Người theo dõi

Thứ Ba, 9 tháng 1, 2018

ĐỌC THƠ TRONG THI NHÂN VIỆT NAM

             ĐỌC THƠ TRONG THI NHÂN VIỆT NAM


            Tài hoa và thời cuộc đã làm cho Tản Đà trở thành một cái gạch nối tuyệt hảo cho hai giai đoạn thơ ca. Phía sau ông là hàng hàng lớp lớp những con người đang du nhập một hơi thơ hoàn toàn mới mẻ và tạo nên một cuộc ồn ào. Nhưng rồi thơ vẫn cứ là thơ; Hát nói, ca trù, đường luật, song thất lục bát, lục bát, thơ tám chữ liên vận, cách vận, thơ tự do câu ngắn câu dài… thôi thì trăm hoa đua nở cho đến tận bây giờ. Sự lựa chọn của người thưởng ngoạn bao giờ cũng đúng. Ai thích thứ gì thì tìm thứ ấy mà chơi, mà cảm thụ. Giòng sông thơ vẫn chảy xuôi theo với giòng đời. Trong Thi Nhân Việt Nam, tôi khoái hết, hợp tạng tôi thì nhiều lắm, nhưng hợp nhất thì có bốn bài và một bài được ghi vào phần ghi chú.

MUA ÁO
Chiếc áo năm xưa đã cũ rồi.
Em đâu còn mặc để đi chơi.
Bán thơ nhân dịp anh ra chợ,
Đanh gởi anh mua chiếc mới thôi

- Hàng bông mai biếc màu em thích,
Màu với hàng em đã dặn rồi.
Còn thước tấc, quên. Em chửa bảo,
Kích tùng bao rộng, vạt bao dài?

- Ôi nghe hỏi mà yêu nhỉ?
Thước tấc anh còn lựa hỏi ai
Rộng hẹp tay anh bồng ẵm đó,
Ngắn dài, người mới tựa bên vai!
Đông Hồ
      Tôi được vinh hạnh là người cùng quê với nhà thơ Đông Hồ. Hà Tiên. Thơ ông tôi không đọc được hết, nhưng ông thì tôi biết khá rõ mà còn được gặp mặt một lần. Và chính lần gặp ấy, mà bài thơ trên tôi thuộc hồi nào cũng không hay. Ôi. Biết bao giờ tôi mới có dịp để làm một bài thơ na ná như thế nhỉ? Tình yêu của ông thơ thiệt là thơ. Cho tới cái kích cỡ rất cụ thể bằng những con số vô hồn cũng thơ đến ngất ngây. Mua áo cho người yêu bằng tiền bán thơ thì hỏi xem trên nhân gian này có được mấy người. Huống chi được đo áo cho người yêu kiểu đó thì… chết cũng cam.

TÌNH GIÀ
Hai mươi bốn năm xưa, một đêm vừa gió lại vừa mưa.
Dưới ngọn đèn mờ trong gian nhỏ,
Hai cái đầu xanh kề nhau than thở,
- “Ôi đôi ta tình thương nhau thì vẫn nặng.
 Mà lấy nhau hẵn đà không đặng.”
“ Để đến nỗi tình trước phụ tình sau,
Chi cho bằng sớm liệu mà buông nhau.”
- “Hay! Nói mới bạc làm sao chớ? Buông nhau làm sao nỡ”
“ Thương được chừng nào thì hay chừng nấy,
Chẳng qua là ông trời bắt đôi ta phải vậy:
Ta là nhân ngãi, đâu có phải vợ chồng mà tính việc thủy chung “
Hai mươi bốn năm sau. Tình cờ đất khách gặp nhau:
Đôi cái đầu đều bạc. Nếu chẳng quen lung đố có nhìn ra được!
Ôn chuyện cũ mà thôi. Liếc đưa nhau đi rồi!Con mắt còn có đuôi.
Phan Khôi

            Có ai đó và cũng chính tác giả đều công nhận đây là một bài thơ mới, để rồi sau đó thì phủ nhận. Và tôi khoái ông vì sự phủ nhận ấy, thể cách của bài thơ này rất cũ, nếu đặt nó bên cạnh bài thơ của Khương Công Phụ. Cái khác nhau duy nhất của nó là nội dung. Đây có phải là cái trớ trêu hay không? Tôi không nghĩ là Phan Khôi đã đọc và viết theo bài thơ Bạch Vân Xuân Hải. Với tôi, đây là một bài thơ tôi tìm nó lâu nhất. Lần đầu tôi đọc bài thơ này năm 1966, tôi không nhớ là đọc ở đâu. Sau đó chép lại nhưng không giữ được, mãi đến ba mươi tám năm để ý kiếm tìm tôi mới gặp khi mua cuốn Thi Nhân Việt Nam tái bản năm 2003. Nhưng lại tình cờ gặp trong phần chú thích. Cũng cần nói thêm, tôi đọc sách rất ít khi tôi lưu ý đến phần chú thích. Chỉ khi nào quá bí tôi mới lò dò đọc lại phần đó. Thành ra năm lần mua cuốn Thi Nhân Việt Nam, tôi mới gặp được bài thơ này. Những gì tôi biết về Ông Phan Khôi thì rất ít, bởi vì ông rất ít làm thơ (?). Hổng biết tại sao ông lại làm một bài thơ ác chiến thế này, từ hình thức đến nội dung. Mới đọc cứ tưởng là một bài văn biền ngẫu. Nhưng lúc đang viết và ngẫm nghĩ về bài thơ này thì tôi nghe cái tivi trong nhà đang hát bài “Em Đến Thăm Anh Một Chiều Mưa” của Tô Vũ, thì tôi xác định một cách chắc cú bài thơ ấy là thơ thiệt rồi. Bởi vì những ca từ trong bài hát ấy chẳng qua cũng là thơ thôi. Hát thơ. Sao ông Tô Vũ không phổ nhạc bài thơ Tình Già này nhỉ? Ôi. Một cuộc tình “già nhân ngãi non vợ chồng” mà như thế thì… hết ý. Chắc ông Phan Khôi phải có trải qua rồi mới viết được như thế (?!) Nếu tôi biết không lầm thì bài thơ này được viết năm 1932 đăng trên báo Phụ Nữ Tân Văn, thì lúc ấy ông khoảng ba mươi lăm. Vậy thì mối tình này của ai vậy ta. Còn nếu như ông tưởng tượng ra thì quả là… càng thơ hơn nữa. Bây giờ tôi bước qua ngưỡng sáu mươi và đã gặp vài tình huống như vậy nhưng không tài nào viết được những giòng như vậy. Ngộ thiệt. Tình yêu tưởng tượng vậy mà hay, mà thơ ác. Và có lẽ cái mối tình già ấy trở nên thi vị xiết bao vì được tạo nên bởi một người làm thơ… trẻ. Nhưng tại sao Hoài Thanh - Hoài Chân không cho đó là thơ nhỉ? Rồi lại đặt nó trong phần chú thích. Không hiểu.

ÔNG ĐỒ
Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu giấy đỏ
Bên phố đông người qua.

Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tài
“ Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa rồng bay”

Nhưng mỗi năm lại vắng
Người thuê viết nay đâu?
Giấy đỏ buồn không thắm
Mực đọng trong nghiên sầu…

Ông đồ vẫn ngồi đấy
Qua đường không ai hay
Là vàng rơi trên giấy
Ngoài giời mưa bụi bay.

Năm nay đào lại nở
Không thấy ông đồ xưa
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?
Vũ Đình Liên

            Bài thơ buồn đến nao lòng. Vũ Đình Liên không tiếc, mà ngậm ngùi cho một thứ gì đã đi sâu vào lòng người mà bây giờ vì một lý do nào đó lòng người không còn nhớ nữa. Cuộc sống là như vậy. Ông đồ bị lãng quên là lẽ đương nhiên. Nhưng phải mang ơn ông. Ông đã để lại cho nhân gian một lòng trắc ẩn. Một thái độ cần phải có để nên người. Vũ Đình Liên thể hiện tấm lòng trắc ẩn ấy bằng một bài thơ mang đầy tính cảm ơn. Những lời cảm ơn thường rất là khuôn sáo, nhưng ở đây thì không, chẳng những thế mà nó làm cho những người tập tểnh làm thơ như tôi phải đọc và cảm thụ thật sâu thì họa may mới có thể nên… thơ. Những hình tượng Vũ Đình Liên đã tả, tôi không thấy được nhiều mà cũng không thơ mộng đến thế. Nhưng mỗi năm đến mùa hoa mai nở, tôi nao lòng nhớ ông đồ, nhớ Vũ Đình Liên. Nhưng thời gian thì vẫn cứ đi để…“ Mỗi năm hoa đào nở”. Hình ảnh ông đồ không tái hiện. Trong giai đoạn chữ Hán, chữ Nôm đang tàn tạ, người ta có thể quên, nhưng không thể nào quên một quá khứ lẫy lừng, chói sáng và chúng ta được sinh ra, được nuôi dưỡng và lớn lên từ quá khứ ấy. Vì vậy, quên ông đồ là thiệt bậy. Con cháu mai sau chỉ có thể nhìn thấy hình ảnh ông đồ trên các tranh minh họa, nhưng buộc phải thấy ông đồ trong trái tim mình thì mới có thể nên người. Và Vũ Đình Liên đã đặt hình ảnh tuyệt vời này vào trái tim người. Riêng tôi, trong hương khói mơ màng của ngày giáp tết. Hình bóng của ông đồ lại trở về trong tâm tưởng sẽ làm lung linh sắc hồng rạng rỡ của hoa đào, làm dịu dàng sắc vàng tinh khiết của hoa mai, làm lộng lẫy thêm hương sắc của hoa hồng… và muôn hoa khác. Và khung cảnh của mùa xuân nhờ thế mà trở nên nghìn tía muôn hồng.

MÀU THỜI GIAN
Sớm nay tiếng chim thanh
Trong gió xanh
Dìu vương hương ấm thoảng xuân tình
***
Ngàn xưa không lạnh nữa Tần Phi
Ta lặng dâng nàng
Trời mây phảng phất nhuốm thời gian
***
Màu thời gian không xanh
Màu thời gian tìm ngát
Hương thời gian không nồng
Hương thời gian thanh thanh

Tóc mây một món chiếc dao vàng
Nghìn trùng e lệ phụng quân vương
Trăm  năm tình cũ lìa không hận
Thà nép mày hoa thiếp phụ chàng

Duyên trăm năm đứt đoạn
Tình một thuở còn hương
Hương thời gian thanh thanh
Màu thời gian tím ngát.
Đoàn Phú Tứ

            Tôi đọc và ngâm nga bài thơ này lắm lần, hôm nay viết ra đây mà cũng không biết tại sao? Tiếng keyboard lách tách dưới những ngón tay tôi, tôi mường tượng như tiếng tích tắc của cái đồng hồ quả lắc. Thời gian ư? Vẫn trôi. Màu thời gian ư? Có chứ. Màu gì? Tùy vậy, muốn màu gì nó màu đó. Hay là như Đoàn Phú Tứ đi. Cái màu tím ngát ấy. Cái màu thời gian của Đoàn Phú Tứ chỉ là một thứ thời gian của tình yêu, mà lại là một tình yêu dang dở. Mà nếu như ai đó không có cái thời gian của tình yêu thì là gì vậy ta. Thời gian cho con người rất nhiều thứ. Nhưng cảm thụ được thời gian và nhận ra hương sắc của thời gian thì chỉ có Đoàn Phú Tứ và hơi in ít những người làm thơ. Nhưng có một điều là xác định được tính chất tình yêu của bài thơ này thì quả là không dễ mà cũng không cần thiết phải làm. Hãy biết yêu thương đi và đừng bao giờ oán ghét thì sẽ biết cái thời gian nó màu gì.

TỐNG BIỆT HÀNH

Đưa người, ta không đưa qua sông,
Sao có tiếng sóng ở trong lòng.
Bóng chiều không thắm, không vàng vọt,
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong.
Đưa người, ta chỉ đưa người ấy,
Một giả gia đình, một dửng dưng…
- Ly khách! Ly khách! Con đường nhỏ,
Chí nhớn chưa về bàn tay không,
Thì không bao giờ nói trở lại!
Ba năm mẹ già cũng đừng mong.

Ta biết người buồn chiều hôm trước.
Bây giờ mùa hạ sen nở nốt.
Một chị, hai chị cùng như sen,
Khuyên nốt em trai giòng lệ sót.
Ta biết người buồn sáng hôm nay;
Giời chưa mùa thu. Tươi lắm thay,
Em nhỏ ngây thơ đôi mắt biếc.
Gói tròn thương tiếc chiếc khăn tay…
Người đi! Ừ nhỉ, người đi thực!
Mẹ thà coi như chiếc lá bay,
Chị thà coi như là hạt bụi
Em thà coi như hơi rượu say.
Thâm Tâm Nguyễn Tuấn Trình
            Người mẹ, người chị, người bạn, người em và người đi. Tất cả làm nên cảm xúc trong phút giây tống biệt nhưng cô em gái thì là hơi rượu say. Một cuộc tống biệt rất buồn mà rất thơ. Người đi chắc là một lý do gì đó rất lớn nên đã dành cho mẹ chiếc lá bay, dành cho chị một hạt bụi, nhưng tại tại sao dành cho có em gái một hơi rượu say. Ai biết được. Tôi được tống biệt bao nhiêu lần trong đời, cũng y như thế mà tôi không có lá bay, hạt bụi và hơi rượu say. Có lẽ lý do mà tôi có để làm cuộc hành trình thì nhỏ xíu chăng? Hay là trong những lần ra đi ấy, lần nào tôi cũng trở về tay không? Có thể thế. Nhưng chưa lần nào mà tôi không đọc vài câu trong ngẫm nghĩ của mình.
            Những nhà thơ có mặt trong Thi Nhân Việt Nam của Hoài Thanh-Hoài Chân và cả trước đó, đối với tôi thì toàn cây cao bóng cả. Tất cả đến với tôi như là những người thầy, người cha người mẹ cụ thể, gần gũi nâng niu tâm hồn tôi từ những ngày còn tấm bé. Tôi ngâm nga, nghĩ ngợi để dưỡng nuôi mình lớn lên.  Nhưng đến hôm nay, tôi vẫn còm nhom thân xác, quặt quẹo từng bước chân đời. Có người tôi nhớ, có người tôi hơi quên quên. Trong khi những người làm thơ thì nhiều, rất nhiều. Và tại sao họ làm thơ thì tôi biết rõ. Nhưng ngộ một điều là tôi không biết tại sao tôi làm thơ và làm để làm gì. Đây là bài thơ mà tôi nặng lòng nhất. Tôi cảm thụ rất sâu nhưng không toàn vẹn. Tôi thèm một cuộc hạnh ngộ cùng Thâm Tâm. Nhưng không thể. Họa chăng là mai kia…
            Với tôi. Quá khứ, hiện tại và cả những mơ ước cho mai sau sẽ không là gì hết nếu tấm lòng ta không rung cảm trước những thứ đã và đang xảy ra, những thứ đã lụi tàn, những thứ đang sinh sôi. Tất nhiên là cả những điều sắp đến, trong đó có những điều không bao giờ hiện thực nhưng đã đến trong ước mơ. Sự rung cảm của một con người được chuyển tải đến một con người thì luôn luôn là vần điệu của tấm lòng. Những bài thơ tôi được đọc (trong đó có rất nhiều bài tôi không kể ra đây) hay chưa đọc được đã nối kết từ quá khứ đến hôm nay và truyền tải đến mai sau. Lịch sử sẽ khô khốc và vô hồn, hiện tại là những trở trăn ngơ ngáo, tương lai sẽ là mờ mịt như là cái hố đen ngòm. Chính những vần điệu của tấm lòng mà cũng là vần điệu của thơ làm cho mọi thứ êm đềm hơn, hạnh phúc hơn. Sự bình thản sẽ tràn ngập tâm hồn khi về đích. Tất nhiên mấy dúm cỏ quanh tấm mộ chí cũng sẽ xanh hơn.

Wednesday, February 17, 2016

Quán Tâm Nguyễn Hiền Nhu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét