Người theo dõi

Chủ Nhật, 19 tháng 11, 2017

NÉN HƯƠNG LÒNG GỞI ĐẾN NHỮNG QUÝ THẦY CÔ YÊU KÍNH CỦA TÔI.

NÉN HƯƠNG LÒNG GỞI ĐẾN NHỮNG QUÝ THẦY CÔ YÊU KÍNH CỦA TÔI.

Tôi vốn dĩ là một tên lơ mơ, chưa bao giờ quan tâm đến những ngày lễ, tết. Nhất là những ngày như Valentine, Ngày Phụ Nữ, ngày của Mẹ, ngày của Cha, ngày Nhà Giáo và kể cả những ngày Tết mang tính truyền thống như Nguyên Đán, Trung Thu, Giáng Sinh hay Phật Đản hay ngày sinh nhật của tôi. Tôi có một lý do chắc nịch để biện bạch cho cái tính lơ mơ này là ngày nào tôi cũng yêu bồ tôi, chăm lo chu đáo cho vợ tôi, ngày nào tôi cũng vâng lời và kính trọng Ba Mẹ, người sinh thành dưỡng dục tôi. Thầy cô giáo đã dạy dỗ và trao truyền kiến thức cho tôi. Ngày nào tôi cũng vui vẻ và hòa nhã đối với mội người chung quanh, ngày nào tôi cũng nghe và tuân theo lời răn của Chúa, nhìn theo ngón tay của Bụt, thế thì tại sao tôi bận bịu cái giống gì mà mỗi năm chỉ dành cho họ có một ngày.
Nhưng từ khi lang thang trên Net, thì hễ tới ngày nào đó thì mọi người ồn ào hoa, quà cùng những lời chúc tụng không bao giờ có thật gởi đến nhau. Hóa ra trong cái thế giới ảo này cũa màu mè ra phết.
Thôi thì nhập gia tùy tục vậy. Hôm nay ngày Nhà Giáo 20-11. Tôi cũng hoa hòe hoa sói viết đôi giòng màu mè cùng một nén hương lòng kính gởi đến quý Thầy Cô đã từng dạy dỗ cho tôi có một ít kiến thức và tính cách mà tôi mang vào đời gần 70 năm qua.

- Trước tiên là thầy Thịnh và cô Điệp. Thầy cô là người thầy đầu tiên dạy cho tôi viết chữ I, chữ Tờ bằng gạch non, trước sân đình làng xã Thới An, Thầy cô là thầy cô giáo phụ trách lớp Bình Dân Học Vụ xóa mù chữ của mặt trận Việt Minh, bọn nhóc con chúng tôi ăn theo, được thầy cô dạy bằng một thứ học cụ ấn tượng như thế, vậy mà sau mấy tháng tôi vẫn có thể đọc được thơ Chàng Nhái Kiển Tiên, Thoại Khanh Châu Tuấn, sau khi ký kết hiệp định Genève 1954, thì thầy cô về Sài Gòn (nghe nói vậy) từ bấy đến giờ không có tin tức gì, nếu như thầy cô còn sống thì đã ngoài 90
- Sau đó lớp học ấy được chuyển cho thầy Đào Hữu Tùng, thầy Tùng dạy chúng tôi cũng bằng cái thứ học cụ ấn tượng ấy, và tôi là thằng nhóc duy nhất trong lớp học sử dụng cái cục gạch non ấy vừa viết chữ vừa lăn tròn nó thành cục đạn culy, thầy dạy được mấy tháng rồi thì gia nhập quân đội VNCH, mang lon Trung Úy, sau thầy bị thương ở chân, thầy ra loại 2 rồi chuyển qua CSQG, 30-4-1975 thầy đi Tập Trung Cải Tao hết 15 năm, rồi đi định cư sang Mỹ năm 1990, sau đó không chịu nổi cuộc sống tha hương nên trở về Việt Nam và mất ở Vị Thanh.
- Năm 1956, ba tôi gởi tôi ra Rạch Giá ở với ông bà nội ở xóm Bánh Tầm, ông nội cho tôi vào học lớp năm ở trường Tiểu Học Vĩnh Lạc với thầy Hà văn Ệch. Học với thầy Ệch hết lớp năm, ngoài những kiến thức mà chương trình đã vạch ra thầy Ệch cho trị được cho tôi cái bệnh ở dơ, nghĩa là biết giữ gìn tập vỡ không lấm lem mực mỡ, không cuốn mép, tay chân, áo quần không lấm lem mồ hôi, bùn đất, đầu cỗ, mình mẫy không đóng hờm đến độ trở thành vườn cây biết đi. Thầy về hưu trước ngày 30-4-1975, sau đó mất năm nào tôi không nhớ.
- Năm 1957, tôi lên lớp tư học với thầy Lê Phát Thành. Thầy Thành rất hiền, trong lớp thầy có treo một cây roi mây luôn luôn mới cáu (vì thầy không đánh học trò bao giờ), mục đích để hù. Tôi là đứa học trò duy nhất bị thầy quất cho ba roi quắn đít vì cái tội lượm trái bàng rụng trong sân trường chọi túi bụi vào một thằng bạn mượn cây viết chì của tôi mà không hỏi. Học được nửa năm thì bà nội bệnh, ông nội lại phải đưa về Cái Mới vì ông nội phải chăm sóc bà nội nên không có thời gian chăn tôi. Về Cái Mới ba tôi đưa vào trường làng Thới An học tiếp lớp Tư với thầy Lâm văn Khương. Lúc này chính quyền VNCH xây trường học khắp các xã ở miền Nam, xã lớn thì  trường Tiểu học có đủ 5 lớp từ lớp năm đến lớp nhứt, xã nhỏ thì trường sơ cấp tiểu học từ lớp năm đến lớp ba. Thầy Khương rất hiền nhưng thầy kẹp tôi như cái êtô, nhờ vậy mà tôi học rất giỏi. Thầy dạy ở rất nhiều trường mãi sau năm 1975 thầy mới về hưu rôi đi định cư và mất ở Mỹ.
- Năm 1958 tôi lên lớp ba học thầy Huỳnh Trung Nhiễn. Thầy Nhiễn rất nghiêm khắc, thầy là người thầy có tác động rất mạnh với tính cách của tôi sau này. Ngoài việc dạy tôi cách viết văn (trong môn tập làm văn) thầy còn dạy tôi rất kỹ về cách viết chữ đẹp và rất nghiêm khắc về chính tả (riêng tôi thôi, môn chính tả mà tôi vướng ½ lỗi hay chỉ cần một chữ cua bò thôi là xòe tay ngay). Về môn tập làm văn có một kỷ niệm mà suốt đời tôi không quên. Số là gần tết, nên thầy ra cái đề thế này “em hãy tả lại cảnh chuẩn bị ăn tết của gia đình mình”. Bài tập làm văn của tôi được điểm 8 và thầy đọc cho cả lớp cùng nghe, trong phần kết luận, tôi viết “ trong cái lành lạnh của gió bấc, mẹ tôi, tôi và các em ngồi quây quần bên ánh lửa nấu nồi bánh tét để cúng ông bà trong mấy ngày Tết.. Cái lạnh của gió bị xua đi bởi ánh lửa hồng và nhất là cái hơi ấm của tình mẫu tử được gần nhau”. Không hiểu trong lúc tôi viết, thằng bạn ngồi kề bên cọp dê như thế nào mà nó photo lại như thế này “trong cái lành lạnh của gió bấc, mẹ tôi, tôi và các em ngồi TRONG nồi bánh tét. Cái lạnh của gió bị xua đi bởi ánh lửa hồng và nhất là cái hơi ấm của tình mẫu tử được gần nhau”. Và cái bài tập làm văn ấy cũng được đọc cho cả lớp cùng nghe, cả lớp có một trận cười bể bụng và hắn được tặng cho ba roi muốn bể đít vì “vi phạm luật bản quyền”. Thực tình, với cái trình độ nửa lớp ba của tôi thì chắc cú là đoạn viết đó tôi cũng cóp ở đâu đó trong các bài bản cải lương mà tôi nghe được từ cái radio. Trường chỉ đến lớp ba là hết, muốn học lớp nhì phải thi tuyển ra trường Nam Tiểu Học ở Rạch Giá. Cuối năm học, thầy chọn 17 đứa (không có thằng bạn vi phạm bản quyền) lên Cái Bần (xã Thủy Liễu) để thi tuyển lấy 50 học sinh có điểm cao nhất ra học lớp nhì ở trường Nam Tiểu Học. Tính ra ba trường Long Thạnh (Bến Nhứt, Đường Xuồng), Thủy Liễu (Cái Bần Lớn, Cái Bần Bé). Thới An (Cái Mới Lớn, Cái Mới Nhỏ) với khoảng 200 học sinh. Tờ mờ sáng thầy dẫn chúng tôi lội bộ băng theo đường mòn lên Cái Bần. Thầy phát cho mỗi đứa tập nháp và bút mực cùng với hai cái bánh cà bắp. Một tuần sau có kết quả là 17 đứa học trò của thầy chia nhau 20 thứ hạng đầu. Tôi đậu hạng nhất và 4 đứa khác hạng tiếp theo mỗi đứa mỗi tháng được 200 đồng học bổng. Sau khi rời thầy, thầy là người theo dõi từng bước chân học hành của tôi, từng bước chân đời của tôi và luôn luôn cho những lời khuyên bảo dạy dỗ kịp thời khi tôi có những biểu hiện không tốt. Nhưng chưa bao giờ thầy tỏ ra nghiêm khắc với tôi khi tôi vướng vào những sai lầm. Thầy dõi theo bước chân tôi cho đến cuối đời.
- Năm 1958, tôi ra học lớp Nhì E trường Nam Tiểu Học với thầy Lê Tùng Chinh. Thầy Chinh rất đẹp trai, mới ra trường về dạy. Thầy rất nghiêm khắc (và cũng chỉ với tôi thôi, chắc có lẽ thầy biết coi tướng). Thầy chăm tôi rất kỷ, thấy tôi viết chữ đẹp mà quá ẻo lả, lại hay fantasy quá đáng, tướng tá thì như cò ma mà lại đen nhẽm, nên thầy rèn tôi rất dữ từ cách sửa nét chữ cho cứng cáp, rõ ràng dễ đọc. Dạy cho tính ngay thẳng, nhưng nói năng phải đàng hoàng lễ độ. Tất cả đều có hiệu quả, nhưng lại lòi ra cái tính ham ăn thua, hay cãi lộn. Lúc đó học sinh cuối tháng ai có điểm trung bình cao nhất thì đưa lên bảng Danh Dự, và tôi được thầy giao cho nhiệm vụ viết tên của năm học sinh ấy lên bảng với giao hẹn rõ ràng “em viết thì phải có tên em” Và tôi không phụ lòng thầy, suốt 9 tháng của năm học tôi đều viết tên mình trước nhất được 8 lần. Sau này thầy đổi về Long An và nghe nói thầy mất vì tai nạn giao thông. Năm học này tôi dính vào một chuyện khá buồn cười. Tôi đi làm báo. Số là tôi có một người chú họ là phóng viên cho tờ nhật báo Buổi Sáng ở Sài Gòn, ông ấy có nghe người ta nói trong xã Thới An (quê tôi) có một tay ủy viên Cảnh Sát chuyên ăn hối lộ, bắt nạt những người kháng chiến cũ (đã về làm tờ trình với chính quyền Quốc Gia rồi về làm ăn), ngoài ra lúc đó chính quyền quốc gia có làm con lộ từ Đường Xuống về Cái Mới lớn, tiền thuê nhân công là 50 đồng cho việc đào một mét khối đất, tay này trả cho dân chỉ có 30 đồng, những người theo Việt Minh thì đào đất không công, tiền hắn lủm hết (trong đó có ba tui), ông chú tôi không thể về được để thu thập tài liệu, nên nhân dịp tôi nghỉ Tết, ông ấy giao cho chiếc xe đạp và mấy chục đồng bỏ túi, rồi chỉ cho tui cách thu thập tài liệu (vì con nít hỏi thì không ai chú ý). Thế là tui hăng hái nhận lời làm theo đúng những gì ông ấy chỉ dẫn rồi mang về đưa cho ông ấy. Thế là sau ba ngày đăng báo, cả làng Thới An như ngồi trên đống lửa, còn tay ủy viên cảnh sát kia, nghi người này, ngờ người nọ, nhưng không ngờ là một thằng nhóc con mới 11 tuổi. Cuối cùng ông ta bay chức, một tháng sau cái cuốn tập mà tôi ghi ghi chép chép ấy lọt vào tay thầy Chinh, thầy mang lên trình cho thầy Khánh hiệu trưởng, thầy Khánh là bạn của ông nội tui, thế là mọi việc vở lở, tôi bị ba tôi nẹt cho một trận ra trò, còn ông nội thì bênh, thầy Khánh, thầy Chinh thì nhìn tôi mà lắc đầu, nhưng sự ưu ái dành cho tôi trong học tập được tăng lên mấy bậc. Học bổng hàng tháng của tôi bao giờ cũng có trước khi quý thầy cô nhận lương.
- Năm 1959, tôi học lớp nhất A với thầy Trần Hữu Ân, thầy Ân là người thầy duy nhất thời bấy giờ có mở lớp dạy thêm tại nhà riêng ở đường Quang Trung, học phí chẳng là bao nhưng bọn học trò quỷ quái đến học thì ít có thằng nào đóng học phí một cách nghiêm túc, nhưng thầy không đòi bao giờ, chỉ nhắc nhỡ một hai lần rồi thôi, đứa nào xin tiền ba má được thì đóng, không thì thôi chớ thầy không đuổi, riêng tôi thì thầy nói “em không có tiền thôi vậy, nhưng đừng nghỉ học. Năm lớp nhứt tôi học kém, một phần vì ham chơi, một phần vì ba mẹ gặp quá nhiều khó khăn khi phải nuôi sáu anh em tôi đi học và chăm sóc cho bà nội đau yếu liên miên. Thầy Ân là một người khá linh hoạt trong kinh doanh, sau này thầy nghỉ dạy chuyển sang trường Trung học Nguyễn Trung Trực làm giám thị một thời gian rồi cũng nghỉ về kinh doanh xăng dầu, sau năm 1975 thầy mất khi đang thụ án trong một vụ án kinh tế.
- Năm 1960, tôi lấy bằng Tiểu Học rồi thi vào đệ thất trường Nguyễn Trung Trực, rớt một cái Ạch, đành xách tập qua học trường bán công Lâm Quang Ky, năm đệ thất trôi qua với những môn học mới và rất nhiều thầy cô mới, nhưng không để lại ấn tượng gì nhiều.
- Năm 1961 tôi học đệ lục, học Việt văn với thầy Nguyễn văn Thành, học Pháp văn với thầy Nguyễn văn Đốc, học Sử Địa với thầy Trần Thanh Vân. Tôi học ba môn học này rất giỏi, nhanh chóng trở thành đệ tử ruột của thầy Thành, học trò cưng của thầy Vân, học trò ngoan của thầy Đốc. Đây là một năm học ấn tượng nhất của tôi, ba người thầy này luôn luôn trả lời những câu hỏi thuộc loại trời thần của tôi về môn học mà các thầy phụ trách. Thầy Thành dạy tôi một cách chỉnh chu về các luật thơ, tôi biết làm thơ Đường vào loại “sạch nước cản” vào năm học này, tôi nắm vững quá trình lịch sử và hình thế nước Việt qua bài học và sách vở do thầy Vân cho mượn hoặc đọc cọp trong cách tiệm sách và tôi nói tiếng Tây như Tây Ma Ní, thầy Đốc có cho tôi cuốn Grammaire, L’art Conjuez du Verbe. Những kỷ niệm đẹp nhất, ấn tượng nhất của tôi trong thời học sinh đều nằm ở năm học này.
- Trước nhất là thầy Thành với một câu nói mà thầy nói với tôi khi tôi đem khoe với thầy bài thơ đầu tiên thầy nói với tôi “ Các em muốn viết văn, muốn làm thơ thì phải biết cách đọc văn, đọc thơ các bậc tiền bối. Thơ văn có giá trị ban đầu chỉ là những manh giấy gói. Các em khi đọc hãy biết cách mở nó ra để xem bên trong tác giả gói cái gì. Khi các em biết cách mở thì khi các em viết các em sẽ biết cách gói”
Phải rất lâu sau, tôi mới biết cách “mở ra cái manh giấy gói”của thầy mình đưa cho.
Sau đó, thầy đi quân dịch và hy sinh vì nước ở Vãy Ốc.
- Thầy Vân dạy Sử địa có cho tôi mượn cuốn Đại Việt Sử Ký tiền biên, tôi đọc ngấu nghiến suốt cả tuần rồi mang trả cho thầy và lại hỏi về vua Lê Long Đỉnh với cái thắc mắc gần như quay ngược lại 180 độ những gì được học. Tôi căn cứ vào những thông tin mà ngay trong cuốn sử ấy cung cấp và hỏi thầy “Tại sao lại gọi vua Lê Long Đỉnh là hôn bạo chúa được khi mà ông chỉ có làm vua có 4 năm mà dẹp tan nội loạn trong nước, tránh được cảnh loạn sứ quân, phát triển kinh tế, văn hóa, đắp đường, lập bến đò công cộng cho dân, tạo ra hai kỷ lục cho đất nước là quốc gia đầu tiên gắn trụ cây số, tạo ra trạm thương mại qua biên giới hai nước Việt Hoa. Nhưng nhất là làm cho nước Tàu phải e dè không dám đem quân xâm lược…”. Sau đó tôi còn nói thêm “ Thầy cho phép em mang đề tài này làm một buổi thuyết trình vào tháng sau”. Thầy trố mắt nhìn tôi rồi ôn tồn bảo: ” Ý kiến của trò rất tốt, học sử như vậy mới đáng, nhưng việc làm một buổi thuyết trình về đề tài này thì khoan đã, đây là vấn đề lớn, trò phải có thêm kiến thức để lập luận được vững chắc hơn”. Từ đó, tôi tha hồ được đến nhà thầy quậy phá tủ sách của thầy.
- Riêng thầy Đốc thì có một cuộc đời đầy gian nan, thầy đối đãi với học trò đúng mực và nghiêm túc. Việc học Pháp văn với thầy thì không có gì phải nói, học trò phải nói đúng giọng, viết và học phải đàng hoàng, nhất là phải thuộc nhiều vocabulaire. Chỉ có vậy. Nhưng tôi là một tên tiểu quỷ, tuần nào cũng bị consigne. Thầy Huỳnh văn Giáo tuần nào cũng thấy cái mặt loắt choắt của tôi xuất hiện. Hôm đó thầy kêu tôi lên bảng viết một câu tiếng Pháp mà thầy đọc “Je suis un chien” tôi cầm cục phấn mà run bần bật nhưng cũng cố viết. Khi viết xong thầy bảo “thème”. Tôi viết “ Tôi dắt một con chó”. Thầy tiếp “Analysez suis”. Tôi trả lời “ Suis, verbe suivre, troisième group, première person, temps present, mode indicatif”. Thầy bảo “ Trò về được rồi nhớ dắt con chó về theo, nhưng đừng là một con chó tuần nào cũng vô đây”. Verbe Être và verbe Suivere chia ở ngôi thứ nhất, thì hiên tại, thể xác định viết y hệt như nhau: suis. Thông thường học trò học Pháp văn thì thuộc Verbe Être như cháo, nhưng ít ai thuộc verbe Suivre. Nhưng tôi thuộc là nhờ thầy Đốc và cái tính tò mò soi mói. Suivre đúng ra là đi theo, nhưng dịch là dẫn dắt, nên sau nầy khi biết chuyện thầy Đốc xoa đầu tôi và cho một cục kẹo (lúc nào trong túi thầy cũng gói kẹo mua ở tiệm Tân Hòa.
*** *** ***
Tất cả quý thầy cô giờ đây không còn ai nữa. Nhưng mỗi khi bạn bè tụ tập nhau chúng tôi thường nhắc đến thầy này, cô kia với những kỷ niệm của riêng mình. Dù rằng, trong quá trình học tập chúng tôi có thể thương kính thầy cô này, không thích thầy cô kia. Nhưng tuyệt đối là luôn luôn kính trọng và biết ơn. Hầu hết các thầy cô mà tôi vừa kể chì có vài vị có học sư phạm như thầy Vân, thầy Chinh. Nhưng quý thầy cô lúc nào và trong hoàn cảnh nào cũng hành xử với học trò mình đúng mực tác phong của thầy cô giáo, dù cho sau này có những học trò thành đạt có địa vị xã hội cao hơn, nhưng khi gặp lại nhau thì tình thầy trò cũng vẫn y như ngày còn cắp sách đến trường.
Tôi không viết gì nhiều về thầy cô mình. Chỉ mấy giòng viết viếng khi thầy Huỳnh Trung Nhiễn mất và sau đó vài câu vào sổ lưu niệm của thầy Đốc khi đến thăm thầy bệnh. Hôm nay ghi lại như thắp một nén hương lòng gởi đến hương linh quý thầy cô:

VIẾNG THẦY HUỲNH TRUNG NHIỂN*
Thầy đem chữ phát cho đời,
Con đem chữ bán cho người kiếm cơm.
Chữ của thầy, tấm lòng son,
Sao dời vật đổi vẫn còn tươi nguyên.
Chữ của con nặng hơi tiền,
Tươi màu sơn để lụy phiền nhân gian.
Thầy nay về với thiên đàng,
Nén hương viễn biệt ngỡ ngàng lòng con.

THĂM THẦY DẠY PHÁP VĂN
Chữ thầy cho đã rụng rơi
Dần theo từng bước chân đời quàng xiên
Chữ nhân cách suýt nghiêng chiềng
Thăm thầy để giữ vẹn nguyên chữ này.

20-11-2017

Quán Tâm Nguyễn Hiền Nhu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét