TÀO LAO
Tôi thực sự gặp khó khăn, cuộc sống bữa túng, bữa thiếu không còn
là một viễn cảnh mà đang đến thật gần. Tất nhiên không thể đặt ra bất cứ một sự
nương tựa vào ai, dù là người thân hay con cháu, và không có bất cứ một thứ bảo
hiểm nhân thọ, hay của dành của để nào
Những mơ ước hoàn toàn trôi tuột, không thực hiện được. Dù vậy, tôi cũng
không quá quan tâm, kể cả tình hình sức khoẻ càng ngày càng xuống thấp dần theo
gánh nặng của tuổi tác.
Tôi đang sắp xếp lại cuộc sống của mình. Một sự sắp xếp đúng ra ra
phải làm từ rất sớm. Nhưng không sao tôi đã bắt đầu. Cũng không quan trọng lắm,
chỉ là sinh hoạt thật điều độ và càng đơn giản càng tốt. Nhưng cái đáng lưu tâm
nhất chính là sự sống chung với một thứ không mời mà tới. Bệnh tật. Không thể
né nó được, bởi vì tôi có một quá khứ khá xô bồ. Việc còn lại là bình thản chờ
đón và chơi với nó một cách thoải mái bằng một phương thuốc luôn luôn có sẵn.
Không gian, trong cái khoảng không mênh mông vô tận ấy có những phương thuốc
rất hiệu nghiệm để chữa trị cho các chứng tâm thần và tim mạch. Hiện tại tôi
đang sử dụng hai phương thuốc; khung cảnh thiên nhiên để ổn định tâm thần,
không khí trong lành để điều hoà tim mạch. Có thể các ngài y sĩ sẽ cười khì.
Nhưng vấn đề của tôi là như thế, mọi sinh hoạt của tôi lúc này là chơi, chơi
những thứ mình thích, âm thầm chơi, lặng lẽ gậm nhấm niềm vui nhỏ xíu. Ăn, ngủ,
các sinh hoạt khác, làm việc kiếm một ít tiền còm… tất cả đều là chơi. Rất chú
tâm khi làm nhưng không quan tâm đến nữa khi xong. Kể cả cái thứ mà tôi xem như
là máu thịt từ rất sớm là sách và thơ.
Tất cả bây giờ là chơi, lơ mơ chơi, thoải mái chơi. Những khái niệm về hạnh
phúc và khổ đau đều trở nên mơ hồ, những thiện ác hay đúng sai là một thứ gì đó
hoàn toàn phù phiếm. Cuộc sống vẫn trôi như giòng sông Cái Lớn, chậm rãi về
Đông khi rong, thong thả về Tây khi ròng. Tôi không thể ngăn hay đổi giòng, mà
cần chi phải thế. Tôi cứ nương theo và đi hết quảng đời còn lại của mình bình
thản và yên tĩnh. Quá khứ không giữ được, tương lai càng không thể xếp đặt. Chỉ
có nụ cười là hiện thực và nở ra bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào. Nhưng yên bình
nhất là khi cười với mấy câu thơ và dăm trang sách. Và trong rất nhiều lần như
thế, tôi nghiệm ra rằng, con người luôn luôn có hai khoảng không để sống.
Khoảng không thứ nhất thì trước mắt đấy thôi, người sướng thì nhìn ngang và quên thở, người khổ thì nhìn xuống và nín thở, người rỗi việc thì tìm một khe hở nào để ghé mắt và không thở.
Khoảng không thứ hai là một khoảng không dành riêng cho từng người, người ta tha hồ mà sắp xếp bày trí cho khoảng không riêng tư ấy những thứ có thật và không có thật. Cũng có người thì hoàn toàn trống rổng. Đây mới là một khoảng không đáng nguyền rủa và trân trọng. Cũng có người không có khoảng không gian này nên đành lấy cái khoảng không thứ nhất cho riêng mình và anh chàng này thường thì không nhìn lên, chẳng nhìn ngang và không buồn nhìn xuống mà chỉ ngắm ngó lơ mơ và nhè nhẹ thở. Anh ta là một người chẳng có gì để mà thưởng thức, nên anh ta rất khoái thở, bởi lẽ nó không tốn tiền. Thỉnh thoảng anh ta để mắt lơ mơ thưởng thức một bông hoa hay lắng nghe tiếng chim ríu ran đâu đó… nghĩa là anh ta để cho tay mắt mũi họng và cả làn da nữa hoàn toàn tự do. Nói là thỉnh thoảng, chứ thật ra anh ta làm như vậy ở mọi lúc mọi nơi. Tôi bắt chước anh chàng đó. Không. Tôi là anh chàng đó.
Cho đến một ngày, tôi lơ mơ nhớ đến câu thành ngữ “ Ăn Hiền Ở Lành”. Cái câu này tôi nghe không biết là bao nhiêu lần. Ông bà tôi, ba mẹ tôi và… rất nhiều người nhắc nhở cháu con mình như thế. Nó xuất hiện từ bao giờ thì không ai biết, nhưng câu nói này chắc chắn đã giúp biết bao nhiêu thế hệ con người. Tôi chưa bao giờ có những suy nghĩ nghiêm túc về điều này. Bây giờ thì biết rảnh rang rồi. Thôi thì ngẫm nghĩ chơi.
Nhưng hởi ơi. Không phải là chuyện chơi rồi. Một ngày, một tháng, một năm rồi nhiều nhiều hơn nữa. Càng gẫm càng sâu, càng sâu càng thấm và tủ sách sống lại và càng lúc càng đầy ra. Bụt chỉ đường, Jesus dẫn dắt, Khổng Tử dặn dò, Jéhova khuyên nhủ… ngàn kinh muôn pháp chỉ gom về một mục đích duy nhất. Ăn Hiền Ở Lành.
ĂN LÀM SAO LÀ ĂN HIỀN :
Ngoài hai lý do cơ bản là đói và thèm còn có rất nhiều lý do để cho người ta ăn. Trước tiên thử gẫm xem hai lý do cơ bản:
Cảm giác đói nhận được trước nhất là xót ruột, nếu không được đáp ứng ngay thì tiếp theo là mắt mờ, tai ù và cơ thể suy kiệt. Ăn trong tình trạng này là một hình thức nạp năng lượng để nuôi cơ thể.
Cảm giác thèm làm cho người ta chảy nước miếng khi thấy hay tưởng tượng một món gì đó. Tính chất của món gây thèm là vị của chúng như cay, chua, mặn, ngọt, đắng, chát… Lúc đó là cơ thể con người đang thiếu những vị ấy; các món ăn thường có một vị đặc trưng đại biểu cho các nguyên tố vi lượng mà cơ thể đang thiếu và khi thiếu nên gây thèm. Ăn những món gây thèm để đáp ứng những nguyên tố vi lượng mà cơ thể thiếu.
Cách ăn là thoải mái, vừa đủ no, đã thèm và thôi Đó là một sự thật rất đơn giản. Và chỉ có thế.
Nhưng cuộc sống thì không đơn giản như vậy, ngoài hai lý do cơ bản trên, con người còn có hàng vạn lý do để ăn. Ăn vì thích, ăn để chứng tỏ mình sành điệu, ăn để chứng tỏ mình giàu có, ăn vì nếu không ăn thì bỏ uổng, ăn vì nếu không ăn thì người ta ăn hết, ăn để “không bỗ bề ngang cũng bỗ bề dài”… nghĩa là người ta có đầy đủ mọi lý do, nếu không thì tạo ra lý do để ngốn sạch những thứ gì có thể ăn được. Nếu ăn không nổi thì nghỉ một lát rồi ăn tiếp. Tóm lại ngoài hai lý do cơ bản, người ta cứ ngốn cho tới tràn họng và đưa nó thành một học thuyết hẵn hoi “Dĩ thực vi tiên”. Ăn theo kiểu này là ăn… hại. Đã có không biết cơ man nào những lời cảnh báo về cái kiểu ăn hại ấy.
Trong cuộc sống thì có một ít nhu cầu, nhưng yêu cầu thì nhiều vô thiên lủng. Ăn cũng không ngoại lệ, ngoài món ăn có đủ loại yêu cầu. Cách ăn cũng không chịu kém. Mọi thứ phải tinh tươm sạch sẽ mà thực chất chưa chắc đã sạch sẽ tinh tươm. Các loại hoá phẩm nông nghiệp dành cho trồng trọt, chăn nuôi, bảo quản và chế biến đã làm cho chất lượng lương thực, thực phẩm trông rất ngon mắt nhưng chưa chắc ngon miệng và không có gì bảo đãm là nó ngon vì nó không chắc đã lành. Những bàn ăn sang trọng, những cách ăn lịch sự chưa chắc đáp ứng được nhu cầu năng lượng cho cơ thể. Tất cả mọi yêu cầu về món ăn, phong cách ăn làm cho người ta nâng tầm địa vị, nhưng hạ tầm nhân cách và sức khoẻ. Con người đang ăn bằng mắt, cái miệng chỉ làm nhiệm nhai và nuốt theo lệnh của con mắt chứ không theo lệnh của bao tử.
Ở LÀM SAO LÀ Ở LÀNH.
Ở lành là không gây phiền phức cho mình, cho người. Hoà thuận với thiên nhiên và cộng đồng. Nghe rất ư là đơn giản.
Nhưng con người cứ cự nự nhau suốt, một câu nói vô tình, một cây trụ ranh đất bị nghiêng, một cú va quẹt xe… và vô thiên lủng những lý do để cho người ta cãi nhau, chưởi nhau, đánh nhau, hại nhau đến thân tàn ma dại và… giết nhau. Hầu hết những lý do đó đều… trớt quớt. Ai thắng ai thua cũng đều mang một cục tức đi vào giấc ngủ hay mang một tấm thân bấy nhậy xuống mồ. Thậm chí những người có chức quyền còn kéo cả một giòng họ, một dân tộc uýnh nhau đến te tua tàn tịch. Nguyên nhân của sự cự nự này rốt lại là giành quyền cự cãi với thiên nhiên để rồi ôm vào nổi lo động đất, bão lụt, lở đất, hạn hán, thủy triều đỏ, hiệu ứng nhà kính, tầng ozon bị thủng… và ô nhiễm môi trường cùng hàng lô hàng lốc những tai nạn do những thứ được gọi là tiện nghi.
Thử hỏi có bao nhiêu con người trong cõi nhân gian này đã có ai chưa một lần cự nự.
Nghĩ đến đây bổng dưng tôi oải. Bèn hớp một ngụm trà nguội ngắt, rồi ngó loanh quanh và… bổng dưng tôi thấy mình tào lao
Hồi nãy thì đã trôi qua
Lát nữa thì chẳng biết ra thế nào
Bây giờ thì ở với nhau
Càu nhàu nặng bụng, tào lao nhẹ long
Quán Tâm Nguyễn Hiền Nhu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét