Người theo dõi

Thứ Hai, 30 tháng 5, 2016

NGUYỄN DU VÀ “THIÊN HẠ HÀ NHÂN KHẤP TỐ NHƯ”


NGUYỄN DU VÀ
 “THIÊN  HẠ HÀ NHÂN KHẤP TỐ NHƯ”


Năm 1802. Vua Gia Long lên ngôi. Vương triều nhà Nguyễn được phục hưng trên toàn đất nước cũng đồng nghĩa với chuyến hành phương Nam vĩ đại đã được hoàn thành. Đất nước thống nhất từ Bắc chí Nam có cương vực to đẹp nhất trong lịch sử đã hình thành. Từ việc đi tìm mảnh đất dung thân theo lời khuyên của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Nhân dân Đại Việt đã cùng Đoan quận công Nguyễn Hoàng và con cháu ông đã làm hơn thế nữa
Từ đây văn học Đại Việt bắt đầu bừng sáng từ chất lượng đến số lượng. Bị dồn nén suốt ba trăm năm với một thứ văn hóa Nho giáo đầy những kiểu cách kiêu mạn cũng như loạn lạc liên miên. Thơ Việt Nam khởi đi trơn tru, mượt mà của Đặng Trần Côn, Đoàn thị Điểm (1705-1748), Nguyễn Gia Thiều (1732-1789), Nguyễn Huy Tự (1743-1790), Phạm Thái, Nguyễn Huy Lượng, Ngô thì Nhậm và… Nguyễn Du.
Nếu như bản dịch Chinh Phụ Ngâm (Đoàn thị Điểm), Cung Oán Ngâm Khúc (Nguyễn Gia Thiều) đã đẩy thể thơ song thất lục bát đến đỉnh điểm của nó, thì Kim Vân Kiều của Nguyễn Du lại đưa thơ lục bát đi khắp cùng đất nước và còn vang vọng đến mai sau và lan ra thế giới.


Nhưng tôi lại phải bắt đầu bài viết này với một bài thơ chữ Hán của Cụ. Bài Độc Tiểu Thanh Ký

讀小青記
西湖花苑盡成墟 
獨吊窗前一紙書
脂粉有神憐死後 
文章無命累焚餘 
古今恨事天難問 
風韻奇冤我自居 
不知三百餘年後 
天下何人泣素如

Độc Tiểu Thanh Ký
(bản phổ biến)
Tây Hồ hoa uyển tẫn thành khư.
Độc điếu song tiền nhất chỉ thư.
Chi phấn hữu thần liên tử hậu,
Văn chương vô mệnh lụy phần dư.
Cổ kim hận sự thiên nan vấn,
Phong vận kỳ oan ngã tự cư.
Bất tri tam bách dư niên hậu,
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như.
Nguyễn Du

Đọc chuyện Tiểu Thanh
Hồ Tây hoa úa gò hoang,
Hiên ngoài nâng mảnh giấy tàn mà đau.
Phấn hương chi vướng thêm sầu,
Câu văn vô mệnh khói rầu rầu bay.
Trời xanh liệu thấu hận này,
Chung nòi phong vận chung say nợ tình.
Ba trăm năm nữa cũng đành,
Liệu ai khóc với tâm tình Tố Như.
QT. Nguyễn Hiền Nhu

讀小青記
西湖花苑盡成墟 
古今恨事天難問 
風韻奇冤我自居 
脂粉有神憐死後 
文章無命累焚餘 
不知三百餘年後 
天下何人泣素如


 ĐỘC TIỂU THANH KÝ *
(Bản của Linh Đàn Nguyễn Hữu Kiểm)
Độc điếu song tiền nhất chỉ thư
Tây Hồ mai uyển tẫn thành khư
Cổ kim hận sự thiên nan vấn
Phong vận kỳ oan ngã tự cư
Chỉ phấn hữu thần liên tử hậu
Văn chương vô mệnh lụy phần dư
Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như
NguyễnDu

Đọc chuyện Tiểu Thanh
Trước song nâng mảnh giấy tàn,
Vườn Tây Hồ đã gò hoang tiêu điều.
Hận này liệu thấu trời cao,
Chung nòi phong vận trước sau nợ tình.
Phấn son nhòe lối u minh,
Lửa thiêu còn lụy chút tình văn chương.
Ba trăm năm kiếp vô thường,
Tố Như. Liệu có ai vương lệ sầu.
QT. Nguyễn Hiền Nhu

* Các bạn có thể tìm hiểu thêm về bài thơ này theo đường link: http://datdung.com/modules.php?name=News&op=viewst&sid=3782#ixzz2oN7AVpnM
               
            Ở đây tôi đưa lên hai văn bản khác nhau như là một gợi ý để các anh chị em làm tư liệu mà không một ý kiến nào, mà chỉ lưu ý về hai câu thơ chót, hai câu  mà  những người mê Kiều đều biết và quan tâm.
           
VỀ KIM VÂN KIỀU:
Rất nhiều giấy bút và rất nhiều bậc tài danh xưa nay, trong và ngoài nước viết về Kiều từ bấy đến giờ. Tôi cũng không ngoại lệ.
Nhưng trước khi gập lại lại cuốn Truyện Kiều tôi gặp hai câu kết thúc;
Lời quê góp nhặt dông dài,
Mua vui cũng được một vài trống canh.
Hai câu thơ như là một tiếng sét nhỏ buột tôi nhớ lại những gì mà tôi đã đọc được của người khác viết về Truyện Kiều và cố nhớ xem có ai đã từng đá động đến hai câu này chưa? Không có, hay có mà tôi chưa có dịp đọc, và chính hai câu ấy làm cho tôi phải đọc Truyện Kiều lại một lần nữa, một lần nữa… và cả những bài viết về Truyện Kiều mà tôi có trên giá sách… Để rồi sau bao nhiêu năm tôi không thể nào viết bất cứ một điều gì về Truyện Kiều, ngoại trừ việc tếu táo vài bài thơ vịnh nhân vật trong truyện Kiêu. Lý do: Không một ai bình Kiều hay hơn… Nguyễn Du. Mười bốn từ. Cụ đã khái quát một cách chính xác và đầy đủ về mặt văn học (Lời quê góp nhặt dông dài) và quan điểm về nội dung của Truyện Kiều (Mua vui cũng được một vài trống canh.)
- Về mặt văn học: Tại sao không một thể thơ nào khác mà lại là sáu tám, một thể thơ thuần Việt, ngôn ngữ trong thơ gần như có đầy đủ tất cả những tiếng đặc trưng của cả ba miền Nam Trung Bắc, tạo thành một giòng sông sáu tám với 3254 câu gồm 22.778 từ, tương đương với một quyển tự điển phổ thông mà từ trước đến giờ có không biết bao nhiêu người thuộc làu (hầu hết đều không biết chữ) và giảng Kiều không sai bất cứ một từ nào. Thế chẳng là “lời quê góp nhặt dông dài” thì là gì?
- Về mặt nội dung: Mười lăm năm luân lạc của Kiều và những nhân vật, sự kiện, hiện tượng, cảnh vật chung quanh với đầy đủ lục dục thất tình diễn ra nhanh chóng như là một vở kịch bi hài để mua vui cho người đọc, nhưng lại là một phần hiện thực của chính người cầm cuốn truyện hay không cầm cuốn truyện trên tay. Sự chuyển hóa vô thường của cõi diệu hữu mà Bụt đã chỉ cho chúng ta thấy với mọi cung bậc tình cảm của con người tom góp lại như là một vở kịch nhỏ bé. Và đó chỉ đủ để Mua vui cũng được một vài trống canh.
Hai câu thơ kết thúc đã làm thành một lời bình Kiều làm tôi hết dám o e.

Trở lại hai câu cuối của bài Độc Tiểu Thanh Ký:
Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như

Đây là hai câu thơ mà người ta luôn luôn nhắc tới khi nói về Nguyễn Du. Có cái gì ẩn chứa trong cuộc đời ông mà đến đỗi ông  phải kêu gọi sự đồng cảm của hậu thế. Và gần như hầu hết sự đồng cảm mà hậu thế dành cho ông là chỉ nhắm vào sự tài hoa của ông, mà không ít trong số đó hu hơ khóc ông dăm ba tiếng với những suy luận này khác để lấy tiền nhuận bút hoặc tìm kiếm chút danh. Thậm chí còn bẻ cong cả tâm tình của ông. Trong hoàn cảnh một đất nước vừa được ổn định sau một thời gian thật dài bị phân hóa khủng khiếp. Kể từ khi vua Lê Thánh Tôn đưa Nho Giáo lên tới đỉnh của quyền lực, rồi khi ông mất năm 1497. Nho giáo đã đào tạo ra không ít danh nhân nhưng vẫn không thể nào kềm chế nỗi những hậu quả kinh hoàng mà Nho giáo mang lại với hàng loạt những biến động chính trị kỳ khu. Tư cách của các ông vua cuối triều hậu Lê. Những loạn thần, tặc tướng tạo ra một triều đại nhà Mạc đáng tủi hổ, rồi một thể chế chính trị cung Vua, phủ Chúa không giống ai. Trong tình hình sôi sục ấy, xuất hiện môt nhân vật kiệt xuất. Nguyễn Hoàng. Có thể do hoàn cảnh o ép, nhưng nếu không có cái nhìn toàn cục, không có một ý chí và tài năng kiệt xuất, và nhất là không có một tấm lòng nhân ái theo tinh thần đạo Bụt ông đã không xây dựng được những nền tảng ban đầu cho một cuộc hành trình vĩ đại cho cháu con mình. Không phải ngẫu nhiên mà chúa Nguyễn Phúc Nguyên được dân chúng Nam Hà và cả Bắc Hà nữa tôn xưng là Chúa Sãi.
Hơn hai trăm năm  (1558-1777) với một quốc gia riêng biệt luôn luôn phát triển về kinh tế, lãnh thổ cũng như nhiều mặt khác. Những cuộc động binh ngoài mục đích bảo vệ những thành quả đạt được không có bất cứ một mục tiêu quyền lực nào khác. Tiếp nhận một luồng tư tưởng mới, Ky  Tô giáo, Hồi giáo có cảnh giác và điều tiết một cách hài hòa với những luồng tư tưởng cổ truyền. Sư suy tàn của vương triều các chúa Nguyễn như là cuộc chuyển mình để trở về nguồn hơn là một cuộc đổi thay triều đại. Sự xuất hiện của vua Quang Trung như là một bước đệm hào hùng, dù đầy nuối tiếc, nhưng đó là lịch sử. Vương triều nhà Nguyễn lại phục hưng, thống nhất đất nước trong hoàn cảnh nhân tâm ly tán đến cùng cực. Đáng tiếc là một lần nữa Nho giáo lại ngoi lên. Và đây mới thực sự là trăn trở của Nguyễn Du, dù ông là một người xuất thân từ một danh gia vọng tộc của Nho giáo. Ông đem hết cả tâm huyết phục vụ vương triều nhà Nguyễn với hy vọng Lý Trần và ông đã thất vọng. Đọc hết những tác phẩm của Nguyễn Du mới có thể nhận ra đươc những trăn trở và thất vọng của ông và Độc Tiểu Thanh Ký với hai câu kết như là một nỗi niềm không ai giải tỏa.
Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như.

Vài suy nghĩ về lịch sử khi Nho Giáo chiếm lĩnh quyền lực:

Cái tinh thần vị tha và bao dung của đạo Bụt đã tạo nên một kỳ tích, là dân tộc duy nhất trên thế giới đứng vững trước những o ép của văn hóa Nho giáo ngoại lai và sự tàn độc của giáo gươm suốt 1000 năm. Năm 938 đất nước hoàn toàn tự chủ sau chiến thắng Bạch Đằng lần thứ nhất và nhanh chóng trở thành một thế lực hùng mạnh suốt hơn 400 năm làm rùng mình sởn gáy cho những đoàn quân xâm lược phương Bắc. Chiến  thắng sông Bạch Đằng lần thứ 3 năm 1288 đã trở thành một dấu ấn bắt đầu cho sự tan rả của đế quốc Nguyên Mông.
Hồ Quý Ly thoán đoạt nhà Trần và đẩy đất nước đến họa ngoại xâm. Một cuộc truy sát văn hóa khủng khiếp được  được bọn xâm lược thực hiện, sách vở bị thiêu hủy, bia tượng bị đập vỡ, phong tục bị đổi thay, nhân tài bị bắt bớ đem về Kim Lăng, hàng đống sách vở Tàu được tuồn vào Đại Việt, hàng loạt các nhà sư nửa mùa, thầy cúng, thầy bùa tràn vào Đại Việt gieo rắc vào các nhà chùa một thứ Phật giáo lai căng nhằm mục đích hủy hoại truyền thống đạo Bụt Trúc Lâm.
Trong cuộc kháng chiến chống Minh. Những thế hệ cuối cùng của triều đại Lý Trần đã góp công không nhỏ trong những chiến thắng vang dội của Bình Định Vương Lê Lợi với những Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Hãn, Phạm văn Xảo. Trịnh Khả… và số phận của họ là một kết cục bi thảm. Một kết cục theo lối Nho gia “điểu tận cung tàn” Thế rồi, sự khinh xuất vô tình hay hữu ý của Lê Thánh Tôn đã đẩy đất nước vào hỗn loạn và hậu quả của nó vẫn còn chưa khắc phục nổi. Chúng ta thấy những danh Nho kiệt hiệt sau Lý Trần như Lương Thế Vinh, Thân Nhân Trung, Nguyễn Trực, Nguyễn Mộng Tuân, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Ngô Thì Sĩ, Ngô Thì Nhậm, Nguyển Du, Nguyễn Công Trứ… dù cứ Tứ Thứ, Ngũ Kinh nhưng trong sâu thẳm tâm hồn thì vẫn cứ là Kim Cang, Bát Nhã. Trong suốt hơn 200 năm hành Phương Nam, dân tộc Việt Nam, cả miền Bắc đang sống trong một chế độ cường quyền kỳ quặc, đã từng bước phục hồi tư tưởng vị tha và bao dung ấy. Nếu như Nguyễn Bỉnh Khiêm giủ áo, Ngô Thì Sĩ chết già, Ngô Thì Nhậm chết vì hận thù vô lối, Nguyễn Công Trứ cười khè trước những lao đao tráo trở của tình đời, thì Nguyễn Du ngậm ngùi gởi lòng vào những trang thơ. Và chẳng biết bao nhiêu thế hệ cứ nhảy tưng vào trong Kiều để như nhảy vào vườn thượng uyển vạch lá tìm hoa.
Con đường hoạn lộ của ông không hề trắc trở như người ta nghĩ. Ngay khi vua Gia Long lên ngôi năm 1802 ông được bổ làm tri huyện, mấy tháng sau thăng tri phủ. Chức vụ cuối cùng của ông là Hữu Tham tri bộ Lễ (hàm tam phẩm và mất khi chuẩn bị đi sứ lần thứ 2 (16.9.1820) lúc ông mới 55 tuổi.
Không thể nói là Nguyễn Du hoài Lê, lại càng không thể nói Nguyễn Du bất mãn với Vương triều Nhà Nguyễn. Đọc Văn tế Thập Loại Chúng Sinh, đọc thật kỹ từng giòng, từng chữ và đọc thật nhiều lần mới nhìn thấy những u ẩn của ông.
  
Và rồi những biến thiên của lịch sử, Nho giáo lại một lần nữa đẩy nhanh quá trình suy thoái của vương triều nhà Nguyễn. Những ông vua đầu triều như Gia Long, Minh Mạng, Tự Đức đều là những nhân tài kiệt hiệt nhưng vẫn không thoát khỏi cái vòng kim cô Nho giáo và khi đất nước trãi qua hơn một thế kỷ phân hóa đả trở về cương vực cũ. Một thoáng hy vọng được mở ra và rồi chìm nghĩm vào trong cái biển ngoại lai khác.
Và tâm tình Nguyễn Du và các tác phẩm của ông lại trở thành một nhân tố để thiên hạ bung xung. Khi nói đến Truyện Kiều, hãy nghe Xuân Diệu khoác cho cụ bộ áo chiến sĩ văn hóa: “Nhìn chung, Nguyễn Du của chúng ta (?!nv) có một tác dụng tích cực; đó là một nhà hiện thực phê phán lớn, một thiên tài tố cáo các thứ xã hội áp bức bóc lột” (Ba Thi Hào Dân Tộc. Xuân Diệu. Nxb TN. 2000. Tr 149) và để bảo vệ cho quan điểm của mình Xuân Diệu đã trích dẫn báo Nhân Dân 25.9.55 “Ngòi bút hiện thực phê phán của Nguyễn Du đã vượt qua khuôn khổ ý thức hệ phong kiến của mình và tố cáo, lột trần chế độ phong kiến thối nát và nói lên lời nói của nhân dân”
Rồi với hơn 250 trang sách viết về “Nguyễn Du với tư cách chiến sĩ văn hóa”. Xuân Diệu lại dẫn:
Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như
Rồi Xuân Diệu la lên “Nhưng sung sướng thay. Nguyễn Du không cần đến ba trăm năm mới có người hiểu mình, dưới ánh sang của chủ nghĩa Mác-Lênin. Chế độ ta rất hiểu, phe ta rất hiểu, những người tiến bộ trên thế giới rất hiểu Nguyễn Du… … Nỗi u uất của Nguyễn Du đã được chiêu tuyết. Từ Hải không phải chết đứng nữa” (Sđd. Tr 201)
Rồi với cái lối chiêu tuyết ấy. Cụ Nguyễn Du vẫn cứ được thiên hạ hu hơ khóc miết. Khóc đến độ chẳng ai buồn nghĩ đến một bài thơ của Cụ bị chép lộn tùng phèo như đã dẫn ở trên mà vẫn cứ theo đó mà tán hưu tán vượn.
Và họ cũng đã thay mặt cho UNESCO phong Nguyễn Du một danh hiệu (mà UNESCO không bao giờ có) "Danh Nhân Văn Hóa Thế Giới"
Rồi mới đây, cặp song tấu Đỗ Minh Xuân – Vũ Khiêu  chơi một màn hý lộng vô tiền khoáng khậu “biên tập lại truyện Kiều”. Đỗ Minh Xuân khua mỏ lết hát, Vũ Khiêu vỗ tay (bằng hai bàn tay vừa phủi sạch 7 đời họ Đặng để tìm về, hay nhận xằng, cái cội nguồn xâm lược  Hồn (804 - 853) là quan nhà Đường trong lịch sử Trung Quốc . Ông từng cai trị An Nam đô hộ phủ (miền Bắc và Bắc Trung Bộ Việt Nam ). Đây là một thông tin thuộc hạng hót. Trong bài viết này không trích mà xin các bạn đọc qua các đường line:
http://hovuvovietnam.com/Than-the-va-su-nghiep-duc-Than-To-Vu-Hon_tc_329_0_376.html
https://hoquang.org/2015/05/22/giai-toa-may-ngo-nhan-ve-ba-danh-nhan-van-hoa-the-gioi-cua-viet-nam/

Quán Tâm Nguyễn Hiền Nhu ‎October ‎03, ‎2013

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét