Người theo dõi

Thứ Ba, 11 tháng 10, 2016

Đại Nam Liệt truyện Tiền biên, một tác phẩm sử học về Đàng Trong

Đại Nam Liệt truyện Tiền biên, một tác phẩm sử học về Đàng Trong
This entry was posted on Tháng Mười 7, 2016
s

Cao Tự Thanh
Nếu tiến hành xây dựng một Thư mục các tài liệu viết về lịch sử Việt Nam ở Đàng Trong ra đời trong những thế kỷ trước, thì số lượng và tình hình các đơn vị còn lại đến nay sẽ làm nản lòng nhiều người nghiên cứu.

Những ghi chép, báo cáo, thư từ, nhật ký của các thương nhân, giáo sĩ phương Tây loại Tư liệu của Công ty Đông Ấn Thống nhất (Verenigde Ocstindische Comapagnie – VOC) Hà Lan (thế kỷ XVII – XVIII), A New Account of the East Indie của A. Hamilton, L’Etat de l’agriculture et les moeurs et les arts des peuples the l’Afrique et de l’Asie của P.Poivre (thế kỷ XVIII) hay như A. Launay giới thiệu trong Histoire de la Mission de Cochinchine (1658 – 1823) – Documents histoiriques, một số tác phẩm chữ Hán nước ngoài loại Văn hiến thông khảo của triều Thanh,Hải ngoại kỷ sự của Thích Đại Sán (Trung Quốc), Giao Chỉ quốc mậu dịch độ hải đồ của Trà ốc Tứ lang Thứ lang (?), Ngoại phiên thư hàn(thường được gọi là Ngoại phiên thông thư) của Cận đằng Trọng tàng (Nhật Bản) (1) hay các tác phẩm viết bằng chữ quốc ngữ la tinh như Truyện nước An Nam Đàng Trong của Philiphê Bỉnh (viết năm 1822)… thì nhìn chung không dễ có đủ dưới tay và vì các lý do ngôn ngữ cũng khó sử dụng. Mảng tài liệu Hán Nôm Việt Nam có phần quen thuộc hơn lại rất ít ỏi: Nam triều công nghiệp diễn chí của Nguyễn Khoa Chiêm, Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn, Nam hành ký đắc của Phạm Nguyễn Du, Thuận Hóa Quảng Nam Thực lục, Nam Hà tiệp lục… của một số tác giả khuyết tên (thế kỷ XVIII), Hà Tiên trấn Hiệp trấn Mạc thị gia phả của Võ Thế Dinh, Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức, Đại Nam Thực lục Tiền biên, Đại Nam Liệt truyện Tiền biên của Quốc sử quán triều Nguyễn (thế kỷ XIX)…
Thế nhưng ngay cả số tài liệu ít ỏi ấy của người Việt Nam cũng chưa được tìm hiểu đầy đủ và giới thiệu rộng rãi, trong đó có Đại Nam Liệt truyện Tiền biên, công trình biên soạn lịch sử viết theo thể kỷ truyện duy nhất thời phong kiến về lịch sử Việt Nam ở Đàng Trong thế kỷ XVII – XVIII (trở xuống viết tắt là lịch sử Đàng Trong) và là một trong hai bộ chính sử hiếm hoi về Đàng Trong của nhà nước phong kiến triều Nguyễn. Và vì đến nay thì lịch sử Đàng Trong vẫn còn một số khía cạnh chưa được quan tâm đúng mức và nhìn nhận thỏa đáng, nên việc tìm hiểu Đại Nam Liệt truyện Tiền biên với các giá trị sử học và lịch sử của nó vẫn là vấn đề có thể đặt ra.
Lịch sử Đàng Trong – Đặc điểm và vấn đề
Khác với các công trình biên soạn lịch sử viết theo thể biên niên, Đại Nam Liệt truyện Tiền biên phản ảnh lịch sử Đàng Trong thông qua hệ thống hành trạng cá nhân – tiểu sử nhân vật. Song mặc dù có những khác biệt cơ bản về thể loại – bút pháp sử học, giữa nó với Đại Nam Thực lục Tiền biên vẫn có những điểm chung như đều thể hiện quan điểm chính thống về lịch sử Đàng Trong của giai cấp phong kiến triều Nguyễn, đều ít nhiều phản ảnh thực tế lịch sử của dân tộc trong gần hai trăm năm phát triển trên nửa phần đất nước phía nam. Chính ở đây, cần nhìn lại lịch sử Đàng Trong với các đặc điểm và vấn đề của nó, vì trong mối liên hệ đối tượng – cách thức – kết quả phản ảnh, các đặc điểm và vấn đề này chính là hệ thống ấn chứng giá trị sử học và lịch sử của Đại Nam Liệt truyện Tiền biên.
Nhiều công trình biên soạn lịch sử trước nay vẫn mô tả quá trình dẫn tới sự chia rẽ trong nội bộ triều Lê trung hưng thế kỷ XVI – XVII và tình trạng chia cắt đất nước thành hai tiểu quốc Đàng Trong – Đàng Ngoài sau đó như kết quả của những mâu thuẫn và xung đột bè phái, những ý đồ và hành động cá nhân… mà cụ thể là việc tranh giành quyền bính giữa hai phe Trịnh Nguyễn. Điều đó đúng, nhưng chưa đủ. Bởi vì quả là để tránh cái họa sát thân từ phía người anh rể Trịnh Kiểm mà Nguyễn Hoàng đã xin vào trấn thủ Thuận Hóa, nhưng giữa mục đích “Liệu mà xa chạy cao bay” khỏi những nguy cơ đang rình rập tại triều đình Tây Đô năm 1558 và ý đồ “Triều đình riêng một góc trời” của Đoan quốc công năm 1600 rồi kết quả “Gồm hai văn võ rạch đôi sơn hà” của họ Nguyễn từ chúa Tiên đến chúa Sãi lại là một quá trình không đơn giản.
Nói rõ hơn, việc họ Nguyễn từng bước ly khai rồi ra mặt chống đối chính quyền Lê Trịnh phải được xem xét trong một hoàn cảnh với các yếu tố khách quan mà họ Nguyễn lợi dụng được và buộc nhóm Lê Trịnh phải nhượng bộ để họ cát cứ phương nam, trong đó nổi bật là diễn tiến của cuộc chiến tranh Nam Bắc triều và điều kiện lịch sử – tự nhiên của vùng Thuận Quảng. Bên cạnh đó, giống như một sự trái ngược với truyền thống thống nhất lâu đời của dân tộc, trong gần hai trăm năm Đàng Trong lại tồn tại như một khu vực chính trị biệt lập với toàn quốc và đáng nói là khá yên ổn với tình trạng cát cứ, đồng thời có vẻ mâu thuẫn với các quy luật lịch sử phổ biến thời phong kiến, mặc dù cũng bóc lột các tầng lớp nhân dân với mức độ còn hơn cả tập đoàn Lê Trịnh, giai cấp thống trị Đàng Trong lại hầu như không phải đối phó với phong trào khởi nghĩa nông dân.
Tất cả những điều nói trên buộc người ta phải đặt vấn đề tìm hiểu lịch sử Đàng Trong như một kết hợp giữa hai quá trình có liên quan về nội dung nhưng biệt lập về tính chất: tiến trình kinh tế – xã hội Việt Nam trên địa bàn phía nam đất nước thế kỷ XVII – XVIII và diễn trình xây dựng lực lượng theo hướng ly khai và đối lập với chính quyền Lê Trịnh của tập đoàn phong kiến Đàng Trong. Chính trên cơ sở mối liên hệ và tác động qua lại giữa hai quá trình khác nhau về nguồn gốc và động lực, định hướng và nhịp điệu này mà lịch sử Đàng Trong với các đặc điểm của nó đã hình thành, mặt khác cũng chỉ với sự ý thức về những khác biệt nói trên người ta mới có thể tìm hiểu các vấn đề của lịch sử Đàng Trong một cách toàn diện và nhất quán.
Chẳng hạn, vì không phân biệt rạch ròi hai quá trình nói trên mà một số công trình biên soạn hay nghiên cứu lịch sử đã lấy 1558 tức năm Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa làm điểm bắt đầu của lịch sử Đàng Trong – việc đặt nặng hành trạng cá nhân ở đây đã dẫn tới sai lầm trong việc phân kỳ lịch sử, hay vì chưa tìm hiểu đầy đủ về hai quá trình ấy mà nhiều người đã đơn giản hóa nguồn gốc kinh tế của các mâu thuẫn xã hội ở Đàng Trong thời Tây Sơn khởi nghĩa nên do đó lại quy toàn bộ và ngay lập tức phong trào này vào phạm trù khởi nghĩa nông dân. Mặt khác, từ góc độ chính trị mà nhìn thì lịch sử Đàng Trong chủ yếu là quá trình cát cứ với hai hoạt động Bắc cự và Nam tiến của tập đoàn phong kiến họ Nguyễn, song rõ ràng lực lượng thống trị này chỉ có thể làm được điều đó trên cơ sở những kết quả xây dựng kinh tế, phát triển văn hóa, tổ chức xã hội và bảo vệ Tổ quốc của các tầng lớp nhân dân Đàng Trong, nên ở đây cần nhìn lại tiến trình kinh tế – xã hội Việt Nam ở địa phương với những đặc điểm khách quan và trước hết từ “xuất phát điểm Thuận Quảng” buổi đầu của nó.
Vượt qua vùng Thanh Nghệ vào tới Thuận Quảng, những người Việt thế kỷ XIV – XV cũng tiến vào một vùng đất có điều kiện tự nhiên khác hẳn với ở đồng bằng sông Hồng, sông Mã. Tổng thể các yếu tố thổ nhưỡng, khí hậu, địa hình, sông biển… mới lạ nơi đây đã tác động mạnh mẽ tới đời sống vật chất của họ, khuôn nắn lại tập quán sản xuất nông nghiệp của họ nói riêng cũng như thực tiễn hoạt động kinh tế của họ nói chung. Với dải đất đồng bằng chật hẹp mà không mấy phì nhiêu bị kẹp giữa núi rừng hoang vu phía tây và biển cả bất trắc phía đông, vùng Thuận Quảng quả là một thử thách to lớn đối với các nhóm cư dân người Việt vốn có truyền thống nông nghiệp trồng lúa nước.
Hoàn cảnh tự nhiên nói trên cùng với những hạn chế về khoa học kỹ thuật – sức sản xuất thời phong kiến buộc người Việt ở đây phải thích ứng để tồn tại bằng một phương thức hoạt động kinh tế khác với ở đồng bằng Bắc Bộ, và quá trình phát sinh rồi định hình của phương thức ấy cũng là quá trình họ thực hiện một sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế qua thực tiễn lao động và sáng tạo trên địa bàn sinh tụ mới, vì đất đai cằn cỗi song chứa đựng ít nhiều khoáng sản, núi rừng hiểm trở lại dồi dào lâm sản, và biển cả gây bão lụt thì cũng có đủ loại cá tôm.
Cho nên đến giữa thế kỷ XVI thì bên cạnh các hoạt động sản xuất nông nghiệp như trồng trọt, chăn nuôi…, người Việt ở Thuận Quảng còn sinh sống bằng việc khai thác nguồn lợi tự nhiên, chính nguồn tài nguyên phong phú và phân bố đều khắp này đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho thủ công nghiệp và đặc biệt là thương nghiệp ở địa phương phát triển một cách mau chóng và ổn định. Bên cạnh đó, tập trung cư trú trên dải đồng bằng hẹp chạy dọc bờ biển, cư dân Thuận Quảng còn có lợi thế về giao thông vận tải và ngoại thương làm thành hệ thống bổ sung – yếu tố kích thích quan trọng cho năng lực sản xuất và tiềm lực kinh tế nội địa, điều này đã được minh chứng qua quá trình phát triển và tình trạng phồn vinh của thương cảng Hội An (2).
Các tài liệu lịch sử và địa phương chí viết về vùng Thuận Quảng như Ô Châu cận lục (1555),Hải ngoại kỷ sự(1694), Phủ biên tạp lục (1776), Truyện nước An Nam Đàng Trong (1822)… đều ít nhiều phản ảnh tình hình đặc biệt nói trên, khi mà hoàn cảnh khách quan buộc con người Việt Nam ở Thuận Quảng trước thời Đàng Trong phải lao động và sáng tạo theo một phương thức tồn tại vật chất và với một cơ cấu phân công lao động xã hội khác hơn so với ở đồng bằng Bắc Bộ.
Cần nhấn mạnh rằng định hướng thích ứng và mô hình phát triển ấy lại được liên tục củng cố và bổ sung vào cuối thế kỷ XVI bởi hoạt động ngoại thương – hàng hải đang bắt đầu khởi sắc ở khu vực Đông Nam Á, với sự xuất hiện ngày càng đông đảo và nhộn nhịp của các thương thuyền Trung Hoa, Nhật Bản và phương Tây. Cho nên sau khi Nguyễn Hoàng giết được tướng Mạc Lập Bạo năm 1572 – giữ được sự ổn định chính trị ở Thuận Quảng thì “thuyền buôn các nước đến nhiều, đổi chác phải giá” (3), và bước qua thế kỷ XVII thì Hội An không còn đơn thuần là một thương cảng xuất nhập khẩu thông thường nữa mà đã trở thành điểm giao dịch của thương nhân nước ngoài và nơi quá cảnh của hàng hóa ngoại quốc, chẳng hạn việc người Trung Quốc chở tơ lụa tới đó bán cho người Nhật Bản như ghi nhận của giáo sĩ Corvalho (4).
Cùng với các đặc điểm văn hóa – xã hội có liên quan, tất cả những điều nói trên tạo ra tiền đề tự nhiên – lịch sử khách quan của tiến trình kinh tế – xã hội Việt Nam ở địa phương, tiền đề mà nhiều thế hệ người Việt đã khai thác một cách cần cù, dũng cảm và thông minh để rồi tạo ra được một Thuận Quảng năng động và trẻ trung trên bản đồ kinh tế – xã hội Việt Nam thế kỷ XVI. Chính cái Thuận Quảng này đã được “tái sản xuất mở rộng” thành Đàng Trong trong thế kỷ XVII – XVIII với một tốc độ đáng kinh ngạc: trong vòng chưa đầy hai trăm năm Nam tiến, cộng đồng Việt Nam ở Thuận Quảng đã mở rộng thêm địa bàn cư trú – xác lập được không gian xã hội của mình trên suốt một vùng đất rộng lớn kéo dài từ Phú Yên tới Hà Tiên.
Đồng thời, khác với miền Bắc là nơi đã xác lập được một đời sống văn hóa – xã hội khá thuần nhất với các thiết chế, tổ chức và quan hệ “kiểu Việt” lâu đời, vào thế kỷ XVI Thuận Quảng vẫn còn là một địa bàn đang diễn ra các quá trình song ngữ và song văn hóa (5). Ô Châu cận lụctừng ghi nhận “Tiếng nói thì hơi giống miền Hoan Ái, áo mặc thì không khác lối Trung Hoa… Tháng tư tháng năm còn để lúa ngoài ruộng mà quá kỳ chưa thu về, tháng sáu tháng bảy thì thả trâu ngoài đồng mà cả tuần không chăn dắt… Cày thì đóng đôi trâu, mà cái cày ở giữa, bừa thì như tấm phản, mà người đứng ở trên… An táng thì múa hát trước linh cữu, gọi là Tiễn vong, giỗ đầu thì cúng tế lúc gà gáy, gọi là Cúng trộm… Thói cũ đã lâu ngày, lối mới còn quá ít… Làng An Lai huyện Khang Lộc còn giữ dâm phong, làng Phù Lưu châu Bố Chánh có món thuốc độc… Nói tiếng Chiêm thì thổ dân làng La Giang, mặc áo Chiêm có con gái làng Thủy Bạn” đồng thời cũng ghi chép về việc thờ cúng các thần thánh người Chăm, người Hoa như đền Thai Dương ở huyện Kim Trà, đền Tứ vị thánh nương ở châu Minh Linh (6).
Nhìn chung, đến giữa thế kỷ XVI thì màu sắc đa dân tộc của xã hội Việt Nam ở Thuận Quảng đã định hình, với hệ thống các yếu tố ngôn ngữ, phong tục, tín ngưỡng, công cụ… có nguồn gốc khác nhau hiện diện trong cả hoạt động sản xuất lẫn sinh hoạt, trên cả phương diện vật chất lẫn tinh thần của đời sống văn hóa. Theo thời gian, đặc điểm nói trên ngày càng trở nên ổn định đồng thời thực sự hiện diện như một phương thức phát triển văn hóa, vì vào thế kỷ XVII – XVIII cộng đồng Việt Nam ở Đàng Trong còn thường xuyên tiếp xúc với các thương nhân, giáo sĩ phương Tây, Nhật Bản tới buôn bán, truyền đạo cũng như lần lượt tiếp nhận thêm nhiều tộc người khác, chẳng hạn các nhóm người Khmer Nam Bộ và những di thần phản Thanh phục Minh Trung Hoa từ Hoa Nam tới tỵ nạn chính trị ở Biên Hòa, Mỹ Tho…
Không lạ gì mà vào thế kỷ XVIII ở Hội An đã hình thành một loại ngôn ngữ lai pha trộn tiếng Việt với các phương ngữ Hoa Nam (7), và người ta còn nhớ rằng từ 1605 Trịnh Tùng đã cho chế một loại xe hai bánh có mui, bốn vách và bậc thang lên xuống theo kiểu mà Nguyễn Hoàng đưa ra Thăng Long – kiểu xe mà có nhà nghiên cứu cho rằng có nguồn gốc từ Bồ Đào Nha hay Nhật Bản (8). Rõ ràng là với kinh nghiệm phát triển văn hóa qua thực tế đa dân tộc ở vùng Thuận Quảng, người Việt đã tiến tới xây dựng tại Đàng Trong một đời sống xã hội mang màu sắc phức hợp Đông Nam Á cùng với một truyền thống văn hóa địa phương mang tính khai phóng được liên tục bổ sung và củng cố qua lịch sử, trên cơ sở thực tiễn giao lưu kinh tế với hoạt động thương nghiệp khá phát triển đương thời.
Từ xuất phát điểm lịch sử nói trên, cộng đồng Việt Nam ở Thuận Quảng bước vào thời kỳ Đàng Trong trong hoàn cảnh cuộc chiến tranh Nam Bắc triều chưa kết thúc và sau thất bại cuối cùng năm 1600 của Nguyễn Hoàng trên ý hướng nỗ lực trở về khẳng định vị trí và quyền hành của họ Nguyễn giữa triều đình nhà Lê trung hưng. Ở đây cần nhắc lại một truyền thuyết dân gian về lịch sử Trịnh Nguyễn phân tranh được Philiphê Bỉnh tóm tắt “Vì Trịnh Bân là quan Phù mã chẳng giữ lời nhà Nguyễn đã trối lại cho mình rằng: trị nước thay vì nhà quan Tiên, cho đến khi người đã đến tuổi mà trị nước, song khi người đã đến tuổi, thì Trịnh Bân toan cướp quyền, cho nên chúa Tiên phải vào Đàng Trong mà trị, liền chia ra làm hai nước” (9).
Dĩ nhiên, chắc Nguyễn Kim không để lại một di chúc kiểu ấy đồng thời lối giải thích lịch sử như vậy quả cũng đơn giản nếu không nói là ngây thơ, song truyền thuyết trên cho thấy rằng theo quan niệm “cha truyền con nối” phổ biến đương thời thì Trịnh Kiểm cũng dễ bị coi là kẻ “cướp quyền” của họ Nguyễn. Không phải ngẫu nhiên mà đến 1569 – 1570 Nguyễn Hoàng đã ra Tây Đô yết kiến vua Lê vào lúc Trịnh Kiểm ốm nặng, rõ ràng là cũng có ý đồ “lấy lại” quyền hành.
Cho nên với sự khôn ngoan của một kẻ lão luyện trong chính trường, trước khi chết vị Minh Khang Thái vương của họ Trịnh cũng đã kịp thời chủ động nhượng bộ bằng cách giao luôn cho người em vợ quyền kiêm lãnh Trấn thủ cả Thuận Hóa – Quảng Nam để đổi lấy một sự chấp nhận về địa vị của các con mình sau đó (10). Sự nhượng bộ có tính chất sách lược nhưng khá biết điều ấy hiển nhiên cũng làm vừa ý Nguyễn Hoàng, vì việc cai trị đất Quảng Nam giàu có và bình yên rõ ràng hấp dẫn hơn việc lao khổ tranh giành quyền bính ở cung đình để rồi nếu thành công lại phải bôn ba cầm quân đánh Mạc, mặt khác bị chẹt giữa Quảng Nam và Thanh Nghệ, Thuận Hóa cũng không thể trở thành cơ sở cho họ Nguyễn xây dựng thế lực mà tranh bá đồ vương… Không lạ gì mà Nguyễn Hoàng đã mau chóng rời Thanh Hoa về nhận bàn giao để Trấn thủ Quảng Nam Nguyễn Bá Quýnh ra giữ Nghệ An, rồi mãi đến 1593 mới đem quân ra Bắc – khi Trịnh Tùng đã đánh đuổi được nhà Mạc, đưa vua Lê vào thành Thăng Long. Nhưng sau hai mươi năm cầm quyền như một ông vua không ngai của triều Lê, Trịnh Tùng cũng quá đủ kinh nghiệm để hạn chế uy quyền và đẩy lùi ảnh hưởng của ông cậu ruột. Chính vì vậy mà đến 1600 vị Thái tổ Gia Dụ hoàng đế của nhà Nguyễn đành từ bỏ ước mơ tranh giành quyền bính với họ Trịnh ngay tại cung đình mà đem quân về Thuận Hóa, có điều lần này thì theo một cung cách ít minh bạch song nhiều tính toán, với việc để lại một số con cháu làm con tin để trấn an triều đình nhà Lê (11).
Với sự kiện này, Thuận Quảng bắt đầu trở thành Đàng Trong.
Hậu quả trực tiếp của việc Nguyễn Hoàng lặng lẽ đem quân về nam năm 1600 và các biến động chính trị sau đó đã tạo ra tình thế lịch sử với tương quan lực lượng thuận lợi cho họ Nguyễn từng bước ly khai rồi tiến tới chống đối chính quyền Lê Trịnh. Lo sợ Nguyễn Hoàng ngầm vào đánh chiếm Thanh Hoa, Trịnh Tùng vội vã đưa Lê Kính tông trở về “giữ nơi căn bản”, để mặc tướng sĩ nhà Mạc ở miền Bắc nhao nhao nổi dậy, tôn mẹ Mạc Mậu Hợp làm Quốc mẫu rồi nối nhau theo Mạc Kính Cung về lại Thăng Long (12). Trong khi đó, sau việc tỏ ra vẫn thân thiện bằng việc gả con gái cho Trịnh Tráng, con Trịnh Tùng để họ Trịnh yên lòng, Nguyễn Hoàng đã ra sức chuẩn bị binh lương, vỗ về quan lại, xếp đặt hành chính, tổ chức cai trị…, thậm chí còn theo lời truyền thuyết mà dựng chùa Thiên Mụ để “tụ khí thiêng,bền long mạch” nhằm tuyên truyền cho vương cơ quốc tộ Đàng Trong mặc dù trước đó rất ghét đạo Phật và sư sãi (13) trên một đường hướng ráo riết xây dựng lực lượng cát cứ.
Dĩ nhiên trong tình thế ấy thì tập đoàn Lê Trịnh buộc phải lựa chọn việc hòa hoãn với họ Nguyễn phía nam để có thể tập trung đối phó với nhà Mạc phía bắc, nên mặc dù biết rõ “không thể khống chế được nữa”, Trịnh Tùng cũng chỉ dám hy vọng rằng Nguyễn Hoàng “không có mưu đồ gì khác” (14), nghĩa là đành mặc nhiên chấp nhận việc họ Nguyễn tự trị ở Thuận Quảng theo hướng ly khai chính quyền trung ương.
Sự nhượng bộ bất khả kháng ấy hiển nhiên đã đẩy nhanh tốc độ cũng như củng cố ý đồ xây dựng lực lượng để cát cứ phương nam của Nguyễn Hoàng – mặc dù đến 1627 Nguyễn Phước Nguyên mới dàn quân chống Trịnh trên sông Nhật Lệ, chính thức tô thêm mảng màu thứ ba trên bản đồ chính trị Đại Việt, từ 1613 người ta đã thấy Nguyễn Hoàng công khai trăn trối với Phước Nguyên là phải cố gắng giữ gìn đất đai Thuận Quảng để chống chọi với họ Trịnh mà xây dựng cơ nghiệp muôn đời (15). Cuộc hưu chiến giữa hai bên sau trận đánh cuối cùng năm 1672 do đó cũng chỉ là sự xác nhận một cục diện chính trị mà các đường nét cơ bản đã bắt đầu hình thành như một xu thế tất yếu và hơn thế nữa, đã được những người đứng đầu của cả hai bên dự kiến mặc dù đều ít nhiều không chấp nhận ngay từ năm 1600.
Khởi đi từ “nhát cắt” chính trị ấy, Thuận Quảng cứ dần dần tách rời khỏi quỹ đạo và sau cùng trở nên hoàn toàn biệt lập với sự phát triển kinh tế – xã hội của toàn quốc. Những khó khăn chính trị của cả Lê Trịnh lẫn Nguyễn đều không đủ tạo ra tình thế mới cho bên kia lợi dụng mà thay đổi tương quan lực lượng, đồng thời những nỗ lực quân sự của cả hai bên trong thời gian 1627 – 1672 đều thất bại khiến cho cuộc đấu tranh thống nhất đất nước ở đây chỉ còn ý nghĩa của một cuộc chiến tranh nồi da xáo thịt, và sự bất lực trong hoạt động thực tiễn đi liền với sự suy thoái về đạo đức chính trị ấy của giai cấp phong kiến Việt Nam thế kỷ XVII cũng đẩy đất nước vào tấn bi kịch dưa chia khăn xé kéo dài hơn một trăm năm sau.
Nhưng trong tổn thất to lớn chung này của dân tộc, dường như cộng đồng Việt Nam ở Đàng Trong cũng ít nhiều được lịch sử dành cho một sự đền bù. Bị tách rời và trở nên biệt lập với phần Việt Nam ở Đàng Ngoài, Đàng Trong lại ít bị quá khứ kinh tế tiểu nông lạc hậu cũ kỹ trong đất nước trước đó trì kéo, trong khi từ xuất phát điểm là thực trạng kinh tế – xã hội Thuận Quảng thế kỷ XVI đồng thời chịu tác động từ chính sách cai trị của các chúa Nguyễn, con người Thuận Quảng – Đàng Trong thế kỷ XVII – XVIII đã tiến tới một lề lối hoạt động kinh tế và phát triển xã hội có nhiều khía cạnh cởi mở và tích cực hơn so với ở Đàng Ngoài. Không phải ngẫu nhiên mà sau chưa đầy hai trăm năm tính từ 1600, Thuận Quảng đã trở thành một Đàng Trong kéo dài tới tận Hà Tiên trên không gian và nảy sinh được một Tây Sơn về xã hội. Ở đây có một vấn đề giống như “chất lượng của sự phát triển”, nó tạo ra trong tiến trình lịch sử ở Đàng Trong một động thái đặc biệt mà tác động và ảnh hưởng đã để lại nhiều dấu vết khá rõ nét trong lịch sử và văn hóa Việt Nam. Có nhiều yếu tố đan xen và kết hợp với nhau làm nên cái “chất lượng” này, nhưng yếu tố chủ yếu đã làm nên tiền đề vật chất khách quan của nó chính là kinh tế thương nghiệp ở Đàng Trong thế kỷ XVII – XVIII.
Để tái hiện một cách đầy đủ và chính xác bức tranh kinh tế – xã hội Việt Nam ở Đàng Trong thế kỷ XVII – XVIII thì còn phải tiến hành nhiều công trình nghiên cứu lớn, nhưng có thể thấy ngay rằng khác với chính quyền Lê Trịnh, trong gần hai trăm năm thống trị cho đến trước 1771, tập đoàn phong kiến Đàng Trong lại hầu như không phải đối phó với phong trào khởi nghĩa nông dân. Trong khi đó, các mâu thuẫn xã hội trong kinh tế nông nghiệp ở vùng này, đặc biệt là ở khâu phân phối sản phẩm không phải là không gay gắt, chẳng hạn vào cuối thế kỷ XVII nông dân Đàng Trong phải đóng thuế cho chính quyền tới hơn 2/3 số hoa lợi mà họ sản xuất được bằng lao động nông nghiệp và khai thác nguồn lợi tự nhiên, đó là chưa kể những khoản “phụ thu” qua công việc phu phen lao dịch.
Nhà sư Trung Hoa Thích Đại Sán từng ghi nhận tình hình này như sau “Trong nước dân rất khổ, đất ruộng ít ỏi, lúa chẳng đủ ăn. Dân thổ trước một dải Thuận Hóa Hội An đều sống nhờ lúa của các hạt khác… Sau núi trước biển chỗ nào có bãi cát thì dân cất nhà ở, tùy số dân nhiều ít tập hợp làm một xã, xã có Cai, có Xã trưởng. Ruộng cấy lúa, hoa lợi phải nạp vào công khố chừng bảy tám phần mười, dân chỉ được hưởng hai ba phần mà thôi. Ngoài ra có người làm nghề đánh cá hái củi, đem về nạp cả cho bọn Cai trưởng, bọn này cấp hoàn cho bao nhiêu được nhờ bấy nhiêu. Thế mà còn phải nạp thuế thân mỗi năm 12.000 đồng tiền (2 quan) và các thứ tre gỗ muối gạo thổ sản.
Gặp lúc nhà vua có việc công, Cai xã bắt dân phu ra ứng dịch, mọi người phải lo cơm đùm gạo bới đi làm” (16). Thực tế đầy vẻ nghịch lý nói trên không cho phép nhìn nhận tiến trình lịch sử ở Thuận Quảng – Đàng Trong như thế kỷ XVII – XVIII chỉ trong khuôn khổ các quy luật kinh tế – xã hội thời phong kiến, vì mặc dù cũng phải tồn tại trên một căn bản sản xuất nông nghiệp – cộng đồng Việt Nam ở đây lại cò một phương thức sinh hoạt vật chất (sản xuất, phân phối, tiêu dùng…) khác, trong đó kinh tế thương nghiệp chiếm một địa vị quan trọng cũng như đóng một vai trò tích cực hơn. Đây là yếu tố chủ yếu đã đẩy mạnh tốc độ, tăng nhanh vòng quay của quá trình “tái sản xuất mở rộng xã hội” đời sống kinh tế – xã hội với các hoạt động, quan hệ và thiết chế xã hội “kiểu Việt” ở Đàng Trong, góp phần điều hòa các mâu thuẫn kinh tế trong khâu phân phối – tiêu dùng đồng thời thúc đẩy hoạt động giao tiếp trong nội bộ dân tộc, góp phần quan trọng vào việc nhất hóa nhiều nhóm cư dân có nguồn gốc dân tộc –truyền thống văn hóa khác nhau trên địa bàn này thành một cộng đồng thống nhất trước hết về mặt chính trị.
Chẳng hạn, chắc chắn nguồn lúa gạo hàng hóa khá nhiều và rất rẻ từ Nam Bộ bán ra Thuận Quảng đã góp phần điều hòa mâu thuẫn trong kinh tế nông nghiệp ở Đàng Trong thế kỷ XVIII, cũng như rõ ràng hoạt động thương mại ở thị tứ Cù lao Phố, thương cảng Hà Tiên đã góp phần đẩy mạnh quá trình Việt hóa của các nhóm di thần phản Thanh phục Minh Hoa Nam tới tỵ nạn chính trị trên vùng Nam Bộ. Cùng với các yếu tố văn hóa truyền thống trong đó có thiết chế xã hội Nho giáo “vô thần” giúp người Việt quy tụ và hợp nhất được nhiều nhóm cư dân có truyền thống văn hóa – tín ngưỡng khác nhau, đây chính là yếu tố đã cho phép họ xóa bỏ một cách liên tục và mau chóng các đường ranh giới kinh tế – văn hóa từ Phú Yên tới Hà Tiên, tạo ra trên địa bàn Đàng Trong một thị trường khá thống nhất trước khi Tây Sơn khởi nghĩa.
Riêng với tập đoàn phong kiến Đàng Trong, đây còn là phương tiện cho nó huy động sức người sức của đồng thời kết hợp tiềm lực kinh tế nội địa với sức mạnh kỹ thuật nước ngoài thông qua hoạt động ngoại thương để xây dựng lực lượng mà đối đầu với Lê Trịnh phía Bắc cũng như phát triển thế lực về phương Nam, và trên cơ sở đó xây dựng một Đàng Trong biệt lập với Việt Nam đồng thời là một Đàng Trong không chứa đựng những Đàng Trong biệt lập.
Dễ hiểu vì sao mặc dù liên tục kéo dài về phía nam với các bản đồ nông nghiệp mang hình da báo nhưng ngoại trừ hai trường hợp có tính chất ngẫu nhiên là việc Trấn thủ Phú Yên Văn Phong dùng quân Chiêm Thành làm phản năm 1629 và sự kiện Phó tướng Long Môn Huỳnh Tấn chiếm đất Mỹ Tho dấy loạn năm 1688, con đường Nam tiến của cộng đồng Việt Nam ở Đàng Trong thế kỷ XVII – XVIII vẫn hoàn toàn không bị cản trở bởi những mưu đồ cát cứ, những ngã rẽ ly khai… Bên cạnh đó, trong bối cảnh giao lưu văn hóa thông qua hoạt động ngoại thương ở khu vực Đông Nam Á đương thời, kinh tế thương nghiệp còn tạo điều kiện cho con người Đàng Trong tiếp nhận nhiều yếu tố văn hóa – kỹ thuật nước ngoài, vận dụng chúng vào thực tiễn hoạt động của mình, làm giàu thêm kho tàng kinh nghiệm dựng nước và giữ nước của dân tộc.
Sự xuất hiện Phường Đúc ở Thuận Hóa với sự giúp đỡ của Jao da Crux người Bồ Đào Nha, phố Nhật ở Hội An với hoạt động của các thương gia Nhật Bản, Tao đàn Chiêu Anh Các ở Hà Tiên với sự tham gia của nhiều văn nhân Trung Quốc… là những ví dụ. Ở đây, kinh tế thương nghiệp còn góp phần un đúc nên sức mạnh hội tụ văn hóa của cộng đồng Việt Nam ở Đàng Trong, khiến họ có thể chủ động về lại với cội nguồn vào cuối thế kỷ XVIII – người ta đã thấy khi Lê Trịnh bằng lòng với Thuận Quảng thì Tây Sơn vẫn đánh chiếm Phú Xuân, còn khi Nguyễn Nhạc cho xây lại Lũy Thầy thì Nguyễn Huệ vẫn “không đợi mệnh vua anh” mà đem quân ra Bắc. Có thể nói thương nghiệp đã tạo ra trong cơ cấu xã hội học (17) ở Đàng Trong một hệ thống sản xuất vật chất năng động và cởi mở, tác động mạnh mẽ tới tất cả các hệ thống sản xuất tinh thần, giao tiếp, quản lý và tái sản xuất sinh học – xã hội. Với cơ cấu và động thái ấy, người Việt ở Đàng Trong đã mở rộng được không gian xã hội đồng thời vẫn duy trì được bản sắc văn hóa của mình trong thời gian trước khi Tây Sơn khởi nghĩa, để rồi hội nhập một cách tích cực và có hiệu quả vào trào lưu thống nhất đất nước trong thời kỳ sau.
Bên cạnh đó, nhìn từ khía cạnh là một tiến trình văn hóa, thì động lực và kết quả chủ yếu của lịch sử Đàng Trong thế kỷ XVII – XVIII chính là công cuộc khai thác phương Nam. Một cách ngẫu nhiên, lịch sử đã quy tụ lại trên con đường vào nam thời kỳ này hai ý chí và nỗ lực sinh tồn: nếu chế độ thuế má tận thu và tổ chức quân chính khắc nghiệt nhằm phục vụ cuộc chiến tranh Bắc cự của chính quyền Đàng Trong đã đẩy nhiều nông dân và dân nghèo ở Thuận Quảng lên đường vào nam tìm những không gian sống mới, thì xuất phát từ cả lợi ích trước mắt lẫn quyền lợi lâu dài của nó, tập đoàn phong kiến họ Nguyễn cũng không thể không quan tâm tới việc mở rộng địa bàn thu thuế về phía nam.
Cho nên chưa bao giờ con đường Nam tiến của dân tộc Việt Nam lại mở ra mau lẹ tới như vậy: trong vòng chưa đầy hai thế kỷ, người Việt đã vượt qua một quãng đường dài hơn cả quãng đường tổ tiên đi được suốt mấy trăm năm thời Lý, Trần, Lê. Và cũng khác với tiền nhân, họ mang trong hành trang Nam tiến của mình nhiều kinh nghiệm và kỷ niệm hơn, trong đó có ý thức cộng đồng hình thành qua thực tiễn đa dân tộc từ Thuận Hóa tới Hội An cũng như tinh thần nhân văn lắng đọng lại sau thảm kịch hàng trăm năm nồi da xáo thịt. Thông qua sức lao động, óc sáng tạo và lòng dũng cảm của nhiều tầng lớp nhân dân, những tiền đề lịch sử – xã hội ấy đã được tái sản xuất mở rộng với sự tham gia của kinh tế thương nghiệp mà trở thành đời sống văn hóa Việt Nam trên vùng đất hoang vu khắc nghiệt ở phương nam.
Nhiều hệ canh tác lần lượt xuất hiện và định hình, mang lại cho bản đồ Đàng Trong hàng loạt tụ điểm nông nghiệp và dân cư mới. Thiết chế Nho giáo truyền thống với hệ thống chuẩn mực xã hội “vô thần” được đại diện bởi nhân dân và sàng lọc qua thực tiễn nên mang thêm nguồn sinh lực mới vô hình trung lại rất phù hợp với việc tổ chức và quản lý một xã hội đa dân tộc, trở thành lợi khí cho người Việt trong việc nhất hóa chứ không đồng hóa các thiết chế xã hội mang mô hình tôn giáo kiểu Đông Nam Á của nhiều nhóm cư dân có phong tục và tập quán, tôn giáo và tín ngưỡng khác nhau. Sau kỹ thuật thủy chiến của các bộ chúng Hoa Nam dưới quyền Trần Thượng Xuyên, Dương Ngạn Địch thế kỷ XVII, quân đội Đàng Trong còn tiếp nhận kỹ thuật bộ chiến của người Chăm thế kỷ XVIII để bảo vệ biên cương, xác lập chủ quyền của cộng đồng Việt Nam trên đồng bằng Nam Bộ. Tiếng Việt từ Quảng Nam trở vào tiếp thu thêm nhiều yếu tố ngữ âm, từ vựng và phong cách ngoại sinh sẽ góp phần làm giàu cho ngôn ngữ văn học của dân tộc trong thời kỳ sau…
Với phương thức phát triển theo con đường hội tụ cởi mở và sáng tạo ấy, nhiếu yếu tố truyền thống và nội sinh của văn hóa Việt đã không ngừng được bổ sung cho hoàn thiện đồng thời các sức mạnh tri thức và tinh thần của nó cũng được phát huy tới độ chót trên chặng cuối của con đường Nam tiến thế kỷ XVII – XVIII ở Đàng Trong, làm hình thành trong cộng đồng Việt Nam ở đây nhiều hệ thống kinh nghiệm và cách thức thích ứng mới với thiên nhiên và lịch sử. Cũng có thể coi đây như một phương tiện văn hóa mà lịch sử chuẩn bị cho tương lai chính trị của dân tộc sau khi hoàn thành bản đồ Nam tiến, vì như người ta đã thấy, chính nhờ các hệ thống kinh nghiệm và cách thức ấy nên Tây Sơn mà chủ yếu là bộ phận dưới quyền Quang Trung đã liên tiếp đi từ Quy Nhơn ra Thuận Hóa rồi Đống Đa không có người đối thủ, cũng như Nguyễn Ánh đã lợi dụng các hệ thống ấy để lần lượt đưa ngọn cờ phục thù của mình từ Gia Định về Phú Xuân rồi tiến tới Thăng Long.
Tuy nhiên, quan sát tiến trình lịch sử Việt Nam ở Đàng Trong trước 1771, vẫn có thể nhận ra cái biệt sắc của một xã hội còn non trẻ và chưa hoàn chỉnh, mà nổi bật là tình trạng không toàn diện về nội dung của các quá trình cũng như hiện tượng không ăn khớp về tính chất và không đồng bộ về nhịp điệu giữa các hệ thống xã hội. Chẳng hạn, mặc dù có hoạt động thị trường khá phát triển từ cuối thế kỷ XVI, đến giữa thế kỷ XVIII, xã hội Đàng Trong vẫn không có một hệ thống tài chính ổn định tương ứng, bằng chứng là nạn đúc tiền giả đã gây ra lạm phát rồi khủng hoảng trong những năm 60 – 70. Hay tuy phát triển trên một đường hướng sản xuất hàng hóa khá rõ ràng, kinh tế nông nghiệp ở Nam Bộ thời Đàng Trong lại quay về với một chế độ chiếm hữu ruộng đất mang nhiều yếu tố của hình thức lãnh địa nhằm đáp ứng các yêu cầu khách quan của kinh tế thương nghiệp… Tình hình nói trên cũng bộc lộ nơi các hoạt động, quan hệ và thiết chế của chính quyền Đàng Trong trên cương vị là hệ thống quản lý xã hội.
Mặc dù thực tế quản lý buộc nó phải sử dụng ngày càng nhiều các tri thức – nhà nho, nghĩa là hướng tới một chính quyền kiểu phong kiến quan liêu, chính quyền Đàng Trong vẫn tồn tại trong một bộ máy tổ chức “quân chính” từ trung ương tới địa phương mà quyền hành thuộc về đám quan lại quý tộc xuất thân từ các thế gia võ tướng, hay tuy quản lý một nền kinh tế có quan hệ thị trường khá ổn định, đến giữa thế kỷ XVIII nó vẫn áp dụng một hệ thống thuế hiện vật chi tiết tới mức tủn mủn còn được ghi nhận trong Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn. Những điều này chính thể hiện năng lực thực tiễn có hạn của giai cấp phong kiến Đàng Trong trước hết trong việc nhận thức về thực trạng và định hướng cho tiến trình kinh tế – xã hội trên toàn vùng. Cho nên nếu khởi đi từ mục tiêu mở rộng địa bàn thu thuế theo quán tính ở một kẻ thu địa tô mà nó đã ngẫu nhiên có những hoạt động phù hợp với thực tế công cuộc khai thác phương nam và nhờ vậy cũng lãnh đạo được công cuộc Nam tiến thế kỷ XVII – XVIII một cách khá thành công, thì mặt khác nó lại không kiểm soát và điều chỉnh được các quá trình xã hội một cách phù hợp với tình thế và quy luật khách quan, vết nứt này trong cơ cấu xã hội học ở Đàng Trong đã toác ra với phong trào Tây Sơn khởi nghĩa.
Phải nói ngay rằng không thể nhìn nhận và tìm hiểu Tây Sơn chỉ đơn thuần như một phong trào khởi nghĩa nông dân, trước hết vì những đặc điểm trong sự hình thành của nó. Trước Tây Sơn ở Đàng Trong tuyệt nhiên không có các phong trào khởi nghĩa nông dân với kinh nghiệm và khí thế như ở Đàng Ngoài, vì trong một thời gian dài, mâu thuẫn về mặt chiếm hữu ruộng đất trong kinh tế nông nghiệp vùng này đã được liên tục giải quyết một cách tự phát và tạm thời trên con đường Nam tiến. Không phải sự bóc lột của giai cấp phong kiến đã trực tiếp làm xuất hiện một Tây Sơn, mà là sự yếu kém của chính quyền Đàng Trong trong việc điều hành kinh tế.
Việc lạm phát tiền tệ ở cấp vĩ mô do nạn đúc tiền giả gây ra bắt đầu phá hoại nền tảng kinh tế của xã hội Đàng Trong từ những năm 60 của thế kỷ XVIII, thế nhưng tờ sớ của Ngô Thế Lân năm 1770 về các biện pháp khắc phục chỉ rơi vào sự im lặng của kẻ cầm quyền (18). Phong trào Tây Sơn nổ ra đúng vào lúc cái loạn tiền kẽm đang làm đảo lộn toàn bộ đời sống kinh tế và xã hội ở Đàng Trong: những rối loạn trong cơ cấu tài chính ở đây dẫn tới tình trạng hỗn loạn trong hoạt động kinh tế trên tất cả các khâu sản xuất, lưu thông, phân phối, tiêu dùng và cùng với nó là sự sụp đổ không sao cứu vãn của hệ thống chính trị. Sự rúng động trước một tai họa tài chính như vậy chỉ có thể xảy ra ở một xã hội có hoạt động thị trường tương đối phát triển, và phản ứng của kinh tế thương nghiệp đã thể hiện khá rõ nét qua sự hình thành và phát triển buổi đầu của lực lượng Tây Sơn. Người ta đã thấy Nguyễn Nhạc, người đứng đầu cuộc khởi nghĩa này là một đầu nậu buôn trầu, cũng như đã thấy trong quân đội Tây Sơn các đạo Trung Nghĩa quân, Hòa Nghĩa quân gồm những khách thương người Hoa hay những tướng lĩnh vốn làm nghề đi buôn như Châu Văn Tiếp… Tính chất quần chúng cũng như vai trò thương nhân trong phong trào Tây Sơn ở thời kỳ đầu hình thành và phát triển ấy đã được một tác giả chống Tây Sơn đương thời là Hoàng Quang ghi nhận:
Trong non khói lửa đen sì,
Cờ thì treo áo, binh thì rút cây.
Rủ nhau chuột lũ cáo bầy,
Vuốt nanh khách khứa, cánh vai buôn bè.
Hoài Nam ca khúc
 (19)
Rõ ràng, chính mâu thuẫn giữa yêu cầu ổn định tài chính của kinh tế thương nghiệp với khả năng điều hành kinh tế của chính quyền phong kiến đã phá vỡ thế quân bình cần thiết của cơ cấu xã hội học vốn chưa hoàn chỉnh ở Đàng Trong thế kỷ XVIII, điều này vừa khẳng định về động lực xã hội vừa minh chứng cho động thái văn hóa của tiến trình lịch sử Việt Nam trên địa bàn này. Dĩ nhiên, sau khi Hoàng Ngũ Phúc vượt sông Gianh, mở Lũy Thầy khiến Đàng Trong rơi vào một không gian rộng lớn với nhiều vấn đề lịch sử phức tạp hơn, thì động lực và động thái ấy cũng dần dần thay đổi về định hướng tác động cũng như cơ chế vận động để đưa Đàng Trong trở lại với Việt Nam trên một đường hướng và với nhiều đặc điểm sẽ chi phối cả nội dung, nhịp điệu và kiểu thức phát triển của lịch sử dân tộc trong nhiều năm sau.
Nhưng đó là đề tài và nội dung của nhiều công trình nghiên cứu khác. Điều có thể khẳng định và cần phải nhấn mạnh ở đây là mặc dù phát triển nhanh trên đường hướng thương nghiệp và theo phương thức hội tụ, tiến trình kinh tế – xã hội Việt Nam ở Đàng Trong đến 1777 vẫn là một quá trình chưa hoàn chỉnh và cố nhiên là càng chưa hoàn tất. Cuộc nội chiến Tây Sơn – Nguyễn Ánh thời gian 1778 – 1802 lại là sự tiếp nối không trọn vẹn quá trình ấy mặc dù ở một quy mô khác, trong một dáng cách khác và bằng những phương tiện khác. Cho nên sau 1802, các đặc điểm của lịch sử Đàng Trong vẫn thường xuyên tái hiện và còn tán phát ra khắp Việt Nam, trở thành một câu hỏi lớn đặt ra trước hết với triều Nguyễn trên cương vị là người lãnh đạo đất nước và quản lý xã hội. Và xuất phát từ một cái nhìn hồi cố phù hợp với quyền lợi cũng như nhận thức của nó, triều Nguyễn đã giải đáp câu hỏi nói trên qua hoạt động tổng kết lịch sử Đàng Trong để đáp ứng yêu cầu lý giải các đặc điểm ấy bằng hai công trình sử học làĐại Nam Thực lục Tiền biên năm 1844 và Đại Nam Liệt truyện Tiền biên năm 1852.
Giá trị sử học và lịch sử của Đại Nam Liệt truyện Tiền biên
Sau Đại Việt thông sử của Lê Quý Đôn, Đại Nam Liệt truyện Tiền biên là công trình sử học thứ hai ở Việt Nam viết theo thể kỷ truyện, và sau Đại Nam Thực lục Tiền biên cũng của Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam Liệt truyện Tiền biên là công trình biên soạn thứ hai của triều Nguyễn về lịch sử Đàng Trong. Tính chất hiếm hoi nói trên không cho phép tìm hiểu giá trị tác phẩm chỉ trong phạm vi kết quả sử học với các nội dung sử liệu, kết cấu, bút pháp… thông thường, mà còn phải cả trên cơ sở bối cảnh sử học với những yếu tố tư tưởng, chính trị, học thuật… cụ thể ở đó nó xuất hiện. Trên đường hướng này, việc đặt Đại Nam Liệt truyện Tiền biên vào Niên biểu sử học của nó là vấn đề có thể và cần thiết được đặt ra.
Năm 1821, Minh Mạng sai soạn sách Liệt thánh Thực lục, đến năm 1833 lại chấn chỉnh tổ chức để tiếp tục công việc (20). Năm 1841 Thiệu Trị chính thức đặt một bộ phận trong Sử quán để chuyên trách nhiệm vụ này, đồng thời ra lệnh biên soạn thêm Đại Nam Liệt truyện Tiền biên(21). Năm 1844 Đại Nam Thực lục Tiền biên được khắc in, đến 1852 – 1853 Đại Nam Liệt truyện Tiền biên được hoàn thành (22). Có thể thấy ngay rằng trên Niên biểu sử học Việt Nam thế kỷ XIX thì hai tác phẩm này nằm trong một giai đoạn đặc biệt: chúng đều xuất hiện sau khi Minh Mạng tiến hành việc thống nhất đất nước về mặt hành chính (1831 – 1832) và trước khi thực dân Pháp xâm lược Việt Nam (1858), trong đó Đại Nam Liệt truyện Tiền biêncòn có một vị trí đáng quan tâm hơn: nó được khắc in sau sự kiện chiến hạm Pháp dưới quyền De Lapierre và Rigault de Genouilly gây hấn ở cửa biển Đà Nẵng năm 1847, bắt đầu đặt Việt Nam trước hiểm họa xâm lăng của chủ nghĩa tư bản – thực dân phương Tây. Nhưng để hiểu được những nét chung và riêng ấy thì phải trở lại với quan điểm chính thống của triều Nguyễn về lịch sử Đàng Trong, quan điểm đã hình thành qua thực tiễn thống trị suốt mấy mươi năm trên toàn đất nước Việt Nam của nó.
Giống như nhiều tác phẩm sử học mang tính chất chính thống thời phong kiến nói chung, Đại Nam Thực lục Tiền biên Đại Nam Liệt truyện Tiền biên đều chỉ tập trung ghi chép về sinh hoạt trong cung đình, hành vi của vua quan, hệ thống chính trị và pháp luật trong quốc gia, hoạt động cai trị và thu thuế của chính quyền…, tóm lại chủ yếu chỉ trực tiếp phản ảnh lịch sử chính trị. Và trong trường hợp này thì cần nhấn mạnh rằng đó là một lịch sử chính trị được ghi nhận bởi một lực lượng có hoàn cảnh, thực lực và mục tiêu chính trị hoàn toàn khác. Không thể quan niệm chính quyền Đàng Trong thế kỷ XVII – XVIII và nhà nước triều Nguyễn thế kỷ XIX như hai giai đoạn lịch sử của một vương triều duy nhất, mặc dù ở đây có một liên hệ hiển nhiên về mặt huyết thống từ Nguyễn Hoàng tới Nguyễn Ánh cũng như một thực tế rõ ràng về việc phục thù của Nguyễn Ánh trong nội chiến 1778 – 1802.
Vì các chúa Nguyễn thời Đàng Trong là kẻ chia cắt đất nước, dựa vào bộ máy quân chính và lợi dụng kinh tế thương nghiệp để chống đối chính quyền trung ương mà bảo vệ quyền lợi “phiên vương”, còn các vua triều Nguyễn nửa đầu thế kỷ XIX là kẻ thống nhất quốc gia, xây dựng nhà nước quan liêu và hạn chế hoạt động ngoại thương để quản lý xã hội mà đề cao quyền uy hoàng đế. Nhưng trong giới hạn chung nói trên của sử học thời phong kiến, khác với Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên khi viết về triều Lý hay Phạm Công Trứ, Lê Hy khi viết về triều Trần, các sử thần triều Nguyễn vẫn không được phép toàn quyền nhận định hay tự do bình phẩm về các chúa Nguyễn Đàng Trong với các hoạt động xây dựng lực lượng cát cứ mà nổi bật là trong quá trình Bắc cự và hoạt động quản lý kinh tế – xã hội mà đặc biệt là trên con đường Nam tiến một cách công bằng và công khai, điều này dẫn tới những đặc điểm trong nội dung của Đại Nam Liệt truyện Tiền biên, những đặc điểm phản ảnh chặng cuối trong quá trình hình thành quan niệm chính thống về lịch sử Đàng Trong thời Nguyễn.
Trở thành người thống nhất quốc gia với động cơ của một kẻ phục thù, triều Nguyễn từ Nguyễn Ánh – Gia Long trở đi luôn luôn nhấn mạnh và đề cao “truyền thống Đàng Trong” của nó. Nhưng sau chặng đường từ Gia Định về Phú Xuân trong hơn 20 năm, triều Nguyễn trung hưng của Gia Long lại đi từ Phú Xuân ra Thăng Long chỉ trong vài tháng. Thắng lợi quá mau lẹ ấy đặt nó trước một phản ứng phức hợp trên địa bàn phía bắc sông Gianh, mà nổi bật là sự chống đối của cả nhiều cựu thần Lê Trịnh lẫn các tướng lĩnh Tây Sơn, thậm chí cả của hậu duệ các vua nhà Mạc. Không lạ gì mà mãi 30 năm sau khi Gia Long vượt sông Gianh, Minh Mạng mới giải thể được “Đại quân khu” Bắc Thành với chế độ quân chính – võ quan trấn thủ để tiến hành thống nhất đất nước về mặt hành chính, đây là chưa nói tới việc “đất long hưng” của triều Nguyễn ở Gia Định – Nam Bộ lại rúng động với vụ binh biến của Lê Văn Khôi thời gian 1833 – 1835.
Nhưng dù sao thì cho đến 1858 triều Nguyễn cũng vẫn lần lượt đàn áp được tất cả các phong trào nông dân khởi nghĩa, tiêu diệt được tất cả các lực lượng chính trị đối lập, dập tắt được tất cả các nguy cơ chia rẽ cung đình, ngăn chặn được tất cả các ý đồ ly khai trung ương… để bảo vệ các quyền lợi và duy trì sự thống nhất của nó. Qua thực tiễn quản lý một đất nước thống nhất trên tư thế một chính quyền thống nhất ấy, nó phải kế thừa quốc thống mới có thể đảm nhiệm được vai trò chính thống và vì vậy đã tiến tới một định hướng tư tưởng, chính trị và tổ chức cũng như một nhận thức về lịch sử và văn hóa dân tộc khác hẳn nếu không nói là đối lập với tập đoàn phong kiến Đàng Trong.
Hai yếu tố truyền thống và chính thống trong thể chế, thiết chế và cơ chế thuộc hệ thống quyền lực của triều Nguyễn vì vậy phải chia đường, nên nền sử học chính thống của nó cũng bị giằng xé suốt mấy mươi năm trong yêu cầu chính trị mà cũng là nạn đề tư tưởng là chính thống hóa bằng cách chính nghĩa hóa hoạt động chính trị của các chúa Nguyễn Đàng Trong, kết hợp truyền thống “mở nước” của cha ông với tinh thần Đại Nam nhất thống.
Không phải ngẫu nhiên mà ngay từ Chỉ dụ ban cho nhóm Chủ biên – Tổng tài bộ Liệt thánh Thực lục là Nguyễn Văn Nhơn, Trịnh Hoài Đức, Phạm Đăng Hưng năm 1821, Minh Mạng đã nhấn mạnh “Đến như những điều Phàm lệ, có điều gì nghĩ bàn đều cho phép tâu bày để trẫm đích thân chỉ bảo, cốt sao cho việc đáng biên đáng bỏ được có phép tắc (chúng tôi nhấn mạnh – CTT.) và nhặt nhạnh không sót…” (23), ý hướng này lại được tờ Sớ tâu về việc xin khắc in sách Đại Nam Thực lục Tiền biên năm 1844 của nhóm Trương Đăng Quế diễn giải rõ ràng hơn “… Biên từng năm chép từng việc, lấy theo trong sử cũ, còn ý chỉ và nghĩa lệ thì do Hoàng thượng quyết định, vốn đã điển mô rõ rệt, từng điều từng mục phân minh. Tinh lại cầu cho thêm tinh, rõ lại mong cho thêm rõ, điều này Thánh tổ ý còn để đợi đó (chúng tôi nhấn mạnh – CTT.)” (24).
Cần lưu ý rằng đối với Minh Mạng thì ba người nhóm Nguyễn Văn Nhơn đều là bậc huân cựu thời tiên vương, và đối với triều Nguyễn thì họ đều xứng đáng là bậc đống lương về cả lòng trung thành lẫn tài chính trị. Nhưng Minh Mạng vẫn phải can thiệp vào nguyên tắc biên soạn, không phải vì cần làm Chủ nhiệm đề tài hay không tin khả năng sử học của họ, mà vì ông ta trẻ hơn họ và do đó cần có một bộ sử mà “phép tắc” hoàn toàn phù hợp với tương lai chính trị của vương triều cũng như quyền lực hoàng đế của bản thân, nhất là khi ông ta còn phải lãnh đạo các “Trung hưng công thần Bình Tây tướng quân” mà quyền hành và thế lực có thể khống chế cả triều đình loại Chưởng Tả quân Lê Văn Duyệt, Chưởng Hậu quân Lê Chất… Tương tự, sở dĩ ông ta không ra lệnh hoàn tất Đại Nam Thực lục Tiền biên ngay trong thời mình trị vì cũng không phải vì coi nhẹ ý nghĩa chính trị hay đặt nặng chất lượng khoa học của công trình, mà vì sau 1833 thì vụ binh biến thành Phiên An không cho phép Minh Mạng làm bất cứ điều gì có thể dấy lên sự nuối tiếc và nỗi thèm muốn chế độ tản quyền với những lợi ích địa phương rất nguy hiểm cho chính quyền trung ương như trong dĩ vãng…
Chủ trương cứng rắn và thái độ thận trọng trong việc tổng kết quá khứ ấy hiển nhiên có cơ sở thực tế của nó, cho nên phải đến 1844 thì Đại Nam Thực lục Tiền biên mới được xuất bản, trong một bối cảnh chính trị – xã hội khác và với nhận định của Thiệu Trị, nhận định có thể coi như sự khái quát định hướng nhận thức, lời tóm tắt Cương lĩnh Về nguồn của giai cấp phong kiến triều Nguyễn lúc ấy đối với lịch sử các chúa Nguyễn Đàng Trong “Ta xem sử đời cổ, đế vương các đời được thiên hạ, nhà Hán nhà Minh gần được chính đáng, nhưng nhà Hán là đình trưởng nhà Tần, nhà Minh là dân biên thùy nhà Nguyên, đời sau còn có chỗ chỉ nghị được. Đến như nhà Đường làm tôi nhà Tùy, nhà Tống làm tướng nhà Chu, thế mà gặp thời cơ tìm ra vận hội, bề ngoài cứ dương vi mà bên trong ngấm ngầm bày mưu kế, đều không đáng kể. Triều ta thì dựng nghiệp trung hưng, vâng mệnh trời cho, trước thì diệt nhà Mạc chống họ Trịnh, sau thì lấy ở nhà Ngụy Tây, danh nghĩa cương thường, quang minh chính đại biết là chừng nào” (25).
Dĩ nhiên, cách lập luận để gọi việc các chúa Nguyễn chia cắt đất nước là “dựng nghiệp trung hưng” của Thiệu Trị ở đây là một lối ngụy biện nghịch lý khá tinh vi đồng thời lối nhất hóa quá khứ cát cứ của tổ tiên với yêu cầu chính trị của vương triều như vậy cũng mang một logic sử học khá gượng gạo, song vấn đề ở đây là ý kiến nói trên của Thiệu Trị cho thấy sau nhiều năm tìm kiếm, nền sử học chính thống của triều Nguyễn đã chọn được hệ thống phương thức và thao tác tối ưu để tiếp cận với truyền thống Đàng Trong của nó, hệ thống được khẳng định vớiĐại Nam Thực lục Tiền biên năm 1844 và được hoàn thiện với Đại Nam Liệt truyện Tiền biênnăm 1852.
Đọc Đại Nam Thực lục Tiền biên, có thể thấy các tác giả không những gọi Nguyễn Hoàng là Thái tổ Gia Dụ hoàng đế mà còn chép năm ông này vào trấn thủ Thuận Hóa (1558) là “năm thứ nhất” (26). Lối phân kỳ lịch sử vô căn cứ ấy hiển nhiên trái với nguyên tắc sử học, nhưng chính với sai lầm cố ý này mà triều Nguyễn đã kéo dài được truyền thống “chịu mệnh trời ban, thần truyền thánh nối” của nó thêm hơn 40 năm (1558 – 1600). Và đọc hai điều “Thời quốc sơ niên kỷ dùng niên hiệu nhà Lê.
Nay theo sách Khâm định Vạn niên thư, đều cứ năm sau năm nối ngôi chép làm năm đầu. Còn niên hiệu nhà Lê, nhà Minh, nhà Thanh thì chia ra chua ở dưới, để chỉ rõ thế đại và thống kỷ”, “Các kỷ chép việc họ Trịnh ở đầu phải hệ thuộc vào nhà Lê, để không cho được tiếm. Duy có việc quân Bắc vào đất ta thì chuyên chép họ Trịnh, để tỏ không phải là ý vua Lê” trongPhàm lệ sách này (27), cũng dễ nhận ra tình thế lưỡng phân mà cũng là thái độ hai mang của các tác giả khi vừa phải đặt các chúa Nguyễn trên nhà Lê vừa phải đề cao Lê hoàng để hạ thấp Trịnh thị. Lối biên soạn lịch sử không nhất quán như vậy kể ra cũng ít tính khoa học, song chính với thao tác ngụy biện nói trên mà nền sử học chính thống của triều Nguyễn đã giải quyết được yêu cầu chính thống hóa lịch sử chính trị Đàng Trong để tuyên truyền cho nguồn gốc thiên mệnh của vương triều đồng thời chính nghĩa hóa quá khứ cát cứ Đàng Trong để lý giải hành động Bắc cự của “Liệt thánh”. Đại Nam Liệt truyện Tiền biên là sự tiếp nối và hoàn chỉnh Đại Nam Thực lục Tiền biên về định hướng sử học và nguyên tắc biên soạn chủ đạo này.
Phát huy kinh nghiệm biên soạn nói trên đồng thời vận dụng ưu thế của thể kỷ truyện, các tác giả Đại Nam Liệt truyện Tiền biên đã hoàn chỉnh được quan điểm chính thống của triều Nguyễn về lịch sử chính trị Đàng Trong mà điển hình là trong các hoạt động Bắc cự đến 1672. Chẳng hạn, lờ đi tư thế bề tôi nhà Lê và chức vụ Trấn thủ Thuận Hóa rồi Thuận Quảng của Nguyễn Hoàng trước 1600, họ mặc nhiên coi tất cả các quan lại nhà Lê ở Thuận Quảng sau 1558 là bề tôi của họ Nguyễn chứ không cần dùng từ “thân thần” (bề tôi thân tín) để chỉ riêng các gia thần của Nguyễn Hoàng như trong Đại Nam Thực lục Tiền biên (28) – cách nhìn “nhất thị đồng nhân” này hiển nhiên có lợi cho cái mà Thiệu Trị tự hào là “danh nghĩa cương thường” của dòng họ hơn.
Cho nên một số quan lại của triều Lê như Trấn thủ Quảng Nam Bùi Tá Hán chỉ được nhắc qua hay Chỉ huy sứ Phú Yên Lương Văn Chính không hề được nhắc tới trong Đại Nam Thực lục Tiền biên mặc dù họ đã thực sự trở thành các danh nhân trong lịch sử địa phương, thậm chí được cả các chúa Nguyễn “phong thần” và vì vậy chắc chắn các tác giả Đại Nam Thực lục Tiền biên không có lý do gì mà không biết tới trong quá trình điều tra tư liệu… đến Đại Nam Liệt truyện Tiền biên lại được trân trọng xếp vào mục Chư thần.
Dĩ nhiên, việc xóa sạch dấu vết Lê Trịnh trong quá khứ chính trị Đàng Trong như vậy cũng chỉ là một bộ phận của mục tiêu chính nghĩa hóa hoạt động Bắc cự của các chúa Nguyễn, nên một số truyện Chư thần có liên quan trong Đại Nam Liệt truyện Tiền biên lại ít nhiều được thêm bớt khác đi so với trongĐại Nam Thực lục Tiền biên – sự thay đổi trong việc sử dụng tư liệu ở đây chính phản ảnh sự hoàn chỉnh định hướng sử học. Bởi vì trên tư thế chính trị của nó nửa đầu thế kỷ XIX, triều Nguyễn phải gắn cho hoạt động Bắc cự của các chúa Nguyễn những ý nghĩa chính trị tích cực và giá trị đạo đức cao đẹp, nên tất cả các tư liệu lịch sử có liên quan tới hoạt động này đều được lựa chọn một cách kỹ càng và giới thiệu một cách thận trọng.
Chính theo đường hướng ấy mà sau gần 10 năm (1844 – 1852), Đại Nam Liệt truyện Tiền biênđã tiến xa hơn Đại Nam Thực lục Tiền biên trong yêu cầu “Tinh lại cầu cho thêm tinh, rõ lại mong cho thêm rõ” của giai cấp phong kiến triều Nguyễn. Không lạ gì mà mặc dù có trong tayNam triều công nghiệp diễn chí của Nguyễn Khoa Chiêm (29) và chắc chắn đã tham khảo không ít, các tác giả hai tác phẩm Tiền biên mà nhất là Đại Nam Liệt truyện Tiền biên vẫn không sử dụng nhiều dữ kiện chi tiết cũng như tái hiện cái phong cách “sử thi” trong đó khi viết về các chiến dịch chống Trịnh thời gian 1627 – 1672: ở đây triều Nguyễn cần tới tư thế đĩnh đạc của những tổ tiên thế thiên hành đạo chứ không phải là phong thái kiêu hùng của các cha ông mưu bá đồ vương.
Thực tế nói trên cho thấy trên phương diện hoạt động xây dựng lực lượng chính trị của các chúa Nguyễn, Đại Nam Liệt truyện Tiền biên mang trong nó cùng một lúc hai hệ thống lịch sử: quá trình cát cứ của các chúa Nguyễn thế kỷ XVII – XVIII và tiến trình tổng kết, lý giải quá trình ấy của triều Nguyễn nửa đầu thế kỷ XIX, nên nếu không quan tâm đúng mức tới độ khúc xạ của tia sáng lịch sử truyền thống Đàng Trong qua lăng kính sử học chính thống triều Nguyễn, sẽ không thể nào nắm bắt được một cách chính xác và trọn vẹn cũng như lý giải được một cách toàn diện và nhất quán những thông tin cả trong nội dung lẫn ngoài văn bản của tác phẩm.
Trên phương diện các hoạt động quản lý kinh tế – xã hội, cách nhìn chính thống của triều Nguyễn về lịch sử Đàng Trong lại mang một màu sắc khác. Nhiều công trình biên soạn và nghiên cứu lịch sử trước nay đã đề cập tới đường lối kinh tế trọng nông ức thương và chủ trương bế quan tỏa cảng của các vua triều Nguyễn từ Gia Long đến Tự Đức.
Việc kìm hãm sự phát triển tự nhiên của sức sản xuất trong quốc gia như vậy dĩ nhiên là một sai lầm, song cũng cần lưu ý rằng trong thời gian nửa đầu thế kỷ XIX thì kinh tế nông nghiệp ở Việt Nam vẫn còn khả năng phát triển, chẳng hạn như trên đồng bằng Nam Bộ, nơi diện tích đất hoang có đủ khả năng dung chứa quán tính nông nghiệp của quá khứ Đàng Trong. Có lẽ cũng vì vậy mà triều Nguyễn không thấy có nhu cầu xây dựng một cơ cấu kinh tế khác hơn, đồng thời lúc bấy giờ thì trong nỗ lực mở rộng thị trường – chiếm đoạt thuộc địa của chủ nghĩa tư bản – thực dân phương Tây, nhiều thương thuyền châu Âu cũng đã kiêm nhiệm luôn vai trò chiến hạm.
Tất cả những điều nói trên đẩy triều Nguyễn trở về với mô hình kinh tế – xã hội khép kín lấy nền sản xuất nông nghiệp tự cấp tự túc làm nền tảng và trung tâm, một mô hình được quản lý bằng hệ thống trị đạo Nho gia và giải thích bằng lịch sử quan Nho giáo. Và khước từ truyền thống hoạt động thương nghiệp – giao lưu quốc tế đe dọa sự tồn tại của cả chính quyền lẫn vương quyền, triều Nguyễn chỉ có thể và cũng chỉ muốn nhìn nhận tiến trình lịch sử Việt Nam thế kỷ XVII – XVIII ở Đàng Trong như một tiến trình kinh tế – xã hội “thuần nông nghiệp”. Chính ở đây, có thể thấy được sự ăn khớp hoàn toàn giữa quan điểm sử học và đường lối chính trị, giữa nhận thức lịch sử và định hướng tổ chức của triều Nguyễn. Với sự thống nhất cao độ này, triều Nguyễn đến thời Tự Đức đã hoàn chỉnh được bản chất suy đồi về chính trị đồng thời bộc lộ hết tính chất phản động trong tổ chức của nó, vì Đại Nam Liệt truyện Tiền biên còn đi xa hơn Đại Nam Thực lục Tiền biên trên một nhận thức kinh tế – xã hội lạc hậu và một ý thức văn hóa – lịch sử cực đoan.
Dĩ nhiên, không thể đòi hỏi hai tác phẩm Tiền biên của triều Nguyễn ghi nhận một cách đầy đủ hay thể hiện một cách trực tiếp các hiện tượng, lãnh vực và quá trình của đời sống kinh tế – xã hội Việt Nam thế kỷ XVII – XVIII ở Đàng Trong, vì các tác phẩm sử học chính thống thời phong kiến nói chung chỉ phản ảnh lịch sử kinh tế – xã hội một cách thiếu sót và thường là thông qua lịch sử chính trị.
Song mặc dù chấp nhận một thực trạng đã trở thành thông lệ như vậy, người ta cũng phải thất vọng từ Đại Nam Thực lục Tiền biên. Ngoài một vài chi tiết như “Thuyền buôn các nước đến nhiều” nhằm đề cao tình trạng bình yên thịnh vượng ở Thuận Quảng sau khi Nguyễn Hoàng giết được tướng Mạc Lập Bạo hay việc Đào Duy Từ “mặc áo nhà buôn” khi được Nguyễn Phước Nguyên triệu vào triều bàn việc kinh doanh hồ tiêu, kỳ nam, yến sào nhằm đề cao phong cách cương trực của ông này (30), nhìn chung Đại Nam Thực lục Tiền biên không cung cấp được bao nhiêu thông tin về tình hình thương nghiệp ở Đàng Trong nói chung cũng như về các chủ trương và hoạt động ngoại thương – ngoại giao của các chúa Nguyễn thế kỷ XVII – XVIII nói riêng.
Đại Nam Liệt truyện Tiền biên còn tệ hại hơn trên đường hướng cực đoan này. So sánh kết cấu 7 mục Hậu phi, Hoàng tử, Công chúa, Chư thần, Ẩn dật, Cao tăng, Nghịch thần Gian thầncủa nó với 8 mục trong Đại Nam Chính biên Liệt truyện sơ tập thì nó thiếu hẳn mục Ngoại quốc (31), mặc dù từ thế kỷ XVI con người Thuận Quảng đã bước vào không gian Đông Nam Á và tiếp xúc với không ít các yếu tố văn hóa phương Tây, cũng như trong thực tế thì ngay tập đoàn Nguyễn Ánh ở Gia Định thời gian 1788 – 1802 cũng từng kế thừa kinh nghiệm của các chúa Nguyễn thời gian 1627 – 1672 trong việc mở cửa ngoại thương và dễ dãi với đạo Thiên chúa để thu hút thương nhân phương Tây tới bán súng ống đạn dược.
Tương tự, hai công chúa Ngọc Vạn, Ngọc Khoa con Nguyễn Phước Nguyên được chép là “khuyết truyện”, trong khi chắc chắn triều Nguyễn phải biết rõ không những về sự kiện mà còn cả lý do khiến họ được gả cho hai người nước ngoài là vua Chân Lạp Chey Chetta II và thương nhân Nhật Bản Shuratô… Đại Nam Thực lục Tiền biên còn nhắc tới sai lầm tài chính của chính quyền trong việc phát hành tiền kẽm Thiên minh thông bảo khiến cho vật giá tăng vọt và tờ sớ đề đạt các biện pháp khắc phục của Ngô Thế Lân – những dữ kiện ít nhiều cho thấy các nguyên nhân kinh tế và xã hội trực tiếp dẫn tới việc Tây Sơn khởi nghĩa, nhưng Đại Nam Liệt truyện Tiền biên tuyệt nhiên không có chi tiết nào cho phép lý giải sự kiện này, ngoại trừ những hành động tham lam tàn ác của gã gian thần Quốc phó Trương Phước Loan!
Cũng chính lối viết sử bỏ qua cơ sở kinh tế – điều kiện khách quan của tiến trình lịch sử ấy đã biến công cuộc khai thác phương Nam của cộng đồng Việt Nam thời Đàng Trong trong Đại Nam Liệt truỵện Tiền biên thành một Niên biểu các chiến dịch quân sự riêng rời của chính quyền, mất đi tính quá trình xét từ phương diện các kết quả Nam tiến là sự thể hiện hiệu quả phát triển văn hóa – xã hội, khiến cho bao nhiêu mồ hôi xương máu, trí tuệ tài năng của nhiều thế hệ nhân dân bị lãng quên và che lấp sau sức mạnh quân sự và uy thế chính trị của tập đoàn phong kiến Đàng Trong trong việc khuất phục lân quốc, hoạch định biên cương. Ở đây cách nhìn dẫn tới cái nhìn, nên đồng hóa sự vận động và phát triển của lịch sử vào với ý chí và đạo đức của một số cá nhân, triều Nguyễn đã biến sử học thành phương tiện để đổi trắng thay đen, cướp công đổ tội.
Cũng phải nói ngay rằng chẳng phải các tác giả Đại Nam Liệt truyện Tiền biên đã bịa đặt sự kiện hay ngụy tạo sử liệu trong hai bộ “tín sử” Tiền biên, mà là đã không ghi nhận trực tiếp và trọn vẹn sự thật. Thực tế này cho thấy nếu không có một sự hiểu biết phong phú về tư liệu bên cạnh một cách nhìn phù hợp về tiến trình kinh tế – xã hội cũng như về các hiện tượng, quá trình và lãnh vực của đời sống chính trị ở Đàng Trong thế kỷ XVII – XVIII thì sẽ không thể nào dựa vào bộ Đại Nam Liệt truyện Tiền biên của triều Nguyễn mà tìm hiểu được một cách chi tiết và nhận định được một cách chính xác về các nhân vật lịch sử Đàng Trong (32).
Tuy nhiên, được biên soạn trong các điều kiện cụ thể về tư liệu, học thuật và chính trị khác nhau, sự khác biệt giữa hai tác phẩm Tiền biên của triều Nguyễn còn thể hiện trên nhiều phương diện khác, xuất phát từ các nguyên nhân khác. Và có thể nói cơ chế của sự khác biệt này hình thành trên cơ sở sự đan xen, chuyển hóa vào nhau của ba nguyên nhân chủ yếu là sự hoàn chỉnh về quan điểm – phát triển về trình độ, sự bổ sung về sử liệu và sự khác biệt về thể tài, trong đó mối liên hệ giữa thể tài và sử liệu là yếu tố nổi bật làm nên cái biệt sắc độc đáo trong giá trị sử học của Đại Nam Liệt truyện Tiền biên.
Được hoàn thành sau gần 10 năm, Đại Nam Liệt truyện Tiền biên đã sử dụng một nguồn tư liệu phomg phú hơn so vớiĐại Nam Thực lục Tiền biên. Ở đây cũng phải kể tới những khó khăn mà các tác giả hai bộ Tiền biên này gặp phải. Từ 1774, phần lớn các tài liệu lưu trữ của chính quyền Đàng Trong ở Thuận Hóa đã bị tiêu hủy, thất lạc ngoài số giấy tờ sổ sách mà Hoàng Ngũ Phúc cho chuyển ra Thăng Long, và từ 1786 thì số giấy tờ sổ sách ấy cũng tan tành theo văn khố của chúa Trịnh sau khi Nguyễn Huệ ra Bắc lần thứ nhất. Hệ thống lưu trữ của chính quyền các địa phương cùng nhiều tài liệu thư tịch loại bi ký gia phả, truyện ký thơ văn trong dân gian ở Đàng Trong cũng chịu số phận như vậy suốt thời gian chiến tranh giữa Tây Sơn với Trịnh và với Nguyễn rồi Nguyễn Ánh từ 1774 đến 1802.
Cho nên hai thế kỷ nhân vật thời Đàng Trong trong Đại Nam Liệt truyện Tiền biên chỉ có 6 quyển còn về số trang thì chỉ bằng 1/3 bốn mươi năm nhân vật thời Nguyễn Ánh – Gia Long trong 30 quyển đầu của Đại Nam Chính biên Liệt truyện sơ tập (33), và tình hình nói trên buộc người ta phải có một thái độ trân trọng thích đáng đối với các tư liệu trong tác phẩm này.
Ngoài phần Gia phả họ Nguyễn được đồng hóa vào Quốc sử nuớc Việt theo tập quán coi nhà là triều và coi triều là nước phổ biến trong sử học chính thống thời phong kiến, Đại Nam Liệt truyện Tiền biên còn sử dụng nguồn tài liệu có trước và sau Đại Nam Thực lục Tiền biên. Nhưng số tư liệu sưu tầm được sau 1844 như những truyện Hùng Lộc, Đặng Đại Độ, Đặng Đại Lược… nhìn chung không có nhiều, nên phần tư liệu trong ba mục Hậu phi, Hoàng tử, Công chúamới thực sự có ý nghĩa quan trọng.
Dĩ nhiên phần tư liệu này cũng không hoàn chỉnh và nhất là không được công bố hết – việc hai công chúa Ngọc Vạn, Ngọc Khoa bị ghi là “khuyết truyện” là ví dụ, hay rộng ra có thể kể tới trường hợp Minh Đức vương Thái phi (vợ Nguyễn Hoàng, mẹ Nguyễn Phước Khê), một tín đồ nhiệt tâm vẫn được coi là có nhiều công lao đối với sự phát triển của Giáo hội Thiên chúa giáo ở Đàng Trong đầu thế kỷ XVII và chắc chắn được cả hoàng tộc lẫn triều đình nhà Nguyễn thời Tự Đức biết tới song tiểu sử không được chép lại trong Đại Nam Liệt truyện Tiền biên. Nhưng ngay trong cái dáng vẻ tàn khuyết được gọt giũa ấy, nó vẫn mang tính hệ thống cao hơn cả và do đó chính là phần tư liệu quan trọng bậc nhất đối với việc tìm hiểu lịch sử hình thành và phát triển của tập đoàn phong kiến Đàng Trong.
Cho đến nay vẫn không có tài liệu nào cho biết về thái độ của triều Mạc đối với vết rạn Trịnh – Nguyễn trong nội bộ triều Lê trung hưng, song khó mà nghĩ rằng họ không hề quan tâm tới việc tác động để đẩy nhanh thêm quá trình chia rẽ ấy. Truyện Hy tông Hiếu Văn hoàng hậu, Truyện Mạc Cảnh Huống trong Đại Nam Liệt truyện Tiền biên chính là những đầu mối quan trọng để tìm hiểu khía cạnh lịch sử ít được quan tâm song khá lý thú này. Bà Hiếu Văn hoàng hậu sinh năm 1578, là con Khiêm vương nhà Mạc Mạc Kính Điển, được thím dâu là Nguyễn Thị Ngọc Dương (vợ Mạc Cảnh Huống, em vợ Nguyễn Hoàng, dì Nguyễn Phước Nguyên) làm mối gả cho Nguyễn Phước Nguyên, còn Mạc Cảnh Huống là em Mạc Kính Điển, anh em bạn rể với Nguyễn Hoàng, theo Nguyễn Hoàng vào nam năm 1558 (34).
Bên cạnh những mối quan hệ thân tộc, thông gia chằng chéo, phức tạp và khó biết rõ là có ảnh hưởng gì với tình hình chính trị đương thời hay không nói trên, vấn đề có thể đặt ra ở đây là vì sao một người trong hoàng tộc nhà Mạc như Mạc Cảnh Huống lại đi theo Nguyễn Hoàng để nhận một chức Thống binh vào lúc triều Mạc còn chưa suy yếu, và nhất là vì sao một viên Trấn thủ quận công của triều Lê trung hưng như Nguyễn Hoàng lại có thể thản nhiên chứa chấp cả em trai lẫn con gái của một viên Phụ chính đại thần, Tổng súy Trung doanh triều Mạc từng nhiều lần cầm quân đánh bại quân Lê như trên. Hơn thế nữa, bà Hiếu Văn hoàng hậu sinh Nguyễn Phước Lan (tức chúa Thượng của chính quyền Đàng Trong về sau) năm 1601, trước đó còn sinh Nguyễn Phước Kỳ, nghĩa là đã trở thành con dâu của Nguyễn Hoàngtrước 1600, tức năm Nguyễn Hoàng ngầm đem quân về Thuận Hóa khiến Trịnh Tùng phải cay đắng rút khỏi Thăng Long để vua Càn Thống nhà Mạc là Mạc Kính Cung, con Kính Điển mà cũng là anh vợ Nguyễn Phước Nguyên đem quân trở lại… Ngoài ra, Đại Nam Thực lục Tiền biên cũng chép vào năm 1570, Mạc Kính Điển đem quân vào đánh quân Lê ở Thanh Nghệ, đuổi cả Trấn thủ Nghệ An Nguyễn Bá Quýnh chạy trốn nhưng không phạm vào Thuận Quảng vì sợ binh uy của Nguyễn Hoàng, song việc này rất có thể là kết quả của một sự dàn xếp nào đó giữa đôi bên thông qua trung gian là Mạc Cảnh Huống…
Tóm lại những dữ kiện nói trên cho phép kết luận rằng các chúa Nguyễn đầu tiên đã có một quan hệ nếu không phải là thân thiết thì ít ra cũng là có hệ thống với triều đình nhà Mạc trong thời gian cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII, và nếu nhớ lại nhận định của F. Engels trong tác phẩm Nguồn gốc của gia đình, của sở hữu tư nhân và của nhà nước là đối với giai cấp phong kiến, “hôn nhân là một hành vi chính trị, là một cơ hội để tăng cuờng thế lực của mình bằng những cuộc thông gia mới” (35), thì không thể không quan tâm tới các tư liệu minh chứng và có giá trị gợi mở đối với việc tìm hiểu về quan hệ Nguyễn – Mạc nói trên trong Đại Nam Liệt truyện Tiền biên.
Trên một khía cạnh khác, cũng có thể tìm thấy nhiều dữ kiện đáng chú ý về quá trình định hình và cố kết của tập đoàn phong kiến Đàng Trong qua các truyện trong mục Công chúa. Hầu hết những con gái các chúa Nguyễn từ Nguyễn Phước Nguyên trở đi đều được gả cho các viên Chưởng dinh, Chưởng cơ, Cai cơ… của quân đội Đàng Trong, thậm chí có những thế gia trong số này nhiều đời có nhiều người làm con rể chúa. Ở đây ý kiến nói trên của F. Engels lại làm sáng tỏ một khía cạnh khác của hệ thống các cuộc hôn nhân chính trị này: rõ ràng các chúa Nguyễn có cả một chủ trương ràng buộc (vào đầu thời Bắc cự là bằng tình cảm, trong thời gian sau là bằng quyền lợi) rất nhất quán với các võ tướng, những người thực sự là cột trụ quyền lực của chính quyền Đàng Trong.
Lối kết thông gia vì lợi ích chính trị ấy dẫn tới không ít các trường hợp trái khoáy bởi sự hỗn loạn về thế thứ. Chẳng hạn Ngọc Liên, con gái Nguyễn Phước Nguyên và bà Hiếu Văn hoàng hậu lại được gả cho Mạc Cảnh Vinh tức Nguyễn Phước Vinh con Mạc Cảnh Huống, nghĩa là Mạc Cảnh Huống trở thành thông gia với bà cháu gọi mình bằng chú còn bà Ngọc Dương trở thành thông gia với ông cháu gọi mình bằng dì, và Mạc Cảnh Vinh trở thành con rể của bà chị con ông bác – cũng phải nói ngay rằng chuyện này đã có tiền lệ với việc Nguyễn Hoàng gả con gái là Ngọc Tú cho Trịnh Tráng con Trịnh Tùng, nghĩa là kết thông gia với ông cháu gọi mình bằng cậu, vì Trịnh Tùng là con Ngọc Bảo chị Nguyễn Hoàng! Hay như Nguyễn Cửu Thế có ba con là Quý, Thông và Pháp, trong đó Pháp lấy công chúa Ngọc Doãn con chúa Nguyễn Phước Thụ, còn Thông có ba con được lấy công chúa là Chính, Thống và Tú, trong đó Chính lấy công chúa Ngọc Uyển con chúa Nguyễn Phước Thụ, nghĩa là chú cháu Cửu Pháp – Cửu Chính lại trở thành anh em bạn rể…
Nếu thống kê chi tiết trên cơ sở tư liệu đầy đủ hơn thì loại trường hợp như trên chắc có không ít, và chính cái cung cách vô luân ấy đã giúp các chúa Nguyễn một phần không nhỏ trong việc quy tụ lực lượng ở những ngày đầu cát cứ và duy trì sự thống nhất quyền lực cần thiết cho chính quyền ở thời gian sau. Song với thể kỷ truyện, các tác giả Đại Nam Liệt truyện Tiền biên đã tháo rời những quan hệ nói trên và rải ra ở nhiều mục, nhiều truyện khác nhau đồng thời dường như còn cố ý bỏ sót một số nhánh trên “Cây gia phả” của các vọng tộc nhiều đời thông gia với chúa Nguyễn, tạo nên một sự rối rắm và bế tắc trong việc phục hồi thế thứ của họ.
Các trường hợp loại Nguyễn Cửu Duyệt (cháu cố Nguyễn Cửu Kiều) lấy công chúa Ngọc Nhật con Nguyễn Phước Châu là ví dụ: không thể nào xác định được quan hệ gia tộc giữa ông này với Nguyễn Cửu Thế (cháu nội Nguyễn Cửu Kiều), cũng lấy con gái của Nguyễn Phước Châu là công chúa Ngọc Phượng… Đáng tiếc là đến nay vẫn chưa có nhiều người quan tâm tới vai trò của những Ngọc Tú (con Nguyễn Hoàng) hay Ngọc Huyên (con Nguyễn Phước Hoạt, cô Nguyễn Ánh) trong lịch sử chính trị Việt Nam thời gian 1600 – 1802, mặc dù từ quá trình cát cứ Đàng Trong đến hoạt động tiêu diệt Tây Sơn đều có sự tham gia của họ, những phụ nữ bị hoàn cảnh lịch sử và ý thức gia tộc đẩy vào hậu trường của các hoạt động mưu bá đồ vương. Nhưng đây quả là một đề tài thách đố những người nghiên cứu, vì rất khó tìm hiểu về hoạt động và ý thức của các đặc sứ ngoại giao kiêm tình báo chính trị tình nguyện này qua một bộ “tín sử” vừa ghi nhận thực tế vừa che giấu sự thật như Đại Nam Liệt truyện Tiền biên.
Đồng thời, với thể kỷ truyện ghi chép tiểu sử, hành trạng từng cá nhân một cách riêng biệt,Đại Nam Liệt truyện Tiền biên cũng trực tiếp phản ảnh được một số khía cạnh trong đời sống văn hóa – xã hội ở Đàng Trong thế kỷ XVII – XVIII. Nhưng trên phương diện này thì nhìn chung kết quả ấy vẫn rất phiến diện và nghèo nàn, một phần vì điều kiện tư liệu, một phần do cách thức biên soạn. Nhìn từ khía cạnh dân tộc học thì xã hội Đàng Trong với màu sắc phức hợp Đông Nam Á của nó vốn vượt ra khỏi tiêu chuẩn phân loại và khả năng tổng kết của sử học Nho giáo Đông Á, đồng thời nếu tạm gác ra một bên những khác biệt tất yếu giữa “hai nền văn hóa” của các tầng lớp nhân dân lao động và giai cấp thống trị, thì nhìn từ khía cạnh sử học, đời sống ấy còn xa lạ với kinh nghiệm phản ảnh và khuynh hướng lý giải của sử học chính thống quan phương.
Chẳng hạn, Philiphê Bỉnh từng ghi nhận cái nghi thức dân chủ trong những buổi thiết triều tiếp dân của các chúa Nguyễn đầu tiên “Mỗi một tuần lễ là một lần buổi mai, là chín ngày một lần vua ngự ra ngồi trên tòa, để cho thiên hạ vào khải bẩm, mà dân sự vào tâu vua thì cũng như cha con nói với nhau vậy, vì sau tòa vua ngự thì có một thánh thiên thần cầm cân thăng bằng, văn vũ thì đứng chầu lưỡng dịch hai bên, mà thiên hạ thì vào giữa, cùng lên cho đến tòa vua ngự, mà ai nói tiếng lịch sự hay là quê mùa thì mặc nó, mà chẳng ai được trách quở”, thậm chí còn ghi lại lối ăn nói khá bình dân của một chúa Nguyễn hỏi kẻ được sai đi tìm gái trở về phục mệnh “Có được cái mẻn nào chăng?” (36).
Nhưng như người ta đã thấy, qua hai tác phẩm Tiền biên thì một lịch sử phong phú đã bị quy về thực tiễn chính trị, và tới lượt nó, thực tiễn sinh động ấy cũng bị khuôn vào hình thức quan phương. Cho nên phải chấp nhận việc các tác giả Đại Nam Liệt truỵện Tiền biên nhất quán với lập trường chính thống mà đưa truyện các nhân vật chống Tây Sơn loại Hoàng Quang, Bùi Đặng Tường vào hai mục Ẩn dật, Cao tăng, song đáng nói là sử dụng một sử bút quan phương, họ lại đi tới chỗ san bằng tất cả các khác biệt cá nhân của một thực tiễn văn hóa – xã hội.
Phần lớn các nhân vật trong Đại Nam Liệt truyện Tiền biên do đó đều bị khoác một loại đồng phục về tư tưởng và chính trị, chỉ khác nhau trong hành động chứ không phải về động cơ, mặc dù giữa Võ Trường Toản và Hoàng Quang hay giữa Nguyễn Cư Trinh và Mạc Thiên Tích là hàng loạt những khác biệt về trí tuệ và tình cảm, tài năng và phong cách… Ở đây có thể nhắc lại chỉ thị của Thiệu Trị cho Trương Đăng Quế lúc duyệt bộ Đại Nam Thực lục Tiền biên trước khi khắc in năm 1844 “Sử thần chép việc cũng có thể cho là được, duy có những chỗ dùng một hai chữ còn phải nên làm thế nào cho ổn đáng, vì văn tự từ lúc buổi đầu ở nước ta, lối cổ chất phác hoặc lẫn cả quốc âm vào, đến hoàng khảo ta mới đặt ra chỉ dụ, thực là văn minh một nước bắt đầu từ đấy. Ngươi nên truyền bảo cho sử thần cứ việc chép thẳng, nhưng nên sửa lại đôi chút thế nào cho được trang nhã, xứng đáng với ý ta” (37). Chính yêu cầu “trang nhã” lối quan phương gạt bỏ những yếu tố “quốc âm” của ngôn ngữ dân tộc ấy đã biến hàng loạt địa danh loại sông Ba Ngòi, truông Nhà Hồ, gò Mụ Lượng, sông Bến Lức thành Tam Độc giang, Hồ Xá, Lượng phụ, Lật giang kỳ quặc trong hai tác phẩm Tiền biên, cũng chính mục tiêu “trang nhã” kiểu phong kiến phủ nhận các yếu tố “lối cổ chất phác” của văn hóa dân tộc ấy đã biến nhiều sự kiện hiển nhiên thành bí hiểm và nhiều nhân vật sống động thành vô hồn trongĐại Nam Liệt truyện Tiền biên. Chẳng hạn, nếu Truyện Thần tông Hiếu Chiêu hoàng hậu chép câu hò “quốc âm chất phác” của bà này như Chương Dân năm 1929:
Tai nghe chúa ngự thuyền rồng,
Thiếp thương phận thiếp má hồng nắng mưa
 (38)
thì chắc chắn người đọc không những hiểu được rõ hơn về cuộc gặp gỡ phảng phất vẻ kỳ duyên giữa bà họ Đoàn với Nguyễn Phước Lan, mà còn có thể có được một ý niệm về phong khí dân dã trong sinh hoạt của các chúa Nguyễn, cái phong khí đã giúp họ tiếp nhận được không ít sức mạnh tinh thần và tư duy thực tiễn của nhân dân lao động mà ghép mình vào chặng cuối con đường Nam tiến của dân tộc một cách thành công.
***
Nhìn từ góc độ là một công trình biên soạn về lịch sử Việt Nam ở Đàng Trong, Đại Nam Liệt truyện Tiền biên cũng có những giá trị sử liệu nhất định của nó. Nhưng bị hạn chế bởi quan điểm chính thống và bút pháp quan phương của sử học triều Nguyễn, nó lại là một công trình sử học không đáp ứng được yêu cầu tìm hiểu lịch sử và nhân vật Việt Nam ở Đàng Trong thế kỷ XVII – XVIII. Ngay trong khuôn khổ vốn đã hạn hẹp của một bộ chính sử phong kiến thông thường, ở đây cũng có nhiều chi tiết bị cắt xén, nhiều sự thật bị che giấu. Nhưng tới lượt chúng, chính những hạn chế ấy lại thể hiện đồng thời phản ảnh cả quan điểm sử học lẫn quan niệm lịch sử của triều Nguyễn.
Đi ngược lại logic tự nhiên của nhận thức là “Lịch sử bắt đầu từ đâu thì quá trình tư duy cũng phải bắt đầu từ đó” như F. Engels từng tổng kết (39), những người đứng đầu triều Nguyễn từ Gia Long đến Tự Đức đã không học một lịch sử Đàng Trong như nó có mà là như họ muốn, nên mặc dù là chính quyền đầu tiên trong dân tộc xác lập được chính quyền thống nhất của mình từ Mục Nam Quan tới mũi Cà Mau, triều Nguyễn vẫn thất bại trong cuộc đấu tranh giành quyền thống trị với chủ nghĩa thực dân – tư bản Pháp nửa sau thế kỷ XIX để cho dân tộc rơi vào tấn bi kịch vong quốc hàng trăm năm sau.
Tổng kết không đúng nên không lý giải được lịch sử, nền sử học chính thống và quan phương của triều Nguyễn cũng mất đi khả năng dự báo và tính chất thực tiễn cần thiết. Và có thể nói thêm rằng đối với triều Nguyễn thì hai tác phẩmTiền biên còn là một sai lầm trong một sai lầm. Sau 1802, trong nỗ lực khẳng định vị trí chính thống để giữ gìn sự độc lập về tư tưởng và chủ động về chính trị của vương triều, dĩ nhiên những người đứng đầu triều Nguyễn phải hướng tới việc xóa bỏ quá khứ Tây Sơn cũng như thủ tiêu mô hình Lê Trịnh.
Nhưng với bản chất của một tập đoàn phong kiến phục thù, họ lại chọn một con đường vòng trong việc kế thừa quốc thống, nên lại phải quay về biện minh cho hoạt động cát cứ -mà họ vốn không phải chịu trách nhiệm- của tổ tiên. Bị sa lầy vào việc tìm kiếm một chính nghĩa cho quá khứ, họ cũng lạc hướng về việc khẳng định quyền uy trong hiện tại. Và dường như Tự Đức cũng ít nhiều nhận thức được sự bế tắc trên con đường Về nguồn quá đỗi gian nan ấy, nên đã ban Chỉ dụ về việc biên soạn bộ Khâm định Việt sử thông giám cương mục năm 1855… Song chỉ vài năm sau, tiếng đại bác trên pháo hạm của quân đội tư sản phương Tây đã nổ rền ở Đà Nẵng rồi Gia Định. Triều Nguyễn bước vào cuộc đấu tranh mới với một truyền thống chưa được xác định bên cạnh một nhận thức chưa được tổng kết thì lịch sử đã sang trang…
Tuy nhiên, đặt vào một dòng chảy ý thức văn hóa và lịch sử rộng lớn hơn, thì trong ý nghĩa là một trong hai bộ chính sử hiếm hoi thời phong kiến biên soạn về lịch sử Việt Nam ở Đàng Trong, Đại Nam Liệt truyện Tiền biên lại có những giá trị tích cực khách quan khác. Nhìn lại lịch sử loài người trong các xã hội tiền tư bản, có thể thấy chu kỳ phát triển – phân ly – hợp nhất là rất phổ biến, và trong thời phong kiến thì đây gần như là một quy luật, một kiểu thức phát triển của nhiều dân tộc và quốc gia, khi mà nền sản xuất vật chất còn bị phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhi ên và phải tuân theo quy luật phát triển không đồng đều của lịch sử. Ở Việt Nam chu kỳ này cũng từng dẫn tới thời Thập nhị sứ quân, thời Nam Bắc triều rồi Trịnh Nguyễn phân tranh, dĩ nhiên với các nguyên nhân lịch sử và biến thái chính trị cụ thể.
Cho nên quả là các chúa Nguyễn Đàng Trong đã lợi dụng được một tình thế để chia cắt đất nước mà bảo vệ quyền lợi của họ, nhưng điều đó chỉ có tính chất giai đoạn. Và tuy không nhận thức được về nguyên nhân, triều Nguyễn phục thù cũng ý thức được về kết quả mà họ giành được sau một phần tư thế kỷ nội chiến Tây Sơn – Nguyễn Ánh. Chính vì vậy mà họ đã nỗ lực tìm cho quá khứ cát cứ của tổ tiên những yếu tố chính thống và chính nghĩa. Nỗ lực ấy nếu không phải là một thất bại thì cũng chưa thể gọi là một thành công, như nội dung và giá trị sử học của hai tác phẩm Tiền biên đã ít nhiều cho thấy.
Nhưng bản thân sự nỗ lực ấy của giai cấp phong kiến triều Nguyễn, dù là xuất phát từ động cơ và nhằm hướng tới mục đích nào, cũng minh chứng về cả một thực tế lẫn ánh phản về thực tế ấy trong nhận thức của con người Việt Nam thế kỷ XIX, đó là sau thời Đàng Trong thì Việt Nam đã trở thành một quốc gia không còn một nguyên nhân khách quan hay ý chí chủ quan nào có thể chia cắt lâu dài được nữa. Cái chu kỳ phát triển – phân ly – hợp nhất của lịch sử và văn hóa Việt Nam đã vĩnh viễn chấm dứt. Đây chính là giá trị lịch sử chủ yếu mà cũng là giá trị văn hóa quan trọng nhất của Đại Nam Liệt truyện Tiền biên.
Tháng 1. 1994 – Tháng 4. 1995
Chú thích:
(1) Nhiều công trình nghiên cứu trước nay vẫn gọi tác phẩm này là Ngoại phiên thông thư, nhưng theo tập Thư mụcHòa Hán đồ thư phân loại mục lục của Cung nội sảnh, Thư lăng bộ in năm Chiêu Hòa thứ 26 (1951), quyển hạ, tr. 985 thì tác phẩm này có tên là Ngoại phiên thư hàn.
(2) Xem thêm Đô thị cổ Hội An, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1991 
(3) Lê Quý Đôn, Phủ biên tạp lục, Nxb. Khoa học, Hà Nội, 1964, tr. 41 
(4) Xem thêm Đỗ Bang, bài trong Đô thị cổ Hội An, sđd., tr. 238 – 239.
(5) Thuật ngữ dân tộc học, chỉ các dạng thức trong quá trình đan xen, kết hợp các yếu tố văn hóa của hai nhóm dân tộc học hay hai nhóm ngôn ngữ, trong đó một nhóm nhờ có những ưu thế nào đó dần dần vươn lên đóng vai trò chủ đạo song vẫn tiếp nhận hay chịu ảnh hưởng các yếu tố văn hóa của nhóm kia. Xem thêm S. A. Arutiunov, Song ngữ và song văn hóa, Nguyễn Hữu Thấu dịch, Tạp chí Dân tộc học, số 1, 1979
(6) Dương Văn An, Ô Châu cận lục, Văn hóa Á Châu, Sài Gòn, 1961, tr. 43 – 44 và 70 – 76 
(7) Xem thêm Hoàng Thị Châu, bài trong Đô thị cổ Hội An, sđd., tr. 161 – 166 
(8) Xem thêm Đại Việt sử ký toàn thư, tập IV, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1972, tr. 206 và Hoàng Xuân Hãn, Đúng ba trăm năm trước, Tập san Sử Địa, Sài Gòn, số 26, 1974 
(9) Philiphê Bỉnh, Truyện nước An Nam Đàng Trong, bản viết tay bằng chữ quốc ngữ la tinh năm 1822, hiện được lưu giữ tại Văn khố Tòa thánh Rôma (Biblioteca Apostolica Vaticana), tr. 2. Cần lưu ý rằng tài liệu này chép tên Trịnh Kiểm là Trịnh Bân. 
(10) Xem thêm Đại Việt sử ký toàn thư, tập IV, sđd., tr. 151- 152 và Đại Nam Thực lục, Nxb. Sử học – Khoa học – Khoa học xã hội, Hà Nội, 1962 – 1978, tập I (Tiền biên), tr. 33. 
(11) Xem thêm Lê Quý Đôn, Phủ biên tạp lục, sđd., tr. 42 – 43
(12) Xem thêm Lê Quý Đôn, Đại Việt thông sử, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1978, tr. 375 – 376 và Đại Việt sử ký toàn thư, tập IV, sđd., tr. 231 – 234 
(13) Theo Nguyễn Khoa Chiêm, Nam triều công nghiệp diễn chí (Ngô Đức Thọ dịch, bản in lần thứ hai nhan đề Mộng bá vương), Nxb. Đại học và Giáo dục chuyên nghiệp, Hà Nội, 1990, tập I, tr. 28 và 73 – 74 
(14) Theo Lê Quý Đôn, Đại Việt thông sử, sđd., tr. 376 
(15) Theo Đại Nam Thực lục, sđd., tập I, tr. 44. 
(16) Thích Đại Sán, Hải ngoại kỷ sự, Viện Đại học Huế xb., 1963, tr. 105. Cần lưu ý rằng tác phẩm này được hoàn thành năm 1694, vào lúc bản đồ Đàng Trong chưa có vùng Nam Bộ. 
(17) Tức cơ cấu xã hội nhìn từ góc độ xã hội học mà nếu lấy sự phân công lao động xã hội làm tiêu chuẩn phân loại thì gồm năm kiểu (lãnh vực) hoạt động cơ bản: sản xuất vật chất, sản xuất ý thức (tinh thần), tái sản xuất sinh học – xã hội, quản lý và giao tiếp. Xem thêm V. Đôbrianov, Xã hội học Mác – Lênin, Nxb. Thông tin Khoa học xã hội, Hà Nội, 1985, tr. 134 – 138
(18) Đại Nam Thực lục, sđd., tập I, tr. 209, 238 – 239 
(19) Theo Tạp chí Nam phong, số 74 – 76, 1923 
(20) Đại Nam Thực lục, sđd., tập V, tr. 221 – 223 và tập XII, tr. 145 – 146. Phần Chính biên về sau được chia làm nhiều kỷ, như Đệ nhất kỷ, chép về Nguyễn Ánh – Gia Long (1778 – 1819),Đệ nhị kỷ chép về Minh Mạng (1820 – 1840)… gộp với phần Tiền biên lấy tên chung là Đại Nam Thực lục. Song song với Đại Nam Thực lục  Đại Nam Liệt truyệncũng chia làm hai phần là Tiền biên  Chính biên, duy cơ cấu có khác. Đại Nam Liệt truyện tiền biên tương ứng vớiĐại Nam Thực lục Tiền biên, Đại Nam Chính biên Liệt truyện  tập tương ứng với Đại Nam Thực lục Chính biên đệ nhất kỷ, còn Đại Nam Chính biên Liệt truyện nhị tập lại tương ứng với Đại Nam Thực lục chính biên từ Đệ nhị kỷ đếnĐệ lục kỷ (1820 – 1888), tóm lại là có thay đổi trong việc phân kỳ lịch sử. 
(21) Theo Đại Nam Thực lục, sđd., tập XXIII, tr. 385 – 388 và Biểu dâng sách Đại Nam Liệt truyện Tiền biên ngày 17. 5. 1852 
(22) Đại Nam Thực lục, sđd., tập XXVII, tr. 343 và 362 chép sách này làm xong tháng 3 âl., nhưng đến tháng 12 âl. mới khắc in xong. 
(23) Đại Nam Thực lục, sđd., tập V, tr. 223 
(24) Đại Nam Thực lục, sđd., tập XXV, tr. 32 
(25) Đại Nam Thực lục, sđd., tập XXV, tr. 33
(26) Đại Nam Thực lục, sđd., tập I, tr. 30 
(27) Đại Nam Thực lục, sđd., tập I, tr. 18 – 19 
(28) Đại Nam Thực lục Tiền biên chép trước khi chết năm 1613, Nguyễn Hoàng “triệu hoàng tử thứ sáu (tức Nguyễn Phước Nguyên) và các thân thần đến trước giường” để trăn trối về việc cát cứ Đàng Trong, theo đó đủ biết vào đầu thế kỷ XVII, ở Thuận Quảng vẫn còn những quan lại thân Lê Trịnh. Ở một đoạn khác trong sách này cũng chú rằng đời Lê Thế tông (1573 – 1599) có Mai Cầu làm Tổng binh Thuận Hóa, đời Lê Kính tông (1600 – 1619) có Vũ Chân làm Hiến sát Thuận Hóa, những người này đều do triều đình Lê Trịnh bổ nhiệm. Xem thêm Đại Nam Thực lục, sđd., tập I, tr. 44 và 56 
(29) Từ 1820 Minh Mạng đã hạ chiếu tìm sách cũ trong dân gian, và theo ghi nhận chính thức của Quốc sử quán triều Nguyễn về sau thì ít nhất đến 1826 triều đình cũng đã nhận được ba bản Nam triều công nghiệp diễn chí do quan lại và nhân dân các địa phương dâng nộp. Xem thêm Đại Nam Thực lục, sđd., tập V, tr. 98 – 99, tập VI, tr. 248, tập VIII, tr. 67 
(30) Đại Nam Thực lục, sđd., tập I, tr. 36, 62 
(31) Xem thêm Đại Nam Chính biên Liệt truyện sơ tập, bản in chữ Hán năm Thành Thái thứ 1 (1889). Mục Ngoại quốcnày gồm ba quyển viết về các nước Cao Man, Tiêm La, Thủy Xá, Hỏa Xá, Diến Điện, Nam Chưởng, Chiêm Thành, Vạn Tượng, tuy nhiên chủ yếu cũng chỉ từ góc độ quan hệ chính trị với triều Nguyễn thời Nguyễn Ánh – Gia Long. 
(32) Chẳng hạn, tác giả Phan Hứa Thụy trong quyển Thơ văn Nguyễn Cư Trinh, Nxb. Thuận Hóa, 1989, tr. 25 nhận định Nguyễn Cư Trinh “là một nho sĩ sống giữa buổi hoàng hôn của chế độ phong kiến” song tới tr. 53 lại nhận định thơ văn của Nguyễn Cư Trinh “phản ảnh khá đầy đủ tình hình (sic) và tư tưởng của thời đại, phảng phất khí vị của tầng lớp nho sĩ thịnh thời”! Hay theo Phan Thuận An, Một số thời điểm khả nghi trong các tư liệu viết về Đào Duy Từ, Tạp chí Sông Hương của Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên – Huế, số tháng 1. 1994 đã cho rằng Đào Duy Từ là “một nhân vật lịch sử có công lớn đối với Đàng Trong một thời” (!) 
(33) Xem thêm Di sản Hán Nôm Việt Nam – Thư mục đề yếu (Catalogue des livres en Hán Nôm) của Viện Nghiên cứu Hán Nôm và Học viện Viễn Đông Bác cổ Pháp, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1992, tập I, tr. 479 và 488 
(34) Lê Quý Đôn trong Đại Việt thông sử, sđd., tr. 279 chép Thái tông nhà Mạc Mạc Đăng Doanh có 7 con trai, con trưởng là Hiến tông Mạc Phúc Nguyên, kế là Ninh vương Phúc Tư, Khiêm vương Kính Điển, Lý Tường, Lý Hòa, Hiệp Cung và Ứng vương Đôn Nhượng, chưa rõ Cảnh Huống là ai trong ba người trước Đôn Nhượng hay là một người khác mà sử sách chép sót. Tuy nhiên, chắc chắn Cảnh Huống là một người trong hoàng tộc nhà Mạc, và việc ông ta theo Nguyễn Hoàng trong hoàn cảnh như vậy quả là một điều bất thường rất đáng quan tâm. Ngoài ra ở đây có một mâu thuẫn có lẽ là sự cố ý của các tác giả Đại Nam Liệt truyện Tiềnbiên, vì Truyện Hy tông Hiếu Văn hoàng hậu lại chép sau khi Kính Điển bại vong (tức năm 1580) thì bà theo chú là Mạc Cảnh Huống vào ẩn náu ở Quảng Trị. Tuy nhiên năm cha chết thì bà mới có 2 tuổi, lúc này các con trai Kính Điển như Kính Chỉ, Kính Cung vẫn còn sống và đều là những nhân vật nắm quyền hành quan trọng trong triều đình nhà Mạc, chắc không đến nỗi để em gái phải lưu lạc sớm như vậy. Đại Việt thông sử của Lê Quý Đôn, sđd., tr. 363 chép năm 1593, Trịnh Tùng hội quân đánh tan quân Mạc Kính Chỉ ở Hải Dương, “Kính Chỉ và con trai con gái trong tông tộc trốn vào rừng núi”, kế bị bắt, có lẽ trong dịp này bà Hiếu Văn hoàng hậu trốn thoát tìm vào Quảng Trị rồi liên hệ với Mạc Cảnh Huống thì đúng hơn. 
(35) K. Marx và F. Engels, Tuyển tập, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1980 – 1984, tập IV, tr. 124 
(36) Philiphe Bỉnh, Truyện nước An Nam Đàng Trong, sđd., tr. 5 -6 và 26
(37) Đại Nam Thực lục, sđd., tập XXV, tr. 33 
(38) Chương Dân, Việt Nam phụ nữ liệt truyện, Phụ nữ Tân văn, số 10, 4 Juillet 1929 
(39) K. Marx và F. Engels, Tuyển tập, sđd., tập II, tr. 653


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét