Người theo dõi

Thứ Hai, 22 tháng 5, 2017

NGUYỄN CÔNG TRỨ (1778-1858) Nợ Tang Bồng Trang Trắng Vỗ Tay Reo

NGUYỄN CÔNG TRỨ (1778-1858)
Nợ Tang Bồng Trang Trắng Vỗ Tay Reo


“To be or not to be”. Trước Nguyễn Công Trứ 200 năm, một cây đại thụ trong nền văn học phương Tây Shakespeare (1564-1616) đã phân vân về sự tồn tại của con người, dù Shakespeare luôn luôn tồn tại. Nhưng Nguyễn Công Trứ thì không. Ông khẳng định sự tồn tại của bản thân ngay trong cuộc sống của mình. Và ông khẳng định bằng hành động tích cực, bằng trí tuệ trác việt, bằng trái tim nồng nàn trên mọi môi trường sống mà ông đặt chân vào. Những bước chân vững chãi, tự tin. Khúc nhân gian 81 năm của ông tuyệt nhiên không một chút hoài nghi.
Ông luôn luôn tồn tại. Tồn tại theo một cách không lẫn vào ai. Ông tự khẳng định ông là Nguyễn Công Trứ và chỉ là Nguyễn Công Trứ mà thôi. Gần hai chục bài thơ tình xuất phát từ trái tim, ông viết những cảm xúc của chính ông thì quả là lạ lùng và gây kinh ngạc cho những người đương thời và cả hậu thế. Cũng lạ lùng thay, những người đương thời không một ai phê phán ông. Không thích ông, thậm chí ghét ông, hại ông. Nhưng không ai dám chê bai ông về bất cứ chuyện gì. Nếu có, thì chỉ một vài hậu sinh bát nháo. Bao nhiêu đó cũng thấy Uy Viễn Tướng Công là người lịch lãm thế nào.
Tình yêu không chỉ là anh yêu em, em yêu anh, chúng mình yêu nhau. Tình yêu phải được thể hiện trên mọi khía cạnh của đời sống và cao hơn nữa là bảo vệ sự cộng sinh tuyệt diệu mà tạo hóa đã ban cho. Từ ngày có tư duy, có tiếng nói. Con người đã chẳng thể hiện tình yêu đó là gì. Chặt một cái cây khi thật sự cần thiết, săn một con thú hay bắt một con cá, hái một trái cây rừng chỉ vừa đủ cho một bữa ăn, nếu hơn nữa là đưa cho ai đó. Thái độ đưa cho ai đó chính là tình yêu. Giật của ai đó chính là tội ác. Hủy hoại thiên nhiên, tàn sát muôn loài một cách vô cớ,  hay vì những yêu cầu hư ảo tức là không yêu mình, không yêu người, mà còn là một tội ác lớn hơn. Hầu hết những người làm thơ từ trước đến nay hình như chưa bao giờ vướng phải cái tội tày đình này. Mà họ nhát hít, có dám làm gì đâu. Họ sẽ không còn làm thơ được nữa, có nghĩa là họ không được công nhận là người làm thơ. Đó là một bản án còn nặng hơn bị tử hình. Bởi thế cho nên nhà thơ làng Uy Viễn khi mang gươm xông pha trận mạc, ông luôn luôn tôn trọng chẳng những sinh mạng của tướng sĩ thuộc quyền mà cho cả đối phương. Nhà thơ cần sự bình yên để sống cùng, và để… khoái chí. Nhà thơ không cần phải chém giết cho nhiều để hiển hách công lao. Nguyễn Công Trứ sẵn sàng chấp nhận thiếu thốn, thiệt thòi cho bản thân mà không một lời than vãn.

Và khi xông pha nơi tình trường ông cũng thế. Tình yêu được thể hiện và thơ cũng xuất hiện theo để làm thăng hoa tình yêu ấy. Và không ai biết cái tình yêu ấy như là những giọt sương lóng lánh gom góp lại thành suối, thành sông, thành biển cả. Những giọt sương ấy chính là thơ. Những lời nói trao nhau có vần có điệu, khi nhỏ khi to, lúc thầm thì, lẩm bẩm một mình… Được chắt lọc, lan truyền, thêm thắt, thay thế. Nhiều dần, nhiều dần rồi là đồng dao, là ca dao, là điệu hát, là câu hò… và ít lâu sau là… nói thơ. Tất tất đều là thơ.
Không riêng ở Việt Nam, mà ở đâu cũng thế. Nhưng ở đây, tôi nói với tư cách người đọc thơ và người làm thơ Việt Nam.
Thơ phản ảnh thời đại, môi trường mà giòng thơ ấy chảy qua, đã chuyên chở biết bao trạng thái tình cảm và đến thời Nguyễn Trãi thì đã định hình thành một hình thái hoàn toàn mới. Thơ tình thời ấy bàng bạc, lan tỏa. Có một chút gì đó che che, dấu dấu.  Trước Nguyễn Công Trứ… thì gởi tình vào cảnh vật thiên nhiên, vào thái độ sống. Dữ dội lắm thì như thế này…
Em ở đâu mà bán chiếu gon?
Hỏi em chiếu ấy hết hay còn?
Xuân xanh chừng độ bao nhiêu nhỉ?
Đã có chồng chưa, được mấy con?
Nguyễn Trãi
Em ở Tây Hồ bán chiếu gon
Can chi ông hỏi hết hay còn
Xuân xanh vừa độ trăng tròn lẻ
Chồng còn chưa có có chi con
Nguyễn thị Lộ
Thế là nên một mối tình, một mối tình không còn thể nào thơ hơn được nữa. Thơ đến độ mà hậu thế không dám tin đó là một cuộc tình xảy ra ở thế kỷ 15 mà lại là của một con người kiệt hiệt tài hoa hàng đầu trong lịch sử. Thơ đến độ người ta nghi ngờ là của một tay rỗi hơi nào đó chơi trò gán ghép.
Rồi phải đến bốn trăm năm sau, khi Uy Viễn Tướng Công nhúng cây bút vào nghiên mực thì trái tim của con người, qua trái tim của chính ông, được công khai. Trong khi Đoàn thị Điểm thì nhờ người chinh phụ. Nguyễn Du lại phó thác tâm sự cho Kiều. Hồ Xuân Hương thì tách bạch, dữ dội hơn trong một thứ ngôn ngữ đời thường rất hiện đại. Thơ của các vị này hầu hết là chữ Nôm.
Và vì thế mà biết bao nhiêu người thuộc nằm lòng bài thơ này khi mà Nguyễn Công Trứ…
TUƠNG TƯ
Tương tư không biết cái làm sao?
Muốn vẽ mà chơi, vẽ được nào!
Khi đứng, khi ngồi, khi nói chuyện,
Lúc say, lúc tỉnh, lúc chiêm bao.
Trăng soi trước mặt ngờ chân bước,
Gió thổi bên tai ngỡ miệng chào.
Một nước, một non người một ngả,
Tương tư không biết cái làm sao?
Nguyễn Công Trứ
Tương tư là một thuộc tính ắt có và đủ để khẳng định một tình yêu. Tôi nghĩ là phải có một tình yêu nồng nàn lắm, say đắm lắm mới có thể tương tư đến thế. Hậu thế có biết bao nhiêu người quắt quay lăn lộn với tình yêu, ấy thế mà khó có một bài thơ nào nói về nỗi nhớ thương một cách trọn vẹn mà chỉ có năm mươi sáu từ.
Thời nào cũng thế, tương tư đến thế thì không phải là hiếm. Nhưng nói ra như thế thì rất hiếm, hay đúng hơn chưa bao giờ có. Nhất là những con người được đào tạo trong môi trường Nho Giáo. Mà đâu phải thế là xong, ông đã thể hiện mình trên mọi cung bậc tình cảm. Mỗi một cung bậc như thế ông đều để cho hậu thế những bản tình ca đích thực bằng những bài thơ viết theo thể Hát Nói.

DUYÊN GẶP GỠ
Minh quân lương tướng tao phùng dị
Tài tử giai nhân tế ngộ nan
Trai anh hùng gặp gái thuyền quyên
Trong nhất kiến tình duyên như đã
Tì bà hữu hạnh phùng Tư Mã
Quân tử đa tình cánh khả lân
Nọ mấy người tài tử giai nhân
Duyên chỉ thắm bổng dần dần đưa lại
Dầu nghìn dặm băng sơn quế hải
Đã tình duyên xe lại cũng nên gần
Liễu hoa vừa gặp chúa xuân
Châu Trần nào có Châu Trần nào hơn
Anh hùng hà xứ bất giang sơn
Nguyễn Công Trứ
Qua bài thơ trên cho thấy tình yêu của ông rất hiện đại, sự thấu hiểu một cách sâu sắc lòng nhau mới làm nên dan díu. Quyền lực và tiền tài không có bất cứ vai trò nào trong tình yêu của Uy Viễn Tướng Công, dù ông là một ông quan, một tướng lãnh.
VỊNH SẦU TÌNH
Sầu ai lấp cả vòm trời
Biết chăng chăng biết hởi người tình chung
Xuân sầu mang mang tắc thiên địa
Giống ở đâu vô ảnh vô hình
Cứ tò mò quanh quẩn bên mình
Khiến ngẩn ngẩn ngơ ngơ đủ chứng
Hỏi trăng gió, gió trăng hờ hững
Ngắm cỏ hoa, hoa cỏ ngậm ngùi
Gươm đoạn sầu, thơ trục muộn đủ rồi
Còn lẽo đẽo vô trung sinh hữu
Dục phá thành sầu tu dụng tửu
Túy tự túy đảo sầu tự sầu
Rượu với sầu như gió mã ngưu
Trong lai láng biết tránh đâu cho khỏi
Càng tài tử càng nhiều tình ái
Cái sầu kia theo tình ấy mà ra.
Mua sầu tại kẻ hào hoa
Nguyễn Công Trứ

BỎ VỢ LẼ CẢM TÁC
Mười hai bến nước một con thuyền
Tình tự xa xôi đố vẽ nên
Tự biệt nhiều lời so giấy vắn
Tương tư nặng gánh chứa đầy thuyền
Rồi đây nỏ biết quên hay nhớ
Từ đó mà mang nợ với duyên
Tình ấy trăng kia như biết với
Chia làm hai nửa giọi hai bên
Nguyễn Công Trứ
Khi buộc phải rời bỏ người yêu thương, ông viết như thế. Ngôn ngữ của ông rất chân tình. Hai câu cuối làm cho người đọc dễ liên tưởng đến hai câu Kiều
Vầng trăng ai xẻ làm đôi,
Nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường
Hai câu Kiều này rất nổi tiếng, nhưng nghe sang trọng, đài các quá, mà cũng thơ mộng quá.
Nhưng câu thơ dưới đây thì gần gũi hơn, thật hơn và hình như xãy ra hàng ngày. Người đọc dễ cảm thụ hơn, có lẽ vì thế nên bay xa hơn hai câu trong Kiều. Và cũng là sự biệt ly. Ông viết rất thực, rất chân tình.
- Thương thay người ở đôi quê
Nẻo đi thì nhớ nẻo về thì thương
(Cảnh Biệt Ly)
Chân tình thế, lịch duyệt thế, hào hoa đến thế. Nhưng cũng thất tình như ai. Và Uy Viễn Tướng Công cũng không vì thế mà… dấu giếm.
            TRÁCH TÌNH NHÂN
Đứng núi này trông núi nọ cao.
Nhân tình ơ hỡ biết làm sao?
Nghĩ mình chưa phải tình Kim Trọng,
Mà đó đà mang nợ Thúy Kiều.
Non nước, nước non ngao ngán nỗi,
Cỏ hoa, hoa cỏ ngẩn ngơ chiều.
Vườn hoa kia để ai rông rả,
Ong bướm xông pha dáng cũng nhiều.
Nguyễn Công Trứ
Trách nhưng không hờn mà chỉ là thương cảm cho người tình. “Vườn hoa kia để ai rông rả,  Ong bướm xông pha dáng cũng nhiều.”. Có ai thấu hiểu cho người đã phụ mình như Uy Viễn Tướng Công không? Ông đã sử dụng nhóm từ “ong bướm xông pha“ làm cho nhói lòng người trước tình cảnh của người đàn bà, mà mình hết lòng thương mến, đang lỗi nhịp yêu đương.
Cuối cùng Uy Viễn Tướng Công cho biết là chỉ có một trạng thái duy nhất của tình yêu mà người đang yêu có thể biết được, đó sự chân thành. Còn nó diễn biến thế nào thì… cứ để trái tim mách bảo vậy.
VỊNH CHỮ TÌNH

Cái tình là cái chi chi
Dầu chi chi cũng chi chi với tình

Đa tình là dở
Đã mắc vào đố gỡ cho ra
Khéo quấy người một cái tinh ma
Trói buộc kẻ hào hoa biết mấy
Đã gọi người nằm thiên cổ dậy
Lại đưa hồn lúc ngũ canh đi
Nực cười thay lúc phân kỳ
Trong chẳng nói biết bao nhiêu biệt lệ
Tình huống ấy dẫu bút thần khôn vẽ
Càng tài tình càng ngốc càng si
Cái tình là cái chi chi
Nguyễn Công Trứ
Không thể tránh được điều này đâu. Nhà thơ tài hoa ấy đã có quá nhiều…
Tình yêu cắc cớ hay Ông Tơ Bà Nguyệt cắc cớ. Việc này khó ai mà trả lời cho xuôi. Trong mỗi thời đại, quan điểm của con người có khác. Bảy mươi ba tuổi cưới vợ mà lại là bà vợ thứ muời… mấy. Mối tình này rất dị thường chăng? Không đâu. Nó vẫn luôn hình thành trong thời hiện đại. Nhưng hầu hết đều không như Nguyễn Công Trứ. Biết vậy, nhưng ông cũng lý giải bằng bài thơ dưới đây.
TUỔI GIÀ CƯỚI VỢ
Trẻ tạo hóa ngẩn ngơ lắm việc
Già Nguyệt ông cắc cớ trêu nhau
Kìa những người mái tuyết đã phau phau
Run rẩy kẻ đào tơ còn mảnh khảnh
Trong trướng gấm ngọn đèn hoa nhấp nhánh
Nhất tọa lê hoa áp hải đường
Từ đây đà tạc đá ghi vàng
Bởi đâu trước lựa tơ chắp chỉ
Tân nhân dục vấn lang niên kỷ
Ngủ thập niên tiền nhị thập tam
Tình đã chung, lứa chúng phải vam
Suốt kim cổ lấy làm vận sự
Trong trần thế duyên duyên nợ nợ
Duyên cũng đành mà nợ cũng đành
Xưa nay mấy kẻ đa tình
Lão Trần là một với mình là hai
Càng già càng dẻo càng dai
Nguyễn Công Trứ

Quan điểm hiện đại của chúng ta, không ai chấp nhận việc việc này, nhưng người ta cũng làm thôi. Nhưng nếu như ai tò mò thì mời đi ngược lại thời gian khoảng một trăm ba mươi năm xem sao. Có thể nói Nguyễn Công Trứ là một người đa tình bậc nhất trong lịch sử Việt Nam. Mười bốn bà vợ, mười bốn mối tình. Từ xưa đến nay, người ta hiểu lầm cái từ đa tình một cách tai hại. Ông vua tam cung lục viện. Ông quan năm thê bảy thiếp. Những ông quèn quèn đụng đâu xâu đó, già không bỏ nhỏ không tha. Cái ngữ đó mà đa tình cái nỗi gì. Đa bậy thì có. Họ đến với đàn bà bằng quyền lực, bằng tiền bạc, bằng môm loa mép vãi và tạo ra một mái gia đình kệch cỡm bung xung. Uy Viễn Tướng Công thì không. Mười lăm con người ấy đến với nhau vì tình. Không có bất cứ một chứng liệu nào nói rằng Uy Viễn Tướng Công và cái gia đình đa tình ấy bất hòa với nhau. Mười bốn vị phu nhân từ mến mộ đến yêu thương và tất cả đều hiểu rằng khi yêu thương thì phải làm gì với nhau và làm gì với ông chồng tài hoa, đa tình nhất mực của mình. tất cả không chia buồn mà chỉ chung vui. Không biết ông lấy gì để nuôi ngần ấy vợ, mà nuôi cho ra vẻ phu nhân. Bổng lộc của ông thì chẳng là bao, làm quan thì thanh liêm. Thỉnh thoảng vua Minh Mạng thấy ông rối quá phải lén gởi tiền cho. (Cái này hay đấy, một ông vua uy quyền trùm khắp thiên hạ mà cho tiền bề tôi lại phải lén lút thì quả là… hết ý) Đây là một điều rất lạ. Rất lạ. Tất nhiên trong cuộc sống hiện đại không ai có thể chấp nhận một gia đình đông vợ đến thế. Nhưng lác đác đó đây vẫn có. Nhưng không có ai theo được cái cách của Uy Viễn Tướng Công. Cũng phải thôi, bởi vì những cái được gọi là mối tình ấy chẳng có vẻ gì là một mối tình. Hãy nghe Nguyễn Công Trứ nói về tình yêu của mình.
GÁNH GẠO ĐƯA CHỒNG
Con cò lặn lội bờ sông,
Gánh gạo đưa chồng tiếng khác nỉ non.
Lộ diệc vũ trùng trung chi nhất,
Thương cái cò lặn lội bờ sông.
Tiếng nỉ non gánh gạo đưa chồng.
Ngoài nghìn dặm một trời một nước,
Trông bóng nhạn bâng khuân từng bước,
 Nghe  tiếng quyên khắc khoải năm canh.
Nghĩa tép tôm ai nỡ dứt tình.
Ơn thủy thổ phải đành cho vẹn xóng,
Tràng tên đạn xin chàng bảo trọng,
Thiếp lui về nuôi cái cùng con.
Cao Bằng cách trở nước non,
Mình trong trắng có quỷ thần a hộ,
Sức bay nhảy một phen năng nổ,
Đá Yên Nhiên còn đó chẳng mòn.
Đồng hưu rạng chép thẻ son,
Chàng nên danh giá thiếp còn trẻ trung.
Yêu nhau khắng khít giải đồng,
Nguyễn Công Trứ
Bài thơ viết để động viên cho binh sĩ lúc đánh Nùng văn Vân ở Cao Bằng. Nhưng Uy Viễn Tướng Công lại lấy chất liệu bằng chính mối tình của ông và người vợ cả. Nếu không yêu vợ thì làm sao mà viết hay và cảm động đến thế.
            Xuất thân và sống giữa môi trường “chi hồ giả giả” mà Uy Viễn Tướng Công viết những bài thơ tình như thế thì đúng là trêu ngươi. Nếu như trong cuộc sống, ông sử dụng trí tuệ để chiều chuộng lý trí của mình bao nhiêu thì ông cũng dùng tình cảm để đáp ứng đầy đủ những yêu cầu của nhịp đập trái tim mình ngần ấy. Ông không thậm thò thậm thụt trong tình yêu mà đàng hoàng đỉnh đạc y như lúc ông ngồi trên mình ngựa điều binh khiển tướng hay trong công đường giải quyết chuyện muôn dân. Ông thực hiện một cách đúng đắn thuyết chính danh của Khổng Tử. Thực hiện một cách xuất sắc mọi vai trò xã hội mà ông đảm đương. Một cậu học trò nghịch ngợm, một người con hiếu thảo. Một sĩ tử thì phải đạt lấy khôi nguyên. Một ông quan tận tụy với dân, thanh liêm, cần mẫn. Một tướng lãnh luôn mưu tìm chiến thắng mà ít thương vong cho binh sĩ thuộc quyền, cả cho quân địch. Một người cha đường hoàng. Một người lính giữ nghiêm quân lệnh. Một nhà dinh điền đội nón tơi, xắn ống quần lội ruộng, thương dân như thương thân. Một nhà thơ tài hoa. Một ông quan về hưu cỡi bò đi ngất ngưởng. Một người chơi lịch lãm và lạc quan. Cuối cùng ông là Một Người Tình Tuyệt Diệu. Những tính cách này cái thì có, cái thì không có trong các giáo điều của Nho giáo. Một vài tính cách cho một con người, nhưng gộp hết lại cho một con người thì chưa thấy. Có lẽ vì thế mà ông luôn luôn tồn tại. Ông đã thể hiện một cách trọn vẹn trách nhiệm với tình yêu để hoàn thành trách nhiệm của một tướng lãnh xông pha ngoài trận mạc và trách nhiệm của một ông quan trước nhân dân.
Và vì vậy, hơn ai hết, ông lại là người hiểu rõ nỗi lòng của những người vợ của ông, từ vợ lớn cho đến vợ bé… Không hiểu sao được. Một người đa tình như ông thì phải vậy thôi.
LỜI TIỂU THIẾP TỰ TÌNH
Buồn sực nhớ đầu trăng cảnh cũ
Nhớ trượng phu trong dạ bàng hoàng
Mái Tây sơn sương tỏa mấy lần
Thân cái nhện không vò mà cũng rối
Chỉ tại tơ hồng trêu quấy nỗi
Há rằng dây đỏ ghét ghen chi
Chốn cô phòng năn nỉ với cầm thi
Khách viễn hoạn thấu  tình kia chăng nhẻ?
Trong trần thế sầu lây mấy kẻ
Giọng Hà Đông thêm cám cảnh cho ai
Xin cho trời đất lâu dài
Hồng nhan phải giống ở đời mãi ru
Thấu tình chăng kẻ trượng phu?
Nguyễn Công Trứ
“Giọng Hà Đông thêm cám cảnh cho ai” Như vậy thì Nguyễn Công Trứ đã bị vợ ghen. Ông thật thà đến dễ thương, ta phải tin điều này có thật, không ai mà tin nổi là mười mấy bà vợ không có ai ghen. Tất cả đều ghen, nhưng chỉ ghen cho phải thế đàn bà, nhưng không một điều tiếng nào mới là hết ý. Chẳng qua là ông… tuyệt quá đi thôi.
Từ lúc còn là một anh học trò trong gia đình quan lại đang sa sút, Uy Viễn Tướng Công đã nếm đủ những mùi vị của nghèo khó. Nhưng ông vẫn giữ vững niềm tin về một vai trò của kẻ sĩ trong cuộc sống. Nhưng sĩ thì cũng là người, mà người thì có làm và có chơi. Ông đã làm bao nhiêu điều… thì ông cũng chơi ngần ấy, thậm chí hơn nhiều. Và ông chơi, cứ chơi suốt từ ngày còn trẻ và chơi tuốt đến già, không vì những thăng trầm trong cuộc sống mà ông nghỉ chơi. Nhưng ông chơi chỉ vì ông thích chơi, chứ không vì bất mãn hay hãnh tiến mà chơi. Cái trò chơi mà ông biết đầu tiên là đánh bạc. Tất nhiên là…
THUA BẠC
Ngày xuân thong thả, tính thờ ơ
Thấy bọn chăn trâu đánh cũng ưa
Tưởng làm ba chữ*  mà chơi vậy
Bổng chốc nên quan* đã sướng chưa
Nguyễn Công Trứ
ba chữ có hai nghĩa; vài ba chữ, ba đồng bạc.
** quan cũng hai nghĩa; quan chức, quan tiền (1 quan= 600 chữ)

THÚ TỔ TÔM
Nhân sinh quý thích chí
Cuộc ăn chơi chi hơn thú tụ tam
Tài kinh luân xoay dọc xoay ngang
Cơ điều đạc quân ăn quân đánh
Gọi một tiếng, mọi người đều khởi kính
Dậy ba quân ai dám chẳng nhường
Cất nếp lên bốn mặt khôn đương
Hạ bài xuống tam khôi chiếm cả
Ngày gặp hội quấc gia nhàn hạ
Nghĩ ăn chơi thú nọ cũng hay
Gồm hai văn võ trong tay
Nguyễn Công Trứ
Cái kiểu bài bạc của Uy Viễn Tướng Công nghe sao mà hay thế nhỉ? Nhưng ông đâu phải chơi có bấy nhiêu đâu. Theo bước đường ăn chơi của ông, ta mới thấy ông chơi ác liệt thế nào.
UỐNG RƯỢU TỰ VỊNH
Trót đà khuya sớm với ma men
Mặc mặc người chê mặc kẻ khen
Ngó lại hàng rào hương cúc trộn
Trông ra cửa sổ bóng trăng chen
Vào vòng cương tỏa chân không vướng
Tới cuộc trần ai áo chẳng hoen
Chứ những ai hay tình thú ấy
Có chăng Bành Trạch với Thanh Liên
Nguyễn Công Trứ
Không rõ ma men xuất hiện từ lúc nào, mà người ta cứ say khướt từ xưa đến nay. Kể cả những bậc đạo cao đức trọng. Cổ nhân đã chẳng nói “Vô tửu bất thành lễ” là gì. Nhưng nhân gian có hằng hà sa số những kẻ “quá tửu bất thành nhân”. Vậy mà khi con ma men nhập vào Uy Viễn Tướng Công thì lại trở thành Nhân Tửu. Và ông chỉ cần có thế. Thánh Tửu mất vui. Bởi vì ông...
Vào vòng cương tỏa chân không vướng
Tới cuộc trần ai áo chẳng hoen

CẦM KỲ THI TỬU I
Trời đất cho ta một cái tài
Giắt lưng dành để tháng ngày chơi
Dở duyên với rượu khôn từ chén
Trót nợ cùng thơ phải chuốt lời
Cờ sẵn bàn son, xe ngựa đó
Đàn còn phiếm trúc, tính tình dây
Ai say, ai tỉnh, ai thua được
Ta mặc ta mà ai mặc ai
Nguyễn Công Trứ
Cứ ngỡ như Uy Viễn Tướng Công cứ giá áo túi cơm, đem cái tài mà mình có để mà chơi suốt vậy.

CẦM KỲ THI TỬU II
Cầm kỳ thi tửu
Đường ăn chơi mỗi vẻ mỗi hay
Đàn năm cung réo rắt tính tình dây
Cờ đôi nước rập rình xe ngựa đó
Thơ một túi phẩm đề câu nguyệt lộ
Rượu ba chung tiêu sái cuộc yên hà
Thú xuất trần tiên vẫn là ta
Sánh Hoàng Thạch, Xích Tùng. Ờ cũng đáng
Thơ rằng:
Cầm tứ tiêu nhiên, kỳ tứ sáng
Thi hoài lạc hỷ, tửu hoài nồng
Một chữ nhàn giá đáng muôn chung
Người ở thế dẫu trăm năm là mấy
Sách có chữ “Nhân sinh thích chí”
Đem ngàn vàng chuốc lấy cuộc đời
Chơi cho lịch mới là chơi
Chơi cho đài các, cho người biết tay
Tài tình xưa dễ mấy nay
Nguyễn Công Trứ
Uy Viễn tướng công bắt đầu làm cho các tay học đòi ăn chơi lóa mắt rồi. Nhưng chưa đâu.
CẦM KỲ THI TỬU III
Thi tửu cầm kỳ khách
Phong vân tuyết nguyệt thiên
Nợ tang bồng hẹn khách thiếu niên
Cuộc hành lạc vẫy vùng cho phỉ chí
Thơ một túi gieo vần Đỗ Lý
Rượu một bầu rót chén Lưu Linh
Đàn Bá Nha gãy khúc tính tang tình
Cờ Đế Thích đi về xe pháo mã
Lúc vị ngộ Vị tân, Sằn dã
Lấy bút nghiên mà hẹn với non sông
Xe Thang Văn nhất đán tao phùng
Bao nhiêu nợ tang bồng đem giả hết
Tri mệnh thức thời duy tuấn kiệt
Hữu duyên hà xứ bất phong lưu
Ngô tâm hà cụ hà ưu.
Nguyễn Công Trứ
Không ai chơi như ông cho nổi. Một cách chơi đúng mực của một trang Phong Lưu Tuấn Kiệt. Phong lưu tài tử là xoàng xỉnh, dù ông đã nhiều lần tự nhận mình như thế, nhưng ông có như thế bao giờ đâu. Ông hết lời ca ngợi thú ăn chơi. Nhưng phải là cái thú ăn chơi của ông kìa. Một kiểu chơi vô tiền khoáng hậu. Và vì vậy chưa bao giờ ông có ý định nghỉ chơi. Thậm chí có lúc ông còn trách ông trời cho ông ngần ấy tuổi là quá ít. Ông chơi chưa thỏa. Nhưng rồi ông lại nhận ra rằng, nếu như cuộc sống không hạn kỳ thì người ta lần lữa, người ta làm biếng chơi thì… tội quá.

CHƠI XUÂN KẺO HẾT XUÂN ĐI
Gẫm cho kỹ đến bất nhân là tạo vật
Đã sinh người lại hạn lấy năm
Kể chi thằng lên bảy đứa lên năm
Dẫu ba vạn sáu nghìn ngày là mấy chốc
Lại mang lấy lợi danh vinh nhục
Cuộc đời kia lắm lúc bi hoan
E đến khi hoa rữa trăng tàn
Xuân một khắc dễ ngàn vàng đổi chác
Tế suy vật lý tu hành lạc
An dụng phù danh bạn thử thân
Song bất nhân mà lại chí nhân
Hạn lấy tuổi để mà chơi lấy
Cuộc hành lạc bao nhiêu là lãi đấy
Nếu không chơi thiệt lấy ai bù
Nghề chơi cũng lắm công phu.
Nguyễn Công Trứ
Thế thì đã rõ. Nghề chơi cũng lắm công phu. Phải thôi. Cần phải cảm nhận đầy đủ những cay đắng, ngọt bùi, phải trải qua những khó khăn, dỗi hờn, yêu thương và hạnh phúc.
YÊU HOA
Ngồi thử gẫm trăm hoa ai nhuốm
Một hoa là riêng một sắc hương
Khi chưa xuân khép nép bên tường
Còn phong nhụy đợi Đông hoàng về cáng đáng
Liễu tiá đào hường mai trắng trắng
Lan tươi huệ tốt lý xanh xanh
Thêm hương khi gió lá mưa cành
Mở mặt thấy giang sơn cười chúm chím
Khách thập thúy say màu hoa diễm
Đối mặt hoa mà cầm mà kỳ mà tửu mà thi
Khuyên ai đừng dở cuộc ly phi
Trân trọng lấy hương trời cho trọn vẹn
Hoa với khách như đà có hẹn
Ưa màu nào màu ấy là xinh
Trăm hoa cũng bẻ một cành !
Nguyễn Công Trứ
Ông cũng nhìn ngắm mọi sự vật, sự việc và sự đời bằng một thái độ như thế. Để làm gì? Đơn giản thôi. Để mà chơi, chơi theo cái kiểu của ông. Tất nhiên không lý do gì mà ông không nhìn ngắm và lắng nghe cảm xúc của lòng mình.
CẢNH XA NHÀ
Nỗi nọ đường kia xiết nói năng
Đêm nằm không ngủ biết mần răng
Đầu ngành mấy tiếng chim kêu gió
Trước điếm năm canh chó sủa trăng
Phảng phất lòng quê không nén được
Mơ màng cuộc thế cũng cầm bằng
Đêm gà eo óc trời chưa rạng
Tình tự này ai có biết chăng?
Nguyễn Công Trứ
Ông thường xuyên phải ở vào hoàn cảnh này. Bài thơ được viết bằng một ngữ điệu buồn buồn mà têu tếu. Không sao cả ông là người lạc quan mà.
            Cuộc đời hoạn lộ của ông đầy những chông gai, thăng trầm, như cũng rất đỗi hào hùng. Ông xâm nhập mọi môi trường sống của xã hội thời bây giờ. Những nếm trải ấy đã không làm ông chùn bước mà làm cho ông yêu nhiều hơn. Yêu bản thân mình và yêu mọi người. Nhưng có lẽ cái ông yêu nhất chính là thơ. Thơ của ông không giống những người đương thời. Vẫn có đủ cái tinh tế, mượt mà của nhà nho hay chữ, khinh thế ngạo vật của một người tự biết mình có tài, hào sảng của một hiệp khách, trầm lắng vi diệu như những thiền sư. Tất nhiên không thiếu cái đa tình của một trang Phong Lưu Tuấn Kiệt. Nhưng trên hết lại là tiếng nói của dân tộc. Trong sự nghiệp văn học của ông, mà chúng ta biết được, chỉ có hai bài thơ chữ Hán. Trong đó có một bài hát nói với hai câu thơ Nôm.
            CÔNG KHAI THÁC
Nhi kim thủy hữu Dinh Điền sứ
Phụng chỉ khai sơn hữu chi nhàn điền
Sơn giai kim nhi hải giai tiền
Ngưỡng thánh đức như sơn như hải
Bể bạc vờn lên tay ngũ bái
Non vàng đứng dậy chúc tam hô
Quân ân triêm bái hải trường lưu
Thần tiết kiên trinh sơn tự tại
Khai từ cổ bất khai chi Tiền Hải
Tịch dĩ lai vị tịch chi Kim Sơn
Phương tri ngã quốc hữu nhân.
Nguyễn Công Trứ
            Bài thơ chúc tụng vua Minh Mạng cho phép ông được khai khẩn đất hoang để cho dân nghèo có cái ăn cái mặc, chủ yếu là các người vì nghèo đói mà theo Phan Bá Vành, Nùng văn Vân làm loạn. Đây là bài thơ duy nhất của ông mang tính chất này. Dù tích cực thực hiện quan điểm trung quân, ái quốc. Nhưng cái trung quân của ông không mang tính nịnh hót, nâng bi. Đọc kỷ bài thơ, hiểu thật tận tường hành trạng của ông mới nhìn thấy cái tình và cả cái kiêu bạt của ông mà ông gói ghém trong một loạt ngôn từ sáo rổng đầy tính tôn vinh kia. Có lẽ ông đã rán hết sức mình để làm bài thơ này. Nhưng suy cho cùng, đáp lại sự tri ngộ mà vua Minh Mạng dành cho ông và nhân dân hai huyện Kim Sơn Tiền Hải có cái ăn cái mặc thì bài thơ duy nhất viết theo kiểu này thì cũng đáng. Còn bản thân ông ư, chẳng có gì sất, ngoài mấy mươi lạng bạc mà vua Minh Mạng thỉnh thoảng lén lút gởi cho trong lúc ông xăn quần lội ruộng hay quẫn bách việc nhà.
Nhưng gì thì thì gì. Chơi gì thì chơi. Đa tình thế nào cũng được. Trọn cuộc đời mình, Uy Viễn Tướng Công luôn luôn là…
KẺ SĨ
Tước hữu ngũ sĩ cư kỳ liệt
Dân hữu tứ sĩ vi chi tiên
Có giang sơn thì sĩ đã có tên
Từ Chu Hán vốn sĩ này là quý
Miền hương đãng đã khen rằng hiếu nghị
Đạo lập thân phải giữ lấy cương thường
Khí hạo nhiên chí đại chí cương
So chính khí đã đầy trong trời đất
Lúc vị ngộ hối tàng nơi bồng tất
Hiêu hiêu nhiên điếu Vị canh Sằn
Xe bồ luân dù chưa gặp Thang Văn
Phù thế giáo một vài câu thanh nghị
Cầm chính đạo để địch tà cự bí
Hồi cuồng lan nhi chướng bách xuyên
Rồng mấy khi gặp hội ưa duyên
Đem quách cả sở tồn làm sở dụng
Trong lăng miếu ra tài lương đống
Ngoài biên thùy rạch mũi Can Tương
Sĩ làm cho bách thế lưu phương
Trước là sĩ sau là khanh tướng
Kinh luân khởi tâm thượng.
Binh giáp tàng hung trung
Vũ trụ chi giai ngô phận sự.
Nam nhi đáo thử thị hào hùng
Nhà nước yên mà sĩ cũng thong dong
Bây giờ sĩ sẽ tìm ông Hoàng Thạch
Dăm ba chú tiểu đồng lếch thếch
Tiêu dao nơi hàn cốc thanh sơn
Nào thơ, nào rượu, nào địch, nào đàn
Đồ thích chí chất đầy trong một túi
Mặc ai hỏi, mặc ai không hỏi
Gẫm việc đời mà ngắm kẽ trọc thanh
Này này sĩ mới hoàn danh.
Nguyễn Công Trứ
Không ai khẳng định sự tồn tại của mình một cách tuyệt diệu hơn ông. Bài thơ như là một bản tuyên ngôn khẳng định sự tồn tại của mình.
            Ông có không ít thơ nói về thế thái nhân tình, nói về những trò đời khập khểnh. Nhưng ông vẫn cứ mặc. Ông đi trên con đường mà ông đã chọn để khẳng định sự tồn tại của mình. Nào là Chí Nam Nhi, Nợ Tang Bồng, Đường Công Danh, Chí khí Anh Hùng, Gánh Trung Hiếu, Bốn Bể Là Nhà… Ông đã làm đúng, làm tròn vẹn. Và tất nhiên, ông cũng chơi hết mực, yêu hết mình.  Thế thôi.
Là một nhà nho, là một sĩ phu, luôn luôn tôn trọng những chuẩn mực của nho giáo, xuất hết lòng, xử hết mực. Thế mà Uy Viễn tướng công lại khoái đi chùa và chơi với các nhà sư. Bất cứ nơi nào ông đến mà có chùa thì ông vào viếng và vào… chơi. Thậm chí còn dắt theo bồ nhí.
VỊNH PHẬT
Thuyền từ một lá chơi vơi
Bể trần chở biết bao người trầm luân
Thiên thượng thiên hạ vô như Phật
Nhỏ không trong mà lớn cũng không ngoài
Chiếc thuyền từ một lá chơi vơi
Vớt chìm đắm, đưa người lên cõi tĩnh
Chữ kiến tính cũng như xuất tính
Trong ống nhòm đổ tiếng hư vô
Kẻ muốn đem nhân kỳ nhân, hỏa kỳ thư, lư kỳ cư
Song đạo thống vẫn rành rành công cứ
Bạng y thiên lý hành tương khứ
Đô tự nhân tâm tố xuất lai
Bát khang trang chẳng chút chông gai
Cùng nghiêng ngã một giòng hà lạc
Trong nhật dụng sao rằng đạo khác
Cái luân hồi chẳng ở đâu xa
Nghiệp duyên vốn tự mình ra
Nơi vuông tấc có thiên đàng địa ngục
Vì chưa thoát lòng trần mắt tục
Nên mơ màng một bước một khơi
Khiến cho phiền muộn Như Lai
Nguyễn Công Trứ
“Khiến cho phiền muộn Như Lai”. Bụt là vô ưu thế thì Bụt phiền muộn là sao nhỉ? Hóa ra Uy Viễn Tướng Công chỉ nói đến lòng từ bi của Bụt. Bụt ở trong trái tim của mọi người. Dù thấu hiểu cái lẽ huyền vi của tạo hoá, đã theo cùng, sống với, nhưng đôi khi vẫn… mơ màng một bước một khơi thì phiền muộn là cái chắc. Từ bi trong phép Bụt có nghĩa là yêu thương (từ) cảm thông và thấu hiểu (bi). nhưng trong cuộc sống đời thường có nghĩa là buồn, là phiền muộn.
Uy Viễn Tướng Công thông hiểu phép Bụt như là một thiền sư. Nhưng ông khác hơn thiền sư ở chỗ là ông không phải là thiền sư. Các thiền sư đều khẳng định sự tồn tại của mình rất an nhiên, từ tốn trong cái Tĩnh của Tâm. Uy Viễn tướng công cũng thế, an nhiên từ tốn đi vào chông gai hầm hố, tất nhiên cũng đi qua những hương sắc của cuộc đời. Ông biết một khúc nhân gian của ông vốn dĩ vô thường. Nhưng khi đã hiện diện ở đó thì ông phải có trách nhiệm trước bản thân và cuộc sống. Và Uy Viễn tướng công thể hiện hết mình. Cái Tĩnh của ông cũng rất an nhiên, từ tốn trong cái Tĩnh của Tâm nhưng luôn luôn sống và động.
HÀNH TÀNG
Đánh ba chén rượu khoanh tay giấc
Ngâm một câu thơ vỗ bụng cười
Cái công danh là cái lạ đời
Đường thản lý, cát nhân chi đã vội
Giắt lỏng giang sơn vào nửa túi
Rót nghiêng phong nguyệt cạn lưng bầu
Cảnh cùng thông ai có bận chi đâu
Mùi tiêu sái với trần dễ mấy
Thơ rằng:
Hữu danh nhàn phú quý
Vô sự tiểu thần tiên
Đấng anh hùng yên phận lạc thiên
So trời đất cũng nhất ban xuân ý
Khi lăng miếu đã đành công danh vậy
Lúc yên hà khước thị xuất nhân gian
Hành tàng bất nhị kỳ quan
Cõi đời mở mặt giang sơn thái hòa
Còn xuân, mai lại còn hoa
Nguyễn Công Trứ
Câu kết sao mà giống thiền sư Mãn Giác thế ?
THÍCH CHÍ NGAO DU
Ngâm cùng trăng gió vài câu kiểng
Tính với giang sơn mấy chuyện đời
Thú gì hơn nữa thú ăn chơi?
Chí giàu có sang hèn là phận cả
Đã lếu láo với người thiên hạ
Tính dạ quen đài các bấy lâu
Đàn một cung, cờ một cuộc, thơ một túi,
 rượu một bầu
Khi đắc chí ngao du, ờ cũng phải
Thơ rằng:
Đạo thông thiên hạ hữu hình ngoại
Tứ ngập phong vân biến thái trung
Hỏi giang sơn mấy mặt anh hùng?
Tri ngã giả, bất tri ngã giả
Người có biết ta hay thì chớ
Chẳng biết ta, ta vẫn là ta
Linh khâm bảo hợp thái hòa
Sạch không trần lụy ấy là thần tiên
Ngang tàng lạc ngã tính thiên
Nguyễn Công Trứ

CHỮ NHÀN
Thị tại môn tiền náo
Nguyệt lai môn hạ nhàn
So lao tâm lao lực cũng một đàng
Người nhân thế muốn nhàn sao dược
Nên phải giữ lấy nhàn làm chước
Dẫu trời cho, có tiếc cũng xin nài
Cuộc nhân sinh chừng bảy tám chín mười mươi
Mười năm trẻ, năm mươi già không kể
Thoắt sinh ra thì đà khóc chóe
Trần có vui sao chẳng cười khi?
Khi hỉ nộ, khi ai lạc, khi ái ố, lúc sầu bi
Chứa chi lắm một bầu nhân dục
Tri túc tiện túc, đãi túc hà thời túc
Tri nhàn tiện nhàn, đãi nhàn hà thời nhàn
Cầm kỳ thi tửu với giang san
Dễ mấy kẻ xuất trần xuất thế
Ngã kim nhật tại tọa chi địa
Cổ chi nhân tằng tiên ngã tọa chi
Ngàn muôn năm âu cũng thế ni
Ai hay hát mà ai không hay hát
Sông Xích Bích buông thuyền năm Nhâm Tuất
Để ông Tô riêng một thú thanh cao
Chữ nhàn là chữ làm sao?
Nguyễn Công Trứ

Theo dõi suốt hàng trạng của cuộc đời ông, đọc hết những gì ông viết. Tôi ngộ ra một điều. Ông thông hiểu phép Bụt nhiều hơn người ta tưởng. Ông thấu hiểu cái lẽ lý sự dung thông, trùng trùng duyên khởi. Cuộc đời của con người là vậy. Tất cả mọi thứ như một áng phù vân. Ông còn biết là một áng phù vân thì có thật, rất cụ thể, nhìn thấy được, có thể sờ được vì thế áng phù vân ấy phải có một tác động nhất định nào đó trong khung trời, đại loại như cho những giọt nước mưa để nhuận hòa muôn vật, một bóng dâm để ai đó trú nắng trưa hè và có lẽ còn nhiều thứ nữa chứ không phải chỉ là một vầng mây lơ đãng. Mà giá như chỉ là một vầng mây lơ đãng thì cũng để cho ai đó ngắm nhìn, để mộng mơ chơi. Và ông đã tuyên bố và đã “Nhập thế cục bất khả vô công nghiệp” như ta đã biết. Đóa phù vân mang tên Nguyễn Công Trứ đã xa hút trên bầu trời, đã trôi về đâu đó trong cõi hư vô hay tan biến cũng nên. Nghĩa là ông đã về với chân không, nhưng dấu vết để lại nơi diệu hữu thì vô cùng lộng lẫy.
Năm 1848. ông bảy mươi tuổi, bài thơ chữ Hán thứ hai được viết.
THẤT THẬP TỰ THỌ
Nhật đối nhi tào tự giải di.
Kim ngô bất tự cố ngô thì.
Tùy cơ khối lỗi cung nhân tiếu
Trục ký niên hoa giới cổ hy.
Lão thực bất kham trang diện mục,
Anh hoa an dụng nhiếm tu tì?
Tự tàm tiên liệt hào vô trạng,
Quái sát Hồng Sơn thử thị phi.
                 NGUYỄN CÔNG TRỨ

      Chơi cùng con nít cho vui,
Ta nay không giống như thời thanh xuân
      Theo đời múa máy lung tung,
Bảy mươi. Ôi cái trẻ trung tiêu rồi
      Già hom mặt khó vẽ vời
Tóc tai trắng bóc lẽ trời phải cam
      Thẹn lòng khi nhớ cha ông,
Núi Hồng cao ngất mặc lòng khen chê
Quán Tâm Nguyễn Hiền Nhu
Cứ ngỡ như là ông buồn vì cái tuổi già, Nhưng không phải vậy. Ông tìm lại cái xuân xanh bằng cách ngày ngày chơi với con nít để tìm lại tuổi xuân như ngày xưa Huyền Quang bẻ một cành mai để tìm lại chút hương xuân. “Chiết lai bất vị già thanh nhãn Nguyện tá xuân tư ủy bệnh ông”. Không biết thiền sư có tìm được hay không? Chắc là được. Và Uy Viễn Tướng Công cũng tìm được…ba năm sau ông lại cưới vợ, bà vợ cuối cùng trong cuộc đời ông với một nụ cười sảng khoái.
Tân nhân dục vấn lang niên kỷ
Ngũ thập niên tiền nhị thập tam
Thế là đã đủ cho một đời người. Trong những giây phút sau cùng của đời mình ông lại…
Ngồi buồn mà trách ông xanh
Khi vui muốn khóc buồn tênh lại cười
Kiếp sau xin chớ làm người
Làm cây thông đứng giữa trời mà reo
Giữa trời vách đá cheo leo
Ai thời chịu rét thì trèo với thông
(Vịnh Cây Thông)
Hơn một trăm bài thơ ông để lại (?) thỉnh thoảng ta gặp một vài câu lục bát thật đắc nằm trong các bài hát nói. Bài thơ duy nhất mà ông viết bằng thể thơ lục bát này được viết vào lúc cuối đời. Vần điệu êm đềm ấy viết về một ước muốn cho mai sau. Một ước muốn trông có vẻ êm đềm nhưng đầy kiêu hãnh, một lần nữa ông khẳng định sự tồn tại của mình. Dù ông biết tất cả sắp đến cõi không. Hoàn tất một chu kỳ sống, đi hết một khúc nhân gian Ông thấu hiểu một cách trọn vẹn những điều cần thấu hiểu.
Cùng thời với ông ai cũng làm thơ chữ Hán. Đoàn thị Điểm, Nguyễn Du, cả Hồ Xuân Hương là những cây bút thơ Nôm thuộc hàng đại thụ cũng thế. Còn ông thì chỉ có hai bài, còn lại là Nôm, mà hơn phân nữa là hát nói. Đọc ông và nghiền ngẫm thật kỷ mới thấy những bước chân bôn ba từ Nam chí Bắc và đến cả Trấn Tây thành (Nam Vang) quả là không uổng. Trong thơ ông luôn hiện diện tiếng nói của từng địa phương, ca dao tục ngữ được ông vận dụng một cách tối đa. Nhất là bài phú  duy nhất của ông, Hàn Nho Phong Vị. Rồi cũng từ chính thơ ông cũng trở lại với đời để thành ca dao;
Chẳng thơm cũng thể hoa lài
Dẫu không thanh lịch cũng người Trường An
Người Hà Nội và cả Huế nữa hàng ngày ngâm nga như thế, nhưng ít ai biết đó là thơ của Nguyễn Công Trứ.
Mấy tay anh hùng bậm trợn vùng đồng bằng Nam Bộ thời Tây chiếm đóng đã chẳng từng rổn rảng ngâm nga bên mâm rượu đế là gì.
Nhắn lời gởi với non sông
Giang sơn hầu dễ anh hùng mấy ai
Cũng không ít những người yêu nhau mà lâm cảnh ngăn các đôi đường cũng đã ngâm nga
Thương thay người ở đôi quê
Nẻo đi thì nhớ nẻo về thì thương
Rồi cũng có ai đó lâm cảnh ngặt nghèo mà ngồi than thở dưới trăng
Ngồi buồn mà trách ông xanh
Khi vui muốn buồn tênh lại cười
Ông làm thơ Nôm vì ông thích hay vì muốn mở đầu một giai đoạn mới cho Thơ, hay muốn đem tiếng lòng mình gởi đến cùng khắp nhân gian, hay thách thức mấy ông nhà nho cúm rúm. Không ai biết.
Và có một điều mà hậu sinh luôn luôn thán phục ông khi nghe ông nói một câu chắc nịch lúc về hưu. “Nợ Tang Bồng Trang Trắng Vỗ Tay Reo.” Vâng. “Xong việc rồi. Đi chơi vậy”. Người ta về hưu bằng hai thái độ; một là chán ngán bon chen nên thở phào một tiếng, hai là cau có vì nghĩ là mình bị vắt chanh bỏ vỏ. Ông thì rõ ràng “Xong việc rồi. Đi chơi vậy”. Thế thôi.
Chỉ một mình ông hiểu rằng mình cần tồn tại và ông có quyền kiêu hãnh với sự tồn tại của mình. Không những ông tồn tại khi ông đang sống mà còn tồn tại ở mai sau. Rất nhiều người đã khẳng định sự tồn tại của mình như thế, nhưng đưa ra một lời khẳng định hoành tráng như vậy thì chưa?
Tôi mê Uy Viễn Tướng Công từ những năm học trung học. Cố bắt chước ông mà không được một chút nào (mộng cũng lớn dữ ha!) Rốt cuộc thì chỉ có thể làm được những bài thơ theo thể hát nói, mà nội dung thì lại nực mùi say xỉn.
NGÀY GẶP LẠI
Mưỡu
      Ai xui gặp lại nhau đây?
Bao nhiêu năm ấy đã đầy lênh đênh.
   Ít khi nhớ? Lắm khi quên?
Mà mong manh cũ còn nguyên trong lòng.

Hát nói
Nâng ly ngày gặp lại,
Uống cạn nỗi ngậm ngùi.
Mãi lu bu, chuyện cũ tưởng quên rồi.
Chợt nếm lại vị xưa, hương mới cáu,
Một khoảng trời xanh, biết bao giông bão,
Gió cấp nào cũng đủ để te tua.
Mỗi bóng chiều rơi dính một tí già nua.
Ác một nỗi tấm lòng vẫn mãi…
Hiểu kính đãn sầu vân mấn cải,
Dạ ngâm ưng giác, nguyệt quang hàn.
Chén trăng nghiêng không làm giấc mơ tan.
Mà cứ rót ngậm ngùi từng giọt một,
Nhớ hay quên cũng làm cho xót xót,
Đời xui ta hay ta tự xui mình.
Chơi khăm chi vậy? Ơi tình.
Quán Tâm Nguyễn Hiền Nhu
Tôi có một cố nhân, từng già nhân ngãi, non vợ chồng. Sau hơn hai mươi năm bất ngờ gặp lại, rồi nhậu một trận tới bến và trong cơn say tôi làm bài thơ này để tặng cố nhân. Một năm sau, tôi mới biết Uy Viễn Tướng Công cũng có một cố nhân như thế và gặp lại như thế. Cô đào Hiệu Thư. Và tôi mới giật mình và khoái tỷ.
Giang san một gánh giữa đồng
Thuyền quyên ứ hự, anh hùng nhớ chăng?
Nguyễn Công Trứ vẫn nhớ và tôi cũng nh.
( trích Chương 7. Múa Gậy Vườn Hoang )

Quán Tâm Nguyễn Hiền Nhu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét