Góp ý về Nhà Triệu và nước Nam Việt
Song Thuận
Đọc lịch sử Việt Nam, chúng ta đều nhận thấy Nhà
Triệu (207-111 trước Tây Lịch) là một triều đại rực rỡ của nước Nam Việt, với
cương thổ từ Đông sang Tây rộng hơn vạn dậm, do Triệu Vũ Đế, tên thật là Triệu
Đà thành lập năm 207 trước Tây Lịch.
Ca tụng sự nghiệp anh hùng của Triệu Vũ Đế, Đại Việt
Sử Ký Toàn Thư viết: “Họ Triệu, nhân lúc nhà Tần suy loạn, giết trưởng lại Tần,
chiếm giữ đất Lĩnh Nam, xưng đế, đòi ngang nhà Hán, hưởng nước truyền ngôi 100
năm mới mất, cũng là bậc vua anh hùng.”
Niềm hãnh diện này truyền tụng mãi mãi về sau, được
Đại Việt Sử Ký Toàn Thư nhắc lại: “Vua (Đinh Tiên Hoàng) tài năng sáng suốt hơn
người, dũng cảm mưu lược nhất đời, quét sạch các hùng trưởng (Sứ Quân), tiếp
nối quốc thống của Triệu Vũ (Đế) ...”
Một vị tướng tài nổi danh khắp năm châu như Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, lúc sắp qua đời, cũng tỏ ra kính phục Triệu Vũ Đế, trong câu chuyện sau đây:
“Hưng Đạo Vương làm quan đến đời vua Anh Tông thì xin về trí sĩ ở Vạn Kiếp. Khi ngài sắp mất, vua Anh Tông có ngự giá đến thăm, nhân thấy ngài bệnh nặng, mới hỏi rằng:” Thượng phụ một mai khuất núi, phỏng có quân Bắc lại sang thì làm thế nào?”
Hưng Đạo Vương tâu rằng: “Nước ta thủa xưa, Triệu Võ Vương dựng nghiệp, Hán đế đem binh đến đánh, Võ Vương sai dân đốt sạch đồng áng, không để lương thảo cho giặc chiếm được, rồi đem đại quân sang châu Khâm, châu Liêm đánh quận Tràng Sa, dùng đoản binh mà đánh được, đó là một thời...”
Mở đầu “Bình Ngô Đại Cáo”, nguyên bản bằng chữ Hán, danh thần Nguyễn Trãi cũng đã trân trọng công nhận Nhà Triệu đứng đầu các Triều Đại chính thống của nước ta:
“Cái văn: nhân nghĩa chi cử, yếu tại an dân; điếu phạt chi sư, mạc tiên khử bạo. Duy ngã Đại Việt chi quốc, thực vi văn hiến chi bang. Sơn xuyên chi phong vực ký thù, Nam Bắc chi phong tục diệc dị. Tự Triệu Đinh Lý Trần chi triệu tạo ngã quốc, dữ Hán Đường Tống Nguyên nhi các đế nhất phương. Tuy cường nhược thì hữu bất đồng, nhi hào kiệt thế vị thường phạp”. (Việt Nam Sử Lược - Trần Trọng Kim, Tập 1, Phụ lục trang 277).
Sách “Đại Việt Sử Ký Toàn Thư” (Viện Khoa Học Xã Hội Việt Nam , nhà Xuất Bản Khoa Học Xã Hội), dịch ra như sau (tập 2, trang 282):
“Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân, Quân điếu phạt trước lo trừ bạo. Xét như nước Đại Việt ta, thực là một nước văn hiến. Cõi bờ sông núi đã riêng, Phong tục Bắc Nam cũng khác. Trải Triệu, Đinh, Lý, Trần nối đời dựng nước, Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên đều chủ một phương. Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau, Song hào kiệt không bao giờ thiếu.”
Vua Quang Trung Nguyễn Huệ, cũng đã có ý muốn “đòi về” vùng đất Lưỡng Quảng, là đất đai nước Nam Việt của nhà Triệu xưa kia:
Trần Trọng Kim (sách đã dẫn, quyển II, trang 143) viết: “...năm Nhâm Tí (1792) vua Quang Trung sai sứ sang Tàu, xin cầu hôn và xin trả lại cho Việt Nam (bấy giờ tên là Đại Việt) đất Lưỡng Quảng.”
Phạm Văn Sơn (sách đã dẫn, trang 563) viết: “Đi xa hơn nữa, năm Nhâm Tý tức Quang Trung thứ 5, nhà vua bắt đầu thi hành công chuyện nói trên. Ngài gửi cho bọn biên thần nhà Thanh hai bức thư liên tiếp nhờ đề đạt lên vua Càn Long ngỏ ý muốn cầu hôn với Công chúa Thanh và đòi đất Lưỡng Quảng để làm quốc đô.”
Những kẻ hậu sinh chúng ta, mỗi lần nhắc đến “Lưỡng Quảng” tức đất Bách Việt xưa kia, theo truyền thuyết là nơi lập quốc của Kinh Dương Vương (khoảng 2879 trước Tây Lịch), truyền ngôi cho Lạc Long Quân, bị Nhà Tần xâm chiếm năm 214 trước Tây Lịch, nhưng được Triệu Vũ Vương giành lại năm 207 trước Tây Lịch, dựng lên nền độc lập cho dân tộc Việt gần 100 năm, sau đó bị Nhà Hán thôn tính lấy mất, trong lòng ai chẳng bồi hồi luyến tiếc?
Chính vua Tự Đức cũng đã ngậm ngùi khi viết lời phê về việc Nhà Hán diệt Nhà Triệu trong Khâm Định Việt sử thông giám cương mục (giữa thế kỷ 19) như sau:
“Xét chung từ trước đến sau, đất đai của nước Việt ta bị mất về Trung Quốc đã đến quá một nửa, tiếc rằng vua sáng tôi hiền các triều đại cũng nhiều người lỗi lạc hiếm có ở trên đời, mà vẫn không thể nào lấy lại được một tấc, đó là việc đáng ân hận lắm! Thế mới biết việc thu hồi đất đai đã mất, từ đời trước đã là việc khó, chứ không những ngày nay mà thôi. Thật đáng thương tiếc.”
Trên đây là cách nhìn lịch sử (sử quan) của những nhà viết sử nổi tiếng và những danh nhân, danh tướng Việt Nam, coi Nhà Triệu và nước Nam Việt tiếp nối nền chính thống từ thời vua Hùng.
Cách nhìn khác, có lẽ căn cứ trên thực tế cương thổ của nước Việt Nam, một số nhà viết sử đã có nhận định trái ngược với cách nhìn của những sử gia trong chính sử: Khởi đầu là sử gia Ngô Thời Sỹ đời Nhà Lê với “Việt Sử Tiêu Án” và tiếp theo là những nhà viết sử ở trong nước ngày nay. Một số nhà viết sử ở Hải Ngoại có cùng quan điểm với cách nhìn mới, loại bỏ Nhà Triệu ra ngoài danh sách những triều đại chính thống. Theo cách nhìn này, nước Việt Nam bị “Bắc thuộc” (hoặc ngoại thuộc Nhà Triệu) bắt đầu từ thời Nhà Triệu nắm chính quyền.
Một số dữ kiện lịch sử có thể đã được dùng làm luận cứ cho cách nhìn này:
1. Tượng Quận được coi là vùng đất cổ Việt khác với Nam Hải (Quảng Đông) và Quế Lâm (Quảng Tây):
“Chuyện Văn Lang và Âu Lạc được xếp vào loại khó tin được, nhưng đến Tượng Quận thì không còn là chuyện hoang đường mà chắc chắn là chuyện lịch sử rõ ràng.
Năm 214 tr. CN (đinh hợi), Tần Thủy Hoàng sai Đồ Thư và Sử Lộc đánh lấy đất Lĩnh Nam lập ra các quận Quế Lâm (nay là vùng bắc và đông Quảng Tây, Trung Hoa), Nam Hải (nay là Quảng Đông, Trung Hoa), và Tượng Quận (vùng cổ Việt) (Trần Gia Phụng, sách đã dẫn trang 12).
Ngô Thời Sỹ trong Việt Sử Tiêu Án cũng đã phân biệt rõ ràng: “Than ôi! Đất Việt Nam Hải, Quế Lâm không phải là đất Việt Giao Chỉ” (trang 25).
Theo cách nhìn này, biên giới phía Bắc nước cổ Việt với nước Trung Hoa ở đâu đó vùng Lạng Sơn, Cao Bằng, khác với biên giới nước Nam Việt, được vua Hán Cao Tổ công nhận, bắt đầu từ Động Đình Hồ: “Cõi đất từ Ngũ Lĩnh về nam, vương (Triệu Đà) cứ việc trị lấy” (ĐVSKTT trang 144).
2. Văn Lang chia thành 15 “bộ”, không có “bộ” nào ở Lưỡng Quảng, mà chỉ giới hạn trong vùng đất Bắc Việt và vài tỉnh phía Bắc Trung Việt ngày nay.
3. Triệu Đà là người gốc phương Bắc, và kinh đô nước Nam Việt ở Phiên Ngung (Quảng Đông), không ở Bắc Việt ngày nay.
4. Quan trọng nhất là nước Âu Lạc bị Triệu Đà xâm chiếm đã được ghi rõ trong sách sử: “Canh Thân, năm thứ 27 (181 TCN), (Hán Cao Hậu năm thứ 7). Nhà Hán sai Lâm Lư hầu, Chu Táo sang đánh Nam Việt để báo thù việc đánh Trường Sa. Gặp khi nắng to ẩm thấp, bệnh dịch phát, bèn bãi quân, Vua (Triệu Vũ Đế) nhân thể dùng binh uy và của cải để chiêu vỗ Mân Việt và Âu Lạc ở phía Tây (tức là Giao Chỉ và Cửu Chân) các nơi ấy đều theo về). (ĐVSKTT, trang 143)
Cách nhìn lịch sử căn cứ vào thực tế cương thổ nước Việt Nam , mở ra một phương pháp suy luận mới, có vẻ thực tế khách quan.
Tuy nhiên cách nhìn này đã vấp phải sự nhận diện sai lạc và sự di dịch biên giới cổ Việt qua các thời đại, cũng như sự phân biệt và kỳ thị có tính cách địa phương (theo Trương Thái Du, là “tính nhất thời, trong cái nhìn địa phương hãn hữu” - Triệu Đà và nước Nam Việt trong dòng chảy lịch sử Việt Nam – 2005 talawas), vì thế làm mất hẳn đi tính thuyết phục:
1.Thuyết coi Tượng Quận là đất cổ Việt, thuộc về phần đất Bắc Việt ngày nay, đã bị phê phán: “Tượng Quận: tên quận đời Tần mà trước đây nhiều sách sử của ta và của Trung Quốc đều chú giải là quận Nhật Nam, hay bao gồm cả ba quận Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam thời Hán, tức đất An Nam. Thuyết đó là dựa vào một câu cước chú của Hán thư (q.28 hạ, tr. 11a) về quận Nhật Nam thờ Hán: Quận Nhật Nam - quận Tượng thời Tần ngày trước”. Nhưng từ cuối thế kỷ XIX thuyết đó đã bị phê phán. Chính Hán Thư phần Bản Kỷ (q. 7 tr. 9a) chép rõ ràng: “Năm thứ 5 hiệu Nguyên Phương (76 TCN), bãi bỏ quận Tượng, chia đất vào hai quận Uất Lâm và Tường Kha”. (Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, trang 138).
Bản đồ nước Nam Việt (Trần Việt Bắc vẽ).Chú ý sẽ thấy Tượng Quận ở phía trên Tây Âu, gần Tường Kha.
Quận Uất Lâm ở vùng đất thuộc Quảng Tây, quận Tường Kha ở phía tây quận Uất Lâm và gồm một phần Quý Châu. Vậy Tượng Quận thuộc về miền tây Quảng Tây và nam Quý Châu.
Nhìn nhận Tượng Quận là đất cổ Việt, ắt phải nhìn nhận Quảng Tây là cổ Việt? Chưa kể, thời Hai Bà Trưng có quận Hợp Phố thuộc về tỉnh Quảng Đông ngày nay theo về, làm cho biên giới nước cổ Việt mở rộng, ăn sâu vào tỉnh Quảng Đông. Biên giới nước Việt Nam ngày nay cũng đã thay đổi: thời Hồ Quí Ly mất cho Trung Hoa vùng đất Lộc Châu gồm 59 thôn ở Cổ Lâu (năm 1405), thời Mạc Đăng Dung mất 5 động Tê Phù, Kim Lạc, Cổ Xung, Liễu Cát, La Phù và đất Khâm Châu (năm 1540) và thời Cộng Sản gần đây (năm 1999) mất thêm đất vùng biên giới Hoa Việt từ Ải Nam Quan (Lạng Sơn) qua vùng đất có Thác Bản Giốc Cao Bằng, cũng như lãnh hải và các đảo Hoàng Sa, Trường Sa (?).
2. Còn về thuyết Văn Lang được chia ra làm 15 bộ để cai trị, cũng đã bị phê phán về tính xác thực. Học giả Lê Quí Đôn (1726-1784) trong Văn đài loại ngữ đã nhận xét : “...Tôi xét đời Hùng Vương, trên nối đời Hồng Bàng, không có chữ nghĩa gì truyền lại; về 15 bộ đặt ra thời đó, cùng với các quận huyện do nhà Hán, nhà Ngô (Trung Hoa) mới đặt ra, tên gọi lẫn lộn, tôi ngờ rằng những tên đó do các hậu nho góp nhặt vay mượn chép ra, khó mà tin được...” (Trần Gia Phụng, sách đã dẫn trang 11, 12).
Cũng nên biết rằng ý niệm thống nhất đất đai chư hầu thành một nước để chia ra từng bộ phận, quận huyện mà cai trị, chỉ bắt đầu xuất hiện bên trung Hoa từ thời nhà Tần (356 tr. TL) trở về sau (do chính sách của Tướng quốc Thương Ưởng, sau đó được Tần Thủy Hoàng củng cố mạnh mẽ hơn nhờ Tể Tướng Lý Tư soạn ra tân chính sách). Vì vậy, nếu cho rằng ý niệm “thống nhất đất đai” đã xẩy ra ở cổ Việt trước thời Tần Thủy Hoàng xâm lăng đất Bách Việt, thì quả thật đáng để chúng ta suy nghĩ về tính xác thực của nó. Hơn nữa chính “đất Bách Việt” trước khi bị Nhà Tần xâm lăng, theo truyền thuyết thuộc về Văn Lang là đất đai của vua Hùng. Nhà Tần chia đất Bách Việt ra thành 3 quận Nam Hải (Quảng Đông), Quế Lâm (Quảng Tây), và Tượng Quận (theo thuyết mới thuộc về Quảng Tây). Có lẽ Tượng Quận bao gồm phần đất bản bộ của Thục Phán tại Quảng Tây, trước khi đánh chíếm nước Văn Lang (?).
3. Chúng ta cũng cần suy nghĩ về quan niệm cho rằng Triệu Đà là người phương Bắc và kinh đô Nhà Triệu ở Phiên Ngung, không nằm trong đất Bắc Việt ngày nay, rồi kết luận “Nước Nam Việt là một nước phương Bắc, đô hộ nước Âu Lạc (Bắc Việt)”.
Bởi vì nước ta có nhiều ông vua gốc phương Bắc như Thục An Dương Vương, Lý Nam Đế, Hồ Quí Ly, Quang Trung Nguyễn Huệ, nhưng vẫn được dân tộc Việt công nhận là những ông vua Việt Nam có tài và có công. Còn về Kinh đô của một nước, thường tùy thuộc vào diện tích đất đai và cách tổ chức chính trị của nước đó. Thí dụ khi Việt Nam còn giới hạn ở miền Bắc và mấy tỉnh miền Trung, thì kinh đô của các Nhà Ngô, Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Lê đều đặt ở miền Bắc (Hoa Lư hoặc Thăng Long). Nhưng khi lãnh thổ mở rộng về phương Nam đến mũi Cà Mâu, thì kinh đô của vua Quang Trung hay vua Gia Long đều dời về ở miền Trung (Phú Xuân, Huế). Giả thử Thục An Dương Vương khi chiếm đất của các vị vua Hùng, có đất bản bộ là vùng Lưỡng Quảng rộng lớn, tất cũng phải đặt kinh đô trên đất Lưỡng Quảng vậy. Sau này, vua Quang Trung Nguyễn Huệ cũng đã có ý định “đòi đất Lưỡng Quảng để làm quốc đô” (Phạm Văn Sơn sách đã dẫn trang 563).
Sử gia Ngô Thời Sỹ khi viết về đất Bách Việt (Quảng Đông, Quảng Tây) cũng cho rằng: “ đất Bách Việt là đất cổ Việt (?): “Nhà Tần cho là nước Việt ta nhiều châu báu, muốn chia nước ta ra làm quận huyện, sai Hiệu Úy Đồ Thư mang quân vào sâu mãi Lĩnh Nam lấy đất Lục Lương đặt ra Quế Lâm, Nam Hải, Tượng Quận. Người Việt ta đều chạy trốn vào trong rừng rậm, không chịu để cho nhà Tần dùng, ngầm đặt Kiệt Tuấn làm tướng, đương đêm đánh Đồ Thư, nhà Tần bèn mang 500 vạn (5 triệu) (?) dân phát vãng đi đầy sang ở đó. ...”. (sách đã dẫn trang 24). Theo Trần Trọng Kim, Nhà Tần sai Đồ Thư sang đánh Bách Việt ở “vào quãng tỉnh Hồ Nam, Quảng Đông và Quảng Tây bây giờ” (sách đã dẫn trang 18). Phải chăng, nhóm từ “nước Việt ta”, “nước ta”, “người Việt ta” trong Việt Sử Tiêu Án đã mặc nhiên thừa nhận dân tộc Bách Việt chính là dân tộc Cổ Việt? Tương tự, một cách khách quan sử gia Phạm Văn Sơn trong Việt Sử Toàn Thư cũng công nhận người Việt Nam và người Nam Việt chỉ là một(?): “Với Triệu Đà ta thấy xã hội Việt Nam bắt đầu tiến do sự phát triển về nông nghiệp...Triệu Đà đã thúc đẩy dân tộc Việt Nam lên một bước đáng kể”, hoặc: “Sự tiến hóa về các phương diện trên đây tuy còn ít ỏi nhưng cũng đã làm nảy nở ít nhiều ý thức quốc gia của người Việt”. (sách đã dẫn, trang 90).
4. Căn cứ vào dữ kiện lịch sử “Triệu Đà xâm lăng Âu Lạc” tức đất Bắc Việt ngày nay, để cho rằng nước ta ngoại thuộc Nhà Triệu hay “Bắc thuộc”, không phải là không có duyên cớ. Tuy nhiên, bảo rằng lãnh thổ của Âu Lạc là lãnh thổ của Văn Lang (trong truyền thuyết) lại là một nghi vấn lịch sử? Chính “ Lời Thông Luận” cũng đã tỏ ra ngạc nhiên: “An Dương Vương khởi từ đất Ba Thục, thừa lúc họ Hùng-Lạc đã suy, một trận cử binh mà lấy được nước cũ hơn hai nghìn năm, sao mà hùng cường thế”. (Ngô Thời Sỹ, sách đã dẫn trang 25).
Để có thể nhận xét một cách khách quan, chúng ta cần tìm hiểu và xét lại 2 vấn đề sau đây:
1. Thục Phán là người Phương Bắc (gốc nước Thục, mà ta quen gọi là người Tàu), đánh bại vua Hùng Vương thứ 18, chiếm kinh đô vua Hùng ở Phong Châu (Vĩnh Yên, nay là tỉnh Phú Thọ), nhưng có chiếm được hết đất đai của vua Hùng theo truyền thuyết hay không?
Với thời gian trị vì của Thục An Dương Vương không quá 50 năm trong 1 đời vua, Thục An Dương Vương đã có thể thu phục được bao nhiêu phần trăm “nhân tâm” của những quan Lạc Tướng, Lạc Hầu, và nhất là của dân tộc Việt “cắt tóc vẽ mình” từng là con dân vua Hùng hàng ngàn năm rồi? Số dân chúng còn luyến tiếc thời vua Hùng, không chịu khuất phục “chế độ mới” là bao nhiêu?
2. Dân tộc Bách Việt “ cắt tóc vẽ mình” cùng một tổ tiên với dân tộc Lạc Việt sống rải rác từ Động Đình Hồ (tức vùng đất Quảng Đông, Quảng Tây) tới Âu Lạc (Bắc Việt ngày nay), trước khi Tần xâm lăng Bách Việt, thuộc về nước nào? vua nào? nếu không phải là nước Văn Lang của vua Hùng? Khi Hán Cao Tổ chiếm trọn đất đai phía Bắc Ngũ Lĩnh (Động Đình Hồ), Triệu Vũ Đế hầu như chiếm trọn đất đai phía Nam Động Đình Hồ. Vua Hán dùng ngoại giao để thu phục Nhà Triệu và phong Vương cho Triệu Đà không hề đả động gì đến nước Văn Lang, hay Âu Lạc, mà chỉ biết Nam Việt là một nước duy nhất ở phương Nam “thần phục” Nhà Hán” (khác với “lệ thuộc” Nhà Hán, vì đây chỉ là một hình thức ngoại giao, Nam Việt vẫn giữ được nền tự chủ).
Để biết rõ thêm về Nhà Triệu và nước Nam Việt, chúng ta cùng tìm hiểu mấy câu hỏi sau đây:
1. Triệu Đà là ai? Vợ con Triệu Đà và thân tín của Triệu Đà là ai? Triệu Đà đến nước Cổ Việt từ bao giờ?
2. Vua quan triều đình nước Nam Việt là ai?
3. Dân tộc nước Nam Việt là ai?
4. Triệu Đà đã làm được những điều gì ích lợi cho nước Việt Nam ta thời xưa?
Đỉnh trong mộ Vua Nam Việt đời thứ 2 – 122 BC (tức Triệu Văn Vương - 137-125 BC)
(Một Thế Kỷ Khảo Cổ Việt Nam Tập II)
1. Triệu Đà là ai?
Mặc dù thời đại Triệu Đà đã có chữ viết, nhưng sử sách chép về tiểu sử Triệu Đà lại rất sơ sài. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư cho biết: “Họ Triệu, tên húy là Đà, người huyện Chân Định nước Hán, đóng đô ở Phiên Ngung (nay ở tỉnh Quảng Đông)...”. Trần Trọng Kim trong “Việt Nam Sử Lược” chú trọng nhiều đến việc thành lập nước Nam Việt: “Năm Quí tị (207 tr. TL), Triệu Đà đánh được An Dương Vương rồi, sáp nhập nước Âu Lạc vào quận Nam Hải, lập thành một nước gọi là Nam Việt, tự xưng làm vua, tức là Vũ Vương, đóng đô ở Phiên Ngung, gần thành Quảng Châu bây giờ”, và cho biết thêm: “Năm Giáp Thìn (137 trước Tây Lịch), Triệu Vũ Vương mất. Sử chép rằng ngài thọ được 121 tuổi và làm vua được 70 năm”.
Vợ con Triệu Đà là ai?
Ngô Thời Sỹ không nói gì đến tiểu sử của Triệu Đà, nhưng lại cung cấp một dữ kiện quí báu, đó là thân thế của bà vợ người Việt của Triệu Vũ Đế: “Theo sách ngoại sử: Mẹ Trọng Thủy là Trình Thị, người làng Đường Xâm, quận Giao Chỉ , (nay làng Đường Xâm, huyện Chân Định), nơi có miếu thờ Triệu Đà, Trình Thị được tòng tự ở miếu ấy”. (trang 24, sách đã dẫn)
Triệu Đà đến nước Cổ Việt từ bao giờ?
Đại Việt Sử Ký Toàn Thư và Việt Sử Tiêu Án đều chép: “Triệu Đà làm quan lệnh Long Xuyên”, nhưng không cho biết Triệu Đà được vua Tần sai phái sang nước Nam từ bao giờ? Căn cứ vào bức thư của Triệu Đà viết gửi Hán Văn Đế (năm 179 trước Tây Lịch), có câu: “Lão phu ở đất Việt 49 năm, đến nay đã ẵm cháu rồi” (Ngô Thời Sỹ, sách đã dẫn trang 27), suy ra Triệu Đà đến đất cổ Việt vào năm 228 trước Tây Lịch, đúng vào thời gian nước Triệu bị Nhà Tần diệt (228 tr. TL), 14 năm trước khi Tần Thủy Hoàng sai tướng Đồ Thư đem quân đánh lấy Bách Việt. Trong cuốn “Sổ Tay Địa Danh Việt Nam ”, Đinh Xuân Vịnh cho biết thêm: “CHÂN ĐỊNH: huyện về đời Lê thuộc phường Kiến Xương do phủ kiêm lị, trấn Sơn Nam . Nguyên là huyện Chân Lợi, đời Lê vì kị húy vua Lê Thái Tổ, nên đổi là Chân Định, lấy tên là huyện quê hương Triệu Đà ở nước Triệu bên Trung Quốc. Đà có người vợ người Việt quê ở làng Đồng Sâm (Đường Xâm?), huyện Chân Định. Đời Thành Thái vì kị húy tên vua Dục Đức là Ưng Chân, đổi là Trực Định và chuyển thuộc tỉnh Thái Bình mới thành lập (1894), từ năm 1945 là huyện Kiến Xương. Quê Nguyễn Quang Bích, Trương Quỳnh Như”.
Nhờ vào những dữ kiện lịch sử kể trên, chúng ta có thể suy diễn: “Triệu Đà sinh năm 258 tr. TL, quê huyện Chân Định nước Triệu (bị Nhà Tần diệt vào năm 228 tr. T.L), lúc đó Triệu Đà vừa 30 tuổi, phải bỏ nước chạy sang Giao Chỉ “tị nạn”. Tại Giao Chỉ, Triệu Đà kết hôn với một cô gái người Việt quê làng Đường Xâm (sau thuộc tỉnh Thái Bình, Bắc Việt). Vợ chồng Triệu Đà sinh ra Trọng Thủy. Sau Trọng Thủy kết duyên với Mỵ Châu, con gái An Dương Vương, sinh được một trai đặt tên là Hồ (Triệu Hồ được truyền ngôi lên làm vua nước Nam Việt năm 137 tr. TL). Trong suốt thời gian 14 năm sống trên đất Việt và thời gian 70 năm làm vua nước Việt sau này, Triệu Đà đã nhiễm phong tục tập quán của người Việt, đồng hóa với người Việt, yêu thương văn hóa Việt và quyết tâm bảo vệ và gìn giữ nền Văn Hóa cổ Việt, ngăn cản không cho Văn Hóa người Hán tràn vào Nam Việt.
Nhận xét một cách vô tư, sử gia Phạm Cao Dương viết: “Triệu Đà mặc dầu gốc miền Bắc, nhưng vì xuống ở miền Nam lâu ngày đã bị đồng hóa bởi người Nam Việt, chấp nhận các phong tục tập quán của người Nam Việt đến độ quên hết quá khứ của mình, đúng như Lê Thành Khôi đã nhận xét” (trang 71 sách đã dẫn).
Chính sử gia Ngô Thời Sỹ cũng đã nhận xét: “Còn về phần giáo hóa , phong tục (Triệu Đà) không để ý đến một chút nào.” (sách đã dẫn, trang 34). Sử gia Phạm Văn Sơn cũng viết: “ Giao Chỉ vẫn giữ được đầy đủ các cá tính quốc gia, tinh thần cố hữu của nó. Lại nhân cuộc thay trò đổi cảnh hai xứ này (Giao Chỉ, Cửu Chân?) được thêm sự mở mang kinh tế và chấn hưng nông nghiệp. (sách đã dẫn, trang 86 & 87). Thật may mắn cho dân tộc Lạc Việt, nhờ Triệu Đà không để ý thay đổi phong tục tập quán cổ truyền của người Việt theo phong tục phương Bắc, nên dân tộc ta mới không bị Hán hóa ngay từ thời Nhà Triệu! Đây chính là công lao rất lớn của Triệu Vũ Đế vậy.
Có lẽ Triệu Đà qua Giao Chỉ “tị nạn”, chỉ có một thân một mình, căn cứ vào lời lẽ của Lục Dận nói với Triệu Vũ Vương: “Vương vốn là người Hán, họ hàng mồ mả đều ở nước Hán”, hoặc căn cứ vào sự giao thiệp với Hán Văn đế: “Vua Hán vì thấy mồ mả tổ tiên của vua (Triệu Đà) đều ở Chân Định, mới đặt người thủ áp để trông coi, tuế thời cúng tế, gọi các anh em của vua cho làm quan to, ban cho hậu”. Trong bức thư gửi Triệu Vũ Vương, vua Hán Văn Đế nói rõ: “Mới rồi nghe nói Vương có gửi thư cho tướng quân Lâm Lư hầu muốn tìm anh em thân và xin bãi chức hai tướng quân ở Trường Sa. Trẫm theo thư của Vương, đã bãi chức tướng quân Bác Dương hầu rồi, còn anh em thân của Vương hiện ở Chân Định, trẫm đã sai người đến thăm hỏi và sửa đắp phần mộ tiên nhân của Vương rồi”. (ĐVSKTT, trang 142-145). Như vậy, phải chăng anh em, họ hàng, thân thích cũ của Triệu Đà đã bị Nhà Hán giam lỏng, hoặc dùng chức tước để cầm chân, không cho rời khỏi nước Hán để đến nước Nam Việt?
2. Vua quan triều đình nước Nam Việt là ai?
Như trên vừa kể, những người thân tín của Triệu Đà trấn đóng khắp nơi và làm quan trong triều không phải là họ hàng, thân thích hay anh em của nhà vua (nếu có cũng rất ít). Vậy họ là ai? Có phải là người Tần không? Có phải là người Hán (người Tàu) không? Triệu Đà sống ở Giao Chỉ lâu ngày, lấy vợ Việt, ắt có rất nhiều bạn bè người Việt. Sau Triệu Đà làm quan cho nhà Tần tới chức Lệnh huyện tại Long Xuyên (đất Bách Việt), có thể đã kết hợp với người Bách Việt (Lạc Việt, Âu Việt...), giết hết trưởng lại Nhà Tần, để thay bằng thân tín là những người Việt. Lữ Gia và họ hàng thân thích hàng trăm người làm quan to trong triều, đều là người Việt: “Con trai đều lấy công chúa, con gái đều gả cho con em của vua hay tông thất của vua” (Phạm Cao Dương, sách đã dẫn trang 68).
Một triều đình nước Nam Việt với quan, dân đều là người Việt “cắt tóc vẽ mình” như vậy mà nhà viết sử lại cho rằng nước Nam Việt là... nước Tàu, thì chỉ có thể giải thích bằng “đầu óc kỳ thị địa phương” kiểu người miền Nam Việt Nam tự nhận là “dân Nam Kỳ Quốc” để phân biệt với người miền Bắc Việt Nam trong thời kỳ Pháp thuộc mà thôi! Về nhận xét có sự phân biệt “kỳ thị địa phương” thời Nhà Triệu, chính sử gia Phạm Văn Sơn cũng đã bác bỏ: “Và tuy sử sách không nói nhiều về việc cai trị dưới thời Triệu Đà hay dở thế nào ở đất Giao Chỉ, nhưng ta tin chắc rằng họ Triệu đã đối đãi dân Giao Chỉ không khác gì với nhân dân hai quận Quế Lâm , Nam Hải” (sách đã dẫn, trang 87).
Các vị vua Nam Việt nối ngôi sau này như Triệu Văn Vương, Triệu Minh Vương... đều mang dòng máu Việt.
3. Dân tộc nước Nam Việt là ai?
Theo định nghĩa: “Bách Việt: là từ mà người Hán dùng để gọi chung các tộc người khác Hán sống ở miền nam Trung Quốc thời xưa. Từ này lần đầu tiên thấy chép trong Sử Ký (Ngô Khởi truyện) của Tư Mã Thiên (Đại Việt Sử Ký Toàn thư, trang 131). Học giả Đào Duy Anh cũng xác nhận: “Chúng ta đều biết rằng người nước Văn Lang là người Lạc Việt, lại cũng biết rằng nhóm Việt tộc sinh tụ ở miền Quảng Tây, tức trong lưu vực sông Tây giang với hai nhánh của nó là Tả giang và Hữu giang, là người Tây Âu”. (sách đã dẫn trang 26).
Sử gia Phạm Văn Sơn cũng cho biết:” Còn cương vực của nước Văn Lang phía Bắc giáp hồ Động Đình (tỉnh Hồ Nam), phía Tây giáp Ba Thục (tỉnh Tứ Xuyên) phía Nam giáp Hồ Tôn (Chiêm Thành), phía Đông giáp bể nam hải, là cương vực cổ xưa của toàn thể gia đình Bách Việt” (sách đã dẫn trang 51). Theo chúng tôi nghĩ, cho tới khi Nhà Tần xâm lăng Bách Việt, Tổ Tiên người Lạc Việt của nước Văn Lang vẫn sinh sống tại Bách Việt, mặc dù có một số dân chúng tiếp tục “di cư dần xuống lưu vực sông Nhị và sông Mã” (Phạm Văn Sơn), vì khó có thể xẩy ra chuyện cả một dân tộc dời bỏ quê hương, nơi “chôn nhau cắt rốn” ra đi hết không còn một ai ở lại?
Như vậy, Dân tộc nước Nam Việt bao gồm thành phần người Bách Việt trong đó có người Lạc Việt và Âu Việt, tức là người cổ Việt, (mang dòng máu Việt), lẫn với một số người Tàu khi nhà Tần mang theo sang xâm chiếm Bách Việt, và những dân tộc thiểu số khác. Đào Duy Anh cho biết: “ Sách Lộ Sử ở đời Tống chép rằng: Việt Thường , Lạc Việt, Âu Việt, Âu Khải, Âu Nhân, Thả Âu, Cung Nhân, Hải Dương, Mục Thâm, Phù Xác, Cầm Nhân, Thương Ngô, Man Dương, Dương Việt, Quế Quốc, Tây Âu, Quyên Tử, Sản Lý, Hải Quỳ, Tây Khuẩn, Kê Từ, Bộc Cầu, Tỷ Đái, (sửa là Bắc Đái), Khu Ngô, gọi là Bách Việt”. (Đất Nước Việt Nam qua Các Đời, trang 21). Như vậy dân chúng nước Nam Việt có thành phần quan trọng là người Việt cổ.
Hoài Nam Vương (Lưu) An khi dâng sớ can ngăn vua Hán đừng can thiệp vào cuộc chiến tranh giữa Nam Việt và Mân Việt, cũng đã minh xác: “Việt là đất ở ngoài cõi. Dân cắt tóc vẽ mình, không thể lấy pháp độ của nước đội mũ mang đai mà trị được” (ĐVSKTT, trang 147). Bàn về phong tục người Việt Cổ (Giao Chỉ, Bách Việt), Lê Tắc trong An Nam Chí Lược viết: “Dân (Việt) hay vẽ mình, bắt chước tục lệ của hai nước Ngô, Việt. Vì thế, Liễu Tư Hậu có câu thơ rằng “Cộng lai Bách Việt văn thân địa”, nghĩa là cùng đi tới đất Bách Việt là xứ người vẽ mình”.(Sách đã dẫn trang 70)
Tóm lại, nước Nam Việt bao gồm đất Bách Việt (Quảng Đông, Quảng Tây ngày nay) và nước Âu Lạc (Bắc Việt và vài tỉnh miền Trung ngày nay), dân chúng là người Việt chiếm đa số, được cai trị bởi Triệu Vũ Đế, người gốc phương Bắc nhưng đã thấm nhuần phong tục, tập quán người Việt, truyền ngôi cho cháu chắt đều mang dòng máu Việt và các quan trong triều đình Nam Việt đều là người Việt.
4. Triệu Vũ Đế đã làm được gì ích lợi cho nước ta xưa kia?
Sử gia Phạm Cao Dương viết: “...sự thành lập nước Nam Việt bởi họ Triệu, đã khởi đầu cho sự hấp thụ văn hóa Trung Quốc của tập thể người Việt” (sách đã dẫn trang 70).
Hũ Đồng thời Tây Hán: (10) Hũ thời chiến Quốc (200 BC – 9AD – Thanh Hóa VN),
Nguồn: Một Thế Kỷ Khảo Cổ Học VN/ Nha XB KH XH.
Sử gia Phạm Văn Sơn viết: “Với Triệu Đà ta thấy xã hội Việt
Sự tiến hóa về các phương diện trên đây tuy còn ít ỏi nhưng cũng đã làm nẩy nở ít nhiều ý thức quốc gia của người Việt , nhất là sau những cuộc xô sát bằng quân sự và ngoại giao với Hán triều trong thời Lã Hậu cầm quyền. Ý thức quốc gia còn nẩy nở trong những giai đoạn người Việt độc lập, tự chủ và tự cường nữa. Tóm lại, ta có thể nhìn nhận người cầm cái mốc đầu tiên trên đường tiến hóa của chúng ta là tướng Triệu Đà...”
Nên nhớ rằng thời đại Nhà Triệu chính là thời đại “văn hoá Đông Sơn” được tiếp tục tồn tại và phát triển tại Việt Nam: “Từ đầu thế kỷ II trước Công nguyên đến đầu thế kỷ I sau Công nguyên (giai đoạn thuộc Triệu và Tây Hán). Đây là thời kỳ tiếp tục phát triển thời đại sắt Việt Nam , và bắt đầu tiếp xúc với văn hóa Hán, đã dẫn đến sự dung hợp văn hóa Hán-Việt. Về mặt di tích, đây chính là thời kỳ mà văn hóa Đông Sơn vẫn phát triển và vẫn là yếu tố chủ đạo trong văn hóa.” (Phạm Như Hổ, Một thế kỷ Khảo Cổ Học Việt Nam tập II, trang 12).
Bách Việt & Âu Lạc (Trích VNSL – Trần Trọng Kim)
Nhận xét về thời Hán thuộc dưới quyền đô hộ của các Thái Thú Tích Quang và Nhâm Diên (năm 29 sau T.C, tức vào khoảng 140 năm sau thời kỳ độc lập của Nhà Triệu đối với Nhà Hán), sử gia Phạm Cao Dương viết: “...một nhận định khác liên hệ tới sinh hoạt kinh tế cũng cần phải được nêu lên. Đó là sự phát triển kinh tế của quận Giao Chỉ vào cuối thời Tây Hán khi Nhâm Diên là Thái Thú Cửu Chân: dân Cửu chân đã có thể sang đong thóc ở Giao Chỉ”. (sách đã dẫn trang 83).
Bàn về trường hợp Thái Thú Nhâm Diên quận Cửu Chân “sai rèn đúc đồ làm ruộng, dạy dân khai khẩn mở mang đất đai”, Phạm Cao Dương viết: “Sự kiện này (sự kiện Nhâm Diên là người đầu tiên dạy dân ta cày cấy với nông cụ bằng sắt) trái ngược với những gì người ta tìm được trong các cuộc phát quật ở Đông Sơn (cùng thời Nhà Triệu), vì trong các cuộc phát quật này người ta đã tìm thấy những đồ làm ruộng như lưỡi cày, lưỡi cuốc, lưỡi rìu...” (sách đã dẫn trang 83).
Trên đây là những nhận xét khách quan và thành thật của các sử gia. Bên cạnh đó, không thể tránh được những lời nhận xét mang tính chủ quan và địa phương
Kết luận
Tìm hiểu về lịch sử một triều đại, có nhiều cách nhìn. Trong mỗi cách nhìn, thường dựa trên một số dữ kiện lịch sử khách quan để dùng làm căn bản lý luận. Đối với sách sử cũ (ngoại trừ Việt Sử Tiêu Án của Ngô Thời Sỹ) đa số đều công nhận Nhà Triệu với nước Nam Việt là một triều đại chính thống nối tiếp vua Hùng. Nhiều vị Anh hùng, Danh nhân, Danh tướng Việt Nam cùng kính phục Triệu Vũ Đế và coi đất Bách Việt (Lưỡng Quảng) là đất đai của Tổ Tiên đã bị Nhà Hán thôn tính lấy mất. Truyền thuyết về Kinh Dương Vương dựng nước ở đất Bách Việt, cũng như sự nhìn nhận của Nhà Tây Hán qua thể thức “phong vương” cho Triệu Đà là những bằng chứng lịch sử để tin tưởng.
Gần đây, nhiều nhà viết sử ở trong nước đã dựa theo “Việt Sử Tiêu Án” của Ngô Thời Sỹ, viết về Nhà Triệu trái ngược với sử cũ, coi nước Việt Nam bị Bắc thuộc (nội thuộc nước Tàu?) hoặc ngoại thuộc Nhà Triệu từ khi Triệu Vũ Vương dựng nước Nam Việt. Một số sử gia ở Hải Ngoại cũng có cùng quan điểm như vậy.
Một cách đơn giản hơn, là nhìn thẳng vào chính quyền, dân chúng và lãnh thổ của một nước, để tìm hiểu xem đất nước ấy có bị một nước nào đô hộ hay không? Nếu không, tính chính thống coi như được tiếp nối. Đối với nước cổ Việt, thời đại vua Hùng, chưa có ý niệm về thống nhất đất đai chư hầu để chia thành quận huyện cai trị như thời nhà Tần bên Tàu, nên ta có thể chấp nhận: “Nơi nào có dân tộc cổ Việt tập trung sinh sống đông đảo mà không bị lệ thuộc vào nước nào thì nơi đó chính là quê hương, tổ quốc của dân tộc cổ Việt”. Từ nhận xét này, suy ra đất Bách Việt là đất đai quê hương và Tổ quốc của người Lạc Việt và Âu Việt, tức là người Việt Nam thời cổ .
Điều đáng suy nghĩ là người Hán thôn tính các nước láng giềng đều coi dân tộc các nước bị diệt là người ... Trung Hoa, trong khi cùng là người Việt, nhưng vì địa phương tính, lại coi nhau như người khác nước!
“Nhà Triệu và Nước Nam Việt” là một đề tài lịch sử quan trọng, cần được tìm hiểu cặn kẽ, vô tư và khoa học khách quan để tôn trọng những trước tác sách sử mang tâm huyết hào hùng của tiền nhân, nhất là để không phụ công ơn dựng nước và giữ nước của Tổ Tiên. Đánh giá một nhân vật lịch sử là một việc làm cẩn trọng, và trách nhiệm nặng nề của những nhà viết sử, vì việc làm này sẽ ảnh hưởng không ít đối với học sinh, sinh viên sau này.
Bài viết trên đây chỉ là những nhận xét thô thiển của một cá nhân, với số sách sử tham khảo rất giới hạn. Chúng tôi mong mỏi được quí vị thức giả trong và ngoài nước, có tinh thần tự do, vô tư và không bị hạn chế bởi bất cứ một áp lực chính trị nào, chỉ giáo và đóng góp ý kiến rộng rãi, để làm sáng tỏ vấn đề: “Nhà Triệu là một triều đại chính thống, có công với dân tộc Việt Nam, hay Nhà Triệu chỉ là một nhà nước xâm lược?”
Sách Tham Khảo:
* Đại Việt Sử Ký Toàn Thư - Tập I – Nhà Xuất Bản Khoa Học Xã Hội – 1998.
* Việt Nam Sử Lược – Trần Trọng Kim - Nhà Xuất Bản Miền Nam – 1971.
* Việt Sử Tiêu Án – Ngọ Phong Ngô Thời Sỹ - Văn Sử xuất Bản – 1991.
* Việt Sử Toàn Thư - Phạm Văn Sơn - Tủ Sách Sử Học - Đại Nam .
* Lịch Sử Dân Tộc Việt Nam - Quyển I - Phạm Cao Dương - Truyền Thống Việt – 1987.
* An Nam Chí Lược – Lê Tắc – Nhà Xuất Bản Thuận Hóa – 2002.
* Sử Trung Quốc – Nguyễn Hiến Lê - Văn Nghệ - 2003.
* Những Câu Chuyện Việt Sử - Tập 2 - Trần Gia Phụng –Toronto – 1999.
* Những Câu Chuyện Việt Sử - Tập 2 - Trần Gia Phụng –
* Đất Nước Việt Nam Qua Các Đời – Đào Duy Anh – Nhà Xuất Bản Văn Hóa Thông Tin.
* Một Thế Kỷ Khảo Cổ Học Việt Nam -Tập II-Viện Khảo Cổ Học – Nhà XBKHXH
* Triệu Đà và nước Nam Việt trong dòng chảy lịch sử Việt Nam – Trương Thái Du - 2005 talawas.
http://www.nguyenthaihocfoundation.org/lichsuVN/m_thoikylapquoc_p3.php
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét