Người theo dõi

Thứ Sáu, 23 tháng 11, 2018

Chương 4. Múa Gây Vườn Hoang


Chương 4; Múa Gây Vườn Hoang

VÀI SUY NGHĨ VỀ VĂN HÓA ÂU LẠC, CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG VĂN HÓA NÔ DỊCH VÀ
CUỘC HÀNH HƯƠNG BI PHẨN CỦA THẨM THUYÊN KỲ.


Sau năm 43 Mã Viện phá hủy toàn bộ định chế xã hội cũng như triệt tiêu toàn bộ những biểu tượng văn hóa của Âu Lạc, thiết lập một hệ thống hành chánh hoàn toàn mới và cây trụ đồng ngạo nghễ với hàng chữ “Đồng trụ chiết. Giao chỉ diệt”. Một biểu tượng của sự hãnh tiến của bạo lực và xâm lược. Rất nhiều sử gia sau này diễn dịch cái biểu tượng này như là một lời đe dọa để làm cho nhân dân Âu Lạc lo sợ và không dám nổi loạn nữa. Lo sợ thì có lo sợ, nhưng nổi lọan thì vẫn cứ nổi loạn. Và song song theo đó vẫn còn một nguồn lực khác đang lưu chảy trong lòng nhân dân Âu Lạc với một sức mạnh vô biên, nó âm thầm đối kháng lại với sự hà khắc nghiệt ngã và lòng tham vô độ của các quan lại Tàu. Song song theo đó thì có những tên quan Tàu có chính sự đàng hoàng, nhưng ẩn giấu phía sau cái chính sự đàng hoàng ấy là một âm mưu vô cùng hiểm độc như Tích Quang, Nhâm Diên trước đó và tiếp theo sau là Hạ Phương, Nhiếp, Triệu Xương, Đào Hoàng, Cao Biền… Chúng tạo ra sự yên bình trong cuộc sống của người dân và từng bước  thu phục nhân tâm bằng những quyền lợi vật chất, bằng thứ “liêm sĩ, lễ nghĩa củ từ”, trước tiên là chúng đặt các địa danh bằng tiếng Hán, với mục đích rất rõ ràng là tiêu diệt chữ viết, tiếng nói, rồi chia tách sát nhập liên miên nhằm hủy hoại sự liên kết của cộng đồng Âu Lạc, chúng nhân danh “khai hóa” để mở trường học dạy chữ Hán và lễ nghĩa, thay đổi phong tục tập quán của nhân dân Âu Lạc. Điển hình cho loại quan lại chính sự đàng hoàng này là Sĩ Nhiếp với cái học hàm Nam Giao học tổ đến buồn cười (khổ thay gần hai thiên niên kỷ rồi mà vẫn còn những thằng người chưa sáng mắt)

Nhưng với bản tính hiếu hòa khế hợp cùng lòng tứ bi của Đạo Bụt, nhân dân Âu Lạc đã tích cực Nghe, Nghĩ và Làm (văn, tư, tu) một cách nhuần nhuyễn. Tất cả các hành vi trên được các trí thức Âu Lạc, mà điển hình là các nhà sư, bị chìm khuất trong những diễn biến lịch sử dồn dập bời các cuộc nổi dậy Trong khi các sử gia Tàu vẫn cứ ghi nhận các diễn tiến lịch sử theo quan điểm của chính quyền đương đại. Còn các sử gia Việt thì căn cứ vào những tài liệu lịch sử Tàu để viết sử Việt, tệ hại hơn còn lồng trong cái nhìn của Hán Nho. Trong khi các trí thức Việt đương đại hầu hết là các nhà sư thì chủ trương “bất lập văn tự” chỉ Nghe, Nghĩ và Làm. Những tư liệu quý giá được khắc trên các văn bia, chuông đồng theo thời gian bị chìm khuất hoặc chữ mất chữ còn. Các truyền thuyết thì biến dạng theo thời gian với quy luật tam sao thất bản.. Nhưng dù sao trong cái mờ thông tin hỗn độn ấy vẫn còn có cái để hậu thế nhận ra là hơn một thiên niên kỹ ấy, người dân Âu Lạc vẫn tồn tại với quốc gia mình, tiếng nói của mình.

Bản chất hiếu hòa đó người dân Âu Lạc đã làm gì trong hôn một thiên niên kỷ đó để gìn giữ một bản sắc riêng biệt của cộng đồng mình.
- Họ xóa sổ cây cột đồng một cách lặng lẽ và kiên tri.
- Người dân Âu Lạc chỉ nổi loạn khi nào bị o ép quá đáng.
- Giữ vững tính tự chủ trong sinh hoạt hàng ngày, mình vẫn vẽ, răng vẫn nhuộm, mỗi độ Xuân về hay lễ tiết vẫn bày biện bánh dày, bánh chưng và trái dưa hấu để biểu lộ tấm lòng với tổ tiên cao dày như trời đất và sức lao động cần cù đầy trí tuệ. Miếng trầu vẫn là đầu câu chuyện trong giao tiếp với hương vị cay nồng của tình cảm cộng đồng và đôi lứa.
- Những câu ca dao được hát lên chạy dọc theo những cánh đồng mênh mông hay những con sông, con suối.
- Những tiếng chuông vẫn ngân nga mỗi sang chiều phát đi từ những ngôi chùa ẩn hiện dưới những tang cây xanh.

Có một việc xem rất buồn cười là năm 767. Đườg Đại Tông xuống chỉ ban thưởng cho mẹ của Đào Tề Lượng, cho hai đing tráng đến hầu và bảo các quan chức địa phương thường xuyên thăm hỏi. Lý do: bà thường dạy con những điều trung nghĩa, nhưng Đào Tề Lượng không nghe, nên bà từ con tự cày cấy để ăn, tự dệt vãi để mặc. Sử không nói gì về việc Đào Tề Lượng bất trung, bất nghĩa ra sao

Càng lúc cái bức tranh bi tráng, nhưng hiền hòa ấy được định hình bởi sự gạn lọc cái mớ thông tin hỗn độn ấy khi xãy ra hiện tượng Thẩm Thuyên Kỷ.
Thẩm Thuyên Kỳ (655?-712?) là một nhân vật khá đặc biệt. Ông tự Vân Khanh, người Nội Hoàng, đỗ tiến sĩ năm 675 đời Đường Cao Tôn.  Ông cùng với Tống Chi Vấn là những người làm cho thơ luật trở nên hoàn chỉnh. Khoảng những năm 684-704, cuối đời Võ Tắc Thiên, ông lại dính vào những cuộc tranh giành quyền lực, ông cùng với Đỗ Thẫm NgônTống Chi Vấn, Vương Vô Cạnh, Diêm Triều An bị đày về Lĩnh Nam. Nhưng chỉ có Đỗ Thẩm Ngôn bị đày về Châu Phong (Vĩnh Yên, Phú Thọ), còn Thẩm thì bị đày đến tận châu Ái, châu Hoan (Thanh, Nghệ Tĩnh) Tình hình Âu Lạc trong niên đại của Thẩm Thuyên Kỳ tương đối yên ắng, ngoài cuộc khởi nghĩa của Lý Tự Tiên, Đinh Kiến năm 687. Trong cuộc hành trình khủng khiếp ấy ông đã để lại những bài thơ đáng cho chúng phải đọc:

入鬼門關
昔傳瘴江路, 
今到鬼門關。 
土地無人老, 
流移幾客還。 
自從別京洛, 
頹鬢與衰顏。 
夕宿含沙里, 
晨行岡路間。 
馬危千仞谷, 
舟險萬重灣。 
問我投何地, 
西南盡百蠻。

Nhập Quỷ môn quan
Tích truyền Chướng Giang lộ
Kim đáo Quỷ Môn quan
Thổ địa vô nhân lão
Lưu di kỷ khách hoàn
Tự tòng biệt kinh Lạc
Đồi mấn dữ suy nhan
Tịch túc hàm sa lý
Thần hành cương lộ gian
Mã nguy thiên nhận cốc
Châu hiểm vạn trùng loan
Vấn ngã đầu hà địa
Tây nam tận bách man

Vào ải Quỷ môn
Xưa nghe Chướng Giang hiểm
Nay đến ải Quỷ Môn
Đất đai không người ở
Người đi ít trở về
Từ ngày bỏ kinh khuyết
Sắc diện luống suy tàn
Trú đêm nơi suối cát
Ngày vượt núi băng ngàn
Ngựa nguy nơi cao cốc
Thuyền hiểm chốn ghềnh loan
Người hỏi nơi ta đến
Bách Việt hướng Tây Nam
Hồ Bạch Thảo

渡安海入龍編
嘗聞交趾郡, 
南與貫胸連。 
四氣分寒少, 
三光置日偏。 
尉佗曾馭國, 
翁仲久游泉。 
邑屋連甿在, 
魚鹽舊產傳。 
越人遙捧翟, 
漢將下看鳶。 
北斗崇山掛, 
南風漲海牽。 
別離頻破月, 
容鬢驟經年。 
昆弟搉由命, 
妻孥割付緣。 
夢來魂尚擾, 
愁委病空纏。 
虛道崩城淚, 
明心不應天。

Độ An Hải nhập Long Biên
Thường văn Giao Chỉ quận
Nam dữ quán hung lien *
Tứ khí phân hàn thiểu
Tam quang trí nhật thiên
Úy Đà tằng ngự quốc
Ông Trọng cựu du tuyền
Áp ốc liên mang tại
Ngư diêm cưụ sản truyền
Việt nhân dao phủng địch
Hán tướng hạ khan diên
Bắc đẩu sùng sơn quải
Nam phong trướng hải khiên
Biệt ly tần phá nguyệt
Dung mấn sậu kinh niên
Côn đệ tồi do mệnh
Thê noa cát phó duyên
Mộng lai hồn thượng nhiễu
Sầu ủy bệnh không triền
Hư đạo băng thành lệ
Minh tâm bất ứng thiên

Vượt biển An Hải vào Long Biên
Quận xa Giao Chỉ nghe đồn
Người Nam chung dạ chung lòng với nhau
Bốn mùa mát chẳng bao nhiêu
Quanh năm nóng nực nắng chiều xiên xiên
Úy Đà dựng một cõi riêng
Khi Lý ông Trọng du tuyền đã lâu
Xóm làng nhà cửa liền nhau
Lưới chài khô, mắm nối nhau bao đời
Người giắt lông trĩ múa chơi
Tướng Hán hạ cánh diều rơi bóng chiều
Núi cao sao Bắc Đẩu treo
Liu hiu ngọn gió sóng trèo bờ cao
Xa nhà thì cũng đã lâu
Đầu bù tóc rối dãi dầu quanh năm
Anh em thì đã mù tăm
Vợ con chia cắt nhân duyên giao trời
Trong mơ mà cũng rối bời
Sầu thời không dứt bệnh thời không tha
Thành sầu nước mắt tuôn sa
Tấm lòng trong sáng trời mà thấu chăng.
Quán Tâm Nguyễn Hiền Nhu

Dù đã nghe nói, tìm hiểu khá kỷ về Giao Châu, nhưng sau cuộc hành trình khủng khiếp, lại đứng trước cảnh quan xa lạ, gặp những con người chưa quen biết rồi thương nhớ người thân, nhìn thấy phong tục, nghề nghiệp hoàn toàn khác, tiếng nói cũng khác và quan trọng là một quan điểm ngạo mạn kỳ cục đã bị môi trường giáo dục nhồi nhét cho, cộng thêm cái cái mặc cảm tủi nhục của  thân phận tù đày. Thẩm Thuyên Kỳ gần như kiệt sức. Nếu như có sự thấu hiểu và cảm thông của ai đó dành cho, ông cũng không còn đủ sức để mở lòng ra đón nhận.

Thẩm Thuyên Kỳ có đôi phần ác cảm với nơi mình đến. Đi đường biển đến Long Biên đã như thế, tiếp đến là cuộc hành trình đến Châu Hoan. Thẩm Thuyên Kỳ kể tiếp. Tuy vậy, nhà thơ họ Thẩm vẫn còn đủ tỉnh táo để ghi nhận một cách khá trung thực những hình ảnh sinh hoạt của nhân dân Âu Lạc.

SƠ ĐẠT HOAN CHÂU
Lưu tử nhất thập bát
Mạng dư thiên bất ngẫu
Phối viễn thiên toại cùng
Đáo trì nhật tối hậu
Thủy hành Đàm Nhĩ quốc
Lục bộ Điêu Đề lũ
Hồn phách du quỷ môn
Hài cốt di kình khẩu
Dạ tắc nhẫn cơ ngoạ
Triêu tắc bảo bệnh tẩu
Tao thủ hướng Nam hoang
Thí lệ khán Bắc Đẩu
Hà niên xá thư lai
Trùng ẩm lạc Dương tửu

VỪA ĐẾN HOAN CHÂU
Mười tám thằng tù bị đày
Hốt nhiên bị tách riêng đi một mình
Trời xa lại nối mông mênh
Ngày thêm vời vợi lềnh bềnh bước đi
Biển Đàm Nhĩ mịt mù khơi
Qua rừng Đề Điểu rụng rời cẳng chân
Liêu xiêu hồn phách từng cơn
Tưởng như xương cốt tan trong miệng kình
Đêm thì chịu đói nằm rên
Sáng mang thân bệnh lênh đênh con đường
Cõi nam, bức tóc ngắm suông
Đêm lau nước mắt mà nhìn Đẩu soi
Năm nào thư xá đến chơi
Lạc Dương chén rượu. Xa rồi, thật xa
Quán Tâm Nguyễn Hiền Nhu

Đói khát, bệnh tật lại bị bọn cai tù o ép, câu thúc đã đưa đến cho ông một tâm trạng chán nản, bi phẩn đến cùng cực. Thậm chí còn dẫn ông đến một vọng tưởng được ơn trên tha thứ (?). Niềm an ủi duy nhất là nhớ lại những cùng bạn bè nâng chén rượu Lạc Dương.

Nhưng rồi con người tài hoa ấy đã dần dần nhận ra, ông được vùng đất  phương Nam đón nhận bằng một hình thái yên ã, an lạc đến không ngờ. Tại Hoan Châu, khung cảnh của chùa Thiệu Long đã làm dịu đi những uất ức, bi phẩn của ông.

卲隆寺
THIỆU LONG TỰ
Ngô tùng Thích ca cửu
Vô thượng sư niết bàn
Thám đạo tam thập tải
Đắc đạo thiên nam đoan
Phi thắng thích thù phương
Khởi huyên quy lý nạn
Phóng khí nãi lương duyên
Thế lự bất tằng can
Hương giới oanh bắc chữ
Hoa kham ẩn nam loan
Nguy ngang giai hạ thạch
Diễn dạng đàm trung lan
Vân cái khán mộc tú
Thiên không kiến đắng ban
Xử tục lạc yến toạ
Cư bần nghiệp hạnh đàn
Thí tương hữu lậu khứ
Liêu tác vô sinh quan
Liễu nhiên cứu chư phẩm
Dĩ giác tĩnh giả an
Thẩm Thuyên Kỳ

CHÙA THIỆU LONG
Từ lâu nương theo bóng Bụt
Thầy vô thượng chốn Niết bàn
Ba mươi năm trên đường đạo
Nào ngờ được đạo trời Nam
Con đường không may đưa đến
Lẽ về nào há dễ quên
Duyên lành lúc đi đày ải
Đời nghĩ không từng can
Cõi thơm vây quanh bến Bắc
Chùa hoa nép cạnh sườn Nam
Cấp dưới cheo leo đá
Sóng vỗ nhẹ hồ lam
Mây che trông cây tốt
Trời vắng ngó mây dang
Ở đời thích ngồi định
Sống  nghèo việc nghĩa làm
Thử đem thân hữu lậu
Dựng lấy quán không sanh
Rõ ràng đọc các sách
Càng biết tịnh là an.
Quán Tâm Nguyễn Hiền Nhu

Qua bài thơ trên, ta được biết Thẩm Thuyên Kỳ đã từng theo Bụt được ba mươi năm. Có thể ông đến với đạo Bụt từ rất trẻ. Con đường đạo của ông chắc không suông sẽ lắm, nên biết nhưng chưa đạt, để khi tất cả mọi thứ danh lợi vô thường hốt nhiên mất sạch, kể cả cái biết. Rồi dấn bước trên con đường thất vọng, rồi bi phẩn, rồi đau đớn. May thay, con đường ấy đưa Thẩm Thuyên Kỳ đến cổng chùa, cái biết lại trở về. Ngôi chùa xuất hiện trước mắt ông thanh thoát và tĩnh lặng. Cảnh trí sao, con người vậy.
Sau đấy ông còn làm một bài thơ nữa viết về cảnh trí mà ông đã đi qua


Sùng Sơn hướng Việt Thường thị
Triêu đăng Sùng sơn hạ,
Mộ chí Việt Thường âm.
Tây tòng Sam Cốc độ,
Bắc xuất Trúc Khê thâm.
Trúc Khê thông Minh Thuỷ,
Sam Cốc cổ Sùng Sầm.
Sai trì tương bất hợp,
Liễu nhiễu phục tương tầm.
Quế diệp tàng kim tự.
Đằng hoa bế thạch lâm,
Thiên song hư đích đích.
Vân đậu hạ trầm trầm.
Tạo hoá công thiên hậu,
Chân tiên tích luỹ lâm.
Khởi đồ thám quái dị,
Liêu phục hoãn quy tâm.

Buổi mai leo đến núi Sùng,
Việt Thường xế đến, ngồi trông bóng chiều.
Hang Sam Cốc theo chiều bóng lặn,
Từ Trúc Khê ra thẳng Bắc Phương.
Trúc Khê, Minh Thuỷ thông thương,
Rày hang Sam Cốc, xưa đường Sùng Sơn.
Núi so le, cây ngàn thưa nhặt,
Quấn quít nhau ràng mắc thành chùm.
Đầy gò lá quế xanh um,
Hoa đằng nẩy nở trong lùm đá ngăn.
Trời lồng lộng còn dăng cửa sổ,
Cảnh âm thầm đá trổ hang mây.
Thợ trời dường lắm công xây,
Bao nhiêu thẳng tích người rày tới nơi.
Không phải muốn tìm nơi quái dị,
Khoan thai chưa quyết chí lui về.
Trần Kính Hòa
------------------------------------------
- Bài thơ này không thấy chép trong Toàn Đường thi, nhưng được Lê Tắc chép trong An Nam chí lược, với tiểu dẫn rằng Thẩm Thuyên Kỳ đời nhà Đường bị đày qua đất Hoan Châu, có làm bài Sùng Sơn hướng Việt Thường thi.
- Có hai ngọn núi mang tên Sùng Sơn. Một ở Quảng Tây Trung Quốc, đây là núi Sùng Sơn được Thẩm Thuyên Kỳ nhắc tới trong bài thơ “Dao đồng Đỗ Viên Ngoại Thẩm Ngôn quá lĩnh”
- Sùng Sơn, theo mô tả trong bài thơ này, là một ngọn núi ở Thanh Hóa có một ngôi đền nổi tiếng là Sùng Sơn Từ hay còn gọi là đền Sòng thờ Công chúa Liễu Hạnh (khi Thẩm Thuyên Kỳ đến núi này thì chưa có đền thờ công chúa Liễu Hạnh

Những hình ảnh tuyệt vời này đã cuốn hút tâm hồn ông, một tâm hồn trống không vừa mới được ngôi chùa Thiệu Long rửa sạch và tâm hồn ông bắt đầu cảm nhận được những hình ảnh tuyệt vời của thiên nhiên, một sự đồng điệu giữa con người và cảnh sắc. Thẩm Thuyên Kỳ đã kết thúc bài thơ mình bằng hai câu thơ thật tuyệt:
Khởi đồ thám quái dị,
Liêu phục hoãn quy tâm.

Viết đến đây hốt nhiên tôi nhớ là mình có được nghe kể về sự nhận xét của Thượng Toạ Thích Nhất Hạnh về ngôi chùa Tàu và ngôi chùa Ta khi ông đến thăm Trung Quốc  ”Chùa ở Trung Quốc như là một hoàng cung, chùa ở Việt Nam không thể nào được như thế nhưng lại có rất nhiều cây xanh”. Hình ảnh của thượng toạ Nhất Hạnh nhận xét, cách xa thời Thẩm Thuyên Kỳ đang sống gần 15 thế kỷ, nhưng chắc cũng không sai khác mấy. Dù không được nhìn thấy, nhưng qua sách vở mô tả thì hầu như những ngôi chùa ở Trung Hoa thời nhà Đường đều lộng lẫy như một cung điện. Ôi cái tinh thần Hoa Nghiêm sao mà bàng bạc và dễ thương đến thế. Cùng viết chung một thứ chữ, cùng giao tiếp với nhau hơn 600 năm, cùng một thân phận con người. Nhưng nếp nghĩ hoàn toàn xa khác. Sự thanh thoát và tĩnh lặng của ngôi chùa đã làm dịu đi những đau khổ mà ông gặp phải trên con đường đi đày. Sự đau khổ, thông thường con người ta nhận được là do hoàn cảnh cuộc sống bó buộc, khó khăn. Nhưng ít ai biết sự đau khổ lại toát ra từ bên trong của một con người. Thẩm Thuyên Kỳ cũng không ngoại lệ. Ông chợt nhận ra điều đó, những trang kinh ông đọc suốt ba mươi năm giờ đã được cảnh sắc phương Nam khai ngộ.
 Rồi một cơ duyên bi phẩn khác đưa ông đến Ái Châu. Cơ duyên thì bi phẩn đấy, nhưng giờ thì chỉ còn lại một lý do, nó càng lúc đưa ông đi càng xa nơi sinh trưởng, tất nhiên cũng với sự quát tháo o ép của bọn cai tù, nhưng lại đưa ông đi thẳng vào nơi an lạc. Chùa Tĩnh Cư, nơi cùng trời cuối đất. (theo cách nhìn của Tàu)

          
    
    
    
    
    
    
   鴿 
    
    
    
    
    
    
    
    
    
    
    
    
    
  

CỬU CHÂN SƠN, TĨNH CƯ TỰ
YẾT VÔ NGẠI THƯỢNG NHÂN
Đại sĩ sinh Thiên Trúc
Phân thân hoá Nhật Nam
Nhân trung xuất phiền não
Sơn hạ tức già lam
Tiểu giản hương vi sái
Nguy phong thạch tác am
Hậu thiền sinh cáp nhủ
Khuy giảng bạch viên tham
Đằng ái vân gian bích
Hoa lân thạch hạ đàm
Tuyền hành u cung hảo
Lâm quải dục y kham
Đệ tử vô ai thức
Y vương tích vị đàm
Cơ nghi văn bất nhị
Mông muội tức triều tam
Dữu cức nhân duyên lý
Liêu khuy phóng khí tà
Siêu nhiên hổ khê tịch
Song thụ hạ hư lam
Thẩm Thuyên Kỳ

HẦU CHUYỆN THƯỢNG NHÂN VÔ NGẠI
Ở CHÙA TĨNH CƯ NÚI CỬU CHÂN
Người sinh ở nơi đất Bụt
Nay hoá thân về Nhật Nam
Giữa đời mà không phiền lụy
Non xanh nương bóng già lam
Suối con hương đưa thoang thoảng
Vách đá cao vời dựng am
Chầu thiền, cánh chim xanh chớp
Giảng kinh, mắt vượn trắng dòm
Mây cùng dây xanh quấn vách
Hoa bên đá thỏng xuống đầm
Nước suối trong veo trôi suốt
Rừng treo áo mới giặt xong
Học trò buồn vì chưa hiểu
Tiếc không được học Y vương
Lòng ngờ khi nghe bất nhị
Chưa thông nên xin quy tam
Chỉ đường về nhân duyên lý
Kẻo thân đày ải thêm buồn
Hốt nhiên khe Hổ chiều buông
Nương theo bóng gậy qua đường hư không
Quán Tâm Nguyễn Hiền Nhu

Không biết Thẩm Thuyên Kỳ có ngộ được điều gì không? Nhưng chắc chắn, khi ông tìm đến Vô Ngại Thương Nhân không phải là để giải buồn mà để thấu hiểu một điều gì đó mà ông tìm kiếm suốt ba mươi năm như sự thú nhận khi đến Thiệu Long Tự. Đến hôm nay, không có nhiều thông tin về Thượng nhân Vô Ngại, nhưng qua bài thơ trên cho ta thấy, tài năng và đức độ của Thượng nhân phải như thế nào mới có thể làm cho một ông Tiến sĩ thiên triều phải kính trọng đến thế. Bấy giờ Thẩm Thuyên Kỳ mới nhớ ra là suốt cuộc hành trình ông không bị bất cứ sự ngược đãi nào, dù chỉ là cái nhìn không thiện cảm, của nhân dân Âu Lạc. Đã thế mà cảnh và người suốt từ Long Biên, Hoan Châu, Ái Châu đều mang đến cho ông một cái nhìn bao dung (từ) và cảm thông (bi) mà không hề có căm thù, dù đất nước, dân tộc ông và nền văn minh rực rỡ (?!) của ông chỉ nhìn về phương Nam bằng một cái nhìn dè bỉu (nam man, mọi phương Nam) và đối xử bằng sắt máu (xâm lược, áp đặt). Đấy là tư tưởng của sự tự do, rính hiếu hòa Tất nhiên một người như ông, chắc chắn đủ khả năng để mở lòng ra khi được Vô Ngại Thượng Nhân khai thị để nhận ra điều đó. Bây giờ thì những bài thơ của ông đã trở thành một thiên ký sự về một cuộc hành hương. Sự bi phẩn xuất hiện trong ký sự ấy đã được ông xác định, nó xuất phát từ chính tâm của ông và bọn cai tù áp giải, mà cũng là chính đồng bào ông.

Và ở Thương nhân Vô Ngại, Thẩm Thuyên Kỳ đã bỏ hết tất cả, mang cái đầu trống rổng đế đón nhận một nguồn an lạc mới là cái tâm Hỷ để mà yên ắng sống trong kiếp lưu đày và phần đời còn lại, cái tâm Xả được hình thành để ông buông bỏ hết những thứ lu bu.

Ông nhắc đến điển tích khe Hổ. Thiền sư Tuệ Viễn có một nguyên tắc là chỉ tiễn khách đến con suối trước chùa. Nhưng khi tiễn Đào Uyên Minh và Lục Tu Tĩnh vì mãi vui chuyện nên vượt quá nửa con suối. May nhờ có tiếng cọp gầm nhắc nhở. Cả ba cùng cười lớn rồi chia tay. Nhắc đến điển tích này cũng như toàn bộ nội dung bài thơ chứng tỏ Thẩm Thuyên Kỳ rất kính trọng Vô Ngại Thượng Nhân. Sự kính trọng ấy chính là lúc Thẩm Thuyên Kỳ xác định lại chân lý của cuộc sống cho chính mình. Có lẽ vì thế mà những ngày cuối đời của ông yên tĩnh hơn là Tống Chi Vấn. Tống Chi Vấn phải trả giá cho những hành động kỳ cục của mình bằng cái chết trong cảnh lưu đày ở Lĩnh Nam.
Chắc có lẽ khi kết thúc chuyến đi phương Nam này, Thẩm Thuyên Kỳ phải tự hỏi lòng mình “Ôi. Tại sao mà người nước mình lại không gọi những con người thấu tình đạt lý này là người phương Nam nhỉ? Một lời nói lịch sự lại khó đến thế sao?” và có lẽ tôi sẽ phải tiếp lời ông “ chẳng lẽ cái thái độ ngạo mạn như vậy gọi là văn  minh, là trung tâm của trời đất sao ta?”

Những cuộc giao tiếp rất thú vị của các thiền sư Âu Lạc và những nhà thơ nổi tiếng Trung Quốc.

Sau Thẩm Thuyên Kỳ, gần một thế kỷ sau lại có những cuộc giao tiếp rất thú vị.
     
    
    
    
    
    
 穿   
    
    
 

SƠN TRUNG TẶNG NHẬT NAM TĂNG
Độc hướng Song Phong lão
Tùng môn bế lưỡng nha
Phiên kinh thượng tiêu diệp
Quải nạp lạc đằng ba
Trứu thạch tân khai tỉnh
Xuyên lâm tự chủng trà
Thời phùng nam hải khách
Man ngữ vấn thùy gia?
Trương Tịch

Song Long riêng ngắm sư già
Cửa cài đôi cánh tùng loà xoà xanh
Trên trang lá chuối dịch kinh
Hoa mây rơi vướng áo cà sa phơi
Giếng trong lèn đá khơi ngòi
Trồng trà rừng biếc pha mời khách thăm
Gặp người đến từ biển nam
Bật lời xứ khác thì thầm nhà ai?
Quán Tâm Nguyễn Hiền Nhu


Trương Tịch (768-830) viết tặng Nhật Nam Tăng. Thử tìm hiểu một ít về hai nhân vật này. Trương Tịch là một nhà thơ lớn đời Đường là bạn thân của Bạch Cư Dị, Nguyên Chẩn. Trương Tịch có một quan hệ khá đặt biệt với vùng đất Nhật Nam. Ngoài bài thơ trên ông còn có hai bài thơ khác viết về Nhật Nam. Nhật Nam tăng là ai, đến giờ vẫn chưa có một thông tin gì về nhà sư này. Bài thơ chỉ hé lộ cho ta thấy ông đang dịch kinh ở một trung tâm Phật giáo nổi tiếng của Trung quốc thời bấy giờ. Núi Song Long của tứ tổ thiền tông Đạo Tín (580-651). Ngoài ra không còn có một thông tin nào khác về  nhà sư này.

Bài thơ tiễn biệt Định Không (730-808) pháp sư của Dương Cự Nguyên .

供奉定法師歸安南
故鄉南越外,
萬里白雲峰。
經論辭天去,
香花入海逢。
鷺濤清梵徹,
蜃閣化城重。
心到長安陌,
交州後夜鐘。

Cung phụng Định Pháp Sư quy An Nam
Cố hương Nam Việt ngoại
Vạn lý bạch vân phong
Kinh luận từ thiên khứ
Hương hoa nhập hải phùng
Lộ đào thanh phạm triệt
Thần các hoá thành trùng
Tâm đáo Trường An mạch
Giao Châu hậu dạ chung
Dương Cự Nguyên

Tiễn Cung phụng Định Pháp sư về Nam
Gió mây muôn dặm trắng
Quê người Nam Việt xa
Cửa trời không kinh luận
Gió biển ngát hương hoa
Sóng xanh cò soi bóng
Lầu các mây muôn toà
Trường An liền nỗi nhớ
Đêm Giao Châu chuông chùa
Quán Tâm Nguyễn Hiền Nhu

Bài thơ của Giả Đảo (779-843) tự là Lãng Tiên, hiệu là Kiệt Thạch sơn nhân, người Phạm Dương Hà Bắc, ông thi mấy lần không đỗ bèn đi tu ở Lạc Dương pháp danh Vô Bản, sau đến chùa Thanh Long ở kinh đô Trường An. Ông là người gầy ốm nhưng rất tài hoa tặng thiền sư Duy Giám khi thiền sư đến giảng đạo trong cung vua Đường.

       
   殿 
    
    
    
    
    
    
    
 
Tống Duy Giám Pháp Sư quy An Nam
Giảng kinh xuân điện lý
Hoa nhiễu ngự sàng phi
Nam Việt kỷ hồi quá
Cựu sơn lâm lão quy
Xúc phong hương tổn ấn
Triêm vũ khánh sinh y
Không thủy ký như bi
Vãng lai tiêu tức hy
Giả Đảo

Tiễn Pháp sư Duy Giám về An Nam
Giảng kinh giữa điện ngày xuân
Hoa thơm bay đáp quanh giường vua ban
Mấy phen vượt biển Đông sang
Già nương núi cũ, lên đường về thôi
Gió xua ấn bớt thơm hơi
Khánh mờ rêu bởi mưa rơi lạnh lùng
Nước mây vời vợi con đường
Tin qua tin lại biết phương nào tìm
Quán Tâm Nguyễn Hiền Nhu

Ba nhân vật này; Tiến Sĩ Trương Tịch (768-830), Tiến Sĩ Dương Cự Nguyên (760?-835?), Giả Đảo (779-843). Ôi sao mà nhiều Tiến sĩ quá vậy. Nhưng tôi cũng lạ lùng ở chỗ họ là những con người danh vọng trong học vấn và văn học,  là những người cùng thời với nhau, họ là những danh sĩ, cũng là những viên chức chính quyền trung ương và là những nhà thơ nổi tiếng cùng tìm đến những Thiền sư Âu Lạc để viết những bài thơ đưa tiễn mà hàm ý là ca ngợi vì ngưỡng mộ tài năng. Thiền sư Nhật Nam Tăng đến để dịch kinh. Thiền sư Định Không, Thiền sư Duy Giám đến theo yêu cầu của vua Đường Đức Tôn Lý Quát để giảng kinh. Trong Lịch sử Phật Giáo Việt Nam. Ông Lê Mạnh Thát đã có những lập luận xác đáng về những nhiệm vụ chính trị và ngoại giao mà những thiền sư đãm nhiệm. Nhưng ở đây tôi chỉ muốn bàn về một khía cạnh khác, đó là văn học và tư tưởng. Tư tưởng thì đã khẳng định rồi, dù ở bất cứ vị trí nào trong giai đoạn khốc liệt này, những người dân Âu Lạc cũng đều cố gắng hết sức để thể hiện và rao truyền tư tưởng đó như những tiền bối Mâu Tử, Khương Tăng Hội đã từng làm. Nhưng về mặt văn hoá thì chúng ta chỉ nhận được những bài thơ của khách. Nhưng của chủ thì không. Cái không này phải hiểu là có, thậm chí có thể có nhiều, nhưng đã trở nên không vì nhiều lý do có thể biết được. Điều đó chứng minh cho nền văn học Âu Lạc đã gieo không phải là ít mà rất nhiều hạt giống để hơn một thế kỷ sau nở bừng thành cây xanh quả ngọt

Tôi hoàn toàn chấp nhận ý kiến của ông Lê Mạnh Thát là không có một thiền sư nào tên Phụng Đình hay Phụng Định mà đó là pháp sư Định Không tức là Định Pháp Sư. Một sự ngộ nhận về cú pháp khá lớn đã tạo ra một nghi vấn lịch sử. Có thể ông Lê Mạnh Thát và tôi chủ quan. Nhưng sự chủ quan của tôi (nếu có) chỉ nhằm một mục đích duy nhất để xác định là những hạt giống thơ Việt đã được ươm mầm. Và những người gieo mầm ấy đã làm cho các bậc danh sĩ thiên triều phải khâm phục và thơ phục.

Thiền sư NGUYỄN ĐỊNH KHÔNG
Trong tất cả những thiền sư nêu trên, chỉ có một người mà hậu thế biết được khá rõ ràng niên đại và hành trạng. Đó là Nguyễn Định Không

Trước đó, năm 580 thiền sư Tỳ Ni Đa Lưu Chi (người Ấn Độ) đã đến chùa Pháp Vân ở làng Cổ Châu (Long Biên) cùng với thiền sư Quán Duyên lập ra thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi. Ông tịch năm 594, người kế thừa là thiền sư Đỗ Pháp Hiền (?-626), thiền sư Pháp Hiền là người Châu Diên (nay là thành phố Hà Tây), đã phát triển và đưa thiền phái này đến chỗ cực thịnh, truyền được 19 thế hệ thiền sư (580-1213). Số tăng sĩ được thiền phái này đào tạo hơn cả ngàn người. Cuối thế kỷ thứ VIII, thiền phái này xuất hiện thiền sư Nguyễn Định Không (730-808). Thiền sư Định Không là truyền thừa thế hệ thứ 8 của thiền phái Tì Ni Đa Lưu Chi.

Thiền sư Định Không không phải là người đầu tiên nhen nhóm tư tưởng độc lập dân tộc, nhưng ông là người có những hành động tích cực nhất trong việc này. Lúc này nhà Đường đã suy yếu, tình hình ở Đại Việt rất rối ren, năm 712-722, tại Hoan Châu (Nghệ An) Mai Hắc Đế liên kết với Lâm Ấp và Chân Lạp phất cờ khởi nghĩa, tiếp đến là cuộc khởi nghĩa Đào Tề Lượng (767) Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng (791-798) ở Đường Lâm. Năm 819 Thứ sử Hoan Châu Dương Thanh nguyên là một hào trưởng đã khởi nghĩa giết An Nam đô hộ Lý Tượng Cổ. Những phong trào nổi lên giành tự chủ liên tiếp xảy ra. Những trí thức như thiền sư Định Không, chắc chắn không thể nào đứng ngoài, nhưng là một tu sĩ ông phải thể hiện tính cách không đứng ngoài bằng cách đứng ngoài, chuẩn bị nhen nhóm một đức tin cho nền độc lập. Nhìn thấy thế nước có thể dành lấy nền tự chủ. Đã từng qua lại Trung Quốc nhiều lần, đã tiếp cận giới lãnh đạo chóp bu của nhà Đường đang trên đường mạt vận. Thiền sư Định Không đã nhận ra, thời cơ đã đến gần cho một non sông Âu Lạc. Năm 785 ông cho xây dựng ngôi chùa Quỳnh Lâm ở quê mình là làng Dịch Bảng và tạo ra hiện tượng mười chiếc khánh và làm bài thơ sau:

   
   
     
     
   
   
   
   
Địa trình pháp khí
Nhất phẩm tinh đồng
Tri Phật Pháp chi Hưng Long
Lập hương danh chi Cổ Pháp
Pháp khí xuất hiện
Thập khẩu đồng chung
Lý thị hưng vương
Tam  phẩm thành công
Định Không

Đất trình pháp khí
Phẩm chất tinh đồng
Đưa Phật pháp đến chỗ hưng long
Đặt tên làng gọi là Cổ Pháp
Pháp khí xuất hiện
Mười chiếc chuông đồng
Họ Lý hưng vương
Tam phẩm thành công
Nguyễn Lang

Và ông đặt lại tên làng là Cổ Pháp, nay là huyện Tiên Sơn, Hà Bắc. Ông dặn đệ tử là thiền sư Thông Thiện phải giữ gìn cuộc đất đừng đề bị phá hoại. Thông Thiện ghi lời dặn trên tháp thờ của thiền sư Định Không và trước khi mất thì dặn dò lại cho thiền sư La Quý An (852-936). Quả nhiên, một viên tướng rất giỏi phong thủy của nhà đường là Cao Biền đến và tìm cách phá hoại. Hắn đã cho đào 19 địa điểm để phá, nhưng thiền sư La Quý An cho lấp lại cả và ông làm nhiều việc để chuẩn bị cho ngày quốc gia độc lập như: Quyên góp tài sản và cho đúc tượng Lục Tổ thật lớn bằng vàng, đem chôn gần tam quan để khi gặp người thực tâm giúp nước, giúp dân thì đào lên lấy vàng mà ủng hộ. Tất nhiên thiền sư La Quý An cũng không quên cũng cố niềm tin ấy bằng một bài kệ mang tính sấm vỹ, một hình thức mang tính truyền thông thật hiệu quả trong thời đại ấy:

    
    
    
綿    
    
    

Đại sơn long đầu khởi
Cù vĩ ẩn Chu Minh
Thập bát tử định thành
Miên thụ hiện long hình
Thố kê thử nguyệt nội
Định kiến nhật xuất thanh

Nội dung 3 bài thơ không những mang theo sự khao khát một một đất nước độc lập mà còn chứa đựng cả một kế sách để xây dựng và bảo vệ nền độc lập ấy và liền sau đó là các cuộc kháng chiến nổ ra liên tục và mang tính kế thừa rất cao; Khúc Thừa Dụ (880-907). Khúc Thừa Hạo (907-917), Khúc Thừa Mỹ (917-923), Dương Diên Nghệ (931-938).

Quán Tâm Nguyễn Hiền Nhu

-----------------------------------------------

* Thiệu Long(卲隆)có nghĩa là làm cho những điều cao quý càng lúc càng nhiều hơn.
 ** Nam dữ quán hung liên (南與貫胸連).Câu này Hồ Bạch Thảo dịch là Người Nam có tục lấy dùi xuyên hông  (!?). Ở VN không nghe nói có tộc người nào có tục này.
Trong bản phiên âm của Lê Mạnh Thát ghi là “Nam dự Quán Hung liên”, nên ông dịch là “ Nam giáp Xuyên Hông liền”. Quán Hung trở thành một địa danh
- Từ Quán (貫)có nhiều nghĩa như sau: xuyên qua, thông suốt, nối đuôi nhau, xâu lại thành một chuổi, xâu tiền. quê quán, hiểu thấu… Nói chung là dùng để chỉ một sự liên kết cộng đồng. Ngoài ra công đồng cư dân Việt Nam có một cách thiết lập làng xóm dọc theo các trục giao thông thủy bộ, nhà cất xoay mặt ra bờ sông hoặc mặt đường như là một đặc trưng. Tình hình ấy càng lúc càng phổ biến khắp từ bắc chí nam. Các làng xã nối tiếp nhau và ranh giới thường được ấn định bằng một con lạch nhỏ, con đường mòn,  một bờ tre hay thậm chí chỉ là một hàng rào dâm bụt giữa hai mảnh vườn. Cách thiết lập làng xóm theo kiểu này là đáp ứng yêu cầu gia tăng nhân số, kinh tế giao thông, sự tương trợ. Do vậy tôi hiếu “quán hung liên”là hông liền hông.
Do vậy trong ngữ cảnh này tôi dịch như trên.
*** (雕題) Điêu Đề là một tộc người có phong tục vẻ chàm xanh lên trán.
**** Vô Ngại Thượng Nhân là một thiền sư sống và tu hành ở chùa Tĩnh Cư (Thanh Nghệ Tĩnh) vào cuối thế kỷ thứ VII đầu thế kỷ thứ VIII. Cho đến nay vẫn chưa có thông tin gì về nhân thân và hành trạng của Người.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét