Người theo dõi

Chủ Nhật, 8 tháng 5, 2016

HUỆ NGỐ

HUỆ NGỐ 
Không hiểu tại sao ở ngôi chùa nhỏ này ai cũng gọi chú tiểu nhỏ nhất là Huệ Ngố. Thực ra, khi nhận chú từ một làng mồ côi, bị giải thể vì lý do trời thần gì đó, sư trụ trì đã đặt cho chú là Huệ Ngộ. Chú tiểu, theo tôi, là người thông minh. Mới học hết lớp 8 nhưng làm thơ rất mượt. Khi mới chân ướt chân ráo vào chùa là chú tìm đến “Tàng Kinh Các”. Huệ Ngố gọi tủ sách của nhà chùa như vậy khi tôi mang đến cho chú mượn cuốn Ức Trai Di Tập theo lời yêu cầu của chú. Đó là những gì tôi biết về chú tiểu. À quên, chú tiểu thích cái tên Huệ Ngố hơn là Huệ Ngộ.
Tôi thường hay đến chùa tìm sư trụ trì hỏi chuyện kinh sách và được giới thiệu với chú tiểu. Chúng tôi quen nhau như thế.


Rất lâu, tôi không đến chùa, từ ngày sư trụ trì viên tịch, để rồi khi trở lại thì ngôi chùa nhỏ đã thay đổi hoàn toàn thay đổi. Rất hiện đại và rất ồn ào. Sư cụ trụ trì đã mất, chú tiểu Huệ Ngố trở thành một nhà sư rất đẹp trai, tôi không biết dùng từ gì cho thích hợp, và rất lặng lẽ. Chú từ tốn chào tôi với thái độ của người quen cũ, rồi gởi trả tôi cuốn sách kèm theo lời cám ơn. Tôi làm lạ, nhưng không biết phải nói gì hơn đành từ giả ra về sau khi đề tặng chú cuốn sách ấy để làm kỷ niệm, rồi mang theo một niềm thắc mắc ra về khi được biết cái Tàng Kinh Các của sư Huệ Ngố không còn mà không biết tại sao và cũng không hỏi.
Khi xây mới một ngôi chùa hiện đại và ồn ào, người ta đã cố dọn cho sạch hết những gì thuộc ngôi chùa cũ rêu phong và tĩnh lặng. Những cây cối và hoa kiểng một thời tự do xanh mướt và trổ hoa, kết trái cũng được thay đổi bằng những chủng loại khác được o ép vào khuôn phép long lân quy phụng gì đó. Vậy mà không hiểu sao lại còn sót một bụi hoa dâm bụt. Có lẽ tại vì nó nằm chen giữa một khoảng đất chừng một mét vuông ngay góc hàng rào và khuất sau cây me nước cổ thụ không thuộc về ai, có lẽ vì thế mà nó tồn tại. Thỉnh thoảng nó lại ra hoa, không nhiều, một hoặc hai bông, nhiều lắm là dăm ba, rất khiêm tốn với cái khoảng không gian nhỏ bé, nhưng đầy sức sống với màu hoa đỏ thắm của nó trên nền lá xanh biếc làm cho sư Huệ Ngố cảm động. Hễ mỗi khi không việc gì thì sư lại đến chăm chút, ngắm nghía bụi hoa, bất kể ngày hay đêm, khi hoa nở hay hoa tàn, cả lúc chỉ là một màu xanh biếc, nhưng thấp thoáng nụ hoa. Sư vốn thích văn thơ cũng như kinh sách, vì vậy sư làm một tấm bảng nhỏ ghi bốn câu thơ của cụ Ức Trai đóng lên hàng rào cạnh bụi hoa dâm bụt:
Ánh nước hoa in một đóa hồng
Vẩn nhơ chẳng bén, bụt là lòng
Chiều mai nở, chiều hôm rụng
Sự lạ cho hay tuyệt sắc không
Cứ thế nhà sư trẻ tuổi và bụi hoa dâm bụt mặc nhiên trở thành biểu tượng lưu giữ một chút hơi hướm lặng lẽ cũ kỹ của ngôi chùa vừa đổi mới. Rồi một ngày chút hơi hướm lặng lẽ cũ kỹ ấy cũng bị xóa xổ khi người người ta đốn đi cây me nước, dĩ nhiên là bụi hoa dâm bụt cũng không còn, rồi dựng ở đấy một tấm bia kỷ niệm gì đó lợp đá hoa cương lộng lẫy mà lạnh tanh. Chút lặng lẽ cuối cùng không còn nữa, nhà sư trẻ cất bước vân du.

Không hiểu sao, tôi lại ghé vào một quán cà phê nằm khuất sau một con hẽm nhỏ trên một con đường ồn ào nhất của thành phố. Cái quán có cái tên rất lạ Cà phê Từ Từ, có ghi thêm cái tên tiếng Anh cũng khá ấn tượng Slowly Coffee. Khi bước vào, tôi chợt giật mình. Quán trông giông giống như là một quán cà phê vườn nhớp nháp mà tôi thường gặp và vào thì ê ê mặt. Quán rất rộng khoảng một ngàn mét vuông. Trông vào như là một mảnh vườn thứ thiệt, cây cối mọc tự do, có cả tiếng chim tha hồ hót và chỉ có thế, không một tiếng động, kể cả âm nhạc và những tiếng ồn ào ngoài phố. Khách không đông lắm, nhưng ai cũng có một cuốn sách hay tờ báo trên tay. Tôi vừa lạ lùng, vừa thú vị. Thay vì tìm một bàn để ngồi rồi gọi cà phê, tôi lại đi loanh quanh và càng thêm thú vị. Thấp thoáng trên tường, dưới gốc cây, dưới khóm hoa là những những bài thơ Thiền thời Lý Trần hoặc những bài thơ ngắn của những tác giả thuộc hàng Thái Sơn Bắc Đẩu trong làng thơ. Tất cả được viết một cách cẩn trọng kèm theo những hình vẽ minh hoạ màu đen bằng sơn hay mực tàu trên nhiều thứ vật liệu gỗ, lá, tre, giấy dó… và kiếng nữa để trần hoặc đóng khung thật đẹp. Nhưng cái làm tôi sững sờ là bài thơ Mộc Cận nằm khuất dưới bụi hoa dâm bụt. Những bông hoa đỏ thắm trên nền lá biếc, hàng chữ trắng trên nền đá xám xanh là một tổng hòa tuyệt diệu của sự tĩnh lặng. Tôi đưa mắt nhìn quanh mà không biết mình nhìn gì.
- Chào chú.
Một lới chào nghe như quen thuộc. Tôi quay lại. sư Huệ Ngố. Tôi chẳng biết phải xưng hô như thế nào, khi trước mắt tôi là một thanh niên khoảng trên dưới ba mươi, rất đẹp trai trong bộ cánh thế gian. Thật tình, tôi lúng túng. Như nhận ra điều đó, Huệ Ngố (tạm gọi vậy) nhìn tôi nói như là gợi chuyện:
- Từ ngày rời chùa trở về cuộc sống thế gian có ba điều mà cháu không bao giờ quên; đó là sư ông, những lần được nói chuyện với chú và cây dâm bụt bên hàng rào chùa. Và đó là lý do tại sao bài thơ Mộc Cận của cụ Ức Trai là bài thơ duy nhất được chạm trên đá.
- Cám ơn sư còn nhớ tôi.
Chàng thanh niên cười thật hiền:
- Cháu không tu nữa, xin chú đừng gọi thế. Cháu mời chú vào phòng khách. Chú cháu mình nói chuyện chơi. Cháu muốn tìm nhưng không biết chú ở đâu và nói ra thì chú đừng cười. Cháu không biết một tí gì về chú, kể cả tên.
Vừa đi tôi vừa trả lời:
- Thì tôi cũng vậy, tôi có biết về… cậu được gì đâu ngoài cái pháp danh được đọc trại ra.
Chàng thanh niên lại cười:
- Cháu vẫn giữ cái tên ấy, nhưng ít người gọi lắm. Hay là chú gọi cháu như thế đi. Thực tình, mỗi khi nghe ai gọi như thế thì lòng cháu nhẹ ra. Thật nhẹ. Nhưng trong cuộc sống, hình như mọi người không thích thế, dù cái tên ấy là của cháu và không gây phiền luỵ tới ai.
Khi vào phòng khách, lại một ngạc nhiên nữa cho tôi. Đúng là Tàng Kinh Các. Những dãy kệ nằm sát tường đầy ắp sách.
- Chú ngồi đi. Chú uống gì để cháu làm?
 Tôi  ngồi xuống vừa nói, vừa cười:
- Huệ Ngố cho gì thì chú uống nấy. Miễn đừng là bia rượu.
Huệ Ngố cười:
- Đúng là chỉ có chú mới hiểu cho cháu thôi. Vậy chú uống trà với Huệ Ngố vậy, như hồi còn ở chùa.
Huệ Ngố đi pha trà, tôi nhìn lướt qua từng kệ sách, lịch sử, văn học, thi ca, kinh Bụt và những sách viết về đạo Bụt. Ước lượng khoảng trên năm ngàn. Mỗi đầu sách chỉ từ một đến hai quyển. Đặc biệt có một kệ sách có cửa kính toàn sách đóng bìa cứng, chữ mạ vàng, toàn là thơ Thiền và kinh Bụt. Tôi thật sự bị choáng, là một tay mê sách. nhưng có một lượng sách như thế này quả là một điều tôi chẳng dám mơ.
Huệ Ngố đặt ấm trà và rót mời tôi và nói:
- Có lẽ là chú ngạc nhiên. Nhưng thực sự Huệ Ngố có được thế này là do một cơ duyên. Huệ Ngố  mồ côi, lớn lên nhờ sư ông bao bọc dạy dỗ. Đến khi sư ông viên tịch. Ngôi chùa được trụ trì mới trùng tu. Nói là trùng tu chứ thật ra là xây mới hoàn toàn như chú đã thấy. Huệ Ngố thực sự buồn, nhưng không biết phải làm sao? Khi bụi dâm bụt bị chặt bỏ, Huệ Ngố rời chùa mà không biết phải đi đâu, mà cũng chẳng biết tại sao mình rời đi. Huệ Ngố lang thang hết chùa này sang chùa khác khoảng một năm thì gặp một thí chủ, trước kia thường hay đến chùa lạy Bụt. Ông ấy trạc tuổi chú, mời Huệ Ngố đến nhà và bảo Huệ Ngố nhận lại số kinh, sách mà chùa gởi khi xây lại, ông ấy chuẩn bị định cư ở nước ngoài nên có đến chùa nhắc mấy lần, nhưng không ai đến nhận, khi gặp cháu ông ấy nhờ giữ giùm. Thực sự Huệ Ngố cũng không biết phải làm sao? Nhận thì để đâu. Huệ Ngố nói ra những khó khăn của mình và ông ấy giao luôn cho cháu mảnh đất này, cất cho cháu ngôi nhà này và để lại cho cháu một ít tiền. Thế là Huệ Ngố ở đây, cởi áo nhà chùa đi bán bánh mì độ nhật và giữ gìn kinh sách chờ nhà chùa đến nhận. Cách đây khoảng ba năm, trong lúc đi bán bánh mì, có một thằng bé khoảng mười một, mười hai tuổi gì đó mời cháu mua vé số, cháu không mua, em nó than vãn đủ điều. Cháu đành phải mua hết năm tấm vé số, thế là ngày hôm đó cháu phải gặm bánh mì. Mãi đến ba bốn ngày sau, cháu mới biết mình trúng số được hơn hai trăm triệu và cháu mở quán cafe này. Tiền lãi thì mua sách thêm và tu bổ dần cho khang trang. Kệ sách toàn đóng bìa cứng mà chú thấy là sách của nhà chùa, cháu thuê người đóng bìa lại và không cho mượn, để khi nào nhà chùa đến thì cháu giao lại.
Huệ Ngố bình thản nói với tôi, không phiền trách, không phấn kích và tôi có cảm  giác như mình  nằm mơ.
- Còn thằng bé bán vé số, Huệ Ngố có gặp lại không?
- Huệ Ngố có gặp lại, em nó ở với mẹ, cả hai đều từ dưới quê lên bán vé số kiếm sống. Bây giờ mẹ em đã có gia đình khác. Còn em thì về đây sống với Huệ Ngố. Hai anh hủ hỉ với nhau. Em nó cũng ngoan và chịu khó học hành.
Tôi hớp một ngụm trà rồi đứng dậy tham quan các kệ sách. Hơn phân nửa là sách mới, nhưng thú vị nhất vẫn là những cuốn sách xuất bản trước năm 1975 đã đươc đóng bìa mới. Huệ Ngố nói vọng theo:
- Ban đầu khách đến chỉ uống cà phê thôi. Nhưng hiện tại thì hầu hết khách đến đây là để đọc sách, báo. Cháu không cho mượn sách về nhà, có vài người tỏ vẻ không bằng lòng, nhưng sau họ cũng hiểu.
Tôi vẫn ngắm nghía những cuốn sách trên kệ và tìm gặp cuốn Ức Trai di tập của Bùi văn Nguyên. Cuốn sách rất cũ, xuất bản năm 1994, nhưng còn tinh tươm như chưa có ai giở ra bao giờ. Với tay rút cuốn sách, tôi lật ra, hàng chữ “tặng Huệ Ngố” màu mực như còn mới nguyên. Tôi nghe một cảm gác thật lạ chạy suốt trong người.
- Một lần nữa cám ơn chú. Nhờ cuốn sách này mà Huệ Ngố mới tìm đọc lịch sử nước nhà. Tiếng Huệ Ngố vọng sau lưng, giọng nói ấy lại tiếp tục.  Chú đến với Huệ Ngố thường nghe. Chú có thể mang về nhà bất cứ cuốn sách nào mà chú muốn.
Tôi nghe ấm lòng, cả hai trở lại bàn. Chúng tôi, một già một trẻ rù rì về chuyện sách vở, chuyện lịch sử, chuyện thơ văn.

Một ngày đẹp nhất của tôi đã đến. Bình thản và tĩnh lặng.

Quán Tâm Nguyễn Hiền Nhu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét