Người theo dõi

Chủ Nhật, 10 tháng 1, 2016

TỈNH KIÊN GIANG (ThP. RẠCH GIÁ – TX XÃ HÀ TIÊN)

Thành Phố Rạch Giá
Theo sử liệu Việt Nam thì địa danh Rạch Giá xuất hiện cách nay khoảng 3 TK (cuối TK 16 đầu TK 17 ) với tên gọi ban đầu là Rạch Cây Giá. Những lưu dân ở vùng ngũ Quảng vì nhiều mục đích khác nhau, họ xuôi về phương Nam để tìm phương kế sống, bậc tiền hiền đã đặt chân đến vùng Rạch Giá ngày nay và thấy nơi ven biển có 2 con rạch ăn thông với nhau và chạy gần như song song ôm lấy một cù lao rồi trổ ra vịnh biển. Vì là vùng cửa sông nên trên cù lao ấy mọc nhiều cây giá (một loại thực vật thân gỗ cùng họ với mắm, đước). Thấy mặt đặt tên, những người đến trước đã đặt cho tên cho khu vực này là Cù Lao giá, con rạch bám riết cù lao là Rạch cây giá. Lâu dần để thuận lợi trong giao tiếp, con cháu sau này mới chính thức đặt tên cho mảnh đất ấy là Rạch Giá
Xuất phát của tên gọi Rạch Gía rất đơn giản và đậm chất dân gian Nam bộ. Về sau dân cư nơi này sinh sống ngày càng đông đúc, phát triển thành phố, thành chợ. Rạch Giá trở thành trung tâm kinh tế chính trị của tỉnh Rạch Giá, rồi tỉnh Kiên Giang sau này. Rất ít người biết được nguồn gốc tên gọi nơi này. Cù lao Giá xưa giờ là trung tâm của thành phố nay, được bao bọc bởi sông Kiên và Rạch Kinh Nhánh (đoạn nhà hàng Hải Âu). Nhà văn Sơn Nam - Ông tổ của văn học Nam Bộ, người con của quê hương Rạch Giá đã không dấu niềm tự hào khi ai hỏi đến miền quê ông: "Xứ quê của tôi là con rạch mà nơi cửa biển mọc nhiều cây giá nguyên sinh, cây giá giờ đã biến mất, nhưng đã để lại một địa danh, một thành phố hiện đại "



Rạch Giá là thành phố biển của vùng ĐBSCL, đồng thời cũng là trung tâm hành chính, kinh tế, văn hóa và đầu mối giao thông quan trọng của tỉnh Kiên Giang, vị trí đô thị nằm trong khoảng 10°1′0″ vĩ Bắc, 105°4′60″ kinh Đông. Phía Đông thành phố giáp các huyệnTân Hiệp  Châu Thành; phía Tây giáp vịnh Thái Lan; phía Nam giáp các huyện Châu Thành và An Biên; phía Bắc giáp các huyện Hòn Đất và Tân Hiệp. Thành phố Rạch Giá cách TP.HCM 250 km về hướng Tây Nam, cách Tp.Cần Thơ 116 km về hướng Tây và cửa khẩu quốc tế Hà Tiên 95 km về hướng Đông Nam. Rạch Giá có nhiều lợi thế về giao thông đường thủy, đường biển, đường bộ và đường hàng không nhằm kết nối với các trung tâm lớn trong nước và khu vực Đông Nam Á. Chính vì lợi thế so sánh về đặc điểm tự nhiên nên cũng có một số ý kiến cho rằng ở ĐBSCL, ngoài Tp. Cần Thơ thì Thành phố Rạch Giá được đề nghị là đô thị Trung ương nhằm tạo thế cân bằng phát triển kinh tế, chính trị, an ninh quốc phòng khu vực vùng ven biển và biển đảo Tây Nam
Đơn vị hành chính
Thành phố Rạch Giá được công nhận là đô thị loại 3 vào tháng 10/2004 và được nâng cấp từ thị xã Rạch Giá theo nghị định số 97/2005/NĐ-CP ngày 26 tháng 7 năm 2005 của Chính phủ. Thành phố gồm 12 đơn vị hành chính trực thuộc:
Phường Vĩnh Thanh Vân
Phường Vĩnh Thanh
Phường Vĩnh Lạc
Phường Vĩnh Bảo
Phường Vĩnh Lợi
Phường Vĩnh Quang
Phường An Hòa
Phường An Bình
Phường Rạch Sỏi
Phường Vĩnh Thông
Phường Vĩnh Hiệp
Thành phố Rạch Giá là một trong 4 đô thị trọng điểm tại ĐBSCL (bao gồm Tp. Cần Thơ, Tp. Cà Mau và Tp. Long Xuyên). Rạch Giá từ lâu nổi tiếng là khu vực phát triển năng động "trên bến dưới thuyền". Hiện tại thành phố là nơi có dân cư đông đúc và kinh tế phát triển so với các thành phố ở ĐBSCL. Với hơn 23 vạn dân, qui mô dân số đô thị của toàn thành phố Rạch Giá đứng thứ 3 trong các thành phố tại Miền Tây (sau Tp. Cần Thơ và Tp. Long Xuyên - An Giang) và với mật độ dân số nội thành hơn 10.000 người/km2, Rạch Giá liệt vào danh sách các đô thị bận rộn của cả nước. 93% dân số Rạch Giá (hơn 200.000 dân - năm 2009) là dân đô thị, một tỷ lệ khá cao so với các đô thị khác. Thành phố biển miền Tây Nam này ngày càng có nhiều người biết đến hơn là bởi Rạch Giá đang sở hữu khu đô thị lấn biển đầu tiên và lớn nhất Việt Nam. Khu lấn biển hướng ra Vịnh Thái Lan mở rộng thành phố thành một trong những khu đô thị mới lớn nhất vùng Tây Nam Bộ, tăng thêm 2 phường mới cho Rạch Giá và mở rộng diện tích nội thành lên đến 420 ha. Ngoài ra các dự án bất động sản, công trình giao thông ngoạn mục, và công trình dự án đã và đang triển khai khu đô thị cao cấp thành phố mới Phú Cường, khu đô thị mới Vĩnh Hiệp, con đường hành lang biển Tây Nam... sẽ tạo thế cân bằng phát triển đô thị theo chiều Đông - Tây của thành phố biển Tây Nam văn minh hiện đại.
Tháng 5 năm 2011, Thủ tướng chính phủ đã cho khởi công tuyến tránh TP Rạch Giá dài 20 km, dự kiến 2014 sẽ hoàn thành. Đây là dự án thành phần của tuyến hành lang ven biển Tây nối Việt Nam với Campuchia và Thái Lan. Khi hoàn thành sẽ giúp Rạch Giá mở rộng mạng lưới giao thông và không gian đô thị đáng kể. Chắc chắn trong thời kỳ mới, các dự án được hoàn thành, Rạch Giá sẽ thực hiện sứ mệnh là thành phố đa chức năng, vai trò trung tâm của thành phố sẽ rõ hơn, chắc chắn hơn không chỉ khu vực tỉnh Kiên Giang mà còn vùng ven biển Tây Nam và khu vực ĐBSSL

Văn hóa và du lịch
Thành phố Rạch Giá
Du lịch là khám phá văn minh, tìm tòi và cảm nhận văn hóa, Rạch Giá chính là nơi gặp gỡ, giao lưu của những luồng văn hóa ấy. Điều này cũng giải thích vì sao ngoài cảnh quan và tiềm năng sông nước biển đảo, Rạch Giá lại có sức hút mạnh mẽ đối với thực khách phương xa khi đến thăm thành phố. Với lợi thế là khai hoang từ vùng đất mở, quan điểm tám phương là nhà, tứ hải giai huynh đệ, người và đất Rạch Giá chính là sản phẩm hòa quyện rồi thăng hoa của quá trình cộng cư mở cõi của các cộng đồng dân tộc, mà tiêu biểu là người Việt, Hoa và Khmer. Họ, những con người ấy đã dựng xây, thành tạo nên một nền văn hóa đặc sắc đậm đà bản sắc dân tộc mà người đời thường gọi là văn minh xứ Rạch Giá, cùng vô số đền đài, chùa chiền và hàng trăm công trình thờ tự nổi tiếng khắp vùng Nam Bộ
Mặc dù là vùng xa xôi của tổ quốc, nhưng đất Rạch Giá không hề vắng bóng những anh hùng dân tộc, hết lòng chặt dạ vì dân vì nước. Các vị tiền hiền đã anh dũng đứng lên chống giặc ngoại xâm cho dân có cuộc sống yên bình, người anh hùng đó đã dốc sức cho quê hương và khảng khái đánh giặc đến hơi thở cuối cùng. Vậy mà anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực đã đền nợ nước khi tuổi chưa đầy ba mươi. Sự ra đi của cụ Nguyễn để lại bao nỗi đau thương, uất hận của người dân Rạch Giá - Kiên Giang. Nhưng tấm gương ấy, ý chí ấy mãi mãi là một bài học có mở đầu nhưng không lời kết về lòng quả cảm và tinh thần yêu nước chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Cho đến hôm nay, Lễ tế Anh hùng Dân tộc Nguyễn Trung Trực vẫn được tổ chức trang trọng vào các ngày 26, 27, 28 tháng 8 âm lịch. Đây là lễ hội lớn nhất và có sức thu hút mạnh nhất ở Rạch Giá. Có thể coi đây là 1 sản phẩm du lịch rất đáng giá và mang lại nhiều giá trị: Giá trị nhân văn, giá trị truyền thống và giá trị kinh tế hiện nay cho thành phố.
Năm 2009, lễ hội này thu hút 700.000 lượt người tham dự.
Năm 2010, lễ hội này thu hút 800.000 lượt người tham dự. Năm 2011, lễ hội dự kiến thu hút 900.000 lượt người tham dự. Du khách tham dự lễ hội chủ yếu đến từ khắp các tỉnh thành ở vùng Đông bằng sông Cửu Long và cả miền Đông Nam Bộ. Người dân đến thắp hương tưởng nhớ vị anh hùng một thời đã hiến máu xương cho đất Lục tỉnh, và cũng bởi vì câu nói của ông hiên ngang khảng khái trước pháp trường: Bao giờ người Tây nhổ hết cỏ nước Nam thì mới hết người Nam đánh Tây. Nghĩa khí của ông đã lay động hàng triệu con tim yêu nước Việt Nam. Ngày nay, lễ hội được tổ chức ngày một trang nghiêm với các hoạt động tế lễ đẹp mắt và văn minh. Vào dịp lễ hội tháng Tám hàng năm, dân thập phương đổ về Rạch Giá rất đông. Nhiều nhà hảo tâm, và cả người bình dân đã đóng góp tiền của, công sức, cơm gạo để làm cơm thết đãi du khách. Người ta nô nức đi "ăn cơm đình", đó là bát cơm tình nghĩa, bát cơm của người Rạch Giá thết đãi du khách phương xa đã không ngại đường xá xa xôi đến đây dự lễ. .
Di tích lịch sử
Di tích đã được xếp hạng
Đình thần Nguyễn Trung Trực
Đình thần Nguyễn Nguyễn Hiền Điều
Chùa Tam Bảo
Đình thần Vĩnh Hòa
Chùa Phật Lớn
Chùa Láng Cát
Bảo tàng Kiên Giang
Chùa Quan Đế
Chùa Bà Thiên Hậu
Chùa Ông Bổn
Chùa Phổ Minh
Di tích chưa được xếp hạng
Cổng Tam Quan. Di tích này được coi là "cổng làng" và là biểu tượng không chính thức của TP Rạch Giá.
Đình phó cơ Nguyễn Hiền Điều
Mộ hội đồng Suông
Miếu Bắc Đế
Thiên Hậu Cung
So với các đô thị khác trong vùng và cả nước, đô thị Rạch Giá có một kho tàng văn hóa độc đáo. Đó là sự dung hợp của các tộc người, các nền văn hóa lớn, chủ yếu từ Kinh, Hoa, Khơ Me. Biểu hiện của sự đa dạng và giao lưu văn hóa thể hiện ở các kiến trúc đình, chùa, các công trình thờ tự. Nếu biết khai thác và có định hướng phát triển hợp lý, những di tích văn hóa này sẽ là 1 sức hút rất lớn của Rạch Giá.
Kinh Tế
Nền kinh tế của thành phố Rạch Giá được xếp vào loại lớn nhất so với các huyện thị trong tỉnh Kiên Giang và có vị thế ở ĐBSCL Từ khi thị xã Rạch Giá trở thành thành phố, kinh tế-xã hội địa phương đã có bước đổi thay nhanh chóng. Năm 2007, hầu hết các chỉ tiêu đều đạt kế hoạch và tăng hơn năm trước theo hướng tích cực Tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố trong những thập niên 90 tăng liên tục, tuy tốc độ tăng trưởng có sự tăng trưởng ít nhiều giữa các năm. Nếu như tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của thị xã Rạch Giá trong 5 năm (2001-2005) chỉ đạt 11,75%, thì bước sang năm 2006 tăng trưởng kinh tế của thành phố Rạch Giá vươn lên mức 13,02%. Nếu tính theo giá so sánh năm 1994 thì GDP của thành phố đã tăng từ 5.466,56 tỷ đồng đến 10.540,01 tỷ đồng năm 2007. Như vậy trong vòng hơn 10 năm, GDP của thành phố Rạch Giá tăng gần 2 lần. Trong đó giá trị sản xuất nông nghiệp hải sản tăng từ 1.193,72 tỷ đồng lên 1.945,65 tỷ đồng; giá trị sản xuất công nghiệp tăng 2.221,27 đến 3.574,22 tỷ đồng; giá trị sản xuất các ngành dịch vụ tăng nhanh nhất và chiếm tỷ trọng cao, nếu năm 1994 chỉ đạt 2.015,57 tỷ đồng thì đến năm 2007 tăng lên 5.020,14 tỷ đồng. Trong cơ cấu GDP của thành phố Rạch Giá, ngành nông – ngư ngiệp chiếm tỷ trọng nhỏ nhất 21%, ngành dịch vụ thương mại chiếm tỷ trọng lớn nhất 55% với sự có mặt của hàng trăm doanh nghiệp bán lẻ và trung tâm thương mại rải rác khắp thành phố, còn lại là công nghiệp – xây dựng 24%. Riêng lĩnh vực nông nghiệp, những năm gần đây, Rạch Giá đã vượt mặt Phan Thiết - Bình Thuận để vươn lên vị trí số 1 cả nước về số lượng tàu thuyền và sản lượng khai thác đánh bắt thủy sản. Góp phần tạo nên sự phồn thịnh cho kinh tế truyền thống của thành phố Rạch Giá. Các ngành kinh tế thành phố phát triển kéo theo thu nhập bình quân đầu người tăng khá và ổn định. Nếu như năm 2006 thu nhập của thành phố chỉ đạt 13.746 ngàn đồng (tăng 10,98% so với năm 2005) thì sang năm sau đạt 16.397 ngàn đồng tương đương với 1.021USD và năm 2010 là 1.450 USD. Tỷ lệ hộ nghèo từ 5,52% năm 2005 giảm xuống 4,42% năm 2006, còn 3,25% năm 2007 và giảm 1,8% năm 2010. Tỷ lệ hộ sử dụng điện sinh hoạt đạt 99,5% và 97% số hộ có nước sạch sử dụng Như vậy sau hơn 10 năm đổi mới và phát triển, nền kinh tế của thành phố Rạch Giá đã có sự thay đổi căn bản và đạt được nhiều thành tựu đáng kể, ngày càng đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của Tỉnh. Cùng với xu hướng chung của cả nước và thế giới, quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thành phố Rạch Giá diễn ra tương đối mạnh mẽ. Về cơ cấu ngành kinh tế, khu vực III và II chiếm ưu thế tuyệt đối trong cơ cấu GDP, trong khi đó khu vực I chỉ chiếm vai trò rất nhỏ. Có sự chuyển dịch từ khu vực I, II sang khu vực III mà thành phố Rạch Giá có nhiều lợi thế phù hợp với xu hướng phát triển chung của cả nước và thế giới. Chuyển dịch lao động cũng phát triển phù hợp với chuyển dịch ngành kinh tế, tăng nhanh tỷ trọng lao động các ngành nghề dịch vụ thương mại và du lịch. Đấy chính là tiền đề, nguồn lực cho thành phố Rạch Giá phát triển ổn định và hướng đến một thành phố biển văn minh hiện đại
Giao thông
Hiện tại tại Rạch Giá có 2 bến xe lớn: bến xe Rạch Sỏi (chủ yếu đi về các huyện và tỉnh lân cận theo quốc lộ 61 và 63) và bến xe Rạch Giá (chủ yếu đi TP Hồ Chí Minh và đi Hà Tiên). Đây là những bến xe lớn dùng để chuyên chở hành khác đi đến các huyện thị khác trong tỉnh và các tỉnh thành khác.
Mạng lưới giao thông xe buýt có khá sớm, từ Rạch Giá người ta có thể đi xe buýt theo 4 chuyến đến các huyện khác như: Châu Thành (chuyến Rạch Giá-Tắc Cậu),  Giồng Riềng (chuyến Rạch Giá - Giồng Riềng), Tân Hiệp (chuyến Rạch Giá-Kinh B), Hòn Đất(chuyến Rạch Giá-Tám Ngàn).
Hiện tại, sân bay Rạch Giá (tên trước đây là sân bay Rạch Sỏi) là sân bay lớn nhất ở Rạch Giá. Sân bay Rạch Giá có các chuyến bay của Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam đi 2 chiều đến cả Thành phố Hồ Chí Minh  Phú Quốc.
TP Rạch Giá có 2 bến tàu khách lớn: bến tàu du lịch Rạch Giá hay bến tàu Phú Quốc (đi Phú Quốc và các đảo lớn như Phú Quốc, Hòn Tre, Hòn Sơn, Thổ Chu,..) và bến tàu Rạch Mẽo (đi về các xã vùng sâu thuộc các huyện ở bán đảo Cà Mau). Tàu cao tốc là lựa chọn ít tốn kém hơn cho những ai muốn ra đảo Phú Quốc hay huyện Kiên Hải. Ngoài ra còn bến tàu Rạch Sỏi, chủ yếu vận chuyện hành khách hàng hóa đi Miệt Thứ An Biên
Các dự án phát triển đô thị
Rạch Giá tuy chỉ là 1 thành phố loại 3 nhưng quy mô đô thị và mức độ đô thị hóa của Rạch Giá tương đối lớn so với các đô thị trong cả nước (dân số năm 2009 khoảng 230.000 dân và 106 km2). Từ khi trở thành đô thị tỉnh lỵ Kiên Giang, sự bành trướng của khu vực trung tâm Rạch Giá càng được lan tỏa mạnh mẽ và đến năm 1988, Uy Ban Nhân Dân tỉnh đã đưa toàn bộ diện tích và nhân khẩu của thị trấn Rạch Sỏi – huyện lỵ Châu Thành, cách trung tâm Rạch Giá 7 km về phía Nam trở thành một phường nội ô của thị xã Rạch Giá. Như vậy, để tiếp tục thực hiện vai trò động lực, thị xã Rạch Giá được quy hoạch tổng thể năm 1998 và những ngày đầu năm 1999, chính phủ đã chuẩn thuận cho Rạch Giá khởi công dự án Lấn biển xây dựng và mở rộng đô thị Rạch Giá. Công trình lấn biển tại Rạch Giá hiện là công trình lấn biển có diện tích lớn nhất nước. Diện tích toàn bộ khu lấn biển rộng 420ha, từ bờ lấn ra biển 500m và kéo dài từ cửa sông Kinh Nhánh đến Kinh Cụt - An Hòa dài hơn 7 km. Có thể nói, đây là tổng công trình làm thay đổi căn bản bộ mặt của thị xã Rạch Giá lúc bấy giờ. Đây cũng là tiền đề để Rạch Giá chuyển mình lên thành phố và từng bước định hình một đô thị biển độc đáo của vùng sông nước Cửu Long.
Đến nay, Rạch Giá có khá nhiều các chiến lược phát triển đô thị để trở thành 1 đô thị kiểu mẫu, thành phố biển tiêu biểu của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Đặc trưng của Rạch Giá là đô thị sông nước và hiện nay Thành phố đang cố gắng mở rộng diện tích về phía biển Tây. Và bộ mặt của thành phố đã có nhiều thay đổi so với thời chưa có lấn biển.

Nhân Vật Lịch Sử
Nguyễn Trung Trực (chữ Hán阮忠直; 1839[1]1868) là thủ lĩnh phong trào khởi nghĩa chốngPháp vào nửa cuối thế kỷ 19  Nam Bộ, Việt Nam.
Thân thế & sự nghiệp
Là dân chài
Sinh ra dưới thời Minh Mạng, thuở nhỏ ông có tên là Chơn. Từ năm Kỷ Mùi (1859) đổi là Lịch (Nguyễn Văn Lịch, nên còn được gọi là Năm Lịch), và cũng từ tên Chơn ấy cộng với tính tình ngay thật, nên ông được thầy dạy học đặt thêm tên hiệu là Trung Trực.[2]
Nguyên quán gốc Nguyễn Trung Trực ở xóm Lưới, thôn Vĩnh Hội, tổng Trung An, huyện Phù Cát, trấn Bình Định (ngày nay là thôn Vĩnh Hội, xã Cát Hải, huyện Phù Cát). Ông nội là Nguyễn Văn Đạo, cha là Nguyễn Văn Phụng (hoặc Nguyễn Cao Thăng), mẹ là bà Lê Kim Hồng.
Sau khi hải quân Pháp nhiều lần bắn phá duyên hải Trung Bộ, gia đình ông phải phiêu bạt vào Nam, định cư ở xóm Nghề (một xóm trước đây chuyên nghề chài lưới), làng Bình Nhựt, tổng Cửu Cư Hạ, huyện Cửu An, Phủ Tân An (nay thuộc xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An) và sinh sống bằng nghề chài lưới vùng hạ lưu sông Vàm Cỏ. Không rõ năm nào, lại dời lần nữa xuống làng Tân Thuận, tổng An Xuyên.(nay là xã Tân Tiến, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau).
Ông là con trưởng trong một gia đình có 8 người con. Lúc nhỏ, ông rất hiếu động, thích học võ nên khi lớn lên ông là người có thể lực khỏe mạnh, giỏi võ nghệ và là người có nhiều can đảm, mưu lược.
Làm Quản cơ
Tháng 2 năm 1859, Pháp nổ súng tấn công thành Gia Định. Vốn xuất thân là dân chài, nằm trong hệ thống lính đồn điền của kinh lượcNguyễn Tri Phương, nên ông sốt sắng theo và còn chiêu mộ được một số nông dân vào lính để gìn giữ Đại đồn Chí Hòa, dưới quyền chỉ huy của Trương Định.
Nhờ chiến công đốt tàu L’Espérance ngày 10 tháng 12 năm 1861, ông được triều đình phong chức Quyền sung Quản đạo[3] nên còn được gọi là Quản Chơn hay Quản Lịch. Trong sự nghiệp kháng thực dân Pháp của ông, có hai chiến công nổi bật, đã được danh sĩHuỳnh Mẫn Đạt khen ngợi bằng hai câu thơ sau:
Hỏa hồng Nhựt Tảo oanh thiên đia
Kiếm bạt Kiên Giang khấp quỷ thần.
Thái Bạch dịch:
Lửa bừng Nhựt Tảo rêm trời đất
Kiếm tuốt Kiên Giang rợn quỷ thần.[4]
Hỏa hồng Nhật Tảo
Bài chính: Trận Nhật Tảo
Sau khi Đại đồn Chí Hòa thất thủ ngày 25 tháng 2 năm 1861, Nguyễn Trung Trực về Tân An. Đến ngày 12 tháng 4 năm 1861, thành Định Tường thất thủ, quân Pháp kiểm soát vùng Mỹ Tho, thường cho những tàu chiến vừa chạy tuần tra vừa làm đồn nổi di động. Một trong số đó là chiếc tiểu hạm Espérance (Hy Vọng), án ngữ nơi vàm Nhựt Tảo (nay thuộc xã An Nhựt Tân, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An).
Vào khoảng sáng ngày 10 tháng 12 năm 1861, Nguyễn Trung Trực cùng Phó quản binh Huỳnh Khắc Nhượng, Tán quân Nguyễn Học, Võ Văn Quang[5] và hương thôn Hồ Quang Chiêu...tổ chức cuộc phục kích đốt cháy tàu chiến này.[6]
Trận này quân của Nguyễn Trung Trực đã diệt 17 lính và 20 cộng sự người Việt, chỉ có 8 người trốn thoát (2 lính Pháp và 6 lính Tagal, tức lính đánh thuê Philippines, cũng còn gọi là lính Ma Ní)[7].
Lúc đó, viên sĩ quan chỉ huy tàu là trung úy hải quân Parfait không có mặt, nên sau khi hay tin dữ, Parfait đã dẫn quân tiếp viện đến đốt cháy nhiều nhà cửa trong làng Nhật Tảo để trả thù.
Theo sau chiến thắng vừa kể, nhiều cuộc tấn công quân Pháp trên sông, trên bộ đã liên tiếp diễn ra...
Kiếm bạt Kiên Giang

Sau lần đốt được tàu L’Espérance của Pháp, Nguyễn Trung Trực cùng nghĩa quân tiếp tục chiến đấu qua lại trên các địa bàn Gia Định, Biên Hòa. Khi Hòa ước Nhâm Tuất 1862 được ký, ba tỉnh miền Đông lọt vào tay thực dân Pháp, Nguyễn Trung Trực nhận chức Lãnh binh, đưa quân về hoạt động ở ba tỉnh miền Tây. Đầu năm 1867, ông được triều đình phong chức Hà Tiên thành thủ úy[8] để trấn giữ đất Hà Tiên, nhưng ông chưa kịp đến nơi thì tòa thành này đã bị quân Pháp chiếm mất vào ngày 24 tháng 6 năm 1867. Không theo lệnh triều đình rút quân raBình Thuận, Nguyễn Trung Trực đem quân về lập mật khu ở Sân chim (tả ngạn sông Cái Lớn, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang). Từ nơi này, ông lại dẫn quân đến Hòn Chông (nay thuộc xã Bình An, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang, lập thêm căn cứ kháng Pháp.
Ở Kiên Giang, sau khi nắm được tình hình của đối phương và tập trung xong lực lượng (trong số đó có cả hương chức, nhân dân Việt - Hoa - Khmer); vào 4 giờ sáng ngày 16 tháng 6 năm1868, Nguyễn Trung Trực bất ngờ dẫn quân từ Tà Niên (nay là xã Vĩnh Hòa Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang) đánh úp đồn Kiên Giang (nay là khu vực UBND tỉnh Kiên Giang), do Trung úy Sauterne chỉ huy.
Kết thúc trận, nghĩa quân chiếm được đồn, tiêu diệt được 5 viên sĩ quan Pháp, 67 lính, thu trên 100 khẩu súng cùng nhiều đạn dược và làm chủ tình hình được 5 ngày liền[9].
Đây là lần đầu tiên, lực lượng nghĩa quân đánh đối phương ngay tại trung tâm đầu não của tỉnh. Nhận tin Chủ tỉnh Rạch Giá cùng vài sĩ quan khác bị giết ngay tại trận, George Diirrwell gọi đây là một sự kiện bi thảm (un événement tragique).[10]
Hai ngày sau (ngày 18 tháng 6 năm 1868), Thiếu tá hải quân A. Léonard Ausart, Đại úy Dismuratin, Trung úy hải quân Richard, Trung úy Taradel, Trần Bá Lộc, Tổng Đốc Phương nhận lệnh Bộ chỉ huy Pháp ở Mỹ Tho mang binh từ Vĩnh Long sang tiếp cứu. Ngày 21 tháng 6 năm 1868, Pháp phản công, ông phải lui quân về Hòn Chông (Kiên Lương, Kiên Giang) rồi ra đảo Phú Quốc, lập chiến khu tại Cửa Cạn nhằm kình chống đối phương lâu dài.
Ra Phú Quốc & bị bắt
Bài chính: Trận Cửa Cạn
Tháng 9 năm 1868, chiếc tàu Groeland chở Lãnh Binh Tấn (tức Huỳnh Văn Tấn, còn được gọi Huỳnh Công Tấn, trước có quen biết ông Trực vì cùng theo Trương Định kháng Pháp. Sau này, Tấn trở thành cộng sự cho Pháp), cùng 150 lính ở Gò Công đến đảo Phú Quốc để bao vây và truy đuổi ông Trực.
Phạm Văn Sơn thuật chuyện:
Hương chức và dân trên đảo bị đội Tấn dọa phải theo và phụ lực với hắn để bao vây bọn ông Trực. Sau hai trận ghê gớm, bọn ông Trực phải trốn vào trong núi. Đội Tấn rượt theo, nghĩa quân bị kẹt trong một khe núi nhỏ hẹp. Cùng đường, bọn ông Trực phải ra hàng...[11]
Giám đốc Sở nội vụ Paulin Vial viết:
Nguyễn Trung Trực chịu nộp mạng, chỉ vì thiếu lương thực và vì mạng sống của bao nghĩa quân đang bị bao vây hàng tháng trời ròng rã tại Phú Quốc[12]
Nhưng có người lại cho rằng để bảo toàn lực lượng nghĩa quân, nhân dân trên đảo và lòng hiếu với mẹ (Pháp đã bắt mẹ của ông để uy hiếp), Nguyễn Trung Trực tự ra nộp mình cho người Pháp và đã bị đưa về giam ở Sài Gòn.
Nhưng theo lời khai ít ỏi của Nguyễn Trung Trực khi ông bị giam cầm ở Khám Lớn Sài Gòn với Đại úy Piquet, thanh tra bổn quốc sự vụ, thì sự việc như thế này, trích biên bản hỏi cung:
...Tôi cho biết rõ rằng tôi đã tự ý quy thuận lãnh binh Tấn. Vì hắn đến đảo, hắn bảo viết thơ yêu cầu tôi quy hàng, vì chúng tôi bị bao vây trong núi không có gì để sống, tôi bảo một người dân trói tôi và dẫn tôi đến Tấn. Nếu tôi muốn tiếp tục chiến đấu, hắn không bắt tôi được dễ dàng như thế...[13]
Rất tiếc bản cáo của lãnh binh Tấn gửi cho thống đốc Nam kỳ về "việc bắt Nguyễn Trung trực và Tống binh Cân" đã bị thất lạc từ ngày23 tháng 5 năm 1950, vì thế sự việc chưa được tường tận.[14]

Bắt được Nguyễn Trung Trực, Pháp đưa ông lên giam ở Khám Lớn Sài Gòn để lấy khẩu cung. Theo Việt sử tân biên, mặc dù Lãnh binh Tấn đã hết sức can thiệp để Pháp tha mạng cho ông Trực, nhưng Thống đốc Nam Kỳ G. Ohier không chịu. Vì cho rằng không thể tha được "một người đã không coi luật quốc tế ra gì, đã hạ một cái đồn của chúng ta và giết chết 30 người Pháp!"[15] Và rồi ngày 27 tháng 10 năm 1868, nhà cầm quyền Pháp đã đưa ông Trực về lại Rạch Giá và sai một người khmer trên Tưa (người dân thường gọi ông là Bòn Tưa) đưa ông ra hành hình tại chợ Rạch Giá[16], hưởng dương khoảng 30 tuổi.
Người ta kể rằng:
Vào buổi sáng ngày 27 tháng 10 năm 1868, nhân dân Tà Niên[17] nơi nổi tiếng về nghề dệt chiếu, và nhiều nơi khác đổ xô ra chợ Rạch Giá, vì Pháp đem Nguyễn Trung Trực ra hành quyết. Ông Trực yêu cầu Pháp mở trói, không bịt mắt để ông nhìn đồng bào và quê hương trước phút "ra đi". Bô lão làng Tà Niên đến vĩnh biệt ông, đã trải xuống đất một chiếc chiếu hoa có chữ “thọ”(chữ Hán) màu đỏ tươi thật đẹp cho ông bước đứng giữa. Ông hiên ngang, dõng dạc trước pháp trường, nhìn bầu trời, nhìn đất nước và từ giã đồng bào… [18]
Tương truyền, trước khi bị hành quyết Nguyễn Trung Trực đã ngâm một bài thơ:
Thư kiếm tùng nhưng tự thiếu niên,
Yêu gian đàm khí hữu long tuyền,
Anh hùng nhược ngộ vô dung địa.
Bảo hận thâm cừu bất đái thiên.
Thi sĩ Đông Hồ dịch:
Theo việc binh nhưng thuở trẻ trai,
Phong trần hăng hái tuốt gươm mài.
Anh hùng gặp phải hồi không đất,
Thù hận chang chang chẳng đội trời.
Có người cho rằng: Chém ông Trực xong, người Pháp cho ráp đầu mình lại rồi cho liệm vào hòm đem chôn cất tử tế. Mộ ông chôn trong vòng thành ông Chánh, cách cầu ông Chánh chừng 70m. Mộ chiếm một khu đất chừng 100 thước vuông, xây cao lên quá 3 thước, chung quang có xiềng xích bằng sắt, nhưng khi người Pháp trở lại lần thứ hai (1946), cho phá đi, bây giờ hãy còn vết tích.[19]
Nhưng theo sách Hỏi đáp cuộc khởi nghĩa Nguyễn Trung Trực, thì đây là mả của một Trung úy hải quân Pháp, và ngôi mộ ấy đã bị phá vỡ năm 1945 khi đồng bào miền Nam cùng nổi dậy.
Lại có người cho rằng quân Pháp đã cho chôn mình ông ở sau dinh Tỉnh trưởng (cũ), còn đầu ông thì đem bêu ở chợ Rạch Giá. Một đêm, có người lẻn đến lấy mất Thực tế, cùng bị chém với ông Trực buổi ấy còn có hai người nữa nhưng không rõ tên tuổi và đã phạm tội gì. Chém xong, Pháp đem chôn tất cả ở phía sau dinh Tỉnh trưởng cũ (nay là Cung thiếu nhi TP. Rạch Giá, nằm kề bên UBND tỉnh Kiên Giang), rồi không rõ ai đã trồng bên mộ một cây đa. Năm 1986 chánh quyền tỉnh Kiên Giang đã tìm được hài cốt ông ở nơi ấy và đã di táng về bên trong khuôn viên đình thờ Nguyễn Trung Trực tại TP. Rạch Giá.[20]
Câu nói lưu danh
Khi ông bị người Pháp giải về Sài Gòn, viên thống soái Nam Kỳ lúc bấy giờ vừa dụ hàng vừa hăm dọa, Nguyễn Trung Trực đã trả lời rằng: Thưa Pháp soái, chúng tôi chắc rằng chừng nào ngài cho trừ hết cỏ trên mặt đất, thì mới may ra trừ tiệt được những người ái quốc của xứ sở này.
Khi bị giam ở Khám Lớn Sài Gòn, ông cũng đã bình tĩnh nói với người hỏi cung là Đại úy Piquet: Số phận tôi đã đầy đủ, tôi đã không thành công trong việc cứu nguy nước tôi, tôi chỉ xin một điều là người ta kết liễu đời tôi càng sớm càng tốt.
Và trước khi hy sinh, ông còn khẳng khái nhắc lại:
Bao giờ Tây nhổ hết cỏ nước Nam mới hết người Nam đánh Tây


Khen ngợi
Danh sĩ Nguyễn Thông viết:
“Nguyễn Văn Lịch tính thâm trầm, nghiêm nghị và can đảm…”. (truyện Hồ Huân Nghiệp trong Kỳ Xuyên văn sao)
Paulin Vial kể:
Trong khi Đại úy hải quân Piquet, thanh tra bổn quốc sự vụ chất vấn ông Trực, ông Trực tỏ ra rất cương quyết và rất đàng hoàng chính đáng. Các câu trả lời của ông đã cho thấy một cách chính xác phẩm chất của con người đó, người đã đóng một vai trò đáng kể.
Ở đoạn văn khác, Paulin Vial khen ngợi:
Nguyễn Trung Trực là “người rất tự trọng, có tư cách đáng quí và đầy nghị lực”, là “ người có gương mặt thông minh và dễ có thiện cảm” là “ một người chỉ huy trẻ tuổi, rất can đảm, chống nhau với ta ngót mười năm trời.[21]
Alfred Schreiner cho biết:
Trong suốt thời kỳ bị giam cầm, ông Trực không có lúc nào tỏ ra yếu đuối cả, một cách thẳng thắng và đàng hoàng, ông công nhận các chiến công của ông và cũng nhận là đã khinh thường sức mạnh của Pháp. Ngoài ra, ông chỉ yêu cầu ban cho ông một ân huệ, ấy là được xử tử ông ngay tức khắc.[22]
Trong một bài thơ điếu, Huỳnh Mẫn Đạt có câu:
Anh hùng cường cảnh phương danh thọ
Tu sát đê đầu vị tử nhân.
Dịch nghĩa:
Anh hùng cứng cổ danh thơm mãi
Lũ sống khom lưng chết thẹn dần
Tương truyền, được tin ông thọ tử, vua Tự Ðức sai hoàng giáp Lê Khắc Cẩn làm lễ truy điệu, đọc bài điếu với chính bút ngự rằng:[23]
Ký bi ngư nhân
Hùng tại quốc sĩ
Hỏa Nhựt Tảo thuyền
Ðồ Kiên Giang lũy
Ðịch khái đồng cừu
Thân tiên tự thỉ
Hiệu khí cổ kim
Thử nhân nam tư
Xích huyết hoàng sa
Ô hô dĩ hi
Huyết thực thiên thu
Chương nhữ trung nghĩa.
Thái Bạch dịch:
'Giỏi thay người chài
Mạnh thay quốc sĩ
Đốt thuyền Nhật Tảo,
Phá lũy Kiên Giang.
Thù nước chưa xong
Thân sao đã mất
Hiệu khí xưa nay
Người nam tử ấy
Máu đỏ, cát vàng
Hỡi ơi thôi vậy
Ngàn năm hương khói,
Trung nghĩa còn đây.
Và cúng chính nhà vua này đã sắc phong ông làm Thượng Ðẳng Linh Thần, thờ tại làng Vĩnh Thanh Vân, Rạch Giá nơi ông đã hiên ngang thà chịu chết chớ không chịu đầu hàng Pháp. Đã rất nhiều năm qua, dân làng Vĩnh Thanh Vân, nhất là những ngư dân, luôn tôn kính và tự hào về Nguyễn Trung Trực, một người xuất thân từ giới dân chài áo vải, vậy mà đã trở thành một vị anh hùng, đúng với ý nghĩa: "Sống làm Tướng và chết làm Thần!" và "anh khí như hồng", nghĩa là khí tiết của người anh hùng rực rỡ như cầu vồng bảy sắc.
Tưởng nhớ
Sau khi ông bị hành hình, dân chúng cảm thương vô cùng nên đã bí mật thờ ông như một vị anh hùng trong đền thờ Nam Hải đại vương (cá Ông hay cá Voi), chính là ngôi đền thờ Nguyễn Trung Trực tại thành phố Rạch Giá hiện nay.
Và khi người Pháp không còn cai trị Việt Nam, vào năm 1970, nhân dân địa phương đã lập tượng Nguyễn Trung Trực bằng đồng, màu đen đặt trước "chợ nhà lồng" Rạch Giá (cũ). Hiện nay, tượng thờ này được sơn lại màu nâu đỏ, và đã được di dời vào trong khuôn viên khu đền thờ của ông tại thành phố Rạch Giá. Năm 2000, người ta đã cho làm một tượng mới bằng cũng bằng đồng lớn hơn, màu xám, để thay thế, và khu "chợ nhà lồng" mà sau này nó còn có tên là "Khu thương mại", cũng đã di dời nơi khác để nơi đó trở thành công viên.
Nhiều tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long... nhân dân đã lập đền thờ ông và hằng năm đều có tổ chức lễ tưởng niệm trọng thể. (Đình Nguyễn Trung Trực tại Rạch Giá tổ chức lễ giỗ vào các ngày từ 27 đến 29 tháng 8 âm lịch. Đình và mộ nơi này đã được công nhận là di tích Lịch–Văn hóa cấp quốc gia vào ngày 06 tháng 12 năm 1989).
Tại huyện Tân Trụ, tỉnh Long An, nơi diễn ra trận "Hỏa hồng Nhựt Tảo oanh thiên địa" của Nguyễn Trung Trực đốt cháy tàu L’Esperance của Pháp (ngay cạnh Vàm sông Nhựt Tảo), chính quyền và nhân dân đã xây dựng và khánh thành Đền Tưởng niệm Nguyễn Trung Trực trên khu đất rộng 6 ha ngày 14/10/2010.
Gia quyến
Cha mẹ
Tương truyền, Nguyễn Trung Trực rất có hiếu với mẹ. Là con trưởng, hàng ngày ông phải đi đánh bắt cá để có tiền phụ giúp gia đình. Theo sách Hỏi đáp cuộc khởi nghĩa Nguyễn Trung Trực, lúc ông đến ở Tà Niên, chuẩn bị tấn công đồn Kiên Giang, ông đã đưa mẹ đến ẩn náu ở nhà ông Dương Công Thuyên ở chợ Rạch Giá. Đến khi rút Hòn Chông, ông cũng đưa mẹ đi theo. Chỉ đến khi vượt biển ra đảo Phú Quốc, ông mới đành phải để mẹ ở lại.
Không bắt được ông, thực dân Pháp đã sai người bắt mẹ ông[24], rồi tìm mọi cách để bà viết thư khuyên con ra hàng, nhưng bà không nghe. Về sau, biết tin con ra hàng, bà tức giận thổ huyết mà chết. Nhưng có người lại nói rằng mẹ ông không bị quân Pháp bắt. Đây là chuyện bịa để buộc ông vì chữ hiếu mà ra hàng. Lúc Pháp tấn công Hòn Chông, thì bà đã đi lánh nạn ở đâu không rõ. Nhưng sau đó bà về ẩn náu ở Tân Thuận (nay là xã Tân Tiến, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau) rồi mất ở đó[25].
Cũng theo sách này, cha Nguyễn Trung Trực mất sớm, bỏ lại 8 người con khiến mẹ ông phải sớm hôm tảo tần vất vả.[26] Nhưng theo câu chuyện còn lưu lại trong họ tộc[27] cha ông Trực không mất sớm. Bởi sau khi Nguyễn Trung Trực bị bắt ở Phú Quốc, ông vẫn còn sống để đưa gia đình mình và gia đình của các nghĩa quân xuống ghe về ẩn náu ở Cà Mau. Khi chồng đi, bà Tô Kim Hồng (sách Hỏi đáp cuộc khởi nghĩa Nguyễn Trung Trực ghi là Lê Kim Hồng, tức mẹ ông Trực), vẫn còn ở lại Hòn Chông, trong sự quản thúc của chính quyền thực dân và bà đã mất ở đó. Mãi sau này hài cốt của bà mới được cải táng về nằm bên cạnh chồng ở Cà Mau. Hiện nay, hậu duệ của dòng họ Nguyễn Trung Trực đông đúc cả ngàn người, sống rải rác ở khắp nơi, nhưng tập trung đông nhất là ở hai xã Tân Đức và Tân Tiến, huyện Đầm Dơi.
Vợ con
Cũng theo lời kể thì ông có người vợ tên Điều (tục gọi là bà Đỏ. Có nguồn cho rằng bà Điều và bà Đỏ là hai chị em ruột chứ không phải một người), người làng Minh Lương (nay thuộc huyện Châu Thành, Kiên Giang). Bà Điều là người đã từng theo sát ông trong suốt thời gian chống Pháp ở Kiên Giang. Có lần bà đi do thám đồn Săn Đá ở Rạch Giá, bị đối phương bắt được, nhưng Nguyễn Trung Trực đến giải cứu kịp. Sau, bà bị bắt lần nữa, bị nhốt trong khám lớn Rạch Giá, mãi đến khi ông Trực đánh chiếm đồn bót trên (1868) mới giải thoát cho bà. Chưa rõ hai người có con hay không, bà đã hy sinh ở đâu và lúc nào.
Khi ở đảo Phú Quốc, ông có thêm một vợ tên là Lê Kim Định (tục gọi bà Quan Lớn Tướng), sinh được một trai nhưng chết non. Hiện còn mộ và đền thờ của bà ở Cửa Cạn (Phú Quốc)...[28] Theo lời kể, thì khi nghĩa quân bị vây khổn vào năm 1968, bà Định đã dùng ghe theo dòng sông Cửa Cạn để ra biển về đất liền. Nhưng chẳng may gặp đoạn sông bị cát lấp, ghe của bà bị mắc lại, không đi được. Kiệt sức, bà sinh non trong một đêm mưa bão, và rồi bị băng huyết mà chết. Hài nhi sinh non cũng chết theo. Có người tìm gặp cả hai thi hài, đem giấu vào một bọng cây. Đến khi yên ổn, người dân mới đem hài cốt hai mẹ con bà chôn cất tử tế tại bãi Ông Lang. Mộ bà được gọi là mộ Bà Lớn.[29]
Trong biên bản hỏi cung khi ông Trực bị giam ở Khám Lớn Sài Gòn, có câu: ...Số phận tôi đã đầy đủ, tôi đã không thành công trong việc cứu nguy nước tôi, tôi chỉ xin một điều là người ta kết liễu đời tôi càng sớm càng tốt và mong rằng người ta cho những đứa con của tôi lên Sài Gòn. Nếu căn cứ vào câu này, thì ông Trực có ít nhất hai ba đứa con, nhưng cuộc đời của họ sau này ra sao, không thấy tài liệu nào nói đến.

Huỳnh Mẫn Đạt (黃敏達, 1807-1882)
Huỳnh Mẫn Đạt (1807-1882) là quan nhà Nguyễn  và là  nhà thơ  thế kỷ 19 tại Nam Bộ,Việt Nam.
Thân thế và sự nghiệp
Huỳnh Mẫn Đạt là người làng Tân Hội, huyện Tân Long, tỉnh Gia Định, nay là Thành phố Hồ Chí Minh.
Năm 24 tuổi, đời vua Minh Mạng, ông đỗ cử nhân  khoa Tân Mão (1831) tại Gia Định. Năm Kỷ Hợi (1839), ông giữ chức Thự Ngự sử đạo Ninh Thái (tức Bắc Ninh & Thái Nguyên).
Năm Canh Tý (1840), ông được cử làm Khâm sứ, đem sắc văn đổi phong cho Ngọc Vân (con gái vua Chân Lạp Nặc Chân), đang sống ở Gia Định. Tháng 9 cùng năm, ông nhận lệnh đến Định Tường tra xét việc Bố chánh Nguyễn Đắc Trí bị thua trong trận giao tranh với nhóm nổi dậy ở thôn Xướng Ca. Sau đó, viên quan này bị giáng làm lính, ông được nhà vua chuẩn cho lưu lại quân thứ, để lo việc trị an. Một lần giao chiến tại nhánh sông Tân Trạch, tuy lập được công, nhưng ông bị trúng thương. Về Định Tường điều trị một tháng, ông lại lên đường đến Hà Tiên, nhận chức quyền Thự Án sát Hà Tiên và quyền Tuần phủ Quan Phòng.
Đầu năm Tân Sửu (1841), hàng ngàn người dân bất mãn nổi dậy vây đánh đồn Châu Nham (nay thuộc xã Dương Hòa, Hà Tiên). Hạ đồn xong, lực lượng này tràn đến đánh chiếm vùng núi Tô Châu, kịp có Thự tuần phủ Lê Quang Huyên đem binh cứu viện, nên trấn áp được.
Mùa xuân năm Nhâm Dần (1842), quân Xiêm La do tướng Ô Thiệt Vương cầm đầu đến cướp phá Hà Tiên. Ông cùng với các quan lại khác, chỉ huy quân chống cự mãnh liệt. Sau khi đẩy lui được quân Xiêm La, Huỳnh Mẫn Đạt được vua Thiệu Trị ban khen và cho thụ chức Viên ngoại lang. Vào mùa hạ cùng năm, ông được thực thụ lãnh Án sát sứ tỉnh Hà Tiên, và đến tháng 6 năm Giáp Thìn (1844), ông được thăng Thự Bố chánh sứ tỉnh Hà Tiên.
Tháng Giêng năm Tân Hợi (1851), ông được thăng quyền Tuần phủ Hà Tiên.
Năm 1852, xảy ra vụ án ẩn lậu thuốc phiện, nhiều quan chức của tỉnh bị liên lụy, trong số đó có ông. Ông bị cách chức Tuần phủ, tám năm sau, ông mới được tha, nhưng bị chuyển làm Án sát Định Tường.
Ngày 12 tháng 4 năm 1861, quân Pháp chiếm Định Tường. Để mất thành, vua Tự Đức ra lệnh bắt giải Huỳnh Mẫn Đạt cùng với một số quan chức khác về kinh, nhưng đến tháng 11 cùng năm thì được tha, nhưng phải theo tướng Nguyễn Tri Phương  Phạm Thế Hiển vào Biên Hòa, lập công chuộc tội.
Đến khi nhà Nguyễn nhường ba tỉnh miền Đông (gồm Gia Định, Định Tường, Biên Hòa) cho Pháp, Huỳnh Mẫn Đạt lại được cử làm Tuần phủ Hà Tiên. Chẳng bao lâu sau, toàn cõi Nam Kỳcũng vào tay Pháp hết, không hợp tác với chính quyền mới, ông cáo quan về sống tại Rạch Giá cho đến khi mất.
Theo bia mộ, Huỳnh Mẫn Đạt qua đời vào tháng 2 năm Nhâm Ngọ (tức tháng 3 năm 1882), hưởng thọ 75 tuổi.
Tác giả và tác phẩm
Huỳnh Mẫn Đạt thích ngâm vịnh, nổi tiếng giỏi thơ Nôm ở đất Đồng Nai. Là bạn tâm giao của Bùi Hữu Nghĩa, ông đã góp phần giúp bạn hoàn thành vở tuồng Kim thạch kỳ duyên[1]
Trước khi quân Pháp tấn công nước Việt, Huỳnh Mẫn Đạt đã tỏ ra là một vị quan yêu dân, yêu nước. Cho nên khi Pháp lấn chiếmNam Kỳ, ông đã nhanh chóng đứng trong hàng ngũ các nhà thơ đối kháng, mà việc góp phần vào cuộc bút chiến giữa Phan Văn Trị Tôn Thọ Tường là một minh chứng.
Nhà văn Sơn Nam viết:
Khi thực dân đến...Ông Huỳnh Mẫn Đạt mượn lời người kỹ nữ đi tu để gởi gấm tâm tự. Về mặt xử thế ông tỏ ra minh bạch, biết vinh biết nhục...Ông an phận dưỡng nhàn, không mang tiếng chi cả, hình trạng khô ngô ốm yếu, tánh nết hiền lành, hay làm thi quốc âm, tao nhã thiệp liệp lắm, ông Tôn Thọ Tường kính ngài là bực phụ chấp...[2]
Những bài thơ sau đây thường được truyền tụng: Cây dừa, Chó già,  Mưa đêm, Trời chiều, Chiêu Quân xuất tái, Ngộ hữu, Lão Kỹ qui y... Đặc biệt là bài Điếu Nguyễn Trung Trực, vừa là một tuyệt bút, vừa là bài thơ tiêu biểu, thể hiện được khá đầy đủ nhân cách và tài thơ của ông.
Điếu Nguyễn Trung Trực
Thắng phụ nhung trường bất túc luân
Ðồi ba chỉ trụ ức ngư dân
Hỏa hồng Nhựt Tảo oanh thiên địa
Kiếm bạc Kiên Giang khấp quỷ thần
Nhất đán phi thường tiêu tiết nghĩa
Lưỡng toàn vô úy báo quân thân
Anh hùng cường cảnh phương danh thọ
Tu sát đê đầu vị tử nhân.
Bản dịch của Thái Bạch:
Thắng bại chi bàn việc tướng quân
Người chài trụ đá khúc gian truân
Lửa bừng Nhựt Tảo rêm trời đất
Kiếm tuốt Kiên Giang rợn quỷ thần
Một sớm nhẹ mình nêu tiết nghĩa
Ðôi đường trọn chữ báo quân thân
Anh hùng cứng cổ danh thơm mãi
Lũ sống khom lưng chết thẹn dần.
Mộ và đền thờ Huỳnh Mẫn Đạt hiện tọa lạc trên đường Lâm Quang Ky, phường Vĩnh Bảo, TP Rạch Giá (nằm giữa hai ngôi nhà số 37 và 39).
Xưa, mộ xây bằng bằng đá ong dài 2,7 m, rộng 2 m, cao 40 cm. Trong thời gian qua, khu mộ lần lượt được tu sửa: xây thêm nhà thờ, cổng vào, hàng rào và nền được tráng xi măng và ngôi mộ được cẩn gạch men thời hiện đại. Ngày 15 tháng Chạp năm Mậu Tý (2008), đền thờ đã được tu sửa xong toàn diện, khang trang hơn nhờ sự đóng góp của nhân dân và trường THPT chuyên Huỳnh Mẫn Đạt (Rạch Giá). Đây là một di tích lịch sử đã được Bộ Văn hóa Thông tin Việt Nam công nhận vào ngày 20 tháng 7 năm  1994 [3].
Hiện nay, ở Văn xương các trong Văn Thánh Miếu Vĩnh Long, cũng có bài vị thờ ông.


Nhà Huỳnh Mẫn Đạt tại TP. Rạch Giá.
Tg Bùi Thụy ĐàoNguyên


Đền thờ Huỳnh Mẫn Đạt.
Tg Bùi Thụy ĐàoNguyên


Mộ Huỳnh Mẫn Đạt.
Tg Bùi Thụy ĐàoNguyên



Nguyễn Hiền Điều  (?- 1834)
Nguyễn Hiền Điều hay Nguyễn Văn Điều là một viên quan nhà Nguyễn. Sau khi hy sinh, ông đã được nhân dân vùng Tà Niên (thuộc Kiên Giang) tôn lên làm thần hoàng.
Nguyễn Hiền Điều sinh tại Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long. Năm 1834 giữ chức thự Tổng Đốc (tức quyền tổng Đốc) tỉnh Vĩnh Long, nên còn được gọi là Phó Cơ Điều.
Năm 1833 Lê văn Khôi nổi loạn chiến Gia Định và cầu viện quân Xiêm. Quân Xiêm chia làm nhiều hướng xâm nhập Đại Việt. Quân đội Đại Việt sau khi đẩy lùi quân Xiêm xâm nhập Tiền Giang đã truy kích đến tận Nam Vang, thủ phủ xứ Chân Lạp. Vì việc này, một bộ phận tộc người Khmer ở Kiên Giang bị một cánh quân Xiêm xâm nhập hướng Hà Tiên khích động và đã xảy ra xung đột với người Việt. Triều đình nhà Nguyễn liền đặc phái Nguyễn Hiền Điều về vùng Tà Niên, nhằm ổn định tình hình.
Một đêm, ông cùng một số người tùy tùng đi thám sát tại rạch So Đũa thì bị những người nổi loạn phát hiện và vây bắt. Trong khi viện binh chưa tới kịp, ông và quân lính phải kháng cự rất quyết liệt. Đến chiều ngày hôm sau, lâm vào cảnh sức yếu thế cô, ông bị trọng thương. Khi về đến giếng Cây Trâm, thuộc xã Vân Tập, huyện Kiên Giang (nay thuộc khu phố 4, phường Vĩnh Lợi, thành phố Rạch Giá; trên đường đi Minh Lương, cách chợ Rạch Sỏi không xa), bên ông chỉ còn lại một cận vệ. Quá mỏi mệt, ông vừa trèo xuống giếng uống nước thì đối phương cũng vừa truy đuổi kịp. Người vệ sĩ tên Phòng bị đâm chết, còn ông mới từ dưới giếng ngoi lên, bị một dao đâm vào bụng. Ông vội bứt lá môn bó tạm, tiếp tục chiến đấu. Đến khi không còn sức chống đỡ, để khỏi sa vào tay đối phương, ông đâm vào cổ tự sát bên gốc cây trâm, cạnh bờ giếng, lúc ấy khoàng giờ chiều ngày 14 tháng giêng năm Giáp Ngọ (1834). Nhóm nổi dậy liền cắt đầu ông về treo tại ngã ba So Đũa, bên bờ rạch Tà Niên.
Cũng theo tài liệu này, thì một người dân làng thứ tám tên Giang ban đêm đã bí mật đến lấy cắp đầu ông Điều, lội theo kênh Giục Tượng, qua ngã ba Xẻo Nhỏ, lén lút chôn kế Đình Tà Niên (tức Đình Vĩnh Hòa Hiệp).
Tôn thờ
Sáu năm sau, các hương chức cùng dân làng Tà Niên đưa sọ đầu Nguyễn Hiền Điều vào một hòm gỗ quí thờ tại đình thần Vĩnh Hòa Hiệp[2].
Năm 1842, đình thờ Phó Cơ Điều được xây dựng ở xã An Hòa. Khoảng 1930, đình dời về đầu kênh Cái Sắn, cạnh cầu Rạch sỏi. Trong thời kỳ Chín năm kháng Pháp, cầu Rạch Sỏi bị đánh sập, đình thờ bị phá hủy, nhân dân đưa bài vị của ông về thờ tạm ở ngôi miếu nhỏ tại giếng Cây Trâm...
Ngôi đình thờ Nguyễn Hiền Điều hiện nay được xây dựng mới năm 2001, ở ngay phía sau giếng Cây Trâm, thuộc phường Vĩnh Lợi, thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang.
Sách Đại Nam nhất thống chí chép: Đền Phó Cơ Nguyễn Hiền Điều ở xã Vân Tập huyện Kiên Giang. Thự phó cơ Vĩnh Long Nguyễn Hiền Điều theo việc bắt giặc, chết trận... Phó cơ thường tỏ linh ứng, năm Thiệu Trị thứ 2 (1842), người địa phương lập đền thờ.
Theo sách Lược sử Đình Vĩnh Hòa Hiệp[1], thì khi làng An Hòa cất xong đình, có đến thỉnh hòm đựng sọ đầu Nguyễn Hiền Điều về thờ và tôn ông làm một vị thần của làng (thần hoàng)...Sau, không rõ năm nào, hòm đựng sọ đầu ông được đưa về phối thờ trong Đình thần Nguyễn Trung Trực tại Rạch Giá cho đến hôm nay.
Ngoài đình thờ chính tại giếng Cây Trâm, trong Đình thần Nguyễn Trung Trực (Rạch Giá), Đình An Hòa và Đình Vĩnh Hòa Hiệp đều có bài vị thờ Phó Cơ Điều.


Đình thờ Nguyễn Hiền Điều tại Vĩnh Lợi
Tg Bùi Thụy Đào Nguyên

Giếng Cây Trâm nơi Nguyễn Hiền Điều  hy sinh
Tg Bùi Thụy Đào Nguyên


Cây Trâm nơi quân Chân lạp treo đầu
Ông Nguyễn Hiền Điều
Tg Bùi Thụy Đào Nguyên

Khánh thờ Nguyễn Hiền Điều (nơi có hòm đựng sọ đầu ông) trong Đình thần Nguyễn Trung Trực (Rạch Giá)
Tg Bùi Thụy Đào Nguyên


Lâm Quang Ky (1839 - 1868),
Lâm Quang Ky (1839 - 1868), tên cũ là Lâm Văn Ky, tự Hưng Thái, là Phó tướng của Nguyễn Trung Trực trong phong trào kháng Pháp vào nửa cuối thế kỷ 19  Nam Bộ, Việt Nam.
Năm 1868, sau khi bị quân Pháp phản công trong trận đồn Kiên Giang, ông bị bắt và bị chém chết.
Lâm Quang Ky sinh tại rạch Kim Qui, xã Vân Khánh Đông, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang. Ông là con của Lâm Kim Diệu (gốc người Hoa) và Nguyễn Thị Của.
Theo sách Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Nguyễn Trung Trực [1] thì sau khi thành Hà Tiên thất thủ ngày 23 tháng 6 năm 1867, ông không theo lệnh triều đình rút quân ra Bình Thuận mà đưa quân đến lập căn cứ ở Hòn Chông (nay thuộc xã Bình An, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang. Rồi có lần, nhờ người giới thiệu, ông Trực đến Tà Niên tìm gặp Lâm Quang Ky. Do tương đồng chí hướng, Nguyễn Trung Trực nhận ông Ky cùng 4 người bạn của ông, đó là: Trịnh Văn Tư, Hồng Văn Ngàn, Ngô Văn Búp và Nguyễn Văn Nang, Nguyễn văn Cui vào đội ngũ kháng Pháp.
Ngoài tinh thần chống ngoại xâm cao, Lâm Quang Ky còn khá tinh thông võ nghệ, có uy tín nên ông chiêu mộ được nhiều người nữa cùng tham gia vào đội nghĩa quân, suốt từ vùng An Biên đến Rạch Giá. Do vậy, Lâm Quang Ky được Nguyễn Trung Trực phong làm Phó tướng.
Tờ mờ sáng ngày 16 tháng 6 năm 1868, nghĩa quân Nguyễn Trung Trực, trong đó có Lâm Quang Ky, đã tổ chức tấn công chiếm lấy đồn Kiên Giang, và làm chủ nơi đó được 5 ngày.
Hai ngày sau, ngày 18 tháng 6 năm 1868, Trung tá hải quân A. Léonard Ansart, Trần Bá Lộc, Tổng Đốc Phương mang binh từ Vĩnh Long sang tiếp cứu. Ngày 21 tháng 6 năm 1868, quân Pháp phản công dữ dội khiến Nguyễn Trung Trực phải cho lui quân về lại Hòn Chông. Trong cuộc rút chạy này, Lâm Quang Ky, Trịnh Văn Tư, Ngô Văn Búp... đều bị bắt.
Sự tích về cái chết của Lâm Quang Ky
Có hai câu chuyện kể về hành động cảm tử của Lâm Quang Ky để cứu chủ tướng Nguyễn Trung Trực.
Theo câu chuyện truyền miệng của người dân tại vùng Tà Niên, Rạch Giá:
Bởi cảm thương cho tình cảnh quân Pháp đã bắt mẹ của Nguyễn Trung Trực để uy hiếp ông phải ra hàng; và vì muốn vị chủ tướng phải sống để tiếp tục công cuộc kháng Pháp, nên Lâm Quang Ky đã quyết định hy sinh tấm thân mình. Trước khi ra hàng quân Pháp, Lâm Quang Ky đã làm lễ xin chịu tang trước cho ông bà, cha mẹ và quỳ trước mặt cha là Lâm Kim Diệu, dâng khay trầu rượu bày tỏ với cha ý nguyện đóng giả chủ tướng, để nạp mình cho Pháp và cũng xin cha bỏ qua tội không thể làm tròn chữ hiếu...
Khi tới đầu thú, ông tự xưng là Nguyễn Trung Trực. Quân Pháp cả tin, không một chút nghi ngờ. Nhưng hôm đó có Lượm, một người lính nghĩa quân đào ngũ đã chuyển sang làm việc cho Pháp và cung cấp thông tin để Pháp bắt được nhiều nghĩa quân, nên được thăng tới chức "đội". Lượm mách nhỏ cho Pháp biết người đầu thú là Lâm Quang Ky, rằng viên thuộc tướng giả danh này cũng cực kỳ nguy hiểm.
Biết rõ chuyện, Pháp rất tức giận, liền ra lệnh đóng gông vào cổ ông cùng 2 cận vệ là Ngô Văn Búp và Trịnh Văn Tư, rồi sai người dẫn tất cả ra chợ Rạch Giá chém chết ngay. Hôm ấy nhằm ngày 12 tháng 5 năm Mậu Thìn (tức 1 tháng 7 năm 1868).
Theo bài viết Làng Vĩnh Hòa Đông của Nguyễn Thị Diệp Mai:
Lâm Quang Ky không ra đầu thú mà bị quân Pháp bắt được khi đang cầm chân đối phương để chủ tướng chạy thoát.
Chuyện kể rằng, sau khi quân Nguyễn Trung Trực hạ thành Rạch Giá, Pháp điều quân từ Vĩnh Long đến giải nguy và để chiếm lại thành. Do nghĩa quân thế cô, vũ khí kém, nên thành không giữ được.
Trong tình thế hiểm nghèo, Lâm Quang Ky cùng một số nghĩa quân cảm tử tự nguyện ở lại cầm chân quân Pháp, để Nguyễn Trung Trực rút lực lượng chính về Hòn Chông. Lâm Quang Ky mặc chiến bào của Nguyễn Trung Trực, cầm cờ lệnh, cố tình chiến đấu kéo dài thời gian. Cuối cùng, quân Pháp bắt được ông cùng với sáu nghĩa binh khác.
Khi ấy, chỉ huy quân Pháp đinh ninh ông là Nguyễn Trung Trực nên không cho quân truy đuổi nữa. Qua ngày hôm sau, cai đội Lượm vì biết rõ mặt Lâm Quang Ky nên việc bị bại lộ. Rất tức giận, Pháp sai người đem tất cả ra chém chết tại chợ Rạch Giá mà không cần xét xử.[3]
Sau này, khi Nguyễn Trung Trực bị bắt và cũng bị xử chém tại Rạch Giá, người dân làng Vĩnh Thanh Vân đã bí mật thờ hai ông ở đình thờ  Cá Ông (Nam Hải đại vương), nay là ngôi Đình thần Nguyễn Trung Trực (Rạch Giá), tỉnh Kiên Giang. Nơi Đình thần xã Vĩnh Hòa Hiệp, tức làng Tà Niên xưa cũng có bài vị thờ ông. Và tên ông cũng như tên của Nguyễn Trung Trực đều được đặt cho hai đường phố lớn, hai ngôi trường học khang trang và danh tiếng của tỉnh này.
Tại làng Vĩnh Hòa Đông thuộc tổng Kiên Định, huyện Kiên Giang, vốn là làng Vĩnh Hòa Đông xưa, hiện còn mộ phần vợ chồng ông[4]
Dòng họ Lâm ở đấy vẫn còn tôn thờ một mảnh vải, mà theo lời kể của người giữ di vật thì đó là vạt áo của Lâm Quang Ky do chính tay ông cắt đứt khi người vợ trẻ níu áo van xin ông đừng đi nhận cái chết thay.


Mộ Lâm Quang Ky và vợ
Tg Bùi Thụy Đào Nguyên


Khu mộ dòng họ Lâm, tại xã Vĩnh Hòa Hiệp.
Tg Bùi Thụy Đào Nguyên

Gilbert Trần Chánh Chiếu


Trần Chánh Chiếu (1868-1919), còn gọi là Gibert Trần Chánh Chiếu (gọi tắt là Gibert Chiếu), hiệu Quang Huy, biệt hiệu Đông Sơ, các bút danh: Kỳ Lân Các, Nhựt Thăng, Thiên Trung, Mộng Trần; là nhà văn, nhà báo và là nhà cải cách tại Việt Nam.
Tiểu sử
Trần Chánh Chiếu sinh trưởng trong một gia giàu có ở làng Vân Tập (sau đổi tên là Vĩnh Thanh Vân), tỉnh Rạch Giá (nay là tỉnh Kiên Giang). Cha ông là Trần Thọ Cửu, một hương chức trong làng.
Từ nhỏ, Trần Chánh Chiếu đã được lên Sài Gòn học ở Trường trung học D’Adran. Sau khi tốt nghiệp, ông được bổ về làm giáo học rồi làm thông ngôn cho Tham biện (chủ tỉnh) Rạch Giá.
Với vị thế của mình, ông tiến hành khẩn hoang ở vùng Tràm Chẹt thuộc huyện Giồng Riềng, tự thiết kế và xây cất phố xá ở chợ Rạch Giá và trở thành triệu phú lúc bấy giờ.
Khoảng thời gian này, ông được bổ hàm Đốc phủ và được nhập quốc tịch Pháp (kể từ đây ông có tên mới là Gibert Trần Chánh Chiếu, gọi tắt là Gibert Chiếu). Sau đó, ông xin thôi việc về làm xã trưởng xã Vĩnh Thanh Vân.
Năm 1900, Gibert Chiếu bán đi một phần gia sản, lên Sài Gòn làm báo và tham gia phong trào duy tân yêu nước.
Ở đây, ông kết thân với các nhân sĩ yêu nước, như Bùi Chí Nhuận , Nguyễn An Khương, Nguyễn Thần Hiến, Nguyễn Quang Diêu,Đặng Thúc Liêng, Lương Khắc Ninh, Trương Duy Toản...
Năm 1906, ông thay Lương Khắc Ninh làm chủ bút tờ Nông Cổ mín đàm (Trong chén trà bàn chuyện nông thương).
Nghe tiếng ông là người nhiệt tình yêu nước, Phan Bội Châu lúc bấy giờ đang ở Hương Cảng (Hồng Kông), liền mời sang gặp ông và sang Nhật Bản gặp Kỳ Ngoại hầu Cường Để [2].
Trở về nước, hưởng ứng lời kêu gọi của Phan Bội Châu, Trần Chánh Chiếu đã vận động nhiều thanh niên sang Nhật Bản học tập theo phong trào Đông Du và phổ biến các tác phẩm yêu nước của cụ Phan. Đồng thời, với vai trò chủ bút tờ tuần báo Lục tỉnh tân văn (lập năm 1907), Trần Chánh Chiếu công khai hô hào duy tân cứu nước, rồi cùng với bạn đồng chí hướng lập Nam Kỳ minh tân công nghệ xã (1908), và nhiều cơ sở kinh tài khác...[3]
Những việc làm của ông được giới điền chủ và giới công chức hưởng ứng nhiệt liệt. Vì vậy, ông bị nhà cầm quyền cử người theo dõi, bị Trần Bá Thọ (làm chức phủ, em ruột Trần Bá Lộc) dòm ngó. Tháng 10 năm 1908 tại Sài Gòn, Trần Chánh Chiếu bị thực dân Pháp bắt giam vì tội có quan hệ với phong trào Đông Du và viết báo chống lại họ. Theo nhà văn Sơn Nam thì có đến 91 người bị bắt trong vụ này[4].
Tuy nhiên, tờ Lục tỉnh tân văn số 50 ra ngày 29 tháng 10 năm 1908 chỉ loan tin đại khái như thế này:
Chủ bút Lục tỉnh tân văn đã bị giam cầm vì tội đại ác. Vậy chủ nhơn kính tỏ cùng tôn bằng quí khách đặng rõ rằng bổn quán thiệt vô cùng không hay không biết những việc Chủ bút (Gibert Chiếu) phản bạn, giao thông với người ngoại quốc. Nhà nước cũng cho bổn quán biết nhà nước chẳng chút nào tin dạ trung nghĩa của Gibert Chiếu, cho nên đã có ra lịnh kiềm thúc thám sát (ông) quá đỗi nhặt nghiêm...[5]
Sau, nhờ chí sĩ Phan Văn Trường  Paris (Pháp) vận động và Chính phủ Nhật can thiệp[6], tháng 4 năm 1909, ông được thả. Sau đó, ông về Rạch Giá  Mỹ Tho bán hết ruộng đất, phố xá để trả nợ, rồi ở luôn Sài Gòn lập tiệm buôn lấy tiền lời bí mật giúp Phan Bội Châu  Cường Để hoạt động.
Năm 1917, ông lại bị tòa án quân sự Sài Gòn bắt giam một lần nữa vì cho ông là người ám trợ Phan Xích Long khởi nghĩa chống Pháp hồi tháng 2 năm 1916. Bị giam một thời gian ông mới được trả tự do. Ông mất năm 1919 tại Sài Gòn, an táng ở đất thánh họ đạo Tân Định (nay thuộc quấn, Thành phố Hồ Chí Minh).
Sau khi Gibert Ông Chiếu bị bắt, công cuộc Minh Tân mà ông là người đứng đầu tan rã dần.
Ghi công ông, ở quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh có một đường phố và một chợ đầu mối mang tên Trần Chánh Chiếu.
Tác phẩm
Tác phẩm của Trần Chánh Chiếu có:
Minh tân tiểu thuyết (Lời nói vặt về chủ thuyết Minh tân): Tập hợp các bài xã luận của ông viết cho tờ Lục tỉnh tân văn, nhằm kêu gọi đồng bào tham gia cuộc Minh Tân. In năm: ?
Tiền căn hậu báo: Phỏng dịch tiểu thuyết Comte de Momte-Cristo của Alexandre Dumas, lúc đầu đăng trên Lục tỉnh tân văn(1907), sau được Nhà l’Union xuất bản ở Sài Gòn in năm 1914.
Hương Cảng nhân vật (Nhân vật Hương Cảng) và Quảng Đông tỉnh thành phong cảnh (Phong cảnh tỉnh thành Quảng Đông): Gồm các bài ký kể lại cuộc du lịch của ông sang Hương Cảng và Quảng Đông, trước đăng trên Lục tỉnh tân văn (1908) sau in thành sách (1911).
Văn ngôn tập giải (Recuel du langage fleuri): Là sách từ điển giải nghĩa các danh từ mới trong nhiều lĩnh vực sử, địa, khoa học, chính trị, tôn giáo. In năm 1915.
Lâm Kim Liên: Truyện, do F.H.Schneider xuất bản, 1910.
Hoàng Tố Oanh hàm oan: Truyện, nhà in Phát Toán xuất bản, 1910.
Ba người ngự lâm pháo thủ: Dịch truyện Les trois mousquetaires của Alexandre Dumas đăng trên Lục tỉnh tân văn năm 1913.
Gia Phổ: Dạy viết gia phả, in năm 1917.
Qua các tác phẩm truyện, Trần Chánh Chiếu được coi là nhà văn Quốc ngữ sớm thứ hai sau Nguyễn Trọng Quản[7].
Ghi nhận công lao
Trích các nhận xét:
Trần Chánh Chiếu là người cầm đầu phong trào Minh Tân. Đây là một phong trào chính trị tương đương với phong trào Đông Kinh nghĩa thục, và có mối quan hệ với phong trào Đông Du của Phan Bội Châu.
Chính ông nói rằng lập báo (Lục tỉnh tân văn) ra là để nhằm “biển cải Nam nhân”, khuyến khích “người An Nam lo việc thương mãi, học nghề nghiệp mà tranh đua quyền lợi với Chệt (Hoa kiều) với Chà (người Java). Ông Chiếu chẳng những kêu gọi mở cuộc Minh Tân, mà bản thân ông cũng lập hãng, kêu hùn, đồng thời ông cũng kêu gọi mọi người góp sức xây dựng nền quốc văn. Lục tỉnh tân văn, thời Trần Chánh Chiếu có hoạt động thật sự trên mặt văn chương và chính trị...[8]
Chủ trương của Trần Chánh Chiếu thật rõ rệt là đánh đổ thực dân Pháp, thành lập chế độ quân chủ lập hiến, tôn Cường Để làm vua. Con trai thứ tư của ông là Jules Trần Chánh Tiết được đưa qua học ở Hương Cảng. Đó cũng là lý do để ông xuất ngoại thăm con, nhưng bên trong là liên lạc với các chiến sĩ cách mạng. Ông đã qua Nhật, được Nhật hoàng ban áo cho vợ chồng ông...Ngoài đức tính can đảm, ông còn là người thông minh, biết tận dụng thời thế. Ông khéo tổ chức Minh tân khách sạn tại Mỹ Tho để tập hợp người đồng chí hướng và chọn Sài Gòn làm nơi tranh đấu công khai. Việc nhập Pháp tịch chỉ là vì dân vì nước để tìm tư thế, để che mắt nhà cầm quyền…...[9]
GS. Trịnh Vân Thanh:
Trần Chánh Chiếu vốn là một người yêu nước, có tinh thần hy sinh cao quý. Đã có lần ông qua tận Hương Cảng gặp nhà cách mạng Phan Bội Châu hội đàm về việc đại sự quốc gia. Chính ông đã đem bản hiệu triệu của cụ Phan về Việt Nam phổ biến trong dân chúng. Ông đã cùng với bạn đồng đồng chí hướng lập Minh Tân công nghệ xã, Minh Tân khách sạn...để dùng làm trụ sở liên lạc với các nhà ái quốc, tránh sự dòm ngó của mật thám Pháp. Để kiến tạo xứ sở và canh tân guồng máy cai trị, ông thường viết bài công kích chính sách cai trị lỗi thời của Pháp. Ông lại hô hào cổ võ việc khuếch trương kinh tế và dùng hàng nội hóa để chấn hưng nền kinh tế quốc gia. Ông cũng chủ trương một nền văn hóa tân tiến hợp với cao trào văn minh phương Tây...[10]
Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam:
Ngoài là một nhà chính trị, yêu nước, kinh tài, Trần Chánh Chiếu còn là một nhà văn, nhà báo sáng giá của miền Nam Việt Nam vào buổi đầu. Ông đã biết vận dụng ngòi bút của mình vào con đường duy tân cứu nước. Khi ông mất, một nhà nho yêu nước ở Hà Nộilà Phan Hữu đã điếu ông bằng một bài thơ trong đó có câu: Quốc tịch mang danh dân Phú Lãng (Pháp) / Thâm tâm vẫn máu họHùng Vương [11]
Truyện của Gibert Chiếu vẫn theo kết cấu chương hồi như nhiều tiểu thuyết miền Nam trong những năm đầu của thế kỷ 20. Nhưng tác giả đã chú ý đến cách xây dựng tình tiết để cốt truyện bớt dềnh dàng, kể lể, nhân vật và hành động xuất hiện hợp lý, tính cách nhân vật được miêu tả rõ ràng. Câu văn ông mộc mạc, không sa vào biền ngẫu như các nhà văn cùng thời với ông...


NHÀ VĂN, NHÀ  NAM BỘ  HỌC SƠN NAM PHẠM MINH TÀY



Sơn Nam (1926 - 2008) là một nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam nổi tiếng.
Tiểu sử
Ông tên thật là Phạm Minh Tài sinh ngày 11 tháng 12 năm 1926, tại làng Đông Thái, huyện An Biên, tỉnh Rạch Giá (nay thuộc tỉnh Xã Đông Thái, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang). Do sự nhầm lẫn của nhân viên hộ tịch, tên khai sinh của ông bị viết sai thành Phạm Minh Tày.
Thuở nhỏ ông học tiểu học tại quê nhà, rồi học trung học tại Cần Thơ. Năm 1945, ông tham gia Thanh niên Tiền phong, giành lấy chính quyền ở địa phương, rồi lần lượt tham gia công tác ở Hội Văn hóa cứu quốc tỉnh, phòng Chính trị Quân khu, phòng Văn nghệ Ban Tuyên huấn Xứ ủy Nam Bộ. Bút danh Sơn Nam ra đời trong thời gian này, để tưởng nhớ người phụ nữ Khmer đã cho ông bú mớm thời thơ ấu (Sơn là một họ lớn của ngườiKhmer, Nam là để nhắc nhớ mình là người phương Nam)[1]. Sau Hiệp định Genève 1954, ông về lại Rạch Giá.
Năm 1955, ông lên Sài Gòn cộng tác với các báo: Nhân loại, Công Lý, Ánh sáng, Tiếng chuông, Lẽ sống...
Năm 1960-1961, bị chính quyền Việt Nam Cộng hòa bắt giam ở nhà lao Phú Lợi (Thủ Dầu Một, Bình Dương)[2]. Ra tù, ông tiếp tục làm báo, viết văn và khảo cứu về Nam Bộ. Sau 1975, ông tiếp tục hoạt động trên lĩnh vực văn hóa văn nghệ. Ông là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.
Nhà văn Sơn Nam đã viết nên nhiều tác phẩm dấu ấn, ông được nhiều người gọi yêu là "ông già Nam Bộ", "ông già Ba Tri", “ông già đi bộ’, "pho từ điển sống về miền Nam" hay là "nhà Nam Bộ học". Toàn bộ các sáng tác của ông được Nhà xuất bản Trẻ tại thành phố Hồ Chí Minh mua bản quyền. Ông qua đời ngày 13 tháng 08 năm 2008 tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Tác phẩm
Chuyện xưa tình cũ (1958)
Tìm hiểu đất Hậu Giang (nghiên cứu, 1959)
Hương rừng Cà Mau (1962)
Chim quyên xuống đất (1963)
Hình bóng cũ (1964)
Vạch một chân trời (1968)
Gốc cây - Cục đá & Ngôi sao (1969)
Lịch sử khẩn hoang miền Nam
Đình miếu & lễ hội dân gian miền Nam
Danh thắng Miền Nam
Theo chân người tình & một mảnh tình riêng
Từ U Minh đến Cần Thơ – Ở chiến khu 9 – 20 năm giữa lòng đô thị – Bình An
Tìm hiểu đất Hậu Giang & lịch sử đất An Giang
Xóm Bàu Láng
Ghi nhận công lao


 “Sơn Nam là một tâm hồn lạc lõng trong thế giới buyn-đinh và Mercedes, trong thế giới triết hiện sinh, tranh trừu tượng và nhạc tuýt. Nhưng đó là một tâm hồn đẹp không biết bao nhiêu, đẹp cái vẻ đẹp của lọ sứ Cảnh Đức Trấn ở Giang Tây (có khác lọ hoa Ý Đại Lợi ngày nay), và ít được người đời thưởng thức hơn là họ đã thưởng thức một tiểu thuyết gia chuyên viết về chuyện tình chẳng hạn. Nhưng phải nhìn nhận rằng, cái đẹp Sơn Nam bất hủ...”
 “Không chỉ cống hiến trong văn chương, ông (Sơn Nam) còn được xem là người có công khai phá, khảo cứu và sưu tầm văn hóa mảnh đất Nam Bộ. Vì vậy, không phải hiển nhiên mà người ta trân trọng gọi ông là "nhà Nam Bộ học" hay ông già Ba Tri...”
 “Sơn Nam là một trong số những nhà văn từng sống ở đô thị miền Nam nhưng tác phẩm vẫn được in liền mạch sau giải phóng, điều đó không phải dễ. Trước hết, tác phẩm của Sơn Nam không thuộc dạng a dua. Sống dưới chế độ ấy mà tránh được lối viết ấy quả là rất cao tay. Có lần người viết bài này hỏi vậy, Sơn Nam cười nhẹ, cũng chẳng giỏi giang gì đâu mà tôi chủ yếu viết về phong tục, về lịch sử khai khẩn đất đai Nam Bộ, và nếu là truyện thì đi vào tầng lớp nông dân, dân nghèo thành thị.
Hơn nửa thế kỷ gắn bó với nghiệp sáng tác, những trang viết của ông không đơn thuần là sự giải trí cho độc giả mà còn là những khảo cứu, khám phá về mảnh đất phương Nam. Là người Nam Bộ chính gốc nên nhà văn Sơn Nam là người am hiểu quá trình hình thành dải đất này. Những sáng tác của ông mang hơi thở của thiên nhiên, của văn hóa và con người Nam Bộ được thể hiện qua giọng văn giản dị, mộc mạc...”





Kiên Giang Hà Huy Hà

Kiên Giang (sinh năm 1929) là một trong các nghệ danh của nhà thơ, soạn giả cải lương Việt Nam, nổi tiếng với bài thơ "Hoa trắng thôi cài trên áo tím". Ông còn được xem là thầy của 2 soạn giả nổi tiếng khác là Hà Triều - Hoa Phượng.
Tiểu sử[
Nhà thơ Kiên Giang tên thật là Trương Khương Trinh, sinh ngày 17 tháng 2 năm 1929 tại làng Đông Thái, huyện An Biên,tỉnh Rạch Giá (nay là tỉnh Kiên Giang). Ông là đồng hương của nhà văn Sơn Nam. Năm 1943 ông theo học trường tư Lê Bá Cang ở Sài Gòn.
Ngoài làm thơ, Kiên Giang, với nghệ danh là Hà Huy Hà, còn là một soạn giả cải lương rất nổi tiếng thời đó, cùng với Năm Châu, Viễn Châu, Hà Triều - Hoa Phượng, Quy Sắc,... Các tác phẩm cải lương của ông có thể kể đến Áo cưới trước cổng chùa, Người vợ không bao giờ cưới, trong đó Người vợ không bao giờ cưới đã giúp cho nghệ sĩ Thanh Nga đạt giải Thanh Tâm và trở thành một ngôi sao trong giới cải lương.
Trước 1975, Kiên Giang còn làm ký giả kịch trường cho nhiều tờ báo lớn của Sài Gòn như Tiếng Chuông, Tiếng Dội, Lập Trường, Điện Tín, Tia Sáng,... Ông từng tham gia phong trào ký giả ăn mày và dẫn đầu đoàn biểu tình chống lại những quy chế khắt khe của chính quyền cũ áp đặt lên giới báo chí. Vì hành động này, Kiên Giang đã bị đi tù.
Sau 1975, Kiên Giang làm Phó đoàn cải lương Thanh Nga, kiêm cán bộ phòng nghệ thuật sân khấu.
Ông từng làm Ủy viên Ban chấp hành Hội Sân khấu Thành phố Hồ Chí Minh qua 3 nhiệm kì.
Hiện nay, nhà thơ - soạn giả Kiên Giang đang tá túc tại nhà một người quen ở Quận 2, thành phố Hồ Chí Minh, sống thiếu thốn, không có người thân bên cạnh.

Kiên Giang lúc trẻ khi theo Nguyễn Bình học làm thơ
Tác phẩm
Thơ
Hoa trắng thôi cài trên áo tím (1962)
Lúa sạ miền Nam (1970)
Quê hương thơ ấu
Người đẹp bán tơ (1956)
Con đò Thủ Thiêm (1957)
Người vợ không bao giờ cưới (1958 – với Phúc - Nguyên)
Ngưu Lang Chức Nữ
Áo cưới trước cổng chùa
Phấn lá men rừng
Từ trường học đến trường làng
Dòng nước ngược
Chia đều hạnh phúc
Trương Chi Mỵ Nương
Mây chiều xuyên nguyệt thôn
Sương phủ nửa chừng xuân
Chén cơm sông núi
Hồi trống trường làng
Lưu Bình - Dương Lễ
Rất nhiều bài tân cổ giao duyên: Trái gùi Bến Cát, Đội gạo đường xa, Tim đá mạ vàng, Ngồi trâu thổi sáo, Ánh đèn soi ếch, Người đẹp bán tơ, Hương cao quê ngoại, Trái tim cò trắng, Vắt sữa nai nuôi mẹ, Hương sắc gái Cà Mau, Lập quán kén chồng, Ni cô và lão ăn mày, Khói lò gạch, Cô gái miền Tây...
Bài thơ Hoa trắng thôi cài trên áo tím[
Hoa trắng thôi cài trên áo tím có lẽ là bài thơ nổi tiếng nhất của Kiên Giang, đã được nhạc sĩ Huỳnh Anh phổ nhạc và được nhiều ca sĩ thể hiện rất thành công. Theo Kiên Giang: "Đây là tâm tình người trai ngoại đạo đối với cô gái có đạo. Mối tình học trò tinh khiết, ngây thơ, không nhuốm bụi trần. Năm 1944, tôi ở Cần Thơ học trường tư thục Nam Hưng, dốt toán nhưng giỏi luận chuyên làm bài giùm cho bạn cùng lớp, trong đó có NH - cô bạn dễ thương thường mặc áo bà ba trắng, quần đen, mang guốc mộc. Có những buổi tan học lẽo đẽo đi theo sau NH. đến tận nhà cô ở xóm nhà thờ. Cách mạng nổ ra, không có tiền đi đò về quê, NH. biết ý gửi cho, rồi đi kháng chiến, gặp người quen trong đội quân nhạc nhắn: 'Con Tám NH. vẫn chờ mày'. Năm 1955 tôi ghé ngang Cần Thơ, xin phép má của NH. tâm tình suốt đêm bên ánh đèn dầu huê kỳ. Sau đó tôi nghe tin NH. lấy chồng có con đầu lòng đặt tên là tên ghép lại của tôi và NH. vì thế chồng cô biết rất ghen tức. Chính vì lý do nầy tôi đổi bốn câu kết bài thơ này, giống như tống tiễn mối tình học trò trinh trắng. Kết trước là:
Xe tang đã khuất nẻo đời
Chuông nhà thờ khóc tiễn người ngàn thu
Từ nay tóc rũ khăn sô
Em cài hoa tím trên mồ người xưa
thành cái kết:
Lạy Chúa! Con là người ngoại đạo
Nhưng tin có chúa ở trên trời
Trong lòng con, giữa màu hoa trắng
Cứu rỗi linh hồn con Chúa ơi !
Năm 1999, hãng phim TFS Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh có làm phim "Chiếc giỏ đời người" về sự nghiệp hoạt động văn nghệ của tôi, khi trở về Cần Thơ quay lại cảnh trường cũ, mới hay tin là NH. mất năm 1998. Tôi mua bó huệ trắng, ra thăm mộ NH. ở nghĩa trang Cái Su. Đúng là
Anh kết vòng hoa màu trắng lạnh

Kiên Giang và hình ảnh người yêu, nguyên mẫu của bài thơ Hoa Trắng Thôi Cài Trên Áo Tín



Thị Xã Hà Tiên 
Hà Tiên là thị xã nhỏ nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Kiên Giang. Bắc giáp Campuchia, đường biên giới dài 13,7 km, Đông và Nam giáp huyện Kiên Lương, Tây giáp vịnh Thái Lan với đường bờ biển dài 22 km.
Về hành chính, thị xã bao gồm 5 phường là: Thuận Yên, Tô Châu, Pháo Đài, Đông Hồ, Bình San; 2 xã là Mỹ Đức và Tiên Hải. Riêng xã đảo Tiên Hải bao gồm các đảo trong quần đảo Hà Tiên (quần đảo Hải Tặc) như: Hòn Đốc, Hòn Long, Hòn Đước....
Thị xã Hà Tiên là một dải đất hẹp nằm ven biển, với đầy đủ các dạng địa hình: vũng, vịnh, đồng bằng, núi, sông, hang động, hải đảo...tạo nên nhiều cảnh quan đẹp.
Sông Giang Thành bắt nguồn từ Campuchia, chảy vào khu vực Hà Tiên, dài khoảng 23 km. Sông đổ vào vũng Đông Hồ với chiều rộng cửa sông trên 200 m. Sông Giang Thành nối liền vớikênh Vĩnh Tế tạo nên tuyến đường thủy quan trọng từ thị xã Châu Đốc đến thị xã Hà Tiên. Ngoài ra còn có sông Tô Châu và kênh Hà Tiên - Rạch Giá.
Các ngọn núi trên địa bàn thị xã hầu hết đều là những thắng cảnh như: núi Tô Châu, núi Đá Dựng, núi Bình San, núi Thạch Động...Ven biển Hà Tiên có nhiều bãi biển đẹp như: bãi biển Lộc Trĩ (bãi biển Mũi Nai). Ngoài khơi có quần đảo Hải Tặc với nhiều đảo đẹp, có tiềm năng du lịch.
Hà Tiên với nhiều cảnh đẹp (Hà Tiên thập vịnh) đã là đề tài xướng họa của Tao đàn Chiêu Anh Các dưới thời Đô đốc Mạc Thiên Tứ cai quản xứ sở này.
Khí hậu
Hà Tiên nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa cận xích đạo, khí hậu ở đây có những đặc điểm chính như sau: Số giờ nắng trung bình từ 6,5 đến 7,5 giờ/ngày. Năng lượng bức xạ trung bình 150 - 160 kcal/cm2 năm. Nhiệt độ trung bình hàng năm khoảng 270C, nhiệt độ trung bình thấp nhất là 23,90C, thường rơi vào khoảng tháng 12 - tháng 1; nhiệt độ cao nhất là 30,20C, thường rơi vào tháng 4 - 5. Nhiệt độ tuyệt đối thấp nhất có lần đo được là 14,80C, nhiệt độ tuyệt đối cao nhất là 37,60C. Độ ẩm trung bình 81,9%. Mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10, có nhiều năm mùa mưa đến sớm và kết thúc muộn hơn các khu vực khác của đồng bằng Sông Cửu Long. Lượng mưa lớn, trung bình 2.118 mm/năm.
Tài nguyên
Đất: Diện tích tự nhiên của thị xã là 8.851,51 ha, trong đó đất nông nghiệp 4386 ha (chiếm 49,55%), nhưng mức độ phèn mặn cao, nếu ứng dụng khoa học kỹ thuật tốt để nuôi trồng thủy sản để đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ngoài ra còn quỹ đất chưa sử dụng là 2.561,89 ha.
Nước: Hà Tiên nhận nước ngọt cung cấp từ sông Hậu qua kênh Vĩnh Tế, sông Giang Thành, kênh Rạch Giá - Hà Tiên.
Biển: Hà Tiên có khoảng 22 km chiều dài bờ biển, vũng Đông Hồ chia thị xã làm hai khu riêng biệt: phía Đông Nam là phường Tô Châu và Thuận Yên; phía Tây Bắc là phường Đông Hồ, phường Bình San, phường Pháo Đài và xã Mỹ Đức. Xã đảo Tiên Hải (quần đảo Hải Tặc) gồm 15 đảo lớn nhỏ là ngư trường đánh bắt và nuôi trồng thủy hải sản đầy tiềm năng.
Hà Tiên là tên gọi đã có từ xa xưa, qua từng thời kỳ, địa giới thay đổi từ vùng thành trấn, chuyển sang tỉnh, đổi thành quận, huyện và bây giờ là thị xã. Giữa thế kỷ 17, khi Mạc Cửu đến đây khai phá thì vùng đất này vẫn còn hoang sơ, vắng vẻ. Cuối thế kỷ trên, thì Hà Tiên đã trở thành một thương cảng sầm uất.
Năm 1714, khi Mạc Cửu dâng đất lên cho chúa Nguyễn, chúa Nguyễn dùng hai chữ Hà Tiên để đặt tên cho cả vùng đất bao gồm toàn bộ tỉnh Kiên Giang và một số vùng lân cận ngày nay.
Khi Gia Long lên ngôi, Hà Tiên được đặt thành trấn của Nam Kỳ, trong trấn có huyện Hà Tiên. Năm 1825, để không trùng tên với trấn, vua Minh Mạng đổi huyện Hà Tiên thành huyện Hà Châu. Năm 1832, vua Minh Mạng lại đổi trấn Hà Tiên thành tỉnh Hà Tiên.
Đầu thời Pháp thuộc, ngày 01 tháng 08 năm 1867, tỉnh Hà Tiên bị giải thể, địa bàn chia thành nhiều hạt.
Thời Việt Nam Cộng Hoà, Hà Tiên là một trong 7 quận của tỉnh Kiên Giang. Quận Hà Tiên lúc này bao gồm 3 xã Mỹ Đức, Phú Mỹ và Thuận Yên với 15 ấp tất cả. Dân số năm 1965 khoảng 11.599 người.
Sau năm 1975, Hà Tiên là huyện của tỉnh Kiên Giang, bao gồm thị trấn Hà Tiên, thị trấn Kiên Lương và 9 xã là: Vĩnh Điều, Tân Khánh Hoà, Phú Mỹ, Mỹ Tức, Tiên Hải, Thuận Yên, Hoà Điền, Dương Hoà, Bình An.
Ngày 08 thàng 07 năm 1998, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định 47/1998/NĐ - CP, về việc thành lập thị xã Hà Tiên và các phường thuộc thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang. Sau khi điều chỉnh địa giới hành chính, các xã thuộc thị xã Hà Tiên cụ thể như sau:
Xã Mỹ Đức có 1.632 ha diện tích tự nhiên và 3.302 nhân khẩu. Địa giới hành chính xã Mỹ Đức: Đông giáp phường Đông Hồ; Tây giáp biển; Nam giáp phường Bình San và phường Pháo Đài; Bắc giáp biên giới Việt Nam - Campuchia.
Xã Thuận Yên có 3.042 ha diện tích tự nhiên và 5.346 nhân khẩu. Địa giới hành chính xã Thuận Yên: Đông giáp huyện Hà Tiên; Tây giáp phường Tô Châu; Nam giáp biển; Bắc giáp phường Đông Hồ và huyện Hà Tiên.
Xã Tiên Hải (xã đảo) có 1.100 ha diện tích tự nhiên và 1.055 nhân khẩu.
Sau khi điều chỉnh địa giới hành chính, huyện Hà Tiên có 89.548,5 ha diện tích tự nhiên và 62.162 nhân khẩu, gồm 6 xã và 1 thị trấn. Xã Phú Mỹ thuộc huyện Hà Tiên có 15.037,5 ha diện tích tự nhiên và 4.584 nhân khẩu.
Xã hội
Giáo dục
Năm 2000 - 2001 trên địa bàn thị xã Hà Tiên có 13 trường, gồm 1 trường mầm non và 12 trường thuộc ngành giáo dục phổ thông (7 trường tiểu học, 3 trường Trung học cơ sở, 1 trường Trung học phổ thông, 1 trung tâm giáo dục kỹ thuật hướng nghiệp). Đến nay, các xã phường đều có trường tiểu học và đã đầu tư hoàn thành Trường Phổ thông trung học Thị xã, chia tách trường cấp II và cấp III đi vào hoạt động năm học 2000 - 2001.
Y tế
Toàn thị xã hiện có 1 bệnh viện tại trung tâm thị xã quy mô 60 giường bệnh, 1 trung tâm y tế, 1 phòng y tế, 7 trạm y tế xã - phường gồm phường Đông Hồ, phường Thuận Yên, phường Pháo Đài, Phường Tô Châu và xã Tiên Hải, xã Mỹ Đức. Kinh tế Thị xã nằm trong vùng tứ giác Long Xuyên, có đường biên giới với Campuchia cả trên đất liền và biển, cách tỉnh Kampốt của Campuchia 60 km và cảng Kép của thành phố Kép 20 km, rất thuận lợi trong việc phát triển kinh tế cửa khẩu với Campuchia, tạo mối quan hệ với Thái Lan qua mạng lưới đường thuỷ, hàng không.
Giao thông
Trên địa bàn thị xã Hà Tiên hiện có 23,5 km đường quốc lộ; 9,04 km tỉnh lộ; 26,13 km đường nội ô thị xã và 27,5 km đường giao thông nông thôn. Trong đó, quan trọng nhất là tuyến quốc lộ 80, nối thành phố Rạch Giá - thị xã Hà Tiên và sang tận Campuchia. Kể từ tháng 12 năm 2008, có thêm tuyến tàu khách cao tốc đi đến huyện đảo Phú Quốc.
Thông tin liên quan
Nơi cư trú của người Việt cổ
Năm 1983, một trống đồng Đông Sơn được tìm thấy ở đảo Lại Sơn (Sơn Rái), huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang. Cổ vật này là chứng tích cụ thể còn sót lại trên đường hải hành của người Việt cổ. Họ khởi hành từ Vịnh Bắc bộ, nương theo gió mùa Đông Bắc - Tây Nam, men ven bờ bán đảo Đông Dương để vào Vịnh Thái Lan… Và họ đã gặp một nơi khá thích hợp để làm trạm dừng chân, sau có người định cư luôn, đó là vùng đất mà bây giờ có tên là bán đảo Mũi Nai (Hà Tiên).
Tác giả Lê Trọng Khánh viết: "Từ Lưỡng Việt đến Mũi Nạy (Mũi Nai) ở phía Nam là địa bàn gốc của người Lạc Việt có nguồn gốc và ngôn ngữ chung, nằm trong khối Bách Việt”[1] Rồi vùng đất này đã chứng kiến biết bao đợt người tiếp nối, từ người Việt cổ đến Phù Nam, qua Khmer rồi đến người Việt hiện đại...
Hà Tiên vào thời Mạc Cửu còn có tên gọi là Mang Khảm, là một mắt xích quan trọng ở phía Đông vịnh Thái Lan, trên tuyến hàng hải thương mại châu Á qua vịnh Thái Lan, men theo bờ biển Đông Việt Nam lên Quảng Châu, Trung Quốc hay Luzon, Philippin. Thời kỳ cha con Mạc Cửu, Mạc Thiên Tứ(1706-1780) cai quản vùng đất này, đã áp dụng một chính sánh tự do và coi trọng thương mại. Mạc Thiên Tứ mở cảng cho tàu buôn nước ngoài buôn bán tự do. Hà Tiên trở thành điểm đến của các đoàn thương thuyền từ bán đảo Mã Lai, Sumatra, Java, Siam, Ấn Độ, Miến Điện, Phúc Kiến, Quảng Đông, Hải Nam,...
Vào các dịp sinh nhật Mạc Thiên Tứ (12 tháng chạp âm lịch), các thuyền buôn được phép vào cảng Hà Tiên miễn thuế. Từ lâu đời, nghề chế sáp trắng (bạch lạp) để thắp sáng là một nghề truyền thống ở Hà Tiên, cung cấp cho các nước lân cận như Trung Quốc, Siam, Mã Lai,... Ngoài ra đất này còn có nhiều sản vật thương mại khác nữa, Lê Quý Đôn từng viết trong Phủ biên tạp lục:...Huyền phách sản ở trấn Hà Tiên, có khối lượng như đồng, sắc đen như sắt, người ta nói dùng nó có thể lánh được gió độc, tiện làm tràng hạt... [2].
Đề cập đến xứ Hà Tiên thời bấy giờ, sách Thanh triều văn hiến thông khảo có đoạn:
Nước này có nhiều núi cao, địa hạt khoảng trăm dặm vuông. Thành và các cung thất làm bằng gỗ không khác Trung Quốc mấy. Chỗ vua ở xây bằng gạch ngói. Chế độ trang phục phảng phất các vua đời trước, búi tóc, đi võng, chít khăn, đội mũ. Vua mặc áo bào vẽ trăn rắn, lưng thắt dải đai, giày dép bằng da. Dân mặc áo vạt cổ rộng. Khi có tang thì mặc đồ màu trắng, bình thường thì áo nhiều màu…Họ gặp nhau thì chắp tay chào theo lễ. Phong tục nước này ham chuộng thơ văn, trong nước có dựng đền thờ Khổng Tử. Vua và dân đều đến lễ...[3]
Giải thích một vài tên gọi
Hà Tiên
Tà Ten là một ấp cư dân cổ ở hướng Đông Bắc thị xã Hà Tiên, nằm bên bờ trái sông Giang Thành. Khi xưa, người Khmer gọi sông này là Tà Ten (sau là Prêk Ten). Tà có nghĩa là sông, Ten là tên sông. Về sau chữ Tà được đổi là Hà và Ten được biến thành Tiên.Sách Nghiên cứu Hà Tiên viết: Cách giải thích cũ “nơi đây xưa kia có tiên hiện xuống đi lại trên sông, nên gọi là Hà Tiên” là không có căn cứ và thiếu khoa học.[4].
Phương Thành
Phương Thành là một tên gọi của Hà Tiên xưa. Vương Hồng Sển giải thích: Xưng Hà Tiên là Phương Thành là vì đắp lũy tre giáp vòng để chống quân Xiêm, Miên[5]. Đồng ý kiến này có Trần Thiêm Trung, trong Hà Tiên địa phương chí (1957) ông viết: “Tại trấn lỵ, một thành vuông, đặt tên Phương Thành, chung quanh bao bọc chiến lũy, trồng tre gai, vì thế còn có tên chung là Trúc Bàn Thành.”
Sách Nghiên cứu Hà Tiên cho biết thêm và giải thích khác: Trúc Bàn Thành còn gọi là trường lũy Thị Vạn hay bờ Đồn Lớn. Có người hiểu là Thành Thơm (Gia Định thành thông chí, Phương Đình dư địa chí, Đại Nam nhất thống chí) hay hiểu lầm là Thành Vuông (vì vậy, có người dịch là ville Carrée. Dẫn theo Thi sĩ Đông Hồ, Nam Phong số 143, tháng 10 năm 1929). Nhưng vì đâu có cái tên Phương Thành, sách Nghiên cứu Hà Tiên của Trương Minh Đạt, giải thích: "Ở Hà Tiên có núi Bà Lý (Pang Li), cao 30m, người Hoa đọc chệch là Pang-Lũy, rồi nó trở thành Pang Thành, rồi Việt hóa thành Phương Thành" . Ngoài ra, đất Hà Tiên còn có tên Trúc Bàng Thành, đây chính là biến âm của một địa danh đã có sẵn ở địa phương: Phnom Tà Pang. Ở sách Phương Đình dư địa chí của Nguyễn Văn Siêucòn ghi tên Đồng Trụ Trấn, theo ông Đạt thì đây là một địa danh “ nghe sai, đoán phỏng” mà thôi.[6]
Tên Phù Dung Vạn Sơn được đặt cho quần thể núi non ở Hà Tiên, chính là do tên gọi Phù Youn. Người Xiêm gọi “phù” là núi. Tất cả người Xiêm, Khmer, Chăm, Lào đều gọi người Việt là “Youn” hay “Duôn” (tiếng Phạn có nghĩa là người man di ở hang động). Tên Phù Youn được người Hoa phiên âm thành Phù Dung. Như vậy “Phù Youn” có nghĩa là vùng núi của người Việt. Điều đó, cho thấy khi xưa chủ nhân vùng đất này là người Việt cổ. Sau này, cái tên Phù Dung (Pù Youn) chỉ còn được dùng để chỉ một ngọn núi cao 53 m, mà Trịnh Hoài Đức đã chép trong “Gia Định thành thông chí”:
Núi Phù Dung: cách trấn thự về phía tây bắc hơn 1 dặm. Ở đây hang hố xanh rậm lâu đời; chùa Phù Dung ở phía tây nam chân núi, tiếng chuông mõ pha trộn, tiếng kệ kinh lẫn tiếng ồn ào của phố thị, thật là cảnh nửa tăng nửa tục...
Do vậy, tác giả sách Nghiên cứu Hà Tiên, đã nói vui rằng tên chùa không có nghĩa “hoa sen” hay giống hoa “tí ngọ” nào đó, như có người đã tưởng tượng.[4]
Mũi Nai
Xa xưa, gọi là Mũi Nạy, vì nơi đó có núi Pù Nạy (Pù là núi, Nạy là lớn) mà người khmer nói trại là P’Nay hay Bà Nay. Lớp người Việt đến sau bắt chước đọc âm này thành Nai. Đến thời Mạc Thiên Tứ, nhóm người Hoa dịch chữ Nai ra chữ Hán là Lộc (Lộc Trĩ sơn, Lộc trĩ thôn cư)..[4]
Mang Khảm
Mang là phiên âm Hán - Việt của Mường (tiếng Mường- Thái). Về chữ Mang, Trịnh Hoài Đức giải thích: “Những chỗ người Bắc địch tụ hội, chỗ lớn gọi là Bộ, chỗ lớn gọi là Bộ, chỗ nhỏ gọi là Lạc; người Xiêm, lào đều gọi là Mang, người Khmer gọi là Súc."[7] Khảm, người Khmer nói là Krom, tiếng Mã Lai gọi là Kram, tiếng Nôm gọi là Hỏm hay Tràm có nghĩa thấp, ngập. Cho nên Mang Khảm (tức trấn Hà Tiên) có nghĩa là “xóm dân vùng nước ngập”. Theo Nghiên cứu Hà Tiên, “bởi khởi đầu bằng chữ Mang, đơn vị dân cư theo ngôn ngữ Mường – Thái, nên có thêm một lý do nữa để xác định rằng đây không phải là đất Chân Lạp. Người Chân Lạp (Khmer) chỉ dùng chữ Srock (hay Súc) hoặc Phum.[4]

Mạc Cửu (鄚玖, hay Mạc Kính Cửu (鄚敬玖[2]: 1655 - 1735), là một thương gia người Hoa có công khai phá, hình thành vùng đất Hà Tiên (Kiên Giang) vào khoảng đầu thế kỷ 18  Việt Nam.
Chống Mãn Thanh và lưu vong
Nói về Mạc Cửu, sách Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức chép:
Hà Tiên vốn là đất cũ của Chân Lạp, tục gọi là Mường Khảm, tiếng Tàu gọi là Phương Thành[3]
Ban đầu có người tên là Mạc Cửu gốc xã Lê Quách, huyện Hải Khang, phủ Lôi Châu, tỉnh Quảng Đông, vào thời Đại Thanh, niên hiệu Khang Hy thứ 19 (1680), nhà Minh mất hẳn (nhưng mãi đến năm Khang Hy thứ 19, vùng Quảng Đông mới bình định xong). Mạc Cửu không khuất phục chính sách buổi đầu của nhà Đại Thanh, mới chừa tóc rồi chạy qua phương Nam, trú tại phủ Nam Vangnước Cao Miên. Ông thấy ở phủ Sài Mạt[4] của nước ấy, người Việt, người Trung Hoa, Cao Miên, Đồ Bà (Chà Và) các nước tụ tập mở trường đánh bạc để lấy xâu, gọi là thuế hoa chi, bèn thầu mua thuế ấy, lại còn đào được một hầm bạc nên bỗng trở thành giàu có. Từ đó ông chiêu mộ dân Việt Nam lưu tán ở các xứ Phú Quốc, Lũng Kỳ (hay Trũng Kè, Lũng Cả -réam), Cần Bột (Cần Vọt -Kampôt), Hương Úc (Vũng Thơm - Kompong Som), Giá Khê (Rạch Giá), Cà Mau lập thành bảy xã thôn.[5] Tương truyền ở đây thường có tiên xuất hiện trên sông, do đó mới đặt tên là Hà Tiên (tiên trên sông)[6].
Sách Hỏi đáp lịch sử tập 3, viết tương tự:
Khi nhà Minh bị diệt, gần như cùng lúc với Trần Thượng Xuyên  Cù lao Phố, Dương Ngạn Địch  Mỹ Tho, Mạc Cửu - một thương gia trẻ - cũng bỏ nước ra đi. Đến vùng Chân Lạp, ông bỏ tiền ra mua chức Ốc Nha và làm quan tại đây. Tuy nhiên do tình hình Chân Lạp hết sức rối ren, ông bỏ Nam Vang về phủ Sài Mạt...[7]
Lập quốc tại Hà Tiên
Cũng theo sách vừa dẫn trên, thì:
Vốn có óc tổ chức, Mạc Cửu chiêu tập dân xiêu tán người Hoa, Việt mở phố xá, xây thành lũy, đẩy mạnh khai hoang lập ra bảy thôn trải dài ven biển từ Kompongsom (Chân Lạp) về tận Cà Mau.
Với chủ trương để cho dân khai hoang tự do, không thu tô thuế, chỉ đứng ra tổ chức mua sản phẩm để bán lại cho khách buôn. Chính điều này đã quy tụ dân cư đến Mang Khảm ngày càng đông. Ghe thuyền các nơi, kể cả nước ngoài đến mua bán tấp nập. Sự thịnh vượng khiến cho đất này gặp tai họa.
Trong khoảng thời 1687-1688, quân Xiêm vào cướp phá Mương Khảm, bắt Mạc Cửu đưa về Xiêm ở Vạn Tuế Sơn (tác giả sách Nghiên cứu Hà Tiên có ý kiến khác, xem bên dưới). Sau đó, ông trốn về Lũng Kỳ (Lũng Cả), dân xiêu tán tụ về với ông ngày một đông, nhưng do địa thế chật hẹp, khoảng năm 1700, ông trở về Phương Thành (Hà Tiên).[8]
Nói đến sự nghiệp của ông, trên website Vietgle có đoạn:
Năm 1680, Mạc Cửu đã lập ấp rải rác từ Vũng Thơm, Trủng Kè, Cần Vọt, Rạch Giá, Cà Mau. Hà Tiên trở thành thương cảng quan trọng, thôn ấp định cư nằm sát mé biển, thuận tiện cho ghe thuyền tới lui, hoặc ở đất cao theo Giang thành, sông Cái Lớn, sông Gành Hào, Ông Đốc để canh tác. Ông lập ra 7 sòng bạc dọc bờ biển: Mán Khảm, Long Kỳ, Cần Bột, Hương Úc, Sài Mạt, Lình Quỳnh và Phú Quốc (đảo Koh Tral). Thủ phủ đặt tại Cảng Khẩu (còn gọi là Mán Khảm, Kan Kao, Căn Khẩu, Căn Kháo, Căn Cáo)[9].Tiếng đồn vang xa, lưu dân gốc Hoa từ khắp nơi trong vịnh Thái Lan xin vào đây lập nghiệp, dần dần vùng đất này trở thành một lãnh địa phồn vinh với tên gọi mới: Căn Khẩu Quốc. Đảo Koh Tral cũng đổi tên thành Phú Quốc (vùng đất giàu có).[10]
Thần phục chúa Nguyễn
Với ý đồ thành lập một quốc gia riêng, nhưng trước áp lực của Xiêm La và Chân Lạp. Mạc Cử thấy sức lực của mình chưa thể gầy dựng nổi cơ đồ. Lúc này ở Gia Định, các chúa Nguyễn đã lập xong phủ Gia Định. Người Việt và các di thần người Hoa đang định cư yên ổn. Nhận thấy muốn tồn tại phải có thế lực đủ mạnh để bảo vệ, che chở cho lãnh địa mà ông đã tốn công gây dựng. Hơn nữa, lúc ấy thế lực của chúa Nguyễn vẫn chưa vươn tới Hà Tiên, nhưng đang khống chế Chân Lạp và cũng là một đối trọng đáng gờm của Tiêm La. Sau khi cân nhắc, năm 1708 Mạc Cửu cùng thuộc hạ là Lý Xá, Trương Cầu đem lễ vật đến xin thần phục.
Sách Gia Định thành thông chí chép:
Mạc Cửu sai thuộc hạ là Trương Cầu, Lý Xá dâng biểu trần trình lên kinh đô Phú Xuân khẩn cầu xin được đứng đầu trông coi đất ấy.
Tháng 8 mùa thu năm thứ 18 Mậu Tý (1708), chúa Nguyễn Phúc Chu, chuẩn ban cho Mạc Cửu làm Tổng binh trấn Hà Tiên và phong tước là Cửu Ngọc hầu. Mạc Cửu lo xây dựng dinh ngũ và đóng binh tại Phương Thành (Hà Tiên), từ đó dân càng qui tụ đông đúc.
Tháng 4 mùa hạ năm thứ 21, Tân Mão (1711), Tổng binh trấn Hà Tiên Cửu Ngọc hầu Mạc Cửu đến cửa khuyết tạ ơn.
Tháng 5 mùa hạ năm thứ 11, Ất Mão (1735) đời chúa Nguyễn Phúc Chú Tổng binh Hà Tiên Cửu Ngọc hầu Mạc Cửu mất, thọ 78 tuổi, con trưởng dòng chánh là Mạc Tông tự là Thiên Tứ (hiệu Sĩ Lân Thị, Thụ Đức Hiên) dâng cáo tang..
Theo Sổ tay hành hương đất Phương Nam, Mạc Cửu được truy phong Khai trấn Thượng trụ quốc Đại tướng quân Vũ Nghị Công.[13]
Nghiên cứu mới
Theo sách Nghiên cứu Hà Tiên, thì từ năm 1680 đến khoảng năm 1700, nhất định Mạc Cửu không cư ngụ ở Hà Tiên, và ông cũng không ở Nam Vang xuyên suốt.
Tác giả (Trương Minh Đạt) căn cứ vào lời tựa của Hà Tiên thập vịnh, do Mạc Thiên Tứ viết năm 1737: Trấn Hà Tiên ở An Nam xưa thuộc vể đất hoang vu xa xôi. Từ khi đất Tiên quân (chỉ Mạc Cửu) khai sáng đến nay hơn ba mươi năm, người dân mới được an cư, biết đo lường trồng trọt, để suy ra rằng Mạc Cửu không thể ở và mở mang xứ Hà Tiên sớm hơn năm 1700.
Việc Mạc Cửu "cũng không ở Nam Vang xuyên suốt", ông Đạt giải thích:
Bởi năm 1687, Phó tướng Hoàng Tiến nổi loạn giết chết chủ tướng Dương Ngạn Địch, rổi chiếm lĩnh dòng sông Tiền, phong tỏa đường đi Nam Vang và cướp bóc người Cao Miên, khiến họ căm ghét. Thêm nữa, năm 1688, tại Nam Vang xảy ra một sự kiện: “Với sự giúp đỡ của Việt Nam và một đơn vị lính đánh thuê người Hoa, Ang Non (Nặc Nộn) đã có một cố gắng nữa để chiếm ngôi vua. Mặc dù chiếm được Nam Vang, Ang Non không thể giành được thắng lợi quyết định”
Do đó, ông Đạt cho biết, người Miên ở trong thành nổi giận, họ truy lùng người Hoa để tàn sát. Biến cố này quá ác liệt đến nỗi Mạc Cửu phải tìm đường thoát thân. Vì sông Cửu Long bị phong tỏa nên Mạc Cửu phải trốn chạy qua Xiêm. Ông được vua Xiêm cho ra bãi Vạn Tuế Sơn ở khoảng mười năm, đến năm 1699, Mạc Cửu mới về Lũng Kỳ, mở ra 7 xã thôn.
Và theo ông thì sách Hà Tiên Mạc thị sử của thi sĩ Đông Hồ đã nhầm lẫn khi cho rằng quân Xiêm tấn công Mang Khảm (Hà Tiên) vào năm 1674, bắt ông Cửu và gia quyến sang Xiêm, bởi khi đó Mạc Cửu còn ở Nam Vang, và năm 1674, ở Hà Tiên không xảy ra biến cố quan trọng. Mãi đến năm 1718, theo Gia Định thành thông chí (mục Lũng Kỳ Giang), thì mới xảy ra biến loạn. Sách này chép: Tháng 2 năm Mậu Tuất (1718), Phi nhã Cù Sa đem 5.000 thủy binh hợp đồng với quân Thâm cướp đường kéo xuống Hà Tiên cướp phá. Mạc Thống binh không địch nổi phải tạm xuống Lũng Kỳ...Người vợ của Mạc Cửu là Bùi Thị Lẫm (người xã Đồng Môn (Đồng Mun, trấn Biên Hòa) đương có thai, đêm mồng 7 tháng 3 sinh ra Mạc Tông (Mạc Thiên Tứ)...[15]
Mạc Cửu không bị Xiêm bắt, điều đó cũng đã được Mạc thị gia phả của Vũ Thế Dinh xác nhận:
Tướng nước Tiêm (Xiêm La) thấy ông Thái Công (Mạc Cửu) người có vẻ hùng nghị, nên rất yêu mến, rồi dụ khéo ông đem về nước, ông bất đắc dĩ phải theo về Tiêm La. Vua thấy dung mạo ông, rất vui mừng và giữ ông ở đấy. Sau ông phải nói khéo với những bầy tôi thân cận của vua nước Tiêm, xin cho ông ra ở nơi bãi bể núi Vạn Tuế, thuộc địa của nước Tiêm. Chợt gặp lúc nước Tiêm có nội biến, ông mới ngầm đem những người dân theo ông cùng về đất Long Cả (Lũng Kỳ)[16]
Vậy, nhân biến cố vừa kể trên, Mạc Cửu bị dụ chạy lánh nạn qua Xiêm, chứ không phải bị quân Xiêm đến cướp phá Hà Tiên rồi bắt đi.
Gia quyến
Không biết Mạc Cửu có bao nhiêu vợ, chỉ biết theo Gia định thành thông chí, thì ông có người vợ tên Bùi Thị Lẫm, người huyện Đồng Môn (Biên Hòa) và sinh được con trai đầu lòng tên Mạc Sĩ Lân tức Mạc Thiên Tứ.
Căn cứ bia mộ của bà ở khu mộ dòng họ Mạc ở núi Bình San (Hà Tiên), do chính Mạc Thiên Tứ lập, thì bà được chúa Nguyễn cho phép mang họ Nguyễn.
Ghi công
Thi sĩ Đông Hồ có thơ nói về công trạng của hai cha con họ Mạc như sau:
Nghĩ vịnh Mạc Cửu và Mạc Thiên Tích
Trích:
Chẳng đội trời Thanh Mãn
Lần qua đất Việt bang
Triều đình riêng một góc
Trung hiếu vẹn đôi đường
Trúc thành xây vũ lược
Anh Các cao văn chương
Tuy chưa là cô quả
Mà cũng đã bá vương
Bắc phương khi vỡ lở
Nam hải lúc kinh hoàng
Giang hồ giữa lang miếu
Hàn mạc trong chiến trường
Đất trời đương gió bụi
Sự nghiệp đã tang thương...[17]
Vào sáng ngày 7 tháng 9 năm 2008, tại thị xã Hà Tiên đã diễn ra lễ khánh thành tượng đài danh nhân Mạc Cửu (ảnh bên trên) và kỷ niệm 300 năm ngày thành lập trấn Hà Tiên (1708-2008).[18]

Tao đàn Chiêu Anh Các
Tao đàn Chiêu Anh Các, gọi tắt là Chiêu Anh Các[1] do Trần Trí Khải tự Hoài Thủy, một danh sĩ người Việt Đông (Trung Quốc) sáng lập, và Mạc Thiên Tứ (1718-1780) làm Tao đàn nguyên soái, ra đời vào năm 1736  Hà Tiên (nay thuộc tỉnh Kiên Giang), Việt Nam.
Đây không chỉ là một tổ chức gần giống như hội Tao đàn Nhị thập bát Tú của vua Lê Thánh Tông (1442-1497), mà còn là nơi thờ Khổng Tử, nơi chiêu tập các bậc hiền tài và giúp đỡ (nhà Nghĩa học) cho những thiếu niên ưu tú theo đuổi nghiệp văn, nghiệp võ.
Giới thiệu
Ra đời
Từ thời Mạc Cửu, sách Đại Nam liệt truyện Tiền biên đã ghi nhận:
(Mạc) Cửu về Trấn (Hà Tiên) dựng thành quách, đặt liêu tá, làm nhiều nhà khách để đón tiếp hiền tài.[2]
Kế thừa giềng mối của cha, Mạc Thiên Tứ cũng dựng gác Chiêu Anh để thờ Tiên thánh và làm nơi đón tiếp hiền tài. Sách “Hà Tiên trấn, Hiệp trấn Mạc thị gia phả” (gọi tắt Mạc thị gia phả) do Vũ Thế Dinh.[3]biên soạn năm 1818, chép:
Ông (Mạc Thiên Tứ) phú tánh trung lương, nhân từ nghĩa dõng, toàn vẹn tài đức, lại tinh thông sách vở và văn thơ của Bách gia chư tử… Ông có dựng Chiêu Anh Các để thờ Tiên Thánh, và dùng lễ vật hậu hĩ để đón mời người tài giỏi. Từ bên nhà Thanh, cả các bậc tuấn tú các nước khác nghe tiếng ông đều tụ hội đến ngày một đông.[4]
Trong số danh sĩ "nghe tiếng mà đến", Mạc Thiên Tứ kể, "có thầy Trần Hoài Thủy từ Việt Đông vượt biển đến đây. Ta đãi làm thượng tân. Mỗi khi hoa sớm trăng đêm, ngâm vịnh chẳng thôi. Nhân, đem "Hà Tiên thập cảnh" trình cho tri kỷ. Thầy Trần dựng cơ Tao đàn, mở hội phong nhã...[5] Đó là năm Bính Thìn (1736).
Nhân sự
Thi sĩ Đông Hồ, người có nhiều năm nghiên cứu và gắn bó với Hà Tiên đã cho biết:
Đời Hồng Đức có lập tao đàn là một tổ chức văn học rất hoàn bị. Cách tổ chức Chiêu Anh Các cũng gần y như vậy. Nhân vật tao đàn Hồng Đức có Nhị thập bát tú, Chiêu Anh các có số người nhiều hơn. Có sách chép 32, nhưng có sách chép 36. Số 36 vị này gọi là tam thập lục kiệt, tức 36 vị kiệt sĩ, mà trong số đó có thập bát anh là 18 vị anh hoa xuất chúng, nên có câu thơ rằng:
Tài hoa lâm lập trú Phương thành
Nam Bắc hàm vân thập bát anh.
Dịch nghĩa:
Tài hoa ở Phương thành (Hà Tiên) đông như rừng
Việt Nam và Trung Quốc đều xưng tụng 18 vị anh tài.
Trong số đông đảo đó, có người ở tại Hà Tiên; có người từ Thuận Quảng (tức Thuận Hóa  Quảng Nam), Gia Định; có những người ở tận Trung Hoa, phần nhiều là người hai tỉnh Quảng Đông, Phước Kiến; vì hâm mộ thanh danh Chiêu Anh Các, cảm mến phong lưu tài vận đất Hà Tiên mà tìm đến.[6]
Trong Kiến văn tiểu lục, Lê Quý Đôn viết rằng Chiêu Anh các có 32 vị, ngoài Mạc Thiên Tứ chủ xướng nên Hà Tiên thập vịnh, còn có
25 nhà thơ người Hoa (Trung Quốc) là: Chu Phác, Ngô Chi Hãn, Lý Nhân Trường, Đơn Bỉnh Ngự, Vương Sưởng, Phương Minh, Lộ Phùng Cát, Từ Hiệp Phỉ, Lâm Duy Tắc, Từ Huyễn, Lâm Kỳ Nhiên, Trần Duy Đức, Từ Đăng Cơ, Thang Ngọc Sùng, Trần Tự Phát, Hoàng Kỳ Trân, Chu Cảnh Dương, Trần Thụy Phượng, Trần Tự Lan, Trần Dược Uyên, Trần Minh Hạ, Trần Diễn Tứ, Tôn Thiên Trân, Tôn Thiên Thụy, Tôn Quý Mậu,
6 vị người Việt (Việt Nam) là: Trịnh Liên Sơn, Phan Thiên Quảng, Nguyễn Nghi, Trần Trinh, Đặng Minh Bản và Mạc Triều Đán.
31 vị sau viết 120 bài thơ họa lại Hà Tiên thập vịnh [7].
Hiện chỉ mới biết được:
Hà Tiên thập vịnh: Đây là tập thơ đầu tiên được Tao đàn này cho khắc bản in tại Hà Tiên năm 1737, do chính chủ soái Tao đàn là Mạc Thiên Tứ xướng thơ & đề tựa, Trần Trí Khải & Dư Tích Thuần[8] viết lời bạt. Tác phẩm có cả thảy 320 bài thơ chữ Hán của 32 tác giả, vịnh mười cảnh đẹp của Hà Tiên. Năm 1755, Nguyễn Cư Trinh (1716-1767) vào Nam giao thiệp với họ Mạc, đã họa thêm 10 bài nữa, nhưng vì làm sau nên không có trong tập.
Hà Tiên thập cảnh khúc vịnh, gồm 10 bài đoạn thơ chữ Nôm vịnh mười cảnh đẹp của Hà Tiên do Mạc Thiên Tứ sáng tác. Tập thơ dài 422 câu liên ngâm vừa lục bát gián thất vừa Đường luật bát cú, liên hành. Chính tác phẩm này đã gợi ý cho Nguyễn Cư Trinh sáng tác "Quảng Ngãi thập nhị cảnh".
Thụ Đức Hiên tứ cảnh (hay Tứ cảnh hồi văn Thụ Đức Hiên) theo Lê Quí Đôn thì có 88 bài thơ của 32 tác giả, họa 4 bài thơ hồi văn[9] vịnh phong cảnh bốn mùa của Hà Tiên do Mạc Thiên Tích sáng tác. Sách đã được khắc in, trong khoảng thời gian với Hà Tiên thập vịnh, hiện đã thất lạc chỉ còn 9 bài in trong Kiến văn tiểu lục của Lê Quí Đôn.
Minh bột di ngư gồm bài phú "Lư Khê nhàn điếu" hơn trăm câu và 32 bài thơ luật Đường bằng chữ Hán. Tập thơ được Trịnh Hoài Đức phát hiện, rồi cho khắc in. Đây là tập thi họa rất quý, chẳng những về phương diện sử liệu, văn học, còn quý về mỹ thuật, về bút tích của các danh bút trong nhóm Chiêu Anh Các.[10]
Ngoài ra, theo Trịnh Hoài Đức, trong bài Tân tự được viết năm Minh Mạng thứ hai (1921) in trong tập Minh bột di ngư, thì Chiêu Anh Các còn có các bộ sách: Hà Tiên vịnh vật thi tuyển, Châu Thị Trinh liệt tặng ngôn, Thi truyện tặng Lưu tiết phụ và Thi thảo cách ngôn vị tập.
Thụ Đức Hiên
Theo Mạc thị gia phả, thì năm 1736, Mạc Thiên Tích “dựng gác Chiêu Anh để thờ Tiên thánh (thờ Khổng Tử) và làm nơi đón tiếp hiền tài. Cuối bài tựa đề cho tập Hà Tiên thập vịnh, Mạc Thiên Tứ cho biết “Thượng tuần của tháng cuối mùa hạ, năm Đinh Tỵ (1737)” ông đã “tự tay viết bài tựa ở Thụ Đức Hiên” (thư phòng ở đền thờ Thánh Đức, tức Khổng Tử).
Dù vẫn còn có người tỏ ý nghi ngờ, có hay không ngôi nhà riêng dành cho Chiêu Anh Các[11], nhưng theo nghiên cứu của Trương Minh Đạt (người Hà Tiên), nhờ 9 bài thơ trong tập Thụ Đức Hiên tứ cảnh còn sót lại (chép trong Kiến văn tiểu lục của Lê Quí Đôn, nhất là bài thơ của ông Trần Diệu Liên, người Trung Quốc, đã mô tả khá rõ vị trí của tòa nhà); nhờ những phế tích[12] vẫn còn ở chùa Phù Dung, ông Đạt đã khẳng định vị trí “Thụ Đức Hiên tại Đền Khổng Tử xưa, trải qua bao biến cố, nay chính là nơi tọa lạc của chùa Phù Dung”. [13]
Như ý nghĩa của tên gọi, đây là một tổ chức có mục đích chiêu tập và mời gọi anh tài. Những việc làm của tổ chức này đã được sử thần nhà Thanh chép trong sách Thanh văn hiến thông khảo như sau:
Cảng khẩu quốc (ý nói Hà Tiên), ở về biển phía Tây Nam...Vua (nước đó) họ Mạc[14], vua hiện thời là Thiên Tích duyên cách thế thứ chưa khảo biết được. Phong tục ở đó, trọng văn học, hiếu thi thư. Trong nước có dựng miếu Khổng Tử, vua và người trong nước đều kính thờ. Có nhà nghĩa học, tuyển chọn con em tuấn tú, cùng là học trò nghèo khó, đều đem về truyền dạy. Những người Hán đến ở trong nước mà thông hiểu kinh sử thì đón vào làm thầy dạy. Cho nên con em đều hay giỏi cả...
Bàn về mục đích này, GS. Lê Đình Kỵ đã viết:
Hà Tiên là vùng đất mới tạo lập, do những người giàu nghị lực, có chí tiến thủ, không bằng lòng với thói ỷ lại, ngồi không ăm bám, tin tưởng ở khả năng và sức sáng tạo của quần chúng. Bản thân công việc khai khẩn và bảo vệ lãnh thổ đòi hỏi những người lãnh đạo phải biết dựa vào dân. Họ Mạc đã chăm lo chiêu hiền đãi sĩ, đào tạo nhân tài ngay từ hàng ngũ của những người không thuộc giai cấp thống trị, có chính sách và biện pháp dân chủ nhất định nhằm khuyến khích việc khai khẩn làm ăn, ổn định đời sống cho cư dân của mình và lôi kéo nhân dân các nơi khác về mình[15]
Trích thêm nhận xét của:
Nhà bác học Lê Quí Đôn (1726-1784):
Năm Vĩnh Hựu, Bính Thìn (1736) Mạc Thiên Tích (tức Mạc Thiên Tứ) kế tập tước cha (Mạc Cửu) chiêu mộ văn sĩ, yêu chuộng từ chương, phong lưu tài vận, nổi tiếng một cõi...Không thể bảo rằng ở hải ngoại xa xôi không có văn chương vậy. [16]
...Các vị nối bước nhau mà đến, mở Chiêu Anh Các gom góp thư tịch, thường ngày cùng các chư Nho thảo luận, có đề Hà Tiên thập cảnh, người thù họa rất đông, văn chương bắt đầu rực rỡ ở chỗ góc biển chân trời...” [17]
Thi sĩ Đông Hồ:
Lạ lùng thay, cách nay hơn hai thế kỷ, ở góc Hà Tiên diệu viễn, đã có một tướng quân thi sĩ con cháu Minh Hương, làm được những câu thơ tiếng Việt lọc lõi trau chuốt đến vậy.[18]
Thơ văn Chiêu Anh Các hầu hết là thơ đề vịnh thiên nhiên. Tính chất ước lệ, phong cách khoa trương, sự thị vị hóa cảnh vật và thông qua cảnh vật mà phơi bày tâm trạng thỏa mãn với hiện thực, của những người may mắn cai quản một vùng đất nước...
Tuy vẫn còn những sáng tác mang tính chất sách vở, khuôn sáo, nhưng chúng vẫn thể hiện được những tình cảm lạc quan yêu đời của những tâm hồn gắn bó với cuộc sống, niềm tự hào về đời sống hòa bình, no đủ và tinh thần trách cùng ý chí muốn gìn giữ nơi biên cương sao cho yên ổn, giàu mạnh. Sắc thái tích cực đó đã làm cho nhiều bài thơ mang được vẻ đẹp chân thực, giản dị, đạt đến cái nhã đạm của văn chương cổ điển.[19].
GS. Lê Đình Kỵ, trong một bài viết, đã nêu lên hai ý:
Những bài thơ có mặt (trong những tác phẩm của nhóm Chiêu Anh Các) không có giọng thở than, u hoài hay tiêu diêu thoát tục, thây kệ sự đời như thường thấy trong thơ văn của xã hội phong kiến xuống dốc.
Hà Tiên là miền đất khai phá cuối cùng thể hiện ý chí đấu tranh khắc phục thiên nhiên, bảo vệ giang sơn bờ cõi. Đất nước và con người ở trong thế đi lên, tràn đầy sức sống, nên thơ văn ít bị hạn chế bởi hệ tư tưởng thống trị...mà thấm đượm tình quê hương đất nước, ý chí độc lập tự cường của những người lãnh đạo đầy chí tiến thủ và nhân dân Hà Tiên cần cù khoát đạt.[15]
Nhà thơ Ngô Minh ghi nhận công lao:
Mạc Thiên Tích vịnh bằng thơ chữ Hán rồi, lại làm thêm Hà Tiên Quốc âm thập cảnh vịnh bằng chữ quốc ngữ song thất lục bát. Chứng tỏ thi sĩ này rất thạo tiếng Việt của mẹ mình. Đọc thơ thấy Mạc Thiên Tích là một ngòi bút lão luyện, tung tẩy chữ nghĩa ngang dọc. Sau đó, tập thơ Hà Tiên thập vịnh gửi đi khắp nơi và được 66 thi sĩ khắp nước và cả Trung Quốc họa vần gửi về Hà Tiên được in khắc.
Tao đàn Chiêu Anh Các do Mạc Thiên Tích chủ xướng đã xuất bản tới 7 tập sách chữ Hán và một tập thơ chữ Nôm 10 bài họa 10 cảnh Hà Tiên xen những khúc ngâm song thất lục bát dài 422 câu rất điêu luyện. Hoạt động văn chương như thế ngang tầm với một đô thị lớn hiện nay. [20]
Nhà văn Nguyễn Hiến Lê viết:
Trong xứ (Hà tiên) có miếu thờ Khổng Tử mà từ vương (tức Mạc Thiên Tứ) đến dân ai cũng thờ. Có một nhà nghĩa học dạy các thanh niên ưu tú, nghèo không thể tự túc theo học được. Những người Trung hoa sang đây mà có khả năng văn học thì mới được mời đến đó dạy học… Trong khi đó đừng nói chi Gia Định, ngay cả ở Thuận Hóa cũng chẳng có một thi đàn nào cả. Sự kiện ấy quả thực chưa hề xảy ra trong lịch sử văn học (Việt). Ta thử tưởng tượng một nhóm người di cư qua một nước tuy là đồng văn nhưng vẫn là lạ, dựng nghiệp ở một nơi hẻo lánh nhất, mà chỉ nữa thế kỉ sau, làm cho nơi đó thành một đất văn vật nhất trong cõi, góp công vào văn học xứ đó bằng chữ của mình và bằng cả thổ ngữ, thì có lạ không chứ!
Tiếc thay nền văn học Hà tiên bừng lên rực rỡ được có ba mươi mốt năm[21]; đến năm 1771 [22], Hà Tiên bị quân Xiêm đánh chiếm, Thiên Tích phải chạy về Gia Định. Chiêu Anh Các tan rã, sách vở bị tiêu hủy; năm 1778 Thiên Tích phải trốn tránh Tây Sơn, qua Xiêm, và hai năm sau, 1780, ông tuẩn tiết ở kinh đô Xiêm; từ đó Hà Tiên cũng cùng họ Mạc mà suy tàn. Trích Đất Hà Tiên với họ Mạc và họ 


Mạc Thiên Tứ (鄚天賜), tự là Sĩ Lân (士麟), còn gọi là Mạc Thiên Tích (鄚天錫)[1], là danh thần đời chúa Nguyễn. Ông sinh năm Mậu Tuất (1718) và mất năm Canh Tý (1780). Ông là con Tổng binh Mạc Cửu-người được chúa Nguyễn phong là Tông Đức hầu.
Khi phụ thân ông qua đời (1735), lúc ấy ông đã 29 tuổi, ông nối nghiệp cha mở mang đất Hà Tiên, được chúa Nguyễn Phúc Trú phong chức Tổng binh Đại đô đốc. Ông tiếp tục sự nghiệp khai khẩn miền Tây Nam Bộ, biến vùng đất Hà Tiên trở thành đất văn hiến, phồn vinh, nhiều lần chống trả lại các cuộc xâm lấn của các lân bang Xiêm La  Chân Lạp.
Tranh chấp với Xiêm La
Năm 1767, quân Miến tiến chiếm Xiêm La bắt được vua Xiêm là Phong vương (Boromoraja V) và con là Chiêu Đốc, thiêu hủy thành Ayutthaya, nhưng sau đó phải rút về vì Miến Điện bị Trung Quốc tấn công. Hai người con của Phong vương là Chiêu Xỉ Khang chạy thoát sang Chân Lạp và Chiêu Thúy sang Hà Tiên lánh nạn. Sau đó, Trình Quốc Anh (vốn là người Hoa gốc Triều Châu), là Phi Nhã (xã trưởng) đất Mang Tát thuộc Xiêm La, khởi binh chống lại quân Miến rồi tự xưng vương năm 1768. Trình Quốc Anh (Taksin) tổ chức lại lực lượng, chiêu mộ rất nhiều hải tặc gốc Hoa đang hoạt động trong Vịnh Thái Lan để tăng cường lực lượng. Trình Quốc Anh muốn triệt hạ uy lực của gia đình Mạc Thiên Tứ tại Hà Tiên vì đó là một đe dọa và là địch thủ lợi hại cho uy quyền của ông.
Năm 1768, lấy cớ truy lùng một Hoàng tử Xiêm La, Trình Quốc Anh mang quân tiến chiếm Hòn Đất, bắt giam và tra tấn nhiều giáo sĩCông giáo để tìm nơi trú ẩn của Chiêu Thúy, đồng thời sai tướng Chất Tri (sau này là vua Rama Chakri tức là Rama I của Thái Lan) mang quân bảo hộ  Chân Lạp và đưa Nặc Ông Nộn (Ang Non II) lên làm vua. Nặc Tôn (Outey II) [2] chạy về Gia Định lánh nạn. Quân của Trình Quốc Anh đã ở lại Hòn Đất ba tháng để truy lùng vị Hoàng tử Xiêm lưu vong nhưng không tìm ra. Trước khi rút về nước, Trình Quốc Anh cho thành lập trên đảo một căn cứ hải quân và để lại một toán cướp biển nghe ngóng tình hình, tìm cơ hội đánh chiếm Phú Quốc  Hà Tiên.
Năm 1765, giáo sĩ Bá Đa Lộc (Béhaine de Pigneau) đã thành lập tại Hòn Đất một chủng viện nhỏ với khoảng 40 giáo dân Việt, Xiêm và Hoa sống trong mấy ngôi nhà bằng tre. Năm 1767, Bá Đa Lộc cho vị hoàng tử Xiêm trú ẩn trong chủng viện.
Năm 1769, quân Khmer dưới sự chỉ đạo của một cướp biển người Triều Châu tên Trần Liên đổ bộ lên cướp phá Hòn Đất, rồi kết hợp với hai gia nhân của Mạc Thiên Tứ (Mạc Sung và Mạc Khoán), tiến đánh Hà Tiên. Hai gia nhân làm phản và một số lớn cướp biển Khmer bị Thiên Tứ giết chết, Trần Liên thoát được chạy sang Xiêm La tị nạn. Lợi dụng cơ hội này Mạc Thiên Tứ chuẩn bị đưa hoàng tử Chiêu Thúy về Xiêm La đoạt lại ngôi báu. Ông cho luyện tập binh mã rồi mang quân ra chiếm lại Hòn Đất (1770) và chuẩn bị tiến công Xiêm La.
Công việc đang tiến hành thì vào đầu năm 1771, một cận thần của Mạc Thiên Tứ tên Phạm Lam nổi lên làm phản. Phạm Lam kết hợp với hai cướp biển Trần Thái (Vinhly Malu, người Mã Lai) và Hoắc Nhiên (Hoc Nha Ku, người Khmer) lập đảng gồm 800 người và 15 tàu thuyền tiến vào Hà Tiên nhưng bị Mạc Thiên Tứ đánh bại.
Giữa năm 1771, nhận thấy những đám cướp biển không đánh lại Mạc Thiên Tứ, Trình Quốc Anh dùng Trần Liêm làm hướng đạo, đích thân chỉ huy đạo quân 20.000 người tiến chiếm Hà Tiên. Trình Quốc Anh thiêu rụi thành phố, chiếm tất cả các đảo lớn nhỏ quanh Hà Tiên, mang về rất nhiều vàng bạc. Con cháu, hầu thiếp và người con gái út của Mạc Thiên Tứ bị Trình Quốc Anh bắt sống đem vềBangkok. Mạc Thiên Tứ cùng các con trai phải rút về Rạch Giá, cho người về Gia Định cầu cứu chúa Nguyễn.
Năm 1772, chúa Nguyễn mang 10.000 quân cùng 300 chiến thuyền sang Chân Lạp đánh quân Xiêm và đưa Nặc Ông Tôn lên ngôi. Trình Quốc Anh làm áp lực tại Hà Tiên buộc quân Việt phải dừng chân tại Nam Vang không được tiến xa hơn. Sau cùng hai bên đi đến một thỏa thuận: chúa Nguyễn rút quân khỏi Chân Lạp và chấp nhận để Nặc Ông Nôn (Ang Non II), người được vua Xiêm chỉ định, lên ngôi vua, còn quân Xiêm rút khỏi Hà Tiên. Năm 1773, Trình Quốc Anh rút quân khỏi Hà Tiên, Phú Quốc  Hòn Đất, trả lại người con gái bị bắt làm tù binh cho Mạc Thiên Tứ, nhưng buộc Mạc Thiên Tứ phải giao hoàng tử Chiêu Thúy cho quân Xiêm. Chiêu Thúy bị Trình Quốc Anh mang về Bangkok hành quyết.
Năm 1774, Giám mục Bá Đa Lộc trở về Hòn Đất thành lập họ đạo, năm sau ông được Mạc Thiên Tứ tiếp đãi trọng hậu và cho phép đi giảng đạo khắp Hà Tiên.
Lưu vong và mất tại Xiêm La
Vào khoảng năm 1776, khi quân Tây Sơn đánh vào Gia Định, truy kích tàn quân chúa Nguyễn, Mạc Thiên Tích cùng Tôn Thất Xuân chạy sang Xiêm. Nhưng tháng 4 năm 1780, vua Xiêm là Taksin (Trịnh Quốc Anh) nghi ngờ ông làm gián điệp cho Gia Định, bắt giết các con lớn của ông là Mạc Tử Hoàng, Mạc Tử Dung cùng các phó tướng Tôn Thất Xuân, Tham, Tịnh và 50 người tùy tùng, chỉ để lại con nhỏ là Mạc Tử Sanh và một cháu nhỏ bắt phải đi đày.[3]. Quá phẫn uất, ông tự tử[4] tại Băng Cốc. Về sau Mạc Tử Sanh được thả, trở về Gia Định phò giúp Nguyễn Ánh, được phong chức Tham tướng trấn thủ vùng Trấn Giang, có tiếng là tướng giỏi dù chỉ mới 19 tuổi, nhưng mất sớm.[5].
Công lao
Mở cõi
Năm 1739, quốc vương Chân Lạp là Nặc Bồn (hay Nặc Bôn) mang tới đánh Hà Tiên. Mạc Thiên Tứ điều động binh sĩ chiến đấu suốt ngày đêm. Vợ chánh Mạc Thiên Tứ là Nguyễn Thị Hiếu Túc đốc sức vợ binh lính chuyển khí cụ và lương thực cho binh sĩ...Quân xâm lấn tan, họ Mạc được chúa Nguyễn khen ngợi, đặc cách cử ông làm Đô đốc tướng quân và ban cho áo bào đỏ cùng mũ, đai. Bà vợ ông cũng được phong làm phu nhân (Hiếu Túc Thái Phu Nhân).[6]
Năm 1747, giặc biển Đức Bụng vào cướp phá vùng ven biển đạo Long Xuyên (Cà Mau) cũng bị đội quân của Mạc Thiên Tứ đánh đuổi.
Năm 1756, quốc vương Chân Lạp là Nặc Nguyên uy hiếp người Côn Man (người Chiêm Thành di cư sang Chân Lạp), nhưng bị tướngNguyễn Cư Trinh đánh bại, phải chạy sang Hà Tiên nương nhờ họ Mạc. Mạc Thiên Tứ dâng thư lên chúa Nguyễn, nói Nặc Nguyên có ý muốn dâng đất Tầm Bôn, Lôi Lạp để chuộc tội. Chúa Nguyễn đồng ý và cho người hộ tống Nặc Nguyên về nước. Hai vùng đất đó trở thành hai phủ Gò Công  Tân An.
Năm 1757, Nặc Nguyên mất, chú họ là Nặc Nhuận làm giám quốc, từ lâu có ý muốn làm vua Chân Lạp, liền dâng hai xứ Preah Trapeang và Basac (tức vùng Trà Vinh, Ba Thắc). Nhưng lúc đó, Nặc Nhuận bị con rể giết chết cướp ngôi. Con trai là Nặc Tôn chạy sang cầu cứu Hà Tiên. Mạc Thiên Tứ đứng ra sắp xếp, xin chúa Nguyễn cho Nặc Tôn làm vua Chân Lạp. Chúa Nguyễn thuận và sai Mạc Thiên Tứ cùng tướng sĩ năm dinh hộ tống đưa Nặc Tôn về nước. Để tạ ơn, Nặc Tôn dâng Tầm Phong Long (vùng đất giữa Sông Tiền  Sông Hậu) cho chúa Nguyễn. Riêng họ Mạc, Nặc Tôn dâng năm phủ Hương Úc, Cần Bột, Trực Sâm, Sài Mạt và Lình Quỳnh để đền ơn giúp đỡ. Mạc Thiên Tứ đem hết đất ấy dâng cho Chúa Nguyễn. Chúa Nguyễn cho sảt nhập vào Hà Tiên trấn, giao cho họ Mạc cai quản. Mạc Thiên Tứ chia đất đó thành hai đạo: xứ Rạch Giá là Kiên Giang đạo, xứ Cà Mau là Long Xuyên đạo, đặt quan cai trị, chiêu lập dân ấp.[7]
Ngoài ra, từ 1775 đến 1777, Mạc Thiên Tứ đã cùng các con là Mạc Tử Dung, Mạc Tử Hoàng, Mạc Tử Thảng (hoặc Thượng) phò tá chúa Nguyễn Phúc Thuần, đóng giữ ở Trấn Giang (nay là Cần Thơ) và dốc sức phát triển vùng đất này.
Phát triển kinh tế
Sách Đại Nam liệt truyện tiền biên ghi:
Bính Thìn năm thứ 11 (1736). Mùa xuân chúa cho Thiên Tứ làm Hà Tiên trấn Đô đốc, ban cho ba thuyền Long Bài, được miễn thuế, lại sai mở lò đúc tiền để việc mua bán được thông thương. Thiên Tứ mở rộng phố chợ, thương nhân và lữ khách các nước tụ họp rất đông.
Dẫn lại đoạn sử trên, tác giả Nghiên cứu Hà Tiên khen: Ngay khi lãnh nhiệm vụ, Thiên Tứ đã vực dậy nền kinh tế, tạo dựng Hà Tiên thành một cảng khẩu trù phú, sung túc. Điều đó cho thấy năng lực của người lãnh đạo Hà Tiên (ý nói Thiên Tứ) thời đó quả không nhỏ.[8]
Đóng góp cho văn học
Cùng với Trần Trí Khải tự Hoài Thủy, một danh sĩ người Việt Đông (Trung Quốc), Mạc Thiên Tứ đã tổ chức thành công Tao đàn Chiêu Anh Các vào năm 1736  Hà Tiên. Kể từ đó cho tới năm 1771, tao đàn trên đã đóng góp cho nền văn học Việt nhiều tác phẩm có giá trị, như: 'Hà Tiên thập cảnh, Thụ Đức Hiên tứ cảnh, Hà Tiên thập cảnh khúc vịnh, Minh bột di ngư...[9]
Về năm sinh...
Mạc Thiên Tứ sinh năm Mậu Tuất (1718). Điều này được biên chép trong các sách sau:
Sách Hà Tiên trấn Hiệp trấn Mạc thị gia phả của Vũ Thế Dinh [10], soạn vào năm 1818, ghi:
"Ngày 27 tháng 5 năm Ất Mão (1735), ông Mạc Cửu bệnh mất, là lúc ông Thiên Tứ mười tám tuổi...”[11]
Sách Gia Định thành thông chí do Trịnh Hoài Đức soạn khoảng 1820, chép:
"Hà Tiên không phòng bị, giặc Xiêm chợt đến, đánh một trận không nổi, Mạc Tổng binh (Mạc Cửu) chạy về Lũng Kỳ, vợ...đương có thai, đêm mồng 17 tháng 3 sinh Mạc Tông (Mạc Thiên Tứ)..."
Ở một đoạn khác, tác giả ghi rõ ngày tháng diễn ra trận giặc trên như sau: “Tháng 2 mùa xuân năm Mậu Tuất (1718), Phi nhã Cù Sa đem 5000 thủy binh cùng Nặc Ông Thâm tiến về Hà Tiên nhân thế mà cướp bóc, Mạc Tổng binh không địch nổi, chạy về Lũng Kỳ...[12]
Ngoài ra, còn hai quyển nữa, là:
Gia phả Hà Tiên bằng chữ Nôm của Trần Đình Quang, hoàn thành cuối thế kỷ 19, hiện đang được bảo quản tại Đông Hồ Thi Nhân Kỷ Niệm Đường ở Hà Tiên. Nơi tờ 4a của sách, có chi tiết liên quan.
Một người Trung Quốc ở vùng Nam Hải, người sáng lập xứ Hà Tiên của GS Émile. Gaspardone, Quản đốc Thư viện Trường Viễn Đông Bác Cổ  Hà Nội (nay là Thư viện của Viện Hán Nôm Việt Nam). Trong sách có câu: "Sinh năm 1718, Mạc Thiên Tứ chết năm 1780, thì ông chỉ có 62 tuổi" (xuất bản 1952, tr. 354, phụ chú 5)
Theo nghiên cứu của ông Trương Minh Đạt, sở dĩ có chuyện Mạc Thiên Tứ sinh năm Bính Tuất (1706), là vì Đông Hồ không tin nămCanh Tuất được chép trong Mạc thị gia phả, nhưng cuối cùng thi sĩ đã suy tính sai.[13].

HÀ TIÊN THẬP CẢNH KHÚC VỊNH (Nôm )

KIM DƯ LAN ĐÀO
Kim Dự đây là núi chốt then,
Xanh xanh giành trấn cửa Hà Tiên.
Ngăn ngừa nước dữ khôn vùng vẫy,
Che chở dân lành khỏi ngửa nghiêng.
Thế cả vững vàng trên Bắc Hải,
Công cao đồ sộ giữa Nam Thiên.
Nước an chẳng chút lông thu động,
Rộng bủa nhơn xa khắp bách xuyên.


BÌNH SAN ĐIỆP THÚY
Một bước càng thêm một thú yêu,
Lằng cây vít đá vẽ hay thêu?
Mây tòng khói liễu bay chồng chập,
Đờn suối ca chim giọng thấp kiêu.
Ngọc luật Châu Công chăng phải trỗi,
Ngòi sương Ma Cật cũng thua nhiều.
Đến đây mới biết lâm tuyền quới,
Dám trách Sào Do lánh Đế Nghiêu.


TIÊU TỰ THẦN CHUNG
Rừng thiền xích xác án ngoài tào,
Chuông gióng chùa Tiêu tiếng tiếng cao.
Chày thỏ khắp vang muôn khói sóng,
Oai kình tan tác mấy cung sao.
Não phiền kẻ nấu sôi như vạc,
Trí huệ người mài sắc tợ dao.
Mờ mịt gẫm dường say mới tỉnh,
Phù sanh trong một giấc chiêm bao.

GIANG THÀNH DẠ CỔ
Trống quân giang thú ỏi oai phong,
Nghiêm gióng đòi canh dậy núi sông.
Đánh phá lũ gian người biết mặt,
Vang truyền lịnh sấm chúng kiêng lòng.
Phao tuông đã thấy an ba vạc,
Nhặt nhiệm chi cho lọt mảy lông.
Thẻ lụn sớm hầu trưa bóng ác,
Tiếng xe rầm rạc mới nên công.


THẠCH ĐỘNG THÔN VÂN
Quỉ trổ thần xoi nổi một toà,
Chòm cây khóm đá dấu tiên gia.
Hang sâu thăm thẳm mây vun lại,
Cửa rộng thinh thinh gió thổi qua.
Trống lổng bốn bề thâu thế giái,
Chang bang một đãy chứa yên hà.
Chưn trời mới biết kho trời đấy
Cân đái hèn chi rỡ ỷ la.


CHÂU NHAM LẠC LỘ
Biết chỗ mà nương ấy mới khôn,
Bay về đầm cũ mấy mươi muôn.
Đã giăng chữ nhất dài trăm trượng,
Lại xấp bàn vây trắng mấy non.
Ngày giữa ba thu ngân phấn vẽ,
Đêm trường chín hạ tuyết sương còn.
Quen cây chim thể người quen chúa,
Dễ đổi ngàn cân một tấm son.


ĐÔNG HỐ ẤN NGUYỆT
Một hồ lẻo lẻo tiết thu quang,
Giữa có vừng trăng nổi rõ ràng.
Đáy nước chơn mây in một sắc,
Ả Hằng nàng Tố lố đôi phang.
Rạng banh đã hứng thuyền Tô Tử,
Lạnh lẽo càng đau kiểng Nhạc xương.
Cảnh một mà tình người dễ một,
Kẻ thì ngả ngớn kẻ sầu thương.


NAM PHỐ TRỪNG BA
Dòng Nam vững rạng khách dầu chơi,
Hai thức như in nước với trời.
Bãi khói dưới không hương lại bỏ,
Hồ gương trong có gấm thêm rơi.
Sóng chôn vảy ngạc tình khôn xiết,
Nhạn tả thơ trời giá mấy mươi.
Một lá yên ba dầu lỏng lẻo,
Đong trăng lường gió nước vơi vơi.


LỘC TRĨ THÔN CƯ
Lộc trĩ ai rằng thú chẳng thanh ?
Nửa kề nước biếc nửa non xanh.
Duỗi co chẳng túng càn thôn hẹp,
Cúi ngửa vì vưng đức giáo lành.
Lưu lác hưởng dư ơn nước thạnh,
Ê hề sẵn có của trời dành.
Đâu vui thì đấy là an lạc,
Lựa phải chen chơn chốn thị thành.


LƯ KHÊ NHÀN ĐIẾU
Bến Vược thuyền ngư chật mấy tầng,
Trong nhàn riêng có việc lăng xăng.
Lưới chày phơi trải đầy trời hạ,
Gỏi rượu hi ha toại nghiệp hằng.
Nghề Thuấn hãy truyền bền trác trác,
Dấu Nghiêu còn thấy đủ răn răn.
Suy trong mười kiểng thanh hòa lịch,
Họa kiểng Bồng Lai mới sánh bằng.


 TỔNG VỊNH
Mười kiểng Hà Tiên rất hữu tình,
Non non nước nước gẫm nên xinh.
Đông Hồ, Lộc Trĩ luôn dòng chảy,
Nam Phố, Lư Khê một mạch xanh.
Tiêu Tự, Giang Thành, chuông trống ỏi,
Châu Nham, Kim Dự cá chim doanh.
Bình Sơn, Thạch Động là trường cột,
Đồ sộ muôn đời cũng để danh.


                      HÀ TIÊN THÂP CẢNH (hán)
金嶼攔濤
一島推嵬奠碧連,
橫流奇勝壯河仙。
波濤勢截東南海,
日月光迴上下天。
得水魚龍隨變化,
傍崖樹石自聯翻。
風聲浪跡應長據,
濃淡山川異國懸。

Kim dự lan đào
Nhất đảo thôi ngôi điện bích liên,
Hoành lưu kỳ thắng tráng Hà Tiên.
Ba đào thế tiệt đông Nam hải,
Nhật nguyệt quang hồi thượng hạ thiên.
Đắc thuỷ ngư long tuỳ biến hoá,
Bàng nhai bách thụ tự liên phiên.
Phong thanh lãng tích ưng trường cứ,
Nùng đạm sơn xuyên dị quốc huyền.

Đảo vàng ngăn sóng lớn
Một dẫy non xanh nước bích liền,
Giăng ngang cho mạnh đẹp sông tiên.
Đông nam sóng biển bằng trang cả,
Trên dưới trăng trời sáng rực lên.
Rồng cá vẫy vùng trong cõi nước,
Đá cây xan xát khắp ven miền.
Nghìn thu tiếng gió quanh chân sóng,
Đậm nhạt trăng treo nét lạ nhìn.

屏山疊翠
籠葱草木自岧嶢,
疊嶺屏開紫翠嬌。
雲靄匝光山勢近,
雨餘夾麗物華饒。
老同天地鐘靈久,
榮共烟霞屬望遙。
敢道河仙風景異,
嵐堆鬱鬱樹蕭蕭。

Bình san điệp thuý
Lông thông thảo mộc tự thiều nghiêu,
Điệp lĩnh bình khai tử thuý kiều.
Vân ái táp quang sơn thế cận,
Vũ dư giáp lệ vật hoa nhiêu.
Lão đồng thiên địa chung linh cửu,
Vinh cộng yên hà chúc vọng dao.
Cảm đạo Hà Tiên phong cảnh dị,
Lam đồi uất uất thụ tiêu tiêu.

Núi dựng một màu xanh
Cây xanh ngăn ngắt vút cao cao,
Ngọn dựng bình giăng đẹp mĩ miều.
Mây sáng vây quanh hình núi rõ,
Mưa tàn thêm nổi bóng non theo.
Đất trời bền vững nền linh tú,
Mây khói vời xa nỗi ước ao.
Danh thắng Hà Tiên đâu dám bảo,
Cây ngàn mơn mởn biếc xanh gieo.

蕭寺晨鐘
殘星寥落向天拋,
戊夜鯨音遠寺敲。
净境人緣醒世界,
孤聲清越出江郊。
忽驚鶴唳繞風樹,
又促烏啼倚月稍。
頓覺千家欹枕後,
雞傳曉信亦寥寥

Tiêu tự thần chung
Tàn tinh tiêu lạc hướng thiên phao,
Mậu dạ kình âm viễn tự xao.
Tịnh cảnh nhân duyên tinh thế giới,
Cô thinh thanh việt xuất giang giao.
Hốt kinh hạc lệ nhiễu phong thụ,
Hựu súc ô đề ỷ nguyệt sao.
Đốn giác thiên gia y chẩm hậu,
Kê truyền hiểu tín diệc liêu liêu.

 Chuông sớm ở chùa vắng
Lác đác trời tàn nhạt ánh sao,
Chuông chùa xa vẳng tiếng đưa vào.
Mơ màng cõi tục người tiên lẫn,
Đồng vọng bờ cây bến nước xao.
Hạc để tiếng vương cành gió thoảng,
Quạ đưa lời gởi ngọn trăng cao.
Gối nghiêng giấc tỉnh đêm mê mộng,
Sớm giục canh gà tin khát khao.
Chùa xa vẳng mấy hồi chuông sớm
Sao đã dượm tàn nắng dượm cao
Yên ắng đất trời lòng nhẹ hẩng
Mơ hồ tiếng vọng nước lao xao
Hạc đưa tiếng gió run cành lá
Quạ gởi lời trăng nhạt sắc màu
Nhấc gối nhìn ra. Ồ, sáng bạch
Tiếng gà gọi sáng vọng đâu đâu
Nguyễn Hiền Nhu


江城夜鼓
天風迴繞凍雲高,
鎖鑰長江將氣豪。
一片樓船寒水月,
三更鼓角定波濤。
客仍竟夜鎖金甲,
人正干城擁錦袍。
武略深承英主眷,
日南境宇賴安牢
Giang thành dạ cổ
Thiên phong hồi nhiễu đống vân cao,
Toả thược trường giang tương khí hào.
Nhất phiến lâu thuyền hàn thuỷ nguyệt,
Tam canh cổ giác định ba đào.
Khách nhưng cánh dạ toả kim giáp,
Nhân chính can thành ủng cẩm bào.
Vũ lược thâm thừa anh chủ quyến,
Nhật Nam cảnh vũ lại an lao.

Trống đêm ở đồn bên sông
Gió cuốn trời cao mây lạnh tung,
Sông dài vây toả khí anh hùng.
Lâu thuyền dãi bóng trăng sương lạnh,
Trống mõ cầm canh sóng nước trong.
Kim giáp đã nhờ đêm chặt chẽ,
Cẩm bào cho được chốn thung dung.
Lược thao đem đáp tình minh chúa,
Nước Việt biên thuỳ vững núi sông.
Lồng lộng trời cao mây cuốn gió
Khí anh hào tỏa nước sông dài
Lâu thuyền hứng nguyệt con sông buốt
Trống mõ cầm canh ngọn sóng lay
Áo chiến lẫn trong đêm tối mịt
Cẩm bào giữ vẹn tấm lòng ngay
Trổ tài thao lược đền ơn Chúa
Bờ cõi ngàn năm nước Việt này
Nguyễn Hiền Nhu


石洞吞雲
山峰聳翠砥星河,
洞室玲瓏蘊碧珂。
不意煙雲由去往,
無垠草木共婆娑。
風霜久歷文章異,
烏兔頻移氣色多。
最是精華高絕處,
隨風呼吸自嵯峨。
 Thạch động thôn vân
Sơn phong tủng thuý để tinh hà,
Động thất linh lung uẩn bích kha.
Bất ý yên vân do khứ vãng,
Vô ngân thảo mộc cộng bà sa.
Phong sương cửu lịch văn chương dị,
Ô thố tần di khí sắc đa.
Tối thị tinh hoa cao tuyệt xứ,
Tuỳ phong hô hấp tự tha nga.

Động đá nuốt mây
Xanh xanh ngọn đá chạm thiên hà,
Động bích long lanh ngọc chói loà.
Chẳng hẹn khói mây thường lẩn quất,
Không ngăn cây cỏ mặc la đà.
Phong sương càng dãi màu tươi đẹp,
Nhật nguyệt chi ngừng bóng lại qua.
Chót vót tinh hoa đây đã hẳn,
Theo chiều gió lộng vút cao xa.

珠岩落鷺
綠蔭幽雲綴暮霞,
靈岩飛出白禽斜。
晚排天陣羅芳樹,
晴落平崖寫玉花。
瀑影共翻明月岫,
雲光齊匝夕陽沙。
狂情世路將施計,
碌碌棲遲水石涯。
 Châu nham lạc lộ
Lục ấm u vân xuyết mộ hà,
Linh nham phi xuất bạch cầm tà.
Vãn bài thiên trận la phương thụ,
Tình lạc bình nhai tả ngọc hoa.
Bộc ảnh cộng phiên minh nguyệt tụ,
Vân quang tề táp tịch dương sa.
Cuồng tình thế lộ tương thi kế,
Lục lục thê trì thuỷ bạch nha.

Đàn cò đáp xuống núi châu báu
Bóng rợp mây dâm phủ núi non,
Bay la bay lả trắng hoàng hôn.
Góc trời thế trận giăng cây cỏ,
Đoá ngọc hoa rơi khắp bãi cồn.
Trăng dãi non treo làn thác đổ,
Chiều tà cát lẫn ánh mây tuôn.
Trên đường bay nhảy bao xuôi ngược,
Nghĩ cảnh dừng chân bến nước còn.

Sẫm mây lẫn sơi nắng chiều xiên
Núi đón cò về cánh cánh nghiêng
Rợp lá cây xanh muôn trắng điểm
Lóa cồn hoa nắng, vạn hồng tuôn
Long lanh nước thác trăng non đổ
Lơ lửng chiều mây bãi cát buồn
Bến nước non này. Thôi ghé lại
Long rong đã mỏi bước chân cuồng
Nguyễn Hiền Nhu

東湖印月
雲霽煙消共渺茫,
一灣風景接洪荒。
晴空浪靜傳雙影,
碧海蕓寒洗萬方。
湛闊應涵天蕩漾,
凜零不愧海滄凉。
魚龍夢覺衝難破,
依舊冰心上下光

Đông hồ ấn nguyệt
Vân tể yên tiêu cộng diểu mang,
Nhất loan phong cảnh tiếp hồng hoang.
Tình không lãng tịnh truyền song ảnh,
Bích hải vân hàn tiển vạn phương.
Trạm khoát ứng hàm thiên đãng dạng,
Lẫm linh bất quí hải thương lương.
Ngư long mộng giác xung nan phá,
Y cựu băng tâm thượng hạ quang.

Hồ phía đông in hình trăng
Khói lạnh mây tan cõi diểu mang,
Một vùng phong cảnh giữa hồng quang.
Trời xa mặt sóng in đôi bóng,
Biển bạc vành gương dọi bốn phương.
Rộng đã sánh cùng trời bát ngát,
Sâu còn so với biển mênh mang.
Cá rồng tỉnh giấc chi tan vỡ,
Một tấm lòng băng vẫn chói chang.

Khói mây mờ mịt vừa tan hết
Sáng rực hồ Đông một sắc trong
Sóng lặng trời yên loang khắp khắp
Biển xanh gương bạc chiếu song song
Cùng trời cao rộng xanh ngan ngát
Với biển mênh mang sóng chập chùng
Tỉnh giấc cá rồng không vượt nổi
Ngàn năm sáng chói tấm lòng trong
Nguyễn Hiền Nhu

南浦澄波
一片滄茫一片清,
澄連夾浦老秋晴。
天河帶雨烟光結,
澤國無風浪沫平。
向曉孤帆分水急,
趨潮容舫載雲輕。
他知入海魚龍匿,
月朗波光自在明。

 Nam phố trừng ba
Nhất phiến thương mang nhất phiến thanh,
Trừng liên giáp phố lão thu tình.
Thiên hà đái vũ yên quang kiết,
Trạch quốc vô phong lãng mạt bình.
Hướng hiểu cô phàm phân thuỷ cấp,
Xu triều dung phảng tải vân khinh.
Tha tri nhập hải ngư long nặc,
Nguyệt lãng ba quang tự tại minh.

Bãi nam sóng lặng
Một vùng xanh ngát một doành khơi,
Bãi nối màu thu tiếp sắc trời.
Mưa khéo mây đem về kết tụ,
Gió nào cho sóng động tăm hơi.
Biển hâng hẩng sáng triều tuôn dẫy,
Buồm nhẹ nhàng đưa khói thoảng trôi.
Vực thẳm cá rồng còn ẩn náu,
Êm đềm nước ngậm bóng trăng soi.

Một vùng xanh biếc một doành khơi,
Bãi nhuộm màu thu đến tận trời
Mây tụ mưa nhuần cơn tắm gội
Gió về sóng bủa cuộc rong chơi
Cánh buồm lấp phấp mờ sương sớm
Con nước dần lên thoảng khói trời
Rồng vẫn ngủ yên trong vực thẳm
Vầng trăng lấp lánh, sóng loi choi
Nguyễn Hiền Nhu

鹿峙村居
竹屋風過夢始醒,
鴉啼簷外卻難聽。
殘霞倒掛沿窗紫,
密樹低垂接圃青。
野性偏同猿鹿靜,
清心每羨稻粱馨。
行人若問住何處,
牛背一聲吹笛停

Lộc trĩ thôn cư
Trúc ốc phong qua mộng thuỷ tinh,
Nha đề thiềm ngoại khước nan thinh.
Tàn hà đảo quải duyên song tử,
Mật thụ đê thuỳ tiếp phố thanh.
Dã tính thiên đồng viên lộc tĩnh,
Thanh tâm mỗi tiễn đạo lương hinh.
Hành nhân nhược vấn trú hà xứ,
Ngưu bối nhất thanh xuy địch đình.

Nông trại mũi nai
Lều tre giấc tỉnh gió lay mình,
Tiếng quạ ồn chi trước mái tranh.
Ráng xế treo ngang khung cửa tím,
Cây vườn che lợp luống rau xanh.
Tánh gần mộc mạc hươu nai dại,
Lòng thích thơm tho nếp tẻ thanh.
Ai đó hỏi thăm nơi chốn ở,
Lưng trâu tiếng sáo lặng làm thinh.

鱸溪閒釣
遠遠滄浪含夕照,
鱸溪烟裏出漁燈。
橫波掩映泊孤艇,
落月參差浮罩層。
一領簑衣霜氣迫,
幾聲竹棹水光凝。
飄零自笑汪洋外,
欲附魚龍却未能。

Lư khê nhàn điếu
Viễn viễn thương lang hàm tịch chiếu,
Lư khê yên lý xuất ngư đăng.
Hoành ba yểm ánh bạc cô đính,
Lạc nguyệt sâm si phù tráo tăng.
Nhất lãnh thoa y sương khí bách,
Kỷ thanh trúc trạo thuỷ quan ngưng.
Phiêu linh tự tiếu uông dương ngoại,
Dục phụ ngư long khước vị năng.

Thuyền đánh cá đỗ bến Vược
Bóng chiều nắng ngả dòng sông thẳm,
Rạch Vược đèn ngư khói chập chùng.
Bến cũ nhấp nhô thuyền đỗ sóng,
Bờ xa san sát lưới phơi trăng.
Cánh tơi áo thấm sương pha buốt,
Mái trúc chèo khua nước sáng trưng.
Lồng lộng vời trông cười thử hỏi,
Cá rồng vùng vẫy chốn nầy chăng.
 (Người dịch: Đông Hồ)

Vi vợi chiều buông sông loáng nước
Khe Lư mớ khói ánh đàn lay
Khuất trong sóng trắng thuyền bên bến
Phơi dưới trắng soi lưới lẫn chài
Buôn buốt áo tơi sương phả lạnh
Xôn xao ánh nước nhịp chèo lơi
Mắc cười thân phận ngoài muôn dặm
Tài mọn rồng mây bít lối rồi
Nguyễn Hiền Nhu


Nguyễn Thần Hiến 
Nguyễn Thần Hiến (1857-1914), tự: Phác Đìnhhiệu:  Chương Chu; là người đã sáng lập ra "Quỹ Khuyến Du học hội" nhằm vận động và hỗ trợ cho học sinh sang Nhật Bản học, là một trong những nhà cách mạng tiên phong trong phong trào Đông Du  miền Nam[2] và là một nhà chí sĩ cận đại Việt Nam.
Thân thế
Chí sĩ Nguyễn Thần Hiến sinh năm Đinh Tỵ (1857)[3] tại làng Mỹ Đức, tỉnh Hà Tiên; nay là thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang. Thuở nhỏ ông được cha đặt tên Nguyễn Như Khuê, năm 18 tuổi ông tự đổi là Nguyễn Thần Hiến[4]
Tổ tiên ông gốc người Quảng Trị, làm quan đời Gia Long. Ông nội ông vì không đứng về phe tôn lập Nguyễn Phúc Đảm (Minh Mạng) lên ngôi, sợ bị liên lụy, nên đem gia quyến vào Nam, định cư ở Vĩnh Long. Ông nội ông mất sớm, để lại một con trai duy nhất là Nguyễn Như Ngươn, tức cha ông.
Làm Tri huyện ở Vĩnh Long một thời gian, ông Ngươn được bổ vào Hà Tiên giữ chức Kinh lịch[5] Sau được thăng Tri huyện (1864), lúc sắp mãn phần, thăng Kinh huyện.
Theo sách Nghiên cứu Hà Tiên, thì trước khi cưới bà Chu, ông đã có người vợ chánh (chưa rõ tên), sinh cho ông một trai tên Nguyễn Như Thoại và một gái tên Nguyễn Thị Tài. Năm Tự Đức thứ 17 (1864), ông Ngươn cưới thêm vợ thứ tên Huỳnh Thị Chu, gốc ngườiMinh Hương, sinh trưởng ở Hà Tiên. Bà Chu sinh cho ông hai trai và một gái, gồm: Nguyễn Như Khuê (tức Nguyễn Thần Hiến), Nguyễn Như Quì và Nguyễn Thị Dương [4].
Ở Hà Tiên

Đình thần Thành hoàng xã Mỹ Đức, do Nguyễn Thần Hiến vận động nhân dân kiến tạo.
Lên 5 tuổi, Nguyễn Thần Hiến học chữ Hán với một thầy người Hoa gần nhà, nổi tiếng là một cậu bé thông minh và có sức nhớ dai. Năm 10 tuổi, ông đến Châu Đốc thụ giáo với một cụ đồ nho danh tiếng. Đến năm 12 tuổi, ông đã tỏ ra khá thông hiểu triết lý Khổng Mạnh và thi văn.
Khi trưởng thành, ông về lại Hà Tiên (chưa rõ năm nào), mở lớp dạy chữ Nho và chuyên nghề bốc thuốc Bắc và châm cứu.
Vốn bản tánh ông nhu hòa, lời nói thanh nhã, lại giỏi nghề y nên ông có nhiều bằng hữu, đông học trò và người bệnh.
Sách Nghiên cứu Hà Tiên, kể:
Ở Hà Tiên, thời kỳ 1888-1901, ông cùng với quí ông Lâm Tấn Đức, Lê Quang Chung, Huỳnh Đăng Khoa, Phụng Lai Nghị, Lê Quang Chung, Nguyễn Phương Chánh, La Thành Đầm... ra sức chấn hưng nền học vấn tại địa phương, đồng thời phục hưng nền văn học Chiêu Anh Các. Bởi vì trước đó có một thời, thơ văn của tao đàn này hầu như bị lãng quên sau việc con cháu Mạc Công Du phải thọ nạn vì liên can tới vụ binh biến Lê Văn Khôi (1833-1835), nên ít người dám cất giữ...[6]
Đến Cần Thơ
Năm 1902, mẹ ông qua đời, thì tuổi ông cũng đã bốn mươi lăm và đã là một điền chủ ở Hà Tiên. Trong năm này, ông Hiến quyết định đưa cả gia quyến về sống ở Cần Thơ. Và ở đây, ông có thêm nhiều bạn đồng “chí hướng” mới.
Vào một ngày tháng Giêng năm Giáp Thìn (1904), Nguyễn Thần Hiến qua Sa Đéc thăm người bạn thân là Đặng Thúc Liêng (1867-1945), tình cờ gặp nhà chí sĩ Phan Bội Châu (1867-1940) từ Thất Sơn trở về. Kể từ cuộc gặp gỡ ngẫu nhiên này, ông Hiến đã trở thành một thành viên tích cực, có nhiều đóng góp cho phong trào Đông Du do Phan Bội Châu, Tăng Bạt Hổ, Đặng Tử Kính gây dựng tạiNhật năm 1905.
Ngoài việc tuyên truyền, vận động cho nhiều ngành, nhiều giới tham gia phong trào; điểm nổi bật nhất của Nguyễn Thần Hiến đó là việc ông đứng ra thành lập Khuyến Du Học Hội vào năm 1907, nhằm vận động học sinh sang học tại Nhật[7], tổ chức nhiều cơ cấu cách mạng tại miền Nam để tích cực ủng hộ phong trào. Và chính ông đã tự nguyện ủng hộ một phần lớn gia tài giúp vào quỹ du học sinh. Tổng cộng món tiền là 20.000 đồng. Vào năm 1908, số tiền ấy có giá trị bằng hàng trăm lạng vàng.[8]
Tháng 3 năm 1908, ông Hiến cho người con trai duy nhất của mình là Nguyễn Như Bích sang Nhật, vào học tại Đồng Văn Thư viện. Nhưng cuối năm ấy, Pháp - Nhật ký xong hiệp ước bang giao, và thể theo yêu cầu của Pháp, Nhật hoàng cho trục xuất tất cả du học sinh Việt Nam về nước, trong số đó có Nguyễn Như Bích.
Lúc bấy giờ, phong trào Đông Du  Nam Kỳ còn lâm cảnh khó khăn hơn nữa, bởi sự bất cẩn của một du học sinh tên Trần Công Huân, người Cái Bè (Mỹ Tho). Vì cả tin, Huân đã đem tài liệu mật giao cho một người giữ giùm, mà người này đang bí mật làm việc cho Pháp, cho nên sau khi bắt Huân và một số du học sinh khác vừa từ Nhật trở về, Pháp cũng ra lệnh bắt ngay những người đứng đầu tổ chức.
Ra nước ngoài
Sang Xiêm La
Năm 1908, từ Cần Thơ, nhờ người quen giúp đỡ, Nguyễn Thần Hiến theo ghe đánh cá sang Chantaboun rồi lên Bangkok (Xiêm La), giấu mình bằng cái tên Hoàng Xương và hành nghề đông y.
Cuối năm này, Kỳ Ngoại Hầu Cường Để (1882-1951) sang Xiêm, ông có tìm đến yết kiến và được cử làm Tổng Ủy viên sự vụ, giữ trọng trách liên lạc với các đồng chí ở Nam Việt.
Năm 1909, Phan Bội Châu cũng sang Xiêm, được ông Hiến giới thiệu với nhà sư Thiện Quảng Thiền, ở chùa Phổ Đức. Biết phong trào Đông Du  hải ngoại đang lâm cảnh khốn đốn, nhà sư trở về Nam Kỳ và đã quyên góp được khoảng 2.000 đồng.
Năm 1910, Thiện Quảng Thiền trở về nước lần nữa, thì bị lộ. Nhà sư bị Pháp bắt giết tại vùng rừng núi Tây Ninh, khi đang tìm đường chạy sang Cao Miên. Năm đó, nhà sư mới 50 tuổi [9]. Sợ Pháp dò la được tung tích, Phan Bội Châu liền rời khỏi Xiêm, và cuối năm đó (1910), Nguyễn Thần Hiến cũng giả làm người Trung Quốc, đáp tàu từ Xiêm sang Hồng Kông tìm Cường Để và Phan Bội Châu.
Qua Trung Quốc
Sau ba tháng học tiếng Quan thoại, Nguyễn Thần Hiến lãnh nhiệm vụ liên lạc với các đồng chí người Trung Quốc và người Việt ở nhiều nơi, như Bắc Kinh, Nam Kinh, Thượng Hải, Hàng Châu, Quảng Đông, Mãn Châu... Mỗi khi thiếu hụt, ông liền xoay trở bằng nghề làm thuốc hoặc viết báo để sinh nhai và để giúp đỡ các đồng chí khác. Đầu năm Tân Hợi (1911), bởi người Pháp kiểm duyệt thư từ đi lại và tịch thu tất cả tiền bạc từ nước Việt gửi sang, Phan Bội Châu đành phải tạm ngưng hoạt động, trở lại Xiêm ẩn náu nơi đồn điền của bạn.
Sau khi Cách mạng Tân Hợi của Trung Quốc thắng lợi, đa số đảng viên Duy Tân hội[10] muốn theo chủ nghĩa dân chủ, từ bỏ quân chủ. Vì vậy, Phan Bội Châu, một trong những người sáng lập, nhận thấy cần phải triệu tập một hội nghị.
Ngày 19 tháng 6 năm 1912 tại Quảng Châu, có đại diện của cả ba Kỳ[11] đều đồng ý thành lập Việt Nam Quang Phục Hội[12], để thay thế cho Duy Tân hội. Và trong tổ chức mới, Nguyễn Thần Hiến, đại diện cho Nam Kỳ, được cử vào Bộ Bình Nghị.
Đầu năm Quý Sửu (1913), hoạt động của Việt Nam Quang Phục Hội lại lâm cảnh đình trệ vì thiếu tài chính. Trước tình cảnh đó, Nguyễn Thần Hiến đến thuyết phục Cường Để, để cùng bí mật trở về Sài Gòn và nhiều tỉnh ở Nam Kỳ, nhằm vận động quyên góp tiền bạc cho hội.
Trong lao tù
Giữa tháng 6 năm 1913, Cường Để rời Sài Gòn, hẹn sẽ gặp lại Nguyễn Thần Hiến tại Hồng Kông. Đến cuối tháng, khi cả hai cùng vài cộng sự khác gặp nhau tại Hồng Kông, do một thành viên sơ ý làm nổ quả lựu đạn mới chế tạo, nên cả nhóm bị cảnh sát Anh truy nã gắt...
Vàì hôm sau, thấy tạm yên, một đồng chí của ông Hiến tên Huỳnh Hưng vừa lén trở nhà thì cảnh sát Anh ập tới bắt giam. Sau đó, ông Hiến cùng các cộng sự khác, như: Nguyễn Quang Diêu (1882- 1936), Đinh Hữu Thuật...đều bị bắt.
Chính quyền Hồng Kông, theo sách Nghiên cứu Hà Tiên, lúc bấy giờ “rất tráo trở, bắt, tha rồi bắt lại”, cuối cùng vào ngày 16 tháng 6 năm 1913, cả nhóm bị chính quyền Pháp bắt khi vừa đặt chân lên nhượng địa Quảng Châu Loan.
Pháp giam tất cả vào ngục tối, xiềng xích tay chân, rồi chở về Việt Nam nhốt trong nhà lao Hỏa Lò  Hà Nội.
Sau nhiều tháng bị tra tấn rất dữ, ông lâm bệnh thổ huyết. Khi Hội đồng Đề Hình của thực dân Pháp phán xử ông mười năm tù lưu đày qua xứ Cayenne (một thuộc địa của Pháp ở Nam Mỹ), ông quyết tâm tuyệt thực và đã mất vào giờ giao thừa đêm ba mươi Tết Giáp Dần, tức ngày 26 tháng Giêng năm 1914, hưởng dương 56 tuổi.
Câu nói trước khi mất
Thấy Nguyễn Thần Hiến cứ tiếp tục nhịn đói, sức khỏe ngày một suy yếu, các bạn tù đều xúm nhau an ủi, khuyên ông ăn. Ông nói: “
Tôi hy sinh cho nước, việc không thành, nay bị đày, tôi cũng không ân hận gì. Nhưng tôi nghĩ, tuổi tôi gần sáu mươi, lại mang bệnh thổ huyết, sang xứ xa biết có chịu nổi khí hậu, hay lại nay đau mai yếu làm lụy đến anh em, còn sợ nỗi phải bỏ thây nơi đất khách. [4]
Tác phẩm

Bút tích Nguyễn Thần Hiến trên váchĐền thờ họ Mạc.
Mặc dù bận rộn vì việc nước, Nguyễn Thần Hiến vẫn hay làm thơ, nhưng đã thất lạc nhiều. Nay còn lại một ít, nhờ đăng trên báo Nông cổ mín đàm và đề trên tường vách Mạc Công Miếu và Đình thờ thần Thành Hoàng xã Mỹ Đức, Hà Tiên (nay thuộc khu phố 1, p. Đông Hồ, thị xã Hà Tiên).
Mùa đông năm Canh Tý (1900), việc trùng tu Mạc Công Miếu hoàn thành, Nguyễn Thần Hiến làm hai bài thơ chữ Hán tán dương công đức Mạc Thiên Tứ chép trên vách đền, nay hãy còn. Trích một (dịch thơ):
Vì quí thân mình của mẹ cha,
Nước nhà đành bỏ, vượt phương xa.
Dựng vua Chân Lạp hao người ngựa,
Mở đất Hà Tiên rộng nước nhà.
Thơ rượu một thời, chơi thắng cảnh,
Xóm làng ngàn dặm, kết tài hoa.
Xót thầm có chí, không thành đạt,
Câu cá đầu sông phí tuổi già.
Đình thờ thần Thành Hoàng xã Mỹ Đức, mà ông là người có công lớn trong việc kiến tạo, cũng có 4 bài thơ chữ Hán của ông, trích một (dịch nghĩa):
Hàn than thu lạo đồ
(Cơn lũ mùa thu bên bờ lạnh)
Bên bờ dăm ba mái chòi bên xóm ấp,
Lũ mùa thu, dân nghèo sống buổi sớm chiều.
Rặng bần càng thấp, sông thêm thoáng rộng,
Cầu khe làm dấu lối đi, nước chảy phăng phăng.
Nước mở hàng lau, sông xuôi về biển,
Đưa các tôm vào tận nhà.
Chận nước phải tùy theo núi, người đã trót lời nguyền,
Bày tỏ cùng ai giữa vùng nước bạc khi đêm về? [4]
Thương tiếc
Sự kiện Nguyễn Thần Hiến bất ngờ gặp Phan Bội Châu tại Sa Đéc năm 1904, rồi cả hai trở thành đồng chí thân thiết, sau này được ông Phan kể lại trong Phan Bội Châu niên biểu (hay Tự phán) như sau:
Cuối tháng ấy, tôi từ Thất Sơn trở về đến Sa Đéc, gặp mặt được một người là ông Ký Liêm (Mộng Sơn Đặng Thúc Liêng). Ông này giới thiệu tôi với ông Hội đồng Nguyễn Thành Hiến (Nguyễn Thần Hiến). Ông Nguyễn sau cũng xuất dương, đồng sự với tôi hơn bảy năm. Sau nhân ở Hồng kông Hương Cảng vì toan mưu cuộc ám sát, thuê nhà kín, chế tạo trái phá, bị người Pháp bắt được đem về, ông tự tử ở Hà Nội. Ôi! Như ông ấy cũng là kỳ sĩ của Nam Trung đó mà... [13].
Trước đây, trong tác phẩm Chí sĩ Nguyễn Quang Diêu được xuất bản ở Sài Gòn, nhà biên khảo Nguyễn Văn Hầu viết:
Tuy thân gửi nước ngoài, cụ Nguyễn Thần Hiến vẫn luôn luôn giữ được hệ thống liên lạc trong nước. Các đảng viên cách mạng ở miền Nam, thứ nhất ở miệt Hậu Giang, thường lui tới Hồng Kông để tiếp xúc với cụ, tiếp tế tiền bạc và vận động khí giới. Trong những cuộc hội thảo quan trọng giữa các lãnh tụ tối cao, các đồng chí Nam Kỳ đều nhượng cho cụ nhiệm vụ đại diện.[14]
Chứng kiến trước cái chết bi đát của người bạn vong niên và cũng là bạn tù (Nguyễn Thần Hiến), chí sĩ Nguyễn Quang Diêu có bài thơ khóc:
Bấy lâu bay bổng cánh chim hồng,
Lạc lối giờ ra phải máy cung.
Chín suối có thiêng hồn tổ quốc,
Trăm năm còn tạc gánh tang bồng.
Đổi dời nghĩ gớm câu dâu bể,
Thố lộ cùng ai chuyện núi sông.
Thôi để làm gương cho sắp bé,
Ngàn năm trong nước dấu anh hùng.

Nguyễn Thần Hiến mất, xác ông không có người nhận nên bị nhà cầm quyền Pháp đưa qua trường thuốc để sinh viên giải phẫu. Có một số sinh viên miền Nam như Nguyễn Tấn Đởm, Võ Xuân Hành...nhìn mặt biết được, nên họ đồng lòng giữ thi hài ông lại. Hơn một tháng sau, người cháu gọi ông bằng chú ruột ở trong Nam ra, đến nhà đương cuộc xin xác đem chôn vào một ngày đầu tháng 3 năm 1914 tại Nghĩa trang Nam Việt, Hà Nội. Sau năm 1954, nghĩa trang trên được lệnh di dời. Những mồ mã không người bốc mộ, đều dời tới một nghĩa trang ở Yên Kỳ (Sơn Tây). Mãi về sau này, có người trong dòng họ Nguyễn Như cố công truy tìm mộ ông, nhưng chỉ tìm thấy cái bia đề vỏn vẹn NGUYEN HIEN, chữ không có dấu, cũng không năm sinh, năm tử và quê quán nên thân nhân không dám quyết đó là mộ của ai...









Đông Hồ Lâm Tấn Phác



Đông Hồ (10 tháng 3 năm 1906 - 25 tháng 3 năm  1969), tên thật Lâm Tấn Phác, tự Trác Chi, hiệu Đông Hồ  Hòa Bích; các bút hiệu khác: Thủy Cổ Nguyệt, Đại Ẩn Am, Nhị Liễu Tiên Sinh. Ông được đánh giá là một nhà giáo, nhà thơ, chuyên gia nghiên cứutiếng Việt và là một người nhiệt tình với văn hóa dân tộc Việt Nam.[1]
Đông Hồ sinh tại làng Mỹ Đức, Hà Tiên, nay thuộc tỉnh Kiên Giang. Thuở nhỏ ông vốn tên là Kỳ Phác, sớm mồ côi cha mẹ, nhờ bác ruột là Lâm Hữu Lân nuôi dạy và đặt tiểu tự cho ông là Quốc Tỉ, tự là Trác Chi.
Nhà ông, tổ tiên truyền mấy đời, đều ở ven Đông Hồ ấn nguyệt, là một thắng cảnh trong Hà Tiên Thập Cảnh, nên khi bắt đầu biết làm thơ ông đã lấy hiệu Đông Hồ[2].
Theo tâm sự của Đông Hồ, chính Nam Phong tạp chí đã đánh thức nơi ông niềm say mê với quốc văn, quốc ngữ:
Nằm nhà buồn buồn, tôi lấy mấy quyển sách ra xem thì là mấy tập Nam Phong cũ. Tôi giở từng số, xem qua một lượt. Tôi gặp bài thơ Le Lac của Lamartine dịch ra quốc ngữ của cô Lê Cẩm Nhung và của ông Nguyễn Văn Bông. Tôi để ý đọc, chỉ đọc bài quốc ngữ thôi, vì bài chữ Tây thì tôi đã thuộc lòng (…) Thì ra quốc văn có thể diễn nổi những cảnh sắc sảo sáng sủa của thơ Tây, và cũng có thể diễn nổi những ý tứ thâm trầm, những tư tưởng cao thượng của thơ Tàu. Tôi tỉnh ngộ. Tôi thấy rằng nước ta còn có chữ, giống ta còn có tiếng nói. Quốc văn ta có nghèo hèn kém cỏi gì đâu. Tôi bỏ Pháp văn, quay ra chuyên tâm học quốc ngữ. Cái duyên của tôi với báo Nam Phong cũng bắt đầu từ đó, mà cái cảm tình của tôi đối với tiếng nước nhà đằm thắm mặn mà cũng bắt đầu từ đó [3]
Lượt kê những hoạt động chính của ông:
Năm 1926 - 1934: lập Trí Đức học xá trên bờ Đông hồ, chủ trương chuyên dạy toàn tiếng Việt, cổ động người Việt tin tưởng ở tương lai Việt ngữ. Thời kỳ này ông cộng tác với Nam Phong tạp chí do Phạm Quỳnh chủ trương đến khi báo đình bản (1935). Thời kỳ này, ông nổi tiếng với bài ký Linh Phượng tức Trác Chi lệ ký tập và bài phú Đông Hồ.
Năm 1935:xuất bản tuần báo Sống  Sài Gòn nhưng chỉ ra được vài chục số thì ngưng vì không tự túc nổi, ông phải về lại Hà Tiên sinh sống và chuyên nghiên cứu văn học miền Nam.
Năm 1945: tham gia kháng chiến chống Pháp một thời gian, nhưng sức yếu, ông rời Hà Tiên trở lên Sài Gòn.
Năm 1950: sáng lập nhà xuất bản Bốn Phương và nhà sách Yiễm Yiễm thư trang.
Năm 1953: xuất bản tập san Nhân Loại để yểm trợ cho nhà xuất bản và nhà sách nêu trên cho đến giữa năm 1964, tất cả mới ngưng hoạt động.
Năm 1964: ở ẩn tại Quỳnh Lâm thư thất thuộc ngoại ô Sài Gòn. Những năm về sau, ông vừa làm văn vừa làm thơ, thường viết về văn học, về lịch sử đăng ở các tạp chí xuất bản ở Sài Gòn như Văn Hóa nguyệt san, Bách Khoa, Văn,...
Năm 1965: ông được mời phụ trách môn Văn học miền Nam tại trường Đại học Văn khoa Sài Gòn.
Ông mất ngày 25 tháng 3 năm 1969 (tức 8 tháng 2 năm Kỷ Dậu) lúc đang đứng trên bục giảng cho sinh viên bài thơ "Trưng Nữ Vương" của nữ sĩ Ngân Giang[4].
Tác phẩm
Ngoài thơ, Đông Hồ còn viết văn, ký, khảo cứu, văn học sử. Về văn, ông viết từ văn xuôi biền ngẫu đến văn xuôi hiện đại. Ông có tiếng khi viết cho báo Nam Phong do Phạm Quỳnh chủ trương và nổi tiếng nhất với bài ký Linh Phượng, tức Trác Chi Lệ Ký tập và bài Phú Đông Hồ.
Các tác phẩm đã in thành sách:
Thơ Đông Hồ (Văn Học Tùng Thư, Nam Ký Thư Quán, Hà Nội xuất bản, 1932): sáng tác trong khoảng 1922 - 1932
Lời Hoa (Trí Đức Học Xá, Hà Tiên xb, 1934): các bài Việt văn của học sinh Trí Đức Học Xá đã nhuận sắc
Linh Phượng (Nam Ký Thư Quán, Hà Nội xb, 1934): tập lệ ký khóc vợ, vừa thơ vừa văn xuôi, đăng ở Nam Phong tập XXII, số 128
Cô Gái Xuân (Vị Giang Văn Khố Nam Định xb, 1935): thơ sáng tác trong khoảng 1932 - 1935
Những lỗi thường lầm trong sự học Quốc văn (Trí Đức Học Xá xb, 1936): soạn chung với Trúc Hà
Hà Tiên thập cảnh (Bốn Phương xb, 1960): in chung với Đường Vào Hà Tiên của Mộng Tuyết thất tiểu muội
Trinh Trắng (Bốn Phương xb, 1961): thi tuyển
Truyện Song tinh (Bốn Phương xb, 1962): sao lục, khảo cứu truyện Song Tinh Bất Dạ
Chi lan đào lý (1965): tùy bút
Năm ba điều nghĩ về Truyện Kiều (1965): thuyết trình nhân dịp kỷ niệm 200 năm sinh Nguyễn Du
Bội lan hành (1969)
Úc Viên thi thoại (1969)
Đăng đàn (1969)
Dòng Cổ Nguyệt (1969)
Văn học miền Nam: văn học Hà Tiên (1970): tập họp những bài giảng ở Đại học Văn khoa Sài Gòn.
Đã hoàn thành các biên khảo:
Thăm đảo Phú Quốc (Nam Phong, t. XXI, số 124, 1927)
Hà Tiên Mạc thị sử (Nam Phong, t. XXV, số 143, 1929)
Chuyện cầu tiên ở Phương thành (1932
Đông Hồ viết nhiều loại văn, thơ, ký, khảo cứu và văn học sử. Ông viết từ thập niên 1920 cho đến thập niên 1960, đã đi từ thơ cũ đến thơ mới, từ văn xuôi biền ngẫu đến văn xuôi hiện đại. Ông cùng với vợ là nữ sĩ Mộng Tuyết (1914-2007), đã từng làm rạng rỡ văn học đất Phương Thành (Hà Tiên) bởi các tác phẩm của mình.
Trích một vài nhận xét:
Hoài Thanh và Hoài Chân:
...Yêu quốc văn mà đến như Đông Hồ kể cũng ít... Và với thi phẩm Cô gái xuân ông là "người thứ nhất đưa vào thi ca Việt Nam cái vị bát ngát của tình yêu dưới trăng thanh, trong tiếng sóng [5].
Nguyễn Tấn Long-Nguyễn Hữu Trọng:
Từ tập “Thơ Đông Hồ” cũ kỹ đến tập “Cô gái xuân” mới mẻ, người ta nhận thấy thoát lốt, một con người thi sĩ đang ở trong thời đại của mình, bỗng nhiên làm một cuộc biến hình...” [6]
Tự điển Văn học:
Người ta còn nhớ ông là tác giả của Linh Phượng, tập lệ ký khóc vợ, vừa thơ vừa văn xuôi, với những hình ảnh, vần điệu cũ kỹ, song lại nói lên được cái buồn có tính chất thời đại lúc ấy...Về mặt sưu tầm, khảo cứu văn liệu: tập Hà Tiên Mạc thị sử nói về nhóm Tao đàn Chiêu Anh Các do ông biên soạn; cuốn Truyện Song Tinh, tức Song Tinh Bất Dạ, là một truyện thơ nôm của Nguyễn Hữu Hào do ông tìm được; là những "cống hiến đáng kể [7].


Nhà kỷ niệm Đông Hồ, cũng là nơi ở cuối cùng của
Mộng Tuyết tại Hà Tiên.
( tg Bùi Thụy Đào Nguyên)


Đông Hồ và vợ là nữ sĩ Mộng Tuyết









NHỮNG BÀI THƠ CỦA ĐÔNG HỒ

Cô gái xuân
Trong xóm làng trên, cô gái thơ,
Tuổi xuân mơn mởn vẽ đào tơ,
Gió đông mơn trớn bông hoa nở,
Lòng gái xuân kia vẫn hững hờ.
Lững thững lên trường buổi sớm chiều,
Tập tành nghiên bút, học may thêu.
Quần đen, áo trắng, khăn hồng nhẹ,
Ngọn xõa ngang vai, tóc bỏ đều.
Lá rợp cành xoài bóng ngã ngang,
Cô em dừng bước nghỉ bên đường,
Cởi khăn phẩy giọt mồ hôi trán,
Gió mát lòng cô cũng nhẹ nhàng.
Đàn bướm bay qua bãi cỏ xanh,
Lòng cô phất phới biết bao tình.
Vội vàng để vở bên bờ cỏ,
Thoăn thoắt theo liền đàn bướm xinh.
Áo trắng khăn hồng gió phất phơ,
Nhẹ nhàng vui vẻ nét ngây thơ.
Trông cô hớn hở như đàn bướm,
Thong thả trời xuân mặc nhởn nhơ.
Đàn bướm bay cao cô trở về,
Sửa khăn, cắp sách lại ra đi,
Thản nhiên, cô chẳng lòng thương tiếc,
Vì bướm ngày xuân chẳng thiếu chi!
Cũng xóm làng trên, cô gái thơ,
Tuổi xuân hơn hớn vẻ đào tơ.
Gió đông mơn trớn bông hoa nở,
Lòng gái xuân kia náo nức chờ.
Tưng bừng hoa nở, bóng ngày xuân,
Rực rỡ lòng cô, hoa ái ân.
Như đợi, như chờ, như nhớ tưởng,
Đợi, chờ, tưởng, nhớ bóng tình quân.
Tình quân cô: ấy sự thương yêu,
Đằm thắm, xinh tươi, lắm mỹ miều.
Khao khát đợi chờ, cô chửa gặp,
Lòng cô cảm thấy cảnh điều hiu.
* * *
Một hôm chợt thấy bóng tình quân,
Gió lộng, mây đưa thoáng đến gần.
Dang cánh tay tình, cô đón bắt,
Vô tình mây gió cuốn xa dần.
Gót ngọc phăng phăng cô đuổi theo:
"Tình quân em hỡi! Hỡi người yêu!
“Gió mây xin để tình quân lại:
“Chậm chậm cho em nói ít điều…”
Than ôi! Mây gió vẫn vô tình
Cuồn cuộn bay trên ngọn núi xanh.
Nhìn ngọn núi xanh, mây khói tỏa,
Mắt cô, đôi lệ giọt long lanh.
Lá rợp cành xoài bóng ngã ngang,
Cô em dừng bước nghỉ bên đường,
Cởi khăn phẩy giọt mồ hôi trán,
Gió mát lòng cô cũng cảm thương
Lủi thủi bên đường, cô ngẩn ngơ
Chốn này, đuổi bắt bướm ngày xưa,
Cô buồn, cô tiếc, cô ngùi ngậm,
Cô nhớ ngày xuân, nhớ tuổi thơ:
“Đàn bướm bay qua bãi cỏ xanh,
"Lòng cô phất phới biết bao tình.
"Vội vàng để vở bên bờ cỏ,
“Thoăn thoắt theo liền đàn bướm xinh…"
“Đàn bướm bay cao cô trở về,
“Sửa khăn, cắp sách lại ra đi,
"Thản nhiên, cô chẳng lòng thương tiếc,
"Vì bướm ngày xuân chẳng thiếu chi!…"
Ái tình nào phải bướm ngày xuân,
Tình ái ngày xuân chỉ một lần
Một thoáng bay qua không trở lại
Gái xuân đỏ lệ khóc tình quân!

Tuổi xuân
Kể từ khi quen nhau,
Vừa mười ba tuổi đầu
Tuổi xuân, tuổi vui sướng,
Nào có biết chi sầu.
Quen nhau thì yêu nhau,
Yêu nhau quấn quít nhau.
Quây quần trong một tổ,
Như đôi chim bồ câu.
Ngày tháng chỉ mong cầu
Gần nhau được dài lâu.
Sum vầy lòng những ước
Ly biệt có ngờ đâu.
Muốn thế, vẫn được thế,
Ai khéo chiều nhau tệ,
Bao những cuộc vui cười.
Cùng nhau cùng chia sẻ:
"Anh ơi! em muốn học,
Anh hãy dạy em đọc.
Dạy em không? Hở anh?
Không dạy em, em khóc.
Em đừng làm nũng chứ!
Hãy nói anh nghe thử,
Em muốn học chữ gì?
- Em muốn học Quốc ngữ
Quốc ngữ ch Việt Nam
Này thơ em, anh xem.
- Anh nghe, em cứ đọc!
- Thơ rằng: "Anh yêu em!…"
"Em muốn dạy anh thêu,
- Yêu em, anh phải chiều,
- Chỉ kim, anh thử lựa,
Nghe lời em, em yêu.
Này! Anh thêu khéo chán,
Ngàn mây đôi chiếc nhạn
Chắp cánh tung trời bay,
Trăm năm cùng kết bạn.
- Tươi thắm bức lụa là,
Đôi chim nhạn không già,
Đời mình âu cũng thế,
Ngày xuân ở với ta…"
"Này anh! Buổi thư nhàn
Em dạy anh học đàn.
Học đàn khó! – Đâu khó!
Chỉ đôi tiếng nhặt khoan!…”
Khoan nhặt đôi đường tơ
Lay động đôi lòng thơ.
Gảy nên khúc tình ái.
Khúc dứt, lòng ngẩn ngơ…
Buông bắt trên tơ trúc,
Nhìn em, năm ngón ngọc;
Năm búp măng nõn nà,
Mãi nhìn đàn chửa thuộc…
"Anh ơi! Em muốn chơi,
Non nước chốn này vui…"
Âu, yếm cầm tay dắt,
Cùng nhau thưởng cảnh trời,
Ngày lặng, màu hoa cỏ,
Đêm thanh, thú trăng gió.
Cảnh trời với lòng người
Biết bao lần gặp gỡ,
"Anh! Em muốn chơi thuyền,
Một ngày ta làm tiên…"
Buông buồm theo ngọn gió,
Sóng nước những triền miên.
Trời biển cảnh lồng lộng,
Đôi tấm lòng rung động.
Kề vai sẽ tựa nhau,
Chập chờn trong giấc mộng.
Bên rừng chiếc lá rơi,
Mặt nước cánh hoa trôi.
Chòm mây bay tản mác
Đàn nhạn rẽ phương trời.
rông cảnh. Em ngậm ngùi
Nhìn em, anh thở dài,
Cảm nghỉ chuyện dời đổi
Giọt lệ bắt đầu rơi!…
Biết đời từ hôm ấy
Tuổi lớn, ngày dần thấy:
Chuyện buồn đưa đến thường,
Ngày vui không có mấy
Đôi lứa cũng xa nhau,
Tuổi xuân còn mãi đâu.
Biệt ly này mới biết,
Chi xiết nỗi thương đau
Giọt lệ một lần ứa,
Biết bao lần chan chứa;
Một lần khi bắt đầu,
Biết bao lần sau nữa!
Chốc, mười mấy năm trời,
Trăm nghìn cảnh đổi dời,
Nói đến chuyện gặp gỡ,
Sóng ngược lại bèo xuôi!
Cuộc đời những lăn lóc,
Tiếng cười đổi tiếng khóc.
Nào đâu bạn trẻ thơ,
Cùng ta kề mái tóc?
Buồn nhớ cảnh năm xưa,
Lòng riêng những thẫn thờ.
Tóc xanhh hồ đã bạc,
Luống tiếc tuổi ngây thơ!

Mua áo
Chiếc áo năm xưa đã cũ rồi,
Em đâu còn áo mặc đi chơi.
Bán thơ nhân dịp anh ra chợ,
Đành gởi anh mua chiếc mới thôi!
Hàng bông mai biếc màu em thích,
Màu với hàng, em đã dặn rồi.
Còn thước tấc, quên! Em chửa bảo:
Kích tùng bao rộng, vạt bao dài?
Ô hay! Nghe hỏi mà yêu nhỉ!
Thước tấc anh còn lựa hỏi ai
Rộng hẹp, tay anh bồng ẵm đó,
Ngắn dài, người mới tựa bên vai!
Đông Hồ

Bốn cái hôn
"…Em nhớ: một sáng ngày mùa đông,
Gió bấc ào ào tiếng hãi hùng.
Theo khe cửa sổ, gió thổi rít.
Chỉ nghe tiếng gió mà lạnh lùng!
Em cuốn mình trong làn chăn đệm,
Đệm cỏ, chăn bông em chẳng ấm,
Bỗng như có một ánh than hồng
Chạm vào trán em chạy vào lòng.
Lòng em ấm áp, hơi lạnh tan,
Em nằm sung sướng mà bàng hoàng.
Sờ tay lên trán em mới biết:
Hơi ấm âu yếm mẹ em hôn …
…Em nhớ: một buổi chiều mùa thu,
Bấy giờ mẹ em mất đã lâu.
Trông chiếc lá rơi, em ũ rũ,
Hơi may hiu hắt, em buồn rầu.
Mất mẹ, em mất tình âu yếm,
Lạnh lùng, em thiếu hơi hôn ấm.
Đứng tựa bên vườn, em ngẩn ngơ,
Trông nước, trông mây, em đợi chờ…
Chợt thấy cha em về trước sân,
Áo quần lấm áp vết phong trần,
Chạy ra mừng rỡ đưa tay đón,
Cúi xuống mái đầu, cha em hôn.
Từ hôm em được cha em hôn,
Đầm ấm lòng em bớt nỗi buồn.
Nhưng cha em mãi bận xuôi ngược,
Rày đó mai đây việc bán buôn…
…Em nhớ: một buổi trưa mùa hạ,
Buổi trưa nặng nề, trời oi ả.
Tựa của lớp học, em rầu rầu,
Nghe tiếng ríu rít đàn chim sâu.
Trước sân, bè bạn em nô đùa.
Riêng em buồn cảm thân bơ vơ:
Mẹ mất, còn cha, cha ít gặp,
Một năm chỉ hai lần rước đưa!…
Cô giáo, thấy em đứng một mình,
Đi qua, gọi em hỏi sự tình.
Cầm tay cô dắt lại bàn học,
Ân cần, thương yêu vuốt mái tóc.
Rồi cô âu yếm hôn tay em.
Lộng qua cửa lớp cơn gió nồm,
Bao nỗi buồn bực, gió thổi mát,
Cái hôn như ngọn gió êm đềm…
Nay em đang giữa cảnh đêm xuân,
Gió trăng tình tứ đêm thanh tân.
Trước vùng trời biển cảnh lồng lộng,
Cùng anh trao đổi tình ái ân.
Khoác tay anh đi trên bãi cát.
Cát bãi, trăng soi màu trăng mát.
Nghiêng đầu lơi lả tựa vai anh,
Lặng nghe sóng bãi đưa rào rạt.
Nước mây êm ái bóng trăng sao,
Say sưa em nhìn lên trời cao,
Buông khúc đàn lòng theo nhịp gió.
Giờ phút thần tiên, hồn phiêu dao.
Một hơi thở mát qua, dịu dàng,
Như cơn gió biển thoảng bay ngang,
Rồi luồng điện ấm chạy trên má:
Ân ái môi anh kề nhẹ nhàng.
Nũng nịu, anh ngã vào lòng anh,
Ngẩn ngơ ngừng lặng giây cảm tình.
Tóc em xõa tung, tay gió lướt,
Bàng hoàng em nhớ chuyện sau trước:
Đời em khoảng hai mươi năm hơn,
Được hưởng bốn lần âu yếm hôn.
Bốn lần em thấy em vui sướng,
Mưa gió đời em đỡ lạnh buồn.
Nhưng từ khi em thôi học rồi,
Cùng cô giáo em không gặp gỡ.
Mà rồi, từ đó em lớn khôn,
Cha em cũng chẳng hôn em nữa.
Ba lần hôn kia em mất rồi,
Lần này biết có lâu dài được
Nước bèo em nghĩ đời chia biệt,
Mà lệ sầu em thổn thức rơi!…"

Mua áo
Chiếc áo năm xưa đã cũ rồi,
Em đâu còn mặc áo đi chơi.
Bán thơ nhân dịp anh ra chợ,
Đành gửi anh mua chiếc mới thôi!

Hàng bông mai biếc màu em thích,
Màu với hàng, em đã dặn rồi.
Còn thước tấc, quên! em chửa bảo:
Kích tùng bao rộng, vạt bao dài?

Ô hay! Nghe hỏi mà yêu nhỉ!
Thước tấc anh còn lựa hỏi ai.
Rộng hệp, tay anh bồng ẳm đó,
Ngắn dài, người mới tựa bên vai!"

Xuân Bất tận
Không quá khứ, không vị lai,
Thời gian xuân giữ thắm tươi hoài.
Từ lâu xuân vẫn mơn cành liễu,
Và mãi vàng luôn đượm cánh mai.
Cuộc thế mị thường cơn mộng lớn,
Nguồn xuân bất tận suối thơ dài.
Làm chi năm một lần khai bút.
Bút đã khai từ thiên địa khai.




Mộng Tuyết (9-1-1914 - 1-7-2007), tên thật Thái Thị Úc, là một nhà thơ, nhà báo Việt Nam, nổi danh từ thời tiền chiến.
Các bút hiệu khác của bà là: Hà Tiên cô, Nàng Út, Bách Thảo Sương, Bân Bân nữ sĩ, Thất Tiểu Muội. Mộng Tuyết là thành viên của nhóm “Hà Tiên tứ tuyệt” gồm: Đông Hồ, Mộng Tuyết, Lư Khê  Trúc Hà.
Mộng Tuyết sinh ngày 9 tháng 1 năm 1914 ở làng Mỹ Đức, thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang.
Năm 12 tuổi, Mộng Tuyết bắt đầu tập làm văn ở Trí Đức Học Xá của thi sĩ Đông Hồ. Các sáng tác trong thời kỳ này, sau được tập hợp với nhan đề Bông Hoa Đua Nở đăng ởNam Phong tạp chí năm 1930.
Năm 1939, Mộng Tuyết được bằng khen về thơ của Tự Lực Văn Đoàn với thi phẩm Phấn hương rừng, và bắt đầu nổi tiếng từ đó.
Năm 1943, bà cùng với Anh Thơ, Vân Đài, Hằng Phương xuất bản tập thơ Hương xuân. Đây là tuyển tập thơ nữ đầu tiên ở Việt Nam.
Những năm 50, bà cùng chồng là thi sĩ Đông Hồ lên Sài Gòn mở nhà sách, nhà xuất bản Bốn Phương, Yiễm Yiễm thư trang.
Tháng 3 năm 1969, chồng mất, bà lui về sống ẩn dật tại quận Tân Bình. Sau năm 1995, bà lui về sống đến hết đời tại Nhà lưu niệm thi sĩ Đông Hồ ở tại thị xã Hà Tiên.
Mộng Tuyết mất ngày 1 tháng 7 năm 2007 tại Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang.
Tác phẩm
Phấn hương rừng (1939, được tặng giải “Khen tặng” của Tự Lực văn đoàn
Đường vào Hà Tiên (tùy bút, 1960)
Nàng Ái Cơ trong chậu úp (tiểu thuyết lịch sử, 1961)
Truyện cổ Đông Tây (1969)
Dưới mái trăng non (thơ, 1969)
Núi mộng gương hồ (hồi ký ba tập, NXB Trẻ, 1998)
Ngoài ra, bà còn dịch thơ và viết khảo cứu văn học.
Thơ, tùy bút, truyện ngắn của bà thường đăng trên các báo: Tiểu thuyết Thứ Năm, Hà Nội Báo, Con Ong, Đông Tây, Trung Bắc Chủ Nhật, Tri Tân, Gió Mùa, ánh Sáng, Nhân Loại.
Tuy viết nhiều thể loại, nhưng Mộng Tuyết được biết chủ yếu như một nhà thơ. Thơ của bà, như Hoài Thanh, Hoài Chân từng nhận xét:
Còn thơ, hoặc nhẹ nhàng dí dỏm, hoặc hàm xúc lâm ly, hoặc nhớ nhung bát ngát, hoặc xôn xao rạo rực, tổng chi là lời một thiếu nữ, khi tình tự, khi đùa giỡn, khi tạ lòng người yêu. Người xem thơ bỗng thấy lòng run run như khi được đọc thư tình gửi cho một người bạn: người thấy mình đã phạm vào chỗ riêng tây của một tâm hồn, trong tay như đương nắm cả một niềm ân ái[1].
Trong Văn thi sĩ tiền chiến, Nguyễn Vỹ đánh giá:
Nhất là văn xuôi, Mộng Tuyết viết rất ngọt ngào, chải chuốt, ảnh hưởng nhiều bởi những chuyện Tàu...Thơ của Mộng Tuyết cũng khác thơ Đông Hồ, nó gói ghém nhiều thi tứ hơn, ý nhị hơn[2].
Sách Tự điển Tác gia Văn hóa Việt Nam khen ngợi:
Thơ bà chuẩn mực, trong sáng, hồn nhiên đượm vẻ ngọt ngào như tiếng nói dịu dàng của những cô gái có học nơi khuê phòng...:Khởi đi từ Bà Huyện Thanh Quan, Đoàn Thị Điểm, Tương Phố...đến Mộng Tuyết... Tất cả đã để lại cho đời những vần thơ nho nhỏ mà trác tuyệt...[3]


NHỚ “CHIẾC LÁ THỊ THÀNH” CỦA NỮ SĨ MỘNG TUYẾT
Khi viết văn, viết báo, nữ sĩ Mộng Tuyết ký nhiều bút hiệu khác nhau: Hà Tiên cô, Nàng Út, Bách Thảo Sương, Bân Bân nữ sĩ, Mộng Tuyết thất tiểu muội.
Năm 1939, Mộng Tuyết được bằng khen về thơ của Tự Lực Văn Đoàn với thi phẩm Phấn hương rừng. Bà bắt đầu nổi tiếng từ đó. Năm 1943 bà in chung với Anh Thơ, Vân Đài, Hằng Phương tập thơ Hương xuân là tuyển tập thơ nữ đầu tiên ở nước ta.
Ngoài ra, Mộng Tuyết còn có những vần thơ nhiều cảm xúc, nói lên sự kiện đau thương mà anh dũng của dân tộc Việt như: "Mười khúc đoạn trường", "Dưới cờ" (1945), "Chiếc lá thị thành" (1947). Trích một đoạn:
Đây một tờ thư của thị thành
Thả về thăm hỏi chiến khu xanh.
Hỡi anh chiến sĩ mùa thu trước,
Hơn một mùa thu bận chiến tranh.
Lẫm liệt rừng thu gió tải về
Bao tờ lá đỏ chiến công ghi.
Bao tờ lá đỏ đề lời máu,
Thề quyết thành công một chuyến đi…
(Chiếc lá thị thành)
Mộng Tuyết và Đông Hồ là hai nhà thơ mới tiêu biểu của miền Nam Việt Nam.
Thơ bà có nhiều cung bậc, lúc bàng bạc mênh mang như trong Dương liễu tân thanh; khi hồn nhiên, nhí nhảnh với Làm cô gái Huế, Em xấu hổ, Em trả thù; lúc êm đềm, dịu dàng như trong Chữ thập hồng, Mười bài tương tư… “Lời thơ tuy bình dị mà có một vẻ yêu kiều riêng, tưởng ngòi bút đàn ông khó có thể viết ra được” (Hoài Thanh).
Năm 1945, phát xít Nhật đốt thóc thay than, gây ra nạn đói khủng khiếp ở miền Bắc làm chết 2 triệu đồng bào ta, bà viết Mười khúc đoạn trường kêu gọi cứu đói cho đồng bào miền Bắc. Trong bài thơ Giá gạo Tràng An gửi Vân muội, cô hàng hoa vườn Trí Đức, bà viết:
Cấp báo về đây tự nẻo xa,
Người đang ngắc ngoải đợi chờ ta.
Vốn nghèo biết giúp gì em nhỉ!
Ngã mại kỳ văn, nhĩ mại hoa (1).
Năm 1948, Đông Hồ chủ trương “Phụ trang văn chương” trên tờ nhật báo Sống. Một hôm, trên trang văn chương số 159 ngày 18-9-1948 bỗng xuất hiện bài thơ Chiếc lá thị thành, dưới ký Mộng Tuyết thất tiểu muội, trong đó có mấy câu:
Đây một tờ thư của thị thành
Thả về thăm hỏi chiến khu xanh.
Hỡi anh chiến sĩ mùa thu trước,
Hơn một mùa thu bận chiến tranh.

Lẫm liệt rừng thu gió tải về
Bao tờ lá đỏ chiến công ghi.
Bao tờ lá đỏ đề lời máu,
Thề quyết thành công một chuyến đi…
Thật không ngờ, ngày 3-10-1948, cũng trên trang văn chương ấy có bài thơ trả lời nhan đề Lá thơ rừng của nhà thơ Huỳnh Văn Nghệ từ chiến khu gửi ra, trong đó có mấy câu:

Trời! Cảm động đọc bức thư thành thị
Gởi về thăm và an ủi chiến khu
Dấu lệ rơi trên nét chữ đã mờ,
Lời êm ả, dịu dàng và tha thiết.

…Ngày phục thù lưỡi kiếm cứ lăm le,
Và mỗi buổi trỏ gươm về hướng ấy:
Thề lấy lại thủ đô và thành thị
Để ngàn thu dân Việt nhẹ căm hờn…
Về tình bạn thì nữ sĩ Anh Thơ là một trong những người bạn thân nhất của Mộng Tuyết. Sau khi hai nữ sĩ cùng được giải thưởng về thơ của Tự Lực Văn Đoàn năm 1939, Anh Thơ viết thư làm quen với Mộng Tuyết và mời bà ra Bắc Giang chơi (Bắc Giang là quê hương của Anh Thơ). Bấy giờ Mộng Tuyết rất bận, không đi được nên làm bài thơ Đợi gió để phúc đáp

Gởi Anh Thơ
Mấy vần thơ đợi gió.
Lòng xuân thắm đỏ
Lòng thuyền nho nhỏ
Đợi nước triều lên…

…Khi xuân thắm đượm khắp nơi nơi,
Vạn vật đem xuân trả lại đời
Mà chẳng trả cho thuyền tí gió
Để thuyền thương nhớ những phương trời…
Ở Hà Nội, Anh Thơ có một vườn cây nho nhỏ trồng toàn cây của Mộng Tuyết tặng. Khi Anh Thơ vào Sài Gòn sống với chồng (bác sĩ Bùi Viên Dinh) thì những cây hoa sứ, sói, phát tài trồng ở đây. Sau khi chồng mất, Anh Thơ đem chúng ra Bắc trồng trước nhà mình. Năm 2002, nhân mừng thọ Mộng Tuyết 90 tuổi (2), Anh Thơ cũng lặn lội từ Hà Nội vào Hà Tiên để chúc mừng mặc dù năm ấy bà cũng đã 84 tuổi và không được khỏe. Thật hiếm có tình bạn nào cao đẹp đến thế.
Năm 1969 thi sĩ Đông Hồ từ trần, Mộng Tuyết vô cùng đau xót vì Đông Hồ là người thầy, người anh, người bạn đời mà Mộng Tuyết vô cùng yêu quý. Năm 1996, sau khi xây xong “Đông Hồ thi nhân kỷ niệm đường” ở Hà Tiên trên nền nhà Trí Đức học xá cũ, Mộng Tuyết bán ngôi biệt thự ở đường Nguyễn Trọng Tuyển (Phú Nhuận, TPHCM) trở về Hà Tiên, sống ở đấy để ngày đêm hương khói cho Đông Hồ. Khi có bạn bè đến thăm, bà thường chỉ vào ngọn núi Tô Châu trước mặt, nơi có mộ của nhà thơ Đông Hồ và nói
– Tôi sẽ về ở đó với anh Đông Hồ mãi mãi.
Nay thì bà đã toại nguyện. Thọ đến 94 tuổi, nữ sĩ Mộng Tuyết có một cuộc đời đẹp như mơ và trong ngần như tuyết. Những vần thơ réo rắt, du dương, êm đềm, truyền cảm của bà sẽ còn ghi một dấu ấn sâu đậm trong lòng người đọc.


Lư Khê (1916  1950), tên thật là Trương Văn Em (còn được gọi là Đệ)[1], tên chữ là Tuấn Cảnh, bút hiệu là Bá Âm, Lư Khê; là nhà thơ, nhà báo Việt Nam thời tiền chiến.
Mục lục
Tiểu sử
Ông sinh ngày 20 tháng 1 năm 1916 (nhưng trong giấy khai sinh ghi là ngày 5 tháng 2 năm 1916, vì làm giấy trễ) tại làng Rạch Vược, xã Thuận Yên, tỉnh Hà Tiên (nay thuộc thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang) trong một gia đình lao động nghèo. Thân sinh là ông Trương Văn Huynh (ngư dân) và bà Trần Thị Chín.
Thuở nhỏ, Trương Văn Em học tiểu học ở Hà Tiên, học trung học ở Cần Thơ (Collège de Cần Thơ), đậu bằng Thành chung năm1928 rồi lên Sài Gòn lập nghiệp.
Ở Sài Gòn, ông dạy học tại trường Huỳnh Khương Ninh, Đồng Nai...và cộng tác với các báo: Thế giới tân văn, Nữ lưu tuần báo, Văn nghệ, Tự do, Nay, Đông Tây, Gió mùa...
Năm 1935, ông cùng với Đông Hồ, Mộng Tuyết, Trúc Hà (cả 4 người đều được mệnh danh là "Hà Tiên tứ tuyệt"), xuất bản tờ báo Sống  Hà Tiên, nhưng phát hành ở Sài Gòn. Theo Nguyễn Q. Thắng, thì đây là một tờ báo "sớm nhất ở miền Tây Nam Kỳ, và cũng là tờ báo tiến bộ nhất so với các báo khác thời đó"[4].
Trong môi trường văn học, ông yêu nữ sĩ Nguyễn Thị Manh Manh, và rồi họ cưới nhau vào ngày 11 tháng 11 năm 1937 [5].
Sau năm 1945, ông làm Chủ bút báo Tân Việt. Từ năm 1947-1950, ông làm Giám đốc kiêm Chủ nhiệm nhật báo Sự thật và Ánh sáng. Lúc này, ông là người theo "chủ trương thống nhất và độc lập dân tộc, đồng thời đấu tranh chống thực dân Pháp" [6].
Ngày 3 tháng 7 năm 1950, ông bị những kẻ lạ mặt (dư luận cho là nhóm báo phân ly của chính phủ Trần Văn Hữu) sát hại tại nhà riêng, cùng một ngày với nhà báo Nam Quốc Cang. Khi ấy, Lư Khê mới 34 tuổi.


Hà Triều
Thân thế và thời niên thiếu
Ông tên thật là Đặng Ngươn Chúc, sinh năm  1931 tại làng Vĩnh Tuy, huyện Gò Quao, tỉnh  Kiên Giang.
Thuở nhỏ, do có điều kiện, ngoài việc học văn hóa, ông còn được học cơ bản về nhạc lý. Năm 14 tuổi, ông tham gia và trở thành nhạc công duy nhất chơi đàn banjoline và mandoline, đệm đàn trong các buổi biểu diễn Đoàn văn nghệ Thiếu nhi Cứu quốc Khu 9, do Trương Khương Trinh làm trưởng đoàn. Năm 17 tuổi, ông được cử theo học Trường Trung học kháng chiến Nguyễn Văn Tố, đến năm 19 tuổi được phân bổ vào ngành công an[1].
Bước vào sự nghiệp soạn giả
Năm 1954, ông lên Sài Gòn tìm đến nhà người trưởng đoàn cũ, bấy giờ là ký giả kịch trường Hà Huy Hà ở xóm sau nhà thờ Chợ Quán (nay là đường Phan Văn Trị, quận 5), nhờ giúp đỡ kế sinh nhai. Nhờ có nét chữ tốt, ông được giao công việc chép thơ và bản thảo kịch bản cải lương. Sẵn có máu văn nghệ, số vốn kiến thức nghệ thuật, chính trị ở trường Nguyễn Văn Tố, ông cũng tập viết bài ca lẻ (ba Nam, sáu Bắc) với đề tài có tính lịch sử cho nhạc sĩ Bảy Quới  Đài Phát thanh Sài Gòn, và một số bài phê bình sân khấu đăng trên trang Điện ảnh kịch trường của Báo Công nhân.
Năm 1955, ông gặp lại một người bạn cũ thời kháng chiến là Lương Kế Nghiệp, lúc này cũng đang lưu lạc lên Sài Gòn tìm kế sinh nhai. Năm 1956, ông giới thiệu bạn mình với Hà Huy Hà và được gợi ý 2 ông cùng hợp tác viết kịch bản cải lương. Ông bèn lấy nhuận bút mấy bài báo mời Lương Kế Nghiệp đi xem vở Tình tráng sĩ của đoàn Thanh Minh để tham khảo. Cả hai soạn nội dung rồi chia nhau viết, chỉ một tuần là xong, đem đưa nhà thơ Kiên Giang xem. Ông gật đầu đem đi dựng trên sân khấu Minh Chí - Việt Hùng. Ban đầu, tên vở được giám đốc kỹ thuật hãng đĩa ASIA - Thái Thụy đặt là Tình quê hương vì có nội dung chống quân nhà Minh, sau được đổi lại là "Vì quê hương". Nhưng đến gần ngày khai trương vẫn chưa có tên soạn giả, bị hối thúc, Đặng Ngươn Chúc lấy tên mấy người em của mình ghép lại thành Hà Triều, còn Lương Kế Nghiệp đặt bút danh là Hoa Phượng cho “ướt át”. Với kịch bản đầu tay của 2 người, bút danh Hà Triều - Hoa Phượng ra đời[2].
Hai vở diễn đầu tay "Vì quê hương" và "Sau cơn gió lốc" chẳng mấy thành công. Năm 1957,  soạn giả Kiên Giang được nghệ sĩ Thúy Nga mời về làm chỉ đạo nghệ thuật và lo việc tuồng tích cho đoàn. Vì thế, ông đã đặt hàng Hà Triều - Hoa Phượng viết vở khai trương. Ban đầu, kịch bản mang tên "Lối vào cung cấm", nhưng được soạn giả Kiên Giang đề nghị đổi sang dạng tình cảm kiếm hiệp Phù Tangvới tên mới "Khi hoa anh đào nở", với thiết kế mỹ thuật, phác thảo mô hình tranh cảnh, âm nhạc mang âm hưởng Nhật Bản... Vở diễn được công diễn liên tục trong 4 tuần, thu được thành công rực rỡ [1].
Cuộc chia tay bí ẩn
Trong 10 năm (1955-1965), liên danh Hà Triều - Hoa Phượng đã viết chung khoảng 50 vở hát. Kể từ thành công của vở Khi hoa anh đào nở, nhiều vở được khán giả hoan nghênh như Tấm lòng của biển, Cô gái Đồ Long, Nửa đời hương phấn, Nỗi buồn con gái (còn gọi làTần nương thất), Thái hậu Dương Vân Nga, Bóng hồng sa mạc, Khói sóng tiêu tương... nhưng thành công lớn nhất là những tuồng xã hội. Từ những kịch bản đó, nhiều nghệ sĩ đã thành danh như Thành Được, Tấn Tài, Thanh Sang, Bạch Tuyết, Ngọc Giàu, Thanh Tuấn,Lệ Thủy, Minh Vương, Hồng Nga, Thanh Nguyệt, Kim Ngọc
Ngoài ra, hai ông còn viết 1 vở kịch cho đoàn Thẩm Thúy Hằng là vởSông dài và cũng được hoan nghênh nhiệt liệt, sau này còn được chuyển thể thành phim điện ảnh và cải lương. Ông còn viết sách: "Cải lương - Tính dân tộc " [3].
Sự hợp tác còn mang lại kết quả bất ngờ, một cô gái nhà bên nơi 2 người ở trọ, vì mến mộ tài năng mà theo về làm vợ soạn giả Hoa Phượng. Con họ sinh ra đặt tên theo phong thái cải lương như Nhứt Nương, Nhị Lang, Tam Lang... và gọi Hà Triều là “Ba Hai” [3].
Hai ông cộng tác với đoàn Thanh Minh - Thanh Nga từ đầu năm 1960. Đến năm 1964, đoàn hát Dạ Lý Hương của bầu Xuân[4] ra đời. Hà Triều - Hoa Phượng được mời về cộng tác. Trên sân khấu mới này, cặp Hà Triều - Hoa Phượng lại nổi danh thêm với một loạt tuồng "chưởng": Cô gái Đồ Long, Anh hùng xạ điêu, Lệnh xé xác (chung với Tuấn Khanh), Thiên hà lang quân... Đến năm 1965, đoàn Dạ Lý Hương diễn vở xã hội Nỗi buồn con gái (hay Tần nương thất) của Hà Triều - Hoa Phượng, vở hát này được Ban tuyển chọn giải Thanh Tâm bình chọn là tuồng cải lương hay nhất trong năm với số điểm vượt xa các vở hát khác để phát giải "Vở hát đoạt giải hay nhất".
Bất ngờ, sau khi diễn xong tuồng Nỗi buồn con gái, liên danh Hà Triều - Hoa Phượng lặng lẽ chia tay - gây nhiều thắc mắc và tiếc rẻ trong giới nghệ sĩ và khán giả mến mộ.
Trọn đời với cải lương

Phần mộ soạn giả Hà Triều
Nguyên nhân của sự chia tay bí ẩn này mãi đến 40 năm sau mới được soạn giả Kiên Giang tiết lộ:
"Hai đứa nó không có mâu thuẫn giận hờn gì, nhưng buộc phải chia tay nhau vì bị bọn "mật vụ" phát hiện cả hai đứa nó còn là "một liên danh" từng hoạt động chung cho cách mạng từ thời Việt Minh. Sau ngày chia tay với Hà Triều, Hoa Phượngcòn trong tuổi "quân dịch" nên bằng mọi cách nó phải tránh né để yên thân, nên từ năm 1966 Hoa Phượng phải bỏ Sài Gòn ra miền Trung sống lây lất với các đoàn hát nhỏ trong nhiều năm, nhưng vẫn không yên với bọn mật vụ tay sai chế độ cũ, và anh đã nhiều lần bị bắt vì chúng nghi anh "nằm vùng"...” [5]
Những lý giải của soạn giả Kiên Giang nói trên là ý kiến riêng của ông và điều này ngoài soạn giả Kiên Giang chưa có ai xác nhận. Tính xác thực của những lý giải đó còn được bàn luận và do đó không rõ mức độ chính xác. Tuy nhiên, điều nhận thấy là mối quan hệ thân tình giữa hai người vẫn được duy trì và tiếp nối bởi con cháu Hoa Phượng với Hà Triều cho đến tận ngày ông qua đời. Và Hoa Phượng sau đó tự viết tuồng riêng, trong đó có cộng tác với Ngọc Điệp viết tuồng "Tuyệt Tình Ca", tức "Ông Cò Quận 9" cũng rất thành công [6]
Sau khi liên danh tan rã, cũng như Hoa Phượng, Hà Triều lưu lạc khắp miền Nam, viết các kịch bản cho các đoàn diễn địa phương. Ngoài ra, ông còn chuyển thể vở kịch nói Lá sầu riêng của soạn giả kịch nói Hoàng Dũng[7], với phần nhạc cải lương của Thế Châu. Vở cải lương này được dàn dựng nhiều lần, gần nhất là vào năm 2006 do Trung tâm Thúy Nga sản xuất, với ca sĩ Hương Lan trong vai chính.
Tuy vẫn tiếp tục viết nhiều kịch cho đến ngày qua đời, nhưng ông không ghi được nhiều dấu ấn như lúc còn liên danh với Hoa Phượng, một phần cũng do sự thoái trào của sân khấu cải lương. Trong cuộc sống riêng tư, mãi đến hơn 60 tuổi, Hà Triều mới gặp một người vợ cùng tá túc trong căn phòng nhỏ hẹp cạnh rạp Hưng Đạo, nhưng không bao lâu thì người vợ cũng âm thầm bỏ đi. Ông tiếp tục sống cô độc dù vẫn luôn được nhiều người quan tâm ưu ái cho đến khi qua đời [1].
Ông qua đời ngày 13 tháng 5 năm 2003 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Bạn bè và người thân của hai ông đã quyết định chọn ngày 22 tháng 10 hàng năm làm ngày giỗ chung cho đôi bạn tri kỷ trong làng cải lương [3].


Hoa Phượng
Hoa Phượng (1933  1984), tên thật là Lương Kế Nghiệp; là nghệ danh của một soạn giả cải lương Việt Nam. Ông đã hợp soạn với soạn giả Hà Triều trên 60 vở[1], và trong số ấy có nhiều vở thực sự có giá trị về nội dung lẫn hình thức. Theo sáchKỷ lục An Giang, 2009; thì ông là người "viết nhiều vở tuồng cải lương nhất tỉnh"[1].
Tiểu sử
Ông sinh ra tại Núi Sập, huyện Thoại Sơn, An Giang. Năm 1947, ông tham gia kháng chiến[1] và từng làm thơ ký tại Ty công an Long Châu Hà [2].
Năm 1955, ông gặp lại một người bạn cũ thời kháng chiến là Đặng Ngươn Chúc, lúc này cũng đang lưu lạc lên Sài Gòn tìm kế sinh nhai. Cả hai cùng hợp tác soạn nội dung tuồng cải lương rồi chia nhau viết, chỉ một tuần là xong, đem đưa nhà thơ kiêm soạn giả Kiên Giang xem. Thấy hay, soạn giả Kiên Giang đem đi dựng trên sân khấu Minh Chí - Việt Hùng. Ban đầu, tên vở được giám đốc kỹ thuật hãng đĩa ASIA - Thái Thụy đặt là Tình quê hương vì có nội dung chống quân Minh, sau được đổi lại là "Vì quê hương". Về tên soạn giả, Đặng Ngươn Chúc đã lấy bút hiệu Hà Triều[3]; còn Lương Kế Nghiệp đặt bút danh là Hoa Phượng, để ghi nhớ tuổi học trò.
Hai vở diễn đầu tay "Vì quê hương" và "Sau cơn gió lốc" chẳng mấy thành công. Năm 1957, soạn giả Kiên Giang được nghệ sĩ Thúy Nga mời về làm chỉ đạo nghệ thuật và lo việc tuồng tích cho đoàn. Vì thế, ông đã đặt hàng Hà Triều - Hoa Phượng viết vở khai trương. Ban đầu, kịch bản mang tên "Lối vào cung cấm", nhưng được soạn giả Kiên Giang đề nghị đổi sang dạng tình cảm kiếm hiệp Phù Tang với tên mới "Khi hoa anh đào nở", với thiết kế mỹ thuật, phác thảo mô hình tranh cảnh, âm nhạc mang âm hưởng Nhật Bản... Vở diễn được công diễn liên tục trong 4 tuần, thu được thành công rực rỡ.
Ngoài "Khi hoa anh đào nở", hai soạn giả còn soạn nhiều vở tuồng nữa, mà trong đó có "Nửa đời hương phấn" cũng rất thành công và được gánh hát Thanh Minh biểu diễn. Những vở tuồng của hai ông thường có nội dung xã hội với lời ca thông thường, hợp với người bình dân và đi thẳng vào thực tế ngoài đời [4]. Ngoài ra, hai ông còn viết 1 vở kịch cho đoàn Thẩm Thúy Hằng là vở "Sông dài" và cũng được hoan nghênh nhiệt liệt, sau này còn được chuyển thể thành phim điện ảnh và cải lương. Ông còn viết sách: "7 bước viết kịch bản sân khấu." [5].
Đến năm 1965, đoàn Dạ Lý Hương diễn vở xã hội "Nỗi buồn con gái" (hay Tần nương thất) của Hà Triều - Hoa Phượng, vở hát này được Ban tuyển chọn giải Thanh Tâm bình chọn là tuồng cải lương hay nhất trong năm với số điểm vượt xa các vở hát khác để phát giải "Vở hát đoạt giải hay nhất".
Sau đó, Hoa Phượng tách riêng ra và tự viết tuồng riêng, trong đó có cộng tác với Ngọc Điệp viết tuồng "Tuyệt Tình Ca", tức là "Ông Cò Quận 9" cũng rất thành công [4]
Hoa Phượng qua đời ngày 22 tháng 10 năm 1984. Sau này, bạn bè và người thân của hai ông đã quyết định chọn ngày 22 tháng 10hàng năm làm ngày giỗ chung cho đôi bạn tri kỷ trong làng cải lương [5][6].
Nhìn chung, Hoa Phượng được đánh giá là "bậc thầy, người anh, người đồng nghiệp thân thiết và tri âm của nhiều nghệ sĩ sân khấu; đồng thời còn là một soạn giả quen thuộc đối với những ai yêu mến bộ môn nghệ thuật cải lương của Việt Nam" [1].
Tác phẩm
Theo Kỷ lục An Giang, 2009, Hoa Phượng đã hợp soạn với Hà Triều khoảng 60 vở (theo báo Thanh Niên thì khoảng 50 vở trong thời gian 10 năm từ 1955 đến 1965 [2]), hợp soạn với một số giả khác một số vở, và viết riêng khoảng 30 vở. Trong số đó, có nhiều vở đáng chú ý như:
Kiên Giang (sinh năm 1929) là một trong các nghệ danh của nhà thơ, soạn giả cải lương Việt Nam, nổi tiếng với bài thơ "Hoa trắng thôi cài trên áo tím". Ông còn được xem là thầy của 2 soạn giả nổi tiếng khác là Hà Triều - Hoa Phượng.


Kiên Giang Hà Huy Hà
Tiểu sử
Nhà thơ Kiên Giang tên thật là Trương Khương Trinh, sinh ngày 17 tháng 2 năm 1929 tại làng Đông Thái, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang. Ông là đồng hương của nhà văn Sơn Nam. Năm 1943 ông theo học trường tư Lê Bá Cang ở Sài Gòn. Ông mất lúc18 giờ ngày 31 tháng 10 năm 2014 tại bệnh viện Nguyễn Tri Phương.
Ngoài làm thơ, Kiên Giang, với nghệ danh là Hà Huy Hà, còn là một soạn giả cải lương rất nổi tiếng thời đó, cùng với Năm Châu, Viễn Châu, Hà Triều - Hoa Phượng, Quy Sắc,... Các tác phẩm cải lương của ông có thể kể đến Áo cưới trước cổng chùa, Người vợ không bao giờ cưới, trong đó Người vợ không bao giờ cưới đã giúp cho nghệ sĩ Thanh Nga đạt giải Thanh Tâm và trở thành một ngôi sao trong giới cải lương.
Trước 1975, Kiên Giang còn làm ký giả kịch trường cho nhiều tờ báo lớn của Sài Gòn như Tiếng Chuông, Tiếng Dội, Lập Trường, Điện Tín, Tia Sáng,... Ông từng tham gia phong trào ký giả ăn mày và dẫn đầu đoàn biểu tình chống lại những quy chế khắt khe của chính quyền cũ áp đặt lên giới báo chí. Vì hành động này, Kiên Giang đã bị đi tù.
Sau 1975, Kiên Giang làm Phó đoàn cải lương Thanh Nga, kiêm cán bộ phòng nghệ thuật sân khấu.
Ông từng làm Ủy viên Ban chấp hành Hội Sân khấu Thành phố Hồ Chí Minh qua 3 nhiệm kì.
Hiện nay, nhà thơ - soạn giả Kiên Giang đang tá túc tại nhà một người quen ở Quận 2, thành phố Hồ Chí Minh, sống thiếu thốn, không có người thân bên cạnh.[1]

Lư Khê (1916  1950), tên thật là Trương Văn Em (còn được gọi là Đệ)[1], tên chữ là Tuấn Cảnh, bút hiệu là Bá Âm, Lư Khê; là nhà thơ, nhà báo Việt Namthời tiền chiến.
Tiểu sử
Ông sinh ngày 20 tháng 1 năm 1916 (nhưng trong giấy khai sinh ghi là ngày 5 tháng 2 năm 1916, vì làm giấy trễ)[2] tại làng Rạch Vược, xã Thuận Yên, tỉnh Hà Tiên (nay thuộc thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang) trong một gia đình lao động nghèo. Thân sinh là ông Trương Văn Huynh (ngư dân) và bà Trần Thị Chín.
Thuở nhỏ, Trương Văn Em học tiểu học ở Hà Tiên, học trung học ở Cần Thơ(Collège de Cần Thơ), đậu bằng Thành chung năm 1928[3] rồi lên Sài Gòn lập nghiệp.
Ở Sài Gòn, ông dạy học tại trường Huỳnh Khương Ninh, Đồng Nai...và cộng tác với các báo: Thế giới tân văn, Nữ lưu tuần báo, Văn nghệ, Tự do, Nay, Đông Tây, Gió mùa...
Năm 1935, ông cùng với Đông Hồ, Mộng Tuyết, Trúc Hà (cả 4 người đều được mệnh danh là "Hà Tiên tứ tuyệt"), xuất bản tờ báo Sống  Hà Tiên, nhưng phát hành ở Sài Gòn. Theo Nguyễn Q. Thắng, thì đây là một tờ báo "sớm nhất ở miền Tây Nam Kỳ, và cũng là tờ báo tiến bộ nhất so với các báo khác thời đó"[4].
Trong môi trường văn học, ông yêu nữ sĩ Nguyễn Thị Manh Manh, và rồi họ cưới nhau vào ngày 11 tháng 11 năm 1937 [5].
Sau năm 1945, ông làm Chủ bút báo Tân Việt. Từ năm 1947-1950, ông làm Giám đốc kiêm Chủ nhiệm nhật báo Sự thật và Ánh sáng. Lúc này, ông là người theo "chủ trương thống nhất và độc lập dân tộc, đồng thời đấu tranh chống thực dân Pháp" [6].
Ngày 3 tháng 7 năm 1950, ông bị những kẻ lạ mặt (dư luận cho là nhóm báo phân ly của chính phủ Trần Văn Hữu) sát hại tại nhà riêng, cùng một ngày với nhà báo Nam Quốc Cang [7]. Khi ấy, Lư Khê mới 34 tuổi.
Tác phẩm
Douleur secrète (tập truyện ngắn, Nxb Luk, 1939),
Phút thoát trần (tập truyện ngắn và tùy bút, Nxb Luk 1942)
Nhạc đêm (tập thơ)
La littérature Chinoise et ses ressources artistiques (tiểu luận)
Khảo về văn chương nước Nhật
L’ amour dans la poésie annamite (tiểu luận)
Jour perdu (tiểu thuyết)
Au fil de l’heure (thơ)
Và rất nhiều bài phóng sự, lý sự, khảo luận thơ đăng trong các báo đã dẫn ở trên [8].
Nguyễn Thị Manh Manh (1914-2005) là một nữ sĩ Việt Nam thời tiền chiến. Theo tài liệu thì bà chính là người phụ nữ đầu tiên đã đăng thơ, viết bài, lại đăng đàn diễn thuyết hô hào cho phong trào thơ mới tại Việt Nam[1].
Thân thế và sự nghiệp
Nữ sĩ tên thật là Nguyễn Thị Kiêm, sinh ngày 3 tháng 1 năm 1914 tại Sài Gòn, nhưng quê quán của bà ở Gò Công (nay thuộc Tiền Giang)[2]. Bà là con gái thứ của Tri huyện Nguyễn Đình Trị, tục danh Huyện Trị, cũng là một cây bút trong làng báo lúc bấy giờ.
Thuở nhỏ bà học ở trường Áo Tím, tức trường nữ Gia Long (Sài Gòn). Sau khi tốt nghiệp bằng Thành chung, bà gia nhập làng báo Sài Gòn. Với bút hiệu Nguyễn Thị Manh Manh, có khi ký tắt là Manh Manh, bà thường xuyên cộng tác với tờ Phụ nữ tân văn  Sài Gòn, và lần lượt viết cho các tờ báo khác như: Công luận, Nữ lưu, Việt Nam, Tuần Lễ nay...[3]
Đầu năm 1932, nhà văn Phan Khôi đề xướng Phong trào Thơ mới [4]. Hưởng ứng, nữ sĩ Manh Manh liền gửi thơ mới của mình để đăng trên tờ Phụ nữ tân văn[5]. Sau đó, nữ sĩ còn đăng đàn diễn thuyết cổ vũ cho phong trào này. GS.Phan Cự Đệ kể:
..."Cuộc tấn công của "thơ mới" vào "thơ cũ" ngày càng quyết liệt. Tối ngày 26 tháng 7 năm 1933, Nguyễn Thị Kiêm (tức nữ sĩ Manh Manh, khi ấy mới 19 tuổi) diễn thuyết tại Hội Khuyến học Sài Gòn về “Lối thơ mới”. Hội này thành lập đã 25 năm mới có một buổi phụ nữ lên diễn đàn, mà cũng là buổi đông thính giả nhất. Hơn hai năm sau (tháng 11 năm 1935), Nguyễn Thị Kiêm lại diễn thuyết một lần nữa tại Hội Khuyến học Sài Gòn. Lần này, bà và ông Nguyễn Văn Hạnh cùng diễn thuyết tranh luận về “thơ mới"...[6]
Không chỉ bảo vệ thơ mới, nữ sĩ Manh Manh còn là một chiến sĩ đòi giải phóng phụ nữ, bình quyền với nam giới. TS. Phan Văn Hoàng viết:
"Chị đả kích các tập tục hủ bại như trọng nam khinh nữ, tảo hôn, đa thê..., bênh vực những quyền lợi chính đáng của nữ giới. Trong năm 1934, chị đã đi tới 4 thành phố (Huế, Hà Nội, Nam Định, Hải Phòng) để diễn thuyết các đề tài: "Dư luận nam giới đối với phụ nữ tiên tiến", "Một ngày của một người đàn bà tiên tiến", "Có nên tự do kết hôn chăng?", "Nên bỏ chế độ đa thê không"? Ý tưởng của chị trong các buổi diễn thuyết đó đã tạo ra trong xã hội hai luồng dư luận trái chiều (tán thành và phản đối) phản ảnh qua báo chí trong Nam ngoài Bắc..."[7]
Năm 1936, nữ sĩ Manh Manh còn tích cực tham gia phong trào Đông Dương đại hội. Tuy mới 22 tuổi, nhưng nữ sĩ là một trong hai phụ nữ được cử vào Ủy ban lâm thời tổ chức Đông Dương đại hội tại Sài Gòn, bên cạnh các nhân vật nổi tiếng thời đó như  Nguyễn An Ninh,  Trịnh Đình Thảo,  Nguyễn Văn Tạo, Nguyễn Văn Nguyễn, Tạ Thu Thâu,  Phan Văn Hùm...[8]
Ngày mồng 1 tháng Mười năm Bính Tý (tức 11 tháng 11 năm 1937), nữ sĩ thành hôn với ông Trương Văn Em, người Hà Tiên, một nhà giáo dạy Việt văn ở trường Trung học Huỳnh Khương Ninh, Sài Gòn, đồng thời cũng là một nhà báo với bút hiệu Lư Khê.
Nhà nghiên cứu Trương Minh Đạt (em út Lư Khê, gọi nữ sĩ Manh Manh là chị dâu) kể:
..."Chị (Manh Manh) cư xử với nhà chồng rất tốt, được bên chồng yêu quí. Chị là thứ nữ của ông Huyện Trị, còn anh Lư Khê là con nhà nghèo ở Rạch Vược (Hà Tiên)...Song, chị không hợm mình, lúc nào chị cũng quí trọng người nghèo rất thật tình, không màu mè, không phân biệt giai cấp. Chị thường viết báo hoặc diễn thuyết bênh vực dân nghèo...Khi sinh bé Mi Nu, chị Kiêm bị sự cố không may, mất khả năng sinh sản. Năm sau, bé Mi Nu (bị liệt từ lúc mới sinh) qua đời...chị Kiêm vô cùng buồn, chị thỏa thuận cho anh có người khác...Đầu năm 1945, trước ngày Nhật đảo chính Pháp, anh Lư Khê có người vợ thứ hai...Khoảng đầu năm 1950, chị Manh Manh đi Pháp. Bên ấy chị được tin anh Lư Khê qua đời. Anh bị ám sát ngày 3 tháng 7 năm 1950. Thời kỳ này ở Sài Gònrất nhiễu nhương"...[9]
Sau thời gian dài “bặt vô âm tín”, nữ sĩ Manh Manh qua đời trong một nhà dưỡng lão ở Paris vào ngày 26 tháng 1 năm 2005, thọ 91 tuổi[10].
Tác phẩm
Nữ sĩ Manh Manh làm thơ rất ít, và chưa in tập thơ nào. Trong bộ sách Việt Nam thi nhân tiền chiến (tập 2, ấn bản kỳ nhì, 1968) xuất bản tại Sài Gòn, đã giới thiệu 4 bài thơ mới và một bài diễn thuyết của bà:
-Viếng phòng vắng, đăng báo Phụ nữ tân văn số Xuân, ra ngày 19 tháng 1 năm 1933.
-Canh Tàn, trích trong bài diễn thuyết về Thơ mới tại Hội Khuyến học Sài Gòn ngày 26 tháng 7 năm 1933.
-Hai cô thiếu nữ, đăng báo Phụ nữ tân văn, 1933.
-Bức thư gởi cho tất cả ai ưa hay là ghét lối thơ mới, đăng báo Phụ nữ tân văn số 228, ra ngày 14 tháng 12 năm 1933.
-Vấn đề Nữ lưu và Văn học. Đây là bài diễn thuyết, sau đăng báo Phụ nữ tân văn số 131, ra ngày 26 tháng 5 năm 1932.
Đóng góp cho văn học Việt
Sự cổ vũ nồng nhiệt của nữ sĩ Manh Manh về “thơ mới”, đã được Hoài Thanh-Hoài Chân kể lại trong cuốn Thi nhân Việt Nam (xuất bản năm 1941), như sau:
..."Từ hai tháng trước, hôm 26 juillet (tháng 7) 1933, một nữ sĩ có tài và có gan, cô Nguyễn Thị Kiêm, đã lên diễn đàn Hội Khuyến học Sài Gòn thành lập đến bấy giờ đã 25 năm. Lần thứ nhất một bạn gái lên diễn đàn và cũng là lần thứ nhất có một cuộc diễn thuyết được đông người nghe như thế"...[11]
Ghi nhận công lao của nữ sĩ, trong Việt Nam thi nhân tiền chiến (quyển thượng) có đoạn:
..."Trong hồi dậy men của nền thơ mới, nữ sĩ Manh Manh là người đàn bà đầu tiên đáp ứng tiếng gọi đàn của nhà tiên phong Phan Khôi...Chúng ta ngày nay nhìn lại việc qua, giữa cái cũ kỹ từ nghìn đời sừng sững như cổ thành kiên cố; thế mà, bỗng chốc, một Phan Khôi táo bạo nổ phát súng cách mạng thi ca; người nữ chiến sĩ tiền phong anh dũng và hăng say hoạt động để bảo vệ và củng cố nền tảng thơ mới bén rễ và sống mạnh, ta phải kể Nguyễn Thị Manh Manh, một tay đã đóng góp công lao không nhỏ cho nền văn học đất nước [12].
Giới thiệu một bài thơ mới của nữ sĩ
Trong cuộc diễn thuyết vào đêm 26 tháng 7 năm 1933 tại Hội Khuyến học Sài Gòn, nữ sĩ Manh Manh có "trưng ra làm điển hình” [13]một bài thơ mới của mình như sau:

Canh tàn
Em ơi, nghe lóng nghe
Gió đêm thoáng qua cửa...
Lụn tàn một góc lửa,
Lạnh ngắt chốn buồng the.
Gió đêm thoáng qua cửa...
Não dạ dế tỉ te
Lạnh ngắt chốn buồng the...
Em ơi, khêu chút lửa.
Não dạ dế tỉ te
Gió ru! "...thiết chi nữa..."
Em ơi, khêu chút lửa
Rồi lại ngồi đây nghe.
Gió ru: "...thiết chi nữa..."
Sụt sùi mấy cành tre
Em ngồi đây có nghe
Tơ lòng chị đứt nữa.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét