Người theo dõi

Chủ Nhật, 4 tháng 6, 2017

Gió lay lắt bốn phương về dồn tụ

Gió lay lắt bốn phương về dồn tụ
Bụi thu mờ ai phủi với hai tay
BÙI GIÁNG (1926-1998)

Những năm giữa thập niên 60, tôi, một thằng nhóc vừa mới tập tọng nhón chân vào rừng thơ, đã biết đến thơ Bùi Giáng. Đọc trên báo nên bài được bài không. Ông xuất hiện như là một tinh cầu hoàn toàn xa lạ khác hẵn với những ngôi sao thơ ca đương thời đang lấp lánh ở miền Nam. Sự xa lạ mà đầy cuốn hút trên mọi phương diện ấy từ bấy đến ngày ông mất và cả cho đến hôm nay.
Khoảng những năm 1964-1966, ông đã rất nổi tiếng và tôi tình cờ gặp ông ngồi một mình, lặng lẽ bên chai bia ở một quán trên đường Cường Để, bạn tôi kháo như thế. Trông ông không có gì đặc biệt, một người đàn ông trung niên mặc chiếc áo chemis ngắn tay màu trắng ngà, quần kaki vàng mang giày không đánh xira, nhưng nói chung là khá tươm tất. Ông nhỏ hơn ba tôi vài tuổi nên một thằng nhóc con như tôi chỉ đứng nhìn “kính nhi viễn chi”. Nhưng đôi mắt của ông làm cho tôi có một cảm giác khó tả.
Rồi thời cuộc đã cuốn hút và bứt tôi ra khỏi giấc mơ thơ thẩn của mình. Tôi gần như quên ông suốt hai mươi năm, dù vậy tôi vẫn còn nhìn thấy ông qua tập thơ Lá Hoa Cồn và bản dịch Le petite Prince của Saint Exupéry mà mấy thằng bạn dúi cho. Nhưng chỉ đọc được lai rai mấy tháng rồi mất (tôi giữ sách dỡ cũng như giữ mạng của mình vậy, nhưng không hiểu sao đến giờ này, sách thì mất gần hết mà tôi vẫn còn… sống). Thỉnh thoảng, tôi cũng nghe ai đó nhắc về ông và đôi mắt ấy lại về ám ảnh. Rồi khi tôi có thể nguệch ngoạc lại được đôi giòng thì ánh mắt ông như không rời khỏi tôi 
Cứ như vậy cho đến một ngày năm 1992, lúc lang thang Sài Gòn, tôi lại gặp ông. Ông đang loay hoay và tôi cố nhìn, nhưng không thể nhận ra đó là ông của lần gặp trước, nếu như không có câu nói vô tình của ai đó. Điều lạ lùng nhất là đôi mắt ấy không hề thay đổi. Trong veo, hoàn toàn tương phản với bộ dạng dị kỳ đầy bụi bặm của ông.

Nhìn bóng ông xa dần, trong bộ quần áo không có vẻ gì là quần áo, tôi an lòng nhìn những bước chân thanh thoát vững chãi với những bước đi như đang múa. Ông khuất dần trong tầm mắt tôi, lẫn vào trong Sài Gòn đông đúc. Cho đến bây giờ, ông đã mất, nhưng hình như ánh mắt ấy vẫn còn và đang nhìn ngắm cuộc đời và trông chừng tôi. Cảm giác ấy làm cho tôi lún sâu vào trong thơ. Tôi đã rất nhiều lần nhìn ngắm chân dung Nguyễn Trãi, Nguyễn Công Trứ, Tản Đà... Ánh mắt của các vị ấy trong chân dung không nói lên được gì ngoài sự cảm thụ của tôi đã dành cho thơ của các vị ấy, một sự cảm thụ rất chủ quan nhưng rất đỗi cần thiết cho tôi. Tôi ao ước nhìn thấy đôi mắt thực sự của các vị ấy dù biết là không thể nào. Tôi bắt đầu tìm kiếm thơ Bùi Giáng, những bài viết về ông và tìm được, cứ lác đác nơi này một bài, nơi nọ một bài. Hốt nhiên tôi thấy kỳ cục. Không phải thơ ông kỳ cục, mà những người nói về ông kỳ cục. Ông đơn giản và dễ hiểu như trẻ thơ. Điều ông khác trẻ thơ là số lượng từ vựng trong đầu ông nhiều hơn trẻ thơ, thậm chí nhiều hơn một nhà ngôn ngữ học và chỉ có thế. Lẽ nào người ta hiểu “con nít trẻ thơ” hay “người lớn trẻ con” chớ không hiểu “người lớn trẻ thơ”. Phải chăng thơ ông chính là sự phân vân giữa việc nên làm người lớn hay trẻ thơ. Với những bài thơ lác đác ấy, tôi hiểu ông như thế mà có dám nói với ai đâu. Đến khi ông mất (1998) người ta ào ạt in thơ ông(!?) tôi mới có dịp đọc nhiều. Tôi mới dám tự khẳng định với mình là những suy nghĩ trên của tôi không sai mấy. Có thể hiểu hoặc không hiểu những gì ông viết. Nhưng cảm thụ được thơ ông thì chẳng khó khăn gì.
Khi một đứa trẻ bắt đầu bi bô, chúng ta có thể hoàn toàn không hiểu những gì chúng muốn diễn đạt. Nhưng chúng ta có thể cảm thụ được một cách rất rõ ràng. Êm ái, líu lo là thuộc tính của trẻ thơ, nghe mà dịu mát cả lòng, nghe mà thấy mình vừa lớn lên mà cũng như vừa trẻ lại. Trong giây phút đó, mọi sự phiền toái biến mất chỉ còn lại sự bình an tràn ngập trong lòng ta. Đó là sự hồn nhiên. Tôi không dám nói thơ của Bùi Giáng là lời bi bô của trẻ thơ. Mà giả như bạo phổi nói thế thì không chừng lại rất đúng cũng nên. Thơ của Bùi Giáng đã khải thị cho chúng ta cái vị trí trẻ thơ của con người trước tạo vật. Cái ngơ ngác thánh thiện, sự ngây thơ trong suốt để có được bình an tuyệt đối. Ba loại cảm xúc này hoàn toàn có thật, nhưng đừng bảo tôi giải thích một cách cặn kẽ. Tôi nhớ vị Hoàng tử bé nhỏ, trong Le Petit Prince của Saint Éxupéry, đã trách người lớn không hiểu gì khi nói hình vẽ của chú là cái nón nỉ, trong khi chú vẽ con trăn nằm chờ tiêu hóa con voi mà nó vừa nuốt xong. Thì ra, muốn hiểu Bùi Giáng phải có tâm hồn trẻ thơ. Trẻ thơ thì trong veo, ham vui và đầy tưởng tượng. Bùi Giáng cũng thế.

         Có một số thơ ông mà tôi chưa được đọc, không biết có bài nào nói về tình đời thế sự hay có tính phê phán gì không. Tôi nghĩ hầu như những người làm thơ gần như ai cũng có một đôi giòng viết về những điều như thế, về những bung xung xảy ra hàng ngày trước mắt. Nhưng gần một ngàn bài thơ của Bùi Giáng mà tôi được đọc thì không hề thấy. Những niềm vui, nỗi buồn trong thơ ông cũng thế, không vướng một tí gì về những tác động của cuộc đời đầy nhốn nháo. Những niềm vui, nỗi buồn ấy tự nhiên đến, tự nhiên đi như là cái lẽ vận hành rất tự nhiên của vũ trụ, mà những biến động của vũ trụ thì làm gì có diễn đạt niềm vui và nỗi buồn. Và ông cảm thụ nó bằng tấm lòng. Ông nhìn nhận và diễn đạt nó bằng thơ. Thơ của ông là một cái nhìn rất hồn nhiên của con người trước vạn vật. Ông tự hỏi mà không tìm kiếm, không đưa ra bất cứ một lời giải đáp nào. Thế thôi.
Trong thơ ông chỉ nói về mình, cảm nghĩ của mình và về một người, một em bất kỳ nào đó mà ông gặp, mà một người, một em của ông thì có thể là một ni cô, một cô gái quê, con dê, con bò, con nai, con chim, con dế, con cào cào, chuồn chuồn, châu chấu… Chỉ một vài nhân vật cụ thể, nhưng khi hiện vào thơ ông thì cũng mơ mơ màng màng. Tình bạn thì có đấy, thậm chí nhiều nữa là khác. Nhưng trong mấy trăm bài thơ tôi đọc thì hình như ông không viết một bài nào, dù đôi khi ông cũng đề tặng người này người kia. 
Phụng Hiến, bài thơ nổi tiếng nhất của ông, diễn đạt sự yêu mến trần gian cũng thế, bởi vì ông không biết khi người ta sống mà không có xác thân người ta có còn mộng tưởng được không. Ông yêu trần gian là như vậy. Hãy đọc bài thơ…
 NGƯỜI ĐI ĐÂU
Bàn chân bước người đi về một thuở
Lá phân vân bờ bến cát sương rung
Trời khuya khoắc phiêu du trăng bỡ ngỡ
Người đi đâu sông nước lạnh vô cùng

Bóng trắng xa bay về em có thấy
Cuối phương ngàn rừng núi mộng trong sương
Dòng sông đục dòng sông xưa sóng dậy
Nghe triền miên nức nở lệ lên đường

Một tiếng nói một nụ cười chợt tắt
Hết mấy phen buồn trở lại bên đời
Đồng ruộng cũ màu trôi trong cỏ nhặt
Dưới bình minh rạ xám gốc trơ phơi

Trời vi vút én liệng vòng hớt hải
Đi đi em nguồn dậy mộng chiêm bao
Về thao thức canh chầy tìm trở lại
Bốn chân trời người đứng ở nơi nao

Màu con mắt bên màu xuân xiêu đổ
Ở bên kia nhìn trở lại bên này
Gió lay lắt bốn phương về dồn tụ
Bụi thu mờ ai phủi với hai tay…
Bùi Giáng
            Ông hỏi ai hay tự hỏi mình. Tôi nghĩ là ông không hỏi ai cả, ông viết lên những bước phân vân của ông, của ai đó, rất nhiều, trên những con đường. Những phân vân không phải là đứng núi này mà muốn đi qua núi nọ. Mà là một thứ phân vân không tả được. Một phân vân rất đỗi là người. Một thứ phân vân không cần giải đáp. Nguyễn Trãi nhìn núi thì lòng Nguyễn Trãi là mây, Nguyễn Trãi nhìn cây thì lòng Nguyễn Trãi là gió. Nguyễn Trãi nhìn vạn vật (trong đó có người) lòng Nguyễn Trãi là Tình Yêu. Còn Bùi Giáng nhìn bên này thì lòng Bùi Giáng là bên kia hay ngược lại. Đặc biệt là cái phía mà Bùi Giàng đứng nhìn hay cái phía Bùi Giáng nhìn thì không bao giờ hờn dỗi.

Thật sự khó mà hiểu ông nói cái gì? Nhưng thật nhẹ lòng khi đọc, dù lúc đó ta buồn hay ta vui. Nhẹ lòng là cách nói khác từ an lạc của nhà Bụt. Trống rổng mênh mông, không có gì nhưng lại vô cùng hiện thực. Bùi Giáng là vậy, thơ ông cũng là vậy. Dù vậy, tôi cũng hiểu được đôi điều về những gì ông đã viết, khi nhìn rộng ra và liên kết những bài thơ ông lại hay là tách ra một vài giòng của một bài thơ.
Từ xuống mưa không biết tự phương nào
Dòng sông chảy ai người xin níu lại
                            (Không Đủ Gọi)
Thưa rằng nói nữa là sai
Mùa Xuân đang đợi bước ai đi vào
                      (Chào Nguyên Xuân)
… … …
Dưới đây là bốn câu thơ tuyệt đẹp trong bài thơ Chiều mà người ta có thể cảm thụ được. Nhưng nếu như đọc nguyên cả bài thơ thì chỉ có nhận được những giai điệu thơ thật nhẹ nhàng, nó có tác dụng làm cho lòng ta trôi tuột những ưu phiền mà không cần phải nghĩ suy Bùi Giáng nói cái gì. Buổi chiều của ông là như vậy.
Em hỏi mãi tuy biết lời đáp lại
Chẳng bao giờ thỏa đáng giữa đời câm
Em ngó mãi những chiều về trở lại
Mang những gì về trong cõi trăm năm
(Chiều)

            Và cũng từ cách cảm thụ ấy, tôi nhận ra thiên nhiên có một vị trí rất đặc biệt trong thơ ông. Bởi vì đó là đời sống và ông có một thái độ trân trọng, ông không ca ngợi, không buồn phiền, ông chỉ tả lại bằng một loại thơ… rất thơ. Những bài thơ ông viết, luôn luôn có chút gì đó thuộc về thiên nhiên, mà dù chỉ là một chút thôi, ông cũng dùng một thứ ngôn ngữ rất dễ thương.
KHÉP MẮT
Ngày mở mắt giòng xuân xanh đổ lại
Mùa trổ bông là chi chít chim kêu
Vườn vẫn đợi tin hoa về tuổi dại
Bóng nguyệt trùm là phủ rộng sân rêu.

Ngày mở mắt ngó trời xanh xa thế
Ở đây là màu đất cỏ xuân con
Hè nắng hạ với thu đông buồn thế
Với tình yêu em giữ mất hay còn.

Trong khóe mắt em ngậm ngùi ngày đó
Lúc dung nhan về đối diện trăng tà
Màu nước chảy vô ngần không giãi tỏ
Gió biên thùy về bích ngạn chiêu hoa.

Giờ khép mắt nhớ một lần ngẫu nhĩ
Nhớ rất nhiều ngày loạn ngửa đêm nghiêng
Cuồng dại nát liễu hờn xuân rủ rỉ
Giờ ra đi em cảm thấy có quyền.
           
Những hình ảnh mà chúng ta nhìn thấy trong bài thơ này chúng ta thấy hàng ngày và Bùi Giáng cũng thấy. Nhưng Bùi Giáng cảm thụ trọn vẹn còn ta thì ít khi và cũng lắm khi chẳng cảm thụ gì. Với ông, thiên nhiên là muôn loài, là một thể thống nhất. Những suy tư, những cảm nhận của ông cũng là của thiên nhiên, của muôn loài, ông ghi lại. Có phải vì thế mà ông đã sử dụng một loại ngôn ngữ mà rất nhiều người không hiểu nổi (và tôi cũng nhức đầu, nhưng bây giờ thì hết rồi, không phải vì hiểu được mà cảm nhận được). Vì vậy mà thơ ông, ở đâu tôi cũng nhìn thấy bóng dáng của thiên nhiên, khi thì một cọng cỏ, nhánh rêu và có khi là cả một bức tranh phong cảnh được vẽ bởi một họa sĩ Bùi Giáng đầy tài hoa và một thi sĩ Bùi Giáng đầy mơ mộng. Thiên nhiên trong thơ Bùi Giáng rất thực, thực như là thấy được, sờ được mà lại rất mơ (không tức thị sắc, sắc tức thị không). Một thứ thiên nhiên rất tự nhiên và rất đồng cảm, hòa quyện với con người và cũng là một thứ thiên nhiên làm cho rất nhiều người e ngại vì không thấu hiểu. Bởi vì con người, rất ít ai hiểu nổi là thiên nhiên hòa quyện với con người ra làm sao. Lại càng ít người biết phải làm gì để hòa nhập với thiên nhiên. Thấy nắng thì ghê, thấy mưa thì né… Bao giờ cũng cho là mình đứng trên muôn loài và là ông chủ của vạn vật. Mà ông chủ ấy càng khôn chừng nào thì càng ẹ chừng nấy.
Rồi có nhiều lúc tôi lơ mơ nghĩ về ông về những bài thơ của ông mà tôi đọc được. Tôi giật mình rà soát lại, không biết tôi có bỏ sót không, tôi không tìm ra bóng dáng của một hơi men nào, lại càng không có một làn khói thuốc lá. Hai thứ đó thì gần như ai làm thơ thì cũng thỉnh thoảng cho thơ mình dính vào, dù trong cuộc sống có khi nhà thơ không hút thuốc hoặc không uống rượu, nhưng vẫn phì phèo, say khướt trong thơ. Nhưng Bùi Giáng thì ngược lại, chưa nhìn thấy thơ ông phì phèo hay say khướt dù hàng ngày ông rất hay say khướt, phì phèo. Ôi môi trường thơ của ông không bao giờ ô nhiễm.

ANH LÙA BÒ VÀO
ĐỒI SIM TRÁI CHÍN
Anh lùa bò vào đồi sim trái chín
Cho bò ăn cỏ giữa rừng sim
Anh nhìn lên trời xanh đỏ chín
Anh ngó bốn bề cây lá gió rung rinh

Anh nằm xuống để nhìn lên cho thỏa
Anh thấy lòng mở rộng đón trời xanh
Chìm ngây ngất vào trong đôi mắt lả
Anh lim dim chi chết lịm hồn mình

Anh quên mất bò đang gặm cỏ
Anh chỉ nghe tiếng cọ rì rào
Có hay không? Bò đương gặm cỏ?
Hay là đây tiếng gió thì thào
Hay là đây tiếng suối lao xao
Giữa giòng cỏ xuôi ghềnh chảy xuống
Mùi thoang thoảng lách lau sương đượm
Mùi gây gây gấy gấy của hương rừng
Mùi lên men phủ ngập mông lung
Không biết nữa mà cần chi biết nữa

Cây lá bốn bên song song từng lứa
Sánh đôi nhau như ứa lệ ngàn ngàn
Hạnh phúc trời với đất mang mang
Với bò giữa rừng hoang đương gặm cỏ
Với người ngó ngất ngây đương nằm đó
Không biết đất trời có ngó mình không
Vĩnh Trinh- Thạch Bàn 1950
            Muốn cảm thụ hết bài thơ này, trước nhất bạn phải có cái quá khứ chăn bò (?). Chăn bò thật sự kia, đừng có giả bộ chăn bò thì có mà bị bò đá. Một bài thơ mà Bùi Giáng thả sức cho giác quan của mình tha hồ cảm thụ thiên nhiên. Đặc biệt, Bùi Giáng gởi đến cho những người đọc thơ ông một cái mùi tuyệt diệu của thiên nhiên.
Mùi thoang thoảng lách lau sương đượm
Mùi gây gây gấy gấy của hương rừng
Mùi lên men phủ ngập mông lung
Không biết nữa mà cần chi biết nữa
Cái mùi này rất thực, ai vô rừng cũng ngửi thấy, nhưng ít ai cảm nhận được dù cho đó là một tiều phu. Người ta sẵn sàng làm dơ phổi mình bằng rất nhiều thứ mùi mà người ta thích, như cái mùi thực thụ của thiên nhiên rất dễ làm người ta gớm và lần hồi cái khả năng khứu giác bị thui chột. Trong thiên nhiên có rất nhiều khí độc, nhưng cái mùi mà Bùi Giáng kể thì đã lắm. Bùi Giáng cảm thụ thiên nhiên rất tinh tế và diễn đạt nó cũng tinh tế không kém.  Mùi lách lau sương đượm…, mùi gây gây gấy gấy của hương rừng, mùi lên men… Những mùi ấy là đại biểu cho biết bao nhiêu mùi của tự nhiên. Chúng dường có, dường không vì ta quên lửng nó, thậm chí ghê ghê nó. Nhưng nó từng phút từng giờ đi qua buồng phổi của ta và Bùi Giáng. Ta hít thở cái mùi ấy thì chẳng biết nó thành gì, chắc thành khí carbon. Nhưng khi qua buồng phổi của Bùi Giáng thì nó thành… thơ. Cái khổ thơ này sao mà giống ca dao quá đi (chim quyên ăn trái nhã lồng. Lia thia quen chậu vợ chồng quen hơi). Cái hơi vợ chồng bao giờ cũng đưa con người đến cảnh giới cao nhất của tình yêu.
Nhưng đôi mắt của ông mới thật sự làm tôi kinh ngạc. Tất nhiên là đôi mắt trong thơ. Ông nhìn trời, nhìn những thứ chung quanh bằng đôi mắt lim dim và lắng nghe từng âm thanh vọng lại. Thường thôi. Chúng ta, ai mà chẳng từng làm như vậy. Nhưng làm như Bùi Giáng thì được bao người. Ông đã hòa nhập vào những thứ chung quanh và làm cho tất cả êm đềm lại, dịu dàng ra. Tất cả đều có thể với ôngvà tất cả dường như kết thúc
Cây lá bốn bên song song từng lứa
Sánh đôi nhau như ứa lệ ngàn ngàn
Hạnh phúc trời với đất mang mang
Với bò giữa rừng hoang đương gặm cỏ
Với người ngó ngất ngây đương nằm đó
Không biết đất trời có ngó mình không?
Nhưng không phải vậy. Câu hỏi ấy đang cần được trả lời. Nhưng trời thì vẫn cứ nín thinh và thơ vẫn còn phải viết tiếp. Bởi vì với ông thiên nhiên có linh hồn, có tư duy. Có thể suốt cuộc đời mình, Bùi Giáng tự hỏi cái linh hồn đó, tư duy đó nghĩ gì, cảm thụ gì? Bùi Giáng không trả lời và cũng không cần ai trả lời. Nếu có thì Bùi Giáng trải lòng ra cảm thụ bằng cái cách của mình. Cái cách đó, làm cho người ta ngộ nhận, e dè và thậm chí gặp ông là… né. Người ta nói ông khùng, thậm chí là điên. Có quyền. (Cái từ này đã rất nhiều lần xuất hiện trong thơ ông) Ai có quyền? Tất cả, con người và vạn vật. Quyền gì? Tất nhiên không phải là cái quyền chiếm đoạt, quyền sinh sát hay hủy hoại mà là cái quyền cảm thụ, cái quyền hiến dâng. Có nhiều người không có cái quyền đó.
-Nhớ em anh rất có quyền
Ngồi trên bãi rộng quàng xiên vẽ hình
-Cuồng dại nát liễu hờn xuân rủ rỉ
Giờ ra đi em cảm thấy có quyền.
            Thơ Bùi Giáng là quá khứ, hiện tại, tương lai đang quấn quýt vào nhau. Trong cái thời gian vô hạn ấy; Con người, muôn loài cùng với thiên nhiên, với vạn vật hòa chung nhịp thở. Một nhịp thở của sự dâng hiến, sẻ chia và cùng thụ hưởng.
… Không nói nữa hồn Cửu Long máu rớm
Nước một mùa là sóng đục phôi pha
        ( Không nói nữa)
… Em về mấy thế kỷ sau
Nhìn trăng có thấy nguyên màu ấy không
Ta đi còn gởi đôi giòng
Lá rơi có dội ở trong sương mù?
 (Mai sau em về)

            Có thể tôi sẽ bị cho là điên khi mà tôi quá yêu thích thơ Bùi Giáng. Thực tình mà nói, tôi cũng muốn như thế. Nhưng tôi thấy mình chưa đủ tư cách để được như vậy. Tôi không thể nào cố làm mình cho giống một ai. Tôi chỉ có thể cố gắng cảm thụ những đẹp đẽ của cuộc sống, trong đó có Bùi Giáng, rồi sống cho đèm đẹp một chút thì may ra.

            KÍNH TẶNG THẦN CHẾT
Đi vào đất một phen này đất đá
Nham thạch ơi mày có giống tao không
Vào giấc ngủ thiên thu sầu băng giá
Rét căm căm đau đớn chắc vô cùng
Và có lẽ đoạn trường ghê gớm lắm
Đất đen ơi tao chằng muốn đi vào
Tao muốn sống suốt bình sinh vạn đại
Ôi cõi trần vĩnh viễn cuộc du ngao
Nếu có thể chết thử chơi một chút
Rồi trùng sinh ăn phở khắp phố phường
Đừng vĩnh viễn chết chán chường lắm ạ
Cũng có thể chết chơi một tuần lễ
Nhưng dĩ nhiên ăn một trận bún bò
Và hủ tiếu thật no nê rồi hãy
Ấy nhưng mà Thần Chết hỡi tuy nhiên

TÁI BÚT CHO TỬ THẦN
Tử thần ạ! Môt phen nào có dịp
Tao kể cho mày rõ một phen chơi
Chuyện trần gian cũng não dạ bời bời
Nhưng Phở Tái bốc hơi êm dịu quá
Và quốc sắc thiên hương Thân Óng Ả
Quần hồng thơm hơn Thế Dạ Điêu Tàn
Bốc liên tồn sầu dựng suốt quan san
Về Quan Ải suốt sầu xanh xây dựng
Tử thần ạ! Một chiều nào lãng đãng
Mày dừng chân nơi dương thế thơ ngây
Thì sự tình ắt có thể đổi thay
Và sự huống ắt nhiên là cũng thể
Ý niệm ấy khó khăn hay là dễ
Cũng tùy mày quyết định đó mà thôi.
Bùi Giáng
            Nghĩ thế nào đây trước cái nhìn của Bùi Giáng về cái chết. Hơn ai hết, Bùi Giáng không sợ chết, nhưng ông muốn biết cái cảm giác chết nó ra sao? Ông muốn tâm sự với Thần Chết một chút thôi và muốn đùa với những ai… sợ chết. Đọc bài thơ Phụng Hiến thật kỷ, tôi nhận ra rằng cuộc sống rất vui vẻ đối với những người không sợ chết. Tôi không trích bài thơ ấy. Ai yêu Bùi Giáng mà không biết bài này. Sống hay là chết thì vẫn mãi… “ Còn trang thơ thắm lại với trời hồng” (PH)
Với tôi, không có từ điên dành cho Bùi Giáng. Tôi không nhìn vào bề ngoài của Bùi Giáng như đã thấy năm 1992, tôi chỉ cố cảm thụ cái ánh mắt trong suốt ấy, cái ánh mắt có chức năng cũng như của mọi người. Nhưng tôi có cảm giác ánh mắt ấy không ghi nhận mà là tỏa ra. Có lẽ vì thế mà có những bài thơ mà người ta cho là thơ điên. Như bài thơ sau đây cũng như bao nhiêu bài thơ cùng loại. Ông dùng một thứ ngôn ngữ thơ “không hiểu nổi” để diễn đạt những cái gì mà con người “không thể hiểu nổi”.
            Tử Cung Ca
            Thạp ma chỉ chưởng thượng tiêu xoang
Thờ phượng cô nương luống muộn màng
Con mắt mù đui thương nhớ thị
Nhành mai ma mộc triển khai lan
Y chừng chanh quýt vươn hương mọc
Lẽ chẳng beo hùm đỉnh núi sang
Chân thị thu hồng ly xã yến
Thiền quyên tâm sự tử cung than.
Bùi Giáng
            Cảm thụ thế nào những bài thơ như thế. Tôi không biết, nhưng rất thích những bài thơ như thế. Đọc xong tôi thấy lòng mình như dịu lại, đầu óc nhẹ nhàng ra không vướng lại bất cứ những nghĩ suy gì. Tôi có một cảm giác như chỉ còn lại một mình giữa không gian hoàn toàn tĩnh lặng. Những bài thơ ấy như câu thần chú cuối cùng trong Bát Nhã Tâm Kinh “ Gate, gate. Paragate, parasamgate. Boudhi svaha.  Vượt qua, vuợt qua, vượt qua bờ bên kia, hoàn toàn vượt qua, hoàn toàn giác ngộ”
            Nhìn cung cách của Bùi Giáng trong đời thường làm tôi liên tưởng đến một vài nhân vật huyền thoại của Trung Quốc. Hàn Sơn, sống lang thang bụi băm. Làm thơ trên vách đá, gốc cây, bờ tường. Và Tế Công. Nhưng Tế Công thì đầy quyền năng và thể hiện quyền năng ấy giữa mộng tưởng cuộc sống đời thường của con người. Cả hai đều là cư sĩ đời Đường. Bùi Giáng cũng có cái bề ngoài như vậy, nhưng tài năng và quyền năng của ông thì thể hiện trong thơ.
            Thực ra rất khó lòng cho tôi. Chẳng lẽ đem hết vào đây. Tôi say thơ, điều này thì đã rõ. Nhưng cái say mà thơ Bùi Giáng mang đến cho tôi có một thứ men rất lạ. Không diễn tả được. Khi tôi đọc Nguyễn Trãi hay Hồ Xuân Hương hay Đoàn Thị Điểm… tôi biết lòng mình rung động ra sao? Tôi đọc Nguyễn Công Trứ hay Tản Đà hay bất cứ ai tôi cũng cảm thụ được những gì mà những nhà thơ đó mang đến. Cả những người làm thơ cùng tuổi hay nhỏ tuổi hơn tôi cũng vậy. Nhưng với Bùi Giáng thì không vậy. Những cảm thụ mà tôi nhận được như từ một nơi nào đó rất mơ hồ dù rằng thần trí của tôi luôn luôn cho tôi biết là tôi đang đọc thơ Bùi Giáng. Cũng như tôi ề à nói thơ Lục Vân Tiên, Thạch Sanh Lý Thông hay Thoại Khanh Châu Tuấn… thì tôi lại nghe như có một thứ gì đó rất hương đồng gió nội bay vào trong cảm thụ của tôi, dù những truyện thơ ấy không nói gì về cỏ nội hương đồng như thơ Nguyễn Bính hay Bàng Bá Lân. Nhưng tôi cũng biết Bùi Giáng không phải là Nguyễn Đình Chiểu hay là bất cứ ai. Vì vậy, tôi thường hay đặt một tập thơ nào đó của Bùi Giáng bên gối, đọc dăm ba bài trước khi ngủ, cũng như những buổi trưa hè, tôi như nghe được giọng ông nội nói thơ Lục Vân Tiên. Thơ Bùi Giáng rất thơ vì vậy mà không lẫn với ai được. Đọc một vài câu thơ của Bùi Giáng làm cho cuộc sống, cho giấc ngủ, cho cả những khó khăn bức bối của tôi trở nên êm đềm hơn. Và đặc biệt là không làm cho lòng tôi trở nên háo hức như thơ Nguyễn Công Trứ, hay trầm lắng lại như thơ thời Lý-Trần. Nó có một cái cảm giác như tôi đang đứng trước một cánh đồng bạt ngàn màu lục non rập rờn trong gió mà không cần biết là lục non ấy là lúa hay cỏ, là rừng xanh hay nước biếc, là hạc nội hay mây ngàn.
HẬN
Nhớ Tố Như
Những giòng thơ nối giòng đi rất xiết
Đã trở về với mấy bận trang buông
Người ngồi đây ngó mây trôi biền biệt
Lơ thơ bay loáng thoáng cánh chuồn chuồn

Trời đất lạnh và lòng anh không thỏa
Gởi hồn đi phương hướng hút heo ngàn
Hồn ngơ ngác loay hoay về hỏi dạ
Có bao giờ dạ thỏa giữa không gian

Tờ giấy mỏng mấy lần không chịu nổi
Những hình ma quái ác anh vẽ lên
Sương với bóng bay về trên cỏ nội
Bủa mịt mờ ảo mộng lạnh bốn bên

Lệ đã chảy ròng rớt xuống
Với xuân về oanh yến rộn bên tai
Em quốc sắc, em thiên hương đã uổng
Làm sao khuây khỏa hận của thiên tài.
Bùi Giáng

Nhìn thấy lời đề tặng Nguyễn Du làm cho tôi ngớ người ra. Một cú ngớ người phải thật lâu mới tỉnh khi hiểu ra chữ "vui" của Nguyễn Du và chữ "vui" của Bùi Giáng.
" Lời quê góp nhặt dông dài Mua vui cũng được một vài trống canh". Đó là lời Nguyễn Du bình Kiều
 “Vui thôi mà”. Đó là mục đích cao nhất mà Bùi Giáng muốn đạt được khi làm thơ. Ôi trời. Thế là những gì mà tôi viết Bùi Giáng hóa ra nói nhăng nói cuội. Đành tạm thời rón rén bắt chước ông Bùi Giáng. Chẳng qua để  “Vui thôi mà”.

Thôi. Hít một hơi thật sâu cái đã để hưởng thụ cái oxy, rồi thở ra một hơi thật dài để dâng hiến cho cây ớt hoang bên hè có thêm một chút carbon. Từ đó tôi mới ngộ ra cái hơi mà tôi vừa hít vào, thở ra đã từng chui qua buồng phổi của vạn vạn người, vạn vạn loài từ ngàn xưa cho đến bây giờ và tiếp tục cho đến ngàn sau.
Tóm lại, đừng tìm một ý nghĩa trần trụi hay thanh khiết nào đó trong thơ ông. Thật khiên cưỡng khi muốn tìm xem ông muốn nói gì trong bài thơ ông viết, như tôi đã làm bên trên. Nhưng thật nhẹ lòng khi đọc, dù lúc đó ta buồn hay ta vui. Nhẹ lòng là cách nói khác từ an lạc của nhà Phật. Trống rổng mênh mông, không có gì nhưng lại vô cùng hiện thực. Bùi Giáng là vậy, thơ ông cũng là vậy

Như đã nói ở trên, tôi có một thời gian khá dài không dính dáng gì tới thơ dù trong đầu tôi luôn nghĩ về. Trong nỗi nhớ quay quắt ấy, tôi tự nhủ khi có điều kiện, tôi sẽ đọc thơ và làm thơ cho thỏa thuê. Nhưng rồi không được. Cơm áo, gạo tiền và hàng trăm thứ hằm bà rằng vây bủa lấy tôi, để rồi khi có nhưng giây rỗi rãnh dừng lại để nhận ra mình đang thở, rồi lắng nghe nhịp tim mình đập. Nhiều lần như thế, tôi hiểu ra đó cũng là thơ. Tôi nhẫn nha đọc và lại tiếp tục tập làm thơ và nhớ lại cái buổi ban đầu cùng thơ lưu luyến ấy. Tôi sống chậm lại cho người ngợm có nghĩ và có ngơi. Đống sách mua từ bao lâu về để đó lại được nâng niu. Nhìn những trang giấy reo vui lòng tôi bổng nhẹ. Và tôi chỉ bắt chước Bùi Giáng được một điều duy nhất là tập làm thơ chỉ để… “ Vui thôi mà”


Quán Tâm Nguyễn Hiền Nhu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét