Người theo dõi

Thứ Ba, 21 tháng 11, 2017

KỶ NIỆM 183 NĂM NGÀY SINH CỦA VUA TỰ ĐỨC (22/9/1829-22/9/2012),

KỶ NIỆM 183 NĂM NGÀY SINH CỦA VUA TỰ ĐỨC (22/9/1829-22/9/2012), NHÌN LẠI TẤM GƯƠNG HIẾU HỌC & HIẾU THẢO CỦA VỊ VUA ĐƯỢC CHO LÀ THÔNG MINH, YÊU NƯỚC NHƯNG GẶP NHIỀU BẤT HẠNH NÀY


Tự Đức là vị vua thứ 4 và ở ngôi lâu nhất trong tổng số 13 vị vua triều Nguyễn (Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Dục Đức, Hiệp Hoà, Kiến Phúc, Hàm Nghi, Đồng Khánh, Thành Thái, Duy Tân, Khải Định, Bảo Đại). 

Ông tên là Nguyễn Phúc Thì, hiệu là Nguyễn Phúc Hồng Nhậm, sinh ngày 25/8 năm Kỷ Sửu (1829), là con thứ hai của vua Thiệu Trị với bà Phạm Thị Hằng (tức Từ Dũ/Từ Dụ), lên ngôi vua từ tháng 10/1847 đến năm 1848 thì đặt niên hiệu là Tự Đức, mất ngày 16/6/ Quý Mùi 1883 (tức ngày 19/7/1883), thọ 54 tuổi, ở ngôi 36 năm. 

Cả thời gian dài, do đánh giá chưa đúng về nhà Nguyễn nên hầu như người ta chỉ biết đến Tự Đức với những tội lỗi: nào là nhu nhược, hèn nhát, bán nước, đầu hàng giặc...mà quên mất rằng chính ông là người rất thông minh và cũng nặng lòng với nước. 


Cả việc công cũng như đời tư của Tự Đức mặc dù có chỗ làm cho lịch sử chưa “bằng lòng”, nhưng có rất nhiều điều đáng để chúng ta tôn kính, noi gương học tập, đặc biệt là sự hiếu học, hiếu với mẹ cha và tính trung thực - dám thừa nhận những thiếu sót của mình trước yêu cầu của đất nước, của dân sinh, mong muốn mọi người hiểu biết tường tận về lịch sử của ông cha. 

Mặc dù là người hay ốm yếu, có nhiều khi không đủ sức để đứng làm chủ tế nhưng từ thuở nhỏ đến trưởng thành và cả lúc tuổi cao, Tự Đức luôn có ý thức chăm lo học tập, với tinh thần tự học là chính. ông thường có thói quen thức khuya và dậy sớm để đọc sách mỗi ngày, bao gồm nhiều loại sách (cả sách Tàu và sách ta, chỉ tiếc là chưa đọc sách Tây được bao nhiêu), đặc biệt rất thích đọc sách sử nước Nam. 

Chính ông là người chỉ đạo Quốc sử quán biên soạn bộ sử “Khâm Định Việt sử thông giám cương mục” và còn chắp bút viết nhiều đoạn cho tác phẩm này; rồi chỉ đạo cho các sử thần viết quyển “Việt sử tổng vịnh”, trong đó Tự Đức viết bài Tựa và nhiều bài vịnh lịch sử về Vua Hùng, Mai Hắc Đế, Dương Đình Nghệ, Ngô Quyền... 

Chính nhà vua đã viết trong tác phẩm “Ngự chế thi tập”: trong những giờ rảnh rỗi việc chính trị, chỉ có lạc thú duy nhất là đọc sách. Một mình cần cù lấy sách mà giải, rồi trình độ học vấn cứ từ từ mà tiến…Tự Đức từng được người đời gọi là “ông vua hiếu”. 

Dù đã làm vua nhưng ông vẫn luôn kính cẩn, tôn trọng sự cố vấn, vâng lời dạy bảo của cha mẹ (đặc biệt là mẹ). Tự Đức còn ghi chép những lời mẹ dạy thành cuốn sách có tên là “Từ huấn lục”. Thậm chí, có lần do mải mê xem cảnh thiên nhiên mà về cung hơi muộn, biết mình có lỗi với mẹ nên ông tự lấy cái roi to đặt lên mâm son rồi nằm úp mặt xuống đất duỗi tay chân chờ mẹ đánh. 

Tìm trong lịch sử nước ta chưa từng thấy có vị vua nào như thế. Trong sách “Từ Dụ Hoàng thái hậu truyện”, vua Tự Đức còn viết: Đức vua phụng sự mẹ chí hiếu lắm. Bà thường muốn nghe đọc sách sử, vua thuận theo ý bà. Chẳng có khi nào dám trái ngược, chừng nào mẹ hết muốn nghe, bảo thôi đọc thì vua mới thôi. Chẳng những việc đọc sách sử mà bất cứ chuyện gì, vua cũng nhất nhất thừa theo ý mẹ.

Người đời còn gọi Tự Đức là nhà thơ, nhà “vua văn học” vì sự chuyên tâm, ham thích và số lượng sáng tác, còn soạn một số sách để dạy ngữ pháp cho dân dễ hiểu. Ngoài ra, Tự Đức còn rất yêu thích nghệ thuật, muốn giữ gìn bản sắc văn hoá dân gian, đặc biệt là tuồng cổ. ông từng tập trung về kinh đô Huế những người tài giỏi để soạn nhiều vở tuồng lớn, trong đó có vở “Vạn bửu trình tường”, “Quần phương hiến thuỵ” diễn nhiều đêm mới hết. 

Một nét rất đặc biệt trong tính cách của Tự Đức là làm việc chăm chỉ - cẩn thận, lấy việc sạch sẽ làm đẹp, rất thích màu vàng (đi dép, quàng khăn, đội mũ… đều màu vàng), không thích phụ nữ nhiều đồ trang sức. Tự Đức lấy vợ từ lúc 14 tuổi, sau đó còn lấy thêm 103 vợ nữa nhưng đến năm 35 tuổi mà vẫn chưa có con, rồi phải lấy người đã qua một đời chồng (đã có con) mà vẫn vô sinh, phải nhận 3 người cháu để làm con nuôi. Đó là Nguyễn ưng ái, Nguyễn ưng Đăng và Nguyễn ưng Đường (sau này là các vua Dục Đức, Kiến Phúc, Đồng Khánh). 

Nhìn lại những điều mà mình làm chưa tốt cho đất nước, bị dân than phiền thì Tự Đức thành thật ăn năn: “làm mất nước, mất đất, mất dân, không mặt mũi nào mà vào chốn miếu đường”. 

Công bằng mà nói, vua Tự Đức trị vì trong điều kiện đất nước đứng trước sự gõ cửa, rồi bị thực dân Pháp tấn công quyết liệt. Gánh nặng lịch sử đó đặt lên vai vua Tự Đức - một ông vua gầy yếu, “lệ thuộc” lớn từ người mẹ nên có phần không quyết đoán khi giải quyết nhiều công việc trọng trách có ý nghĩa sống còn của cả dân tộc. 

Tự Đức đã biến sự mất nước của ta từ không tất yếu trở thành tất yếu. Triều đình nhà Nguyễn mà đứng đầu là vua Tự Đức lần lượt chấp nhận ký các hiệp ước với Pháp (Hiệp ước Nhâm Tuất 1862, Hiệp ước Giáp Tuất 1874, Hiệp ước Hắc-măng năm 1883, Hiệp ước Pa-tơ-nốt năm 1884), nước ta từng bước mất dần chủ quyền dân tộc. 

Vài năm trở lại đây, nhà Nguyễn đã được đánh giá sát với sự thực lịch sử: công nhiều hơn tội thì không có lý do gì mà chúng ta không tìm hiểu kỹ về Tự Đức để thấy được đóng góp của ông cho lịch sử dân tộc và tìm thấy ở ông những bài học bổ ích cho cuộc sống, đặc biệt là tinh thần tự học, ham đọc sách.

Nguồn: http://www.ninhbinh.edu.vn/%28S%284fgsl1jv3etogw32lucxdw55%29A%28OCPg_5_xzAEkAAAAMmI5YWFhNDMtZWFlMS00ZDgxLWI0OTMtZTNkZGFkOTZjMWE0Q_zCgq6c0f1WJAMV7tmobs9ps6I1%29%29/viewdetails.aspx?Id=3293&AspxAutoDetectCookieSupport=1

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét