Người theo dõi

Chủ Nhật, 27 tháng 3, 2016

NGHE MƯA

NGHE MƯA



Cách đây vài năm, tôi gặp lại một người học cũ rất thân, nhưng đã lâu rồi chúng tôi không gặp nhau. Sau một thoáng vui mừng ồn ào. Tôi được biết bạn tôi đã trở thành một cư sĩ đạo Bụt, và chúng tôi lại nói với nhau về đề tài này. Một đề tài mà trong quá khứ chúng tôi chưa hề trao đổi. Trong cuộc gặp gỡ này những gì còn đọng lại trong tôi là những gì bạn tôi nói:
- Trong giao tiếp, con người có hai tai để nghe và một cái miệng để nói. Nhưng có lẽ ít ai nghe nhiều hơn nói, mà thường thì nói nhiều hơn nghe. Có lẽ cái cần nghe thì quá nhiều nên tạo hóa cho tới hai tai, cái cần nói thì nên in ít, nên chỉ cho có một cái miệng mà phải cáng đáng thêm cái nhiệm vụ ăn uống. Nhưng hình như, con người thì ít khi lắng nghe mà là nói huyên thuyên, thậm chí đôi khi còn nói bậy, đã vậy còn nói to. Và bản thân tao và mày cũng không ngoại lệ.
Tao may mắn được một nhà sư dạy cho cách lắng nghe, điều này thật bất ngờ, vì ít nhà sư nào nói về việc này. Ông ấy bảo rằng. “Những âm thanh của thiên nhiên mang đến cho con người rất nhiều điều, nhưng chưa bao giờ là một điều gì đáng gọi là giận dữ, cuồng nộ dù đó là âm thanh của một tiếng sét, một cơn bão hay một trận động đất. Không có bất cứ một khái niệm nào dành cho âm thanh của thiên nhiên. Bởi vì khái niệm là sản phẩm của con người. Mà con người cũng là sản phẩm của thiên nhiên. Và ông ấy bảo tao hãy lắng nghe thiên nhiên, vì lắng nghe thiên nhiên là lắng nghe chính bản thân mình. Muốn lắng nghe thì bớt nói.” Tao thật sự ngạc nhiên nhưng không hiểu tại sao tao lại làm theo và tao trở thành cư sĩ tại gia từ đó. Tao không khuyên mày bất cứ một điều gì. Những gì tao nói chỉ là nhân duyên để tao trở thành cư sĩ.

Chúng tôi chia tay. Những lời bạn bè như là một trao gởi và tôi trăn trở mãi về những lời nói ấy. Cho đến một ngày, không hiểu sao tôi lại lấy trên giá sách cuốn Ức Trai Di Tập của Bùi văn Nguyên. Cuốn sách đã cũ, rất cũ và…

聽 雨
寂 寞 幽 齋 裏,
終 宵 聽 雨 聲。
蕭 騷 驚 客 枕,
點 滴 數 殘 更。
隔 竹 敲 窗 密,
和 鐘 入 夢 清。
吟 餘 渾 不 寐,
斷 續 到 天 明。

Thính vũ
Tịch mịch u trai lý,
Chung tiêu thính vũ thanh.
Tiêu hao kinh khách chẩm!
Điểm trích sổ tàn canh.
Cách trúc xao song mật,
Hoà chung nhập mộng thanh.
Ngâm dư hồn bất mị,
Đoạn tục đáo thiên minh.

Nguyễn Trãi

Nghe mưa
Thư phòng nằng nặng đêm trôi
Suốt đêm nghe ngóng bời bời tiếng mưa
Gối trăn trở, khách ngẩn ngơ
Giọt từng giọt đếm cũng vừa tàn canh
Mưa xao khóm trúc vào mành
Tiếng chuông hòa tiếng nước thành cơn mơ
Vẫn thao thức mấy vần thơ
Mưa ngừng, mưa tiếp cũng vừa hừng đông.
Quán Tâm. Nguyễn Hiền Nhu

Không biết Cụ sáng tác bài thơ này vào lúc nào. Nhưng liệu điều đó có hề gì. Tôi đọc bài thơ này khá lâu, cách đây khoảng hai mươi năm, nhưng chẳng thích thú gì? Bây giờ đọc lại và bên tai tôi là lời của bạn. Tất cả mọi trăn trở được giải đáp. Cụ Ức Trai nghe mưa, nghe tiếng gió lao xao qua cành trúc, nghe đêm trôi, nghe tiếng chuông chùa… và cuối cùng nghe ánh nắng lên. Những âm thanh ấy là một số trong hàng hà sa số những âm thanh của thiên nhiên với vô vàn cung bậc khác nhau và luôn luôn mang đến tai người như là một lời nhắn nhủ chân tình, một lời ru bất tận và đôi khi cũng là một lời cảnh báo.
Và Cụ vẫn tiếp tục lắng nghe và thực hiện sự yên bình cho chính bản thân mình bằng cách trân trọng thiên nhiên:

Danh chăng chuốc, lộc chăng cầu
Được chẳng màng, mất chẳng âu
Có nước nhiểu song, mây nhiểu cửa
Còn thơ đầy túi, rượu đầy bầu
Người tri âm ít, cầm nên lặng
Lòng hiếu sinh nhiều, cá ngại câu
Mấy  kẻ công danh nhàn lẳng đẳng
Mồ xanh cỏ lục thấy ai đâu

Rồi Cụ ở chỗ thấu đạt cái lý của thiên nhiên

Phú quý lòng hơn phú quý danh
Thân hòa tự tại thú hòa thanh
Tiền sen tích để bao nhiêu tháng
Vàng cúc đem cho biết mấy bình
Ngoài cửa mận đào là khách đỗ
Trong nhà cam quýt ấy tôi mình
Ai hay, ai chẳng hay thì chớ
Bui một ta khen ta hữu tình

Không ai dạy cho con người biết lắng nghe thiên nhiên. Cuộc sống dạy cho con người phải biết lắng nghe người khác nói, một số khác dạy, thậm chí còn buột  người khác phải biết lắng nghe lời họ nói.

Khi viết bài thơ trên, Cụ Ức Trai cũng không dạy ai. Cụ chỉ lắng nghe thiên nhiên như là lắng nghe chính mình để “Ngâm dư hồn bất mị”. Tuyệt vời. Và như đã biết Cụ đi hết cuộc đời mình bằng một tâm hồn bất mị. Dù kết thúc của Cụ có bi thảm Cụ vẫn mang về cõi sao Khuê một tâm hồn trong sáng ấy.
Giở lại từng trang sử cũ, chúng ta thấy biết bao nhiêu nhân vật lịch sử sau những năm dài cống hiến họ trở về với thiên nhiên sống một cuộc đời đạm bạc. Đạm bạc thật sự và họ đi hết khúc nhân gian của họ một cách bình an. Tất nhiên, nếu để ý một chút, trong cuộc sống hàng ngày có rất nhiều người sống một cách thoải mái vì biết lắng nghe thiên nhiên.

Và tôi viết bài thơ Lắng Nghe ngay khi thấu hiểu được nội hàm của bài thơ Thính Vũ. Tôi không biết bạn tôi có đọc bài thơ này không Tất nhiên có hai điều cần phải lưu tâm: Một là bài thơ của tôi không phải là một bài thơ hay, nó chỉ dừng lại ở chỗ đọc được; hai là tôi tuyệt đối không dám tự so sánh mình với một bậc vĩ nhân. Đơn giản là tôi muốn tìm cho mình một sự bình an cho tâm hồn mình. Điều ấy có nghĩa là tôi đã lắng nghe tôi.

NGHE MÙA XUÂN TỚI

Trong tĩnh lặng ngồi nghe mùa xuân tới
Nghe trong veo sợi nắng ấm đất trời
Nghe cành lá rờn xanh trong gió gọi
Nghe mấy bông hoa đang tủm tỉm cười

Cứ như thế những âm thanh to nhỏ
Làm nên xuân đến nao những tấm lòng
Những giọt nước đang phất phơ đâu đó
Rất dịu dàng gọi tất cả vào xuân

Ai tĩnh lặng ngồi nghe mùa xuân hát
Khúc vô thanh réo rắt cả khung trời
Muôn màu sắc góp lời nên phút chốc
Cả muôn loài cùng cất bước rong chơi

Cứ như thế mùa xuân không có tuổi
Mỗi đận xuân là một đận trẻ trung
Ai tĩnh lặng ngồi nghe mùa xuân tới
Bao nhiêu điều lộn xộn hóa thành không

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét