Người theo dõi

Thứ Sáu, 29 tháng 1, 2016

PHÍA BÊN KIA SÔNG PHẦN BA - CHƯƠNG X-

PHẦN III


CHƯƠNG X

NGỦ THẬP TRI THIÊN MỆNH ?


         Đi vào cái tuổi năm tư
Vài sợi tóc trắng tưởng như mình già.
        Mùa xuân đầy ngát hương hoa,
Mình như xuân vậy mà già được ư ?
        Dẫu cho thêm nữa mấy mươi
Vẫn mùa xuân ấy nên như không già.

Ờ. Hôm nay hai mươi tám tết. Lại tết. Công việc ngập đầu. Tôi còn phải đi thu nợ về cũng để trả nợ. Mười lần xách chiếc xe cà tàng chạy suốt hai mươi lăm cây số từ Rạch Giá đến Bến Nhứt để lấy tiền làm bảng hiệu cho một cây xăng, để nhận lấy mười cái hẹn lần sau. Hai triệu rưỡi. Số tiền không nhiều nhặng gì so với bề thế của cây xăng, nhưng với tôi là khá lớn. Ấy vậy, mà họ vẫn hẹn những mười lần. Đến lần thứ mười một cũng chẳng có một đồng, mà còn hẹn tiếp. Tôi nỗi quạu. Thế là một trận cự cãi diễn ra. Cuối cùng tôi nhận được một câu rất dễ nổi dịch :
- Ông có giỏi thì gỡ bảng mang về. Tôi không có tiền.

Thứ Ba, 26 tháng 1, 2016

MÌNH ƠI. GIÓ CHƯỚNG

Sáng nay, bước ra đường, trời trong suốt và ánh nắng cũng trong, ly cà phê đầu ngày hòa quyện cùng cơn gió chướng đầu mùa. Mặc cho những ồn ào lưu cửu của quán cà phê, tôi lặng lẽ với những thú vị của riêng mình. Bao nhiêu bức bối của những ngày qua tan biến cả.
Tôi trở về nhà một trang Microsoft Word mở ra trắng tinh và Thơ đến. Ôi lâu quá rồi thơ mới về cùng với chung trà bốc khói mà lại mang hơi hướm của…. em


MÌNH ƠI. GIÓ CHƯỚNG

Cơn gió chướng khẽ khàng qua khung cửa
Mang hơi đông và tín hiệu vào xuân
Và anh nhớ cái giống gì chẳng biết
Mà trong lòng thì cứ bâng khuâng

Em gần xịt mà chừng như xa mút
Chút hương bay nhưng chưa đủ nồng nàn
Cười mấy nụ mà chỉ là thấp thoáng
Cho nhớ thương về như gió lan man

Đất phương nam có hai mùa mưa nắng
Không rõ ràng thu, chẳng rõ ràng xuân
Nhưng mà anh từ thuở nào không biết
Nôn nao lòng khi gió chướng vào đông

Trong mắt anh, lá hình như thêm biếc
Mà môi em như thêm chút phấn hồng
Và hơi thở thơm mùi gì không rõ
Nên anh chìm vào đôi mắt em trong

Cơn gió chướng khẽ khàng qua khung cửa
Mang hơi đông và tín hiệu vào xuân
Trăng tháng mười dẫn mơ màng tháng chạp
Dắt thơ về trong suốt một vầng trăng

Và anh cứ lang thang trong gió chướng
Những gìa nua theo đó cũng phai dần
Ngưỡng bảy mươi nghe chừng như hóa trẻ

Và hương em… cũng vậy. Thêm gần.
Nguyễn Hiền Nhu

Thứ Ba, 19 tháng 1, 2016

PHÍA BÊN KIA SÔNG - CHƯƠNG IX -


CHƯƠNG IX :
VĂN THƠ VIẾT LOẠN CÀO CÀO CẢ

Ai xui gặp lại nhau đây
Ba mươi năm ấy đã đầy lênh đênh
Ít khi nhớ? Lắm khi quên?
Mà mong manh cũ còn nguyên trong lòng.

Cuộc sống tương đối ổn định hơn và tôi có thể chủ động tìm đến bạn bè xưa. Những lần gặp nhau như thế, hết thằng này đến thằng khác thay phiên nhau trách phiền tôi là một thằng tự ái vặt. Bạn bè tìm đến nhau chẳng qua là cái tình. Tôi chỉ biết cười và nhận về mình sự thiếu sót. Nhưng tự trong sâu thẳm của tấm lòng mình, tôi nghĩ rằng, việc phô bày những thiếu thốn, gian khó của mình trước mặt bạn bè là một điều gì đó không ổn. Nhưng cũng chính vì sự muốn tìm đến nhau với tư cách bằng vai, phải lứa. Tôi phải cố gắng, và tôi đã làm được. Thôi thì nâng ly tạ tội và nghe chúng nó cằn nhằn cho bằng thích.
Có một điều là tất cả bạn bè đều quan ngại cho tôi, không phải vì những khó khăn trong cuộc sống mà tôi phải đương đầu, mà vì cái tính khí oái oăm cũng như việc vẫn đeo đuổi mộng thơ thẩn của tôi. Nhưng quan ngại thì quan ngại, khi đàn đúm với nhau thì thằng nào cũng mong tôi có một bài thơ mới. Nhưng hầu hết những bài thơ tôi đọc cho bạn bè nghe đều được viết trong thời gian gỡ lịch. Tôi cũng phải cố dè sẻn, dù biết rằng như vậy là có lỗi với bạn bè. Nhưng biết làm sao khi mà đã tịt ngòi? Dù rằng tôi cũng có viết được dăm bài, nhưng những bài thơ đó thì tôi đã nhượng quyền tác giả cho người khác rồi, nên làm sao mà phổ biến lung tung được.

Chủ Nhật, 17 tháng 1, 2016

VĂN TẾ 74 TỬ SĨ TRONG TRẬN HẢI CHIẾN HOÀNG SA


VĂN TẾ 74 TỬ SĨ TRONG TRẬN HẢI CHIẾN HOÀNG SA 
NGÀY 19/01/1974.

Hỡi ơi!
Nhẹ tựa lông hồng,
Nặng tày non Thái.
Những cái chết đã đi vào quốc sử, con cháu nghe mà xót dạ bàng hoàng,
Bao con người vì gánh vác giang sơn, cây cỏ thấy cũng chạnh lòng tê tái.
Anh linh kia hoài phảng phất thiên phương,
Chính khí đó sẽ trường tồn vạn tải.
Mới hay,
Giòng giống Việt luôn còn nòi nghĩa dũng, thịt tan xương nát sá chi,
Trời đất Nam đâu thiếu bậc anh hùng, máu đổ thây rơi nào ngại.
Kính các anh vị quốc thân vong
Bày một lễ thâm tình cung bái.

Thứ Ba, 12 tháng 1, 2016

PHÍA BÊN KIA SÔNG - CHƯƠNG VIII-

CHƯƠNG VIII :
TÍNH TOAN TỨ PHÍA ĐỂ COI CHƠI.

Hạ sơn. Xuống núi phen này.
Lưng vốn sạch bách. Chưa đầy túi khôn.
Trong lòng vẫn cứ bôn chôn
Mừng, lo hai nỗi, nỗi hơn nỗi nào.

               Ngày 30.4.1988. Thìn về.
            Và hôm nay 2.9.1988. Cả cánh đồng, lúa đã lột mình, đang trở màu xanh. Cả trại như thường lệ có biến đổi về nhân số. Kẻ ra, người vào. Trong những người rời khỏi nơi này. Có tôi. Sự tự do một thời quen biết, nhưng hiểu và sử dụng nó cho rạch ròi thì chưa. Bây giờ sau một thời gian dài mất mát và tôi đã chạm tới nó rồi. Niềm vui và nỗi lo tràn về. Nhưng tôi còn nhiều việc, rất nhiều việc cuối cùng ở nơi đây, phải lo cho xong trong một thời gian cực ngắn. Hai mươi bốn giờ.

Thứ Hai, 11 tháng 1, 2016

Cơn Gió Mùa Xuân

Một cơn gió về thăm vĩa hè
Một cơn gió đùa với cành me
Một cơn gió nhẹ lay rèm cửa
Hình như là mùa xuân đang về


Một nụ cười ghé ngoài hiên vắng
Một câu thơ chấp chới màn hình
Một tiếng hát cho mây lơ đãng
Chút trong ngần sợi nắng rung rinh


Một nụ hoa khẽ khàng hé nở
Đuôi lá cong nheo mắt xuân hồng
Một tấm lụa nôn nao thành áo
Xôn xao chi rơi xuống đầy lòng


Một mùi hương của ai thấp thoáng
Gió mang về đáp xuống nơi đây
Chắc cú rồi mùa xuân đang tới
Hèn chi trời đất cũng say say


Một hạt sương mỉm cười với nắng
Nhìn cái gì cũng thấy long lanh
Lá cỏ cũng tươm thêm xanh biếc
Thêm êm đềm rượi mát gót chân


Một cánh bướm chao qua chao lại
Và con ong cũng múa theo cùng
Vài chiếc lá vàng thu còn sót
Chút quan hoài theo gió bay tung


Rồi tất cả như gom góp lại
Giữa trong ngần của cõi lặng thinh
Và bổng chốc không hình tướng nữa
Khi nụ cười em đáp vào anh.
Nguyễn Hiền Nhu

Chủ Nhật, 10 tháng 1, 2016

BÁN DẠ HÀNH


                
BÁN DẠ HÀNH
Ôi. Phố khuya buồn… hề, buồn quá đỗi
Ta đi tìm gì… hề, một vầng trăng
Và một vầng trăng… hề, không thấy nữa
Còn lại nỗi buồn… hề, lòng rưng rưng
               ***    ***    ***
Đêm vào khuya ta chợt long rong phố,
Chói chang hàng cao áp xóa mờ trăng.
Nên bày biện những cảnh đời ngộ nghỉnh?
Khoắc khuya làm bao tổ ấm băn khoăn. 


TỈNH KIÊN GIANG (ThP. RẠCH GIÁ – TX XÃ HÀ TIÊN)

Thành Phố Rạch Giá
Theo sử liệu Việt Nam thì địa danh Rạch Giá xuất hiện cách nay khoảng 3 TK (cuối TK 16 đầu TK 17 ) với tên gọi ban đầu là Rạch Cây Giá. Những lưu dân ở vùng ngũ Quảng vì nhiều mục đích khác nhau, họ xuôi về phương Nam để tìm phương kế sống, bậc tiền hiền đã đặt chân đến vùng Rạch Giá ngày nay và thấy nơi ven biển có 2 con rạch ăn thông với nhau và chạy gần như song song ôm lấy một cù lao rồi trổ ra vịnh biển. Vì là vùng cửa sông nên trên cù lao ấy mọc nhiều cây giá (một loại thực vật thân gỗ cùng họ với mắm, đước). Thấy mặt đặt tên, những người đến trước đã đặt cho tên cho khu vực này là Cù Lao giá, con rạch bám riết cù lao là Rạch cây giá. Lâu dần để thuận lợi trong giao tiếp, con cháu sau này mới chính thức đặt tên cho mảnh đất ấy là Rạch Giá
Xuất phát của tên gọi Rạch Gía rất đơn giản và đậm chất dân gian Nam bộ. Về sau dân cư nơi này sinh sống ngày càng đông đúc, phát triển thành phố, thành chợ. Rạch Giá trở thành trung tâm kinh tế chính trị của tỉnh Rạch Giá, rồi tỉnh Kiên Giang sau này. Rất ít người biết được nguồn gốc tên gọi nơi này. Cù lao Giá xưa giờ là trung tâm của thành phố nay, được bao bọc bởi sông Kiên và Rạch Kinh Nhánh (đoạn nhà hàng Hải Âu). Nhà văn Sơn Nam - Ông tổ của văn học Nam Bộ, người con của quê hương Rạch Giá đã không dấu niềm tự hào khi ai hỏi đến miền quê ông: "Xứ quê của tôi là con rạch mà nơi cửa biển mọc nhiều cây giá nguyên sinh, cây giá giờ đã biến mất, nhưng đã để lại một địa danh, một thành phố hiện đại "


Thứ Bảy, 9 tháng 1, 2016

PHÍA BÊN KIA SÔNG - CHƯƠNG VII -

CHƯƠNG VII :
CHÍN CUỐN LỊCH VÀ BA MƯƠI TỜ LẺ

              Cuồng chân. Nhảy tuốt vào đây
        Sáng chiều ngồi đếm tháng ngày đi qua
              Vừa ngẫm nghĩ, vừa ngâm nga
         Biết đâu có thể ngộ ra lẽ đời?

Một tấm thảm màu xanh thẫm, phẳng ran như chiếc đệm đang dập dềnh theo cơn gió. Lúa đã đứng cái và hứa hẹn một mùa bội thu :
Tiếng thằng Hoà nói sau lưng :
- Ba ơi. Má nói ba mê miếng ruộng hơn má.

Thứ Năm, 7 tháng 1, 2016

PHÍA BÊN KIA SÔNG - CHƯƠNG VI -

CHƯƠNG VI :
VONG GIA THẤT THỔ VÀ … MỘT CÁI TÒNG TENG

“ Cái tình là cái chi chi
Dẫu chi chi cũng chi chi với tình.”[i]
Chi chi khi rảnh đã đành
Lu bu muốn chết cũng thành chi chi

            Sáng hôm sau tôi về Rạch Giá, chiếc đò chạy trong màn sương và ánh sáng lờ mờ của buổi bình minh. Giòng sông Cái Lớn vẫn mang dáng vẻ ưu tư hay là chính nỗi buồn của tôi. Tôi cũng không biết nữa. Tôi cố làm sống dậy những kỷ niệm của tôi về giòng sông. Nhưng không thể. Tôi ngồi giữa tiếng rì rầm của máy tàu, của màn sương tan, của bình minh đang đến. Giòng sông vẫn thế và tôi nhìn màu xanh huyền hoặc của hàng lá dừa nuớc bên kia sông mà trong lòng lạnh tanh. Và bên này cũng thế, cái màu xanh đầy sức sống và lấp loáng hạt nắng ban mai. Ôi giòng sông thân quen bây giờ sao mà lạ lùng với tôi đến thế. Tôi nhớ mà. Giòng sông có bao giờ từ bỏ ai đâu. Thế mà, hôm nay Hay là tôi đang từ chối quê hương mình. Đúng hơn là từ chối tấm lòng mình.
            

Thứ Ba, 5 tháng 1, 2016

PHÍA BÊN KIA SÔNG PHẦN II -CHƯƠNG V-

PHẦN II

CHƯƠNG V:
NHÌN NGÓ LUNG TUNG RỒI BỎ ĐÓ,

 

Xóa bài làm lại phen này nhé-
Lưng vốn tiêu tùng. Túi trống không
Mò mẫm đi lần qua lối mới,
Cẳng giò khệnh khạng bước lung tung

Thế là hết. À không chấm dứt chứ. Chấm dứt rất nhiều thứ, nhiều thứ buồn cũng như vui. Còn lại chăng la trước mắt mộtSài Gòn đang nháo nhác đổi thay. Tôi và Ngọc, em trai tôi, sau khi thoát khỏi chiến trường Huế trở về, đang nằm tại căn cứ Long Bình. Từ nơi đó nó tìm gặp tôi. Chúng tôi thật sự mang tâm trạng hoảng loạn khi nhìn một đại đội CSDC tan hàng ngay cổng trường Nguyễn Thái Học ở góc đường Trần Hưng Đạo, Nguyễn Thái Học tại Sài Gòn, viên đại úy đại đội trưởng đã tập hợp đơn vị mình trước cổng trường cho giá súng ngay ngắn đúng theo quân lệnh, sau khi đã rút cơ bẫm và nói vài lời chia tay. Bất giác tôi đưa tay sờ vào thắt lưng nơi giắt khẩu Smit-Wesson P.38.[i] Ngọc nắm tay tôi nói khẻ:

Chủ Nhật, 3 tháng 1, 2016

Vũng Lầy


Vũng Lầy

- Ðây là lần thứ hai ông cựu Trung úy Võ Trung Úy, nguyên Ðại đội trưởng Ðại đội X thuộc Tiểu đoàn Z trấn giữ mặt trận Long Khánh cho tới ngày chót được lệnh rút lui, đi Việt Nam. Lần này, không còn lo lắng sợ hãi như lần trước nữa nên ông đi một mình thăm ông già đang bị bệnh nặng, để bà vợ ở lại Mỹ. Hơn nữa bà còn phải trông coi cửa hàng ăn không thể giao phó cho người khác. Không bết cái tên Trung Úy do ông già ông đặt có phải là tiền định không mà sau mấy năm đeo mãi cái lon Trung úy, khi tới lúc sắp được lên lon Ðại úy thì... đứt phim!
Sau khi bệnh trạng ông già có phần thuyên giảm, ông Võ Trung Úy mới có chút thì giờ đi dạo phố phường.Thành phố Saigon bây giờ đổi khác hơn mấy năm trước nhiều. Thiên hạ tưng bừng trưng diện ăn chơi đủ mốt đủ kiểu, chẳng thua kém gì bọn thanh thiếu niên ăn chơi bên nước Mỹ. Bỗng ông Úy nhận thấy một điều mà lần trước có lẽ ông không để ý tới hoặc "nó" chưa phát triển một cách "tiến mau tiến mạnh lên xã hội chủ nghĩa" như bây giờ. Ðó là "giai cấp ăn mày". Trước đây, theo Các Mác, trong xã hội tư bản có giai cấp công nhân vô sản, nay trên con đuờng phát triển đi lên xã hội chủ nghĩa, giới ăn mày (còn nghèo hơn những người thuộc giai cấp công nhân vô sản nhiều) phát triển rất nhanh, rất mạnh từ đầu đường xó chợ tới chốn thôn quê. Khắp đâu đâu cũng đầy rặc ăn mày nên vô hình trung một giai cấp mới đã tự phát và hình thành trong xã hội chủ nghĩa: giai cấp ăn mày!
Ðang đi trên đường Lê Lợi, chỗ gần chợ Bến Thành, cùng với một người bạn, bỗng có kẻ bất thình lình cầm tay ông Úy níu lại. Giật mình ông Úy dừng bước và quay nhìn: đó là một gã ăn mày tuổi ngoài trung tuần, râu tóc xồm xoàm áo quần lếch thếch nhưng không đến nỗi rách rưới. Gã ăn mày không đợi "thí chủ" hết ngạc nhiên, nói liền: "Xin ông bạn Việt kiều giúp cho người anh em khốn khó vài tờ !". Ông Úy giận lắm. Ăn mày gì mà chơi kiểu cha vậy. Ông giật tay và cất bước trong khi người bạn đi bên tủm tỉm cười: "Anh bạn bình tĩnh! Chuyện này ở đây diễn ra như cơm bữa!". "Nhưng ít ra chúng nó cũng phải tỏ vẻ lễ độ!". "Xin ông bạn Việt kiều bớt nóng, cảm thông bố thí cho anh em nhờ ! Lễ độ hay không, chuyện nhỏ.". Tiếng gã ăn mày nổi lên phía sau, sát bên ông Úy. Thì ra gã vẫn chưa chịu bỏ cuộc. Và theo bước gã còn một tên ăn mày nữa. Tên này chống nạng gỗ, mặc bộ đồ bộ đội Bắc Việt mầu xanh lá cây đã bạc phếch, và đầu vẫn đội chiếc nón cối cũ bẩn cũng như chủ nó. Cả hai trông chưa đến nỗi ốm yếu tới độ sắp chết đói mà trái lại còn có phần dữ tợn đe dọa. Người bạn đi cùng ông Úy vội kéo nhanh ông bước như chạy, nói: "Thôi ông ơi, tránh hủi chẳng xấu mặt nào, hơi đâu giằng co với bọn nó. Ðến công an bọn nó còn cóc sợ huống chi bọn mình! Giai cấp mới đang lên mà!". Về nhà suốt buổi tối ông Úy bị ám ảnh mãi hình dạng và lời lẽ của gã ăn mày. Bất chợt ông thấy khuôn mặt gã có vẻ quen quen như gặp đâu nhiều lần. Ông cố lục tìm trong trí nhớ, trong dĩ vãng mãi mà vẫn không nhận ra con người ăn mày có vẻ quen quen này. Ðêm đó ông Úy trằn trọc không ngủ được. Sáng hôm sau ngồi uống trà với ông già, ông Úy biết thêm nhiều chuyện về "giai cấp ăn mày". Ở miền Bắc, miền Trung nhiều Làng, nhiều Xã kéo cả vào Nam ăn mày. Bố ăn mày, mẹ ăn mày, con ăn mày. Toàn gia ăn mày. Cả họ ăn mày. Ðời sống của họ đôi khi còn "huy hoàng" hơn giai cấp công nhân vô sản nhiều. Người ta không còn có mặc cảm nhục nhã khi phải ngửa tay xin tiền bố thí nữa mà nhiều lúc còn hãnh diện. Họ xin tiền khách qua đường không cho họ chửi liền. Họ lên án xã hội. Họ chửi cái xã hội đã biến họ thành nạn nhân, thành những kẻ khốn cùng. Họ chẳng còn gì để mất kể cả sự sống nên họ hết sợ. Khuôn mặt gã ăn mày hôm trước cứ ám ảnh ông Úy mãi đã thôi thúc ông đi tìm gặp lại gã. Ông không mất công tìm kiếm lâu. Hôm nay gã ăn mày không chạy bám theo khách nữa. Gã cùng gã ăn mày bận bộ đồ bộ đội ngồi trước một Nhà hàng ăn, vẫn ở cuối đường Lê Lợi gần chợ Bến Thành. Ngoài hai gã ra cũng còn dăm bẩy "đồng nghiệp" của gã. Nhưng những người này ngồi hơi xa cửa ra vào Nhà hàng. Nhà hàng có vẻ có nhiều món "đặc sản" nên bà con Việt kiều đến khá đông. Khi ông Úy tới giáp mặt gã ăn mày mà gã vẫn tỉnh khô coi như chưa hề gặp. Có lẽ gã quên ông rồi. Ông Úy cất tiếng: "Chào người anh em!". Gã ăn mày ngước nhìn: "Ðồng chí Việt kiều chào tôi hả?". "Ủa, mới hôm qua gặp nhau quên rồi sao?". Gã mặc bộ đồ bộ đội ngồi bệt dưới đất cạnh gã, nhận ra trước: "A! ông anh bữa qua bọn mình xin tiền đéo cho lại còn nói sỏ đây mà! Hôm nay ông anh nổi máu từ tâm muốn bố thí cho hai thằng này hả?". Lúc đó gã ăn mày mới như chợt nhớ ra à lên một tiếng và nói tiếp: "Thì ra là lão Việt kiều keo kiệt bữa qua. Thế nào người anh em? Phát cho vài tờ xanh xem nào". Ông Úy lặng lẽ nhìn gã ăn mày vài phút mới nói: "Tôi trông anh quen lắm!". Gã ăn mày phá lên cười: "Ha ha! Thì cứ nhận đại là quen đi! Quen thằng ăn mày có khó khăn gì mà phải mầu mè! Thế đằng ấy trước có đi lính không? Lính Cộng hòa ấy mà! Tớ là lính thứ thiệt chứ không phải thứ dởm lợi dụng sắc áo mầu cờ để ăn xin ăn mày đâu nhé! Trước tớ là đơ dèm củ bắp. Tớ bị thương trong trận đánh cuối cùng ở Long Khánh". Quay sang gã ăn mày mặc bộ đồ bộ đội, gã nói tiếp: "Thằng này cũng ở mặt trận Long Khánh nhưng nó là..vi ci". Gã bạn tiếp lời ngay: "Là bộ đội, là chiến sĩ đi B giải phóng miền Nam đã để lại chiến trường một cái chân và một con mắt làm kỷ niệm!". Gã ăn mày tiếp lời: "Còn tớ thì đi đứt một khúc ruột và cánh tay trái. Ðấy, nó cụt tới tận vai đấy!". Gã vén ống tay áo cho ông Úy coi chỗ cánh tay cụt. Ông Úy không nhịn được tiếng thở dài. Ông hỏi: "Thế bạn trước ở đơn vị nào?". Gã ăn mày trả lời liền: "Quên cha nó rồi!". Bỗng gã bất ngờ nổi quạu: "Thôi ông nội! Có bố thí đồng nào thì bố thí đi, chứ cứ đứng cà kê dê ngỗng mãi, còn để người ta kiếm ăn chớ !". Trong khi ông Úy hậm hực bỏ đi còn nghe tiếng gã ăn mày bận bộ đồ bộ đội chửi với theo: "Cái ngữ này dám Việt kiều rởm, vờ vĩnh nhận vơ bạn bè để mai mốt gạ xin nhập bọn đây! Mẹ đời đa sự!". Sau câu nói gã nhổ bọt đánh toẹt một cái. Rồi gã vụt đứng dậy chống nạng chạy theo một bà – vận bộ đồ có vẻ Việt kiều từ trong Nhà hàng bước ra – "Bà ơi, xin bà thông cảm... Nhờ ơn đảng chúng tôi mới trở thành những kẻ khốn cùng..!".
Mấy hôm sau ông Võ Trung Úy tình cờ gặp một bạn cũ từ Mỹ về. Anh này trước cùng đơn vị với ông mang cấp bậc Thiếu úy Trung đội trưởng. Hai người gặp lại nhau một đôi lần ở Mỹ, vì mỗi người sống một Tiểu Bang. Sau câu chuyện hàn huyên, người bạn nói: "Niên trưởng còn nhớ thằng Lâm nhắng trong đơn vị mình không?". Ông Úy vỗ trán mãi mới nhớ ra: "Ồ, có phải cái thằng lính ba gai luôn chuồn đi chơi gái nhưng đánh giặc rất chì phải không?". "Ðúng rồi đó! Nó bị thương nặng ở mặt trận Long Khánh những ngày cuối cùng. Tưởng chết té ra nó vẫn chì, vẫn còn sống nhăn tới ngày hôm nay. Tôi có xin được một số tiền của anh em cựu quân nhân đem về cho nó. Mấy ngày hôm nay tôi lần theo địa chỉ nó gửi thư sang Mỹ mà tìm mãi không ra". "Nó nói ở đâu?". "Trong một nghĩa địa cũ vùng Ngã Ba chuồng chó". "Người ngợm nó ra sao?". "Có ảnh đây". Ông cựu Thiếu úy móc trong ví ra một tấm hình cũ kỹ mờ nhạt. Nhìn ảnh ông Úy kêu ầm lên: "Ðúng rồi! Thì ra cái thằng Lâm nhắng là nó. Ta đến chỗ nó "hành nghề" ngay đi!". "Thì ra niên trưởng đã gặp nó? Nó bây giờ làm nghề gì?". "Cứ đến gặp sẽ biết".
Buổi tối hôm đó tại một quán nhậu bình dân ở một khu xóm ngoại ô tồi tàn có ba người khách vừa ăn uống vừa chuyện trò rôm rả. Ðó là hai "ông Việt kiều": ông cựu Trung úy Ðại đội trưởng, ông cựu Thiếu úy Trung đội trưởng và ông cựu lính cộng hòa "đơ dèm củ bắp" đang hành nghề ăn xin ăn mày. Ông cựu Trung úy hỏi: "Bây giờ có khoản tiền ngoại viện rồi cậu có tính làm lại cuộc đời không?". "Làm lại thế nào?". Lâm nhắng hỏi. Ông cựu Thiếu úy đáp: "Tức là thôi nghề ăn xin ăn mày này mần nghề khác lương thiện hơn". Bỗng Lâm nhắng đặt mạnh ly bia đang uống xuống bàn, trợn mắt nói: "Hành nghề ăn mày ăn xin đâu có gì xấu xa. Phải nói đó là những con người lương thiện! Ăn mày ăn xin còn hơn ăn cắp ăn trộm đục khóet của công, ăn thịt người sống lẫn người chết! Chúng tôi bị dồn tới bước đường cùng mới phải ngửa tay xin ăn thiên hạ. Còn bọn chúng nó là bọn bất lương buôn dân bán nước! Thử hỏi như vậy ai đáng trọng hơn ai, ai đáng khinh hơn ai!". "Nhưng tôi thấy hành nghề này vất vả quá, bấp bênh quá, sống ngày nào biết ngày ấy!". Ông cựu Trung úy nói. Lâm nhắng bỗng cất tiếng cười lớn: "Ha, ha! Thưa niên trưởng! Ngài cũng thừa biết bọn tôi hành nghề này là chửi cha vào mặt chế độ này. Chúng nó đã lãnh đạo đất nước tiến mau tiến mạnh lên xã hội chủ nghĩa bằng cách làm cho cả triệu người trở thành bần cùng hết kế sinh nhai phải đi ăn xin ăn mày. Ðây là một sự lên án nặng nề bọn cầm quyền mà chúng tôi là những nhân chứng sống! Chế độ này còn tồn tại thì chúng tôi còn tiếp tục đi ăn xin ăn mày cho tới khi cả nước trở thành ăn xin ăn mày. Và bây giờ hình như cả nước đang bước vào con đường này rồi đấy! Chúng tôi chẳng có mặc cảm gì hết. Ðừng phiền trách chúng tôi! Và cũng đừng diễn trò đạo đức giả với chúng tôi!". Trong lúc ba người đang bức bối vì "vấn đề đặt ra" thì gã ăn mày bận bộ đồ bộ đội chống nạng bước vào. Mùi hôi hám từ cơ thể gã tỏa ra làm hai "ông Việt kiều" nhăn mặt. Lâm nhắng nói: "Ngồi xuống đây em, uống bia nhé! Ðồ nhậu đó cứ tự nhiên". Quay lại phía hai chiến hữu cũ, gã nói tiếp: "Thằng này là bộ đội chính cống từ miền Bắc vào giải phóng miền Nam. Bọn nó đụng với đơn vị mình ở mặt trận Long Khánh những ngày sau cùng đấy, hà hà bố khỉ!". "Sao hai người lại gặp nhau, quen nhau?". Ông Úy hỏi. "Thì gặp nhau trong cùng chí lớn là đi ăn xin ăn mày, khách đồng điệu mà! Thế là quen nhau rồi thân nhau. Trước đó tôi với nó đã đập lộn một trận vì cái trò "Nam Bắc phân tranh" đấy!". Thấy câu chuyện vui vui có vẻ hấp dẫn, ông Úy cười nói: "Cậu có thể kể bọn tôi nghe việc đập lộn vì cái trò Nam Bắc phân tranh được không?". "Ðược chớ !". Uống ngụm bia, có lẽ để nhấp dọng, Lâm nhắng bắt đầu kể. 
"Sau một thời gian tập sự "hành hiệp giang hồ" trong Cái Bang *, trở thành đệ tử chính cống của lão giáo chủ Hồng Thất công, tôi phải ra tay đánh đông dẹp bắc mãi mới trở thành Cái Bang bốn túi chiếm cứ được vùng đắc địa (chỗ niên trưởng gặp bữa trước đó). Sở dĩ gọi là vùng "đắc địa" vì đó là nơi bọn Việt kiều, bọn cán lớn cán nhỏ và dân áp phe hay lui tới ăn nhậu. Ðối với bọn họ vài ngàn bạc bỏ ra bố thí có nhằm nhò gì, còn hơn là cứ để bọn Cái Bang theo sau lải nhải nói năng sỏ siên, kể cả dọa dẫm. Vì chỗ đất béo bở vậy nên có nhiều ruồi bu, mật ít ruồi nhiều mà! Thế là phải mở những cuộc tranh hùng thanh toán nhau giữa đồng nghiệp, tuy không đẫm máu nhưng cũng sứt đầu mẻ trán mãi tôi mới làm trùm lãnh địa này. Thằng bộ đội này, Lâm nhắng chỉ vào gã cựu bộ đội đang nhồm nhoàm nhai một cái đùi gà, nó mò tới quyết ăn thua đủ với tôi. Tôi là "độc thủ đại hiệp", còn nó mới thuộc típ "độc cước tiểu hiệp", tướng một giò thêm độc nhãn địch sao nổi lại tướng hai giò đầy đủ lưỡng nhãn. Qua mấy hiệp nó đánh không lại tôi, nó thua nó bèn dùng chưởng miệng (nghề của bè đảng nó mà!) chửi tôi là lính ngụy, là thế nọ thế kia. Tôi chửi lại nó "quân Bắc kỳ bẻo, đểu cáng". Rồi nó cứ luôn rình rập phá đám tôi hoài. Nổi hung tôi định giở trò đấm đá thì nó bỏ chạy. Thấy mình nguôi nguôi nó lại sáp lại chọc phá đám, không để yên cho mình làm ăn. Bọn ăn mày ở đây ai cũng căm ghét quân Bắc kỳ cục. Chúng nó đổ tại bị bọn này giải phóng nên mới phải đi ăn mày. Một hôm tôi hỏi nó: "Tao thua tao phải đi ăn mày. Mày thắng tại sao mày cũng đi ăn mày?". Nó đốp chát liền: "Tao với mày cả hai thằng đều thua cả nên mới trở thành ăn mày. Tao mất cái chân, mày mất cái tay coi như huề. Chúng nó mới là kẻ thắng!". "Chúng nó là ai?". Tôi hỏi. "Là bọn đồ tể hiện đang ngồi ngất ngưởng những chỗ cao nhất nước hưởng thụ xương máu bọn tao đó!". Nói xong nó bỗng òa khóc như con nít. Tới đây Lâm nhắng ngừng nói quay nhìn gã cựu bộ đội ăn mày xem phản ứng. Thấy gã vẫn thản nhiên ăn uống như không có chuyện gì xẩy ra. Có lẽ lâu lắm rồi gã mới được ăn uống một bữa khoái khẩu hả hê như vậy. Lâm nhắng vui vẻ tiếp tục kể: "Giải phóng miền Nam xong, nó cũng được đảng "giải phóng" cho về quê.nghỉ luôn. "Ngày trở về. anh bước lê.. trên quãng đường đê..." (Lâm nhắng nói như hát). Về tới làng xưa xóm cũ thì bố mẹ đều chết hết, còn cô vợ yêu quý nay đã trở thành bà Xã đội trưởng. Thế là mất tất cả. Hận đời hận tình, nó bỏ vào Nam. Chẳng có nghề ngỗng gì anh chàng trở thành đệ tử của Lão tổ Cái Bang Hồng Thất công. Một hôm ngồi mãi không thấy ai thẩy cho nó một đồng trong khi đó bà con Việt kiều biết tôi là lính cũ cho tiền ào ào, nó chửi đổng: "Ðịt mẹ, cùng là kẻ thua cả mà vẫn còn trò phe phái, ngụy bênh ngụy, ngụy giúp ngụy. Còn thằng này lỡ làm lính bắc kỳ cộng sản thì tẩy chay thì bỏ mặc. Kỳ thị đến thế là cùng! Thế mà luôn mồm bầu ơi thương lấy bí cùng.." "Nhưng rồi chính các đồng chí của nó cũng tẩy chay, cũng kỳ thị, cũng bỏ mặc và còn hắt hủi nó nữa. Bữa đó có mấy trự có vẻ là quan to tới ăn uống. Khi các quan ra về thằng ăn mày cựu bộ đội Bắc kỳ chạy theo tả oán xin xỏ. Chẳng những không được bố thí nó còn bị các quan mắng như tát nước vào mặt là quân phá hoại, tiêu cực, bôi bác, bêu riếu chế độ, nên tóm cổ quẳng vào trại cải tạo! Thế là nó nổi giận chẳng còn nể nang sợ hãi gì nữa. Nó văng tục chửi thẳng vào mặt các quan, nào là "bọn phản bội" nào là "quân chó má uống máu ăn thịt chiến sĩ đồng bào" nào là "hãy trả lại chúng tao những cánh tay, những cái chân và cả triệu người chết...". Thế là nó bị mấy thằng bảo vệ đi theo các quan tẩn cho một trận thừa sống thiếu chết. Nó bò lê bò càng trên hè phố mà miệng vẫn không ngừng chửi bới nguyền rủa. Tôi thương nó bắt đầu từ đấy".
Trở về Mỹ cả tháng mà ông cựu Trung úy Võ Trung Úy vẫn còn băn khoăn thắc mắc trăn trở về hai gã ăn mày từng là lính của hai chế độ. Ðúng họ là những kẻ thua và mãi vẫn còn thua. Và bây giờ làm sao họ đòi lại được những cánh tay, những cái chân, những con mắt đã bị mất nơi chiến trường để biến họ thành con người như ngày hôm nay? Ông cựu Trung úy Võ Trung Úy bất chợt nghĩ tới bốn chữ "Tổ Quốc Ghi Công". Tổ quốc nào ghi công những người cựu chiến binh ăn mày này đây?

THANH THƯƠNG HOÀNG
QuanDo FaceBook