Người theo dõi

Thứ Ba, 21 tháng 3, 2017

VỀ VIỆC THƯỞNG THỨC THƠ CỦA TIỀN NHÂN

VỀ VIỆC THƯỞNG THỨC THƠ CỦA TIỀN NHÂN


“Để thưởng thức thơ cổ cho thú, ta cần nhớ điểm sau đây.  Tâm hốn ta thay đổi quá nhiều. Hiện nay chúng ta sống trong một thế giới do ta chế tạo ra và do những quy luật tự nhiên mà ta nắm bắt được một phần tạo nên. Thói quen ấy càng tăng lên với nền văn minh tiêu thụ đã cắt đứt mối quan hệ của ta với vũ trụ. Ta nhìn thế giới với con mắt của tên ăn cướp, cho nên không thể nào có lại được cái cảm quan rắng mình thống nhất với vũ trụ. Thằng ăn cướp ấy xem núi sông cây cỏ như những đồ dùng và con người dược hắn nhìn ở khía cạnh một đối tượng để rút ra một công dụng gì đấy. Không chỉ một cái nhìn ngây thơ vào thế giới thần linh mất đi. Và những cái nhìn ngây thơ vào thế giới bên ngoài cũng mất nốt. Quan hệ bạn bè thu hẹp vào quan hệ công việc. Quan hệ thầy trò cũng thế, quan hệ vua tôi mất đi chuyển thành quan hệ phân công. Rồi quan hệ nam nữ có nguy cơ chuyển thành quan hệ tính giao. Luật pháp là những đồ vật do ta chế tạo ra đang thay thế mọi  xã hội, dù đó là quan hệ gia đình. Cái khâu cuối cùng tưởng chừng như vĩnh viển là quan hệ mẹ con đang mất với lối đẻ con trong môi trường nhân tạo (và nuôi dưỡng con cái bằng sữa bình và nhà trẻ.NV). Ta đang ra sức đồ vật hóa thế giới thì thế giới đồ vật sẽ trả thù: ta biến thành đồ vật. Và nghệ thuật dĩ nhiên cũng không thoát khỏi tình trạng ấy.
Trong hoàn cảnh ấy, những đồ vật có ý thức là tôi và bạn thèm khát một thứ gì đó kéo chúng ta ra khỏi thế giới đồ vật để trả lại cho chúng ta cái cảm quan thời thơ ấu. Chỉ có nghệ thuật cổ giúp ta về mặt này mà thôi. (Phan Ngọc. Đỗ Phủ nhà thơ thánh. Nxb  VHTT. 2001, tr 355-356)

Tôi trích đoạn trên đây của nhà nghiên cứu, dịch giả Phan Ngọc và từ đó có thể nhận ra một đôi điều về những ưu tư mà những ai trót đã mang vào.
Nhưng ở đây tôi không nói về thơ Trung Hoa mà tôi muốn  nói về một vài suy nghĩ của mình về thơ cổ Việt Nam.
Trong những ngày gần đây thơ cổ Việt Nam, bao gồm thơ của các nhà thơ và ca dao, xuất hiện lác đác trên các nhà sách, nhưng người tìm mua khá hiếm. Đa số những người mua là những người lớn tuổi. Thỉnh thoảng trên mạng cũng xuất hiện những bài viết về đề tài này. Cũng còn rất nhiều tác giả chưa được giới thiệu đầy dủ, hoặc hoàn toàn mất tăm. Vẫn còn đó rất nhiều cái nhìn những tác phẩm ấy bằng một cặp mắt thờ ơ đến gần như chúng chưa từng xuất hiện trên đời này. Nếu như có ai đó lưu ý đến thì xem chúng như là một đồ vật, nghĩa là đồ cổ để khoe mẽ hoặc bán đấu giá. Hai môn học lịch sử và văn học hoàn toàn vắng bặt bóng dáng tiền nhân. Nếu thỉnh thoảng có xuất hiện thì bị lệch đi với mục đích phục vụ cho yêu cầu đương đại, mà lại là một yêu cầu rất đáng phàn nàn và thế hệ hôm nay dốt Sử, dốt Văn và cứ viết sai chính tả, cú pháp tiếng nước mình là điều hẵn nhiên.
Nếu như bài thơ Nam Quốc Sơn Hà được nhắc tới nhắc lui nhằm mục đích chính trị mà không tìm xem bài thơ ấy xuất hiện từ đâu, bao giờ và của ai, ngoài việc khẳng định tính độc lập quốc gia ra còn chất chứa một nội hàm nào khác hay không? Và những tiếng nói gióng lên điều đó thì lại chìm trong quên lãng. Cả bài thơ Độc Tiểu Thanh Ký của Nguyễn Du cũng thế với hai bản hoàn toàn khác nhau về cấu trúc và người ta đã chọn một bài có cấu trúc sai rồi bám vào đó mà tán hưu tán vượn để biến một bài thơ hay thành món đồ vật để kiếm tiền. Những câu ca dao, hát hò đối đáp, làn điệu dân ca… đáng ra phải vang lên trên đồng ruộng, nương đồi thì được in thành sách bán, người mua về đọc thoáng qua rồi xếp vào kệ sách để chứng minh mình là người làu thông kim cổ (?). Nếu như có vang lên thì lại ở một nơi hoàn toàn không phải của chúng, trong sòng nhậu hoặc các lễ hội đầy những màu mè, cung cách không giống ai và chúng trở nên… lạc điệu.
Thỉnh thoảng thấy xuất hiện một vài bài thơ của vua Tự Đức nhưng kèm theo đó là những phê phán khắc nghiệt. Dù họ thừa biết vua Tự Đức là một nhà văn hóa lớn với đầy đủ tài năng và đức độ của một quân vương, hơn nữa là một nhà thơ.
Có một số rất ít, đang đau đáu trước những giá trị ấy thì họ cô đơn, viết ra những suy nghĩ, những hiểu biết của mình như là một việc làm vô vọng. thậm chí còn bị cho là rỗi hơi hoặc già rồi chẳng có việc gì làm nên… tào lao cho qua ngày tháng.
Tại sao những bài thơ đầy tính nhân văn, đầy hào khí dân tộc không xuất hiện trong sách giáo khoa hoặc có thì chung chung lạc điệu?! Tại sao những sự kiện lịch sử trọng đại lại vắng bóng mà nếu có thì lại thiếu đi tính khách quan và sự chân thật!? Câu hỏi này rất dễ trả lời và chính vì dễ trả lời nên không ai dám đặt ra.
Tôi nhớ, vào những năm tôi còn học trung học, ở miền Nam chúng tôi vẫn tham gia một cách nhiệt tình vào các các chương trình văn nghệ với các bản nhạc Ải Chi Lăng, Bạch Đằng Giang của Lưu Hữu Phước, Hòn Vọng Phu của Lê Thương. Sôi nổi tham gia các buổi bình thơ, do nhà trường hay các thầy giáo Việt văn, Sử địa tổ chức cho toàn khối hay riêng từng lớp với Nam Quốc Sơn Hà..., Hịch Tướng Sĩ của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi, Bạch Đằng Giang Phú của Trương Hán Siêu, Văn Tế Nguyễn Biểu của Trần Trùng Quang đế, Kẻ Sĩ của Nguyễn Công Trứ, Qua Đèo Ngang của bà Huyện Thanh Quan, Thề Non Nước của Tản Đà, Hổ Nhớ Rừng của Thế Lữ, Tây Tiến của Quang Dũng, Tình Già của Phan Khôi hay những tác giả của Nam Phong, Tự Lực văn đoàn… và cả những bài ca dao như Thằng Bờm hay những câu danh ngôn của các nhân vật lịch sử hoặc dân gian. Hầu hết những học sinh học hết Đệ Tứ (lớp 9) thì đã khái quát được toàn bộ lịch sử đất nước một cách trung thực, nắm vững các luật thơ (dù không nhất thiết phải biết làm thơ) cũng như quá trình hình thành văn học, văn nghệ của Việt Nam và chí ít mỗi người cũng thuộc một bài thơ, một bài hát nào đó. Đặc biệt là thế hệ chúng tôi rất ít khi sai chính tả, viết chữ từ rõ ràng dễ đọc đến rất đẹp như rồng bay phụng múa. Đây là một nền giáo dục dạy làm người, như tự bản thân của nó đã đặt ra như từ khi mới xuất hiện
Cái cần lưu ý là lúc đó, không phải lúc nào bọn học trò chúng tôi có tiền mua sách. Thầy cho mượn hoặc một vài bạn có thì chuyền tay nhau và vào nhà sách… đọc cọp.
Những gì tôi kể đã lâu rồi không còn nhìn thấy ở các trường học. Lác đác vào các nhà sách thấy một vài em đọc cọp sách của Nguyễn Nhật Ánh và… hết.
Tất nhiên, là không thể đưa toàn bộ vào sách giáo khoa nhưng chí ít cũng tạo ra một khái niệm cơ bản để kích thích sự tìm hiểu. Mở ra một chân trời quá khư tươi đẹp của đất nước, của cha ông.
Trong khi đó sự quan tâm của xã hội hiện đại là tiêu thụ, làm sao có thật nhiều tiền để mua những thứ mình cần và những thứ mình không cần. Thậm chí còn không biết bản thân thật sự cần cái gì.
Có hàng tỷ cuộc gọi, tin nhắn qua điện thoại mà chính những người gọi, người nghe nếu bình tâm lại thì họ cũng chẳng biết họ nói cái thứ gì. Đây là một trong rất nhiều thứ như thế và chúng ta đang bị “thế giới đồ vật trả thù: ta biến thành đồ vật.”. Nói như vậy không có nghĩa là tôi phủ nhận những tiến bộ của KHKT, vì tôi đang sử dụng một trong hàng vạn tiến bộ ấy để trở về nguồn.
“Trong hoàn cảnh ấy, những đồ vật có ý thức là tôi và bạn thèm khát một thứ gì đó kéo chúng ta ra khỏi thế giới đồ vật để trả lại cho chúng ta cái cảm quan thời thơ ấu. Chỉ có nghệ thuật cổ giúp ta về mặt này mà thôi.”
Tôi cho điều này là đúng. Phải biết rõ tổ tiên mình nói gì và sống ra sao. Tôi nghĩ rằng các bạn sẽ đồng tình với tôi.
Trở lại vấn đề thơ cổ. Tôi chỉ muốn trình bày một điều là sự khác biệt giữa thơ cổ và thơ hiện đại về nội hàm chúng mang theo mà không đi sâu vào mặt hình thức.
- Thơ xưa, bao gồm cả ca dao, đều nói lên những vấn đề đạo làm người (tùy theo quan điểm người viết theo quan điểm của đạo But, đạo Nho hay Lão Trang), về thiên nhiên, thỉnh thoảng xuất hiện một ít về đề tài tình yêu, phê phán một cách nhẹ nhàng những thói hư, tật xấu. Thường hay viện dẫn những truyện tích. Nhưng hầu hết mang tính cộng đồng, lời lẽ trong sáng và sống lâu
- Thơ hiện nay thường là đề tài tình yêu, tuyên truyền, châm chích (thậm chí cả chửi bới một cách tục tỉu, thô bỉ), than thân, trách phận. Thỉnh thoảng cũng xuất hiện những bài thơ mang tính triết lý, nhưng không sâu. Và mang đậm tính cá nhân nhưng cũng may là nó chết yểu.
Nhưng có một điều may là những người làm thơ hầu hết là chỉ để chơi, nên hay hay dỡ đều dễ chìm vào quên lãng và thơ họ nếu có còn đọng lại thì chỉ nằm trong giới chơi thơ. Có một số ít nô bút thì thơ được phát tán rộng rãi nhưng chỉ làm điếc tai người nghe và bẩn mắt người đọc, nên cũng dễ chìm vào lãng quên.
Trong cuộc sống hiện đại, con người bị thừa hưởng một nền giáo dục làm tiền, nên khả năng chơi thơ và thưởng thức thơ bị giới hạn đến mức tối đa. Do đó sự nhận định và lời kêu gọi của nhà nghiên cứu, dịch giả Phan Ngọc* là hoàn toàn chính xác.
Quán Tâm Nguyễn Hiền Nhu
*******************
* Phan Ngọc sinh năm 1925 tại Yên ThànhNghệ An trong một gia đình có truyền thống Nho học, cha ông là thượng thư Phan Võ. Ông chỉ có bằng chính thức là bằng tú tài thời Pháp thuộc, nhưng vốn kiến thức của ông chủ yếu là do tự học mà có.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét