Người theo dõi

Thứ Hai, 6 tháng 3, 2017

NHỮNG KHI KHÔNG BIẾT VIẾT GÌ 2

I. MÌNH SỐNG VỚI AI VẬY TA


            
Đã từ lâu, tại hạ luôn luôn nghĩ rằng mình sống được và sống vì gia đình mình, xa hơn chút nữa là những người chung quanh được gọi chung là đồng bào cùng quây quần trên một mảnh đất gọi là quê hương, là tổ quốc. Cứ thế, tại hạ và nhiều người khác được thừa hưởng một nền giáo dục để làm cho tròn cái bổn phận của một thành viên của cộng đồng ấy. Tất nhiên tại hạ và những con người ấy có khi làm tròn, có khi làm hơi méo méo. Thậm chí có người làm quá xuất sắc hoặc làm trớt quớt vai trò của một thành viên. Nhưng suy cho cùng, hình như tất cả mọi người, trong đó có tại hạ, đều cố gắng phấn đấu vì trách nhiệm của mình đối với bản thân và mọi người chung quanh. Tóm lại là trách nhiện giữa người và người. Chấm hết. Đó là những hành vi khá tích cực. Nhưng trong quá trình lịch sử loài người vẫn xuất hiện không ít những hình thái tư tưởng, giáo dục mang tính gì đâu.
Trong quá trình ấy, liên tục diễn ra từ hàng ngàn thế hệ, con người tạo thành những quy ước luôn luôn thay đổi cho phù hợp với đương đại. Trong việc thực hiện và tuân thủ những quy ước ấy luôn luôn nãy sinh những vấn đề như tư tưởng, văn hóa xã hội, kinh tế chính trị, khoa học kỹ thuật…  và cuối cùng là chiến tranh, hòa bình (?). nhưng cái gì cũng làm cho người ta mệt, tất nhiên tại hạ cũng mệt. Nhưng tất cả đều khu trú trong cái cộng đồng ấy. Và có lẽ vì quá mệt nên có một điều mà tất cả mọi người gần như quên đi. Đó là chúng ta sống được là nhờ là phụ thuộc rất nhiều thứ ở bên ngoài cái cộng đồng ấy. Tại sao vậy? Tại vì chúng ta cho đó là lẽ đương nhiên và chúng ta quên tuốt. Con người đang gia cố một khái niệm kỳ cục “Con người làm chủ muôn loài”.
Và khi tại hạ nói những thứ chúng ta quên thì tại hạ tin là mọi người sẽ nói tại hạ … khùng.
            Cái chúng ta quên đầu tiên là…

       

     1. QUÊN NGẮM NGHÍA. NGHE NGÓNG
            Khó lòng mà nhớ lại một cách rành rọt những hình ảnh và âm thanh đầu tiên mà con người ghi nhận được khi bước vào đời. Nhưng chắc có lẽ là không sai chút nào khi nói những hình ảnh, âm thanh ấy thuộc về người mẹ. Ngoại trừ một số người không may mắn mất mẹ ngay vào lúc chào đời. Những sự kiện ban đầu ấy cứ lập đi, lập lại suốt hàng ngàn năm và ở khắp mọi nơi trên quả đất này. Và bổng dưng, sau một thời dài chuẩn bị với đủ mọi lý lẽ, đến những thập niên cuối của thế kỷ XX. Những âm thanh đầu tiên, hình ảnh đầu tiên ấy là những thứ vô hồn không thuộc về người mẹ nữa. Bà mẹ trở thành một vú em bất đắc dĩ. Những âm thanh ồn ào, những hình ảnh lập lòe sắc màu không thật, làm cho tình mẫu tử càng lúc càng mong manh và con người lớn lên trong đó. Càng giàu có, dư dã càng mỏng manh thêm. Âm thanh ban đầu không còn là lời hát ru. Hình ảnh ban đầu không còn là bầu vú chất chứa những tinh khôi của cuộc sống mà là một chai sữa ấm nhưng thiếu nồng nàn, cái núm vú sạch bon không còn cả những con vi khuẩn thâm tình và giòng sữa bên trong không còn mang cái nhãn mác “sản xuất từ lòng mẹ” mà là “ Made in Đâu Đâu”. Hình ảnh, âm thanh và mùi vị ban đầu của một thời cũ kỷ ấy đã cho con người biết được rất nhiều điều, nhưng họ đã không nhìn thấy, không nghe được, không nếm được. Điều đó làm cho sợi dây liên kết của những thế hệ bị bào mòn. Chuyện tưởng như không có gì ầm ỉ, nhưng mảnh đất non chong ấy không nhận được những hạt giống ban đầu đã từng gieo. Trên những mảnh đất ấy được gieo những hạt giống kỳ cục. Hốt nhiên tại hạ buồn buồn khi nghĩ đến điều này. Nhưng đâu có gì đâu! Trẻ con vẫn lớn, vẫn khỏe mạnh, vẫn thông minh. Thậm chí còn hơn ông bà cha mẹ chúng. Hơn đến độ như chúng được sinh ra từ một thế giới khác. Tất nhiên những con mắt, lỗ tai hiện đại ấy ngắm ngó và nghe ngóng cuộc sống hoàn toàn khác, rồi cũng có những ngẫm nghĩ, những ngọ ngoạy cũng khác luôn. Tại hạ đành tự an ủi “ Ôi thời đại nào con người nấy” Nhưng rồi lời an ủi ấy bổng trở nên vô nghĩa. Những con người ấy không hư hỏng gì, thậm chí còn tài năng nữa là khác, nhưng họ lại thiếu tài hoa. Phong thái của họ lịch sự nhưng vô cảm và ẩn chứa bên trong một nghị lực mạnh mạnh mẽ và cô đơn. Cả trong tình yêu cũng thế, nặng về giới tính, cụ thể hóa mọi việc bằng vật chất. Kiểu cách nghe ngóng, ngắm ngó của họ bị giới hạn và khu trú trong những ngôi nhà cao cấp, phố phường hào nhoáng nhưng dơ dáy và khô khốc. Nếu như có ai đó chưa được như thế thì họ lại cố sức để được như vậy. Họ lạ lùng trước những âm thanh xào xạc của gió lá, thì thào của sóng biển, bàng bạc của vầng trăng và nhăn mặt nhíu mày khi nghe câu hò điệu hát của quá khứ. Họ sợ bão tố, mưa giông, lũ lụt (nhưng họ lại làm ra bão tố, mưa giông, lũ lụt bằng cách hâm nóng trái đất lên bằng các ống khói, anh đèn, thủy điện và rác rến), họ ngại ngùng nắng lửa, họ oán thù đêm tối, họ nhằn nhện giòng sông mênh mông sóng vỗ… nghĩa là họ bực bội những thuộc tính đáng yêu của thiên nhiên mà họ cho là gây phiền toái. Thế là họ miệt mài tìm cách chế ngự, khắc phục và khai thác thiên nhiên, mà không tìm cách sống cùng, sống với thiên nhiên. Lác đác trong số họ vẫn còn có những con người trái ngược lại, nhưng hoàn toàn yếu thế. Thậm chí đôi lúc còn bị giao động vì những khó khăn của mình và đôi khi còn bị chống đối. Cái làm tại hạ đau xót nhất là họ đoạn tuyệt với quá khứ, họ dốt sử, mù mịt về nơi họ sinh ra. Đất nước quê hương, tổ tiên và giòng tộc là một điều gì đó không thiết thân. Thỉnh thoảng vang lên những lời kêu gọi, nhưng chỉ là kêu gọi tuyệt vọng hoặc nhằm vào mục đích khác. Đất nước quê hương, tổ tiên và giòng tộc đã trở lên món đồ cổ để trưng bày không còn bất cứ một giá trị sử dụng nào, ngoài giá trị kinh tế mà họ có thể khai thác được với những đền đài, chùa miếu rêu phong. Một phần rất lớn trong số họ, sự hiểu biết không phải làm phong phú thêm cho đời sống tâm hồn mà đó chỉ là một phương tiện để củng cố cho vị trí làm chủ.
            Những thứ mà họ chấp nhận cho lọt vào tai, đưa vào tầm mắt là những thứ mà họ cho là là văn minh. Họ cố làm cho nó văn minh hiện đại thêm (?). Rồi sử dụng nó. Và họ không biết rằng những đóm lửa ban đầu chính là nền tảng của những ánh đèn néon, cao áp. Những hạt lúa ma mọc trên cánh đồng hoang từ hàng ngàn năm trước là thủy tổ của chén cơm trắng ngần mà họ lùa vô miệng hàng ngày, họ cũng không biết rằng những chiếc khố bằng vỏ cây lại là tổ tiên của những bộ veston hào nhoáng, là bộ váy đỏm dáng và rất nhiều thứ nữa. Tất cả đều do thiên nhiên ban tặng, đều do mồ hôi và thao thức mà hình thành. Họ mặc nhiên hưởng thụ và khinh rẽ một quá khứ rề rà và mặc nhiên chấp nhận một môi trường sống bị rách nát. Những viên kim cương, những thỏi vàng, những viên hồng ngọc… chói lọi rực rỡ, không thực sự làm nên cuộc sống, được họ tìm ra bằng máu, mồ hôi và nước mắt nhưng người cầm nó trên tay thì không phải là người đã đổ máu, mồ hôi và nước mắt. Họ ngắm nghía nó không để làm gì ngoài khái niệm “sang trọng”. Và khái niệm ấy được phủ lên các món đồ dùng hàng ngày và cuối cùng là “thợ rèn không có dao ăn trầu”. 
Họ xem thường và toan tính làm mỏng thêm sợi dây ràng buộc giữa giữa người với thiên nhiên, vạn vật. Cuối cùng là giữa người với người. Họ đang mơ màng rồi cố sức cho một tương lai không thể định trước hình thù, họ nghe ngóng lời kêu gọi hưởng thụ của hiện tại và thúc hối tương lai. Họ không quay đầu lại và lắng nghe tiếng vọng của quá khứ và cả chung quanh. Sự ngẫm nghĩ về hướng đó cũng theo đó mà bị triệt tiêu. 
       Sự quên lửng ngắm ngó những điều cần ngắm ngó, nghe ngóng những âm thanh cần phải ngóng nghe. Nên những ngẫm nghĩ đưa họ tiến lên một con đường không định trước và gục ngã hoặc bị loại ra rìa khi chưa đến được nơi không hề biết. Điều đó đã tạo nên rất nhiều ánh đèn thao thức nhấp nháy đêm đêm trong những ngôi nhà, mà đúng lý ra cái môi trường ngủ nghê êm đềm mà họ cố sức tạo ra phải cho những giấc ngủ yên lành. Từ đó, họ…

         2. QUÊN THỞ 
       Thở là hít vào để mang cho cơ thể oxy, thở ra là thải carbon cùng với những thứ cơ thể không còn cần thiết nữa. Đại khái là như thế. Tất cả muôn loài đều như thế từ chim cá cua rùa lươn rắn, hùm beo tê tượng… cho đến cây trái hoa quả… Không biết đất cát, sỏi đá, sắt thép, biển cả sông hồ… có thở không ta. Quá trình thở là một trong những việc mà muôn loài trao đổi với nhau điều kiện sống. Ngoài thở tự nhiên ra còn có hít và ngửi. Nhưng riêng với con người thì thở lại phức tạp hơn, rất phức tạp. Con người thở tự nhiên thì thường hay quên, nhưng hít và ngửi thì gần như là vô cùng quan trọng (!). Và con người làm khổ mình, cho cả người khác ở cái điều này. Trước tiên là ngửi một bông hoa, một món ăn, thơm quá bèn hít thật sâu vào và ăn. Vì vậy mà con người chạy theo mùi. Mùi thơm thì tìm mọi cách để có, mùi hôi thối thì nhăn mặt tránh đi. Suy cho cùng, thì mùi không có tội. Chỉ tội nghiệp cho người vì mùi mà khổ sở. Trong quá trình chạy theo mùi đã có lắm phen con người quên thở. Ngửi một mùi tự nhiên, người ta cảm thấy chưa đủ khoái. Người ta sử dụng kiến thức hạn hẹp của mình để tạo mùi. Trong quá trình đó con người đã tạo ra được một ít mùi thơm, nhưng lại thải ra hàng lô hàng lốc những cái mùi chết tiệt và cái thứ chết tiệt ấy góp phần làm nảy sinh khái niệm ô nhiễm môi trường. Lần hồi, con người làm thui chột khả năng của thính giác của mình, không còn nhận ra cái mùi tự nhiên để báo hiệu những thuận lợi cho cuộc sống hay cảnh báo sự hiểm nguy và nguy hại hơn là không còn ngửi được cái mùi của cơ thể vợ hay chồng mình, một thứ mùi làm nên hạnh phúc. Và cuối cùng là người ta xếp xó cái câu ca dao…
            Chim quyên ăn trái nhãn lồng
            Lia thia quen chậu vợ chồng quen hơi.
            Trình độ khoa học đương đại cho phép con người hiểu khá thấu đáo về điều này, nhưng lại không làm cho con người hiểu một cách đầy đủ cái thứ vô hình vô ảnh từng giây từng phút đi qua buồng phổi của mình.
            Đó là khía cạnh vật chất. Còn khía cạnh văn hóa thì sao? Chà cái này càng rắc rối hơn. Đâu có ai nghĩ là cái thứ vô hình vô ảnh mà ta từng giờ từng phút hít vào, thở ra buồng phổi mình đã từng đi qua buồng phổi của con heo, con cọp…; cái mang của con cá, con lươn…; cái ro của con cua con tép… và cả những cái gì đó của các vi sinh vật hay cũng vừa mới chui qua những thân cây, bụi cỏ bên hè làm sạch bon thán khí. Người ta hay quên rằng cái thứ vô hình vô ảnh ấy đã làm nên lịch sử của đời sống, trong đó có đời sống của con người, đời sống của bản thân mình. vậy thì tại hạ đâu có sống một mình êng. Thật thích thú biết bao khi ngửi được cái mùi thoang thoảng của cây lá, đầm đậm của gió biển, cái “mùi gây gây, gấy gấy của hương rừng…” (Bùi Giang) và lịm đi trong hạnh phúc của cái cảnh “ vợ chồng quen hơi” (ca dao). Tất nhiên, sẽ bực bội biết bao nhiêu khi ngửi lấy cái mùi xăng khét lẹt và cái không khí hằm bà rằng bụi bặm của phố phường và vô cùng ngột ngạt trong cái không gian tù hãm thơm bưng của một căn phòng máy lạnh. Và thực sự kinh hoàng khi cái phức hợp son phấn, nước hoa cộng với mồ hôi, bia rượu, lại còn trộn lẫn với mùi thức ăn, nước chấm. Và cuối cùng người ta lại phải tìm đến với cái mùi chết tiệt khác. Mùi của bệnh viện. Và người ta lại loay hoay đi tìm cách để khử những cái mùi quái chiêu mà mình đã tạo ra. 
            Trong quá trình đời sống của một con người, đã biết bao lần tại hạ nín thở mà tại hạ có hay đâu. Khi chăm chú làm một việc gì đó, nín thở. Khi quá xúc động, nín thở. Khi nhìn thấy một bóng dáng ai từa tựa như người mình chờ đợi, nín thở. Khi đi học, đi thi gặp một đề bài mà mình bí bèn cắn bút nghĩ suy và nín thở. Khi rình mò một điều gì đó, nín thở… những trường hợp như thế đã xảy ra biết bao nhiêu lần trong một cuộc đời. Kể cả khi mà chẳng có một tình huống gì con người cũng quên luôn là mình đang thở. Bởi thế cho nên thiền sư Tuệ Tĩnh mới cảnh báo là hãy thở sâu, chậm, đều cho máu huyết lưu thông, vì “Thông bất tắc thống, thống bất tắc thông” và ông bác sĩ Nguyễn Khắc Viện mới dạy cho mọi người cách “thở bốn thì”. Nghẹt mũi là một bệnh lý, chỉ thỉnh thoảng xảy ra khi trái gió trở trời. Nhưng nghẹt mũi theo kiểu trên thì gần như xãy ra hằng ngày, hằng giờ. Tóm lại, có rất, rất nhiều lần chúng ta nghẹt mũi mà không do bệnh lý.
            Tại sao chúng ta hay nghẹt mũi như thế? Có thể trả lời như thế này. Tại vì chúng ta muốn đi tìm một thứ mà chúng ta đã có rồi.

            3. QUÊN YÊU
            Đây là một điều làm cho con người đau khổ nhất. Tình yêu là một thứ gì rất cụ thể nhưng định nghĩa nó một cách rạch ròi thì chẳng có một thứ ngôn ngữ nào có thể làm được điều này. Và cũng chính vì con người muốn định nghĩa tình yêu một cách rạch ròi cụ thể nên dần dà người ta quên dần những rung cảm thật sự của tình yêu và đến một lúc nào đó, những quan hệ tình cảm bị thui chột một cách đáng buồn khi mà con người luôn luôn đa đoan với những công việc gì đâu? Mọi thứ tình cảm cha con, mẹ con, anh em, chồng vợ được định giá và thể hiện bằng tiền. Nhưng càng có nhiều tiền, tình cảm càng bị bào mòn. Khái niệm bổn phận, trách nhiệm càng lúc càng được gia cố bằng những hành vi cụ thể đến khô khốc làm tổn hại mạnh mẽ đến yêu thương. Dần dà mọi hình thái tình cảm đều được bộc lộ có điều kiện. Khi không hội đủ những điều kiện thì có nghĩa là không có tình yêu. Thế là người ta cắm đầu chạy theo điều kiện rồi… quên yêu.
            Tại hạ nhớ lại một câu nói của Đức Phật khi Ngài mới đản sinh “Thiên thượng, thiện hạ. Duy ngã độc tôn”. Lần đầu tiên đọc được câu này, tại hạ gần như nín thở vì hiểu… tầm bậy. Đến khi hiểu ra thì “Trên trời dưới đất, con người chỉ biết có cái ta”. Ôi. Mọi hành vi của con người dù xấu tốt hay thiện ác cũng chỉ vì bản thân mình và điều đó cứ được mọi người cật lực trong cuộc đời ngắn ngủi của mình. hèn chi Yêu Thương là một hành vi không ai thể nào định nghĩa, ngoài Đức Phật. Bởi vì Đức Phật là vô ngã còn tại hạ thì… duy ngã, nên mọi hành vi của tại hạ chẳng qua là cũng vì chính cái tâm, cái tôi còm cõi vô thường của tại hạ thôi. Có lẽ vì thế mà…
4. QUÊN ĂN, UỐNG.
            Chắc không ai mà nín được cười khi nghe tại hạ nói thế? Nhưng thực đấy, chúng ta vẫn ăn, vẫn uống hàng ngày đấy chứ, thậm chí còn ăn nhiều, uống bạo nữa là khác. Nhưng hởi ơi. Người ta và cả tại hạ nữa đang ở trong cái thời ăn và uống những thứ mình thích hoặc cả những thứ không thích, ăn mọi lúc, mọi nơi. 
            Ăn uống là nạp năng lượng mà cơ thể cần để duy trì một cuộc sống khỏe mạnh. Đôi khi cũng là một hành vi điều chỉnh những chệch choạc về sinh lý. Thèm thứ này, ngán thứ kia. Thứ gây thèm là khi cơ thể thiếu, thứ gây ngán là lúc cơ thể thừa hay khi cơ thể bị chệch choạc. Tạo hóa đã cho muôn loài, tất nhiên trong đó có con người một khả năng điều chỉnh bằng hành vi ăn uống một cách tuyệt vời.
            Trong quá trình ăn uống từ thế hệ này qua thế hệ khác đã tạo thành một thói quen kỳ dị. Con người ăn uống theo một kiểu cách không như ban đầu nữa. Ăn uống theo cách người khác ăn, thèm những thứ không sẵn có. Con người khôn ra thì bày ra nhiều cách ăn uống rất quái chiêu. Môi trường sống cũng theo cách ăn uống mà thay đổi và dần dà người ta quên hẵn phong cách ăn theo yêu cầu cơ thể, mà chọn một cách ăn theo phong cách mà mình nghĩ ra. Yếu tố cần, thèm, ngán bị thay thế bằng yếu tố ngon; ngon mắt, ngon mũi, ngon miệng và thảm hại hơn là “ăn để chứng tỏ mình ngon lành” hơn những người khác. Một dĩa cơm tấm ở một cái quán bình dân và một nhà hàng năm sao cùng có giá trị dinh dưỡng tương đương, nhưng giá cả thì dưới đất và trên trời vì dĩa cơm tấm ở quán bình dân chỉ làm no cái bụng đang đói, còn dĩa cơm tấm ở nhà hàng năm sao thì người ăn làm một kẻ “ngon lành”; cái giò con heo hầm thuốc bắc thì chắc chắn là không sang trọng bằng cái chân gấu hầm thuốc bắc; con cá lóc nướng trui bên bờ đìa chắc chắc không sang trọng bằng con cá lóc nướng lò điện ở nhà hàng vì lý do nướng tại bờ đìa thì ngon tươi hơn và rẻ hơn ở nhà hàng…  Từ đó, con người lạm sát muôn vật, hủy hoại thiên nhiên. Từ đó hình thành hành vi ăn uống cho khoái, cho sang và… cho mau chết nên quên đi mục đích ban đầu là ăn uống để sống còn. Ăn để sống, nhưng có rất nhiều người sống để ăn, mà không biết ăn để làm chi.
Và chính vì những cái kiểu quên như thế, con người dù giàu có, thừa thải cách mấy cũng quên…

 5. NGHỈ NGƠI
Điều này thì không ai cãi được tại hạ rồi. Người ta đang làm việc chí chết đấy thôi. Mà lại toàn là làm những chuyện gì đâu? Tất nhiên cũng có không ít người làm những chuyện coi rất được, nhưng họ yếu thế quá. Những tiếng nói và hành động của họ lạc loài và… chẳng ai nghe. Dù vậy cũng có đôi khi người ta nghe họ, đồng tình với họ, nhưng chỉ để… cho đỡ buồn. Rồi tất cả lại hùng hục lao vào công việc. Càng lúc họ tạo dựng ra được những thứ mà tạo hóa cũng phải bó tay. Đó cũng là lúc cả trái đất te tua và cả bầu trời cũng bắt đầu trở nên lộn xộn. 
Quá trình làm việc của một đời người theo tiêu chuẩn hiện đại (?) đã làm cho chính con người đó phải giật mình. những mục tiêu liên tục được đặt ra và đạt được và lạc hậu và đập bỏ và làm lại… cứ thế, cứ thế liên tục, liên tục trên cả bình diện cá nhân và cộng đồng và cả thế giới loài người. Yêu cầu sống, tiêu chuẩn sống càng lúc càng cao đến độ con người cứ tưởng mình đang sống ở một nơi nào khác chứ không phải là mặt đất và cứ luôn miệng kêu gào tiến bộ (?!) Cứ mỗi một lần đập bỏ, cứ mỗi một đận đổi thay, cứ mỗi bận kêu gào là quả đất và bầu trời và cả thế giới loài người phải nhận thêm một đống rác khổng lồ. Ông già tạo hoá cũng bị cuốn theo cái lối làm việc một cật lực, nhưng mà chỉ làm có mỗi một việc cân bằng lại môi trường bằng cách tiêu thụ và chuyển hóa cái đống rác khổng lồ kia cứ tuôn ào ào ra như thác lũ và ông ta luôn bị hắt hơi, sổ mũi. Còn những con người tiến bộ ấy thì bắt đầu cuộc sống một mình trong một căn phòng do chính họ tạo ra không một bóng cây, chẳng có con chim, con cá… sống cùng. Họ cảm thấy thiếu thứ này, không đủ thứ kia… v…v… Và những thứ thật sự cần thiết thì đang lụi tàn và bị lãng quên. Và đó là kết quả của một loại làm việc quên thở, quên ăn uống, quên nghỉ ngơi và quên yêu thương và nó được gọi là tiến bộ. Một thứ tiến bộ được sản sinh bởi một tư duy không hoàn chỉnh. Con người tìm mọi cách để cho cuộc sống tiện nghi nhưng lại làm cho tiện nghi bị hạn hẹp và khu trú trong mỗi cá nhân đầy tính ích kỷ. Người ta không còn được tắm biển, tắm sông, tắm suối vì nơi đó bị ô nhiễm nặng nề. Người ta không thể nào múc nước giếng để pha trà, không dám đưa tay vốc lấy ngụm nước trong tự nhiên để uống khi khát. Rất khó tìm lấy một khoảng trời thoáng đãng để hít cho thật đầy buồng phổi. Những phong cách hít thở, ăn uống, nghỉ ngơi, yêu đương, bài tiết một cách tự do và an toàn theo nhu cầu đã bị triệt tiêu. Tất cả phải theo yêu cầu này, phong cách nọ. Nhu cầu bị triệt tiêu, tiện nghi thật sự cũng không còn nữa.
Không ai còn nhớ rằng vận động là nhu cầu của cuộc sống sinh lý của chính bản thân người vận động, người ta sáng chế ra thuật ngữ lao động với nhiều loại hình khác nhau; lao động trí óc, lao động chân tay, lao động nghệ thuật… và cả những thứ lao động “trời thần” khác để nhằm thỏa mãn những yêu cầu quá nhiều kỳ cục. Mà tất cả những loại hình lao động ấy đều bất kể sống chết mà điển hình là lao động… uýnh lộn. Hai thằng nhóc giành kẹo đánh nhau; hai anh giành cái bờ ruộng đánh nhau; hai xóm tức khí cũng uýnh nhau. Hai quốc gia thì cũng uýnh nhau suốt từ võ mồm đến võ khí.
Thế là non núi banh chành, nước nôi dơ dáng, rừng cây xác xơ. Những bóng đèn néon, cao áp bật lên lấp lánh phố phường, khí thải của xăng dầu, của các nhà máy… đã tạo nên hiệu ứng nhà kính. Tốc độ khai thác thiên nhiên đến chóng mặt để sản xuất, xây dựng, sử dụng… rồi  phá bỏ. Rồi khai thác để sản xuất, xây dựng, sử dụng một thời gian rồi liệng bỏ… cứ thế diễn ra liên tục. Những quá trình khai thác, sản xuất sử dụng ấy đã tạo nên một đống rác khổng lồ và vô cùng độc hại làm ông thổ địa sổ mủi, hắt hơi, ông thần mưa khóc ròng, ông thần nắng đỏ gay mặt mũi, bà hỏa hoành hành, hà bá nhảy lưng tưng. 
Những nguyên tắc cộng sinh sơ đẳng nhất đã bị lãng quên. Sinh vật thở vào hấp thụ oxy, thở ra trả lại cho thực vật carbonic, thực vật hấp thụ carbonic trả lại cái không khí trong lành cho sinh vật. Muôn loài vừa là nguồn thực phẩm của nhau vừa là điều kiện sống, môi trường sống của nhau. Nhưng khi con người tự phong cho mình chức vụ chủ tể của muôn loài thì mọi việc bắt đầu có chuyện. Sự có chuyện được bắt đầu từ cái gọi là Sự tiến bộ, sự tiến bộ không bao giờ hoàn chỉnh.
Con người có đủ, thậm chí thừa khôn ngoan để tạo ra những thứ mình cần và cả những thứ chưa cần hoặc không cần, có thể bay đến các vì sao, lặn xuống đáy biển, chui sâu vào trong lòng đất… Nhưng không đủ thông minh để xử lý những thứ rác rưởi mà mình tạo ra. Có một ít khả năng để triệt tiêu một vài bệnh tật này nhưng thừa khả năng tạo ra vô số bệnh tật mới, tai nạn mới. Tại sao lại thế? Vì một điều rất đơn giản. Con người thích xả rác, từ những mảnh lá sen lá chuối gói thức ăn đến những con chuột chết… hay vật dụng không còn sử dụng được, thậm chí cả những món không thích sử dụng nữa. Xả xuống đường ra sông ra biển, quăng bất cứ nơi nào, trừ ngôi nhà nhỏ xíu của mình, đã thế còn quăng tuốt lên trời.
Tri thức của con người cũng đã biết và cũng đã quên. Vật chất, bao gồm; đất, nước và không khí luôn luôn cần có sự cân bằng. Những chuyển dịch của đất nước và không khí đều có những nguyên tắc nào đó. Và trong quá trình chuyển dịch ấy đã tạo nên những thuận lợi và bất trắc cho đời sống. Muôn loài, trong đó có con người. Đã được trang bị cho những quán tính để nương nhờ thuận lợi, né tránh bất trắc để tồn tại. Con người có đủ trí khôn để biết những điều đó và cũng biết trí khôn là đặc hữu của con người (!?). Không biết đúng không ta. 
Nhưng có lẽ còn phải rất lâu, con người mới biết làm tĩnh lặng tấm lòng một chút để có thể hiểu ra là mình  “đã làm toàn những chuyện gì đâu”.

II. CON ĐƯỜNG LÀNG
Không biết tự bao giờ, có lẽ từ lúc mới biết đi cũng nên, con đường làng luôn luôn cho tại hạ những cảm giác êm đềm. Nói là con đường làng cho nó oai. Thực ra chỉ là một lối mòn chạy dọc theo một xóm quê, nối từ nhà này sang nhà nọ hoặc xa hơn từ xóm này qua xóm nọ. Con đường chỉ là mội lối nhỏ màu đất xám từng đoạn rộng hẹp khác nhau, thỉnh thoảng có những cây cầu là những thân gỗ tròn hay sang hơn một chút là một tấm ván dày bắc ngang một con mương nhưng cái đặc trưng nhất là luôn có hai vệt cỏ xanh, thưa hoặc dày, xanh um hay vàng úa. Lối đi ấy, mưa thì có một ít bùn trơn nhưng nắng thì không hề có bụi. Con đường ấy dẫn dắt buớc chân tại hạ lăng quăng suốt một thời tuổi nhỏ. Rồi khi tại hạ bắt đầu lăng quằng luýt quỵt khắp mọi nơi thì thỉnh thoảng con đường làng lại dẫn dắt tại hạ về chốn êm đềm, có khi chỉ là trong một giấc mơ. Con đường ấy đã từ mấy ngàn năm tồn tại trên đất nước này, bây giờ không còn nữa. Nhưng chúng đã thay đổi để tồn tại nhưng khô ran và sạch hơn và cũng dơ hơn. Tại hạ ngẫm nghĩ hoài về sự sạch dơ của con đường, mà ngộ, nghĩ thì nghĩ nhưng không tài nào hiểu nổi cái lẽ sạch dơ. Già rồi lú lẫn chăng? Rất có thể! 
Con đường. Đúng ra không có con đường nào cả, nếu như không có những bàn chân. Bàn chân con người, bàn chân thú vật. Khi bước chân bước từ nơi này sang nơi khác, quảng cách của hai nơi được gọi là con đường. Tại hạ đã nhìn thấy những con đường chuột chạy, từ các hang tỏa đi nhiều hướng để tìm kiếm thức ăn và từ nhiều hướng tìm về hang ổ. Và cũng chính những con đường đó dẫn lối cho người săn chuột (!) Ôi nghĩ đến đây, tại hạ lại rùng mình.
Từ đó, con đường đã dẫn dắt con người đến biết bao bến bờ hạnh phúc, khổ đau. Con đường đã tạo nên sum họp và chia lìa. Con đường gập ghềnh, con đường bằng phẳng thênh thang, con đường ổ voi ổ gà, con đường trúc trắc quan san. Ôi chỉ là một lối đi thôi mà, sao lại lắm điều đến thế. Theo cuộc sống, con đường được khoác lên vô vàn màu sắc, vô vàn trạng thái tình cảm của con người. Muốn kể cho hết có họa chăng là một cuốn từ điển mấy ngàn trang. Đã có biết bao câu thơ, ý nhạc viết về một con đường ”Đường qua nhà em, nghiêng nghiêng sân nắng, nghiêng nghiêng mây hồng…” (Minh Kỳ), “ Có những con đường ta đã đi. Đi qua đi lại rất nhiều khi. Nhà người yêu dấu qua ngang đấy….”(Tế Hanh) Nhưng gì thì gì, con đường cũng chỉ để đi. Mà nếu chẳng ai đi thì chẳng phải con đường. Tại hạ đã gặp nhiều con đường vắng dấu chân người, con đường trở thành một bãi cỏ hoang. Nhưng có lẽ, khi con đường không còn nữa thì cuộc đời tĩnh lặng cũng nên (?!)
Hàng ngày tất bật đi đó, đi đây tại hạ phải quanh qua quẹo lại những con đường có những line dành riêng cho từng loại phương tiện nhưng chưa hề thấy ai tuân thủ bao giờ. Những biển báo điều này điều nọ, những đèn xanh đèn đỏ đèn vàng luôn luôn được chấp hành khi có Cảnh Sát Giao Thông. Tất cả mọi quy định dành cho người tham gia giao thông đều được chấp hành như thế. Chất lượng đường thì tùy thời gian sử dụng, tùy lòng hảo tâm của các ông thi công con đường ấy hay thi công các công trình ngầm. Chưa kể những bẫy đinh va vào bánh xe, mảnh rác nylon phất phơ vào mặt. Cũng không ít những con đường trở thành nơi chứa rác. Ôi thời gọi là văn minh, hiện đại, đâu phải cái gì cũng tinh tươm. Bước ra đường mà ngó vẩn vơ như đi trên đường làng hồi xưa là có ngày toi mạng.
Nhớ ngày nào, tại hạ thường hay làm những cú tàtàlicsm để nhìn ngó quẩn quanh, giờ đây không dám nữa vì nhiều lý do; một là không có lối để tà tà, hai là không giống ai, ba là cứ phải lắc đầu từ chối mấy bác xe ôm.
       Phố ồn ào quá đi thôi,
Tìm đâu tĩnh lặng một thời phố xưa.
      Người hấp tấp mà hững hờ,
Bước chân nhẹ của ngày xưa. Đâu rồi?
       Chỉ còn tiếc nhớ mà thôi,
Làm sao sống lại một thời đã qua.
       Vô công chỉ có mình ta,
Rỗi nghề nên mới nhớ xa, nhớ gần.
        Nên chi cứ đứng tần ngần,
Cái bon chen cứ rần rần chạy qua.
Thì ra là vậy, con đường thời bây giờ ngoài việc để đi thì không còn có một điều gì khác. Người đi trên đường rất ư vội vã, rất ư chen lấn, bất kể hiểm nguy và cái người đi quan tâm không phải là con đường mà là nơi đến. Nếu có chăng là lo sụp ổ gà lo kẹt xe hoặc lo CSGT bắn tốc độ. Và có lẽ vì thế mà có rất nhiều con đường không nơi đến. Trong cuộc sống có nhiều con đường như thế, tạm gọi là con đường cùng hay con đường vô định, đại loại như con đường tiến lên xã hội chủ nghĩa
Gần đây, thỉnh thoảng tại hạ về quê tìm lại con đường làng thời cũ mèm ấy. Vóc dáng thì na ná như xưa, nhưng… Ôi con đường
Dù gì thì con đường làng thì không bao giờ mất trong lòng tại hạ, dù những con đường làng mà tại hạ từng qua đã không còn nữa, bởi vì nó được để cho bánh xe lăn nhiều hơn là những bàn chân bước. Cũng phải thôi. Thời nào con đường nấy.
Nhưng rồi tất cả mọi hình thái, trạng thái của con đường bổng nhiên biến mất. Tại hạ rùng mình khi nhận ra còn có một thứ con đường khác, rất mơ hồ nhưng vô cùng dữ dội. Không biết phải đặt tên nó là gì đây. Tất nhiên không thể là con đường mòn, con đường làng, con đường cái quan, con đường một chiều, con đường cao tốc…và chính con đường này nó dẫn dắt con người ta làm toàn những chuyện gì đâu, hoặc những chuyện không gì đâu? Muốn đạt được một mục tiêu, một kết quả nào đó người ta sáng chế ra con đường cho mình đi như; con đường hoạn lộ, con đường danh vọng, con đường nghệ thuật, con đường khoa học… hoặc tưởng tượng ra những con đường nghe đến buồn cười như: con đường hạnh phúc, con đường đau khổ, con đường tình yêu, con đường trụy lạc… và con đường tội lỗi. Rồi giờ đây còn có một con đường khác, chỉ nghe nói thôi chớ chưa hình dung nỗi, đại loại như con đường tiến lên xã hội chủ nghĩa
Ôi những con đường ngoằn ngoèo ấy làm cho con người ta quên mất con đường làng.
Tại hạ có cũ kỷ, quê mùa lắm không? Chắc là vậy. Nhưng giá như mà suốt cuộc đời tại hạ được đi trên những con đường làng ấy chắc có lẽ tại hạ sẽ có một cuộc sống yên bình hơn.

III. ÔNG TRỜI
Không biết mặt mũi ông ra sao? Tài trí như thế nào? Quyền lực tối thượng hay chẳng có tí gì. Nhưng có một điều chắc chắn là ông Trời thường được người ta gọi đến khi khổ đau cùng cực hay sung sướng bất ngờ. Nhưng ông trời thì luôn luôn nín thinh. Tất nhiên. Chưa ai được hân hạnh diện kiến dung nhan ông Trời, thế mà người ta vẫn cãi nhau ỏm tỏi; kẻ bảo có, người bảo không. Người nói không có ông Trời thì viết ra hàng núi sách chứng minh. Còn người tin có ông trời thì làm như thế. Thậm chí còn sáng tác ra ông Trời, phong ông làm Ngọc Hoàng Thượng Đế với đầy đủ áo mão cân đai với triều thần văn võ và cả một bà vợ hẵn hoi. Thôi thì đó là chuyện của người ta, tin hay không thì ai cũng có quyền. Nhưng với tại hạ thì ông trời chẳng là cái cóc khô gì? Nhưng nếu có

              MA HA BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA TÂM KINH
Bản chữ Hán: Trần Huyền Trang

            Quán Tự Tại Bồ Tát hành thâm Bát Nhã Ba La Mật Đa thời, chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách.
 Xá Lợi Tử, sắc bất dị không, không bất dị sắc, sắc tức thị không, không tức thị sắc, thọ, tưởng, hành, thức diệc phục như thị. 
Xá Lợi Tử, thị chư pháp không tướng, bất sinh, bất diệt, bất cấu, bất tịnh, bất tăng, bất giảm. 
Thị cố không trung vô sắc, vô thọ, tưởng, hành, thức; vô nhản, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý; vô sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp; vô nhản giới nãi chí vô ý thức giới; vô vô minh diệc vô vô minh tận, nải chí vô lão tử diệc vô lão tử tận; vô khổ, tập, diệt, đạo; vô trí diệc vô đắc. Dĩ vô sở đắc cố. 
            Bồ Đề Tát Đỏa y Bát Nhã Ba La Mật Đa cố, tâm vô quái ngại, vô qui ngại cố, vô hữu khủng bố, viễn ly điên đảo mộng tưởng, cứu cánh Niết Bàn.
Tam Thế Chư Phật y Bát Nhã Ba La Mật Đa cố, đắc A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề. Cố tri Bát Nhã Ba La Mật Đa, thị đại thần chú, thị đại minh chú, thị vô thượng chú, thị vô đẳng đẳng chú, năng trừ nhất thiết khổ, chơn thật bất hư cố. Cố thuyết Bát Nhã Ba La Mật Đa, tức thuyết chú viết: Yết đế, yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế, bồ đề tát bà ha.
                                   

            MA HA BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA TÂM KINH
Bản dịch của Bác Sĩ Trịnh Nguyên Phước

            Bồ Tát Quán Tự Tại, sau khi nhìn sâu vào sự vật bằng trí tuệ Bát Nhã, liền thấy rõ năm uẩn đều không, cho nên phải vượt qua  khỏi mọi khổ ách.
            Này Xá Lợi Tử, sắc chẳng khác gì không, không chẳng khác gì sắc, sắc tức là không, không tức là sắc, thọ tưởng hành thức, cũng đều như vậy.
            Xá Lợi Tử, đó là tướng không của các pháp, không sanh không diệt, không dơ không sạch, không thêm không bớt.
            Cho nên trong tướng không, không có sắc, tho, tưởng, hành, thức; không có, mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý; không có sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp; không có nhãn giới cho đến không có ý thức giới.
            Không có vô minh, cũng không có hết vô minh; cho đến không có già chết, cũng không có hết gìa chết; không có khổ, tập, diệt, đạo; không có trí tuệ, cũng không có chứng đắc.
            Vì không sở đắc, nên Bồ Tát y theo Bát Nhã Ba La Mật Đa, tâm không ngăn ngại. Vì không ngăn ngại nên không sợ hãi, xa hẵn đảo điên mộng tưởng, đạt đến cứu cánh Nát Bàn. Chư Phật trong ba đời cũng nương Bát Nhã Ba La Mật Đa, đạt đạo quả Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.
            Nên biết, Bát Nhã Ba La Mật Đa là đại thần chú, là đại minh chú, là vô thượng chú, là vô đẳng đẳng chú, hay trừ được hết thẩy khổ, chân thật không sai.
            Vượt qua, vuợt qua, vượt qua bờ bên kia, hoàn toàn vượt qua, hoàn toàn giác ngộ” *
             * Nguyên văn chữ Phạn: “Gate, gate paragate, parasamgate bodhi svaha “

            Tại hạ là một kẻ đa đoan, nên cái tâm thì bề bộn, đầu óc thì ngỗn ngang như cái giá sách cuốn dày cuốn mỏng, cuốn thấp cuốn cao, cuốn cũ cuốn mới. Ngoài cái việc gìn giữ sách tinh tươm còn lại thì chẳng ra làm sao cả. Điều ấy thì cũng phải thôi, một đời dốt nát nên đành dính thói tham lam, cứ vơ vào chuyện trên trời dưới đất, ngồi nghĩ vẩn nghĩ vơ mà khẳng ra cái đầu cua tai nheo gì cả. Và khi Bát Nhã Tâm Kinh xuất hiện trước mắt thì…
            Thực ra, khi nhìn một tượng Phật, khi đến một ngôi chùa, tại hạ nhận được ở đó một sự trang nghiêm, một thoáng yên bình. Và hết. Bất chợt nghe được một câu kinh, một hồi chuông như nghe một giai điệu ở một cõi nào xa không với tới. Giai điệu ấy như một giòng sông không có thật vì chưa thấy, chưa biết bao giờ, nhưng rất thật vì giòng sông ấy đã rửa sạch những rối rắm trong lòng tại hạ. Và hết.
            Thế là những lời giải thích Tâm Kinh của các bậc đạo cao đức trọng, của các học giả uyên thâm làm đầu óc của tại hạ càng thêm rối rắm… Rốt cục, cũng chỉ là một chữ Không trống rổng. Nghĩa là không hiểu. 
             Với cái tâm thì bề bộn, cái đầu ngỗn ngang của mình, tại hạ không thể nào an tĩnh được. Tại hạ rón rén bước vào biển Pháp mênh mông. Những quyển sách được mang về, những đêm thức trắng… Đọc Kinh Phật, đọc thơ Thiền… Rốt cục, cũng chỉ là một chữ Không trống rổng
            Đã nhiều lần tại hạ khấn thầm Đức Thế Tôn. Nhưng có một điều rất lạ là chưa bao giờ tại hạ có ý nghĩ là tìm đến các Thiền Sư. Văn khắp chốn; Tư mọi điều mà không Tu được một chút. Rốt cục, cũng chỉ là một chữ Không
            Tại hạ tìm đến thơ, thơ thì êm đềm thôi. Ấy vậy mà không còn êm đềm nữa. May thay, trong những trang giấy cũ mèm lại xuất hiện những bài thơ còn cũ hơn nhiều. Thơ Thiền. Tất nhiên là thơ Thiền của Việt Nam.
Vạn lý thanh sơn vạn lý thiên
Nhất thôn tang thái nhất thôn yên
Ngư ông thụy chước vô nhân hoán
Quá ngọ tỉnh lai tuyết mãn thuyền.
Không Lộ thiền sư (?-1141)
Biệt vụt trời xanh, cao ngất núi
Một thôn dâu biếc, khói loanh quanh
Ông chài ngủ gật không người gọi
Tuyết ngập thuyền trưa bổng giật mình
            Không rõ ông chài giật mình hay tại hạ giật mình. cứ cho là tại hạ giật mình tỉnh giấc đi và nếu như thế thì chưa đủ. Những câu thơ của nhà vua Trần Thái Tôn lại thêm một lần lần nữa làm tại hạ giật mình. những gì ông cha thấu hiểu luôn luôn để lại cho con cháu một hồi chuông.
鼻 濁 諸 香 舌 貪 味
眼 盲 眾 色 耳 聞 聲
永 為 浪 蕩 風 塵 客
日 遠 家 鄉 万 裡 程
陳 太 宗
Tị trước chư hương thiệt tham vị
Nhãn manh chúng sắc nhĩ văn thinh
Vĩnh vi lãng đãng phong trần khách
Nhật viễn gia hương vạn lý trình
Trần Thái Tôn
Lưỡi tê vị ngọt, tai ù tiếng
Mắt lóa theo hình, mũi ngạt hương
Làm khách bụi đời chi mãi thế
Quê xa nghìn dặm bóng chiều buông

            Nhưng rồi cái nhân nào cũng có quả thôi. Tại hạ dính vào cái tật làm biếng. Làm biếng cãi cọ, làm biếng ăn thua, làm biếng tranh luận. Tại hạ trở thành một tên lặng lẽ sống, lặng lẽ đi về. Tại hạ không còn là một con người ồn ào sôi nổi nữa dù vẫn còn đó những nụ cười, ít dần đi lời cáu gắt. Và cho đến một ngày, tại hạ…

NGỒI MỘT MÌNH ĐỂ THỞ

Ngồi ngẫm nghĩ về cao cao ngọn núi
Xanh thâm nghiêm như vút đến tận trời
Hương thật nhẹ luồn qua buồng phổi trống
Trèo lên hay đứng ngắm cũng vậy thôi

Ngồi ngẫm nghĩ biển mênh mông quá đỗi
Trong sóng gào hung hãn và bao dung
Hương thật nhẹ luồn qua buồng phổi trống
Vị mặn mòi dường có lại dường không

Ngồi ngẫm nghĩ về màu xanh của lá
Từ thiên thu cơn gió đến thì thầm
Hương thật nhẹ luồn qua buồng phổi trống
Đôi cánh nào bất chợt vút mênh mông

Ngồi ngẫm nghĩ về những bông hoa dại
Từ thiên thu vẫn muôn tía nghìn hồng
Hương thật nhẹ luồn qua buồng phổi trống
Mật ngọt ngào cặm cụi mấy con ong

Ngồi ngẫm nghĩ về giòng sông thuở nhỏ
Nước trong veo, sợi rong lượn bâng quơ
Hương thật nhẹ luồn qua buồng phổi trống
Từ trên nguồn thả xuống mấy câu thơ

Ngồi ngẫm nghĩ về cái mùi của lúa
Cứ mênh mang thơm ngát một đất trời
Hương thật nhẹ luồn qua buồng phổi trống
Khói lam mờ lơ đãng bóng chiều ơi

Ngồi ngẫm nghĩ vầng trăng thời xa ngái
Thả mơ màng vào khắp mấy nhân gian
Hương thật nhẹ luồn qua buồng phổi trống
Tiếng sáo nào đi suốt những mênh mang

Ngồi ngẫm nghĩ về con chim con cá
Long rong bay lội khắp cõi vô ưu
Hương thật nhẹ luồn qua buồng phổi trống
Nước và trời hòa quyện những xuân thu

Ngồi ngẫm nghĩ về nồng nàn sợi nắng
Nghe cơn mưa đổ trắng xóa trên đồng
Hương nắng mưa luồn qua buồng phổi trống
Chợt rùng mình! Diệu hữu hóa chân không
Quán Tâm Nguyễn Hiền Nhu

        Lại giật mình, nhưng lần này thì chính do tại hạ tự cảnh báo. 
Hai lần giật mình trước làm cho tại hạ thở một cái khì như trút đi một phần gánh nặng. Lần giật mình thứ ba làm cho tại hạ tự hiểu ra là mình đang thở và được thở là một điều hạnh phúc xiết bao. Cái hương thật nhẹ nhàng và tế vi của diệu hữu đã làm cho buồng phổi của tại hạ trong suốt. Tại hạ đọc lại Bát Nhã Tâm Kinh mà không nghĩ ngợi gì? Không còn thắc mắc những từ ngữ Không, Phi, Vô, Bất.
Tại hạ cứ để cho lục căn của tại hạ tha hồ tiếp xúc với lục trần một cách tự nhiên mà không cần kiểm soát. Chấp nhận một đời sống ngắn ngủn và vô thường này bằng một thái độ tự nhiên thôi.
Ná tự Hứa Do đức
Hà tri thế kỷ xuân
Vô vi cư khoáng dã
Tiêu dao tự tại nhân
Thiền sư Hiện Quang
Cố gần lấy đức Hứa Do
Cuộc đời ngắn ngủn biết là mấy xuân
Đồng không, trời đất trong ngần
Vung tay ta múa mà không đụng gì

Quán Tâm Nguyễn Hiền Nhu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét