Người theo dõi

Thứ Ba, 9 tháng 5, 2017

Phải chăng đảng Cần Lao là viên độc dược?

Phải chăng đảng Cần Lao là viên độc dược?

Võ Trần Quảng
http://ngodinhdiem.net/ChinhTri/NDN/CanLao.html
Tôi, một thanh niên lớn lên tại nước ngoài từ lúc 2 tuổi. Nói thế là gián tiếp thưa với quý độc giả rằng tôi thuộc lớp tuổi thanh niên. Tôi tự nhận chưa có nhiều kinh nghiệm chính trị và rất mập mờ về tình hình trong nước dưới thời Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hoà Việt Nam

Tôi bạo dạn viết lên bài này, để khơi mào cho nhiều người đồng lứa tuổi của tôi, trên dưới 40, nói về sự sống lại của đảng Cần Lao hôm nay, nếu có thật. Giả thiết rằng, bài viết của tôi, không cùng với quan điểm của các bậc trưởng thượng, những học giả, những chính trị gia, và nhất là những người cựu đảng viên Cần Lao Nhân Vị, thì chuyện đó cũng chẳng có gì phải quan tâm. Điều đáng cho quý Vị quan tâm, là lý do nào một thanh niên tuổi như tôi dám nghĩ và dám viết về một đảng mà hầu như người Việt thường bị dị ứng trong suốt gần nửa thế kỷ.
Trong lịch sử đảng phái chính trị hay tôn giáo, kể cả thế giới, đều có lúc thịnh mà cũng có lúc suy. Riêng nước ta, đảng Cần Lao Nhân Vị và các đảng phái khác cũng không đi ra ngoài luật thừa trừ đó.Với thời gian gần nửa thế kỷ, những chuyện vật đổi sao dời trước mắt, người Việt trẻ khi so sánh những thành quả và chứng tích đã đủ thẩm định công và tội của đảng Cần Lao đối với đất nước. Người Việt trẻ đã dám nêu lên Công và Tội của các đảng phái Quốc gia, hoặc để ca tụng điều tốt hoặc để vạch ra những điều xấu để làm kinh nghiệm.

Có điều thắc mắc là người Việt trẻ chúng tôi chưa hiểu được Lý Do vì sao hằng năm một số đông người Việt tại hải ngoại đồng hưởng ứng lời kêu gọi ông Cao Xuân Vỹ, một hình ảnh đảng Cần Lao, tụ tập cùng làm lễ tưởng niệm cố tổng thống Ngô Đình Diệm và Bào Đệ của Ông ta ? Vì sao ông Cao Xuân Vỹ hôm nay không nhân danh đảng Cần Lao đứng ra làm lễ tưởng niệm mà lại núp mình dưới bóng Hội Ái hữu người Việt Quốc Gia để tổ chức? Tôi không tin rằng ông Cao Xuân Vỷ và những đảng viên kỳ cựu Cần Lao Nhân Vị nghĩ cách hèn hạ rằng lãnh tụ đã chết không còn nơi nương tựa thì đảng viên tự động tan hàng ! Nếu không, thì vì sao, cho đến lúc này, quý vị cứ thu dấu tên tuổi mình trong đảng phái hay hội hè khác và thỉnh thoảng chỉ nêu lên những tiếng đồn vang vọng của thời Đệ Nhất Cộng Hoà ? Vì sao quý vi không dám xưng danh một đảng chính trị có tên Cần Lao đang nuôi dưởng tinh thần ông lãnh tụ?    
Trong cộng đồng người Việt hôm nay đã có nhiều người thừa kinh nghiệm, đủ tài trí để đánh giá lập trường của một đảng phái chính trị hay tôn giáo của những người Quốc Gia chống Việt Cộng. Lớp trẻ chúng tôi hôm nay đã đủ thông minh để đánh giá đảng Cần Lao khi đem so sánh đảng này với các đảng phái khác. Lớp trẻ chúng tôi hiểu rằng, trước thế giới mở ngỏ hiện tại, người cố tâm che dấu thông tin lịch sử, hoặc phê bình lịch sử thiếu chứng minh sự kiện chỉ tự tạo cho mình cuộc sống cô đơn, nếu không nói là bọn phá hoại. Trong khi đó, lớp trẻ chúng tôi cần có cuộc sống đoàn lũ và phát triển tinh thần Vị Quốc của các bậc tiền bối..
Vậy tôi xin gửi vài bài viết của nhiều người đã phê bình và đánh giá cố TT Ngô Đình Diệm, chế độ Đệ Nhất Cộng Hoà Miền Nam và đảng Cần Lao đến độc giả, hầu mở thêm những bài học quý giá về kinh nghiệm của bậc cao niên. Ước mong  Ban biên tập các diễn đàn internet đăng tải bài viết sau đây, chúng tôi thành thật cám ơn..

Tôi đã đọc trên diễn đàn Ba Cây Trúc, trong bài mở mục Hội Luận có đoạn:

„Kể từ sau cuộc cách mạng quân nhân 1963, hai chữ Cần Lao trong và ngoài nước, hình như cấm kỵ không được nhắc tới. Dù không ai thố lộ, nhưng hai chữ Cần Lao cứ vẫn chập chờn trong trí óc những chuyên gia chính trị người Việt. Đã lâu, chúng ta chẳng cần biết đến đảng Cần Lao và đảng Cần Lao cũng chẳng cần phân bua phải trái với chúng ta. Nhưng cứ xét kỷ, thì trong lịch sử cũng chán gì đảng phái và anh hùng liệt sĩ, trong đó có đảng và có anh hùng để lại cho hậu thế nhiều cảm tình cung kính,mà có đảng và anh hùng chỉ dành lại những lời khinh khi nguyền rủa. Đảng phái và anh hùng vẫn tiếp tục và trong dòng lịch sử nước nhà chẳng ai giống ai. 
...........đảng Cần Lao là điều quan trọng đáng đề cập....... Vì sao hôm nay có sự xuất hiện của đảng Cần Lao? Vì sao có sự sống lại của đảng Cần Lao? Phải chăng đúng như nhà triết gia Luc Ferry khi bình luận về Thiên Chúa Giáo đã nói: “Lời hứa sự sống lại giải tỏa tình yêu” (la promesse de la résurrection libère l’amour). Đảng Cần Lao hôm nay sống lại có tạo ra được tình yêu của đồng bào trong và ngoài nước hay không? Trước tình hình thế giới và chủ trương cai trị đất nước của chính quyền hiện tại, đảng Cần Lao sẽ làm gì để giử được tình yêu đó? Chúng tôi muốn biết vì đó là điều tối quan trọng“. (hết trích).
Trước khi bàn đến những câu hỏi của diễn đàn Ba Cây Trúc, tôi cố tìm đọc thêm những bài viết chống đối chính quyền Ngô Đình Diệm và đảng Cần Lao. Tôi muốn biết rõ ràng, kèm theo chứng tích, đảng nầy đã gây ra trong quá khứ bất lợi cho quốc gia ở điểm nào? Lập trường đối với quê hương đất nước của đảng Cần Lao còn có thể áp dụng cho cuộc tranh đấu đối đầu với Việt Cộng hay không? Nếu con đường chủ trương canh tân đất nước của chế độ Đệ Nhất Cộng Hoà có sự hậu thuẫn đảng Cần Lao là đúng, thì vì sao hôm nay các lãnh tụ trong cộng đồng chúng ta không cổ võ?

Trước hết, tôi muốn có cái nhìn khắt khe về Đệ Nhứt Cộng Hoà, nên tôi chọn tài liêu của 2 tác giả trí thức phật giáo đã viết về Ngô Đình Diệm và đảng Cần Lao. Đó là bác sĩ Trần Ngọc Ninh, nguyên bộ trưởng bộ Quốc Gia Giáo Dục, giáo sư đại học Vạn Hạnh và ông Hồ Sĩ Khuê, một trí thức phật tử, người tự xưng quen biết ông Ngô Đình Diệm và thân thiết với nhiều người trong gia đình họ Ngô suốt thời gian dài. 
Trí thức phật tử bác sĩ Trần Ngọc Ninh.-
 Trước thời gian nhận chức Bộ trưởng Bộ Giáo Dục, bác sĩ Trần Ngọc Ninh từng là giáo sư đại học Phật Giáo Vạn Hạnh, có nghĩa là những bài viết của ông, theo tôi, thế nào cũng phản ảnh tinh thấn Phật Giáo dưới thời Đệ Nhất Cộng Hoà Miền Nam, khi ông bàn đến lề lối cai trị của cá nhân Ngô Đình Diệm. Chẳng hạn trong bài “Bốn mươi năm sau”, khi ông Ninh nói về chế độ Đệ Nhất Cộng Hoà và tổng thống Ngô Đình Diệm, đã quy kết cho “ông Ngô Đình Diệm kỳ thị và đàn áp Phật giáo một cách thái quá”, và đã được người bạn đồng liêu, bác sĩ Nguyễn Tiến Cảnh, phát biểu như sau

“Việc gọi là kỳ thị/đàn ápPhật giáo vào năm 1963 thời đệ I VNCH có lẽ không còn giá trị đứng vững nữa. Bản báo cáo điều tra của Liên Hiệp Quốc về kỳ thị và đàn áp tôn giáo thời Ngô Đình Diệm đã có lúc định công bố nhưng thiên hạ sợ mất mặt không dám cho công bố, nhưng sau cùng cũng được cho giải mật thì kết quả là không có kỳ thị và đàn áp tôn giáo.
Thực vậy, bất cứ ai với hiểu biết bình thường và đầu óc còn tỉnh táo cũng phải công nhận rằng chính phủ Kennedy/Hoa Kỳ lúc bấy giờ dứt khoát không muốn chế độ Diệm tồn tại, bởi vì ông Diệm đã không nghe lời Mỹ, VNCH không còn phục vụ cho quyền lợi của Hoa Kỳ như ý muốn cuả Hoa Kỳ. Chính giáo sư Ninh cũng đã viết: “…Kennedy…đã quyết định là phải truất phế họ Ngô, vì giữ lại chỉ có hại cho nước Mỹ, hại cho sự lại chức tổng thống Hoa Kỳ và hại cho đảng Dân Chủ của ông….”

Đoạn bác sĩ Nguyễn Tiến Cảnh đặt câu hỏi: “Phải chăng giáo sư Ninh quan niệm miền Nam Việt Nam phải phục vụ cho quyền lợi Hoa kỳ, cho TT Kennedy và đảng Dân Chủ của ông ta nên mới lập luận như vậy để kết án ông Ngô Đình Diệm, cho rằng đảo chính là phải…..”. Trong phần lý luận, bác sĩ Cảnh cho biết: “Vụ lựu đạn nổ ở Huế ngày Phật đản, theo tin giải mật là do bàn tay long lá thừa nước đục thả câu. Chính quyền Diệm không ngu dại gì mà làm như vậy. Gỉa sử cho là có đàn áp đi nữa thì cũng chỉ là có tính nhất thời và chuyện chẳng đặng đừng. Nhưng so sánh với chế độ CSVN hiện nay từ 1945, và từ 1975 cho đến giờ, đã hơn 40 năm đất nước hoà bình thống nhất rồi, nạn kỳ thị đàn áp kìm kẹp tôn giáo còn có hệ thống, thâm đôc, ác liệt và trường kỳ gấp bội, chưa từng có trong lịch sử Việt Nam, đã và đang là một sự thực hiển nhiên. …..”

Bác sĩ Cảnh còn đem triết thuyết Phật giáo để kết tội và chế diễu bác sĩ Ninh: “Từ chỗ dụng Tâm và Tuệ một cách lệch lạc để suy đoán sự việc, giáo sư Ninh đã phê phán Công và Tôi của ông Diệm không được công minh và công bằng thì cũng là lẽ đương nhiên…..Về chính trị, giáo sư Ninh cũng không quên đã kích ông Diệm rằng “đã thành lập đảng Cân Lao Nhân Vị chính cương phóng tác từ tư tưởng của tiết gia Công Giáo Emmanuel Mounier song song với sự dựng lên một nha mật vụ chính trị và một lực lượng đạc biệt…là một sự đứt đoạn với truyền thống chính trị Việt Nam”. Thế nào là truyền thống chính trị Việt Nam? PhảI chăng chính trị Việt Nam không cho phép có cơ quan an ninh nội chính?….Giáo sư Ninh hình như bị ám ảnh bởi hai chữ Công Giáo , đã mỉa mai là đảng Cần Lao rập khuôn theo tư tưởng của triết gia Công Giáo. Ô hay, ông Diệm không được phép dung tư tưởng những triết gia Công giáo hay sao?”

Lời nói mĩa mai của bác sĩ Nguyễn Tiến Cảnh, người đồng liêu và đồng thế hệ với bác sĩ Trần Ngọc Ninh, đã giúp cho lớp trẻ chúng tôi một nhận định ai là chân và ai là giả. 

2.- Phật tử trí thức Hồ Sĩ Khuê. 

Trong quyễn Hồ Chí Minh, Ngô Đình Diệm và Mặt Trận Giải Phóng do Văn Nghệ xuất bản 1992, khi phê bình cá tánh Ngô Đình Diệm, nhà trí thức Hồ Sỹ Khuê đã phê phán:

* Thiếu tầm vóc một lãnh tụ quốc gia, không có tầm vóc lãnh đạo quốc tế. Học thức ông giới hạn, kiến thức nhiều thiếu sót. (trang 262).

* Nhân sinh quan hẹp hòi. Ông Diệm trọng đạo đức, tín ngưỡng ông thuần thành. Đau đáu lo chuyện giữ mình nên quên người, thường sợ kẻ khác làm hỏng việc mình. Thành ra không dám tin ai khác và thường ngờ vực mọi người. (trang 262).
* Quan liêu gia đình. Bản chất quan lại, ông Diệm không gột sạch được. Mà ông cũng không biết mình quan liêu, nên không thấy cần phải gột. Chỉ thiên dụng người đã từng làm quan hay làm công chức cũ. Mang một số lớn từ Bắc, từ Trung vào theo ông làm vây cánh , nên càng gia trọng « tội tổ tông ». Không am tường tình trạng quyến thuộc trong gia đình, không thấy thủ túc tin cậy của ông đầy tham vọng quyền lực và quyền lợi. (trang 263).

* Mặc cảm đố kỵ kháng chiến. Trước mắt ông, cộng sản là kẻ thù chính của dân tộc. Trước kia, ông không thể cùng họ đứng chung mặt trận tranh đấu dành độc lập, chỉ vì ông chôang cộng. Và ông chống cộng vì tín ngưỡng trước hết. (trang 263).

Và nhà trí thức phật tử Hồ Sỹ Khuê cũng không ngân ngại nói về đảng Cần Lao :

« Ông Diệm dựng nền Cộng Hoà Nhân Vị, để pháp chế hoá quốc sách chống cộng. Chống cộng không còn là một tư tưởng, một thái độ, hay một hành động cá nhân. Chống cộng trở thành một nhiệm vụ công dân pháp định…..Chống cộng trở thành quốc sách cực đoan, mù quáng…Ngô Đình Nhu cầm thực quyền bên sau ông anh, học thức cao, kiến thức rộng…bèn góp nhóp các tư tưởng Thiên Chúa có khuynh hướng xã hội, khai sinh đảng Cần Lao, và tung ra thuyết Nhân Vị (thực ra là mượn thuyết Personnalisme của Emmanuel Mounier người Pháp), tự phụ là một khám phá cao siêu, có sức lôi cuốn được người. Rồi mang ra trình làng, mở trường huấn luyện cán bộ…Nhưng việc góp nhặt sỏi đá này chẳng đi đến đâu cả, sau ít năm thì chìm hẳn. Và đảng Cần Lao biến thành một tổ chức mật vụ, chuyên bắt giết và tra tấn đối lập » (trang 326).

Tôi hoàn toàn không biết ông phật tử trí thức Hồ Sỹ Khuê này, nhưng trong hồi ký của ký giả Văn Bia (Đời một phóng viên và Những ngày sống cạnh chí sĩ Ngô Đình Diệm) có đoạn viết về Hồ Sỹ Khuê như sau :

« Mỗi ngày anh Hồ Sỹ Khuê đến gặp ông Diệm lấy ý, về phòng chúng tôi ngồi viết bài bình luận ký tên là Hoài Nhân. Bút hiệu này có nghĩa là Nhớ Một Người. Tôi mang bài bình luận của anh, đúng ra là của Chí sĩ Ngô Đình Diệm, và những bản dịch của anh Du Phước Long, tới nhà in Sông Gianh cho thợ sắp chữ ».
Thiết nghĩ chừng ấy đủ cho tôi một thanh niên vừa lớn lên, nhận định và hiểu lý do nào thúc đẩy người trí thức phật tử Hồ Sỹ Khuê từng sống bên Ngô Đình Diệm đả phê phán về tổng thống Ngô Đình Diệm và đảng Cần Lao như đã kể.
Tài liệu nói về đời tư ông Ngô Đình Diệm.
Cách đây không lâu, một người bạn, trong buổi gặp nhau tình cờ, trao tôi đọc bài viết của cựu nghị sĩ Lê Châu Lộc, người trước năm 1963 là một quân nhân từng « được Tổng thống Ngô Đình Diệm chọn để làm một vài công tác đặc biệt khoảng cuối năm 1958 » và sau đó trở thành Sĩ quan Tùy viên, ghi lại những điều mắt thấy tai nghe trong nhiều sinh hoạt hằng ngày của vị lãnh đạo quốc gia thời Đệ Nhứt Cộng Hoà miền Nam Việt Nam như sau:
 
„Tổng thống Ngô Đình Diệm là một con người lịch sử. Ông là Tổng Thống đầu tiên của Việt Nam tự do và là vị sáng lập nền Cộng Hoà Việt Nam. Sau chín năm cầm quyền đã bị thảm sát bởi chính kẻ đồng minh Ông tin cậy, bởi chính hàng khanh tướng do Ông tạo ra. Khi Ông nằm xuống, những người mưu giết Ông và Việt cộng thù ghét Ông đã bêu xấu Ông tàn tệ bằng những điều bày đặt bí ổi, bằng những sự thật bóp méo để chạy tội, để lấp liếm những ý đồ xấu xa, những tâm địa phản phúc.....
 
Tôi thích đoạn ông Lê Châu Lộc kể về đời sống một ông Tổng Thống, mà chính vị sĩ quan này từng mắt thấy tai nghe, trong thời gian làm Sĩ quan Tuỳ Viên bên cạnh:
 
„Tổng Thống Ngô Đình Diệm có lối sống đơn giản, thanh đạm của một nhà nho Việt Nam. Giường ngủ đặt ngay trong phòng làm việc. Phía sau chiếc ghế bành và bàn tròn dùng làm việc và ăn uống, kê một cái giường rộng lối một mét, sạp nẹp gỗ, lót chiếu bông để ngủ. Khi nào „thân thể bất an” mới cho trải thêm một miếng nệm bông gòn mỏng...
 
„Mỗi ngày của Tổng Thống thường khởi sự bằng một Thánh Lễ lúc trời chưa sáng, do các linh mục tuyên úy hay bạn hữu dâng. Ch-ám dứt một ngày dài mệt nhọc bằng quỳ gối cầu nguyện âm thầm bên giường, đôi khi cả giờ, hai cánh tay dang rộng. Cửa đóng kín, sĩ quan tuỳ viên hay hầu cận cần gì lắm mới ra vào.
Sau Thánh Lễ, đọc nhiều sách, tạp chí, duyệt báo (Anh, Pháp và Việt ngữ, đôi khi Hán văn). Kế dùng lót lòng, thường là cháo trắng với dưa món, uống một tô nước trà nổi bọt...
 
„Tiếp theo là một chuổi công việc không ngừng tới một hai giờ trưa. Ít thấy Tổng Thống ăn trưa trước 1 giờ. Có khi ăn trễ vào lúc 3 giờ. Thường cơm trưa thanh đạm, nhiều khi chỉ đôi ba trái bắp còn non, và tô trà Huế. Hầu cận đóng cửa phòng lối nửa tiếng đến một giờ, rồi làm việc lại. Buổi chiều thường dùng để suy tư, động não chiều sâu, chiến lược, có khi một mình. Đôi khi với những cộng sự viên xa gần được mời gọi riêng. Không có giờ giấc ấn định cho một ngày dài làm việc. Khi có người thân thuộc tới thăm, nhất là Đức Cha Ngô Đình Thục từ Vĩng Long lên hay sau này từ Huế vào, thì Tổng Thống nghĩ sớm hơn một chút, vui ẻ viếng thăm, dùng cơm v.v.Những lúc có các cháu chạy từ phía ông bà Cố Vấn sang thăm, thì cười vui, trẻ trung hẳn lại. Cơm chiều nhiều món ăn hơn, nhưng những món ăn quí vẫn là các món ăn Huế quen thuộc mà „ngoài nhà“ gởi vào. Không uống rượu mà hút thuốc Mélia thì hơi nhiều.....
 
Về phương diện giải trí, vị sĩ quan tuỳ viên ghi nhận:
 
„Phần lớn thì giờ của Tổng Thống là để làm việc. Giải trí rất ít với những thú tao nhã quen thuộc. Đọc sách xem các tuần san Pháp, Anh và Việt ngữ, rất thích tập san chuyên về máy ảnh, hình ảnh như Photographie. Tổng Thống rất thích máy ảnh và kỹ thuật chụp ảnh. Tổng Thống cũng rất thích kiến trúc và trồng tỉa hoa hồng....
 
„Tổng Thống thích thăm viếng đột ngột xã ấp, đồn bót hẻo lánh,trại gia binh, phường xóm, chợ buá, đền chùa để tìm hiểu tình hình, gần gũi dân chúng và binh sĩ. Có lẽ trong cả nước và cả Quân Đội không có ai biết nhiều nơi, nhiều chốn bằng Tổng Thống. Từ núi rừng Cao nguyên xuống các vùng cận sơn, ven biển Nam Hải ra tận Cù Lao Ré hay Côn Đảo, vùng mật khu miền Đông xuống tận vùng mật khu miền Tây, từ Cà Mau, Bến Tre, Hậu Nghĩa, Phước Long, Phước Thành, Quảng Đức, Bến Giàng, A Sao, A Lưới...những vùng bạn đã biết địa danh, nhưng chắc chắn nhiều bạn không biết Măng Bút ở đâu.....
 
Tiếp theo vị Sĩ quan tuỳ viên Tổng Thống nhắc lại vài mẫu chuyện khó quên:
 
„Một lần trong chuyến kinh lý miền Trung, khi duyệt qua hàng rào dân chúng, có hàng lính đứng trước, Tổng Thống đang bước sải nhanh, tay cầm mũ vẫy chào dân chúng đang hoan nghênh Tổng Thống, bỗng dừng lại: một quân nhân quỳ gối xuống để chào Tổng Thống khi bước ngang qua. Tổng Thống lùi lại một bước, đỡ anh lính đứng dậy và nói lớn vào tai anh: „Làm lính không có quỳ, chỉ đứng nghiêm chào kiểu lính“. Vỗ nhẹ đầu anh lính rồi tiếp tục đi.
Đầu năm 1962, sau cuộc bầu cử tổng thống nhiệm kỳ 2 thành công. Một hôm, Tổng Thống dậy sớm chỉ thị sĩ quan Lê Châu Lộc đưa Tổng Thống đến Chùa để cám ơn quý vị cao tăng Phật giáo đã ủng hộ. Tổng Thống chỉ muốn đi một xe do sĩ quan tuỳ viên lái, không cần hộ tống, và nên đi trước giờ thành phố thức dậy. Sau khi cùng uống xong trà với các Thầy, thì có một vị Thượng Toạ bỗng đứng lên thưa lớn: „Kính thứ Tổng Thống, anh em chúng tôi có một chuyện buồn Tổng Thống“. Sửng sốt Tổng Thống hỏi: „Cám ơn Thầy nói thẳng, xin cho tôi biết chuyện chi? Kính thưa Tổng Thống anh em chúng tôi vừa được tin bên Colombo cho hay Tổng Thống Việt Nam Cộng Hoà có gởi tặng Đức Đạt Lai Lạt Ma một số tiền lớn là 10 ngàn dollars. Sao Tổng Thống không cho anh em chúng tôi biết để chia vui?“. Hơi bối rối một chút, Tổng Thống ngẩng đầu lên nói:“Dạ, tôi nghĩ đó chỉ là bổn phận mình phải làm, không nên nói ra. Đức Đạt Lai Lạt Ma vừa rời Tây Tạng lưu vong, đang bôn ba cực khổ ở Népal miền Bắc Ấn Độ. Tôi được tin rất thương xót, nên sẳn có số tiền vừa nhận đưọc của viện Magsaysay thường cho một vị lãnh đạo xuất sắc trong miền Á Châu Tự Do, tôi vỗi vã gởi Ngài để chi dùng khi gặp nạn. Bổn phận thôi. Vả chăng Ngài là đấng lãnh đạo tinh thần sáng chói ở Á Châu, chỉ có sức mạnh hữu thần chống lại độc tài vô thần, xứng đáng cho ta ngưỡng mộ và hỗ trợ.“ 
 
Bài viết của ông Lê Châu Lộc rất dài, nhưng cho tôi xin phép dừng lại đây, để nói lên vài cảm tưởng. 
 
Nếu qủa thật đảng Cần Lao Nhân Vị là Diệm-Nhu, và qua lời chứng của viên Sĩ Quan hầu cận Lê Châu Lộc, thì đâu có gì là xấu hỗ? Đâu có gì là hung tợn? Ông Lê Châu Lộc không thể nào bày chuyện huyễn hoặc nói theo cảm tình được, vì thế nào cũng có người phanh phui ra điều nói dối. Mà suốt hơn 30 năm, chưa ai nói gì về đời sống của ông Ngô Đình Diệm, kể cả những người ghét chính quyền Ngô Đình Diệm. Người ta không thể nói Ngô Đình Diệm là vua tham nhũng. Người ta không thể nói Ngô Đình Diệm là dâm tặc.Người ta cũng không thể chứng minh được Ngô Đình Diệm là kẻ phản quốc.
 
Trong cuộc sống hằng ngày của ông Ngô Đình Diệm, người ta không thể nào tìm ra được một vị tổng thống hay vua chúa trên thế giới có một đời sống thanh đạm như vậy. Chưa có sách báo nào đưa ra lời phê phán ông Ngô Đình Diệm là một vị nguyên thủ quốc gia đêm ngày lo chuyện vinh thân phì da.
Do đó, nếu hôm nay đảng Cần Lao có thể sống lại trong cộng đồng hẳn có một sắc thái kính nễ đặc biệt của cộng đồng. Và như vậy thì đảng Cần Lao đâu phải là liều độc dược hay viên thuốc đắng khó nuốt. Trong lịch sữ, đảng nào cũng có lúc thịnh lúc suy là chuyện thường tình. Điều đáng nói là lập trường của đảng đó có đáp lại được sự mong ước của đồng bào chúng ta hôm nay hay không?
Người ta phê phán Đệ Nhứt Cộng Hoà là chính quyến gia đình trị, chính quyền công giáo trị, chính quyền Cần Lao hoặc khích bác bằng văn từ miệt thị tệ hơn là chính quyền Diệm-Nhu. Đếm lại thời gian kể từ ngày giết ông Ngô Đình Diệm đã gần nửa thế kỷ, đọc lại những bí mật của các chế độ và tư cách các vị lãnh đạo tiếp nối, thử hỏi đã ai bằng Ngô Đình Diệm ?
Từ ngày lật đổ chính quyền Đệ Nhứt Cộng Hoà tính đến nay gần đúng 47 năm, cùng với thời gian, trong miền Nam đảng Cần Lao đã bị bức tử theo triều đại đó. Theo tôi thì đây là cả một chiến lược của Việt Cộng hay của một số phe đảng muốn tiêu diệt kẻ thù lợi hại nhất. Chuyện giết Diệm-Nhu là diện mà diệt Công Giáo mới là chính. Người ta lũng đoạn thông tin coi đảng Cần Lao còn nguy hiểm hơn là bộ đội Việt cộng, chỉ là hình thức che đậy giữa các nhà thủ lãnh tôn giáo và đảng phái hẹp hòi!.
Có điều lạ là ngày lại ngày, đảng Cần Lao từ trong tiềm thức của một số người Việt, lại có mầm móng xuất hiện công khai, và đã tạo ra một sinh khí trong cộng đồng. Đó là một thực tế xác quyết rằng một đảng chính trị mang tên Cần Lao không hẳn là VIÊN ĐỘC DƯƠC.


Là Thanh Niên Việt Nam hôm nay, tôi ước mong nhận thêm những lời chỉ giáo kinh nghiệm của các tiền bối. Xin quý Vị phê phán tình trạng này, với chứng cứ rõ ràng, để cho thế hệ trẻ chúng tôi noi theo. Chúng tôi thành thật cám ơn diễn đàn Ba Cây Trúc với sáng kiến mở ra cuộc Hội luận này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét