Người theo dõi

Thứ Bảy, 23 tháng 4, 2016

BÀI THƠ “NAM QUỐC SƠN HÀ”

 BÀI THƠ “NAM QUỐC SƠN HÀ” CÓ TỪ BAO GIỜ?

“Nam Quốc Sơn Hà” (1) là một bài thơ với nội dung khẳng định nền độc lập tự chủ của dân tộc ta với nhà Tống phương bắc. Đây là bài thơ mà nhiều người đã từng nghe qua, nhưng có vài điều liên quan đến bài thơ mà hậu thế chúng ta đến nay vẫn chưa biết. Những nghi vấn như: bài thơ trên do ai sáng tác? Bài thơ xuất hiện lần đầu tiên vào thời gian nào? Bối cảnh lịch sử liên quan đến nội dung của bài thơ ra sao?

Nghi vấn về thời điểm xuất hiện của bài thơ
Nhiều người cho rằng bài thơ trên xuất hiện lần đầu tiên vào thời vua Lý Nhân Tông (2) trong trận đánh Tống trên sông Như Nguyệt năm 1076-1077 (3). Lý Thường Kiệt đã cho người vào đền thờ Trương Hống, Trương Hát (4) đọc lên vào lúc nửa đêm, nhằm mục đích làm giảm tinh thần chiến đấu của quân Tống và cũng nhân đó làm tăng thêm tinh thần đánh giặc của quân ta.


Thế nhưng, trong quyển sách “Bối cảnh định đô Thăng Long và sự nghiệp của Lê Hoàn” do nhóm tác giả thuộc Hội Sử học Hà Nội, nhiều nhà nghiên cứu đã khẳng định rằng bài thơ này ra đời vào thời Tiền Lê và đã được Lê Hoàn sử dụng trong trận đánh Tống năm 981. Ngoài ra, trong Tạp chí Hán Nôm số 5, năm 2005, bài “Nam Quốc Sơn Hà và Quốc Tộ
- Hai kiệt tác văn chương chữ Hán ngang qua triều đại Lê Hoàn”, phó Giáo Sư Bùi Duy Tân cũng đã khẳng định rằng bài thơ “Nam Quốc Sơn Hà” có từ thời Tiền Lê.
Hơn nữa, trong bài “Lịch sử, sự thật và sử học” được đăng trong báo Tổ Quốc, số 401 tháng 1-1988, Giáo Sư Hà Văn Tấn có viết rằng: “Không một nhà sử học nào có thể chứng minh được rằng bài thơ Nam quốc sơn hà là của Lý Thường Kiệt. Không có một sử liệu nào cho biết điều đó cả”. Không những thế, trong bài “Pháp Thuận và bài thơ thần nước Nam sông núi”, một lần nữa thiền sư Lê Mạnh Thát cũng đã khẳng định bài thơ này xuất hiện dưới thời vua Lê Đại Hành (5) đánh Tống.Vậy đâu là sự thật?

Nội dung bài thơ

Nhằm giúp tìm hiểu xem bài thơ trên có từ thời nào, trước hết chúng ta hãy xem xét nội dung của bài thơ. Mặc dù hầu hết mọi người đều hiểu ý nghĩa của bài thơ này, tuy nhiên có những điều mà nhiều người thuộc bài thơ trên vẫn chưa hiểu hết. Nhất là hai chữ “Thiên Thư” đã được hầu hết các dịch giả xem là danh từ chung, trong khi có ý kiến cho rằng “Thiên Thư” chính là tên của một bộ kinh bên Trung Hoa; và hai chữ “Thiên Thư” trong “Nam Quốc Sơn Hà” chính là danh từ riêng để chỉ bộ sách đó (6).

Như vậy, nội dung của bài thơ trên tạm diễn giải như sau: sông núi nước nam là của vua nam, ranh giới Tống - Việt đã được phân định rõ ràng trong kinh “Thiên Thư”. Như các người đã biết, đây là bộ sách do Trời gửi xuống dạy như vậy. Tại sao các người dám cãi lại Sách Trời, dám sang đây xâm phạm ranh giới mà Trời đã phân chia? Cãi lại Sách Trời tức là cãi lại Ý Trời, mà cãi lại Ý Trời thì hậu quả thế nào các người sẽ biết: bị đánh tơi bời chứ chẳng phải chơi!

Việc Lý Thường Kiệt cho người vào đền thờ Trương Hống, Trương Hát đọc thật to để nhắc lại cho quân Tống biết rằng việc làm của họ là trái với Thiên Thư, trái với những điều mà họ tin tưởng trong Sách Trời thì trước sau gì họ cũng sẽ bị quân Việt đánh bại. Mục đích của Lý Thường Kiệt nhằm làm nhụt nhuệ khí của quân Tống, dẫn đến việc bại trận mà sau đó quân Tống đã phải rút lui khỏi nước ta.

Nguồn gốc và ý nghĩa của hai chữ “Thiên Thư” trong bài thơ

Thiên Thư là tên của một bộ sách được soạn dưới thời vua Tống Chân Tông (7). Vào thời này, nước Tống bị nước Liêu phía bắc uy hiếp, bắt phải cắt đất dâng và cống nạp thường xuyên. Phía tây, Tống bị Tây Hạ nhiều lần đưa quân tấn công. Phía nam thì Đại Cồ Việt mạnh lên nên không chịu thần phục. Thay vì triều đình nhà Tống tìm cách củng cố lại đất nước, làm cho dân giàu, binh hùng, tướng mạnh…để các nước xung quanh thần phục, nhưng vua Tống Chân Tông đã không làm như vậy. Vua Tống nghe theo lời của Tể tướng Vương Khâm Nhược cho làm lễ tế cáo trời đất, trấn phục bốn phương để các nước xung quanh sợ mà thần phục.

Năm tên gian thần thời đó mà Tống sử gọi là “ngũ quỷ”, đó là Vương Khâm Nhược, Đinh Vị, Trần Nghiêu Tẩu (8), Lưu Thừa Khuê (9) và Trần Bành Niên (10) đã hiến kế rằng: để cho việc cúng tế được linh nghiệm và cũng để cho dân chúng thật lòng tin tưởng vào chuyện này, cần phải có bộ sách do nhà trời ban xuống, đó là “Thiên Thư”. Vua Tống đã đồng ý cho soạn bộ sách này; đến năm 1019 thì “Thiên Thư” đã được soạn xong, vua cho người đem giấu trong hang núi Càn Hựu, phía nam Trường An. Rồi sau đó cho người loan tin rằng: “từ xưa, trời có ban cho chúng ta một bộ sách, đó là Thiên Thư, được cất giữ trong hang núi Càn Hựu” (11).

Nội dung bộ Thiên Thư nói rằng: vua Tống là con của trời, do trời sai xuống trần gian để cai trị thiên hạ. Vì vậy, dân chúng ở phía bắc là Địch, phía tây là Nhung, phía nam là Man và phía đông là Di là các sắc dân phải nghe theo lời của trời mà quy phục thiên tử, tức vua Tống Chân Tông thời bấy giờ. Sách cũng định rõ biên giới giữa Trung Hoa với các nước xung quanh như: đông, tây, nam, bắc. Sau đó, vua Tống Chân Tông cho người trốn vào trong các đền thờ linh hiển nhất nước để đọc cho dân chúng nghe, làm cho người dân tin rằng không những trời gửi sách xuống mà còn sai thiên tướng xuống đọc. Vì vậy dân chúng khắp nơi rất tin tưởng và ghi lại những điều do trời dạy dỗ.

Kế đến, vua Tống cho người làm lễ tế cáo trời đất khắp nơi, trước tiên là lập đàn tế lễ ở những chỗ linh hiển nhất nước như miếu Khổng Tử (12), núi Thái Sơn (13). Rồi người dân ở các châu, các quận huyện khắp nơi trên cả nước đều lập đàn tế cáo trời đất. Mọi người đều tin tưởng rằng bộ sách kia là do trời ban xuống, rằng những lời trong sách là những lời dạy của trời.

Bài thơ có từ thời vua Lê Đại Hành đánh Tống?

Có thuyết cho rằng bài thơ “Nam Quốc Sơn Hà” có từ thời Tiền Lê khi vua Lê Đại Hành đánh Tống năm 981. Những người ủng hộ thuyết này dựa vào câu chuyện trong “Lĩnh Nam Trích Quái” có tựa đề “Truyện hai vị thần ở Long Nhãn, Như Nguyệt” (14).Theo câu chuyện này thì khi vua Tống Thái Tổ (15) sai Hầu Nhân Bảo, Tôn Toàn Hưng (16) đem quân sang xâm lược nước ta, vua Lê Đại Hành nằm ngủ thấy hai vị thần hiện về báo mộng. Hai vị thần nói với vua, đại ý như sau: anh em thần tên là Trương Hống, Trương Hát, là tướng của Triệu Việt Vương. Anh em thần vì nghĩa mà chết nên được phong làm tướng trong các thần linh, thống lĩnh quỉ binh. Nay quân Tống xâm phạm nước ta, anh em thần đến yết kiến, cùng giúp vua đánh giặc để cứu dân chúng.

Vua Lê Đại Hành tỉnh dậy mừng rỡ vì tin rằng có thần giúp đỡ. Đêm sau vua lại nằm mơ thấy hai người, một người dẫn đoàn quỉ áo trắng từ phía Bình Giang kéo lên, còn một người dẫn đoàn quỉ áo đỏ từ phía sông Như Nguyệt kéo xuống, cả hai đoàn quân xông vào trại giặc mà đánh. Sau đó thần còn ngâm bài thơ như sau:

Nam quốc sơn hà nam đế cư
Hoàng thiên dĩ định tại Thiên Thư
Như hà bắc lỗ xâm nam chí
Bạch nhận phiên thành phá trúc dư

Dịch là:

Sông núi nước nam, vua nam ở
Sách Trời định phận rõ non sông
Cớ sao giặc bắc sang xâm phạm?
Bây hãy chờ gươm chém bại vong

Quân Tống nghe vậy nên hoảng sơ, đạp lên nhau mà chạy. Một số thì bị quân ta giết, một số thì bị bắt sống. Nhờ vậy mà quân ta phá được Tống.

Bài thơ có từ thời Lý Thường Kiệt đánh Tống?

Nhiều người cho rằng bài thơ “Nam quốc sơn hà” xuất hiện vào thời Lý. Những người ủng hộ thuyết này dựa vào câu chuyện tương tự như vậy đã được sử gia Ngô Sĩ Liên chép lại trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư. Năm 1076, vua Tống Thần Tông (17) sai Quách Quỳ (18) và Triệu Tiết (19) mang quân sang đánh nước ta. Đầu năm 1077, quân Tống đang đóng phía bên kia bờ sông Như Nguyệt và chuẩn bị tấn công, nhằm phá  tan phòng tuyến này trước khi kéo quân về đánh Thăng Long với ý định bắt sống vua Lý Nhân Tông , thái hậu Ỷ Lan và Lý Thường Kiệt. Nửa đêm trước khi quân Tống tấn công phòng tuyến Như Nguyệt, Lý Thường Kiệt cho người vào đền thờ Trương Hống, Trương Hát ở bên này sông, giả làm thần và đọc thật to bài thơ như sau:

Nam Quốc Sơn Hà nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại Thiên Thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư

Nghĩa là:
Sông núi nước nam, vua nam ở
Rành rành đã định tại Sách Trời
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm
Chúng bây sẽ bị đánh tơi bời

Lý Thường Kiệt cho người giả làm hai vị thần Trương Hống, Trương Hát đọc bài thơ với mục đích uy hiếp tinh thần quân Tống, làm cho quân Tống tin rằng họ đang bị thần “quở trách” về việc sang xâm lược nước ta. “Thần” cũng khiển trách việc làm của quân Tống là cãi lại Ý Trời, bởi vì Sách Trời, tức Thiên Thư, đã phân định lãnh thổ rõ ràng, đất phương nam là của dân nam nên quân Tống không có quyền xâm phạm. Bài thơ đã góp phần giúp quân ta đánh thắng quân Tống trên sông Như Nguyệt.

Bối cảnh ra đời và sự giống nhau giữa hai câu chuyện:

Câu chuyện về sự ra đời của bài thơ ở cả hai thuyết trên đều được lấy từ những truyền thuyết dân gian. Những người cho rằng bài thơ ra đời vào thời vua Lê Đại Hành đánh Tống năm 981 thì dựa vào câu chuyện “Hai vị thần ở Long Nhãn, Như Nguyệt”. Đây là câu chuyện do dân gian truyền lại và đã được Trần Thế Pháp ghi trong “Lĩnh Nam Trích Quái” vào thế kỷ 15. Còn những người tin rằng bài thơ trên ra đời vào thời kỳ Lý Thường Kiệt thống lãnh ba quân đánh Tống bên sông Như Nguyệt năm 1076-1077 thì dựa vào câu chuyện mà sử gia Ngô Sĩ Liên ghi lại trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư vào thế kỷ 15, và cả hai câu chuyện đều do dân gian truyền lại.

Xét về bối cảnh ra đời của bài thơ ở hai thuyết nêu trên có nhiều tình tiết giống nhau. Cũng vẫn là cuộc kháng chiến chống quân Tống, cũng do hai vị thần là hai anh em Trương Hống, Trương Hát, là tướng của Triệu Việt Vương đọc bài thơ và câu chuyện cũng xảy ra trên cùng một nơi, đó là sông Như Nguyệt. Về nội dung, mặc dù giữa hai bài thơ có vài từ khác nhau nhưng nội dung chính giống nhau, nhất là cả hai bài thơ đều có hai chữ “Thiên Thư”, nói lên việc vi phạm “Sách Trời” của quân Tống.

Điều này có thể giải thích rằng hai câu chuyện trong “Lĩnh Nam Trích Quái” và “Đại Việt Sử Ký Toàn Thư” là một, nhưng vì do dân gian truyền lại nên có đôi chút khác nhau, nhất là sự khác nhau về thời điểm ra đời của bài thơ: một thuyết cho rằng câu chuyện trên xảy ra vào thời quân ta đánh Tống năm 981, dưới thời vua Lê Đại Hành, còn thuyết kia thì cho rằng câu chuyện xảy ra khi quân ta đánh Tống đầu năm 1077 vào thời vua Lý Nhân Tông, do Lý Thường Kiệt chỉ huy.

Đâu là sự thật?

Có lẽ rất khó phân biệt thuyết nào đúng hơn nếu chúng ta không hiểu hết nội dung của bài thơ. Như đã nói ở trên, tác giả bài thơ đã dựa vào kinh “Thiên Thư” dưới thời vua Tống Chân Tông để chống giặc Tống, cho nên bài thơ trên chỉ có thể xuất hiện sau khi bộ kinh Thiên Thư hoàn thành. Như vậy, có hai giả thuyết:

1. Nếu cho rằng bài thơ trên có từ thời vua Lê Đại Hành phá Tống thì kinh “Thiên Thư” phải được viết trước thời này, tức là trước năm 981.
 
2. Nếu cho rằng bài thơ xuất hiện vào thời Lý Thường Kiệt đánh Tống, sau thời vua Lê Đại Hành đánh Tống và kinh Thiên Thư có trước bài thơ, vậy thì kinh Thiên Thư chỉ có thể xuất hiện trong khoảng thời gian từ năm 982-1077.
Giả thuyết thứ nhất bị loại vì trong Tống sử, Chân Tông bản kỷ, quyển VII, do Thuyết Thuyết chủ biên, có nói rõ việc vua Tống Chân Tông cho soạn Thiên Thư xong năm 1019 như đã nói trên. Vì vậy, Thiên Thư không thể viết trước năm 981.Giả thuyết thứ hai, Thiên Thư được viết xong năm 1019 sau khi vua Lê Đại Hành phá Tống năm 981 và trước khi Lý Thường Kiệt đánh Tống trên sông Như Nguyệt năm 1077. Như vậy, bài thơ trên chỉ có thể xuất hiện vào thời Lý Thường Kiệt đánh Tống bên sông Như Nguyệt đầu năm 1077 mà thôi.

Đinh Ngọc Thu
28-10-2008
Ghi chú:
1. Bài thơ này có khoảng trên dưới 10 dị bản khác nhau. Bài viết này chỉ giới thiệu hai bản được nhiều người biết nhất.
2. Lý Nhân Tông: (1066-1127) là con vua Lý Thánh Tông và bà Ỷ Lan, trị vì từ năm 1072-1027. Lý Nhân Tông là vua thứ tư nhà Lý: 1. Lý Thái Tổ - Lý Công Uẩn, 2. Lý Thái Tông – Lý Đức Chính, 3. Lý Thánh Tông – Lý Nhật Tôn, 4. Lý Nhân Tông – Lý Càn Đức.
3.Trận Như Nguyệt: quân Tống đóng quân ở phía bắc sông Như Nguyệt từ ngày 23 tháng chạp năm Bính Thìn (1076) và bắt đầu rút về nước ngày 29 tháng giêng năm Đinh Tỵ (1077). Như vậy trận Như Nguyệt xảy ra trong khoảng thời gian này.
4. Trương Hống, Trương Hát: là hai anh em và là tướng của Triệu Việt Vương (Triệu Quang Phục) khi còn sống. Triệu Quang Phục là tướng của vua Lý Nam Đế (503-548) và được vua trao nắm giữ binh quyền. Sau khi vua mất, Triệu Quang Phục xưng vương. Lý Phật Tử là người trong họ của vua Lý Nam Đế, đã dùng gian kế diệt Triệu Việt Vương. Sau đó Lý Phật Tử cho người chiêu dụ anh em Trương Hống, Trương Hát, nhưng hai ông là những trung thần, chỉ thờ một vua nên đã tự tử chết. Đến thời Ngô, Nam Tấn Vương – Ngô Xương Văn (trị vì 950-965) đã phong cho Trương Hống chức “Đại Dương giang đô hộ quốc thần vương” và Trương Hát làm “Tiểu Dương giang đô hộ quốc thần vương”.
5. Lê Đại Hành: (941-1005) là vua đầu tiên thời Tiền Lê, nối tiếp nhà Đinh. Tên thật của ông là Lê Hoàn. Đại Hành không phải là thuỵ hiệu của ông, “đại hành” có nghĩa là “chuyến đi xa”, dùng để chỉ vị vua vừa băng hà. Thường thì sau khi vua mất người ta gọi là “Đại Hành hoàng đế”, rồi sau đó vị vua kế tiếp nối ngôi sẽ đặt thuỵ hiệu cho ông vua vừa mất. Nhưng con ông, Lê Long Đĩnh đã không đặt thuỵ hiệu cho vua cha, vì thế cho đến bây giờ mọi người vẫn gọi ông là vua Lê Đại Hành và xem Đại Hành là thuỵ hiệu của ông.
6. Theo GS Trần Đại Sĩ luận bàn về hai chữ “Thiên Thư” trong “Nam Quốc Sơn Hà”.
7.Tống Chân Tông: trị vì 997-1022, tên thật là Triệu Hằng, là vua thứ ba nhà Tống. Ông là con của vua Tống Thái Tông – Triệu Khuông Nghĩa và là cháu gọi vua Tống đầu tiên, Tống Thái Tổ – Triệu Khuông Dẫn, bằng bác. Tống Chân Tông là cha của vua Tống Nhân Tông – Triệu Trinh với bà Lý thần phi mà chúng ta biết trong vụ án “Bích Vân cung”: bà Lưu hoàng hậu vợ vua Tống Chân Tông đã hoán đổi thái tử Triệu Trinh (tức vua Tống Nhân Tông sau này), con của Tống Chân Tông với bà Lýthần phi, tức Lý thái phi sau này.
8. Trần Nghiêu Tẩu: còn có tên khác là Trần Nghiêu Tá, được vua Tống Thái Tông ban chức Quảng Tây chuyển vận sứ năm 996.
9. Lưu Thừa Khuê: còn có tên khác là Lưu Thừa Hoa.
10. Trần Bành Niên: có sách ghi Trần Hằng Niên, người đã cùng với các tác giả khác biên soạn bộ “Đại Tống trùng tu Quảng vận”, ra đời năm 1008.
11.Xem Tống sử, quyển VII, “Chân Tông Bản Kỷ” do Thuyết Thuyết biên soạn.
12.Miếu Khổng Tử: còn gọi là Khổng Miếu hay Văn Miếu. Văn Miếu dùng để chỉ Khổng Miếu ở Khúc Phụ và Phu Tử Miếu ở Nam Kinh. Khổng Miếu nằm ở thị xã Khúc Phụ, tỉnh Sơn Đông, Trung quốc, là nơi thờ cúng Đức Khổng Tử vì Khúc Phụ là quê hương của ông.
13.Núi Thái Sơn: là ngọn núi được xem là linh thiêng nhất trong năm ngọn núi (Ngũ Đại Danh Sơn) thuộc nhóm núi Lão Giáo. Xin xem bài “Vì sao ví ‘công cha như núi Thái Sơn’”, cùng người viết:
http://hungsuviet.us/vanhoa/ConchanhunuiThaiSon.html14.Câu chuyện thứ 19 trong “Lĩnh Nam Trích (Chích) Quái”:
http://vi.wikisource.org/wiki/L%C4%A9nh_Nam_ch%C3%ADch_qu%C3%A1i/Truy%E1%BB%87n_hai_v%E1%BB%8B_th%E1%BA%A7n_%E1%BB%9F_Long_Nh%C3%A3n,_Nh%C6%B0_Nguy%E1%BB%87t
15. Đúng ra là Tống Thái Tông. Tống Thái Tổ trị vì từ năm 960-976. Hầu Nhân Bảo và Tôn Toàn Hưng đưa quân sang đánh nước ta tháng 2 năm 981 thì vua Tống lúc đó phải là Tống Thái Tông vì Thái Tông trị vì từ 976-997.
16. Hầu Nhân Bảo, Tôn Toàn Hưng: là hai trong nhiều tướng nhà Tống kéo quân sang đánh nước ta năm đầu năm 981. Các tướng khác là: Quách Quân Biện, Triệu Phụng Huân, Hắc Thủ Tuấn, Trần Khâm Tộ, Thôi Lượng, Lưu Trừng, Giả Thực, Vương Soạn. Trong trận này Hầu Nhân Bảo bị giết tại trận, Quách Quân Biện và Triệu Phụng Huân bị bắt sống. Các tướng khác hay tin bỏ chạy về nước nhưng sau đó hầu hết đều bị vua Tống ra lệnh giết chết vì bại trận.
17. Tống Thần Tông: tên là Triệu Húc, trị vì từ năm 1067-1085, Thần Tông là con của vua Tống Anh Tông – Triệu Thự. Tống Thần Tông là vua thứ 6 nhà Tống. Ông là cha của hai vua thứ 7 và 8 triều Tống là: Tống Triết Tông – Triệu Hú và Tống Huy Tông – Triệu Cát. Tống Huy Tông và con là Tống Khâm Tông – Triệu Hoàn là hai vua đã bị nhà Kim bắt giữ năm 1127, chấm dứt triều Bắc Tống sau 167 năm cai trị. Con của Tống Huy Tông là Triệu Cấu đã trốn về miền nam, lập nên triều Nam Tống và lên làm vua, tức Tống Cao Tông sau này.
18. Quách Quỳ: dòng dõi Quách Quân Biện, người đã bị quân của Lê Hoàn bắt sống trong lần xâm lược nước ta năm 981. Quách Quỳ được cử làm Kinh lược chiêu thảo sứ, Nguyên soái, trong cuộc chiến chinh phạt Đại Việt.
19.Triệu Tiết: phó tướng của Quách Quỳ trong cuộc chiến xâm lược Đại Việt.

Tài liệu tham khảo:

- “Bối cảnh định đô Thăng Long và sự nghiệp của Lê Hoàn” do nhóm tác giả thuộc Hội Sử học Hà Nội. Nhà xuất bản Hà Nội, tháng 1-2006.
- Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, “Bản Kỷ Toàn Thư” quyển I: Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên soạn thảo năm 1272 – 1697, do Viện Khoa Học Xã Hội Việt Nam dịch (1985 – 1992).
- Đại Việt Sử Lược, quyển I và II, tác giả: khuyết danh, 1377-1388.
- Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục – chính biên, quyển I, và quyển III, Quốc Sử Triều Nguyễn, biên soạn năm 1856-1881 và do Viện Sử Học dịch năm1957-1960.
-  “Lịch sử, sự thật và sử học”, báo Tổ Quốc, số 401 tháng 1-1988, GS Hà Văn Tấn.
- “Nam Quốc Sơn Hà và Quốc Tộ - Hai kiệt tác văn chương chữ Hán ngang qua triều đại Lê Hoàn”, PGS Bùi Duy Tân đăng trong Tạp chí Hán Nôm số 5, phát hành năm 2005.
- “Nam Quốc Sơn Hà”, của GS Trần Đại Sĩ. Viện Pháp – Á Paris xuất bản, 1996.
- “Pháp Thuận và bài thơ thần nước Nam sông núi”, của thiền sư Lê Mạnh Thát:
http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=12626&rb=0302
- “Tác giả bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước ta”, của Phúc Trung:
http://www.ahvinhnghiem.org/tuyenngondoclap.html
- Tống Sử, phần “Chân Tông bản kỷ”, quyển VII, và “Thần Tông bản kỷ”, quyển XV, do Thuyết Thuyết biên soạn xong năm 1345.
- Việt Nam Sử Lược, phần IV. Trần Trọng Kim.
- Việt Sử Tiêu Án, phần “nhà Lê” và “nhà Lý” của Ngô Thời Sĩ. 1775.
- “Lĩnh Nam Trích Quái” trong Wikisource.
Đính kèm:
                            NAM QUỐC SƠN HÀ
Nam quốc sơn hà Nam đế cư,
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư.
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm?
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.

Dịch nghĩa
Núi sông nước Nam thì vua Nam ở,
Cương giới đã ghi rành rành ở trên sách trời.
Cớ sao lũ giặc bạo ngược kia dám tới xâm phạm?
Chúng bay hãy chờ xem, thế nào cũng chuốc lấy bại vong.

Dịch thơ
Nước Nam Việt có vua Nam Việt,
Trên sách trời chia biệt rành rành.
Cớ sao giặc dám hoành hành?
Rồi đây bay sẽ tan tành cho coi.
Nguyễn Đổng Chi dịch
(Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam)

Núi sông Nam Việt vua Nam ở,
Vằng vặc sách trời chia xứ sở.
Giặc dữ cớ sao phạm đến đây?
Chúng mày nhất định phải tan vỡ.
Lê Thước – Nam Trân dịch



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét