Người theo dõi

Thứ Tư, 21 tháng 6, 2017

XUÂN ẤY QUA THÌ XUÂN KHÁC CÒN.

NGUYỄN BỈNH KHIÊM (1491-1585)
Chín mươi thì kể xuân đà muộn,
Xuân ấy qua thì xuân khác còn.



Tuyết Giang Phu Tử Nguyễn Bỉnh Khiêm xuất hiện trong một hoàn cảnh đất nước đầy rối ren. Không nhiều sóng gió trên đường hoạn lộ (1534-1542), nhưng lại đầy sóng gió trong lòng. Các thế lực phân liệt làm cho nhân dân điêu đứng, nhân tâm phân hóa. Tài hoa như ông, thấu hiểu lẽ đời như ông thì sự phân vân càng lớn. Gần một thế kỷ có mặt trên nhân gian, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã chọn một con đường khác. Thời cuộc ấy, tài năng ấy mà…“Quan cái tinh xu diệu lý môn” Được thôi. bởi vì ông vẫn còn có một cái khác. Đẹp hơn nhiều.
Một mai, một cuốc, một cần câu
Thơ thẩn dầu ai vui thú nào ?
Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn, người đến chốn lao xao
Thu ăn măng trúc, đông ăn giá
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao
Rượu đến gốc cây ta sẽ uống
Nhìn xe phú quý tựa chiêm bao
Nguyễn Bỉnh Khiêm



Sự giản đơn trong cuộc sống bao giờ cũng làm phong phú một tâm hồn, thăng hoa một trí tuệ. Thời nào cũng thế. Kể cả cái thời đại @. Cơm áo gạo tiền là cần. Rất cần. Phương tiện phục vụ đời sống là càng cao càng tốt. Nhưng cần không có nghĩa là nhiều, là dư thừa, là nửa ăn, nửa bỏ. Mà là đủ, là đúng. Cái biết đủ, biết đúng ấy sẽ không bao giờ đến nếu như trái tim không còn bóng dáng của Thơ. Lại càng không đến với những con người luôn luôn lao đầu vào lợi danh và quyền lực. Cụ Trạng ngất ngưỡng danh vọng, làm quân sư cho ba thế lực. Nhưng công việc chính của Cụ Trạng là ở không (!) và làm Thơ. Những nhận định của Cụ Trạng về thế cục đương đại và cả cho tương lai đúng một cách kinh ngạc. Đúng đến độ mà hậu thế, với những người ba trợn, nói ông là thầy bói, là nhà tiên tri. Tại sao không nói ông là một người đạt đạo, là người thấu hiểu lẽ trời, mệnh người. Cái gọi là lẽ trời, mệnh người ấy không phải là đến từ một thứ quyền lực siêu nhiên, mà đến từ những hành vi của chính con người. Và ông thấu hiểu điều đó, hòa nhập vào và thấu đáo một cách kỳ diệu lẽ vận hành của tạo vật và lòng người. Cụ Trạng làm được điều đó vì Cụ Trạng sống trong một… cái lều. Nguyễn Trãi rồi Nguyễn Bỉnh Khiêm. Hai ông đều đức cao vọng trọng, quan to chức lớn mà lại khoái sống trong cái lều. Hình thức cái lều đó như thế nào thì chắc ai cũng biết. Chẳng qua là một ngôi nhà tranh tre nứa lá tuềnh toàng thôi, nhưng cao ráo, sạch sẽ. Tất nhiên, phải có đường đi lối lại thật thuận tiện cho lá reo, gió đến, nước chảy, trăng vào .
Xóm tự nhiên một cái lều,
Qua ngày tháng lọ là nhiều?
Gió cuốn rèm: thay chổi quét,
Trăng cài cửa: kéo đèn treo!
Cơm ăn chẳng quản dưa muối,
Áo mặc, nài chi gấm thêu.
Tựa gốc cây ngồi hóng mát,
Đìu hiu, ta hãy một đìu hiu,
Nguyễn Bỉnh Khiêm
Ôi cái đìu hiu làm cho biết bao nhiêu con người có cái đầu vọng động ngán ngẫm. Nhưng lại làm tâm hồn của những người khác sạch bon.
Nguyễn Bỉnh Khiêm chào đón tuổi chín mươi của mình vui như Tết. Một thái độ ung dung tự tại vô tiền khoáng hậu.
Tóc đã thưa, răng đã mòn.
Việc nhà đã phó mặc dâu con.
Bàn cờ, cuộc rượu vầy hoa trúc,
Bó củi, cần câu trốn nước non.
Nhàn được thú vui hay nấn ná,
Bữa nhiều muối bể chứa tươi ngon.
Chín mươi thì kể xuân đà muộn,
Xuân ấy qua thì xuân khác còn.
Nguyễn Bỉnh Khiêm
Có người hiểu rằng câu “Chín mươi thì kể xuân đà muộn,” như thế này; Nguyễn Bỉnh Khiêm tả mùa xuân vào cuối tháng ba âm lịch. Theo ý nghĩ của rất nhiều người, tuổi chín mươi không thể là tuổi xuân được vì răng đã mòn, tóc đã thưa. Tất cả mọi việc đã phó hết cho dâu con rồi. Cứ bàn cờ, cuộc rượu, bó củi, cần câu để mà nhàn nhã nấn ná với đời. Cuộc sống vẫn tiếp diễn vì “ Xuân ấy qua thì xuân khác còn.”. Tôi không cho là vậy. Mà tôi hiểu tuổi chín mươi. Chín muơi là xuân muộn đấy, nhưng chắc chắn là còn vô số những xuân sau. Ta chết đi cho người khác sống. Không phải là sự hy sinh gì hết, chẳng qua là thấu hiểu cái lẽ tử sinh. Ai đó có thể không hiểu cái lý này. Một chiếc lá lìa cành, rồi phân hủy, những chất mùn hữu cơ ấy theo rễ cây tạo thành những chiếc lá khác, trên cành cây ấy hay những cây kế cận, hay xa hơn nữa và chiếc lá ấy tiếp tục màu xanh của cuộc sống. Con người và muôn vật cũng vậy thôi. Có thể rất ít người biết thế, nhưng Nguyễn Bỉnh Khiêm thì quá rõ. Ông bình thản và luôn luôn lạc quan đến giây phút cuối cùng. Chín mươi thì kể xuân đà muộn, nhưng vẫn là Xuân, mãi mãi một mùa Xuân Bởi vì Xuân ấy qua thì xuân khác còn. Sao mà Nguyễn Bỉnh Khiêm lại giống y như Mãn Giác Thiền Sư. (… Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận, Đình tiền tạc dạ nhất chi mai). Điều đó cũng phải thôi, dù là một nhà nho chính thống, nhưng chính Nguyễn Bỉnh Khiêm là người phổ biến Tổ Gia thực lục của thiền sư Huyền Quang. Cuốn sách bị thượng thư Hoàng Phúc mang về Trung Quốc trong cuộc xâm lăng Đại Việt, mãi đến sau này người cháu bốn đời là Hoàng Thừa trao lại cho sứ thần nhà Lê trung hưng là Tô Xuyên Hầu Lê Quang Bí. Lê Quang Bí mang về trao lại cho Nguyễn Bỉnh Khiêm. Một người mắc bệnh đọc sách nặng như Nguyễn Bỉnh Khiêm thì làm sao mà không đọc được. Mà cụ Trạng đã đọc thì phải hiểu và phải ngộ ra thôi. Không ai làm lạ khi thấy ông là một nhà nho mà không có vẻ gì gọi là chấp hữu. Bởi vì Nho của ông thì không phải là Khổng Nho, Hán Nho, Tống Nho hay Minh Nho gì sất mà là Việt Nho, một thứ Nho Giáo thoát ra trong Tam Giáo đồng nguyên từ thời Lý Trần rực rỡ. Hay xa hơn nữa là từ thời Khương Tăng Hội.
Có lẽ vì thế mà ông không hề có một thứ vướng bận nào. Bằng tấm lòng trong suốt ấy, ông đã dựng nên Trung Tân quán để giúp người cơ nhỡ khó khăn. Bạch Vân am để ngồi làm thơ nhìn thế cục, mở trường dạy học. Những bài thơ ông viết dành cho thân hữu và những bậc quyền quý, giàu có nhằm mục đích trên. Chia sẻ với đời, chia sẻ với người.
Cũng nơi đó, ông tiếp nối Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tôn tô chuốt thêm cho thơ tiếng Việt những ánh sáng lấp lánh. Chuẩn bị một nền tảng vững vàng cho Đoàn thị Điểm, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ. Nguyễn Đình Chiểu và… biết bao con người cầm bút làm thơ, viết văn sau này.
Hậu thế luôn luôn ngâm nga, thưởng thức những câu thơ rất hiện đại của ông.
- Hoa mai bạc nhờ trăng tỏ,
Bóng trúc thưa bởi gió lay.

- Song bắc kìa ai ngâm biếm nguyệt,
Lầu nam nọ khách chén vầy thu.

- Lòng vô sự, trăng in nước
Của thảng lai, gió thổi hoa.
Kìa khách xuân xanh khi trẻ,
Mấy người đầu bạc tuổi già.

- Bến nguyệt, thuyền kề hai bãi mía,
Am mây, cửa khép một cần pheo.

- Trăng thanh gió mát lìa tương thức,
Nước biếc non xanh ấy cố tri.

- Mai bạc lạnh, quen nhiều tháng tuyết,
Cúc vàng thơm, đổi mấy phen hoa.

- Nước tuyết hâm trà dưới bếp,
Bút hoa điểm sách trên yên.
Nương song, ngày tiếc mùi hương lọt,
Nối chén, thêm âu bóng quế tan.

- Hứng ý miệng ngâm câu quốc ngữ,
Giải phiền tay chuốc chén quỳnh xuân.

- Cây tĩnh chim về xanh loáng khói,
Ao thanh cá lội nước tuôn là.

- Đèo núi vỗ tay cười khúc khích,
Rặng thông vắt cẳng hát nghêu ngao.

- Cơm áo bổng xui người hóa quỷ,
Oản xôi dễ khiến bụt nên ma.

- Khát uống chè mai hơi ngọt ngọt,
Sốt kề hiên nguyệt, gió hiu hiu.
Giang sơn tám bức là tranh vẽ,
Phong cảnh tư mùa ấy gấm thêu.
… … …
Và cũng chính nơi đó đã tạo thành một chuyến hành phương Nam vĩ đại của Đoan Quận Công Nguyễn Hoàng bằng một khuyên đắt giá nhất, mà cũng là một động thái tham chính duy nhất của ông, nhưng thật vĩ đại trong suốt quá trình lịch sử của Việt Nam “Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân”. Không những cho giòng họ Nguyễn Gia Miêu mà cho cả một dân tộc. Chỉ một câu thôi, và chọn đúng một con người kiệt xuất để chỉ đường. Và ai biết ông đã nói những gì mình có được cho Đoan Quận Công Nguyễn Hoàng và việc làm đầu tiên của Nguyễn Hoàng khi vào Thuận Hóa là xây chùa Thiên Mụ để nối tiếp vua Trần Nhân Tôn làm một chuyến hành phương Nam với tình yêu, với tay cày tay cuốc cho “Trùng trùng bạch lộ phi hạ điền”
    Mạch thơ vẫn luân chuyển âm thầm trong lòng dân tộc. Trong cuốn biên niên về thi ca Việt Nam xuất hiện càng lúc càng dày đặc những ca dao, đồng dao, phong dao và thơ phản ảnh hết mọi khía cạnh tâm hồn người trong quá trình cuộc sống. Và dần dần lan tỏa, hòa nhập vào trong thơ viết. Ngôn ngữ Thơ của Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm làm cho người đọc hiểu liền, cảm nhận ngay và phản ảnh gần như trọn tâm tình của dân tộc. Và rồi lại chìm trong nhiễu nhương của thời cuộc.

Quán Tâm Nguyễn Hiền Nhu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét