Người theo dõi

Thứ Ba, 5 tháng 1, 2016

PHÍA BÊN KIA SÔNG PHẦN II -CHƯƠNG V-

PHẦN II

CHƯƠNG V:
NHÌN NGÓ LUNG TUNG RỒI BỎ ĐÓ,

 

Xóa bài làm lại phen này nhé-
Lưng vốn tiêu tùng. Túi trống không
Mò mẫm đi lần qua lối mới,
Cẳng giò khệnh khạng bước lung tung

Thế là hết. À không chấm dứt chứ. Chấm dứt rất nhiều thứ, nhiều thứ buồn cũng như vui. Còn lại chăng la trước mắt mộtSài Gòn đang nháo nhác đổi thay. Tôi và Ngọc, em trai tôi, sau khi thoát khỏi chiến trường Huế trở về, đang nằm tại căn cứ Long Bình. Từ nơi đó nó tìm gặp tôi. Chúng tôi thật sự mang tâm trạng hoảng loạn khi nhìn một đại đội CSDC tan hàng ngay cổng trường Nguyễn Thái Học ở góc đường Trần Hưng Đạo, Nguyễn Thái Học tại Sài Gòn, viên đại úy đại đội trưởng đã tập hợp đơn vị mình trước cổng trường cho giá súng ngay ngắn đúng theo quân lệnh, sau khi đã rút cơ bẫm và nói vài lời chia tay. Bất giác tôi đưa tay sờ vào thắt lưng nơi giắt khẩu Smit-Wesson P.38.[i] Ngọc nắm tay tôi nói khẻ:


- Anh hai, mình xuống bến Bạch Đằng.
- Chờ chút nữa đã. Không hiểu sau tôi lại nói thế
Bổng tôi nghe tiếng rú của xe tăng, đang đứng trên tầng 2 trường Nguyễn Thái Học, tôi nhìn về hướng Chợ Lớn, một chiếc T.54 đang chạy tới, tôi đảo mắt nhìn quanh, bổng thấy một hỏa tiển M.72[ii] dựng sát tường gần đó, tôi bước tới với lấy như một cái máy, rồi bật máy nhắm và gương lên ở tư thế sẵn sàng kích hỏa. Một bàn tay để nhẹ lên vai tôi, khi tôi quay lại, một đại úy CSDC. Đại úy Trương nhìn tôi cười buồn:
          - Thôi. Không giải quyết được gì đâu? Thế hệ chúng ta chết quá nhiều rồi.
Chiếc tăng vụt qua, tôi nhìn trong ánh nắng lấp lóa, hình như có một xác người nằm vắt ngang pháo tháp, tôi thẩn thờ hạ khẩu M.72 xuống, bắt tay viên đại úy, nói nhỏ:
- Cám ơn Đại úy. Tôi không rõ mình đang làm gì? Chúc Đại úy may mắn.
- Tôi cũng thế, chúc anh may mắn.
Tôi kịp hỏi anh tại sao lại là CSDC vì không kịp và không cần thiết. Và câu nói của Trung Béo hiện nhanh như một ánh chớp “không có gì buồn hơn, khi đời mất một người” Đây là một câu thơ mà tôi đọc ở đâu đó và đã có một lần tôi đọc cho Trung Béo nghe, bây giờ thì không nhớ nữa, không có thời gian nhớ nữa. Tôi nhìn lại thấy Ngọc đang đứng dưới cổng trường ngoắc tôi. Tôi vội vàng chạy từng ba bậc một, xuống đến nơi hai anh em kêu xe ra bến Bạch Đằng. Không biết cơ man nào là người ở đó, ngoài kia sông những tàu Hải quân đen đặc cả người, những xuồng máy đưa ra cũng đông không kém, đứng nhìn loay hoay một lúc chúng tôi thấy là không thể nào chen chân được. Tôi bất chợt quay lại “ Xin thân tặng những người anh em Cộng Sản. I go to over sea “ Ai đó đã viết một câu như thế trên một tấm bìa cứng và gắn lên cái yên xe Honda 67. Trên xe cắm sẵn cái chìa khóa. Không hiểu sao tôi không lấy chiếc xe mà lại nói với Ngọc:
          - Thôi em. Đi như thế này, ba mẹ không biết phải làm sao, cứ về đi tới đâu hay tới đó. Ít nhất ba mẹ cũng nhìn thấy một lần.
           Vừa nói tôi vừa lôi em tôi thoát ra đường và kêu xe về xa cảng, suốt đoạn đường hơn mười cây số, không biết bao nhiêu là súng đạn, quân trang, quân dụng, súng ống vất đầy. Khi đến Xa Cảng Miền Tây, chúng tôi không thể nào tìm được xe về Rạch Giá, đường bị tắt. Chúng tôi quay lại cầu Chữ Y qua quận tám để về Rạch Giá qua ngả Gò Công, đến cầu chữ Y tôi buộc phải bỏ lại cái túi xách, trong đó chỉ có mấy bộ quần áo, còn lại toàn là sách. Tôi đứt ruột quăng cuốn Doctor Zhivago của Boris Pasternak, Câu Chuyện Một Giòng Sông, Đôi Bạn Chân Tình của Herman Hesse, Quần Đảo Gulag của Alexandr Soljhenitsyne[iii]. Mặt Trận Miền Tây Vẫn Yên Tĩnh của Eric Mari Remarque và một số sách lịch sử. Chúng tôi phải đi bộ, đi xe lôi, xe đò, nghĩa là đủ loại phương tiện. Dọc đường, lác đác cảnh người ta tụ tập dăm ba chục người reo hò. Còn lại là một khung cảnh nặng nề, được điểm xuyết những xác chết của lính bên này, bên kia và của dân thường vẫn còn nằm rải rác cùng với giòng người hoảng loạn xuôi ngược trên đường bằng bất cứ phương tiện nào. Những nén nhang thắp vội bên những xác chết có cái gì đó đắp điếm hoặc lạnh lẽo phơi bày giữa cái nắng xế oi nồng của tháng tư. Anh em tôi đến thị xã Gò Công thì trời sụp tối. Khi ngang qua toà Hành Chánh, tôi hết hồn khi nhìn thấy lá cờ vàng ba sọc còn dựng ngay cổng vào và bên dưới có một xác người mặc đồ lính dù, trên ngực áo mang lon không rõ là đại úy hay đại tá. Anh em chúng tôi nhanh chóng đi tìm nhà trọ, nhưng vô phương. Cuối cùng chúng tôi vào bệnh viện Gò Công. Trong bệnh viện toàn là lính rả ngũ. Không còn bóng dáng của Bác sĩ, y tá hay bệnh nhân. Trong hoàn cảnh này những người như chúng tôi không còn có chỗ qua đêm nào tốt hơn nơi này. Sau khi tìm được chỗ nghỉ qua đêm, tôi dặn Ngọc ở yên lại đó. Tôi mặc thường phục nên đi đứng dễ dàng hơn, tôi tìm ra quán mua hai bọc café đá và một gói Capstan. Trở vào, hai anh em ngồi uống café và hút thuốc thay cơm
           - Anh cho xin điếu thuốc. Tôi quay lại thấy một người mặc bộ đồ lính dù mang lon thiếu úy. Ánh đèn đường hắt vào tôi bật reo lên:
             - À. Thành. Thằng Vân đâu?
             - Anh ấy đi rồi.
             Tôi hết hồn:
             - Cái gì ? Nó đi đâu ? Tôi lắc mạnh tay Thành.
             - Anh ấy đi rồi. Anh ấy xuống tàu tại Vàm Láng. Anh ấy rủ tôi đi. Nhưng mẹ tôi chỉ còn lại một mình.  Đành về vậy ? Dầu chết hay tội tù, mẹ tôi cũng biết ở đâu?
            Tôi đưa Thành thuốc hút, Ngọc đưa cho Thành bọc café, rồi chúng tôi yên lặng ngồi bên nhau cho đến khi cả ba ngủ gà gật. Trời oi nồng đến khó chịu, nhưng chúng tôi thiếp đi. Trong mê mệt, không biết bao nhiêu ác mộng đã diễn trong những giấc ngủ này. Bổng dưng tôi nghe nhốn nháo. Tôi bật ngồi dậy nhìn ra hành lang. Một toán khoảng 10 người mặc quân phục giải phóng quân, súng lăm lăm trên tay đi lướt qua, Bất giác tôi đưa tay sờ vào thắt lưng, cái lạnh của khẩu súng chạy suốt qua sống lưng tôi như một luồng điện. Họ đi thẳng, những người lính Sài Gòn nằm ngủ la liệt khắp các giường bệnh và cả ngoài hành lang. Một số không ngủ được ngồi hút thuốc, đưa mắt e dè nhìn họ. Tất cả đều căng thẳng  Ngọc và Thành vẫn ngủ say. Tôi nằm xuống nhìn lên trần nhà suy nghĩ lung tung. Những cảm giác phức tạp nối tiếp nhau hành hạ tôi cho đến kiệt sức.
Sáng hôm sau chúng tôi tìm một quán café, những người có mặt trong quán nhìn nhau e dè, họ nói với nhau rất nhỏ và chúng tôi cũng thế. Cuối cùng tôi bảo Thành và Ngọc nên tìm một nơi nào đó để vất bỏ khẩu súng trong người. Cả hai im lặng, khẩu súng của tôi, tôi đã nhét dưới nệm giường trong bệnh viện. Chúng tôi tìm một cái quán, uống vội ly café rồi từ giả nhau, và chúng tôi không gặp lại Thành nữa. Anh em chúng tôi đi về Mỹ Tho, trên đường tôi gặp một người lính địa phương quân, ăn mặc quân phục chỉnh tề như đang chuẩn bị tham dự lễ duyệt binh với balô vuông vắn và súng đạn còn bóng hới. Anh ta đi từ tốn, thản nhiên, súng trên vai, bước đều từng bước đúng quân cách và khuôn mặt như dại đi.
            Cũng cái kiểu hành trình đi qua những cảnh quan na ná như ngày hôm qua. Thỉnh thoảng chúng tôi gặp những anh Giải Phóng quân thứ thiệt. Trông họ cũng không đáng ngại lắm, nhưng phải thật cẩn thận với mấy anh chàng đeo băng đỏ. Gặp phải sự ọ ẹ của mấy tay này trong khi họ đang ”lên voi…” thì mới thấm thía cái cảnh “...xuống chó“ nó ra làm sao? Tới Mỹ Tho cả hai anh em còn lại vẻn vẹn hai trăm bạc. Với ngần này chúng tôi không thể về tới Rạch Giá. Sau khi kiếm cái gì đó bỏ bụng. Tôi móc bóp tìm chiếc nhẫn cưới định bán thì bổng đâu lòi ra bốn tờ năm trăm con cọp. Ngọc cười:
- Ông khùng thật, tiền còn cũng không biết.
Tôi ngớ người hồi lâu chợt nhớ ra:
- À. Anh nhớ rồi, mấy bữa trước mày nhắn xin anh, hai ngàn, mà lúc đó anh đang binh xập xám. Sợ thua hết nên cất riêng cho mày, rồi quên.
 Nghe tôi nói, đúng ra nó phải cười tiếp, không ngờ nụ cười tắt hẵn, mặt cu cậu tối lại và im lặng không nói gì.
          Cuối cùng, chúng tôi cũng được chỗ trên một chiếc xe đò. Nhưng phải ngồi trên mui, xe chạy một đoạn, chợt một cảm giác kỳ lạ tràn vào trong tôi, có phải chấm dứt chiến tranh rồi không? Không còn đánh nhau. Không còn pháo kích. Không còn hành quân. Không còn những con đường bị gài mìn. Không còn những nhịp cầu gãy đổ. Không còn những xác người không toàn vẹn. Không còn hỏa châu tranh sáng với ánh trăng… và tôi hy vọng có thể ra Hà Nội đến thăm Văn Miếu. Có thể. Có thể lắm. Phải thế không? Phải thế không. Phải thế không…
           Tôi vụt kêu lên thảng thốt “phải thế không“. Cả rừng người ngồi trên mui xe nhìn tôi. Tiếng kêu bị gió hất về phía sau tan biến, tan biến Không để lại một âm vang. Một chút hưng phấn chợt đến rồi nhanh chóng biến đi.
           Đến phà Mỹ Thuận. Không biết cơ man nào là người là xe và cũng ngần ấy súng đạn, quân trang, quân dụng chất đống hay rơi vãi trên đường và không biết nhiêu là các ông mang băng đỏ. Có tên thậm chí mang cả súng, không có vẻ gì là Việt Cộng, đang hò hét, nạt nộ người qua lại. Lạ một điều là ai cũng răm rắp tuân theo, nhất là các anh mặc quân phục. Những khuôn mặt này thì tôi quá rõ, đào binh, quân dịch và chắc cũng không thiếu những tay du thủ, du thực theo đóm ăn tàn. Cũng phải thôi khi cuộc cờ thay đổi và tôi mong…
Khi ngang qua phà Vàm Cống, tôi tìm mua một tờ báo, tờ báo ra ngày 30.4. Cũng cái ông chủ nhiệm đó, ông chủ bút đó. Nhưng Thiệu, Kỳ, Hương bổng dưng trở thành thằng ráo trọi. Tôi nghe nhộn nhạo trong lòng rồi cơn giận dữ trào lên. Có ngon, trước đó mấy ngày kêu bằng thằng xem. Cái gì thì cái, phê phán chuyện đúng sai thì ai có nói gì đâu? Chơi cái trò láu cá vặt này trên cái phương tiện gọi là văn hóa thì đúng là còn thua cả chó. Tôi chưa bao giờ đồng ý với ông Thiệu, và cũng chưa bao giờ bênh vực ông ấy. Thậm chí là ghét nữa. Nhưng gọi như thế là không được. Tôi xé nát tờ báo thả trôi sông. Và mấy ngày sau những tờ báo này hè nhau tắt thở. Đúng thôi. Những thằng được gọi là trí thức ấy quá ngây thơ. Cộng sản không tin và không dung cho bất cứa ai không phài là đồng chí.
           Tiếp tục kiểu hành trình nhảy cóc ấy đến 10 giờ sáng hôm sau, anh em chúng tôi về tới nhà. Cả nhà mừng rỡ chào đón chúng tôi và sau đó là sự lo âu. Ngày hôm sau vợ chồng cô em kế tôi từ Cần Thơ lỉnh cà lỉnh kỉnh về nhà. Thằng nhóc bi bô chào ông bà ngoại, cô bé còn ẳm ngữa khóc ré lên khi bị đánh thức, không khí ở nhà dịu lại nhờ có tiếng trẻ con. Toàn bộ sách vở giấy tờ của tôi. Ba tôi đốt sạch. Trong đó có cả những thư từ của tôi. Cả cuốn Thi Nhân Việt Nam, hai cái bằng tú tài 2, một cái tú tài 1, luôn cả khai sinh, hôn thú Nghĩa là sạch trụi. Đứng nhìn đống tro tàn. Hơn một ngàn quyển sách, mấy trăm bài thơ của tôi được đánh máy và đóng tập. Cả một quảng đời tích cóp. Tất cả đã ra tro. Tôi không trách ba tôi. Nhưng sao mà buồn thế. Biết bao giờ tôi tìm lại được đây? Buồn nhất là mấy tập thơ tình. Khi mà tình yêu đã trở thành tro bụi. May mà hai lá thư của Lan và người góa phụ trồng hoa thì tôi đã thuộc lòng. Chỉ còn lại đây chút mong manh của một quá khứ mịt mờ.
Tôi ra Bộ Chỉ Huy lúc này là trụ sở của Ty An Ninh Nhân Dân để trình diện. Tất cả những người thân quen cũ đã biến mất hơn phân nữa như là bốc hơi vậy. chú Sáu Hưng, Đại úy Nhật, Tuân, ông cử Hiến. Ân…và một số người nữa. Và tôi loay hoay với tấm giấy chứng nhận viết tay là đã có trình diện. Đi loanh quanh ngoài phố một lát rồi về nhà. Bổng nhiên tôi nhớ và không hiểu giờ này Robert Simpson đang làm gì, nghĩ gì và anh ta đang ở đâu? Những gì anh nói với tôi cách đây mấy tháng còn vang vọng đâu đây.
            Ngày hôm sau, thằng em rể thứ ba và Ngọc là sĩ quan đi trình diện Ủy Ban Quân Quản và bắt đầu cuộc tập trung cải tạo. Không khí gia đình sum họp chưa được mấy ngày thì trở lại tình trạng cũ kèm thêm những khó khăn mới, âu lo mới cũng khốc liệt không kém, thậm chí còn hơn. Tôi thực sự hoang mang khi những tay du thủ, du thực đã từng bị tôi chiếu tướng đến ọ ẹ giở trò.
Tôi không thuộc dạng phải đi tập trung cải tạo, mà phải học tập tại chỗ do chính quyền địa phương tổ chức. Nơi chúng tôi học tập mỗi ngày là bên hông chùa Vĩnh Phước Miếu. Ngay ngày đầu tiên, Sau khi điểm danh, một cán bộ bắt đầu hắng giọng, liệt kê một loạt những tội ác của chính quyền Sài Gòn và đế quốc Mỹ gây ra, nêu một loạt những tên tuổi cụ thể của từng nhân vật gây nợ máu với nhân dân, tiếp theo là bắt đầu ca ngợi truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc. Anh cán bộ bắt dầu phần này như sau:
          - Các anh hãy nhìn lên bản đồ Việt Nam hình vuông kia?! (Vâng cái bản đồ nằm trong một cái khung hình vuông thật, đúng ra làn hình chữ nhật). Dân tộc chúng ta là một dân tộc anh hùng. Vua Quang Trung trước khi đại phá quân Thanh cũng đã đánh tan tành hai mươi vạn quân Nguyễn Huệ
           Cả năm sáu chục con người bại trận cố nén cười. Và không biết có ai như tôi không. Thay vì cố trấn áp cơn cười thì tôi nghe nhoi nhói trong lòng. Tôi không thể nào hiểu được cảm giác của mình ra sao? Anh cán bộ cứ nói, nói say sưa những gì mình có được và cố gắng vận dụng sự hiểu biết của mình để nói lên một điều gì đó lớn lao hơn. Tôi cảm thấy tội nghiệp cho sự hiểu biết của anh ta, nhưng trước nhất là tôi tội nghiệp cho bản thân mình. Đáng lý ra trên đất nước này không bao giờ có cái chuyện oái oăm như thế. Nếu như không có chiến tranh. Nhưng nó đã xảy ra và tôi ngồi chịu trận. Anh cán bộ vẫn thao thao bất tuyệt. Và tai tôi thì cứ ù ù… Rồi buổi học đầu tiên cũng qua đi. Anh ta nhìn chúng tôi bằng cặp mắt thông cảm và thân thiện. Nhưng có một vài tay mang băng đỏ chầu rìa nhìn chúng tôi bằng cặp mắt mà cách đây một tuần, có cho kẹo họ cũng không dám. Họ đang “nuôi dưỡng căm thù” đấy, để khi có dịp là biến “đau thương thành hành động” ngay.
            Những ngày học tập cải tạo rồi cũng qua. Tôi bắt đầu đối diện với khó khăn. Không việc gì làm, không tiền xài. Để kiếm tiền tiêu vặt, tôi bán dần những thứ tôi có; cái radio, đồng hồ và các thứ lỉnh kỉnh. Suốt những tháng năm lính lác tôi không để dành được một cắc, tiền lính tính liền, đôi khi còn xin mẹ. Thở dài, đó là thái độ của ông Nội, ông bà Ngoại và ba tôi. Còn mẹ tôi thì suốt ngày lẫm bẫm cái gì tôi không nghe rõ, thằng em thứ năm, cô em thứ sáu, cô em út nằng nặc đòi nghỉ học. Riêng cô em thứ ba thì suốt ngày rên rỉ than van. Và tôi có cảm giác mình trở thành một thứ dư thừa.
          Buổi sáng sau khi đi uống café về, bước vào nhà, tôi thấy công an đông nghẹt, khi tôi bước vào thì một anh chụp lại hỏi:
          - Anh tên gì? Đi đâu.
          - Tôi tên Hiền, đây là nhà tôi.
       Thế là bị thúc ké, bịt mắt quăng lên xe. Trời đất tối sầm lại theo đúng cả hai nghĩa đen và bóng. Xe dừng lại và tôi được dắt vào một nơi nào đó, rồi bị ấn ngồi dựa vào tường. Tất cả trở lại im lặng. Im lặng đến rợn người. Một lát sau, tôi nghe có tiếng chân người đến gần, rồi một giọng nói cất lên:
          - Chuyện gì đây ?
          - Báo cáo thủ trưởng. Chúng tôi đã bắt tên Hiền về.
          - Trời đất. Mời người ta về vẽ bảng cho mình mà các đồng chí mời kiểu này thì chết rồi.
          Tôi nghe mà nhẹ cả người. Rồi ai đó mở trói và khăn bịt mắt cho tôi, vừa mở vừa nói lí nhí:
          - Thế mà cháu tưởng bắt phản động.
          Tôi vẫn còn hoa cả mắt, thì nghe một giọng nói:
           - Anh ngồi nghỉ một chút cho bình tỉnh lại rồi chúng ta làm việc.
           Tôi dụi mắt và gần như không nghe gì cả nên cứ tần ngần. Ông ta lại chỉ cái ghế và nói:
          - Anh ngồi đây. Tôi là tám Thái.
        Mắt tôi lúc này đã nhìn rõ hơn, tôi kéo ghế ngồi. Truớc mặt tôi là một người đen nhẽm, khuôn mặt vuông vắn. cương nghị, tuổi trên năm mươi đang rót ly nuớc đẩy về phiá tôi:
          - Anh uống nước, chúng ta làm việc.
         Sau khi trao đổi một lát, ông kêu tài vụ đưa tôi tiền để mua nước sơn và dụng cụ. Rồi hẹn ngày thực hiện. Khi bước ra khỏi phòng, tôi đi nhanh ra khỏi cổng thì nhìn thấy ông Nội tôi đang đứng dưới gốc me bên kia đường. Tôi băng qua đường kêu to:
          - Nội, nội làm gì đứng đây.
          Thấy tôi, mặt ông sáng lên rồi giọng ông chùng xuống:
          - Chuyện gì vậy con.
          - Người ta kêu con đi vẽ.
          Ông rối rít :
          - Thôi về con. Quái, kêu đi vẽ cái kiểu gì kỳ cục.
         Hai ông cháu đèo nhau trên xe đạp về nhà. Suốt đoạn đường hơn một cây số. Hai ông cháu không nói với nhau tiếng nào. Cả nhà mừng rỡ thấy tôi về. Chuyện chưa đến đâu thì có một ông đội nón tay bèo, kè kè bên hông một khẩu K.54 bước vào. Cả nhà im bặt, anh ta lột cái nón ra, tôi nhìn ngờ ngợ, tay này trông quen quá. Anh ta lên tiếng:
          - Xin cho hỏi đây phải là nhà chú Hiền cảnh sát.
          - Vâng. Tôi đây. Tôi hơi sợ, nhưng cũng bậm gan trả lời. Anh ta mừng rỡ nói thật nhanh:
          - Chú nhớ tôi không. Tôi là Lụa. Tư Luạ.
          Tôi ngẩn người, một cái tên lạ hoắc. Không hiểu gì cả tôi nói lập bập:
         - Xin lỗi tôi thấy anh hơi quen, nhưng không hiểu gặp nhau ở đâu?
         - Hồi đó chú làm hồ sơ hoản dịch dùm cho. Tôi ở Rạch Sỏi nè? Mới mấy năm mà chú quên tôi.
          - À. Nhớ rồi, ủa sao bây giờ anh trẻ thế.
          Anh ta cười to :
          - Nhờ có giấy hoản địch nên không còn trốn chui trốn nhủi nữa, rồi làm ăn thoải mái nên nó cũng khác ra,
           Rất nhanh tôi nhớ ra một anh chàng già háp có bà vợ ốm xanh xao, vì đang mang bầu thì ít mà vì thiếu ăn và lo sợ thì nhiều, với sáu đứa con; đứa lớn hơn muời tuổi, đứa nhỏ còn ẵm trên tay. Mới có mấy năm mà cái lo sợ đã làm tôi quên bẳng. Tôi kéo ghế mời anh ngồi, trong cả nhà lảng đi nơi khác. Tôi rót nước mời anh, rồi hỏi:
           - Đi theo Việt Cộng hồi nào vậy cha nội?.
           - Lúc có giấy hoản dịch, rồi đi ra, đi vô làm ăn trong quê, gặp ông anh vợ móc nối mang ra, mang vô thư từ, thuốc men được hơn năm rồi tiếp thu.
            Tôi bình tỉnh lại rồi nửa đùa nửa thật:
            - Sao lúc đó anh không rủ tôi.
            - Tôi trốn quân dịch thì chú tha, chớ làm Việt Cộng chắc chú thịt tôi.
             - Rất có thể, nhưng thôi chuyện đã qua rồi.
             Giọng anh chùng xuống:
             - Tôi biết. Với tôi thì mọi cái đã qua. Nhưng với chú trong những ngày sắp tới, chú sẽ gặp khó đấy, mà tôi thì không thể giúp gì cho chú. Điều này làm tôi áy náy. Thành ra hôm nay ra thăm chú. Trước là nói lời cám ơn, sau nữa thì xin chú thông cảm.
           - Tôi biết. Sống trong một đất nước chiến tranh. Số phận của con người không phải tự mình định đoạt, nhưng tôi hy vọng rồi sẽ qua đi. Cám ơn lời an ủi của anh. Tôi sẽ cố gắng để không phụ lòng tốt của anh. Nói cho anh khỏi phải lo, tôi chắc được lưu dụng lại làm tay sai, nên cũng không đến đỗi nào.
              Khuôn mặt anh rạng lên:
            - Thôi mừng cho chú. Ráng nghe chú, đừng làm mất lòng ai nghe chú. Rồi như nhớ ra điều gì anh nói. A. Lúc này chắc chú không có việc gì làm nên chắc không có tiền, tôi có một ít chú giữ lấy mà xài.
            Anh dúi vào tay tôi mấy tờ giấy năm trăm đồng rồi nói bằng một thái độ rất chân tình:
          - Nếu chú không nhận là chú không thương tôi, dù không tới lui nhiều thực ra tôi xem chú như là người ơn. Không có chú, chẳng biết mấy đứa nhỏ bây giờ ra làm sao? Tôi mang ơn chú vì mấy đứa nhỏ chứ không phải vì nhờ chú mà tôi được làm Việt Cộng.
           Sau đó chúng tôi hỏi thăm nhau về chuyện gia đình. Rồi anh từ giã ra về. Tôi quay vào ông nội đứng sát phía sau:
           - Chuyện gì vậy con? Chú đó là ai ?
           - Anh ấy hồi đó trốn quân dịch, bị cảnh sát bắt. Con thấy anh ấy có đủ điều kiện để xin hoản dịch. Con giúp cho, nên bây giờ anh ấy tìm đến cám ơn.
           Ông Nội tôi lẫm bẫm cái gì đó tôi không nghe rõ.
          Thế là đã qua rồi một cuộc chiến tranh. Đối với tôi ai thắng, ai thua không quan trọng. Trong sâu thẳm của lòng mình thì tôi nhẹ nhỏm. Nhưng thực tế của cuộc sống lại là một điều khác. Hoàn toàn khác. Những định kiến của thời binh lửa vừa qua chẳng những vẫn còn đậm nét, mà hình như có ai đó đã tô thêm cho nó đậm vào. Ngoài những khó khăn về kinh tế của từng cá nhân, từng gia đình, còn có một thứ khác đang làm cho mọi người thay vì xích lại gần nhau, thì lại làm cho xa nhau hơn dù đang sống cạnh bên nhau.
            Thế là tôi được lưu dụng lại theo quyết định của ông Tám Thái, nhưng là quyết định miệng, không phải tập trung cải tạo, tôi mặc nhiên trở thành công dân, nhưng là công dân hạng ba (?). Những con người của chính quyền vừa mới sụp đổ đang bị bôi tro trát trấu đến đen mặt. Họ, trong đó có tôi, đang đón nhận những cái nhìn kỳ lạ mà bản thân họ không hiểu được. Cũng có một số ít bổng dưng ngon lành nhờ dính một chút xíu hơi Việt Cộng. Từ những những câu nói thường ngày đến các phương tiện thông tin đại chúng. Những “ Thằng Diệm, thằng Nhu, thằng Thiệu, thằng Kỳ… cho tới ngược trở lên “thằng” vua Bảo Đại, “thằng” vua Gia Long ” Ai không theo Việt Cộng thì là thằng hết ráo. Ban đầu tôi nóng mặt, rồi tiếp theo là nhộn nhạo, kế đến là quen dần. Nhưng tập nói theo thì không thể nào. Với lại, tôi là thằng lắm mồm, tập nói theo rủi trẹo họng thì làm sao. Bây giờ ghi lại lời người khác thôi mà mặt mày cũng sượng ngắc. Hầu hết những nhân vật này thì đã chết, những nguời còn thì tuổi tác của họ đều lớn hơn nhiều, rất nhiều những người đã sử dụng những từ nhân xưng kia. Thậm chí khi truy lùng phả hệ thì họ là cháu, chắt, chút, chít của những nhân vật này nữa là khác. Công tội của họ đối với đất nước. Lịch sử sẽ phán xét. Phê phán họ như thế nào đó theo quan điểm của từng người, tôi đồng ý. Nhưng cái kiểu ăn nói như thế tôi thấy nó làm sao ấy. Nhất là khi nói về một người lớn tuổi hơn nhiều. Điều này nó thể hiện ra cái gì? Nó thể hiện một con người hỗn láo, mất dạy. Nếu không, thì là một thái độ mất văn hóa, biểu hiện những mặc cảm tự ti. Đã là con cháu mà ăn nói với tổ tiên như thế thì còn ra cái giống gì?. Hãy nói “Vua Lê Chiêu Thống rước voi về dày mả tổ”, đừng nói “Thằng vua hay tên vua Lê Chiêu Thống “ . Trong ngôn ngữ hằng ngày thì còn châm chước được vì “lời nói gió bay“. Nhưng trên sách báo thì “Bút sa gà chết“. Nhưng con cháu sau này nghĩ gì về những cây bút ấy.
           Trong những ngày đầu vẽ vẽ tô tô ở ty An Ninh. Tôi chứng kiến một cảnh rất tức cười. Số là trước ngày 30.4, các nhân viên Cảnh Sát chúng tôi mỗi người được phát một cuốn sổ tay để ghi chép công việc hàng ngày. Các cuốn sổ ấy được in cùng một kiểu. Những trang đầu mỗi cuốn đều in hình của Tổng Thống, Phó Tổng Thống, Thủ tướng và Tư Lệnh CSQG Nguyễn Khắc Bình. Sau ngày tiếp thu, những cuốn sổ tay ấy bị quăng rãi rác khắp nơi. Có ba anh cán bộ, có lẽ là cấp lãnh đạo, đang ngồi ăn sáng với bánh mì chấm sữa đặc, vừa ăn vừa lật một cuốn sổ tay và nhìn hình của mấy ông ấy rồi phán một câu:
            - Đúng là những khuôn mặt ăn bơ thừa sữa cặn, nên nó cứ bì bì ra.
          Tôi dừng cọ, quay lại nhìn thì thấy trên bàn có một hộp sữa, một gói Ruby Quen Quân Tiếp Vụ có in hình một người lính Sài Gòn cầm súng trên nền lá cờ ba sọc. Loại thực phẩm dành cho quân đội. Một thứ thực phẩm, cái thứ bơ thừa sữa cặn ấy (?), mà chúng tôi ăn khi thực sự không thể tìm một thứ gì khác. Hốt nhiên người tôi rọ rạy khi thấy cái hoạt cảnh tê người này. Ôi chuyện gì xảy ra vậy? Phải rất lâu, khi cảm giác rọ rạy ấy nhạt đi. Tôi mới nhớ lại mình là ai. Cuộc sống là thế đấy, y như là một trận bóng đá. Khi đội chiến thắng nâng cúp lên thì ánh hào quang chiến thắng làm lấp lánh những khuôn mặt tái xanh vì mệt đã đành, mà cũng lấp lánh cả những vết bầm. Và luôn cả người đá phản lưới nhà. Người ta quên mệt, quên đau và quên cả mọi thứ. Cuối cùng người ta nói mọi điều đúng. Tất nhiên, luôn cả những điều tầm bậy. Có thể nói những khó khăn, những nỗi buồn trong cuộc sống mà tôi gặp phải sau ngày đất nước được thống nhất, thì đây là một nỗi buồn lớn nhất của tôi. Bởi vì, tôi không thể nào tìm ra bất cứ một lý luận nào để biện giải, để bào chữa cho cái kiểu cách ăn nói hỗn láo này. Và tôi chợt nhớ. Ôi cái radio của tôi không có cái turning, bởi vì tôi chán cái kiểu ăn đàng sóng nói đàng gió. Rất chán.
            Tôi sơn vẽ đủ mọi thứ trên đời, nhưng công việc càng ngày càng khó khăn hơn. Nhất là sau khi đổi tiền xong, vật tư, nguyên liệu càng lúc càng hiếm và đắt. Đồng tiền bị lạm phát với tốc độ chóng mặt. Ba mẹ và các em về quê, đất ruộng bị đưa vào tập đoàn, hợp tác xã. Cảnh  cha chung không ai khóc đã làm năng suất giảm đến thảm hại. Kèm theo đó là chính sách quản lý nông sản thực phẩm chưa từng có trong lịch sử.  Lúa thóc bị đo bồ, bán xài hay xay ăn phải làm đơn xin phép. Mọi hình thức mua bán ngoài hệ thống quốc doanh đều là bất hợp pháp.
              Vợ chồng tôi ở lại với ông Nội và thằng con trai của cô em thứ ba. Sinh hoạt phí của tôi không đủ cho tôi xài. Đồ đạc trong nhà lần lượt nối nhau ra đi. Gần phân nửa cháu nội, cháu ngoại của ông nội tôi kéo nhau vào trại cải tạo. Vợ tôi xin vào làm ở hảng tôm đông lạnh Fideco ngày hai chuyến đi về 14 cây số lội bộ. Tiền bạc của Ty ANND giao cho tôi mua sắm nguyên liệu vật tư. Lúc đầu tôi nhận đi mua, sau thấy khó khăn quá, tôi không nhận nữa. Viện lý do là không thể tìm ra, thế là bị phê bình không có tinh thần khắc phục khó khăn. Khắc gì nổi mà khắc, sơn tìm không ra, mua chợ đen thì giá trên trời, lạng quạng mang thêm tiếng ăn xén, ăn bớt là toi. Chưa kể là sẽ bị chụp cho cái mũ tiếp tay cho bọn gian thương (?). Riêng tôi thì đang đói. Tôi bắt đầu sử dụng khoảng thời gian rỗi rảnh vào việc mua đầu chợ, bán cuối chợ. Nhưng không quen chẳng bao lâu thì cụt vốn.

            Cuối cùng, tôi được chuyển về Ty Văn Hóa Thông Tin. Trong thời gian này, tôi mới thấm thía mấy chữ “hàng thần lơ láo“. Bấy giờ ngoài việc kẽ vẽ ra tôi được giao một chiếc La Dalat[iv] và làm tổ trưởng tổ triển lãm lưu động, trên xe luôn có ba cô hai cậu kể cả tôi. Bốn cô cậu kia tuổi trên dưới hai mươi, tất cả đều là con cháu các nhà tư sản ở thị xã, nay không đi học nữa kiếm việc làm mà tôi không biết để làm gì. Vì với số sinh hoạt phí 30 đồng tháng không đủ cho họ ăn hàng. Hình ảnh được triển lãm mang nội dung tố cáo tội ác của Mỹ và chính quyền Sài gòn cùng mọi hoạt động của chính quyền mới trong thời kỳ kháng chiến. Thực tình tôi không quan tâm lắm về nội dung của những bức ảnh này. Nhưng do bày ra, sắp vào riết rồi tôi nhớ nhẵn hết lúc nào cũng không hay. Chúng tôi rong ruỗi hết nơi này sang nơi khác, nhưng nhờ thế mà tôi để dành được chút ít. Đi đến đâu được bao ăn, bao ở đến đó, ngoài ra còn được bao nhậu, bao café. Nhưng tôi biết rõ là cần phải chừng mực, đã không biết bao nhiêu lần tôi tìm đủ mọi cách để thoái thác các bữa nhậu tối trời tối đất, viện dẫn đủ các lý do từ hợp lý đến vô lý. Bây giờ Việt Cộng không còn lo chết vì ngủ nữa, thế nên một số ít tìm cái chết khác, đó là chết vì nhậu và vì gái (?) Một ông cậu họ của tôi vừa mới được phong hàm thượng úy công an, đã phải ngậm ngùi trả lon về xứ vì cái tội sáng xỉn, chiều say, đêm kiếm gái. Và bản thân tôi phải trần lưng ra đi tìm kiếm cho ông từng ống Péniciline, từng viên Thiophénicol.

            Nhưng gì thì gì. Tôi cũng phải cắn răng để cho những lời phê phán bọn lính ngụy chúng tôi trôi tuột khỏi tai. Dưới con mắt mọi người chúng tôi là một loài quỷ dữ, giết người không gớm tay. Sự cường điệu quá đáng nhằm phục vụ những mục đích chính trị, chẳng những không làm cho chúng tôi cảm thấy hổ thẹn, mà là bực tức. Đồng ý là trong chính quyền Sài Gòn không thiếu những thằng người đã trở thành thú vật. Nhưng tên nào ra tên đó. Cái kiểu vơ đủa cả nắm này coi bộ không ổn, mà không ổn thật. Khi con người bị dồn vào đường cùng thì rất dễ manh động, dù bản chất ai đó có thể là một tên nhát gan. Những tổ chức phản động bắt đầu manh nha.
Trong khi đó đợt đánh tư sản đầu tiên mở ra. Một thứ không khí đặc quánh trùm phủ xuống cả miền Nam. Kèm theo là những cú tịch thu nhà cửa, tài sản của những viên chức cao, trung cấp của chính quyền cũ và cơ sở sản xuất, nhà cửa của những nhà tư sản. Một thuật ngữ mới toanh đươc biết đến trong kinh hoàng “ Tư sản mại bản” và “tư sản dân tộc”. Tôi không có bất cứ một thứ cảm nhận nào, bởi vì là một tên tép riu, túi không lưng túc. Nhưng những kẻ có tiền bắt đầu làm ra dáng nhà nghèo. Một đợt sóng ngầm bắt đầu lộ diện. Trong khi có lắm người sợ mình giàu thì có những người khác nhân theo đó đeo đuổi mộng làm giàu. Tất nhiên là với một tư cách không có gì trong sáng. Và tôi thì vẫn cứ lơ mơ. Thuật ngữ tư sản mại bản và tư sản dân tộc trở nên phổ biến, mà không ai đủ khả năng để phân định sự khác biệt của hai thuật ngữ này. Mọi thứ trở nên đảo lộn. Và tôi cũng giống như mọi người, kể cả người nói, thì hoàn toàn không hiểu như thế nào là tư sản mại bản, như thế nào là tư sản dân tộc. Sự giàu có là một giá trị bằng con số không sự nghèo nàn bắt đầu lên giá, nhưng giá trị là bao trong xã hội hiện tại thì cũng không ai biết.
           Khi những cuộc triển lãm như thế làm xong nhiệm vụ thời sự của nó, tôi lại trở về hẵn Rạch Giá và nằm chơi xơi nước tại nhà văn hóa Nguyễn Trung Trực. Đây là một thư viện do chính quyền cũ xây dựng, vừa mới bàn giao xong thì tiếp thu và nó bị bỏ trống. Ở không, tôi bắt đầu đi long nhong, các bạn bè, đồng nghiệp, người quen xưa như là một mảng bèo tan tác. Người ở, người đi, người mất, người còn. Số còn lại thì tất bật loay hoay với những khó khăn của mình. Và một lần nữa tôi đón nhận sự e dè ghẻ lạnh của những người quen cũ. Tôi được mọi người nhờ vã chuyện này chuyện khác. Nhưng tôi lo cho tôi còn chưa xong nữa là giúp cho ai. Giải thích không ai tin mà còn làm cho người ta ghét. Đôi khi còn phải đối phó với những ánh mắt nghi ngờ của một số cán bộ trong Ty VHTT. Thực sự khó khăn. Rồi một dịp may đến. Tỉnh Quảng Ninh gởi tặng cho Kiên Giang một thư viện, tôi lại được phân công tạm thời quản lý. Trúng mánh. Thế là bận bịu tối mặt, tối mũi, sắp xếp, trang trí, tham gia lớp tập huấn quản lý, điều hành và kể cả cách sử dụng. Nhưng tôi lại chẳng dại gì mà không mở ra bên trong xem đống sách ấy viết gì? Thế là hơn hai tháng, mỗi ngày tôi ở thư viện 14 tiếng, thậm chí có hôm ngủ lại luôn.
Rồi mọi việc cũng đâu vào đó. Trong lúc chờ mở cửa hoạt động, tôi có nhiều thời giờ hơn chúi đầu vào sách. Tất nhiên là tôi cũng biết chọn cái để mà đọc. Một thế giới mới mở ra, tôi nghiến ngấu lấy nó, sự khát khao đã được đáp ứng. Nhưng thú thật, tôi dù cố gắng hết sức, luôn cả khi vận dụng tối đa kiến thức mà tôi có và sự thôi thúc của tính tò mò. Tôi vẫn lâm vào tình trạng câu hiểu, câu không, câu mù mờ. Bởi vì, nó mới, nó khác và hoàn toàn lạ hoắc, lạ huơ với những gì tôi nhận được từ trước tới giờ. Trong đó nó có một cái gì đó na ná như là kiêu ngạo, quá khích. Cuộc sống đời thường bị ý chí hóa đến khổ sở. Nhất là sách thi ca, văn học và phê bình văn học. Tố Hữu không còn là Tố Hữu của Từ Ấy. Xuân Diệu không còn là Xuân Diệu của Thơ Thơ, Thế Lữ không còn là Thế Lữ của Lửa Thiêng Tất nhiên, sự cảm nhận của tôi thì vẫn là của tôi. Bản thân nó chẳng nói lên được điều gì? Bởi vì những người ấy là đáng tuổi cha chú của tôi, nhân cách, tài hoa và cách sống của họ, suy nghĩ của họ chỉ có thể tác động vào tôi chứ không bao giờ ngược lại. Thế nên nhận xét của tôi chẳng qua là chỉ cho vui, cho thỏa mãn cái đầu háo sự. Nhưng dù gì thì đọc những gì mà các bậc cha chú, mà tôi luôn luôn ngưỡng mộ, viết sau năm 1954. Tôi thấy buồn buồn. Không hiểu nổi và không cảm nổi.

            Thế là tôi lại đọc tiếp cái mảng sách mà tôi chọn đọc đầu tiên ấy. Văn học và thi ca. Sách của các tác giả Miền Bắc viết thì còn hiểu được. Nhưng với sách dịch, nhất là các tác giả Liên Xô trưởng thành sau cách Mạng tháng mười thì quả tình tôi chịu thua. Một phần vì không hiểu mà khi đã hiểu thì không tiêu hoá nổi. Tìm đâu ra trong cuộc sống đời thường những con người như Paven trong “ Thép đã tôi như thế ấy“. Đối với các tác giả tôi quen tên biết tiếng từ thời tiền chiến, thì cách viết của họ sau năm 1954 thì tôi có cảm tưởng như là của ai viết mà ký tên của họ vậy. Ôi cái đầu bé tí của tôi. Nhưng cũng có một tác giả làm tôi thật cảm động. Ma văn Kháng, ông ấy viết mềm hơn, cách đặt vấn đề của ông thì gai góc, nhưng cách giải quyết vấn đề của ông ấy nhẹ nhàng hơn, gần gũi và dễ cảm nhận. Nhưng vì cố đọc vội vã, thành ra tôi cũng không nắm bắt được gì nhiều ở ông, mãi đến sau này… Đối với các loại sách triết học và tôn giáo thì lại càng lạ lẫm hơn. Khi đọc, ngoài việc hiểu một cách lờ mờ, nó còn làm cho đầu óc của tôi quánh lại như đá. Sự cố gắng làm cho tôi mệt mỏi cộng thêm với khó khăn của cuộc sống làm cho tôi buông và tự an ủi mình và hẹn lại dịp khác. Có thể là tôi được thừa hưởng một nền giáo dục và suốt thời gian trưởng thành đã sinh hoạt trong môi trường hoàn toàn khác, nên sự cảm nhận của tôi gặp phải khó khăn. Tất nhiên. Tôi cũng không có lý do gì mà không ghé mắt vào mảng sách triết học Mark-Lénin.Và tôi húc đầu vào đá và càng húc vào thì đầu càng quánh lại. Y như tập võ công. Nhưng không phải tập lâu nên nội lực thâm hậu mà là chai đi vì không hiểu gì hết (?). Tẩu hỏa nhập ma chăng?
Thư viện rồi sẽ mở cửa, mà người quản lý nó không phải là tôi. Điều này chắc như cua gạch. Tôi cầm lại lon nước sơn và đi vẽ linh tinh. Chủ nhiệm, cán bộ kỹ thuật và các thủ thư đã đến với vị trí của họ. Việc duy nhất cuối cùng còn lại của tôi ở cái thư viện này là cầm lấy cây bút nỉ đưa những nét chữ rồng bay phụng múa vào cái nội quy. Ngoài ra không có gì hết, kể cả đến mượn sách đọc tại chỗ. Được thôi. Không đọc sách cọp, thì đọc sách mua. Đối với hầu hết cán bộ của ty VHTT tôi có quan hệ khá tốt, nhất là những người cùng tuổi hoặc nhỏ hơn. Thế nên việc tôi tìm đến thư viện là để tào lao thiên địa. Còn sách đọc ư? Cứ ra nhà sách Nhân dân. Sách rẽ như cho, tha hồ mà lựa chọn. Tôi cũng không quên tìm mua sách cũ được bán lén lút, chủ yếu là sách văn học… dần dần số sách tôi kiếm được gần bằng số sách mất đi vì bị ba tôi đốt trong ngày tiếp thu. Một khoảng trời cũ mờ xa và những chân trời mới xuất hiện. Hơn một năm, đọc sách chùa. Sau đó là đọc sách mua. Dù không nắm bắt được gì nhiều. Nhưng được cái là thời gian rỗi rải được tiêu pha một cách có lý. Thế là khi đi vẽ long rong được bao nhiêu tiền, tôi dành gần phân nửa để mua sách. Cám ơn sách, cám ơn người viết sách. Nhưng việc mua và tìm sách của tôi lúc này lại mang dáng dấp của sự sưu tập thì đúng hơn. Những tựa sách mà tôi tìm kiếm thì gần như tôi đã đọc rồi, cũng có một số thì đã nghe biết nhưng chưa đọc. Có những lúc, nhìn cái kệ sách, tôi không hiểu mình làm thế để làm gì? Khi mà cái bụng thì đói và bản thân đầy bất trắc, nếu như có ai đó chọt một phát là tôi thua ngay vì cái tội tàng trữ văn hóa phẩm đồi trụy. Nhưng khi có rủng rỉnh dăm ba chục thì tôi lại tìm tòi lục lọi và có một chút thú vị khi sắp xếp những quyển sách mới mua lên kệ. Nhưng lạ một điều. Tôi chưa bao giờ và không bao giờ để mắt tới sách của Mao Trạch Đông. Staline.
Cuối cùng tôi gặp một câu nói của Lénin “ Nhiệt tình cộng với ngu dốt là phá hoại”  Một câu nói như là một tiếng sấm nổ váng cả đầu tôi. Tôi bắt đầu mở to mắt ngắm nhìn bốn phương tám hướng, có đôi lúc đói rã họng tôi tạm quên đi thoáng chốc, để rồi câu nói ấy chạy theo tôi, chạy mãi theo tôi, để tôi săm soi chuyện người, săm soi chuyện mình.
            Lúc này cả thị xã gần như ngày nào đêm nào cũng có những chuyến vượt biên lén lút. Nói là lén lút chứ thật ra là gần công khai. Tôi nhìn sự kiện bằng thái độ bàng quan vì hai lẽ; thứ nhất là tôi không tiền, thứ hai là tôi không muốn bỏ đi. Nhiều lúc thực sự tôi không hiểu nổi mình. Tôi không thể nào xác định được là việc ở hay đi cái nào có lợi hơn, hay là nói như mẹ tôi nói, con người có số mạng. Nếu vậy thì cái số mạng tôi kỳ cục. Thằng bé con con bán bánh cà bắp còn đi được. Thế thì có lẽ cái lý do thứ hai đúng hơn. Mà ở thì như thế đó. Cái thị xã này nơi tôi đã lớn lên, quen thuộc với nó, gắn bó với nó. Nhưng càng ngày càng xa lạ, góc phố, con đường, ngôi trường nơi tôi học, những gốc me già tất cả gần như quay lưng lại với tôi. Còn con người, càng ngày càng lạ lẫm, kể cả những người có một thuở rất thân quen. Tôi đi lại như một chiếc bóng, hay xót xa hơn, như một người thừa. Đúng là số mạng kỳ cục. Những người tôi quen biết, hầu hết có dính dáng ít nhiều đến chính quyền Sài Gòn. Nhiều thì đi cải tạo, kẻ còn lại thì tìm cách vượt biên. Cả thị xã ngoài cái vẻ tiêu điều thưa vắng ra, còn có một cái gì đó ngầm chảy bên trong. Không có gì ghê gớm lắm, những tin đồn này khác rủ nhau kéo về kèm theo vô số khuôn mặt lạ hoắc, thoáng hiện rồi biến mất như ma. Tôi vẫn thản nhiên một cách cực nhọc trong sự nhớ tiếc mơ hồ.
           Cái Tết đầu tiên của ngày thống nhất và hòa bình không vui như người ta tưởng. Tôi cầm lên cây viết với hy vọng là viết ra một cảm xúc nào đó về hòa bình, về mùa Xuân. Nhưng tắc tị, những giòng chữ hiện ra nặng và đăng đắng. Cơn gió lành lạnh mang hơi hướm mùa xuân chẳng những không mang đến niềm nôn nao khi xuân đến mà làm cho tôi co ro trong một thứ xúc cảm ngược giòng. Có cái gì đó nặng nề hơn, những phong tục tập quán quen thuộc như chững lại. Những cái mới được bày ra xem chừng như lạc lỏng vì nhiều nguyên nhân. Thêm nữa, năm đó nhiệt độ xuống thấp đến bất ngờ. Chỉ có bấy nhiêu thôi cũng gây ra không biết bao nhiêu điều được đơm đặt. Điều này chứng tỏ cho chính quyền mới còn phải làm rất nhiều chuyện và mất khá nhiều thời gian để làm được một cuộc thống nhất vẹn toàn. Bản thân tôi không hiểu cái gì sẽ xảy ra cho mình. Nhưng tôi bình thản chờ đợi nó. Cũng như đã bao nhiêu lần trong cuộc đời mình tôi đã nói  ”rồi mọi cái sẽ qua đi“. Tôi đã trải qua một cái Tết ngắn nhất, nhưng có một cảm nhận đau đớn  dài nhất trong đời mình.
             Lúc này ông nội và ông bà ngoại như già nhanh hơn. Con cháu đứa xa, đứa gần, đứa tội tù, tất cả đều trở thành sự lo buồn, chứ không phải là niềm an ủi mà đáng lý ra tuổi già phải có. Và tôi có cảm giác mình có lỗi với ông bà.Vợ tôi thì đi làm từ sáng tới chiều. Đến khi về nhà là mang theo cả một kho tôm vào nhà. Cái mùi tanh của tôm như ngấm vào da thịt của cô ấy và tôi thì không chịu nổi. Mệt mỏi, lo âu đã làm vợ chồng tôi càng ngày càng xa cách. Tôi bắt đầu tìm kiếm bảng vẽ để kiếm tiền, Nhưng bảng của tư nhân thì tuyệt đối không, của nhà nước thì một đôi khi mới có, mà khi có thì trời ơi, cái tôi ghét nhất sau gần một năm biến mất đã ngóc đầu sống lại, làm mười đồng nhận mười đồng nhưng viết biên nhận nhận tiền là hai mươi đồng. Tôi quạu và không nhận, thế là mất mối, cũng may không phải ai cũng thế.
Ba mẹ tôi ở biệt trong quê, thỉnh thoảng ông Nội về thăm lại làng quê và những người quen cũ, luôn tiện nhận ít đỉnh tiền của ba mẹ tôi. Tháng tám năm 1976, ông anh cô cậu của tôi đang cải tạo ở Thứ Bảy Kinh Làng bị rắn cắn chết. Trại cho Ngọc mang xác anh về, ông Nội như cứng người lại. Nhìn thằng cháu nội đen như than đước, ngồi ăn như đồ chết đói lâu ngày. Nhìn thằng cháu ngoại chết nằm một đống, bu quanh là đứa cháu dâu ở tuổi ba mươi và bảy đứa con với bao nhiêu là nước mắt. Lần đầu tiên trong đời tôi thấy ông nội tôi khóc. Thú thật, khi nhìn ai khóc tôi cũng có thể chịu đựng được, nhưng nhìn những người đàn ông khóc là tôi như bị điện giật. Nhất là cảnh tre khóc măng. Đàng này ông nội tôi lại khóc cháu của mình. Hai mươi mấy đứa cháu nội, ngoại của ông chỉ có một mình tôi còn lại chịu trận từ trong tới ngoài lo toan một cái đám ma. Dù không chịu nổi tôi cũng phải gồng mình.
              Nhưng rồi mọi việc cũng xong, chị tôi một thân một bóng tay xách nách mang, nuôi sáu đứa con giữa trăm ngàn khốn khó, Ba mẹ tôi ra dự đám tang cháu và sụt sùi cho cho cháu lẫn con. Ngày đưa Ngọc về trại ba mẹ tôi vét sạch trong nhà cụ bị cho nó mang đi. Nhìn bóng nó hút dần, hút dần, tôi có cảm tưởng em tôi nó mang theo hết ruột gan của ba mẹ.
Vợ chồng tôi càng ngày càng xa cách, vì cuộc sống khó khăn, vì việc đi về thất thường của cả hai, và trong sâu thẳm của tôi có cái gì đó đang thức dậy, vị trí của một người cha, tôi bước vào tuổi ba mươi. Tam thập nhi lập, tôi đếch lập được gì ngoài cái số phận bọt bèo, phong cách làng nhàng, nhưng càng lúc ước muốn có một đứa con càng cháy bỏng, nhưng trong hoàn cảnh này nếu đứa bé được sinh ra thì tương lai của nó trớt quớt, dù cho tôi có cố gắng tới đâu. Sự mâu thuẩn giữa ước muốn và thực tế của cuộc sống hành hạ tôi không thương tiếc. Vợ chồng tôi cưới nhau đã tám năm, việc chưa có con là một việc bất thường, nhưng đến khi tôi nhận ra thì ôi thôi như thế đấy. Bây giờ thì muốn có, mà có rồi biết lấy gì nuôi. Vừa lúc ấy vợ tôi cắt ngắn mái tóc. Khi tôi đang khó chịu vì cảm thấy mình bị xem thường thì vợ tôi nói một câu làm tôi đau điếng:
              - Tóc của tôi mà tôi không tiếc. Ông tiếc cái gì? Lòng thòng lểnh thểnh thấy mà phát mệt.
Tôi giận muốn cành hông. Nhưng không lẽ đi cãi lộn. Ôi bao nhiêu năm không lểnh thểnh, lòng thòng. Rồi hôm nay lại lòng thòng, lểnh thểnh. Lạ thật.

             Trong những ngày lui tới thư viện, tôi gặp cô bé có cái tên là lạ. Huy, sinh viên trường Luật, khoa Luật đóng cửa. Ngộ thiệt?. Huy học hành dở dang. Nhờ có ông chú họ là cán bộ, nên cô từ Long Xuyên xuống đây làm thủ thư. Đẹp, thông minh, có một chút đỏng đảnh còn sót lại của một tiểu thư. Thực ra tôi còn tâm trí đâu mà thả mồi bắt bóng. Nhưng những nét bút bị gọi là tài hoa (?) của tôi cộng thêm cái lối ăn nói khá dẻo miệng làm cho Huy chú ý. Lúc này gần tết, tôi nhận làm rất nhiều banderoll. Không có bột màu nên phải mua giấy vàng mả về cắt chữ dán trên nền vải đỏ. Theo thói quen đi đâu khi thuận đường tôi đều tạt qua thư viện. Thấy tôi cầm xấp giấy màu vàng Huy hỏi:
           - Anh mua giấy làm gì ?
           Nhìn xấp giấy, cái tính bông đùa của tôi nổi lên:
           - Để vẽ bùa bán tết
           Huy tròn mắt nhìn tôi :
           - Anh vẽ bùa ?
           - Vâng, vẽ bùa. Tôi nheo mắt
           - Bùa yêu ? Huy cũng không kém
           - Tất nhiên. Mọi người đang thiếu vắng tình yêu mà.
           - Thế thì anh dành cho Huy lá bùa đầu tiên.
           - Được thôi. Rất cám ơn đã mở hàng.
           Nói chuyện lăng nhăng một lát, rồi tôi về nhà. Sau khi cơm nước cho ông nội và thằng cháu xong, tôi bắt đầu công việc của mình. Xong lại phải chuẩn bị buổi cơm chiều cho ba thế hệ chỉ thiếu ba tôi nữa là thành bốn. Trời sụp tối, cuồng chân, tôi lại lên xe đạp ra thư viện mà quên mang theo lá bùa cho khách mở hàng. Khi thấy tôi Huy hỏi ngay :
            - Đâu món hàng của Huy đâu ?
             Tôi quên mất, nhưng nhanh chóng chữa cháy.
             - Có đây. Nhưng phải vẽ tại chỗ và Huy hãy mở ra xem một mình mới linh nghiệm.
             Tôi rút viết và tìm một manh giấy ngoáy mấy giòng rồi xếp lại đưa cho Huy. Nhưng các cô thủ thư khác đâu có chịu thế. Nhìn thấy cái vẻ vô tư của họ tôi nhói lòng. Mình làm như vậy có đúng không. Thế là lá bùa được công khai:
            Từ bây giờ mỗi khi trời có gió.
            Gió quàng vai em đừng có ngạc nhiên
            Anh đã gởi tình anh trong gió đấy,
            Từ phương anh bay về tới phương em.
                  May mà các cô chỉ chuyền tay nhau đọc. Đến khi Huy nhận lại lá bùa và khi đọc xong, Huy bổng dưng trở thành một con người khác. Tôi không thể nào hiểu được tâm trạng Huy ra sao.        Nhưng tôi cảm nhận được dù rằng rất mơ hồ là chúng tôi đã đến với nhau.                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                    
             Tôi qua quán café ngang đó kêu một ly café đen, ngồi khuấy khuấy và đốt thuốc liên tục. Một cái gì đó đang len vào trong tôi, dịu dàng nhưng cũng mang theo bất ổn. Suy nghĩ lan man, những điếu thuốc nối nhau tàn và ly café vẫn còn gần như nguyên vẹn. Cho đến khi Huy bước vào kéo ghế ngồi ngang mặt tôi và kêu một cái gì đó cũng để khuấy chơi, tôi vẫn im lặng. Cuối cùng không hiểu sao tôi lên tiếng:
               - Huy. Cho anh xin lại lá bùa.
               Huy mở to mắt nhìn tôi nói nhỏ :
              - Anh đã gởi cho cơn gió mang đi, thì anh hỏi gió mà lấy lại, sao lại hỏi Huy ?.
              Đường phố bổng chốc vắng tanh, tôi trả tiền và cả hai ra về. Huy nói nhỏ với tôi “Em về“ và tôi lang thang qua những con đường, góc phố mà giờ đây đang từng ngày, từng giờ trở thành xa lạ với tôi. Huy. Thứ anh nhờ gió mang đi là tình yêu hay chỉ là một phút bốc đồng? Giờ này chắc vợ tôi đã mang theo về nhà một kho tôm đông lạnh và sự mệt nhọc rã rời vào giường. Một nỗi áy náy len vào lòng. Ái chà. Bốn câu thơ từ đâu mà đến nhanh như vậy.
           
            Cái Tết thứ hai lại đến. Những người có dính đến chính quyền Sài Gòn ăn tết theo dạng tiết kiệm đúng nghĩa nhất. Những người nông dân cũng thế. Phần còn lại thì rất xôm tụ và cái không khí tết chỉ về được có phân nữa. Nếu không muốn nói là một phần ba. Ông nội tôi đón cái Tết cuối cùng của cuộc đời mình. Là người được lưu dụng tôi nhận được bốn mươi đồng và cũng là số tiền cuối cùng tôi nhận được ở chính quyền mới, kèm theo là một manh giấy viết tay trả về địa phương, không có mộc và một chữ ký nguệch ngoạc. Ba mẹ tôi mang ra một ít bánh trái và một ít tiền cho ông nội và ông bà ngoại. Số tiền ấy, tôi đưa cho ông nội mười đồng, lì xì thằng cháu hai đồng còn bao nhiêu tôi đi nhậu. Đường phố trong những ngày tết vắng hoe dù rằng khác hơn tết trước. Nhưng  dẫu sao cũng còn hơn hai kỳ Noel không một bóng người, chỉ có tiếng chuông buồn như cuộc đời của Chúa. Những cái khăn rằn, bộ đồ pyjama và đôi dép cao su thưa hơn. Những bộ đồ bà ba và những cái áo chemi, quần tây đã xuất hiện mang dáng dấp hơi ngồ ngộ đã xuất hiện nhiều hơn, Tôi vẫn bàng quan ngắm nghía cuộc đời người và cuộc đời mình. “Cái phần vui vẻ cho người. Cái phần lộn xộn thì đời cho ta“. Một ý nghĩ thành thơ bất chợt và tôi cười khan. Lòng bổng nhẹ đi và nâng ly uống tiếp. Một mình.
                Cuộc bầu cử quốc hội lần đầu tiên khi cả nước thống nhất. Cái danh từ thống nhất được các phương tiện thông tin đại chúng và mọi người nói không biết bao nhiêu lần trong một ngày. Tôi cũng tham gia vào một cách không ngừng bằng cách cắt dán bande roll. Nhưng cũng có một bộ phận khá lớn chỉ nghe thôi mà không nói gì. Chính tôi cũng thế, nghe, cắt và dán nhưng không nói gì. Tại làm sao những con người đó khó mà mở miệng, vì cái lý do gì đó mà ai cũng biết. Nhưng cái số người nín thinh kia. Họ có một lý do riêng mà họ không bàn đến. Đó là cái định kiến về chính trị đã xếp họ vào loại công dân hạng hai. Như thế thì thực chất, công cuộc thống nhất chưa toàn vẹn hay nói một cách khác, mọi thứ đã thống nhất, nhưng cái quan trọng nhất là nhân tâm thì chưa. Ch8a3ng những thế mà nó còn bị cái hệ thống tuyên truyền đang say men chiến thắng làm cho phân hóa sâu thêm, xa thêm. Bằng chứng là các trại tù mọc dầy ken và đầy nhóc tù nhân cũng như những vùng kinh tế mới dành cho giới tư sản, thân nhân các viên chức quân nhân chế dộ cũ đã bị tịch thu nhà cửa gia sản. Những chuyến vượt biên liên tục đến độ như không còn tàu biển nữa, người ta đi bằng vỏ vọt bè tre và đi bộ băng qua lãnh thổ Kampuchia. Không trách ai được, chỉ có thời gian mới làm được điều này. Có điều là chính quyền mới phải tự thân giải quyết cái định kiến đối với những người từng là địch thủ của mình như thế nào? Cái khẩu hiệu “Hòa giải hòa hợp dân tộc” nghe rất êm tai, nhưng lại quá khó để mà hiểu tận tường và làm cho chu đáo. Thậm chí còn làm cho nó tầy quầy ra. Không hiểu tôi suy nghĩ ra sao mà tôi cho là; nếu chính quyền mới đã cần hai mươi mốt năm làm một cuộc chiến tranh thống nhất đất nước. Thì họ cũng phải cần ngần ấy thời gian để thống nhất nhân tâm và có thể không đạt dược nếu như cái luận điệu căm thù vẫn còn nuôi dưỡng trong tâm trí kẻ cần quyền. Tôi mong rằng cái đầu bé tẹo của tôi nghĩ sai. Họ có đủ năng lực để thực hiện điều đó nhanh hơn. Bởi vì, dù sao chiến tranh cũng đã qua rồi. Nhưng tôi đã lầm. Khi người ta không còn né tránh cái chết, thì người ta bắt đầu né tránh cái đói, cái nghèo…Nhưng né làm sao, tránh như thế nào thì chỉ có trời mà biết. Nhưng trước tiên hãy tranh thủ lấy quyền thế trước cái đã. Và trong chừng mực nào đó, chính cái đó làm cho khẩu hiệu “Hòa giải hòa hợp dân tộc” vẫn mãi là khẩu hiệu. Tôi chợt nhớ những lời nói của Robert. W. Simpson.

           Trong suốt thời gian này tôi nhận ra một điều. Sau những ngày say men chiến thắng, mọi người đã nhận ra những khó khăn đầu tiên trong cuộc sống hòa bình. Nhất là sau khi đổi tiền. Có vô thiên lủng những nguyên nhân từ khách quan đến chủ quan. Có lẽ tôi và những người có dính dấp đến chính quyền Sài Gòn, nên là những người nếm trải đầu tiên và kế đó là những người nông dân. Những hợp tác xã, tập đoàn sản xuất đủ mọi ngành nghề thi nhau xuất hiện để đáp ứng nhu cầu chính trị, nhưng về những nhu cầu chính yếu là sản xuất hàng hóa tiêu dùng, lương thực, thực phẩm thì chẳng những không đáp ứng được mà làm cho tình hình kinh tế, xã hội càng lúc càng xấu thêm. Nhất là nông nghiệp. Nguyên nhân của sự không thành công là gì? Năng lực quản lý kém. Trang thiết bị, nguyên, phụ liệu phục vụ sản xuất không đủ, thậm chí không có, lưu thông hàng hóa bị ách tắc. Những quyền lợi thiết thân của nông dân bị va chạm. Chế độ công điểm ra đời, mà kèm theo đó là bất công, phe phái và khốn khổ nhất là cái cảnh  “đông sãi không ai đóng cửa chùa“… Sản lượng lương thực xuống thấp, cực thấp. Nạn đói manh nha. Thay vì bình tỉnh nhận định để tìm ra những nguyên nhân thất bại. Người ta cố sức vào việc sản xuất lương thực, thực phẩm bằng chính sách, bằng khẩu hiệu và một thứ cơ chế cứng ngắc được xây dựng bởi những người không biết làm ruộng. Với một lập luận đầy tính kiêu ngạo và ngu ngốc “ đế quốc Mỹ sừng sõ thế kia mà còn đại bại dưới tay ta thì cái việc kinh tế mà nhằm nhò gì “. Vâng. Tôi đã nghe nhiều cán bộ có cỡ nói như thế. Không hiểu đó có phải là đường lối, chính sách chung hay không. Và bổng dưng, tôi cảm thấy buồn cười trước câu khẩu hiệu cổ động việc làm thủy lợi “Ấm no không đợi trời cho,/ Người làm ra nước sức to hơn trời” Lao động để tìm một cuộc sống ấm no đâu cần phải có sức to hơn trời, hô phong hoán vũ. Nhưng có lẽ cảm thấy chưa đủ tả, nên phải tăng thêm đô “Thằng trời đứng lại một bên,/ Để ông thủy lợi đứng trên thằng trời “ Tới độ này thì hết nói nổi. Mấy cha nội này, nếu không điên thì chắc cũng mát dây. Và khi ông thủy lợi đứng trên “thằng trời“ thì biết bao con kinh to, kinh bé được đào tung lên theo kiểu chuột moi, bờ bọng thì đắp kiểu kê cà ràng ông táo. Để rồi, chẳng những không thêm hột lúa nào mà bo bo thì lai rai xuất hiện, mà thứ này thì chẳng biết trồng ở nơi đâu. Cuối cùng, ông thủy lợi ở tuốt trên mây xanh, để lại biết bao điều ngộ nghỉnh. Cuối cùng, “Thằng Trời” khi bị báng bổ có nổi giận chăng mà không nghe nói gì. Cũng không biết đã làm cách gì mà mấy năm sau cả nước hè nhau ăn bo bo.

            Đấy, người ta đang báng bổ “Thằng Trời”. Cho rằng “Thằng Trời” là một nhân vật có thật, đầy quyền năng nên cần phải thách thức, cần phải buộc “thằng Trời” làm theo ý mình để chứng tỏ chí khí của người duy vật. Họ quên “Thằng Trời” là thiên nhiên, là quy luật vận hành của vũ trụ, mà họ thì cố tình đi ngược lại.
               Ôi trời. Tôi lại săm soi chuyện thiên hạ nữa rồi. Nhưng không săm soi thiên hạ thì thiên hạ săm soi mình. Một buổi tối đi long rong ngoài phố tôi bị một toán thiếu nhi quàng khăn đỏ chận lại và nhắc nhở bằng một cái giọng nghe dễ nổi dịch:
               - Đề nghị chú cắt tóc gọn gàng.
              Tôi sửng người nhìn chúng tự nghĩ “Ai bày ra cái trò này?”. Không hiểu sao tôi lại nói một cách thật nhẹ bằng một cái giọng điệu không phải của mình:
            - Cám ơn các cháu đã nhắc nhở. Chú sẽ hớt khi chú có tiền Nhưng chú mong là khi các cháu lớn lên bằng tuổi chú, các cháu sẽ biết tại sao cái đầu tóc của chú lại bù xù như thế này.
            Nói xong tôi mới biết mình ác. Chúng có hiểu gì đâu. Nhìn  bọn trẻ yên lặng ngó đi chổ khác. Tôi thấy chạnh lòng. Tôi là một tên chúa ghét tóc dài. Nhưng hôm nay tóc tôi phủ ót vì một lý do rất đơn giản. Không có tiền, đã hơn hai tháng nay, những đồng tiền tôi kiếm được chỉ vừa đu đủ nhét vào mồm. Rồi khi tôi quay đi thì lại có một bàn tay đặt nhẹ lên vai. Tôi nhìn lại thì thấy một bàn tay khác chìa ra hai tờ giấy hai mươi đồng mang theo giọng nói của anh tư Lụa:
             - Chú lấy tiền đi hớt tóc.
             Tôi nhìn anh rồi cười cười:
             - Bộ anh muốn tôi cạo trọc hay sao mà đưa những bốn mươi đồng?
            - Chú mà cạo trọc còn lớn chuyện hơn để bù xù như thế này. Hãy hớt như chú thường hớt ấy. Thôi tôi đi đây.
             Anh nhét vội tiền vào túi tôi rồi lên xe chạy mất.

           Qua Tết được mấy ngày, sức khỏe của ông nội suy giảm đáng lo ngại. Tôi thì bị cái mụt nhọt to tổ chảng phía sau mông. Ông nằm nhà trước, lắng nghe những nhịp điệu mệt mỏi của từng thớ thịt mình vì hoạt động trong một thời gian quá dài. Cháu nằm nhà sau chịu trận những đợt sốt váng người. Thuốc men cực kỳ khan hiếm, thằng em thứ năm và thằng Điện thay nhau đi mua thuốc. Chủ yếu là cho ông nội. Bác hai, cô ba và ba mẹ tôi nhìn nhau. Bước vào tuổi tám mươi mốt. Ông bình thản chờ đón cái chết. Thậm chí còn háo hức là đàng khác. Có lẽ ông đang nôn nóng gặp lại người ông suốt đời yêu thương, bà nội tôi. Ông một hai đòi mua sẵn cho ông một cỗ quan tài, mọi người lần lựa, chần chờ. Bổng sự cố xảy ra. Tôi vì không chịu nỗi sự hành hạ của cái mụt nhọt. Trong lúc mọi người đang tập trung vào việc đau yếu của ông nội. Tôi nhờ một ông anh họ, vốn là y tá của quân đội mổ cái mụt nhọt cho tôi. Không hiểu anh ấy mỗ cái kiểu gì mà máu ra lênh láng và tôi xỉu. Lại phải chở ra bệnh viện. Không thuốc tê, không thuốc mê, không thuốc cầm máu. Một ông chú họ là y tá trưởng của bệnh viện, không biết ông ấy xử lý như thế nào mà tôi la hét om xòm vì đau. Nhưng rồi mọi việc cũng qua. Tôi về nhà nằm quẹp, vì mất nhiều máu, nên khi ngồi dậy thì bị choáng váng. Ba bốn ngày sau khi đã bớt choáng, tôi ngồi dậy ra nhà trước thăm ông nội. Ông vẫn tỉnh táo, vẫn nói chuyện bình thường với những người đến thăm, thấy tôi ông nói:
            - Bớt chưa con. Đéo quạ con cào nay. Thanh niên gì mà có một cái mụt nhọt cũng làm sáng trời, sáng đất.
              Tôi đau nhói trong ngực:
             - Nội khỏe chưa nội.
            - Khỏe, nè ra coi sơn lại cái hòm cho nội. Tôi giật nẩy mình. Ông tiếp. Con này, nội già rồi thì phải chết. Ai tránh khỏi đâu con, sơn lại cho nội đi.
            Tôi lặng người bước qua bên chái, cái quan tài nằm đó, chưa sơn phết. Từ hôm đó, ngày này qua ngày khác tôi phải đi bộ tìm mua sơn, mua thuốc cho nội. Xe thì không thể nào ngồi, cứ cà nhắc lò dò hết nơi này sang nơi khác, hết bạn bè, người quen và cả người lạ. Thuốc hầu hết đã quá date. Tôi chỉ được quyền lựa chọn giữa các thứ quá date. Trong khi mệt tôi tìm một cái quán nào đó ngồi ngẫm nghĩ về cuộc đời của ông, từ khi tôi chưa biết gì (qua lời kể của bà nội khi còn sống và của mẹ tôi) cho đến bây giờ. Ông sống ngay thẳng, trung thực nhưng nóng nảy. Ông là người võ nghệ cao cường, nhưng chưa bao giờ tôi thấy ông sử dụng. Ngoài ra ông còn có một cái tính nữa mà cái này thì tôi coi bộ giống ông. Ít quan tâm đồng tiền, nhưng tiêu xài nó chừng mực, đúng việc, đúng nơi. Tôi giống ông có phân nữa. Ít quan tâm đồng tiền, nhưng xài bạt mạng.
             Ông cố tôi, theo lời người lớn kể lại, đất ruộng cò bay thẳng cánh. Ngày ông cố phân chia, Nội nhận phần ít nhất, không so đo, không tranh hơn, với cái lý do không giống ai so với thời đó “ Con nhận nhiều quá, làm không xuể thì phụ lòng ba má, thuê tá điền thì sẽ phải nặng nhẹ người ta, mà bán đi thì coi không được” Nhưng rốt cục, một phần vì thời cuộc, một phần vì con, vì cháu ông bán lần, bán hồi cho đến bây giờ chúng tôi không có cục đất vụt chim. Nếu có còn chăng là chúng tôi phải ghi vào lý lịch là thành phần con cháu địa chủ.
             Càng ngày sức khỏe của ông càng xấu đi. Nhưng ông vẫn tỉnh táo, sáng suốt. Bác hai, ba mẹ tôi đưa ông ra bệnh viện, vợ tôi nghỉ làm, ra vào chăm sóc cho ông. Lúc có mặt vợ chồng tôi, Nội nói cho cả hai đứa “ Nội rất thương vợ chồng con, ăn ở bao nhiêu năm rồi mà không có con, tất cả là số phận. Thằng Hiền mày mà bỏ vợ mày là mày không thương ông nội. Cuộc sống rất khó khăn, nội mất rồi vợ chồng con ở căn nhà đó, nội cho vợ chồng con đấy. “ Chúng tôi chết lặng nhìn ông. Một lát sau ông tiếp “ Bấy lâu nay nội biết vợ chồng con cắn đắng. Đừng như vậy nữa, phải thương yêu nhau, chí thú làm ăn. Nghe lời nội nghe con. Nội mất rồi, ba má tụi con ở xa. Mỗi lần muốn gây gổ với nhau tụi con nhìn lên bàn thờ Nội, nhớ Nội thì tụi con ngưng lại”. Tiếng nói ông yếu dần. Tôi hốt hoảng:
             - Nội, tụi con nghe, Nội nghỉ đi, Tụi con nghe lời nội.
            Ông nhìn chúng tôi rồi gật đầu nói nhỏ “ Nội ngủ đây “. Tôi chăm chú nhìn, ông nhắm mắt thở nhẹ, đều đều. Tôi yên tâm.
           Ba ngày sau Nội mất, sau hai mươi ngày đau yếu. Không có một liều thuốc nào được mua đúng theo yêu cầu trị liệu. Nội mất đi ở tuổi tám mươi mốt. Ông vẫn tỉnh táo, sáng suốt và bình thản đón nhận cái chết. Đám tang ông nội, Ngọc được phép về, nó đứng trước quan tài, nhìn di ảnh của ông Nội bằng cặp mắt thất thần. Tôi gần như kiệt sức, Hai bác và ba mẹ tôi thì gần như không có thời gian để than khóc. Khi chôn cất xong, Ba mẹ và anh em chúng tôi phải đi cạy nhặt từng viên gạch nằm rãi rác đó đây để xây cho ông ngôi mộ. Lúc đó, tôi mới nhận được phiếu mua được một số đồ tang chế, tẩn liệm, dù đã chôn cất xong, và tôi cũng không biết mua ba cái thứ ấy về để làm gì. Nhưng rồi một đám tang khác cần cho kịp lúc, trong khi họ đang thừa ciment. Tôi đem cho họ cái phiếu với điều kiện phải bán cho tôi mấy bao xi măng, lúc thực hiện cuộc giao dịch. Hai bên mừng rỡ nhìn nhau, cười ra nước mắt. Có lẽ đây là lần duy nhất xảy ra trong đời tôi, tôi cảm nhận rõ nét nhất cái cái ý nghĩa đích thực của câu thành ngữ “cười ra nước mắt“
            Sau đám tang ông Nội, ba mẹ tôi đem thằng cháu về quê, vợ chồng lại mỗi người một việc, tiếp tục đi về thất thường. Quan hệ vợ chồng của chúng tôi càng lúc càng trở nên lạnh nhạt. Một phần là do chúng tôi không hiểu nhau, tính tình thì khác biệt. Đã thế, chúng tôi còn không biết vun đắp. Nhưng cái lớn lao nhất làm cho chúng tôi càng lúc càng xa nhau là vấn đề con cái. Tôi thì muốn và vợ tôi thì không. Đã mấy lần vợ tôi lén lút bỏ thai. Tôi chỉ biết được khi việc đã rồi mà tôi lại không có thái độ kiên quyết. Trong lúc đó, tôi lại tự an ủi bằng mối quan hệ giữa tôi và Huy. Nhưng không một hướng giải quyết nào có thể chấp nhận được. Ngoài việc buông nhau ra, buông cả vợ tôi và Huy, nhưng đâu phải dễ dàng gì. Ước muốn có một đứa con càng lúc càng cháy bỏng trong tôi. Có một đôi lần tôi nghĩ đến việc có con với ai đó không phải vợ tôi. Nhưng tưởng tượng tới cái cảnh khi tôi nuôi con mình trong tư thế “chó ăn vụng bột” làm tôi lạnh cả sống lưng. Rồi nghĩ đến cái cảnh con tôi nhận được cái nhìn ngang ngữa của ông bà ngoại, còn ông bà nội thì ngó lơ làm tôi muốn mất thở. Với vợ tôi, tôi nghĩ đến chuyện ly dị, nhưng điều này lại càng khó khăn hơn. Những thứ tình cảm chằng chịt lôi kéo và hành hạ tôi đến tê điếng cả lòng. Trong khi đó tình hình của cuộc sống càng lúc càng khó khăn hơn, các lực lượng chống đối chính quyền mới nổi lên như nấm, thực có, giả có. Thành phần như tôi lạng quạng đi tù dễ như chơi. Dù ý thức như vậy nhưng tôi vẫn sống, vẫn sinh hoạt theo ý mình, không e dè, không gì cả. Ngày ngày kiếm việc để làm, rỗi rảnh dẫn Huy đi chơi khắp nơi.
           Và nụ hôn đầu tiên rồi những nụ hôn kế tiếp đã làm cho tôi quên đi phần nào những phiền toái của đời sống. Huy run rẩy trong tay tôi, thời gian ngưng lại rồi tan biến, mọi thứ trở nên chập chờn và hư ảo. Chỉ có chúng tôi là thực, một cái thực nhẹ như sương khói sẵn sàng tan biến, xóa sạch mọi âu lo, xóa sạch cả chính chúng tôi. Huy tỏ ý muốn sinh cho tôi một đứa con. Một thoáng hạnh phúc chợt đến nhưng nhanh chóng biến đi, bởi vì Huy ơi Không thể. Dù vậy chúng tôi vẫn tìm đến nhau mỗi khi có thể. Nhưng tôi không dám chạm tới Huy. Không phải tôi mát dây hay cao thượng gì? Có  một đứa con trong hoàn cảnh này là không được. Tương lai tôi còn gì để bàn. Nhưng của con tôi thì không sáng nổi. Mấy đời địa chủ, rồi ngụy tề. Ôi cái lý lịch đen ngòm ngòm. Chưa kể đến hoàn cảnh con ngoại hôn với trăm điều phiền phức.
        Cuộc sống lại một lần nữa tác động lên chúng tôi. Huy bị kiểm điểm vì quan hệ với tôi. Những bài thơ tình tôi viết cho Huy, được đọc lên như là minh chứng hùng hồn, phản biện lại một cách rất hiệu quả những lời tự bênh vực của Huy. Hầu hết mọi người có mặt trong buổi kiểm điểm đó đều thầm thì khen tài làm thơ của tôi và có lắm kẻ thuộc lòng, nếu không thì tìm cách chép lại. Cuối cùng Huy bị cho nghĩ việc và trả về gia đình và tôi suýt bị đưa đi cải tạo vì tội hủ hoá cán bộ (?). May nhờ chú họ của Huy, tôi thoát và quan hệ của chúng tôi đi đến chỗ chấm hết.. Tôi đem tấm lòng trống huơ, trống hoác đưa Huy ra xe về lại quê nhà. Còn mười đồng trong túi, tôi mua cho Huy cái vé xe, còn lại mấy đồng vừa đủ cho tôi một ly café đen và dăm điếu thuốc. Lòng trống không và túi cũng trống không. Từ đó, tôi không biết mình phải làm gì. Huy bước vào, rồi ra khỏi đời tôi như cơn gió thoáng qua làm rơi lại chiếc lá vàng và một nỗi buồn hiu hắt.
            Rồi khi bình tỉnh lại thì tôi mới nhận ra cái sai lầm chết người của mình. Những bài thơ tình và một cú quan hệ tình cảm với Huy, được gọi là ủy mị, làm hủ hoá cán bộ. Điều mà tôi cho là bình thường thì lại bất thường trong cuộc sống lúc này. Tôi không thua là may lắm. Cũng may là chúng tôi chưa làm gì. Để rồi sau đó, ngoài những việc làm lặt vặt không thường xuyên để kiếm tí tiền còm, để rồi sau đó là nhậu. Nhậu với bất cứ ai rủ rê. May mà tửu lượng tôi không cao và có cái tật “phá mồi trừ cơm” nên cũng không đến đỗi nào.
             Cơn say tan đi thì cơn nhức đầu ập đến. Tôi bật dậy ra nhà sau, mở đèn và tắm. Nước làm cho tôi dịu lại, tắm xong tôi đun nước pha một ly trà chanh nóng, trái chanh mốc thích, vừa ôi vừa nhạt. Thôi thì trà nóng. Ly trà làm tôi tỉnh táo, tôi ra nhà trước leo lên cái võng mà ngày xưa ông nội thường nằm. Ông nội mất, ngôi nhà trở nên trống trải. Bàn thờ tổ tiên, ba mẹ tôi đã chuyển về quê. Ngôi nhà như rộng hẳn ra, rộng đến mênh mông, trong khi tôi có cảm giác trong cuộc sống này tôi càng lúc càng nhỏ lại. Không biết những ngày sắp tới ra sao và trong cơn lan man này tôi sắp xếp lại ký ức mình. Tôi nhớ những ngày trẻ thơ rong ruổi vô tư, bày ra trăm trò nghịch ngợm. Nhớ từng khuôn mặt bạn bè thời thơ trẻ, nhớ những con người từng biết từng quen, nhớ con đường làng quê tôi rợp mát bóng dừa, nhớ con rạch Thầy Quơn dẫn vào nhà ngoại. Bên hè có cây ổi cổ thụ rất cao, nhớ những lần ngồi xuồng theo cậu Năm đi soi cá lóc. Nhớ mùa mưa nương theo những luống cày móc củ năng. Mùa cấy đi cắm câu. Mùa gió chướng về đi bắt cá hầm, cá cạn. Mùa cắt lúa theo cộ trâu, cẳng giò mốc thích… Nhớ giòng Cái Lớn mênh mông, rạch Cái Mới, Thầy Quơn ngoằn ngoèo. Nhớ những ngày cùng thằng Bình đi bứng từ cây bông móng tay trồng chung quanh hàng rào nhà nó. Nhớ cái cảm giác khi nhìn thấy những cây bông ngày hôm trước khi mới trồng thì héo rủ thì sáng hôm sau lại tươi tắn. Cái cảm giác khoai khoái đa đã mà không biết tại sao? Rồi thị xã này tôi thuộc từng góc phố hàng me, nhớ những cây bàng rợp bóng sân trường Vĩnh Lạc, những cây điệp hoa đỏ, hoa vàng trong sân trường Nam Tiểu Học, nhớ bộ đồ ba ba trắng, cái nón cối, đôi guốc vông và sau đó là bộ đồ tây và đôi dép nhựa với những trò phá tán ở thời trung học Bổng dưng tôi nhớ và thèm vô cùng cái màu xanh huyền hoặc của cỏ cây. Thằng Bình không biết lúc này nó ở đâu. Ông bà Ngoại nó mất hết rồi, ngôi nhà xưa trên miếng vuờn đầy những hoa cỏ xanh rờn ngày nào thì chỉ còn trong ký ức. Tôi nhớ làm sao những cây bông móng tay, những luống hoa mười giờ, những vệt lá gan heo và cái hàng rào xanh mướt những cọng mồng tơi Nhớ từng khuôn mặt bạn bè thằng mất thằng còn. Nhớ thằng Đạm chết tức tưởi. Nhớ thằng Thuật mà tôi đã một lần cứu nó, nhưng chiến tranh thì chẳng chịu tha. Nhớ thằng Bích chết mà con chưa biết mặt, thằng Trung Lê chết với bức thư tỏ tình chưa kịp gởi, thằng Long đã đen rồi mà khi chết còn bị cháy để đen thêm, thằng Hoàng Thạch thì chết dấm dúi ở một bìa rừng nào đó và bao nhiêu thằng nữa À. Thằng Hoàng Từ nữa, lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng đi uống bia rửa lon thiếu úy mà lập bà, lập bập kêu mấy em tiếp viên bằng chị, để rồi khi rượu vào nóng mặt bèn bậm gan măng vú chị cho vui và ngày hôm sau được truy thăng lên “cố Trung Úy”. Nhớ, nhớ lắm những bạn bè thằng mất, thằng xa. Nhớ, nhớ lắm những khung cảnh thân quen. Nhớ những người đi qua đời tôi như giấc mộng. Bổng dưng Lan lại hiện về trong tâm trí thật rực rỡ mà cũng thât u buồn. Không hiểu bây giờ Lan làm gì. Rồi Hà với những tháng ngày khốc liệt, kết thúc bằng cái chết thảm thương. Không rõ bây giờ trong khói hương u tịch chốn thiền môn có làm cho linh hồn Hà yên tỉnh, và ai, ai nữaVợ tôi, cô ấy lựa chọn tôi như là không lựa chọn. Để bây giờ như thế đấy. Tất cả, tất cả những êm đềm, cháy bỏng, những buốt xót, đớn đau. Tất cả quanh đây nhưng nghìn trùng xa cách. Tất cả như là của tôi hiện hữu. Nhưng tan biến đi rồi khỏi tầm với của tôi. Và tôi, trong những ngày sắp tới. Nghề nghiệp không, việc làm cũng không. Tôi đang trở thành gánh nặng của chính mình. Lao đầu vào cuộc bon chen bằng một thái độ xu nịnh mà người ta gọi là thức thời, thì tôi không làm được. Tôi khước từ nhận cái giấy chứng nhận là cơ sở cách mạng của một đồng chí cũ của ba tôi. Ông ấy có lý do để làm điều đó vì tôi đã một lần che chắn cho ông. Chí ít, ông ấy muốn cho tôi có một cuộc sống đỡ khó khăn hơn, thế thôi. Và tôi không nhận vì tôi không thật làm điều đó, để nhận lại một nhìn và lời trách móc “thằng gàn, sĩ diện”. Tôi không nhận một thứ không thuộc về tôi. Vĩnh viễn không làm được. Tôi không được cuộc đời trang bị cho khả năng này. Ôi may hay rủi đây. Bỏ nơi này để ra đi thì chưa bao giờ nghĩ tới, dù gì thì nơi này mới đích thực là của tôi. Bổng dưng tôi cười khan và rống lên một khúc hát “ Nhớ, Nhớ ơi là nhớ đến bất tận …”[v] Bài hát nói lên một nỗi nhớ cụ thể. Còn tôi rống lên để giải tỏa một nỗi nhớ mơ hồ. Hốt nhiên tôi nhớ những gì mà tôi nói về thân phận những thằng lính thua trận với R.S. Không biết bây giờ anh ta ở đâu và nhớ gì những điều đã nói với tôi.
            Trong quảng thời gian này, tôi đã chứng kiến thấy những bao tiền của chế độ cũ được mấy tay mò cá, moi từ dưới sông lên, rãi trắng sân nhà văn hóa Nguyễn Trung Trực. Không biết là của ai và tại sao nó lại chết chìm như thế. Những đồng tiền khi mà nó còn lưu hành, đã khuynh loát và nhấn chìm mọi giá trị đạo đức của không ít người, thì hôm nay nó lại bốc một mùi thối ghê gớm thế kia. Tôi nhớ trong đời mình, thỉnh thoảng tôi cầm một xấp tiền đưa lên mũi ngửi. Khứu giác của tôi và có lẽ của cả mọi người ai cũng đều cảm nhận được một cái mùi thơm thơm quyến rủ kia. Nhưng giờ đây thì nó thối như thế đó. Bản chất thực của đồng tiền là như vậy hay là vì cái gì? Phải chăng những phản ứng hóa học của giấy, mực làm ra đồng tiền khi tác dụng với nước lâu ngày. Hay là trong quá trình lưu hành lâu ngày nó thấm đẫm hằm bà rằng tạp chất. Hay là nó đã từng qua tay của những tên bệ rạc. Hay là vì nó là đồng tiền của một chính quyền đã sụp đổ. Tôi đếch biết. Thật sự không biết. Tôi thò tay vào túi mình, còn được mấy đồng và phân vân không biết có nên moi ra đưa lên mũi ngửi hay không. Nếu ngửi mà thấy thối chắc là tôi quăng, mà quăng thì chẳng có gì xài. Còn nếu cảm thấy nó thơm thì hèn (?). Nên bàn tay vẫn nằm yên trong túi quần.
Những đồng tiền kiếm được chẳng nhiều nhặng gì, nhưng không vì thế mà tôi trở thành một tên dè sẻn. Tôi vẫn sống theo kiểu cách của mình. Phải chăng tôi sợ để lâu trong túi thì tiền sẽ thúi ra chăng. Vợ tôi cũng chẳng khá gì hơn. Ai làm nấy xài, mỗi ngày nói với nhau không đầy ba tiếng. Những lúc buồn quá, vào Rạch Sỏi uống café với thằng Điện, nó mấy lần tìm cách vượt biên, tiền bạc hết sạch bèn đi bán café. Thằng Kiến nhè lúc thóc cao gạo kém này lại đi cưới vợ. Mới mười tháng vợ đẻ, mà đẻ một cặp, hàm răng hô sẵn nay lại hô thêm. Vợ con thằng Vân ngồi bên tủ thuốc lá cả ngày, nói là tủ thuốc lá chớ bán đủ thứ hằm bà rằn. Thằng Hải thì biệt vô âm tín và nhiều thằng khác nữa không biết ở phương nào. Thỉnh thoảng đến dẫn vợ con thằng Bích đi chơi, theo lời yêu cầu của Bác Cả, có lần bà ấy nói một câu làm tôi chới với “Vợ thằng Bích sớm muộn gì cũng lấy chồng, thôi mày lấy nó cho bác yên tâm “. Tôi lặng thinh không nói, nhưng sau lần đó mỗi khi tôi ghé, nói dăm câu, cho cháu dăm đồng rồi tôi biến. Việc xảy ra giữa tôi và Bác Cả đã làm cho tôi suy nghĩ về thái độ ứng xử của mình. Thực ra giữa tôi và vợ Bích không có lấy một giây, một phút nào nghĩ về nhau. Cái quan hệ của chúng tôi là quan hệ bạn bè. Chúng tôi muốn thông qua nhau để tìm lại một chút hình ảnh nào đó của người đã khuất. Riêng về Bác Cả, không phải bà ấy không biết tôi đã có gia đình. Nhưng bà cũng biết vợ chồng tôi chưa có con và trong một giây phút cạn nghĩ, bà cho rằng nếu đề nghị ấy trở thành hiện thực thì sẽ đáp ứng được yêu cầu của tôi và của bác ấy. Bởi vì bác cho rằng tôi sẽ cho vợ con của Bích sự chăm sóc chu đáo (?) Ôi tấm lòng của bà mẹ, ích kỷ đến độ không có gì để phàn nàn.
            Tôi có hai người dượng rể, một ông bên nội, một ông bên ngoại, cả hai đều theo Việt Cộng, Ông bên nội thì làm nội tuyến trong Nhân Dân Tự Vệ. Ông bên ngoại thì ra chiêu hồi rồi hoạt động nội tuyến trở lại, cả hai loại mà tôi thù ghét nhất trên đời. Cả hai đều chẳng giống ai. Ông bên nội không hù mà làm thiệt. Ông bên ngoại không làm thiệt mà hay hù. Tôi thân lính ngụy phải đau tim từng chập. Né ông này thì dính phải ông kia. Ông bên nội làm đề nghị đưa tôi đi cải tạo, nhưng không hiểu sao chú tám Thái bên công an không bằng lòng, lần thứ ba tôi thoát. Ông bên ngoại thì cứ bảo; nay nói có đơn tố cáo, mốt đơn thưa. Riết rồi thấy mấy ổng đàng tây, tôi lánh đàng đông. Ngặt nỗi nhà gần nên tránh thế nào cũng gặp. Thôi kệ.
              Hàng ngày, ngoài việc đi vẽ kiếm tiền, tôi đọc sách. Có lần thầy Nhiển thấy tôi đọc cuốn Làm Gì của Lénin, thầy cười bảo tôi:
              - Không thể làm Cộng Sản được đâu con ?
            - Thưa thầy, con biết. Nhưng thương ai, ghét ai mình cũng phải biết được ít nhiều về họ thì sự thương ghét ấy mới rạch ròi.
              - Đúng, con nói đúng. Trong hoàn cảnh này, thầy biết con đang bị tác động từ nhiều phía, và con đang cố gắng để con vẫn là con. Thế nên, thầy khuyên con hai việc: Thứ nhất là phải biết tự kềm chế. Có rất nhiều cách để thể hiện mình. Trong hoàn cảnh hiện tại. Sự lựa chọn một thái độ là một việc khó khăn. Bởi thế sự kềm chế là phương cách tốt cho con trong lúc này; thứ hai là con phải sống, vì chỉ có sống con mới làm được điều con muốn. Mà cái con muốn thì thầy biết rõ rồi, đó là con không muốn rời bỏ đất nước mình, ngoài ra con còn có một ước mơ. Những khó khăn hiện tại, suy cho cùng là một điều kiện cần thiết cho ước mơ của con thành hiện thực. Con đã từng nói với thầy Khương cách đây mấy ngày là con nhận ở đời sống hơi nhiều, nhưng đáp lại thì chưa. Cái khó cho con là, con là một người hiểu biết, ham hiểu biết và có lòng nhân, nhưng hành động thì xốc nổi. Vậy thì, hãy cố gắng lên.
           Điều thứ nhất thầy khuyên thì quá rõ, điều thứ hai tôi chỉ lờ mờ dù thầy giải thích khá tường tận. Tôi chợt nhớ đến những ngày tuổi nhỏ, tôi được hai thầy đánh giá khá cao. Những ý kiến đó cho đến giờ hai thầy vẫn còn giữ, mà tôi thì chẳng ra cơm cháo gì. Ngoài những cái tài vặt và cái miệng hơi dẻo. Tôi cảm thấy hối hận là mình đã rong chơi quá nhiều mà cuộc sống thì cần có sự cần mẫn. Bao nhiêu năm rong ruổi trên đời. Những bước chân tôi đã bước qua biết bao nhiêu nẻo đường vô định. Thấy cái gì cũng mê, ngoại trừ một thứ. Tiền, cái thứ quái ác này, tôi biết nó là một điều kiện ắt có nhưng chưa phải đủ cho cuộc sống. Trong lúc tôi lại vung vãi cái ít oi mà mình có; đại loại như chính khả năng mình. Tôi thuộc loại thích đủ thứ. Tôi sẵn sàng bỏ ra một khối tiền để mua sắm một món đồ hay làm một điều gì đó mà mình thích, hoặc bỏ ra hàng khối thời gian làm một chuyện gì đó mà giá trị của nó không đáng một xu, hoặc sẵn sàng chui đầu vào một nơi không phải của mình. May mà còn kịp rút chân nên chưa ngập sâu vào tứ đổ tường. Thầy ơi. Con quá lu bu.
            Từ khi Huy về Long Xuyên, cái hậu quả của việc này càng lúc càng đè nặng lên tôi. Tôi rất ngại tiếp xúc với những người ở Ty Thông Tin Văn Hoá. Thậm chí có những lúc anh ba phó ty nhờ làm việc này, việc khác. Tôi cũng phải cố gắng thực hiện sao cho thật nhanh, thật gọn và giới hạn tối đa sự tiếp xúc và luôn luôn tránh né mọi chuyện liên quan đến Huy, dù chỉ là một đôi lời nhắc nhớ. Huy, anh có hèn quá không? Nhắc tới Huy, tôi nao lòng nhưng cũng lấy làm lạ là tại sao tôi có thể viết thư cho Huy trong cái hoàn cảnh oái oăm này. Và rồi đã đến lúc thư từ giữa tôi và Huy càng lúc càng thưa dần. Hơn ai hết tôi hiểu rằng, chuyện này phải đi đến kết thúc như thế. Nhưng tôi cũng chợt hiểu ra là. Trong những người đi qua cuộc đời tôi thì Huy để lại cho tôi nhiều nuối tiếc. Mong rằng thời gian sẽ giúp tôi.
              Buồn bực vì cuộc sống có vẻ như đi vào ngỏ cụt. Có một thứ lực cản mà cái thân thể còm nhom của tôi vô phương vượt qua, trong khi cái việc vẽ thuê xem chừng như không khá. Nói tới việc vẽ thuê, ngẫm nghĩ mà buồn cười khi phải vẽ những bảng hiệu có nội dung đại khái như “cửa hàng củi Thanh Niên“, “quầy hàng thịt Phụ Nữ “. Ngữ nghĩa thì rõ ràng, nhưng đọc lên thì                Người ta muốn thay đổi tất tần tật, kể cả lời ăn tiếng nói; “Máy cày” thành “máy kéo”, “mã lực” thành “sức ngựa” “Quốc gia” thành “nhà nước”, “quốc kỳ” thành “cờ nước”, nhưng quốc ca thì không thể gọi là ca nước, “quân kỳ” không thể gọi là “cờ lính” nên đành thôi Nhưng cũng còn được đi. Nhưng “bảo đãm” không biết đổi ra sao thôi thì nói ngược lại thành “đãm bảo”. Nhưng ngộ một điều “khoảng cách” thì lại nói là “cự ly”, vượt trội thì gọi là “ưu việt”, “hiểu rõ” thì gọi là “quán triệt”… riết rồi có đôi khi tôi có cảm tưởng như là tôi đang là người của trăm năm trước. Rồi phiên âm tiếng nước ngoài thì lại càng không hiểu nổi. Mỗi người một kiểu, đọc muốn trẹo bảng họng mà chẳng hiểu cái giống gì. Đó gọi là làm trong sáng tiếng Việt. Thế nên mới lắm chuyện tréo ngoe. Thế là tôi phải “kíp yo dix-tan” (keep your distance) với mọi người chung quanh. Trong khi đó, mua một cái quần cụt, xếp hàng, mua dăm ký gạo, xếp hàng, mua một liều thuốc cảm, xếp hàng; Xin làm công nhân bốc xếp, sơ yếu lý lịch lính ngụy, loại; Đơn xin hành nghề chạy xe lôi, dành ưu tiên cho gia đình thương binh liệt sĩ (?) Cái này thì ngộ đây. Tóm lại, muốn mua thì xếp hàng dai, muốn có việc làm thì khai lý lịch khéo. Con đường duy nhất mà hầu hết bọn lính ngụy chúng tôi được làm là buôn đầu chợ, bán cuối chợ, nếu như không phải về nông thôn hoặc đi kinh tế mới. Một hình thái kinh tế không được chấp nhận trong cơ chế kinh tế xã hội chủ nghĩa? Mặc nhiên chúng tôi trở thành những kẻ sống bất hợp lý, hành nghề bất hợp pháp. Điều này tôi hiểu và tôi cố thoát khỏi nó, nhưng không được. Nhưng có một điều tôi không hiểu, chính nhờ cái thành phần này mà cuộc sống trở nên có ý nghĩa hơn, đỡ khó khăn hơn trong cuộc sống này, nó tồn tại như đã từng tồn tại trong suốt quá trình phát triển của loài người. Thế mà nó chỉ được xem như là một nghề bất hợp pháp. Tôi cũng biết có nhiều tên, rất nhiều tên vớ bở. Và những bọn này cũng như đa số những tên đeo băng đỏ của mấy ngày đầu giải phóng được Lénin gọi là bọn cơ hội chủ nghĩa. Nếu tôi biết dựa dẫm vào đâu đó, tức là chớp lấy cơ hội, thì chắc là cuộc sống của tôi có đỡ hơn. Nhưng cái đầu cứng ngắc của tôi lại không nghĩ ra được. Nạn buôn bán bất hợp pháp trở thành một bước đệm cho cho tình trạng bùng nổ buôn lậu sau này. Thực ra thì có buôn lậu gì đâu? Mang một lượng hàng nào đó từ xã này qua xã khác là buôn lậu rồi. Và để ngăn chận nó, thay vì chấp nhận và kiểm soát nó, thì chính quyền mới tăng cường mọi biện pháp ngăn sông cấm chợ. Đẩy mọi đơn vị hành chánh đến gần sát cái chỗ trở thành một đơn vị hành chính thành một đơn vị kinh tế tự cung, tự cấp. Hệ thống thương nghiệp quốc doanh không đủ sức hoàn thành nhiệm vụ lưu thông, trao đổi hàng hóa. Chẳng những thế mà còn bị những tác động này khác làm cho nó càng lúc càng trở nên trì trệ. Không cung cấp cho được cho xã hội cái xã hội cần, mà bán ra những cái mà mình có. Chế độ tem phiếu bắt đầu hình thành nhưng cũng không giải quyết được gì? Mà còn tạo ra không biết cơ man nào cơ hội cho đám người ba trợn. Đã có những tín hiệu thiếu thốn lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng. Nhưng có lẽ cái đáng quan ngại nhất là thiếu tư liệu sản xuất, vật tư, nguyên liệu. Trong khi đó thì các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp đều là quốc doanh, luôn luôn kêu gọi phải sản xuất, sản xuất thật nhiều và bán chẳng được bao nhiêu vì những hàng hóa sản xuất ra chất lượng kém. Đó là chưa kể túi tiền của người mua thì lép kẹp.
             Có một điều làm cho tôi cảm thấy lạ lùng. Khi được các cơ quan giao cho một việc gì đó để làm. Tôi ngây thơ đến lạ, là bao giờ cũng xin một cái giấy giới thiệu đến cửa hàng công nghệ phẩm để mua vật tư. Nhưng khi đến mua; nếu có thì không đúng yêu cầu, nhưng thường là không có. Rốt cục, thì đi mua chợ trời, đủ thứ thập vật binh tàn, thứ gì cũng có. Nhưng mua ở đó thì hai con mắt, một con nhìn trước, một con ngó sau. Nếu không thế thì có ngày bị tóm. Tôi không hiểu gì cả ngoài một việc là phải mua cho được và làm cho xong. Cũng có đôi khi cái mác lính ngụy có vẻ đắc dụng đến độ có một số cán bộ nhờ mua dùm những món đồ đại loại như một cái radio cassette, cái đồng Seiko, Orient hai ba cửa sổ hay một hiệu thuốc tây đặc trị nào đó như đã từng mua cho ông cậu họ. Thậm chí còn được nhờ mua cả xe Honda. Mà tôi thì lơ mơ, ngờ nghệch chuyện bán buôn, nên cũng chẳng ra cơm cháo gì.
             Trong khi đó tình hình trật tự an toàn xã hội trong những ngày đầu mới giải phóng tốt đi một cách không ngờ. Không còn mãi dâm, không còn trộm cắp, du côn, du đảng. Không còn xì ke ma túy. Không còn thầy pháp thầy bùa, ông lên bà xuống. Không còn cho vay nặng lãi không còn cờ bạc số đề số đuôi. Tất cả mọi cái lu bu ấy bị cái hào quang và tính chuyên chế của chính quyền mới bóp chết một cách không thương tiếc. Điều này làm cho cảm giác về cuộc cách mạng xã hội đang đi vào cụ thể. Là một người từng tham gia công tác bảo vệ trật tự an toàn xã hội trong chính quyền cũ, tôi có một cái nhìn khá lạc quan. Nhưng dần dà tôi cảm thấy bị hụt hẩng. Trộm cắp, xì ke ma túy, cờ bạc, mãi dâm bắt đầu trổi dậy mà chiều hướng xem ra có vẻ phức tạp hơn. Chính quyền mới với những động thái mạnh mẽ ban đầu đang gặp phải quá nhiều khó khăn từ nhiều phía. Nhưng chủ yếu là từ năng lực, phẩm chất của cán bộ chưa đủ để thích nghi. Ngoài ra, còn có một điều cần phải nói đến là tư tưởng hưởng thụ, công thần trổi dậy cộng thêm cái tình cảm về tình đồng chí sống chết có nhau đã làm giảm rất nhiều tính kiên quyết. Ấy vậy, nhưng mỗi khi nói về những tệ nạn xã hội thì Nó đấy, nó là tàn dư của chế độ cũ còn sót lại. Ôi những thứ bầy hầy sao mà sống dai đến thế nhỉ? Nó đang hủ hóa cán bộ ta. Ôi. Cán bộ coi vậy mà cũng dễ hủ hóa ghê nhỉ? .
               Khi chiến tranh đã chấm dứt, những con người hàng ngày đối diện với chết chóc, đau thương, ai mà không mong muốn có một cuộc sống khá hơn trong cuộc sống hòa bình. Hầu hết mọi người đã làm việc cật lực. Nhưng đã hơn hai năm rồi, chẳng những không khá hơn mà càng lúc mọi việc càng xấu đi. Quan hệ xã hội phân hóa vì định kiến hận thù, quan hệ sản xuất không phát huy được trong điều kiện hòa bình vì những chủ trương, chính sách sai lầm, thậm chí ngu dốt và có những biểu hiện của nạn đói. Là một công dân hạng ba tôi không điều kiện để thấu hiểu mọi việc. Nhưng qua cuộc sống hàng ngày của mình. Những dự cảm của tôi dần dần trở thành hiện thực. Trong khi hầu hết những người tôi quen biết, đang đồn hết sức lực hăm hỡ ra đi, thì tôi cứ thản nhiên bước tà tà càng ngày, càng sâu vào khốn khó. Và những bước chân này đã buộc tôi phải trả giá, và chỉ riêng tôi cảm nhận chớ không thể chia sẻ cùng ai.

Những định kiến về chính trị đối với những người có dính dáng đến chế độ cũ và thân nhân của họ càng lúc càng được củng cố mạnh mẽ, làm cho tư tưởng tìm miền đất hứa càng lúc, càng lớn lên, đẩy hàng loạt người tìm cách vượt biên. Nó lây lan sang những người không dính dáng gì với chế độ cũ và cả một số viên chức chính quyền mới. Trong khi đó thì tôi vẫn mơ màng trong những khó khăn của mình. Tôi không thể hay không đủ sức để quyết định bất cứ điều gì cho bản thân mình. Kể cả cái tư tưởng “mọi cái rồi sẽ qua đi“ cũng không còn chỗ đứng dù rằng đôi khi tôi vẫn nói. Tất cả mù mịt đối với tôi.
              Trong khi đó. Bản thân tôi hàng ngày tiếp xúc với khá nhiều cán bộ của chế độ mới vì lý do công việc. Họ cư xử với tôi khá thân tình, nhưng phía sau sự thân tình đó là một sự cảnh giác. Trong điều kiện của tôi, tôi cũng thế vì an toàn cho bản thân. Chính điều này đã làm cho cái quan hệ ấy có một điều gì đó khập khiểng. Không biết họ nghĩ gì về thái độ của tôi, những người như tôi. Nhưng về phía tôi, tôi cho là mình cư xử với họ như thế là một điều không nên, như là một sự lừa dối, nhưng nếu làm khác hơn thì tôi không biết phải làm gì? Bởi vì có đôi lúc, một vài người hỏi tôi nghĩ gì về chế độ mới. Tôi bậm gan trả lời là tốt và tỏ rõ thái độ tô hồng mà mặt mày thì sượng ngắc, lòng dạ thì nhộn nhạo. Một đôi khi tôi cũng nhận ở họ một số giúp đỡ về vật chất. Nhưng công khai thì tôi nhận, nhưng xét thấy có điều gì đó không ổn thì tôi khéo léo chối từ. Do đó, sự khốn khó càng lúc càng đầy thêm.
               Một đôi khi bình tỉnh lại, tôi cố nhớ lại những cảm giác đẹp, mà đôi khi tôi có được, trong quảng thời gian khốn khó này để cố nặn ra đôi giòng. Ví dụ như cái cảm giác không còn chiến tranh. Ví dụ như một ngày về quê, băng qua một cánh đồng cỏ mà không sợ một viên đạn bắn sẻ. Ví dụ như chèo ghe trên sông Cái Lớn vào những đêm trăng mà không lo ăn đạn. Ví dụ như Ví dụ như Nhưng cũng không thể. Cái có thể là những bài thơ tình tôi viết cho Huy thì làm cho tôi tan tác. Cố gắng, việc này làm cho tôi kiệt quệ ý tưởng, rồi dẫn tôi đến nơi không còn nghĩ tới việc viết lách nữa. Hết rồi sao? Ôi. Những cái ví dụ rất dễ làm để có cái mà mộng mơ chơi. Ấy vậy mà vẫn mù mù mịt mịt. Mãi rất lâu sau này tôi mới hiểu tại sao tôi không viết được. Không có một niềm tin nào vào tương lai, không ai viết được một điều gì. Hơn thế nữa, không ai làm được một điều gì.
            Cuộc sống của vợ chồng tôi gặp rắc rối. Bản thân tôi là một tên lơ mơ về tiền bạc. Khi mà nguồn thu nhập là đồng lương không còn nữa, bản thân thì bữa đói bữa no. Vợ tôi thì đi làm cho hảng tôm đông lạnh quốc doanh có khi cả tuần mới về nhà. Những mâu thuẩn và khác biệt về tính cách bắt đầu lộ dần ra khi mà ông nội  đã mất và ba mẹ tôi không ở gần. Những uy lực ấy không còn để  trấn áp. Nên chúng tôi thường xuyên xung khắc. Tôi có linh cảm cuộc hôn nhân của chúng tôi thất bại, những ràng buộc về con cái thì lại không có. Những khi tôi đặt vấn đề này ra thì nhận được ở cô ấy một sự phản đối gay gắt với những lập luận mà một tay lý sự như tôi phải câm họng. Và những khi thất trận như vậy là tôi đành đi nhậu, nếu như có tiền.

            Không hiểu cái gì xui tôi về Cái Mới Lớn, ngôi nhà cũ không còn bề thế như ngày tôi còn bé, nhưng cũng mất đi cái dáng vẻ của ngày đám tang ông nội, nó có sinh khí hơn, ba mẹ tôi đã già đi nhiều, những đứa em tôi đen nhẻm, cô út nhà tôi thấy anh hai vào, cười tít mắt, đã mười chín tuổi rồi, nhưng cái vẻ phương phi của con gái hình như đã bị những cực khổ của ruộng đồng làm vơi đi phần nào, nhưng bù lại thì những nét rắn rỏi làm cho cô út chững chạc hơn, cô sáu thì càng ngày càng to ra, nói chung là cả nhà thay đổi, đúng thôi mà. Tôi đến thắp nhang cho nội, đôi mắt sáng quắc trên di ảnh như mờ đi, tôi nghe nhói trong lòng.
          Thắp nhang cho nội xong, ba tôi gọi tôi đến, hai cha con ngồi ngoài hàng ba, ông nhìn ra đường và nói với tôi:
           - Con lúc này ra sao rồi? Vợ con có đi làm không?
         - Cũng vẫn vậy thôi ba. Nhưng cuộc sống càng lúc càng khó khăn hơn. Con tính về trong này, ba nghĩ sao ?
         - Ba cũng không biết nữa, thằng Ngọc không biết bao giờ về, ba tính cưới vợ cho thằng Nam.
           Tôi định nói cái gì đó nhưng rồi nín thinh, một lúc sau ba tôi lên tiếng:
          - Cái tâm trạng của tụi bây thì ba đã trải qua rồi. Những năm mới tập kết, ba cảm thấy rất khó khăn. Không có một nơi nào an toàn cho mình cả. Phải một thời gian rất lâu ba mới có thể quen dần, nhưng rồi không bao lâu, ba lại phải đối diện với các đồng chí cũ của mình hay nói đúng hơn là với mặc cảm của mình. Nhưng rồi mọi việc cũng qua. Không dễ dàng gì mà chấp nhận và thích nghi một cách nhanh chóng đâu con? Nếu muốn về đây thì để ba thu xếp. Nhưng ba lo là tính khí của con khó lòng mà sống trong này.
            Lại một lần nữa tôi nín thinh. Ở một nơi mà những điều tiếng thị phi nhiều gấp trăm lần thời gian rãnh rỗi, thì quả tình cái tính khí ngang ngạnh của tôi khó lòng mà sống yên ổn. Hơn thế nữa cái quá khứ cò bót kiêm con cháu địa chủ của tôi luôn luôn là đích nhắm của mọi người. Dù tôi biết rằng không phải ai cũng đều làm như vậy. Nhưng chỉ một số ít thôi cũng đủ mệt. Cuối cùng rồi tôi cũng nói với ba tôi:
           - Thôi. Ba nói vậy con không về nữa. Nhưng còn có việc này con muốn nói với ba là cái nhà ở ngoài chợ. Nếu ba thấy là cần về ở hẳn trong này luôn thì ba coi bán nó đi, để ba mẹ có một ít vốn liếng làm ăn.
Ông nhìn tôi :
            - Rồi vợ chồng mày ở đâu ?
            Tôi nói liều :
            - Vợ chồng không con ở đâu mà chẳng được, cùng lắm con đi thanh niên xung phong. Ít ra cũng có cái mà ăn, với lại không ai dòm ngó.
           Bây giờ đến lượt ba tôi nín thinh, những gì tôi nói dù rằng hơi liều, nhưng ít ra nó cũng có một cái gì đó có thể được. Ngồi với ba tôi một lát rồi tôi đứng dậy bước ra đường thả dọc theo xóm, ghé thăm người này dăm phút, người kia dăm phút. Tất cả đều đón tiếp tôi với thái độ chừng mực, e dè. Nhưng tôi biết cái họ không thể nói với tôi mới là chân thực nhất. Cho dù những cái đó có làm phật lòng tôi hay làm nhẹ lòng tôi. Lại một lần nữa tôi trở lại nơi chôn nhau cắt rốn của mình với một tâm trạng dè chừng. Dù chiến tranh thì đã hết rồi. Nhưng những vết hằn của năm tháng chiến tranh thì biết đến bao giờ mới xoá nhòa đi.
           Tôi xuống xóm, vào quán café, tất cả mọi người thì vẫn như xưa, quen biết cả, anh em giòng họ không mà, có xa lạ gì đâu. Dượng bảy vẫn bán café và kiêm luôn hớt tóc, thấy tôi ông nói:
             - Mới về hả mậy. Uống café nghe.
             - Thưa, cháu mới về. Dượng cho café đen.
             - Thôi café đá đi, café đen pha đường thẻ xay, chua lét.
          - Kệ nó dượng ơi. Đời có khi ngọt khi chua, mình làm sao chọn được mà chê khen hả  dượng.
             Có tiếng ai đó vang lên
             - Vẫn cái kiểu nói móc họng, tới giờ này vẫn không bỏ.
            Tôi quay lại. À cái ông em họ của buổi sáng hôm nào, tôi cười cười:
             - Tật mà chú, chớ có bệnh đâu mà chữa được. Chú lúc này sao rồi, giờ công tác ở đâu?
             - Thì nhân dân giao phó cái gì, làm cái đó. Anh thấy đấy, tôi bây giờ sống không còn e dè một thứ gì? Đất nước độc lập rồi, đâu còn phải lòn cúi, sợ sệt gì ai.
            Tôi kê liền tức khắc
            - Thì ra cũng có một vài lần chú phải cúi lòn, sợ sệt à. Cũng may cho tôi. Tôi chưa bao giờ phải như thế.
            Nghe tôi nói cả quán đang ồn ào bổng lặng thinh. Dượng bảy đem cho tôi ly café đen, vừa để xuống ông vừa gằn giọng nói nhỏ :
            - Mày vừa thôi nghe, chua ngọt cho đúng lúc nghe con.
           Tôi cười cười nhìn ông, khuấy nhẹ vài cái, nâng ly café hớp một ngụm. Tôi nghe nhói trong lòng, dượng Bảy chắc đã vét muỗng đường cát cuối cùng tống vào ly café. Tôi ngước mắt nhìn ông, cảm ơn dượng, không có một lời an ủi nào tuyệt vời hơn, vị ngọt này đây con mang theo suốt cuộc đời.
          - Ê. Hiền về hồi nào mậy. Tôi quay lại:
           - Dạ. Bác Chín, con mới về.
           - Nghe nói mày làm ở công an tỉnh à.
            - Dạ chuyển về Thông Tin Văn Hóa lâu rồi bác. Tôi nói lấp lửng
            - Ừ cũng được. Mày làm ở đó phải hơn chớ.
           Bác Chín Phước, đồng chí của ba tôi thời chín năm, sau Hiệp Định Genève  thì tù đày, rồi con cái, người tập kết, người theo quốc gia, người theo Việt Cộng. Tàn cuộc chiến tranh, con ông: Một hy sinh; Một bị trừng trị. Bây giờ tuổi già, sức yếu, ông nhìn thời cuộc bằng cặp mắt khá xét nét, khắc khe. Chính quyền mới ở xã không thích ông, thậm chí không ưa nữa là khác, nhưng cũng chẳng dám làm gì ông, còn ông thì hể có dịp là cứ phang tới tấp. Sự mâu thuẩn giữa họ và ông tôi chỉ biết là có, nhưng tại sao thì tôi không hiểu được. Ông không ngồi chung bàn với tôi. Nhưng vẫn nói chuyện với tôi và tôi bị cuốn theo sự tung hứng của ông. Tôi biết, qua câu chuyện ông đang hù những ai đó có ý định làm khó dễ tôi. Cám ơn bác Chín. Không sao đâu, mọi việc rồi sẽ qua thôi mà.
             Ông em họ của tôi không còn ý kiến gì nữa. Đối với chú ấy, tôi bổng dưng cảm thấy mình có lỗi. Thực ra, chú ấy và tôi cũng như những người khác là giọt máu bị chia lià. Dù rằng anh em chúng ta đốp chát nhau, làm đủ mọi điều tệ hại cho nhau. Nhưng có lẽ trong sâu thẳm của lòng mình thì cả chú ấy lẫn tôi không thể nào quên một cái thực tế rất hiển nhiên. Chúng tôi là anh em. Vâng chúng mình là anh em. Tôi thấu hiểu điều đó nên tôi không ra đi. Dù rằng trước nhất là vì gia đình tôi, nhưng sau đó chính là cái quê hương nhỏ xíu này. Nếu như ở đây mà không có giòng họ xa, láng giềng gần liệu nó có trở thành quê hương không. Tôi không nói điều tôi nghĩ với ai. Bởi vì nói ra trong hoàn cảnh này, tôi sẽ trở thành một thằng xạo sự. Nhưng tôi biết rằng những gì tôi nghĩ, nếu chú ấy hiểu được, chú ấy sẽ thông cảm cho tôi và tôi cũng biết những suy nghĩ không phải chỉ nảy ra trong tôi mà trong tất cả mọi người. Còn những khó khăn cho riêng tôi hiện giờ ư? Dễ thôi. Mọi việc rồi sẽ xảy ra theo cái cách của nó.
             Những ưu ái, quan tâm của dượng bảy Hiệp, của bác chín Phước dành cho tôi, một lần nữa minh chứng cho cái quan niệm phù suy không phù thịnh. Chính quan niệm rất nhân bản vì đầy tính hỗ tương này. Đã làm cho đất nước này và những con người sống trên ấy tồn tại. Chẳng cần biết ai đúng ai sai, miễn thấy kẻ cô thế, cùng đường thì đưa tay ra giúp đỡ, có biết bao nhiêu người lính bên này, bên kia thoát chết trong đường tơ kẻ tóc nhờ thái độ này và những người có thái độ đó cũng không thèm nghĩ tới cái hậu quả không tốt đẹp lắm dành cho mình. Tôi nhớ đến ông lão cho chúng tôi lò than và bữa cơm đạm bạc trong đêm vượt sông. Bao nhiêu lần định tìm để nói tiếng cám ơn, nhưng nhiều lý do này khác đã làm tôi trở thành kẻ vong ân. Trong chiến tranh điều này đã xảy ra ở khắp mọi nơi, mọi lúc. Mà người trong cuộc thì vì một lý do nào đó chỉ đôi khi nhớ mà lắm khi quên. Nhưng có hề gì, người giúp thì đã làm xong một việc làm cho họ an lòng, còn người được giúp thì cũng hiểu ra được một điều là mình cần phải sống sao cho có một cái tình. Cám ơn cái quê hương nhỏ xíu của tôi.
            - Phải chi thì thằng Tám nó còn sống Bác Chín cắt đứt giòng suy nghĩ của tôi bằng ngậm ngùi. Tôi nhìn ông, nói mà gần như không biết mình nói gì:
            - Thằng Tám có vợ con gì không bác ?
            - Có một đứa con, nhưng vợ nó cũng chết rồi, thằng nhỏ thì ngoại nó nuôi. Bác gái mày có đi xin lại, nhưng bả hổng cho. Bả nghèo rớt mồng tơi, mà tao thì cũng chẳng khá hơn gì?
            - Thôi. Hơi nào bác buồn, mọi việc rồi cũng qua thôi.
            - Ừ. Mọi người rồi ai cũng chết thôi. Ông phán một câu nghe đến là ngậm ngùi.
            Tôi hỏi thăm bác về gia đình. Ông trả lời nhát gừng. Anh ba, người con trai trưởng của ông tập kết về. Người con thứ tư đi quân dịch chế độ Sài Gòn chết. Mừng người về đoàn tụ, nụ cười không trọn, vì những giọt nước mắt khóc người đã chết chợt rơi. Trong cái làng quê nhỏ xíu này đã có bao nhiêu gia đình như thế? Và trên cả đất nước này có bao nhiêu gia đình như thế? Tại sao lại thế? Hỏi trời thì trời nín thinh, hỏi người thì người thở dài. Những tiếng thở dài làm không gian như quánh lại. Và bao nhiêu ông cha bà mẹ đã dội ngược nước mắt vào lòng?
           Lan man một hồi tới việc ruộng nương. Ông tức tốc mở ngay máy nói, hết phê phán về chính sách ruộng đất, về hợp tác xã, tập đoàn sản xuất, rồi về thuế má tất cả mọi thứ ông không hài lòng một điều gì. Cuối cùng ông phán một câu xanh dờn:
           - Làm ruộng cái kiểu cha chung không ai khóc này sớm hay muộn gì cũng thành trâu hết, mày biết tại sao không? Không biết hả? Nè không thành trâu để ăn cỏ thì lấy cứt gì ăn, tao nói thiệt mày nghe. Tao mà tao thấy mấy thằng cán bộ ra thăm đồng là tao muốn trào máu họng.
             Ông nói càng lúc càng to, càng giận dữ. Thấy tình hình coi bộ không êm, tôi thừa cơ chen vào :
           - Bác Chín à. Đất nước vừa hết chiến tranh, những hậu quả còn sót lại rất nặng nề. Không phải là một ngày một bữa mà giải quyết rốt ráo hết đâu ? Với lại năng lực của cán bộ còn rất hạn chế. Thủng thẳng rồi mọi việc cũng đâu vào đó thôi.
            Ông trợn mắt nhìn tôi:
            - Mày coi bộ cũng đỡ lắm à nghe. Tao nói cho mày biết. Bao nhiêu thằng cán bộ của chính quyền cũ, thằng thì đi cải tạo, thằng đi vượt biên. Những thằng như mày nè. Có ai xài? Tao thì tao xài tuốt. Tao đố thằng nào trong bọn mày mà dám ọ ẹ. Hòa hợp, hòa giải thì hòa hợp hoà giải cho đúng cách. Miễn ngụy quân, ngụy quyền thì không xài. Mày biết trong chính quyền cũ có bao nhiêu thằng kỷ sư, bác sĩ, bao nhiêu cử nhân, tú tài không? Vô thiên lủng. Mày biết đào tạo tụi nó tốn bao nhiêu tiền không? Mày về mày hỏi ba mày. Chú Tư nói cho mày nghe. Ba má mày làm tróc da lưng, phỏng da trán nuôi cho anh em bây ăn học. Để mong tụi bây sống đàng hoàng có ích. Rồi bây giờ như vậy đó. Để cho thằng Mỹ nó xài. Chiến lợi phẩm của mình mà mình không biết hưởng.
            Tôi hết hồn, lần này tôi hoảng thật :
            - Thôi bác chín. Mọi việc rồi sẽ qua thôi mà.
            Ông lừ mắt nhìn tôi :
           - Mày “mọi việc sẽ qua“ tự nãy giờ mấy lần rồi mậy. Nè tao khoái ba mày. Tao kể cho mày nghe. Mày biết thằng cha sáu Rờ không ?
              - Dạ biết chớ bác Chín .
            - Ừ thằng chả. Một bầy con, dốt sạch. Lớn lên đứa nào cho chăn trâu, ở đợ đứa đó. Đã vậy còn dè bỉu ba mầy “ Vợ chồng Tư Hưng, làm tróc da phỏng trán cho con ăn học tính làm ông làm cha thiên hạ. Ai dè giải phóng cái rẹt, cả bầy con đi cải tạo hơn phân nữa “. Rồi mới đây thôi, xách miếng giấy lên nhờ con nhỏ em mày viết đơn xin xay gạo. Khi viết xong ba mày kêu nó đếm chữ, tính tiền. Ba mày nói là hồi đó ba mày làm tróc da phỏng trán mới nuôi nó học cho biết chữ. Bây giờ là lúc thu lại. Thằng chả nổi quạu, phủi đít về cái rẹt. Báo hại ba mày phải xách cái đơn xuống tận nhà cho thằng chả. Ba mày, chớ tao hả? Còn lâu.
               Cả quán cười rần rần. Nhưng tôi cười không nổi.
             Cái quê hương nhỏ xíu của tôi như thế đó. Mọi người nhẵn mặt nhau từ lúc mới sinh ra cho tới chết. Thương yêu, đùm bọc nhau cũng lắm, nhưng hơn thua từng chút cũng không ít ỏi gì. Ba tôi tính tình vốn hiếu hòa nhưng đôi lúc cũng bực dọc. Rồi ăn miếng trả miếng tận tình. Cũng may là ông vốn hiền lành nên chỉ tới cái mức kê qua kê bằng những lời nửa đùa, nửa thật. Các anh em tôi giống tính ba, nhưng cái khoản này xem ra vượt trội. Nên cái việc tôi về đây ở coi bộ không ổn lắm.
            Hôm sau tôi ở lại sửa cho ba tôi chiếc xuồng, tôi không ngờ đây là công việc cuối cùng trong số công việc ít ỏi mà tôi giúp ba tôi. Buổi chiều tôi không đi uống café mà ngồi nhà nghĩ ngợi lung tung, rồi ngồi nói chuyện với thằng em thứ năm. Câu chuyện giữa hai anh em không có gì, nhưng ba tôi có vẻ không hài lòng. Ông rất sợ là một trong những anh em tôi có đứa nào đó vượt biên. Sự yên tâm duy nhất mà ông có được là khi nhìn thấy chúng tôi trong tầm mắt của mình. Đã một đôi lần tôi tỏ thái độ không đồng tình và tôi nhận được ở ông sự giận dữ. Tôi lấy làm kỳ quặc, nhưng sau này, rất lâu. Khi có con, tôi mới hiểu.
              Tôi nhìn qua bên kia sông, mảnh vườn nhà của Bác Tư Ù đã có ai đó ở. Tôi muốn hỏi ba tôi. Nhưng không hiểu sao rồi lại thôi. Tôi nghe người này người khác nói. Cô bé ấy đã lập gia đình, chồng là một chủ tịch xã. Nhưng không hiểu sao mà cả hai đã vượt biên. Bây giờ ra sao nhỉ? Tới nơi không? Nếu tới họ sống ra sao nơi đất khách quê người. Ơ mà. Tại sao tôi lại không lo cho mình nhỉ? Tôi đang bữa đói, nữa no và cũng lắm bữa chẳng có gì? Ôi hai bao lúa và cái dáng người khỏe khoắn, mập mập, tròn tròn.
               Tôi chợt nhớ lại, tôi vào đã hai hôm mà không thấy hai cô em gái. Tôi hỏi mẹ tôi:
              - Má. Hai con nhóc này đi đâu mà mấy bữa nay con không thấy?
            - Nó đi xay gạo ở Đường Xuồng. Bây giờ như vậy đó con, lúa làm xong vô bồ, cán bộ nông nghiệp đến đo rồi tính ra gịa, muốn xay gạo ăn phải làm đơn xin phép. Rồi chở qua nhà máy ăn dầm nằm dề ba bốn ngày mới xay được.
             Tôi thực sự hoảng. Một cơn giận dữ trào lên trong lòng. Mấy cha nội này làm ăn cái kiểu gì mà kỳ cục vậy. Là chủ trương chung hay chỉ là cục bộ. Có trời mà biết. Nhưng mà trời thì có nói gì đâu? Khi bình tĩnh lại bổng nhiên tôi nhớ lại một truyện ngắn của Bình Nguyên Lộc mà trong đó ông nói lại cái tâm trạng của một ông già làm nghề đóng cối xay lúa. Ông cứ ưu tư vì sợ cái nghề mình bị thất truyền. Rồi khi chiến tranh hay lúc tài nguyên xăng dầu cạn kiệt. Các nhà máy xay lúa không hoạt động thì thiên hạ phải làm sao mà biến lúa thành gạo để ăn. Nhưng hiện tại thì chiến tranh đã hết rồi, xăng dầu thì còn có đó. Nhưng tình hình này chắc phải đóng cối xay thôi. Nhưng mà ai đóng. Liệu khi có cối xay rồi, có được tự do xay hay phải xin phép. Ông Bình Nguyên Lộc ơi là ông Bình Nguyên Lộc[vi]. Ông là bác sĩ, là nhà văn hay là ông thầy bói.





[i] Loại súng ngắn do Mỹ sản xuất, ổ đạn hình trái khế, mỗi lần nạp được 6 viên đạn. Được trang bị cho lực lượng CSQG (chính quyền Sài Gòn)
[ii] Loại hỏa tiển chống tăng cầm tay do Mỹ sản xuất. Chỉ sử dụng một lần.
           [iii] Toàn bộ có ba tập, mới dịch và in ở Việt Nam được hai.
[iv] Hiệu xe hơi đầu tiên sản xuất tại Việt Nam do hãng Citroen của Pháp đầu tư.
[v] Ca khúc Buổi chiều trên Phá Tam Giang. Không nhớ tên tác giả
[vi] Tên thật là Tô văn Tuấn (1914-1988)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét