không thấy thì thôi. Đã thấy rồi mà không ghé mắt vào thì quả là khó chịu. Văn cứ bức rức đi ra đi vào, rồi nhìn căn nhà cửa đóng im ỉm, anh đâm ra bực. Những khi thấy chị Năm mở cửa vào giặt giũ, dọn dẹp mà ứa gan. Rồi khi ông già về thì không dám vào vì sợ làm phiền. Còn ông thì cứ tịnh vô không mở miệng mời lơi một lần thứ hai. Thiệt tình chưa bao giờ cái máu mê đọc sách lại hành hạ Văn như thế.
   Đang loay hoay đi ra đi vào vì ngày nghỉ mà chẳng có việc gì làm. Văn đứng trước nhà nhìn ngó quanh quanh thì chị Năm từ nhà ông già Ba đi ra. Không biết cái gì xui Văn gật đầu chào chị. Chị Năm chào anh rồi nói:
   - Ông Ba nói khi nào cậu cần đọc sách thì đưa chìa khoá cho cậu, mà sao hơn tháng rồi không thấy cậu hỏi?
   Mừng rơn trong bụng nhưng Văn cũng nói:
   - Hôm trước chú Ba dặn là hỏi chú ấy. Nhưng bấy lâu nay hơi bận.
   - Đúng là ông Ba có dặn như vậy. Nhưng sau đó sợ cậu ngại, nên có dặn tôi. Nhưng lu bu rồi tôi cũng quên. Thế hôm nay cậu đọc không?
   Vừa nói vừa đưa xâu chìa khoá. Văn chộp lấy:
   - Cám ơn chị.
   - Cám ơn gì tôi. Cậu cám ơn ông Ba thì phải hơn. Nhưng tôi dặn cậu nè. Lấy sách ở chỗ nào, xem xong để lại chỗ đó. Kẻo ông ấy lại rầy tôi. 
   Văn cười nhìn chị, định nói cái gì đó nhưng rồi chuyển giọng:
   - Chị yên tâm. Tôi làm đúng theo lời chị. Nhưng tôi có thấy ông Ba rầy la gì chị đâu?
   - Chỉ cần ông ấy kéo xệ cái kiếng xuống nhìn là tôi muốn nín thở rồi, ở đó mà rầy. Thôi tôi về. Khi nào đọc xong cậu mang chìa khóa trả tôi.
   Chẳng ừ è gì ráo. Văn mở cửa vào nhà. Tất cả cuốn hút lấy Văn. Anh nhìn lên giá sách. Anh hết sức ngạc nhiên và thích thú. Hầu hết là sách Văn Học, Lịch Sử. Địa lý, một ít sách Tin Học và kinh sách Phật giáo. Đặc biệt là một selection tạp chí không chê vào ngả nào, được xếp thứ tự theo từng số. Nhìn kệ sách là anh muốn ngộp. Rốt cuộc anh chỉ đọc được vài chục trang cuốn Quo Vadis của Sienkiewicz. Tiếng chuông đồng hồ gõ ba giờ. Văn nuối tiếc đặt cuốn sách vào chỗ cũ ra về, mang chìa khoá đến trả cho chị Năm rồi về nằm nghĩ ngợi. Ông già quái thiệt. Vợ mất đã lâu, con gái thành đạt. Phong độ ra phết mà có lối sống hơi kỳ kỳ, nếu không muốn nói là lập dị. Ông ấy mà tuyên bố đi thêm bước nữa là khối người đưa đơn. Thế mà Bổng dưng Văn lo cho ông. nếu nửa đêm, nửa hôm có chuyện gì thì sao? Cũng lạ. Ông ấy nói ông sinh ra ở đây, từ nhỏ đến lớn sống ở nơi này. Thế thì anh em, con cháu ở đâu mà không thấy tới. Năm thì, mười họa mới thấy một người bạn đến thăm. Chị Năm lại lo cho một sòng nhậu, rồi thì người ấy mất biệt. À còn chị Năm nữa, hình như việc của ông già là việc của chị. Đồng ý là làm thuê. Nhưng chị ấy làm cho ông già Ba coi bộ khác hơn làm cho người ta. Nghĩ một hồi thấy đi quá xa. Văn lắc lắc cái đầu cho văng ra, rồi chuẩn bị đi rước con.
   
   Nhưng rồi chuyện đã tới. Ông bị tuột huyết áp, phải vào bệnh viện. Chị Năm ngày hai buổi lại vào bệnh viện chăm sóc cho ông, khi mà cô con gái chưa về kịp. Ngày hôm sau, cô con gái từ đâu đó về. Sau khi thăm cha ở bệnh viện. Mãi đến chiều cô bé về nhà, cô bé khoảng gần ba mươi, khá xinh nhưng phong cách quá sắc sảo làm Văn thấy gai gai. Văn định sang vừa hỏi thăm sức khỏe ông ba vừa làm quen, nhưng chị Năm tới. Không biết hai người nói chuyện thế nào mà một hồi cô gái to tiếng:
   - Con nói với dì bao nhiêu lần. Dì thương ba con thì dì phải về đây ở. Ai cấm cản dì đâu. Con không cản thì ai cản được?
   - Nhưng ông Ba không nói gì làm sao tôi dám. Cô nghĩ xem khi không tôi xồng xộc dọn về đây thì còn ra cái gì? Mà cô cũng ngộ. Biết ông Ba có thương tôi không mà cô xúi?
   - Mà dì có nói với ba là dì thương ba không?
   - Tôi đâu dám nói. Cô nghĩ xem tôi phải nói làm sao bây giờ? Tôi nghèo quá mà cô.
   - Dì điên thật rồi. Bộ nghèo rồi không có quyền thương ai hết sao? Thế tại sao dì lại nói với con. Dì không sợ con mà lại sợ ba con. Dì nói với con thì có ích gì? Đúng là dì điên thiệt. Cô gái thở hắt ra.
   - Tôi cũng không biết nữa.
   - Dì cũng lạ. Thương ai thì nói với người đó. Dì nói với con là đủ sao? Thiệt mấy người già khó hiểu. Thôi để sáng vô thăm ba. Con nói. Con mà thương ai con nói thẳng. Hơi đâu mà ở đó mà e dè.
   - Đừng cô. Để vài hôm ông Ba khỏe lại đã. Nhưng tốt nhất là cô đừng nói gì? Tại tôi chớ đâu phải tại ba cô đâu?
   Cô lại thở dài:
   - Con thì công việc lu bu. Nghe ba con bệnh là con muốn chết giấc. Không một ai có thể chăm sóc được ba con. Biết dì thương ổng. Con mừng húm. Già cả nương tựa lẫn nhau. Con chăm sóc cho ba con làm sao mà bằng dì được. Nhưng rốt cuộc rồi cũng chẳng tới đâu. Mà dì cũng lạ. Thương thì nói thương có gì mà sợ. Được thì được. Hổng được thì thôi.
   - Thôi để tôi vô bệnh viện với ba cô. Ban đêm, ban hôm không có người bên cạnh ông Ba là không được. Cô đi đường mệt lắm rồi, ở nhà nghĩ đi. Lâu lâu mới về nhà một lần. Để tôi dọn phòng cho cô rồi tôi đi.
   - Thôi dì đi đi. Con tự lo được mà. Con ở nhà chắc cũng không ngủ được. Nhà cửa gì mà lạnh tanh. Lần sau con về dì phải làm sao cho ấm lại. À con nghe nói thằng cu Tí bị phỏng nước sôi hả dì?
   - Có cô ạ. Nhưng không sao?
   - Thiệt tình. Thôi dì kêu nó lại ngủ với con. Con có mua cho nó mấy bộ quần áo. Chừng nào dì về đây ở. Cho thằng cu Tý ngủ ở phòng con nghen.
   Không nghe tiếng chị Năm nói gì. Nhà cách nhau một bức tường mỏng. Văn nghe gần như toàn bộ câu chuyện. Anh lấy làm lạ về cô gái này. Cô có tư tưởng khá thoáng. Thông thường khi mẹ mất mà người cha muốn đi thêm bước nữa thì cái rào cản lớn nhất chính là các cô con gái. Đúng là trong ngôi nhà bên cạnh nhà anh có quá nhiều điều lạ lẫm. Vợ anh chắc có lẽ đã nghe. Nên hỏi anh:
   - Bộ con gái ông ba về hả anh?
   - Ừ. Mà em có thăm ông ba không? Tình hình bệnh tật của ông ấy ra sao?
   - Không phải khoa của em. Nhưng em cũng có tới. Nhưng coi bộ khó vào thăm. Hỏi mấy chị ở khoa đó thì họ bảo “ Ông Ba nhẹ thôi. Nguyên nhân là ăn uống không đủ chất và làm việc quá căng thẳng. Tới giờ thăm bệnh hết người này tới người khác. Hình như anh em và con cháu của ông Ba không ít đâu? Em nghe nói hình như ông Ba giận ai đó mà cấm cửa không cho em út, con cháu tới nhà.
   - Em điên. Nhà ông ấy đóng cửa suốt. Ai tới để làm gì? Để ngó à?
   - Anh có nghe cô con gái ông Ba nói gì không?
   - Nghe. Em nghe sau thì để vậy. Bàn tán tùm lum là không được.
   - Tới phiên anh điên. À. Đâu bữa nào ông Ba hết bệnh, anh gợi ý ổng xem. Chớ em thấy chị Năm…
   Văn trợn mắt:
   - Này. Chấm dứt vụ này. Chuyện của người khác.
   Vợ Văn nín thinh. Văn nghĩ vụ này tình tiết éo le đây. Hèn chi thiên hạ xầm xì. Và anh cũng hiểu tâm trạng của cô gái.
    
   Thế là ông Ba hết bệnh về nhà sau một tuần nằm viện. Cô con gái ở lại đôi ngày chăm chút cho cha và chị Năm thì không thấy tới. Khi cô gái đi rồi thì mọi việc vẫn như cũ. Một ngày cuối tuần Văn qua thăm ông già Ba. Văn bước vào thấy ông đang lọc cọc trên vi tính. Anh lên tiếng:
   - Chào chú ba. Chú hôm nay thiệt khỏe.
   Ông nhìn Văn qua cặp kính làn:
   - À. Chú Văn. Cám ơn. Tôi hôm nay thiệt khỏe rồi. Chú ngồi chơi.
   - Dạ. Cám ơn chú ba.
   Ông rời máy, đứng dậy ra nhà sau rồi trở ra salon đặt hai cốc bia xuống bàn :
   - Mời chú. À. Không thấy chú qua đọc sách?
   - Nhà chú có chuyện. Cháu…
   - À. Tôi quên. Mấy ngày tôi bệnh. Cô ấy cứ đi đi, về về suốt làm sao mà chú lấy chìa khóa. Lại phải cám ơn cô ấy nữa đây.
   Văn nghĩ thầm, không lẽ ngần này tuổi mà ông không nhìn thấy và hiểu ra những thái độ và tình cảm của chị Năm dành cho ông sao. Văn nói cho có:
   - Thì chị ấy có việc, chú giúp. Ông gặp chuyện thì chị ấy lo. Với lại…
   - Với lại… làm sao. Chú nói tiếp đi.
   Văn ngượng nghịu:
   - Dù sao chú Ba cũng là ông chủ của chị ấy.
   Ông nhướng mắt nhìn Văn:
   - Chú nói nghe ngộ à. Chủ cả gì ở đây? Thuê ai làm cũng vậy. Thì thuê cô ấy làm trả tiền cho cô ấy. Người cần việc, kẻ cần giúp. Thế thôi. À, chú thấy con gái tôi thế nào?
   - Cô ấy giỏi đấy chú ba. Cách xử sự của cô ấy khá thấu tình đạt lý đấy. Nhưng thẳng quá. Văn thăm dò.
   Ông già Ba nín thinh, tỏ vẻ trầm ngâm. Cuối cùng. Ông làm cho Văn bất ngờ :
   - Vâng. Con tôi nó như thế đấy. Nó là con trai thì đúng hơn. Tuổi còn trẻ. Tâm trạng của những người già như chúng tôi làm sao nó hiểu hết. Chú biết không. Nó kêu tôi đi thêm bước nữa với cô ấy. Không phải một lần mà nhiều lần. Ban đầu tôi chỉ cười. Nhưng dần dà, tôi biết lý do tại sao nó làm thế. Tôi cũng biết tình ý của cô ấy và của cả tôi nữa. Nhưng có một điều mà tôi không thể nào giải quyết nổi. Nếu như cô ấy về ở với tôi, thì dù với tư cách nào chăng nữa thì cũng chỉ là một người làm mọi không công. Nếu tôi đi một cách ngọt xớt thì chẳng chuyện gì. Nhưng ỉa trây, đái dầm thì khổ cho người ta. Chú thấy đó, mới có mấy ngày, mà thần sắc của cô ấy như thế đó. Thương người ta thì đem đến cho người ta một chỗ dựa. Nhưng tôi thì lại là cái chỗ dựa quá lung lay. Thôi thì như vậy hóa ra hay. Ôm đồm một trách nhiệm quá lớn mà làm không xong thì rối nùi cả cục. Thôi cứ như vậy, tôi giúp cho cô ấy nuôi thằng bé được ngày nào hay ngày nấy. Chú uống đi. Nước đá tan ra hết rồi.
   Văn không biết phải nói gì với ông. Hớp một ngụm bia. Cái lạnh của nó không phải là cái lạnh của nước đá mà là cái lạnh của nỗi quạnh hiu. Ông nói đúng. Ông lại tiếp:
   - Chú về đây gần hai năm. Tôi biết chú thắc mắc nhiều về cung cách sinh hoạt của tôi. Chú biết không? Những thắc mắc loại ấy sẽ được giải quyết gọn nhẹ khi tôi đứt. Nhưng khổ nỗi chuyến viễn du khập khiểng này chưa biết bao giờ dừng lại? Thế nên, tôi cứ làm theo ý mình, miễn sao đừng gây phiền toái cho mọi người. Nếu có, thì mong là nó ít ít thôi. Thôi chú cứ ra vào nhà đọc sách tự nhiên. Có kẻ ra, người vào cho căn nhà bớt lạnh.
   Văn không biết phải nói gì với ông. Thực ra việc của ông thì chẳng có gì phức tạp. Nhưng có lẽ ông quá cầu toàn nên mới như thế. Văn từ giả ra về sau khi nói với ông vài lời mong ông giữ gìn sức khỏe.
   Những ngày sau đó Văn thường hay qua nhà ông khi rỗi rãi. Khi thì có ông ở nhà, khi thì chỉ có chị Năm. Cũng có khi không ai cả. Anh chúi mũi vào cái kệ sách. Anh lên kế hoạch đọc hẵn hoi. Đối với chị Năm, Văn chỉ chào hỏi và không gợi chuyện, vì hỏi, chắc chị Năm chẳng bao giờ nói. Đối với ông già cũng thế, bởi vì ông biết rằng Văn qua đây là để đọc sách.
   Ông già kỹ tính thật. Mỗi một quyển sách đều có một tấm card, loại để in danh thiếp, để làm dấu. Trên tấm card có in một mặt là ”card làm dấu”. Mặt thứ hai có in mấy giòng như sau “ Đọc sách là để hình thành nhân cách và mở mang kiến thức. Tôn trọng và gìn giữ sách cũng là cách thể hiện một nhân cách tốt, kiến thức tốt “. Ấy thế mà sách của ông vẫn bị đánh cắp, bị cho mượn rồi bị quỵt luôn. Ông đã gia thêm phần thú vị cho từng quyển sách. Nhưng không phải ai cũng nhận ra khi cầm quyển sách của ông trên tay.
   Ông già vẫn sinh hoạt theo cái thời gian biểu của mình và Văn cứ qua nhà ông như vào một thư viện. Một ngày cuối tháng. Thằng nhóc nhỏ của Văn bị sốt. Thế là vợ Văn ở hẵn trong bệnh viện với con. Văn vừa đi dạy, vừa cơm nước cho cả nhà, lại phải đưa đón thằng con lớn đi học. Bệnh tình thằng nhóc khá phức tạp. Còn những mười ngày nữa mới có lương mà thằng bé thì chưa có bảo hiểm. Văn phải chạy vạy tứ tung. Khi vay được mấy trăm bạc Văn ba giò bốn cẳng vào bệnh viện đưa cho vợ. Khi dúi mấy trăm vào tay vợ thì vợ anh nói :
   - Không biết có ai đó gửi cho vợ chồng mình hai trăm, mà không ghi tên họ địa chỉ, cũng chẳng viết một giòng nào. Hỏi người đưa thì họ nói không biết.
   Văn lấy làm lạ, nhưng trong lúc không tiền mà được người hảo tâm giúp thì mừng. Rồi Văn cũng quên tuốt khi thằng bé xuất viện. Cuộc sống thì thế đó. Khi qua sông thì quên mất chuyến đò.
   Văn lại qua nhà ông già đọc sách. Hôm nay thì có chị Năm đang ủi quần áo ở nhà sau. Văn vừa đọc được dăm mười trang thì chị Năm bước ra vừa đưa xâu chìa khóa cho tôi vừa nói:
   - Cậu đừng có động máy vi tính của ông ấy. Tôi lu bu quá quên dặn cậu. Nói thật. Tôi cũng biết chút đỉnh, nên thấy nó cũng ngứa tay, ngứa mắt. Nên tôi cũng táy máy mấy lần. Ông ba gặp, không nói gì, nhưng sắc mặt của ông đã làm tôi khó ngủ mấy đêm. Thấy cậu mê sách. Tôi sợ cậu vì tò mò mà mất đi cái dịp thỏa mãn ý thích đọc sách của mình. Xin lỗi cậu. Thời bây giờ, mà tìm được một nhà có cái tủ sách như thế không dễ đâu, muốn mua được ngần ấy sách lại càng khó hơn. Có nhiều lúc tôi ở nhà ông ba hơi lâu là để đọc sách đấy. Còn cái máy vi tính thì xin chừa.
   Chị nói một hơi rồi bỏ về bỏ ra về. Văn lấy làm lạ, qua những gì chị Năm nói nó cũng hé lộ cho Văn thấy được phần nào về chị, Văn nghĩ bà chị này chắc cũng không đơn giản gì lắm đâu? Một người đi làm thuê độ nhật, mà có khả năng táy máy trên máy vi tính quả là hay đây. Nhưng cũng qua đó nó kích thích tính tò mò làm cho Văn đặt quyển sách xuống bàn. Anh bước tới thấy màn hình đang chạy Screen Saver. Đưa tay chạm vào con chuột thấy không có Password và màn hình hiện lên chương trình Microsoft Word với một bài thơ. Văn kêu lêu nhỏ :
   - A. Ông già làm thơ.
   Anh lẩm nhẩm đọc:

                  XA QUÊ
        Xa quê lúc chửa nên người,
Đi loanh quanh khắp nẻo đời đắng cay.
       Bon chen hết cả ban ngày,
Đêm say tít mộng chôn vùi tuổi thơ.
       Để khi về lại quê xưa,
Bổng dưng mình thấy mình chưa nên người.
       Tóc pha sương nắng cuộc đời,
Đường xưa, lối mới ngậm ngùi dấu chân.
Đọc hết bài thơ và Văn thật sự rúng động. Từ ngày lập gia đình đến giờ anh chưa một lần về quê. Nỗi nhớ nhà cứ chìm khuất đâu đó trong vô vàn khó khăn của cuộc sống. Ông già này không đơn giản thật rồi. Nỗi nhớ quê của ông sao mà đầy vẻ hiền triết đến thế kia, nhưng ngôn ngữ thì bình dị như ca dao. Sự tò mò làm cho Văn mở Explore. Anh thật sự kinh ngạc. Không biết cơ man nào là dữ liệu. Chọn xem cái nào đây. Cuối cùng anh mở file có cái tên khá ấn tượng “Trả Ơn Đời “. Văn nghĩ nó là một bài thơ, nhưng khi nó bung ra anh thật sự kinh ngạc với lời mở đầu như sau “Ngày 24.12.1991. Ngày Noel mà cháu bị bệnh, bệnh nặng mà nhà không có tiền. Mình thật sự rối rắm. Đưa cháu vào bệnh viện mà chỉ có mấy chục ngàn. Mình thật sự hoảng loạn. Nhà không có gì để bán. Gà trống lại nuôi con. Em út thì ở tận trong quê mà cũng nghèo. Nhưng rồi những người không quen biết. Người cho tiền, người cho cơm, cho cháo, người giúp chăm nom săn sóc. Gần một tháng sống trong sự bảo bọc của mọi người cháu đã qua cơn nguy hiểm và lành bệnh trở về. Cuộc sống đã che chắn lên cha con mình một cái ơn quá nặng. Từ đây cho tới giây phút cuối cùng của đời mình, à cả con con nữa, phải trả cho được ơn này. Biết rằng không trả hết. Nhưng cố gắng thôi. Mình ghi lại những giòng này không phải là để tự hài lòng mình, hay để sau này kể lể với mọi người. Mà xem đó như là một lời nhắc nhở. Nhắc nhở mình, nhắc nhở con mình phải cố gắng nhiều hơn”

Bên dưới này giòng chữ này là những ngày tháng mà ông đã gởi được cho ai bao nhiêu tiền hay cái gì đó cho ai cần khi họ gặp khó khăn. Hơn hai mươi trang A4, size chữ 12. Những món tiền được gởi đi mỗi lần không lớn, những món đồ giá trị không cao. Nhưng với người nhận thì thật sự cần thiết, vì thế nó một giá trị không nhỏ chút nào. Mười mấy năm như vậy, ông kiên trì làm cái công việc này như lời ông gọi là Trả Ơn Đời. Và Văn thật sự không ngờ khi đọc giòng cuối cùng. Ngày… tháng… năm… gởi giúp con chú Văn nhà bên cạnh được 200.000đ. Văn lướt lại lần nữa không tìm thấy giòng nào ông ghi giúp cho chị Năm khi thằng con chị bị phỏng, trong khi gần như cả hẽm này hầu hết đều được ông kín đáo giúp đỡ. Tại sao lạ vậy kìa? Văn chợt hiểu ra, lý do cuối tuần ông đi dạo trong bệnh viện.
Văn về nhà, sau khi mang xâu chìa khóa cho chị Năm, anh cứ suy nghĩ mãi không biết có nên nói cho vợ không? Quả tình, tiền viện phí cho con không nhiều, nhưng nếu không có món tiền của ông thì Văn sẽ gặp không ít rối rắm. Nhưng cuối cùng anh quyết định không nói và tự hứa sẽ tìm cách giải quyết chuyện của ông già và chị Năm. Phải giải quyết thôi. Ông ấy có cái cách trả ơn của ông ấy thì Văn cũng phải có cái cách của mình. Chấp nhận mang tiếng “gánh bàn độc mướn”. Ông già Ba có nổi dịch mà đánh phủ đầu anh. Văn cũng chịu. Bởi vì những điều cô con gái ông nói hoàn toàn có lý.

Ông già Ba và Văn bước vào phòng ăn loại dành riêng của nhà hàng. Văn mời ông ngồi vào một vị trí trang trọng mà anh đặt sẵn. Khi ngồi xuống ông đảo mắt nhìn quanh rồi hỏi:
- Có gì mà trang trọng vậy chú Văn? Còn ai nữa?
- Dạ còn vài người nữa. Thưa chú. Họ cũng sắp đến. Chú ba hôm nay trong người thấy thế nào?
- Khỏe hơn lúc trước. Nhờ mấy lọ thuốc của con bé gởi về. Nhưng chủ yếu là thằng đệ tử dạy nó mấy tháng nay có tiến bộ, nên công việc cũng bớt căng thẳng. À những người này là ai vậy?
- Quen thôi chú ba. Cháu biết chú không thích ồn ào nên
Người phục vụ bước vào nói:
- Thưa đây có phải là bàn của ông Văn?
- Phải.
- Khách mời của ông đã đến.
- Anh mời vào.
       Chị Năm và cô con gái ông già Ba xuất hiện. Văn mời chị Năm ngồi cạnh ông. Chị luống cuống ngồi xuống, mặt đỏ lên dưới ánh đèn. Cô con gái ông thì ngồi trước mặt Văn. Anh cố đoán xem thái độ của ông nhưng không thể. Cuối cùng ông cũng lên tiếng với con mình:
- Con về từ bao giờ?
- Con về tới lúc hai giờ. Nhưng ghé nhà thì ba đã khóa cửa. Con ghé thăm cô Bảy
Ông già ngắt lời con :
rồi ghé nhà cô Năm. Chờ đúng lúc là bước vào đây. Con thiệt tình. Trứng đòi khôn hơn rận. Con với chú Văn bày ra cái trò này phải không? Thôi mời. Cứ ăn uống đi. Ba biết con muốn gì? Muốn gì thì ăn uống cho no rồi hẵn nói. Nhưng ba nói trước. Chuyện của ba. Ba lo
Ông quay sang chị Năm nói nhỏ:
- Cô Năm cũng ăn đi. Ngồi cho thoải mái lại coi. Cái gì mà né qua, né lại như vậy làm sao mà ăn uống cho ngon được.
Buổi tiệc do Văn chủ xị. Nhưng ông lại là người chủ động trong mọi việc. Ông đứng dậy rót rượu cho từng người rồi ngồi xuống cầm ly rượu lên và mời mọi người. Khi mọi người để ly xuống. 
Văn nhìn cô con gái ông. Cô đứng dậy:
- Thưa ba. Hơn ai hết ba biết con muốn gì? Ông bà ngày xưa có câu “Con cái nuôi mẹ nuôi cha. Làm sao bằng được ông bà nuôi nhau“. Con dù cho có hiếu thảo thế nào chăng nữa, dù lúc nào con cũng ở bên cạnh ba, thì việc chăm sóc cho ba cũng không chu đáo được. Sự lo toan cho ba, mà con có thể làm được là đáp ứng mọi yêu cầu của ba về mặt vật chất, sống ngay ngắn cho đẹp lòng ba. Nhưng trong cuộc sống hàng ngày thì con không thể. Ba trách mắng con thì con chịu. Từ ngày má mất đến giờ, con lớn lên một, ba già thêm ba bốn vì cảnh gà trống nuôi con. Thế nên con nhờ dì Năm, à không má Năm, chỉ có má Năm mới chăm sóc cho ba một cách chu đáo. Bởi vì trên vị trí vợ chồng thì sẽ không có bất cứ một khoảng cách nào cả. Phải không ba? Ba đừng nghĩ là làm như thế là biến má Năm thành người ở không công. Ba cũng đừng nghĩ rằng làm thế là gây tủi buồn cho vong hồn của má. Con biết con phải làm gì và cư xử với má Năm như thế nào cho đúng đạo làm con. Với lại thằng cu Tý rất dễ thương phải không ba. Ba đã từng ao ước có một thằng con trai là gì? Để hủ hỉ với ba, với con. Ngoài ra còn một điều nữa. Ba cho là con nói leo cũng được. Con sẽ nhận lỗi với ba. Điều đó là thế này. Bất cứ ở lứa tuổi nào cũng thế. Tình yêu đều nóng bỏng như nhau dù cho cách thể hiện có từ tốn cách mấy cũng thế. Sợ không chừng vì vậy mà nó còn nóng hơn. Ba dập tắt làm gì khi mà ngọn lửa ấy bùng lên đâu có gì sai trái. Hén. Ba hén
Cô con gái ngồi xuống. Anh cũng không ngờ là cô con gái của ông già Ba lại có cái lập luận rất chặt chẽ và cách trình bày lém đến thế. Văn nhìn ông, ông vẫn tỉnh queo. Còn chị Năm thì khỏi phải nói. Văn phải tiếp lời:
- Thưa chú ba. Chính cô nhà và cháu sắp xếp buổi gặp mặt này. Lâu lắm rồi, cái bếp gas nhà chú chưa bao giờ đỏ lửa thường xuyên, mà những lần đỏ lửa thất thường ấy thì lại không nhằm cái mục đích đích thực của người mua nó. Cháu biết, chú không muốn mình là gánh nặng cho bất cứ ai. Nhưng chính việc chú đè nén lòng mình, nó trở thành gánh nặng cho chính chú, cho chị Năm, cho cô nhà và cho cả người hàng xóm kế bên. Chú cho phép cháu nói một câu. Ngôi nhà chú lạnh quá. Chú cảm thấy điều đó mà. Cháu nhớ là chú đã có một lần khen ngôi nhà của cháu ấm.
Mặc cho tôi và cô con gái thay phiên nhau nói. Ông và chị Năm cứ lặng yên. Nhưng cuối cùng ông cũng lên tiếng:
- Cũng ngộ. Con đã ngần ấy tuổi rồi. Mấy lần ba bảo con lập gia đình thì con lắc lắc cái đầu. Thế mà bây giờ con tính cưới vợ cho ba. Con với thằng Cu Tý tính làm sui à. Vụ này mới à nghen. Lại có ông hàng xóm toan tính kiếm đầu heo nữa chứ. Thôi ăn uống cho xong cái đã.
Ông quay sang chị Năm đang ngượng ngùng, dù chị đang hả lòng hả dạ vì có người thổ lộ dùm mình. Ông nói:
- Thôi. Ăn đi cô Năm. Mấy món ngon quá. Chú Văn thật khéo chọn.
Thế là ông gắp cho người này, ông rót cho người kia. Ông nói hết chuyện này, ông quay sang chuyện khác. Ông làm cho không khí rộn lên. Cái tài lẻ của ông không ngờ lại thượng thừa đến thế. Ai nấy đều nhanh chóng quên đi những bức bối, ngượng ngùng. Những tiếng cười ròn tan. Thấp thoáng trên môi chị Năm đã có những nụ cười nhẹ nhàng, và dù cho nó nhẹ cách mấy cũng đủ để làm cho ánh mắt của chị lấp lánh dưới ánh đèn. Tình yêu kỳ diệu thật.
 Thoáng một lúc mọi thứ trên bàn đã giải quyết xong. Cô con gái lên tiếng:
- Ba. Ăn xong rồi ba! Ba tính sao ba?
Ông không trả lời con gái mà đặt bàn tay gầy guộc, hơi run run của mình lên vai chị Năm, nói bằng cái giọng rất hóm rất phù hợp với ánh mắt tinh nghịch của ông vậy :
- Năm đưa thằng cu Tý về làm ấm lại nhà tôi. Nghe Năm. Ngôi nhà của tôi lạnh quá.
Chị Năm cúi xuống định dấu ánh mắt của mình, nhưng làm sao mà chị dấu được. Nó sáng quá. Chị đành nói thật nhỏ. Vâng thật nhỏ:
- Chỉ một mình thằng cu Tý thôi sao? Ông Ba.
- Năm nữa chứ. Một mình thằng cu Tý thì ấm có chút xíu hà? Làm sao mà đủ? Mà tại sao Năm lại kêu tôi là ông Ba? 

Tháng 3 năm 2004
Quán Tâm Nguyễn Hiền Nhu


2 nhận xét:

  1. - Năm đưa thằng cu Tý về làm ấm lại nhà tôi. Nghe Năm. Ngôi nhà của tôi lạnh quá.
    Chị Năm cúi xuống định dấu ánh mắt của mình, nhưng làm sao mà chị dấu được. Nó sáng quá. Chị đành nói thật nhỏ. Vâng thật nhỏ:
    - Chỉ một mình thằng cu Tý thôi sao? Ông Ba.
    - Năm nữa chứ. Một mình thằng cu Tý thì ấm có chút xíu hà? Làm sao mà đủ? Mà tại sao Năm lại kêu tôi là ông Ba?

    Ha..ha..ha...
    Có được tính cách như ông Ba và vợ chồng Văn này ở VN thì hơi bị hiếm, trên thực tế thì hầu như ai cũng dòm ngó vào chuyện nhà người ta và nói hành nói tỏi - cả đời, làm 'hao tổn nguyên khí' một cách vô bổ, thậm chí có vô số người cho đến khi 90 tuổi ngáp ngáp rồi mà vẫn còn nói ra nói vào, nói cả ngày... chuyện của thiên hạ! Nếu dân ta ai cũng có 'tính cách tự trọng và độc lập như ông Ba và vợ chồng Văn' (trong bài này) thì có thể lịch sử ta đã... đổi đời rồi!, chắc vậy!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. NGLB nói đúng. Cuộc sống hier65n tại, con người ta càng lúc càng trở nên vô cảm, thường đem nổi bất hạnh của người khác để mà vui. Lão già ba và vợ chồng giáo văn này thì quả là rỗi hơi. Ông bà ta có câu này "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng" nghe vừa có vẻ tiêu cực và cũng rất tích cực tùy theo cách hiểu hoặc cách xử lý việc chung của từng người. Những nhân vật trong truyện thuộc loại người này, nhưng đáng yêu và họ là những con người có thật, dù rất hiếm,

      Xóa