Người theo dõi

Thứ Hai, 31 tháng 10, 2016

Cảnh Sát Dã Chiến VNCH

Cảnh Sát Dã Chiến VNCH

Cảnh Sát Dã Chiến (CSDC) là một lực lượng võ trang thuộc Cảnh Sát Quốc Gia (CSQG) Việt Nam Cộng Hòa (VNCH). Ngoài việc trang bị vũ khí để tiêu diệt hạ tầng cơ sở Cộng sản, Cảnh Sát Dã Chiến còn được trang bị thêm các dụng cụ cần thiết khác để trấn áp các cuộc bạo động và nhiễu loạn dân sự. Ðể đạt được kết qủa tốt trong hai nhiệm vụ chính yếu đó, tất cả các sĩ quan Cảnh Sát Dã Chiến sau khi tốt nghiệp tại Học Viện CSQG, còn được gởi theo học trọn khóa huấn luyện sĩ quan tại trường Bộ Binh Thủ Ðức. Ngoài ra, sĩ quan và hạ sĩ quan Cảnh Sát Dã Chiến cũng còn lần lượt được gỡi đi thụ huấn các khóa về trấn áp bạo động, tác chiến rừng rậm, và tình báo tác chiến tại Mã Lai và Phi Luật Tân.


Ðối với nhân viên Cảnh Sát Dã Chiến, sau khi tốt nghiệp khóa Cảnh Sát Căn Bản tại Rạch Dừa, Vũng Tàu còn được huấn luyện thêm về quân sự và chuyên môn Cảnh Sát Dã Chiến tại Trung Tâm Huấn Luyện Cảnh Sát Dã Chiến Ðà Lạt. Ðây là trung tâm huấn luyện lớn nhất, chuyên huấn luyện phần căn bản Cảnh Sát Dã Chiến cho nhân viên cảnh sát sắc phục được chuyển sang Cảnh Sát Dã Chiến và huấn luyện tập thể cấp trung đội cho tất cả các đơn vị Cảnh Sát Dã Chiến trên toàn quốc. Cảnh Sát Dã Chiến là thành viên chính yếu trong chiến dịch Phượng Hoàng. Với cấp số lý thuyết là 16,500 quân, Cảnh Sát Dã Chiến được phối trí hoạt động từ thành thị cho tới nông thôn.

TỔ CHỨC VÀ HOẠT ÐỘNG TẠI TRUNG ƯƠNG
Tại Sài Gòn có Bộ Chỉ Huy Khối Cảnh Sát Dã Chiến trực thuộc Bộ Tư Lệnh Cảnh Sát Quốc Gia. Do nhu cầu cải tổ để phù hợp với tình hình an ninh chung, Khối Cảnh Sát Dã Chiến nhiều lần đã được đổi tên. Năm 1969, Khối Cảnh Sát Dã Chiến được đổi tên là Khối Yểm Trợ Võ Trang. Khối này có trách nhiệm quản trị và điều hành theo hệ thống dọc hai lực lượng dưới quyền: lực lượng Cảnh Sát Dã Chiến, lực lượng Giang Cảng. Năm 1972, Khối Yễm Trợ Võ Trang một lần nữa được đổi tên thành Khối Ðiều Hành. Lúc nầy Khối Ðiều Hành có 3 lực lượng võ trang dưới quyền, đó là lực lượng Cảnh Sát Dã Chiến, lực lượng Giang Cảnh và lực lượng Thám Sát tỉnh. Ðến năm 1973, Khối Ðiều Hành được đổi tên thành Khối Hành Quân.


Trung Tâm Huấn luyện CSDC Trại Mát. Đà Lạt

Khối Cảnh Sát Dã Chiến nguyên thủy ngoài các phòng chuyên môn còn có Ðại Ðội Tổng Hành Dinh và một Chi Ðội Thiết Giáp gồm 8 chiến xa AM8. Chi Ðội nầy phụ trách an ninh Ngân Hàng Quốc Gia và an ninh vòng đai Bộ Tư Lệnh CSQG. Bên cạnh đó có hai biệt đoàn. Biệt Ðoàn 5 CSDC có 12 đại đội tác chiến, được phối trí hoạt động trong khắp các quận của đô thành Sài Gòn và tỉnh Gia Ðịnh. Biệt Ðoàn 222 CSDC là biệt đoàn tổng trừ bị của Bộ Tư Lệnh CSQG. Biệt đoàn này sẵn sàng tăng cường yểm trợ hoạt động cho tất cả các Bộ Chỉ Huy CSQG địa phương trên khắp lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa.
Tổng số quân số của 2 biệt đoàn này có trên 5,000 người. Những thành tích quan trọng và khó quên được đó là hoạt động của hai biệt đoàn trong trận chiến Tết Mậu Thân năm 1968. Các trận đánh của Biệt Ðoàn 5 tại nhà thờ Cha Tam, nhà thờ Bảy Vàng, bến Phạm Thế Hiển, Ðồng Ông Cộ (Gia Ðịnh). Trận đánh tái chiếm đài phát thanh Sài Gòn do Thiếu Tá N.T.X. (chỉ huy phó Biệt Ðoàn 222) chỉ huy. Vào những ngày cuối tháng 4 năm 1975, chúng ta cũng thấy các trận đánh dữ dội của Biệt Ðoàn 222 do Thiếu Tá N.V.T. chỉ huy tại Ký Thu Ôn, Quận 8 Sài Gòn. Ngoài ra, Biệt Ðoàn 222 cũng từng được điều động tăng cường yểm trợ để vây bắt đảng cướp “Cua Vàng” tại ranh giới hai tỉnh Kiến Phong và Châu Ðốc.
Những người lính Cảnh Sát Dã Chiến trên đường phố Saigon. Họ vẫn chưa tan hàng, và tiếp tục chống trả mãnh liệt để bảo vệ thủ đô đến giờ phút cuối. Hình chụp tại Sài Gòn ngày 29 tháng 4/1975. (HÌNH ẢNH: sưu tầm)
Biệt Ðoàn 222 cũng từng được tăng phái Bộ Chỉ Huy tỉnh Biên Hòa để bao vây, bắt trọn tổ chức kinh tài của Cộng Sản trong Làng Cô Nhi Long Thành. Với nhiệm vụ truy lùng các tổ chức hạ tầng cơ sở Cộng Sản, Cảnh Sát Dã Chiến đã hành động hết sức chính xác. Sau 30 tháng 4 năm 1975, trong lúc chúng tôi bị tập trung vào làng Cô Nhi Long Thành, chúng tôi đã gặp lại một cán bộ Việt Cộng nằm vùng đã từng bị Cảnh Sát Dã Chiến bắt giữ trước đây. Nay anh ta trở lại làng này để tiếp tục kinh tài cho Việt Cộng. qua việc bán chuối, tương, chao, đậu phọng, cho khoảng 3,000 viên chức các cấp của chính quyền miền Nam đang bị tập trung cải tạo tại trại tù này.

TỔ CHỨC VÀ HOẠT ÐỘNG TẠI ÐỊA PHƯƠNG
Kể từ năm 1968 trở về trước, các tỉnh và thị xã biệt lập có 5 quận hành chánh trở xuống được thành lập một Ðại Ðội Cảnh Sát Dã Chiến với 4 trung đội tác chiến và một Ban Chỉ Huy Ðại Ðội. tỉnh và thị xã biệt lập nào có từ 6 quận trở lên được thành lập 2 đại đội Cảnh Sát Dã Chiến. Kể từ năm 1969 trở về sau, do nhu cầu yểm trợ chiến dịch Phượng Hoàng, Cảnh Sát Dã Chiến ở các tỉnh trên toàn quốc được tổ chức lại. Mỗi tỉnh và thị xã biệt lập chỉ còn lại một ban chỉ huy đại đội và một trung đội trừ bị đóng tại hậu cứ đại đội. Tất cả các trung đội được đưa xuống hoạt động ở khắp các quận hành chánh của tỉnh liên hệ. Mỗi quận được bố trí một trung đội Cảnh Sát Dã Chiến.

Do đó, một đại đội Cảnh Sát Dã Chiến ở cấp tỉnh được thành lập với nhiều hay ít trung đội là tùy thuộc vào số quận hành chánh của tỉnh địa phương. Thí dụ Ðại Ðội Cảnh Sát Dã Chiến có nhiều Trung đội nhất là Ðại Ðội 102-Cảnh Sát Dã Chiến Thừa Thiên. Ðại Ðội này có đến 13 trung đội, vì tỉnh Thừa Thiên có thêm 3 quận hành chánh của thị xã Huế. Trong khi đó một đại đội ở các biệt đoàn Cảnh Sát Dã Chiến chỉ có 4 trung đội như nhau.
Những thành quả quan trọng trong nhiệm vụ là tiêu diệt hạ tầng cơ sở Cộng Sản. Cảnh Sát Dã Chiến đã đạt được rất nhiều, tỉnh nào cũng có, quận nào cũng có. Dưới đây là một số kết qủa điển hình mà đến hôm nay chúng tôi vẫn còn nhớ mãi.
Trong một đêm vào cuối năm 1972, môt tiểu đội của Ðại Ðội 401 CSDC Ðịnh Tường (Mỹ Tho ) tổ chức một cuộc phục kích bên một bờ kênh nhỏ có cầu tre bắt qua. Trong trận này, họ bắn hạ 11 cán binh Việt Cộng, tịch thu được 10 súng AK và một súng nhỏ.
Ðại Ðội 410 CSDC Phong Dinh (Cần Thơ) trong một lần phục kích đêm tại rạch Bến Bạ, Cần Thơ, đã tiêu diệt một toán Cộng Sản, tịch thu một số vũ khí quan trọng khi đối phương dùng xuồng vận chuyển vũ khí qua sông.
Tại mặt trận Quảng Trị và Bình Long, Cảnh Sát Dã Chiến cũng làm tròn trọng trách của mình, cũng ở hầm, cũng đánh giặc, cũng gian khổ như các đơn vị khác. Nói tới mặt trận Bình Long (trận chiến tại thị xa An Lộc) thì cũng phải nói tới công của N.V.K.là đại đội đrưởng của Ðại Ðội 302 Cảnh Sát Dã Chiến Bình Long thời đó. Cảnh Sát Dã Chiến cũng tử thủ tai An Lộc.
Khi được lệnh đến thăm BCH/CSQG Bình Long, tôi và Trung Tá D.T.Y được Bộ Tư Lệnh Sư Ðoàn 5 BB đóng tại Lai Khê giúp đỡ để được đi cùng trực thăng tải thương đến phi trường Xa Cam An Lộc. Chúng tôi đã được Trung tá L.V.T. (chỉ huy trưởng của Cảnh Sát Quốc Gia tỉnh Bình Long) và Thiếu Tá L.V.Ð. (chỉ huy phó) ra đón bằng hai xe Honda 67, vì thành phố đỗ nát không còn nhà cửa, đường sá không còn sử dụng xe Jeep được. Vả lại lúc đó Bộ Chỉ Huy Cảnh Sát Quốc Gia tỉnh Bình Long cũng không còn xe Jeep nào để đi.

Chúng tôi đã có dịp lưu lại một đêm tại bộ chỉ huy này để được chứng kiến những gian khổ của anh em Cảnh Sát Quốc Gia nói chung và của Cảnh Sát Dã Chiến nói riêng. Sau hơn một tháng ở dưới hầm, toàn đơn vị thiếu thốn đủ mọi thứ, từ thức ăn cho đến nước uống và cả sự liên lạc với gia đình cũng bị gián đoạn.
Vai trò của một sĩ quan Cảnh Sát Dã Chiến hết sức phức tạp, không những phải am tường về luật pháp mà còn phải quán triệt về quân sự. Tiêu diệt cơ sở hạ tầng Cộng Sản thì chỉ cần biết tin tức tình báo từ Cảnh Sát Ðặc Biệt (CSÐB) hoặc các cơ quan bạn để Cảnh Sát Dã Chiến có thể thi hành nhiệm vụ. Còn đối với các cuộc biểu tình và nhiễu loạn dân sự thì Cảnh Sát Dã Chiến phải khéo léo, tế nhị hơn và nhất là phải biết rõ quyền hạn và trách nhiệm của mình.
Thật vậy, với nhiệm vụ thứ hai này, Cảnh Sát Dã Chiến luôn luôn thi hành đúng mức và đúng luật. Bằng chứng là vào giữa năm 1973, Linh Mục Trần Hữu Thanh từ Sài Gòn ra Quảng Ngãi xúi giục học sinh và dân chúng địa phương biểu tình chống chính quyền. Vì số người xuống đường quá đông nên ngoài Cảnh Sát Dã Chiến ra, vị tỉnh Trưởng còn điều động thêm quân đội địa phương đến hỗ trợ.
Kết quả của cuộc giải tỏa đám biểu tình này là đã làm một học sinh bị trúng đạn ở chân. Cha mẹ của học sinh bị nạn gởi đơn kiện Cảnh Sát Dã Chiến đã bắn vào con họ. Nhưng qua cuộc điều tra mới biết rằng Cảnh Sát Dã Chiến chỉ sử dụng các dụng cụ chuyên môn sẳn có như lăng khiên, đoản côn, lựu đạn khói cay, vòi phun nước. Vã lại tầm mức bạo động ở đây luật pháp chưa cho phép Cảnh Sát Dã Chiến phải dùng đến vũ khí. Thêm nữa, giảo nghiệm đầu đạn bắn là đạn của súng Colt 45 mà Cảnh Sát Dã Chiến không được trang bị loại súng này. Do đó mà Cảnh Sát Dã Chiến đã thoát khỏi bị qui trách làm sai luật pháp.
Rất tiếc trách nhiệm của Cảnh Sát Dã Chiến chưa hoàn thành thì tháng 4 năm 1975 lại đến. Những ước vọng cải tổ, sửa đổi để biến lực lượng Cảnh Sát Dã Chiến trở thành một lực lượng võ trang lớn mạnh nhất trong thời bình đã bị tan vỡ. Cảnh Sát Dã Chiến cũng như các đơn vị khác được lệnh ở đâu trở về đó để tan hàng.
Thông thường thì ở các trung tâm huấn luyện hay ở bất cứ đơn vị Cảnh Sát Dã Chiến nào, trước khi được lệnh “tan hàng” đều hô to hai tiếng “cố gắng,” rồi sau đó 5 hay 10 phút đơn vị sẽ được tập họp trở lại để tiếp tục huấn luyện hay được phân chia công tác mới. Thế nhưng lần “tan hàng” này anh em Cảnh Sát Dã Chiến không có hô to hai tiếng “cố gắng” nữa. Các chiến sĩ cảnh phục “hoa màu đất” của Biệt Ðoàn 222 Cảnh Sát Dã Chiến đang đánh nhau với Việt Cộng tại Ký Thu Ôn (Quận 8 Sài Gòn) đã được lệnh trở về hậu cứ biệt đoàn, để rồi tự buông súng trước sân cờ và giải tán từ đó.
Sau một tháng kể từ ngày thua trận trở về nhà, các sĩ quan và hạ sĩ quan Cảnh Sát Dã Chiến cũng cùng số phận với các viên chức khác của chính phủ VNCH, phải trình diện để được đưa vào các trại tù Cộng Sản. Thông báo trên báo chí và đài phát thanh của Cộng Sản, yêu cầu mọi người trình diện “học tập cải tạo” chỉ cần mang theo thực phẩm, quần áo và tiền bạc đủ dùng trong vòng mười ngày hoặc một tháng. Thế rồi qua nhiều năm tháng , thân phận của những người tù trong đó có nhiều chiến sĩ Cảnh Sát Dã Chiến đã bị lưu đày qua biết bao trại tù từ Nam ra Bắc, rồi từ Bắc vào Nam.
Trải qua những năm tháng gian khổ, đói rét, thiếu thốn đủ thứ, và tinh thần luôn luôn bị đe dọa, một số chiến hữu Cảnh Sát Dã Chiến đã ra đi vĩnh viễn, một số may mắn hơn sau khi ra tù đã vượt biên tìm đến bến bờ tự do hiện đang định cư ở nhiều nước trên thế giới, một số đông sau cùng đã được ra đi theo diện H.O. hiện đang cư trú rải rác trên các Tiểu bang của Hoa Kỳ.
Ngày nay người chiến sĩ Cảnh Sát Dã Chiến sống xa quê hương ít có cơ hội để gặp nhau theo định kỳ hoặc trong các chuyến công tác tại các đơn vị từ Quảng Trị cho tới Cà Mau như ngày nào. Cuộc sống nơi xứ người làm chúng ta không có nhiều thời giờ để liên lạc, trò chuyện, tâm tình khi xa xứ. Những thành qủa đạt được trong quá khứ nay chỉ còn là kỷ niệm. Dù thời gian có lâu bao nhiêu đi chăng nữa cũng không làm phôi phai đi tình nghĩa đồng đội Cảnh Sát Dã Chiến. Chúng ta luôn luôn kính trọng các bậc đàn anh, thương mến đàn em.
 “Tổ Quốc, Danh Dự, Trách Nhiệm” luôn luôn được chúng ta gìn giữ và tôn trọng. Khi không còn ở đơn vị nữa, thì dù ở bất cứ nơi nào, hoàn cảnh nào, người Cảnh Sát Dã Chiến cũng luôn luôn tự hào là không bao giờ để mất đi danh dự cao quý của mình.
*Nguyễn Văn Linh*


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét