CHƯƠNG 8
Thích Trí Quang
PHẬT GIÁO VÀ TỔNG THỐNG DIỆM
Nếu không có vụ tranh đấu 1963 và nói một cách chung
thì Phật giáo chưa có xích mích nào đáng kể đối với chính quyền Ngô Đình Diệm.
(Ngoại trừ những xích mích có tính cách địa phương xảy ra tại Bình Định vào
những năm 1960-1961). Trước năm 1963 Phật Giáo Việt Nam chỉ là một tập thể bao gồm
những cục bộ riêng rẽ. Mà những cục bộ này cũng không được tổ chức chu đáo (vì
bản chất của Phật Giáo là phi tổ chức). Tuy vậy Phật Giáo Việt Nam
cũng bị ảnh hưởng sâu xa bởi sắc thái địa phương bối cảnh địa dư và nhân sự.
Do đó, Phật giáo đã thể hiện rõ rệt qua ba “sắc thái
sinh hoạt”: Phật Giáo Miền Nam ,
Phật giáo Miền Trung và Phật Giáo di cư. Phật giáo Miền Nam gồm Hội Phật
Học Nam Việt (Cư sĩ Mai Thọ Truyền và Chùa Xá Lợi), Giáo Hội Tăng Già Việt Nam
(Thượng Tọa Thích Thiện Hoa chùa Ấn Quang), Phật Giáo nguyên thủy (nhóm Tiểu
Thừa chùa Kỳ Viên) và một số hội đoàn lẻ tẻ khác. Phật Giáo miền Bắc di
cư có độ 20.000 người nhưng không tạo thành một cộng đồng. Phần nhiều Phật
Tử đã đi di cư với tư cách cá nhân và bằng phương tiện cá nhân. Trong số
200.000 người có vào khoảng 50.000 sống rải rác ở các trại định cư. Khoảng
50.000 người sống tại các thị xã. Còn lại 100.000 người qui tụ tại Sài Gòn.
Phật Giáo di cư tại Đô Thành đại cương có thể chia thành hai nhóm, nhóm thuộc
chùa Phổ Quang và Nghĩa Trang Bắc Việt (Thượng Tọa Thích Trí Dũng). Nhóm đa số
thuộc chùa Từ Quang (Thượng Tọa Thích Tâm Châu).