Người theo dõi

Chủ Nhật, 11 tháng 6, 2017

NGUYỄN TRÃI (1380-1442) VÀ TÔI, MỘT HẬU SINH


NGUYỄN TRÃI (1380-1442)
VÀ TÔI, MỘT HẬU SINH

Tôi có lý do để kết thúc chương viết nền thi ca thời Trần với Nguyễn Trãi, dù bài thơ cuối cùng mà ông viết thì nhà Trần đã diệt vong gần nửa thế kỷ. Bởi vì hơi thơ của ông dù được viết bằng một quan điểm Nho giáo, nhưng mà là một thứ Nho giáo chỉ là phương tiện của đạo Bụt chứ không phải là một thứ Nho gia hãnh tiến như Lê Thánh Tôn.
            Tiếng Nôm tản mạn, bàng bạc trong cuộc sống,  trong ca dao, suốt một thời gian dài trong bóng đêm của thời kỳ sống trong sự áp bức. Rồi khi những hạt giống tự chủ được gieo mầm thì văn hóa bắc phương vẫn còn cái mộng làm mưa làm gió. Hơn bốn trăm năm giành lại giang sơn. Độc lập dân tộc được khẳng định, độc lập văn hóa đã hình thành từ thời dựng nước đã được củng cố và phát triển sau một thời gian dài chao đảo, nhưng vẫn phải đi trên con thuyền Hán Việt. Các vua Trần, Nguyễn Trung Ngạn, Nguyễn Thuyên, Huyền Quang… từng bước đặt những viên gạch mang tính nền móng suốt 200 năm. Nhưng mạnh mẽ nhất là Hồ Quý Ly khi đưa chữ Nôm trở thành chữ viết chính thức của nhà nước. Nhưng tiếc thay…
Giờ đây tiếng Nôm dồn tụ lại để làm nên Nguyễn Trãi. Dưới ngọn bút tài hoa của ông, thơ Nôm lên tiếng thật mạnh mẽ. Một sự chuyển đổi đến kinh ngạc và đầy dũng khí.
Danh chăng chuốc, lộc chăng cầu
Được chẳng mừng, mất chẳng âu
Có nước nhiễu song, non nhiễu cửa
Còn thơ đầy túi, rượu đầy bầu
Người tri âm ít, cầm nên lặng
Lòng hiếu sinh nhiều, cá ngại câu
Mấy kẻ công danh nhàn lẳng đẳng
Mồ hoang, cỏ lục thấy ai đâu.
Nguyễn Trãi

Trong mấy trăm bài thơ Nôm của Nguyễn Trãi. Đây là bài thơ sử dụng một loại ngôn ngữ gần với hiện đại nhất. Từ nội dung cho đến hình thức đều rất Nôm. Nhưng quan trọng nhất chính là sự diễn đạt một phong cách sống của người xưa, một phong cách rất phổ biến, thế mà trước ông chưa có ai diễn đạt bằng một ngôn ngữ thân quen, gần gũi đến thế. Chọn cho mình một cách sống và gióng lên một lời cảnh báo cho những thế hệ sau. Một tiếng đàn mà chẳng có ai nghe thì gãy lên để làm gì. Thế nên, câu một con cá không vì yêu cầu của cuộc sống mà chỉ là một thú vui thì ngại ngần là chí phải. Một sự kiệm ước cần thiết mà không hà tiện, bủn xỉn. Kiệm ước để dung thông như con đường của Bụt. Một yêu cầu rất dung dị nhưng ắt có và đủ để làm nên cuộc sống yên bình. Tất nhiên đây không phải bài thơ đầu tay của Nguyễn Trãi, đó là một kinh nghiệm sống của một người từng trải và lịch lãm. Toàn bài thơ mang hơi hướm nho gia, nhưng nội hàm thì đầy tinh thần của đạo Bụt. Trong khi cuộc sống ầm ào đủ thứ. Môi trường sống bị xâm hại, tàn phá không thương tiếc. Nước non không còn là một ngôi nhà để tâm linh cư trú mà là một thứ tài sản được con người tự phong cho cái quyền sở hữu và người ta khai thác đến cạn kiệt để nuôi dưỡng một thứ thân xác không thường tồn. Rồi khi thấy cái tài sản trời cho ấy sắp hết thì con người lại… kêu trời. Trời mà nghe mới sợ.
Cũng như thơ thời Lý Trần, phần thơ chữ Hán của Nguyễn Trãi không bị ảnh hưởng gì nhiều bởi thơ Đường. Bằng những thể thơ rất Đường luật, cũng niêm luật, cũng điển tích và có cả những địa danh Trung Quốc trong thơ.
滿



ĐỀ VÂN OA
Bán liêm hoa ảnh mãn sàng thư
Đình ngoại tiêu tiêu thủy trúc cư
Tận nhật Vân Oa vô cá sự
Hác điềm nhất chẩm bán song hư
Nguyễn Trãi
       Một giường sách, nửa rèm hoa,
Bên hiên tiếng lá trúc hòa hoản ru.
       Hang Mây có chuyện gì đâu,
Cửa hờ hững khép, giấc lơ mơ màng
Quán Tâm Nguyễn Hiền Nhu
Bài thơ mang âm hưởng bài Tân Nguyệt của Trần Nhân Tôn. Điều này không lạ, những quyển sách và vầng trăng bao giờ cũng có một lực hút mạnh mạnh mẽ đối với tâm hồn người. Sách ngày xưa là sách dạy làm người, làm thơ. Vì trong những cuốn sách dạy làm người ấy. Thơ chiếm một vị trí rất lớn. Trong cái mơ màng ấy, nhàn nhã ấy. Nguyễn Trãi sống và thụ hưởng hết mình, không phải thụ hưởng những thứ do sự nghiệp hiển hách của ông mang lại mà là của tạo vật ban cho. Một thái độ sống mà những con người hiện đại khó lòng với tới. Sách thời hiện đại chỉ dạy rặt một thứ. Làm giàu. Cũng phải thôi. Thời nào thì cách sống đó. Chỉ buồn là hôm nay sách dạy làm người ít xịt, càng lúc càng thưa. Sách dạy làm thơ thì càng  hiếm gặp.

漫興

九萬摶風記昔曾
當年錯比北溟鵬
虛名自嘆成箕斗
後學誰將作準繩
一片丹心真汞火
十年清職玉壺冰
優游且復言余好
俯仰隨人謝不能
MẠN HỨNG
Cửu vạn đoàn phong ký tích tằng
Đương niên thác tỷ bắc minh bằng
Hư danh tự thán thành cơ  đẩu
Hậu học thùy tương tác chuẩn thằng
Nhất phiến đan tâm chân hống hỏa
Thập niên thanh chức ngọc hồ băng
Ưu du thả phục ngôn dư hiếu
Phủ ngưỡng tùy thân tạ bất năng
Nguyễn Trãi
Ngở như là cánh chim bằng
Qua biển bắc vượt chín tầng mây cao
Danh hờ, nghiệp chẳng ra sao
Lấy đâu ni tấc người sau tập tành
Lòng son ngút lửa chân tình
Mười năm hà rớ đã thành băng trong
Mặc tình cười nói thong dong
Khom trên, vênh dưới ta không quen làm
Quán Tâm Nguyễn Hiền Nhu
Bài thơ trên tỏ rõ một thái độ sống đầy trách nhiệm đối với bản thân và cuộc sống. “Ưu du thả phục ngôn dư hiếu. Phủ ngưỡng tùy thân tạ bất năng” Tự tại và ngay thẳng.
Phú quý lòng hơn phú quý danh
Thân hòa tự tại thú hòa thanh
Tiền sen tích để bao nhiêu tháng
Vàng cúc đem cho biết mấy bình
Ngoài cửa mận đào là khách đỗ
Trong nhà cam quýt ấy tôi mình
Ai hay, ai chẳng hay thì chớ
Bui một ta khen ta hữu tình
Nguyễn Trãi
Sen, cúc, cam, quýt, mận, đào… và con người cùng nhiều thứ nữa đã cộng sinh từ thời khai thiên lập địa. Sự  cộng sinh này là vô biên. Giá trị của từng loại đều mang tính ước lệ, một ước lệ rất cao quý. Vị trí và giá trị của muôn loài trong cuộc sống và dưới mắt của tạo hóa đều như nhau, con người không ở trên mà cũng chẳng ở ngoài mà ở chung, ở cùng. Đừng đem cái tu duy khiếm khuyết của con người mà định lại giá trị của muôn loài, để rồi vô tình làm thấp đi giá trị ấy. Suy cho cùng tư duy cũng là sản phẩm của tạo hóa ban cho con người, và tất nhiên cũng có thể ban cho muôn loài. Có một giá trị vĩnh hằng và duy nhất lại nằm ở một nơi khác. Sự cộng sinh. Điều này trí tuệ của con người biết mà lại làm như không biết. Tính hai mặt của cuộc sống chính là sự cân bằng. Muốn tạo ra sự cân bằng thì phải đối diện để tương tác, tương sinh, chứ không đối kháng để tiêu diệt. Hơn ai hết, Nguyễn Trãi biết điều đó. Ông tự khen mình hữu tình, một sự kiêu hãnh thật cảm động và khó ai có thể tự khen mình một cách chân tình như ông.
Ông là một nhà nho, nhưng tinh thần đạo Bụt , đã được truyền lại từ họ ngoại, vẫn còn thắm đỏ trong tâm hồn ông. Cái thực tế của Nho gia là quá khinh xuất đến độ muốn rằng tất cả mọi vật phải đi theo một định chế nào đó mang tính trường cửu. Con người sống phải thế này, thế nọ mới là tài đức, để khi chết rồi còn lại chút danh (?). Tất cả học thuyết của Nho Giáo chỉ tập trung vào một việc duy nhất vào việc đào tạo con người, không tìm thấy một khái niệm nào về việc chấp nhận vạn vật và con người cùng song song tồn tại, nếu có thì con người đều ở trong vị thế chủ nhân, thuyết chính danh dù có đề cập đến danh phận của muôn loài (trừ người) trong cuộc sống, mà lại là một danh phận thứ cấp. Điều đó đúng thôi. Dưới mắt của Nho giáo con người là trên hết, nhiều khi không còn nhận ra mặt đất dưới chân mình. Để rồi kèm theo đó là hàng lô hàng lốc những giáo điều mang đầy tính khẩu hiệu và các nho sinh đời này qua đời khác cứ luôn mồm “chi hồ giả dã” để học cách làm chủ muôn loài. Căn cứ vào những giáo điều cứng ngắc ấy mà nhà nho viết sử Ngô Sĩ Liên, đã chẳng nhiều lần phê phán những định chế chính trị của nhà Trần đó sao? Và cũng không tiếc lời chê trách việc các vua nhà Trần quy y Phật pháp. Ngô Sĩ Liên, cả Phan Phu Tiên nữa, không hiểu cái khó khăn của một ông vua non trẻ với cái gánh trách nhiệm quá nặng trên vai, nhưng cái nguy hiểm nhất cho nhân dân và chính bản thân ông vua đó chính là một quyền lực quá lớn trong tay. Hơn nữa, các ông ấy không hiểu gì về đạo Bụt, nên các ông không hiểu chính tinh thần đạo Bụt đã điều tiết gánh nặng và quyền lực của các vua đầu triều Lý, triều Trần phải gánh trên vai, phải cầm trong tay. Và cũng không hiểu nốt là tại sao mà hai triều đại này ít nảy sinh ra những ông vua quá bạo ngược hay quá yếu hèn như triều đại nhà Lê mà các ông nho sĩ Ngô Sĩ Liên, Phan Phu Tiên hết lòng phò tá. Ôi những nhà nho tiêu biểu cho sự khinh suất. Tất nhiên, không thể phủ nhận những việc mà hai ông đã làm là chép sử, để cho hậu thế hiểu rõ được truyền thống hào hùng của dân tộc, hai ông cũng đủ sáng suốt để công nhận là các vua Lý-Trần hầu hết đều là minh quân, nhưng lẽ nào những nhà viết sử như Ngô Sĩ Liên, Phan Phu Tiên lại không biết tại sao mà năm vị vua đầu triều Lý, triều Trần trở thành những ông vua tốt. Với một tinh thần Nho Giáo cực đoan như thế nên việc không kế thừa được những thành quả chói lọi của các triều Lý Trần là đương nhiên. Đó là hậu quả của việc nhà Minh cho thu vét hầu hết sách vở của Đại Việt và mang sang những sách Tàu từ Khổng Nho, Hán Nho, Tống Nho, Minh Nho và hàng lô hàng lốc Tứ Thư, Ngủ Kinh, Bách Gia Chư Tử, thơ ca, từ phú… với ý đồ đồng hóa Đại Việt bằng văn hóa. Và đây không phải là lần đầu tiên mà bọn xâm lược phương Bắc làm trò này, chúng thực hiện lại những gì mà Mã Viện đã làm trước đó 14 thế kỷ. Và sau đó là Sĩ Nhiếp, một tên “ bức hại văn hóa Việt” tàn bạo nhất trong lịch sử,  chúng đã tương vào Đại Việt hàng núi học thuyết cùng với một nền văn hóa rực rỡ ấy đã làm cho một bộ phận khá lớn trong giới nho sĩ Đại Việt choáng ngộp và đã vội vả ứng dụng mà không đủ sáng suốt để chắt lọc những tinh hoa mà tinh thần dân tộc có thể dung hợp được. Tất nhiên dân tộc thì không khinh suất, nhưng giới nho sĩ thì đang nắm lấy quyền lực, mà khi đã có quyền lực trong tay thì sự khinh suất rất dễ xảy ra và nó đang xảy ra, họ xây dựng, ứng dụng và phát triển mà không cần biết đến những tình tự dân tộc, không biết đến chung quanh mình còn có ai. Nếu như đạo Bụt chỉ ra con đường không vũ khí “Văn, Tư, Tu” cho con người sống an lạc, thì Nho Giáo bảo con người hãy “Tu thân, Tề gia, Trị quốc, Bình thiên hạ” đồng nghĩa với “cây kẹp cho bản thân, cây roi cho gia đình, cây gông cho trị quốc và cây gươm cho thiên hạ” Thái độ tự tôn, sắt máu ấy đã hủy hoại triều Lê và hủy hoại chính tâm hồn họ. Thậm chí họ đã bẻ cho cong cong lại những học thuyết của Khổng Mạnh để gọi là cho phù hợp (?). Đỉnh điểm của sự cực đoan này là từ năm 1466 vua Lê Thánh Tôn từng bước thiết lập chế độ quan lại, lễ nghi, thi cử và cả luật pháp đều rập khuôn phương Bắc. Một hành động đã làm Hồ Quý Ly thất bại. Sự thất bại của Hồ Quý Ly đẩy đất nước vào tay quân xâm lược. Sự thất bại của Lê Thánh Tôn đẩy đất nước vào phân liệt. Những nhà nho Đại Việt đã cố tình không hiểu, nên không biết vận dụng một cách thấu đáo khả năng du nhập, chắt lọc các nền văn hóa khác để làm nên bản lĩnh cho mình của nhân dân Đại Việt. Thay vì lựa chọn và ứng dụng trên cơ sở tình tự dân tộc như các thiền sư đã làm thì họ lại bê nguyên xi. Tất nhiên, không phải nhà Nho nào cũng thế. Nhưng những nhà Nho có tinh thần tự trọng ấy thường thì không có được quyền lực trong tay và cũng nhờ lực lượng này mà tinh thần văn hóa Đại Việt được chắt chiu lưu giữ để chờ đợi cơ hội phát huy. Bởi thế từ sau vua Lê Thánh Tôn, nhà Lê tồn tại gần ba trăm năm nữa với sự độc tôn của Nho Giáo cũng có nghĩa là đất nước có hơn ba thế kỷ không bình yên mà sự không yên bình bao giờ cũng do bàn tay quyền lực của các nhà Nho cầm tay các ông vua mà khuấy đảo. Thơ không còn là phương tiện để thể hiện vần điệu của tấm lòng mà thơ được các nhà Nho sử dụng để nói lên ý chí mình. Một ý chí nhiều khi lãng nhách nên rất nguy hại.
孔 万 執 有, 莊 老 若 無. 世 俗 之 典 非 解 脫 法. 唯 有 佛 法 不 許 有 無 可 了 生 死“Khổng Mặc chấp Hữu. Trang Lão nhược Vô. Thế tục chi điển phi giải thoát pháp. Duy hữu Phật pháp bất hứa hữu vô khả liễu sinh tử “ (Cửu Chỉ thiền sư). Chính cái tinh thần chấp Hữu cực đoan ấy đã tạo ra cái Có khi sống đã không là gì mà cái Có còn lại khi chết cũng chẳng là chi. Phải chăng vua Lê Thánh Tôn chết vì tay của Trường Lạc hoàng hậu, dù nguyên nhân là chỉ vì ghen, là hậu quả của cái chấp Hữu. Bởi vì không biết rằng con người cũng như vạn vật chỉ là một tổng hòa giữa diệu hữu và chân không. Điều này luôn luôn có thật. Sắc, không là hai trạng thái khác nhau trong nội tại của một vật hay một việc chứ không phải là hai trạng thái độc lập để đi đến dị biệt. Hai trạng thái ấy luôn luôn đối diện và hỗ tương. Chưa có một tôn giáo hay học thuyết nào giải thích và giải quyết một cách căn cơ đời sống như đạo Bụt. Con người cũng như muôn loài, sinh ra rồi mất đi trong một môi trường nào đó đều gắn chặt vào môi trường đó và có trách nhiệm với nội tại và ngoại vi. Trong đạo Bụt không có khái niệm ông trời. Nát Bàn hay Địa Ngục đều hiện hữu hay biến mất ngay trong môi trường sinh diệt, tức là ngay nội tại của một con người chứ không ở một nơi nào khác. Ví dụ: Giúp một người gặp nạn đến nơi an toàn, lòng ta sẽ nhẹ nhàng. Đó là Nát Bàn. Nhưng anh chỉ liếc mắt ngó qua rồi đi tuốt. Hình ảnh của một con người hoạn nạn sẽ ám ảnh anh suốt nhiều giờ hoặc nhiều ngày sau, đó là Địa ngục. Nát Bàn là vô sự, Địa Ngục là hữu sự. Thái độ thứ nhất vừa hữu sự vừa vô sự. Thái độ thứ hai vừa vô sự vừa hữu sự. Có lu bu quá không? Không. đạo Bụt giải quyết việc này bằng cái Tâm, nên luôn luôn có ngay tức khắc hành động thứ nhất mà không suy tính gì, có nghĩa là Tĩnh, là vô sự. Nho Giáo giải quyết việc này bằng cái Danh, có nghĩa là cái Tôi, nên có sự lựa chọn một thái độ mà mình cho là đúng (?), có thể giúp mà cũng có thể không, có nghĩa là Động, là hữu sự.
Vì vậy, rất dễ nhận ra tại sao ở Trung Quốc thời nhà Đường, nhất là sau khi nhà sư Trần Huyền Trang đi Ấn Độ về, Phật Giáo phát triển mạnh mẽ thì thơ hay hơn thơ các triều đại khác. Dù rằng khi Phật Giáo đến Trung Quốc thì ở Việt Nam thơ thời Lý Trần hay hơn thời Lê và có lẽ cả sau này. Bởi vì những bài thơ xuất hiện trong giai đoạn ấy, không gian ấy là một lớp giao hưởng tuyệt diệu bởi những vần điệu của lòng người và của vạn vật. Tinh thần Tam Giáo Đồng Nguyên được thiền sư Khương Tăng Hội xây dựng và hai triều đại Lý Trần củng cố và phát triển trên cơ sở đạo Bụt thiền tông đã đáp ứng một cách tuyệt vời tâm tình của dân tộc. Vì vậy cũng không có gì gọi là võ đoán khi nói rằng những bài thơ hay sau Lý-Trần đều được viết bởi những nhà thơ luôn luôn biết Đức Phật là ai. Nguyễn Trãi là người như thế dù lúc này Nho giáo đã chiếm lĩnh vũ đài chính trị và có lẽ cả văn hóa nữa.
Ta hãy lắng nghe bài thơ này

聽 雨
寂 寞 幽 齋 里
終 宵 聽 雨 聲
蕭 騷 驚 客 枕
點 滴 數 殘 更
隔 竹 敲 窗 宓
和 鍾 入 夢 聲
吟 餘 魂 不 寐
斷 續 到 天 明
阮 廌

3.THÍNH VŨ
Tịch mịch u trai lý
Chung tiêu thính vũ thanh
Tiêu tao kinh khách chẩm
Điểm trích sổ tàn canh
Cách trúc xao song mật
Hòa chung nhập mộng thanh
Ngâm dư hồn bất mị
Đoạn, tục đáo thiên minh

NGHE MƯA
      Thư phòng nằng nặng đêm trôi,
Suốt đêm nghe ngóng bời bời tiếng mưa.

   Gối trăn trở, khách ngẫn ngơ, 

Giọt từng giọt đếm cho vừa tàn canh .
     Mưa qua khóm trúc vào mành,
Tiếng chuông hòa tiếng nước thành cơn mơ.
     Vẫn thao thức mấy vần thơ,
Mưa tạnh mưa tiếp cũng vừa hừng đông.
Quán Tâm Nguyễn Hiền Nhu
            Trong mỗi chúng ta ai đã chẳng một lần thao thức vì mưa. Nhưng nghe mưa như Nguyễn Trãi thì chắc chẳng được bao người. Không một từ nào mang tâm tư ông trong bài thơ này. Mà tất cả chỉ diễn đạt cái cách mà hạt mưa và những thứ chung quanh tác động một cách êm đềm vào tác giả. Ông ngồi đó và hưởng thụ một đêm mưa và chờ đợi một… bài thơ.
游 山 寺
短 棹 系 斜 陽
從 從 謁 上 方
雲 歸 禪 塔 冷
花 樂 澗 流 香
日 暮 猿 聲 急
山 空 竹 影 長
個 中 真 有 意
欲 語 淴 還 亡
 

DU SƠN TỰ.
Đoản trạo hệ tà dương,
Thông thông yết thượng phương.
Vân quy thiền tháp lãnh,
Hoa lạc giản lưu hương.
Nhật mộ viên thanh cấp
Sơn không trúc ảnh trường
Cá trung, chân hữu ý
Dục ngữ, hốt hoàn vong
Nguyễn Trãi

   Lơi chèo ghé bến tà dương,

Tà tà ngắm cảnh Phật đường chiều hôm.

Giường sư lạnh bóng mây buông,

Hoa rơi nhờ nước đưa hương xa dần.

Dượm đêm tiếng vượn vang rân,

Núi yên tĩnh bóng trúc vươn vươn dài.

Trong đầu mấy ý thơ hay

Vừa khi muốn nói tức thì lại quên.

Quán Tâm Nguyễn Hiền Nhu

Một buổi chiều đi viếng chùa không phải để cầu xin hay tìm một điều gì đó ở ông Bụt mà để cảm nhận đường đi lối lại mà của cuộc sống. Khung cảnh tạo nên thơ, nhưng khung cảnh ấy cũng lấy thơ đi để rồi cảnh, người và thơ hòa quyện lại cùng nhau. Bất cứ ai cũng đã đôi lần như thế. Những ý thơ chợt đến rồi chợt đi. Điều đó không làm nên vần điệu của thơ nhưng đã làm nên vần điệu của cuộc sống. Khi một ý thơ trôi qua đầu, dù thành thơ hay không cũng làm cho ta cảm thấy nhẹ nhàng hơn, cuộc sống đáng yêu hơn. Và như vậy thì đã là thơ rồi. Những người không chú ý gì đến thơ cũng đã rất nhiều lần trải qua những phút giây rất thơ như thế. Đó là một động thái cảm nhận, thụ hưởng và hòa nhập với cảnh vật. Và cuộc sống như thế thì quả là rất dễ nên… thơ. Nguyễn Trãi là người đầu tiên nói ra điều này.
浴 翠 山
    
    
    
    
    
    
    
    
 

DỤC THÚY SƠN
Hải khẩu hữu tiên san
Niên tiền lũ vãng hoàn
Liên hoa phù thủy thượng
Tiên cảnh trụy nhân gian
Tháp ảnh trâm thanh ngọc
Ba quang kính thúy hoàn
Hữu hoài Trương Thiếu Bảo
Bi khắc tiễn hoa ban.
Nguyễn Trãi

      Núi tiên sóng vỗ ba bề,

Năm xưa mòn lối đi về thân quen.

Trên mặt nước, mấy cành sen,

Giữa trần gian một cảnh tiên rơi vào.

Như trâm ngọc, bóng tháp cao,

Sóng trong như kính xanh nào gợn bay.

Nhớ Trương Thiếu Bảo nơi này…

Bia xanh cũng đã điểm đầy rêu xanh.

Quán Tâm Nguyễn Hiền Nhu

      Trương Hán Siêu có một bài ký và một bài thơ khắc ở núi Dục Thúy với hai nội dung hoàn toàn trái ngược nhau. Bài ký cho tháp Linh Tế (khắc năm 1343) thì bài bác Phật Giáo. Bài thơ khắc trên vách núi (đã dẫn ở trên) thì lại mang đầy tư tưởng Phật Giáo. Và Nguyễn Trãi đã đến để chứng kiến một phút giây đốn ngộ của người xưa.

Theo Bình Định Vương Lê Lợi vận trù quyết sách quét sạch bóng quân thù. Khi thu giữ lại non sông, ông hăm hở xây dựng một đất nước yên bình và giàu mạnh. Nhưng rồi tất cả đã làm ông thất vọng. Một triều đại được dựng nên bởi một con người chưa sẵn sàng để làm một quân vương, đã thế lại được vây bọc bởi những tướng lãnh công thần chưa đủ tâm lực để trở thành lương tướng. Tất cả sẵn sàng cầm gươm lên ngựa đánh đuổi quân thù, có đầy đủ hào hùng, dũng cảm của người chiến sỷ xả thân vì nước, nhưng cũng có đủ những hãnh tiến của một người đứng cao hơn trăm họ (!?). Họ nghĩ thế và làm thế vì họ chưa bao giờ có đủ khí sắc nhuận hòa để đứng cùng trăm họ.
Triều đình nhà Lê càng lúc càng lộ rõ tính chất bất cập trong công việc xây dựng chính quyền. Hàng loạt những người đồng cam cộng khổ bị nghi ngờ thậm chí bị giết như Trần Nguyên Hãn, Phạm văn Xảo. Sự phân hóa càng lúc càng rõ nét và điều tệ hại hơn là những nhà nho lại nép mình dưới quyền lực của các nhóm công thần vốn ít học. Hầu hết các triều đại phong kiến đều không tránh khỏi điều này, ngoài triều đại Lý-Trần. Chỉ có Nguyễn Trãi là không như thế. Ông thu mình lại, nuôi dưỡng hào khí, giữ vững niềm tin bằng cách nhìn ngắm đất nước mình để chờ đợi thời cơ phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước.
雲屯
路入雲屯山復山
天恢地設付奇觀
一盤藍碧澄明鏡
萬斛鴉青鬌翠鬟
宇宙頓清塵海岳
風波不動鐵心肝
望中岸草萋萋綠
道是藩人駐舶灣

VÂN ĐỒN
Lộ nhập Vân Đồn san phục san
Thiên khôi địa thiết phó kỳ quan
Nhất bàn lam bích trình minh kính
Vạn hộc nha thanh đạo thúy hoàn
Vũ trụ đốn thanh trần hải nhạc
Phong ba bất động thiết tâm can
Vọng trung ngạn thảo thê thê lục
Đạo thị phiên nhân trú bạc loan
     Núi liền núi lối Vân Đồn
Đất trời sắp đặt cho nên tuyệt vời
     Biển xanh trong suốt kính trời
Lô nhô muôn đảo như ngời tóc bay
     Hóa công lau sạch biển này
Tấm lòng sắt đá gió lay được nào
     Bờ xa cỏ lục nhuộm màu
Thuyền nơi xứ lạ xôn xao bến này
Quán Tâm Nguyễn Hiền Nhu

白藤海口
朔風吹海氣凌凌
輕起吟帆過白藤
鱷斷鯨刳山曲曲
戈沉戟折岸層層
關河百二由天設
豪傑功名此地曾
往事回頭嗟已矣
臨流撫影意難勝

BẠCH ĐẰNG HẢI KHẨU
Sóc phong xuy hải khí lăng lăng
Khinh khởi ngâm phàm quá Bạch Đằng
Ngạc đoạn kinh khoa sơn khúc khúc
Qua trình kích chiết ngạn tằng tằng
Quan hà bách nhị do thiên thiết
Hào kiệt công danh thử địa tằng
Vãng sự hồi đầu ta dĩ hĩ
Lâm lưu phủ cảnh ý nan thăng
       Biển khơi lạnh buốt gió đông
Lời ngâm thơ lộng buồm giong Bạch Đằng
       Kình lìa mấy khúc núi sông
Giáo rơi kích gãy bập bùng bãi xa
       Trời kia đặt hiểm quan hà
Đất xưa hào kiệt chưa nhòa dấu chân
       Chuyện xưa nhìn lại vắng tanh
Nước trôi man mác không thành ý thơ
Quán Tâm Nguyễn Hiền Nhu
Rất nhiều bài thơ như thế được ông viết ra để nhắc nhở mình, nhắc nhở mọi người về lịch sử hào hùng của dân tộc, sự tươi đẹp của non sông và yêu cầu được sống ấm no của cộng đồng dân tộc. Hơn ai hết, ông hiểu rằng đánh đuổi quân xâm lược không có nghĩa là đất nước sẽ phồn vinh. Đất nước nào cũng thế và thời nào cũng thế. Khắc phục hậu quả chiến tranh không phải là một chuyện dễ dàng. Những mâu thuẩn nội tại và tư tưởng công thần là một trở ngại không dễ vượt qua. Hơn thế nữa là phải tạo ra một cái thế, cái lực để đủ sức ngăn chận, phòng ngừa một cuộc chiến tranh khác.
Lắm lúc ông cảm thấy lẻ loi giữa cảnh xênh xang mũ áo của triều đình. Nhưng dù sao vẫn còn đó cho ông một quê hương. Và ông tìm ở nơi ấy sự đồng cảm

   
      
      
      
      
            18.TỈNH AN VÃN LẬP
            Đạm yêu sơ vũ vãn mô hồ.
Thủy sắc thiên quang bán hữu vô.
            Vạn cổ kiền khôn thanh cảnh trí,
            Hải sơn vị ngã xuất tân đồ.
Nguyễn Trãi
                  Mới mưa khói nhạt phủ mờ,
            Chừng như sắc nước lơ mơ ánh trời.
                  Ngàn năm muôn vật xinh tươi,
            Vì  ta  sông  núi  đổi  dời  cảnh  xưa.
Quán Tâm Nguyễn Hiền Nhu
Sự đổi thay của cảnh vật vì con người, con người vì cảnh vật mà nương theo. Sự cộng sinh ấy là đã làm cho “Vạn cổ kiền khôn thanh cảnh trí”.  Không hiểu được điều đó thì đừng hòng đòi hỏi “Hải sơn vị ngã xuất tân đồ.”

HOA DÂM BỤT
Ánh nước hoa in một đoá hồng
Vẩn nhơ chẳng bén, bụt là lòng
Chiều mai nở, chiều hôm rụng
Sự lạ cho hay tuyệt sắc không
Nguyễn Trãi
Dưới cái nhìn của đạo Bụt khi một người đã "tuyệt sắc không" tức là người ấy đã chứng ngộ. Có lẽ Nguyễn Trãi đã chứng ngộ. Ông đã viết về hoa dâm bụt bằng một cái đầu trống không và cái tâm tĩnh lặng. Những hình tượng của hoa được diễn tả theo đúng tinh thần của Tuệ Trung.
Vì vậy thơ Nguyễn Trãi giúp cho tôi nhận ra cái tinh thần của đạo Bụt vẫn mãi mãi là một nền tảng vững chắc cho tâm hồn Đại Việt. Tinh thần đạo Bụt luôn luôn ẩn hiện trong thơ ông, cũng như luôn nhắc nhở mọi người phải cố làm cho cuộc sống bình an.
Giũ bao nhiêu bụi, bụi lầm
Giơ tay áo đến tùng lâm
Rừng nhiều cây rợp, hoa chầy động
Đường ít người đi, cỏ kíp xâm
Thơ đái tục hiềm câu đái tục
Chủ vô tâm ỷ khách vô tâm
Trúc thông hiên vắng trong khi ấy
Năng mỗ sơn tăng làm bạn ngâm
 Nguyễn Trãi
Ôi sao mà giống vua Trần Thái Tôn thế “Cá trung tư vị vô nhân thức, Phó dữ sơn tăng thướng đáo minh”. Tìm hiểu và cảm thụ thế nào bài thơ này đây. Mười năm như đọc thơ nhà Trần chăng? Không phải vậy, rất dễ cảm thụ, vì bài thơ được viết bằng tiếng nói của đại chúng, nêu lên những hình tượng gần gũi và thật yên bình mà con người cần phải có. Thiên nhiên vẫn cứ có lòng, luôn luôn “thanh cảnh trí” để làm êm dịu lòng người.

VÀI CẢM NGHĨ VỀ BÀI THƠ “CÂY CHUỐI”
Cây Chuối
Tự bén hơi xuân, tốt lại thêm
Đầy buồng lạ, mầu thâu đêm
Tình thư một bức phong còn kín
Gió nơi đâu? Gượng mở xem.
Nguyễn Trãi
 Đọc thơ Nôm của người xưa; cảm thụ đã khó, mà khi cảm thụ đã khó rồi thì chuyện hiểu được những điều tổ tiên nói lại càng khó hơn. Đã thế còn gặp những từ cổ và những cú pháp lạ.
Bài thơ trên có lẽ là một trong những bài thơ như vậy của cụ Ức Trai. Và hầu hết những người đọc đều bỏ qua vì… nhức đầu. HRG cũng không ngoại lệ.
Nhưng vẫn còn có một điều là, tôi phải gạt ra khỏi đầu óc những ý kiến của các cao nhân khác về bài thơ này cũng như những dị bản của bài thơ. Dù vậy nhưng tính độc lập dứt khoát là không thể
Và đã mê thì tôi phải chịu nhức đầu thôi. Rồi khi ngộ ra rồi thì… Ôi sao mà lại nhẹ tênh như gió.
Tất nhiên cái sảng khoái này mà chả viết ra thì hơi uổng.
Tự bén hơi xuân, tốt lại thêm
Cây chuối tự thân đã là một màu xanh tuyệt đẹp, màu biểu tượng của mùa xuân, và đang lứa xuân xanh thì cái đẹp ấy tăng thêm.
Đầy buồng lạ, mầu thâu đêm
Đây là một câu thơ thực sự nhức đầu với từ “buồng” và “mầu”.
1. Về từ “buồng” có nhiều người hiểu là buồng chuối. Hiểu thế mới chết người khi đọc tới câu ba vì sao? Tình thư một bức phong còn kín, Đây là hình tượng của nỏn  tàu lá chuối non nhô lên thân cây là nõn tròn màu xanh lục như là một bức thư của người xưa thường cuốn tròn lại nhét vào ống tre để gởi đi và khi cây chối đã có buồng thì nỏn lá chuối không còn nữa. Do vậy trong ngữ cảnh này phải được hiểu là “phòng”. Tiếp theo là từ “lạ”. Đầy buồng lạ phải được hiểu là một cảm xúc mới lạ lan tỏa đầy buồng xuân
2. Về từ “mầu”, có nhiều bảng ghi là màu và giải thích màu là mùi. Điều này không ổn, dù hiểu là màu sắc hay mùi hương đều sai. Phải viết và hiểu là “mầu” là mầu nhiệm, là “khó giải thích” không thể nói một cách rõ ràng.
Như vậy hai câu:
Tự bén hơi xuân, tốt lại thêm
Đầy buồng lạ, mầu thâu đêm
Cụ Ức Trai mượn hình tượng cây chuối để nói về cảm xúc mới lạ của cô gái trẻ trong đêm xuân, một cảm xúc mầu nhiệm khó giải thích đã làm cho cô gái mơ màng suốt cả đêm xuân.
Và tâm tình phong kín này đang chờ đợi, đang thắc mắc chả biết cơn gió nào sẽ đến để nhẹ nhàng (gượng) mở ra xem
Tình thư một bức phong còn kín
Gió nơi đâu? Gượng mở xem.
Phải lưu ý cú pháp:
- phong còn kín (nghĩa là chưa một lần mở ra) chớ không còn phong kín (đã gói lại),
- Gió nơi đâu? Gió thì chắc có rồi nhưng chưa biết diện mạo và cường độ ra sao? Nhưng vẫn thầm mơ ước (Gượng mở xem) hãy mở xem thật nhẹ nhàng. 
Ôi. Một bài thơ tình cực kỳ lãng mạng. Chắc các bạn sẽ phì cười khi HRG nói như vậy về Cụ Ức Trai. Rất có thể Cụ viết thế. Cụ đã chẳng có một mối tình thật lãng mạng với cô bán chiếu gon Nguyễn thị Lộ là gì?
Và bổng dưng tôi nhớ bài thơ Vị Triển Ba Tiêu của Tiền Hủ

Vị Triển Ba Tiêu
Lãnh chúc vô yên lục lạp can
Phương tâm do quyển khiếp xuân hàn
Nhất giam thư tráp tàng hà sự
Hội bị đông phong ám sách khan
Tiền Hủ

Tàu Chuối Non
Nến xanh, đuốc lạnh không nên khói
Cuốn lại lòng thơm ngại rét xuân
Giấu kín trong thư lòng mấy nỗi
Gió đông đang dượm mở ra xem
QT. Nguyễn Hiền Nhu

Có một vài ý kiến cho rằng cụ Ức Trai đã lấy ý của bài thơ này để viết bài thơ Cây Chuối. Tôi không nghĩ như vậy. Tiền Hủ đã mượn hình tượng này chỉ thuần túy viết một bài thơ tình và hết. Ông đã nhân cách hóa cái nõn chuối bằng hai động thái khiếp () ở câu 2, ám () ở câu 4 như là một khẳng định. Và bài thơ bổng nhiên bị vướng bụi, khi chuyển sang tiếng Việt tôi đã thay chữ khiếp bằng chữ ngại và chữ ám bằng chữ dượm. Chẳng biết như thế có gì sai không?
Nếu như chúng ta nghĩ là bài thơ Cây Chuối của cụ Ức Trai là một bài thơ tình thì cũng được thôi, và cụ lấy ý bài thơ của Tiền Hủ (nếu có) thì vẫn là một bài thơ tình hay hơn của Tiền Hủ gấp nhiều lần. Toàn bài thơ chả có một hành vi ám muội nào nên chả có gì phải sợ. Cái ung dung đón nhận những cảm xúc mới mẻ của cô gái xuân và những ước mơ thầm kín được gởi về cho một cơn gió mơ hồ nào đó cũng tự nhiên thôi.
Nhưng nhìn trên một góc độ khác, khi chúng ta biết rằng toàn bộ cuộc đời của Cụ là dành hết cho mục tiêu vì dân vì nước. Dân - Nước tự thân rất đẹp, rất thiêng liêng và khi trở thành hiện thực thì càng thêm đẹp. Đó là một mục tiêu hoàn toàn mới lạ cho một đất nước vừa mới thoát khỏi một thời gian khá dài cho sự suy thoái, tha hóa của xã hội, rồi tiếp theo là hơn hai mươi bị tàn phá bởi quân xâm lược. Dân - Nước đang cần một mùa xuân, một xuân của lòng người, chớ không riêng gì của đất trời. Ý tưởng một mùa xuân mầu nhiệm ấy như là một bức thư còn phong kín và đang chờ đợi một cơn gió nơi đâu? gượng mở xem để biến nó thành mùa xuân hạnh phúc cho muôn dân. Nếu như là một bài thơ tình thì câu cuối cùng như là một tiếng kêu nho nhỏ của ước mơ. Nhưng với cách hiểu này thì lại là một tiếng kêu thảng thốt.
Đất nước đã sạch bóng quân thù bao nhiêu năm rồi nhưng vẫn còn bộn bề bao nhiêu bất ổn. Vua Lê Thái Tổ vẫn là một hình tượng của một người lãnh tụ oai hùng nhưng chưa đủ tầm của đấng quân vương, nên cái cảnh “điểu tận cung tàn” đã xãy ra. Vua Lê Thái Tông thì còn quá nhỏ và các quan văn võ, dù đã nhạt nhòa phong thái oai hùng mà lại chưa trang bị đủ nghiêm cẩn để xứng tầm với vị trí đãm đương. Và Cây Chuối được viết lên với vóc dáng của một bài thơ tình đầy lãng mạng, nhưng gói ghém biết bao nhiêu hoài bảo để rồi câu cuối cùng lại là một câu hỏi như là tiếng kêu thảng thốt của một tấm lòng đau đáu nỗi cô trung. Trung Với Dân, Với Nước. Cụ mong có một cơn gió đến nhẹ nhàng trân trọng mở ra xem nỗi lòng trung trinh ấy.
Gió nơi đâu? gượng mở xem.
Giờ đây Dân và Nước mang tên Việt Nam này còn có bao nhiêu tiếng kêu thảng thốt như Cụ Ức Trai.
Một loạt những bài thơ ngắn Nguyễn Trãi về hoa, về cây. Những bông hoa bình dị, những loại cây gần gũi bên người.
Hãy đọc những câu ca dao dưới đây.
Nhà ta giàu sang
Có ngô làm vàng
Có bắp làm bạc
Có một đàn hạc
Là ổ gà ri
Nhà chạm long ly
Nứa che xanh đỏ
Lọng che ta có
Là cả vòm trời
Sướng nhất trên đời
Là anh cày cuốc.
Có vẻ như Nguyễn Trãi đã chẻ nhỏ bài ca dao  mang tính phóng đại rất dễ thương, rất lãng mạng này làm thành những bài thơ của mình và thổi vào đấy sự cảm nhận chân tình của mình. Không phải Nguyễn Trãi muốn vinh danh sự bần hàn. Nguyễn Trãi trân trọng những cái cần, cái đủ mà tạo hóa ban tặng. Những chức tước, danh vọng mà ông có chẳng qua đó là kết quả tất yếu của một người thể hiện đúng mực vai trò làm người mà ông đãm đương. Ông không cho đó là vinh. Đơn giản chỉ là bổn phận. Hạnh phúc của ông chính là ông tự do cảm thụ được thiên nhiên, cảm thụ được sự sống. Mà điều kiện tất yếu của sự sống là cùng, sống với. Người với muôn loài, người với người. Tất cả đều bình đẳng tuyệt đối từ sinh cho đến diệt.
- Đìa ham nguyệt hiện chăng buông cá
Rừng tiếc chim về ngại phát cây
- Viện có hoa tàn chăng quét đất
Nước còn nguyệt hiện sá thôi chèo
- Quê cũ nhà ta thiếu của nào
Rau trong nội, cá trong ao
- Khách đến vườn còn hoa lạc
Thơ nên cửa thấy nguyệt vào
- Am trúc hiên mai ngày tháng qua
Thị phi nào đến cõi yên hà
Bữa ăn dù có dưa muối
Áo mặc nài chi gấm là
Tìm thấy rất nhiều câu như thế trong thơ của ông. Những động thái cảm thụ tạo vật của ông rất bình đẳng như tự nhiên vậy. ông cũng đã chọn một thái độ như thế trong thế giới con người:
- Mắt lòa xanh, đầu dễ bạc,
Lưng không uốn, lộc nên từ
-  Cơm kẻ bất nhân, ăn ấy chớ
Áo người vô nghĩa, mặc chẳng thà
Suốt đời ông đã nhiều lần khẳng định như thế. hai bài thơ dưới đây chứng minh cho điều đó:
Con cờ khoái rượu đầy bầu.
Đòi nước non chơi quản dầu.
Đạp áng mây, ôm bó củi,
Ngồi bên suối, gác cần câu.
Giang sơn mặt thấy nên quen thuộc,
Danh lợi lòng nào ước chác cầu.
Vương Chất tình cờ ta ướm hỏi,
Diều phơi phới thấy tiên đâu?

Đủng đỉnh chiều hôm giắt tay.
Trông thế giới, phút chim bay.
Non cao, non thấp; mây thuộc,
Cây cứng, cây mềm: gió hay.
Nước mấy trăm thu còn vậy,
Nguyệt bao nhiêu kiếp nhẫn nay.
Ngoài chưng mọi chốn đều thông hết,
Bui một lòng người cực hiểm thay.
Nguyễn Trãi
Nguyễn Trãi nhìn ngắm, thưởng thức, hưởng thụ tạo vật bằng tấm lòng thấu hiểu để mà khâm phục, mà tôn trọng chứ không phải xác định tính sở hữu của con người. Nhìn non, ông là mây để biết tận tường non cao, non thấp. Nhìn cây, lòng ông là gió để hiểu cây cứng, cây mềm. Xa hơn nữa, nhìn vạn vật ông là trăng dịu dàng, là thu yên ã. Nhìn đồng loại thì bằng một tấm lòng. Và có lẽ vì thế mà ông nhiều lần phải lắc đầu “Bui một lòng người cực hiểm thay”. Vậy mà ông cũng không thoát. Tôi có một niềm vui rất lớn khi đọc Nguyễn Trãi và một nỗi buồn lớn hơn cũng khi đọc Nguyễn Trãi.
Nhưng tuyệt nhất thì vẫn là như thế này đây.
Nước xuôi nước ngược nỗi đòi triều.
Thuyền khách cho thu gác lướt chèo.
Mái thác trăng, giương thế hứng,
Buồm nhân gió, mặc khi phiêu.
Phơ phơ đầu bạc ông câu cá,
Leo lẻo doành xanh con mắt mèo.
Âu lộ cùng ta dường có ý,
Đến đâu thì thấy nó đi theo.
Nguyễn Trãi
                        Nếu bạn là một con của Bụt đã từng đọc và hiểu một phần nào kinh Hoa Nghiêm. Bạn sẽ thấy tinh thần ấy gần xuyên suốt trong các tác phẩm của Nguyễn Trãi. Ông đã sống, đã hưởng thụ vừa đúng vừa đủ những thứ thân xác cần, và ông cảm thụ hết mình và đấu tranh hết sức cho một cuộc sống tự nhiên, yên bình.
Đêm thanh hớp nguyệt nghiêng chén
Ngày vắng xem hoa bợ cây
Đêm ngồi ngoài hiên uống vầng trăng hiện trong chung trà, ngày ngắm hoa và trìu mến chăm bón cội cây đã cho đời một bông hoa đẹp. Một lối hưởng nhàn chăng? Rất có thể. Nhưng theo tôi đó chính là một thái độ sống của Nguyễn Trãi. Đúng rồi…
Án sách, cây đèn hai bạn cũ
Song mai, hiên trúc một lòng thanh
Bạn như thế thì lòng cũng phải vậy thôi.
        Ông trân trọng hết thãy mọi thứ chung quang ông và ông sống cùng, sống với mà không một chút tị hiềm so đo và cũng đau đớn thay ông chết vì điều đó, vì một xã hội đã mất tự nhiên. Và cái chết oan khuất ấy làm ông sống mãi.
       Trong cuộc đời mình, tôi gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống, khó khăn đến độ muốn chết đi cho rồi. Nhưng cuộc sống thì quá đẹp, tôi sẽ không nhận ra nếu như không đọc thơ, nhất là thơ Nguyễn Trãi. Mà đã nhận ra cuộc sống đẹp như thế thì chết để làm gì? Một lần nữa Nguyễn Trãi khẳng định cái tình của vạn vật, nếu không thì làm sao mà “Âu lộ cùng ta dường có ý, Đến đâu thì thấy nó đi theo”. Ai nhìn thấy được và cảm nhận được điều đó. Những con người hiện đại, hiểu một cách rạch ròi thấu đáo về vật lý, về vận động học cũng không thể nào cảm nhận được cái khung cảnh tuyệt diệu này. Hai câu thơ Nôm này gần như Nguyễn Trãi muốn sinh động hóa hai câu thơ chữ Hán của mình. Vạn cổ kiền khôn thanh cảnh trí. Hải sơn vị ngã xuất tân đồ. So sánh hai câu thơ Nôm và hai câu thơ Hán. Tôi mới thấy tiếng nói mà tôi đang sử dụng hàng ngày đáng yêu biết bao nhiêu. Đáng yêu không phải vì tiếng Nôm là tiếng của dân tộc tôi, mà đáng yêu là vì tiếng nói đó luôn luôn tiếng lòng của dân tộc tôi. Đọc và hiểu Nguyễn Trãi rồi mới đau xót biết bao khi nghe thấy những con người sử dụng cái ngôn ngữ, để thể hiện những tiếng lòng ấy, để nói toàn những chuyện gì đâu.
Những bài thơ Nôm của Nguyễn Trãi và Nguyễn Bỉnh Khiêm sau này, nói lên được điều gì ngoài những nội dung? Nói lên rất nhiều thứ, kể cả những điều mà hai ông không nói bao giờ. Đó là tiếng nói và chữ viết của dân tộc đã được hoàn chỉnh sau một thời gian dài trong dạng phôi thai. Cụ Nguyễn Thuyên (tác giả Phi Sa Tập, rất tiếc là tôi không biết tìm cuốn sách ấy ở… đâu và cả những bài kệ chữ Nôm của các bậc chân tu đời Trần), Phạm Sư Mạnh, Nguyễn Trung Ngạn đang ở đâu đó trong cõi nước mây lồng lộng đang vuốt râu cười. Dù chưa thể trở thành chữ viết chính thức cho một quốc gia. Nhưng đủ để chuyển tải một cách độc lập tiếng nói, tiếng lòng của dân tộc và lớn dần lên để trở thành giòng sông chảy song hành với giòng sông Hán Việt. Và trong lòng sông ấy đang chất chứa một tiềm năng vĩ đại chuẩn bị cho cú vượt đại dương ngoạn mục mà con cháu hai Người sẽ thực hiện.
Nguyễn Trãi là một nhà nho, ông không lạ gì thơ Đường Luật với những quy luật chặt chẽ. Từ, phú… cũng như các thể loại thơ khác, Hán cũng như Việt. Nhưng khi làm thơ tiếng Việt, ông đã tạo nên một thể loại thơ rất Việt. Tiếc thay, từ sau Nguyễn Bỉnh Khiêm chúng ta không thường gặp. Trong một bài thơ tám câu Nguyễn Trãi thường xen vào một cặp hai câu sáu từ, thậm chí có năm từ. Những trường hợp như thế, ngoài ý muốn tạo ra một thể thơ riêng biệt cho thơ tiếng Việt còn có một ý nữa là tạo điều kiện cho người viết diễn đạt ý tưởng của mình cô đọng hơn, nhưng thanh thoát hơn, không phải bị rườm rà vì phải viết cho đúng luật.
Chúng ta cùng tìm hiểu:
Bài thơ rất Đường Luật
THUẬT HỨNG I
Trúc mai bạn cũ họp nhau quen.
Cửa mận tường đào chân ngại chen.
Chơi nước chơi non đeo tích cũ,
Qua ngày qua tháng dưỡng thân nhàn.
Thời nghèo sự biến nhiều bằng tóc,
Nhà ngặt quan thanh lạnh nửa đèn.
Mùi thế đắng cay cùng mặn chát,
Ít nhiều đà vẽ một hai phen.
Nguyễn Trãi
Bài thơ đi liền mạch, nói lên cái ý hướng sống nhàn nhã thanh bạch, không muốn bon chen vào vòng danh lợi.
THUẬT HỨNG II
Hễ kẻ làm quan đã có duyên. (7)
Tới lui mặc phận tự nhiên. (6)
Thân xưa hương hỏa chăng còn ước, (7)
Chí cũ công danh đã phỉ nguyền.(7)
Trẻ hòa sang, ấy phúc,(5)
Già được trọn, là tiên.(5)
Cho về cho ở đều ơn chúa,(7)
Lọ phải bon chen đến cửa quyền. (7)
Nguyễn Trãi
Là Quan Phục Hầu, Vinh Lộc đại phu mà xem cái chức quan của mình là… tự nhiên thôi. Chẳng cần gì phải bon chen thì quả là hết ý. Có cũng được mà không lại càng được. Hỏi ai đó có ngạc nhiên không?
MẠN THUẬT III
Sơn thủy nhàn chơi phận khó khăn. (7)
Cửa quyền hiểm hóc ngại chen chân. (7)
Say minh nguyệt, chè ba chén, (6)
Dịch thanh phong, lều một gian. (6)
Ngõ cửa nho, chờ khách đến, (6)
Trồng cây đức, để con ăn. (6)
Được thua phú quý dầu thiên mạng, (7)
Chen chúc làm chi cho nhọc nhằn. (7)
 Nguyễn Trãi
Qua những bài thơ tiếng Việt của Nguyễn Trãi chúng ta thấy có những đặc điểm về thể loại như sau; Từng cặp câu 1-2,3-4,5-6,7-8 có số lượng từ bằng nhau, mỗi cặp có thể là năm, là sáu, là bảy từ, nếu như trong những cặp câu ấy có một câu có số lượng từ ít hoặc nhiều hơn câu cùng cặp thì thường rơi vào cặp 1-2 hoặc 7-8 như hai bài sau đây:
THUẬT HỨNG  IV
Con lều mòn mọn đẹp sao.(6)
Trần thế chăng cho bén mỗ hào. (7)
Khách lạ đến, ngàn hoa chưa rụng,(7)
Câu mầu ngâm, dạ nguyệt càng cao.(7)
Những màng lẩn quất vườn lan cúc, (7)
Ắt ngại lanh tranh áng mận đào. (7)
Ngựa ngựa xe xe la ỷ tốt, (7)
Dập dìu là ấy chiêm bao. (6)
Nguyễn Trãi
Về niêm luật và vần thì trên cơ sở của Đường Luật. Nhưng đặc điểm trong thơ tiếng Việt của Nguyễn Trãi chính là lượng từ trong câu. Mới xem chúng ta thấy có vẻ làm cho luật thơ thêm rắc rối. Nhưng thực tế khi vào ứng dụng làm cho ta thấy thoải mái hơn. Những bài thơ của Nguyễn Trãi với luật ấy và văn phong của ông làm cho bài thơ đọc lên nghe từ tốn hơn, nhỏ nhẹ như là một lời thủ thỉ tâm tình với thiên nhiên, với cảnh đời, với lòng mình. Thậm chí như là ông đang nói chuyện với chung trà đang cầm trên tay. Một bài thơ Đường Luật chính thống khi đọc lên ta có cảm giác tròn trịa không tỳ vết, nếu là một bài thơ sạch nước cản. Nếu không được thế thì nó gượng gượng làm sao. Bởi thế, hầu như chỉ có những người đại bút mới có thể cho chúng ta một bài thơ hay nhưng thỉnh thoảng cũng sai luật, nhất là hai cặp câu thực và luận.
Thế nên, luật thơ của Nguyễn Trãi không còn là một thứ luật thơ của con người sắp đặt, mà là một thứ luật của thiên nhiên, của tạo vật được Nguyễn Trãi cô đọng lại với những trường độ, những âm thanh mang đầy tính biến thiên, tính tự nhiên mà không vượt ra ngoài khuôn khổ của sự tồn tại. Tiếc thay những nhà thơ hiện đại ít ai khai thác.
Từ đó chúng ta mới thấy tính độc lập của ông cao đến độ nào. Dùng ngọn bút của mình, Nguyễn Trãi đã thiết lập cùng một lúc hai nền độc lập. Độc Lập Dân Tộc với Quân trung từ mệnh tập, Khẳng Định Độc Lập đó bằng Bình Ngô Đại Cáo. Độc Lập Văn Hóa và văn tự bằng thơ Nôm.
Hơn hai trăm bài thơ tiếng Việt của ông, mà hậu thế thu thập được, đã khái quát gần như toàn bộ quan điểm của ông về cuộc sống, về đất nước, về những ước vọng của một đời người. Song song với những việc ông làm cho đất nước là cuộc sống đời thường của ông. Ông luôn bình dị ung dung và chính cuộc sống ấy đã nên thơ, chứ không phải là những công lao hiển hách làm thành thơ. Nhưng trên hết tất cả, chính là những bài thơ ấy, ngoài giá trị văn chương còn có giá trị lập đạo, dù ông có nói tới điều đó bao giờ đâu. Nếu có chăng là những lời thủ thỉ với bạn bè, với con cháu. Ông đã hoàn chỉnh một cách trọn vẹn và hoành tráng về ngôi nhà thơ tiếng Việt mà hai trăm năm trước các vua Trần và nhóm Nguyễn Thuyên đã đặt nền móng đầu tiên. 
       Sau cái chết oan nghiệt của ông, người ta đã làm thất tán những tài sản vô giá ấy, để lại hậu thế quá nhiều phân vân.
Những bước khởi đầu của Nguyễn Trãi quá rực rỡ tạo nên một giai đoạn mới cho thơ Nôm. Năm 1460 Lê Thánh Tôn lên ngôi và sáng lập Tao Đàn nhị thập bát tú, giải oan và sai Trần Khắc Kiệm thu thập những văn thơ của ông. Nhưng rồi, những việc làm ấy cũng không để lại gì. May mà trong lòng người chính là một kho lưu trữ vô giá và bền vững nhất.
Tôi, kẻ tập làm thơ, cũng tập tễnh đem chút chữ nghĩa còm bắt chước ông.
MƯA DẦM
không biết mắc gì cứ mãi mưa
ào ào sáng, tỉ tê trưa
ừ thôi, trời đất hay mưa nắng
ờ há, lòng người lắm nhặt thưa
mưa nắng nón tơi cũng thoải…
nhặt thưa cười nụ cho vừa…
thuận theo chưa chắc chi kém
phớt tỉnh để lòng nhẹ với thơ

MƠ NHỮNG MÙI XƯA
kìa cơn gió chướng qua đồng
hạt lúa ngày xưa lại trổ bông
trắng tép, nàng thơm… ngát gió
chim rơi, trắng tép… hương lòng
một  thời  cũ  kỷ  xa  ngai ngái
mấy thoáng xa xưa đã mịt mùng
những tưởng rằng hương đã hết
cơn  mơ  về  lúc  gió  vào  đông

ĐỌC ĐẠI NAM NHẤT THỐNG CHÍ
từng chữ từng giòng trang sách cũ
ông cha đã dựng một quê hương
đất đai, khoai lúa và cây cỏ
đền miếu, lăng bia với tấm lòng
sông núi mênh mông nam bắc
biển rừng trùng điệp tây đông
xóm làng xanh biếc từ muôn thuở
máu đỏ, mồ hôi góp cùng

BÔNG TRANG ĐỎ
sắc hương ít nên dễ trồng
đều đặn quanh năm trổ bông
đầy tháng khai hoa cho bọn trẻ
rằm giêng làm dáng mấy cô đồng
lá xanh làm mát con mắt
hoa  đỏ  thêm  tươi  tấm  lòng
quanh quẩn làng quê nên chậm úa
vì  đời  góp lá lại đơm bông

XẢ RÁC
phường phố thả manh rác xuống
rác thì phải bỏ, chuyện thường ngày
người ta cứ xả không nghỉ
ai đó tuồn ra chẳng thôi
chớ ngại. dẫu dơ dơ thổ địa
đừng lo. có bẩn bẩn ông trời
ông trời đỏ mặt nhìn ông địa
công việc hai ông rối nùi

CHƠI
một bún cơm, ngọt vị đời
cho rông rãi mãi bước rong chơi
lộng hương chất ngất hơi trời thở
thơm gió mênh mang tiếng sóng cười
hoa dại đong đưa,  gió hát
ráng chiều lấp lánh,  thơ ơi
giòng sông say xỉn trong men rượu
 chảy quanh chảy quẹo mà chơi

 NẮNG XẾ VƯỜN QUÊ
ngát ngát hương bay, diễm diễm hoa
con ong say mật múa la đà
lơ phơ lục sắc giàn bầu bí
lấp láy xanh màu trái khổ qua
lúng liếng vàng hoa liếp cải
leo nheo tím nụ cây cà
cánh đồng lộng hương trong gió
lúa cũng vàng ươm ánh nắng tà

NGỒI MỘT MÌNH
nhất đóa phù vân biệt vụt rồi.
ai chờ ai ngóng ngó khơi khơi.
gió ơi xin hãy đưa Vân lại,
đêm hởi mau về để Nguyệt chơi.
vẫn muốn mần thơ, vắng tứ,
đang mong say xỉn, không người…
đành nâng chén mình êng vậy,
mà trải lòng ra với đất trời.

GIÓ CHƯỚNG
gió chướng lơ phơ điệu lá cành.
chút hương thêm biếc một mùa xanh.
mồng tơi lúc lắc hàng giậu,
sợi nắng đòng đưa cỏ tranh.
ríu rít chim trong lá biếc,
lăn tăn sóng dưới sông lành.
người đi đâu vắng mà không thấy,
cũng được, cho đời vẫn mãi xanh.

CHIẾC XUỒNG
xuồng chở trăng đi đến nẻo nào
để giòng sông cứ mãi nôn nao
mù xa bến vẫn tương tư đợi
viễn xứ ai đang ỏn ẻn chào
giòng nước phân đôi chi vậy?
vầng trăng xẻ nửa đành sao?
chiếc xuồng ác thiệt bơi đi miết
 trăng gió bao giờ đứng lại đâu?

HỔNG BIẾT
chẳng biết khi xưa, lúc nào.
hình như khi trời đất quen nhau.
yêu đương nẩy lộc thành cây cối,
ân ái đơm hoa rực nắng đào.
lấp lánh vầng trăng ước vọng,
ngọt ngào trái táo tình yêu.
hình như tạo hóa cho ngần ấy,
đâu có xui trò đấm nhau.

ONG SAY
la đà bay. chấp chới bay.
con ong chếch choáng tựa như say.
cành xanh biếc lá. ôi ôi biếc,
vườn thắm đầy hoa. ối ối đầy.
ngọt mật ở đâu lắm thế,
nồng hương cứ tỏa quanh đây.
vờn qua múa lại bay quanh quẹo,
ai đó nhìn cũng muốn say.


MƯA HÈ
hè oi oi bổng mấy cơn mưa.
cỏ hốt nhiên xanh đến ngẩn ngơ.
thằng nhóc tắm truồng tí tởn,
ông  già  gỡ  kính  lơ  mơ.
cánh đồng lấp lóa tràn lan nước,
hạt giống râm ran đợi đến mùa.
con cá rô từ đâu đó đến,
vi kỳ thoải mái cứ đong đưa.

VÔ ĐỀ
đã trót đưa chân dấn bước.
đi hoài trong cõi liêu xiêu.
thẩn thơ đi suốt mùa say khướt,
lẩn quẩn vờn quanh mấy bến liều.
cành lá mãi xanh nỗi nhớ,
phố phường sao đến đìu hiu.
con chim thôi hót trăng thôi sáng,
ai biết tìm ai giữa bóng chiều.

VIẾT SAU KHI ĐỌC SÁCH
Cùng sinh sôi, cùng lụi tàn
Cùng dắt nhau qua cõi thế gian
Khúc mắc làm gì xác mệt
Bon chen chớ víu thân nhàn
Thương cây nên để hoa tươi thắm
Yêu vật đừng làm đất thở than
Tất cả trao chia nhịp thở
Muôn loài hòa quyện đến mênh mang


CHÒM SẬY GIỮA PHỐ LẤN BIỂN
nền nhà ai mua để đó
sậy mọc tùm lum trổ trắng hoa
hổng biết từ đâu về giữa phố
để cho cơn gió đến la cà
lá xanh chẳng hề tô chuốc
hoa trắng có đâu mặn mà
chỉ có hương rừng bay lất phất
khi mà cơn gió chạy ngang qua


U MINH THƯỢNG
hoa mua hồng tím kinh ông kiểm
bông sậy lo phơ trắng cả trời
quạu quọ nam nồm mưa tới
thì thầm ngọn chướng vàng rơi
kia giề rau đắng xanh và mát
nọ chú rô non quẩy lại bơi
cứ thế năm này qua tháng khác
mật hoa tràm hít mũi ong ruồi

CHẠNG VẠNG Ở MIỆT THỨ
mười một con kinh ra biển
lá tràm pha đỏ nước mưa
lúa thơm ngát chướng mang đi khắp
cá quẩy nhìn trăng sáng đọt dừa
những chiếc xuồng loang câu Dạ Cổ
mái nhà lá ướm khói đong đưa
một mâm rượu đế rổn rảng
cùng với sân trăng ngọt giọng hò

KHOẢNG TRỐNG TRÊN ĐƯỜNG VỀ QUÊ
mỗi đận vèo xe về Cái Mới
đến gần Bến Nhứt phải dừng thôi
lắng nghe buồng phổi râm ran hát
để nhịp con tim khúc khích cười
trời rộng thênh, cơn gió thổi
ruộng xanh rờn, áng mây trôi
nghĩ mai kia phố phường vươn tới
mà nhói lòng khi hẹp té trời


 CHIỀU NHÌN RA VỊNH RẠCH GIÁ
gió trốn đâu làm biển nín thinh
ráng pha ánh nước đến long lanh
bầy thuyền đánh cá lúc lắc
lủ nhạn trên trời lênh đênh
người ngóng trông ai mà lặng lẽ
mây còn vương nắng cứ bồng bềnh
rồi  khi  nào  đó  thì con  sóng
sẽ  vỗ  về  ai  lúc  gió  lên

HÒN RÙA
có cụ Rùa nằm giữa biển khơi
cụ nằm ngăn sóng hay nằm chơi
ngày xanh đêm thẩm cùng trăng nước
gội nắng chan mưa với biển trời
lặng lẽ đón bầy nhạn lẻ
âm thầm lộng cánh buồm khơi
đầu quay về bắc ngàn năm  trước
chắc cụ Hùng thường ghé chơi

 ĐÊM TRÊN SÔNG CÁI LỚN 

nối tấm lòng ra với biển khơi
ai đùa cho sóng sóng trôi xuôi
sáng đèn hàng đáy đêm lay lắt
pha giọt mồ hôi nước mặn mòi
bến đợi sẽ sàng sau rặng lá
người về khăm khẳm một xuồng vui
từ ngàn năm trước và sau nữa …
xin mãi bình yên những bến đời

SÔNG CÁI BÉ
ngoằn ngoèo bơi suốt những đồng mông
lòng chẳng bợn gì cứ mãi trong
lặng lẽ chờ trăng mấy nỗi
mênh mang đợi gió gợn lòng
mùi hương cốm dẹp bay xa mãi
điệu múa Lâm Thôn lượn khắp cùng
ngày tháng cứ đi thủng thẳng
giọng Dù Kê vút mái chùa cong*
*thơ Kiên Giang Hà Huy Hà

QUÊ NGOẠI THẦY QUƠN
về thăm quê ngoại Thầy Quơn
con rạch lăng quăng ấy vẫn còn
giòng nước đã không xanh biếc
lá dừa cũng bớt tươi non
khói hương thấp thoáng qua bia mộ
vệt cỏ đong đưa mấy điệu buồn
thời thế cứ long rong miết
quê thì có nhớ, về thì quên

KHÔNG ĐỀ 2
Tặng Trương thị Huyền Xưa
đâu dè mình lại gặp hôm nay
cười nụ chào nhau lại nhíu mày?
chút phấn trần ai trên má thắm
đôi đường tuế nguyệt cuối làn mi
những say đắm ấy thì xa biệt
nhưng cũ càng xưa vẫn mãi đầy
một chút tàn tro cơn gió thổi
con mắt! thiệt tình… hạt bụi bay

ÔNG GIÀ DÊ
nghĩ là già chát chẳng còn yêu
sao cái con tim cứ đập liều
tưởng huyết áp tăng mà lộn xộn
 ngỡ tim bọc mỡ mới liêuxiêu
dè đâu đuôi mắt cô hàng ớt
cũng bởi nụ cười chị bán tiêu
cắn đại, lưỡi tê trào nước mắt
đêm quên gài cửa ả thơ khều
Quán Tâm Nguyễn Hiền Nhu
            Tôi có quá đáng lắm không khi viết quá nhiều về nơi sinh trưởng ra mình. Nhưng thực tình mà nói, tôi khó lòng mà viết khác được. (trích: Chương 8: Múa Gậy Vườn Hoang)
 Quán Tâm Nguyễn Hiền Nhu


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét