NGHĨ VỀ VIỆT NAM
SỬ LƯỢC VÀ TRẦN TRỌNG KIM
Thứ bảy, 26 Tháng 12 2009 06:30
http://www.vanhoanghean.com.vn/chuyen-muc-goc-nhin-van-hoa/nhung-goc-nhin-van-hoa/nghi-ve-viet-nam-su-luoc-va-tran-trong-kim
Tôi ra đời 14 năm sau, ngày
Trần Trọng Kim cho phát hành (1921) cuốn “Việt Nam Sử Lược”. Chính phủ Trần
Trọng Kim xuất hiện trước Chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà lâm thời 5 tháng.
Suy nghĩ của tôi về cuốn “Việt Nam Sử Lược” và Chính phủ Trần Trọng Kim, xin
được phép đặt trong hai thời đoạn cụ thể đó.
1;Tên tôi là Mai Khắc Ứng nên
thời học tại khoa Sử trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, hễ kiểm tra miệng xếp theo
thứ tự A,B,C thường là người được hỏi sau cùng. Một buổi chiều cuối năm 1962,
sau hồi kẻng “thu không” khoảng mười lăm phút, tôi theo Thầy Trần Quốc Vượng ra
khỏi lớp. Lúc đó, mấy lối đi về phía nhà ăn của Ký túc xá Láng học trò trường
Trung học Trung Hoa và sinh viên Khoa Xã Hội trường Đại Học Tổng Hợp đã gõ đũa
vào bát lanh canh.
Là một học sinh xuất thân từ
trường Bổ túc Văn hoá Công Nông Nghệ An, vì trường ở Cổng Chốt cháy phải ra
Đông Triều rồi vào Đại học, tôi có tuổi đời xấp xỉ tuổi Thầy, nên tình thầy trò
cũng là tình anh em. Thân thiện và cởi mở đã tạo cho tôi nhiều cơ hội gần gủi
các Thầy.
Đi dọc hành lang từ lớp ra
đường trục, Thầy Vượng đảo mắt rất nhanh rồi khe khẻ nhắc tôi “Hãy tìm cuốn
Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim mà đọc”. Lời căn dặn dè dặt chỉ đủ cho tôi
nghe nhưng sao mà ấm áp vậy. “Việt Nam Sử Lược” như một dòng sữa ngọt rót vào
tâm hồn tôi từ buổi chiều đáng nhớ đó.
“Thánh nhân đãi khù khờ”. Thầy Đặng Huy Vận đã lôi dưới đáy rương ra cho tôi mượn cuốn sách mà Thầy Vượng khuyên tìm đọc. “Việt Nam Sử Lược” của Trần Trọng Kim thời đó là sách cấm. Phòng đọc hạn chế của Thư viện Quốc gia ở số 31 đường Trường Thi cũng không ló ra.
Thế là từ buổi chiều thủ thỉ ấy tôi nhận biết một Trần Quốc Vượng bên trong Trần Quốc Vượng trên bục giảng của đời sống hiện đại. Theo chỉ bảo của Thầy Vượng tôi nghiền ngẫm cuốn sách này và mãi cho đến nay, mỗi lần cần viện đến chứng cứ lịch sử tôi vẫn phải nhờ Trần Trọng Kim.
Lời khuyên thật lòng đó với tôi hơn vạn bài giảng văn hoa cao xa dông dài. Viết như vậy mới đích thực là nhà Sử học. Có nói có. Không nói không. Sai nói sai. Đúng nói đúng. Dường như mọi diễn biến lịch sử trên đất nước ta trước thế kỷ XX, tác giả không bỏ sót một sự kiện quan trọng nào. Minh bạch, mạch lạc, rõ ràng trình ra trên từng dòng, từng trang sách. Tác giả không đứng về một họ chỉ để viết cho dòng họ ấy mà đứng trên cái chung để viết cho mọi độc giả. Quan điểm riêng của người viết là ở phần nhận xét đánh giá kết luận. Công bằng và khách quan đấy chứ. Điều đó khác với mọi cuốn sử, sách giáo khoa văn sử về sau. Đương nhiên tác giả cũng là một con người. Đã là con người thì mấy ai tránh khỏi lệ “nhân vô thập toàn”. Hạn chế của tác giả nằm vào năm 1919 khi Ông mới ngoài 30 tuổi, mà phần nhân loại sinh tụ trên lãnh thổ Việt Nam còn tối tăm mù mịt. Pháp đó. Vua quan đó. Người viết phải lách là điều hiển nhiên. Không lách là không có sách. Lách nhưng không hèn. Một ngôi sao trong đêm tối toả sáng đến vậy là đủ dẩn dắt rồi. Đó là điều đáng kính phục. Trần Trọng Kim không làm hài lòng ai khi ông nặng lời lên án Hồ Quý Ly tàn bạo, gian manh, lên án Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhượng đất. Về lịch sử ông viết hoàn toàn dựa trên cứ liệu lịch sử. Về quan điểm khen hay chê thuộc quyền riêng của mỗi người. Điều bất bình thường hiện nay là hễ ai không phụ hoạ mình là xấu, là sai, là thù. Cái lẽ nhất thời này không nằm trong phương pháp luận sử học. Ngoài ông, ngoài tôi còn có bàn dân, còn có mai sau.
“Nhìn về quá khứ để xây dựng tương lai bền vững” đang được nhiều quốc gia phát triển chọn làm phương châm xử thế. Sử học góp phần giúp điều chỉnh xã hội chính là chỗ đó. Ngược lại. Đương nhiên là lộn đường.
Xin trích vài đoạn trong Việt Nam Sử Lược:
“4. NGHỆ TÔNG THẤT CHÍNH. – Vua Nghệ-tông tuy giữ quyền chính-trị, nhưng việc gì cũng do ở Lê qúi Ly. Triều thần thì chỉ có những mặt xu nịnh, người nào cũng chỉ lo lấy thân mà thôi, việc nước an-nguy thế nào không ai lo nghĩ đến. Những người tôn thất như Trần Nguyên Đán thấy quốc-chính rã-rời, xin về trí-sĩ. Một hôm Thượng-hoàng đến thăm bàn đến hậu sự, Nguyên Đán tâu rằng: “Xin bệ-hạ thờ nhà Minh như cha, yêu nước Chiêm-thành như con, thì quốc gia sẽ không việc gì, mà lão-thần chết cũng không hẩm!”. Ấy là chỉ bàn những chuyện làm tôi tớ mà thôi, chứ không có chí muốn cho nước mình cường-thịnh. Nguyên Đán biết rằng Qúi Ly rồi tất cướp ngôi nhà Trần, liên kết làm thông gia, vì thế cho nên sau dòng dõi nhà Trần chết cả, duy chỉ có con-cái nhà Nguyên Đán được phú quý mà thôi.
Nghệ-tông Thượng-hoàng thì cứ mờ-mịt không biết ai trung ai nịnh, vẫn tưởng là Lê quí Ly hết lòng với nhà vua, bèn cho Lê qúi Ly gươm và cờ có chữ đề rằng ; “Văn võ toàn tài, quân thần dũng đức”. Lê quí Ly làm thơ nôm dâng tạ.
5. LÊ QUÝ LY MƯU GIẾT ĐẾ HIỂN. - Bấy giờ Đế Hiển thấy Thượng-hoàng yêu dùng Quí Ly, mới bàn với các quan rằng nếu không trừ đi rồi sau tất thành ra vạ to. Quí Ly biết mưu ấy, đến kêu van với Thượng-hoàng rằng : cổ lai chỉ bỏ cháu nuôi con, chứ chưa thấy ai bỏ con nuôi cháu bao giờ. Thượng-hoàng nghe lời, xuống chiếu trách Đế Hiển còn tính trẻ con và lại có ý hại kẻ công-thần, làm nguy xã-tăc; vậy phải giáng xuống làm Minh-đức-đại-vương, và lập Chiêu-định-vương là con Nghệ-tông lên nối ngôi.
Khi tờ chiếu ấy bố cáo ra ngoài, có mấy người tướng-quân đã toan đưa quân vào điện cứu Đế Hiển ra, nhưng vua viết hai chũ “giải giáp” và không cho được trái mệnh của Thượng-hoàng. Sau Đế Hiển bị thắt cổ chết, còn những tướng-sĩ đồng mưu giết Quí Ly đều bị hại cả”.
(Việt Nam Sử Lược, trang 174, 175, tái bản lần thứ sáu, Sài Gòn, 1960)
“3. LÊ QUÍ LY CHUYÊN QUYỀN. – Từ khi giặc Chiêm đã yên, Lê Quí Ly càng ngày càng kiêu hãnh. Bao nhiêu những người mà không tòng phục mình, thì xui Thượng hoàng giết đi; hoàng tử, thân vương đều bị giết hại. Mà Thượng hoàng thì cứ tin Quí Ly một cách lạ lùng. Sĩ phu có người dâng sớ tâu với Thượng hoàng rằng Quí Ly có ý muốn dòm cơ nghiệp nhà Trần, thì Thượng hoàng lại đưa sớ cho Quí Ly xem, cho nên những người trung thần không ai nói năng gì nữa.
Uy quyền của Quí Ly một ngày một to, vây cánh một ngày một nhiều, Thượng hoàng sau tỉnh dần dần lại biết lấy làm sợ, nhưng đã chậm lắm rồi, thế không sao được nữa; mới bắt người vẽ cái tranh tứ-phụ cho Quí Ly.Trong tranh ấy vẽ ông Chu-công giúp vua Thành vương, ông Hoắc Quang giúp vua Chiêu-đế, ông Gia-cát giúp vua Hậu-chủ, ông Tô Hiến thành giúp vua Lý Cao-tông, rồi bảo Quí Ly rằng nhà ngươi giúp con trẫm cũng nên như thế. Một hômThượng hoàng gọi Quí Ly vào trong điện mà bảo rằng: “Nhà ngươi là thân tộc, cho nên bao nhiêu việc nước, trẫm đều uỷ thác cho cả, nay quốc thế suy-nhược, trẫm thì già rồi; ngày sau con trẫm có nên giúp thì giúp, không thì nhà ngươi tự làm lấy”. Thượng hoàng bắt chước câu ấy của ông Lưu Bị nói với ông Khổng Minh ngày trước, tưởng để mua chuộc được lòng Lê Quí Ly.
Quí Ly cởi mũ, khấu đầu khóc-lóc mà thề rằng : “Nếu hạ thần không hết lòng, hết sức giúp nhà vua, thì trời tru, đất diệt. Vả ngày trước Linh-đức-vương (tức là Phế-đế) có lòng làm hại, nếu không có uy-linh của Bệ-hạ, thì nay đã ngậm cười dưới đất, còn đâu ngày nay nữa mà mài thân nghiền cốt để báo đền vạn nhất ! Vậy hạ thần đâu có ý gì khác, xin bệ-hạ tỏ lòng ấy cho và đừng lo gì”.
4. NGHỆ TÔNG MẤT.- Đến tháng chạp năm giáp-tuất (1394) thì Thượng-hoàng mất. Trị vì được 3 năm, làm Thái-Thượng-hoàng 27 năm, thọ 74 tuổi.
Nghệ-tông là ông vua rất tầm-thường, chí-khí đã không có, trí-lự cũng kém hèn, để cho kẻ gian-thần lừa-đảo, giết hại cả con cháu họ hàng, xa bỏ những kẻ trung-thần nghĩa-sĩ; cứ yêu dùng một Quí Ly, cho được quyền thế, đến nỗi làm xiêu-đổ cơ-nghiệp nhà Trần.
Dẫu rằng đến khi vận nước đã suy, không có điều này cũng có điều nọ, tựa hồ người đã già không phải bệnh nọ thì cũng mắc bệnh kia, nhưng cứ sự thực mà xét, thì cũng vì vua Nghệ-tông cho nên cơ-nghiệp nhà Trần mới mất về tay Quí Ly; mà cũng vì sự rối-loạn ấy, cho nên giặc nhà Minh mới có cớ mà sang cướp-phá nước Nam trong 20 năm trời.”
“Quí Ly bắt Thuận-tông nhường ngôi rồi, lập Thái-tử là Án lên làm vua. Thái-tử bấy giờ mới có 3 tuổi, tức là Thiếu-đế, niên hiệu là Kiến-tân.
Lê Quí Ly làm phụ-chính tự xưng làm Khâm-đức hưng-liệt-đại-vương, rồi sai người giết Thuận-tông đi.
Bấy giờ triều đình có những người như là Thái-bảo Trần Nguyên Hãn, Thượng tướng-quân Trần khát Chân lập hội để mưu trừ Quí Ly, chẳng may sự lộ ra, bị giết đến 370 người.
Lê Quí Ly lại xưng là Quốc-tổ-chương-hoàng, ở cung Nhân-thọ, ra vào dùng nghi-vệ của Thiên-tử. Đến tháng hai năm canh-thìn (1400) Quí Ly bỏ Thiếu-đế rồi tự xưng làm vua thay ngôi nhà Trần”.
(Như trên, trang 177- 181)
Có hay không những điều như thế ở thời Trần mạt là điều cần bàn, cần xác minh. Còn việc khen hay chê Lê/Hồ Quý Ly lại thuộc về nhận thức, quan điểm, thái độ của mỗi cá nhân. Người cùng có tâm địa Lê/Hồ Quý Ly thì khen. Người cho như thế là bất lương gian hùng, thì chê. Thiết nghĩ khen hay chê đều thuộc về nhân tâm, về nhận thức mà cũng là quyền sơ đẳng của mỗi con người.
2; Như phân bua từ đầu, Trần Trọng Kim bị/được chỉ định thành lập Chính phủ, trình danh sách Nội các lên nhà vua Bảo Đại phê chuẩn vào ngày 17 tháng 4 năm 1945 và ra mắt Quốc dân hai ngày sau đó (19-4-1945).
Như chúng ta đều biết vào thời điểm này chiến tranh thế giới lần thứ II đã bước vào giai đoạn kết. Hồng quân Liên Xô đang dũng mạnh tấn công phát xít Đức. Phe Đồng Minh mở mặt trận mới. Nhật liên tiếp chiến bại chịu nhiều tổn thất nặng nề. Pari đã được giải phóng. Charles de Gaulle lăm le giành lại thuộc địa. Các nước phương Đông đang tìm cách thoát khỏi ách thống trị thực dân. Nước ta trong khoảnh khắc đó giống như một con thuyền giữa sóng gió giông bão chưa rõ người chống chèo. Trong lúc nguy nan, ai dám nhảy ra nên được coi là tiên phong dũng cảm. Bởi nước là của chung. Mọi người yêu nước đều có quyền cứu nước theo suy nghĩ, hiểu biết, tấm lòng và năng lực của mình. Sự lựa chọn của số nhân sĩ trí thức tập hợp chung quanh Trần Trọng Kim diễn ra giữa bối cảnh Pháp sắp quay lại, Nhật sẽ ra đi. Từ tình thế nước sôi lửa bỏng lúc đó nên chọn ai? Pháp hay Nhật? Tìm điểm tựa mà thực hiện mục tiêu giành độc lập dân tộc một cách ôn hoà không đổ máu giữa hai đối tượng này cũng là một bài toán theo yêu cầu tình thế. Phong trào Đông Du để đánh Pháp của Phan Sào Nam chưa xa, nhất là đối với người Nghệ. Phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh còn gần hơn mà tầng lớp nhân sĩ, trí thức lại sợ “Trí, phú, địa, hào đào tận gốc, trốc tận rễ” là chuyện đã xẩy ra. Xin đừng coi sự lựa chọn trong tình cảnh chẳng đặng đừng để nhờ vả mà tìm một lối thoát cho quốc gia dân tộc là cúi đầu làm tay sai. Đã đến lúc phải nói với nhau rằng không phải hễ khác mình đều là kẻ thù. Trăm nẻo đường có thể đến cùng một đích. Xin hãy trọng nhau ở sự chung lòng đó.
Là một học giả sinh ra không để làm chính trị, không hề có tham vọng quyền lực, Trần Trọng Kim thực sự chưa hề chuẩn bị làm chính khách đứng ra thành lập Chính phủ. Nhân tình thế chủ quan, khách quan của đất nước nửa đầu năm 1945 và qua những lần tiếp xúc với một nhà ngoại giao Thái Lan, Trần Trọng Kim trăn trở, vở lẽ, nhận ra con đường thực thi phận sự công dân trước vận mệnh Tổ quốc. Hình hài về một thể chế Quân chủ Lập hiến kiểu Thái Lan bắt đầu manh nha trong tấm lòng nhà Sử học - tác giả của một tác phẩm lịch sử để đời.
Tôi muốn nói điều này vì Chính phủ Trần Trọng Kim thành lập đơn giản bao nhiêu thì cáo chung cũng nhẹ nhàng, thanh thản bấy nhiêu. Dường như không có ai trong số những người được cơ cấu Nội các Trần Trọng Kim cay cú bực dọc phản ứng thù hận. Và, nếu họ là bù nhìn tay sai Nhật thực sự thì ngay thời điểm đó và cả sau này nữa, nhiều lần ta cần viện đến họ, vẫy gọi họ làm gì!
“Hãy nói rõ bạn anh cho tôi. Tôi sẽ biết anh là người thế nào”.
Xin liệt kê ra đây danh sách Nội các Trần Trọng Kim.
1.Trần Trọng Kim, Giáo sư, Học giả, nhà Sử học : Thủ tướng
2.Trần Văn Chương, Luật sư : Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao.
3.Trần Đình Nam , Y sĩ : Bộ trưởng Nội vụ.
4.Trịnh Đình Thảo, Luật sư: Bộ trưởng Tư pháp.
5.Hoàng Xuân Hãn, Thạc sĩ Toán : Bộ trưởng Giáo dục và Mỹ Nghệ.
6.Vũ Văn Hiền, Luật sư : Bộ trưởng Tài chính.
7.Phan Anh, Luật sư : Bộ trưởng Thanh niên.
8.Lưu Văn Lang, Kỷ sư : Bộ trưởng Công chính.
9.Vũ Ngọc Anh, Bác sĩ : Bộ trưởng Y tế.
10.Hồ Tá Khanh, Bác sĩ : Bộ trưởng Kinh tế.
11.Nguyễn Hữu Thi, cựu Y sĩ : Bộ trưởng Tiếp tế.
Ngoài 11 thành viên Nội các, Chính phủ Trần Trọng Kim còn bổ nhiệm mấy vị sau đây đảm nhận trọng trách ở các địa phương xung yếu:
Phan Kế Tọai : Khâm sai Bắc Bộ
Nguyễn Văn Sâm : Khâm sai Nam Bộ
Trần Văn Lai : Đốc lý Hà Nội
Đặng Văn Hướng : Tổng đốc Nghệ An
Kha Vạng Kân : Đô trưởng Sài Gòn
Trong số 16 người trên, phần nhiều về sau đã trở thành cán bộ cao cấp của Chính phủ nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà.
Thiết nghĩ nếu họ là bù nhìn tay sai Nhật thì sao được vậy. Chẳng lẽ cùng Nội các mà Thủ tướng là bù nhìn tay sai Nhật, còn các thành viên khác thì không. 10 thành viên Nội các với 5 quan chức trọng trấn gắn bó chung quanh Trần Trọng Kim toàn là người có học vị, có uy tín. Nghĩa là đủ trình độ nhận biết bản chất vị Thủ tướng của mình. Họ thực lòng cộng sự đã nói lên nhân cách và uy tín Trần Trọng Kim.
Điều không may cho Trần Trọng Kim là trước áp lực của tình thế với sự chỉ định của Quốc trưởng và tín nhiệm của đồng liêu Ông phải làm Thủ tướng. Giá như Hoàng Xuân Hãn hoặc Phan Anh, Trịnh Đình Thảo hay Phan Kế Toại, thậm chí Trần Văn Lai, Kha Vạng Kân làm Thủ tướng thì Trần Trọng Kim tránh được “búa rìu của dư luận”. Và, nếu như Trần Trọng Kim thành lập Chính phủ bù nhìn thân Nhật sau ngày 19 tháng Tám năm 1945 thì rõ ràng đúng như Giáo sư Vũ Ngọc Khánh viết : “Ông đã chọn lầm đường để chịu búa rìu của dư luận”. Nhưng tháng 4 trước tháng 8 những 4 tháng. Thời điểm đó, Nhật không thể liên minh với Pháp để cùng chia sẻ Đông Dương. Người Việt Nam không thể dựa vào Pháp để giành độc lập. Tạm thời bắt tay với Nhật để yên thân thành lập một Chính phủ hợp hiến tìm sự ủng hộ của công luận trong và ngoài nước, trước khi Pháp gây hấn là một toan tính khôn khéo của Trần Trọng Kim và Chính phủ Ông. Pháp lo sợ điều này và săn đuổi Trần Trọng Kim là lẽ đương nhiên. Chắng lẽ vì Pháp nghi ngờ nên ta cũng nghi ngờ theo. Một điều không nói ra nhưng ai cũng biết là Pháp quay lại Việt Nam lần này với hai sứ mạng. Một là giành Đông Dương từ tay Nhật bại trận. Hai là ngăn chặn sự phát triển của chủ nghĩa Cộng sản. Chính phủ Trần Trọng Kim là trở lực của hai sự mạng đó.
Tôi thích thú khi đọc được những dòng sau đây : “cho đến nay ta chưa phát hiện được tài liệu gì về vấn đề này (tay sai Nhật - mkứ). Do ông và cả Nhật cố tình giữ kín nên không ai biết”. Không ai biết sao lại viết “ông và cả người Nhật cố tình giữ kín”! Thì ra chê để vòng vo mà thanh minh, mà trình làng rằng mọi lời buộc tội Trần Trọng Kim làm tay sai Nhật đều là vũ đoán, đồn đại, không có cơ sở. Tất cả chỉ để vu vạ kiểu “cả vú lấp miệng em” đó thôi. Bởi, nếu cho rằng mọi sự bắt tay trong quan hệ bang giao là tay sai thì tội cho những người trước và sau Trần Trọng Kim lắm lắm.
Có một chi tiết đáng lưu ý là Trần Trọng Kim và thành viên Nội các đang lựa chọn sắp xếp, khẩn thiết yêu cầu Nhật mở cửa các nhà tù của Pháp, ân xá toàn bộ chính trị phạm không điều kiện ngay lập tức mới chấp nhận thành lập Chính phủ. Nhật đã nhượng bộ. Nhờ vậy, Trương Văn Lĩnh và nhiều chiến sĩ ra khỏi nhà tù Hoả Lò và các nhà tù khác trên cả nước từ tháng 3 năm 1945, kịp thời tham gia Tổng khởi nghĩa.
Với tôi, Trần Trọng Kim qua Việt Nam Sử Lược là một người yêu nước thành tâm, một nhà Sử học chân chính, trung thực, một người cầm bút có nhân cách, một học giả xuất sắc đã cống hiến phần trí tuệ, chí ít cho các thế hệ nửa đầu thế kỷ XX và Chính phủ Trần Trọng Kim là sản phẩm của tình thế với hoài bảo của lớp nhân sĩ trí thức cũ biết lường trước họa binh đao nên tha thiết nhân nhượng, dung hoà.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét