NGUYỄN CÔNG TRỨ (1778-1858)
Nợ Tang Bồng Trang
Trắng Vỗ Tay Reo
“To be
or not to be”. Trước Nguyễn Công Trứ 200 năm, một cây đại thụ trong nền văn học
phương Tây Shakespeare (1564-1616) đã phân vân về sự tồn tại của con người, dù
Shakespeare luôn luôn tồn tại. Nhưng Nguyễn Công Trứ thì không. Ông khẳng định
sự tồn tại của bản thân ngay trong cuộc sống của mình. Và ông khẳng định bằng
hành động tích cực, bằng trí tuệ trác việt, bằng trái tim nồng nàn trên mọi môi
trường sống mà ông đặt chân vào. Những bước chân vững chãi, tự tin. Khúc nhân
gian 81 năm của ông tuyệt nhiên không một chút hoài nghi.
Ông luôn
luôn tồn tại. Tồn tại theo một cách không lẫn vào ai. Ông tự khẳng định ông là
Nguyễn Công Trứ và chỉ là Nguyễn Công Trứ mà thôi. Gần hai chục bài thơ tình
xuất phát từ trái tim, ông viết những cảm xúc của chính ông thì quả là lạ lùng
và gây kinh ngạc cho những người đương thời và cả hậu thế. Cũng lạ lùng thay,
những người đương thời không một ai phê phán ông. Không thích ông, thậm chí
ghét ông, hại ông. Nhưng không ai dám chê bai ông về bất cứ chuyện gì. Nếu có,
thì chỉ một vài hậu sinh bát nháo. Bao nhiêu đó cũng thấy Uy Viễn Tướng Công là
người lịch lãm thế nào.
Tình yêu
không chỉ là anh yêu em, em yêu anh, chúng mình yêu nhau. Tình yêu phải được
thể hiện trên mọi khía cạnh của đời sống và cao hơn nữa là bảo vệ sự cộng sinh
tuyệt diệu mà tạo hóa đã ban cho. Từ ngày có tư duy, có tiếng nói. Con người đã
chẳng thể hiện tình yêu đó là gì. Chặt một cái cây khi thật sự cần thiết, săn
một con thú hay bắt một con cá, hái một trái cây rừng chỉ vừa đủ cho một bữa
ăn, nếu hơn nữa là đưa cho ai đó. Thái độ đưa cho ai đó chính là tình yêu. Giật
của ai đó chính là tội ác. Hủy hoại thiên nhiên, tàn sát muôn loài một cách vô
cớ, hay vì những yêu cầu hư ảo tức là
không yêu mình, không yêu người, mà còn là một tội ác lớn hơn. Hầu hết những
người làm thơ từ trước đến nay hình như chưa bao giờ vướng phải cái tội tày
đình này. Mà họ nhát hít, có dám làm gì đâu. Họ sẽ không còn làm thơ được nữa,
có nghĩa là họ không được công nhận là người làm thơ. Đó là một bản án còn nặng
hơn bị tử hình. Bởi thế cho nên nhà thơ làng Uy Viễn khi mang gươm xông pha
trận mạc, ông luôn luôn tôn trọng chẳng những sinh mạng của tướng sĩ thuộc
quyền mà cho cả đối phương. Nhà thơ cần sự bình yên để sống cùng, và để… khoái
chí. Nhà thơ không cần phải chém giết cho nhiều để hiển hách công lao. Nguyễn
Công Trứ sẵn sàng chấp nhận thiếu thốn, thiệt thòi cho bản thân mà không một
lời than vãn.