Chương 2. MÚA GÂY VƯỜN HOANG
CA
DAO VÀ THƠ
A. Những ngẫm nghĩ về ca dao
Mẹ ru
cái lẽ ở đời
Sữa nuôi
phần xác, hát nuôi phần hồn
Bà ru
mẹ… Mẹ ru con
Liệu mai
sau các con còn nhớ chăng?
Nguyễn
Duy
Tiếng nói tuyệt diệu để
thể hiện tư tưởng tự do Âu Lạc là... Ca Dao
hay chính xác là Thơ.
Ký ức
không cho tôi nhớ lại những lời mẹ tôi ru trong những ngày đầu đời, nhưng tôi
có thể cảm nhận được sự ngọt ngào trong những lời ru ấy. Khi đã lớn khôn rồi
gặp khó khăn trong cuộc sống tôi lại về với mẹ hoặc khi cảm sốt mà có mẹ gần
bên, tôi có cảm giác như nghe lại được lời ru ấy. Trong cuộc sống, khi đi đó đi
đây tôi nghe ai đó ru cháu, ru con, ru em, tôi cũng có cảm giác như mẹ ru mình.
Tôi không nhớ hết được, thậm chí gần như không nhớ gì nội dung những lời ru ấy.
Nhưng giọng ru của mẹ tôi thì không bao giờ tôi quên được. Tất nhiên là lời mẹ
tôi ru những đứa em tôi. Bây giờ thì mẹ tôi đã mất rồi, nhưng giọng ru ấy thì
vẫn còn đây, khi tôi nhớ mẹ và cả khi viết những giòng này.
Lớn
lên một chút, tôi sống với ông nội. Những đêm trời trong gió mát hay những buổi
trưa hanh nắng tôi lại nghe ông nội nói thơ, thỉnh thoảng ông lại hát hay hò
thơ… Bạch Viên Tôn Các, Lục Vân Tiên, Thoại Khanh Châu Tuấn…v…v
Tôi
đến trường năm tôi năm tuổi, không phải đến bằng con đường đàng hoàng như người
ta. Tôi đến trường vì sự nghịch ngợm làm ông nội chịu hết xiết, nên ông đem tôi
gởi cho ông thầy giáo quen, lúc thầy đang dạy một lớp học trong làng mà học trò
đâu chừng hơn một chục và kẻ lớn, người nhỏ chẳng đều nhau. Và khi tôi yên vị ở
dãy bàn cuối lớp mà chẳng có cuốn tập cây viết nào. Tôi được nghe thầy giảng
hai câu:
Bầu
ơi thương lấy bí cùng,
Dẫu
rằng khác giống nhưng chung một giàn…
Thầy
giảng, tôi dỏng tai nghe. Kết quả là tôi không hiểu gì ráo. Nhưng hai câu đó
tôi nhớ như in.
Rồi khi
lớn lên một chút, thay vì loăng quăng với những trò chơi con nít thì tôi lại
bắt đầu bằng một thứ trò chơi không giống ai, đi theo một ông cụ hàng xóm chăm
chút những dây bầu dây bí, những khóm bông mười giờ, bông móng tay… và… những
bài học thuộc lòng với những câu thơ ngăn ngắn. Màu xanh cây lá, màu lục của
các chồi non, những giòng thơ êm êm mở ra những khung trời mộng mơ bé xíu.
Thế
rồi… con đường học hành của tôi là con đường… lu bu cùng với thơ. Tôi tập làm
thơ. Tập gần hết cuộc đời mình, từ một tên lu bu, tôi trở thành kẻ lơ mơ và bây
giờ ngồi viết những giòng cũng rất lơ mơ. Thực tình tôi viết những giòng này
cũng không biết để làm chi. Thôi cứ gọi là một lời tâm sự gởi đến người thân và
bạn bè. Con đường tôi đi nó chông chênh thế ấy, mơ màng thế ấy và vì thế luôn
luôn đối diện với khó khăn, thiếu thốn. Tôi không thể nào làm gì được khi mà
không có thơ người, không có thơ tôi. Tôi dốt toán, cộng trừ nhân chia lam nham
thì được, tính lời, tính lỗ thì thua. Thôi thì nghe lời Cụ Tiên Điền vậy:
Ngẫm hay
muôn sự tại trời,
Trời
kia đã bắt làm người có thân.
Bắt
phong trần phải phong trần,
Cho
thanh cao mới được phần thanh cao. (Kiều)
Hai
số phận ấy; phong trần và thanh cao, tôi chẳng biết cái nào hay cái nào dở. Bởi
vì phong trần thì tôi biết quá rành, nghĩa là cứ lu bu lang bang suốt thì không
gió bụi là gì. Còn thanh cao thì chưa bao giờ nghe ai nói tôi là thanh cao, mà
có nói thì tôi cũng chẳng biết thanh cao là cái quái gì. Thành ra vô phương so
sánh. Hổng biết nên trách hay cám ơn ông trời đây ta.
Có
nhiều lúc, tôi ngồi nhớ lại mọi chuyện đã xảy ra trong đời mình, từ những xúc
cảm đến những hình ảnh đã từng lướt qua trước mắt, cả những việc làm đầy những
trúng trật, đúng sai của mình. Có những thứ trở thành kỷ niệm, có những chuyện
muốn quên đi và cả những điều tưởng chừng chìm đâu mất, bổng dưng hiển hiện trở
về, lúc đó, những khái niệm đúng sai, trúng trật đều không còn nữa. Tất cả làm
cho tâm hồn lắng xuống rồi gợi thành những ước vọng của ngày mai, ngày mốt hay
xa hơn. Thậm chí, còn mường tượng ra cái ngày mình ngủm nó ra làm sao nữa.
Không hiểu người khác có như thế không? Nhưng tôi thì là vậy. Cứ tưởng là khi
tâm hồn lắng xuống là như giòng sông phẳng lặng. Nhưng không phải thế, vẫn còn
đó những ngọn sóng, chẳng qua là nó êm đềm hơn hay là chìm xuống và chờ một cơn
gió. Đúng là cái đầu lu bu.
Từ
những lần như thế, càng lúc nó càng dẫn dắt những hiểu biết còm cõi của tôi
lang thang vào một nơi mà tôi thích nhất. Những vần điệu êm đềm. Thơ.
Ai
đó, thích một cái gì, dù tốt hay xấu cũng đem hết đời mình mà lăn vào. Thậm chí
còn lăn qua lộn lại trăm bề. Và cái không khí họ thở luôn luôn đậm cái mùi mà
họ thích; Không khí của nhà kinh doanh, nhà tài chính luôn luôn đậm đặc hơi
tiền. Của nhà hóa học thì đầy mùi hóa chất. Của tay nghiện rượu thì nồng nặc hơi
men. Của nhà khảo cổ thì chỉ là mùi ẩm mốc, rêu phong. Của nhà đạo đức hay
những anh công an, cảnh sát thì ngửi ở đâu cũng có mùi tội lỗi… Tôi cũng không
ngoại lệ. Nhưng không khí của tôi thì rất mơ hồ, chừng như có, chừng như không,
như mơ mơ, như thật thật. Cái không khí ấy gần như trùm phủ lấy mọi người, dù
người đó không thích thơ, chẳng biết trên đời này có thơ. Tôi không nói quá
đâu? Một Chí Phèo, một Thị Nở và cả một ai đó mà bị cuộc sống xô vào nơi dung
tục, nói năng bạt mạng, không một chữ lộn lưng. Nhưng khi mà họ thấy lòng mình
rung cảm trước một điều gì đó. Xin thưa, đó là tô cháo hành, là rung cảm, là
thơ. Nói một cách rõ ràng hơn, sự rung cảm của con người trước sự việc, sự vật
và trước một người nào đó, có thể là cả những con vật, cội cây nào đó, đều rất
đáng để nên… thơ. Có điều là họ không viết ra thôi, có thể vì họ không viết
được hay không thích hoặc đang bận buông mình vào thứ khác, nhưng trong lòng họ
đang thì thầm, miệng họ có khi còn lẩm bẩm. Chính cái đó làm cho con người
sống, vì những thứ đó là thơ. Nói tóm lại “…thơ là vần điệu của ngôn ngữ, nhưng
trước nhất phải là vần điệu của tấm lòng…” Có thể muôn loài cũng vậy. Chẳng qua
là chúng ta không hiểu được đấy thôi.
Đường
xanh chi bấy cỏ ven bờ.
Cho
bước chân về chớm ngẩn ngơ.
Chó vện
gọi bồ ủng ẳng,
Gà
con lạc má lơ ngơ.
Dưới sông con cá long rong ruổi,
Trong
nắng chuồn chuồn lất phất phơ.
Ai đó
kèm nhèm hai mắt ngó,
Nghe
buồng phổi nhẹ một hơi thơ.
Tôi
đã từng viết như vậy, xin đừng hiểu lầm là tôi biết rõ tâm tình của vạn vật. Chẳng
qua là vạn vật tặng tôi thơ. Chỉ có vậy.
Nhưng
biết đâu những tiếng thì thào của cành lá, rì rào của sóng nước, tiếng tí tách
của mưa rơi, những long lanh của nắng ban mai, trầm tư của ráng chiều… cả tiếng
lào xào của sỏi đá. Những âm thanh, dáng vẻ của tạo vật đang chuyển tải đến
lòng ta những rung cảm của sự cộng sinh. Sẽ cảm nhận được mà, nhất là những con
người có tấm lòng hiền như… thơ. Có ai mà không từng rung động trước âm thanh
ấy, dáng vẻ ấy và cả những tiếng chim hót, vịt kêu, gà gáy, chó sủa, heo la,
con trâu, con bò nghé ngọ… và cuối cùng là giọng nói nhỏ nhẻ của cô hàng xóm.
Tất cả những thứ đó cho ta êm đềm, dù có lắm lúc chói tai. Nhưng đó là cảm xúc
chủ quan của ta, mà chúng ta thấy khi thì rất thơ mà cũng có lúc lại không thơ.
Nhưng khi đã khách quan hơn thì đó là vần điệu của tạo hóa, trong đó có vần
điệu của loài người và có thể là vần điệu của muôn loài. Bây giờ khi chúng ta
được cổ nhân truyền lại một sản phẩm vô giá đó là chữ viết. Chữ viết ghi lại
những vần điệu của lòng ta và ta gọi những là thơ, là nhạc. Nhưng trước khi trở
thành thơ thành nhạc thì đó là… Ca Dao.