HAI
BÀ TRƯNG KHỞI NGHĨA
Trần
Gia Phụng
Xin tưởng nhớ Thầy Nguyễn Phương và tặng các bạn cùng khóa
Trong
lịch sử Việt Nam ,
nhiều sách trước đây đã cho rằng triều đại do Triệu Đà lập ra là một triều đại
cổ Việt. Tuy nhiên, sử Trung Hoa cho biết rằng Triệu Đà là tùy tướng của Nhâm
Ngao, và Nhâm Ngao là phiên tướng của nhà Tần.(1) Trước khi từ trần, Ngao
khuyên Triệu Đà nhân cơ hội Hán Sở tranh hùng, nên dựa vào địa thế xa xôi hiểm
trở của quận Nam Hải, thành lập một nước độc lập với trung ương.(2) Triệu Đà liền
chiếm Nam Hải và tự xưng vương tức Triệu Vũ Vương, đặt quốc hiệu là Nam Việt,
đóng đô ở Phiên Ngung năm 207 TCN (giáp ngọ).(3) Triệu Đà xua quân chiếm luôn
các quận phía nam là Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam và cử người sang cai trị các
quận nầy năm 198 TCN (quý mão).
Sau đó, tại Trung Hoa, Lưu Bang lật đổ nhà Tần lên cầm quyền tức Hán Cao Tổ (trị vì 202-195 TCN), lập ra nhà Hán (202 TCN - 220). Năm canh ngọ (111 TCN), Hán Vũ Đế (Han Wu Ti, trị vì 140-87 TCN) sai Lộ Bác Đức (tước là Phục Ba tướng quân) đem quân đánh nhà Triệu, giết vua Triệu lúc bấy giờ là Triệu Dương Vương và thái phó Lữ Gia, chiếm Nam Việt, rồi đổi Nam Việt thành Giao Chỉ bộ.
Đáng chú ý là bộ Giao Chỉ là một tên chung để chỉ một vùng rộng lớn gồm chín quận Nam Hải, Thương Ngô, Uất Lâm, Hợp Phố, Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam, Châu Nhai, Đạm Nhĩ mà trong đó, theo Ngô Thời Sỹ, chỉ có ba quận Giao Chỉ, Cửu Chân,và Nhật Nam mới riêng hẳn là cổ Việt. (4) Phải chăng vì lầm lẫn giữa bộ Giao Chỉ và quận Giao Chỉ mà nhiều sử thuyết đã đưa Triệu Đà thành một triều đại của cổ Việt và cho rằng lãnh thổ cổ Việt là khu vực cai trị của Triệu Đà bao gồm cả vùng Quảng Châu (Trung Hoa) ngày nay?(5)
Sự kiện báo hiệu việc mở đầu công cuộc tranh đấu giành độc lập của nước cổ Việt thuộc địa bàn khu vực nước ta ngày nay là cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng năm 40 (canh tý). Trưng Trắc, người huyện Mê Linh (Phúc Yên ngày nay), cùng em là Trưng Nhị đánh đuổi thái thú Trung Hoa là Tô Định về nước, lấy được
một số thành trì và tự xưng vương, đóng đô ở quê nhà là Mê Linh.
Hai Bà Trưng đã được sử sách ghi
lại là người địa phương Giao Châu
đầu tiên lập chiến công chống lại chính quyền Trung Hoa, nói lên ý chí độc lập của người cổ Việt nhắm tạo dựng một quốc gia riêng biệt, thoát khỏi ách thống trị của Trung Hoa.
Năm 41 (tân sửu), Trung Hoa gởi Mã Viện sang Giao Châu. Mã Viện (14 TCN – 49) là một danh tướng nhà Hán, cũng được phong tước Phục Ba tướng quân, tiến đánh và dẹp yên cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng năm 43 (quý mão). Nước cổ Việt tiếp tục nằm dưới sự đô hộ của người Trung Hoa. Về lịch sử cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, có những vấn đề cần được xác định lại:
1) Tên chồng bà Trưng Trắc: Theo bộ Đại Việt sử ký toàn thư (phần “Ngoại kỷ”, quyển 3 tờ 2a), được bộ Việt sử thông giám cương mục dựa vào đó chép lại (phần “Tiền biên”, quyển 2 tờ 10),(6) chồng bà Trưng tên là Thi Sách. Sau đây là lời của Toàn thư: “Tên huý là Trắc, họ Trưng. Nguyên là họ Lạc, con gái của Lạc tướng huyện Mê Linh, Phong Châu, vợ của Thi Sách ở huyện Châu Diên.(7)
Khi viết tên chồng bà Trưng là Thi Sách, Ngô Sĩ Liên đã dựa vào tiểu truyện Hai Bà Trưng trong các sách Lĩnh Nam chích quái (Trích những chuyện quái ở đất Lĩnh Nam, thế kỷ 15), Việt điện u linh tập (Tập chuyện u linh ở Việt điện, thế kỷ 14) (8) và xa hơn nữa là bộ sử của Trung Hoa do Phạm Việp viết là Hậu Hán thư (Sách về đời Hậu Hán, viết vào thế kỷ thứ 5).(9) Ngành viết sử của nước ta chỉ bắt đầu vào thế kỷ 13, nên những đoạn sử trước đó, người xưa đều sử dụng tài liệu Trung Hoa.
Trong phần chính văn bộ Hậu Hán thư của Phạm Việp, có đoạn về Hai Bà Trưng như sau: “Hựu Giao Chỉ nữ tử Trưng Trắc, cập nữ đệ Trưng Nhị phản công đầu kỳ quận. Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố man di giải ứng, khấu lược Lĩnh ngoại lục thập dư thành, Trắc tự lập vi vương.” (nghĩa là: “Ở Giao Chỉ có người đàn bà tên là Trưng Trắc và em gái là Trưng Nhị nổi lên làm loạn, đánh phá trong quận. Người man di ở các quận Cửu Chân, Nhật Nam , Hợp Phố đến hưởng ứng, cướp phá hơn 60 thành ở Lĩnh ngoại. Trắc tự xưng vương.”) (10)
Vào thế kỷ thứ 6, một tác giả khác tên là Lịch Đạo Nguyên, đã du lịch sang cổ Việt, đến thăm vùng Mê Linh. Khi trở
về Trung Hoa, ông viết sách Thuỷ kinh chú, trong đó ông có đề cập đến chuyện
Hai Bà Trưng và viết như
sau: "...Châu Diên lạc tướng tử danh Thi sách Mê Linh
lạc tướng nữ tử danh Trưng Trắc vi thê. Trắc vi nhân hữu đảm dũng, tương Thi khởi tặc; Mã Viện tương binh thảo,
Trắc Thi tẩu nhập Cẩm Khê...” (nghĩa là: ...Con trai của lạc tướng Châu Diên tên là Thi hỏi [sách] con gái lạc tướng Mê Linh tên là Trưng Trắc làm vợ...[Bà] Trắc là người can đảm, cùng [ông] Thi nổi dậy làm giặc; Mã Viện đem quân đánh, [ông bà] Trắc Thi chạy vào Cẩm Khê...) (11)
Dựa vào tài liệu Thuỷ kinh chú, trong khi chú thích phần chính văn viết về Hai Bà Trưng của Hậu Hán thư, thái tử Lý Hiền (12) đời nhà Đường, vào thế kỷ thư 8, đã chú thích rằng: “Trưng Trắc giả, Mê Linh huyện Lạc tướng chi nữ dã, giá vi Châu Diên nhân Thi Sách thê, thậm hùng dũng.” (nghĩa là: “Trưng Trắc là con gái Lạc tướng huyện Mê Linh được gả làm vợ một người huyện Châu Diên là Thi Sách, bà rất hùng dũng.”(13)
Cần lưu ý là sách chữ Nho ngày xưa viết không có chấm câu, nên người đọc có thể không biết câu văn dừng lại ở chỗ nào, và rất dễ lẫn lộn câu nầy qua câu khác. Trong chú thích cuả mình, thay vì viết tên “Thi” như Thuỷ kinh chú, thái tử Hiền đã viết thành “Thi Sách”.
Cách viết của thái tử Hiền về tên chồng bà Trưng dẫn đến cách viết của các tác giả Việt, từ Việt điện u linh tập, đến Việt sử lược,(14) qua Lĩnh Nam chích quái, rồi đến các bộ chính sử Toàn thư và Cương mục, nghĩa là các sách nầy đều cho rằng chồng bà Trưng tên là Thi Sách. Sự lầm lẫn nầy không phải do các tác giả Việt tự ý viết ra, mà do ảnh hưởng của lời chú thích Hậu Hán thư của thái tử Hiền bên Trung Hoa.
Người phát hiện ra sự lầm lẫn về tên chồng bà Trưng trong chú thích của thái tử Hiền là học giả Huệ Đống, vào thế kỷ thứ 18, dưới đời nhà Thanh (Trung Hoa).(15) Khi so sánh chú thích của thái tử Hiền trong Hậu Hán thư và câu văn nguyên thuỷ của Thuỷ kinh chú, Huệ Đống viết như sau: “Cứu Triệu Nhất Thanh [16] viết “Sách thê” do ngôn thú thê. Phạm sử tác: “Giá vi Châu Diên nhân Thi Sách thê” mậu hỉ. Án Thuỷ kinh chú ngôn “tương Thi”, ngôn “Trắc Thi”, minh chỉ danh Thi.” (nghĩa là: “Xét Triệu Nhất Thanh nói: “sách thê” còn có nghĩa là “cưới vợ”; các sử học Phạm chép “Gả làm vợ người Châu Diên là Thi Sách” là sai. Xem Thuỷ kinh chú thấy nói “tương Thi”, rồi nói “Trắc Thi”, chỉ rõ ràng tên ông đó là Thi.”(17)
Trong Thuỷ kinh chú, Lịch Đạo Nguyên viết: “...Châu Diên lạc tướng tử danh Thi sách Mê Linh lạc tướng nữ tử danh Trưng Trắc vi thê. ” (nghĩa là: “Con trai của lạc tướng Châu Diên tên là Thi, hỏi [sách] con gái lạc tướng Mê Linh tên là Trưng Trắc làm vợ.”). Trong câu nầy, nếu Thi Sách là họ và tên thì vế thứ nhì của câu nầy thiếu động từ, trở nên tối nghĩa. Như Huệ Đống đã viết, đọc tiếp đoạn Thuỷ kinh chú về Hai Bà Trưng, sự cân đối trong cách dùng từ sẽ cho thấy rõ tên của chồng bà Trưng. "... Trắc vi nhân hữu đảm dũng, tương Thi khởi tặc; Mã Viện tương binh thảo, Trắc Thi tẩu nhập Cẩm Khê...” (...[Bà] Trắc là người can đảm, cùng [ông] Thi nổi dậy làm giặc; Mã Viện đem quân sang đánh, [ông bà] Trắc Thi chạy vào Cẩm Khê...) Tác giả Lịch Đạo Nguyên dùng tên Trắc, vậy thì chữ Thi theo sau đó cũng phải là tên chứ không thể là họ. Lịch Đạo Nguyên đã đến Mê Linh vào thế kỷ thứ 6 và phát hiện tên chồng bà Trưng tên là Thi, vậy tốt nhất nên trở về đúng tên ban đầu của chồng bà Trưng, tức là ông Thi.
2. Lý do cuộc khởi nghĩa : Theo Toàn thư, thái thú Trung Hoa là Tô Định cai trị tàn bạo, dùng pháp luật trói buộc, lại giết chồng Bà Trưng nên Bà khởi nghĩa. Sau đây là lời của Toàn thư: “ Mùa xuân, tháng Hai [canh tý], vua [Trưng Trắc] khổ vì thái thú Tô Định dùng pháp luật trói buộc, lại thù Định giết chồng mình, mới cùng em gái là Nhị nổi binh đánh hãm trị sở ở châu...”(18)
Như trên đã trích dẫn, theo Lịch Đạo Nguyên trong sách Thủy Kinh Chú thì: "... Trắc vi nhân hữu đảm dũng, tương Thi khởi tặc; Mã Viện tương binh thảo, Trắc Thi tẩu nhập Cẩm Khê...” (...[Bà] Trắc là người can đảm, cùng [ông] Thi nổi dậy làm giặc; Mã Viện đem quân sang đánh, [ông bà] Trắc Thi chạy vào Cẩm Khê...) như vậy có nghĩa là ông Thi còn sống khi Bà Trưng nổi lên. Vậy lý do khởi nghĩa vì thù chồng mà Toàn thư viết không đứng vững.
Một tài liệu khác đã giải thích vì sao chồng Bà Trưng bị khai tử trong khi ông vẫn còn sống và cùng vợ khởi nghĩa. Đó là quyển The Birth of Vietnam [Việt Nam khai sinh] của tác giả Keith Weller Taylor. Trong sách nầy, tác giả Taylor cho rằng do thành kiến trọng nam, các nhà viết sử người Việt của những thế kỷ sau thời Hai Bà Trưng không thể chấp nhận chuyện một người phụ nữ lãnh đạo cuộc khởi nghĩa và trở thành vua trong khi ông chồng vẫn còn sống, nên họ đã viết rằng Tô Định đã giết chồng Bà Trưng. Trong khi đó, cũng theo Taylor, những tài liệu Trung Hoa cho thấy rõ rằng ông Thi đã theo Bà Trưng khởi nghĩa.(19)
Về lý do thứ nhất, Bà Trưng khởi nghĩa vì bị luật pháp ràng buộc, khi chú thích Hậu Hán thư của Phạm Việp, cũng trong đoạn viết về cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, thái tử Hiền đã viết vào thế kỷ thứ 8:"...Giao Chỉ thái thú Tô Định dĩ pháp thằng chi, Trắc oán nộ cố phản...” (...Thái thú Giao Chỉ là Tô Định dùng luật pháp trói buộc nên [bà] Trắc tức giận làm phản...). (20)
Chữ "pháp" mà thái tử Hiền dùng không phải chỉ một nghĩa hẹp là "luật lệ", mà chữ "pháp" ở đây có thể hiểu rộng hơn như là pháp chế, tổ chức hành chánh, chính trị, cũng như kinh tế, văn hóa, phong tục. Nói một cách khác, Tô Định đã áp đặt mạnh mẽ chế độ cai trị của Trung Hoa theo chính sách đồng hóa của nhà Hán (202 TCN - 220), làm mất tự do của người cổ Việt, và Trưng Trắc đã nổi lên khởi nghĩa chống lại Tô Định. Về pháp luật, trong một đoạn nói về việc cai trị của Mã Viện sau khi dẹp Hai Bà Trưng, Hậu Hán thư (quyển 54, tr. 747) chép: "Điều tấu Việt luật dữ Hán luật bác giả thập dư sự." (Luật dân Việt và luật nhà Hán khác nhau đến trên mười điều).(21) Có lẽ Hậu Hán thư viết nhẹ nhàng là chỉ có mười điều, nhưng nếu là mười điều căn bản tối quan trọng của tổ chức xã hội thì cũng đủ trở thành gông cùm trói buộc những người cổ Việt đang sống tự do theo phong tục tập quán của mình.
Như vậy, Hai Bà Trưng đã khởi nghĩa vì ý chí tự do độc lập của dân tộc cổ Việt. Lý do nầy rất cao cả, chính đáng, và mạnh mẽ. Phải chăng khi nghĩ rằng việc bị pháp luật ràng buộc không đủ mạnh, nên các sử gia chính thống ngày trước phải thêm chuyện thù chồng để việc nổi dậy thêm phần ý nghĩa. Nói cho cùng, chuyện thù chồng chỉ là chuyện cá nhân của mỗi người, chứ không phải là đại nghĩa của đất nước; huống gì ở đây chồng bà Trắc còn sống và cả hai cùng nổi dậy. Cũng chính vì thêm việc thù chồng, nên các tác giả của các bộ sử trên đây biên chép kết quả cuộc khởi nghĩa không rõ ràng.
Cần chú ý, lúc đó Mã Viện đã về hưu trí, nhưng vua nhà Hán phải mời Mã Viện ra cầm quân trở lại để bình định cổ Việt, đủ thấy sức kháng cự của Hai Bà Trưng rất mạnh mẽ làm cho nhà Hán phải lo ngại gởi một danh tướng đi đánh dẹp.
3. Kết quả cuộc khởi nghĩa : Theo Hậu Hán thư, khi Mã Viện được vua Hán cử sang Giao Châu năm 41, thì vào mùa xuân năm sau, Mã Viện đụng trận với Hai Bà Trưng tại vùng Lãng Bạc. (theo Cương mục, Lãng Bạc là vùng hồ Tây, Hà Nội ngày nay) Bà Trưng cùng chồng thua chạy. Mã Viện đuổi Bà Trưng đến Cẩm Khê, đánh thắng mấy trận, quân bà Trưng bị tan rã. (theo Cương mục, Cẩm Khê là vùng Sơn Tây ngày nay). Hậu Hán thư còn viết tiếp Mã Viện chém Trưng Trắc, Trưng Nhị gởi đầu về Lạc Dương vào tháng giêng năm 43.(22)
Trong Việt sử lược, tác giả khuyết danh đã viết: “Năm thứ 19 [niên hiệu Kiến Vũ nhà Hán tức năm 43] Trưng Trắc càng nguy khốn, bị Mã Viện giết.”(23) Tác giả Lê Tắc (24) trong An Nam chí lược cũng viết như thế: “Năm Kiến Vũ thứ 19, Mã Viện chém yêu tặc là Trưng Nhị và đánh luôn cả dư đảng, bọn Đô Dương. Đến huyện Cư Phong, bọn nầy đầu hàng.”(25) Lê Tắc gọi Hai Bà Trưng là “yêu tặc” vì lúc đó ông đầu hàng quân Nguyên, nên ông đứng trên quan điểm của người Trung Hoa viết về vị nữ anh hùng dân tộc Việt.
Tuy nhiên, khi viết chính sử vào thế kỷ thứ 15, Ngô Sĩ Liên dừng lại ở chỗ Hai Bà Trưng thua chạy, chứ không đề cập đến cái chết của Hai Bà. Sau đây là lời của Toàn thư: “Vua thấy thế giặc mạnh lắm, tự nghĩ quân mình ô hợp, sợ không chống nổi, lui quân về giữ Cẩm Khê. Quân chúng cũng cho vua là đàn bà, sợ không đánh nổi địch, bèn tan chạy. Quốc thống lại mất.”(26)
Toàn thư không đề cập đến cái chết của Hai Bà Trưng, nên trong Việt sử tiêu án, Ngô Thời Sỹ cũng viết: "...Trưng Vương thấy quân nhà Hán thế mạnh, tự nghĩ quân mình ô hợp sợ không chống nổi bèn lui về giữ ở Cẩm Khê. Quân lính cũng nghĩ vương là người con gái, không thể địch với tướng Hán được, đều tự vỡ chạy...Xét quân Hai Bà Trưng thua chạy đến núi Hy Sơn, rồi không biết đi đâu...”(27)
Trong sách Lịch triều hiến chương loại chí, Phan Huy Chú viết:"...Được ba năm, nhà Hán sai Mã Viện sang đánh. Vua [chỉ Trưng Trắc] thấy quân Hán đông, tự xét không thể địch nổi, mới lui giữ Cẩm Khê. Quân đều tan vỡ. Vua cùng quân Hán đánh nhau, thế cùng phải chết. Nước bị mất...”(28) Như thế, Phan Huy Chú đã viết rõ ra rằng Trưng Trắc bị thua, bỏ chạy vào Cẩm Khê, và từ trần mà tránh nói vì sao bà từ trần.
Qua đến Cương mục, các tác giả sách nầy cho rằng Hai Bà “thất trận chết”. Sách Cương mục viết: “Trưng Vương cùng em gái là Nhị cự chiến với quân Hán; quân vỡ, thế cô, đều bị thất trận chết.”(29)
Ngang đây, xuất hiện bộ sử thi Đại Nam Quốc sử diễn ca [Sử nước Đại Nam diễn ra lời ca] dưới thời vua Tự Đức.(30) Các tác giả sách nầy đã thi vị hóa cái chết của Hai Bà Trưng:
" Cẩm Khê đến lúc hiểm nghèo,
Chị em thất thế cùng liều với sông.”(31)
Trí tưởng tượng của các thi sĩ trên được tác giả Tiên Đàm Nguyễn Tường Phượng tô điểm thêm trong bài "Thân thế và sự nghiệp của hai bà Trưng" trên báo Tri Tân, số 38 ra ngày 11-3-1942, trang 219. Nguyễn Tường Phượng viết: "...Chị em Trưng Vương thất thế phải gieo mình xuống cửa sông Hát giang mà tự tận...”
Hình ảnh gieo mình xuống sông Hát có vẻ vừa hào hùng, vừa lãng mạn dễ trở thành đề tài cho thi ca nhạc kịch, và dễ được lan truyền trong trí tưởng tượng của quần chúng hơn là hình ảnh thân gái hy sinh nơi chiến trường, bị bắt chặt đầu một cách rùng rợn rồi gởi về Trung Hoa.
Với tinh thần của một người ngoại cuộc, theo những tài liệu phát hiện được, tác giả Keith Weller Taylor viết thẳng thừng rằng: "Mã Viện tiến đến Mê Linh, và vào cuối năm [42] đã bắt được Trưng Trắc cùng em là Nhị; vào tháng giêng năm sau, đầu của hai chị em được gởi về triều đình nhà Hán ở Lạc Dương” (32)
Có thể các sử gia người Việt ngày trước muốn tránh né một sự thật đau lòng và không mấy vẻ vang cho dân tộc Việt, nên tránh né không viết chuyện Mã Viện chém đầu Hai Bà Trưng gởi về dâng lên triều đình Trung Hoa, rồi đến các văn nhân đã thi vị hóa bằng cách mô tả Hai Bà đã tuẫn tiết trên dòng sông Hát.(33)
Tuy nhiên việc Hai Bà Trưng bị chết một cách thảm thương như vậy đâu có làm giảm oai linh của người nữ anh hùng dân tộc chúng ta. Điều đó càng chứng tỏ Hai Bà Trưng đã quyết chiến đấu đến cùng, và hy sinh tính mạng trên chiến trường vì nền độc lập của dân tộc chúng ta. Chẳng những trong lịch sử Việt Nam, mà cả trong lịch sử thế giới Hai Bà Trưng được ghi nhận là trường hợp người phụ nữ đầu tiên nổi lên sớm nhất chống lại quân ngoại xâm giành lại nền độc lập cho dân tộc. Đó là một sự hy sinh vĩ đại của một bậc nữ lưu mà cổ kim đông tây không thấy có, và đời đời dân tộc Việt tưởng nhớ ghi ơn.
Khi đọc đoạn sử về Hai Bà Trưng, vua Tự Đức (trị vì 1847-1883) đã ngự phê: " Hai Bà Trưng thuộc phái quần thoa, thế mà hăng hái quyết tâm khởi nghĩa, làm chấn động cả triều đình Hán. Dẫu rằng thế lực cô đơn, không gặp thời thế, nhưng cũng đủ làm phấn khởi lòng người, lưu danh sử sách. Kìa những bọn nam tử râu mày mà chịu khép nép làm tôi tớ người khác, chẳng những mặt dày thẹn chết lắm ư? "(34)
CHÚ THÍCH :
1.Quốc Sử Quán triều Nguyễn, Việt sử thông giám cương mục, dụ chỉ tr. 9, bản dịch ban Nghiên cứu Văn Sử Địa, Hà Nội 1957, tr. 61). (Viết tắt: Cương mục). Các nhân vật nầy còn xuất hiện trong bộ tiểu thuyết dã sử Hán Sở tranh hùng của Trung Hoa. Việt sử thông giám cương mục do Quốc sử quán triều Nguyễn soạn dưới triều Tự Đức, xong năm 1881 (tân tỵ), gồm hai phần: Tiền biên (5 quyển) bắt đầu từ thời Hồng Bàng đến Thập nhị sứ quân, và Chính biên (47 quyển) từ Đinh Tiên Hoàng (trị vì 970-979) đến Lê Chiêu Thống (trị vì 1787-1788).
Cương mục, bản dịch, sđd. tr. 63.
2.Theo lời "chua" của quốc sử quán triều Nguyễn trong Cương mục, bản dịch, sđd. tr. 64, Phiên Ngung ngày xưa thuộc quận Nam Hải, ngày nay là đất Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Hoa.
3.Ngô Thời Sỹ Việt sử tiêu án, bản dịch của Hội Việt Nam Nghiên Cứu Liên Lạc Văn Hóa Á Châu, Sài Gòn, Văn Sử tái bản, San Jose 1991, tr. 25, 34. Thật ra, chỉ có Giao Chỉ và Cửu Nhân là hai quận của cổ Việt, còn Nhật Nam lúc đó là đất Chiêm Thành. Cũng theo Ngô Thời Sỹ vì Triệu Đà sáp nhập cổ Việt vào Nam Việt nên khi Nam Việt bị nhà Hán sáp nhập vào Trung Hoa, nước cổ Việt cũng bị họa lây. Do đó, theo Ngô Thời Sỹ, Triệu Đà chẳng những không có công gì với cổ Việt mà còn thủ họa cho cổ Việt nữa. (sđd. tr.34)
4.Gần giống như tỉnh bang Quebec với thành phố Quebec, nước Mexico với thành phố Mexico .
5.Tên Giao Chỉ có từ xưa, người Trung Hoa dùng để chỉ vùng đất về phía tây nam xa ngoài đất Bách Việt (Toàn thư, bản dịch, sđd. tr. 131.). Đến đời nhà Tần, Giao Chỉ là Tượng quận (Cương mục, bản dịch, sđd. tr. 59). Đầu đời nhà Hán, Hán triều tách Tượng Quận làm 3 thành Giao Chỉ, Cửu Chân, và Nhật Nam (Cương mục, bản dịch, sđd tr. 59). Triệu Đà sáp nhập ba quận nầy vào nước Nam Việt năm 198 TCN. (Cương mục, bản dịch, sđd. tr. 64.)
6.Khi Lộ Bác Đức đem quân đánh Nam Việt năm 111 TCN, chính quyền họ Triệu ở Phiên Ngung chống lại quân nhà Hán, trong khi chính quyền ở quận Giao Chỉ đem sổ đinh ra nạp xin hàng. Do vậy nhà Hán gọi chung đất Nam Việt là Giao Chỉ bộ mặc dầu trong chín quận kể trên, chỉ có hai quận thuộc cổ Việt, sáu quận thuộc Quảng Châu (Cương mục, bản dịch, sđd. tr. 79)
Năm 203, nhà Đông Hán đổi Giao Chỉ bộ thành Giao Châu, ngang hàng với các châu khác bên TrungHoa (Cương mục bản dịch, sđd. tr. 96). Năm 264, nhà Ngô chia Giao Châu thành hai: Quảng Châu gồm Nam Hải, Thương Ngô, Út Lâm, đóng châu lỵ ở Phiên Ngung (Quảng Châu); Giao Châu gồm Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố, đóng châu lỵ ở Long Biên (Thăng Long, Hà Nội) (Cương mục, bản dịch sđd. tr. 105)
7.Về bộ Đại Việt sử ký toàn thư, viết tắt là Toàn thư, và bộ Việt sử thông giám cương mục, viết tắt là Cương mục, xin xem bài 1.
8.Toàn thư, bản dịch của Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1993, tr. 156.
9.Về các bộ sách nầy, xin xem bài 1.
9.Về các bộ sách nầy, xin xem bài 1.
Nhà Hán (202 TCN - 220) ở Trung Hoa được chia thành hai giai đoạn: Tiền Hán hay Tây Hán (202 TCN - 25) và Hậu Hán hay Đông Hán (25-220). Giữa Tiền Hán và Hậu Hán, từ năm 9 đến năm 23 là giai đoạn do Vương Mãng cầm quyền. Khi Lưu Tú (Hán Quang Võ) tái lập được nhà Hậu Hán, ông dời đô về Lạc Dương, phía bắc tỉnh Hồ Nam .
10.Phạm Việp, Hậu Hán thư, quyển 54, trong bộ Nhị thập ngũ sử, tr. 747, cột 3. Nguyễn Phương, Việt Nam thời khai sinh, Phòng Nghiên cứu Sử, Viện Đại học Huế, 1965, tr. 174, trích dẫn, phiên âm và dịch nghĩa.
11.Lịch Đạo Nguyên, Thuỷ kinh chú, quyển 37, tờ 62a. Nguyễn Phương trích dẫn, phiên âm, và dịch nghĩa, sđd. tr. 179. Về tên tác giả Thủy kinh chú, sử gia Nguyễn Phương phiên âm là Lệ Đào Nguyên, tác giả Đào Duy Anh phiên âm là Lệ Đạo Nguyên, nay theo phiên thiết của Từ hải xin phiên âm là Lịch Đạo Nguyên.
10.Phạm Việp, Hậu Hán thư, quyển 54, trong bộ Nhị thập ngũ sử, tr. 747, cột 3. Nguyễn Phương, Việt Nam thời khai sinh, Phòng Nghiên cứu Sử, Viện Đại học Huế, 1965, tr. 174, trích dẫn, phiên âm và dịch nghĩa.
11.Lịch Đạo Nguyên, Thuỷ kinh chú, quyển 37, tờ 62a. Nguyễn Phương trích dẫn, phiên âm, và dịch nghĩa, sđd. tr. 179. Về tên tác giả Thủy kinh chú, sử gia Nguyễn Phương phiên âm là Lệ Đào Nguyên, tác giả Đào Duy Anh phiên âm là Lệ Đạo Nguyên, nay theo phiên thiết của Từ hải xin phiên âm là Lịch Đạo Nguyên.
12.Thái tử Lý Hiền, con vua Đường Cao Tông (trị vì 649-683). Sau khi vua Đường Cao Tông từ trần, Lư Lăng Vương lên ngôi tức Đường Trung Tông (trị vì 683-710). Ngay từ 683, bà Võ hậu chuyên quyền, rồi tự mình lên làm vua tức Võ Tắc Thiên (trị vì 690-705). Võ hậu đày các hoàng thân nhà Đường đi xa. Thái tử Hiền nằm trong số nầy. Chính trong thời gian bị lưu đày, ông đã chú thích bộ Hậu Hán thư.
13.Nguyễn Phương, trích dẫn, phiên âm và dịch nghĩa, sđd. tr. 178.
13.Nguyễn Phương, trích dẫn, phiên âm và dịch nghĩa, sđd. tr. 178.
14.Việt sử lược: về sách nầy, xin xem bài 1. Về phần chồng bà Trưng, Việt sử lược viết: “Trưng Trắc lấy chồng người huyện Châu Diên là Thi Sách.”(Việt sử lược, Nguyễn Gia Tường dịch, Nguyễn Khắc Thuần hiệu đính, Nxb. TpHCM, 1993, tr. 39.) Đặc biệt, sách Việt sử lược hầu như không được nhắc đến trong nền sử học Việt Nam trước thế kỷ 19, kể cả các sách của học giả Dương Quảng Hàm cũng không đề cập đến.
15.Huệ Đống (Hui Dong, 1697-1758): học giả Trung Hoa đời nhà Thanh, sống qua các đời vua Khang Hy, Ung Chánh, Càn Long, người huyện Ngô, tỉnh Giang Tô, tự là Định Vũ, hiệu là Tùng Ngân, con trai thứ của Sĩ Kỳ. Ông chuyên nghiên cứu về kinh sử, đặc biệt nổi tiếng qua các bộ sách Dịch Hán học (Học thuật Kinh Dịch đời Hán), Thượng thư khảo (Khảo cứu về quyển Thượng thư tức Kinh thư), Hậu Hán thư bổ chú (Chú thích thêm về bộ Hậu Hán thư). [Theo Nguyễn Tiến Văn, Toronto .]
16.Triệu Nhất Thanh (Zhao Yiqing, 1709-1764), trẻ hơn Huệ Đống 12 tuổi, cũng trải qua ba triều vua Khang Hy, Ung Chánh, Càn Long. Ngoài các văn tập để lại, ông còn có các công trình biên khảo về Tam Quốc, và sông ngòi Trung Hoa, nhất là sông ngòi tỉnh Trực Lệ (Hà Bắc, phía bắc Trung Hoa). [Theo Trần Huy Bích, Orange County, điện thư ngày 4-12-2001]
16.Triệu Nhất Thanh (Zhao Yiqing, 1709-1764), trẻ hơn Huệ Đống 12 tuổi, cũng trải qua ba triều vua Khang Hy, Ung Chánh, Càn Long. Ngoài các văn tập để lại, ông còn có các công trình biên khảo về Tam Quốc, và sông ngòi Trung Hoa, nhất là sông ngòi tỉnh Trực Lệ (Hà Bắc, phía bắc Trung Hoa). [Theo Trần Huy Bích, Orange County, điện thư ngày 4-12-2001]
17.Nguyễn Phương trích dẫn, phiên âm và dịch nghĩa, sđd. tr. 179. Theo sử gia Nguyễn Phương, ông đọc được lời của Huệ Đống ở phần “Phụ lục” quyển 54 của Hậu Hán thư trong bản in của Nghệ Văn Ấn Thư Quán, Hương Cảng, 1952.
18.Toàn thư, bản dịch sđd. tr. 156.
19.Keith Weller Taylor, The Birth of Vietnam [Việt Nam khai sinh], University of California Press, 1983, tt. 38-39.) Có thể cũng vì lý do nầy mà hai anh em Triệu Quốc Đạt và Triệu Thị Trinh cùng khởi nghĩa năm 248, nhưng vì Triệu Thị Trinh là phụ nữ lại lãnh đạo cuộc khởi nghĩa, nên Toàn thư cũng như Cương mục hoàn toàn không viết về Triệu Quốc Đạt, xem như không có nhân vật nầy.
20.Nguyễn Phương trích dẫn, sđd. tr. 176.
21.Nguyễn Phương trích dẫn, sđd. tr. 137.
22.Hậu Hán thư, quyển 54, tr. 747. Nguyễn Phương trích dẫn, sđd. tr. 183.
23.Việt sử lược, bản dịch sđd. tr. 40.
24.Lê Tắc (hay Lê Trắc ) tự Cảnh Cao, vốn họ Nguyễn, được người cậu tên Lê Phụng nuôi nên đổi qua họ Lê, người Ái Châu (Thanh Hóa), làm tham mưu cho Chương Hiến Hầu Trần Kiện. Trần Kiện là con của Trần Quốc Khang (anh cùng mẹ khác cha của vua Trần Thái Tông), làm trấn thủ Nghệ An, đã đầu hàng Toa Đô khi Toa Đô tấn công Nghệ An vào đầu năm 1285. Toa Đô cho người giải Trần Kiện về Tàu. Khi ngang qua Lạng Sơn, dân binh đổ ra tấn công, Trần Kiện bị chết, Lê Tắc cướp được xác chủ, đem an táng, rồi bỏ trốn sang Trung-Hoa. Ở Trung-Hoa, Lê Tắc viết bộ An Nam chí lược.
25. (Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, Nxb. Tân Việt, in lần thứ 7, Sài Gòn, 1964, tr. 141. Dương Quảng Hàm, Việt Nam văn học sử yếu, Nxb. Bộ Giáo Dục, Sài Gòn 1960, in lần thứ 7, tr. 241, phần chú thích).
26.Nguyễn Phương, sđd. tr. 183. Nguyễn Phương trích dẫn, phiên âm và dịch nghĩa. Nguyên câu do Nguyễn Phương phiên âm là: “ Thập cửu niên, Mã Viện trảm Trưng Nhị yêu tặc, kích kỳ dư đảng Đô Dương đằng, chí Cư Phong huyện hàng chi.” [Trong câu phiên âm nầy, phần thứ nhì: đáng lẽ chữ “nhị” không viết hoa (“Mã Viện trảm Trưng nhị yêu tặc” ), và dịch là: “Mã Viện giết Trưng, hai yêu tặc.”]
27.Toàn thư, bản dịch sđd. tr. 156.
28.Ngô Thời Sỹ, sđd. 40.
29.Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, bản dịch của Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội 1992, tập 1, tr. 187. Phan Huy Chú (1782-1840) là con của Phan Huy Ích (1750-1822), cháu của Phan Huy Ôn. Ông học rộng biết nhiều, nhưng rớt hai khoa thi hương năm 1807, 1819 vào đầu đời nhà Nguyễn và chỉ được xếp hạng tú tài. Năm 1821, ông được bổ nhiệm làm Hàn lâm viện biên tu. Cũng trong năm nầy, ông trình bộ Lịch triều hiến chương loại chí, được xem là bộ bách khoa toàn thư về văn hóa nước ta. Về sau làm Phủ thừa phủ Thừa Thiên, hiệp trấn Quảng Nam, đã từng đi sứ sang Trung Hoa năm 1830, và đi sứ sang Batavia cuối năm 1833. (Dưới đời nhà Nguyễn (1802-1945), Thừa Thiên là nơi đặt kinh đô, nên tổ chức hành chánh đặc biệt. Phủ thừa là người đứng đầu phủ Thừa Thiên.)
30.Cương mục, bản dịch, sđd. tr. 84.
31.Đại Nam quốc sử diễn ca: Lịch sử Đại Nam được viết bằng thơ là quyển thơ do một tác giả khuyết danh người Bắc Ninh khởi thảo và nạp về triều đình nhà Nguyễn năm 1857. Năm 1859, do sự đề cử của Phan Thanh Giản, Lê Ngô Cát sửa lại và viết thêm đến lúc Lê Chiêu Thống chạy sang Trung Hoa. Phạm Xuân Quế nhuận sắc lại. Năm 1873, Phạm Đình Toái theo bản của Lê Ngô Cát viết lại, bốn phần còn một; Phan Đình Thực và các danh sĩ thời đó nhuận sắc, rồi Phạm Đình Toái khắc in ở Nghệ An.(Dương Quảng Hàm, sđd. tr. 272.) Ngày nay, người ta xem hai ông Lê Ngô Cát và Phạm Đình Toái là đồng tác giả quyển thơ nầy.
32.Lê Ngô Cát và Phạm Đình Toái, Đại Nam Quốc sử diễn ca, Nxb. Trường Thi, Sài Gòn 1956, tr. 75.
32.Lê Ngô Cát và Phạm Đình Toái, Đại Nam Quốc sử diễn ca, Nxb. Trường Thi, Sài Gòn 1956, tr. 75.
33.Keith Weller Taylor, sđd. tr. 40.
Sông Hát là chi lưu của sông Đáy, chạy dọc theo tỉnh Hà Đông.
34.Cương mục, bản dịch, sđd. tr. 84.
Nguồn: http://www.nguyenthaihocfoundation.org/lichsuVN/m_trungnuvuong1.php
Nguồn: http://www.nguyenthaihocfoundation.org/lichsuVN/m_trungnuvuong1.php
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét