Người theo dõi

Chủ Nhật, 4 tháng 6, 2017

ĐỌC THO NGUYỄN KHUYẾN VÀ TÌM KIẾM MỘT MÙA THU

ĐỌC THO NGUYỄN KHUYẾN
VÀ TÌM KIẾM MỘT MÙA THU
Văng vẳng tai nghe tiếc chích chòe.
Lặng đi kẻo động khách lòng quê.



Tôi đọc Nguyễn Khuyến (5.21835 - 15.2.1909) , vị đại khoa ấy đã cảm nhận sự bất lực của mình trước thời cuộc. Ông đã đau đớn lựa chọn một thái độ không tích cực. Không tích cực không có nghĩa là tiêu cực. Ông nhìn ngắm đất nước mình với tấm lòng yêu mến đầy xót xa. Chung quanh ông là Dương Khuê, Dương Lâm, Chu Mạnh Trinh và nhiều bậc đại nho khác cùng với mấy ông hàng xóm dùng thơ ca để nuôi dưỡng những tấm lòng. Cái kiến thức mà tứ thư, ngũ kinh trao cho thế hệ ông không đủ những tri thức cần thiết để nhận ra và đối phó có hiệu quả với vận nước đầy khó khăn. Nhưng dù sao cũng đủ để cho ông trở thành một con người đích thực làm cho mọi người kính trọng và những tên vong bản phải kiêng dè.
VỀ HAY Ở
Văng vẳng tai nghe tiếng chích chòe.
Lặng đi kẻo động khách lòng quê.
Nước non có tớ càng vui vẻ,
Hoa nguyệt nào ai đã đắm mê?
Quyên đã gọi hè quang quác quác,
Gà rừng gáy sáng tẻ tè te
Lại còn giục giã về hay ở?
Đôi gót phong trần vẫn khỏe khoe.
Nguyễn Khuyến

Phân vân. Ai ở trong vị trí của ông mà chẳng phân vân. Nhưng ông phân vân như là một quyết định. Ông rủ áo từ quan theo tiếng gọi của những con chim. Những con chim ấy không là phụng hoàng, khổng tước với những lông cánh vương giả mơ hồ, mà là những con chim của tự do. Một tự do dù ngậm ngùi nhưng cụ thể. Chí ít là người ta có o ép ông nhiều thứ, nhưng không thể bắt buộc ông phải làm những điều trái đạo. Và cái quan trọng là ông không thể để cái công danh ô nhục hành hạ tấm lòng ông.
TỰ TRÀO
Cũng chẳng giàu mà cũng chẳng sang.
Chẳng gầy chẳng béo chỉ làng nhàng.
Cờ đương dở cuộc không còn nước,
Bạc chửa thâu canh đã chạy làng.
Mở miệng nói ra gàn bát sách,
Mềm môi chén mãi tít cung thang.
Nghĩ mình lại gớm cho mình nhỉ,
Thế cũng bia xanh cũng bảng vàng.
Nguyễn Khuyến
Ông cười mình hay cười ai nhỉ? Thời cuộc càng nhiễu nhương thì bọn theo đóm ăn tàn lại có đất sống. Còn những người như ông thì làm gì cũng trớt quớt, dở dang. Cũng phải thôi không trách được. Thời nào mà không vậy. Nhưng đau nhất chính là những tên cũng được gọi là kẻ sĩ kia. Những Hoàng Cao Khải, Nguyễn Thân, Huỳnh Công Tấn, Từ Đạm, Lê Hoan… và cả một lủ lom khom, mạt hạng nữa, đâu có thiếu những bảng vàng lọng tía.
ÔNG PHỔNG ĐÁ
Ông đứng làm chi đó hởi ông?
Trơ trơ như đá, vững như đồng.
Đêm ngày gìn giữ cho ai đó?
Non nước đầy vơi có biết không?
Nguyễn Khuyến
Ba câu hỏi trong bốn câu thơ đã làm cho ông, những người cùng thời và cả mai sau, khó tìm ra câu trả lời thỏa đáng nên… đau nhói.
VỊNH TIẾN SĨ GIẤY
Cũng cờ cũng biển cũng cân đai
Cũng gọi ông nghè có kém ai.
Mảnh giấy làm nên khoa giáp bảng,
Nét son điểm rõ mặt văn khôi.
Tấm thân xiêm áo sao mà nhẹ,
Cái giá khoa danh ấy mới hời.
Ghế tréo lọng xanh, ngồi bảnh chọe,
Nghĩ rằng đồ thật hóa đồ chơi.
Nguyễn Khuyến
Tôi có cảm giác như Nguyễn Khuyến sống lại và mới làm bài thơ này ngày hôm qua. Ôi thời nào mà không có đồ chơi. Nhưng khi những ông tiến sĩ của thời ông bị biến thành đồ chơi vẫn cho ai đó những ngậm ngùi, một thoáng bảnh chọe cho ra vẻ rồi còn lại là một niềm đau khi nhận ra cái giá trị bèo bọt của mình. vì ông tiến sĩ giấy ấy là ông tiến sĩ thật đang đau đớn vì bị biến thành đồ chơi.
Nhưng nếu như Ông mà sống lại chắc là ông chết khiếp trước hàng loạt tiến sĩ… giấy y như thiệt, mặt mũi dày dụp. Mà loại này nếu chỉ là đồ chơi thì hay quá, ít ra cũng làm cho bọn trẻ con một niềm vui nho nhỏ.  Đó là đồ ăn hại, chớ làm sao đủ tầm để trở thành... một thứ đồ chơi
Một số, trong rất nhiều bài thơ Nôm, Nguyễn Khuyến đã để lại mai sau những bức tranh nho nhỏ được vẽ bằng sơn ta với những màu sắc rực rỡ đến nhói lòng.
Những cảnh vật, cảnh đời và cả tấm lòng người được khắc họa một cách rõ nét. Trong đó không thiếu những bức tranh mà đến giờ còn mang tính thời sự. Thơ tiếng Việt của Nguyễn Khuyến sâu lắng nhưng lại lan tỏa như ca dao.
CUỐC KÊU CẢM HỨNG
Khắc khoải đưa sầu giọng lửng lơ.
Ấy hồn Thục Đế thác bao giờ?
Năm canh máu chảy đêm hè vắng,
Sáu khắc hồn tan bóng nguyệt mờ
Có phải tiếc xuân mà đứng gọi,
Hay là nhớ nước vẫn nằm mơ.
Thâu đêm ròng rã kêu ai đó,
Giục khách giang hồ dạ ngẩn ngơ.
Nguyễn Khuyến
            Không hiểu được lịch sử đất nước thì không thể nào cảm thụ được bài thơ này. Tôi không giải thích tại sao? Bởi vì … có ai mà không hiểu lịch sử nước nhà (!?)
            Tôi kính trọng Nguyễn Khuyến bằng tấm lòng kính trọng tiền nhân. Những gì tiền nhân tôn tạo mà tôi thụ hưởng ngày hôm nay thì không thể nào nói hết.
          THU ĐIẾU
Ao thu lạnh lẽo nước trong veo.
Một chiếc thuyền con bé tẻo teo.
Sóng biếc theo làn hơi gợn tí,
Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo.
Tầng mây lơ lững trời xanh ngắt,
Ngõ trúc quanh co khách vắng teo.
Tựa gối, buông cần lâu chẳng được,
Cá đâu đớp động dưới chân bèo.

THU VỊNH
Trời thu xanh ngắt mấy từng cao.
Cần trúc lơ phơ gió hắt hiu.
Nước biếc trông như tầng khói phủ,
Song thưa để mặc bóng trăng vào.
Mấy chùm trước giậu, hoa năm ngoái,
Một tiếng trên không, ngổng nước nào?
Nhân hứng cũng vừa toan cất bút,
Nghĩ ra lại thẹn với ông Đào.

THU ẨM
Năm gian nhà cỏ thấp le te
Ngõ tối đêm sâu đóm lập lòe
Lưng dậu phất phơ màu khói nhạt
Làn ao lóng lánh bóng trăng loe
Da trời ai nhuộm mà xanh ngắt?
Mắt lão không vầy cũng đỏ hoe
Rượu tiếng rằng hay hay chả mấy
Độ năm ba chén đã say nhè
              Nguyễn Khuyến                               
            Mùa thu của ông, cảnh thu của ông là thật một trăm phần trăm, dù rất buồn. Cũng phải thôi. Tình hình đất nước bây giờ, cảnh càng đẹp lại càng gieo xuống nỗi buồn.
Nhưng dù sao thì đất trời vẫn thế, non sông vẫn thế. Giặc ngoài dù có đến hoạnh hẹ một thời gian rồi cũng phải cuốn gói ra đi, bất cứ một đoàn quân xâm lược nào cũng đều mang theo trong hành trang của chúng những hạt giống thất bại. Ông biết chắc điều đó và lịch sử nhân loại cũng đã chứng minh như thế. Đọc chùm thơ mùa thu của ông để rồi nhìn lại mùa thu hiện đại, dù là trên một đất nước thanh bình, ta mới cảm thấy xót xa. Thời của ông, người tàn phá đất nước là quân xâm lược Pháp và cái yên ả của làng quê đã, vẫn là cái "Ao thu lạnh lẽo nước trong veo". Và ông vẫn tìm thấy "Nước biếc trông như tầng khói phủ, Song thưa để mặc bóng trăng vào." Có chăng mùa thu chỉ làm cho ông thêm ngậm ngùi. Da trời ai nhuộm mà xanh ngắt?Mắt lão không vầy cũng đỏ hoe

Một thế kỷ sau, đất nước của ông, mùa thu của ông không còn nữa. Kẻ tàn phá đất nước và mùa thu không phải là quân xâm lược nào mà là một bộ phận không nhỏ con cháu của ông, bọn phản bội vong bản còn tệ hại hơn Hoàng Cao Khải, Nguyễn Thân, Huỳnh Công Tấn, Từ Đạm, Lê Hoan… 
Quán Tâm Nguyễn Hiền Nhu





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét