CHƯƠNG 6
TRƯỜNG HỢP BÀ NGÔ ĐÌNH NHU
Bà Ngô Đình Nhu có điệu bộ vóc dáng của một minh
tinh màn bạc hơn là một phu nhân theo cốt cách Đông Phương. Trong 9 năm chế độ
Ngô Đình Diệm, Bà được suy tụng như một Đệ Nhất Phu Nhân. Chính cái danh xưng
này đã không thuận tai và làm cho dân chúng đàm tiếu không ít. Ông Nhu tuy là
Cố Vấn chính trị Phủ Tổng Thống nhưng trên danh nghĩa ông không có một vị thế
công quyền. Ông Tổng Thống sống đời sống độc thân mà người em dâu được “suy
tôn” như Đệ Nhất Phu Nhân thì điều đó quả là chướng
tai vì nó không chính danh và hợp với chữ Lễ.
Nhưng từ nguyên do nào đã đưa bà Nhu lên địa vị một
người đàn bà “Uy Quyền“, bao nhiêu khách công hầu của chế độ từng
ra luồn cúi và coi Bà như một nữ lãnh tụ? Ai phong cho bà Nhu tước vị Đệ Nhất
Phu Nhân? Không ai phong cho bà cả. Nếu có thì chỉ có cơ quan Thông Tin thỉnh
thoảng qua một vài bản tin, qua bích chương đã “bốc” bà lên
hàng tột đỉnh công danh đó.
Xin trở lại quá khứ: Tháng 4 -1955 khi Saigon đang
ngút ngàn khói lửa, Bình Xuyên quyết ăn thua đủ với chính quyền, gia đình bà
Nhu vẫn còn ở tại căn nhà của BS Cao Xuân Cẩm, trước dưỡng đường Saint Pierre
Saigon.
Khi thu hồi Dinh Norodom, Tổng Thống Diệm dành một phòng phía bên trái cho vợ chồng ông Luyện. Trong hai người em dâu thì TT Diệm quý Bà Luyện hơn. Giữa vợ chồng ông Luyện với TT Diệm có sự thân mật đậm đà và không xa cách như vợ chồng ông Nhu. Từ khi trở về nước chấp chánh cho đến 4-55, vai trò của ông Ngô Đình Luyện mới là quan hệ. Vai trò của ông Nhu lúc ấy còn mờ nhạt…
Nhưng có một điểm tâm lý như thế này: Tuy nhiên rất quý vợ chồng ông Luyện nhưng ông Luyện lại chỉ có toàn con gái. TT Diệm không thích cháu gái. Ông rất yêu mến đám con trai của bà Nhu. Đó cũng là lý do dễ hiểu, khi cha con ông Khôi qua đời (1945) thì mấy chú con trai của ông Nhu trở thành kẻ nối dõi tông đường của Dòng họ Ngô Đình. Ngô Đình Trác đứng vào hàng đích tôn thừa tự và là bực trưởng của gia tộc Ngô Đình sau này. Mấy chú con trai của ông Nhu trở thành nhịp cầu nối tiếp giữa TT Diệm và vợ chồng ông Nhu mặc dầu bản chất giữa TT Diệm và ông Nhu rất khác biệt nhau. Anh em không mấy khi gần nhau qua những phút tâm tình hàn huyên. Nhưng mấy đứa cháu trai lại trở thành nguồn sinh thú tinh thần của TT Diệm và đó cũng là hy vọng của ông Tổng Thống còn nặng lòng với nho giáo… trong tình tự gia đình. Chính cũng nhờ điểm có mấy người con trai nên bà Nhu đã dễ dàng tạo được tư thế trong gia đình nhà chồng.
Khi trận chiến giữa Bình Xuyên và chính quyền bùng nổ, Đại Úy Huỳnh Văn Cao bàn tính với Thiếu Tá Vinh làm thế nào để di tản gia đình bà Nhu vào trong Dinh, nếu không Bình Xuyên có thể làm “hoảng” giết ông bà Nhu hoặc bắt cóc mấy đứa con của bà để làm điều kiện thương thuyết. Ý kiến này mọi người đều cho là phải. Trước đó TT Diệm cũng tỏ ý băn khoăn ngỏ ý với ông Bằng “Mi bàn với Vinh và Cao làm sao che chở cho gia đình ông Nhu ở Saint Pierre … Bình Xuyên nó làm dữ quá…” Mấy hôm sau, gia đình bà Nhu di tản vào Dinh Độc Lập, ở trong một gian phòng phía góc trái. Lúc đầu ông Nhu nằm ghế bố vì không có giường.
Bà Nhu tuy chỉ học hết lớp Đệ Tam (classe de seconde) trường Albert Sarraut Hanoi nhưng bà lại có trí thông minh thiên bẩm. Sinh ra trong nhung lụa lại thuộc gia đình quan lại vọng tộc, bà Nhu từ tấm bé đã ở trong một môi trường tháp ngà như không liện hệ với nếp sống Việt Nam . Có thể nói, bà thuộc một giai cấp khác không có trong xã hội Việt Nam . Cái giai cấp đó được hình thành trong chiếc nôi văn hóa của Tây phương. Bà là thứ trưởng giả thiệt. Nhưng thứ trưởng giả này là một chất hỗn hợp giữa bản chất Hoàng phái (dòng máu bên ngoại) cùng quan lại vọng tộc (dòng máu bên nội qua gia đình cụ Trần Văn Thông). Thân mẫu của bà vừa là cô gái Huế vừa thuộc hàng khuê các của sông Hương núi Ngự. Thân phụ bà tuy hiền lành nhưng trong con người của ông Trần Văn Chương đã có 80% chất Tây. Quê nội trong Nam, quê ngoại ở xứ Huế lại sinh trưởng tại đất Bắc, bà trở thành xứ lưu dân giữa 3 miền Nam, Bắc, Trung.
Từ nhỏ học trường Pháp, và trong gia đình sống theo lối Pháp, cha mẹ con cái chỉ nói tiếng Pháp như một ngôn ngữ mẹ đẻ, Bà Nhu trở thành thứ đầm con khi còn cắp sách đến trường.
Tóm lại, môi trường và nếp sống của bà hoàn toàn xa cách với nếp sống quảng đại quần chúng Việt Nam . Khi trở về làm dâu họ Ngô Đình bà Nhu càng trở nên lạc lõng.
Giữa hai họ Ngô Đình và Trần Văn tuy là dòng quan lại cũ nhưng họ Trần Văn đã “Tây hơn cả Tây”. Họ Ngô Đình trước năm 1945 thường bị giới đường quan phê bình là “quê”. Quê có nghĩa là không biết ăn chơi, không có một đời sống thích nghi với nếp sống Tây phương và hầu hết các giới quan lại thời đó đều tôn thờ đây là hình ảnh mâu thuẫn và hoàn toàn khác biệt giữa hai gia đình thông gia Ngô Đình và Trần Văn.
1- Qua tấm ảnh trong cuốn album của gia tộc Ngô Đình ta thấy ông cụ Ngô Đình Khả đứng cao lênh khênh, mặc áo đại quan, đeo bài ngà kim khánh nhưng chiếc quần lại cao quá mắt cá chân, rộng thùng thình. Ông cụ là một hình ảnh vị Thượng Quan thế kỷ 18. Bà cụ khá thấp, mặc áo dài đen, quần thì ống thấp ống cao, bế con. Chung quanh hai ông bà là một đàn con yêu vận quốc phục. Riêng TT Ngô Đình Diệm lại mặc bộ đồ đầm sọc (loại Tây phế thải) và đi chân đất. Nhìn hình ảnh đó, ta có ngay một mối cảm tưởng sâu xa vì cảnh hàn vi của một Lễ Bộ Thượng Thư Nam Triều.
2- Hình ảnh gia đình bà Nhu thì trái hẳn, ông Trần Văn Chương mặc Smoking rất đúng điệu trưởng giả Anh Quốc… Bà Chương lộng lẫy trong áo dài gấm vấn tóc trần. Chính ảnh một phu nhân tân thời vào những năm 1930… trong khi con cái bà Chương đều mặc “đầm” rất đúng điệu. Chú con trai mới mấy tuổi cũng “Tenue de soirée” hoàn toàn trưởng giả.
Trong gia đình ông Trần Văn Chương, vợ chồng con cái đều dùng Pháp ngữ như tiếng mẹ đẻ. Bà Chương vốn đã nổi tiếng là một mệnh phụ giao du rất rộng. Bà thuộc loại “Dame galante”.
Được ấp ủ và giáo dục trong một trường Tây phương, khi còn đi học Bà đã nổi tiếng là một tiểu thư lả lướt và lãng mạn.
Ông Nhu vốn là bạn của vợ chồng LS Chương. Cuộc tình duyên giữa chú Nhu và cô bé Trần Lệ Xuân là cuộc tình duyên “chú cháu”. Chú hơn cháu cả trên hai mươi tuổi.
Kể từ năm 1945, gia đình ông Nhu trải qua cuộc “phong trần”, khi thì ở Đà Lạt, khi thì ở Sài Gòn… ông Nhu “thất nghiệp”…5, 6 năm trời. Khoảng thời gian này đều do bàn tay bà Nhu tần tảo thu xếp. Từ nếp sống một tiểu thư trưởng giả đổi qua vai trò một người vợ của ông chồng “lừng khừng và thất nghiệp chính trị” bà phải lo toan mọi bề và thời gian này một người như bà Nhu không tránh khỏi cái tâm lý của kẻ tự tôn với dĩ vãng vàng son và tự ti với hiện tại đầy cam go về sinh kế.
Dù có sự chu cấp ít nhiều từ Đức Cha Thục, gia đình vẫn không thoát khỏi cơn khủng hoảng kinh tế kéo dài năm sáu năm. Thời gian sau này, chuyện xô xát giữa đôi vợ chồng già trẻ khó bề tránh khỏi. Theo sự tiết lộ của một số gia nhân thân cận… thì bà Nhu luôn to tiếng… với ông chồng. Ông Nhu không biết kiếm đâu ra tiền, mọi sự đành “một tay nhờ mụ nó”. Khi một người đàn ông dù người đàn ông đó là loại siêu đẳng nhưng từ một điếu thuốc cũng do tiền vợ mua thì tất nhiên kết quả tiệm tiến của một quá trình tâm sinh lý người đàn ông đó không thể nào không bị vợ chi phối. Vợ không khinh đã là đại phước. Nếu vợ vẫn trọng vọng mình thì lại càng tạo nên yếu tố tâm lý giúp cho người vợ dễ dàng khuất phục ông chồng và uy quyền của người vợ theo thời gian mà thấm vào trái tim và trí óc ông chồng không bao lâu uy quyền của chồng trở thành uy quyền của vợ. Ông Nhu ở trong trường hợp này.
Kể từ năm 1952, tình trạng kinh tế gia đình của vợ chồng ông Nhu càng thêm sa sút đến độ tê liệt. Bà Nhu đã phải bán hết tư trang. Năm 1952 chiếc vòng đeo cổ cuối cùng cũng phải đem ra phát mại. Khi ông Nhu quay sang làm tờ tuần báo Xã Hội thì cảnh nhà lại càng tê liệt. Những cộng tác viên của ông dạo đó phải mua tặng ông Nhu từng bao thuốc, đãi ông từng bữa quà sáng. Quần áo của ông Nhu cũng đã xác xơ. Ông chỉ còn lại vài bộ đồ lớn còn lưu giữ từ thời tiền chiến. Bà Nhu thì đi xe đạp… Ông chồng Nhu vẫn đi ké xe “muôn thuở” từ năm 1945 cho đến 1954.
Bản chất ông Nhu vốn trầm lặng một cách khó hiểu và rất sợ “sì căng đan”, cho nên cứ mỗi lần bà Nhu la lối thì ông lại ngồi im không một lời nói năng, nét mặt chảy dài. Sì căng đan như một biến cố tâm lý trong đời ông là dạo cuối năm 1953 bà Nhu đã dọa tự tử sau một trận xô xát… Trước sau ông Nhu vẫn là kẻ thua cuộc vì bất lực trong một cuộc mưu tìm sinh kế cho gia đình. Nguyên nhân chỉ vì cạn tiền không còn cách nào xoay sở để sinh sống. Với người trí thức cỡ nặng như ông Nhu trong tình cảnh ấy kéo dài qua nhiều năm thì áp lực và ảnh hưởng của vợ đối với chồng (nhất là chồng già vợ trẻ) mỗi ngày ăn thấm sâu lan rộng… thì đời sống “phòng the” do đó mà dễ dàng khuynh loát khống chế bao tỏa ra mọi việc… từ gia đình riêng tư đến giao tế bên ngoài. Trước năm 1952 đối với vợ, ông là người cứng rắn, ông không thích ai bàn tính chuyện thế sự với bà vợ… mà ông cũng không bàn thảo gì với bà vợ còn non trẻ.
Ông vẫn coi bà vợ như một cô cháu gái ngây thơ. Nhưng bà Nhu lại nhiều lần muốn chứng tỏ mình không còn nhỏ dại và có đủ khả năng để giúp chồng làm việc lớn. Trong vụ tranh chấp giữa Tướng Hinh và TT Diệm, bà đã chứng tỏ bà có khả năng thực. Dạo ấy bà Nhu đã len lỏi đến nhiều nơi để vận động chống Tướng Hinh và kể cả chuyện tham gia sách động biểu tình tháng 9 năm 1954. Giữa lúc tình hình gay go nhất, bà Nhu nhảy vào vòng với một lập trường dứt khoát là phải đuổi cổ anh “Tây con” sang Pháp. Tháng 4-55, khi TT Diệm nhận được công điện của Quốc Trưởng Bảo Đại triệu qua Cannes, bà Nhu đã mạnh bạo tỏ thái độ quyết liệt và tìm mọi cách ngăn cản ông anh chồng qua Pháp và chủ chương lật đổ ông Vua này. Về vụ Bình Xuyên bà cũng nhảy vào vòng (dù không ai yêu cầu) nhưng bà lại chứng tỏ có khả năng và nhiều sáng kiến trong việc giúp anh chồng và chồng giải quyết đại sự trong một tình thế sôi bỏng.
Khi gia đình Bà Nhu dọn vào Dinh Norodom, lúc đầu chỉ có tính cách ở tạm ít lâu để lánh nạn Bình Xuyên. Gia đình ông Luyện tự động nhường căn phòng phía bên trái Dinh cho vợ chồng ông anh và dọn ra ở tòa nhà trắng phía đường Nguyễn Du. Ông bà Nhu ở căn phòng này cho đến vụ ném bom 27-2-1962.
Trong gia đình, ngoài Đức Cha Ngô Đình Thục và TT Diệm thì không ai ưa bà Nhu cả. Riêng ông Luyện lại coi thường bà chị dâu và tỏ ra bất mãn khó chịu mỗi khi thấy chị dâu “can dự vào” chuyện quốc sự. Sự bất đồng giữa ông Nhu và ông Luyện trở nên rõ rệt qua vụ truất phế Bảo Đại. Ông Luyện là bạn thân của Bảo Đại từ hồi còn đi học và chính ông đã đóng vai trò giao liên dàn xếp với Bảo Đại qua vụ tướng Hinh và Bình Xuyên. Ông Nhu thì chủ trương phải truất phế cựu Hoàng Bảo Đại và thành lập chế độ Cộng Hòa, dĩ nhiên là bà Nhu hùa theo. Bà lại thường dùng những ngôn ngữ dao to búa lớn…Thái độ và lời nói của bà vừa lấn át người đối thoại vừa như một mệnh lệnh khuất phục kẻ đối lập với bà. Trong thời gian qua Pháp ba tháng để dàn xếp với Bảo Đại vào đầu năm 1955 lúc ông Luyện trở về thì quyền Cố Vấn đã hoàn toàn nằm trong tay ông Nhu có nghĩa là bà Nhu cũng tham gia ít nhiều vào quyền cố vấn đó. TT Diệm đã phải dặn riêng mấy người thân cận như Đại Úy Cao, Thiếu Tá Vinh như “ở nhà có chuyện gì xảy ra đứng có kể lại cho ông Luyện nghe“. Ý TT Diệm không muốn làm phật lòng ông em út mà TT Diệm thương nhất nhà nhưng ông lại nể ông Nhu hơn và phục cái tài của ông em học giả. Từ dạo đó, quanh TT Diệm đã chia thành 2 phe một phe thân ông Luyện, một phe thân ông Nhu. Mấy gia nhân cận thân như ông Bằng cũng bắt đầu công khai va chạm với gia đình bà Nhu.
Sở dĩ phải mô tả và nhận định về con người và bản chất thực của bà Nhu ở thiên bút ký này là vì những tình cờ của lịch sử và số phận hẩm hiu của quốc gia, bà Nhu đã có cơ hội tham dự ít nhiều vào biến cố lịch sử năm 1963. Điều quan trọng hơn là bà cố vấn Nhu có một phần trách nhiệm trong biến cố đó.
Vấn đề đại sự quốc gia nhiều khi lại bắt nguồn từ những việc rất tầm thường. Biến chuyển lớn của lịch sử hơn một lần lại bùng nổ từ những cảm xúc và ý kiến rất phiến diện của cá nhân lãnh đạo cùng những ảnh hưởng tình cảm chung quanh cá nhân đó. Biến cố 1963 đã nói lên điều này và bà Nhu đã góp phần “đổ dầu thêm vào lò than hồng năm 63″ trong khi sách lược của Cộng Sản là luôn luôn tìm mọi cách phân hóa và gây mâu thuẫn trong hàng ngũ quốc gia bằng một kỹ thuật tinh vi nhất. Cộng Sản tạo nên dư luận về một số cá nhân lãnh đạo và gia đình, đời tư của cá nhân đó. Từ dư luận rồi lộng giả thành chân để tạo nên “như là thực”.
Từ cái như là thực không bao lâu trở thành sự thực. Chẳng hạn như chiếc “ghế khoái lạc” của Bà Nhu được triển lãm tại Phòng Thông Tin Đô Thành năm 1964 (đây chỉ là chiếc ghế ngồi uốn tóc. Từ năm 1961 bà Nhu không ra hiệu uốn tóc nên một tiệm uốn tóc ở đường Catinat đã đưa chiếc ghế này vào Dinh, mỗi tuần cho thợ vào một lần), chiếc ghế đó bỗng nhiên được cách mạng đặt tên là ghế khoái lạc để chứng tỏ tội ác của bà Nhu cùng chế độ Ngô Đình Diệm. Chiếc ghế khoái lạc đó đã ít nhiều khích động quần chúng tạo dựng nên bao nhiêu điều đáng tò mò qua con người đầy sôi nổi như bà Nhu.
Trong 9 năm đã có biết bao nhiêu “sự thực” như vậy được diễn tả một cách mê ly gay cấn trong dư luận quần chúng. Mà sự thực về bà Nhu như thế nào? Trước hết, nếu nói về tội thì bà có một “tội lớn” như thế này: Bà không biết gì về chính trị nhưng lại hăng hái tham gia chính trị. Sinh trưởng trong nhung lụa của một tháp ngà trưởng giả Tây phương không thích nghi với đời sống quảng đại quần chúng, nhưng lại công khai nhảy ra hoạt động đứng trên hàng đầu… Tất nhiên bà phải dấn mình vào thực tại nhưng lại không thích nghi được, thực tại trở nên đối nghịch với chính bản thân trưởng giả và xa lìa quần chúng của bà. Thực ra thì chính quyền dạo đó cũng muốn tạo lực lượng phụ nữ…Vì đây là một lực lượng đáng kể và nếu biết cách tổ chức và vận động thì lực lượng này là một hậu thuẫn to lớn. Bà Nhu có thể làm được điều đó cùng với ưu thế và quyền hành (trong bóng tối mà ở trong bóng tối mới là quan trọng). Bà Nhu lại quyết tâm hoàn thành giấc mộng trở thành lãnh tụ của giới phụ nữ Việt Nam . Ngay trong gia đình nhà chồng – một gia đình Thượng Quan nho phong – Bà Nhu còn không sống cho thích nghi với đời sống huống chi quảng đại quần chúng nhất là quần chúng Việt Nam vốn trọng nam khinh nữ, dân Việt Nam vốn chỉ tôn mộ khâm phục những loại như bà Thanh Quan, Sương Nguyệt Ánh, Phan Bội Châu phu nhân và gần hơn điển hình nhất là Nam Phương Hoàng Hậu.
Bản chất người Việt cả nam lẫn nữ, vốn không có cảm tình nếu không muốn nói là ghét và khinh thị nhưng loại “phu nhân” múa may bên ngoài phạm vi gia đình và công tác xã hội từ thiện.
Những lý do nào khiến bà Nhu tạo được cơ hội nhẩy vào sân khấu chính trị và từ năm 1956 bà đã gây được nhiều thanh thế trong dư luận quốc nội và quốc ngoại… Nói là bà quá ồn ào thì quả thực bà ồn ào nhưng ồn ào có kỹ thuật trình diễn. Lý do gần và như là tầm thường nhất đã giúp cho bà Nhu trở nên dâu cả trong gia đình họ Ngô và độc quyền dành cho họ Ngô mấy cậu con trai để nối dõi tông đường (mãi sau này ông Luyện mới có con trai). TT Diệm độc thân và mấy đứa cháu trai trở thành nhu cầu cần thiết cho đời sống tình cảm qua một con người còn nặng lòng với gia tộc và truyền thống như TT Diệm. Sau nữa dù Phủ Tổng Thống đã có Nha Nghi Lễ, có Sở Nội Dịch, ông Tổng Thống Diệm vẫn cần có một phụ nữ để lo toan công việc tiếp khách và nhiều vấn đề khác thuộc phạm vi giao tế nhân sự mà thiếu một người đàn bà cũng gây nên nhiều nan giải, bế tắc. Bà Nhu lại có sở trường giao thiệp có khiếu đôi chút về thẩm mỹ. Trong khi TT Diệm cũng như ông Nhu hoàn toàn mù mờ về thẩm mỹ và giao tế (lo toan việc nội trợ đều một tay bà Nhu điều động) như trang hoàng phòng khách sắm sửa các đồ trang trí và trang sức v.v…
Bà lại luôn luôn tỏ ra con người mẫn tiệp, tháo vát và khéo (khi tiếp phái đoàn ngoại quốc)… Bà lại nói tiếng Pháp ngữ và Anh ngữ rất lưu loát.
Từ tư thế của một nữ tiếp viên của Dinh Độc Lập lại thêm tham vọng lãnh tụ của phụ nữ cùng với uy thế và uy quyền của chồng và anh chồng, bà Nhu được mặc nhiên chấp nhận trên thực tế như một uy quyền bất khả kháng và uy quyền đó, cách này hay cách kia đã chi phối ít nhiều trong sinh hoạt quốc gia và công vụ.
Lực lượng phụ nữ của bà Nhu qua phong trào của Phụ Nữ Liên Đới lại chỉ gồm vợ mấy ông lớn cho nên không có tính cách quần chúng và chỉ nặng về trình diễn. Khi các bà lớn trình diễn chính trị thì quả tình không hấp dẫn được ai và trở thành trò cười cho thiên hạ.
Bà Nhu chịu đọc sách lại có ông chồng “Cố vấn”. Tuy kiêu ngạo tự tôn nhưng gặp những việc khó khăn nan giải, bà vẫn chịu khó tìm hiểu ý kiến qua một vài cộng sự viên thân cận của ông Nhu.
Bà đối đáp lanh lẹ, phản ứng bốp chát nóng bỏng. Đó là ưu điểm của bà. Nhưng về mặt chính trị phản ứng nóng nảy bốp chát của một người đàn bà ở địa vị như bà Nhu đã trở nên thất lợi. Khuyết điểm lớn của bà là không tạo được những cử chỉ và phong độ ngôn ngữ hấp dẫn được quần chúng kể cả giới phụ nữ. Trong khi bà Nhu lại trở thành đối tượng cho sự tuyên truyền có sách lược của Cộng Sản. Mà người Cộng sản muốn bôi đen một chế độ trước hết tìm cách bôi đen qua từng cá nhân uy quyền của từng chế độ ấy. Rồi theo ngày tháng, một cách tiệm tiến có kỹ thuật, cả chế độ đó sẽ thành đen và quỵ ngã toàn bộ. Nếu ý thức được như vậy, lý ra bà Nhu phải hoàn toàn đứng trong bóng tối một cách khiêm nhường. Đằng này bà Nhu xuất hiện với tất cả sự lộng lẫy lòe loẹt với chiêng trống nhịp nhàng của một số các bà Tướng Tá Bộ Trưởng Tổng Giám Đốc và kể cả mấy vị tu mi “mày râu nhẵn nhụi”…
Trước hết là dịp lễ Hai Bà Trưng, Bà Nhu muốn làm sống lại khí thế của hai vị Nữ Anh Hùng Dân Tộc này… và có nhẽ bà cũng muốn nhân cơ hội trở về nguồn lịch sử để tạo một thần tượng dẫn đạo phụ nữ. Theo bà Nhu “Nam giới có Lê Lợi, Quang Trung thì nữ giới cũng có Hai Bà Trưng cũng như Pháp có Jeanne d’Arc”. Trước năm 1963, lễ Hai Bà Trưng được mô tả như một lễ Quốc Khánh thứ 2 sau lễ Quốc Khánh 26-10. Đó là một sáng kiến rất tốt, một cử chỉ đẹp có chính nghĩa không có ai công khai phản đối được. Nhưng vì khi trình diễn quá nhiều nên lại không thuận tình. Xin dẫn chứng về cái gọi là không thuận tình như thế này:
Lễ đài trần thiết thật long trọng tôn nghiêm có bàn thờ có tàn lọng có đồ bát biểu, gươm đao, khí giới… trên bục lớn của lễ đài trải nhung đỏ (màu tiêu biểu cho sự thiêng liêng tôn kính theo truyền thống nghi lễ dân tộc). Lễ nghi dành cho bậc anh hùng dân tộc như vậy là đúng. Nhưng người chủ lễ cũng rất quan trọng. Dư luận luôn luôn lưu ý về điểm này. Bà Nhu với tư cách đại diện Phụ Nữ Việt Nam và Đại diện Tổng Thống nhất là đại diện Tổng Thống nên bà được hưởng đầy đủ lễ nghi nào xe dành riêng cho Tổng Thống lại có đoàn xe Harley hộ tống khi đến lễ đài có đủ mặt Bộ Trưởng, Tướng Tá tăm tắp đứng lên “kính chào” và chào kính theo nghi lễ quân cách. Trên nguyên tắc thì đúng là vì đại diện Tổng Thống được quyền hưởng nghi lễ như vậy.
Thực tế chính trị và tâm lý truyền thống Việt Nam không chấp thuận như vậy. Dù cho là vợ một Tổng Thống, người Việt cũng cảm thấy khó chịu. Nếu vợ ông Tổng Thống cũng được hưởng nghi lễ đón tiếp dành riêng cho Nguyên Thủ Quốc Gia ở Tây Phương thì lại khác huống chi bà Nhu chỉ là em dâu một Tổng Thống vốn được tôn trọng theo hang trưởng lão quốc gia. Do đó mà dư luận bàn tán mỉa mai thành ra “kính chẳng bỏ phiền không ít“, Giọng nói của bà Nhu qua các bài diễn từ cũng là một thất lợi vì giọng nói tuy mạnh thật, tuy có lửa nhưng lại vốn ra vẻ lãnh tụ như răn dạy, truyền bảo, thêm vào đó tiếng nói lại thiếu ngọt ngào truyền cảm, thiếu nữ tính…
Khi đã có quyền hành, có địa vị (dù là trong bóng tối) và một uy tín cần phải được bảo vệ trong tư thế lãnh đạo… Ông Nhu hay ai cũng không thể làm cách nào khác hơn trước một người vợ hay lớn tiếng, dám làm những việc động trời như bà Nhu… ông Nhu trở thành bất lực không thể ngăn cản vợ… đó chỉ là hậu quả của bản chất trí thức.
Vả lại, trước con mắt chủ quan của ông Nhu thì người vợ ông không làm gì quá đáng trái lại công việc của bà Nhu lại hợp lý và hữu ích cho quốc gia. Luật Gia Đình là một thí dụ.
Kể từ tháng 12-1957, Quốc Hội họp bàn sôi nổi về dự án của Luật Gia Đình, Bà Nhu đã từng bỏ phòng họp ra về với thái độ ngôn ngữ rất ngang ngược ngạo mạn. Đối với một tín đồ Thiên Chúa Giáo và người Tây phương thì đời sống lứa đôi chỉ có một vợ, một chồng, vấn đề đa thê không cần đặt ra. Tín lý Thiên Chúa Giáo không chấp nhận đa thê. Nhưng xã hội Việt Nam không phải là xã hội Tây phương và dân chúng Việt Nam không phải tất cả đều là tín đồ Thiên Chúa Giáo – giới Thiên Chúa Giáo chỉ là thiểu số (15% dân số). Cho nên luật này trên lý thuyết thì hay song thực tế không phù hợp với bản chất và nếp sống quảng đại của quần chúng. Hơn nữa, giới âm thầm phản đối chính là giai cấp tướng tá và công chức cao cấp cũng như công kỹ nghệ gia giàu có, phần lớn các vị này đều bị kẹt nếu không có vợ bé thì cũng lén lút giao du.
Bà Nhu đã lý luận “Đã đến lúc người phụ nữ đứng lên bình đẳng với người chồng ngay trong phạm vi gia đình, chỉ một vợ một chồng thôi…chỉ những kẻ hư hỏng không ra gì mới lấy vợ nhỏ rồi bỏ phế gia đình” Bà Nhu vẫn tin mình đi đúng đường với chủ trương cách mạng giải phóng phụ nữ trước hết từ gia đình để từ đó bước qua xã hội. Lý luận và chủ trương của bà nghe xuôi tai và hợp lý. Nhưng điều căn bản là cải tạo xã hội, không phải chỉ bằng một biện pháp ban hành một vài đạo luật.
Có thiện chí và hăng say nhưng bà Nhu vẫn bị phản đối, dân chúng thờ ơ. Trước hết bà Nhu không nắm được một vài định luật rất giản dị, đơn sơ của chính trị (những nhà lãnh đạo sau năm 1963 cũng đều mắc phải lỗi lầm như vậy vì là một thứ lãnh tụ “non” thiếu học tập, thiếu kinh nghiêm, không có căn bản chính trị)
Một trong những “định luật chính trị” căn bản của người lãnh đạo là không bao giờ được lấy chủ quan của mình để biến đổi khách quan (tức thực tại chính trị) nhưng ngược lại phải biết biến hóa chủ quan lãnh đạo của mình. Và thích hợp chủ quan với khách quan tức hòa đồng bản thân với thực tại đề nắm thực tại.
Từ bao lâu rồi, việc quốc gia đại sự nếu không may để một người đàn bà can dự vào thì mọi sự đang tốt lành cũng dễ trở thành u tối. Nói như thế không phải là khinh thị giới phụ nữ. Nhưng lịch sử Đông Tây đã từng minh chứng như vậy. Đàn bà chỉ là đàn bà dù người đàn bà đó có tài ba như thế nào…
Bà Nhu là người có tài thực, có thiện chí nhưng tính kiêu ngạo và chủ quan cũng đã đủ làm cho bà trở thành đối tượng cho bao nhiêu điều phẩm bình, dị nghị đàm tiếu… Mẫu người như Bà Nhu sẽ dễ dàng thành công trong xã hội Mỹ. Ngôn ngữ cử chỉ cùng những phản ứng lanh lẹ bà sẽ dễ dàng thu hút được đám đông. Nhưng đám đông trong quần chúng Việt Nam lại trở nên xa cách với ngôn ngữ, dáng điệu và cử chỉ của bà. Qua mấy lần ra ngoại quốc như tại Moroco, Bresil… Bà Nhu đã thành công nhờ ưu điểm trên. Còn chuyến đi giải độc tại Hội Nghị Liên Hiệp Quốc Tế Nghị Sĩ tại Belgrade (Nam Tư 1963) và Mỹ quốc bà Nhu đã chứng tỏ được khả năng của mình và nhất là tại Mỹ quốc, bà đã gây được nhiều sôi nổi sóng gió làm kinh động chính quyền Kennedy và Đảng Dân chủ Mỹ. Nhưng với xã hội Việt Nam, bà hoàn toàn thất bại trước đám đông.
Người ta tự hỏi, tại sao một nhà trí thức uyên bác như ông Nhu lại không kiềm chế được người vợ? Tại sao ông ta không tìm cách ngăn chặn những hành động thất nhân tâm của vợ? Ông Nhu sợ vợ? Nói cho ngay tình thì ông Nhu không phải là người sợ vợ, ông rất ghét “chuyện đàn bà” dính vô.
Bộ Luật Gia Đình đã gây sôi nổi trong dư luận một thời. Thực tế thì luật ấy cho đến khi ban hành và thực thi cũng không tạo được một tác dụng lớn lao nào trong cái tầng lớp dân chúng. Phản ứng của dân chúng đối với luật lệ như Luật Gia Đình không có gì đáng quan tâm vì luật pháp hãy còn hết sức xa vời với quảng đại quần chúng Việt Nam … Dù có luật hay không luật, đời sống vợ chồng giới bình dân đều dựa trên căn bản tình cảm “yêu nhau giá thứ bất luận tất”. Nhưng giới thượng lưu và nhất là giới tướng tá và công chức cao cấp tuy ngoài mặt hân hoan chào mừng Luật Gia Đình. Có ông Tòa 2, 3 vợ… Như vậy thì trách chi không oán ghét bà Nhu. Bà Nhu thường bàn luận với mấy cộng sự viên của ông Cố Vấn chính trị như thế này: “Kinh nghiệm trong gia đình nội, ngoại của tôi, tôi biết rõ. Ai có vợ nhỏ thì đang trong sạch cũng trở thành tham nhũng, gia đình chia rẽ, rồi dòng con này, dòng con kia cứ lung tung, lộn xộn”. Khởi từ kinh nghiệm này, bà Nhu quyết thanh toán chế độ đa thê mà bà nghĩ rằng nếu hoàn thành bà đã giải phóng cho nữ giới cái thảm cảnh gia đình vợ nọ con kia (chém cha cái kiếp lấy chồng chung, kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng). Trước điễn đàn Quốc Hội dạo năm 1957, cũng đã có nhiều Dân Biểu (kể cả mấy Dân Biểu trong PTCMQG) mạnh dạn lên tiếng công kích dự án luật này. Bà coi mấy ông Dân Biểu không đi đến đâu cả… Bà Nhu coi thường nếu không muốn nói là khinh miệt một số Dân Biểu như vậy cũng có nguyên nhân. Vì rằng bà cũng biết rõ “chân tướng” của các ông. (Đời tư lẫn đời công cũng chẳng đẹp đẽ gì). Chức Dân Biểu của họ phần lớn cũng do “công ơn ban phát của Đoàn Thể… ” Do đó, mà phản ứng của một số Dân Biểu trở thành vô hiệu hóa.
Trong một cuộc họp vào khóa đầu năm 1959. Bà Nhu công khai đả kích một số Dân Biểu ngay tại diễn đàn Quốc Hội và cho rằng ai chống đối Luật Gia Đình chỉ là những kẻ ích kỷ hèn nhát muốn lấy “vợ lẽ“. Thái độ chống đối đó thật là “hèn”. Mấy ông Dân Biểu quyết làm lớn vụ này và đòi Bà Nhu phải xin lỗi… về thái độ hống hách của bà. Sau đó Bà Nhu tỏ ra phục thiện và ra một cái thông cáo cải chánh là bà không nói các Dân Biểu thật hèn nhưng Bà chỉ nói DB “thất hẹn“. Cách cải chánh của Bà kể cũng thông minh và khéo léo.
Tất nhiên ai cũng hiểu rằng, không ai lại nói “thái độ thất hẹn” cả. Nhưng ở đây bà lại bẻ quặt hai chữ thật hèn thành thất hẹn. Bà đã chơi chữ một cách thông minh và đúng lúc. Mấy ông DB đành chịu đựng một cách hoan hỉ. Phụ họa với bà Nhu còn một số nữ DB thuộc “gà nhà”. Nhưng hầu hết trình độ chính trị còn non kém lại thiếu thông minh nên mới có một nữ DB lớn tiếng bệnh vực Luật Gia Đình và đưa ra một “định thức” Đàn bà đẻ ra đàn ông. Nhờ câu nói “phàm phu tục tử” này mà cả mấy năm trời báo chí có đề tài đem ra “thị phi”.
Dự Luật Gia Đình bàn cãi vòng vo cả năm. Bà Nhu quyết liệt phải đạt thắng lợi hoàn toàn. DB Nguyễn Hữu Chung được coi là kiện tướng dám đương đầu. Ông kết án Luật Gia Đình trái với thiên nhiên, xúi dục vợ chồng kiện nhau và chỉ tạo ra cảnh rối loạn trong gia đình. Bà Nhu lại ra chỉ thị cho các DB “gà nhà” kể cả mấy tờ báo kịch liệt công kích DB Chung. Cuối cùng như ta đã biết bà Nhu thắng thế. Nhưng sự thắng lợi của bà không đi đến đâu, vì luật lệ tự nó không thể cải cách được xã hội, muốn dùng luật pháp để cách xã hội thì trước đó phải vận động dư luận, gây ý thức trong quần chúng, học tập thực tế và dùng biện pháp cùng các thể chế của chính trị. Không thể cách mạng nông thôn bằng luật này luật kia để nông dân có ruộng rồi coi là cách mạng. Đó chì là hình thức tuyên truyền, khoa trương thanh thế.
Thực tế thì Luật Gia Đình có nhiều điểm phù hợp với tinh thần thượng tôn hạnh phúc và bảo vệ trật tự xã hội qua trật tự gia đình. Thế nhưng lại có một số điểm quá khắt khe, không phù hợp với thực tế, thiếu căn bản của một tinh thần xã hội trong truyền thống Việt Nam . Do đó mà cả cái hay cái đẹp đều bị che lấp bởi cái dở… Nhận định của quần chúng vốn nông nổi như một người nhìn giấy trắng và chỉ chú ý đến một vết mực đen (dù vết đen đó rất nhỏ và ở ngoài lề). Bà Nhu hãnh diện với Luật Gia Đình nhưng luật ấy có tác dụng hay không thì lại là chuyện khác. Sau đó bà lại đưa ra dự án luật Lành Mạnh Xã Hội. Trước đó tháng 5/1958 tại Quốc Hội bà đưa ra đề nghị thành lập phong trào Phụ Nữ Liên Đới và kêu gọi các bà vợ công tư chức quân nhân tham gia phong trào. Quốc hội khóa II ( tháng 8-59) đã có 9 nữ DB trong đó có bà Nhu. Bà lại khởi công hoàn thành dự án luật “lành mạnh xã hội”. Sau cái tên này bị đả kích được đổi thành luật bảo vệ luân lý (ban hành năm 62 bị bãi bỏ sau đảo chánh bởi sắc luật 2-63.
Dự luật này cũng gây sôi nổi không ít. Xét cho công bằng, khi đưa ra dự luật này, bà Nhu nắm ngay được chính nghĩa vì rằng chỉ có một tối ưu tối thiểu số là nạn nhân của luật bảo vệ luân lý. Thiết tưởng dù là ở một thời đại nào, ở một chế độ nào (ngoại trừ chế độ của những kẻ hãnh tiến ăn chơi sa đọa và coi nhẩy đầm như một lý tưởng đáng tôn thờ) không ai có thể tán trợ cho các thiếu niên uống rượu hay hút thuốc hoặc tán trợ cho nạn phá thai, đồng bóng… Ấy thế mà người ta vẫn chống đối và hè nhau tạo nên niềm công phẫn. Bà Nhu lại trở thành trung tâm điểm của bao mũi dùi dư luận. Dĩ nhiên luật ấy cũng có những điểm quá đáng và thực tế.
Trên quan điểm quần chúng cũng như phong tục truyền thống dân tộc thì dự luật bảo vệ luân lý của bà Nhu là một công trình tốt đẹp với thánh ý xây dựng rất rõ rệt. 15 triệu đồng bào bất quá chỉ có vào khoảng nửa triệu ảnh hưởng đến luật này nhưng chính lớp người tối ưu thiểu số đó lại có tác dụng sa đọa hóa xã hội Việt Nam và đồng thời vong bản hóa bản chất dân tộc cũng như bôi đen cả tập tục tốt đẹp của xứ sở. Do đó không thể nào buông thả cho một thiểu số này sống phóng đãng được trong khi quảng đại quần chúng vẫn phải sống đời sống lầm lũi cơ cực và trong khi mà nếp sống của quảng đại quần chúng vẫn tập thành trên căn bản của truyền thống cao đẹp.
Về công trình này, Bà Nhu đứng hẳn về phía quần chúng, lập trường là lập trường xã hội dân tộc. Nhưng Bà lại càng gặp phải phản ứng dữ dội tuy ngấm ngầm. Nhiều tướng tá hay một số công chức cao cấp đều mê cái món nhẩy đầm. Các bà lớn thì bài bạc.
Phần nhiều các con ông lớn thì rượu chè thuốc sái (con nhà nghèo và trung lưu thì lấy tiền đâu ra)… Các vũ nữ lại là thành phần liên kết ruột thịt với một số tướng tá công chức cao cấp, công kỹ nghệ gia ăn chơi và giới “văn minh” đô thị. Bà Nhu vô tình đã đụng độ với những địch thủ ghê gớm đó.
Quảng đại quần chúng từ nông thôn đến trung lưu không ai chê trách gì luật bảo vệ luân lý (có hay không đối với họ không quan trọng) nhưng một giới khác thì luật này trở nên quan trọng.
Việc cấm nhẩy đầm của bà Nhu cũng gây bất mãn lớn trong giới ngoại kiều tại Saigon (Tây Phương nhẩy đầm là một nghệ thuật, một trò giải trí thanh lịch truyền thống). Năm 1961 Phái Đoàn Maxxwell Taylor qua Việt Nam tìm hiểu về chương trình kinh tế Vũ Quốc Thúc – Staley… Trong một cuộc gặp gỡ mấy Bà, Ông Taylor không đề cập vấn đề nào khác hơn là chuyện nhẩy đầm. Ông cho rằng sự cấm đoán như vậy là kỳ quái. Một cách lỗ mãng, sống sượng hơn nữa, một giới chức Mỹ trong phái đoàn đã hỏi mấy bà “Nếu cấm đoán như vậy thì đàn ông chỉ còn là sở thích của đàn bà hay sao”.
Đáng lý chuyện nhẩy đầm nếu cấm thì cũng nên linh động uyển chuyển nhưng kẻ thi hành lại quá hăng hái trong việc lập công. Trường hợp nữ giới chức thuộc Lãnh Sự đoàn Liban, cư ngụ tại đường Trương Minh Ký, đã bị nhân viên công lực gây phiền phức tạo nên dư luận không tốt trong giới ngoại giao.
Bà này đã có tuổi. Nhân dịp một tầu hàng Liban cập bến, một số thủy thủ đồng hương của bà đến thăm rồi nghe nhạc theo vũ điệu… Thế là Cảnh sát cũng ập vào lập biên bản đem về bót. Rất nhiều trường hợp như vậy xảy ra. Giới ngoại kiều càng thêm bất mãn và đó cũng là sự thất lợi về “ngoại giao”. Trong khi triệt để cấm nhẩy đầm mấy ông tướng tá vẫn cứ lén lút du dương.
Riêng việc cấm nhẩy đầm, bà Nhu tỏ ra dè dặt. Bà cũng là một dân nhảy nổi tiếng từ thủa còn đi học tại Hà Nội. Cấm nhẩy đầm sẽ dụng chạm đến nhiều ông tai to mặt lớn. Trong một phiên họp của ban chấp hành Phụ Nữ Liên Đới, vấn dề nhảy đầm được mổ xẻ cặn kẽ. Phiên họp này qui tụ nhiều quý bà “lừng danh”. Một số ý kiến cho rằng chỉ giới hạn việc nhẩy đầm mà không nên tuyệt đối cấm. Một bà tướng Tổng Thơ Ký của Phong Trào Liên Đới lại “bảo hoàng hơn vua” đã yêu cầu ” Bà Cố Vấn” phải cấm triệt để. Bà Nhu vẫn lờ lững chưa quyết định hẳn, nhưng cuối cùng vẫn quyết định cấm nhảy.
Việc cấm nhảy đầm được nhiều “bà lớn” tán thành triệt để vì đức ông chồng của quí bà đều thuộc loại “hảo ngọt lẫy lừng”. (Vụ vũ nữ Cẩm Nhung là một dẫn chứng)
Thế nhưng, cấm là một chuyện còn nhảy vẫn nhảy. Nhiều tướng tá vẫn “lén lút mở bal” ngay trong doanh trại hay tư dinh.
Ai ở Nha Trang vào những năm 1961-1962 đều biết rõ chuyện ông Đại Tá chỉ huy trưởng Đồng Đế vẫn mở bal đều đều lại cho sĩ quan hầu cận về tận Saigon kiếm vũ nữ và bao dàn cả tuần. Do đó, dư luận đã bàn phiếm về việc ba ông tướng hoan hỉ tham gia cách mạng 63 chỉ là do nguồn khát vọng từ tiềm thức do những dồn nén quá độ về món nhảy đầm. Thành ra sau ngày 1-11-1963, các ông “lớn” này ăn mừng cách mạng qua những đêm thần tiên trên sàn nhảy.
Chuyện nhảy đầm lậu tại Nha Trang, Đà Nẵng cũng như Pleiku do mấy ông Tướng Tá và cao cấp đỡ đầu đều lọt vô tai TT Diệm. Ông TT cố ý làm ngơ.
Không phải là người Mỹ ghét bà Nhu qua biến cố Phật Giáo 63 – Bà Nhu đã bị báo chí Mỹ công kích lai rai từ năm 1959. Tòa Đại Sứ Mỹ ngoài vợ chồng Đại sứ Nolting, ông Richardson và tướng Harkins có thể nói hầu hết không có ai có thiện cảm với bà Nhu. Từ Lu Conlin đến Colby (trước 1961) và Phó Đại Sứ Trubeart đều không chấp nhận sự hiện diện của bà Nhu. Họ ngang nhiên dùng những từ ngữ tục tằn nhất để phê phán về chuyện cấm nhẩy đầm, cấm mãi dâm, cấm nam nữ giao du thân mật.
Vì quá chủ quan nên cứ tưởng rằng ta có thành ý có lòng tốt đối với quần chúng thì quần chúng phải theo ta. Thành ý và lòng tốt theo chủ quan trong rất nhiều trường hợp đã mâu thuẫn và bội phản lại thực tại khách quan cho nên có nhiều ông lãnh tụ có chủ trương hay có ý chí vững một lòng vì dân vì nước nhưng tại sao vẫn bị dân chúng oán thán, vẫn chống đối? Giản dị chỉ vì, nhà lãnh đạo không đáp trúng khát vọng của quần chúng và cứ tưởng rằng ta thích gì thì quần chúng thích cái đó rồi sống trong một ảo tưởng thần thánh.
Bà Nhu qua công việc đã thực hiện và lời nói thì quả thực bà muốn thực hiện những gì tốt đẹp nhất cho phụ nữ Việt Nam . Nhưng thoát thai từ trong nhung lụa tháp ngà, điều đó đã trở nên bức tường thành ngăn cách giữa lòng tốt và ý chí lãnh đạo với đại đa số phụ nữ, khi bà Nhu dự định dưa ra dự luật “quyền bình đẳng” cho phụ nữ. Nhưng vẫn chỉ là ảo tưởng xa vời thực tế vì không hiểu thực chất và hoàn cảnh phụ nữ Việt Nam . Khi bà chủ trương ” Lương công nhân phụ nữ phải đồng đều với nam công nhân”. Chủ trương ấy không hợp lý cũng không hợp tình. Tại nhiều quốc gia Á Châu như Tân Gia Ba, lương một nữ giáo viên bao giờ cũng thấp hơn nam giáo viên vì căn cứ trên năng xuất thì nam bao giờ cũng hơn nữ. Tại Việt Nam tiến bộ hơn nhiều quốc gia khác về mặt này. Giáo chức cũng như công chức lương bổng đồng đều theo ngạch trật. Bà Nhu tiến thêm bước nữa là đòi cho nữ công nhân bằng lương nam công nhân. Phản ứng giới chủ ra sao?
Hãng BGI chẳng hạn, ban Giám Đốc cho rằng “đàn bà năng sức yếu lại còn sanh nở và nhiều cái yếu khác nữa. Do đó nếu buộc họ trả lương ngang với nam công nhân thì họ không dại gì thuê nữ công nhân“. Trên thực tế vốn như vậy. Nếu luật ấy được chấp nhận thì sẽ chỉ là văn bản chết và không giúp ích gì cho phụ nữ trái lại còn gây ra cho họ bao nhiêu khó khăn.
Nhờ những yếu tố nào mà bà Nhu tạo được uy quyền trên thực tế? Đơn giản nhất là sự khôn khéo tinh ranh và nhiều sáng kiến với một tiềm lực tinh thần rất mạnh về trực giác, Bà Nhu đã ảnh hưởng sâu xa trong đời sống của năm anh em trong gia đình TT Diệm đến Ngô Đình Thục và kể cả ông Ngô Đình Cẩn .
Ông Cẩn được coi là chống đối bà Nhu kịch liệt và chửi chị dâu cũng không tiếc lời nhưng ông Cẩn chỉ chửi “đổng” thế thôi. Trong gia đình ông vẫn chịu lép vế. Thí dụ về việc lập Phong trào Phụ Nữ Liên Đới tại miền Trung. Phong trào này vẫn bĩu môi khinh bỉ “Mấy con mụ đó mần được chi, chỉ ăn hại”. Trước năm 1961, nhiều bà vợ của các ông lớn tại miền Trung cũng muốn lập Hội để có ăn nhưng ông Cẩn ghét như vậy nên đành chịu.
Khi bà Nhu nhúng tay vào quyết định phát triển ra Trung… ông Cẩn đành chịu thua. Bà lại còn chỉ thị cho Huế, Đà Nẵng phải tuân hành theo ý Bà mà thôi, bà rất coi thường ông Cẩn cũng như chỉ để trong lòng.
Dịp ra Huế chủ tọa thành lập Phong Trào là cả một việc trọng đại. Chúng qui bà đã áp đảo được chú em chồng. Trước hôm đó, cả một đại đội thuộc LĐLBPVPTT được gởi ra Huế để lo an ninh cho Bà Cố Vấn. Giới chức thẩm quyền toát mồ hôi vì phải lo tổ chức sao cho long trọng. Ông Cẩn trong lòng tức tối nhưng cũng đành chịu vì chính ông cũng phải đứng ra đôn đốc cho các giới chức lo liệu thực chu đáo. Điều nực cười nhất là hôm lễ khai mạc, Bà Nhu như một nữ hoàng thì Cậu Cẩn rụt rè khiêm tốn như một công tử miền quê uy quyền. Trước đám đông ấy Cậu Cẩn chả còn gì… khiêm tớn, nhỏ bé, nhọc nhằn. Trong khi đó, từ cách đón tiếp đến chiếc ghế ngồi qua ngôn ngữ và cử chỉ bà Nhu lấn át hoàn toàn chú em chồng.
Đây là lần đầu tiên ông Cẩn đành chịu khuất phục uy quyền của bà chị dâu, người mà ông Cẩn rì rả công kích nhiều khi dùng cả chữ “con mụ” và “lăng loàn” để chỉ Bà Nhu.
Khi Bà Nhu trở về Saigon thì Phụ Nữ Liên Đới cũng theo Bà mà đi luôn. Miền Trung vẫn là đất của ông Cẩn… Phong trào Liên Đới chỉ được phép phát triển tại Nam phần và mấy tỉnh Cao Nguyên.
Sở dĩ, trước mặt Bà Nhu ông Cẩn phải chịu khuất phục vì bà ta đã biết xử dụng cái bề thế của bà chị dâu trong gia đình vốn khắt khe với những tôn chỉ lễ giáo. Còn TT Diệm thì như thế nào?
Điểm quan trọng sau đây đã giúp cho Bà Nhu thành công trong việc khuất phục ông anh chồng Tổng Thống.
Thí dụ điển hình vẫn là những quan niệm về luân lý của Bà Nhu. Quan niệm đó rất thích hợp với quan niệm và bản chất nho sĩ cũng như tu đức Thiên Chúa Giáo trong con người của TT Diệm. Khi bà Nhu đưa ra dự luật “bảo vệ luân lý” (lành mạnh hóa xã hội) thì được TT Diệm hoàn toàn tán đồng và còn khích lệ. Báo chí và Quốc Hội lên tiếng công kích, bình phẩm (tất nhiên là yếu ớt) TT Diệm lại cho rằng dư luận lầm lẫn vì có nhiều người ganh ghét bà Nhu mà tìm cách nói xấu dèm pha. Bà Nhu đã trình bày với ông anh Tổng Thống như thế nào mà được Tổng Thống dễ dàng chấp nhận và hết sức tán trợ.
Trước hết xin đan cử một vài chi tiết đã thể hiện quan niệm luân lý và tâm tính bất thường của TT Diệm qua khía cạnh này. Dạo năm 1959 – một thời đại “vàng son” của hội bảo vệ luân lý do linh mục Hoàng Yến tất nhiên không thể thoát khỏi những lý do “méo mó nghề nghiệp” qua quan niệm tu đức và luân lý giữa thế giới tu hành và xã hội ngoài đời. Linh Mục Yến qua những lần đi quan sát ngoài phố, linh mục chụp được một số ảnh tượng bán thân và khỏa thân trưng bày tại mấy tiệm bán đồ điêu khắc và mỹ thuật trong đó có mấy bức tượng được coi là hoàn toàn “lõa lồ” trưng bày tại tiệm Mai Lĩnh, đường Phan Thanh Giản. Thêm vào đó còn có cản một số hình đàn ông đàn bà, trai gái tắm chung ở piscine (dĩ nhiên là mặc đồ tắm)
Đối với một người bình thường và qua những quan niệm bình thường trong đời sống thì những hình ảnh trên đây không có gì đáng chú ý. Tượng phụ nữ lõa thể chỉ là một công trình của nghệ thuật. Trai gái tắm piscine với quần áo lót hở hang cũng là chuyện quá thông thường.
Nhưng nó lại trở nên quan trọng trước mắt một vị linh mục Hội Trưởng hội bảo vệ luân lý. Linh Mục Hoàng Yến làm một phúc trình dài kèm theo hình ảnh gởi lên cho TT Diệm.
Chỉ mới xem qua những tấm hình đó, ông Tổng Thông đã đỏ mặt, bất thần nổi giận. Ông dùng bút đỏ phê vào bản phúc trình “Ông Lương,cấm ngay” (ông Nguyễn Văn Lương lúc đó là Tổng Giám Đốc xã hội). Nhận được bản phúc trình trên, ông Nguyễn Văn Lương hết sức lo âu, không biết phải xử trí như thế nào. Ông đành hỏi ý kiến người trong Phủ. Tất nhiên là không có một ý kiến nào khác hơn tìm cách khôn khéo nhất để áp dụng lệnh của Ông Tổng Thống. Ý kiến được nêu ra như sau: Ông Nguyễn Lương cho người đến vài tiệm Mỹ Thuật như tiệm Thế Hệ nói khéo để họ thông cảm trưng bày một cách kín đáo bức tượng bán thân lõa thể. Hai hôm sau ông Nguyễn Lương vào trình Tổng Thống với đầy đủ hồ sơ để tỏ ra rằng đã tuân theo chỉ thị của thượng cấp.
TT Diệm lại vui vẻ gật đầu: “Ừ, ừ thôi được”. Từ đó, ông Tổng Thống quên cả chuyện cấm trai gái tắm piscine cũng như chuyện cấm trưng bày tượng bán thân.
Với một quan niệm luân lý khắt khe và quá cổ như vậy lại có những phản ứng bất thường nên TT Diệm dễ dàng bị bà Nhu thuyết phục. Đây là một pha thuyết phục Tổng Thống của bà Nhu do sĩ quan hầu cận kể lại (khi vào phòng Tổng Thống trình việc gì thì luôn luôn phải có sự hiện diện của một sĩ quan hầu cận hay tùy viên).
Bà Nhu thuyết phục TT Diệm để ông chấp thuận luật bảo vệ luân lý, đại cương như sau: Luân Lý Việt Nam hiện nay đang suy đồi. Trẻ con thì hư hỏng người lớn thì bài bạc sa đọa. Một người như TT Diệm nghe nói như vậy tất nhiên phải lo lắng cảm phục người em dâu nổi tiếng văn minh tân thời nhưng lại tỏ ra thoát xác biến nghĩ đến con đường thành thiện. Bà Nhu biết yếu điểm của ông anh chồng… nên chỉ đưa ra đoạn mở đầu như vậy nhằm gây xúc động. Sau đó bà mời trình bày những biện pháp giải quyết.
Những biện pháp ấy đều lý tưởng cả. Ông Tổng Thống cho là người em dâu có thành ý xây dựng đất nước. Bà nhảy đầm rất tài hoa mà nay lại đề nghị cấm nhảy thì ai mà không cho là hy sinh đáng quý. Ông Tổng Thống đã tin tưởng như thế thì đề nghị nào mà không được chấp thuận. Việc cấm bài bạc thì vốn là chủ trương của ông. Tứ đổ tường đối với TT Diệm là một tội ác làm cho người ta “sa hỏa ngục“. Thiếu niên uống rượu hút thuốc lại càng phải cấm triệt để… Từ nhỏ chí già Ông Tổng Thống có uống rượu đâu. Còn hút thuốc lá thì ông chỉ hút phà khói… Hóa cho nên, dự luật bảo Vệ Luân Lý của bà em dâu đối với ông hiển nhiên là hợp lý hợp đạo.
Khi Ông Tổng Thống để hết mình ủng hộ dự luật ấy thì còn ai dám chống đối. Một vài Dân Biểu lên tiếng công kích một số sai lầm và không thực tế của dự luật này. Tuy nhiên sự công kích chỉ là dàn cảnh để tạo ra dư luận cho ra vẻ hợp lý có vẻ dân chủ thế thôi.
Trong những buổi họp của Ban Chấp Hành Phụ Nữ Liên Đới bà Nhu trở thành một chiến sĩ tiên phong trong cuộc giải phóng phụ nữ. Còn thực tế có giải phóng được không thì 9 năm đã trả lời đầy đủ. Tuy nhiên phải công minh nhận rằng Bà Nhu đã làm được nhiều điểm tốt, dù làm theo chủ quan của bà. Chẳng hạn như vấn đề cấm triệt để thiếu niên không được uống rượu hút thuốc lá, cấm hẳn bài bạc (trừ món tổ tôm được tòa án cho là không thuộc loại đổ bát sát phạt) Bà Nhu có môt ý kiến như thế này về giá trị thân xác đàn bà. Tưởng cũng nên ghi lại đây về việc cấm thi sắc đẹp, bà cho rằng “thời Trung Cổ người Tây phương trưng bày nô lệ tại phố cho bọn nô lệ xếp từng hàng cho người ta đến xem xét đánh giá như mua bán xúc vật, con này mông to, con kia ngực nở con nọ thuộc giống tốt… Với những giá bao nhiêu. Thi sắc đẹp, tuyển lựa hoa khôi của Tây phương xuất phát khởi thủy từ các cuộc trưng bày mua bán nô lệ từ thời Trung Cổ. Ở xứ ta không chấp nhận được cái trò đó”.
Bà Nhu nói riêng với Bà Lương Khải Minh “Ăn mặc hở hang, để cả ngực cả đùi ra cho đàn ông họ nhìn ngắm rồi họ đánh giá họ cho điểm làm như vậy ô nhục lắm hạ giá nhân phẩm của người phụ nữ ngang với bọn nô lệ thời Trung Cổ. Phụ nữ Á Đông không thể chấp nhận như vậy…” Với lập luận như vây vừa xác đáng vừa có căn cứ vừa có “chính nghĩa” bảo vệ tinh hoa phụ nữ Á Đông… Cho nên TT Diệm cũng như ông Nhu và những người hiểu biết không nông cạn lắm đều cho bà Nhu có thiện chí và sáng suốt. Do đó mới có vụ cấm luôn các vụ thi sắc đẹp, tuyển lựa hoa khôi và kể cả thi lực sĩ đẹp. Bà Nhu luôn luôn nhắc nhở “Đàn ông họ ích kỷ lắm… Phụ nữ không thể chỉ là trò chơi cho họ mua vui được. Mãi dâm và làm gái nhẩy là những việc ô nhục đồi bại nhất cho người phụ nữ.”
Giá như bà Nhu không phải là một em dâu của một ông Tổng Thống đương nhiệm thì thiện chí và những cố gắng giải phóng phụ nữ của bà Nhu đáng ca ngợi.
Nhưng ở đây lại khác. Trong khi bà cố gắng hoàn tất dự luật Gia Đình cũng như dự luật Bảo Vệ Luân Lý thì trong dư luận từ thành đến tỉnh và nhất là trong giới thượng lưu đã đồn đãi rất nhiều về những cái gọi là “lem nhem bê bối” thuộc đời tư của bà. Dư luận thì nhiều lắm. Nhưng đâu là chứng cớ? Tuy vậy quần chúng đông đảo vẫn lập luận rằng “nếu không có lửa sao có khói“. Rồi một số “phu nhân” vây bủa quanh bà xem ra phần đức hạnh cũng không có gì được đảm bảo cho lắm. Quan hệ là chỗ đứng. Chỗ đứng của bà Nhu không thuận lợi cho mọi đề xướng cải cách của bà khi những cải cách đó hoặc còn quá sớm hoặc không phù hợp với tập quán cổ truyền. Dư luận xuyên tạc rất nhiều về cuộc tình duyên của Bà với tướng Đôn… Lại có dư luận cho rằng ĐS Nolting bị Bà Nhu mê hoặc trong lưới tình. Tục ngữ Việt Nam có câu “ghét ai ghét cả đường đi lối về“. Trong 9 năm qua cử chỉ và ngôn ngữ, Bà Nhu làm cho nhiều giới và nhiều người “mích lòng” thực. Cái dễ ghét rất giản dị chỉ vì tâm lý và truyền thống Việt Nam không ưa đàn bà múa may hay lợi dụng chức vị của chồng mà làm “lớn lối” – chỉ nguyên một chuyện xử dụng ngôn ngữ đao to búa lớn của bà đã làm cho người ta dễ ghét. Trong cái dễ ghét đó tất nhiên do sự ghen tức nhau. Các ông thường bị ảnh hưởng các bà. Các bà thấy bà Nhu như vậy nếu không có cơ hội được gần bà thì trở nên ghen ghét nói xấu. Ai nói xấu thì nói không đáng kể chứ đàn bà nói xấu nhau quả là một nghệ thuật qua khả năng sáng tạo về tưởng tượng. Nhiều câu chuyện “mê ly gây cấn” chung quanh con người bà Nhu hầu hết do một số phu nhân dựng đứng lên… rồi lan rộng ra dư luận và dư luận lâu ngày trở nên như là thực.
TT Diệm không được nghe những dư luận đó và chỉ nhận được lời công kích bà Nhu qua việc làm của bà như dự luật gia đình và bảo vệ luân lý. Một số báo Mỹ tiết lộ bà Nhu có một gia tài đồ sộ tại Ba Tây (đồn diền cafe) và Thụy Sĩ. TT Diệm không tin vì ông vốn có thành kiến với báo Mỹ. Còn sự công kích luật Gia Đình cũng như Bảo vệ Luân Lý ông Tổng Thống đều cho là ganh tị phá hoại và do một số người có vợ nhỏ “dông dài ham chơi” nên cố ý phá bà Nhu.
Tóm lại bà Nhu hiều rõ tâm tính và cuộc đời đạo đức của anh chồng. Bà lợi dụng ngay những đặc điểm đó để tạo ảnh hướng với Tổng Thống. Khi đã tạo được ảnh hướng với TT… thì hàng Bộ Trưởng, Tướng, Tá đối với bà chả có nghĩa lý gì cả. Tuy vậy, vì biết rõ tính ông anh, Bà Nhu không bao giờ công khai bày tỏ một ý kiến nào về hoạt động của chính phủ cũng như các nhân vật văn võ. Trước mặt TT Diệm, bà luôn luôn tỏ ra mình chỉ biết lo công việc của phụ nữ. Khi nào có đại biến như vụ Tướng Hinh vụ Bình Xuyên và cuộc đảo chánh hụt 11-11-60 Bà Nhu mới nhẩy vào vòng.
ẢNH HƯỞNG CỦA BÀ NHU ĐỐI VỚI ĐỨC CHA THỤC
Ảnh hưởng của bà Nhu đối với Đức Cha Ngô Đình Thục như thế nào? Ảnh hưởng ấy người ta chỉ có thể cảm thấy một cách bàng bạc. Mỗi khi về ở trong Dinh, Đức Cha Thục đều dùng cơm chung với gia đình ông Nhu. Trong những bữa cơm thân mật gia đình đó, anh em tỏ ra tương đắc từ chuyện hàn huyên đến việc quốc gia đại sự. Bà Nhu không những đóng trọn vai trò của một người em dâu mà luôn luôn tỏ ra một con chiên hết sức kính cẩn, vâng phục một vị Giám mục. Bà theo đạo chồng (gọi nôm na là Đạo theo) nhưng từ ngày vào ở trong Dinh bà tỏ ra một tín đồ ngoan đạo. Mặc dầu đã mấy lần bà Nhu công khai phê bình một số Linh Mục với lời lẽ phạm thượng sỗ sàng nhưng với ông anh chồng Đức Cha thì lại khác , Đức Cha Thục thường khen ngợi bà Nhu trước mặt nhiều người “Bà Cố Vấn tốt đạo lắm, siêng năng xưng tội rước lễ lắm” - chỉ một lời khen đó ta cũng thấy Đức Cha tin tưởng người em dâu như thế nào.
Về mặt tâm lý, ảnh hưởng của bà Nhu đối với Đức Cha Ngô Đình Thục cũng dễ hiểu. Dù là Giám Mục hay ở một tước vị cao sang nào cũng vẫn chỉ là con người cùng với những “yếu điểm tâm lý” của con người.
Mà người ta càng già bao nhiêu thì càng thêm nhiều “yếu điểm tâm lý“. Nhất là người già trong thế giới tu hành. Nỗi cô đơn của một nhà tu càng lớn càng mênh mông khi tuổi đời mỗi ngày một chồng chất. Những ẩn ức trong tiềm thức của một người già cô đơn lại càng dễ dàng bị chinh phục bởi những an ủi vỗ về của người thân yêu. Nhất là người thân đó lại là một cô em dâu trong gia đình. Bà Nhu đã thành công nhờ ưu điểm này. Kinh nghiệm và sách vở đã cho thấy, trong một xứ Đạo với một vị Linh Mục già thì bà quản gia mới là người có ảnh hưởng nhiều nhất đối với Linh Mục.
Vị sư già trụ trì trong một ngôi chùa thì bà vãi nào khôn khéo, đảm đang sẽ được thầy tin cậy… Sự tin cậy cũng như ảnh hưởng trên đây không hề có chuyện tội lỗi trái lại rất thành thiện và chỉ phản ứng của một dồn nén cô đơn trong tiềm thức của một nhà tu luống tuổi.
Trường hợp Đức Cha Ngô Đình Thục cũng không thoát khỏi những phản ứng tự nhiên đó.
Những phản ứng thân yêu trong trái tim con người tương tự như con người của bà mẹ đối với con người của cậu con trai hay một ông bố chồng già đối với một người con dâu hiếu thảo khéo léo.
Mỗi khi Đức Cha Thục về Dinh Độc Lập thì bà Nhu lo toan từ món ăn thức uống và lúc đó trước mặt Đức Cha bà Nhu chỉ là một cô em gái ngoan, dịu hiền ăn nói ngọt ngào dễ thương.
Đức Cha đã dùng tất cả mọi ảnh hưởng của mình để hỗ trợ 2 dự luật của bà Nhu nhất là Luật Gia Đình. Đức Cha Ngô Đình Thục hết lòng hỗ trợ và bênh vực luật Gia Đình cũng là điều dễ hiểu vì nó đã thể hiện đầy đủ tinh thần luyến ái quan Thiên Chúa Giáo. Với một tín đồ Thiên Chúa Giáo thì việc cấm ly dị là điều hiển nhiên theo phép hôn phối.
Đối với một Giám Mục thì còn gì đáng ca ngợi đáng ủng hộ hơn một Đạo Luật đời cấm ly dị và đời sống lứa đôi chỉ một vợ một chồng. Tuy nhiên, như trên đã viết trong số 14 triệu dân Việt ở miền Nam thì tín đồ Thiên Chúa Giáo không tới 2 triệu. Vả lại, luyến ái quan Thiên Chúa Giáo lại có nhiều điểm đối nghịch với luyến ái quan của người Việt Nam bình dân và kể cả luyến ái quan Nho Giáo mà luật pháp bao giờ cũng phải xây dựng trên căn bản công bình bất phân tôn giáo giai cấp.
Nhưng một vị Giám Mục như Đức Cha Thục tất nhiên không nghĩ như vậy khi mà ông em đang là Nguyên Thủ Quốc Gia. Bà Nhu lại có sáng kiến đưa ra luật ấy lẽ dĩ nhiên, ông anh Đức Cha phải lấy làm cảm phục và cho rằng cô em dâu đã làm những việc cao quí trong tinh thần phúc âm.
Từ luật gia đình cùng những ngôn ngữ cử chỉ khéo ăn khéo nói của bà Nhu đã giúp cho bà tạo được những yếu tố sống động gây ảnh hưởng mạnh mẽ nơi Đức Cha Thục. Nhưng luật Gia Đình đã làm cho bà thất bại hơn là những dư luận đồn đại về đời tư của bà. Bởi luật đó chỉ tạo thêm những thị phi và đàm tiếu của quần chúng. Trên thực tế, trai gái vẫn cứ tự do giao du, lấy nhau cứ việc lấy nhau, hôn thú chưa phải là điều chính yếu.
Luật cấm ngoại hôn không được hưởng gia tài không được hưởng một quyền lợi của người cha nhưng thực tế người Việt Nam vẫn sống theo một thứ luật bất thành văn trên tinh thần “con nào cũng là con”.
Dư luận đàm tiếu không phải đàm tiếu về nội dung đó. Hầu hết quảng đại quần chúng có mấy ai tìm hiểu luật pháp mà biết nó hay hoặc dở. Duy có một điều Luật gia đình của bà Nhu cấm không cho đàn ông lấy vợ nhỏ nhưng cô chánh văn phòng bà (gọi là cô cho danh chính vì, theo luật ấy thì cô chưa có chồng) nhưng ai lại không biết cô là vợ nhỏ của một ông chồng văn nhân (thường tình nếu cô ta không phải là “chánh văn phòng” của bà Nhu thì chả ai chú ý thị phi vì vợ lớn vợ nhỏ cũng đều là vợ cả miễn sao được chồng yêu thương). Đằng khác dư luận giới cao cấp không ngớt bàn ra tán vào về đời tư của mấy bà “lớn” trong ban chấp hành Liên Đới. Nào là vợ nhỏ sau “đá vợ cả” của ông Tướng để lên ngôi chính thất. Nào là bà Tá B vốn đã có một đời chồng rồi sau “mèo chuột” bỏ chồng lấy ông tá B… Dự luật đàm tiếu tùm lum như vậy. Mà dự luật ấy có thật chứ không phải do thêu dệt. Nhưng từ đó dư luận được dịp phụ đề thêm “hoa lá“. Đó cũng là cái nguy cho một cá nhân trong guồng máy lãnh đạo khi cá nhân đó trở thành cái đinh của dư luận. Trong khi đó, nhờ luật gia đình cũng như công tác xã hội mà bà Nhu đề ra, càng ngày càng tăng cường ảnh hưởng của Đức Cha Thục.
ẢNH HƯỞNG CỦA BÀ NHU ĐỐI VỚI ÔNG CHỒNG
Còn ông Nhu? Giới thân cận nhất của ông đều xác nhận trước năm 1955, bà Nhu không tạo được ảnh hưởng chính trị nào đối với ông chồng “đa mưu túc kế” rất uyên thâm. Nhưng nó lại như thế này, từ ảnh hưởng tâm sinh lý của bà vợ đã dễ dàng biến thành ảnh hưởng chính trị… Trước năm 1945, ông Ngô Đình Nhu chỉ coi bà vợ như một cô em gái không biết gì về chính trị. Nhưng mấy năm sau, trong văn phòng của ông lại treo một bức hình bán thân vủa bà vợ tràn đầy nhựa sống. Một người thường thì không nói làm gì nhưng ở vào trường hợp ông Nhu và nhất là con người trí thức như ông Nhu, thì khi treo bức hình đó tại ngay văn phòng chính thức của một vị Cố Vấn Chính Trị Phủ Tổng Thống quả là điều chướng mắt… Đáng lý ra thì chỉ treo trong phòng riêng. Dĩ nhiên ông Nhu cũng cảm thấy như thế khi tự tay bà treo bức hình đó, song ông Nhu không phản đối.
Bức hình treo ở một nơi trang trọng trong văn phòng đã đủ nói lên việc ông Nhu chấp nhận sự hiện diện của bà trong đời sống của mình (vì văn phòng ấy là nơi ông Nhu tiếp khách quan ngoại quốc. Bộ Trưởng Tướng Lãnh, Nhân sĩ… nghĩa là đủ mặt mọi giới ). Qua sự kiện này đã đủ nói lên ảnh hưởng của bà Nhu, đã chinh phục toàn diện con người ông chồng mà nhiều khi chính ông Nhu cũng không biết (ảnh hưởng của bà vợ đối với ông chồng là một cuộc hành trình với những chất liệu “vô hình” thấm dần vào tim óc nói ra không được và chỉ mơ hồ cảm thấy) hoặc không thể cảm thấy và chỉ có người ngoài mới nhìn thấy rõ được.
Bởi vậy cô nhân tình của một nhà lãnh đạo nhiều trường hợp lại ảnh hưởng sâu xa đến chuyện quốc gia đại sự mà chính nhà lãnh đạo đó cũng không hay để tự cảnh giác. Do vậy, nhà lãnh đạo dù tài ba cũng cần phải đặt mình trong guồng máy lãnh đạo và phải chấp nhận mọi khám phá tình cảm và phê bình cá nhân mình qua sự phát biểu kiểm thảo của các bộ phận guồng máy.
Giới thân cận của ông Nhu biết rõ ràng ông không bao giờ nghe vợ bàn góp ý kiến. Sự thực một người tự kiêu như ông Nhu với khả năng trí thức như vậy khó lòng có thể tin theo ý kiến của bà vợ còn nhỏ tuổi mà trước mắt ông, bà chỉ vẫn là hình ảnh cô nữ sinh trường Pháp chưa đậu Tú Tài. Tuy nhiên, đã có một vài trường hợp ngoại lệ ông Nhu theo ý kiến của bà nhưng đó chỉ là ý kiến xuất phát từ khả năng trực giác dồi dào của một người đàn bà thông minh nhạy cảm (qua vụ đảo chính hụt 11-11-60). Về phần này thì người đàn ông dù tài ba đến đâu cũng đành chịu thua đàn bà. Ý kiến của đàn bà xuất phát theo trực giác phần lớn đều đúng với thực tế cả.
Nhưng ông Nhu vốn sợ “sì căng đan” đó cũng là một điểm yếu của một nhà trí thức làm chính trị. Bà Nhu vốn nóng như lửa nói năng bất chấp và dễ gây gổ làm chuyện lớn. Hễ một khi bà vợ gây gổ lớn tiếng thì ông Nhu đành im. Quá lắm thì ông Nhu chỉ đập bàn, mắng mấy câu tiếng Pháp cho thỏa rồi đành chịu thua (giới ăn học bị vợ lấn át và mang tiếng sợ vợ phần lớn cũng chung một cảnh ngộ tâm lý như vậy) TT Diệm lại cũng là người sợ sự lớn tiếng gây gổ. (Đại Úy Bằng kể lại, một lần TT Diệm bảo ông đi theo sang bên phòng ông bà Nhu. Ông Tổng Thống đang có điều gì vui mừng. Nhưng gần đến cửa phòng nghe thấy bà Nhu la lối ông chồng, TT Diệm quay gót trở về phòng khẽ lắc đầu) Cứ nhận diện ông Nhu theo tướng số thì khuôn mặt ông không phải là người “sợ vợ”.
Còn một chi tiết nhỏ này cũng đủ chứng tỏ, ảnh hưởng của bà Nhu đã thâm nhập sâu xa trong con người ông chồng: Trước kia ông muốn hút bao nhiêu thì hút. Nhưng kể từ năm 1959-1960, bà Nhu giới hạn. Mỗi ngày tự bà chia cho ông một vài điếu hút cho đỡ nhớ mà thôi. Nhiều khi một điếu được cắt làm đôi. Một người nghiện thuốc lá nặng như ông Nhu mà đành chịu như vậy thì cũng là một điều lạ lùng.
Trước năm 1955 ông Nhu là người ăn mặc xuề xòa… Khi trở thành Cố Vấn Chính Trị ông cũng vẫn thế nhưng ông anh Tổng Thống không bằng lòng vì cho rằng ăn mặc như vậy “mất cả thể thống… thím phải lo cho chú ấy ăn mặc đàng hoàng”. Từ đó, tự tay bà Nhu lo liệu cho ông chồng, bà lựa chọn cho ông từng chiếc cravate. Ngay văn phòng làm việc của ông bà Nhu cũng tự tay trang trí cho ngăn nắp mỹ thuật. Một người già mà được cô vợ trẻ săn sóc yêu thương như vậy ai mà không cảm động. Từ chỗ cảm động đến chỗ bị “chi phối âm thầm” không bao xa.
Ảnh hưởng của bà Nhu đối với ông chồng mỗi ngày càng mạnh đó cũng là điều dễ hiểu xét theo khía cạnh tâm sinh lý. Ông Nhu không phải là người ăn chơi, trước năm 1954 sống trong thế giới kín cổng cao tường của Phủ Tổng Thống. Ông Nhu cũng không phải là người quảng giao nên ít bạn bè. Rồi tuổi ông mỗi ngày một cao… Cô vợ với tuổi hồi xuân càng trở nên “ngào ngạt yêu thương” đó mới là nguyên nhân thầm kín tạo cho bà Nhu có một “uy quyền” đối với ông chồng. Thứ uy quyền chỉ có thể cảm thấy nơi ông chồng sống đời nội tâm… Bà vợ trái hẳn lại, ham mê hoạt động hòa cuộc sống với bên ngoài… Đó không phải là hai thái cực mà là hai cái “nố” mâu thuẫn để tạo thành một hậu quả chi phối đời sống vợ chồng theo một tương quan tình cảm.
Một vài nhân vật thân cận nhất của ông Nhu bị ông cho ra “rìa” vì thất sủng trước hết do sự bất hòa và bất đồng giữa các nhân vật này với bà Nhu. Nói rằng ông Nhu nghe vợ thì không đúng… nhưng quả vì sợ mà ông bỏ rơi một vài người thân cận… Thật dễ hiểu, trong đời sống phòng the, nay nghe bà vợ rủ rỉ bên tai: “thằng ấy nó như thế như thế“, mai lại nghe bà vợ phàn nàn: “ông ta như vậy như vậy”. Những lời ngọt ngào đó lúc đầu ông chồng bỏ qua vì cho rằng “chuyện đàn bà…đàn bà lắm chuyện” nhưng lâu ngày, thì chuyện đàn bá hóa thành chuyện đàn ông. Trong cái thời đại quân chủ, bao nhiêu bậc Vua Chúa đã mất ngai vì nghe vợ thủ thỉ bên tai. Ở miền Nam này cũng vậy, bao nhiêu lãnh tụ đảng phái mất cả anh em đồng chí rồi hủ hóa cũng một phần vì nghe vợ trong cung cách trên. Vậy thì vấn đề quan trọng phải đặt ra ngay: người lãnh tụ cũng chỉ là một người nên không thể dứt bỏ đời sống vợ chồng riêng tư. Nhưng nếu mưu đồ đại sự dứt khoát ngay từ lúc nhập cuộc là không để đàn bà chen lấn vào công việc của mình. Muốn loại bỏ những ảnh hưởng tiệm tiến vô hình ấy thì lãnh tụ phải được biến thể theo khách quan của thực tại lãnh đạo. Thực tại lãnh đạo gần nhứt là các đồng chí thân cận. Nếu nghe vợ hay vì cách này cách khác qua ảnh hưởng của vợ mà làm xa cách đồng chí thì sứ mệnh lãnh đạo không còn nữa. Staline hay Hitler tạo được sức mạnh tối thượng và tối đa của uy quyền lãnh đạo vì họ là con người thép không còn rung động trong chủ quan thực tại khách quan của lãnh đạo còn ông Nhu hay ai ai sau này muốn chủ toàn sứ mệnh lãnh đạo thì trước hết phải giải quyết ngay cái mâu thuẫn giữa tình cảm cá nhân trong đời sống riêng tư và đời sống tình cảm tập thể trong đời sống guồng máy. Bông hoa hồng của bà vợ cài trên áo mình và cái đinh ốc trong guồng máy mà mình lãnh đạo cả hai đều quan trọng nhưng làm thế nào để không vì bông hoa hồng mà làm mất đi chiếc đinh ốc của guồng máy đó mới là điều quan trọng.
Chúng tôi có đọc cuốn “La Révolution sensuelle” nói về cuộc cách mạng của Fidel Castro tại Cuba .
Đó cũng là cuộc cách mạng nhậy cảm nhờ sự tham dự ngào ngạt hương thơm của phái yếu. Vậy thì muốn mưu đồ đại sự cũng cần có yếu tố nhạy cảm và phái yếu bổ xung để gợi cảm và xung động quần chúng. Vậy thì sự thành lập Phụ Nữ Liên Đới cũng như tổ chức bán quân sự của phụ nữ (tuy chỉ có hình thức biểu dương) quả là điều cần thiết cho những chiến thuật chính trị. MTGPMN bổ nhậm phụ nữ làm Tư Lệnh phó lực lượng võ trang của họ cũng không ngoài chiến thuật chính trị để tạo được sự chú ý của quần chúng và gây được nồng độ nhạy cảm trong cuộc chiến đấu.
Nếu như bà Nhu chỉ đứng bên trong lèo lái và chọn một người tương đối xứng đáng đứng ra thành lập thì quả là tốt đẹp. Nhưng đây thì lại khác, bà Nhu vừa là tác giả lại đóng luôn vai trò diễn xuất của “kép” chánh.
Đáng lẽ chúng tôi không viết về phong trào Phụ Nữ Liên Đới của bà Nhu vì miền Nam đã có bao nhiêu Hội, Phong Trào như vậy chỉ xuất hiện như vậy để trình diễn nhất thời rồi lại tan vào lãng quên. Nhưng muốn nêu lên đây một kinh nghiệm và xác định rằng nếu ai ở thế chính quyền cũng cần phải tạo được một số thế lực của mình để hỗ trợ cho chính quyền mà mình đã nắm được. Sau năm 1963, người ta đã có mặc cảm và thiên kiến về phong trào Phụ Nữ Liên Đới của Bà Nhu.
Từ đấy đến nay cũng chưa ai đứng lên tổ chức một phong trào như vậy.
Nhưng dù thế nào cũng phải công nhận rằng: Miền Nam từ năm 1954 đến nay, Bà Nhu là người đầu tiên đã xây dựng được phong trào phụ nữ – nhất là phụ nữ bán quân sự – dù phong trào ấy như viết trên, tuy có danh mà không có thực nhưng có vẫn hơn không.
Ông Nhu cũng như TT Ngô Dình Diệm có “dính dáng” vào sự thành lập phong trào đó không? Có thể nói là TT Diệm thấy cô em dâu làm được điều tốt với chủ ý hỗ trợ chính quyền tất nhiên ai ở địa vị ông Tổng Thống cũng không có lý do gì ngăn cản, còn ông Nhu? Ông cũng không đóng vai trò giật giây phong trào đó. Khi thấy việc làm của vợ có ích lợi cho chế độ thì ai ở địa vị ông cũng không có lý do gì ngăn cản. Mà thực ra thì ông Nhu muốn cản cũng không được.
Giới thân cận được biết rằng, đối với Bà Nhu thì “việc ông ông làm, việc tôi tôi làm miễn sao tôi không chống lại ông”. Nhiều việc bà Nhu cứ “làm đại” nếu ông chồng biết thì mọi sự đã rồi. Tuy nhiên những việc “làm đại” đó đối với ông Nhu đều có vẻ hợp lý.
Dư luận trước 1963 cho rằng, ông Nhu bị vợ “chế ngự, áp đảo“… Nhưng điều đó không đúng. Trong các việc chính sự quốc gia, có bao giờ ông hỏi “ý kiến” vợ đâu. Nhưng có điều như thế này, ông Nhu cũng phải ngán sự dữ dằn nóng tính như hổ lửa của bà vợ. Một lần, bà Nhu hỏi ông chồng trước mặt một số người thân trong đó có bà Lương Khải Minh: “Tại sao mấy ông ấy (tức các ông lớn) lại khiếp tôi quá dữ đến như vậy”. Ông Nhu mỉm cười trả lời: “Tui còn khiếp bà huống chi mấy ông ấy”.
Bà Nhu áp đảo được nhiều nhân vật cỡ lớn trước hết nhờ yếu tố bạo ăn bạo nói của bà.
Trong những buổi họp ban chấp hành Liên Đới, bà Nhu chủ tọa và hầu như chỉ có mình bà ta độc thoại. Các bà khác ngồi lặng thinh lắng nghe chăm chú và luôn tỏ ra thán phục. Một lần nọ vào năm 1962 một bà Liên Đới đi họp muộn. Bà Nhu hỏi lý do thì thực thà trình bày là có một vài nhân vật Mỹ đến thăm ông chồng do đó đến muộn. Trước đông đủ mọi người bà Nhu lớn tiếng “Tiên sư cha mấy thằng Mỹ”.
Đại cương lời ăn tiếng nói của bà Nhu có những lúc sỗ sàng như vậy.
Nhưng nó lại quá sức thất lợi về phương diện giáo tế chính trị. Chửi Mỹ sỗ sàng như vậy vào năm 1963 quả là “liều” nếu không phải là bà Nhu thì không ai dám ăn nói như vậy. Nhưng bà Nhu nói, với tư cách Chủ Tịch Trong Trào Liên Đới lại là vợ một Cố Vấn chính trị thì hẳn rằng giới chức Mỹ phải đặc biệt lưu ý (trong đám người hội họp đó dĩ nhiên là phải có một vài bà về học lại với ông chồng và ông chồng học lại với Mỹ).
Cho nên cũng không lấy làm lạ khi bà Nhu qua Mỹ “giải độc” Bà đã làm chấn động Bạch Cung qua những lời tuyên bố nảy lửa mạt sát Mỹ thậm tệ. Công kích và mạt sát Mỹ là điều ai cũng thích cả nhất là quảng đại quần chúng như vị trí và tư thế của bà Nhu lúc ấy thì sự công kích Mỹ chỉ tạo nên những hậu quả nguy hiểm cho chế độ Ngô Đình Diệm.
Với tự ái dân tộc nhược tiểu cùng với bao nhiêu niềm phẫn uất phải dấu kín trong lòng thì việc bà Nhu sang tận Mỹ và lớn tiếng chửi thẳng vào bộ mặt lớn cùng chính sách sai lầm của Mỹ chúng tôi coi đó như một điều hân hoan và có thể mô tả bà Nhu như một phụ nữ Việt Nam đầu thế kỷ 20 sang tận nước Pháp đứng giữa kinh thành Paris bắc ghế và “vén váy” chủi vào mặt nước pháp. Bây giờ thì người phụ nữ đó, báo Mỹ mệnh danh là “Rồng Cái” đã chửi Mỹ thật lưu loát.
Sự công kích Mỹ của bà Nhu chỉ là cách “xả hơi” nói cho sướng miệng. Khi mà chế độ Ngô Đình Diệm đang thất lợi đối với dư luận Mỹ thì sự công kích ấy không có ích lợi gì và chỉ làm tăng sự phẫn nộ trong dư luận Mỹ. Tuy nhiên, bà Nhu đã gây được sự chú ý đặc biệt của dân chúng Mỹ nơi mà người dân luôn luôn bị kích động bởi những sì căng đan một dân tạp chủng thường xuyên quay cuồng trong một nhịp sống đổi mới không ngừng hiếu kỳ tuyệt độ.
Vốn là người nói năng bất kể…bà Nhu không kiêng nể một ai ngoại trừ anh em nhà chồng bà. Năm 1963, bà đã không tiếc lời công kích cả thân phụ bà (LS Trần Văn Chương) trước đó bà cũng đã không tiếc lời bài bác ông chú ruột của bà tức BS Trần Văn Đỗ (trong nhóm Caravelle). Cho nên bà Nhu mô tả các vụ tự thiêu của Phật Giáo với ngôn từ như “rô ti người bằng săng của Mỹ” cũng không có gì khó hiểu. Có lẽ trên đời bà Nhu chỉ khâm phục có anh em nhà chồng bà rồi đến bà.
Trước khi trở lại vụ Phật Giáo 1963 ở đây chúng tôi cũng cần phải chắc qua Trong Trào Phụ Nữ Liên Đới với bản chất của nó.
Quả thực phong trào đó là một hội đàn bà đúng nghĩa với chữ đàn bà theo quan niệm của người Việt Nam . Giá như phong trào này chỉ chuyên tâm đến các hoạt động xã hội từ thiện thì không kể làm gì. Đó là điều rất tốt.
Ngày 20-5-1958 trong một phiên nhóm họp Quốc Hội, bà Nhu đã đưa ra một đề nghị thành lập một Trong Trào Phụ Nữ với danh xưng “Phụ Nữ Liên Đới Việt Nam” và yêu cầu Liên Đoàn công chức để cho các bà vợ công chức được phép tham gia. Bốn năm sau Phong trào đó mới được TT Diệm chính thức chấp thuận và được thừa nhận là một Hội Đoàn Công Ích (SL 84 VN 13-4-62)
Như trên đã viết, phong trào này không đạt được “quần chúng tính“. Trước sau đây chỉ là một hội đoàn của các phu nhân, vợ công chức cùng nữ công chức và nữ quân nhân. Vì vậy mà hội đoàn ấy được xem như một hội đoàn bán chính thức của chính quyền.
Ban Chấp Hành Trung Ương ngoài một số nữ Dân Biểu “gà nhà” của bà Nhu còn hầu hết là vợ các công chức cao cấp và tướng tá. Vai trò của các bà cao thấp tùy theo địa vị của người chồng cùng sự khôn lanh nịnh bợ bà Cố Vấn.
Một bà là vợ ông Tướng nên được làm Tổng Tư Ký, một bà là vợ ông Bộ Trưởng nên được cân nhắc làm Phó Chủ Tịch v.v…Chúng tôi không bao giờ làm công việc “bới móc” chuyện “đàn bà con trẻ” nhưng chuyện “đàn bà” của Phong Trào Phụ Nữ Liên Đới lại có sự liên hệ đến sự vong tồn của một chế độ. Thật là những sự rủi ro do những lỗi lầm tình cờ ấu trĩ và chính trị khi đàn bà xen lẫn vào chính trị. Đáng lẽ, một Phong Trào như vậy phải tìm những phụ nữ có khả năng, có học vấn (học vấn không có nghĩa là phải có bằng cấp). Nhưng ở đây thì lại khác. Tuy bà X là vợ tướng lãnh thật nhưng chỉ vì “đàn ông quan tắt thì trầy, đàn bà quan tắt nửa ngày nên quan” cho nên bà ta chỉ có trình độ “biết viết” nhưng nhờ địa vị của chồng nên phút chốc đã leo lên hàng “lãnh tụ” của phong trào. Như vậy phong trào ấy làm sao có lãnh tụ tốt, có sáng kiến tốt cho được. Tuy phong trào cũng có một vài bà Luật Sư nhưng đa số chỉ là độc giả của báo “SM” và khán giải mộ điệu của tuồng “cải lương“… nếu không thì chỉ lại lo toan affaire làm giầu. Bởi vậy mới có một bà Liên Đới phu nhân của một Bộ Trưởng khi ngồi vào bàn hội nghị với tư cách chủ tọa bà lên tiếng ngay “Thưa chị em hôm nay đại diện bà Cố vấn tôi tuyên bố bế mạc hội nghị “. Cả hội trường đều ngỡ ngàng tại sao chưa khai mạc mà đã bế mạc, sau mới rõ bà Bộ Trưởng xử dụng chữ bế mạc thay cho chữ khai mạc! Rồi một phu nhân khác trong một dịp đi vận động bầu cử. (khóa III 65) đến một trại gia binh đã nói với các bà vợ quân nhân ở đây rằng:
“Chồng tôi làm đến Bộ Trưởng… chồng tôi chức như vậy tôi đâu có ham nhưng vì thương chị em tôi mới đứng ra ứng cử để bênh vực quyền lợi cho chị em”. “Bằng một giọng” lớn lối như vậy các bà vợ lính la ó… nhún vai nhỏ nước bọt… Bà ứng cử viên Dân Biểu phải chuồn lẹ. Đại cương các bà có những lỗi lầm ấu trĩ… nhưng mấy bà lại “đua nhau” tham gia công tác phong trào để được bà Cố Vấn súng ái rồi chỉ định ra tranh cử Dân Biểu (khóa III QH phong trào Liên Đới đạt 22 ghế Dân Biểu).
Tất nhiên cùng không ai quá khắt khe chấp nhất những “lỗi lầm đáng bỏ qua” của quí bà. Nhưng có điều quan trọng thế này: Các bà đã làm cho các ông mâu thuẫn nhau, hiềm khích nhau…Rồi chính phủ trở thành “Chính phủ đàn bà”.
Bà Nhu trao cho bà Tướng X công tác A. Bà Tướng X hoàn toàn “mù tịt” nhưng cứ nhận bừa rồi về nhà trao trách nhiệm thực hiện cho ông chồng. Ông chồng lại gọi thuộc viên vào trao phó… Thuộc viên hùng hục làm cho xong vì họ đã thuộc nằm lòng tiêu chuẩn “lệnh của bà mới là điều quan hệ!!” Bà Nhu lại trao cho bà Bộ Trưởng Y công tác B…Bà Bộ Trưởng cũng cứ “nhận đại” rồi về trao phó cho ông chồng… Ông chồng nào (nể vợ) thì làm hay ông nào “cứng đầu” với vợ thì làm qua loa. Hậu quả không những các viên chức cao cấp phải làm thêm công việc Liên Đới của các bà vợ mà còn tạo nên sự ganh tị suy bì… Bà X tâng công “Việc của em Bà Cố trao phó cho em làm xong ngay còn việc của chị X… chị ấy dựa vào thế lực của chồng chị ấy chỉ có chỉ tay năm ngón !”
Các bà chia thành phe cánh ra lườm vào nguýt, cũng là điều dễ hiểu nhưng các bà lại kéo theo các ông… Thói thường cái gì bà không thích thì cho dù ông không nghe theo nhưng lâu ngày thủ thỉ bên tai cuối cùng ông cũng về phe bà mà không thích như vậy. Nhiều ông với những “cái yếu” nhất của con người…cũng cố giúp vợ sao cho đắc lực để bà Cố Vấn tin cẩn nhờ đó vợ sẽ giữ địa vị cho chồng bảo vệ địa vị một cách hữu hiệu. Đàn bà Việt Nam không có gì đẹp hơn là làm nội tướng trong gia đình giúp chồng trong sự giao tế trông nom con cái lúc ấy hình ảnh bà không còn gì đẹp hơn nhưng khi các bà nhẩy ra sân khấu để diễn xuất (mà lại diễn xuất trật lất hết trơn) lúc ấy kẻ đứng ngoài quan sát thấy nó chướng mắt lắm. Các Bà Liên Đới cận thân Bà Nhu đã diễn xuất nhiều sự chướng ta gai mắt như vậy. Lẽ tất nhiên không lôi kéo được quần chúng. Đây cũng là bài học cho các phu nhân của những ai đang và sẽ ở vào thế lãnh đạo xứ sở.
Fénelon nói một câu thật có lý: “đàn bà, khó thương kể cả má của tôi”…Cái khó thương trong dễ thương mà càng dễ thương trong tình yêu gia đình thì lại càng khó thương trong đời sống công cộng ít nhất là chính trị.
Trong cái hội Phong Trào Liên Đới cũng như nhiều hội đoàn thiếu nữ khác thì sự ganh tỵ như là bản chất (vì máu nghen là bản chất của đàn bà, nó đẹp và dễ thương khi đàn bà ghen trong tình yêu). Chúng tôi thí dụ: Dạo năm 1959, một phái đoàn phụ nữ sang Tân Gia Ba tham dự Hội Nghị Phụ Nữ Đông Nan Á, một nhân vật cận thân của ông Nhu đã dặn vợ trước khi bà ấy lên đường là khi sang đó phải cố gắng làm sao đừng cho báo chí họ đề cao hay nói đến mình quá nhiều cũng đừng để báo chí chụp hình. Vì nhân vật này hiểu rõ quý bà nên tránh ngộ nhận cho nó được “êm tai” để làm việc. Khi phái đoàn trở về Tân Sơn Nhất, báo chí Việt Nam cũng làm cái việc thông thường là phỏng vấn chụp hình…
Khi nhân vật này biết được như vậy ông đã phải điện thoại cho khắp báo quán xin “thông cảm” đừng tường thuật cái có dính dáng đến tên vợ “vì như vậy phiền lắm” ông cũng lưu ý các báo đừng đăng hình nào nếu có mặt vợ ông. Sau được biết nhật báo Saigon Mới của bà Bút Trà lại in hình vợ ông trong bài tường thuật. Nhân vật này xin báo Saigon Mới “tha tội“ nhưng báo đã in được 5000 số, ông cũng đành nói với bà chủ nhiệm: “Trước đây vì ơn nghĩa với nhau Bà có quà cho vợ chồng tôi nhưng tôi không nhận. Thôi bây giờ bà cho tôi 5000 số báo đã in. Nhờ bà cho đục các bản kẽm có hình nhà tôi dù tốn phí thế nào cũng xin chịu” Bà chủ nhiệm Saigon mới vui vẻ nhận lời.
Tuy vậy 5000 số báo đã in xong để rồi cho vào kho bán “ký” thế nhưng một vài tờ cũng vẫn lọt ra ngoài và một bà Liên Đới đã sốt sắng đưa vào trình bà Cố Vấn. Bà Nhu lại tức giận cho rằng “Đi hội nghị chỉ lo đề cao cá nhân“… Nhưng thực tình thì bà Nhu không muốn ai nổi bật ngang mình hay hơn mình. Phân tách ra thì đây cũng chỉ là “mạc cảm lãnh tụ” của phái yếu.
Còn một điều đáng nói hơn nữa là dư luận quần chúng quanh bức tượng Hai Bà Trưng dựng tại công trường Mê Linh (Bến Bạch Đằng tháng 3-1962). Bức tượng Hai Bà Trưng sáng ngày 2-11-1963 đã bị làn sóng biểu tình của SVHS hè nhau kéo đổ rồi chặt đầu lôi quanh các đường phố chỉ vì bức tượng đó giống bà Nhu và con gái bà tức Ngô Đình Lệ Thủy. Bức tượng ấy quả có giống hai mẹ con bà Nhu thật.
Nhưng nguyên do từ đâu mà lại giống như vậy? Có phải mẹ con bà Nhu làm mẫu cho điêu khắc gia Nguyễn Văn Thế tạc tượng ấy không (ông Thế đạt được giải Á Nguyên La Mã về điêu khắc).
Bức tượng Hai Bà Trưng thật “kính chả bỏ phiền“. Bao nhiêu lời đàm tiếu chung quanh bức tượng đó. Mà sự đàm tiếu cũng rất phải vì đây là sự bôi lọ anh hùng lịch sử. Khách bàng quan ai đi qua bến Bạch Đằng nhìn thấy pho tượng cũng không khỏi hổ thẹn. Lạ thay càng nhìn kỹ pho tượng càng giống hệt hai mẹ con bà Nhu. Cũng vì vậy mà pho tượng trở thành trung tâm của bao lời phê phán nghiệt ngã. Người thức giả trung dung cũng phải lên tiếng :”pho tượng sừng sững thế kia còn gì là thể thống quốc gia. Lịch sử còn gì giá trị nữa” Rồi người ta suy luận rằng: “Bà Nhu dám can đảm dựng tượng mình như vậy thì chuyện gì bà ta không dám làm?”
Sự thực pho tượng ấy do điêu khắc gia Nguyễn Văn Thế thực hiện. Người được chỉ định làm mẫu để tạc pho tượng này không ai khác hơn là cô Cao Xuân Châu Phố (dạo ấy còn là sinh viên luật khoa). Nhưng tại sao nó lại giống hai mẹ con bà Nhu, đó là cả vấn đề bí ẩn không lẽ trong lúc sáng tác ông Thế lại mắc bệnh ám thị về hình ảnh hai mẹ con bà Nhu! Hay là có một bàn tay bí mật nào muốn sa đọa hơn chế độ tạo nên một đối tượng cho dư luận mỉa mai đồng thời tạo nên tác dụng tuyên truyền trong quần chúng mà đối phương mong muốn, đây cũng chỉ là một giả thuyết. Tuy nhiên theo Đại Úy Bằng, sĩ quan hầu cận, thì chính điêu khắc gia Nguyễn Văn Thế, trước ngày Phật Đản 63 đã từ Huế về Saigon rồi đi thẳng vào Dinh Gia Long báo cáo với TT Diệm “Thưa Cụ Phật Giáo ngoài Huế họ làm chi mà lố hết sức chẳng tôn trọng luật lệ quốc gia. Gần Lễ Phật Đản mà con thấy Huế cả một rừng cờ Phật giáo”. Điêu khắc gia Thế lại nói tiếp: “Chẳng hề có Quốc Kỳ chi cả. Ở Châu Âu cờ Công Giáo đâu có treo như vậy”… Phải chăng do lời báo cáo này mà TT Diệm nổi giận rồi tức khắc gọi ông Đổng Lý Quách Tòng Đức và đọc cho ông Đức viết bức công điện “Cấm treo cờ Phật giáo ngoài đường“. (năm 1964 ông Thế được Tướng Khánh cho phép xuất ngoại qua Âu Châu).
Cách ăn mặc của bà Nhu cũng tạo nên nhiều dư luận bất lợi trong quần chúng. Bà luôn luôn “lancé” các kiểu áo dài phụ nữ. Kiểu áo hở cổ mà hiện nay các bà các cô thường mặc thì chính bà Nhu đã “lancé” từ dạo 1958. Rồi một số bà Liên Đới cũng ”a dua”mặc theo kiểu này. Bà Nhu phỏng theo kiểu áo dài Việt Nam và áo dài của phụ nữ Chiêm Thành. Áo dài của bà lại thường thêu hoa lá và chim phượng hoàng. Một bức ảnh cho ta thấy, bà Nhu mặc chiếc áo dài hở cổ, ngay trước ngực thêu một con chim phượng hoàng… Bà nhu coi đó là việc “cách mạng” chiếc áo dài Việt Nam .
Bà Nhu không muốn một ai phê bình mình. Tất nhiên như vậy thì chỉ chấp nhận sự ca ngợi tán tụng. Bất kỳ ai một ai tỏ ra nổi hơn bà một chút, khác hơn bà một chút cũng đủ bị “thất sủng“. Khi bà vợ bị thất sủng thì ông chồng cũng dễ dàng bị thất sủng. Người đàn bà có tài và thông minh hầu như đều mắc phải cái tật xấu này. Bà Nhu bị nhiều người ghen ghét, bị dư luận dân chúng chỉ trích nặng nề và nghiêm khắc trước hết do sự xuất hiện nặng phần trình diễn của bà cùng tính cao ngạo và cố tạo ra vẻ có uy quyền để được mọi người thán phục tôn trọng.
Nếu so với nhiều bà tai to mặt lớn hiện nay thì sự trưng diện quần áo của bà Nhu cũng hãy còn giản dị lắm. Nhiều bà lớn bây giờ đeo cả hạt xoàn kim cương đáng giá 3, 4 triệu đồng với kẻ hầu người hạ như một nữ lãnh chúa cùng sự ăn chơi bài bạc vô cùng sa đọa. Nhưng chỉ có một giới nào đó biết rõ mà thôi. Song bà Nhu dù có mặc đồ nội hóa, không đeo kim cương hạt xoàn lộng lẫy xa hoa, thế nhưng dân chúng mọi giới đều chúi mũi vào bà. Tại sao? Giản dị vì bà tiêu biểu cho một phần uy quyền của chế độ, uy quyền ấy không được chính thức công nhận nhưng thực tế thì không ai chối cãi được.
Gia đình bà Nhu ở trong Dinh Tổng Thống với hai phòng không được rộng rãi lắm.
Bà nổi tiếng là người “keo kẹt”, chi tiền chợ hàng ngày. Ông Nhu thì vợ cho ăn uống như thế nào thì ăn uống như vậy, không đòi hỏi. Những người hầu cận cho biết, nhiều khi ông Nhu đi săn mang về theo ít thịt nai hoặc thịt mấy con chim thì bà Nhu lại bớt tiền chợ và dùng đồ săn đó bắt ông chồng ăn cả hai ba bữa. Hai căn phòng của ông Nhu trang hoàng không có gì xa hoa lộng lẫy trái lại có vẻ bình thường trung lưu.
Bà Nhu sống trong cảnh kín cổng cao tường cho nên dễ dàng trở thành nơi thâm cung bí sử. Dân chúng bao giờ cũng tò mò muốn tìm hiểu sự thật cho nên khi thấy cảnh bà Nhu đi xe hơi lộng lẫy, ăn mặc diêm dúa, lính tráng theo hầu canh gác cẩn mật, bằng thứ ấy làm dân chúng dễ dàng liên tưởng đến sự xa hoa đài các. Rồi thân hình của bà Nhu nữa, căng đầy nhựa sống và trang sức như một tài tử, dân chúng lại càng liên tưởng từ một ẩn dụ sinh lý. Bởi vậy mới có dư luận hàng ngày cho bà Nhu tắm bằng sữa tươi giữ cho da được tốt.
Sau 1-11-1863, đã biết bao nhiêu dư luận được tạo dựng chung quanh bà Nhu… nhất là một số tình ái lăng nhăng… Không hiểu xuất phát từ đâu, có một số hình ảnh lõa lồ của bà Nhu và mấy bà Liên Đới được tung ra công chúng và nói rằng bà Nhu buộc các bà Liên Đới phải chụp ảnh lõa lồ như vậy để bà giữ làm điều kiện, ấy thế mà dư luận có vẻ tin thực. Chúng tôi xem tấm hình lõa thể của bà chủ nhiệm báo Saigon Mới… trông qua thì có vẻ giống nhưng nhìn kỹ thì một người già như vậy không thể nào có cặp giò tròn trĩnh chắc nịch như vậy. Tấm hình lõa thể của bà Nhu cũng vậy, nhìn qua thật là giống nhưng so sánh, một người Việt Nam như bà dù nở nang nhưng với 4 mặt con và trên 40 tuổi không thể nào có bộ ngực và cặp giò tròn trĩnh chắc nịch như vậy. Tấm thân từ cổ xuống phải là tấm thân của một cô gái Tây phương khoảng 22-23 tuổi.
Sự thực ai cũng biết rằng, những hình ảnh trên đã dược các tay thợ ảnh lành nghề nối ráp lại. Nhiều bà tai to mặt lớn đã bị bọn “bất lương“ tống tiền bằng cách đe dọa đem đăng báo hình ảnh lõa thể (ngày nay hồi tưởng lại mới thấy ngán trò đời thâm độc thật. Cao Miên sau cuộc đảo chánh LonNol hình ảnh Hoàng Hậu Monique cũng được ráp nối lại và trở thành Monique dâm loạn truyền tay nhau để thưởng thức). Thành ra trò đời đâu cũng giống đâu về những âm mưu thâm độc.
Sau cuộc đảo chánh 63, bà Nhu được mô tả như một “ác phụ dâm loàn” Tại sao như thế? Giản dị trong quá khứ bà đã gây nên nhiều nỗi bất bình nhất là ở giới thượng lưu.
NGÔ ĐÌNH NHU: MỘT HỌC GIẢ UYÊN THÂM
Ông Nhu đậu cử nhân văn chương đại học Sorbonne Ba Lê và tốt nghiệp trường Chartes.
Danh từ riêng “Chartiste” chỉ những người tốt nghiệp trường Chartes của Pháp cũng đồng nghĩa với sự uyên bác, thông thái. Trường Chartes không tới 100 sinh viên nhưng thư viện lại chứa đựng 100.000 tài liệu và sách thuộc mọi ngành. Giáo sư hầu hết là Học Giả và các ông Hàn Lâm. Mỗi lớp chỉ giới hạn khoảng 20 sinh viên. Tuy ấn định tú tài II được thi vào, nhưng sinh viên đều phải học qua hai năm luyện thi vào trường Chartes (tại trường danh tiếng Henri IV). Cố Giáo Sư Nguyễn Thiệu Lâu, bạn học của ông Nhu cũng theo học tại Chartes nhưng bị loại vì sự thi cử rất khắt khe, trong 4 năm học Sinh viên chỉ có quyền thi trượt một lần và mỗi năm chỉ có một kỳ thi lên lớp. Mỗi khóa năm thứ nhất vào khoảng 20 sinh viên thì tốt nghiệp chỉ lọt chừng một nửa. Chương trình học thật là mênh mông. Tiếng La Tinh là ngôn ngữ thông dụng.
Sinh viên phải am tường về cổ tự phải học về công văn thư, học Pháp chế sử… Ông Ngô Đình Nhu đã được đào tạo trong môi trường khoa bảng uyên thâm dó.
Khi về nước, ông trở thành Quản Thủ Thư Viện. Tại Tổng Thư Viện Hà Nội ông được mô tả như “con mọt sách“. Quả thực một nửa đời người như ông đã chìm đắm trong thế giới suy tư và chữ nghĩa kim cổ.
Hai tác giả mà ông Nhu say mê và nghiên cứu rất kỹ đó là Thánh Ghandi và Mao Trạch Đông (tức là từ triết lý bất bạo động đén triết lý cách mạng bạo động).
Cho đến nay nhiều người vẫn phê bình ông Nhu là thâm hiểm và quá hẹp hòi. Sự thực thì ông quá kiêu ngạo và tự tôn. Hơn nữa ông lại vụng về lúng túng trong sự giao tế. Ông nói rất kém (tiếng Việt cũng như tiếng Pháp) và lại là người ít nói. Nhưng ông lại là người có khả năng tiên liệu, đa mưu túc kế. Với cuộc sống khép kín nên ngay với cộng sự viên cận thân của ông trong 7, 8 năm cũng khó hiểu ông.
Cuộc đời ông Nhu được coi “phong trần” kể từ năm 1945. Khi chiến tranh Việt Pháp bùng nổ tại Hà Nội thì ông Nhu cùng Hoàng Bá Vinh chạy thoát ra vùng ngoại ô Hà nội. Rồi ngày đêm qua sự hướng dẫn của Hoàng Bá Vinh ông Nhu trốn thoát về Phát Diệm và lưu ngụ tại Nhà Chung. Ở đây ít ngày, ông Nhu được hướng dẫn vào Thanh Hóa (vùng Thanh Hóa Phát Diệm đang bộc phát phong trào chống Cộng. Các cán bộ Công Giáo cũng như VNQDĐ vẫn hoạt động mạnh mẽ. Ở đây cũng xin tưởng niệm hương hồn Cố văn sĩ Mai Nguyệt Đái Đức Tuấn ủy viên quân sự tỉnh đảng bộ VNQDĐ Thanh Hóa là một trong số những cán bộ quốc gia hoạt động mạnh mẽ tại vùng Thanh Hóa).
Người hướng dẫn ông Nhu từ Phát Diệm vào địa phận Thanh Hóa là Bác Sĩ Trần Kim Tuyến. Dạo ấy ông Tuyến vừa đậu Tú Tài II – ba lô trên vai với chiếc xe đạp “cuốc” ômg Tuyến làm hướng dẫn viên. Ông Nhu thì ngồi trên chiếc xe kéo bánh gỗ che kín. Ở lại Nhà Chung Thanh Hóa trong 3 tuần lễ rồi ông Nhu lên thẳng Bái Thượng, ông Nhu được Linh Mục Trọng hướng dẫn lên châu Thường Xuân Hòa Bình.
Ở đây ít ngày, ông lại được một vị Linh Mục thuộc họ đạo Mường đưa ông qua Sầm Nưa (Lào) theo ngả đường rừng.
Trong thời gian này, ông chịu ơn các Linh Mục địa phận Thanh Hóa. Sau này, ông còn nhớ mãi ân nghĩa đó. Linh Mục Trọng đã phải cho ông Nhu mượn áo “Sourane” Linh Mục để hóa trang trên bước đường trốn tránh.
Hoàng Bá Vinh ở lại Phát Diệm cùng với Lê Quang Luật tổ chức phong trào Xã Hội Công Giáo để hậu thuẫn cho ông Nhu sau này. Ông Lê Quang Luật là một trong mấy cán bộ trụ cột và đã giúp anh em TT Diệm một cách đắc lực ngay từ giai đoạn 1946-1954.
Khi trở về Saigon ông Nhu “thất nghiệp chính trị” và “trùm chăn” để chờ thời. Từ đó, sinh kế trong gia đình đều do một tay bà vợ lo liệu. Trong thời gian này, ông công tác chặt chẽ với Linh Mục Parell trong việc nghiên cứu chính trị xã hội.
Vốn là con người lạnh lùng nên đời sống tôn giáo của ông cũng lạnh lùng. TT Diệm mộ đạo bao nhiêu thì ông Nhu thờ ơ bấy nhiêu. Đức tin của ông thật mạnh mẽ nhưng ông không biểu lộ đức tin đó bằng những hình thức nghi lễ. TT Diệm thì xưng tội rước lễ thường xuyên, ông Nhu trái lại không mấy khi rước lễ, xưng tội. Đại Úy Bằng một người sống lâu năm trong gia đình họ Ngô cho biết, có khi cả năm sống trong Dinh cũng không thấy ông Nhu xưng tội rước lễ.
Mỗi lần xem lễ trong Dinh, hai hình ảnh thật trái ngược: TT Diệm thì đăm đăm đọc kinh, coi sách lễ, ông Nhu tuy cũng quỳ gối nhưng hình như chỉ quỳ thế thôi. Lần nào ông anh cũng mở từng tranh sách lễ rồi trao sách lễ cho ông em, chỉ rõ từng trang. Ông Nhu cầm lấy nhưng chỉ cầm chiếu lệ mà không đọc.
Một cộng sự viên thận cận khi đề cập đến Thiên Chúa Giáo đã nói với ông Nhu: “Thành Bernard cho rằng trong nhà thờ người ta thờ Chúa bằng chén vàng chén bạc, ngoài cửa nhà thì con chiên chết đói” ông Nhu gật đầu đắc ý: “Đúng, đúng như rứa!..” Mỗi lần nghe thấy tin nhà thờ họ đạo này xây nhà thờ nguy nga, họ đạo kia dựng tượng Đức Mẹ rất lớn, ông Nhu lại nhăn mặt khó chịu vô cùng, nói với chung quanh rằng: “tại sao không xây nhà thương trường học mà cứ phải xây nhà thờ”.
Ông Nhu rất ít tiếp xúc với các vị Linh mục trừ một số Linh Mục thân thiết với gia đình. Mỗi khi phải tiếp một vị Linh Mục nào ông coi như là chuyện bất đắc dĩ và tiếp cho mau chóng.
Ông thường tâm sự: “Nhiều cha hay lợi dụng lắm chỉ lo làm afffaire này kia”.
Dư luận cho rằng, ông chống lại hàng giáo phẩm nhưng Lương Khải Minh nhận định: “Ông theo đạo một cách khác. Ông không coi thường các hàng giáo phẩm nhưng không cho là quan trọng đến mức độ phải tôn thờ, quỵ lụy”.
Con người ông Nhu thật khó hiểu vì ông không bao giờ tâm sự với ai, dè dặt mọi cuộc tiếp xúc, không muốn đi ra ngoài và dè dặt từng lời nói. Người ta vẫn có thành kiến ông Nhu thâm độc và chủ trương độc tài. Trái lại ông có vẻ phóng khoáng và có tầm nhìn cởi mở của một chánh khách Tây phương. Người độc đoán phải là TT Diệm ông Nhu thì lại khác. Nhiều sự kiện đã chứng tỏ điều này.
Thí dụ về kết quả về cuộc bầu cử Quốc hội khóa II (31-8-1959) trong đó BS Phan Quang Đán dẫn đầu tại Quận II với 33.166 phiếu và tiếp theo là cụ Phan Khắc Sửu , ông Nguyễn Trân (nguyên Tỉnh Trưởng Mỹ Tho) TT Diệm quyết định phải loại bỏ ba Dân Biểu này bằng mọi cách nhất là ông Phan Quang Đán và ông Nguyễn Trân.
Cả tháng trời TT Diệm cho gọi các luật gia như ông Trần Chánh Thành và GS Vũ Văn Mẫu, để nghiên cứu làm thế nào dùng biện pháp của luật để loại các Dân Biểu.
Ông Nhu nói vói BS Trần Kim Tuyến: “Làm chi mà quá như vậy. Thì người ta đắc cử để người ta vô Quốc hội người vô làm được cái gì… Có ba người như vậy đâu có nhiều mà phải làm vậy…” Ông Nhu tỏ ra rất khó chịu và hoàn toàn bất đồng với TT Diệm về việc này. Cuối cùng, để chiều ý ông anh, ông Nhu đành chịu. Tuy vậy, riêng cụ Phan Quang Sửu vì biết rõ uy tín cũng như đức độ của cụ trong dân chúng nên ông Nhu đã ủy cho ông Bộ Trưởng Huỳnh Hữu Nghĩa liên lạc với cụ Sửu và dàn xếp mời cụ Sửu vào Dinh Độc Lập gặp riêng ông Nhu. Cuộc gặp gỡ giữa cụ Sửu và ông Nhu lâu hơn cả một giờ. Theo BS Tuyến thì cụ Sửu cũng như ông Nhu tỏ ra thông cảm và cởi mở (cụ Sửu bị bắt trong cuộc đảo chính hụt 11-11-60 song cụ Bà vẫn được tiếp tục lãnh lương Dân Biểu).
Thu xếp xong vấn đề cụ Phan Khắc Sửu nhưng còn hai trường hợp ông Phan Quang Đán và Nguyễn Trân, ông Nhu để ông anh mặc quyết định.
Hơn nữa, đối với ông Nhu thì cụ Phan Khắc Sửu mới là điều quan trọng vì không ai phủ nhận được đời sống đạo đức và thành tích tranh đấu của cụ trong dĩ vãng.
Sau đó thì Ủy Ban Hợp Thức Hóa quyết định không thừa nhận 2 Dân Biểu nói trên. Đây cũng là một vết đen lớn của Quốc hội Đệ Nhất Cộng Hòa và dù cách nào hay dựa trên căn bản pháp lý cũng không thể biện minh cho sự sai phạm thể chế dân chủ một cách quá rõ ràng như thế.
Việc loại trừ BS Phan Quang Đán ra khỏi Quốc Hội xét về tâm lý cũng dễ hiểu. BS Đán trúng cử tại một đơn vị chính TT Diệm đi bỏ phiếu và ở ngay khu trung tâm Saigon. Vả lại TT Diệm đã biết rõ con người ông Đán, từ khi gặp ông Diệm bên Mỹ. Ông Nhu thì cho rằng ông Phan Quang Đán không quan trọng “cứ để hắn vô” nhưng TT Diệm không chấp nhận. Đây cũng là điều quá hẹp hòi và sai lầm. Nếu cứ để cho ông Đán vô QH thì sớm muộn gì ông Đán cũng bị “cháy” do chính ông “đốt” ông. Nhưng khi loại ông Đán thì chính là cơ hội cho ông Đán thêm nhiều uy tín tiếng tăm trong dân chúng mà thực ra uy tín đó hết sức bấp bênh.
Dạo đó dư luận đồn đã rằng, chính quyền Ngô Đình Diệm cố loại Phan Quang Đán vì ông Dán có thể tranh cử Tổng Thống và ông Đán sẽ là “con bài nặng ký” của Mỹ. Dư luận cũng cho ông Ngô Đình Diệm ghen tức với uy tín của ông Phan Quang Đán. Sự thực thì năm 1955 chính quyền Ngô Đình Diệm đã chấp thuận cho ông Đán hồi hương mà không do áp lực của Mỹ. Một vài lần TT Diệm có ý dành cho ông Đán một ghế Bộ Trưởng không mấy quan trọng nhưng ông Đán lại quá nhiều tham vọng và muốn trở thành một lãnh tụ đối lập trong khi ông không có lực lượng nhân dân, không có một số cán bộ cần thiết. Điều đó ông Nhu biết rất rõ nên để mặc ông Đán ăn nói rộng rãi trước các Sinh viên Y Khoa năm V và SV trường Cán Sự Y Tế. Khi về nước, BS Đán được mời vào dạy môn y tế công cộng và y tế dự phòng tại 2 trường Y Khoa và Cán Sự Y Tế.
Ông Nhu chấp nhận những cá nhân đối lập cùng những ý kiến đối lập. Cũng vì vậy, TT Diệm quyết định loại trừ Phan Quang Đán và Nguyễn Trân thì ông Nhu lại không đồng ý và cho rằng cứ để họ vô QH. Với một Phan Quang Đán, ông Nhu đã nhiều lần “miệt thị” và sẵn một thành kiến là Phan Quang Đán hèn, hết chạy theo Pháp và Bảo Đại bây giờ lại trở cờ.
Khi qua Mỹ Phan Quang Đán móc nối được mấy tay Thượng Nghị Sĩ và một vài viên chức CIA thì Phan Quang Đán lại trờ cờ theo Mỹ. Ông cũng biết rõ, Phan Quang Đán không có một thực lực nào, đảng dân chủ của ông chỉ là đảng ma và thứ đảng phái “cò mồi” cho Mỹ. BS Phan Quang Đán vẫn tự hào về thành tích lập đoàn khất thực trong trận đói tại miền Bắc 1945 và Phong trào Ngũ Xã tại Hà Nội (chống Việt Minh). Thành tích của ông chỉ có bấy nhiêu thôi. Còn sau này, từ Mỹ qua Phi Luật Tân rồi trở về nước định làm một “cú” đối lập nhưng ông không làm nên chuyện gì cả. Ngay những người quốc gia đối lập thuộc thành phần đảng phái từ Nguyễn Bảo Toàn, Trần Văn Tuyên, Trần Văn Văn, Hồ Văn Nhật cũng không ưa gì Phan Quang Đán vì đã biết “tẩy” của ông Đán, một số người vốn khoa trương thanh thế nhưng chỉ có mỗi thực lực là dựa vào thế của Mỹ qua mấy tay Thượng Nghị Sĩ Dân Chủ (trong khi đảng Cộng Hòa của Eisenhower đang cầm quyền).
Về việc dựa vào thế lực Mỹ như thế nào thì Đại Tá Lansdale đã bắn tiếng cho ông Nhu biết rõ. Nhiều người thân thiện giới chức Mỹ của phòng Chính Trị Tòa Đại Sứ Mỹ thì lại được biết rằng ông Phan Quang Đán vẫn đi cửa sau với ông Đại Sứ Durrbow.
Sau ông nổi tiếng và được dân chúng dành cho nhiều cảm tình là nhờ tờ báo Thời Luận của ông Nghiêm Xuân Thiện. Cộng tác với ông Thiện được ít lâu và nhờ tờ Thời Luận mà có tiếng tăm thì ông lại trở cờ phản phé ông Thiện và trong khi viết báo đối lập ông vẫn bí mật liên lạc với chính quyền và tìm cách gặp riêng ông Nhu.
Hiểu rõ bản chất thực của những cá nhân đối lập như vậy nên ông Nhu cho rằng không có gì quan trọng mà phải cấm đoán họ. TT Diệm thì lại nghĩ khác. Nhận xét về BS Phan Quan Đán ông Diệm nói: “Hắn dị hợm lắm không dùng được”.
Tuy vậy việc gạt Phan Quang Đán và Nguyễn Trân ra khỏi QH đã gây nhiều bất mãn trong dân chúng nhất là đám dân chúng cử tri Quận II và Đô Thành. Việc này ông Nhu không sao can thiệp được với ông TT Diệm.
Hầu hết những chính khách đối lập tại miền Nam nếu không quen ông Nhu thì cũng từng là chỗ quen biết ông Diệm, những chính khách độc lập ông Nhu không quan tâm vì ông chủ trương chấp nhận đối lập cá nhân và các lập trường dị biệt, nhưng có một điều quan trọng này: ông Nhu không chấp nhận đảng phái đối lập. Phải chăng những ngày dài đọc Lenine và nghiên cứu chiến lược cách mạng bạo động của Mao Trạch Đông (ông Nhu rất ưa thích Mao Trạch Đông) ông Nhu đã dứt khoát mà nói với cộng sự viên thân cận nhất: “Các đảng phái ở Á Châu và các nước chậm tiến không giống như Tây Phương. Đối lập với chính quyền đối với họ là hoàn toàn chống lại chính quyền và tìm mọi cách cướp chính quyền lật đổ chế độ”. Nhận xét kể cũng đúng nếu tìm hiểu các Đảng phái ở Indonesia cũng như bán đảo Ả Rập và lại càng đúng hơn nữa ở Việt Nam. Ngay năm 1954 ông Diệm vừa về nước chấp chánh thì đảng Đại Việt của ông Hà Thúc Ký đã kéo quân ra Ba Lòng lập chiến khu rồi năm 1955 VNQDĐ tại Nam Ngãi kéo quân ra bưng lập chiến khu.
Đó là quan niệm của ông Nhu còn nó có hợp tình hợp lý không thì lại là chuyện khác.
Ngay trong Dinh Độc Lập đã có sự đối lập rồi. Một bên TT Diệm với các ông Võ Văn Hải v.v… Một bên là ông Nhu với mấy cộng sự viên cận thân. Ông Võ Văn Hải theo TT Diệm từ thời thiếu niên, một Phật tử thuần thành nhưng đối với ông Nhu như “mặt trăng mặt trời“. Sau cuộc đảo chánh hụt 11-11-1960 ông Hải bị nghi oan có liên hệ với phe đảo chánh, ông tức giận làm một bản phúc trình dài gửi thẳng lên TT Diệm và kết luận đại cương: “Tôi theo Tổng Thống, trung thành với Tổng Thống tôi chỉ biết một lòng với Tổng Thống mà thôi”
Bản phúc trình ấy có ý nói gián tiếp không cần biết ông Nhu, ông Nhu được xem bản phúc trình đó không biết lòng dạ ông như thế nào nhưng ông không tỏ một thái độ gì cả. Rồi mỗi người mỗi việc, mỗi phận sự.
Nói năng kém hoạt bát, giao tế lại ngượng ngùng. Đó là cái yếu nhất của một nhà chính trị. Ông Nhu mấy lần cũng cố gắng mở các cuộc tiếp xúc với một số chính khách nhưng cũng vì sự giao tế ngượng ngùng nên kết quả không đi đến đâu, không tìm được sự hợp tác.
Sau cuộc đảo chánh hụt 11-11-1960 ông Nhu được khuyến cáo cần phải mở rộng chính quyền phải kết hợp các thành phần vẫn được gọi là đối lập. Một cộng sự viên của ông Nhu ủy cho vai trò móc nối và dàn xếp. Nếu mời các chính khách vào Dinh Độc Lập thì rất bất tiện. Vả lại các vị này vốn có mặc cảm sợ mang tiếng “luồn lót”. Do đó, phải tổ chức cuộc gặp gỡ ở bên ngoài.
Lần thứ nhất, cuộc gặp gỡ tổ chức tại nhà riêng của GS Vũ Quốc Thúc. Nhưng khi ông Nhu đến thì ông lại trở thành người cô đơn lạc lõng. Mấy vị chính khách thì ngồi tận xa và mình ông trơ trọi trên chiếc ghế bành kết quả không đi đến đâu không cởi mở với nhau được những gì cần phải thẳng thắn cởi mở.
Lần thứ hai tại nhà riêng bác sĩ Phan Huy Quát. Lần này khá đông. Nhưng khi ông Nhu đến thì mọi người né tránh, ông vẫn là người trơ trọi. Vốn ít nói lại nói “trọ trẹ” khó nghe nên ông lại càng thêm trơ trọi. Trong khi đó không ai gợi chuyện hiểu tính nhau và tìm đường thông cảm nhau.
Người ta cho rằng, ông Nhu thâm hiểm, sự thực, như trên đã viết, tâm hồn ông quá khép kín, vui buồn không bộc lộ ra ngoài, không mấy khi tâm sự với một ai kể cả những người thân. Ông lầm lì, trù tính những gì không ai hay biết.
Nhưng ông lại là người biết nghe cộng sự viên trình bày điều hợp lý, phải lẽ. Ông nghe kể cả những nguyện vọng của quần chúng. Nhưng có mấy ai trình bày nguyện vọng thực của quần chúng để ông có thể nhìn rõ thực trạng.
Đối với một việc dù quan hệ đến đâu nếu do tay ông giải quyết thì ông giải quyết ngay, không do dự.
Thí dụ năm 1957 nhân một chuyến di dạo quanh đô thành, TT Diệm đi qua bến Bạch Đằng… ông đùng đùng nổi giận vì cảnh bến sống thật là “bê bối“… Hàng quán san sát chiêu đãi viên cùng thực khách đùa giỡn lả lướt, TT Diệm sau đó chỉ thị cho giới chức đô thành phải giải tỏa ngay, ông Tổng Thống cho rằng thủ đô là tiêu biểu cho thể thống quốc gia để cho hàng quán tùm lum ở bến sông, ở hè phố như vậy còn gì là thể thống. Đô Trưởng Saigon khẩn cấp ra lệnh giải tỏa. Hàng ba trăm bạn hàng dọc theo bờ sông Bạch Đằng và một số khác ở các vỉa hè lớn bị giải tỏa. Trước khi giải tỏa họ chỉ được thông báo và thông báo một cách cấp kỳ như vậy trong một thời gian quá ngắn làm sao thu xếp được công ăn việc làm.
Các bạn hàng cấp tốc qui tụ lại thành một nghiệp đoàn để tranh đấu (đặt dưới sự bảo trợ của Tổng Liên Đoàn) do ông Nguyễn Văn Vượng là chủ tịch và dự định biểu tình làm lớn chuyện.. Ông Nhu biết được như vậy thì tìm cách gải quyết ngay. Ông cho gọi Nguyễn Văn Vượng vào Dinh.
Không phân biệt địa vị sang hèn, ông Nhu đã tiếp đại diện các bạn hàng lâu cả hai giờ đồng hồ. Đến nay, ông Vượng vẫn không thể quên được hình ảnh ông Nhu trong buổi yết kiến này, ông Vượng được hướng dẫn đến văn phòng Cố Vấn Chính Trị. Một lát sau ông Nhu đi ra, hất hàm hỏi: “Ai đây” nhân viên cho biết: “Ông Cố Vấn cho gọi người này vào hầu chuyện” Ông nhu gật đầu: “À, à… vô đây” Ông Nhu vừa ngồi xuống ghế vừa chỉ mặt ông Vượng “Tranh đấu hỉ? Anh quá khích ! Quá khích. Rồi ông lại ôn tồn nói: “Bây chừ thế nào, ra sao nói coi”. Rồi trong suốt hai giờ liền, ông Nhu yên lặng ngồi nghe người đại diện trình bày hoàn cảnh và nguyện vọng (cũng nên ghi chú: ông Vượng là người đầu tiên “sáng chế” ra món “bia cốc” bán tại bờ hồ Hoàn Kiếm. Sau ông tổ chức cả một xe bán lưu động trong khắp thành phố. Món “bia cốc” rất thịnh hành tại Hà Nội trước năm 1954).
Một người tự tôn như ông Nhu mà nghe đại diện hàng quán nói thao thao cả 2 giờ như vậy thì ông Nhu cũng không phải là người không biết lắng nghe tìm hiểu.
Sau đó chỉ một tuần lễ, các bạn hàng được chính quyền lo giải quyết và khu Dân Sinh trở thành khu giải trí lành mạnh.
Nếu TT Diệm quá khắt khe trong quan niệm luân lý và thuần phong mỹ tục thì ông Nhu lại tỏ ra rộng rãi mặc dù ông không phải là người bài bạc ăn chơi. Đây là một thí dụ:
Khoảng năm 1959 TT Diệm đi xe từ Quang Trung về, khi đến ngã ba Chú Ía (gần nhà thương Cộng Hòa) thì có cả hàng mấy chục cô giang hồ phấn son lòe loẹt đứng bên đường vẫy tay cười nói, Ông Tổng Thống mặt mày đỏ bừng bừng: “Mấy con mụ đó nó làm chi mà dị hợm rứa? (chữ dị hợm này TT Diệm đã dùng để nhận định về con người BS Phan Quang Đán). Viên sĩ quan Tùy viên cứ tình ngay nói thẳng: “Bẩm Cụ mấy đứa đó là bọn gái giang hồ, vùng này nhiều lắm”. Ông Tổng Thống lại hầm hầm mặt đỏ gay: “Thằng Tỉnh Trưởng nó làm chi đó hỉ?”
Khi trở về Dinh, TT Diệm cho gọi Đại Úy Bằng đến hỏi kỹ về chuyện này. Sau đó, ông bảo Tổng Giám Đốc CSCA, Giám Đốc CSĐT, Tỉnh Trưởng Gia Định và Trung Tá Cao Văn Viên phải tuân hành lấy xe đi một vòng kiềm soát xem thực hư thế nào. Các viên chức này trở về Dinh đều xác nhận là có nhiều gái giang hồ tại mấy vùng ngoại ô như Lăng Cha Cả, vùng nhà thương Cộng Hòa. Ông Giám đốc CS Đô Thành (Trần Văn Tư) phải một phen xanh mặt. Mấy hôm sau TT Diệm ra lệnh bãi chức một loạt Cảnh Sát Trưởng thuộc đô thành và Trưởng Ty Cảnh Sát Gia Định. Vụ này làm “rung động” giới chức cảnh sát cao cấp. Ông Nhu cứ nhăn mặt lắc đầu: “làm chi mà quá đáng như rứa”. Ông cũng thường nói với cộng sự viên: “Cấm là cấm vậy thôi chứ nạn mãi dâm làm sao hết được tập trung bọn nó sang cả vùng Cầu Hàn cho dễ kiểm soát bệnh tật.”
Ông Nhu quan niệm rộng rãi như vậy cũng dễ hiểu vì ông không lạ gì nạn mãi dâm tại thành phố Ba Lê nơi ông đã lưu trú nhiều năm. Theo Lương Khải Minh ông Nhu khác hẳn TT Diệm, ông không quan tâm đến những chuyện vụn vặt như ông A phóng đãng ông B ăn chơi trác táng. Điều quan trọng đối với ông là “chơi thì cứ chơi nhưng kín đáo đứng gây nên tai tiếng”. Ông thường nói: “Bọn cán bộ CS cao cấp nó cũng ăn chơi hủ hóa ghê lắm nhưng nó kín đáo…chơi thì chơi nhưng chịu làm việc suy nghĩ” - Cái chết của tướng Hồ Văn Tố bị bệnh thượng mã phong làm cho TT Diệm mặt chảy dài, thở phì phì vì tức giận…Ông Nhu chỉ lắc đầu: “làm thì không lo làm… lúc nào cũng chỉ có “con chim” trên đầu” Nhưng ông có cái rộng rãi này thì vấp phải những định kiến hẹp hòi khác nhiều khi rất quá đáng nếu ở tư thế một nhà chính trị. Trường hợp đối xử với một số đồng bạn cũ cũng gây tai tiếng không ít và do đó người ta cho rằng ông Nhu theo chính sách “vắt chanh bỏ vỏ”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét