Đôi điều
suy nghĩ về vương triều Nguyễn
Kiến Hào
Sau
ngày 30 tháng 4 năm 1975, toàn bộ những giá trị kinh tế – xã hội của miền Nam
đều bị xóa bỏ và thay thế bởi những khái niệm, chuẩn mực mới của miền Bắc XHCN.
Riêng về lịch sử, triều Nguyễn (1802 – 1945) chịu sự phê phán, lên án hết sức
nặng nề. Tất cả đường phố Sài Gòn có biển tên vua quan triều Nguyễn đều bị xóa
bỏ, thay bằng những tên khác như Nguyễn Hoàng (bị thay bằng Trần Phú), Gia Long
(Lý Tự Trọng), Thành Thái (An Dương Vương), Minh Mạng (Ngô Gia Tự), Hiền Vương
(Võ thị Sáu), Lê Văn Duyệt (Cách Mạng tháng 8), Võ Di Nguy (Phan Đình Phùng),
Nguyễn Huỳnh Đức ( Huỳnh Văn Bánh), Trương Minh Giảng (Lê Văn Sỹ), Phan Thanh
Giản (Điện Biên Phủ), Võ Tánh ( Hoàng văn Thụ) v.vv… Những ngôi trường miền Nam
nổi tiếng một thời, mang tên vua chúa và các khai quốc công thần triều Nguyễn
cũng chịu chung số phận bị xóa tên như Gia Long, Petrus Ký, Lê Văn Duyệt, Trịnh
Hoài Đức, Châu Văn Tiếp, Phan Thanh Giản …Đặc biệt địa danh “Gia Định” để chỉ
một vùng đất là thủ phủ miền Nam đã tồn tại hơn 200 năm cũng bị xóa mất. Sách
giáo khoa và tham khảo trong nhà trường phổ thông dùng những từ ngữ hết sức
“cay nghiệt” khi nói về các vua chúa nhà Nguyễn : “…Triều Nguyễn là vương triều
phong kiến cuối cùng dựng lên bằng một cuộc chiến tranh phản cách mạng nhờ thế
lực xâm lược của người nước ngoài. Gia Long lên làm vua lập nên triều Nguyễn
sau khi đàn áp cuộc chiến tranh cách mạng của nông dân … Triều Nguyễn là vương
triều tối phản động …Bản chất cực kỳ phản động của chế độ nhà Nguyễn bộc lộ rõ
ngay từ đầu qua những hành động khủng bố, trả thù vô cùng đê hèn của Nguyễn Ánh
đối với các lãnh tụ nông dân và những người thuộc phái Tây Sơn kể cả phụ nữ và
trẻ em… “Chính quyển nhà Nguyễn hoàn toàn đối lập với nhân dân và dân tộc. Nó
chỉ đại diện cho quyền lợi của những thế lực phong kiến phản động, tàn tạ, nó
không có cơ sở xã hội nào khác ngoài giai cấp địa chủ. Vì vậy, các vua nhà
Nguyễn từ Gia Long (1802-1819) đến Minh Mệnh (1820-1840), Thiệu Trị
(1841-1847),Tự Đức (1847-1883) đều rất sợ nhân dân và lo lắng đề phòng các hành
động lật đổ. Chính vì khiếp nhược trước phong trào nhân dân mà nhà Nguyễn không
dám đóng đô ở Thăng Long, phải dời vào Huế”.(1)
Nhiều
thế hệ học sinh đã được học những bài học lịch sử với quan điểm đánh giá cực
đoan như vậy, nên không trách trong một thời gian dài, rất nhiều những ngộ nhận
oan sai, thậm chí lòng căm thù đối với nhà Nguyễn tỏ ra “hết sức sâu sắc”. Thực
ra, các vua chúa triều Nguyễn cũng có nhiều công lao to lớn trong sự nghiệp mở
nước và thống nhất đất nước, chấm dứt nội chiến…mà vì nhiều lý do, người ta cố
tình bỏ quên hoặc lãng tránh nhắc đến các sự kiện đó, hoặc buộc phải nhắc đến
thì lại cố tình gán ghép cho những động cơ sai trái, suy diễn theo hướng có
tội. Đó là một thái độ không công bằng, thiếu tôn trọng sự thật khách quan,
thiên lệch và bóp méo lịch sử. Bài viết này không có tham vọng “tan sương đầu
ngõ vén mây giữa trời” (Kiều), cũng không nhằm biện minh cho những sai lầm của
nhà Nguyễn trong quá khứ, chỉ mong cung cấp những sự kiện lịch sử có thật để
bạn đọc có một cái nhìn khách quan, đầy đủ hơn từ đó có những nhận xét công tâm
về nhà Nguyễn, một vương triều vẫn đang có nhiều tranh cãi trong quá khứ và cả
hiện tại.