Người theo dõi

Thứ Sáu, 30 tháng 6, 2017

TẤM VÉ SỐ RÁCH

TẤM VÉ SỐ RÁCH
                      

Trên con đường chạy dọc theo khu lấn biển có vô số hàng quán. Con đường đến lạ lùng. Ban ngày chỉ lác đác các xe tải chở cá hoặc vật liệu xây dựng, còn nếu không thì rất yên ắng. Nhưng khi phố đã lên đèn thì thì có khối xe gắn máy đan qua lượn lại rồi biến đi đâu đó. Những nơi đâu đó, thì thôi là thượng vàng hạ cám từ những quán nhậu, nhà hàng, quán café nhạc... Không ít trong các quán đó có một số quán giải khát không cần thức uống. Trong loại quán này có quán Hằng, lấy theo tên của bà chủ. Xuất thân từ là một tiếp viên nhà hàng. Bà chủ quán bước vào thời quá date. Quá date vì tuổi tác, quá date vì trọng lượng cơ thể dư dã, hậu quả của việc nốc bia thay nước. Bà chủ quán có một thời lừng danh vì có dáng đi chậm rãi, từ tốn, hơi nghiêng nghiêng với cái mỹ danh mà giới chơi khuya đặt cho “Hằng dancing“ dù chưa bao giờ biết nhảy đầm. Nhưng bây giờ nó cũng đã trở thành quá khứ mịt mờ, dù thời gian quên lãng chẳng lâu la gì. Cái đã trở thành quá khứ ấy bắt đầu khi từ cái mỹ danh Hằng Dancing biến thành Hằng Hủ lô. Quán của bà chủ có cái đặc điểm là được trang trí bằng hàng trăm cây bạch đàn bao quanh, lúc nào cũng rì rào tiếng gió, trên một diện tích khá oách, hơn năm trăm mét vuông. Trải qua bao sóng gió bởi các đợt càn quét của công an và thông tin văn hóa. Quán vẫn tồn tại và càng lúc càng đông khách hơn, nhưng lạ ở chỗ là ít ồn ào và lời lãi nhiều hơn. Nhiều khi Hằng ngẫm nghĩ và không hiểu tại sao mình lọt qua một cách ngon ơ như thế.
             
              
Làn nước lạnh ngắt giữa đêm khuya, đã rửa sạch những phấn son và hàng trăm thứ hằm bà rằn trên người của Hằng, kể cả những ước mơ cháy lòng. Nhưng có một thứ nó không bao giờ rửa sạch. Đó là mùi bia, rượu, khói thuốc lá và nỗi nhục nhằn. Tròng vào người cái quần lót, Hằng cứ để trần như vậy ra khỏi phòng tắm, vừa đi Hằng vừa cười thầm với ý nghĩ “ Thằng cha nào mà nhìn thấy cái thân hình ngót nghét bảy chục ký lô với độc cái quần lót,  mà cao có một mét năm lăm thì không nhồi máu cơ tim cũng tai biến mạch máu não”.
Đã bước sang ngày mới. Yên ắng của đêm khuya không làm giảm đi cái oi nồng của khí hậu tháng tư. Có lẽ trời sắp mưa. Bổng dưng nỗi nhớ nhung cái làng quê nghèo khó của Hằng tràn về. Tưởng đâu xa lâu quá sẽ quên luôn. Ai dè, mỗi khi màn đêm trở lại thì nỗi nhớ thêm đầy, thêm sâu. Không biết bây giờ ảnh làm sao? Vợ con chắc cũng đã đùm đề rồi. Tiếng thở hắt ra của Hằng hòa theo một thoáng gió lay lay qua cửa sổ. Hằng nhìn lại cái thân thể dư thừa thịt mỡ của mình mà ngao ngán. Bộ ngực đồ sộ chưa có dấu bàn tay con nít, nhưng bàn tay của người lớn thì chẳng biết là cơ man nào mà đếm, mà nhớ nổi. Những người giúp việc đã về nhà từ lâu, họ cực khổ, chẳng son phấn nước hoa, bia rượu. Nhưng bù lại họ có một nơi để mà về. Các tiếp viên cũng lần lượt rời khỏi quán đi về một nơi nào đó không định trước cũng như những bất trắc mà họ gặp phải. Cái định trước duy nhất mà họ có là đôi mắt thâm quầng vì nhiều thứ và từng lát mỏng sức khỏe bị bào mòn bởi những sinh hoạt trác táng bất kỳ. Không định trước cũng là một tương lai dành cho những con người trong cái quán này và cả cho những người thường hay lui tới. Chua xót thay cái không định trước ấy chưa bao giờ là một cú trúng số lô đặc biệt. Xác xuất của nó là không phẩy không không một, trên vô cực. Trong khi mua vé số thì xác xuất là một trên trăm ngàn. Mua vé số xác xuất cao như vậy, mà ngày nào cũng một, hai chục tấm, chưa bao giờ Hằng trúng được lô nào coi cho được, còn với người khác thì chỉ nghe chớ chưa thấy. Nhưng vẫn cứ mua như mua một niềm hy vọng mong manh đã nhạt nhòa theo thời gian. Hằng chợt nhận ra, dù đây là nhà của mình, nhưng Hằng chưa bao giờ có cảm giác nó là của mình. Bởi vì nếu là của mình thì tại sao? Tại sao giờ này Hằng chưa được ngủ. Trời tháng tư vẫn cứ oi oi dù đã hơn nữa đêm. Mệt mỏi rã rời nhưng đôi mắt Hằng ráo hoảnh. Cứ để cho chín mươi bảy phần trăm diện tích da tiếp xúc thoải mái với không khí. Hằng lục tủ lạnh làm một ly café đá. Mang ly café đến cái ghế sofa, vói tay mở cái quạt máy. Hằng nằm trên ghế nhấm nháp vừa nghe những cảm giác của làn gió phất qua phất lại đều đều trên da. Bổng dưng Hằng thèm thuồng cái làn gió mang mùi mồ hôi của mình hắt đi từ cái nón lá mỗi khi cô quạt, mà hồi còn ở trong quê Hằng thường hay làm mỗi khi đi đâu đó ngoài nắng. Nhanh thật, mới đó mà đã hơn mười năm rồi. Gió của quạt điện càng lúc càng làm cho làn da được tiếp xúc với nó lạnh ra, nhưng lại đẩy cái oi nồng sang khu vực mà cơn gió không tới được, mồ hôi lại rịn ra, nhớp nháp dưới lưng và ở những nơi khuất gió làm cho Hằng khó chịu. Cô quay người lại, cái ghế sofa oằn người trước sự chuyển động của cái cơ thể đồ sộ. Tiếng cọt kẹt là Hằng bực bội. Nếu không biết dành dụm, nếu không biết cách trấn lột những thằng cha lắm tiền rửng mỡ, để lập ra cái quán này thì Hằng không biết phải sống ra sao? Khi mà cái vốn tự có càng ngày càng nâng cấp thảm hại (?). Đã lâu lắm rồi nguồn vốn ấy không sinh lãi, không sinh lãi để nuôi thân, cũng không sinh lãi để có một niềm vui trong ân ái, dù chỉ là những cuộc ái ân tạm bợ chiều theo đòi hỏi của bản thân. Những giọt nước mắt nào đó còn sót lại bổng dưng lại ứa ra với ý nghĩ này. Ôi mấy giọt nước mắt cộng lại chừng vài mililít mà sao nó cay muốn nổ con ngươi. Hằng nấc lên. Sau một thoáng chập chờn, giờ đây quá khứ ùa về

Út Quẹo ngồi dưới rặng bạch đàn nhìn ra miếng ruộng xanh rờn, lúa lột mình trông thiệt đã mắt, nghỉ một lát xuống nhổ tiếp một vạt cỏ khoảng chục tầm vuông nữa là xong. Gió tháng chín làm cho lá bạch khua lào xào, Út Quẹo mơ màng nghĩ đến ngày mai. Còn hơn năm nữa là ảnh ra quân. Thiệt tình, từ ngày đi nghĩa vụ tới giờ gần một năm mà gởi có mấy cái thơ, mà cái nào cũng dặn là không cho lên thăm. Thây kệ. Đỡ tốn tiền, thử coi ai nhớ ai cho biết. Nghĩ thì nghĩ vậy chớ Út Quẹo biết tỏng là cô nhớ nhiều hơn. Làm sao mà biết người ta nhớ hay không nhớ? Mà ảnh cũng kỳ thiệt, hết chuyện đi thương con nhỏ xi cà que. Bổng nhiên Út Quẹo thấy buồn buồn, phải chi hồi nhỏ đừng có nghịch ngợm leo trèo thì đâu có té gãy giò. Mai mốt là đám cưới với ảnh, rồi có con, mình dứt khoát không cho nó nhảy lưng tưng như mình hồi nhỏ. Nghe mấy người lớn nói xương con nít mềm dễ gãy. Phải chi mình đừng mang tên Út Quẹo thì bây giờ làm cô giáo rồi. Mà sao kỳ vậy ta. Đi cà nhắc đâu có mắc mớ gì tới cái chuyện làm cô giáo. Vậy mà anh hai với má mình không cho mình đi học lớp Mười. Viện dẫn đủ lý do để buộc mình nghỉ học, lý do gì mình nghe cũng xuôi tai, mà nói đi cà nhắc làm cô giáo không được thì học làm gì làm mình phát quạu. Mà mình đi cà nhắc đâu có nhiều, chẳng qua là hơi nghiêng một chút thôi mà. Đi chậm rãi lại dễ gì người ta biết, sợ hổng chừng mấy bà có con trai còn khen nữa là khác, họ nói mình con gái mà đi đứng từ tốn, chậm rãi là rất dễ thương, không hấp tấp nên mau giàu. Ôi thôi kệ. Dù sao ảnh cũng thương mình. Hổng làm cô giáo cũng được. Chắc là ở trển ảnh nhớ lắm rồi, vậy mà viết thơ về còn làm bộ. Thôi xuống làm cỏ tiếp cho lúa trống mình, mau nở. Lúa thóc xong rồi, mình lên thăm đại. Thử coi ảnh dám cự nự không? Nhớ lại những lần ảnh tiếp mình một việc gì đó trên mảnh ruộng này. Khi xong hai đưa nhìn nhau cười. Cái mùi mồ hôi, cái mùi đàn ông lất phất làm cho cô thấy ghê ghê. Ấy vậy mà cũng làm cho cô nhơ nhớ.
Về gần tới nhà, Út Quẹo thấy trước cửa nhà đông nghịt. Không hiểu ất giáp gì cô cố rảo bước nhanh, vừa lúc bà chị dâu nhào ra túm lấy Út Quẹo lu loa, bất kể bộ đồ cô mặc trên người nhớp nháp nước sình:
- Trời ơi. Cô đi đâu mà không coi chừng má. Má chết cứng từ nào rồi. Nếu anh hai cô không qua thì chắc là cô để sình luôn.
Hai tai ù lên. Út Quẹo đứng như trời trồng, miệng lẫm bẫm :
- Chết. Cái gì chết. Ai chết.
Bà chị dâu hét lên :
- Má chết. Má chết rồi. Cô nghe không.
Út Quẹo sụm xuống rồi không còn biết gì nữa. Khi cô tỉnh lại thì thấy mọi người đang dằn cô ra mà cạo gió xức dầu. Cô bật ngồi dậy, gạt mọi người qua một bên, nhào qua ôm lấy cái xác cứng đờ của mẹ. Út quẹo khóc lóc, kể lể cho tới khàn cả giọng và mặc cho mọi người làm gì đó thì làm. Cô cũng chẳng buồn thay quần áo.

Khi chôn cất mẹ xong thì Út Quẹo không còn nhớ mình là ai nữa. Ngôi nhà nhỏ xíu mà với cô bây giờ thì nó mênh mông. Ba Út Quẹo mất khi cô mới lên hai tuổi. Ba má Út Quẹo sinh khá nhiều nhưng chỉ nuôi được người con lớn và Út Quẹo. Nên ông anh lớn hơn Út Quẹo gần hai con giáp đã có gia đình con cái. Thằng con lớn chỉ nhỏ hơn Út Quẹo có một tuổi. Giờ đây cô chỉ một mình. Anh chị thì tính tình nhỏ mọn, nên khó lòng nương tựa. Nhưng thôi, mình làm mình sống. Giàu cha, giàu mẹ thì ham. Giàu anh, giàu chị ai làm nấy ăn.
Cuộc sống, không đơn giản như Út Quẹo nghĩ. Làm tuần ba cái bảy cho mẹ. Anh chị qua nói là tính sổ chi phí tang ma, mả mồ, rồi giải quyết chuyện ruộng nương, đất cát của mẹ. Hai vợ chồng nói một hồi, rồi trưng ra giấy má đủ màu, sổ xanh, sổ đỏ một hơi. Út Quẹo thấy mình sạch bách, nếu có còn là còn mấy bộ đồ dính da. Thằng cháu kêu bằng cô thì mặt mày bậm trợn chuẩn bị tiếp quản những thứ ít oi của bà nội. Đến nước này Út Quẹo mới biết cái quan hệ của cô với anh mình. Anh em cùng mẹ khác cha. Đất dưới chân cô như sụp xuống.

Thế là, túi không lưng túc với một ước mơ bị gió thổi bay tuốt lên ngọn bạch đàn. Từ đó, không bao giờ cô nhắc tới ảnh. Từ đó không bao giờ cô nhắc tới quê nhà. Từ đó, không bao giờ cô nhớ tới ảnh. Từ đó không bao giờ cô nhớ tới quê nhà. Mà nhắc nhớ để làm gì? Út Quẹo mang lên thị xã cái dáng vẻ quê trớt, cái tướng đi chậm rãi nghiêng nghiêng cộng thêm với cái tên rất ấn tượng. Nhưng khốn nạn nhất là cái nhan sắc của gái đương thì đã nhanh chóng đẩy cô Út Quẹo quẹo lần, quẹo hồi vào cái tâm bão của đồng tiền. Bán vé số, trước làm kiếm lời nuôi thân, hôm nào đắt để dành lại vài tờ với ước mơ được trúng thì về quê mua đất, làm ruộng, sửa nhà chờ ảnh ra quân, nhưng rồi chưa kịp trúng số, thì bị bọn trời đánh làm nhục, rồi tiếp viên nhà hàng, rồi… Từng cái rồi… này sang cái kia, rồi… đẩy bước chân khập khiểng đi sâu vào mất mát, tủi buồn, quắt quay thù hận…Những thứ đó trút lên đầu cô từng thứ một; cái tên mới, sự lọc lõi, lòng vô tình, tính đanh đá…Những thứ đó cùng với sự phát triển mất trật tự của lớp mỡ dưới da, biến Hằng Dancing thành “Hằng Hủ Lô” với một thân hình nặng tròm trèm bảy chục ký. Một trọng lượng đủ để che chắn cho cái quán bia ôm, cái tủ sắt của mình và làm giàu cho Công ty Cấp Thoát Nước.

Như thường lệ Hằng thức dậy, nhìn đồng hồ, đã hơn mười giờ. Cái quá khứ hiện về trong im ắng của đêm khuya, bị cái thân thể rã rời, vì thường xuyên thức khuya, dậy muộn, tống đi ráo trọi. Cô rời khỏi giường đứng dậy vươn vai và ngáp. Bất chợt thấy mình với cái thân thể nung núc với cái ngáp hết cỡ trong gương. Hằng vừa xót xa vừa tức cười với cái ý nghĩ mình giống như con hà mã thường thấy trên tivi. Bực bội. Hằng kéo phăng cái quần lót ra khỏi người rồi đi vào toilet. Gần cả giờ đồng hồ, tiêu tốn nửa khối nước cho cái thân hình đồ sộ của mình. Hằng bước ra khỏi phòng với một bộ cánh cũng tốn hao không ít vải, dù rất cố gắng tiết kiệm.
Đấy là sinh hoạt mỗi ngày của bà chủ quán kể từ khi tạo dựng được cơ ngơi này.
Khi khóa trái cổng lại, quay ra Hằng đụng ngay tay chạy xe ôm mặc cái áo bộ đội bạc phếch, mang đôi kính đen loại rẽ tiền to tổ bố, đang ngồi chéo ngoải hút thuốc trên yên xe với cái nón luôn luôn xùm xụp trên đầu, bất kể nắng mưa, tối sáng. Chưa bao giờ Hằng nhìn rõ khuôn mặt hắn. Hắn xuất hiện ở quán Hằng gần một tháng nay. Ban đầu, Hằng cho là chuyện bình thường, nhưng riết rồi đâm bực. Hắn đúng giờ một cách kỳ quặc, ngay bon giờ Hằng mở cổng. Làm như chạy mối không bằng. Mà cũng có thể như vậy, bởi vì sau đó là hắn biến và trở lại ngày hôm sau. Hình như hắn chỉ chờ được chở Hằng. Hầu hết những quán bia ôm bao giờ cũng ở một nơi vắng vẻ ban ngày, rậm rật ban đêm. Giờ này không ôm hắn thì đứng phơi đầu ngoài nắng để đợi ôm ai. Nhiều khi tức quá Hằng muốn mua quách một chiếc xe. Nhưng lại không biết chạy, lỡ té một cái rầm làm hư đường, hư xá của người ta. Thấy Hằng bước ra. Hắn nhảy xuống xe chuẩn bị tư thế sẵn sàng cho Hằng ôm. Thôi đành vậy làm cao với hắn làm gì? Ôm ai cũng phải trả tiền mà. Nghĩ mà tức cho mấy thằng cha xe ôm, tay nào như tay nấy, làm như trên đời này không có mấy cái thứ được gọi là hóa mỹ phẩm hay sao ấy, mình mẫy lúc nào cũng nồng nồng mồ hôi. Hằng trèo lên yên sau xe buông một câu cộc lốc:
- Chỗ cũ.
Hắn nổ máy, chiếc xe rướn lên bằng hết sức mình. nhưng rồi cũng lấy được đà phóng tới. Trong khi tay xe ôm làm công việc của mình. Hằng móc cái điện thoại di động, hết gọi người này đến người khác. Nhưng không ai bắt máy hoặc lời thông báo máy không liên lạc được. Đã đến nơi mà chẳng rủ rê được ai. Hằng cáu tiết bước xuống phang một câu ngang như cua:
- Vô ăn sáng với tôi, cha nội. Tôi bao. Không vô, không trả tiền xe. Vợ con đói thì đừng có trách tôi.
Hắn lặng thinh theo Hằng vào quán café. Gần tới giờ tan sở. Quán vắng người, chỉ lác đác những kẻ vô công rỗi nghề đang ngồi ăn sáng (?). Thế mà tay xe ôm bước vào vẫn thấy lạc lỏng làm sao. Vừa ngồi xuống. Hằng hất hàm bảo :
- Ăn uống gì thì kêu. Làm ơn bỏ cái nón xuống dùm coi.
- Ăn rồi. Cho cái trà đá. Hắn cộc lốc và cái nón vẫn y chỗ cũ.
Hằng nổi cáu đưa tay giật phăng cái nón. Một khuôn mặt đen sạm lộ ra. Bổng đâu có một cục nước đá lạnh ngắt chạy suốt sống lưng của Hằng. Cô không tin vào mắt mình. Tay cầm nón, tay còn lại cô từ gỡ nhẹ cái kính dâm. Bây giờ thì cô há hốc mồm nhìn trân trân. Phải rất lâu sau cô mới lắp bắp:
- Anh Sáu. Em… Tại sao anh lại thế này anh Sáu?
Tay xe ôm nhìn cô bằng con mắt còn lại của mình, con mắt hơi ươn ướt. Ở phía bên kia là cái hốc sâu thẳm chứa đầy một nỗi đau. Nỗi đau đó bây giờ đang lan tỏa ra đều khắp. Mặc cho cô phục vụ đứng chờ, cả hai đang bị cái nỗi đau ấy và những hẹn thề của quá khứ bóp họng, bóp hầu họ giữa thanh thiên bạch nhật. Không thấy một ai đến cứu giúp cho hai người. Cô phục vụ đứng chờ lâu quá, thấy mỏi chân bỏ đi nơi khác.
Cuối cùng thì Sáu Bầu cũng lên tiếng:
- Anh tìm Út suốt sáu bảy năm nay. Đi khắp miền Tây và cả ở Sài Gòn nữa. Nhưng không ngờ về đây lại gặp Út ở nơi này.
- Tại sao mà anh ra nông nỗi này hả anh Sáu?
- Khi tôi ra quân về tới nhà mới hay cớ sự. Ai cũng dấu, sợ tôi bỏ ngũ. Hỏi thăm, tìm kiếm Út khắp nơi mà không thấy tăm hơi gì. Tôi buồn quá, tối ngày kiếm hết chuyện này đến chuyện khác để làm. Lâu lâu bơi xuồng qua lại nhà Út coi có tin tức gì không? Càng ngày ngôi nhà của Út càng tiêu điều, bìm bìm, bòng bông leo xanh mướt, rồi một đêm mưa nó không chịu nỗi rồi nằm quẹp xuống luôn. Độ chừng tháng sau tôi thấy anh hai của Út bán cái nền nhà cho người ta. Thế là tôi tiếp tục kiếm việc gì đó để làm, làm như thằng khùng, bất cần trúng thất. Ba tôi kêu cưới vợ. Tôi lại nỗi khùng càng làm dữ. Tối ngày không ngoài đồng thì ngoài vườn. Gần nhà tôi có miếng vườn bỏ hoang từ lâu. Tôi vác phảng vô ruồng và kết quả là tôi chém vô trái M.79. Nó nổ một cái rầm. Tôi mất tiêu một con mắt, nhưng lại dư ra gần một chục cái thẹo. Nằm bệnh viện hết mấy tháng. Ra viện được mấy tháng. Ba tôi trúng gió đi luôn. Tôi hết biết mình mẫy ra sao? Tới chừng tỉnh tỉnh lại giao hết ruộng đất cửa nhà cho mấy anh, mấy chị, rồi xin mỗi người một ít. Chui lên Cần Thơ mua chiếc xe Honda. Vừa chạy xe ôm kiếm sống, vừa tìm Út
Sáu Bầu ngồi nói một hơi, rồi ngưng lại nhìn Hằng. Mặt cô như hóa đá. Sáu Bầu hết hồn:
- Út. Út sao vậy Út?
Hằng giựt mình, cười méo xẹo:
- Hổng sao đâu anh Sáu? Sao anh gặp Út mà anh không nhìn.
- Út khác hơn trước nhiều quá. Tôi ngờ ngợ không dám nhìn. Với lại…
- Thôi anh Sáu đưa Út về nhà Út đi. Út thu xếp công việc một chút rồi Út kể cho anh Sáu nghe.
- Ừ thì đi. Để tôi đưa Út về. Sáu Bầu lại trở giọng ngập ngừng. Gặp lại Út tôi… Tôi mừng quá.
             
Khi Hằng về tới nhà thì các người làm và tiếp viên lác đác tới. Tất cả đều có hai sự ngạc nhiên; thứ nhất được thông báo là nghỉ một tuần, thứ hai là sự có mặt của tay lái xe ôm có bộ vó ngầu ngầu đang ngồi lù lù trong quán mà trước mặt là một ca trà đá tổ chảng. Khi tất cả đã đuợc thông báo và đã ra về. Hằng lấy miếng giấy viết nguệch ngoạc mấy chữ “nghỉ bán” đem treo ngoài cổng, rồi bóp khóa lại.
Khi chỉ còn có hai người thì cái cô Hằng Hủ Lô đanh đá trong cái thân thể khổng lồ kia dần dần biến đi đâu mất. Cái quá khứ xa mờ kia dần hiện ra từng chút, từng chút để cho cái không gian nhầy nhụa gần như xấu hổ khi một thần thái gần như hoàn chỉnh của Út Quẹo hiện về làm cho Sáu Bầu bối rối. Phải rất lâu Sáu Bầu mới từ từ đưa tay lột cái nón bèo nhèo và cái kiếng mát rẽ tiền to đùng kia ra rồi lắp bắp :
- Tôi như vầy, rồi Út như vậy. Út còn thương tôi không Út?
Có một cái gì đó nhồn nhột chạy rần lên khuôn mặt của Hằng, rồi bừng bừng lên phá vở cái mặt nạ dầy dụp để lộ ra cái khuôn mặt của Út Quẹo và khuôn mặt ấy hồng lên. Cô nói nhỏ:
- Út chỉ sợ anh Sáu không thương Út. Út không còn như  hồi xưa nữa?
- Và tôi cũng có còn giống như hồi đó nữa đâu?
Út Quẹo chợt kêu lên:
- Xời ơi. Để em lấy thứ khác cho anh Sáu uống.
- Thôi Út. Uống trà đá cho mát.
Nhưng Út Quẹo vẫn mở tủ lạnh lấy cho Sáu Bầu một lon nước ngọt.
Có một cơn gió hắt qua, nó mang cái hơi hướm, mang máng thôi chớ không giống lắm, của rặng bạch đàn bên bờ ruộng. Không phải những rặng bạch đàn chung quanh quán. Cả hai yên lặng bởi vì không biết phải nói cái gì tiếp theo, dù trong trong lòng cả hai có hàng vạn điều muốn nói, hàng vạn nhớ thương chìm khuất đâu đó bổng nhiên ào ạt trở về, lăng xăng, lộn xộn, cũ mới không rõ ràng, trộn lẫn vào nhau như nùi chỉ rối.
Rồi không biết cái gì xui cô săm soi cái túi xách, từ trong đó rơi ra một xấp vé số. Bao nhiêu năm rồi, cái ước mơ trúng số về quê đã chìm khuất trong những xô bồ của son phấn, rượu bia. Cô đã thừa mứa bạc tiền, nhưng cái mơ ước viễn vông và mơ hồ ấy đã biến hành động mua vé số của cô trở thành quán tính. Cô không biết rằng cái ước mơ nhỏ xíu kia vẫn tồn tại trong cô. Cô cầm xấp vé số nhìn nhìn rồi len lén ngó Sáu Bầu. Ôi, ngày nào ảnh đẹp trai hết biết, thế mà vì nhớ thương mình để bây giờ ra nông nổi. Phải chi ngày đó mình đừng giận dỗi anh hai rồi làm liều. Ráng chờ ảnh thêm một thời gian nữa. Nhưng ở làm sao được. Tiền bạc, ruộng nương anh hai gỡ tay lấy hết. Ở lại nơi đó lấy cái gì mà ăn. Để rồi đem cả cuộc đời ra đánh đổi lấy cái cơ ngơi trời ơi đất hởi này. Nhưng chưa bao giờ mình trúng số. Cái cơ ngơi này đã băm nát đời cô. Cầm xấp vé số trên tay cô tần ngần một lát rồi xé nhỏ từng tấm một. Những mảnh vé số bay lả tả, nát nhừ như cuộc đời cô. Nếu có khác thì những tấm vé số kia thì do cô xé, còn đời cô thì do cô cùng với những người khác hè nhau xé. Cô chợt nhớ tới cái tên trong giấy khai sinh của mình. Lê thị Út. Nhưng có ai kêu mình là Út đâu? Hết Út Quẹo, Út vé số, rồi Hằng, Hằng Dancing, Hằng Hủ Lô. Hai cái tên trước nghe còn đường được dù hơi quê quê, mấy tên sau nghe nát cả lòng. Bổng dưng cô nghĩ. Chỉ có một mình ảnh thôi. Ảnh là tấm vé số duy nhất mà cô mua thì sẽ trúng, trúng lô đặc biệt. Chắc cú một trăm phần trăm. Ảnh chưa bán cho ai mà. Hổng biết ảnh có bán cho mình không? Cô lại nghĩ tiếp. Uổng quá. Làm sao mà mua đây. Hổng lẽ mình đi trốn ảnh. Mà liệu mình có làm nổi chuyện đó không? Cô cúi xuống lượm những manh vé số lên tẩn mẩn ghép lại. nhưng cũng chẳng ra hình thù gì. Cô thẩn thờ nhìn Sáu Bầu. Bỏ hết theo ảnh thì được rồi, nhưng liệu có đủ sức quên hết những thứ đang vây chặt chung quanh và những thói quen quái ác này không? Những buỗi tán gẫu tào lao xích đế hàng giờ đồng hồ ở các quán café sang trọng, những cợt đùa chớt nhả với bất cứ ai là đàn ông, thói quen đụng cái gì cũng sai, cũng bảo. Căm ghét nó, nhưng vẫn giành giựt nó. Bây giờ liệu có bỏ được không. Cô cảm thấy tủi thân với cái ý nghĩ mình không xứng đáng. Cô toan sử dụng cái kiểu cách xử sự mà cô có được từ bao nhiêu năm qua, để làm cho ảnh chán mà quên cô đi. Nhưng cô không làm được vì cô sợ. Cô sợ mất ảnh, dù cô biết là ở với ảnh là rất khó khăn, không phải khó cho ảnh mà khó cho cô. Đúng là đồ mắc dịch. Ở với ảnh mà quen cái thói đó coi bộ hổng êm. Ảnh thương, ảnh hổng nói thì tội nghiệp ảnh, ảnh quạu lên ảnh đánh mình thấy bà luôn. Chắc có lẽ phải ráng thôi. Mà hổng biết ảnh nghĩ sao về cái trọng lượng quá mức của mình. Chắc là phải nhịn ăn giảm béo cho nó nhẹ nhẹ một chút, để khi đau yếu ảnh ẵm bồng cho đỡ nặng (!?). Ờ chắc có lẽ mình phải kêu ảnh đi gắn con mắt giả mới được. Quên nữa, nếu xáp vô thì đừng có mong ảnh cho làm cái nghề mắc dịch này. Vậy thì phải làm gì đây ta? Hay là về làm ruộng. Lâu quá rồi hổng biết là làm nổi không đây. Thôi. ảnh thương thì ảnh lo. Chắc phải đi lấy cái vòng tránh thai ra mới được, còn phải đẻ cho ảnh mấy đứa nữa chớ. Nghĩ tới điều này bổng nhiên Út Quẹo thấy nôn nao trong bụng, mặt Út Quẹo đỏ lên. Ôi. Trúng số rồi mừng quá. Bổng Út Quẹo buồn xo. Hổng biết có lãnh được hông nữa.

Mình bây giờ nhìn cuộc đời được có phân nữa. Ngày ngày dang đầu ngoài nắng chỉ có mong được mấy chén cơm. Phải chi mình đừng có nổi điên, nổi khùng thì đâu đến đổi tật nguyền. Út bây giờ giàu có, sang trọng, nhưng cũng nát lòng ra giữa chốn đọa đày. Tại mình, tại mình hết Út ơi. Bây giờ Út theo mình làm sao mình nuôi Út nổi? Nhưng để Út theo mãi nghề này mình chẳng cam lòng. Phải chi Út ưng đại ai cũng được. Có chồng có con. Có cái để lo toan, để vui, để buồn. Mình đứng xa xa mà ngó cũng được yên lòng. Chứ như bây giờ thì Út ở đâu cũng lạnh. Bia ướp đá cũng lạnh, thịt cá cũng để trong tủ lạnh. Ngủ một mình đã lạnh, bất chợt có người đàn ông nào tới ngủ chung thì không biết có ấm hơn không hay là lại lạnh hơn. Ôi nhớ tới điều này sao mà cái bụng mình nhộn nhạo. Nhưng cũng tại mình. Hổng biết hai đứa xáp vô, mình làm cái gì nuôi Út. Chạy xe ôm còn không đủ lủm một mình, nói gì nuôi ai. Chẳng lẽ đi làm ông chủ ngang hông, rồi gác cửa cho cái quán bia ôm. Chưa kể thấy mấy thằng say xỉn bẹo má, vuốt mông Út thì mình làm sao chịu nổi, lúc đó lại lên cơn điên là hư bột, hư đường. Bây giờ mình làm sao đây ta? Chẳng lẽ tìm kiếm bao năm mới gặp. Bây giờ bỏ chạy đành sao? Ờ. Mà hổng biết Út chịu bỏ hết theo mình về xứ để làm ruộng không nữa. Sáu Bầu nhìn Út Quẹo đang ngồi trước mặt mình, mặt lúc hồng, lúc đỏ. Thấy mà thương muốn chết. Hổng thương sao mình tìm hoài. Sáu Bầu thở hắt ra. Tiền của cô ấy tạo được là cả một sự nhục nhằn. Mình phải làm gì với nó. Không lẽ xáp vào mà ai làm nấy ăn. Ôi cứ nghĩ chuyện gì không? Mà biết Út còn thương mình không mà nghĩ lung tung như vậy?
Cứ như thế, cả hai ngồi đối diện nhau, nghe lòng mình lăng xăng, nghe lòng mình lộn xộn. Chiều, rồi bóng tối về. Bóng tối đã về mà không một bóng đèn nào được bật lên. Không biết mấy giờ rồi. Không ai nghĩ gì về cái việc từ sáng tới giờ, chẳng ai có một hột cơm trong bụng. Bổng nhiên cả hai đứng bật dậy, lóng ngóng ôm chầm lấy nhau. Những động tác ban đầu thì ngài ngại, rồi chợt vở òa khi mà nỗi nhớ nhung được bắt đầu cái quá khứ trong lành lên tiếng. Hai giòng nuớc mắt của Út Quẹo đẫm ướt vai áo bạc phếch của Sáu Bầu. Cái mùi đàn ông đích thực, vẹn nguyên không pha lẫn hoá mỹ phẩm và bia rượu, mà nó còn thoang thoảng mùi đất bùn, hăng hăng mùi bụi bặm. Thế mà nó làm cho Út Quẹo say say. Sáu Bầu cũng thế. Lần đầu tiên ôm người con gái mình yêu, dù cố vói hết tay nhưng coi bộ ôm không gọn. Một giòng nước mắt chảy ra làm cay mắt Sáu Bầu, một giòng khác không còn lối ra bèn chảy ngược vào làm cay lòng Sáu Bầu. Thời gian như có vẻ ngừng lại, nhưng đêm thì vẫn cứ chìm sâu. Cái không khí oi nồng của tháng tư chầm chậm trở thành hơi ấm, khi mà bàn tay thô ráp của Sáu Bầu lóng nga, lóng ngóng chạm vào hàng cúc áo của Út Quẹo và cô thì như nín thở mà ngực thì đập như trống chầu.
Chà một sự tái hợp khó khăn. Rất khó khăn. Mong sao cho họ giải quyết được để khỏi bỏ công nhung nhớ. Chẳng lẽ mua vé số hoài mà không trúng.
Sáng hôm sau trước cửa quán của Hằng có một miếng giấy carton ghi hai chữ  “Nhà Bán”

Rạch Gía 4.2003
Quán Tâm Nguyễn Hiền Nhu

Thứ Tư, 28 tháng 6, 2017

BẢN NĂNG GỐC

                                                                           Ảnh minh họa
Chủ nhật, trời lất phất mưa. Tôi mở tung cửa sổ bàn viết lặng ngồi nhìn ra ngoài sông. Vắng lặng! gió tạt vào trong phòng mang theo những hạt nuớc li ti bám đầy lên mặt , lên tóc. Thỉnh thoảng, một chiếc sà lan chở đẩy cát chậm chạp trội qua khung cửa phòng viết . Tiếng nổ của động cơ trầm đục tan vào trong gió rồi tắt lặng. Tích! Tắc! tích! Tắc ! chỉ còn tiếng chiếc đồng hồ để bàn lên tiếng như nhắc nhở “Mi vẫn còn đang sống”
- Bố! Sao bố lại mở tung cửa ra thế này? Mưa ướt hết rồi !
Tiếng cô con gái làm tôi bừng tỉnh. Chẳng biết nó đến từ lúc nào. Nó vội vàng đóng cánh cửa sổ lại rồi lấy chiếc khăn mặt khô đưa cho tôi.Tôi cầm lấy chiếc khăn chậm chạp lau mặt, lau đầu.
- Thằng Bi đâu? Sao chúng mày không đưa nó đến?
- Mưa quá bố ạ. Chúng con không thể đưa cháu đi đuợc.
Con gái tôi thanh minh với một giọng đầy ân hận. Thằng con rể ngồi xuống giường, ngần ngừ một lúc nó mới bảo.
- Bố ạ! Hay là bố đến ở với chúng con đi. Bố ở một mình thế này thì buồn chết.
Tôi cười hỏi lại.
- Anh không muốn chui gầm chạn nhà tôi mà lại muốn tôi chui vào gầm tủ lạnh nhà anh sao?
Nó cười lắc đầu.
- Sao đến bây giờ mà bố vẫn còn cổ hủ thế? Cuộc sống đã thay đổi rất nhiều rồi không như hồi bố còn làm ở tòa báo nữa đâu. Bố đừng nhìn cuộc đời qua cái khung cửa sổ nhỏ bé này –Nó đi lại mở tung cánh cửa sổ chỉ ra ngoài sông. –Và những trang sách đã lỗi thời này. –Nó dơ tay cầm lấy cuốn “ Thép đã tôi thế đấy” tôi để trên giá sách mở ra đọc to. 
“Đời người chỉ sống có một lần, Phải sống sao cho ra sống để khi nhắm mắt xuôi tay ta không phải ân hận rằng cuộc đời ta đã sống hoài sống phí”
Bố ra đây . –Vừa nói, nó vừa lôi tôi sềnh sệch ra đứng truớc cái gương lớn treo ở giữa phòng –Bố nhìn đi! Bố đang sống hay là bố đã chết?
Tôi nhìn vào gương. Tôi đây sao? Một lão già quần áo lôi thôi, tóc tai rối bù. Bộ râu lâu ngày không cạo mọc tua tủa vô tổ chức. Chính tôi cũng không nhận ra mình nữa. 
Ngày xưa, hồi còn làm ở tòa soạn báo , tôi luôn là người ăn mặc chỉnh tề và chỉn chu trong từng công việc đến cái mức vợ tôi khi còn sống đã phải kêu lên “Sao cái gì anh cũng để ý đến thế?”
- Phóng viên mà

Thứ Sáu, 23 tháng 6, 2017

LẶNG NHÌN XUÔI NGƯỢC EM ƠI

LẶNG NHÌN XUÔI NGƯỢC EM ƠI
(Viết nhân buổi chiều hiếm hoi không bị buộc đi lo cơm áo)



Lặng nhìn con nước đi em
Dòng sông giờ có êm đềm nữa đâu
Đáy sông giờ thật là sâu
Cá tôm buồn bỏ đi đâu hết rồi
Sông xưa bên lở bên bồi
Sông nay chỉ lở mà trôi hai bờ.
Nên giờ chỉ có trong mơ
Tiếng con bìm bịp gọi chờ nước lên.


Lặng nhìn thôn xóm đi em
Đồng quê giờ có êm đềm nữa đâu
Đất đai chằng chịt tường rào 
Gió trăng đành phải đi vào xa xăm
Đàn cò trắng lặn mất tăm
Bờ tre còn biết thì thầm với ai
Có con đom đóm lạc loài
Bay quanh quẩn lại lọt ngoài bóng đêm

Thứ Tư, 21 tháng 6, 2017

XUÂN ẤY QUA THÌ XUÂN KHÁC CÒN.

NGUYỄN BỈNH KHIÊM (1491-1585)
Chín mươi thì kể xuân đà muộn,
Xuân ấy qua thì xuân khác còn.



Tuyết Giang Phu Tử Nguyễn Bỉnh Khiêm xuất hiện trong một hoàn cảnh đất nước đầy rối ren. Không nhiều sóng gió trên đường hoạn lộ (1534-1542), nhưng lại đầy sóng gió trong lòng. Các thế lực phân liệt làm cho nhân dân điêu đứng, nhân tâm phân hóa. Tài hoa như ông, thấu hiểu lẽ đời như ông thì sự phân vân càng lớn. Gần một thế kỷ có mặt trên nhân gian, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã chọn một con đường khác. Thời cuộc ấy, tài năng ấy mà…“Quan cái tinh xu diệu lý môn” Được thôi. bởi vì ông vẫn còn có một cái khác. Đẹp hơn nhiều.
Một mai, một cuốc, một cần câu
Thơ thẩn dầu ai vui thú nào ?
Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn, người đến chốn lao xao
Thu ăn măng trúc, đông ăn giá
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao
Rượu đến gốc cây ta sẽ uống
Nhìn xe phú quý tựa chiêm bao
Nguyễn Bỉnh Khiêm


Thứ Tư, 14 tháng 6, 2017

HƠI THỞ CỦA TRẦN NHÂN TÔN (1258-1308)



           
Chương 8. Múa Gậy Vườn Hoang
HƠI THỞ CỦA TRẦN NHÂN TÔNG

Lần đầu tiên tôi đến với thơ của Trần Nhân Tôn bằng bài thơ dưới đây.


身如呼吸鼻中气
勢似風行嶺外雲
杜鵑啼段月如晝
不恃尋常空过春

Thân như hô hấp tị trung khí
Thế tự phong hành lĩnh ngoại vân
Đỗ quyên đề đoạn nguyệt như trú
Bất thị tầm thường không quá xuân
Trần Nhân Tôn

Thân là hơi thở vào ra
Gió mây cuồn cuộn luồn qua non ngàn
Sáng trăng tiếng cuốc rền vang
Tuổi xuân đừng để nhỡ nhàng trôi đi
Quán T
âm Nguyễn Hiền Nhu

Không hiểu các bậc thức giả thưởng thức và cảm thụ bài thơ này như thế nào? Nhưng với tôi thì… không thể nào nói được cảm giác của mình. Thú thật, từ khi biết thở đến khi cảm nhận được hơi thở mình, tôi hoàn toàn không hiểu tí gì về hơi thở. Và khi đọc được bài thơ này, tôi cũng chẳng hiểu gì ráo. Đã vậy lại gặp tiếp…

Chủ Nhật, 11 tháng 6, 2017

NGUYỄN TRÃI (1380-1442) VÀ TÔI, MỘT HẬU SINH


NGUYỄN TRÃI (1380-1442)
VÀ TÔI, MỘT HẬU SINH

Tôi có lý do để kết thúc chương viết nền thi ca thời Trần với Nguyễn Trãi, dù bài thơ cuối cùng mà ông viết thì nhà Trần đã diệt vong gần nửa thế kỷ. Bởi vì hơi thơ của ông dù được viết bằng một quan điểm Nho giáo, nhưng mà là một thứ Nho giáo chỉ là phương tiện của đạo Bụt chứ không phải là một thứ Nho gia hãnh tiến như Lê Thánh Tôn.
            Tiếng Nôm tản mạn, bàng bạc trong cuộc sống,  trong ca dao, suốt một thời gian dài trong bóng đêm của thời kỳ sống trong sự áp bức. Rồi khi những hạt giống tự chủ được gieo mầm thì văn hóa bắc phương vẫn còn cái mộng làm mưa làm gió. Hơn bốn trăm năm giành lại giang sơn. Độc lập dân tộc được khẳng định, độc lập văn hóa đã hình thành từ thời dựng nước đã được củng cố và phát triển sau một thời gian dài chao đảo, nhưng vẫn phải đi trên con thuyền Hán Việt. Các vua Trần, Nguyễn Trung Ngạn, Nguyễn Thuyên, Huyền Quang… từng bước đặt những viên gạch mang tính nền móng suốt 200 năm. Nhưng mạnh mẽ nhất là Hồ Quý Ly khi đưa chữ Nôm trở thành chữ viết chính thức của nhà nước. Nhưng tiếc thay…
Giờ đây tiếng Nôm dồn tụ lại để làm nên Nguyễn Trãi. Dưới ngọn bút tài hoa của ông, thơ Nôm lên tiếng thật mạnh mẽ. Một sự chuyển đổi đến kinh ngạc và đầy dũng khí.
Danh chăng chuốc, lộc chăng cầu
Được chẳng mừng, mất chẳng âu
Có nước nhiễu song, non nhiễu cửa
Còn thơ đầy túi, rượu đầy bầu
Người tri âm ít, cầm nên lặng
Lòng hiếu sinh nhiều, cá ngại câu
Mấy kẻ công danh nhàn lẳng đẳng
Mồ hoang, cỏ lục thấy ai đâu.
Nguyễn Trãi

Thứ Sáu, 9 tháng 6, 2017

Vài ngẫm nghĩ về bài Thơ Cổ Thời Bắc Sơn

Vài ngẫm nghĩ về bài Thơ Cổ Thời Bắc Sơn (7000-1000 tr.c.n)
“ Khoảng trên 40 năm trứơc đây, nhà giáo Sử địa An Phong Nguyên Vân Diễn sưu tầm được một bài vè cổ tại một làng Mường trong rừng Ban Mê Thuột di tản vào từ rừng Thanh Hóa.” (BS Nguyễn thị Thanh ) (1)
 
1. Khoai tỏ bồn thì tốt cổ (bồn = vồn = luống; cổ = củ)
2. Ðậu ba lá thì bừa un (bừa = vừa; un = vun = đắp)
3. Gà mất mạ thì lâu khun (mạ = mẹ; khun = khôn)
4. Gái thiếu trai thì thậm khổ
5. Trai thiếu gái thì thậm khổ.
6. Trời sinh trâu thì sinh cỏ.
7. Ðất sinh giếng thì sinh mo (mo cau làm gàu múc nước).
8. Người sinh Oa thì sinh tui (Oa = O = cô, chị, dì).
9. Oa một miềng thì khôn đặng.
10. Tui một miềng thì khôn đặng. (miềng = mình)
11. Gió ngoài biển hắn dồn bô (bô = vô).
12. Mây trên trời hắn ún lại (ún = tụ)
13. Oa với tui cùng cuốn lại.
14. Tui với Oa cùng cuốn lại.
15. Hai đứa miềng cùng cuốn lại.
-----------------------------------------------

NHÌN NGẮM MÙA XUÂN

NHÌN NGẮM MÙA XUÂN
 

Năm mươi năm trước ta mười chín
Giữ mãi xuân xanh đến tận giờ
Xệu xạo hàm răng, mồm móm mém
Nhưng chưa hề chịu bỏ nàng thơ

Thục nữ tỏa hương khi yểu điệu
Ta không quân tử vẫn mong cầu
Ngàn hồng muôn tía đang phô sắc
Mai biếc, hồng thơm, cúc rợp màu…

Và em thì vẫn luôn như vậy
Yểu điệu cho đời những giấc mơ
Hương tỏa thơm thơm thêm cánh gió
Sắc phô gời gợi những câu thơ

Hôm nay cũng vẫn  xuân xanh ấy
Lòng cứ xuân xanh không nhạt phai
Đón ánh xuân hồng ta mãi trẻ
Nghĩa là còn tiếp tục xuân tươi


Quán Tâm Nguyễn Hiền Nhu

Thứ Tư, 7 tháng 6, 2017

CHỜ MỘT CƠN MƠ

CHỜ MỘT CƠN MƠ

Ta thao thức đợi chờ cơn mơ tới,
Màu tình yêu theo đó sẽ quay về.
Em mắt biếc nên nhìn xuyên cổ độ,
Tấm lòng buồn run rẫy mấy đam mê.

Đốt điếu thuốc nhìn khói bay lơ đãng,
Hồn lượn lờ theo khói bay về đâu?
Em môi thắm nụ cười xuân đến hạ,
Tấm lòng buồn run rẫy giữa đêm sâu.

Chủ Nhật, 4 tháng 6, 2017

Gió lay lắt bốn phương về dồn tụ

Gió lay lắt bốn phương về dồn tụ
Bụi thu mờ ai phủi với hai tay
BÙI GIÁNG (1926-1998)

Những năm giữa thập niên 60, tôi, một thằng nhóc vừa mới tập tọng nhón chân vào rừng thơ, đã biết đến thơ Bùi Giáng. Đọc trên báo nên bài được bài không. Ông xuất hiện như là một tinh cầu hoàn toàn xa lạ khác hẵn với những ngôi sao thơ ca đương thời đang lấp lánh ở miền Nam. Sự xa lạ mà đầy cuốn hút trên mọi phương diện ấy từ bấy đến ngày ông mất và cả cho đến hôm nay.
Khoảng những năm 1964-1966, ông đã rất nổi tiếng và tôi tình cờ gặp ông ngồi một mình, lặng lẽ bên chai bia ở một quán trên đường Cường Để, bạn tôi kháo như thế. Trông ông không có gì đặc biệt, một người đàn ông trung niên mặc chiếc áo chemis ngắn tay màu trắng ngà, quần kaki vàng mang giày không đánh xira, nhưng nói chung là khá tươm tất. Ông nhỏ hơn ba tôi vài tuổi nên một thằng nhóc con như tôi chỉ đứng nhìn “kính nhi viễn chi”. Nhưng đôi mắt của ông làm cho tôi có một cảm giác khó tả.
Rồi thời cuộc đã cuốn hút và bứt tôi ra khỏi giấc mơ thơ thẩn của mình. Tôi gần như quên ông suốt hai mươi năm, dù vậy tôi vẫn còn nhìn thấy ông qua tập thơ Lá Hoa Cồn và bản dịch Le petite Prince của Saint Exupéry mà mấy thằng bạn dúi cho. Nhưng chỉ đọc được lai rai mấy tháng rồi mất (tôi giữ sách dỡ cũng như giữ mạng của mình vậy, nhưng không hiểu sao đến giờ này, sách thì mất gần hết mà tôi vẫn còn… sống). Thỉnh thoảng, tôi cũng nghe ai đó nhắc về ông và đôi mắt ấy lại về ám ảnh. Rồi khi tôi có thể nguệch ngoạc lại được đôi giòng thì ánh mắt ông như không rời khỏi tôi 
Cứ như vậy cho đến một ngày năm 1992, lúc lang thang Sài Gòn, tôi lại gặp ông. Ông đang loay hoay và tôi cố nhìn, nhưng không thể nhận ra đó là ông của lần gặp trước, nếu như không có câu nói vô tình của ai đó. Điều lạ lùng nhất là đôi mắt ấy không hề thay đổi. Trong veo, hoàn toàn tương phản với bộ dạng dị kỳ đầy bụi bặm của ông.

ĐỌC THO NGUYỄN KHUYẾN VÀ TÌM KIẾM MỘT MÙA THU

ĐỌC THO NGUYỄN KHUYẾN
VÀ TÌM KIẾM MỘT MÙA THU
Văng vẳng tai nghe tiếc chích chòe.
Lặng đi kẻo động khách lòng quê.



Tôi đọc Nguyễn Khuyến (5.21835 - 15.2.1909) , vị đại khoa ấy đã cảm nhận sự bất lực của mình trước thời cuộc. Ông đã đau đớn lựa chọn một thái độ không tích cực. Không tích cực không có nghĩa là tiêu cực. Ông nhìn ngắm đất nước mình với tấm lòng yêu mến đầy xót xa. Chung quanh ông là Dương Khuê, Dương Lâm, Chu Mạnh Trinh và nhiều bậc đại nho khác cùng với mấy ông hàng xóm dùng thơ ca để nuôi dưỡng những tấm lòng. Cái kiến thức mà tứ thư, ngũ kinh trao cho thế hệ ông không đủ những tri thức cần thiết để nhận ra và đối phó có hiệu quả với vận nước đầy khó khăn. Nhưng dù sao cũng đủ để cho ông trở thành một con người đích thực làm cho mọi người kính trọng và những tên vong bản phải kiêng dè.
VỀ HAY Ở
Văng vẳng tai nghe tiếng chích chòe.
Lặng đi kẻo động khách lòng quê.
Nước non có tớ càng vui vẻ,
Hoa nguyệt nào ai đã đắm mê?
Quyên đã gọi hè quang quác quác,
Gà rừng gáy sáng tẻ tè te
Lại còn giục giã về hay ở?
Đôi gót phong trần vẫn khỏe khoe.
Nguyễn Khuyến

Thứ Sáu, 2 tháng 6, 2017

BÀI VIẾT CUỐI CÙNG VÀ CHỜ ĐỢI

BÀI VIẾT CUỐI CÙNG VÀ CHỜ ĐỢI
Đã từ lâu, có rất, rất nhiều người Việt Nam xem nước Mỹ như là một thiên đường, nhìn vào chính giới Mỹ như là những thành phần “đình cao trí tuệ” của nhân loại, những hảnh xử của họ như là một chính nhân quân tử. Hai điều này hoàn toàn chính xác. Nhưng, nếu như trong quá khứ có  John Fitzgerald Kennedy, Henry Cabot Lodge Richar Nixon, Henry Kissinger thì hiện tại là Donal Trump cũng có thể được liệt vào hàng “Vĩ nhân dị nhân”. Tất nhiên là không trách họ. Họ thực hiện công việc của mình vì quyền lợi của đất nước họ và vì danh dự cá nhân họ.

Đất nước Việt Nam đã oằn oại suốt gần một thế kỷ dưới ách Cộng Sản, niềm hy vọng cuối cùng là Việt Nam Cộng Hòa đã bị bán đứng một cách thê thảm bằng cái chết oan nghiệt của Tổng Thống Ngô Đình Điệm và bào đệ Ngô Đình Nhu, Ngô Đình Cẩn, thiếu tá Đặng Sĩ và người hùng của cuộc khời nghĩa Quỳnh Lưu (2.1956) Phan Quang Đông. Và nổi uất hận mang xuống mồ của Tổng Thống Nguyễn văn Thiệu. Những con người này họ cũng chết vì đất nuớc họ vì danh dự của cá nhân họ. Chết là không thể làm gì được nữa, Nhưng chí ít họ không phải sống để mà tan phá đất nước và tự bôi lọ và mặt mình